Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Khóc Thầm - Hồ Biểu Chánh

Khóc thầm

Hồ Biểu Chánh

I  - Khách lạ đến nhà

“Em ơi, em! Huệ với lài bữa nay trổ bông hết, thiệt là đẹp ra đây coi chơi, em!”

Ấy là mấy lời của một cô mỹ nữ, mới mười chín tuổi tên là Ðoàn Thu Hà, lối bốn giờ chiều, đứng giữa vườn hoa trước nhà, kêu mà nói với em trai Ðoàn Công Cẩn.

            Công Cẩn đã được mười lăm tuổi rồi, nhưng vì trò nhỏ xương, nhỏ vóc nên người không quen biết, ai thấy trò cũng tưởng trò chừng lối mười ba tuổi mà thôi. Trò chống tay đứng dựa lan can trước cửa, đương nhịp chân hút gió, bỗng nghe chị kêu, liền day qua ngó chị mà cười, rồi thủng thẳng bước xuống thềm đi ra sân.

Thu Hà với Công Cẩn là con của thầy Hội đồng Ðoàn Công Chánh ở Mỹ Thạnh, nhà cất dựa đường Thốt Nốt đi Long Xuyên, Thu Hà học trường Nữ học đường trên Sài Gòn, hôm tháng trước thi đậu luôn hai khoa, lấy được Diplôme và Brevet Élémentaire. Còn Công Cẩn thì học trường Chasseloup Laubat, đã được một năm thứ nhứt rồi. Vì chị đã thi đậu rồi, em lại gặp dịp bãi trường nên chị em dắt nhau về nhà mấy tuần nay mà vui chơi với cha mẹ.

Trời chiều man mác, ngọn gió lao rao. Trong vườn hoa, đầu này bông phấn khoe màu nâu, đầu kia lài khoe màu trắng, bông nâu coi thiệt đẹp mà bông trắng coi càng xinh. Ðã vậy mà tại cửa ngõ có xẻ hai bên hai cái đường nhỏ chạy dài vô sân rồi giáp nhau ở trước thềm nhà. Dọc theo hai đường ấy, một mé thì trồng lan, một mé thì trồng huệ đều trổ bông, nên ngồi trong nhà ngó ra thì thấy mỗi bên một lằn đỏ lòm đối với một lằn trắng nõn.

Tuy cái sân của thầy Hội đồng Chánh kêu là vườn hoa, nhưng mà vườn hoa khác trong Nam Việt, nghĩa là có trồng bông, mà cũng có trồng cây trái nhiều thứ nữa. Trước thềm nhà có để hai hàng đôn[1] trên mỗi cái đều có một chậu kiểng, kim quýt, sơn tùng, cần lăng, bùm sụm, bụi thì uốn nhánh kỳ khôi, bụi thì tỉa lá yểu điệu. Hai bên thì cam mật, quýt đường trồng ngay hàng, nhánh lá sum sê, mà bông trái chưa trổ. Phía ngoài thì lý trồng xen với mận dày bịt, lại thêm trồng một hàng rào bằng bông lồng đèn[2], nên hễ đóng chặt cửa ngõ rồi, thì người đi ngoài đường không thấy trong vườn được.

            Thu Hà mình mặc áo tím quần trắng, chơn mang giày nhung xanh, tay trái đeo một chiếc huyền[3], tay mặt đeo một chiếc vàng hột xoàn, tai đeo một đôi bông cũng nhận hột xoàn, cổ đeo một sợi dây chuyền nhỏ, tuy không có trang điểm như mấy con gái nhà giàu có học kia, nhưng cô vừa có sắc vừa có đức, lại thêm có vẻ thiện chơn, nên gương mặt coi vừa nghiêm trang vừa thanh lịch, ít cô gái nào bì kịp.

Cô nắm chùm bông huệ rồi cô cúi xuống, kê mặt vô mà hửi, bàn tay cô dịu nhiểu, da mặt cô trắng ngần. Bông kề mặt cô bông lúc lắc oặt òa, còn cô hửi bông rồi, cô vừa lòng nên cô cười chúm chím. Cô thấy Công Cẩn ra gần tới, cô buông chùm bông ra mà nói:

-         Bông tốt mà lại thơm quá.

Công Cẩn cười và đáp rằng:

-         Chắc là bông nghe chị thi đậu, nên rủ nhau nở hết thảy đặng mừng chị đó đa chị Hai.

Thu Hà liền trả lời rằng:

-         Em nói đó có lẽ phải đa. Thuở nay chị thương bông lắm, hễ bãi trường ở nhà chị vô phân tưới nước cho nó hoài, nay chị thi đậu tự nhiên nó phải mừng chị chớ.

Thu Hà nói và cười, núng hai bên gò má hai đồng tiền, bày hai hàm răng trắng trong và khít rịt, mắt ngó thiệt là có đức, miệng nói thiệt là có duyên. Ðã vậy mà lại thêm gió phất cái áo tím mỏng của cô bó sát trong mình, làm cho thấy rõ cái vóc của cô yểu điệu thanh tao, rồi bay hai lai quần lên, làm cho lòi hai bàn chơn no vun, bày hai cườm chơn tròn no và trắng nõn.

Vì Công Cẩn là em, nên trò không thấy dung nhan tuấn tú của chị, lại trò còn khờ, nghe chị nói chơi như vậy, trò không biết lời chi mà đối đáp, trò mới lựa một chùm bông huệ nở đều, trò nắm mà hửi rồi bỏ đi tới. Thu Hà đi theo sau, gió phất mái tóc làm cho năm ba sợi phủ xuống mặt, cô lấy tay mà vén, ngón tay dịu dàng, đầu tóc đen mướt.

Hai chị em đi tới đám bông lài, bèn đứng lại mà trầm trồ. Công Cẩn với tay ngắt một bông. Thu Hà la lên rằng:

-         Ý! Ðừng có hái, em. Ðừng có hái, hái chi vậy? Uổng quá.

Công Cẩn hửi bông rồi trao lại cho chị, Thu Hà lấy bông lại cầm mà coi, sắc mặt buồn hiu, mà nét buồn coi còn xinh đẹp hơn hồi nãy nữa. Cô ngó cái bông rồi trách em rằng:

-         Bông tốt như vậy mà em hái chi vậy. Chị tiếc quá. Ðừng có hái nữa nghe hôn em.

Công Cẩn gật đầu cười và nói rằng:

-         Chị không cho tôi hái bông, để tôi kiếm trái lý ăn chơi.

Trò nói dứt lời thì bươn bả đi tới mấy cây lý. Thu Hà thủng thẳng đi theo em. Cô ngoái lại trong nhà rồi kêu em mà nói:

-         Có ba với má kia, em. Em hái đừng có làm gãy nhánh ba rầy đa.

            Vừa lúc ấy hai vợ chồng thầy Hội đồng Chánh đương bước xuống thềm mà ra sân. Ông Hương chủ Lung là chú ruột của thầy Hội đồng, nhà ở dưới phía Bò Ót, ông lên thăm hồi trưa, vì vợ chồng thầy Hội đồng cầm quá, nên ông phải ở lại chơi với cháu, ông cũng đi theo ra trước thềm mà hứng mát.

Thầy Hội đồng Ðoàn Công Chánh năm nay đã được bốn mươi lăm tuổi. Thầy gốc gác ở Mỹ Thạnh, cha mẹ khuất hết, trong thân tộc duy còn có một người chú là ông Hương chủ Lung đó mà thôi. Còn vợ là cô Lý Thị Cơ, nhỏ hơn thầy hai tuổi, vốn là con của một bà Cai tổng cựu ở dưới Ô Môn thuộc tỉnh Cần Thơ.

            Hai vợ chồng có danh giàu có và nhơn đức ở miệt Cái Sao, Cái Sắn. Cái danh ấy không phải là danh giả, bởi vì thầy Hội đồng đứng bộ hơn năm trăm mẫu điền hạng nhứt, mỗi năm thầy thâu huê lợi gần hai chục ngàn giạ lúa, mà vợ chồng thầy ở rộng rãi, tá điền, tá thổ đứa nào túng tiền hoặc là túng lúa thì thầy cho mượn chớ chẳng hề thầy chịu cho vay, còn trong làng trong xóm ai gặp hoạn nạn thì thầy cứu giúp cho hết thảy.

            Thầy Hội đồng Chánh không biết chữ Tây, mà thầy thông chữ Tàu; những sách Tàu gọi là tân thơ, thì chẳng có bộ nào trong nhà thầy không có. Lại các thứ tạp chí, nhựt báo quốc âm, thầy mua đủ hết, thứ hay cũng mua mà thứ dở cũng mua; thầy nói rằng nếu người ta nghị luận đúng thì mình phải biết mà khen, còn nếu người ta nghị luận sai thì mình cũng phải biết mà cãi chớ mình chê dở mà không đọc, thì mình có biết dở chỗ nào mà tránh.

            Vì thầy đọc tân thơ và nhựt báo nhiều, nên tuy thầy không học chữ Tây, song kiến thức của thầy cũng rộng rãi như người có học. Thiệt thầy không chịu can dự đến quốc sự, nhưng mà thầy tôn trọng quê hương, thầy yêu mến đồng chủng, lại thầy hay chăm nom những vấn đề thuộc về khai thông dân trí, hoặc bảo thủ lợi quyền cho người Việt Nam. Hội nào lập ra cũng có thầy hùn hết thảy. Có hội bị lỗ, nên tan rã, thầy mất hết vốn hùn mà thầy không giận, lại nói rằng: „Vạn sự khởi đầu nan; mới tập đi thì phải vấp té nhiều lần, rồi mới đi vững được chớ.“

            Thầy đã biết lo giúp đỡ, mà may lại được gặp một người vợ hiền. Mấy năm sau đây, thị Cơ mang lấy bịnh ho, thầy thuốc cấm lo đến việc nhà, chẳng làm chi; hồi trước cô còn mạnh mẽ, cô thế cho chồng mà xem xét trong nhà ra đến ngoài ruộng đi nữa, mà chồng làm việc chi, dầu tổn hao bao nhiêu cô cũng chẳng có một lời phiền trách. Cô Hội đồng thuộc về hạng đàn bà biết kính trọng chồng, biết trưởng chí[4] cho chồng, nên chẳng hề khi nào có ngăn trở việc của chồng làm. Mà thầy Hội đồng thuộc về hạng đàn ông thương yêu vợ, biết lo việc nhà, nên chẳng hề bao giờ thầy làm cho vợ buồn, mà cũng chẳng hề khi nào thầy để phạm danh giá.

            Vợ chồng sanh có một đứa con trai với một đứa con gái đó mà thôi. Lúc con còn nhỏ thì vợ chồng đã ước nguyện cho chúng nó ăn học cho đến cùng, đặng chúng nó đủ tư cách, đủ trí thức mà đảm đương với thế cuộc. Phận Thu Hà là gái nên học trong nước cũng đủ rồi, còn phận Công Cẩn là trai phải học cho cao mới được. Năm ngoái Công Cẩn thi lấy bằng sơ học xong rồi thì thầy Hội đồng Chánh muốn cho trò qua Tây mà học. Vì bởi thị Cơ than cô bịnh hoạn, lại con còn nhỏ quá, nên thầy Hội đồng sợ vợ buồn, mà phải dằn lòng để cho con học tập theo trí thức hạ lại như người.

            Mà cha mẹ biết lo lắng cho con, lại gặp con cũng biết làm vừa lòng cha mẹ. Thu Hà thuở nay cần cố[5] lắm, nên bây giờ mới thi đậu lấy luôn hai bằng cấp trong một năm. Còn Công Cẩn mới vào trường lớn năm đầu, mà hôm bãi trường được thưởng năm cuốn sách tốt.

            Về sự ăn học thì hai trẻ đã làm cho cha mẹ vui lòng rồi, mà về sự ăn ở thì chúng nó cũng làm vừa ý cha mẹ lắm. Công Cẩn còn nhỏ nên về nhà cứ lo chơi mà thôi, song cách chơi của trò thường êm thắm, thấy nguời lớn biết cung kính, thấy kẻ nghèo biết thương yêu chớ không phải vúc vắc[6] ngang tàng như con nhà giàu khác. Còn Thu Hà, cô đã nếm chút đỉnh mùi tân học, mà cô không chịu làm theo những thói tân nữ nhi. Cô ghét những gái hớt tóc cụt, đi giày cao gót, mặc y phục theo đầm, cô chê những gái cạo chơn mày, môi thoa son đỏ lòm, tay xách bóp nhỏng nhảnh. Thuở nay hễ bãi trường thì cô về nhà, lo coi sóc miếng ăn miếng uống cho cha mẹ, cô cắt lụa may áo may quần cho em. Cô chẳng hề nói nặng tiếng với trẻ ở trong nhà, cô thường hay cho tiền những con nít nghèo trong xóm. Cô có một tật mà thôi, cái tật ấy là cái tật khinh bỉ những kẻ mưu lợi cầu danh, chiết báng[7] những người nịnh hót giả dối. Thầy Hội đồng thường nói với con:

-         Cái tật của con đó không phải là xấu, song không thích hợp với thời thế. Ba coi đời bây giờ, ai giả dối nịnh hót thì mới sang, ai giỏi mưu lợi cầu danh thì người ta cho là trí. Nếu con nghịch những người ấy thì còn ai đâu mà con ưa?

Hễ Thu Hà nghe cha nói vậy, thì cười và đáp:

-         Không còn ai thì thôi, chớ thứ đồ giả dối nịnh hót, ỷ thế hiếp cô, biểu con ưa sao cho được.

            Chiều hôm ấy, hai chị em Thu Hà dắt nhau ra ngoài cửa ngõ, chị xem bông, em hái trái. Thầy Hội đông xuống thềm rồi kêu trẻ ở nhắc ghế ra, đặng thầy ngồi chơi với ông Hương chủ Lung. Chú cháu nói chuyện cây trái một hồi, rồi ông Hương chủ Lung hỏi:

-         Con Thu Hà nó thi đậu rồi, thôi, vợ chồng bây coi chỗ nào phải gả phứt nó đi. Con gái đời nay để nó lớn tuổi quá không nên.

Thầy Hội đồng cười và đáp:

-         Vợ chồng cháu cũng tính có chỗ nào phải thì gả, chớ để làm chi, ông Huyện hàm Hạ, ở Lai Vung, ổng có cậy người ta nói đó, mà để thủng thẳng ít bữa rồi hỏi dọ ý nó coi.

     Ông Hương chủ lấy cái khăn rằn[8] vắt trên vai xuống mà lau miệng, vuốt râu rồi nói:

-         Tưởng là ai, chớ ông Huyện hàm Hạ tao biết. Ông là người giàu có mà nhơn đức. Mầy làm sui với ổng thì xứng lắm. Như ổng có cậy nói con Thu Hà cho con ổng, thôi thì gả đi.

            Thầy Hội đồng làm lơ không nói nữa, mà coi sắc mặt thì biết thầy suy nghĩ trong trí lắm. Cô Hội đồng nhả trầu quăng dưới gốc cây, rồi cô nói:

-         Hồi hôm tôi có nói với nó chuyện đó, nó nghe thằng nọ có bằng cấp sơ học mà thôi, còn ông già nó làm Huyện hàm, thì nó cười ngất. Tôi coi ý nó chê thằng nọ học ít, mà nhứt là nó ngạo chức Huyện hàm lắm.

            Ông Hương chủ châu mày mà hỏi rằng:

-         Người ta làm Huyện hàm, sao lại ngạo người ta?

            Ông  hỏi chưa dứt lời, bỗng nghe tiếng xe hơi ngừng ngoài cửa ngõ. Hai vợ chồng thầy Hội đồng ngó ra, thì thấy hai người bận đồ Tây bước vô, người đi trước, mặc quần áotussor, là thầy Từ Bá Hỉ, chủ hãng sửa xe hơi ở Cần Thơ, kêu cô Hội đồng bằng dì, còn người đi sau, mặc quần trắng áo nỉ xạm, tay có tang, đi giày đen, đội kết rằn, trạc chừng hai mươi lăm tuổi, gương mặt sáng sủa, tướng đi khoan thai, thì lạ hoắc không biết là ai. Bá Hỉ vô khỏi cửa ngõ rồi, thấy hai chị em Thu Hà đứng dựa cây lý bên phía tay mặt thì giở nón mà chào và nói:

-         Nghe em thi đậu, nên có dịp đi Long Xuyên qua ghé mừng cho em.

            Thu Hà cúi đầu và đáp:

-         Cám ơn anh Hai. Chị Hai mạnh phải hôn anh Hai? Sao anh không cho chị Hai đi với?

            Bá Hỉ nói:

-         Qua đi thình lình, để khi khác rồi qua dắt chị Hai em lên thăm.

            Bá Hỉ dắt người lạ ấy đi vòng theo cái đường bên tả mà vô nhà. Hai chị em Thu Hà hưỡn bước noi cái đường bên hữu mà vô. Tới thềm Bá Hỉ chào mừng ông chủ với dì và dượng, rồi trình điện người đi theo mà nói:

-         Người bạn cháu đây là Mông xừ[9] Lê Vĩnh Thái du học bên Tây, thi đậu tú tài đã hai khoa rồi, mới về chừng một tháng nay.

            Thầy Hội đồng Chánh bắt tay Vĩnh Thái và nói:

-         Tôi lấy làm may mắn mà được cậu Tú tài đến nhà, vậy tôi xin thỉnh cậu vô.

            Vĩnh Thái cúi đầu một cái rất thanh nhã, rồi chơn bước lên thềm, miệng chúm chím cười mà đáp rằng:

-         Cháu được biết ông, cháu cũng vinh hạnh lắm. Cháu đến làm rộn cho ông bà, xin ông bà tha lỗi.

            Thầy Hội đồng lật đật nói:

-         Không, không, tôi vui lắm chớ! Có rộn chi đâu.

            Hai người khách theo chủ nhà mà vô cửa, ông Hương chủ với cô Hội đồng cũng thủng thẳng theo sau. Còn Thu Hà và Công Cẩn thì dắt nhau đi bét qua góc vựa lúa, rồi vô nhà cầu, Thu Hà còn giắt cái bông lài trên đầu tóc.

II -  Luận đàm thế sự

            Nhà cửa của thầy Ðoàn Công Chánh cất theo kiểu kim thời, nên bề ngoài coi có vẻ thanh bai, còn bề trong dọn có đủ nghi tiết. Phía trong thầy đặt ba bàn thờ cẩn ốc xa cừ, lau chùi bóng láng, lư chơn đèn đồng trắng đánh dầu sáng ngời. Phía ngoài, mà chánh giữa thầy để một bộ ghế xa lông[1], còn hai bên thầy lót hai bộ ván gõ[2] đỏ. Ðầu trên thầy dọn hai cái phòng khách, còn đầu dưới thầy để làm phòng ăn có tủ buffet chưng rượu đủ thứ.

     Cách chưng dọn trong nhà nửa theo tân, nửa theo cựu, nên khách lạ bước vô, ai cũng biết chủ nhà ăn ở theo nay, mà tánh ý theo xưa.

     Thầy Hội đồng dắt Bá Hỉ với Vĩnh Thái thẳng vô bộ xa lông mời khách ngồi. Bá Hỉ, Vĩnh Thái ngồi một bên, thầy ngồi một bên, còn ông Hương chủ thì nằm ngửa trên cái ghế xít-đu, để phía ngoài mà đưa lúc lắc.

     Thầy Hội đồng kêu thằng Tùng, là đứa ở mà biểu lấy ly khui rượu sâm banh[3], Bá Hỉ đứng dậy nói:

-         Thưa dượng, đừng biểu khui rượu. Cháu không dám uống đâu. Hai anh em cháu đi chơi, cháu cầm bánh xe, chớ không có đem sớp phơ theo. Uống rượu đây rồi cháu say và cháu táng bậy vô cây mang khốn.

     Thầy Hội đồng không thèm nghe, thầy cứ biểu khui rượu bốn ly. Thầy bước ra mời chú, thì ông Hương chủ lắc đầu nói:

-         Cháu uống với hai cậu đi. Tao không ưa rượu Tây.

     Cô Hội đồng ngồi bên ván thấy chú không chịu uống rượu, cô lật đật têm miếng trầu rồi biểu con Khéo, là đứa bộ hạ, đem cho chú ăn.

     Thầy Hội đồng mời khách uống rượu rồi bảo Bá Hỉ:

-         Hãng sửa xe của cháu lúc này khá hôn?

-         Thưa, khá khá. Cháu tính mua chừng năm cái xe lớn để đưa bộ hành  đường này chơi. Hễ có xe đưa thì chắc là cháu lên trên này thường.

     Thầy Hội đồng liếc mắt ngó Vĩnh Thái rồi hỏi:

-         Còn cậu Tú về thăm nhà rồi cậu trở qua học nữa hay là thôi?

-         Thưa ông, hồi cháu ra đi, thì cháu tính lấy được cái bằng cấp Tấn sĩ văn chương rồi cháu sẽ về. Rủi quá, cháu mới thi đậu hai khóa Tú tài, kế ông thân cháu mất, bà thân cháu đánh dây thép biểu cháu về. Cháu về hổm nay, bà thân cháu bận bịu quá, nên chắc là không cho cháu đi nữa.

-         Cậu ở bên Pháp được mấy năm?

-         Thưa, bốn năm.

-         Cậu biết học sanh Việt Nam bây giờ ở bển được chừng bao nhiêu?

-         Thưa, chừng ba bốn trăm.

-         Chả, cũng bộn há! Thuở nay tôi thường nói hoài, thanh niên là hy vọng của nước nhà. Dân tộc ta sau nầy có mở mang được, là nhờ mấy cậu học sanh du học bên Âu Mỹ. Ngày nay số học sanh ấy đã được ba bốn trăm, thế thì trong năm bảy năm nữa, dân tộc mình có lẽ mở mắt được chút ít.

-         Thưa ông, lời ông nói không lẽ cháu dám cãi, chớ theo ý cháu thì học sanh của các nước thiệt là hy vọng của quốc gia, còn học sanh của mình là hy vọng của tửu điếm trà đình, chớ không có ích lợi chi cho xã hội.

-         Sao vậy?

-         Cháu đây là học sanh, nên cháu thấy tình hình rõ hết. Những học sanh của mình hiện đương ở bên Pháp bây giờ đây, có một phần cần cố lo học, còn hai phần thì chỉ ăn chơi, phá tiền của cha mẹ, chớ có học hành chi đâu. Mà cái bọn qua Pháp đặng ăn chơi đó thì vô ích cho xã hội ta đã đành rồi, còn tụi lo học đó cũng không ích chi hết. Nói ra thì họ ghét, chớ thiệt cháu nghĩ đến mạng vận của chủng tộc mình chừng nào cháu càng buồn thêm chừng nấy. Mình làm học sanh, xuất thân đi ngoại quốc mà du học, mình phải ghi tạc trong trí rằng, đối với quê hương, đối với đồng chủng, mình phải rèn tập tư cách, đặng chừng mình trở về mình tô điểm cho quê hương, mình mở mang cho đồng chủng mới phải. Có lý nào qua Pháp rồi, lại sắm áo quần cho tốt, rồi khi thì tìm đến chốn phiền ba[4] mà ăn chơi, khi thì ra ngoài mấy bãi biển mà hứng gió. Còn cái bọn lo học thì học thế nào kia, chớ học mà chỉ trông mong lấy bằng cấp cho lớn, rồi cưới vợ đầm, vô dân Pháp, đặng trở về gõ trên đầu bọn dân ngu ở nhà nữa, ông nghĩ thử coi, học như vậy đó đáng mừng hay là đáng ngán?

            Bá Hỉ cười mà nói:

-         Toa[5] nói thái quá. Cũng có người thương nước thương dân, chớ có lẽ nào hư hết hay sao?

-         Ai đâu, anh chỉ thử coi?

-         Toa đó.

-         Không. Tôi là đồ bỏ mà kể gì. Mà dầu tôi có thương dân thương nước đi nữa, thì một mình tôi lại làm việc gì được?

            Thầy Hội đồng là người có chí lo cho đời, nay thầy gặp Vĩnh Thái còn trẻ mà có tâm huyết thì hiệp ý thầy lắm, nên thầy rót rượu ép mời uống nữa. Bá Hỉ với Vĩnh Thái đồng chối từ không dám uống nhiều. Thầy Hội đồng đương hứng chí, thầy sợ khách về gấp, nên thầy kêu vợ mà nói rằng:

-         Má nó coi biểu bầy trẻ dọn cơm, đặng mời thằng Hai, với cậu Tú ăn chơi nhé.

            Cô Hội đồng đáp rằng:

-         Thưa, tôi có dặn bầy trẻ rồi. Uống rượu chơi một lát tối tối rồi sẽ ăn cơm, chớ bây giờ còn sớm quá.

            Bá Hỉ đứng dậy nói:

-         Thưa dì, đừng có lo cơm nước chi hết. Ðể cháu chơi một chút rồi cháu về.

Thầy Hội đồng can:

-         Ê, cháu về chi gấp vậy nà. Ở ăn cơm chơi rồi tối sẽ về.

-         Ðường xa, về tối khó lắm.

-         Khó cái gì? Trời có trăng, mà xe hơi có đèn nữa, đi ban đêm mát, chớ có sao đâu mà sợ. Không mấy thuở gặp cậu Tú, ở chơi đặng cậu Tú ở ăn cơm với dượng một bữa.

-         Thưa dượng dạy như vậy, cháu phải vưng.

Vĩnh Thái ngó thầy Hội đồng và cười và nói rằng:

-         Cháu mới đến nhà thăm ông bà một lần đầu, mà ông bà hậu đãi quá. Nếu cháu từ thì mang lỗi với ông bà, còn nếu cháu vưng thì sợ e thất lễ.

-         Ở ăn cơm chơi, vợ chồng tôi mừng lắm, có chi đâu mà sợ thất lễ. Cậu nói chuyện nãy giờ đó, tôi biết cậu là người để ý về mạng vận của nước nhà. Theo đời này, những người có học thức, ai cũng lo tranh danh trục lợi, chớ ít ai biết lo cho quê hương xã hội. Nếu bọn học sanh ta mà có chí như cậu vậy hết thảy, thì nước ta may mắn biết chừng nào.

-         Thưa ông, lời ông mới nói đó cháu kính phục lắm. Ðời này ai cũng ham cầu danh lợi, chớ không ai lo tô điểm quê hương. Ngó quanh quất chỉ thấy người lo làm quan, kẻ lo làm giàu, thậm chí những người xưng mình là có trách nhiệm vực nước binh dân, mà họ cũng lo danh lợi cho họ, chớ nào thấy họ binh vực ai đâu. Mà làm quan, mà mua chức hàm cho lớn, mua mề đay[6] cho nhiều. Chớ phải làm quan đặng dạy dân cho khôn ngoan, làm giàu đặng cứu dân hết cùng khổ, thì mình sùng bái, chớ mình đâu dám kích bác họ.

-         Cậu luận tình hình xã hội thiệt là đúng. Trí não của người bây giờ thời vậy đó. Mấy năm nay tôi dòm thấy như vậy tôi cũng buồn. Mà buồn thì buồn, chớ biết làm sao?

-         Thưa ông, xã hội ta bây giờ như người có bịnh nặng. Vậy thì phải lo chạy thuốc, chớ ngồi khoanh tay mà rầu hoài thì người bịnh chết còn gì.

-         Phải có ông thầy hay mới được.

-         Biết thầy hay ở đâu mà tìm bây giờ.

-         Thưa, thầy nào cũng hay hết thảy, miễn là ông thầy phải cho hết lòng mà thôi.

-         Mấy năm nay thiếu gì thầy lãnh trị bịnh cho xã hội, mà nào có thấy bịnh giảm chút nào đâu?

-         Thưa tại thầy không tận tâm, mà cũng tại thuốc cho uống không nhằm nữa, nên bịnh mới dây dưa như vậy đó.

-         Theo ý cậu, bây giờ phải cho thuốc cách nào?

-         Thưa ông, cháu còn thơ ấu, cháu đâu dám lãnh thuốc cho xã hội. Cháu có cái lòng nhiệt thành mà thôi, chớ có tài trí gì đâu mà dám khoe khoang.

-         Không. Mình luận nghe chơi, có hại gì.

-         Theo ý cháu, nếu muốn khai hoá cho quê hương, thì phải lập một cái chương trình cho rành rẽ, rồi noi theo đó mà thi hành. Cái chương trình ấy phải phân ra làm ba đoạn:

            l.  Khai hoá tri thức.

            2. Chấn hưng kinh tế.

            3. Tài bồi đạo đức.

            Về đoạn khai hoá tri thức, thì phải lập trường trung đẳng, cao đẳng cho đủ giai cấp, cũng như các nước văn minh vậy, đặng đào tạo nhơn tài mà dùng. Phải lập ấn quán, thơ quán rồi dịch sách văn chương triết lý, khoa học lịch sử, tiểu thuyết mà truyền bá tư tưởng hay, tài nghề giỏi của Âu Mỹ cho người mình hiểu.

            Về đoạn chấn hưng kinh tế, thì phải lập hãng lớn để góp mua đồ nội hoá mà xuất cảng bán cho ngoại quốc, để trữ đủ thứ hàng ngoại quốc, mà bán cho dân mình dùng. Phải lập lò công nghệ để chế tạo vật liệu cơ khí. Rồi cũng phải lập ngân hàng cho lớn để giúp vốn cho nhà đại thương và nhà công nghệ của mình.

            Về đoạn tài bồi đạo đức, thì phải chọn một tôn giáo để làm đạo chung của dân mình, rồi vận động làm cho mọi người đều tín ngưỡng, đều sùng bái đạo đó, đặng cho dân trong nước một bụng một lòng, hết xích mích giận hờn nhau nữa.

            Vĩnh Thái ngồi đàm luận, lời nói khi trầm khi phù[7], có hằng có chấn[8], đến chỗ giận trợn mắt nắm tay, đến chỗ buồn thở ra chắc lưỡi. Ðã vậy mà cậu nói lời nào nghe cũng có lý, cậu tính việc nào coi cũng cao xa, rõ ràng là một đứng thanh niên tân học, đã có lòng nhiệt thành với quốc dân mà lại có tài tổ chức cuộc khai hoá nữa.                    Thầy Hội đồng ngồi nghe, thầy mê mẩn, không nháy mắt, không cục cựa.      Chừng Vĩnh Thái nói dứt rồi thầy mới nói rằng:

-         Lời cậu luận đó vừa ý tôi lắm. Thanh niên Nam Việt như vầy mới phải, chớ thứ đồ đi đánh dóc đặng xin tiền đó mà thanh niên gì?

            Cô Hội đồng bước lại gần chồng mà nói nhỏ cho chồng hay rằng cơm đã dọn xong rồi. Thầy Hội đồng liền đứng dậy bước ra mời chú rồi mời Bá Hỉ với Vĩnh Thái ăn cơm. Chủ khách đi qua phòng ăn. Bá Hỉ thấy cô Hội đồng với Thu Hà lăng xăng coi trẻ ở bưng dọn mà không chịu ngồi ăn, thì nói:

-         Thưa, cháu mời dì ngồi ăn cơm luôn thể.

            Cô Hội đồng đáp:

-         Cháu ăn đi, dì chưa đói.

            Bá Hỉ nói tiếp:

-         Thôi con Hai đi ăn, em.

            Thu Hà chúm chím cười và đáp:

-         Thưa, anh Hai dùng đi để em coi bầy trẻ nó dọn rồi lát nữa em sẽ ăn.

            Vĩnh Thái liếc mắt ngó Thu Hà, rồi kéo ghế mà ngồi, bộ nghiêm trang tề chỉnh lắm.

            Thầy Hội đồng còn muốn nghe Vĩnh Thái nói chuyện nữa, nên mới ngồi ăn được vài miếng thì thầy hỏi:

-         Cái chương trình khai hoá cậu nói hồi nãy tôi phục lắm. Vậy mà bao giờ cậu tính cậu khởi sự thi hành đoạn nào?

-         Phải thi hành luôn ba đoạn một lượt mới được.

-         Một mình cậu mà cậu làm sao cho xiết?

-         Cháu có tài gì đâu mà làm được. Cháu vẽ ra đó cho bực cao minh kiến thức hiệp nhau mà làm lấy chớ.

-         Cậu nói phải. Trong cuộc khai hoá, phải có đông người, chớ một mình thì làm không nổi. Mà bây giờ cậu nói thử nghe chơi, như cậu không đi học nữa, cậu ở nhà rồi cậu làm gì mà giúp ích cho đồng bào?

            Thu Hà đương mở tủ rượu mà lấy thêm một chai rượu chát, cô nghe cha hỏi như vậy, thì cô khựng lại, lóng tai nghe coi khách trả lời làm sao. Vĩnh Thái suy nghĩ một chút rồi đáp rằng:

-         Cháu có làm thì cháu lãnh cái đoạn khai hoá trí thức mà thôi, chớ hai đoạn kia cháu không được thạo cho lắm.

-         Mà cậu lãnh cái đoạn đó cậu tính lập học hiệu hay là lập ấn quán?

-         Nếu cháu có tiền nhiều thì cháu vừa lập học hiệu vừa lập ấn quán.

            Bá Hỉ trợn mắt nói rằng:

-         Toa muốn làm hết, không đặng. Làm thứ nào thì làm một thứ mà thôi, chớ làm nhiều việc rồi toa coi sao xiết.

-         Cái đó có hại gì. Mình tổ chức ra rồi việc nào mình cũng đặt người coi sóc riêng, mình kiểm dượt vậy thôi, chớ phải mình ngồi dạy học hay là mình đứng quay máy in hay sao mà sợ một mình không xiết. Trước hết cần lập một cái ấn quán cho lớn rồi lập nhựt báo để cổ động khuyến khích đồng bào. Phải kích bác cái bọn giả dối nịnh hót, ỷ thế ỷ quyền. Phải đánh đổ thói hư tật xấu, nghĩa là phải gỡ mà quăng những mụt ghẻ của xã hội đi rồi xức thuốc thì bịnh mới lành được.

-         Toa chọc ổ ong nó áp nó đánh toa chết chớ.

-         Chết lại sợ sao? Chết vì nước, chết vì dân, tôi vui mà chết lắm.

            Vĩnh Thái nói câu ấy mà khí sắc coi hùng hào, giọng nói nghe mãnh liệt, làm cho Thu Hà đứng ngó trân trân, thầy Hội đồng ngồi cười chúm chím, coi bộ cha con đều kính phục lắm.

            Ăn cơm rồi, thầy Hội đồng cũng còn muốn cầm khách ở lại nói chuyện chơi nữa. Vĩnh Thái cũng không tính về, duy có Bá Hỉ nói trăng đã mọc, canh đã khuya, nên từ tạ chủ nhà mà đi. Thầy Hội đồng đưa khách ra cửa ngõ, khách lên xe đi rồi thầy mới trở vô.

            Thầy thấy vợ con đang ngồi chơi trên ván, thầy liền nói rằng:

-         Cậu Tú ăn học thiệt là đúng đắn. Cậu có kiến thức, có đởm lược mà lại thêm có lòng nhiệt thành với công ích nữa. Người như vậy khó kiếm lắm.

            Cô Hội đồng với Thu Hà cũng hiệp ý với thầy Hội đồng nên nghe nói như vậy mẹ con đều gật đầu cười.

            Ông Hương chủ Lung ngồi bên kia, ông vùng đứng dậy nói rằng:

-         Mấy người nói nhiều quá đó không tốt.

            Thầy Hội đồng chưng hửng, thầy đứng ngó chú mà đáp rằng:

-         Cậu Tú nói nhiều mà cậu nói hay lắm, chớ phải nói bậy hay sao.

-         Hay giống gì? Làm được kia mới giỏi, chớ nói, ai nói lại không được? Tao coi tướng cậu Tú đó không được chơn chất.

-         Người học Tây thì bộ tướng họ như vậy hết thảy, nhứt là cậu có ở bên Pháp, cách đi đứng đàm luận giống theo người Pháp nên chú coi không hạp con mắt chú chớ.

            Ông Hương chủ bước ra ngoài, ông không cãi nữa, mà coi bộ ông không chịu cho lời của thầy Hội đồng là phải. Thu Hà ngồi buồn hiu, cô ngó sững ngọn đèn một hồi, rồi cô đi một mình ra sân mà chơi. Ðồng hồ đã gõ mười giờ mà cô cũng còn thơ thẩn trong vườn hoa, lúc đứng ngó mặt trăng, lúc cúi hửi bông huệ.

III  -  Gả con lấy chồng

            Làm cha làm mẹ có con gái, hễ con lớn rồi thì lo sợ lắm, đã lo dạy cho con nó có nết na, mà lại còn sợ mười hai bến nước không biết con gặp bến trong hay là bến đục.

            Ðã biết Thu Hà là gái có sẵn nết na, biết trọng danh tiết nên vợ chồng thầy Hội đồng Chánh ít lo về phía đó. Nhưng mà Thu Hà năm nay đã mười chín tuổi rồi, con nhà giàu đến tuổi đó, ai cũng đã có chồng có con rồi hết, duy có một mình cô cứ lo học hoài, học giỏi chừng nào lại càng phải kén chồng xứng đáng chừng nấy, thế thì cha mẹ không lo sao được.

            Từ bữa nghe tin con thi đậu hai cái bằng cấp đến nay, thì vợ chồng Hội đồng Chánh thường bàn tính với nhau về sự gả con lấy chồng. Ông Huyền hàm Hạ là người giàu có hiền lành mà làm có chức phận, làm sui với ông thì xứng đáng, không chỗ nào mà chê được, ngặt vì con trai ông ít học quá. Thu Hà không bằng lòng, nếu ép mà gả lầm, chừng cưới rồi nó khinh bỉ chồng thì ăn ở với nhau sao được. Mà ở đời này ai nỡ ép duyên con, huống chi con có học, ép nó không phải dễ.

            Vợ chồng bàn tính kén chọn hết sức, rồi mới hiệp ý nhau kiếm một chàng rể cho có tài học xứng với con gái mình, giàu nghèo không cần, miễn là biết lễ nghĩa, có chí khí, thạo việc đời thì thôi. Nhà mình giàu có, nếu gặp rể nghèo thì mình giúp cho nó làm ăn, có hại chi đâu mà sợ. Người khôn ngoan lễ nghĩa mới quý, chớ bạc tiền ruộng đất xá gì, bởi vì vợ chồng thầy Hội đồng Chánh tính như vậy, nên thấy ông Hương chủ Lung xúi làm sui với ông Huyện hàm Hạ, thầy Hội đồng Chánh mới làm lơ, để cho vợ tỏ ý Thu Hà không chịu cho chú hiểu.

            Sáng bữa sau, ông Hương chủ Lung về, thầy Hội đồng Chánh nói chuyện chơi với vợ con, thì thầy nhắc nhở khen ngợi Vĩnh Thái hoài, thầy cứ nói Vĩnh Thái đáng mặt con trai Nam Việt, kiến thức rộng, học hỏi cao, luận biện nay, khí phách cứng, mà lại có lòng nhiệt thành với nước với dân nữa.

            Tuy trong lúc khách tới nhà, Thu Hà giữ lễ không dám chường mặt ra mà nghe nói chuyện, song cô lục đục ở trong cô nghe đủ hết, không sót một lời. Cô cũng khen cách điệu đàm luận, cô cũng phục tâm chí nhiệt thành của Vĩnh Thái lắm. Bởi vậy hôm nay cô nghe cha nói tới cậu, thì cô nói rằng:

-         Cậu Tú luận việc đời thiệt là đúng đắn. Ba nói phải lắm, người như vậy mới đáng gọi là trai Nam Việt

            Cô Hội đồng nghe con khen Vĩnh Thái, thì liếc mắt ngó chồng mà cười rồi nói với con rằng:

-         Cậu Tú có đúng đắn thì để đàn ông con trai người ta khen, chớ phận con gái con nói làm chi?

            Thu Hà nghe mẹ quở, cô hồi tâm rồi cô hổ thẹn, nên cô ngồi cúi mặt không dám ngó ai nữa hết.

            Công Cẩn vùng nói:

-         Ba gả chị Hai cho cậu Tú đó đi ba. Gả đặng bãi trường con bắt cậu dạy con học.

            Thu Hà bước lại xô vai em một cái nhẹ nhẹ và rầy rằng:

-         Ðừng có nói bậy né.

            Rồi cô bỏ đi vô trong buồng. Vợ chồng thầy Hội đồng ngó theo Thu Hà rồi ngó nhau mà cười chúm chím.

            Thầy Hội đồng Chánh ái mộ tài năng, tâm chí của Vĩnh Thái lắm, tuy thầy chưa nói ra chớ trong bụng thầy đã có để ý muốn gả con gái cho Vĩnh Thái rồi. Hôm nay thình lình Công Cẩn nói bất tử, mà Thu Hà mắc cỡ, chớ không phải kháng cự, bởi vậy thầy lấy làm vui lòng. Ðêm ấy, thầy bàn tính với vợ để thầy hỏi dọ coi Vĩnh Thái là con của ai, gốc gác ở đâu, có vợ hay chưa. Nếu cậu chưa có vợ, mà cậu cũng đành Thu Hà, thì thầy sẽ biểu cậu cậy mai đến nói.

            Cách vài ngày, thầy Hội đồng Chánh đi Cần Thơ. Thầy ghé hãng sửa xe hơi mà thăm cháu là Bá Hỉ. Bá Hỉ thấy dượng thì mừng rỡ hỏi thăm lăng xăng, thầy Hội đồng nói chuyện dông dài một hồi rồi hỏi:

-         Cậu Tú tài cháu dắt lên chơi bữa hổm đó là con của ai, ở đâu vậy?

-         Thưa, con của thầy thông Tiền, hồi trước làm việc tòa.

-         Hôm trước cậu nói ông già cẩu khuất rồi, vậy chớ bây giờ bà già cậu làm giống gì ở đâu?

-         Thưa, bà già cẩu về quê quán ở trong Cái Răng.

-         Cẩu có vợ con rồi hay chưa?

-         Thưa chưa. Từ nhỏ chí lớn cậu đi học, cậu ở bên Tây mới về chừng một tháng nay, vợ đâu mà cưới gấp như vậy được. Dượng hỏi thăm chi vậy?

-         Chẳng giấu cháu làm chi, con Thu Hà học đã xong, mà nó cũng đã lớn rồi. Dì với dượng muốn kiếm chỗ có học thức khá khá mà gả nó. Hôm nọ dì với dượng thấy cậu Tú tài Vĩnh Thái thì dì với dượng ưng lắm. Dượng xuống đây là xuống hỏi thăm cháu coi cậu Tú đó ra thế nào, có đáng gả em của cháu hay không? Như nên gả, thì cháu biểu cậu cậy mai lên nói, dì với dượng sẽ gả cho.

            Bá Hỉ ngồi châu mày suy nghĩ một hồi rồi mới đáp rằng:

-         Thưa dượng, việc này quan hệ lắm, cháu không biết sao mà dám nói.  Hồi nhỏ học tại trường tỉnh Cần Thơ, thì Mông Xừ Vĩnh Thái học một lớp với cháu. Ðến sau cháu lên trường Tabert, còn cậu lên trường Chasseloup, cậu học bao lâu đó không biết rồi cậu đi Tây. Cháu biết cậu là biết hồi nhỏ, cậu ở bên Tây về hổm nay, cháu gặp cậu có vài ba lần gì đó, nên cháu không hiểu tánh tình của cậu ra thế nào, mà dám nói chắc.

-         Cậu nói chuyện nghe phải lắm mà.

-         Thưa phải, cậu học khá, nói chuyện hay cậu có bằng cấp tú tài thiệt.

-         Vậy thì cũng đủ rồi. Còn bà thân của cẩu là người thế nào, cháu biết hôn?

-         Thưa, cái đó cháu không hiểu. Cháu có nghe nói như vầy. Vợ chồng thầy thông Tiền sanh có một mình cậu đó mà thôi. Hồi trước thầy thông Tiền làm việc Tòa, thẩy có chuyện lôi thôi sao đó, quan trên ngưng chức thẩy hết một lúc, rồi thẩy xin thôi, về cất nhà ở trong Cái Răng. Mấy năm nay, thẩy ở không, kiếm dắt mối thầy kiện. Thẩy chơi bài bạc lung lắm, thế khi thẩy mắc nợ nhiều, nên thẩy chết rồi, chủ nợ ó lên kiện, thi hành phát mãi mấy chục mẫu đất của thầy hết. Vợ thẩy hết tiền, không thể để cậu Tú bên Tây nữa được, nên mới kêu về đó. Bây giờ hai mẹ con ở một cái nhà lá nhỏ ở trong Cái Răng.

-         Sự nghèo giàu dượng không cần, miễn là người phải thì thôi. Cháu cũng biết, sự nghiệp của dượng tuy không lớn, song cũng đủ mà nuôi con. Dượng muốn kiếm rể có học thức, có tâm chí, chớ kiếm người nhiều tiền nhiều ruộng mà làm gì?

-         Dượng nghĩ như vậy thì phải lắm. Con hai có học giỏi, nếu có chồng Tú tài thì mới xứng với nó. Cậu Vĩnh Thái bề ngoài coi được rồi còn bề trong không biết thế nào, vì vậy cho nên cháu dụ dự một chút.

-         Cách cậu nói chuyện đó thì đủ biết cậu có tâm chí rồi, cháu còn nghi giống gì nữa?

-         Thưa dượng, đời này thiên hạ họ xảo quyệt lắm. Cháu thấy có nhiều người hay móc mồi bằng cấp mà cầu vợ giàu lại còn có nhiều cậu để hai tiếng ái quốc nơi chót lưỡi mà nhử bạc giấy. Chán ngán quá, nên cháu nhác tin bụng họ lắm.

-         Cháu dắt Vĩnh Thái lên nhà dượng chơi mà cháu có nói trước cho dượng có con gái hay không.

-         Thưa không.

-         Nếu vậy thì cậu đâu có dè mà cậu sắp đặt trước đặng làm cho dượng mê cậu.

-         Tuy cháu không nói trước, mà hồi vô tới cửa ngõ, cháu có gặp con Hai, cháu mừng nó thi đậu, cậu thấy nó, cậu nghe cháu mừng nó, thì tự nhiên biết rồi.

            Thầy Hội đồng ngồi lặng thinh ngẫm nghĩ coi bộ thầy dụ dự, không biết phải nhứt định lẽ nào.

            Bá Hỉ rót nước mời dượng uống, rồi nói rằng:

-         Nãy giờ cháu nói chuyện với dượng về sự cậu Vĩnh Thái đó, là cháu nghi ngại vậy thôi, chớ không phải cháu nói cậu là người xấu. Cậu về nhà hổm nay, cháu không có nghe cậu làm việc gì quấy. Không biết chừng tánh tình tâm chí cậu tốt, không phải như mấy người khác. Vậy xin dượng liệu lấy, cháu không dám đốc mà cũng không dám cản.

-         Có con gái, muốn gả nó, thiệt là khó liệu! Biết sao mà lựa chọn. Con của mình đẻ, mình nuôi nó trong nhà từ nhỏ chí lớn, mà mình cũng chưa biết bụng nó thay, huống chi là con của người ta, mình làm sao mà dám chắc.

-         Việc cưới gả thì nhắm mắt đánh may rủi với Trời, chớ biết sao được dượng.

-         Cháu cũng biết, thuở nay dượng ham lo việc công ích lắm. Dượng coi tánh ý con Thu Hà, nó cũng giống dượng; nó trọng việc công hơn là việc tư. Mấy năm nay, dì với dượng tính kiếm một đứa học giỏi, có tâm chí, biết lo việc đời, mà gả nó, chớ dượng không muốn gả cho thứ con nhà giàu mà trí não hèn hạ, cứ lo cầu danh cầu lợi. Có ông Huyện hàm Hạ bên Lai Vung cậy nói mà cưới cho con ổng đó, mà nó không ưng, dì với dượng cũng không chịu. Nay dượng thấy bộ cậu Tú tài nầy được, nên dượng mới tính gả nó đó. Mà dượng dòm coi ý con Thu Hà nó cũng đành nữa. Cháu nghĩ coi có nên gả hay không''

-         Dượng muốn gả cũng được. Vợ chồng như vậy thì xứng nhau rồi, ngặt có một điều là Vĩnh Thái nghèo mà thôi.

-         Nghèo không ngại gì. Con Thu Hà nó không kể cái đó đâu.

-         Nếu em nó không chê nghèo thì được rồi.

-         Ðâu bữa nào cháu gặp cậu Vĩnh Thái, cháu nói mí thử coi cậu chịu không.

-         Cầu lấy chớ, sao lại không chịu. Dượng để cháu hỏi rồi cháu sẽ viết thơ cho dượng.

-         Ðược. Như cậu chịu thì cháu nói cho cậu biết, dượng không đòi lễ vật gì đâu mà sợ. Dượng cho đi nói, rồi chừng nào cưới cũng được, không cần lễ gì nữa hết. Song dượng giao một điều này. Dì với dượng ít con lắm. Thằng Công Cẩn mắc đi học, nếu gả con Thu Hà đi xa, thì trong nhà quạnh hiu. Ðã vậy mà dì của cháu bịnh hoạn, cần phải có con Thu Hà giúp coi sóc việc nhà, vậy dượng gả nó thì dượng bắt vợ chồng nó phải ở với dượng. Cháu nhớ nói việc đó cho rành rẽ.

-         Dạ, dượng an tâm để cháu nói.

            Bá Hỉ cầm thầy Hội đồng ở ăn cơm, rồi kêu sớp phơ biểu đem xe hơi ra mà đưa thầy về. Khi thầy Hội đồng lên xe thầy còn dặn với Bá Hỉ rằng:

-         Cháu nói rồi, thì cháu viết thơ liền cho dượng biết nghe.

            Thầy Hội đồng về nhà, thừa lúc canh khuya vắng vẻ mới thuật việc mình tính với Bá Hỉ lại cho vợ nghe.

            Cô Hội đồng cũng đồng tình hiệp ý với chồng nên cô nghe rồi cô nói rằng:

-         Ðể coi như ở dưới họ chịu thì tôi sẽ dọ ý con nhỏ. Tôi chắc hễ mình gả chỗ nầy thì nó ưng.

            Cách năm ngày, Bá Hỉ đi với vợ lên thăm dì dượng. Trong lúc vợ Bá Hỉ nói chuyện chơi với Thu Hà ở phía đàng sau, thì Bá Hỉ nói riêng với thầy Hội đồng rằng:

-         Hồi sớm mai hôm qua, cháu gặp Vĩnh Thái cháu tỏ ý muốn làm mai em Thu Hà cho cậu. Cậu dục dặc coi bộ không quyết định. Mà cậu dục dặc đó, không phải là cậu chê em Thu Hà, ấy là tại cậu xét phận cậu nghèo, sợ đi nói mà dượng không gả thì xấu hổ. Cháu bảo lãnh nói dùm trước, như dì với dượng chịu rồi sẽ bước tới. Cậu chịu, song cậu xin để cậu về thưa lại với bà thân rồi mới trả lời. Chiều hôm qua cậu trở ra, lại có bà thân cậu đi theo nữa. Coi bộ cô thông Tiền mừng lắm, cô cậy cháu làm mai dùm. Cháu có tỏ các ý của dượng cho cô nghe, thì cô chịu hết thảy, song cô nài cho phép cô đến nhà đặng thấy mặt em Thu Hà và biết dì dượng một lần.

            Thầy Hội đồng ngồi chăm chỉ mà nghe, chừng Bá Hỉ nói dứt lời thì thầy cười và hỏi rằng:

-         Cháu có giao ắt sự dượng tính bắt rể đó hôn?

-         Thưa có chớ, cô thông Tiền chịu, mà Vĩnh Thái cũng chịu nữa.

            Vĩnh Thái lại nói rằng cậu là nguời có chí lo cho nước nhà. Nếu may mà gặp được cha vợ với vợ cũng có chí đó thì cậu phỉ nguyện, không còn vui gì bằng.

            Thầy Hội đồng đắc ý, liền biểu Bá Hỉ dắt cô thông Tiền với Vĩnh Thái lên coi Thu Hà, lên bữa nào cũng được miễn là đánh dây thép cho hay trước một bữa đặng thầy sửa soạn cơm nước mà đãi khách.

            Bá Hỉ về có hai bữa thì đánh dây thép định ngày chàng dắt cô thông Tiền với Vĩnh Thái lên. Vì cô Hội đồng đã có nói trước với con rồi nên Thu Hà trang điểm ra chào cô thông Tiền, lại têm trầu rót nước mời cô.

            Hai bên đều thuận ưng hết thảy, nên việc gả cưới tính dễ như chơi. Cô thông Tiền ở ăn cơm, cô thừa dịp vợ chồng thầy Hội đồng sẵn lòng cô liền nói đại mà xin phép bước tới. Thầy Hội đồng chịu lời. Thầy định cho bữa nay là lễ hỏi, vậy hễ chọn ngày nào tháng nào tốt thì làm lễ cưới, chớ khỏi có lễ chi nữa. Luôn dịp cô thông Tiền nói rằng nhà cô có tang nên cô xin làm phòng bên gái chớ cô không rước dâu, cưới đủ ba bữa vợ chồng Vĩnh Thái sẽ dắt nhau về cúng ông bà.

            Vợ chồng thầy Hội đồng cũng bằng lòng như vậy.

            Thu Hà thuở nay lo ăn học, chớ chẳng hề khi nào tính tới sự lấy chồng. Thi đậu vừa mới về nhà thì nghe mẹ thỏ thẻ nói việc con của ông Huyện hàm Hạ muốn gấm ghé. Cái ái tình của cô còn trong ngần như nước lóng, còn trắng nõn như bông lài, bởi vậy mới nghe nói lấy chồng thì cô giựt mình, chưa thấy mặt, chưa biết nhà của chồng là thế nào, mà cô đã kháng cự. Những lời cô tỏ với mẹ mà chê con ông Huyện hàm học dở, chê ông Huyện Hàm tham danh, tuy bề ngoài nghe hữu lý nhưng mà bề trong thiệt cô vì trọng cái tiết của cô nên cô chê, chớ không phải cô chắc gì con ông Huyện Hàm là đồ bỏ, ông Huyện Hàm là nịnh hót.

            Người nào có biết tâm lý phụ nữ chút đỉnh, thì cũng đoán chắc rằng trong lúc cô Thu Hà thi đậu mới về đó, dầu ai muốn nói mà cưới cô, thì cô cũng chê hết thảy, chớ không phải cô chê một mình con ông Huyện hàm đó mà thôi. Ðối với con ông Huyện hàm thì cô chê học dở, còn đối với trai khác thì cô cũng sẽ có cớ khác mà chê nữa.

            Mà tuy là cô chê chồng, song cái vấn đề lấy chồng nó đã chạm vào trí của cô rồi, nó làm cho cô dầu ra vườn hoa thơ thẩn, dầu nằm phòng kín mơ màng, chẳng có lúc nào mà cô quên nó được.

            Cô đương cảm xúc về sự lấy chồng, thình lình cậu Tú tài Vĩnh Thái tới nhà. Cậu đẹp trai, cậu học giỏi, bộ tướng cứng cỏi, văn nói hùng hào mà cậu lại có tâm chí muốn giúp nước giúp dân nữa. Rõ ràng là một người chồng hổm nay Thu Hà đương tưởng tượng trong trí. Bởi vậy cô thông Tiền với Vĩnh Thái về rồi, tối lại vợ chồng thầy Hội đồng Chánh hỏi dọ ý con, thì Thu Hà chịu liền, không chê bai bác bỏ chỗ nào hết.

            Từ đó cho tới ngày cưới, thì Thu Hà mặt mày tươi tắn, trí não tiêu diêu. Chiều mát cô đi dạo vườn hoa, thì cô thầm tưởng trong ít ngày nữa mình sẽ có một nguời chồng đúng đắn, lúc trăng tỏ nhắc ghế ra đây ngồi mà bàn tính việc công ích với mình. Canh khuya cô thức chong đèn trong phòng thì cô tính toán coi phận sự của mình làm thế nào mà trưởng cái chí ái quốc của chồng, hoặc giúp cho chồng khai hoá dân chúng.

            Thu Hà thì ngày đêm tiêu diêu mãn ý vế sự lấy chồng. Còn thầy Hội đồng thì lo mua một cái xe hơi, lo sơn phết nhà cửa đặng rước chàng rể. Cả nhà đều vui vẻ, thậm chí lối xóm cũng mừng cho Thu Hà.

IV . Vợ chồng trái ý

            Ðám cưới nhằm ngày mười sáu tháng tám âm lịch. Thu Hà đã có học thức, mà lại vui chữ vu quy, nên cô không lấy sự có chồng mà hổ thẹn như gái khác. Cô ra tiếp khách, chuyện vãn ăn uống như thường. Chừng rồi đám hai họ về hết, cô lăng xăng phụ với cha mẹ mà coi cho tá điền, tá thổ dọn dẹp đồ đạc. Vĩnh Thái cũng xớ rớ coi sóc, chỉ việc nầy biểu việc kia. Thu Hà thấy chồng, cô không ái ngại chi hết; có lúc cô đứng gần một bên chồng, có chuyện cô phải nói chuyện với chồng, mà dầu đứng gần hay là nói chuyện cô cũng giữ tư cách tự nhiên, cô chẳng hề ké né bợ ngợ.

            Ðến chiều hai vợ chồng thầy Hội đồng lấy cớ không đói bụng nên không chịu ăn cơm, lại ép vợ chồng Vĩnh Thái phải ăn với Công Cẩn. Thu Hà mới ngồi ăn chung với chồng một lần đầu, nên cô e lệ chút đỉnh, song cái e lệ ấy nó có pha cái vẻ vui mừng chớ không phải e lệ rồi ngồi cứng đơ, không dám ăn, không dám nói.

            Nội nhà ai dòm ý tứ của Thu Hà, thì cũng đều biết cô vui mà lấy chồng lắm. Chẳng hiểu vì cớ nào qua ngày sau sự vui của cô trong mười phần bớt hết năm phần, mà ngày đó đã vậy rồi qua ngày sau nữa cũng vậy, cô cứ lục thục ở phía trong, dường như cô sợ ra ngoài trước gặp chồng, gặp cha, hoặc thấy lan thấy huệ.

            Cưới đủ ba bữa rồi, vợ chồng thầy Hội đồng Chánh sửa soạn đồ đạc cho con rể đi về Cái Răng mà làm lễ ông bà. Khi lên xe hơi mà đi, thì coi sắc mặt Thu Hà không được vui, mà đến chiều trở về sắc mặt cũng không đổi.

            Tối lại, vợ chồng thầy Hội đồng ra ngồi tại bộ ghế xa lông giữa nhà. Thầy Hội đồng kêu con và rể ra đứng hai bên, rồi thầy móc trong túi ra một ngàn đồng bạc mà đưa cho Vĩnh Thái và nói rằng:

-         Ngày nay hai con đã thành hôn rồi. Thuở nay hai con mắc lo học hành, không chơi bời được. Vậy nay ba với má cho phép hai con đi chơi một tháng, muốn đi đâu tuỳ ý hai con. Cái xe hơi ba mua đó là mua cho hai con đi chơi. Vậy hai con lấy xe đó mà đi. Còn một ngàn đồng bạc này hai con dùng mà làm lộ phí. Như đi đến đâu mà rủi hụt tiền thì đánh dây thép về, ba sẽ gởi tiền thêm cho. Hai con muốn dắt nhau đi Ðế Thiên Ðế Thích[1] hay là đi Phan Thiết, Phan Rang gì thì đi. Muốn sáng mai đi cũng được. Ði chơi cho phỉ chí đi, rồi sẽ lo làm ăn, hoặc lo giúp đời.

            Vĩnh Thái lộ sắc vui mừng, nắm chặt mười tấm giấy xăng[2] trong tay mà nói rằng:

-         Con nghe nói Ðế Thiên Ðế Thích tốt lắm, để con đắt vợ con lên coi chơi. Ði chừng một tuần lễ con về rồi sẽ lên Ðà lạt.

     Cô Hội đồng day lại thì thấy Thu Hà đứng buồn thiu, dường như ý con không muốn đi chơi, cô bèn hỏi rằng:

-         Con không muốn đi Ðế Thiên hay sao?

-         Thưa, đi thì đi... Con xin ba má cho phép con dắt em con đi với con.

-         Ờ được. Hai con dắt em nó đi cho vui. Thôi, ngày mai lo sửa soạn đồ đạc rồi sáng mốt đi cho sớm.

            Vĩnh Thái nghe vợ đòi dắt em theo, chàng không cản trở, nhưng mà chàng nhíu chơn mày, coi bộ không được vui.

            Qua ngày sau, cô Hội đồng thấy Thu Hà mặt mày không tươi tắn như khi trước nữa, cô lấy làm lạ, nên kêu con lại ngồi gần một bên, cô giả coi thợ đột đinh áo khéo hay là vụng, rồi cô hỏi nhỏ con rằng:

-         Tại sao hổm nay con buồn vậy con.

            Tâm sự của Thu Hà tràn trề không thể kề xiết. Tưởng lấy chồng, là kết bạn với một người nam tử đồng tài, đồng chí, khinh lợi, khinh danh, đặng chung trí, hiệp lực mà dìu đắt đồng bào tấn bộ. Nào dè tưởng tượng là giấc chiêm bao, người chồng học giỏi nói hay đó cũng như người khác. Mới một bữa đầu thì đã hiểu lấy chồng đặng cho người ta ôm ấp, mà thêm một bữa sau nữa, lại thêm hiểu người ta cưới mình là vì tại cha mẹ mình nhiều tiền nhiều ruộng, chớ không phải là tại tâm, tại chí, tại nghĩa, tại tình gì hết. Thu Hà đương ngổn ngang trong lòng, đương não nề trong trí, bỗng nghe mẹ hỏi, thì cô lấy làm cảm xúc, cô muốn tỏ tâm sự cho mẹ hiểu, ngặt vì cô liếc ngó mẹ, cô nhớ mẹ bịnh hoạn, không nỡ làm cho mẹ buồn, nên cô cười mà đáp rằng:

-         Con có buồn việc chi đâu.

            Cô vừa nói vừa cười, mà cô ứa nước mắt, nên day mặt chỗ khác, không dám nhìn mẹ.

            Ðồ hành lý sửa soạn xong rồi, vợ chồng Vĩnh Thái với Công Cẩn bèn từ giã cha mẹ mà đi du lịch. Khi lên xe Thu Hà muốn để Công Cẩn ngồi phía sau với mình.

            Vĩnh Thái xụ mặt nói rằng:

-         Ðể em ngồi phía trước với sớp phơ được mà. Ngồi sau ba người chật quá, ai chịu cho được.

            Thu Hà vẫn biết xe tới bảy chỗ ngồi, bề ngang rộng lớn, dầu Công Cẩn ngồi sau cũng không chật gì, mà vì nghe chồng nói như vậy, lại thấy sắc chồng không vui nên cô nín khe, để cho em leo lên phía trước.

            Xe qua khỏi chợ Long Xuyên rồi chạy thẳng lên Châu Ðốc. Buổi sớm mai, trời thanh bạch, gió mát mẻ. Lên tới Mạc Cần Dưng, ngó qua phía tay trái thì thấy đồng rộng một dãy minh mông, lúa sạ[3] một màu xanh lét. Ở xa xa thì mấy hòn núi Thất Sơn sắp nằm lúp xúp từ dưới Xà-tón lên tới Nhà Bàn, chỗ hủng như ai đạp, chỗ cao có khói bay, thấy cảnh vật lắm vẻ hữu tình thì nhớ sức trời với tay người thiệt là dày công sáng tạo.

            Công Cẩn thấy đồng rộng núi dài thì khấp khởi trong lòng, nên day lại phía sau mà nói rằng:

-         Anh Hai, chị Hai, núi coi tốt quá hén?

            Thu Hà gật đầu cười vì em, còn Vĩnh Thái ngồi dựa ngửa lặng thinh, không thèm ừ hử.

     Thu Hà là gái đa tình, trí cô hay cảm, lòng cô hay động. Ðã vậy mà tánh ý cô lại hiền hòa, cô không biết giận hờn ai. Cô ngắm cảnh rồi cô cũng cảm hứng, nên day ngó chồng mà nói rằng:

-         Hễ có cảnh đẹp tự nhiên phải có văn nhơn, phải có thi sĩ. Quê hương ta có cảnh xinh đẹp như vầy, không biết tại làm sao mà quốc dân lại hủ bại quá.

-         Cảnh gì đâu mà xinh đẹp?

-         Cảnh này coi là đẹp lắm rồi, còn gì nữa.

-         Hứ! Thứ đồ bỏ. Qua bên Pháp coi mới sướng mắt chớ.

            Thu Hà muốn nói chuyện với chồng, giọng nói đã thanh bai, ý tứ lại cao thượng, mà Vĩnh Thái trả lời rất thấp thỏi, lại ngồi khít lại gần rồi choàng tay qua sau vai vợ, làm cho Thu Hà thất vọng, tuy cô không trái ý chồng, song cô buồn bực, nên ngồi trơ trơ hết muốn nói chuyện nữa.

            Lên tới Châu Ðốc xe đậu nghỉ máy. Thu Hà biểu chồng dắt đi kiếm nhà hàng ăn cơm cho no rồi sẽ đi.

            Vĩnh Thái nói rằng:

-         Vô nhà hàng ăn làm gì? Quân đó là ăn cướp.

-         Mình vô nó cho ăn đồ bậy bạ, mà nó chém ba người ít nữa là năm sáu đồng bạc. Ðể đi mua ít ổ bánh mì, vài hộp cá mòi, đem lên xe mình ăn, rồi chiều lên Nam Vang sẽ ăn cơm.

     Vĩnh Thái bước xuống xe và biểu vợ đi theo. Thu Hà móc túi đưa sớp phơ một đồng bạc và nói rằng:

-         Anh đi ăn cơm cháo cho no đi, rồi còn đi nữa. Ðường xa lắm anh phải lo trước đừng có để đói bụng nhé.

            Sớp phơ lấy tiền rồi đi vô tiệm cháo. Vĩnh Thái dắt vợ với em đi kiếm bánh mì mà mua. Ði khỏi xe rồi, chàng nói với vợ rằng:

-         Sớp phơ nó ở với mình, ăn lương một tháng tới ba mươi lăm đồng. Ði xe thì nó phải đem tiền theo mà xài, chớ cho nỗi gì?

            Thú Hà cười và đáp rằng:

-         Nó nghèo nó đi với mình, thì mình phải cho nó ăn chớ.

-         Có cho thì cho nó một hai cắc đủ ăn cơm, cho gì tới một đồng bạc lận.

-         Thấy nó nghèo, cho nó như vậy nó vui lòng.

-         Cách mình ở với tôi tớ như vậy đó, nó lột da mình đố khỏi.

            Thu Hà không muốn cãi lẫy việc nầy nữa, mà cũng may lúc ấy Vĩnh Thái thấy bánh mì, mắc lật đật ghé vô mà mua, nên thôi cằn rằn sự vợ lãng phí. Chàng lựa ba ổ bánh mì lớn rồi hỏi cô vợ chệt ngồi bán đó rằng:

-          Bánh mì nầy chị bán bao nhiêu một ổ vậy chị?

-          Thứ đó một cắc thầy.

-          Giống gì mà mắc dữ vậy. Tám xu được hôn? Như bán tôi mua cho ba ổ.

-          Không được đâu, thầy. Tôi đếm trong lò chín xu một ổ, bán cho thầy tám xu sao được. Bán một ổ lời có một xu nhỏ chớ nhiều nỗi gì.

-          Thôi ba ổ hai cắc tám được hôn?

-          Hổng được, thầy. Ba cắc.

-          Hổng bán thì thôi.

            Thu Hà đứng ngoài đường với em, dòm thấy chồng ke re cắc rắc từ đồng xu với người bán bánh, bực mình mà lại hổ thẹn, nên day mặt chỗ khác không ngó. Vĩnh Thái trở ra nói với vợ rằng:

-         Ði kiếm chỗ khác mua. Bên mình bán bánh mì ngang tàng quá, bán không có cân lượng gì hết, lại nó muốn bán giá nào nó bán. Bên Tây làm như vậy có được đâu, ở tù chết.

            Thu Hà lặng thinh, riu ríu đi theo chồng, mà sắc mặt coi buồn nghiến. Mua có ba ổ bánh, hai hộp cá mà Vĩnh Thái dắt vợ với em đi giáp chợ, với tới ba bốn tiệm mua mới được. Chừng lên xe Thu Hà hỏi rằng:

-         Cha chả! Không có đem đũa theo làm sao mà ăn cá mòi đây?

-         Hứ! Cần gì đũa. Bốc vậy ăn cũng được mà. Ði chơi ăn vậy mới ngon chớ. Bực sang trọng bên Tây họ đi chơi họ cũng ăn quấy quá, có cần nĩa muỗng gì đâu.

-         Bóc xóc-xích[4] hay là ram-bon[5] thì được, chớ cá mòi bóc tay dơ quá rồi nước ở đâu mà rửa.

-          Chùi bậy bạ rồi lên Nam Vang rửa.

            Xe chạy từ Nhà Bàn vô Tịnh Biên, Thu Hà thấy nhiều cái cảnh thiệt là đẹp, nhưng vì cô sợ nói ra không hiệp ý chồng rồi chồng cãi nữa, nên cô ngồi nín thinh mà ngó, không dám thổ lộ cái tình cảm hứng của cô.

Vừa tới Tịnh Biên thì gặp một đám mưa lớn, nước đổ ào ào, gió thổi vụt vụt. Tại đây có một chiếc đò để chở xe qua kinh Vĩnh Tế. Khi xe tới bến đò, Thu Hà thấy giông nữa, nên biểu sớp phơ đậu xe mà nghỉ, đợi hết mưa rồi sẽ qua sông. Vĩnh Thái nhơn dịp ấy mới khui cá mòi rồi biểu vợ với em ăn. Công Cẩn đói bụng quá nên lật đật bẻ bánh mì rồi bóc cá mòi mà ăn ngồm ngoàm với Vĩnh Thái. Còn Thu Hà tuy cô cũng đói, nhưng mà cô không quen thói bóc hốt, nên cô ăn bánh mì lạt mà chịu chớ không ăn cá mòi. Vĩnh Thái thấy vậy bèn nói với vợ rằng:

-         Ăn chớ, cá mòi ngon lắm mà. Ăn thử coi.

Thu Hà cười mà đáp rằng:

-         Mình ăn đi, tôi nhai bậy bánh mì chơi, chớ tôi không đói.

Vĩnh Thái thò tay bóc một con cá cầm mà cắn, và nói ràng:

-         Làm cách thì sạch ruột. Không ăn thì hai anh em ta no bụng.

Cách một hồi dịu mưa lặng gió. Vĩnh Thái ăn rồi biểu sớp phơ kêu cu li sửa soạn đò mà đưa xe qua sông. Bốn tên cu li cổi[6] áo bỏ trong nhà rồi đội nón lá dầm mưa chạy ra mà kéo đò cho xe xuống. Thu Hà thấy mấy người cu li chống đò trong lúc mưa gió lạnh lẽo cô mới lấy một đồng bạc mà cho. Vĩnh Thái trợn mắt nói rằng:

-         Cho cái gì? Chúng nó làm đây có ăn lương của nhà nước, chớ phải làm không hay sao mà mình trả tiền công.

Thu Hà đáp rằng:

-         Trời mưa gió, họ cực khổ tội nghiệp, thấy họ, cho họ chút đỉnh họ vui lòng.

-         Ví như họ không vui rồi sao? Bộ khi mình là thiên hộ hay sao, nên gặp ai cũng cho tiền hết thảy?

-         Cho người nghèo chút đỉnh mà hại gì. Thuở nay tánh tôi quen như vậy đó hễ ai có công giúp tôi thì tôi đền ơn cho họ.

-         Nhà nước sắm chúng nó cho mình dùng thì chúng nó phải chống đò mà đưa mình, chớ ơn gì. Bên Tây nhà giàu họ xài tiền đúng lắm, nhằm chuyện bao nhiêu họ cũng không tiếc, còn không nhằm chuyện, dầu một đồng một điếu họ cũng không lọi, chớ không phải họ xài như mình vậy đâu.

-         Bên Tây khác, bên mình khác, phân bì sao được. Cũng một loại với nhau, người có tiền phải thương người không có tiền chớ.

-         Phải, mà sao mình biết mấy đứa này không tiền. Ai nói với mình đó?

Không phải Thu Hà không đủ lời mà cãi với chồng, nhưng vì cô thấy cô một ý, chồng một ý, dầu cãi ăn chồng đi nữa cũng không ích lợi gì, bởi vậy cho nên cô nhơn dịp sớp phơ đương rồ xăng, sang số cho xe lên bờ, cô mới chồm tới mà dặn sớp phơ cẩn thận, cô không thèm nói với chồng nữa.

Ðến xế, lên tới Nam Vang, Vĩnh Thái biểu sớp phơ chạy trong vòng Châu thành mà kiếm khách sạn.

            Xe vừa mới ngừng, thì có một bà già đầu bạc trắng, vóc ốm teo, quần áo lang thang mặt mày nhăn nhín, tay cầm cái quảu[7] nhỏ, tay chống cây gậy tre lần bước lại đứng một bên xe rồi đưa cái quảu nhỏ mà nói rằng:

-         Cậu mợ làm phước cho ít đồng xu mua cơm ăn.

Thu Hà thấy người già yếu đói rách, cô động lòng, nhưng vì từ hồi sớm mai cho tới bây giờ cô cho người ta tiền hai lần, đều bị chồng trộ trạo[8], cô sợ cho nữa bị chồng rầy, nên cô day qua ngó Vĩnh Thái, có ý chờ coi Vĩnh Thái có vui lòng cứu giúp bà nhiều ít gì không.

            Vĩnh Thái ngó bà già rồi châu mày nạt rằng:

-         Ê? Bà già này làm lộn xộn rối trí người ta. Ði chỗ khác mà xin.

Bà già ríu ríu bước dang ra. Vĩnh Thái lườm lườm ngó theo mà nói rằng:

-         Xứ mình sao có nhiều người làm nghề ăn mày quá! Bên Tây ai đi xin tiền như vậy, hễ lính gặp thì kéo cổ đem về bót rồi giải tòa bỏ tù mạt kiếp.

Thu Hà nghe mấy lời bất nhơn của chồng thì cô lấy làm bất bình nhưng mà cô dằn lòng nói êm ái rằng:

-         Người ta già yếu tật nguyền, làm công việc không nổi nữa, nên người ta mới đi xin chớ.

-         Già yếu tật nguyền thì kiếm việc nhẹ mà làm, ai lại cho phép đi xin. Ðừng có thương quân đó, không biết chừng kiếp trước họ ở ác lắm, nên trời phạt họ đa. Nếu mình cho họ tiền thì mang lỗi với trời đất biết hôn!

Vĩnh Thái vừa nói vừa mở cửa xe mà leo xuống.

Công Cẩn đã xuống trước rồi, trò móc túi đưa cho bà già một cắc bạc. Bà già xá trò mà tạ ơn rồi chống gậy lần đi. Vĩnh Thái thấy Công Cẩn cãi lời mà cho ăn mày tiền, thì chàng tức giận, nên ngó em trân trân, coi ý như chàng muốn nhảy lại mà bốp tay mới đã nư giận.

Vĩnh Thái vô khách sạn mướn Phòng rồi biểu vợ với em vô mà nghỉ. Chàng cởi áo rửa mặt và hối vợ với em thay đồ sạch sẽ đặng đi dạo chơi một hồi, kiếm nhà hàng mà ăn cơm. Công Cẩn đến xứ lạ trò thấy nhà cửa mỗi mỗi đều lạ mắt, trò lấy làm thích ý, nên lật đật thay đổi quần áo đặng đi chơi. Còn Thu Hà ngồi buồn xo trong lòng hết biết việc gì là vui nữa. Vĩnh Thái thôi thúc cô sửa soạn. Cô thở ra mà đáp rằng:

-         Thôi mình với em đi chơi, để tôi ở nhà.

-         Sao vậy?

-         Ði xe đường xa mệt quá, để tôi nghỉ.

-         Rồi làm sao mà mình ăn cơm?

-         Không hại gì, để chút nữa tôi đói bụng, tôi biểu bồi đi mua bánh mì cho tôi ăn cũng được.

-         Tự ý. Thôi để tôi đi đặng tôi kiếm đồ mua đem theo xe ngày mai mà ăn.

Vĩnh Thái dắt Công Cẩn xuống thang lầu mà đi. Thu Hà nằm dàu dàu, không tính ăn uống chi hết, mà trong đêm ấy cô ngủ cũng chẳng được.

Sáng bữa sau, Thu Hà than trong mình không được giỏi, nên khuyên chồng trở về. Vĩnh Thái tưởng vợ đau thiệt, nên nghe lời vợ mà về. Công Cẩn không được thấy Ðế Thiên Ðế Thích, trò tiếc quá nên cằn rằn hoài.

Vợ chồng thầy Hội đồng Chánh thấy con về sớm thì lấy làm lạ, chừng nghe nói Thu Hà trong mình không được giỏi thì có bụng lo, té ra về nhà rồi thì Thu Hà ra vô ăn ngủ như thường, chẳng thấy bịnh chi hết.

Cách ít bữa thầy Hội đồng biểu đi chơi nữa. Thu Hà nói rằng:

-         Con ngồi xe hơi đi đường sao hay chóng mặt quá con không dám đi nữa.

Thầy Hội đồng tưởng thiệt nên không ép, mà Vĩnh Thái ơ hờ, nên chàng cũng không khuyên mời.

V - CÒN TOAN KHAI HOÁ

Một buổi chiều, ăn cơm rồi mà mặt trời chưa lặn. Vợ chồng thầy Hội đồng Chánh lục đục ở phía sau, còn Vĩnh Thái với Công Cẩn thì dắt nhau đi chơi theo bờ lộ.

Thu Hà xách một cái ghế mây đem để dựa mấy bụi bông lài rồi ngồi ngắm cỏ cây cảnh vật trong vườn chơi. Bông huệ với bông lài cũng còn đua nở, mùi thơm bát ngát, cây cam với cây lý cũng còn giành tươi, đơm lá xanh dờn. Bông hoa cây cỏ cũng sởn[1] đẹp đẽ như lóng trước, nhưng mà Thu Hà nhìn xem thì trong lòng không vui vẻ như khi thi đậu mới về. Cô ngồi tại đây mà trí cô tưởng việc ở đâu, cô suy nghĩ một hồi rồi cô cứ cúi mặt xuống đất hoài, đến nỗi gió quật nhánh lài chùm bông đụng tay cô mà cô cũng không thèm day lại.

Cô ngồi chưa được bao lâu thì thấy Vĩnh Thái với Công Cẩn đi chơi về, hai chàng bước vô cửa ngõ, nói chuyện om sòm. Vĩnh Thái đi lại chỗ cô ngồi, rồi hỏi rằng:

-         Mình ngồi suy nghĩ việc gì đó?

Thu Hà chúm chím cười mà đáp rằng:

-         Suy nghĩ việc đời chơi, chớ có chi đâu.

Vĩnh Thái thấy Công Cẩn đi thẳng vô nhà, chàng cũng đi theo, song vô tới nhà rồi chàng lại xách một cái ghế trở ra, để gần một bên vợ và ngồi vịn vai vợ mà hỏi rằng:

-         Mình suy nghĩ việc đời là việc gì đâu, mình nói cho tôi nghe thử coi.

Thu Hà tay kéo vạt áo, mắt ngó xuống đất, cô dụ dự một chút rồi mới đáp rằng:

-         Tôi tính coi bây giờ làm việc chi cho có ích, chớ ở không mà chơi hoài hay sao.

-         Làm việc gì bây giờ?

-         Làm việc gì cũng được, miễn có làm mới vui chớ ở không mà chơi hoài thì vô ích cho đời, coi buồn quá.

-         Phải. Mình nghĩ như vậy thì lầm lắm. Phải lo làm ăn chớ ở không mà xài của cha mẹ hoài hay sao.

Thu Hà nghe mấy lời, biết chồng không thấu hiểu ý của cô, nên cô châu mày ngó chồng mà đáp rằng:

-         Mình tưởng trí tôi đê tiện đến nỗi sợ mình ở không, ăn xài hao tốn của cha mẹ tôi hay sao, nên mình nói vậy? Nếu mình tưởng như vậy thì mình lầm nhiều lắm. Vợ chồng mình đều có học thức. Tôi nói mình phải lo làm là làm những việc gì có ích cho nhà nước, có ích cho xã hội kia chớ. Sánh với dân các nước, thì người Việt Nam mình thua sút người ta hết thảy mọi bề, về phương diện tri thức cũng thua, về phương diện tài nghệ cũng thua, mà về phương diện kinh tế cũng thua. Vậy bọn tân học phải lo làm sao mà dìu dắt nguời mình lên đường tấn hoá đặng đi cho kịp người ta. Chớ nếu mang cái danh tân học mà cứ lo sung sướng tấm thân, không thèm lo khai hoá dân tộc, thì đối với mình có tội nhiều lắm.

Vĩnh Thái cười ngất rồi ngó vợ mà nói giọng pha lửng rằng:

-         Chà chà, đàn bà con gái Việt Nam bây giờ cũng biết lo việc đời, cũng biết nói khai hoá đó nữa há!

-         Ðàn bà con gái Việt lo việc đời, lo khai hoá, làm như vậy là bậy lắm hay sao mà mình cười?

-         Việc đó là việc đàn ông con trai người ta lo, đàn bà con gái biết gì mà nói.

-         Phải, mở mang trí thức cho dân tộc, binh vực lợi quyền cho nước nhà, ấy là phận sự của đàn ông con trai. Việc ấy tôi cũng biết như vậy, tôi có cãi bao giờ đâu. Chớ chi đàn ông con trai, hễ có tri thức ít nhiều mỗi người đều biết lo làm cho tròn phận sự thì đàn bà con gái cũng nên chui trong bếp mà nấu cơm, cũng nên thụt trong buồng mà cho con bú, có lý nào dám chường mặt ra ngoài mà nói chuyện khai hoá. Ngặt vì đàn ông con trai của mình bây giờ coi tệ quá. Có lẽ mình cũng ngó thấy chớ, phần nhiều họ chỉ cầu danh ham lợi chớ có mấy người lo công ích đâu. Nếu đàn bà con gái không can dự vào đặng giúp với mấy người đàn ông biết lo đó, thì đồng bào ta biết đời nào mới mở mắt.

            Vĩnh Thái nghe vợ nói như vậy thì ngồi lặng thinh mà suy nghĩ. Chàng thò tay ngắt một cái bông lài mà hửi rồi mới nói rằng:

-         Mình nói phải lắm. Ðàn ông con trai của nước mình là đồ bỏ cả. Chẳng kể chi mấy người học tham lam ở bên này, thậm chí họ đi du học bên Pháp về, phần nhiều cũng không ra cóc rác gì hết. Tôi thấy đời như vậy thiệt tôi ngán quá, nên hết muốn tính việc gì nữa.

-         Sao mà ngán ? Ðời tệ thì mình phải lo sửa lại, chớ ngán nỗi gì?

-         Thiên hạ họ đấu tranh giàu sang, nếu mình chăm lo làm công ích thì mình dại hơn họ quá.

-         Mình nói như vậy sao phải. Ai có thói đê tiện, ham giàu sang mặc ai. Mình phải giữ cái tánh cao thượng, cứ lo giúp ích cho đồng bào. Bọn đê tiện ấy dẫu có được giàu sang cho mấy đi nữa, thấy mình chúng cũng hổ thẹn, chớ đâu dám chê mình dại.

-         Ối! Ðời này họ kể gì là phải quấy, hể giàu sang là cao, còn nghèo hèn thì thấp. Dân còn ngu quá, họ có hiểu ai là người giúp ích cho họ, ai là người hãm hại họ đâu. Mình làm phải với họ cho mấy đi nữa, họ cũng không biết công ơn, mà sợ e họ còn khinh bỉ mình nữa chớ.

-         Phong tục tồi tệ, thì mình ăn ở cho cao thượng, đặng làm gương tốt cho người ta bắt chước mà làm theo. Dân trí còn u ám, thì mình phải khai hoá đặng cho người ta biết đường ngay mà theo, nẻo dại mà chừa.

-         Sửa phong tục, khai dân trí, là hai điều khó lắm, một mình lo sao nổi.

-         Hễ mình đề xướng lên thì ắt có người khác giúp với mình chớ.

-         Theo ý mình bây giờ phải làm thế nào đâu, mình nói cho tôi nghe thử coi.

-         Mình học giỏi, mà mình là đàn ông nữa, việc ấy mình thông thạo nhiều, tôi trí thức bao nhiêu mà dám nói.

-         Ậy, giả đò như tôi là thằng chồng ngu, không biết việc chi hết. Bây giờ mình dạy cho tôi biết cách giúp ích cho đời vậy mà.

Mấy lời nói ấy, ý thì khiêm, mà giọng thì ngạo, bởi vậy Thu Hà nghe rồi cô mắc cỡ, cúi đầu lặng thinh.

Vĩnh Thái cười và nói rằng:

-         Nãy giờ tôi muổn cãi với mình chơi, chớ phải tôi là thằng vô dụng như bọn tân học bây giờ đó đâu. Tôi lo giúp ích cho đời từ hồi tôi còn nhỏ kia. Vì tôi muốn giúp ích cho đời nên tôi mới đi du học. Ở bên Pháp mấy năm tôi lo tính hết sức, tôi quyết chí hễ học thành tài trở về quê hương, thì tôi sẽ hy sinh cái thân của tôi cho xã hội mà lo khai hoá đồng bào. Mà về tới xứ sở mấy tháng nay, tôi dòm thấy công cuộc trong nước, tôi thám dò thái độ của người mình, thì tôi bắt ngao ngán trong lòng không biết chừng nào. Tôi vắng mặt  mấy năm tưởng là trình độ học thức của người mình ở nhà đã được nhắc lên cao chút ít, té ra trình độ cũng vẫn như cũ, mà tâm đức coi ra lại còn sụt thấp hơn xưa. Cái óc dân tộc mình hư rồi, khó mà sửa cho nên lại được. Mấy tháng nay tôi tính gần nát trí khôn, mà cũng chưa tìm được cái phương châm nào có thể giúp cho người mình tấn hoá được. Nên chơi thì chơi tôi buồn lắm. Tôi tức quá. Chớ chi tôi giàu, có một hai triệu đồng bạc, tôi sẽ làm cho họ coi.

Thu Hà nghe chồng nói vậy, tưởng chồng thiệt có lòng nhiệt thành, nhưng giận thế tình ám muội nên thán oán, bởi vậy cô ngó chồng rồi hỏi rằng:

-         Làm sao mà có đến một hai triệu cho được?

-         Vậy chớ muốn làm việc công ích mà không có tiền, thì làm sao được?

-         Vả cuộc khai hoá không phải sức một người mà lo cho nổi, mà cũng không phải làm một ngày mà rồi hết được. Những người có lòng lo việc công ích, ai tuỳ theo sức nấy mà làm. Một người lo một việc, một ngày làm một chút, nhờ sức đông người, nhờ công nhiều người, mới mong thành tựu được. Ấy vậy, cuộc khai hoá mình phải thong thả mà làm, song làm thì phải làm cho có tuần có tự, hốt tốc lắm cũng không nên. Bây giờ mình phải liệu sức mình và coi chỗ nào cần ích gấp hơn hết thì làm trước, chớ thấy cuộc đời rồi chán ngán không chịu làm, thì ai gọi mình là người có chí, còn làm hốt tốc quá thì không thành tựu được, mình đã thất công lại vô ích nữa.

-         Bây giờ mình muốn cho tôi làm việc gì?

-         Kỳ xưa tôi lén tôi nghe mình tỏ cái chương trình khai hoá với ba, thiệt tôi phục quá. Nếu mình do theo cái chương trình đó thì hay biết chừng nào.

-         Hứ, nói nghe mà chơi thì dễ, chớ xướng ra mà làm, thì có dễ gì sao? Kỳ xưa, tôi nói cái chương trình khai hoá chia ra làm ba đoạn phải hôn? Bây giờ phải làm đoạn nào? Phải lo khai hoá trí thức, hay phải lo chấn hưng kinh tế, hay là phải lo tài bồi đạo đức?

-         Theo ý tôi bây giờ cần phải lo quảng khai dân trí.

-         Quảng khai dân trí phải làm sao?

-         Cái đó tự ý mình liệu, mình muốn lập học đường hay mở nhựt báo, hay là lập ấn quán gì cũng được.

Vĩnh Thái lắc đầu, nhắm mắt trề môi mà nói rằng:

-    Muốn làm việc đó, mỗi việc phải có vốn một trăm ngàn làm mới được. Mình có tiền hay không? Thu Hà day mặt ngó ngay chồng mà đáp rằng:

-  Hễ mình làm việc phải thì ba giúp tiền, chớ tôi làm giống gì mà có. Mà có làm việc gì thì chừng năm mười ngàn vậy được, chớ cả trăm ngàn ba giúp sao cho nổi.

- Nếu có làm thì phải làm cho hẳn hoi, chớ làm lôi thôi ai thèm. Năm mười ngàn đồng bạc mà làm cái gì, lập trường dạy con nít trong xóm học A B phải hôn? Hay là lập nhà in để in giấy tiền? Thôi đừng có nói chuyện khai hoá, đừng có tính việc công ích nữa, nghe ghét lắm. Phải lo làm cho có tiền đã rồi sẽ hay.

Vĩnh Thái nói chưa dứt lời thì chàng đứng dậy, rồi chắp tay sau đít, huỡn đãi đi vòng trong vườn bông. Trời đã chạng vạng tối, mà lại mây giăng mù mịt trên nhành lá cây lợt sắc, trong vườn hoa quả phai màu. Thu Hà ngồi ngó theo chồng mà thở dài, rồi cô đứng dậy  xách hai cái ghế đi vô nhà, mặt buồn xo, mắt ứa lụy.

Thu Hà gần chồng có mấy bữa thì thấy tánh ý chồng trái hẳn với tánh ý của cô. Hôm nay ngồi đàm luận việc công ích với nhau, lại thêm thấy khí phách của chồng không giống khí phách của cậu Tú tài đến nhà cô hồi tháng trước. Tuy cô buồn nhưng mà có Công Cẩn ở nhà, tối ngày cô theo nói chuyện chơi với em, nên sự buồn của cô còn có khuây lảng được chút đỉnh.

Cách ít bữa sau, tới khai trường Công Cẩn đi học rồi, Thu Hà không còn người thân thiết mà hủ hỉ nữa, tự nhiên phải nói chuyện với chồng. Cô gần gũi chồng chừng nào, cô buồn duyên tủi phận chừng nấy. Vợ thì nắm chặt lòng thành thiệt, chồng thì chuốt ngót tiếng phỉnh phờ, vợ thì ăn một đọi[2] nói một lời, chồng thì nói một đường tính một ngã. Vợ chồng dường ấy, làm sao mà gọi là loan phụng hòa minh.

Cô Thu Hà lấy làm bực bội trong lòng, nhưng mà cô không biết tỏ với ai được. Ðã biết trong nhà có cha mẹ, mà nếu mình than thở với cha mẹ, thì làm cha mẹ buồn bực như mình nữa chớ không ích gì. Mà mình than thở làm chi? Mình than thở rồi sửa tánh ý chồng mình lại được hay sao mà than thở? Ôi thôi! mà hồng nhan bạc mạng, căn số vô duyên thì chịu, than thở làm gì.

Thu Hà tủi phận chưa nguôi, thì kế rầu nỗi mẹ nữa. Vừa qua mùa đông bịnh ho của cô Hội đồng Chánh phục phát, cô thổ huyết luôn ba bốn bữa rồi cô nằm liệt không dậy nổi. Thầy Hội đồng rước đủ thứ thầy chạy đủ thứ thuốc, mà bịnh cũng không thấy giảm. Thu Hà tuy mắc lo săn sóc mẹ, song không quên buồn nỗi chồng, mối sầu của cô lại càng rối lên, bởi vậy cô ăn ngủ không được, thân thể gầy mòn, nhan sắc mười phần giảm hết ba bốn.

Cô Hội đồng nhờ thầy hay thuốc tốt, nên níu sự sống của cô lại được ít ngày. Nhưng mà cô mang chứng bịnh hiểm nghèo, dầu thuốc tiên cũng khó mà cứu được, bởi vậy qua tháng mười một cô không thể chịu nổi nên phải nhắm mắt từ biệt chồng con mà về âm cảnh.

Thu Hà với Công Cẩn khóc than không ráo nước mắt, còn thầy Hội đồng Chánh đau lòng rối trí nên lơ lửng như kẻ không hồn. Trong đám tang nhờ có Hương chủ Lung với Vĩnh Thái coi sóc sắp đặt, chớ cha con thầy Hội đồng Chánh không biết tới sự việc chi hết.

Cuộc sống chung yên rồi, Công Cẩn trở lên trường mà học lại. Thầy Hội đồng buồn rầu hết muốn lo việc trong nhà nên giao cho rể coi thâu góp lúa ruộng.

Ðến ngày làm tuần bá nhựt cho vợ, có bà con tựu đủ mặt, thầy Hội đồng nhơn dịp ấy bèn giao hết sự sản cho con rể cai quản đặng thầy đi chơi. Ông Hương chủ Lung thấy cháu tính như vậy thì nhíu chơn mày mà nói rằng:

-         Vợ chồng con Thu Hà là con nít, cháu giao hết cho chúng nó coi như vậy sao được. Cháu buồn thì đi chơi năm mười bữa rồi về, chớ bỏ phú việc nhà như vậy không nên.

Thầy Hội đồng đáp rằng:

-         Cháu buồn quá nên tính đi du lịch ngoài Trung Kỳ, Bắc Kỳ chơi ít tháng, rồi sau cháu qua Hương Cảng, Thượng Hải nữa. Không hại gì, vợ chồng nó đã lớn rồi, thứ coi nhà coi ruộng có khó gì đâu mà sợ.

Ông Hương chủ Lung lặng thinh, không cản nữa, song coi bộ ông không vui.

Cúng tuần cho vợ xong rồi, thầy Hội đồng Chánh lấy năm ngàn đồng bạc bỏ vào lưng rồi từ giã con gái và con rể mà đi du lịch.

Thầy Hội đồng mới đi hồi sớm mai, kế chiều lại Vĩnh Thái kêu vợ biểu đưa chìa khóa tủ sắt cho chàng giữ. Thu Hà lấy làm bất bình, nhưng vì cô sợ trái ý chồng, nên riu ríu móc túi, lấy xâu chìa khóa mà đưa.

            Vĩnh Thái ngó vợ cười mà nói rằng:

-         Bây giờ ba giao cho tôi cai quản sự nghiệp, vậy để tôi làm công chuyện chơi.

-         Làm công chuyện gì?

-         Tôi thi hành chương trình khai hoá.

-         Mắc coi nhà đây, đi đâu được mà khai hoá.

-         Ủa, ở nhà lại làm không được hay sao? Ðể tôi chấn hưng kinh tế cho mình coi.

Thu Hà ngó quay mặt chồng rồi xây lưng đi xuống nhà sau, không nói nữa.

VI – Vừa lộ tánh tình

            Vĩnh Thái nói thì làm liền, chớ không chịu để lâu như người khác. Sáng bữa sau, vừa mới thức dậy thì chàng sai thằng Tùng là đứa ở trong nhà, xuống kêu Hương hào Ðiều lên cho chàng hỏi thăm công việc.

Hương hào Ðiều có bà con xa xa với thầy Hội đồng Chánh nên kêu thầy bằng chú. Khi anh ta mới được mười lăm tuổi thì cha mẹ đều khuất hết. Thầy Hội đồng thấy bộ mềm mỏng thiệt thà, nên đem về mà nuôi đặng bồng ẵm săn sóc Công Cẩn.  Anh ta càng khôn lớn, tánh anh càng trung hậu.

Vợ chồng thầy Hội đồng đem lòng thương nên chừng anh ta được hai mươi tuổi, mới đứng cưới thị Sen là con gái của bà Hương giáo Phiến cho anh ta, rồi cất cho một cái nhà lá ba căn, cửa ván, cột vuông, ở phía dưới đầu xóm mà cho ra ở riêng, lại giúp cho một trăm đồng bạc và năm chục công đất mà làm ăn. Tuy thị Sen húng hính ưa lục đục ở trong nhà mà trang điểm, ít chịu bươn chải với chồng ở ngoài đồng, nhưng mà nhờ Ðiều siêng năng, mạnh mẽ, sóc vác, nên năm nào ăn xài rồi trong nhà cũng còn dư được đôi ba thiên[1] lúa.

Thầy Hội đồng thấy Ðiều biết lo làm ăn, lại càng thêm thương, nên cách ít năm sau thầy đỡ đầu cho làm hương hào, rồi từ khi cô Hội đồng có bịnh thì thầy lại cậy hoặc phụ lo góp lúa, hoặc lo coi thâu tiền đất giùm cho thầy nữa. Hương hào Ðiều là người biết ơn nghĩa, giúp việc cho thầy Hội đồng thì anh ta tận tâm cũng như làm việc của anh ta, mà thầy Hội đồng cũng là người có con ngươi, nên phú thác việc gì cho Hương hào Ðiều thì thầy không nghi ngờ chút nào hết. Tình bà con của hai người thiệt là xa, mà cách đối đãi với nhau coi chẳng khác nào chú cháu ruột.

Năm nay Hương hào Ðiều được ba chục tuổi, cưới vợ đã tám năm rồi mà sanh có một đứa con trai năm tuổi đặt tên là thằng Ðặng. Anh ta cao lớn vạm vỡ, bộ thì mạnh dạn, mà tánh thì ôn hòa, lại có tật thương vợ cưng con, cứ bắt vợ ở nhà nuôi con, không cho đi làm việc chi hết.

Anh ta đi thăm ruộng mới về, quần còn ướt mem, đương ôm con mà nựng, kế thằng Tùng xuống kêu. Anh ta thay đồ mặc một cái quần lãnh, một cái áo bà ba lụa đen, đầu bịt khăn xéo trắng rồi lật đật đi với thằng Tùng.

            Vĩnh Thái đương ngồi tại bàn viết, chừng thấy Hương hào Ðiều bước vô nhà, bèn kêu lại rồi biểu ngồi cái ghế gần đó và nói rằng:

-         Ba tôi đi chơi, giao hết ruộng đất cho tôi coi mà cho mướn. Tôi dò trong sổ thì biết người nào mướn bao nhiêu, số lúa ruộng là bao nhiêu, song tôi không hiểu ai làm sở nào. Tôi muốn đi tới mấy sở ruộng hết thảy, đặng coi sở nào tốt, sở nào xấu. Tôi cũng muốn đi coi hết mấy sở thổ trạch cho biết nữa. Tôi nghe nói anh biết ranh rấp ruộng đất của ba tôi hết thảy, xin anh làm ơn dắt tôi đi coi chơi được hay không?

Hương hào Ðiều cười và đáp rằng:

-         Dượng muốn đi coi thì tôi dắt dượng đi. Cha chả, mà đi cực lắm, dượng đi nổi hay không?

-         Cực cái gì?

-         Phải đi xuồng nhỏ mới được.

-         Ði xuồng thì đi, hại gì.

-         Như dượng chịu cực được thì đi. Dượng muốn bữa nào đi?

-         Khởi sự đi bữa nay. Ăn cơm rồi đi. Bữa nay anh rảnh hay không?

-         Lúc này lúa thóc làm rồi hết, tôi ở không có làm việc gì đâu mà không rảnh.

-         Ờ được. Thôi anh đi kiếm một chiếc xuồng cho sẵn đi, đặng ăn cơm rồi mình đi.

-         Có xuồng dưới nhà tôi, chừng nào đi thì lấy xuồng mà đi.

-         Ai bơi?

-         Tôi bơi cũng được.

-         Thôi, anh ở đó chơi, đợi cơm chín rồi ăn cơm với tôi, để tôi sửa soạn cây súng đặng đem theo, như gặp chim cò mình bắn chim.

-         Dượng bắn giỏi hôn?

-         Khá khá chớ không giỏi gì lắm.

-         Cha chả, cây súng đó chú Hội đồng cưng lắm, không bao giờ chú chịu cho ai bắn, dượng động tới đây tôi sợ chú về chú hay chú rầy.

-         Hại gì nà.

Ăn cơm rồi, Vĩnh Thái bận một bộ đồ Tây bằng bố xám rồi mang súng đi với Hương hào Ðiều. Chàng không thèm nói cho vợ biết mình muốn đi đâu, mà Thu Hà thấy chồng đi, cô cũng không thèm hỏi.

Xuống tới nhà Hương hào Ðiều, thị Sen lật đật ra chào Vĩnh Thái, còn thằng Ðặng nó thấy Vĩnh Thái nó sợ nên nó nắm vạt áo má nó và đứng nép một bên.

Hương hào Ðiều mắc lăng xăng lo tát nước chiếc xuồng và ôm chiếu xuống mà trải. Vĩnh Thái đứng trong nhà mà chờ, chàng ngó quanh quất một hồi rồi bước lại vỗ mặt thằng Ðặng và nhìn thị Sen mà nói rằng:

-         Chị nầy chỉ đẻ thằng con ngộ quá.

Thị Sen mắc cỡ nên cúi mặt xuống chúm chím cười.

Hương hào Ðiều dọn xuồng rồi mới mời Vĩnh Thái xuống đi. Thị Sen dắt con xuống bến ngó theo. Vĩnh Thái đưa tay ngoắc thằng Ðặng, mà thị Sen mắc cỡ nên day mặt chỗ khác.

Vĩnh Thái đi coi ruộng đất luôn hai ngày, bữa nào cũng đến nửa chiều mới về. Bữa sau chàng về tới nhà tắm rửa thay đồ vừa rồi, thì nghe xe hơi ngừng ngoài cửa ngõ. Chàng bước ra mà dòm, còn Thu Hà ở phía sau cũng bước ra mà ngó.

Có hai người mặc đồ Tây bước vô sân, mỗi người đều có mang một cặp mắt kiếng đồi mồi, tay có ôm một cái cặp đựng giấy tờ đầy nhóc. Vĩnh Thái thấy khách lạ nên trở vô ghế mà ngồi. Hai người khách bước lên thềm rồi gõ cửa. Vĩnh Thái đứng dậy bước ra. Một người khách cúi đầu chào và nói rằng:

-         Tôi là Lê Hưng Nhơn chủ bút Quốc Dân báo.

Người khách thứ nhì liền tiếp mà nói rằng:

-         Còn tôi là Trần Công Nghĩa chủ nhà máy xay lúa hiệu Nam Phát ở Chợ Lớn. Hai anh em tôi ghé thăm thầy Hội đồng.

Vĩnh Thái nắm tay chào khách và nói rằng:

-         Tôi được tiếp hai ông thiệt tôi lấy làm may, mà hai ông đến thăm ba tôi thì hai ông lấy làm rủi quá, vì ba tôi đi du lịch không có ở nhà.

Lê Hưng Nhơn cười và đáp rằng:

-         Không hại gì, thầy Hội đồng đi khỏi mà gặp được cậu thì cũng không phải là rủi.

            Lê Hưng Nhơn không đợi mời, liền ngối xề trên ghế, ôm cái cặp trong lòng mà nói rằng:

-         Tôi mới hiệp với mấy ông bạn đồng chí mà lập tờ Quốc Dân báo. Vì tôn chỉ tờ báo chúng tôi là khai thông trí thức, bảo thủ lợi quyền, kết giải đồng tâm chấn chỉnh phong hoá cho quốc dân. Bởi vậy báo xuất bản mới có mấy số mà được công chúng hoan nghinh từ Nam chí Bắc. Mà cậu cũng biết tờ báo được đông người đọc chừng nào thì thế lực chúng tôi càng thêm mạnh, mục đích của chúng tôi càng mau đạt chừng nấy, nên chi chúng tôi ráng cổ động thêm hoài, chúng tôi quyết làm thế nào cho tờ báo chúng tôi vô cho đến tận trong làng trong xóm, các hạng người trong ba kỳ, đều được xét những lời nghị luận của chúng tôi; có như vậy thì cuộc khai hoá quê hương, là chủ hướng của chúng tôi, mới mau kết quả được. Bởi ý đó, nên tôi đến cậy thầy Hội đồng và cậy cậu mua giùm một năm tờ Quốc Dân báo; lại cậy làm ơn cổ động cho anh em ở mấy làng xung quanh đây mua giùm nữa. Cậu giúp cho chúng tôi, chẳng những là chúng tôi mang ơn mà cậu lại còn có công với Việt Nam xã hội nữa.

Vĩnh Thái ngồi chim bỉm mà nghe, chừng Lê Hưng Nhơn nói dứt rồi, chàng đáp rằng:

-         Ông nói nghe hay lắm, mà theo sở kiến của tôi, thì nhựt trình quốc ngữ in uổng giấy mực đọc mất ngày giờ chớ không có ích chi hết.

-         Cậu nói như vậy tôi xin đỡ lời cậu. Nhựt báo cũng có nhiều thứ, chớ nào phải hết thảy là giấy để gói đồ đâu.

-         Tôi chưa thấy tờ báo nào hữu ích, hết thảy lập ra đều để mắng lộn với nhau, hoặc để xoi bói nói xấu chuyện riêng của thiên hạ chớ ích gì?

-         Cậu chỉ gộp như vậy thì ức quá. Ðâu cậu mua thử Quốc Dân báo một năm rồi cậu đọc coi hữu ích hay là vô ích.

-         Từ hồi nào cho đến bây giờ tôi nhứt định không thèm đọc nhựt trình quốc ngữ. Ðọc đã thất công, mà còn phát giận nữa. Ðể thì giờ lo làm việc khác có ích hơn nhiều.

-         Cậu lo làm việc gì mà gọi là có ích hơn? Trong thời kỳ này người Việt Nam ai có chút tâm huyết, ai có chút học thức, cũng đều chăm nom khai hoá nước nhà. Cậu thuộc trong bực thanh niên tân học mà sao cậu không để ý vào việc công ích chút nào hết vậy?

-         Ông đừng có nói những tiếng khai hoá và công ích. Tôi đi du học bên Pháp tôi về, mà tôi chưa dám nói khai hoá, tôi quyết chí hy sinh tánh mạng tôi cho xã hội, mà tôi chưa dám nói công ích. Tôi tưởng phải lo làm là tốt hơn dọn lời mà nói. Nói không được thì nói làm chi.

-         Té ra cậu đi học bên Pháp mới về sao?

-         Phải.

-         Tưởng là cậu học lôi thôi, nên cậu không biết lo khai hoá nước nhà, chớ cậu đã có xuất dương du học, thì cái trách nhiệm của cậu đối với xã hội còn nặng hơn của anh em chúng tôi nhiều lắm. Cậu chẳng nên công kích báo quốc âm, cậu phải giúp với chúng tôi, cậu phải đấu cật đâu lưng với chúng tôi mà dìu dắt đồng bào lên con đường tấn hoá.

-         Xin ông đừng có tưởng nhà soạn báo được độc quyền khai hoá, phải làm chủ bút mới lo khai hoá đồng bào được, còn làm nghề khác thì không được phép. Khai hoá là cái nghĩa vụ chung của bọn có học thức, chớ không phải là cái trách nhiệm riêng của mấy nhà soạn báo đâu. Bọn có học thức mỗi người đều tuỳ chức nghiệp của mình mà lo. Ông làm chủ bút thì ông lo khai thông dân trí, ông nầy làm chủ nhà máy thì lo ruồng mở đường kinh tế, tôi làm ruộng thì lo cải lương nghề nông, người khác làm quan thì lo dạy dỗ dân cho chúng nó hết ngu, người khác nữa làm thầy giáo thì lo rèn đúc tánh tình trẻ em đặng ngày sau chúng nó trở nên người đứng đắn. Ai có phận sự nấy. Sao ông lại buộc mỗi người đều phải giúp cho ông. Ông tưởng hai mươi triệu đồng bào ta cứ mua nhựt trình mà đọc, đừng thèm làm chi hết, sẽ trở nên văn minh được hay sao?

-         Cậu luận nghe kỳ quá! Tôi có nói một mình chúng tôi mới được lo khai hoá đâu mà cậu cãi. Tuy vậy mà tờ báo là cơ quan của cuộc khai hoá, tờ báo là cây thước để đo lòng dân nóng nguội được bao nhiêu, tờ báo là cây đuốc để soi đường cho quốc dân tấn bộ. Trong hoàn cầu ai mà chẳng trọng báo giới, ai mà chẳng công nhận sự ích lợi của báo giới. Phải, cậu nói phải lắm. Bọn có học thức phải tuỳ chức nghiệp của mình mà lo làm những việc công ích. Nhưng dầu làm việc gì cũng phải nuôi tờ báo của mình, đặng cho tờ báo có thế lực mà bênh quyền lợi của mình, mà khai đường dẫn lối cho người mình chớ không chịu phụ giúp để cho tờ báo chết thì cũng như mình dập tắt cây đuốc rồi còn thấy đường đâu mà đi tới.

-         Hừ! Báo quốc âm mà kêu là cây đuốc văn minh sao được. Tôi cãi nữa sợ e mích lòng ông. Tôi xin tỏ với ông một lời này: ông nói tờ báo của ông là đại hữu ích cho quốc dân. Vậy ông để thong thả cho quốc dân xét, như thiệt có ích thì người ta mua, chẳng cần phải khuyên mời ép uổng.

-         Phải mua mà đọc thử rồi mới biết hữu ích hay vô ích, chớ không mua mà đọc thì làm sao biết được?

-         Ðọc mà làm gì! Chớ chi đọc báo rồi khôn ngoan khỏi học, đọc báo rồi giàu có khỏi làm, đọc báo rồi rừng rậm hoá ra lương điền, đọc báo rồi tiệm của khách trú[2] hoá ra tiệm của người Việt được hết thì tôi mua liền, chẳng cần gì đợi ông đến nhà mà mời.

Lê Hưng Nhơn rùng vai rồi day mặt ngó ra sân, coi bộ bất bình lắm. Vĩnh Thái cười mà nói rằng:

-         Xin lỗi ông, nãy giờ tôi muốn cãi với ông cho ra chơn lý mà thôi, chớ tôi không phải phiền trách việc chi, nên kiếm lời kích bác ông. Tôi nói thiệt với ông, tôi đây là người có nhiệt tâm về sự khai hoá lắm. Nhưng mà tôi ở bên Pháp trở về mấy tháng nay tôi chủ tâm về cuộc chấn hưng kinh tế cho đồng bào, trí tôi chăm lo sự ấy mà thôi, không thèm tính tới việc gì khác. Ông lập nhựt báo, ý tôi quyết khai thông dân trí, tôi lo ruộng vườn, ý tôi quyết chấn hưng lý tài. Tuy chúng ta mỗi người đi một đường, mỗi người lo một việc, nhưng mà mục đích của chúng ta cũng như nhau. Chúng ta chỉ lo khai hoá đồng bào, chớ không phải tranh danh trục lợi chi đó. Vậy tôi chúc cho ông với tôi đều được thành công, ngõ khỏi hổ thẹn với nước non, ngõ được vẹn toàn phận sự.

Lê Hưng Nhơn vừa muốn trả lời thì kế Trần Công Nghĩa đưa tay mà cản và nói rằng:

-         Ông chủ bút không nên ép cậu mua nhựt báo. Cậu là một nhà tân học đa văn quảng kiến, đọc nhựt báo quốc âm có bổ ích cho cậu chỗ nào đâu. Huống chi cậu đã nói trí cậu mắc chăm lo hưng chấn kinh tế thì cậu có thong thả đâu mà cậy cậu giúp khai thông dân trí.

Trần Công Nghĩa ngừng lại mà tằng hắng, rồi ngó Vĩnh Thái mà nói rằng:

-         Cậu nói cậu lo chấn hưng kinh tế thì cậu đồng chí với tôi. Vậy để tôi bàn việc nầy với cậu.

-         Việc chi đó?

            Trần Công Nghĩa mở cặp lấy một mớ giấy in mà nói rằng:

-         Việc tôi sẽ nói đây là một việc đại công ích, nếu mà thành được, thì sẽ có ảnh hưởng đến cuộc kinh tế của người mình nhiều lắm. Cậu là người chăm lo kinh tế, hễ tôi nói ra thì chắc là cậu chịu lắm.

-         Tôi có biết việc gì đâu mà chịu.

-         Ậy, để thủng thẳng rồi tôi nói cho cậu nghe mà, cậu gấp quá. Tôi chen vào nơi thương trường mà cạnh tranh quyền lợi với khách ngoại bang mấy năm nay, tôi dòm thấy có nhiều chỗ người mình bị đè bị ép, thiệt tôi tức lắm. Cậu dư biết, lúa gạo là thổ sản nhiều nhứt của xứ Nam Việt ta. Lúa gạo ấy của người mình làm ra, mà chừng bán thì hễ họ định giá nào thì bán giá nấy, chớ mình không có quyền định giá. Họ mua lúa của mình thì rẻ, họ xay ra gạo rồi họ bán cho ngoại quốc và cho mình thì mắc, té ra mình làm đổ mồ hôi xót con mắt, mà cái lợi thì họ chiếm phần nhiều. Tôi có nhà máy xay lúa mấy năm nay, tôi mới thấy chỗ ức đó được bởi vậy tôi tính rủ người mình hiệp nhau mà lập một công ty cho lớn, vốn chừng năm chục muôn, đặng lập nhà máy lớn rồi mua lúa xay ra gạo mà bán thẳng cho ngoại quốc. Tôi định vốn năm chục muôn là định đặng làm thử, nếu trong ít năm mà thấy khá thì kêu hùn thêm mà làm lớn hơn nữa. Tôi tính rủ điền chủ ở lục tỉnh hùn vô hết thảy, đặng lúa của mình thì bán cho công ty của mình, khỏi sợ khách trú mua giành giựt. Mỗi phần hùn định số năm trăm đồng, vậy xin cậu hùn giùm ít chục phần, đặng chung lo vãn hồi quyền lợi của mình, kẻo để thiên hạ họ hưởng uổng quá.

-         Ối! Việc hùn hiệp khó lắm. Người mình lôi thôi, làm bậy đố khỏi mất vốn hết.

-         Sao mà lôi thôi? Việc buôn bán lúa gạo tôi thạo lắm, không thế nào lỗ được.

-         Nói giỏi sao được! Khách trú họ thạo bằng mười mình, mà nhà máy họ trên Chợ Lớn còn bị khánh tận hoài đó, ông không thấy hay sao?

-         Cái đó là tại họ muốn giựt, chớ có phải lỗi mà sập nhà máy đâu.

-         Nếu nói họ giựt, còn người mình ra làm lại chắc mình không giựt hay sao?

-         Ðâu đó có sổ sách hẳn hòi, giựt sao được.

-         Sổ sách, sổ sách ! Chừng muốn giựt sổ sách lại cản được hay sao? Thuở nay tôi ghét hùn hiệp lắm. Làm việc gì thì làm một mình dễ hơn.

-         Cậu muốn chấn hưng kinh tế, mà cậu không chịu kết đoàn thể, cậu tính làm một mình, thế thì cậu đủ sức mà kinh doanh cho lớn được đâu, còn mong gì chấn hưng kinh tế.

-         Mình không đủ sức thì ban đầu mình làm việc nhỏ, lần lần mình sẽ làm lớn.

-         Phải hùn hiệp mới được. Muốn cạnh tranh quyền lợi thì phải lập hội, chớ không nên làm một mình. Cậu phải hùn vào công ty của tôi đặng làm gương cho mấy điền chủ ở trong tỉnh.

-         Không được. Làm sự gì cũng phải khảo cứu cho kỹ lưỡng, chớ nhắm mắt mà làm như vậy có được đâu.

-         Cậu nói như vậy, thôi tôi để lại đây cho cậu một mớ điều lệ với một mớ tờ bố cáo đặng cậu coi. Cậu có gặp ông điền chủ nào, xin cậu làm ơn chỉ giùm cho họ coi với. Cậu khảo cứu đi, trong ít ngày rồi tôi sẽ trở lại. Tôi chắc cậu coi rồi cậu ưng hùn lắm.

Trần Công Nghĩa để một mớ giấy in trên bàn, Vĩnh Thái ngó lơ, coi bộ không chú ý đến. Hai người khách ôm cặp đứng dậy cáo từ mà đi. Vĩnh Thái đưa ra cửa. Lúc bắt tay tử giã, Lê Hưng Nhơn cười mà nói rằng:

-         Tôi tiếc quá, không gặp được thầy Hội đồng.

Vĩnh Thái cũng cười mà đáp rằng:

-         Tôi cũng tiếc cho hai ông rủi lắm.

Khách đi rồi, Thu Hà bước ra mời chồng đi ăn cơm. Vừa ngồi lại bàn ăn thì Vĩnh Thái cười ngất, rồi nói với vợ rằng:

-         Tụi đó đi nói dóc kiếm tiền, bị tôi đẩy xa lắc.

-         Sao mình không mua giùm một năm nhựt trình cho người ta?

-         Mua làm gì? Tiền đâu mà mua đồ tầm bậy như vậy?

-         Cuộc khai thông dân trí mình làm không được, người ta ra người ta gánh vác, mình phải giúp sức cho người ta chớ.

-         Mới khỉ khô chớ khai thông dân trí! Bày đặt đặng khai bóp phơi thiên hạ chớ khai giống gì.

-         Người nào, mình cũng chê đè, việc nào mình cũng bác bỏ hết, thôi có làm giống gì đâu mà công ích.

-         Mình đừng có bi sử, để tôi chấn hưng kinh tế cho mình coi mà.

-         Mình nói mình lo chấn hưng kinh tế, sao hồi nãy mình không chịu hùn đặng lập nhà máy xay lúa?

-         Hùn đặng cho nó ăn.

-         Có lý nào, việc hùn hiệp thì có sổ sách, họ ăn gian thì họ ở tù chớ.

-         Trước khi lo ích lợi chung, thì mình phải lo lợi riêng cho mình đã. Nếu mình không lo cho mình trước, thì chết đói rồi làm sao lo cho thiên hạ được.

-         Hôm trước mình cãi với tôi, mình nói nếu muốn thi hành chương trình khai hoá thì phải có vốn cho lớn mình mới làm được. Bữa nay người ta đến rủ mình hùn đặng có vốn cho lớn, sao mình lại không hùn?

-         Ðể mình lo làm cho có tiền nhiều đã, rồi sẽ tính tới việc khai hoá, biết hôn?

            Thu Hà vừa muốn đáp nữa, thì kế Hương hào Ðiều bước vô. Vĩnh Thái thấy mặt Hương hào Ðiều liền nói rằng:

-         Anh phải nhớ nghe hôn, anh Hương hào? Nhớ kêu tá điền, tá thổ, trưa mốt tựu lại đây cho đủ mặt, đừng để sót người nào. Còn mai nầy anh biểu thằng Mau với thằng Tùng cầm dây cho anh đo mấy miếng đất thổ cư hết thảy. Người nào ở vuông vức bao nhiêu anh biên cho rành, theo như lời tôi dặn anh hồi trưa đó, nghe hôn? Ờ, nhớ kêu bà con mấy cái mả đó nữa nghe.

Thu Hà nghe chồng dặn Hương hào Ðiều lăng xăng, không hiểu ý chồng tính việc gì, nên ngồi ngó trân trân.

VII – Thấy rõ tâm chí

Y lời dặn trước, đến bữa đòi tá điền tá thổ thì Hương Hào Ðiều biểu vợ nấu cơm ăn sớm rồi xăm xăm lên nhà thầy Hội đồng Chánh đặng coi họ có tới đủ hay không. Anh ta bước vô thấy thằng Mau đương chùi lau bàn ghế, anh ta mới hỏi thăm coi Vĩnh Thái đi đâu. Thằng Mau nói Vĩnh Thái đương thay áo quần ở trong buồng. Hương hào Ðiều bèn đi thẳng xuống nhà sau.

Vừa xuống tới nhà cầu Hương hào Ðiều gặp Thu Hà ở dưới nhà bếp bước lên. Thu Hà đứng lại mà hỏi rằng:

-         Ở nhà tôi[1] biểu anh kêu tá điền tá thổ tựu lại làm chi vậy?

Hương hào Ðiều lắc đầu nói không biết. Thu Hà châu mày đứng ngẫm nghĩ một hồi rồi hỏi rằng:

-         Vậy chớ ở nhà tôi biểu anh dắt đi đâu, mà đi trọn hai ngày đó?

-         Dượng Tú biểu tôi dắt đi đặng chỉ hết mấy sở ruộng, mấy miếng đất cho dượng coi.

-         Ở nhà tôi không có nói với anh chuyện gì hay sao?

-         Không. Dượng có nói chi đâu. Dượng biểu tôi đòi tá điền tá thổ, biểu tôi đo cho kỹ mấy cuộc ở trong miếng đất thổ trạch; dượng biểu tôi vậy tôi hay vậy, chớ tôi có biết chi đâu.

Hai người nói chuyện tới đó, kế Vĩnh Thái ở trên nhà trên bước xuống, mặc đồ Tây coi đàng hoàng, vừa thấy Hương hào Ðiều thì hỏi rằng:

-         Anh biên mấy cuộc ở của tá thổ đâu, anh đưa tôi coi.

Hương hào Ðiều lật đật rút xấp giấy trong túi mà đưa.

Vĩnh Thái liền trở lên nhà trên, lại ngồi nơi bàn viết, rồi lấy giấy viết ra mà viết. Chàng ngồi biên chép hoài cho tới chừng cơm dọn rồi, thằng Tùng lên mời, mà ý chàng cũng chưa muốn đi ăn.

Lúc ngồi ăn cơm, trong trí chàng mắc lo tính chuyện gì không biết, nên lơ lơ lửng lửng không muốn nói chuyện với vợ.

            Tá điền, tá thổ rải rác kéo tới nhà, người nào cũng bước vô xá vợ chồng Vĩnh Thái rồi đứng xớ rớ dựa xó cửa. Thu Hà thấy ai cũng chào hỏi, mời ngồi rồi hối mấy đứa ở lấy trầu ăn. Còn Vĩnh Thái thì ngồi nghiêm nghị, ai xá thì gật đầu mà thôi, không thèm nói chi hết.

Ăn cơm rồi Vĩnh Thái dặn Hương hào Ðiều coi chừng như ai nấy có tới đủ thì cho mình hay, rồi chàng bỏ đi lên bàn viết mà ngồi nữa.

Gần mười giờ, tá điền tá thổ mới đến đủ. Vĩnh Thái ôm giấy tờ sổ sách đem lại để bàn giữa mà ngồi, biểu tá điền đứng qua một bên, tá thổ đứng qua một bên cho phân biệt.

Hương hào Ðiều bước lại nói rằng:

-         Mấy người tá thổ đều là tá điền hết, chớ có ai ở trong đất mà không mướn ruộng đâu.

            Vĩnh Thái cười. Chàng lật sổ ra mà coi rồi kêu Phó lý Thâu biểu lại đứng ngang trước mặt mà hỏi rằng:

-         Mùa rồi đây chú đong lúa ruộng còn thiếu năm chục giạ phải hôn?

-         Thưa dượng, phải.

-         Tôi kỳ cho chú trong ba ngày chú phải đem mà đong cho tất. Nếu chú không vưng lời thì tôi lên tòa đóng bạc vào đơn mà kiện rồi tôi phát mãi đồ đạc hết, lại tôi bắt mà giam thân chú nữa đa, nói cho chú biết.

-         Thưa dượng, hôm trước tôi có bẩm với thầy Hội, tôi xin để mùa tới tôi sẽ đong. Thầy Hội bằng lòng rồi. Bây giờ dượng biểu tôi đong, tôi còn có vài chục giạ để ăn, có lúa đâu mà đong.

-          Không được. Ba tôi không có nói với tôi chuyện đó. Tôi thấy trong sổ ba tôi ghi chú còn thiếu năm chục giạ thì chú phải đong. Nếu chú cừ ngạnh, tôi bỏ tù chú, mà tôi lấy ruộng lại cho người khác mướn, không để cho chú làm nữa.

-         Thưa dượng, tội nghiệp tôi quá!

-         Tội nghiệp cái gì? Chú muốn giựt nên chú không chịu đong cho đủ chớ. Tá điền gần một trăm người ai cũng đong đủ hết, duy có một mình chú nghinh ngang, chú không chịu đong, để tôi làm cho chú coi tôi.

-         Thưa dượng, dượng hỏi hết thảy bà con đây coi. Mùa rồi ruộng của ai cũng trúng hết, có một mình tôi bị chuột cắn phá nên tôi thất quá, không có đủ mà đong lúa ruộng, chớ phải tôi dám cừ ngạnh hay sao. Thuở nay tôi nhờ thầy Hội đồng mà no cơm ấm áo, có lẽ nào tôi dám như vậy. Tôi làm ruộng của thầy hơn mười năm rồi, mới có năm nay rủi thất quá nên tôi mới thiếu đó.

-         Hồi làm tờ tá, chú có giao hễ lúa bị chuột cắn thì chủ điền phải bớt lúa ruộng hay không?

-         Thưa không.

-         À còn như mùa rồi ruộng chú trúng quá, chủ điền có buộc chú đong thêm lúa ruộng hay không?

-          Thưa không.

-          À, phàm làm ruộng hễ trúng thì nhờ, còn rủi thất mùa thì chịu, chớ chối cãi cái gì. Không biết, chú làm sao thì làm, tôi kỳ cho chú trong ba bữa phải đem năm chục giạ lúa mà đong cho đủ. Nếu để trễ một ngày tôi cũng bỏ tù và lấy ruộng lại nữa.

-         Thưa dượng, xin dượng thương tôi. Thiệt tôi có biết làm sao cho có năm chục giạ lúa đong bây giờ.

-         Thì chú bán nhà bán cửa, bán đồ bán đạc, làm sao chú làm, tôi biết đâu.

Phó lý Thâu ứa nước mắt, đứng nín khe một hồi rồi than rằng:

-         Bán nhà rồi nhà đâu mà ở. Còn đồ đạc trong nhà có món nào xứng đáng đâu mà bán được.

-         Như không có đồ mà bán, thì đợ vợ đợ con làm sao thì làm chớ.

-         Chớ phải ai chịu mướn thằng nhỏ tôi thì tôi cũng đợ nó.

-         Thằng nhỏ chú được bao lớn?

-         Thưa, mười chín tuổi.

-         Hỏi thử mấy người này có ai chịu mướn không?

Ai nấy đều nín khe, không ai chịu mướn. Vĩnh Thái trầm ngâm một hồi rồi nói với Phó lý Thâu rằng:

-         Thôi chú đem con chú lên ở với tôi mà làm công việc nhà. Chừng nào chú có năm chục giạ lúa đem đong đủ rồi tôi sẽ cho nó về.

-         Dạ.

-         Sớm mai chú phải dắt nó lên đây đa, nghe hôn?

-         Dạ.

            Vĩnh Thái ngồi dựa ngửa lên ghế, liếc mắt ngó tá điền rối chậm rãi nói rằng:

-         Bữa nay tôi kêu mấy người tựu lại đây là vì tôi có chuyện muốn nói với mấy người. Mấy người cũng biết, thuở nay ba tôi ở với mấy người tử tế lắm. Bây giờ ba tôi buồn, ba tôi không muốn biết tới việc ruộng đất nữa, ba tôi giao hết cho tôi coi. Tôi muốn kế chí của ba tôi, nên tôi cũng lấy lòng nhơn đức mà ở với mấy người. Mùa này tôi muốn khởi sự thí một cái ơn cho mấy người chơi.                                                                                                 Tôi nghe nói thuở nay, năm nào cũng vậy, mấy người hụt tiền lúa chạy sấp chạy ngửa, vay đầu nầy hỏi đầu kia, bị người ta bó buộc ăn lời cắt họng. Tôi làm chủ điền mà để cho tá điền tôi đi vay của người khác như vậy thì tội nghiệp cho họ mà cũng hư danh giá của tôi nữa. Ấy vậy tôi muốn mấy người lấy bạc lấy lúa của tôi mà xây dựng, chớ đừng đi hỏi của người ngoài họ cười tôi. Tôi nhứt định hễ ai mướn một trăm công đất thì tôi giúp cho hoặc năm chục đồng bạc hoặc năm chục giạ lúa, tuỳ ý ai muốn lấy bạc thì lấy, ai muốn lấy lúa thì lấy. Như ai mướn hai trăm công thì tôi giúp số bằng hai, ai mướn ba trăm công thì giúp số bằng ba.                               Mấy người cũng nghĩ cho tôi, không lẽ tôi giúp vốn cho mấy người làm ăn, mà mấy người không trả tiền lời cho tôi chút đỉnh. Ở miệt này chủ điền cho tá điền vay, thì ai cũng ăn lời quá lẽ hết thảy, cho một giạ lúa tới ngày họ đòi hai giạ, cho một đồng tới ngày họ đòi hai đồng. Tôi nhơn đức, tôi không đành cắt cổ mấy người quá như vậy đâu. Tôi định cho năm chục giạ lúa, tới ngày mấy người đong vốn và lời tám chục giạ mà thôi, bạc cũng vậy, hễ năm chục đồng thì tới ngày vốn và lời tám chục đồng. Vậy hễ đầu mùa mưa thì mấy người phải thay tờ tá hết thảy. Lúa ruộng thì tôi để y số cũ, chớ tôi không tăng. Nhưng hễ làm tờ tá thì phải làm luôn cái giấy hỏi bạc hoặc hỏi lúa, ai mướn đất nhiều thì hỏi nhiều, ai mướn đất ít thì hỏi ít, tuỳ theo số đất mà làm tờ tá, và muốn lấy bạc hay là lấy lúa tuỳ ý mình, cái đó tôi không ép. Mấy người hiểu hay không'?

Mấy người tá điền dạ rân. Có ông cựu Hương sư Nhân râu le the, tóc bạc hoa râm, mặc quần lãnh đen, áo quãng đông lục soạn tam công, ông bước ra nói rằng:

-         Dượng ở với tá điền như vậy thì tử tế thiệt. Nhưng mà ai có thiếu thốn hoặc lúa ăn, hoặc bạc xài, thì mới lấy, còn ai không cần dùng thì thôi, chớ dượng buộc ai cũng phải hỏi bạc hoặc hỏi lúa hết hay sao?

-         Hết thảy, ai cũng phải lấy.

-         Như tôi không cần dùng, tôi lấy làm chi mà phải chịu số lời.

-         Sao lại không cần dùng? Phải lấy mới được.

-         Tôi không cần dùng, tôi xin không lấy. Tôi làm tới ba trăm công đất, nếu tôi phải lấy một trăm năm chục đồng bạc đem về để đó rồi tới ngày tôi phải trả tiền lời tới chín chục đồng thì oan cho tôi quá.

-         Ai không chịu lấy bạc hoặc lấy lúa, thì tôi lấy đất lại, người ta bằng lòng hết, có một mình ông nhiều chuyện, ông kỳ quá. Ông không bằng lòng thì đi mướn đất ruộng khác mà làm.

-         Ông cựu Hương sư Nhân bị rầy, ông xụi lơ, không dám kêu nài nữa. Ai nấy cũng lặng lẽ không còn dám cãi.

Vĩnh Thái kêu thằng Tùng biểu rót một chén nước trà cho chàng uống rồi chàng nói tiếp rằng:

-         Việc ruộng tôi nói rồi, bây giờ tôi nói qua thổ trạch. Mấy bữa rày tôi hỏi thăm tôi mới hay thuở nay mấy người cất nhà cất cửa, trồng cây trồng cối, choán ở trong đất của ba tôi, mà không có đóng tiền chi hết. Tôi mới coi ruộng đất của ba tôi, tôi cũng không bó buộc mấy người làm chi, ngặt vì năm nay nhà nước đánh thuế đất thổ trạch mắc lắm, đã thâu thuế theo số sào mẫu rồi còn thâu thuế nóc gia nữa. Mấy người cũng hiểu, tuy là đất thổ trạch song hồi trước ba tôi cũng xuất bạc ngân mà mua, chớ phải ai cho không hay sao.                                                                                                             Nếu để dùng lập vuờn mà trồng cây trái thì huê lợi cũng nhiều. Ba tôi để cho mấy người cất nhà ở trồng rau trồng chuối mà dùng, thì ba tôi đã thất lợi rồi, bây giờ còn phải đóng thuế nữa, thì thiệt hại lung quá. Vậy tôi xin mấy người phải chung nhau mà chịu số thuế đó. Mà bây giờ để cho mấy người chia thuế thì cũng khó, nên tôi mới cậy anh Hương hào đi đo đặng tôi chia cho công bình, ai choán nhiều đất thì chịu nhiều, ai choán ít thì chịu ít. Ðất ở Sài Gòn, Chợ Lớn người ta cho mướn mỗi một thước vuông một năm tới năm mươi đồng. Mình ở ruộng, không lẽ đòi mắc quá như vậy.    Tôi định mỗi thước vuông, mấy người chịu nửa đồng xu một năm mà thôi. Mỗi người choán bao nhiêu đất, tôi đã đo và biên vào sổ rồi, chừng nào làng họ thâu thuế tôi thì tôi sẽ kêu mấy người đem đóng cho tôi, đặng tôi đóng lại cho làng. Vì sự nầy thuở nay không có, nên tôi phải cho mấy người hay trước.

Tá điền tá thổ đều lặng thinh, ngó nhau mà chịu. Có một người hỏi rằng:

-         Thưa dượng, không biết phần tôi phải đóng chừng bao nhiêu.

-         Chú tên gì?

-         Tư Ðỏ.

Vĩnh Thái lật sổ coi rồi nói rằng:

-         Chú choán tám trăm bốn chục thước. Chú phải đóng bốn đồng bạc.

Tư Ðỏ le lưỡi lắc đầu. Vĩnh Thái nói rằng:

-         Nhà chú thì nhỏ mà tại chú choán đất trồng đồ nên phải đóng nhiều chớ sao. Hôm qua tôi muốn cán đều với nhau mà chịu. Mà rồi tôi nghĩ người choán đất nhiều kẻ choán đất ít, bắt chịu đồng với nhau thì không công bình.

Vĩnh Thái xếp sổ lại rồi hỏi rằng:

-         Còn mưòi mấy cái mả chôn ngoài ruộng phía trên đầu xóm đó, là mả của ai vậy? Ðâu ai bà con với những người nằm đó thì bước ra đứng riêng một bên đây coi.

Gần hai mươi ngưới bước ra phía tay mặt mà đứng, đờn ông có, đờn bà cũng có. Vĩnh Thái ngó mấy người mà nói rằng:

-         Mấy người đắp gò mả trong ruộng, hư ruộng hết. Tôi muốn mấy người nhơn mùa nắng nầy mà lấy cốt những mả ấy đem chôn chỗ khác.

            Mấy người đều rập nhau mà nói đã chôn lỡ rối, bây giờ lấy cốt biết đem đi đâu mà chôn. Vĩnh Thái ngồi ngẫm nghĩ rồi nói rằng:

-         Mấy người nói cũng phải. Mấy người không có đất riêng, nếu bắt lấy cốt rồi mấy người biết đem vô đất nào mà chôn. Mà để đó hoài thì thiệt hại cho tôi nhiều lắm. Vậy tôi định mỗi cái mả mỗi năm phải đóng cho tôi một đồng bạc. Không phải là tôi làm gắt, ấy là mấy người bồi thường sự thiệt hại cho tôi đó thôi. Như người nào chê mắc, thì thong thả muốn lấy cốt đem qua đất khác mà chôn cũng được. Tôi không ép.

Ai nấy đều nói rằng:

-         Ðóng một đồng bạc thì đóng chớ biết làm sao bây giờ.

Vĩnh Thái đứng dậy nói rằng:

-         Tôi nói chuyện xong rồi, thôi mấy người về đi. Nầy, mà phải nhớ hễ đầu tháng tư nầy thì thay tờ tá hết thảy đa, đặng có lấy bạc lấy lúa. Ðể tôi mướn in sẵn tờ tá với giấy vay, đặng mấy người khỏi thất công viết.

Tá điền tá thổ cúm rúm kéo nhau ra về. Khi họ ra ngoài sân rồi, Vĩnh Thái còn kêu Phó lý Thâu mà nói vói rằng:

-         Phó lý Thâu, sáng mai chú phải dắt con chú lên ở đa, nghe hôn.

Phó lý Thâu dạ, mà mặt mày buồn hiu.

Vĩnh Thái vô nhà, thấy còn có một Hương hào Ðiều đứng đó, thì chàng và cười và bước lại vỗ vai anh ta mà nói rằng:

-         Anh coi tôi tính như vậy có lợi nhiều hay không, hử? Anh ráng cho tôi hết lòng. Tôi sẽ thưởng công anh xứng đáng lắm. Anh cũng phải làm bộ lấy lúa vay như họ, song tới mùa tôi không ăn lời anh đâu. Còn tiền thổ cư tôi cũng tha anh nữa, không sao đâu mà sợ.

Thu Hà từ nhỏ chí lớn hễ đi học thì thôi, chớ về nhà thì nghe những lời hiền lương, thấy những chuyện nhơn nghĩa. Vì cô sanh trưởng trong cái nhà như vậy, nên tánh cô đã không kiêu căng, mà lòng cô lại hay thương người nghèo khổ.

Thuở nay cô coi tá điền tá thổ của thầy Hội đồng cũng như bà con, ai đáng anh cô kêu anh, ai đáng chú cô kêu chú, ai đáng bác cô kêu bác. Ðã vậy mà cô nghe ai thất mùa cô liền xin cha mẹ chế giảm, cô thấy ai đói rách thì cô thường lấy tiền, xúc lúa mà cho.

Bữa nay cô thấy chồng cho đòi tá điền tá thổ tới, cô không hiểu có việc chi, nên cô ngồi thêu dựa cửa sổ ở trong buồng mà cô lóng tai nghe chăm chỉ coi chồng nói chuyện gì. Chừng cô nghe chồng bó buộc Phó lý Thâu về năm chục giạ lúa, thì cô bầy gan ứa mật, cô buông cái bàn thêu mà đứng dậy. Cô muốn bước ra ngoài mà nói với chồng rằng: “Chú Phó thiếu lúa tôi, chớ không phải thiếu lúa của mình mà mình đòi. Tôi cho chú đa, mình không được phép mà đòi chú nữa.”

Mà mới bước được vài bước rồi cô nghĩ: Chồng mình đương nói chuyện với người ta, nếu mình ra bỉ sứ, thì còn gì là thể diện của chồng mình. Hễ mình không trọng chồng mình thì thiên hạ coi chồng mình ra cóc rác[2] gì nữa.

Cô nghĩ như vậy nên trở lại ngồi mà thêu. Mà ngồi thêu, cô nghe cái giọng giả dối của chồng nói với tá điền, cô nghe cái cách xảo trá của chồng tính mà ăn cướp dân nghèo khổ, thì cô bực mình tức giận quá, nên cô thêu không được, mà ngồi cũng không yên. Cô đứng dựa cửa buồng lóng tai mà nghe không sót một lời nói. Cô muốn bước ra mấy lần, mà lần nào cô cũng vì thể diện của chồng nên cô không nỡ.

Chừng thấy tá điền về hết, Vĩnh Thái đương vỗ vai Hương hào Ðiều và nói và cười, thì cô đi ra mà hỏi chồng rằng:

-         Cách khai hoá của mình như vậy đó phải hôn?

            Vĩnh Thái ngó vợ và cười và đáp rằng:

-         Phải. Ðây là về cái đoạn chấn hưng kinh tế.

-         Thôi, thôi, đừng có nói nữa. Tôi mắc cỡ lắm.

-         Mắc cỡ cái gì?

-         Tôi mắc cỡ cho mình, chớ mắc cỡ cái gì?

-         Tôi làm sao mà mình mắc cở cho tôi?

-         Hồi nào mình nói nghe êm tai lắm. Mình nói mình sẽ hy sinh tánh mạng của mình đặng đánh đổ quyền thế nhà giàu mà binh vực cho bọn nghèo nàn. Sao bây giờ mình lại khắc bạc nhà nghèo quá như vậy?

-         Ủa. Người khôn thì phải tuỳ cơ ứng biến chớ. Gặp hồi nào làm theo hồi ấy, cái đó là lẽ tự nhiên.

-         Mình đổi tánh, mình nói nghe kỳ quá.

-         Con người ai mà giữ một tánh tới già được. Vậy chớ mình không nghe câu tục ngữ: “Ăn theo thuở, ở theo thì” đó hay sao?

-          Mình dạn nói quá?

-         Sao mà dạn, sao mà nhát?

-         Thôi tôi hiểu tánh ý mình rồi. Cãi làm chi cho thất công. Song tôi nói cho mình biết trước rằng tôi cho đứt chú Phó lý Thâu năm chục giạ lúa đó đa, mình đừng đòi nữa, mà cũng đừng có biểu con chú lên ở. Còn tá điền ai có thiếu lúa thiếu bạc đến đây mà hỏi thì mình sẽ giùm cho người ta, ai không hỏi thì thôi, mình không nên ép. Mà giùm lúa giùm bạc thì cho mượn chớ đừng có ăn lời, tôi không chịu đâu. Tôi cũng không muốn cho mình đòi tiền thổ cư của ai hết. Cha mẹ tôi không giàu bao nhiêu, song cũng không túng rối đến nỗi cằn sảy[3] mà đòi tiền của người nghèo như vậy. Lại những mồ  mả trong ruộng đó là ba tôi cho chôn đa, mình không được phép đụng tới người khuất mặt.

Thu Hà giận nên nói tiếng nghe hằm hè lắm. Vĩnh Thái thấy vợ ngăn trở việc của mình làm, thì châu mày trợn mắt mà nói rằng:

-         Việc của tôi làm, mình là đàn bà, mình biết gì mà xen vô.

-         Phải, tôi là đàn bà, tôi không biết chi hết song tôi biết thương loài người, tôi biết thương kẻ nghèo, nếu tôi không bênh vực giúp đỡ cho người ta được thì thôi, chớ tôi không đành lợi dụng quyền thế mà bó buộc hiếp đáp người ta như mình vậy.

-          Mình không hiểu, để tôi cắt nghĩa cho mình  nghe. Tôi có bó buộc hiếp đáp ai đâu? Tôi lại không biết thương nhà nghèo hay sao? Nhưng mà mình làm chủ điền mình phải ở cho hẳn hòi, tá điền họ mới sợ. Nếu có một người cừ ngạnh không chịu đong đủ lúa ruộng, mà mình không làm gắt, thì mấy người khác họ bắt chước họ đong thiếu hết thảy, rồi làm sao. Còn việc cho vay ấy là tôi cứu giúp họ, có cái gì đâu gọi là hiếp đáp. Tôi định số lời nhẹ hơn thiên hạ hết thảy, chớ phải tôi cắt cổ tá điền hay sao? Tôi đòi tiền thuế thổ cư với mồ mã, là tôi đòi số tiền thiệt hại của mình lại, có bất nhơn chỗ nào đâu. Chừng ba về ba nghe mấy việc của tôi làm đây chắc là ba chịu lắm, phải hôn anh Hương hào? Tôi nói cái nầy cho mình biết, nếu mình muốn khai hoá nước nhà, thì trước hết mình phải làm sao cho có tiền đã chớ. Mình phải để cho tôi làm, sao mình lại cản trở?

-          Xin mình đừng có nói chuyện khai hoá nữa, tôi mắc cở lắm. Khai hoá cái gì, mà người ta mời mua nhựt trình không chịu mua, người ta rủ hùn nhà máy không chịu hùn, rồi bày mưu sâu kế độc đặng giết bọn nhà nghèo, mà còn dám nói khai hoá!

Thu Hà nói dứt lời liền bỏ đi xuống nhà sau,Vĩnh Thái ngó Hương hào Ðiều mà nói rằng:

-         Anh xuống biểu sớp phơ đem xe ra rồi tôi với anh đi lên Long Xuyên chơi.

VIII-  Nhà nghèo nhịn nhà giàu

Chẳng có việc chi buồn bằng vợ chồng không hiệp ý nhau. Vĩnh Thái lên xe hơi đi chơi rồi thì Thu Hà ra nằm trên ghế xích đu mà ngó ra vườn hoa, trí lững đững lờ đờ, mắt nửa nhắm nửa mở.

Trước thềm gạch nắng rọi sáng quắc, ngoài rào cây bặt gió im lìm. Con chó vàng nằm khoanh dựa cánh cửa mà ngủ, bụng thở hoi hóp; con gà cồ đi dửng dơ ngoài sân rồi đập cánh gáy ó o; Thằng Mau với thằng Tùng mỗi đứa ngồi dưới chân một cái bàn, tay cầm nùi giẻ mà lau bụi.

Thu Hà nằm lim dim cho đến xế, bỗng đâu con chó vàng trong cửa nhảy xuống thềm mà sủa vang rân. Thu Hà giựt mình mở mắt ngó ra sân, thì thấy Phó lý Thâu đi vô lại dắt thằng con trai đi theo nữa. Phó lý Thâu vừa bước lên thềm, thì Thu Hà vụt hỏi rằng:

-         Chú đi đâu đó chú Phó lý?

-         Thưa cô, hôm tháng giêng tôi đong lúa ruộng còn thiếu hết năm chục giạ. Tôi xin với thầy để qua mùa tới tôi sẽ đong. Thầy cho rồi, mà bữa nay dượng Hai buộc phải đong cho đủ, bằng không thì phải đem thằng con lên ở. Năm nay tôi thất quá, có lúa đâu đủ mà đong. Hồi sớm mai dượng dạy ngày mai phải dắt thằng con tôi lên. Tôi nghĩ nay cũng vậy mà mai cũng vậy, lại bữa nay tốt ngày nên tôi dắt phứt nó lên đặng cho nó ở với cô và dượng.

-         Không. Thầy Hai thẩy sợ tá điền họ dễ ngươi. Hồi sớm mai sẵn có đủ mặt thẩy làm gắt với chú như vậy đặng cho họ thấy họ sợ, chớ bắt con chú ở mà làm gì. Ở trong nhà bạn trai thì có thằng Tùng với thằng Mau đủ rồi, còn mướn thêm chi nữa. Chú đem nó về đặng nó giúp cho chú.

Phó lý Thâu chưng hửng, không biết nói sao được. Thu Hà thấy bộ anh ta lựng khựng thì cười và nói tiếp rằng:

-         Tôi nói thiệt đó, chú đem nó về đi.

-         Cha chả, nếu cô không cho nó ở, rồi dượng đòi lúa tôi, tôi biết lấy chi tôi đong?

-         Thôi năm nay chú thất mùa thì nhờ ông bà năm tới chú có trúng chú sẽ đong.

-         Cô nhơn đức quá? Tôi nói thiệt với cô, tôi có một mình thằng nầy là lớn, tôi nhờ nó lung lắm. Nếu cô dượng bắt nó ở, thì tôi cụt tay.

-         Thầy Hai, thẩy nói chơi với chú, chớ bắt nó lên ở mà làm gì.

            Phó lý Thâu mừmg quá, nên biểu con vô xá Thu Hà mà về. Cha con Phó lý Thâu bước ra khỏi cửa rồi, thằng Mau nói rằng:

-          Cô ở tử tế với nhà nghèo quá, còn dượng gắt thất kinh. Hồi sớm mai dượng biểu thiệt đa cô, chớ không phải biểu chơi đâu.

Thu Hà cười mà đáp rằng:

-         Chú Phó lý nghèo gần chết, làm gắt tội nghiệp chú, ai nỡ làm cho được.

            Người có đức hễ mở miệng ra thì nói những lời hiền từ, khiến cho thằng Mau là đứa liếng xáo, mà nghe rồi nó cảm, nên nó nói rằng:

-         Thiệt, ở trong làng nầy ai cũng phục cô hết thảy. Cô hỏi thử thằng Tùng mà coi, chớ không phải tôi nói lùa đâu.

Thu Hà giả đò không nghe, cô đứng đậy mà đi xuống nhà dưới.

Vĩnh Thái đi chơi với Hương hào Ðiều đến tối mò mới về. Khi ngồi lại ăn cơm, chàng nới với vợ rằng:

-         Bữa nay đi chơi mà có ích lắm. Tôi đi coi đất trên Mạc Cần Dưng. Miệt trển đất hoang, coi thế còn nhiều. Ðể tôi xin khẩn ít trăm mẫu chơi.

Thu Hà lặng thinh mà ăn, dường như cô không muốn nghe lời chồng nói.

Sáng bữa sau, Vĩnh Thái thức dậy sớm, chàng biểu sớp phơ đem xe hơi ra cho chàng tập cầm tay bánh. Chàng tập cho tới trưa chàng mới trở về. Khi bước vô cửa chàng vụt hỏi lớn rằng:

-         Phó lý Thâu có đem con lên ở không hả?

            Thằng Mau thưa rằng:

-         Chú có dắt lên hồi xế hôm qua, mà cô Hai không cho ở, nên chú dắt nó về.

Vĩnh Thái nổi giận đi riết ra sau kiếm vợ mà hỏi rằng:

-         Sao mình dám cãi lời tôi? Tôi biểu Phó lý Thâu đem con lên ở, sao mình đuổi về đi hử?

Thu Hà thấy chồng giận thì cô cười mà đáp rằng:

-         Chú nhờ có một thằng con lớn, nếu mình bắt nó ở thì tội nghiệp chú quá. Chú có hứa với tôi để mùa tới rồi chú sẽ đong lúa thiếu mùa này, nên tôi biểu chú dắt con chú về.

-         Mình ngu quá, mình dễ với tá điền đây, đố khỏi mình bị họ lột da mình.

-         Người nghèo, mình bó buộc người ta làm chi.

-         Ủa, nghèo thì chịu, chớ nghèo rồi giựt của người ta như vậy hay sao? Thây kệ, để tôi bắt làm giấy, qua mùa phải đong một trăm giạ.

-         Mình làm một trăm cái giấy đi nữa, cũng không có ích gì.

-         Sao vậy?

-         Tôi biết chẳng hề khi nào ba chịu ăn lời như vậy đâu. Cầu cho có lúa người ta đong số thiếu đó mà thôi, ăn lời làm chi. Còn mình buộc người ta làm giấy, nếu tới ngày người ta không có lúa mà đong rồi mình giết người ta hay sao.

Vĩnh Thái rùng vai ngoe nguẩy bỏ đi ra đàng trước không thèm nói với vợ nữa. Thu Hà thấy bộ chồng như vậy thì cô đứng ngó theo, miệng chúm chím cười, mà nước mắt rưng rưng chảy.

Lối ba giờ chiều, Vĩnh Thái ngủ trưa thức dậy tắm rửa thay đồ rồi đội nón đi tập cầm bánh xe nữa. Chàng men men đi xuống nhà xe, thấy thằng Mau đương ngồi chồm hổm mà nói chuyện với sớp phơ, chàng mới đi bét ra đứng dựa vách mà tiểu tiện và lóng tai nghe thử coi hai đứa nói chuyện gì. Hai đứa đều ngồi day lưng ra phía ngoài cửa, nên chúng nó không thấy Vĩnh Thái. Thằng Mau hỏi sớp phơ rằng:

-         Anh tập dượng Hai cầm tay bánh được chưa?

-         Mới tập một buổi sớm mai nầy mà cầm sao được. Có giỏi nào cũng phải năm bảy bữa chớ.

-         Nè, anh đừng có tập. Anh tập cho dưởng biết cầm tay bánh lái thì hại cho anh lắm đa.

-          Sao vậy?

-         Tôi biết ý dưởng. Hễ dưỡng biết cầm tay bánh rồi dưởng đuổi anh liền.

-         Ối, cần gì mậy, ở chỗ này không được thì đi ở chỗ khác, thiếu gì người mướn mà lo.

-         Dưởng có hứa với anh hễ tập cho dưởng biết cầm tay bánh rồi dưởng cho anh bao nhiêu tiền hay không?

-         Không.

-         Nếu dưởng không hứa cho tiền, thì anh dại gì mà dạy uổng công.

-         Dưởng là người sang trọng giàu có, hễ tập cho dưởng xong thì tự nhiên dưởng cho tiền chớ cần gì phải nói.

Thằng Mau trề môi lắc đầu mà nói rằng:

-         Anh lầm rồi! Dưởng không phải như cô Hai vậy đâu. Cô Hai tử tế, cô biết thương yêu nhà nghèo, cô biết xét công cho đứa ở. Dưởng gắt gao ác độc lắm, không biết thương ai hết. Dưởng tính việc nào thì dưởng cũng muốn giết con nhà nghèo. Phải mà hôm qua anh nghe dưởng nói chuyện với tá thổ thì anh mới ghê. Cô Hai tử tế, cô gặp thằng chồng gì bấp trầm quá như vậy không biết.

            Thằng Mau nói tới đó, thì Vĩnh Thái bước vô dộng một đạp ngang hông té lăn cù. Vĩnh Thái mắng rằng:

-         Quân chó đẻ, cho ăn ngập mặt còn nói lén chủ nhà. Tao đánh chết cha mầy cho tao.

            Vĩnh Thái và nói và nắm đầu thằng Mau mà kéo dậy, rồi tay thì thoi, chơn thì đá, làm cho thằng nọ sưng mặt sặc máu mũi. Thằng Mau muốn chạy, nhưng bị nắm đầu nên không thể chạy được, nó muốn la nhưng sợ bị đánh nữa nên không dám la.

Vĩnh Thái đánh thằng Mau rất lâu, thằng nọ cứ ôm mặt đưa đầu mà chịu, chớ không dám chống cự chi hết, song Vĩnh Thái lúc ấy cũng như con chó điên, không biết thương xót người đồng loại, chẳng thèm xét những lời chúng nói hành mình đó hữu lý hay là vô lý, chàng cứ đánh đạp hoài, đánh cho đến chừng vợ hay, vợ chạy xuống mà kéo chàng ra rôi dắt chàng đi lên nhà trên chàng mới thôi. Mà khi đi theo vợ, chàng còn day mặt lại và đưa tay hăm thằng Mau rằng:

-         Ðể rồi mầy coi tao. Tao không hại mầy được thì tao không phải là con người, nói cho mầy biết.

Thu Hà dắt chồng lên tới nhà trên rồi cô nói rằng:

-         Có việc gì thì thủng thẳng mà nói, làm giống gì mà đánh người ta dữ quá vậy?

-         Tôi làm cho nó chết tôi mới nghe! Thứ đầy tớ nói hành chủ nhà mà biểu đừng đánh sao được?

-         Nó khờ dại thì mình rầy nó, chớ đánh đập làm chi?

-          Ðã hai mươi mốt tuổi rồi còn khờ dại gì nữa? Nó khôn hơn mình nữa chớ, đừng có nói nó dại.

-         Nó có tật liếng xáo hay nói bậy nói bạ, hơi nào mà giận nó.

-         Thì nó nói bậy mới đánh.

-         Mình sao ham đánh người ta quá! Ai đánh mình như vậy mình biết đau hay không, sao mình nỡ đánh người ta.

-         Tôi làm việc gì mình cũng bác bẻ hết thảy. Thế khi mình khôn mình giỏi hơn tôi lắm hay sao không biết?

-         Tôi nói phải quấy cho mình nghe, chớ có bác bẻ chi đâu. Mình nói như vậy, thôi mình giết chết người ta cho hết đi, tôi không nói nữa đâu.

Thu Hà bỏ đi vô buồng kiếm đồ mà may. Vĩnh Thái chấp tay sau đít đi qua đi lại trước hiên, bộ mặt hầm hừ, coi thể chàng còn giận hung lắm.

Thằng Mau bị đánh sưng mặt sưng mình, lại miệng mũi đều cháy máu, nên nằm ngoẻo trong nhà xe mà rên. Bọn nhà nghèo thường hay thương nhau. Sớp phơ lấy khăn đem nhúng nước mà lau máu cho thằng Mau, rồi lại kiếm dầu Từ bi mà thoa mấy chỗ sưng, mấy chỗ bầm.

Thằng Mau nghe Vĩnh Thái hăm thì nó sợ bị đánh nữa, nên lần đi ra sau vườn chuối, lựa mấy bụi rậm mà trốn.

Ðến chiều, Thu Hà lén đưa cho thằng Tùng một đồng bạc và biểu nó kiếm coi thằng Mau nằm đâu mà săn sóc giùm nó và mua thuốc cho nó uống. Thằng Tùng đi kiếm cùng nhà xe, nhà vựa, rồi ra bếp, nhà gà mà không gặp. Hỏi thăm sớp phơ, sớp phơ cũng không biết ở đâu mà chỉ. Thằng Mau núp ngoài vườn chuối nghe tiếng trong nhà kiếm mình, tưởng Vĩnh Thái sai kiếm đặng đánh nữa, bởi vậy nó sợ quá. Tối lại nó lén vạch rào chun phía sau mà ra ruộng rồi lần mò đi về nhà cha nó là Hai Sửu ở làng Vĩnh Trinh.

Ông Hai Sửu tuổi đã gần sáu mươi, hai vợ chồng sanh có hai thằng con trai mà thôi, thằng lớn tên Chậm, nó đã có vợ có con, nó ở chung với ông mà làm ba chục công đất mướn; còn thằng Mau là nhỏ, thì ông cho nó ở với thầy Hội đồng Chánh, mỗi năm thầy Hội đồng cho tiền công ba chục đồng bạc.

Ðêm ấy trong nhà đều ngủ hết, thình lình nghe tiếng vỗ cửa mà kêu rằng:

-         Anh Hai ơi, anh Hai mở giùm cửa cho tôi vô chút anh Hai.

ông Hai Sửu đã trọng tuổi nên ông ngủ sẽ thức[1]. Ông vừa nghe tiếng kêu thì ông hỏi rằng:

-         Ðứa nào kêu chi đó?

Ở ngoài có tiếng đáp lại:

-         Tôi là thằng Mau. Mở cửa dùm chút tía.

Ông Hai Sửu và đi thầm lại mở cửa và hỏi rằng:

-         Về chi chừng nầy nè?

Thằng Mau không trả lời, nó đợi cha nó mở cửa rồi nó chun vô. Ông Hai Sửu kêu thằng Chậm mà hỏi hộp quẹt đặng đốt đèn, ông nói um làm cho bà và vợ chồng thằng Chậm và sấp con nhỏ của nó đều thức dậy hết thảy. Chừng đốt đèn lên rồi ông Hai Sửu lại hỏi con về làm chi nửa đêm. Thằng Mau khóc mà nói rằng:

-         Dượng Hai đánh tôi lung quá, bây giờ trong mình tôi đau cùng hết. Dưởng lại hăm dưởng giết tôi chết, nên tôi sợ tôi trốn về đây.

Ông Hai Sửu châu mày nói rằng:

-          Mình ở với người ta thì làm công chuyện cho người ta, ai biểu biếng nhác làm chi cho người ta đánh. Ăn đồng tiền của người ta có phải dễ gì hay sao nên lấp lửng.

Thằng Mau ngồi ghé trên đầu ván mà khóc không nói nữa.

Anh nó bưng chong đèn đem lại gần, thấy áo nó dính máu thì thất kinh hỏi rằng:

-         Ðánh bằng cái gì mà có dính máu đây nè?

Bà Hai Sửu nghe nói lật đật chạy lại coi, bà thấy con bà mặt mày sưng vù, mình mẩy chỗ u chỗ bầm thì bà ứa nước mắt. Bà rờ con mà nói rằng:

-         Ðánh như vầy thì chết người ta còn gì! Bây giờ con đau chỗ nào đâu con?

Thằng Mau rờ ngực rồi chống tay bên hông tả mà nói rằng:

-         Cái ngực tức quá mà bên hông đây cũng đau nữa.

Bà Hai Sửu biểu con nằm xuống mà nghỉ. Bà ngồi khoanh tay một bên nó, bà cứ ngó con mà thở ra, đau đớn trong lòng quá nên không biết sao mà nói.

Ngọn đèn leo lét, trong nhà im lìm, chỉ nghe tiếng thằn lằn chắt lưỡi với tiếng thằng Mau rên nho nhỏ mà thôi. Thình lình thằng Chậm cất tiếng nói rằng:

-         Quân có tiền nó ỷ quá, coi mạng người như con chó. Ðể thằng Mau nó chết đây rồi coi tao.

Ông Hai Sửu quay lại ngó con mà nói rằng:

-         Ðừng có nói bậy mà mích lòng thầy Hội đồng.

-         Tôi có nói thầy Hội đồng đâu mà tía sợ mích lòng. Cha chả, đến nỗi này mà còn sợ mích lòng gì nữa.

-         Thầy Hội đồng ở tử tế lắm.

-         Phải, thẩy ở tử tế mà rể thẩy ỷ quá như vậy sao được.

-         Tại thẩy đi khỏi chớ. Mà chắc là cũng tại thằng Mau làm sao đó nên dượng Hai dưởng giận, chớ có lẽ nào khi không mà dưởng đánh nó. Thôi, để sáng mai tao dắt nó ra đặng nó lạy mà xin lỗi dưởng. Ðã lấy tiền của người ta rồi, thì phải gắng công mà ở cho đủ ngày đủ tháng nửa chừng mà tháo trút vậy sao được, ở tù chớ phải chơi đâu.

-         Tôi dóa[2] quá! Ðồ ăn chực cơm của vợ mà còn làm phách nữa. Thằng Mau ở với thầy Hội đồng, chớ nó ở với dưởng hay sao mà dưởng được phép đánh nó.

-         Dưởng là con rể, sao dưởng đánh lại không được. Ðừng có nói liều mà mích lòng cô Hai. Cô Hai, cổ cũng tử tế lắm.

Thằng Chậm bỏ đi lại võng mà nằm và nói lầm bầm rằng:

-         Ở ác lắm, có bữa chúng đâm chết, đố khỏi.

-         Mầy nói giống gì đó?

-         Chớ tía không có nghe hay sao? Mấy bữa rày tá điền của thầy Hội đồng họ kêu rêu quá.

-         Kêu rêu giống gì?

-         Thầy Hội đồng đi chơi, giao ruộng cho rể thẩy coi, ở nhà rể thẩy bó buộc tá điền tá thổ quá, muốn đào mồ cuốc mả ông bà người ta, nên họ kêu rêu, chớ kêu rêu giống gì.

-         Ối! Chuyện của người ta ăn thua gì với mầy mà mầy nói. Mầy đủ sức chống cự với ngưòi ta hay không? Nói bậy nói bạ rồi mang họa đa. Phận mình nghèo thì lo làm ăn, ráng ít tháng nữa thằng Mau nó ở đủ rồi, tao đem nó về, tao mướn thêm ít chục công đất của bà chủ Diện cho nó mần một vài năm, may có dư chút đỉnh rồi lo vợ cho nó. Năm nay nó đã hai mươi mốt tuổi rồi. Phận mầy đã xong bây giờ phải lo cho nó chớ.

Ðứa con nhỏ của thằng Chậm đương ngủ trong buồng vùng ré khóc vang rân. Vợ thằng Chậm phải hát ra rít mà dỗ nó.

Cái chong đèn hết dầu nên lu lần lần, ông Hai Sửu sợ tắt, mới biểu Chậm đi gài cửa rồi vô ngủ. Thằng Mau cũng nằm rên hoài, mà bà Hai Sửu cũng ngồi khoanh tay một bên con. Tuy đèn tắt, trong nhà tối om, song nước mắt của bà cũng cứ chảy ra hoài, không ráo được.

IX – Nhà giàu hại nhà nghèo.

Vừa mới tảng sáng thì ông Hai Sửu đã hối con dâu nấu cơm cho ông ăn đặng ông vô xóm. Thằng Mau tuy còn tức cái ngực và rêm cùng mình hết, song mẹ nó ép quá nên nó phải ráng ngồi dậy mà ăn một chén cơm.

Ăn cơm rồi, ông Hai Sửu biểu thằng Mau đi với ông ra nhà thầy Hội đồng  đặng lạy Vĩnh Thái mà xin lỗi. Thằng Mau lắc đầu nói rằng:

-         Tôi đau mà đi giống gì được. Tía ra ngoài tía nói sao đó tía nói. Chừng nào thầy Hội đồng về tôi sẽ ra tôi ở, chớ bây giờ tôi ra dượng Hai dưởng đánh tôi chết.

Bà Hai Sửu cũng nói tiếp rằng:

-         Con nó bị đánh, bây giờ nó đau, mà ông biểu nó đi đâu. Ðể nó ở nhà đặng kiếm thuốc men cho nó uống chớ. Ông ra thưa với cô Hai mà xin phép cho nó nghỉ ít bữa.

Ông Hai Sửu nghe vợ con nói như vậy thì ông không biểu con đi nữa. Ông lấy cây dù cán tre mà cặp trong nách rồi đi ra một mình. Ra tới nhà thầy Hội đồng, ông vừa bước vô sân thì thấy cái xe hơi đậu đó.

Ông vô tới thềm lại gặp Vĩnh Thái đội nón đi ra. Ông lột khăn xá Vĩnh Thái mà nói rằng:

-         Thưa dượng Hai, hôm qua dượng đánh thằng nhỏ tôi, rồi nó sợ nên nó trốn về trong tôi. Tôi tính dắt nó ra đặng nó lạy mà xin lỗi dượng, ngặt vì nó đau bộn, nó đi không được nên tôi ra xin dượng làm phước cho nó nghỉ ít bữa đặng nó dưỡng bịnh. Chừng nào nó mạnh rồi tôi sẽ đem nó ra ở.

Vĩnh Thái ngó ngang ông nọ mà hỏi rằng:

-          Chú là cha của thằng Mau phải hôn?

-         Thưa phải.

-         Nó ở đâu bây giờ?

-         Thưa, nó về ở trong nhà tôi.

-         Chú về nói cho nó biết, tôi không muốn thấy cái bản mặt của nó nữa. Hễ tôi gặp nó thì tôi đánh nó chết. Chú phải về chạy cho đủ ba chục đồng bạc đem trả lại đây cho mau, nếu không có thì tôi làm nó ở tù đa, nói cho chú biết.

-         Thưa dượng, tội nghiệp tôi quá, tôi nghèo mà tiền bạc đâu có...

-         Thây kệ, làm sao thì làm, không biết. Tôi kỳ cho chú ba ngày, nếu không có đủ ba chục đồng bạc thì chú coi tôi.

Vĩnh Thái và nói và leo lên xe hơi mà đi. ông Hai Sửu ngẩn ngơ, đứng ngó theo, không biết liệu làm sao được. Ông còn ôm cây dù rách, nắm cái khăn rằn đứng xớ rớ dưới thềm, bỗng nghe tiếng Thu Hà ở trong nhà kêu ông mà biểu rằng:

-         Ông  Hai, ông đi đâu đó? Vô đây đặng tôi hỏi chút coi nào.

Ông cóm róm bước lên thềm rồi vô đứng dựa cửa. Thu Hà mời ông ngồi và hỏi rằng:

-         Thằng Mau nó có về trong nhà ông hay không?

-         Thưa có.

-         Thằng dại quá. Hôm qua nó nói bậy nói bạ làm cho thầy Hai, thẩy giận thẩy đánh nó. Ông phải răn dạy nó, đừng có để nó dại như vậy nữa. Nó về trỏng, nó có nói với ông tại sao mà nó bị đòn hay không?

-         Thưa không. Nó cứ nằm rên hoài, nó có làm việc gì được ở đâu. Mà tôi cũng không thèm hỏi làm chi, tại nó dại nên nó mới bị đòn, chớ giống gì đó mà hỏi.

-         Sao mà nó rên.

-         Mặt mày nó sưng chù vù, mình mẩy nó bầm đen, mà nó lại nói nó lói trên ngực, với đau cái hông nữa.

-         Ông kiếm dầu kiếm thuốc rượu mà thoa bóp cho nó. Ông hốt vài thang thuốc bắc cho uống nữa, nghe hôn.

-         Dạ!

Thu Hà móc túi lấy ra mười đồng bạc mà đưa cho ông Hai Sửu và tiếp rằng:

-         Ðây nè, ông lấy tiền đây đem về hốt thuốc cho nó uống, ít bữa nó mạnh rồi ông ra nói cho tôi hay.

Ông Hai Sửu chưng hửng, ông cầm hai tấm giấy năm đồng đứng lo le một hồi rồi nói rằng:

-         Thưa cô Hai, cô thương thằng nhỏ tôi nên cô cho tiền, thiệt tôi đội ơn cô nhiều quá. Mà hồi nãy dượng Hai biểu tôi đem thối đủ ba chục đồng bạc lại. Tôi không biết làm sao.

-         Thối bạc gì?

-         Dượng Hai nói dượng không cho nó ở nữa, nên phải đem bạc trả lại.

-         Ối, thầy Hai thẩy giận nó nên thẩy nói như vậy, không sao đâu, ông đừng có lo. Ông về kiếm thuốc cho nó uống, ít bữa nó mạnh rồi ông biểu nó ra ở lại.

-         Thưa, dượng Hai dưởng nói dưởng ghét nó lắm, hễ dưởng thấy mặt nó thì dưởng đánh nó chết.

Thu Hà đứng suy nghĩ một giây lâu rồi cô nói rằng:

-         Thôi, mà dầu cho nó có mạnh rồi ông cũng biểu nó ở trỏng mà chờ chừng nào ba tôi về rồi nó sẽ trở ra ở lại.

Ông Hai Sửu xá Thu Hà mà về. Chừng về tới nhà, ông thuật chuyện lại cho vợ con nghe, ông khen ngợi, cảm mến cái lòng khoan nhơn của Thu Hà hoài.

Ông đưa cho thằng Chậm một cái giấy năm đồng mà biểu nó đi hốt thuốc cho thằng Mau uống. Ông lại nói rằng:

-         Mầy thấy hôn? Tao nói cô Hai tử tế lắm. Ðừng có nói bậy nữa, cổ nghe cổ giận, nghe hôn.

Trong ba bốn ngày kế đó, Vĩnh Thái mắc lo kiếm đất trên phía Mặc Cần Dưng mà mua, nên chàng quên lửng việc thằng Mau. Một bữa nọ, chàng đi về, chàng sực nhớ lại bèn kêu vợ mà hỏi rằng:

-         Hổm nay tôi mắc đi hoài. Vậy chớ cha thằng Mau có đem ba chục đồng bạc mà thối lại hay không vậy mình?

Thu Hà bước ra hỏi rằng:

-          Bạc gì mà thối?

-         Nó ở một năm ba chục đồng. Bạc nó lãnh trước rồi, có làm giấy tờ hẳn hòi. Bây giờ nó trốn không chịu ở nữa, thì nhơn hủy công, ngân hủy lợi, nó phải đem số bạc mà thối lại, chớ bạc gì.

-         Ông Hai Sửu ổng nghèo quá, tiền đâu mà thối.

-         Ủa? Nói nó nghèo rồi bây giờ mình bỏ tiền mình hay sao?

-         Tại mình đánh nó gần chết, rồi mình còn hăm he nó nữa, nên nó sợ nó về trỏng, chớ phải khi không mà nó tháo trút hay sao nên mình đòi tiền lại.

-         Hổng biết? Nó phải đem đủ ba chục đồng bạc mà trả lại đây nếu không có thì nó sẽ coi.

-         Ðánh người ta gần chết mà còn đòi tiền lại nữa.

-         Chừng nào nó chết tôi mới chịu bỏ số bạc đó, chớ nó còn sống thì nó phải thối đủ, nếu cừ ngạnh thì tôi làm ở tù.

-         Mình đánh nó bây giờ nó đau, nên tôi cho phép tía nó đem về mà chạy thuốc cho nó. Chừng nào nó mạnh thì sẽ ra ở nữa, thối bạc làm chi?

-         Tôi không muốn cho nó bước chưn tới nhà này nữa.

-         Không muốn thì thôi. Ðuổi người ta mà còn buộc thối bạc nỗi gì?

-         Ừ, để rồi coi.

Vĩnh Thái bỏ đi ra ngoài sân, không thèm nói chuyện với vợ nữa. Tối lại chàng viết một tờ cớ khai là thằng Mau có làm giấy ở một năm ba chục đồng bạc, lãnh trước tất số rồi, mà nó ở mới có tám tháng rồi nó trốn, lại ăn cắp một cái đồng hồ vàng giá đáng một trăm hai chục đồng, một bộ đồ mát bằng lụa trắng giá đáng mười đồng với một cái nón nỉ xám giá tám đồng rưỡi.

Sáng ngày chàng bắt Hương hào Ðiều với thằng Tùng đứng chứng, rồi biểu Hương hào Ðiều đem cho Hương quản và Xã trưởng thị nhận chạy tờ đến cho quan Biện lý.

Cách mười bữa, Vĩnh Thái nghe người trong xóm nói có gặp thằng Mau đi chơi, chàng biết nó đã mạnh rồi, nên chàng viết một lá đơn bằng chữ Tây, ghim tờ cớ theo, rồỉ đem đến hầu quan Biện lý mà xin bắt thằng Mau trốn tại nhà cha nó ở làng Vĩnh Trinh.

Quan Biện lý thấy tờ cớ có làng thị nhận đủ phép, bèn xuất trát cho Hương quản làng Vĩnh Trinh bắt tên Mau mà giải nạp.

Vì có lời của Thu Hà dặn, nên cha con ông Hai Sửu vững bụng không lo sợ chi hết; tuy thằng Mau uống thuốc lành mạnh rồi, song nó cũng cứ ở nhà chờ chừng nào thầy Hội đồng về nó sẽ ra lạy mà xin ở lại.

Còn Thu Hà cũng tưởng chồng giận thằng Mau nên hăm he như vậy rồi bỏ qua, chớ không bó buộc đầy tớ của cha mình, nàng không dè chàng lập mưu gian kế độc mà hại cho nó ở tù.

Bữa nọ ăn cơm sớm mai vừa rồi, vợ chồng Vĩnh Thái đang ngồi phía trước mà chơi, thình lình ông Hai Sửu chạy ào vô và lạy và khóc và nói rằng:

-         Tội nghiệp con tôi lắm cô dượng ơi! Không biết cô dượng thưa làm sao mà trát tòa dạy Hương quản bắt còng con tôi mà giải đi rồi. Thiệt nếu con tôi ở tù thì chắc vợ chồng tôi chết. Xin cô dượng làm phước cứu giúp giùm nó tội nghiệp.

Thu Hà chưng hửng ngó chồng mà nói rằng:

-         Ai mà thưa kiện nói hồi nào đâu? Mình có thưa thằng Mau trên tòa về việc gì hay sao?

Vĩnh Thái cười gằn và gục gặc đầu mà nói rằng:

-         Biết đâu, thì để giải nó lên tòa coi quan Biện lý nói làm sao rồi sẽ biết mà.

Ông Hai Sửu cóm róm khoanh tay đứng dựa cửa nghe Vĩnh Thái nới như vậy, ông mới nói rằng:

-         Hồi nãy Hương quản bắt nó, Hương quản có nói nó bị dượng Hai cáo nó về tội ăn trộm và sang đoạt. Tội nghiệp quá! Xin dượng thương, nó có ăn trộm sang đoạt vật gì của cô dượng đâu.

            Thu Hà châu mày ngó chồng, sắc mặt cô giận lắm. Còn Vĩnh Thái thì hớn hở như thường, chàng chúm chím cười. Ông Hai Sửu đứng khóc, chớ không còn lời nào nói nữa. 

            Thu Hà hiểu rỏ, cô biết tại chồng cô lên tòa báo cáo sao đó, nên quan Biện lý mới dạy bắt thằng Mau, bởi vậy trong lòng cô khinh bỉ chồng vô cùng, nhưng vì có ông Hai Sửu đứng đó, cô không thể lộ cái sự bất bình của cô ra được, cô phải dằn lòng mà nói rất dịu ngọt với ông Hai Sửu rằng:

-         Thôi ông về đi, quan có bắt thằng Mau thì bắt, chớ không hại chi đâu mà sợ. Nó ở với ba tôi, ba tôi đi khỏi nó ở nhà làm quấy cách nào đi nữa thì vợ chồng tôi cũng đợi ba tôi về rồi sẽ hay, chớ không lẽ vợ chồng tôi giết nó đâu mà ông sợ.

Ông Hai Sửu cúi đầu lạy nữa, ông vừa lạy vừa nói:

-         Xin cô dượng thương giùm nó kẻo tội nghiệp. Nó có tánh liếng xáo chớ không khi nào gian giảo. Hổm nay nó mạnh rồi tôi muốn dắt nó ra đặng nó lạy cô dượng mà ở lại. Tại nó sợ dượng còn giận, dượng đánh nó nữa, lại cô cũng có biểu thôi, để chừng nào thầy Hội đồng về rồi nó sẽ ra, nên tôi mới để nó ở nhà.

Thu Hà khoát tay biểu ông nọ đi về, để đó cho cô tính bởi vậy ông xá vợ chồng Vĩnh Thái rồi lau nước mắt mà bước ra cửa. Thu Hà ngồi đợi ông Hai Sửu ra khỏi sân rỏi cô mới hỏi chồng rằng:

-         Mình thưa thằng Mau trên tòa, mình nói làm sao mà quan bắt nó đó?

-         Việc tôi làm, mình không cần gì hỏi.

-         Phải, việc của mình tôi không cần biết làm gì mà việc này không phải là việc của mình, thằng Mau là đứa bạn của ba, dầu nó có quấy cho mấy đi nữa, thì mình cũng phải chờ ba về rồi mình thưa cho ba hay đặng ba liệu định, chớ sao ở nhà mình tự lịnh mà hại nó?

-         Ba giao cho tôi cai quản việc nhà. Tôi có đủ quyền mà làm việc, có cần gì đợi ba đâu.

-         Dầu ba giao cho mình cai quản việc nhà đi nữa,  mình lại làm như vậy hay sao?

-         Ðày tớ nó khi dễ tôi, mình không cho tôi trừng trị nó hay sao hử?

-         Dầu có trừng trị thì trừng trị bằng cách nào, chớ mình đánh người ta gần chết, rồi kiếm chuyện cáo gian cho người ta ở tù nữa, tôi nín làm sao cho được. Thằng Mau nó lấy của mình vật gì, nó giựt của mình bao nhiêu, mà mình cáo nó ăn trộm và sang đoạt?

-         Nó ngay hay là gian để chừng tòa xử rồi sẽ biết.

-         Mình làm cho người ta ở tù, có lợi gì cho mình hay sao, mà mình hầm hầm dữ vậy?

-         Hễ ai khinh khi tôi thì tôi giết hết thảy.

-         Mình nói chi những tiếng độc ác như vậy? Hồi nào mình nói mình ghét những bọn giàu sang ỷ thế mà húng hiếp nhà nghèo, mình quyết hy sinh tánh mạng của mình đặng bênh vực hạng người nghèo khổ, sao bây giờ mình làm việc gì, mình nói tiếng gì mình cũng cố ý muốn giết bọn nhà nghèo vậy?

-         Ồ, hồi trước khác, bây giờ khác chớ?

-         Khác là sao?

-         Mình thuộc trong hạng nào, mình phải binh quyền lợi cho hạng nấy chớ sao.

-         Mình nói sao đó, tôi hiểu ý chưa rõ. Có phải mình nói hồi trước mình nghèo, nên mình phải binh nhà nghèo mà  ghét nhà giàu. Rồi bây giờ mình giàu, nên mình binh nhà giàu mà ghét nhà nghèo hay không?

-         Phải. Ấy là lẽ tự nhiên.

Thu Hà vừa nghe nói mấy lời, thì cô liền đứng dậy ngó ngang chồng mà nói rất nghiêm chỉnh rằng:

-         Bây giờ tôi mới biết chắc mình là một người vô lương tâm, mình là một chú bợm bãi mượn hai chữ ''ái quốc'' để ngoài chót lưỡi mà kiếm gạo.

Cô nói dứt lời, cô bỏ đi riết xuống nhà sau, ngoài mặt thì buồn, còn trong lòng thì khinh bỉ chồng vô cùng. Có lẽ Vĩnh Thái mắc cỡ hay sao, mà chàng ngồi nín khe, không dám nói lại một tiếng nào nữa hết.

Tối bữa đó, Thu Hà buộc chồng phải lên tòa mà xin rút đơn ra và xin thả thằng Mau. Vĩnh Thái dục dặc không chịu nghe lời. Thu Hà nói rằng nếu không làm y theo lời cô biểu, thì cô sẽ lên quan Biện lý mà kêu oan cho thằng Mau. Vĩnh Thái sợ vợ lên tòa nói lôi thôi rồi lòi sự cáo gian của mình, nên cực chẳng đã chàng phải chịu.

Sáng bữa sau, Vĩnh Thái lên tòa. Tuy không phải chàng hết giận thằng Mau, chàng đi đây là vì sợ mang tiếng mà phải đi, song lên tòa chàng thiệt hết lòng mà xin bãi nại. Ngặt vì quan Biện lý không cho, ngài nói rằng thằng Mau bị phạm luật hình, quyền buộc tội về ngài chớ không phải về tài chủ, bởi vậy Vĩnh Thái trở về mặt mày buồn hiu. Chàng thuật những lời của quan Biện lý lại cho vợ nghe. Thu Hà không tin, Vĩnh Thái phải thề nhiều tiếng rất nặng nề, chàng lại hứa rằng để đến bữa tòa xử chàng sẽ kiếm thế mà gỡ tội cho thằng Mau, chớ chàng không buộc nó nữa.

Vì sợ mang tiếng với đời, mà cũng vì sợ trái đạo làm vợ, nên Thu Hà phải dằn lòng làm lãng nhưng mà sự khinh bỉ chồng là một người giả dối, là một người độc ác thì không thể nào bớt được. Vì là chồng, nên cô phải ép mình mà ăn chung một mâm, ở chung một nhà song ăn thì ăn, ở thì ở, và trước mặt tôi tớ thì cô làm bộ kính trọng chồng, còn riêng trong trí cô thì cô thị chồng không bằng mấy đứa ở đợ.

Cách ít ngày có trát tòa đòi Vĩnh Thái hầu, đặng tòa xử vụ tên Mau. Ðến bữa đi hầu, Thu Hà đòi đi theo. Vĩnh Thái sợ vợ nghe những điều cáo gian trong đơn của chàng, rồi bất bình mà nói bậy giữa tòa thì mình có tội, nên chàng năn nỉ với vợ, xin vợ ở nhà, chàng lại hứa bướng rằng thế nào chàng cũng xin cho thằng Mau khỏi ở tù.

Thu Hà tuy khinh bỉ chồng, song không có lòng làm nhục chồng. Ban đầu cô muốn đi theo lên tòa đặng lóng tai nghe coi như chồng không thiệt tình, chồng còn khai gian mà hại thằng Mau, thì cô sẽ đối nại mà cứu nó. Mà rồi cô nghĩ hễ nín không được, cô nói ra thì còn gì chồng, dầu tòa không buộc chồng về tội đánh thằng Mau có thương tích và tội cáo gian cho nó đi nữa, thì chồng cũng mất thể diện với thiên hạ, cô là vợ mà cô khai tội ác của chồng trước mặt công chúng thì ai coi cô ra gì. Bởi cô nghĩ như vậy nên cô không đòi đi theo nữa.

Vĩnh Thái đi hầu đến trưa chàng mới về. Thu Hà nghe tiếng xe hơi vô sân, cô bước ra có ý muốn biết coi tòa có tha thằng Mau hay không. Vĩnh Thái thấy vợ thì cười ngỏn ngoẻn và nói rằng:

-         Tôi xin hết sức mà không được. Tòa kêu án nó bốn tháng tù.

Thu Hà châu mày đáp rằng:

-         Nó vô tội mà lập mưu hại được nó như vậy, coi mình độc ác là dường nào.

-         Tôi xin không được, tại tòa kêu án nó, chớ phải tại tôi hay sao?

-         Dầu bữa nay mình có xin cho nó đi nữa, mình cũng không chuộc cái tội ác của mình được. Tôi sợ e mình không khỏi cái quả báo này đâu.

-         Hứ, quả báo cái gì? Nó khinh khi tôi thì nó phải ở tù. Có vậy nó mới tởn.

-         Nó dại nó nói bậy, thì mình đã đánh nó gần chết rồi, chưa vừa hay sao?

-         Tôi không hiểu tại sao mà mình binh thằng Mau quá.

-         Phải. Tôi binh thằng Mau. Tôi binh nó là vì nó vô tội. Duy có hạng nguời giả dối độc ác như mình đó thì mới không biết tbương ai hết, cứ kiếm chuyện mà chặt đầu lột da người ta, biết hôn?

Vĩnh Thái rùng vai bỏ đi thay áo. Thu Hà ngó theo chồng, cô giận lung lắm.

Ðến xế hai vợ chồng ông Hai Sửu dắt nhau ra kiếm Thu Hà mà khóc kể nỗi oan của con. Thu Hà đã động lòng mà lại bối rối, cô không biết liệu phương nào mà làm cho hai vợ chồng ông Hai Sửu bớt buồn, cô mới mở tủ lấy một trăm đồng bạc mà đưa cho và nói rằng:

- Việc đã lỡ rồi. Thôi, hai ông bà đừng có buồn, ở bốn tháng tù cũng không chết đâu mà sợ. Ai ngay ai gian có trời đất làm chứng cho. Vì nó ở với ba tôi nên nó mang hại đó. Vậy tôi cho ông bà một trăm đồng bạc mà thường bốn tháng tù đó. Hai vợ chồng ông Hai Sửu lấy bạc đi về, mà cũng không hết khóc.

X – Cha Trách con

Một cô thiếu nữ, có sắc có hạnh, có học thức ít nhiều, có lòng thương nòi giống, mà cha mẹ lại giàu có nữa. Làm người mà được như vậy, thì sự vui sướng đã thấy trước mắt, có ai dám đoán một ngày kia phải chịu khổ não bao giờ.

Tội nghiệp cho Thu Hà! Cô thấy vui sướng mà rồi cô không được hưởng? Cô tưởng là khỏi khổ não, té ra bây giờ cô phải mang. Khi chồng mới đi nói, cô vui mừng không biết chừng nào. Chẳng những là cô vui mừng được lấy chồng học giỏi mà thôi, cô lại còn vui mừng được kết nghĩa trăm năm với một người biết thương nước thương dân, biết lo binh vực bọn yếu hèn, không chịu lòn cúi mà mua danh chác lợi. Hỡi ôi! Sự vui mừng của cô đó mau tan cũng như bọt nước, mau rã cũng như mù sương. Người chồng mà cô quyết kính trọng trọn đời đó, bây giờ cô mới hay nó là một đứa bợm bã rất độc ác, nó đã không biết thương ai, nó đã không biết binh ai, mà nó lại còn giả dối hung bạo hơn bọn tá điền của cô hết thảy. Mà người chồng ấy cô phải ăn ở với nó cho đến mãn đời, cô phải vưng theo ý nó luôn luôn, nếu cô bứt dây cang thường thì cô mang tiếng lộn chồng[1], nếu cô nặng lời phản đối thì cô mang tiếng vợ dữ! Tình cảnh như thế, còn gì mà mong vui sướng. Căn số như thế, làm sao mà không sầu não.

Người ta buồn, người ta còn có chị em để phân trần than thở, may cũng có thể mà khuây lảng được chút đỉnh. Thảm thay! Thu Hà không còn mẹ mà cũng không có chị em, cái khổ tâm nầy biết tỏ với ai, biết cùng ai mà than thân trách phận. Mà tỏ làm gì, than làm gì. Mình tỏ cử chỉ đê tiện của chồng cho người khác biết, thì mình lại tốt gì? Mình than thân mình vô duyên vô phước với người khác, rồi họ làm cho mình hết sầu hết thảm được hay sao?

Bởi Thu Hà nghĩ như vậy, nên cô ôm sầu ấp thảm ở trong lòng, chỉ ban đêm cô úp mặt trên gối mà khóc thầm đó thôi chớ không có nói một tiếng gì, hoặc làm việc gì để tỏ ý khinh bỉ chồng cho tôi tớ hoặc tá điền thấy được.

Từ nầy cô coi cái thân cô cũng như khúc cây, ăn ở với chồng mà không có tình nghĩa chi hết. Từ nầy cô coi chồng cô cũng như không có, cô muốn tính việc gì tự ý cô, chồng muốn làm việc gì tự ý chồng, cô không bàn luận, cô không khuyên giải chuyện gì hết. VĩnhThái thấy vợ không cãi lẽ về chuyện của chàng làm nữa, thì chàng phấn chí quyết sẽ thi hành cái chủ nghĩa chấn hưng kinh tế của chàng. Thu Hà không thèm nói tới, song cô dặn riêng tá điền tá thổ hễ ai bị Vĩnh Thái bó buộc hoặc hiếp đáp, thì tới nói cho cô hay.

Thu Hà hết trông mong cải lương xã hội, khai hoá đồng bào được nữa, thì cô lại quyết lấy sức riêng của cô mà giúp ích cho bà con nhà nghèo trong làng. Cô dọn cái nhà dưới cho trống, rồi cô để bàn để ghế làm cũng như một cái trường học. Cô biểu hết thảy những người trong xóm, ai có con đem đến đặng cô dạy cho chúng nó học. Mới bữa đầu mà con nít đã tựu đến đông nứt, và trai và gái kể hơn ba mươi đứa. Cô thấy có đứa quần áo rách tả tơi, cô chịu không được.

Chiều lại cô ngồi xe đi lên chợ, cô mua vần, mua giấy, mua viết, mua mực, mà cô lại còn mua vải đen vải trắng rất nhiều nữa.

Sáng bữa sau, con nít tựu tới cô phát cho mỗi đứa một cuốn vần. Cô lại kêu ít người vợ tá điền ở gần tựu tới rồi cô đưa vải ra biểu cắt mà may áo quần đặng cô cho mấy đứa nhỏ rách rưới đó bận. Cô ngồi mà dạy con nít học AB, tuy là mệt song cô quên hết sự buồn được, nên cô làm ơn con nít nhà nghèo, mà cô lại cám ơn chúng nó vô cùng.

Vĩnh Thái thấy công việc của vợ làm, tuy chàng không cản, song chàng rùn vai trề môi mà nói rằng:

-         Khéo làm chuyện ba láp[2].

Thu Hà mở trường dạy học mới được ít bữa, kế vợ chồng Bá Hỉ ở dưói Cần Thơ lên thăm. Thu Hà nghe xe hơi ngừng trước cửa, không biết là xe của ai. Cô sai thằng Tùng chạy ra coi rồi nó trở vô thưa rằng xe của vợ chồng Bá Hỉ. Cô lật đật lên trên nhà trên mà tiếp khách, chẳng dè cô vừa mới đứng dậy, thì vợ Bá Hỉ đã xuống tới chổ cô dạy học. Vợ Bá Hỉ thấy con nít ngồi vây xung quanh Thu Hà thì nàng cười ngất rồi nói rằng:

-         Cô làm cái gì đó. Dạy học trò hay sao?

Thu Hà cũng cười mà đáp rằng:

-         Thưa, em dạy học. Buồn quá nên dạy trẻ em của lối xóm chơi. Xưa rày anh Hai chị Hai mạnh hả? Có anh Hai lên không?

-         Có. Cha chả! Cô có chồng rồi cô rút ở trong nhà hoài, không chịu đi đâu hết. Sao không xuống Cần Thơ chơi vậy hử?

-         Thiệt xưa rày em không xuống thăm anh Hai chị Hai được, em lỗi lung quá. Song em xin chị Hai xét lại mà tha lỗi cho em. Ba em đi du lịch, giao hết việc nhà cho em, vì vậy em mới không đi đâu được chớ không phải em vô tình với chị.

-         Dữ hôn! Nhà có xe hơi, chạy đi chơi một ngày một buổi rồi về, ai bứng nhà đem đi đâu hay sao mà sợ nên bo bo ở nhà mà giữ hoài vậy.

-         Ðã biết như vậy đó chớ. Ngặt vì đi mà không yên trong lòng thì có vui vẻ mà đi... Ðâu để em lên nhà trên chào anh Hai.  Mời chị lên trên này.

Hai cô dắt nhau trở lên nhà trên. Thu Hà chào mừng Bá Hỉ rồi mời vợ Bá Hỉ lại ván ngồi uống nước.

Bá Hỉ với Vĩnh Thái nói chuyện và cười om sòm.

Cách một hồi hai chàng dắt nhau ra ngoài sân mà coi xe hơi. Vợ Bá Hỉ ngó mặt Thu Hà và hỏi rằng:

-         Cô làm giống gì, mà lúc nầy cô ốm dữ vậy?

-         Em buồn quá, nên phải ốm.

-         Sao mà buồn? Buồn việc gì? Vợ chồng có rầy là với nhau hay không?

Thu Hà nghe câu hỏi sau đó cô lấy làm cảm xúc. Cô ứa nước mắt, muốn nhơn dịp này mà bày tỏ tâm sự cho chị nghe. Mà rồi, cô nghĩ dầu vợ chồng Bá Hỉ biết được căn nguyên sự buồn của cô, thì cũng không sửa tánh tình, ý chí của Vĩnh Thái được, bởi vậy cô dằn lòng giả vui mà đáp rằng:

-         Từ khi má em mất đến bây giờ, em thương nhớ hoài, không nguôi trong lòng được. Em ngồi việc đó chớ có buồn việc chi nữa đâu.

-         Tại số trời định dì tới từng tuổi đó mà thôi, em chẳng nên buồn chi lắm. Em buồn rồi dì sống lại được hay sao?

-         Chị nói cũng phải. Ngặt vì hồi má em còn sanh tiền, em thương má em lắm, nên bây giờ em khó nguôi. Chớ chi má em còn sống...

Thu Hà mới nói nửa câu sau, rồi cô chảy nước mắt, nói không được nữa. Vợ Bá Hỉ thấy vậy, mới lựa lời khuyên dỗ, rồi kiếm chuyện vui mà nói cho Thu Hà quên nỗi buồn.

Bá Hỉ trở vô nhà rồi thẳng lại chỗ Thu Hà ngồi mà hỏi thăm tin tức của thầy Hội đồng Chánh. Chàng nói chuyện với Thu Hà vui vẻ vô cùng, lại người vợ cũng xen vô, vợ chồng pha lửng với nhau, coi bộ tâm đầu ý hiệp, tương thân tương ái lắm.

Thu Hà cầm khách ở lại ăn cơm chiều rồi sẽ về. Bá Hỉ nói mình đã có hẹn lỡ với người ta đặng nói chuyện hùn đưa xe hơi, bởi vậy đúng bốn giờ, chàng từ giã vợ chồng Vĩnh Thái rồi hối vợ lên xe mà về. Thu Hà đưa khách ra xe, vợ Bá Hỉ còn kêu mà nói vói rằng:

-         Bữa nào rảnh, hai ông bà xuống chơi nghe hôn. Tôi trông lắm đa.

Thu Hà gật đầu mà cô ứa nước mắt. Cô trở vô nhà ngồi dạy con nít, cô nhớ vợ chồng Bá Hỉ thân ái với nhau, rồi cô nghĩ đến phận cô thì cô lấy làm đau đớn trong lòng. Cô chống tay cúi mặt xuống bàn mà khóc. Sắp con nít dòm thấy, chắc là chúng nó buồn, nên ngồi lặng trang không học, không giỡn như hồi nãy nữa. Cô khóc một hồi, rồi cô lau nước mắt và hối sấp nhỏ học.

Cuối tháng ba, trời bắt đầu mưa một đám rất lớn, nông phu ai nấy đều lo sắm sửa phãng, cày, bừa, trục, đặng chờ ruộng có nước mà dọn đất gieo mạ.

Vĩnh Thái xuống nhà Hương hào Ðiều cbơi và biểu anh ta đi nhắc tá điền đặng họ đến vay bạc hoặc vay lúa. Tá điền ỷ có lời của Thu Hà dặn trước nên có vài người túng tiền, họ mới đến làm giấy mà lấy bạc, còn bao nhiêu, họ nín hết không thèm đến.

Thầy Hội đồng Chánh du lịch ngoài Trung kỳ rồi lần lần thầy đi thẳng ra Bắc kỳ. Mỗi tuần lễ thầy đều có gởi về cho con gái và rể một bức thơ, để cho chúng nó biết thầy đi tới đâu. Bức thơ chót thầy gởi tại Hải Phòng và thầy nói thầy sẽ đi xem Vịnh Hạ Long. Ðã hơn hai tuần rồi, Thu Hà không được tin của cha nữa.

Một buổi sớm mai, Vĩnh Thái đang rầy vài người tá điền ở nhà trên, về sự không chịu hỏi bạc, còn Thu Hà thì mắc dạy sắp con nít ở dưới nhà dưới cho chúng nó đọc vần, thình lình có một cái xe hơi chạy vô cửa, rồi thằng Tùng la om rằng:

-         Thầy về? Thầy về?

            Thu Hà lật đật đi lên nhà trên, thấy cha xuống xe rồi mà còn đương đứng ngoài cửa ngõ, thì cô mừng quýnh, cô chạy ra chào cha rồi coi thằng Tùng vác hành lý đem vô. Vĩnh Thái thôi rầy tá điền nữa, chàng cũng chạy ra cửa mà mừng thầy Hội đồng.

Thầy Hội đồng Chánh tắm rửa, thay áo đổi quần rồi thầy mới thuật lại cuộc hành trình cho con rể nghe, thầy đến chỗ nào, được thấy phong tục gì, được xem thấy cảnh gì, thầy thuật đủ hết. Sau rót thầy lại nói rằng:

-         Có đi chơi mới thấy rõ hiện trạng của nước nhà. Ba thấy ba buồn quá? Từ Nam chí Bắc quyền lợi về thương mãi và công nghệ thì người ngoại quốc họ choán mà hưởng hết.  Ðồng bào ta nếu không loi nhoi trong chốn ruộng rẫy, thì là làm mướn cho thiên hạ. Tình cảnh như vậy, biết chừng nào mới leo lên được mà ngồi cái địa vị chủ nhơn ông.

Thu Hà tuy mừng cha, nhưng mà nghe cha than mấy lời thì cô buồn hiu. Còn Vĩnh Thái, chàng hí hởn như thường, nghe sự đau đớn chung như vậy chàng đã không động lòng, mà chàng lại buông lời nói rằng:

-         Người mình còn ngu quá, sánh với Chệt, mình còn thua xa, chẳng luận người Âu châu.

Thu Hà châu mày đứng dậy đi liền, cô không muốn nghe chồng nói nữa.

Ðến bữa cơm thầy Hội đồng nói chuyện với con rể, thầy tỏ ý rằng trong vài tháng nữa thầy sẽ xin giấy thông hành đi du lịch mấy nước ở miền cực đông như: Trung quốc, Nhựt Bổn, Lữ Tống[3], Xiêm La. Thu Hà vừa nghe cha tính đi nữa thì cô nói rằng:

-         Ba ở nhà, ba đi chi nữa ba.

Lời cô nói nghe rất bi ai, bộ cô ngồi coi rất buồn thảm. Người có ý, ai nghe lời cô nói, ai thấy bộ cô ngồi thì cũng biết cô sợ cha đi chơi nữa lắm, nên xin cha ở nhà. Bởi vì thầy Hội đồng vô ý, lại thầy không dè ở nhà có chuyện chi nên thầy cười và nói rằng:

-         Có sao mà sợ, mình biết nước mình, mà mình cũng phải biết nước người nữa, rồi mình so sánh cái nào dở của mình mà chừa, cái này hay của họ mà học chớ.

Thầy Hội đồng nghỉ vài ngày khỏe rồi, thầy mới biểu sớp phơ đem xe ra cho thầy đi Bò Ót mà thăm người chú là Hương chủ Lung. Khi sửa soạn ra đi, thầy hỏi Thu Hà rằng:

-         Ủa? Thằng Mau đi đâu, mà mấy bữa rày ba về, ba không thấy mặt nó vậy con?

-         Thưa nó ở tù.

-         Sao vậy?

-          Nó nói lén anh Hai với thằng Cẩn sao đó, không biết, nên đánh nó rồi thưa nó với tòa bỏ tù nó.

-         Dữ hôn! Nó có nói lén thì rầy cho nó sợ mà thôi, sao lại làm cho nó ở tù lận?

Thu Hà day mặt chỗ khác, không muốn trả lời, mà cũng không dám ngó cha.

Thầy Hội đồng đi chơi, chẳng hiểu tên sớp phơ hay là Hương chủ Lung nói với thầy làm sao, mà chiều thầy về, sắc mặt buồn xo. Ngồi ăn cơm thầy không nói chuyện, lại chừng ăn cơm rồi, thầy kéo ghế xích đu ra trước hiên mà nằm, thầy cứ gác tay qua trán mà suy nghĩ, không nói tới ai hết.

Thầy chờ đến tối, thầy kêu con và rể ra đứng hai, bên, rồi thầy hỏi bông lông, không biết hỏi con hay là hỏi rể:

-         Ba đi khỏi, con ở nhà làm sao mà họ than van quá vậy hả?

Thu Hà cúi đầu lặng thinh, không trả lời.

Vĩnh Thái cười ngỏn ngoẻn và hỏi lại thầy Hội đồng rằng:

-         Thưa, ba đi khỏi, con ở nhà lo quản suất việc nhà. Con tính làm công chuyện bộn bộn. Con có định cải lương cách cho mướn ruộng đất lại. Mà con làm đâu thì trúng luật đó, có cái gì mà họ than van?

-         Phải. Theo lời người ta nói thì con cải lương cách cho muớn ruộng đất thiệt. Ngặt có một điều này: chớ chi con cải lương cho tá điền tá thổ người ta nhờ thì ba cũng cầu, cái nầy con cải lương đặng lột da người nghèo thì tội nghiệp cho người ta quá, sao con nỡ làm như vậy?

-         Thưa, con lột da ai đâu?

-         Hứ! Vậy mà còn cãi nữa sao? Ðể ba hỏi con: có phải ở nhà con bày hễ ai làm một trăm công ruộng thì phải vay năm chục giạ lúa, hoặc năm chục đồng bạc hay không?

-         Thưa, phải!

-         Lúa năm chục giạ tới kỳ phải trả tám chục giạ! Bạc cũng vậy, vay năm chục đồng tới ngày phải trả tám chục đồng!

-         Ý con muốn giúp cho tá điền làm ăn, họ khỏi đi vay đi hỏi người ngoài bị bó buộc dằn thúc. Ấy là con làm ơn cho họ chớ.

-         Cắt họng người ta mà ăn lời, làm ơn nỗi gì? Người ta không cần dùng, mà cũng ép người ta phải vay, thì là hiếp nguời ta quá!

-         Thưa ba nghĩ lại mà coi. Hết thảy chủ điền họ cho vay vốn một trăm họ ăn lời một trăm, con định số lời có sáu chục mà cắt họng cái gì?

-         Họ là xã tri[4], họ không biết thương nhà nghèo, họ không kể nòi giống, họ làm sao thây kệ họ, mình phân bì với bọn quấy như vậy mà làm gì?

-         Có đi tu thì mới làm phước, chớ hễ ra làm ăn thì phải tính lợi chớ. Ở bên Tây cũng vậy, hễ gặp cái gì có lợi thì phải làm, chớ ở nhơn nghĩa quá thì làm giàu sao được.

-         Thuở nay ba thương con nhà nghèo lắm, giết nhà nghèo đặng mà làm giàu, ba không thể làm được. Còn tá điền của mình, thì mình phải để đất cho người ta ở, con bày đặt thâu tiền đất người ta chi vậy?

-         Thưa, đất ba mua cũng bạc ngàn chớ! Lại nhà nước đánh thuế chớ có chuẩn miễn cho ba đâu. Nếu ba cho thiên hạ họ ở thí, rồi ba lấy tiền đâu mà đóng thuế.

-         Hứ! Ðóng thuế lại phải hết bao nhiêu đó mà phải cán cho tá điền chịu! Mình đóng thuế cho nhà nghèo họ được ở yên ổn lại hại gì hay sao!

-         Trời ôi! Ba ở như vậy thì gia tài của ba nhà nghèo họ ăn hết còn gì?

-         Theo lẽ tự nhiên, kẻ khôn thì phải thương kẻ dại, kẻ giàu phải giúp người nghèo chớ. Nếu không thương, không giúp nhau thì sao gọi là nghĩa đồng bào đồng loại cho được. Mà con buộc vay và con thâu thổ cư cũng chưa ác cho lắm. Con bày đào mồ cuốc mả đem chôn chỗ khác, bằng không thì phải đóng cho con mỗi cái mả mỗi năm một đồng bạc, cái đó bậy quá, người ta hờn con là tại cái đó đa. Gắt gao chi lắm vậy hử?

-         Thưa, không phải gắt. Mồ mả thì phải chôn theo nghĩa địa chớ để chôn bậy chôn bạ thì hư ruộng đất hết còn gì. Ruộng đất giá một ngày một thêm mắc, nếu không gìn giữ cho họ phá tán, thì mất giá còn gì.

-         Thà là ruộng của ba mất giá, chớ ba không nỡ đào mồ cuốc mả ông bà người ta đâu con.

Thầy Hội đồng nói rất nghiêm chỉnh, làm cho Vĩnh Thái không dám cãi nữa. Thầy lặng thinh suy nghĩ một hồi rồi thầy nói rằng:

-         Ba tưởng con là đứa biết lo bồi đắp quê hương, biết lo giáo hoá chủng tộc. Té ra con mới làm thử mà ba đã thấy chí con quyết giết nhà nghèo mà làm giàu, thế thì làm sao mà ba dám phú thác việc nhà cho con được. Con phải đổi tánh đi, con phải làm theo những lời con nói chuyện với ba hồi con đến thăm ba lần đầu đó. Vậy thì mới phải là thanh niên tân học, mới phải là con nhà Việt Nam, chớ nói một đường rồi làm một ngã thì uổng cái công con ăn học lắm.

Vĩnh Thái lấy làm hổ thẹn, nhưng mà chàng không muốn chịu thua, nên cất tiếng đáp rằng:

-         Thưa ba, con là bực thanh niên tân học, khai hoá quê hương là mục đích của con…

Chàng mới nói mấy tiếng thì thầy Hội đồng khoát tay nói rằng:

-         Thôi! Thôi! Con đừng nói gì nữa hết. Con phải xét mình mà sửa tánh trước đi đã. Ba muốn thấy con làm, chớ ba không muốn nghe con nói nữa đâu. Thôi, hai con vô ngủ đi.

Vĩnh Thái riu ríu đi vô. Thu Hà buồn hiu, cô cũng theo chồng mà vô nhà.

Sáng bữa sau, có mấy mươi tá điền kéo đến mà xin với thầy Hội đồng đặng khỏi vay bạc hoặc vay lúa.

            Thầy Hội đồng cười và nói rằng:

-         Thằng Hai nó nói chơi với bà con chớ nó có ép ai đâu. Ai cần dùng thì tôi giúp bằng không cần thì thôi. Tôi cũng không thâu thổ cư, không thâu mồ mả chi  hết. Bà con hãy yên tâm. Từ rày sấp lên tôi không đi chơi nữa đâu mà sợ.

Vĩnh Thái nghe cha vợ nói như vậy thì càng buồn mà lại có sắc giận nữa.

XI – Vợ phiền chồng

Thầy Hội đồng Chánh không tính đi du lịch nữa. Thầy ở nhà đặng lấy cái quyền cai quản ruộng đất lại, cho Vĩnh Thái hết phương làm hại con nhà nghèo.

Có một bữa, thầy tỏ ý muốn cho Công Cẩn đi Tây mà học cho mau. Thu Hà vừa nghe cha nói như vậy thì cô đốc vô rằng:

-         Ba tính cái đó hay lắm đa ba. Hổm nay con cũng muốn xin với ba cho em con đi, nhưng vì sợ ba không vui lòng nên con chưa dám nói.

Thầy Hội đồng liền đi lo xin giấy tờ, rồi thầy lên trường đem Công Cẩn về ở nhà chơi ít bữa đặng có xuống tàu.

Thu Hà lăng xăng lo may áo quần, lo mua rương tráp sửa soạn hành lý cho em đi. Gần tới ngày tàu chạy, thầy Hội đồng với vợ chồng Vĩnh Thái đều đưa Công Cẩn lên Sài Gòn.

Vĩnh Thái với thầy Hội đồng mắc đi mua giấy tàu và đổi ít trăm quan tiền Tây cho Công Cẩn bỏ túi xuống tàu mà xài. Thu Hà ở trong khách sạn với em, cô thừa dịp vắng chồng, vắng cha, cô mới nói với em rằng:

-         Ba má sinh có hai chị em mình mà thôi. Phận chị là gái, chẳng kể chi.

Có một mình em là trai, em phải gắng sức mà học cho thành công, đặng ngày kia em trở về, em lo bồi đắp cho quê hương, em làm rỡ ràng cho dòng giống. Em phải ghi trong trí mà nhớ luôn luôn rằng em đi du học là học cho quê hương, học cho chủng tộc, chớ không phải học cho có trí thức đặng dễ kiếm gạo, kiếm tiền, hoặc học cho khôn ngoan đặng hiếp kẻ ngu dại như họ vậy. Cái thân chị bây giờ còn cũng như mất, sống mà không có chủ hướng, không có mục đích, gẫm chẳng khác nào một khúc cây khô, đã không có ích chi cho đời mà sợ e ngày kia chẳng khỏi làm buồn cho ba nữa. Chị nghĩ tới phần số của chị, thiệt chị tức không biết chừng nào...

Thu Hà nói tới đó rồi cô khóc dầm dề, không nói được nữa. Công Cẩn không rõ tâm sự của chị, nhưng mà trò nghe chị than bao nhiêu đó thì hiểu chị buồn về nỗi chồng. Trò ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói rằng:

-         Chớ chi hồi đó chị đừng thèm lấy chồng, để bây giờ chị em mình đi hết qua bên Tây mà học, thì vui quá.

            Thu Hà ngước mặt lên ngó em trân trân, nước mắt còn chảy ròng ròng mà cô không lau, cô nhìn em một hồi rồi cô thở ra mà nói rằng:

-         Chị có dè đâu. Bây giờ biết ăn năn thì đã muộn rồi.

Tàu gần chạy, nên lo chở đồ đạc đưa Công Cẩn xuống tàu. Vĩnh Thái nói với Công Cẩn tía lia, dạy cách đi dọc đường, dặn cách ăn ở bên Pháp, làm cho thầy Hội đồng với Thu Hà không nói chi được hết. Lúc tàu gần kéo neo, Thu Hà nói với em mấy lời nầy:

-         Thôi em đi mạnh giỏi. Em phải nhớ mấy lời chị dặn đó nhé.

Cô nói rồi liền theo chồng với cha mà trở lên bờ, vừa đi vừa lau nước mắt.

Cất tiền, bán lúa, cho vay bạc, hay là cho mướn, việc nào thầy Hội đồng cũng bổn thân lo lắng hết thảy, chớ thầy không biểu con mà cũng không cậy rể làm giùm. Vợ chồng Vĩnh Thái cứ ăn ở không.

Thu Hà nhờ có cha ở nhà nên cô bớt buồn, lại nhờ mấy mươi con nít trong xóm đến học đó nữa, cô mắc dạy dỗ săn sóc chúng nó, nên cô quên nỗi niềm tâm sự được chút ít.

Vĩnh Thái mất quyền cai quản, chàng lấy làm phiền, chàng nghĩ vợ kẽ vạch với cha nên cha mới hết tin cậy, bởi vậy tuy chàng không nói ra, song trong trí chàng oán vợ lắm.

Thường bữa chàng hay cầm bánh xe hơi mà đi chơi một mình. Còn bữa nào ăn cơm chiều rồi, trời tối thì chàng đi ra lộ rồi men men xuống nhà Hương hào Ðiều mà nói chuyện.

Thu Hà coi chồng cũng như không có, bởi vậy chồng đi đâu tự ý chồng, cô không hề hỏi thăm tới.

Một đêm nọ, nhơn dịp thầy Hội đồng nói chuyện với con rể, Vĩnh Thái mới nói rằng:

-         Thưa ba, lúc ba đi khỏi, con ở nhà con có đi chơi trên phía Mặc Cần Dưng, con thấy miệt trển ruộng tốt mà giá rẻ, nên con có mua năm chục mẫu. Tuy con mua năm chục mẫu nhưng bây giờ thành tới một trăm năm chục mẫu, bởi vì có hai miếng đất cặp hai bên đó, cộng lối một trăm mẫu, họ khai phá trồng tỉa hết rồi, song họ chiếm đất quốc gia mà họ không có khẩn, con dọ chắc rồi nên con đã vô đơn xin khẩn tại quan chủ tỉnh. Sớm muộn gì hai miếng đất ấy cũng sẽ về con nữa. Con tính ở không cũng vô ích, vậy con xin ba cho con mượn một ngàn đồng bạc đặng con làm vốn lên Mặc Cần Dưng cày cấy sở đất của con đó chơi. Mùa rồi họ làm lúa sạ trúng quá, con chắc sẽ làm được, lại có anh Hương hào Ðiều ảnh hứa coi giùm cho con thì con không lo chi nữa.

Thầy Hội đồng lóng tai nghe rõ rồi thầy nới huỡn đãi rằng:

-         Con muốn làm ăn thì ba giúp tiền cho, cái đó thì được. Nhưng ba khuyên con đừng có tính giựt đất của người ta. Cái đó ác lắm. Người ta đổ mồ hôi, xót con mắt mới khai phá được một khoảnh đất mà cấy lúa. Nếu con lập mưu kế mà lấy của người ta như vậy tức người ta, họ không dung con đâu.

Vĩnh Thái cười và đáp rằng:

-         Thưa ba, việc đó không hại gì. Hễ mình làm đủ phép thì thôi. Mà như ba không muốn cho con khẩn thì để con làm thử năm chục mẫu đất của con đó trong một mùa coi như khá thì con kiếm đất xung quanh mà mua thêm nữa, mỗi năm mua thêm một miếng, có lẽ một ngày kia cũng sẽ nhiều được. Bây giờ con phải khởi sự cất một cái nhà, mua vài đôi trâu.

Thầy Hội đồng gật đầu nói rằng:

-         Như con mua đất mà làm thì được. Ba sẽ giúp vốn cho con đặng cất nhà mua trâu. Bây giờ con muốn lấy bao nhiêu tiền.

-         Thưa, một ngàn.

-          Ðể sáng rồi ba sẽ đưa cho. Mà con nói thằng Hương hào Ðiều nó sẽ giúp với con; nó đi lên trển rồi, ai làm ruộng cho nó dưới nầy?

-         Thưa, ảnh lên xuống, hễ dưới này có việc làm thì ảnh về, chừng nào rảnh thì ảnh chạy lên trển coi dùm cho con. Ruộng dưới nầy dễ, chỉ muớn người ta  làm cũng được, không cần gì có ảnh.

-         Nếu nó liệu giúp được cho con thì càng tốt. Nó là đứa trung tín, con tin cậy được, chớ đứa khác không xong đâu.

-         Thưa, ảnh đã hứa chắc với con rồi. Con lại có hứa hễ chỗ nào họ có bán năm mười mẫu con sẽ thưa với ba giúp bạc cho ảnh mua đặng ảnh làm riêng. Ảnh nghe nói như vậy coi bộ ảnh ham lắm.

-         Mùa màng đã tới rồi. Nếu muốn làm thì làm riết, chớ không thì trễ còn gì.

-         Thưa, hễ ba đưa bạc thì con đi làm liền.

-         Ðể sáng rồi ba đưa.

Sáng bữa sau thầy Hội đồng đưa cho Vĩnh Thái một ngàn đồng bạc. Vĩnh Thái bổn thân đi xuống kêu Hương hào Ðiều lên sửa soạn đi Mặc Cần Dưng. Thầy Hội đồng thấy Hương hào Ðiều thì thầy nói rằng:

-         Mầy thạo công việc làm ruộng. Mầy ráng giúp sức với thằng Hai: hễ nó có cơm thì tự nhiên mầy có cháo. Làm đi, làm thử một mùa coi, như có khá thì tao giùm bạc cho mầy mua một miếng đất mà làm riêng nữa.

Hương hào Ðiều nghe chú hứa giúp bạc mua đất thì anh ta lấy làm đắc ý, nên coi bộ sốt sắng sửa soạn mà đi lắm.

Ăn cơm sớm mai rồi, Vĩnh Thái lấy xe hơi mà chở Hương hảo Ðiều đi Mặc Cần Dưng.

Lúc ban đầu, lớp thì lo quy tụ tá điền, lớp thì lo cất chòi cất trại nên Vĩnh Thái để Hương hào Ðiều ở trên ruộng rồi một vài ngày chàng chạy lên thăm chừng và đốc sức một lần. Vì ruộng ở dưới Mỹ Thạnh cấy trễ, Hương hào Ðiều chưa có công việc gì làm ở dưới này, nên anh ta không cần về nhà, cứ ở miết trên Mặc Cần Dưng.

Có bữa Vĩnh Thái đi thăm ruộng về, rồi tối lại chàng đi xuống nhà Hương hào Ðiều chàng nói rằng, Hương hào Ðiều có nhắn lời với vợ nên phải xuống nói lại với chị ta. Việc như vậy có lẽ kêu vợ Hương hào Ðiều lên nhà mà nói cũng được, song anh ta không kêu lại chịu cực ra đi. Mà việc như vậy có lẽ nói chừng vài phút đồng hồ cũng xong; anh ta nói cách nào không biết mà ở gần trót giờ mới chịu đi về.

Có bữa Vĩnh Thái lại chở vợ con Hương hào Ðiều đi lên ruộng, chàng nói rằng Hương hào Ðiều nhớ con nên cậy đem lên cho anh ta thăm.

Mà hễ có vợ con Hương hào Ðiều đi, thì chàng cầm bánh xe mà đưa đi, chớ không cho sớp phơ theo, lại chừng về thì hết canh một mới về tới nhà, chớ không chịu về sớm như mấy bữa khác.

Ði thăm vợ Hương hào Ðiều trong lúc ban đêm và chở vợ Hương hào Ðiều lên thăm ruộng thường lắm, cái cử chỉ như vậy thiệt là dễ cho nguời ta nghi.

Nhưng vì thầy Hội đồng vô ý, còn Thu Hà thì cô không kể tới chồng, nên trong nhà không ai nói tiếng gì, Vĩnh Thái mới tự do không ái ngại chi hết.

Lúa trên Mặc Cần Dưng sạ xong rồi, Hương hào Ðiều mới trở về đặng dọn nhà mà cấy đất của mình làm dưới Mỹ Thạnh. Có Hương hào Ðiều về, Vĩnh Thái lại càng xuống nhà chơi thường hơn nữa; có Hương hào Ðiều ở nhà, chàng cũng ở nói chuyện, mà dầu Hương hào Ðiều có mắc đi ra ruộng đi nữa thì chàng cũng cứ việc ở chơi.

Trong lúc sau đây vợ Hương hào Ðiều lại càng trang điểm hơn hồi trước nữa, tối ngày thường đi giày đi guốc mặc quần lãnh áo lụa, gỡ đầu láng nhuốt, đánh răng trắng trong, lại có mua xà bông thơm để rửa tay, mua nước thơm để rửa mặt. Còn thằng Ðặng là con của Hương hào Ðiều, bây giờ nó lại có nón Tây mà đội, nó lại có trái banh mà chơi; hễ nó đòi ăn bánh thì má nó lại có bánh mì hộp mà cho nó ăn nữa.

Vỉnh Thái thân thiết với Hương hào Ðiều, tự nhiên vợ con Hương hào Ðiều được sung sướng; người trong xóm không ai nghi việc chi hết, mà dầu ai có nhiều chuyện, muốn nghi bậy bạ đi nữa, thì cũng nghi để bụng chớ chẳng dám nói ra.

Một buổi sớm mai, ông Hội đồng Chánh mắc đi đám giỗ dưới nhà ông Hương chủ Lung. Bá Hỉ dắt một nguời anh em bạn ở dưới Cần Thơ lên thăm Vĩnh Thái rồi rủ Vĩnh Thái đi lên Châu Ðốc đặng xem núi Sam chơi. Vĩnh Thái thay đồ rồi lên xe Bá Hỉ mà đi, tính lên Châu Ðốc sẽ ăn cơm.

Thu Hà ở nhà một mình, cô dạy sắp con nít tới mười giờ rồi cô cho chúng nó về. Cô ăn sơ sịa ba hột cơm rồi đi ra đi vô một hồi, trong lòng sanh buồn, nên cô lấy cái khăn đương thêu nửa chừng, cô đem ra phía trước nằm trên ghế xích đu mà thêu.

Gió thổi hiu hiu, trong nhà lặng lẽ, mấy đứa ở đều lục đục phía dưới nhà sau, đứa thì kiếm chỗ nghỉ ngơi, đứa thì xách nước rửa chén. Thu Hà tay thì lụi kim rút chỉ, mắt thì chăm bẳm ngó đường thêu, mà trí lại nghĩ đến duyên phận của mình.

Thình lình có thấy bóng người bước lên thềm, cô day mặt ngó ra, thì là Hương hào Ðiều bước vô, có dắt thằng con là thằng Ðặng theo nữa. Cô không ngồi dậy, cứ nằm và thêu và hỏi rằng:

-         Ði chơi, anh Hương hào. Thằng nhỏ anh trọng đến há? Qua sang năm anh cho nó lên trên nầy tôi dạy giùm nó học.

Hương hào Ðiều đứng ngó dớn dác, dường như không nghe mấy lời của Thu Hà nói; anh ta đã không trả lời mà lại hỏi rằng:

-         Hồi  nãy tôi thấy dượng Hai đi xe hơi với ai đó, phải hôn cô?

-         Ừ. Anh Hai tôi ở dưới Cần Thơ lên rồi rủ nhau đi đâu đó không biết.

Hương hào Ðiều đứng xớ rớ, ngó quanh quất một hồi nữa rồi nói rằng:

-         Chú có ở nhà không cô Hai?

-         Ba tôi đi đám giỗ dưới ông tôi. Anh hỏi ba tôi chi vậy?

            Thu Hà liếc mắt thấy Hương hào Ðiều mặt mày buồn xo mà nước mắt lại rưng rưng chảy, cô lấy làm lạ bèn ngồi dậy ngó ngay Hương hào Ðiều mà hỏi rằng:

-         Anh có việc chi mà coi bộ anh buồn dữ vậy?

Có lẽ sự buồn của Hương hào Ðiều nó tràn trề trong lòng không thể ngăn chặn lại được nữa, nên anh ta vừa nghe hỏi như vậy thì nước mắt tuôn dầm dề. Anh lấy vạt áo và lau nước mắt và nói rằng:

-         Tôi có việc buồn quá, nên tôi thấy dượng Hai đi khỏi, tôi tính lên đặng nói chuyện cho chú nghe.

-         Anh buồn về việc gì? Ðâu, anh nói cho tôi nghe rồi ba tôi về tôi thưa lại với ba tôi, được hôn?

Hương hào Ðiều dụ dự không muốn nói. Anh ta và khóc và nói rằng:

-         Dượng Hai ở bậy quá. Dưởng nhè dưởng lấy vợ tôi.

Thu Hà nghe mấy tiếng ấy vang tai, chẳng khác nào sét đánh. Cô bỏ hai chơn xuống đất, mắt ngó sững Hương hào Ðiều, nghẹn cứng trong cổ, không biết sao mà nói được. Hương hào Ðiều đứng khóc rấm rức. Thu Hà chống tay lên cằm, day mặt ngó ngoài sân, mà nước mắt cũng chảy ròng ròng.

Thằng Ðặng buông tay tía nó đặng chạy ra trước hiên mà chơi. Trong nhà im lìm,  trông ra sự buồn thảm đã lai láng cùng hết.

Thu Hà ngồi trơ trơ một giây lâu rồi hỏi nhỏ Hương hào Ðiều rằng:

-         Sao anh biết thầy Hai lấy vợ anh? Anh có bắt được hay là anh nghe người ta nói?

Hương hào Ðiều đáp rằng:

-         Thiệt là tôi không thấy. Hồi chiều hôm qua vợ tôi đi chơi đàng xóm, tôi ở nhà nằm nói chuyện chơi với thằng nhỏ tôi. Nó thỏ thẻ học lại tôi mới hay. Nó nói mấy lần dượng Hai chở nó với má nó lên trên ruộng, đi về dọc đường dượng Hai hay bắt nó ngồi coi xe, rồi dượng dắt má nó vô nhà nào không biết, mà ở trỏng lâu lắm rồi mới ra. Cái đó cũng chưa chắc mà tin, nó còn nói nhiều lần tôi không có ở nhà, dượng Hai xuống chơi rồi dượng Hai vô trong mùng mà nằm với má nó. Có nó đó, nếu không tin, cô kêu nó hỏi thử coi.

Thu Hà lắc đầu mà nói rằng:

-         Con nít nó nói bậy nói bạ, hơi sức nào mà nghe.

-         Con nít thấy sao nói vậy, chớ nó biết giống gì mà đặt chuyện. Ðâu cô kêu nó cô hỏi rồi nó nói hết cho cô nghe mà.

Hương hào Ðiều kêu thằng Ðặng rồi nói với nó rằng:

-         Con thấy dượng Hai với má con làm sao đâu, con nói lại cho cô Hai nghe đi con.

Thằng nhỏ lắc đầu không chịu nói. Cha nó thúc riết nên nó mới nới rằng:

-         Má dỗ tôi ngủ, dượng Hai vô mùng dượng Hai nằm rồi dượng Hai ôm má. Tôi thấy má có hôn dượng Hai nữa.

Thu Hà khoát tay, ý không muốn cho nói nữa. Cô chảy nước mắt ròng ròng, cô lấy khăn trong túi ra mà lau, rồi nói với Hương hào Ðiều rằng:

-         Lời con nít mà tin sao được. Anh hỏi người ta rồi người ta nói anh bày đặt xúi nó nói như vậy, anh mới làm sao? Anh có bằng cớ nào đâu mà đối nại?

-         Không, tôi có tính đối nại chi đâu. Thuở nay tôi nhờ có chú bảo bọc nuôi dưỡng rồi cưới vợ cho tôi. Tôi có nhà ở, tôi có cơm ăn, tôi cũng nhờ chú. Ngày hôm nay dượng Hai không nghĩ, dưởng làm việc như vậy, tôi lên đây tôi lạy chú mà giao nhà cửa lại, đặng tôi dắt vợ con tôi đi xứ khác mà làm ăn.

-         Chỉ như vậy mà anh còn dắt đi đâu?

-         Vợ chồng đã ở có con rồi, tôi bỏ nó sao được.

-         Chỉ hư như vậy mà anh còn thương chỉ hay sao?

-         Vợ chồng sao lại không thương.

Thu Hà lắc đầu thở ra. Cô ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi cô hỏi rằng:

-         Bây giờ anh đi đâu? Anh đi ra rồi làm nghề gì mà ăn?

-         Tôi tính lên Sài Gòn, Chợ Lớn kiếm chỗ làm thuê làm mướn mà ăn cũng được.

-         Anh tính như vậy quấy lắm. Chỉ có hư thì anh bỏ chỉ mà kiếm vợ khác, chớ chuyện gì lại phải bỏ xứ mà đi.

-         Vợ chồng ở với nhau tám chín năm rồi, bây giờ bỏ sao được. Mà bỏ nó, tôi nói làm sao mà bỏ?

-         Anh khai tội chỉ ra, rồi anh đuổi chỉ đi đâu chỉ đi, có khó gì đâu.

-         Như nó chối rồi làm sao?

-         Nếu chỉ chối thì anh rình bắt chỉ, anh làm cho vỡ lẽ ra, thiên hạ thấy rõ, thì chỉ hết chối chớ gì.

Hương hào Ðiều châu mày, lặng thinh, đứng gục mặt xuống đất mà suy nghĩ. Cách một hồi anh ta mới nói rằng:

-         Cô nói phải, không biết chừng con nít nó nói bậy. Dượng Hai thương tôi lắm, lại dưởng là người học giỏi nữa, có lẽ nào dưởng ở quấy như vậy. Xin cô đừng nói lại dượng, mà cũng đừng thưa với chú biết chuyện này làm chi. Ðể thủng thẳng tôi dọ tình ý con vợ tôi coi.

Thu Hà gật đầu. Hương hào Ðiều dắt con đi về. Thu Hà ngó theo, cô đau đớn trong lòng, như gan teo, như ruột thắt. Chồng khốn nạn đến nước này à?

XII -  Vĩnh Thái bị giết

Một buổi sớm mai, thầy Hội đồng Chánh đương xẩn bẩn ở phía trước mà coi thằng Tùng vô phân mấy bồn bông huệ. Có ba người lạ mặt đứng ngoài cửa ngõ dòm vô, một người tóc bạc răng rụng, bận áo xuyến dài, còn hai người còn trai bận áo vắn quần vắn. Thầy Hội đồng ngó thấy liền kêu mà hỏi rằng:

-         Ai đó? Ði có việc gì thì vô đây.

Ba người thủng thẳng đi vô sân, người bận áo dài đi trước, còn hai người bận áo vắn đi sau. Khi mấy người vô tới rồi, thầy Hội đồng hỏi rằng:

-         Mấy bà con đi đâu? Có việc gì hay không?

Có một người bận áo vắn đáp rằng:

-  Anh em tôi ở trên Mặc Cần Dưng xuống kiếm thầy Hai.

Thầy Hội đồng biết là tá điền của Vĩnh Thái, nên thầy dắt hết vô nhà, rồi kêu Vĩnh Thái ra nói chuyện.

Vĩnh Thái ở trong buồng bước ra, biết hai người bận áo vắn là tá điền của mình, nên hỏi rằng:

-         Hai người xuống có việc chi?

Hai người ấy xá Vĩnh Thái rồi một người nói rằng:

-         Bẩm thầy, hai anh em tôi thấy thầy lâu lên nên xuống trước là thăm thầy, sau cho thầy hay lúa lóng nầy tốt lắm. Mùa tới đây một công chắc không mất mười lăm giạ. Ngặt vì lóng nầy anh em tôi hết lúa ăn, nên xuống bẩm thầy làm ơn giúp cho anh em tôi mỗi người chừng mười giạ mà ăn đỡ, rồi tới mùa anh em tôi trả lại.

Vĩnh Thái châu mày đáp rằng:

-         Mấy người làm ruộng coi lôi thôi quá mà cứ hỏi tiền hỏi lúa hoài. Hai người thiếu lúa ăn, còn mấy người kia thiếu hôn?

-         Bẩm, ai cũng thiếu hết. Hai anh em tôi đi đây, họ cũng cậy hỏi giùm cho họ nữa.

-         Giống gì mà tới mười giạ, tôi phát cho mỗi người năm giạ mà thôi, thiếu đủ làm sao thì làm lấy. Mấy người đi về đi, để mai mốt tôi biểu Hương hào,  ảnh chở lên phát cho.

Vĩnh Thái day qua hỏi ông già bận áo dài đen đó rằng:

-         Còn ông nầy đi đâu đây?

-         Thưa thầy tôi là Nguyễn Văn Khỏe, tôi làm miếng đất giáp với đất thầy mua đó.

-         Ờ, mà ông xuống dưới nầy làm gì? Ông muốn hỏi lúa hay sao?

-         Thưa không, tôi xuống nói chuyện với thầy. Tôi nghe làng họ nói thầy vô đơn thầy khẩn miếng đất của tôi rồi. Tội nghiệp tôi lắm thầy! Tôi chiếm cứ khai phá miếng đất đã hơn mười năm nay, nếu thầy khẩn thì thầy giết tôi còn gì. Họ nói hễ thầy khẩn rồi thì thầy đuổi tôi. Cha chả! Thầy làm như vậy thì thà thầy cắt cổ tôi chết cho rảnh.

-         Tôi có biết đâu. Nếu ông nói đất của ông thì ông phải có bài vĩnh viễn. Tôi khẩn là khẩn đất quốc gia, tôi có khẩn đất của ông đâu.

-         Ờ, nếu thầy khẩn đất quốc gia thì tôi có tranh cản làm chi. Tôi sợ thầy khẩn chồng[1] lên đất tôi, nên tôi mới nói chớ.

-         Ông nói chuyện lôi thôi vậy sao được. Nếu ông có bài bộ thì tôi làm sao mà khẩn được kia.

-         Bởi tôi chưa có bài bộ, nên tôi sợ thầy khẩn chồng chớ.

-         Ông về đi, không có đâu. Ðể bữa nào tôi đi lên trển, ông chỉ đất cho tôi coi rồi sẽ hay.

Vĩnh Thái bỏ đi ra ngoài đứng hút gió không thèm nói chuyện nữa. Thầy Hội đồng thấy vậy, nên mời ba người ấy ăn trầu. Ba nguời cũng không dám ngồi, đứng lơ láo một hồi, rồi xá thầy Hội đồng và ra xá Vĩnh Thái mà về.

Vĩnh Thái hỏi thầy Hội đồng mà mượn sáu chục giạ lúa đặng phát cho tá điền. Thầy Hội đồng cho, Vĩnh Thái sai thằng Tùng đi kêu Hương hào Ðiều lên nhà mà cậy anh ta chở lúa lên Mặc Cần Dưng đặng phát cho tá điền mỗi người năm giạ. Hương hào Ðiều chịu đi.

Hương hào Ðiều mượn ghe và mướn hai tên bạn rồi bữa sau đem lại nhà thầy Hội đồng mà chở lúa.

Ðến mười hai giờ trưa ghe lúa lui. Vĩnh Thái đưa Hương hào Ðiều xuống ghe, chàng hỏi rằng:

-         Nước này ghe chừng nào mới lên tới ruộng vậy anh Hương hào?

-          Khuya tới.

-          Dữ hôn! Ði gì lâu quá vậy?

-          Ðường xa mà bị nước đổ nữa, đi mau sao được.

-          Nếu khuya này tới, thì buổi sớm mơi mai, anh phân phát lúa cho họ rồi chiều mai anh về tới chớ gì.

-         Dễ hôn, cầu sáng mốt biết về tới hay chưa mà.

Ghe đi được chừng vài giờ đồng hồ Vĩnh Thái mới thưa với thầy Hội đồng lấy xe hơi mà đi Cái Răng thăm mẹ, chàng nói chàng xuống dưới chơi một đêm rồi trưa mai chàng sẽ về. Chàng hỏi rồi liền lấy xe ra, bổn thân cầm bánh mà đi, không thèm đem sớp phơ theo. Ðến chiều ông Hai Sửu dắt thằng Mau ra nhà thầy Hội đồng. Hai cha con bước vô cửa, thầy Hội đồng đương ngồi đọc nhựt trình, ông Hai Sửu liền lột khăn xá thầy mà nói ràng:

-         Thưa thầy, thằng Mau ở tù mãn rồi nó mới về hồi trưa, nên tôi dắt nó ra đặng lạy thầy. Tôi nghe thầy về hổm rày, mà tôi mắc có bịnh, nên không có ra được mà nói chuyện cho thầy nghe.

Thầy Hội đồng bỏ tờ nhựt trình, ngó thằng Mau mà hỏi rằng:

-         Mầy ở với tao được mấy tháng, coi bộ mầy tử tế, chớ không có việc gì, mà sao tao mới đi khỏi, mầy ở nhà làm giống gì mà lộn xộn như vậy hử?

            Thằng Mau khóc vừa khóc vừa nói rằng:

-         Thưa thầy, con có dám làm việc chi lộn xộn đâu. Xin thầy cho phép con đọc công chuyện cho thầy nghe. Thầy đi chơi, thầy giao quyền cho dượng Hai, dưởng ở nhà dưởng hà khắc với tá điền tá thổ hết sức. Bữa đó con xuống nhà xe chơi. Con ngồi nói chuyện với anh sớp phơ, con nói cô Hai tử tế còn dượng Hai gắt gao lắm. Dưởng rình nghe, dưởng nói con nói xấu dưởng, nên dưởng đánh con sặc máu, bầm mình, sưng mặt, rồi dưởng còn hăm dưởng giết con cho chết dưởng mới thôi. Con đau quá mà lại sợ dưởng đánh nữa, nên con trốn mà về nhà tía con, đặng con kiếm thuốc uống. Dưởng làm tờ cớ mà phao con trốn có lấy đồ, nên tòa bắt bỏ tù con.

Thầy Hội đồng chưng hửng, thầy chưa kịp hỏi nữa, thì ông Hai Sửu tiếp nói rằng:

-         Thưa thầy, thiệt ức quá. Thằng Mau nó về hồi tối thì sáng ngày tôi lật đật chạy ra xin lỗi với dượng Hai, và xin phép cho nó ở nhà ít bữa đặng nó uống thuốc. Dưởng đánh nó bịnh nhiều quá. Dưởng hổng chịu, dưởng buộc tôi phải đem đủ ba chục đồng bạc mà trả lại, dưởng không cho nó ở nữa. Tôi năn nỉ với cô Hai. Cô Hai đưa cho tôi mười đồng bạc biểu về hốt thuốc cho nó uống, cô lại biểu tôi để nó ở luôn trỏng, chừng nào thầy về rồi tôi sẽ dắt nó ra. Chẳng biết tại làm sao khi không rồi dượng Hai phát đơn lên tòa thưa thằng con tôi, dưởng nói nó ăn trộm đồ mà trốn. Thiệt là oan hết sức. Tội nghiệp, cô Hai cổ biết thằng nhỏ tôi ở tù oan nên cổ thương cổ mới cho tôi một trăm đồng bạc.

Thầy Hội đồng châu mày ngồi suy nghĩ một hồi rồi thầy hỏi ông Hai Sửu rằng:

-         Té ra con Hai nó có cho ông một trăm đồng bạc hay sao?

Ông nọ đáp rằng:

-         Thưa có. Vậy chớ thầy về hổm nay cô Hai không có học chuyện này lại cho thầy nghe hay sao?

Thầy Hội đồng lắc đầu rồi kêu Thu Hà om sòm.

Thu Hà vừa ra tới thầy hỏi rằng:

-         Ở nhà nó làm việc gian mà hại người ta, sao con không cản nó?

-         Thưa, con cản hết sức mà không được.

-         Nếu con cản không được thì bữa tòa xử, con lên giữa tòa mà làm chứng cho ngay thẳng minh bạch, sao con làm thinh, để cho tòa phạt thằng Mau tới bốn tháng tù.

-         Thưa ba, hôm đó con cũng có tính như vậy, mà rồi con nghĩ nếu con đi minh oan cho thằng Mau, thì tự nhiên con phải khai sự quấy của chồng con ra. Làm vợ mà khai sự quấy của chồng giữa công đường thì trái đạo nghĩa quá, vì vậy nên con phải làm thinh mà để cho thằng Mau ở tù.

Thầy Hội đồng gãi đầu, ngồi nín thinh một hồi rồi thầy hỏi nữa rằng:

-         Hổm nay ba về sao con không đọc rõ công chuyện lại cho ba nghe?

-         Thưa, đọc lại cho ba nghe thì làm buồn cho ba nữa, chớ có ích chi đâu. Việc đã lỡ rồi, bây giờ biết làm sao...

Thu Hà nói tới đó, cô ứa nước mắt. Thầy Hội đồng ngồi suy nghĩ, mặt coi buồn hiu. Ông Hai Sửu xin để thằng Mau ở lại đặng cho đủ mười hai tháng công.

Thầy Hội đồng nói rằng:

-         Thôi, tôi cho nó về luôn ở nữa làm chi. Số bạc con Hai cho ông kỳ xưa đó còn hôn?

Ông Hai Sửu đáp rằng:

-         Thưa tôi còn giữ nguyên, tôi có dám xài đâu. Vợ chồng tôi tính để dành đặng chừng nó ở cho thầy mãn rồi, tôi đem nó về mà lo vợ cho nó.

-         Thôi ông đem nó về lo vợ cho nó đi. Năm nay lỡ mùa rồi. Như nó muốn làm ruộng thì qua sang năm tôi để cho nó ít chục công đất nó làm.

-         Thầy tử tế quá. Cô Hai cũng vậy. Có một mình dượng Hai, thiệt là khó.

Cha con ông Hai Sửu từ giã ra về. Thầy Hội đồng bỏ ra trước sân. Thu Hà buồn so, cô muốn đi theo cha, nhưng mà ra tới cửa, cô suy nghĩ thế nào không biết, mà cô lại không đi nữa, cô trở vô lấy cái hình của mẹ, đem lại ghế ngồi mà nhìn.

Từ bữa Thu Hà nghe Hương hào Ðiều than phiền về sự Vĩnh Thái lấy vợ của anh ta, thì cô chua xót trong lòng, ăn ngủ hết được nữa. Không phải cô ghen. Không, cô không có ghen. Cô đã khinh bỉ chồng lâu rồi, cô không còn một chút tình gì với chồng nữa. Chớ phải cô thương yêu lắm hay sao mà ghen. Cô chua xót trong lòng là chua xót phận cô vô duyên, đụng nhằm một thằng chồng đã giả dối, đã hung bạo, đã ác nghiệt, đã đê tiện, mà lại không biết cang thường luân lý nữa. Cô chua xót trong lòng là chua xót cho phận của Hương hào Ðiều vì cô mà gieo cái họa trong nhà.

Rồi đây có lẽ gia đạo tan tành, vợ chồng rời rã. Sự buồn rầu của cô, cô không có thể nói ra cho ai biết được. Sự buồn rầu của cô, cô không biết ngày nào mới gở cho xong, vì vậy nên cô thất chí ngã lòng, ban ngày còn lảng khuây, chớ hễ ban đêm thì dầm dề giọt lụy.

Ðêm nay trời mưa rỉ rả, như tiếng đờn thảm, như giọng hát sầu. Sau vườn, ảnh ương kêu uênh oang, trên vách thằn lằn chắt lưỡi. Thu Hà nằm một mình trong phòng như những hồi còn đi học, lòng son cao vọng, vóc ngọc trong ngần, rồi bây giờ lòng đã lạnh tanh, vóc lại nhơ nhuốc, thì cô chán ngán cuộc đời, cô phiền trách tạo hoá.

Ðồng hồ treo phía trước gõ mười một giờ. Thu Hà đương mơ màng, bỗng nghe có người vỗ cửa trước mà kêu:

-         Cô Hai ơi. Cô Hai!

Cô không biết là ai nên bước xuống đất, rồi bưng đèn đi ra. Khi ra tới cửa phòng, thì thấy thầy Hội đồng cũng đương bưng đèn ra phía trước, mà ngoài cửa lại cũng có tiếng kêu: “Cô Hai !”  hoài. Thầy hội đồng hỏi rằng:

-         Ai kêu đó ? Chừng nầy kêu mà làm gì?

Ở ngoài có tiếng đáp rằng:

-         Thưa, tôi.

-         Tôi là ai ? Thằng Hương hào phải hôn?

-         Thưa phải. Chú mở cửa giùm chút chú.

-         Mầy đi chở lúa sao mầy trở về?

-         Tôi đập chết dượng Hai rồi.

-         Hả? Mầy nói giống gì vậy?

-         Dượng Hai lấy vợ tôi, tôi bắt được, đánh chết hết rồi.

-         Úy! Trời ơi!

Thầy Hội đồng lính quýnh mở cửa không được. Thu Hà kinh tâm, cô bưng cái đèn trong tay, cô đứng trân trân, không bước tới được nữa.

Cửa mở được rồi, Hương hào Ðiều bước vô, đầu tóc xụ xộp mặt mày tái xanh, quần áo ướt mem, tay lại có xách một cây tầm vông dài chừng một sải. Anh ta vừa ngó thấy Thu Hà thì khóc và nói rằng:

-         Tôi bắt được quả tang rồi. Tôi làm bộ đi chở lúa lên tới chợ Long Xuyên, tôi đậu ghe lại tôi chờ trời khuất mình rồi tôi đi bộ về tôi rình. Tôi núp phía vách sau. Tôi thấy trời mưa hoài, tôi tưởng không có. Té ra dượng Hai ở đâu phía dưới Thốt Nốt đi xe hơi lên, dưởng ngừng xe ngang chỗ bụi gừa lớn đó, rồi dưởng lại nhà kêu cửa. Vợ tôi ra mở cửa. Dưởng biểu vợ tôi đi chợ. Vợ tôi nói bỏ con ở nhà một mình không được, nó biểu dưởng ở đó mà ngủ. Hai đàng nói chuyện dang ca với nhau một hồi rồi dắt nhau vô mùng. Tôi rình ở ngoài tôi thấy hết trọi. Tôi giận quá, nên tôi tông cửa tôi vô. Vợ tôi chạy ra, tôi đập cho nó một cây nó té nhào. Dượng Hai áp ra giựt cây muốn đánh tôi. Tôi càng thêm giận nên tôi đập đùa dưởng nữa. Tôi đánh hai người ngã hết, còn nằm hai đống ở dưới nhà, cô xuống cô coi.

Thu Hà loạn trí, cô không khóc mà cũng không nói một tiếng chi hết, cứ bưng đèn đứng chết trân.

Thầy Hội đồng hỏi Hương hào Ðiều:

-         Vậy mà nó chết hay không?

-         Ai?

-         Hai đứa khốn nạn đó chớ ai?

-         Chết hay chưa, không biết. Cây này đây mà tôi đập một người lối hai chục cây lận, máu chảy lung quá nằm êm ru, hết cục cựa nữa, rồi tôi mới đi đây.

Thầy Hội đồng lấy cây tầm vông của Hương hào Ðiều đem dựng dựa bàn viết, kêu thằng Tùng biểu đốt một cái lồng đèn, rồi thầy đi xuống nhà Hương hào Ðiều,  thằng Tùng xách lồng đèn đi trước, thầy đi giữa, Hương hào Ðiều đi theo sau.

Trời đã dứt hột mưa rồi, mà mây còn vần vũ, nên tứ bề tối đen. Thu Hà thấy cha đi, cô mới để cái đèn trên bàn, rồi cô ra cửa đi theo xa xa. Xuống tới nhà Hương hào Ðiều, khi bước vô thì cô nghe thầy Hội đồng nói với Hương hào Ðiều rằng:

-         Hai đứa chết hết rồi còn gì. Dại quá, ở tù chết.

Thầy Hội đồng lại biểu thằng Tùng vác cái mõ ra sân mà đánh hồi một cho bàn cận với làng chạy tới.

Hương hào Ðiều nghe tiếng mõ, anh ta sợ, nên ngồi dựa gốc cột, ôm mặt mà khóc. Thằng Ðặng đứng xẩn bẩn ở bên cha nó, tuy nó không hiểu án mạng quan hệ thế nào, song nó cũng sợ, nên mặt mày tái xanh, không dám nói chi hết.

Thu Hà như điên, cô đứng ngó thây của chồng nằm dưới đất, máu chảy đỏ cái áo trắng, cái quần trắng, mắt mở trao tráo, mặt sưng chù vù. Cô lại ngó qua thây của thị Sen, rồi cô ngó Hương hào Ðiều, thấy quang cảnh ghê gớm, cô rùng mình rởn óc. Cô bỏ đi ra ngoài sân, chừng ấy nước mắt của cô mới chịu tuôn ra dầm dề, nhưng mà không ai biết chắc vì cô đau đớn nỗi chồng bị giết, hay là vì cô tội nghiệp phận Hương hào Ðiều bị tội, hay là cô hổ thẹn phận cô vô duyên mà cô khóc.

Làng xóm chạy tới, hỏi sơ công chuyện rồi bắt Hương hào Ðiều còng lại. Thầy Hội đồng dắt Thu Hà về, thầy biểu sớp phơ xuống cây gừa lớn mà đem xe hơi về, rồi thầy sai Thu Hà ngồi xe xuống Cái Răng mà báo tin cho cô thông Tiền hay.

X III – Thu Hà ân hận

            Trời vừa mới hừng sáng thì Thu Hà đã rước cô thông Tiền lên tới. Có ai kêu không biết mà Hương giáo Phiến cũng ra tới một lượt.

Cô thông Tiền ôm Vĩnh Thái, bà Hương giáo Phiến ôm thị Sen, hai bà khóc kể nghe rất thảm thiết, Hương hào Ðiều cũng khóc, mà Thu Hà cũng khóc. Tuy cả bốn đều khóc, nhưng mà mỗi người buồn rầu đau đớn khác nhau, lại cái án mạng nầy nó can hệ đến danh dự của mỗi người, nên khóc than thì khóc, mà không có một lời nào oán trách Hương hào Ðiều hết.

Hương quản lên tòa báo cho quan Biện lý hay. Quan Biện lý dắt quan thầy thuốc xuống khám xét tử thi, hỏi sơ Hương hào Ðiều với thầy Hội đồng Chánh, lấy cây tầm vông làm đồ tang vật, bắt Hương hào Ðiều dắt về và cho phép chôn thây của Vĩnh Thái và thị Sen, Hương hào Ðiều bị còng đem lên xe, anh ta và khóc và gởi thằng Ðặng lại cho thầy Hội đồng, làm cho làng xóm ai thấy cũng đều ứa nước mắt, duy có cô thông Tiền với bà giáo Phiến ưng bụng lắm mà thôi.

Thầy Hội đồng đứng cưới thị Sen cho Hương hào Ðiều mà thầy cũng đứng gả con gái thầy cho Vĩnh Thái nữa, bởi vậy thầy lãnh lo chôn cất luôn hai cái tử thi. Vì chết một cách rất ghê gớm, mà lại phạm đến danh dự nữa, nên cô thông Tiền với bà giáo Phiến xin làm sơ sài mà chôn phứt cho rồi. Thầy Hội đồng nghe lời nên không dám để lâu. Quan Biện lý cho phép bữa trước thì sáng bữa sau chôn liền, chôn hai cái mả chung trong một đám ruộng. Vợ chồng Bá Hỉ với Hương chủ Lung hay tin, đều có lên thăm và ở luôn mà đưa đám ma. Tá điền tá thổ cũng đều tựu đến đủ mặt hết thảy, song ở trong nhà thì họ làm bộ buồn, còn hễ bước ra ngoài mà hai người gặp nhau thì họ xầm xì mà cười.

Hạ khoán xong rồi, dắt nhau trở về Thu Hà mặc đồ tang đi với vợ Bá Hỉ thình lình cô nghe sau lưng có  tiếng nói:

-         Vậy, cho yên phận cô Hai, kẻo cổ buồn hoài, tội nghiệp quá!

Cô day lại thì thấy thằng Mau đương nói chuyện với thằng Tùng. Hai đứa bị cô ngó, chúng nó sợ, nên nín khe, rồi sụt lại sau, không dám đi gần nữa.

Ðến trưa cô thông Tiền theo xe Bá Hỉ mà về. Khi cô từ biệt, cô ôm Thu Hà mà khóc và nói rằng:

-         Con của má nó ngu lắm. Vợ như vầy mà nó làm chuyện như vậy, hi hi, hu hu...

Cô nói không được nữa, cứ lấy khăn đậy mặt mà lên xe.

Khách về hết, duy còn có một mình ông Hương chủ Lung ở lại mà thôi. Tối lại thầy Hội đồng Chánh nằm gác tay qua trán, bộ buồn hiu. Ông Hương chủ Lung bèn nói rằng:

-         Cái buồn nầy là tại nơi mầy. Hồi đó tao đã nói thằng đó tao coi bộ tướng không được, mầy cãi tao, mầy nói nó giỏi, nó có chí. Hứ, chí gì vậy.

Thầy Hội đồng thở dài và đáp rằng:

-         Kén rể thì kén như vậy chớ kén làm sao nữa. Tại nhà tôi vô phước nên khiến gặp việc không may, biết làm sao bây giờ?

Thu Hà nghe cha với ông đương bàn việc nhà, cô bèn đứng ra trước mặt cha, rồi khóc tấm tức tấm tửi mà nói rằng:

-         Con là đứa có tội lắm. Chồng của con chết đó là tại con, vợ của anh Hương hào Ðiều chết cũng tại con, mà anh Hương hào Ðiều bây giờ ở tù cũng tại con, xét lại thiệt con độc ác lắm. Con phải chết thì con mới khỏi ăn năn.

Thầy Hội đồng lồm cồm ngồi dậy ngó con mà hỏi rằng:

-         Con nói cái gì vậy?

-         Thiệt, tại con nên mới gây ra cái họa lớn ngày nay đó.

-         Tại sao vậy, con nói cho ba nghe thử coi.

-         Hôm trước anh Hương hào Ðiều hay vợ ảnh lấy thầy Hai, ảnh lên nói với con đặng dắt vợ con ảnh đi xứ khác làm ăn. Con cản, con không cho đi, con biểu ảnh bỏ vợ ảnh, ảnh sợ không bằng cớ, ảnh nói bỏ vợ ảnh không được. Con mới bày chuyện xúi ảnh rình bắt làm cho vơ lở đặng cho có đủ tang chứng mà bỏ chỉ. Ba coi có phải là tại con, nên mới sanh sự hay không? Nếu con không cản, con để cho ảnh dắt vợ con ảnh đi, thì không có chuyện gì hết.

-         Con xúi nó bắt, mà con có biểu nó phải đập chết bọn dâm bôn hay không?

-          Thưa, không!

-          Nếu con không biểu nó giết người ta, thì con có lỗi gì đâu mà ăn năn?

-         Anh Hương hào Ðiều là người không có học thức. Ảnh lại thương vợ ảnh lắm nữa. Hễ ảnh bắt được, tự nhiên ảnh không biết dằn lòng. Con xúi ảnh bắt ấy là con đưa đao cho anh chém người ta. Ðã biết theo luật pháp thì con không có tội, nhưng mà lấy theo lương tâm thì cái tội của con nặng lắm. Vì vậy nên hai bữa rày con ăn năn quá, nếu con không chết thì con nhớ cái tội ác đó hoài, không thế nào con an tâm được.

-         Hôm trước thằng Hương hào Ðiều nó hay, nó lên nói với con, sao con không nói lại cho ba biết?

-         Con thấy ba vì con mà ba buồn đã nhiều rồi, nên con giấu không muốn làm cho ba buồn thêm nữa.

Nãy giờ ông Hương chủ Lung ngồi lặng thinh mà nghe, chừng Thu Hà nói tới đó, ông mới cất tiếng mà cãi rằng:

-         Cháu có cái gì mà ăn năn đâu. Cháu cũng không nên buồn. Thằng chồng của cháu nó làm bậy, nó lấy vợ người ta, thì người ta giết nó đáng lắm. Nó tử tế gì đó mà tiếc.

Thu Hà chậm rãi đáp rằng:

-         Dầu không tử tế, cũng là chồng. Làm vợ mà xúi người ta giết chồng mình, tức nhiên cũng như mình giết, ông biểu đừng ăn năn, cha chả! Không ăn năn sao được.

-         Cháu đừng nói bậy. Cháu phải nghe lời ông, cháu bỏ đi, đừng có thèm nhớ tới chuyện đó nữa.

-         Cháu chết họa may cháu mới hết nhớ sự ấy.

-         Ê! Chuyện gì mà chết nữa! Công ăn học thuở nay, bây giờ vì thằng chồng khốn nạn như vậy mà chết theo nó hay sao? Cháu coi thằng chồng đó trọng hơn cha cháu hả?

Thu Hà nghe ông chú quở trách thì cô châu mày rồi thủng thẳng trở vô buồng.

Mình buồn cũng phải, mà ông chú quở cũng phải. Mình làm vợ, tuy không phải mình cầm dao giết chồng, song mình xúi người khác, tức nhiên cũng như mình giết, thế thì dầu mình có sống, mình cũng hổ với lương tâm trọn đời. Mà bây giờ mình chết nghĩ cũng khó lắm. Cha mình sanh ra có hai chị em mình mà thôi. Cái hy vọng, cái thương yêu của cha mẹ thuở nay dồn về hai chị em mình. Nay em mình đi du học, mình ở nhà mà phụng sự cha. Nếu mình chết đi, bỏ cái buồn rầu lại cho cha thì mình lỗi cũng nhiều lắm.

Có hai vấn đề đó, một là ăn năn về sự xúi Hương hào Ðiều rình bắt dâm bôn, hai là lo sợ về sự tự vận phải mang lỗi với cha, mà nó làm cho Thu Hà tự bàng hoàng đêm ngày, ăn ngủ không được, không biết phải giải quyết thế nào cho hạp với lương tâm mà cũng cho trọn niềm phụ tử.

Ban ngày cô mắc dạy sắp con tá điền mà còn mắc săn sóc giùm thằng Ðặng nữa, nên cô khuây lảng được chút đỉnh. Thảm thay! Trong lúc ban đêm cô nằm quạnh quẽ một mình trong phòng, cô nghe tiếng dế, cô nhớ tới việc cô hại chồng, cô nghĩ tới tiền trình u ám, sống thì phải chịu ảo não, mà lại không có mục đích gì, chết thì yên thân ngặt mang lỗi với trên trước bởi vậy cô bối rối trong trí, lạnh ngắt trong lòng, cứ nằm gác tay lên trán mà thở ra hoài. Một ngày cô ốm thêm một chút, làm cho thầy Hội đồng thấy vậy thầy lo sợ, nên thầy kiếm đủ lời mà khuyên giải.

            Ngày lụn tháng qua, Vĩnh Thái mới chết đó mà đã tới kỳ làm tuần bá nhựt. Tòa Ðại hình đòi thầy Hội đồng Chánh lên làm chứng vụ Hương hào Ðiều sát nhơn. Thầy đi liền, thầy lại dắt Thu Hà đi theo.  Hương hào Ðiều đứng giữa tòa mà khai rõ mọi việc. Thu Hà nghe người ta lập đi lập lại cái tên của chồng mình không biết mấy lần, mà ngừời ta nhắc chuyện xấu chớ không phải chuyện tốt, bởi vậy cô lấy làm hổ thẹn, cô lén bỏ đi ra ngoài xa, không muốn ở đó mà nghe nữa. Tòa xử rồi, thầy Hội đồng Chánh ra kiếm con mà nói rằng:

-         Tòa nghĩ vì Hương hào Ðiều bởi sự ghen mà phải tội sát nhơn, lại nó ngộ sát chớ không phải cố sát nên kêu án nó có một năm tù.

Thu Hà thở ra và đáp rằng:

-         Vậy cũng là may, chớ nếu Tòa kêu án ảnh nặng thì con càng ăn năn nhiều hơn nữa.

            Khi về tới nhà, thầy Hội đồng mới nói với con rằng:

-         Thôi việc đã yên rồi hết, con đừng có buồn chi nữa. Con Sen là đàn bà hư, nó chết đáng lắm. Vĩnh Thái xảo trá mà lại gian dâm, trời khiến nó phải chết một cách khốn nạn như vậy thì cũng phải. Còn thằng Ðiều tuy nó giết tới hai mạng, song hai mạng ấy chết đáng lắm, nó làm như vậy mà răn thiên hạ, nên tòa kêu án nó nhẹ nghĩ cũng phải. Con đừng có buồn rầu nữa. Con phải để trí mà lo giúp ích cho đời. Không lẽ ba nói chồng con chết đó là phước của con, nhưng nếu nói thiệt mà nghe, thằng đó nó sống thì nó hại xã hội, chớ không ích chi đâu mà tiếc. Con nghĩ thử coi ba nói phải hay là quấy.

Thu Hà ngó cha trân trân một hồi rồi cô khóc và đáp rằng:

-         Lời ba nói đó thiệt là chơn chánh. Nhưng mà con đã lỡ làm vợ người đó rồi...

-         Phải, ba hiểu lắm. Phận con là gái, trăm năm một chồng, may gặp chỗ tốt thì nhờ, rủi gặp chỗ xấu phải chịu. Chớ chi chồng của con còn sống mà ba xúi con bỏ nó thì là ba quấy; nay nó chết rồi, mà nó chết một cách nhơ nhuốc quá thế thì ba biểu con quên nó, ba không có lỗi chi hết, mà con nghe lời ba con quên cho rảnh, con cũng không có lỗi gì.

-         Tại con nên chồng con mới chết.

-         Mà cũng tại chồng con nên con mới buồn rầu, phải hôn? Ba gả con lấy chồng, ba tưởng chồng của con biết thương người, biết giúp đời, té ra nó đã không thương không giúp ai mà nó lại còn báo thiên hạ nữa.

Thu Hà ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi cô nói rằng:

-         Ý con cũng như ý ba vậy. Năm ngoái con lấy chồng là vì con tưởng kết bạn với một người có tâm chí đặng chung lo giúp ích cho đời. Té ra con lầm, nên hơn một năm nay con buồn hết sức, song con buồn thì con cắn răng mà chịu chớ biết nói với ai... Con nhớ lời em của con nó nói thiệt là phải lắm...

Thầy Hội đồng liền hời rằng:

-         Nó nói giống gì?

-         Bữa nó xuống tàu, nó thấy con buồn, nó mới nới rằng: Chớ chi con không lấy chồng, chị em dắt nhau qua hết bên Tây mà học đặng ngày sau trở về chung lo khai hoá nước nhà, thì tốt không biết chừng nào.

-         Phải, nếu ba dè duyên con lỡ dở như vầy thì hồi đó ba gả con lấy chồng làm chi, để cho con đi du học còn có ích hơn nhiều. Em của con nó nói phải lắm chớ.

-         Bây giờ con muốn ba cho con đi.

Thầy Hội đồng ngồi lặng thinh mà suy nghĩ. Thu Hà nói tiếp:

-         Cái mục đích về sự sống của con là giúp ích cho đời. Vì phận con là gái, không biết làm sao mà đạt đến cái mục đích ấy được, nên con mới tính lấy chồng. Tưởng là có chồng đặng giúp với chồng mà làm việc công ích, té ra thiên hạ có miệng mà không có lòng. Mượn tiếng công ích đặng kiếm cơm ăn, chớ kỳ thiệt là họ công hại. Bây giờ con không tin ai nữa hết, con chỉ tin bụng con mà thôi. Con xin ba cho con du học ít năm, con mở rộng kiến thức, con luyện tập tài nghệ. Con nguyện chừng con học thành công rồi con trở về, con sẽ làm đàn ông mà lo việc khai hoá. Ðược như vậy thì sự sống của con mới có mục đích, họa may con mới hết buồn rầu được.

Thầy Hội đồng gật đầu mà nói chậm rãi rằng:

-         Con muốn như vậy cũng được.

Thu Hà đi Tây. Cô học hai năm lấy được bằng tú tài. Hiện nay cô đương ở trường Luật khoa đại học tại Paris; học sinh thảy đều kiêng nể tài học của cô, mà lại cũng kính trọng tâm chí của cô nữa.

An Truờng, Septembre 1929.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro