Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Khóc nữa đi sớm mai [C7]

KHÓC NỮA ĐI SỚM MAI - CHƯƠNG 7

Tiếng nhạc bập bùng từ ngoài quán cà phê vẳng vào không khuấy động nổi bầu khí trầm lặng trong nhà.

Hạnh khẽ nghiêng người hôn đánh chụt vào trái tai của Huy âu yếm bảo:

- Gắng ăn nhiều nhiều, dì thương nghe cháu!

Ðoạn nhún nhảy trên đôi giày gót cao bưng hai đĩa cơm bước yểu điệu qua quán. Một dĩa cho cô và một cho Vân. Hạnh sẽ ăn nóng sốt. Vân sẽ ăn cơm hơi nguội vì đang bận tiếp khách ruột nào đó mà theo sự tiết lộ làm ra vẻ bí mật và dè dặt như thường lệ của Hạnh thì anh chàng rất có thể, hay đang từ từ tiến tới chuyện e lệ đặt vấn đề hôn nhân. Hạnh bận ra ngồi sau quầy dỏng tai hóng chuyện "tình sự" hấp dẫn ấy nên không thể ngồi ăn cơm cùng cháu Huy cuả dì được.

Hạnh vừa ra khỏi phòng, mùi nước hoa thơm lựng còn lưu luyến chưa tan hẳn. Huy buông đũa, uể oải đứng lên.

Bà mẹ nối tia nhìn bất bình từ nửa cái đùi gà rôti còn để lại trong chén đến vẻ mặt bình thản, phẳng lặng của cậu con trai, dịu dàng lên tiếng:

- Con ăn uống gì kỳ cục thế? Quay lại mẹ bảo này!

Huy lững thững quay lại, nặng nề gieo mình xuống ghế.

- Không thích ăn cơm để mẹ làm cho con tô mì nhé?

Chạm phải tia mắt ngụt ngùi trách cứ pha van nài của mẹ, Huy phụng phịu:

- Con no rồi mà.

Lảng mắt nhìn mông ra chùm hoa hoàng hậu lả lướt cợt gió ngoài cửa sổ, Huy ao ước không dưng được biến thành làn khói bay thoát khỏi chỗ ngồi này hẳn dễ chịu lắm. Tiếng bà mẹ lại điềm đạm vang lên:

- Con có biết con làm khổ mẹ lắm không? Có bao giờ mẹ tiếc con cái gì đâu. Muốn chi mẹ chiều nấy. Cả dì Vân và dì Hạnh cũng thế. Còn con, con đối xử vậy mà coi được à? Thôi được rồi, kể từ chiều nay cả nhà sẽ không ăn uống gì nữa hết!

Run tay dọn dẹp các thứ, kể cả chén cơm đang ăn dỡ dang, bà Phấn bưng mâm cơm ra nhà sau. Tấm áo gió màu rượu chát vào khuất sau riđô cơ hồ còn bềnh bồng mãi trước mắt Huy tựa cánh buồm lạ. Thoáng ân hận pha sợ hãi làm rúm ró cả gương mặt trắng xanh của chàng trai. Huy lật đật đứng dậy rảo chân theo mẹ.

- Con đối xử sao mẹ? Mẹ nói con chả hiểu gì cả ạ!

Thinh lặng đặt các thứ vào những nơi cần đặt, đoạn bà Phấn thong thả lên nhà trên. Huy lẽo đẽo theo sau. Họ không vào phòng khách. Huy bửng lửng thấy mẹ đi thẳng vào phòng mình. Ðứng im trên ngưỡng cửa, Huy cau mày dõi theo cử chỉ lạ lùng của mẹ. Bà Phấn gỡ những bức tranh bằng thuốc nước hoặc chì than vẽ gương mặt một thiếu nữ trong nhiều tư thế thẳng nghiêng, ngước cúi, cười và không cười, tóc bay hoặc tóc túm tóc kẹp treo quanh bốn bức tường xuống xếp đống trên bàn, rồi nặng nề gieo mình xuống chiếc ghế xếp cạnh cái giá vẽ. Huy lóng ngóng đến thả người vào chiếc ghế bành bọc nệm đỏ kê sát tường.

Trên chiếc ghế xếp hẹp, bà mẹ vốn thanh mảnh nom càng thanh mảnh hơn trong chiếc áo gió rộng. Nhan sắc về chiều còn đọng lắm nét duyên của thời xuân sắc đã phôi pha. Trong lòng ghế bành, kính trắng lấp lóa ngay dưới mớ tóc rối tinh. Bộ pyjama sọc vàng, áo len màu xanh lá cây bó sát thân hình dài ngoẳng. Khăn phu la dài thậm thượt lủa tủa tua ren hai đầu quàng hững hờ quanh cổ. Nom Huy ẻo lả hệt một cô gái ngực lép giả trai.

Thèm hút thuốc muốn chết, Huy ngập ngừng cầm gói thuốc ra tay rồi ngập ngừng đút lại vào túi. Không khí lặng trang chừng một phút. Bà mẹ hắn giọng:

- Cái cô trong tranh đẹp hơn cả mẹ thời con gái ấy là ai thế con?

Ngỡ gì? Hoá ra mẹ chỉ thắc mắc về người trong tranh. Huy thở phào nhẹ nhõm, lấp lững:

- Do con tưởng tượng.

Bà Phấn mân mê chiếc nhẫn hột xoàn trên tay, vờ nghiêm giọng:

- Ai dạy con nói láo thế?

Huy ú ớ:

- À, con vẽ một đứa con gái con... quen.

- Chỉ quen thôi mà vẽ gần cả hai chục bức chỉ mỗi khuôn mặt ấy. Con dư thuốc vẽ quá nhỉ!

Từng quen cái giọng đài các của mẹ, hôm nay sao nghe lạ quá. Anh chàng hơi chột dạ.

Bà mẹ ngắm nghía cậu con trai vốn ốm yếu giờ nom càng xanh xao hơn trong thứ ánh sáng dìu dịu lọc qua rèm cửa. Ngắm thằng con mà bà hằng nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa từ thuở còn nằm nôi. Thằng con duy nhất ra đời khi bà đã ba mươi lăm tuổi và nếu chỉ cần muộn thêm một năm nữa, chắc Huy không có mặt trên đời, vì năm bà ba mươi sáu, bố Huy mất tron gmột tai nạn xe hơi trên đèo Hải Vân, trên đường đi từ Ðà Nẵng ra Huế.

Lấy nhau hơn mười lăm năm không có được mụn con nào. Hai vợ chồng đi cầu khấn hết chùa này đến đền đài nọ, nghe bảo ở đâu linh thiêng là cất công liền đến đấy.

Và bà luôn tin rằng, Huy ra đời như một bằng chứng cụ thể cho lòng thành của họ đã được tai mắt bên trên nghe thấy, ban ơn. Lúc nhỏ Huy èo uột khó nuôi, bà Phấn thường vui vẻ nói với bà con nội ngoại:

- Con cầu tự mà. Con thần con thánh cho chứ có phải thường đâu. Sau này hắn sẽ hiển đạt cho coi!

Chồng mất. Căn nhà rộng thên thang chỉ hai mẹ con ở, còn thừa nhiều khoảng trống quá. Bà Phấn chia bớt gánh nặng với gia đình bằng cách gọi hai cô em đến mở cái quán - trước kia bán tạp hóa, giờ bán cà phê - ngay trước nhà, vừa có kế sinh nhai, vừa đỡ tẻ. Riêng bà, nguyên là chủ tiệm vàng, tạm gián đoạn một thời gian, nay lại tiếp tục buôn bán vàng bạc, đá quý chui, không mở tiệm, kiêm nghề làm... chủ huê hụi.

Hai cô em gái không xấu xí, thậm chí có thể bảo là nhan sắc khá mặn mà. Có điều, hẳn ông xanh thăm thẳm tầng trên còn ganh ghét sao đó nên chưa cô nào có chồng. Cô Vân đã ba mươi tư, và cô Hạnh xấp xỉ ba mươi.

Cái quán cà phê trước nhà không treo bảng hiệu. Nhưng từ mười năm nay khách ưa lui tới quen gọi là quán Hai Cô.

Cà phê ngon. Nhạc chọn lọc. Hai cô chủ quán lại rất mực chải chuốt ăn diện. Có lắm ông, lắm chàng đến trồng cây si vài mùa rồi tảng lờ đi lấy vợ. Có vài anh choai choai, mới lớn bây giờ vẫn còn si. Nhưng cho đến nay vẫn chưa ai chịu cầu hôn, hay mang xe hoa đến đốt pháo trước cửa cả. Mùa tới chăng? Hay mùa sau? Sau nữa?

Sống giữa ba người phụ nữ. Cậu bé Huy được cưng chiều hệt con búp bê. Như là ông hoàng tử bé của triều đình có tới ba bà mẫu hậu.

Từ cái ăn cái mặc đến các trò vui chơi giải trí Huy ưng chi được nấy. Bé Huy là nguồn vui lớn của cả nhà. Bé Huy là ngọn gió mát lành hoà giải một cách tuyệt diệu các mối bất hòa nho nhỏ trong cuộc sống thường ngày của ba người phụ nữ. Dì Vân giận mẹ Phấn, bé Huy cười, thỏ thẻ một câu ngồ ngộ gì đó, dì hết giận. Dì Hạnh lỡ buồn dì Vân mộ tẹo, bé Huy sà vào lòng hỏi nữa câu vớ vẫn gì đó, lập tức dì nghe mát rượi cả phổi lẫn gan. Bé Huy ăn ít, tức khắc cả nhà cùng than vãn ăn không ngon miệng. Bé Huy mất ngủ. Cả nhà cùng bảo nhau thỉnh thoảng thao thức cũng thấy hay hay, vân vân.

Thỉnh thoảng dì Hạnh trộn một chén muối, lòng trắng hột gà, nặn thêm nữa trái chanh xức tóc cho bé Huy để tóc bé vừa mềm mại vừa óng mướt. Ðôi khi dì Vân tiện thể trang điểm, thoa cho bé Huy chút kem dưỡng da để da bé càng thêm trắng mịn in bông bưởi, bông cau. Lắm lúc mẹ Phấn bỗng lên cơn thích ẵm bồng con gái, bèn tô son đánh phấn, mặc đồ đầm cho bé Huy, dắt đến nhà một bà hay ông bạn nào đó dự tiệc tùng, gây bất ngờ thú vị cho mọi người, vân vân.

Tuổi thơ Huy mềm mại trôi qua sáu bàn tay chăm sóc nựng nọt của một người mẹ và hai cô gái. Bây giờ khấp khởi bước qua ngưỡng cửa thanh niên, Huy vẫn tiếp tục đi đứng nằm ngồi buồn vui thương ghét trong sáu bàn tay nồng nàn, mềm mại của một người mẹ, một cô gái quá thì và một cô gái vĩnh biệt tuổi dậy thì.

Dưới mặt họ, bao giờ Huy cũng chỉ là một cậu bé. Bảo Huy đã hai mươi à? Nhằm gì. Có lẽ đến lúc Huy năm, sáu chục tuổi - ơn trời, nếu cả ba còn sống - Huy vẫn là một cậu bé thôi! Ðã là bé thì bao giờ lại chẳng cần đến sự chăm sóc, bảo ban.

Cậu bé ấy vừa ngượng nghịu thú nhận rằng, cậu vẽ chân dung một cô quen biết và bà mẹ đang ngắm nghía cậu để lường xem sự quen biết ấy đậm nhạt ra sao. Chưa thể biết được nên bà tiếp tục dò dẫm.

- Sao? Trả lời mẹ đi chứ. Cô ấy là ai thế?

Sử dụng đòn lẫy? Ðứng rột dậy lảng ra ngoài quán? Hay đòn nhõng nhẽo? Cứ một mực phụng phịu làm thinh? Huy cảm thấy hai thứ đòn quen dùng ấy bữa nay có vẻ không công hiệu trước cái gọi là quyết tâm tìm tận gốc, bật tận rễ điều bí mật đã làm Huy gây buồn khổ cho cả nhà hơn tuần nay. Quyết tâm ấy đang long lên trong đôi mắt vốn dịu dàng của mẹ trong ớn quá.

Khẽ xoay đổi thế ngồi trên ghế, Huy tư lự bảo:

- Cô ấy đã cứu con suýt chết đuối dưới biển Thuận An hè vừa rồi. Mẹ còn nhớ cô ấy chứ?

Vụ đứa con cầu tự suýt chết bà làm sao quên? Nghe Huy vừa chợt nhắc bà đã nổi gai sởn ốc.

Hôm ấy dì Vân, dì Hạnh bận tít mắt cười với hai anh chàng mới quen trên bãi tắm. Còn bà thì mãi tán chuyện với mấy ông bà bạn. Vừa tán vừa thưởng thức món mực luộc chấm nước mắm gừng và cua luộc chấm muối tiêu tuyệt ngon. Chỉ sẩy mắt có mỗi một tí, thằng bé đã xách cái phao đi mất tiêu. Khi bà và hai dì nó sực nhớ hớt hãi đi tìm dọc bờ biển, thì cái tin Huy suýt chết đuối đã nức tiếng gần xa. Chậc! Cũng do ân sủng của thần thánh đấy thôi! Thần thánh đã cứu vớt đứa con yêu của các vị thật đúng lúc. Còn cái cô gái đã theo lệnh thần thánh đưa tay lôi thằng bé nhà mình lên phao là ai nhỉ? Chẳng phải vàng hay bạc. Chỉ là người. Vả lại hôm ấy lo quýnh lo quáng, chỉ nói hai tiếng cảm ơn con bé rồi đi ngay. Lạy Phật, làm sao còn nhớ nổi? Bà Phấn gật đầu đại:

- Ừ, mẹ làm sao quên. Con bé bơi giỏi ấy mà.

Thoáng vui hiếm hoi chợt ánh trong mắt Huy:

- Con muốn vẽ cô ấy nhưng vẽ dở quá nên không giống lắm!

Bà Phấn lắc đầu không đồng tình:

- Con khiêm tốn quá đấy thôi. Ở ngoài chắc gì con bé đẹp bằng trong tranh con. Hình như nó là dân biển, dân chài lưới gì phải không nào? Thứ dân ấy thường đen thui, con lại vẽ nó thành một nàng tiên má hồng môi thắm, còn dám cho là mình vẽ dở!

Huy cố nhịn cười:

- Cô ấy là học trò, đâu phải là dân chài lưới!

- Ờ, à thấy nó bơi giỏi mẹ cứ tưởng... Sao con lại vẽ nhiều bức thế. Một bức không đủ à?

Có ngu mới trả lời thẳng tuồn tuột vẽ nhiều tại vì con nhớ. Hết nhớ đứng, nhớ ngồi, nhớ đi, đến lúc nằm càng nhớ người ta! Huy bẻ gập mấy ngón tay kêu rốp rốp, ra vẻ ngây thơ:

- Vẽ một bức con thấy chưa giống lắm, bèn vẽ thêm.

Bà Phấn cau đôi mày kẻ chỉ:

- Sao con không mời hay thuê con nhỏ tới nhà mà vẽ? Con vẫn thường kể trong trường người ta hay thuê người mẫu cơ mà.

Huy đỏ mặt lúng túng:

- Riêng với cô ấy con chỉ thích vẽ theo... trí nhớ.

Cô ấy! Sao mỗi lúc thằng nhỏ thốt hai tiếng "cô ấy" thì mắt hắn bỗng sáng lên và nghe êm ái thế nhỉ? Êm ái hơn cả lúc hắn gọi hai dì hay kêu mẹ hắn! Ý nghĩ cào nhẹ vào lòng tự tôn về sự độc quyền thương yêu con cái của một người mẹ làm bà Phấn nghe lòng gờn gợn thoáng hoài nghi. Bà mủm mỉm cười:

- Khối cô gái đẹp, sao con chỉ vẽ mỗi mình con bé ấy? Nó tên gì?

- Sớm Mai, thưa mẹ? Cô ấy tên Sớm Mai.

Tên cô gái lặp lại hai lần trong câu nói với giọng du dương như hát. Buột thốt rồi Huy vụt sững sờ. Sao mi nhẹ dạ thế hỡi thằng khù khờ khật khùng khốn khổ? Mẹ mới khảo sơ đã phun ra hết mọi bí mật bí mơ, còn gì là "của riêng" nữa? Lạ quá, nhắc đến Sớm Mai tự nhiên nghe nhẹ hẳng lòng. Tâm sự chất chồng không biết nói cùng ai, giờ trút vơi được in ít kể cũng đỡ khổ. Ồ, mẹ chứ có phải ai xa lạ đâu mà phải giấu quẩn giấu quanh. Huy cảm thấy bằng lòng Huy quá. Huy thấy Huy có hiếu ghê. Không giấu mẹ điều gì, đích thị Huy là đứa con ngoan.

Cái tên Sớm Mai chợt thốt làm cậu con trai nghe nhẹ lòng, lại khiến bà mẹ bỗng thấy lòng nặng trĩu. Sớm Mai! bộ hết tên sao đặt cái tên gì nghe kỳ cục. Chữ lót tầm thường, cái tên càn tệ hơn. Con bé hẳn không thuộc loại con nhà khá giả. Người ngợm chưa biết ra sao mới nghe tên đã hết muốn có cảm tình. Ít ra thì cũng kheo khéo chọn một cái tên gần gần như hai dì nó. Diễm Hạnh, Mộng Vân, nghe là biết ngay con người sang cả, quý phái! Lạy Phật, con cầu mong thằnng nhỏ nhà này chưa đến nỗi phải lòng con bé có cái tên dở lạ dở lùng kia. Cố nén hồi hộp. Cố giữ vẻ bình thường, bà Phấn vẫn nghe mình hình như lạc giọng:

- Có phải con thích nó không?

Câu hỏi bất ngờ như lưỡi kiếm vụt xẹt ngang mày làm Huy giật thót. Cái ghế bành đang ngồi kê sát tường. Huy cảm tưởng tia nhìn dữ dội của bà mẹ vừa đẩy nó lùi thêm vài ly nữa. Huy nghe giọng nói mình vang lên như giọng của thằng phải gió nào khác:

- Không, không ạ!

Ðiệu dáng hớt hãi và ấp úng của gã con trai không qua được mắt người mẹ. Bà thấy rõ gã vừa thú nhận điều gã mới chối.

À ra thế! Ngoài tình thương yêu lâu nay dành cho mẹ và hai dì, đã đến lúc thằng bé muốn chia sớt cho một người dưng khác nữa! Thoáng ghen dỗi lạnh lẽo mơ hồ trôi qua đôi mắt sắc sảo của bà Phấn. Huy thốt rùng mình.

Cái đứa người dưng ấy ra sao nhỉ? Thời mình là thời "thờ ông". Ngày nay cái đạo "thờ bà" coi bộ đang hưng thịnh, đang bắc thang cho mấy con ranh leo. Con gái con góc thời buổi bây giờ mười đứa hết chín thích át giọng con trai. Ngữ nết na, đoan trang, yểu dịu, hiền thục như dì Vân, dì Hạnh của thằng Huy nhà mình hiếm lắm, hiếm lắm! Bà Phấn thở dài. Ðã chắc mười mươi, vẫn cố cầu may thằng nhỏ đôi khi tưởng lầm vậy mà không phải vậy. Vờ vĩnh như cậu con trai chưa nghe rõ câu hỏi vừa rồi, hoặc nghe nhưng hiểu sai mẹ, bà Phấn âu yếm nhả từng tiếng:

- Có phải con thương. À, à, nói theo kiểu bây giờ là, là con yêu nó phải không?

Lần nữa, Huy lại ao ước được biến thành làn khói bay thoát vòng kềm toả yêu thương kiểu mẫu giáo của mẹ. Không thể biến nên anh chàng đành bẽn lẽn gật đầu:

- Dạ!

Bà Phấn công khai bày tỏ sự thất vọng bằng tiếng hứ khô khốc trong cổ, và một tiếng ho rõ to:

- Từ bao giờ?

- Dạ, từ mấy tháng nay ạ!

- Thế nó có yêu con không?

Huy ngập ngừng, phân vân không biết nên gật hay lắc đầu? Nên thưa không, hay thưa có? Phải chi hai đứa bây giờ không bị ngăn cách bởi một cuộc giận "sự cố" gặp nàng giữa đường, sợ mẹ quá không dám kêu chưa ngã ngũ, lại thêm "hung tin" nàng viết thư, nhận thư ai đó. Phải chi... Ôi, khó nói quá. Huy bối rối làm thinh.

Lẳng lặng ngắm cậu con trai như ngắm một diễn viên bi không ra bi, hài chẳng ra hài trong một vở kịch truyền hình, bà Phấn tự hỏi không biết nên cười hay nên mếu. Chọn người để yêu không thèm hỏi mẹ. Thằng nhỏ muốn "thân tự lập thân" từ hồi nào vậy? Thằng nhỏ ngó yếu yếu thế mà cũng gan cóc tía quá nhỉ! Rõ ràng con nhỏ này không thuộc loại hiền rồi. Hẳn là quân ăn thịt người. Chưa chi hắn đã khiến thằng Huy nhà mình sụt cả ký rồi đấy! Tội nghiệp! Còn lạ gì nữa, đúng là thằng nhỏ đang ốm tương tư. Bệnh ma bệnh quỷ gì còn dễ chạy chữa, bệnh này thuộc loại cả Ðông lẫn Tây y phải xá dài. Xưa bố nó suýt mất mạng nếu mình không biết sớm, không mạnh dạn bước qua mọi lời dè bỉu để đến e thẹn tỏ tình cùng... chàng! Chút hồi ức vụn chợt làm bà Phấn đôi má nóng ran, tim đập bồi hồi. Bà tự chữa thẹn bằng nụ cười nửa miệng:

- Yêu, rồi không biết người ta có yêu mình không, con bèn quay ra hành hạ mẹ bằng cách bỏ ăn, lơ uống, quên cả ngủ nghê, vẽ cả đống tranh chết tiệt kia chứ gì? Hay thật!

Cái ghế bành không thụt lùi nữa mà bềnh bồng trên sóng theo từng âm bổng trầm trong câu nói dằn dỗi của mẹ. Huy co người như cố thu nhỏ người lại. Càng nhỏ càng tốt vì không thể biến mất.

Thấy cậu con trai mặt mày xanh lét, bà mẹ chợt hối, bèn tế nhị xoay chuyện sang hướng khác. Bà trầm giọng than vãn:

- Lạy Phật, lạy Trời con quả là ngu dại quá. Có thế mà cũng không nghĩ ra. Con trai của con đâu còn là một thằng bé thò lò mũi xanh nữa. Lâu nay cứ ngỡ hắn buồn chuyện gì trong nhà mới đâm đổ đốn ra thế. Này, Huy của mẹ, kéo ghế sát lại đậy!

- Huy ngượng chín, loay hoay kéo ghế đến cạnh bà Phấn. Vừa bảo cậu không còn bé nữa, nhưng bà chưa thể xử sự với cậu như một người lớn được, bèn đưa tay xoa đầu tóc rối của Huy, day nhẹ cái bờm sau gáy, đoạn nghiêm trang nói:

- Thôi, chuyện đâu còn có đó. Bây giờ thì con ăn chút gì cho mẹ vui, hay tính làm mẹ khổ nữa hở?

Hoảng hồn thấy hai giọt nước mắt lăn dài trên má mẹ. Anh chàng điềm đạm. Người tính điềm đạm nhất hành tinh của hậu bán thế kỷ hai mươi lắp bắp:

- Mẹ cho con xin... một tô mì và một ly sữa ạ!

Bà mẹ hoan hỉ bay bổng ra khỏi phòng như vừa mọc cánh.

oOo

Lăn tia nhìn nồng nàn vào đôi môi mím lặng của Nhã, Sớm Mai khẽ khàng giục:

- Nào, nói đi dì Út. Cháu luôn luôn cói dì là cố vấn vĩ đại của cháu mờ!

Nhã chậm rãi gấp tư cái gọi là "hồi âm", để lâu sợ nguội" vừa đọc xong đặt vào tay cô cháu. Cầm lấy hai que đan và tiếp tục múa. Chiếc áo len đan dở chẳng biết từ bao thu đông rồi chưa thấy xong. Hễ mùa mưa tới, hình như lúc nào ghé nhà Sớm Mai cũng thấy Nhã ngồi đan. Làm như rời que đan dì ấy buồn lắm vậy.

Ðợi cô cháu khẩn khoản lặp lại câu hỏi lần thứ hai Nhã mới mủm mỉm cười, thủng thẳng nói:

- Cố vấn về cái gì mới được chứ?

Mai cười hở mười cái răng:

Thì gỡ rối tơ lòng... thòng!

- Tơ lòng mi rối hung rối loạn rồi à nhỏ?

- Dạ! Và không ai giỏi hơn dì để giúp cháu đâu. Dì xứng đáng phụ trách mục giải đáp tầm tình trên bất cứ tờ báo nào trong cũng như ngoài nước.

Nhã phì cười, nhún vai ra vẻ khiêm tốn:

- Dì cũng dở ẹc. Tơ lòng của dì có lúc dì gỡ còn không xong, đoạn đứt đoạn nối tùm lum ấy.

- Giờ thì dì đâu thèm gỡ nữa. Ðám hỏi xong rồi, dì chỉ chờ chú Vũ hô một tiến là hai người nắm tay nhau chạy ù tới đám cưới!

- Ờ, nhỉ! Thế mà đôi khi dì cứ ngỡ mình chưa phải là chim vào lồng, chưa như cá cắn câu chứ!

Hai dì cháu cùng cười. Tiếng nhạc không lời từ phòng trong dìu dặt vẳng ra. Từng âm độ âm rề trầm xuống tận đáy lòng vẩn vơ quên nhớ. Từng âm đô sôn la si phiêu bồng chở cơn mơ vào vỗ cánh rồi tan loãng vào thinh không. Hẳn bà ngoại đang vừa nghe nhạc không lời vừa nhỏ to chuyện trò cùng con mèo mướp trên ghế tràng kỷ. Ngoại chỉ thích nghe nhạc êm dịu và không lời. Con cháu đứa nào khoái nghe nhạc kích động hoặc có lời thì chịu khó mang cassette ra vườn hay chỉ mở nho nhỏ khi ngoại đã ngủ. Sớm Mai uốn giọng thỏ thẻ trên nền nhạc đệm:

- Con đường tình buồn ít hơn vui dì đi qua rồi. Con đường chỗ nào có ổ gà, gai góc, khúc khuỷu bằng phẳng thế nào dì biết cả rồi, giờ chỉ cho cháu kẻo cháu vấp ngã u đầu sứt trán mất.

Nhã cười nụ nhỏ:

- Thôi đừng ca vọng cổ nữa, đừng dỗ ngon dỗ ngọt dì in dỗ con nít nữa. Mi muốn bắt đầu gỡ từ chỗ nào?

- Bắt đầu từ cảm tưởng sau khi đọc xong cái thư ký tên không rõ kia.

- Nói chung là khá. Hắn biết viết thư.

- Dì nghĩ giống cháu quá trời.

- Hắn đang buồn thật tình, buồn rất hết mình như hắn viết.

- Sao dì biết?

Nhã phán chắc nụi:

- Hắn cố ý viết bằng giọng đùa, nửa nạc nửa mỡ như thế để che giấu nỗi buồn bên trong. Cuối cùng chịu không nổi mới nói toạc ra ở đoạn tái bút.

- Thế theo dì anh ta là ai? Quen hay lạ?

- Không lạ đâu. Tay này có khi đang theo dõi mi như mật thám đấy.

Sớm Mai tròn xoe mắt, giật mình:

- Hóa ra anh chàng để ý cháu từ lâu lắm rồi sao?

- Rõ ràng như hai với hai là năm vậy sao cháu còn nghi ngờ nhỉ?

- Có thể. Rất, rất, rất có thể.

- Biết cháu có bồ rồi vẫn thương?

- Thương luôn.

- Quái nhỉ, ẩu ghê!

Tiếng nhạc trong nhà bỗng tắt. Hẳn con mướp đã bỏ đi chơi và bà ngoại ngủ lơ mơ trên ghế nên không thay băng nhạc. Không tiếng nhạc, nỗi im lặng lớn bèn ôm choàng lấy hai dì cháu.

Nhã mềm mại trong chiếc robe màu mận chín ngồi duỗi người trên ghế xích đu trước thềm. Sớm Mai mũm mĩm trong áo dài trắng với cặp sách đặt trên lòng ngồi cạnh, hơi thừa tay nên nãy giờ cứ nắm lấy sợi xích đong đưa nhè nhẹ.

Giàn dưa tây không hoa không trái nhưhg rậm lá che bóng rợp trước sân. Mấy giò phong lan treo lủng lẳng dưới hiên loe hoe vài nhánh trổ bông tím rịm. Không khí vụt yên tĩnh đến độ có thể nghe thấy tiếng ong bay vù vù đuổi bắt nhau trong lá. Sự yên tĩnh khá lý tưởng cho cuộc "hội nghị" với chuyên mục gỡ rối tơ lòng hai dì cháu vừa bắt đầu.

Trong yên tĩnh, Nhã tưởng chừng nghe thấy tiếng sóng nào nửa quen nửa lạ đang vỗ miên man trong lòng Sớm Mai. Tiếng sóng rất quen đã từng một thời vỗ không nguôi trong lòng Nhã, nay hồ như nguội tạnh hẳng rồi?

Sóng của tuổi chớm yêu đang vỗ ngầu bọt nhớ bọt thương, thì thầm thủ thỉ với hắn mà con nhỏ vó vẻ như chẳn hay. Muộn rồi, Nhã có muốn ngơ ngác như hắn cũng chẳng được.

Nhã bồi hồi níu cong tiếng thở dài xuống mũi đan. Sớm Mai quệt môi lên mái tóc dài chấm lưng mới gội của dì Út ngan ngát hương dầu gội Thán Lan, nửa tin nửa ngờ:

- Có lần trong một giấc mơ, cháu từng "nói chuyện tình" với cô Hài. Cô ấy bảo, lúc yêu người ta có thể trở thành nhà văn, nhà thơ, thậm chí là tu sĩ hay thượng đế. Nay lại nghe dì bảo lúc yêu người ta trở thành mật thám, ghê quá.

Nhã chớp mắt bối rối:

- Chậc! Ờ thì trở thành mật thám để rình bắt mi nhốt vào cõi lòng, rồi sau đó nhốt vào vòng tay người ta. Ðại thể gã này cũng thuộc loại thỏ đế thôi, chẳng gai góc gì. Nếu không tình cờ nhận được cái thư đi lạc của mi, anh ta cũng cóc dám viết thư cho mi đâu ngốc ạ! Nói cách khác thì, hắn ta đang thương thầm nhớ trộm, sợ chường mặt ra lỡ mi chê, đành giấu mặt trong bóng tối chơi trò thư đi mà chẳng mong nhận được tin lại. Rõ chứ?

Sớm Mai chợt lặng người như bất thần hớp phải ngụm gió độc, nghe lòng bỗng đổi màu. Từ tim tím thành xám tro rồi xám ngoét. Có nên nói cho dì Út biết ý nghĩ ngay thật của mình không nhỉ?

Thấy cô cháu không dưng ngậm hột thị. Nhã ngừng tay đan ngẩn ngơ lên dán tia nhìn ngạc nhiên thấy hắn đang chu miệng lại như huýt gió không thành tiếng. Kiểu chu Hạo từng hòa điệu cách tuyệt vời vời đôi mắt phát ánh lạnh lùng đêm nào. Kiểu chu môi Huy gò lưng vẽ toát mồ hôi hột tới gần hai mươi bức chân dung vẫn cảm thấy chưa lột tả hết nét duyên huyền ảo. Nhã bật cười thành tiếng:

- Mi dành một phút mặc niệm ai thế?

Sớm Mai cười chúm chím:

- Sao anh chành không mong tin lại?

- Khờ ạ! Tại vì mi đã có bồ. Anh chàng biết tỏng mi sức mấy viết thư cho anh ta.

Ngập ngừng vài giây, Mai rầu rĩ nói:

- Dì thấy cháu thế nào? Lâu nay cháu là người thật thà chứ?

Nghe câu hỏi tréo ngoe, Nhã bửng lửng đáp đại:

- Ừ!

- Ðôi lúc cháu khờ khạo?

- Ừ!

- Nhưng rõ ràng chưa bao giờ cháu là đứa gian dối cả, phải không?

Lạ quá, khi không con bé nói nhăng nói cuội gì thế này? Từ cái tiền đề có vẻ bâng quơ, bí hiểm này hắn sẽ dẫn mình đến đâu? Nhã đan nhầm một mũi, bực bội tháo len ra đan lại, dấm dẳng:

- Ừ, rồi sao?

- Giờ sao cháu thấy ghét cháu quá. Ghét không biết để đâu cho hết.

- Sao mi bỗng ghét mi? Chuyện lạ và không có thật, khó tin nữa.

- Ban đầu nhận cái thư vớ vẫn kia cháu thấy ghét. Ðọc vài lần bỗng thấy thinh thích giọng điệu hài tếu ấy và ước thầm anh chàng không rõ họ tên mắt mũi miệng ấy cứ gửi dài dài cho cháu đọc. Như thế là sao? Không phải cháu đã gian dối à?

Sốt ruột quá, Nhã gắt:

- Gian dối ở khoản nào, thưa cô?

- Trong khi cháu đang có bồ, lại thích đọc thư người khác nghe lòng rung nhè nhẹ bởi những ý tình ma quỷ người ta "phịa" trong thư. Hơn cả gian dối, cháu đang, cháu đang phạm tội... ngoại tình chăng?

Nhã phá lên cười, gập đôi người lại mà người. Cười văng cả cuộn len xuống sàn, lượm lên rồi còn tiếp tục cười nữa. Ðỏ mặt đỏ mày cố nuốt những tiếng cười cuối cùng xuống bụng, Nhã ngắc ngứ nói:

- Trước ngày chú Vũ mang lễ vật đến làm đám hỏi, dì nhận hàng lô thư của bồ già bồ nhí. Ngay bây giờ dì cũng còn nhận lai rai. Dì và chú thỉnh thoảng lôi ra đọc cho... đỡ buồn. Có sao đâu? Có bồ thì có bồ. Thích đọc thư người khác gửi cho ta, ta cứ tha hồ đọc. Hai chuyện khác hẳn nhau. Mi làm như đã phải lòng ngay tắp lự anh chàng giấu tên kia rồi ấy!

Hàng lô thư của bồ già bồ nhí! Cả bồ ta lẫn bồ Tây. Ðúng thế, Nhã không đùa chút nào.

Là hướng dẫn viên du lịch. Quanh năm Nhã hướng dẫn cơ man nào là đoàn khách đi ngoạn cảnh cố đô. Ðưa họ vào đại nội thăm cung điện, thành quách xưa. Lên các lăng Minh Mạng, Tự Ðức, Gia Long coi nơi các ông vua nghìn thu yên nghỉ. Vòng quanh các chùa Linh Mụ, Từ Ðàm nghe chuông mõ để lắng lòng tục lụy. Tha thẩn dạo quanh các vùng đồi Vọng Cảnh, Thiên An, Trà Am nghe thông reo, hít gió no lòng, mát phổi. Xuống biển Thuận An, ngâm nước mặn, ngắm tôm cá háy nguýt nhau trên... dĩa. Ngồi thuyền rồng lênh đênh dọc sông Hương vừa ngắm trăng cài đỉnh Ngự, vừa nghe ca nam ai nam bình, tứ đại cảnh v.v... và v.v...

Nhan sắc Nhã giàu một. Duyên dáng Nhã giàu mười. Vóc dáng Nhã như được sinh ra để làm tôn thêm vẻ đài các trứ danh của chiếc áo dài truyền thống. Ði đâu du khách cũng nằng nặc đòi Nhã đưa đi. Không Nhã, khách lẫy không thèm bước. Ðòi Nhã đi cho bằng được để họ được ngắm no mắt dáng thiên thần gãy cánh, nghe giọng vàng pha ngọc thỏ thẻ thuyết minh. Ngoại trừ tiếng Tàu hơi lơ lớ, Nhã nói thông cả Anh lẫn Pháp văn. Có lần một ông Tây khen nức nở Nhã phát âm ngoại ngữ cứ y như người Ba Lê hay Nữu Ước chính cống, báo hại Nhã cảm thấy đôi cánh mũi cứ phồng phồng, ba ngày sau mới chịu xẹp.

Ðến Huế, lắm ông khách nội địa và ngoại biên cứ gọi là chết mê chết mệt cô hướng dẫn viên Kiều Nhã. Và không ít ông khách xa rồi nhớ Huế thì ít, nhớ cái môi cái mắt tình tứ của cô hướng dẫn viên thì nhiều, bèn cầm lòng không đậu, cậy nhờ bưu điện chuyển thư, chuyển quà cho nàng tới tấp.

Nhã có lắm bồ xa nên nhận lắm thư có gì là lạ? Bây giờ Nhã đã bỏ cả tá ông bồ xa để chỉ lấy một ông bồ gần làm chồng. bởi trong cả lô bồ gần, ông kỹ sư tên Vũ tán giỏi hơn cả, đeo lì bám sát hơn cả. Vũ cứ một hai đòi tự tử nếu Nhã không sơm sớm rời bỏ con đường tình đầy dông bão can qua, để cùng anh chàng nắm tay bước trên con đường hôn nhân yên ả.

Ui, dì Út nhận hàng tá thư, có chồng vẫn còn tiếp tục nhận mà cứ tỉnh như không, mi mới nhận có mỗi một lá đã bấn xúc xích lên trông chướng quá, kỳ quá! Sớm Mai nở nụ cười ngây ngẩn. Nhã hích nhẹ cái cùi chỏ vào sườn cô cháu:

- Này, còn thằng cu Huy của mi ra sao nãy giờ không nghe nhắc? Hắn vẫn yểu điệu thục nữ chứ?

Từ cái gọi là "hồi âm, để lâu sợ nguội", câu chuyện bổng bẻ ngoặt sang Huy. Dì Út chuyển "tông" hơi bất ngờ làm Sớm Mai lúng túng.

Huy! Sớm Mai cắn môi ra chiều ngẫm nghĩ. Dẫu có quanh co hay né tránh thế nào, Mai cũng chợt nhận ra một sự thật làm cô ngầm kinh hãi: Không chỉ riêng lúc này mà cả thời gian vừa rồi sao cô ít nhớ anh chàng quá. Con ma nhớ đã bị đuổi đi chỗ khác chơi từ bao giờ thế? Bằng chứng cụ thể là con ma kia không làm cô xao lãng việc học hành nữa.

Thậm chí nguy hơn nữa là chưa bao giờ cô có ý nghĩ viết cho anh chàng cái thư khác để đền cái thất lạc kia, lại vô duyên đi viết hồi âm cho cái gọi là "hồi âm, để lâu sợ nguội" vớ va vớ vẫn đâu từ trên trời rơi xuống, viết rồi chẳng biết gửi về đâu, đành giữ làm... kỷ niệm.

Lòng Mai không dưng mở ra trước Mai lắm ngã ba ngã bảy rối tinh rối mù, bí hiểm hơn bài toán khó. Nên nhờ dì Út tìm hộ lời đáp chăng?

Sớm Mai nghe giọng mình vang lên rụt rè như tiếng kêu của gà con lạc mẹ:

- Anh Huy vẫn... thường. Tụi cháu đang làm giàu thêm kỷ niệm của hai đứa bằng... một cuộc giận!

Nhã đá lông nheo con mắt bên phải, nói giọng bông phèng:

- Mấy đứa cháu nhọn mồm, lũ tiểu quỷ ở cái nhà này cứ một hai bảo thằng bồ chuyên môn đội bêrê của mi là lại cái. Dì đính chính và la tụi hắn muốn gãy lưỡi luôn. Mấy thằng đực nhộn bên nhà cậu Tam hăm bữa nào hè nhau vật thằng bồ mi ra khám thử coi.

Hai dì cháu cùng cười. Tiếng cười của Nhã hồn nhiên vô tư lự gấp mười tiếng cười gượng gạo của Mai. Mai nguýt ngầm bọn anh chị em họ nghịch tinh. Có bồ, Mai đã giấu như mèo giấu...! Thế mà cũng chẳng giấu được. Hừm! Người ta dịu dàng, điềm đạm, dễ thương đến muốn nhức răng vậy mà hô lại cái! Quả có mắt không ngươi.

Dì Út cắt ngang sự gầm gừ của cô cháu:

- Kể đi. Tụi bây giận nhau ra sao?

Mai kể lại chuyện hôm tình cờ gặp nàng dọc đườgn, chàng giả ngơ vì sợ mẹ quở. Chuyện hôm chàng vác cây si đến trồng đứng dưới mưa, trước cổng, nhờ nhóc tì Châu vào "thỉnh" nàng nhưng nàng không thèm ra. Và suốt tuần qua ngày nào chàng cũng đưa đón, nàng vờ như không nghe không thấy.

Nghe ngữ điệu không chút hứng thú của cô cháu, không dưng Nhã có cảm tưởng có cái gì đấy bất ổn trong việc Mai gọi là làm giàu thêm kỷ niệm của hai đứa. Thầm nghi hoặc, nàng hắng giọng ra vẻ bâng quơ:

- Hai đứa giận nhau mấy ngày rồi?

- Hơn mười ngày ạ!

- Mi có cảm thấy buồn không?

- Lúc đầu có chút ít, nay thì không?

- Nhớ hắn không?

Mai ngập ngừng, mắt chơm chớp:

- Cháu không rõ lắm.

- Tóm lại mi vẫn ăn ngon ngủ kỹ?

Sớm Mai thật thà:

- Dạ, hình như hơi mập thêm chút ít!

Nhã bật cười thành tiếng:

- Thế là mi đã đẩy thằng nhỏ cho hắn đi chuyến tàu suốt rồi!

Sớm Mai giật thót, ấp úng:

- Cháu định giận thêm vài ngày nữa. Có dịp cháu sẽ "cho phép" anh ấy làm lành mà.

- Mi nghĩ vậy nhưng rồi sẽ không làm vậy!

- Sao dì biết?

- Bởi hồi bằng tuổi mi, dì đã có khối lần nghĩ một đàng làm một nẻo.

Sớm Mai chớp mắt năm cái rồi bỗng thấy đôi mắt dì Út cơ hồ dềnh lớn lên to như hai cái tách trà. Cái mũi đẹp nổi tiếng nhất họ ngoại dài ra, khoằm khoằm in mỏ quạ. Không dưng, Sớm Mai thấy Nhã giống bà phù thủy và mình hệt con nai vàng ngơ ngác gấp trăm lần con nai trong bài thơ thu của ông Lưu Trọng Lư.

Bà phù thủy tiếp tục giọng phù chú:

- Lâu nay dì cho rằng trong họ ngoại chỉ có mình dì là lai nòi lãng mạn. Hóa ra mi cũng là hậu sinh khả úy của dì mi.

Lãng mạn! Có phải vì có chung nòi lãng mạn nên bao giờ Sớm Mai cũng cảm thấy thân thiết với dì Út trong số gần hai chục anh chị em họ hàng?

Lãng mạn! Cái từ không dưng khiến Mai thấy mình vừa oai vừa ghê ghê! Con gái mà lãng mạn quá cũng hư bột hư đường! Ai bảo vậy nhỉ? Bà ngoại chứ ai! Dạo ấy gia đình Mai chưa ra riêng. Một hôm dì Út đi chơi với một ông bồ lại hẹn một ông khác tới nhà bắt ông ấy ngồi chờ rục xương. Khuya dì mới về, vừa len lén vào cửa đã bị ngoại thức chờ sẵn tặng cho mấy hèo và mắng đồ con gái hư! Ðồ lãng mạn!

Sớm Mai đỏng đảnh:

- Cháu mà lãng mạn? Dì lôi cái lãng mạn ấy từ chỗ nào của cháu ra thế?

- Thì rõ ràng mi đâm ra phải lòng cái gọi là "hồi âm, để lâu sợ nguội", rồi quên mất tiêu thằng Huy lúc nào chẳng hay!

- Sao dì chóng quên vậy? Lúc nãy dì vừa bảo hai chuyện khác hẳn nhau mờ, thư là thư, bồ là bồ. Ui, dì lẩm cẩm rồi đấy!

Nhã lại là dì Út có cái mũi đẹp nhất họ ngoại vì nàng chợt lúng túng đánh rơi cái mặt nạ phụ thủy của mình trước đôi mắt thôi ngơ ngác của cô cháu. Nhưng rồi nàng vẫn chưa chịu chào thua. Bắt chước giọng các nhà ngoại giao, Nhã đĩnh đạc nói:

- Lúc nãy dì tuyên bố vậy vì chưa biết tụi bây đang xa nhau bởi một cuộc giận. Nay đã đến lúc dì rút lui lời tuyên bố ấy và cáo buộc cháu rằng mi đã mắc phải tội lạc lòng:

Rầu rầu nét mặt, Sớm Mai làu bàu:

- Ức quá! Chả lẽ cháu lại không hiểu rõ cháu sao?

Nhã bắt nạt:

- Hiểu rõ sao mi còn nhờ dì gỡ rối tơ lòng... thòng?

- Ờ há?

Nhã lẫy:

- Thôi mi tự gỡ lòng mi được rồi thì để cho dì yên nhé. Cái áo này đan nút chỉ thêm một mùa đông nữa e cũng chưa xong. Rõ khổ!

Sớm Mai âu yếm vén tóc dì Út rồi ghé miệng cắn nhẹ vào vành tai be bé xinh xinh, thủ thỉ:

- Dì gắng nghe cháu chút xíu nữa bà cố vấn vĩ đại ưa hờn mát ạ! Dì có đồng ý lúc mình yêu một người nào đó, bận lòng đã đành. Nhưng lúc ghét một kẽ nào đó, mình cũng đâm ra bận lòng không kém? Nghĩa là lòng không thanh thản nổi!

Con bé quả là lắm chuyện! Hắn cứ dồn đầy một kho rồi bữa nay lục ra tổng kết. Lật hết đống hồ sơ tình cảm cuả hắn ra để xem từng vụ việc thế này chắc đến gà gáy trăng khuyết cũng chưa xong. Hết chuyện yêu giờ sang chuyện ghét. Mới có chút xíu tuổi sao tình cảm hắn sum suê lắm vẻ, lắm màu, đa đoan, đa dạng thế chẳng biết! Giống hệt mình lúc trước chăng? Nhã nhát gừng:

- Ờ, sao nữa?

Sớm Mai hắng giọng và không phải với ngữ điệu rời rạc như khi kể chuyện "hai đứa làm giàu thêm kỷ niệm bằng một cuộc giận", mà với giọng vui kể lại gặp gỡ Hạo - Trương Chi với số bàng thắng thua trông thấy!

Chỉ với một tách trà nóng hất đổ đi, anh chàng phải trả giá bằng hai gáo nước lạnh uống mệt nghỉ.

Không bỏ sót từ mỗi câu nói ngang ngổ của Hạo đã đành, thỉnh thoảng Sớm Mai còn vô tình, hồn nhiên minh họa thêm câu chuyện bằng những nụ cười có duyên lẫn vô duyên.

Ngồi im nghe với đôi tai bàng quan của người ngoài cuộc. Khi cô cháu vừa dứt tiếng, Nhã ngẩng nhìn gương mặt tươi tỉnh của người trong cuộc, đoạn bất giác "quật" một "đòn" chí mạng:

- Hay ghê nhỉ?! Khi kể chuyện yêu thì buồn rất tàn thu. Bây giờ kể chuyện ghét mặt mày lại tươi hơn hớn.

Giọng nhiễm lạnh của dì Út làm phổi Mai cơ hồ nổi bọt. Cô ho liên tiếp ba tiếng chữa thẹn:

- Thật tình là cháu rất ghét thằng cha ấy!

Thằng cha! Bạo miệng quá, nhưng lỡ rồi làm sao níu kịp? Sớm Mai đành lè lưỡi hàm ý ân hận về cái tiếng khiếm nhã vừa thốt.

Nhã lắc đầu. Coi vậy chứ chưa chắc hắn ghét "thằng cha" ấy. Không chừng trái tim trong lồng ngực tội nghiệp lại đong đưa, đong đưa mà hắn không hay! Con nhỏ thật y như mình năm bảy mùa thu về trước quá! Nghĩ thế và Nhã vuốt mượt cái lườm, giăng bẫy ngầm bằng giọng rất tỉnh:

- Chậc! Chỉ nghe cháu kể thôi dì cũng thấy ghét. Lần tới bắt hắn uống năm hoặc sáu gáo nước lạnh nữa mới chừa cái tật rủ thằng Ðạt đi nhậu nhẹt lu bù.

Sớm Mai mắc bẫy liền tù tì:

- Dì đọc rõ lòng cháu y như đọc nhật báo. Cháu cũng tính sẽ tìm thêm vài ba cách gì đó thật ác để hành hạ anh chàng cho bõ ghét. Có điều, hình như cháu không làm điều ác được dì ạ! Ðêm ấy tức và ghét anh chàng quá nên cháu mất ngủ, mất ngủ thành ra nghĩ ngợi lan man. Thoạt tiên cháu đọc thoại đến trơ trẽn, bắt anh chàng uống hết gáo nước, dạy anh chàng một bài học thế là đích đáng. Nhưng thấy mình đã quá độc ác khi buộc anh bán than nốc cạn gáo nước lạnh buốt. Lỡ anh ta đau bụng chắc sẽ hận cháu tới già. Lại nữa mình ăn nói sao đỏng đa đỏng đảnh, kênh kiệu, lố bịch quá. Còn dọa mét mẹ không thèm mua củi của anh ta nữa! Thế là sau cùng thay vì ấm ách tức anh chàng, cháu quay ra tức mình và ân hận muốn khóc.

Ngay chóc! Thế mà cứ xưng xưng cháu ghét cháu ghét! Con nhỏ y chang em anh Vũ à! Lúc đầu em cũng thấy ghét anh không biết để đâu cho hết, rồi bỗng thương lừng lựng lúc nào không hay. Ghét của nào trời trao của ấy cho bõ ghét mà. Nhã cười nhạt:

- Ôi, cháu tôi nhân hậu hết ý. Cháu ân hận và thao thức mãi, đến lúc tiếng sáo cuả thằng đáng ghét ấy lẻn vào ru, cháu mới chịu ngủ chứ gì?

Sớm Mai cười nụ thật thà:

- Anh chàng thổi sáo nghe khá hay. Nhưng khi anh Ðạt hỏi, cháu bảo chỉ là tàm tạm. Anh Ðạt nhờ giặt rồi vá áo giùm anh ta, kẹt quá cháu phải nhận.

Nhã lại hoan hỉ kêu thầm, Vũ ơi, Vũ ơi! Khi em thúc thủ dong hai tay quá đầu ra dấu chào thua, dừng lại không bước tiếp trên con đường tình buồn ít hơn vui nữa, để anh đeo nhẫn vào ngón tay và chịu làm vợ anh. Em cứ nghĩ thế là hết, chẳng còn ai nối dõi nòi lãng mạn. Thế mà giờ lại có con nhỏ này. Hắn y chang em hồi còn tết tóc đuôi gà quá. Không, có lẽ hắn có khả úy hơn em mấy bậc. Cháu lãng mạn hơn dì là nhà có phúc chăng? Nghe chuyện cuả hắn, em muốn cởi nhẫn trả lại anh, để sống thêm lần nữa cái tuổi mười bảy quá! Nhã buông hai que đan quay lại vuốt má cô cháu.

- Ðến đây dì tạm kết buổi gỡ rối tơ lòng cho mi thế này. Nhân vật thứ ba đã xuất hiện sau Huy và kẻ giấu tên, hứa hẹn nhiều sóng gió lắm lắm.

Ghét Hạo. Mi cứ ghét. Ðọc thư anh chàng giấu tên. Mi cứ đọc. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa. Không những mi đẩy cu Huy lên chuyến tàu suốt mà có khi - nói theo kiểu cải lương - mi đã lặng lẽ đặt anh chàng yểu điệu thục nữa của mi lên một chiếc Boeing và cho bay ra khỏi vùng trời kỷ niệm. Mi đưa tay vẫy bái bái rồi mà mi cứ ngoan cố bảo không!

Sớm Mai giãy nãy:

- Anh chàng Hạo - Trương Chi cháu đã bảo ghét mà. Vả lại, có lúc nào anh chàng ba trợn dám buông lời tán tỉnh cháu đâu. Dì lôi anh chàng vào "danh sách" làm chi cho tội!

Nhã mủm mỉm cười, lăn tia nhìn nồng vào mắt cô cháu:

- Tội lội xuống sông, mai mốt mi chịu lấy hắn làm chồng, hắn lội lên!

Ngượng nẫu người, Sớm Mai giụi mặt vào vai dì Út ngắt véo, vù nách, đẩy văng Nhã khỏi ghế xích đu, và cả hai cùng phá lên cười như chợt hóa dại.

Trước khi ra về, Sớm Mai vào đấm lưng cho ngoại, rồi nghiêm trang nói với Nhã:

- Cháu không tin dì đâu. Cháu sẽ đi tìm anh Huy và làm lành trước khi anh ấy tuyệt vọng bước lên chiếc Boeing do dì tưởng tượng để quảng cáo cho nghành du lịch của dì.

Nhã lắc đầu, cười:

- Mi cứ đi tìm đi. Rồi sẽ thấy. Ðể vài hôm nữa mi lại đến bắt dì gỡ rối tơ lòng, và cái áo len này cứ đan hoài đan hủy từ Tết Tây đến Tết Ta e chú Vũ cũng chưa có mà mặc!

Nói mạnh nói bạo thế, nhưng lúc về ngang qua nhà Huy, Sớm Mai không dám ghé vào. Không sợ đường đột mà cứ e người ta hiểu lầm mình cần thiết người ta quá! Cái lý chững chạc quá ấy chứ?!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro