Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Tóc như tuyết

[Zhihu: Viết một bộ truyện mở đầu bằng "Chàng thiếu niên có hôn ước với ta tử trận ngoài sa trường rồi" như thế nào?]
__________________________________

|🍃 CHƯƠNG 1|

"Chàng thiếu niên có hôn ước với ta tử trận ngoài sa trường rồi." Cuối cùng, bao nhiêu của hồi môn cũng chẳng đợi được đến ngày rước vòng quanh kinh thành.

1.
Vệ Yến ra trận vào mùa xuân, những rặng hoa đào hoa hạnh đương độ nở rộ, hương thơm tỏa khắp kinh thành.

Chàng nói với ta, đợi chàng trở về sẽ mang kiệu hoa đến rước ta.

Ta e thẹn đồng ý. Năm ấy ta mười sáu, chàng mười tám, tam thư lục lễ [1] cũng đã gần xong.

2.
Chiến tranh không dễ nói trước điều gì. Ta đợi chàng từ năm nay qua năm khác. Kinh thành từng mùa hoa nở rồi lại tàn, tàn rồi lại nở. Những tỷ muội thân thiết với ta thoáng chốc đã thành gia lập thất, sinh con đẻ cái.

Bầu bạn với ta chỉ là những bức thư chàng gửi. Phụ mẫu khuyên ta đừng vì chàng mà để lỡ tuổi hoa. Nhưng ta tin rằng, tất cả đều xứng đáng.

Ta và chàng là đôi thanh mai trúc mã, lớn lên bên nhau, cùng nhau trải qua biết bao kỉ niệm. Chàng hứa sẽ cưới ta, vậy ta nhất định sẽ gả cho chàng.

3.
Lại một mùa xuân nữa đã đến, chàng xa ta đã 3 năm rồi.

Cuối cùng chàng cũng giành được thắng lợi. Chỉ vài hôm nữa thôi, các tướng sĩ sẽ khải hoàn hồi kinh. Ta chọn bộ y phục đang được yêu thích nhất ở kinh thành, định rằng hôm ấy đại quân tiến vào thành, ta sẽ mặc bộ ấy ngồi trên lầu Trạng Nguyên, chọn góc nào dễ quan sát nhất để ngắm chàng.

Nhưng, không biết sao Từ vương phi hớt hải chạy đến mang theo tin chàng đã hi sinh.

Ta bàng hoàng gặng hỏi nàng rằng có phải nàng lừa ta.

Nhất định là giả!

Nhưng nàng nhìn thẳng vào mắt ta, khẽ lắc đầu: "A Chước, là thật."

4.
Mẫu thân nói khi ta chào đời, tướng quân phu nhân đến thăm ta, chàng cũng đến. Sau đó, ta lớn lên, kết giao với nhiều tỷ muội. Nhưng trong lòng ta, chàng vẫn là người đặc biệt nhất.

Hồi chưa lấy Từ vương phi, Từ vương suốt ngày đổ cho ta với chàng ỷ đông bắt nạt y.

Nhưng mà, Vệ Yến chàng ơi, sao lại đột ngột thế?

5.
Phủ tướng quân tổ chức tang lễ cho chàng. Tướng quân phu nhân cùng với đứa con út quỳ trước bài vị chàng. Người bà gầy hẳn đi, trông mà xót xa.

Vệ gia chỉ có hai đứa con là Vệ Yến và Vệ Thanh, cha chú đời trước mất sớm, nay chỉ còn nấm mồ mà thôi.

Vệ Yến mất rồi, phủ tướng quân bỗng chốc trở nên tiêu điều, heo hắt.

6.
Mùa xuân đại thắng, tin vui ấy làm cho cả kinh thành ai nấy đều vui như nở hoa trong lòng, duy nhất phủ tướng quân quạnh quẽ, đìu hiu.

Ta nghĩ rất lâu, rất kĩ, cuối cùng mới nói với phụ mẫu, con vẫn sẽ gả vào phủ tướng quân.

Vừa nói hết câu, phụ thân đã tát ta một cái, phản đối gay gắt.

"Nhưng con thích chàng."

Mẫu thân ôm ta khóc, nói với ta nếu con làm vậy sau này con biết phải sống thế nào. Hơn nữa, hôn sự hai con đã chấm dứt từ khi Vệ Yến mất rồi. Không ai hiểu ta, ngay cả tướng quân phu nhân cũng vậy.

Bà xoa đầu ta, dịu dàng nói rằng con nên nghe lời phụ mẫu, chọn một tấm chồng tốt, sống một cuộc đời hạnh phúc.

Bà nói: "A Yến cũng mong con được hạnh phúc."

Nhưng chàng không còn nữa, cuộc sống của ta, hạnh phúc được chăng?

7.
Các tỷ muội thân tình khuyên lơn ta. Ta biết, mọi người đều muốn tốt cho ta.

Nhưng, lòng ta đã quyết.

Ta hỏi phụ thân, sớm biết sẽ có ngày này, tại sao hồi ấy vẫn đồng ý cho chàng cưới con?

Nam nhân Vệ gia, đời nào cũng vậy, đều xông pha chiến trường, hy sinh cả tính mạng để bảo vệ quốc gia, dân tộc, lẽ nào phụ thân không biết? Nhưng, phụ thân vẫn vun đắp cho hôn sự này.

Phụ thân chợt lặng bẵng đi. Lát sau, người kể cho ta nghe một câu chuyện cũ, người xưa.

8.
Khi ấy, phụ thân hãy còn là một chàng thư sinh vô danh, đi đường gặp cướp, may mà được tướng quân cứu giúp.

Tướng quân khi ấy cũng chỉ độ 18, nhưng khí thế lẫm liệt.

Sau này, phụ thân thi đỗ thám hoa, còn tướng quân đã xông pha trận mạc từ lâu. Phụ thân vẫn nhớ ơn ngài nên mới tìm đến nhà để báo ân. Hai người vừa gặp mà ngỡ như đã quen từ lâu.

Từ đây, hai nhà bắt đầu qua lại với nhau, chỉ tiếc là tướng quân bạo bệnh mất sớm. Trong giờ khắc tướng quân lâm chung, phụ thân đã nhận lời kết duyên cho con gái mình và con trai cả của bằng hữu.

9.
Nhưng ai ngờ được, số mệnh Vệ Yến lại kết thúc chóng vánh đến vậy.

Tại sao chàng mất?

Không phải vì quân địch mà là vì chàng bị thân tín phản bội.

Vệ lang ơi hỡi Vệ lang!

Giờ đây, kẻ kia đã bị trừng phạt, nhưng có ích gì, Vệ Yến không còn trở về được nữa.

10.
Lâu dần cũng không còn ai khuyên ngăn ta nữa.

Cuối cùng, ta cũng có thể trở thành thê tử của chàng. Ngày ta vào phủ, trời mưa lâm thâm, không người đưa đón, không tiếng reo hò, ta ôm bài vị của chàng bước từng bước vào phủ tướng quân.

Như vậy, cho dù bao nhiêu năm sau, sổ sách vẫn sẽ ghi ta là thê tử của chàng.

11.
Tướng quân phu nhân ngày một ốm yếu, số người và số ta đều khổ như nhau. Người đã chứng kiến phu quân qua đời, lại phải thấy cảnh con trai mất trẻ, giờ đây tâm nguyên duy nhất của người là đợi được ngày Vệ Thanh lập gia thất.

Nhưng, thế sự vô thường.

Vệ Yến mất được 3 năm, người cũng rời bỏ nhân gian đi theo chàng. Khi ấy, Vệ Thanh mới 13.

12.
Cũng năm ấy, hoàng đế băng hà, Từ vương đăng cơ. Tướng tranh bá, công danh đã phải đổi bằng ngàn xương, huống hồ ở đây là vương tranh hoàng?

Thánh chỉ đầu tiên ngài ban xuống sau khi đăng cơ là phong Vệ Yến làm Kính quốc công.

Vinh quang, nhưng tiếc là vinh quang khi người đã mất.

Ta nhớ thuở niên thiếu ngài từng nói nếu sau này ngài đăng cơ, nhất định ngài sẽ không quên bọn ta.

Ngài không quên, nhưng người xưa đã thành chuyện cũ.

Từ vương đăng cơ, tất nhiên Từ vương phi cũng sẽ trở thành hoàng hậu. Nàng triệu ta vào cung, nhẹ nhàng hỏi ta sau này dự liệu như thế nào.

Dự liệu như thế nào? Tất nhiên là dạy bảo Vệ Thanh khôn lớn. Mặc dù ta biết, đáp án nàng mong chờ không phải là như vậy. Cũng giống như tướng quân phu nhân vậy, trước lúc nhắm mắt xuôi tay, người vẫn lo lắng cho tương lai của ta.

Nhưng, ta làm gì còn tương lai nào chứ?

Câu chuyện đời ta đã đặt dấu chấm hết vào cuối mùa xuân năm ấy rồi.

[1] Tam thư lục lễ: "三书六礼", trong hôn lễ truyền thống của người Trung Hoa, nam nữ thành thân cần phải có đủ tam thư lục lễ. Tam thư chỉ văn thư (giấy tờ) trong quá trình lễ sính (kết thân). Lục lễ chỉ các thủ tục cầu thân, từ khi làm mối đến khi nghênh thú.
______________________________

|🍃 CHƯƠNG 2|

13.
Từ vương là một vị vua anh minh, nhờ vậy thiên hạ mới được hưởng thái bình.

Ngày trước, tướng quân phu nhân hết lòng dạy bảo Vệ Thanh, nay ta cũng vậy. Cuối cùng, Vệ Thanh chọn đi theo con đường quan văn.

Đệ ấy là hậu duệ duy nhất của Vệ gia, không thể lại phơi thây ngoài sa trường được.

Không có Vệ gia thì vẫn sẽ có người khác lãnh binh đánh trận.

18 tuổi, đệ ấy thi đỗ thám hoa.

Vậy là Vệ Yến đã xa ta 8 năm rồi, sắp 3000 ngày trôi qua, ta đã cố gắng suốt những ngày tháng ấy.

Kiên quyết chống lại tất cả những người muốn tốt cho ta.

14.
Hoàng đế nói, Vệ Thanh đã thành tài rồi, ta cũng nên sống cuộc đời của chính mình.

Rất lâu rồi ta mới gặp lại ngài. Đối diện với ngài, ta có một cảm giác quen thuộc nhưng cũng rất đỗi xa lạ. Xa lạ là vì ở ngài có thứ khí thế hoàng đế khiến ta không còn cảm giác thoải mái như năm xưa. Còn quen thuộc là vì khoảng trời niên thiếu chúng ta từng quen biết.

Ta hỏi ngài: "Bệ hạ còn nhớ A Yến không?"

"Tất nhiên là có, đệ ấy là bằng hữu thân thiết của ta."

"Nếu như nam nhân có thể sống vì lý tưởng sĩ vị tri kỷ giả tử [1], vậy vì sao thần phụ không thể?"

Ngài nhìn ta, nhưng ánh mắt dường như lại đang tìm nơi trốn tránh..

[1] Sĩ vị tri kỷ giả tử: 士为知己者死: Kẻ sĩ sẵn sàng hy sinh vì tri kỷ

15.
Cái chết của Vệ Yến không liên quan gì đến hoàng đế.

Binh quyền, nào ai không muốn? Hồi ấy, Vệ Yến vì ngài mà ra trận, ngài cũng từng cản, từng thật lòng khuyên chàng đừng quá vội vã. Nhưng, cuối cùng cũng không ngăn được chàng.

Dẫu vậy, nào ai ngờ được Vệ Yến sẽ một đi không trở lại.

Ta biết, ta biết hết mọi chuyện. Cho nên ta mới không trách Vệ Yến, cũng không trách hoàng đế.

Chỉ là ta thương Vệ Yến.

16.
Sau khi đăng cơ, hoàng đế vẫn luôn dành sự ưu ái cho phủ tướng quân.

Ta biết là vì Vệ Yến.

Ta phải mất rất lâu mới chọn được một cô nương vừa hay lễ nghĩa, vừa có hiểu biết, để làm mối cho Vệ Thanh một mối duyên lành.

Đêm trước ngày thành thân, đệ ấy nói với ta rằng hy vọng ta có thể sống cuộc đời của chính mình.

"Tẩu tẩu, ca ca mất rồi. Nếu như ca ca biết tẩu thế này, ca ca sẽ đau lòng lắm."

"Chính vì chàng mất rồi, nên ta mới phải trông nom đệ đấy."

Từ nhỏ ta đã coi Vệ Thanh là đệ đệ mình. Hồi bé đệ ấy mụ mẫm lắm, làm gì cũng chậm rì nhưng mà dễ thương. Vệ Thanh hay bám theo Vệ Yến như một cái đuôi nhỏ.

Rồi từ lúc nào đệ ấy không đi theo Vệ Yến nữa nhỉ?

Từ sau khi Vệ tướng quân từ trần.

17.
Từ sau khi Vệ tướng quân qua đời, Vệ Thanh ngoan ngoãn ở yên trong nhà, im lặng chăm chú đọc sách.

Mọi chuyện có lẽ đã bắt đầu từ lúc ấy.

Văn thần võ tướng, văn thần vẫn an toàn hơn.

Nhưng ai mà ngờ được Vệ Yến lại ra đi sớm đến vậy?

18.
Hoàng đế đích thân hạ chỉ ban hôn nên dù cho phủ tướng quân vốn không đông người thì nay, tiệc cưới của Vệ Thanh vẫn đông vui, náo nhiệt vô cùng.

À không, bây giờ không còn gọi là phủ tướng quân nữa, bởi vì đã sớm không còn tướng quân nữa rồi, chỉ có thể gọi là Vệ phủ mà thôi.

Khi còn sống, tướng quân phu nhân đích thân cho người gắn tấm biển này lên. Tấm biển ấy thực ra có tuổi đời gần trăm năm rồi, là tấm biển đổi bằng máu xương của mấy đời nam nhi nhà họ Vệ. Cuối cùng, cũng đến lúc phải hạ xuống.

Nhìn Vệ Thanh thành thân, ta lại nhớ đến Vệ Yến. Nếu như năm ấy chàng trở về, tiệc mừng của hai ta có lẽ cũng sẽ rộn ràng như thế.

Ta sẽ không phải bước vào phủ trong sự lặng lẽ và thê lương.

19.
Vệ Thanh thành thân rồi, ta bèn giao hết sự vụ trong phủ cho Lý thị, phu nhân đệ ấy quản lý.

Nhưng Vệ Thanh lại nghĩ không cần làm thế. Nên đệ ấy và Lý thị đến bảo ta tiếp tục quản lý phủ.

Song ta từ chối. Bởi vì ta biết, không có cô nương nào về nhà chồng mà lại mong cảnh như vậy. Dẫu vậy, khi Vệ Thanh bàn chuyện này, Lý thị cũng không tự mình nói ra rằng nàng không muốn thế.

Cả hai đã là phu thê, sau này sẽ là người gắn bó, yêu thương, đùm bọc nhau suốt đời. Còn ta chỉ là người ngoài. Vậy nên, cớ gì phải lưu luyến chức quyền ấy, dẫu sao cũng không phải là của ta.

Phu quân ta đã mất lâu rồi.

Từ ngày ta dọn về đây, ta hiểu sau này mình sẽ phải đối mặt với điều gì. Đó là cảnh cả đời cô độc.

20.
Cuộc sống vẫn diễn ra như thường, không có nhiều khác biệt lắm.

Những mối quan hệ càng ngày càng trở nên xa lạ. Dẫu sao với thân phận của ta, ắt sẽ không nhiều người muốn qua lại. Các phu nhân thế gia giao thiệp với nhau ít nhiều đều là vì lợi ích, mà ta chẳng đem lại được ích lợi gì cho họ, nên dần dần cũng không còn ai muốn ghé thăm.

Hoàng hậu vẫn giống như hồi trước, thường xuyên triệu ta vào cung tâm sự. Bao năm nay, ta và nàng vẫn luôn bầu bạn với nhau. Thi thoảng nàng có than phiền với ta về mấy chuyện hậu cung.

Có lúc, ta khuyên nàng ráng cho qua chuyện, có lúc ta cũng phụ họa bất bình thay nàng.

Chỉ có thể nói tất cả chúng ta đều dần thay đổi.

Ai cũng có lòng tham.

Giống như hoàng đế, ta vẫn nhớ trước đây ngài từng nói mình sẽ một lòng một dạ với nàng, đến khi bạc đầu cũng không rời xa nhau. Nhưng sau này, ngài cũng vẫn nạp thêm thiếp phòng. Đến giờ, mặc dù không đến độ ba nghìn mỹ nhân giai lệ, nhưng phi tần cũng chẳng phải số ít.

Giống như hoàng hậu, nàng từng là người vô cùng hiền hậu, dịu dàng. Hồi ấy ta từng hỏi nàng, rõ ràng nàng và Từ vương còn chưa hiểu nhau, tại sao lại gả cho y. Nàng nói, bởi vì không phải ai cũng có thể sống theo ý mình, dù gì nữ nhân sớm muộn cũng phải xuất giá thôi.

Hồi ấy, nàng chỉ muốn làm một hiền thê, nhưng bây giờ nàng lại muốn hoàng đế chỉ sủng ái một mình nàng.

Không thể nói những chuyện ấy sai hay đúng, dẫu sao cũng là câu chuyện của người khác.
______________________________

|🍃 CHƯƠNG 3|

21.
Mùa đông năm Thủy Nguyên thứ 11.

Bệnh tật giày vò mẫu thân, cuối cùng cũng đến ngày người được giải thoát. Phụ thân cũng ốm đi nhiều. Ta bèn rời Vệ phủ, về nhà chăm sóc cho phụ thân.

Chuyện ấy không bị ai đồn thổi đi xa, nên cũng đỡ lời ra tiếng vào.

Thấm thoắt ta về nhà đã được một thời gian. Hình như vì hay ở trong nhà nên nhiều khi ta cảm thấy hình như mình sống lại ngày trước. Như thể mình mới 14, 15 mà thôi! Cứ sáng sớm, mẫu thân lại gọi ta dậy, rồi ta với Vệ Yến, Từ vương dạo chơi khắp phố phường, chẳng còn nhớ nhung gì đến nữ công thêu thùa may vá.

Khoảng trời ngày ấy sao mà xanh đến thế!

Chớp mắt đã bao năm trôi qua.

Từng người, từng người bên cạnh ta rời bỏ ta mà đi.

Đầu xuân, phụ thân từ quan, ngày ngày chăm hoa chăm cỏ, sống quãng đời thảnh thơi.

Lắm lúc người cũng kể với ta về những chuyện năm xưa khi người còn là thiếu niên trai tráng. Trong ấy, có chuyện vui, cũng có cả chuyện buồn.

Nhưng lần nào cũng vậy, câu chuyện kể mãi lại tụ về một điểm - phụ thân nói với ta, vì người nên ta mới phải khổ.

Có lẽ trong lòng phụ thân vẫn canh cánh mãi về chuyện hôn sự của ta. Người nghĩ nếu hồi ấy người không quen biết Vệ tướng quân, ắt nhà ta cũng chẳng có giao hảo gì với phủ tướng quân. Nếu như vậy, ta và Vệ Yến không phải là thanh mai trúc mã.

Như thế, ta sẽ tìm được một chốn tốt để gửi gắm cả cuộc đời, êm ấm bên chồng bên con giống như bao cô nương khác. Nhưng, với ta, Vệ Yến là chàng lang quân ta ưng nhất.

22.
Cuộc sống cứ thế trôi. Vệ Thanh nay đã đón đứa con đầu lòng. Nhìn cái mắt cái miệng kia có vẻ hao hao Vệ Yến!

Cũng phải, Vệ Yến Vệ Thanh là hai anh em mà, giống cũng phải.

Vừa đón đứa con đầu lòng, Vệ Thanh nói muốn để đứa bé nhận ta và Vệ Yến làm nghĩa phụ nghĩa mẫu. Lý thị biết chuyện, phu thê bất đồng, cuối cùng chuyện này cũng chẳng đi đến đâu.

Đón đứa con thứ hai, Vệ Thanh vẫn quyết tâm cho con nhận nghĩa phụ nghĩa mẫu. Lý thị khi ấy vẫn đang ở cữ đã đến cầu xin ta. Tất nhiên ta trả lại đứa bé cho phụ mẫu nó. Nói thực, vò võ một mình bấy năm nay, ta thấy nhà cửa cũng hơi trống vắng, nhưng ta cũng không quen nuôi con trẻ.

Mà thế gian này có mẫu thân nào lại muốn mang con mình cho người khác nuôi. Kể cả khi Vệ Thanh nhượng bộ, chỉ định cho con thừa tự trên danh nghĩa, còn vẫn để Lý thị nuôi, song nàng ấy vẫn không chịu.

Ta khuyên Vệ Thanh không cần phải làm thế. Vệ Thanh đã có con rồi, là người lớn cả rồi, vậy mà lúc này hai mắt đỏ hoe: "Đệ không muốn trăm năm sau không ai thờ cúng ca ca, tẩu tẩu."

"Đấy là chuyện trăm năm sau cơ mà."

Lúc ấy, chúng ta đều đã sang thế giới bên kia, ai quên, ai nhớ thì có làm sao. Kể cả là có con có cái, ai dám chắc rằng người đời sau sẽ nhớ giữ gìn hương hỏa?

Bởi vậy việc gì phải bắt ép nhau.

Ta còn, đến ngày giỗ Vệ Yến, ta sẽ hóa vàng, thắp cho chàng nén nhang. Ta mất, có lẽ chàng càng sớm được đầu thai.

23.
Khoảng nửa năm sau, không biết Lý thị làm sao, hình như bỗng ngộ ra điều gì mà đột nhiên lại đồng ý cho con nhận nghĩa phụ, nghĩa mẫu. Nàng nói với ta, trước đây nàng không biết suy nghĩ.

Ta hơi ngờ vực, cuối cùng vẫn khéo léo từ chối.

Không lâu sau, nghe nói nàng đồng ý là vì liên quan đến tước vị của Vệ Yến.

Mặc dù Vệ Yến không còn, nhưng hoàng đế vẫn truy phong tước vị, vậy nên con cái cũng sẽ được hưởng.

Cũng không biết nói sao. Lý thị làm vậy cũng vì nàng thương con thôi. Dẫu sao nếu được truyền lại tước vị, sau này con cái sẽ chẳng phải lo cái ăn cái mặc. Ta hiểu, nhưng ta không đồng thuận.

24.
Năm Thủy Nguyên thứ 14.

Ta bồng về nhà một đứa bé, là bé trai. Vệ Thanh hỏi ta tẩu định nhận đứa bé này làm con sao?

Ta lắc đầu: "Vô tình nhặt được đành nuôi thôi."

Ta đang đi trên đường bỗng nghe thấy tiếng khóc đâu đây, nghe như tiếng mèo ré lên, lần tìm thì thấy một đứa bé được quấn trong bọc vải đã nát bươm.

Ta không biết sau này đứa bé ấy sẽ ra sao, nhưng ta biết một sinh linh bé nhỏ như thế không nên bị tước mất quyền sống.

25.
Ta hay nghĩ, có phải chúng ta ai cũng có những nỗi khổ tâm, những chuyện bất đắc dĩ. Dù là bậc đế vương thì cũng vậy. Lời nói đế vương đáng giá ngàn vàng, một khi ban ra không thể làm khác. Nhưng đôi lúc, vì một vài nguyên nhân, mà chính đế vương vẫn phải chịu "làm khác".

Chỉ tiếc cho những vị trung thần kia!

Ta đặt tên cho đứa bé là Vệ Kí, lấy ý nghĩa từ "hy kí", tức là mong mỏi, hi vọng. Ta hy vọng con sẽ lớn khôn khỏe mạnh, còn những thứ khác ta cũng không quá trông mong.

Ngày trước, trông mấy đứa con nhà Vệ Thanh đứa nào đứa nấy lớn nhanh như thổi. Bây giờ chính mình chăm bẵm trẻ con mới biết, muốn được như thế chẳng phải điều dễ.

Trẻ con như búp trên cành, vừa non nớt, vừa bé bỏng.

26.
Không biết có phải nhờ ơn lành từ cái tên kia không mà trộm vía Vệ Kí nay đã được 3 tuổi nhưng họa hoằn lắm mới biết thế nào là ốm. Thằng bé mập mạp, kháu khỉnh lắm, hệt như em bé trên bức tranh "Phú quý" vậy.

Đôi khi nhìn con nghịch ngợm ở góc sân, ta chợt bần thần cả người. Nếu như Vệ Yến còn sống, hai ta cũng được mấy mụn con, có lẽ cũng sẽ giống như bây giờ.

Vệ Yến hiền lắm, chàng chẳng cãi vã với ta bao giờ. Có lúc ta giở chứng, chàng lại dỗ dành.

Chàng biết ta thích ăn bánh quế hoa trên đường Vạn Phúc, nên vừa sớm tinh mơ đã đi xếp hàng mua cho ta. Chàng biết ta thích ăn vịt quay của lầu Trạng Nguyên nên hay vỗ vỗ cái túi tiền beo béo, mời ta đi ăn.

Nếu như có con, nhất định chàng sẽ là một người cha tuyệt vời. Đôi ta sẽ cùng nhau nuôi con khôn lớn. Mà cũng có khi một mình chàng chăm lo cho cả ta và con ấy chứ. Vì bình thường chàng hay bảo ta tính cứ như trẻ con cơ mà.

Hôm trước, theo thói quen, ta đi chép kinh Phật, đột nhiên lòng lại lặng đi. Liệu trên đời này có thực sự tồn tại vòng luân hồi hay không? Con người chết rồi sẽ xuống âm phủ, qua cầu nại hà, uống canh Mạnh Bà, điểm lại một đời rồi đầu thai sang kiếp khác như người ta vẫn hay nói sao?

Nếu thật như thế, Vệ Yến, liệu chàng có đang đợi ta? Nếu chàng đợi ta, đến khi gặp rồi liệu chàng có thất vọng không? Bởi lẽ chàng vẫn là chàng thiếu niên anh tuần ngời ngời ngày trước, còn ta bây giờ đầu đã điểm hoa râm.

Nếu chàng không đợi ta, vậy có lẽ chàng đã đầu thai rồi. Không biết chàng đầu thai vào nhà nào? Người tốt như chàng chắc là sẽ được đầu thai vào một gia đình ấm no, hạnh phúc mà thôi. Ta chẳng mong gia đình ấy có quyền cao chức trọng, có vinh hoa phú quý để đời, ta chỉ mong chàng được sống một đời bình an, hạnh phúc. Từ buổi thơ ấu đến thời niên thiếu, từ tuổi xuân cho đến tuổi già, chàng đều sống và tận hưởng từng khoảnh khắc.

Tiếc là, ta chẳng thể ở bên chàng.

27.
Ta bỏ tiền mua một căn nhà nhỏ, nhỏ nhắn nhưng thế là đủ cho ta, Vệ Kí và mấy gia nhân trong nhà ở rồi.

Ta muốn chuyển nhà.

Vệ Thanh không hiểu tại sao ta lại làm như vậy. Đã mấy bận đệ ấy đến khuyên ta cứ ở lại. Anh em nhà họ Vệ có lúc giống nhau lắm, giống nhất là đôi lúc không biết ý gì cả.

Đối với đệ ấy, ta là tẩu tẩu, là người đã chăm sóc, nuôi nấng đệ ấy nên người. Hồi ấy, ta và đệ ấy quả thực là sống nương tựa lẫn nhau. Nhưng đối với thê tử của đệ ấy, thì ta chỉ là người xa lạ.

Lại nhắc chuyện con nuôi lần trước nữa, bây giờ ta và Lý thị chỉ là cố dĩ hòa vi quý mà thôi. Song, ta vẫn không hối hận khi tác hợp mối duyên giữa Vệ Thanh và Lý thị. Vì Lý thị làm như vậy, nghĩa là nàng biết nghĩ cho phu quân, cho con cái.

Con trẻ càng lớn, ta ngày càng cảm thấy mình giống như họ hàng nhiều đời trước.

Nếu vậy chi bằng dứt khoát chuyển đi.

"Xa thì thơm" mà, có lẽ vậy.

28.
Ta chuyển nhà cũng khá suôn sẻ. Ấy nhưng cũng tốn cả một ngày trời. Nha hoàn, ma ma ai nấy đều mệt lả hết, nên bữa tối ấy ta bảo họ làm ba bốn món đơn giản thôi.

Vệ Kí hỏi ta: "Mẫu thân, sau này chỉ có chúng ta sống ở đây thôi ạ?"

Ta gật đầu ra ý đúng vậy.

Thằng bé có vẻ vui lắm, ta cũng không hỏi thêm. Đi từ đây chẳng mấy bước là tới học đường, sang năm là A Kí nhà ta 6 tuổi rồi, ta định cho thằng bé vào đó học. Không biết sau này con muốn làm gì, nhưng đọc sách, biết chữ chẳng thừa.

Kể cả không được làm quan triều đình, thì có học cũng có nghề kiếm cơm. Càng nghĩ ta càng thấy đau đầu! Dù gì ta cũng đã nuôi con bao giờ, đây là lần đầu ta làm mẫu thân mà!

Ta nhớ ra con thứ nhà Vệ Thanh không thích học, mỗi lần đi học là lại khóc lóc ỉ ôi, nên hay "được nếm" mấy đòn gia pháp. Nếu mà Vệ Kí không thích học, ta nghĩ mình cũng chẳng nỡ lòng đánh con. Đến nước ấy đành phải nhờ Vệ Thanh đóng vai ác thôi, dù gì đệ ấy cũng có kinh nghiệm.

|🍃 CHƯƠNG 4|

29.
Thoáng cái lại đến giao thừa, lại kết thúc một năm. Ta chối không đến nhà Vệ Thanh. Nên có lẽ năm nay là năm ta đón giao thừa với ít người thân nhất.

Trước khi xuất giá, ta vẫn còn phụ mẫu ở bên.

Xuất giá rồi, hồi đầu còn quây quần bên tướng quân phu nhân và Vệ Thanh.

Sau đó, tướng quân phu nhân đi xa. Mặc dù chỉ còn lại ta và Vệ Thanh, nhưng vẫn còn nhiều người của thế hệ trước, trong đó có một số người có quan hệ xa.

Bây giờ chỉ còn ta và Vệ Kí.

Hai năm trước, phụ thân đã theo gió mây về trời. Người ra đi không đau không đớn, tất cả chỉ tựa như chìm vào một giấc mơ.

Vệ Kí nắm tay ta đi bắn pháo hoa. Vì không mua nhiều pháo lắm nên chỉ chơi một lúc pháo đã vãn. Vệ Kí kéo áo ta chỉ lên bầu trời phía xa, nơi ấy pháo hoa đang rực sáng: "Mẫu thân ơi đẹp quá."

Ta ngước nhìn, thật đẹp! Nơi ấy là phía hoàng cung. Mỗi năm hoàng cung đều bắn pháo sáng rực cả nền trời.

Rất lâu về trước, khi ấy phụ thân thăng quan tiến chức, người vào cung, ta cũng được đi cùng. Đó là lần đầu tiên ta đặt chân vào hoàng cung. Ta nhớ khi ấy mình 7 tuổi. Ta nhớ đó cũng là đêm giao thừa. Trẻ con thì hay ham vui, thích nghịch ngợm, nên mới ngồi còn chưa nóng chỗ ta đã nhấp nhổm muốn đi chơi. Vệ Yến bảo sẽ dẫn ta đi xem nhiều thứ mới lạ. Chàng vỗ vỗ ngực hứa với phụ thân rằng nhất định sẽ trông ta cẩn thận.

Chàng dẫn ta lên trên đài bắn pháo hoa, nhưng lúc ấy chưa bắt đầu nên vẫn người đến hãy còn ít. Cũng trong lần ấy, ta gặp thất hoàng tử. Đó là lần đầu tiên ta gặp ngài ấy, còn Vệ Yến làm cầu nối giữa cả hai.

Trẻ con hay lắm, dù vừa mới gặp nhưng chỉ một lát thôi là đã thân rồi. Pháo hoa trong cung đẹp cực kì! Ta khép mắt chìm vào trong dòng suy nghĩ, tựa như chuyện mới chỉ xảy ra trong ngày hôm qua. Nhưng thời gian chẳng chờ đợi một ai. Đó đã là chuyện của hơn 30 năm về trước. Vệ Yến xa ta đã 23 năm rồi.

30.
Qua tháng giêng, ta đưa Vệ Kí đến học đường bắt đầu hành trình theo đuổi con chữ.

Nhưng chẳng bao lâu đã thấy phu tử tìm đến nhà, rõ là có chuyện nhưng lại ngập ngừng mãi không nói. Ta mới gặng hỏi, chuyện là Vệ Kí tuy thông minh nhưng nghịch liền chân liền tay. Thằng bé rất hay gây rối, còn hay đầu têu oánh lộn.

Bữa tối cơm nước xong xuôi, ta bèn hỏi Vệ Kí tại sao lại làm như vậy. Thằng bé chu mỏ nói: "Con không thích đi học."

"Không đi học thì sau này con định làm gì?"

"Con sẽ làm đại anh hùng bảo vệ đất nước, giống như phụ thân ấy."

Mặc dù gia phả không ghi Vệ Kí là con ta và Vệ Yến, nhưng thằng bé gọi ta là mẫu thân, vậy cũng nên gọi Vệ Yến một tiếng phụ thân. Vẫn biết võ tướng buổi loạn thế, văn thần thời hưng thịnh, còn nay thiên hạ thái bình đã lâu! Ta chỉ mong con bình an khôn lớn.

"Đại anh hùng cũng phải học chữ, nếu không sau này sao đọc được binh pháp?"

"Nhưng mà phu tử không dạy binh pháp, suốt ngày chỉ toàn chi hồ giả dã [1]."

[1] Chi, hồ, giả, dã: là trợ từ thông dụng trong Hán cổ, sau này được dùng với ý nghĩa chỉ học không đi đôi với hành, hoặc thói tầm chương trích cú.

"Học hành không thể vội, con phải nhẫn nại."

"Hay là mẫu thân mời một vị sư phụ dạy võ cho con!"

Ta nhướng mày: "Đợi con học hành cho tử tế đi đã rồi hay."

Thằng bé mếu máo kéo áo ta, nũng nịu: "Mẫu thân, cho con học đi mà."

Cuối cùng, hai ta lập một lời hứa, nếu Vệ Kí chăm chỉ đi học, học cho thật tốt thì sẽ được học võ.

Đúng là trẻ con, dễ khóc dễ cười! Tập võ rèn luyện thân thể cũng tốt.

Tuy vậy, ta vẫn mong A Kí sẽ không đắm chìm trong võ.

31.
Ta thuật lại chuyện ấy cho hoàng đế, ngài cười nói: "Rõ là Phương gia mấy đời văn nhân, bây giờ ngươi lại vun ra được một mầm võ! A Chước, được đấy!"

"Có lẽ hoàn cảnh sống tạo nên con người. Nếu như không phải vì bệ hạ, bây giờ thằng bé vẫn đang là tiểu công tử quyền quý."

Nụ cười trên khuôn mặt hoàng đế vụt tắt. Ừ, câu ấy quả thật chọc trúng nỗi đau của ngài.

Phương gia là gia tộc trung thần, nhưng hoàng đế cũng có nỗi khổ tâm, bất đắc dĩ phải chịu "làm khác", phải thỏa hiệp diệt cả gia môn nhà họ. Tại vị đã nhiều năm, nhưng ngài vẫn bị thế lực khác chèn ép, sống như thế sao mà không lo cho được?

Sau khi Phương gia gặp họa, ngài tìm đến ta nhờ ta chăm sóc cho đứa bé kia. Ta nhận lời.

Ta không biết phải nói gì. Thực ra theo ý ta, khi ấy có lẽ ngài vẫn nên đào tận gốc, trốc tận rễ. Sau này khi ngài đã diệt được gian thần thì trả lại sự trong sạch cho Phương gia, rồi cố gắng vun đắp cho một nhánh nào nhà họ Phương, kéo dài hương hỏa. Như vậy sẽ tránh được hậu họa về sau.

Còn như bây giờ, ngài mềm lòng giữ lại một mầm non bé bỏng. Sau này, nếu có ngày thằng bé biết chuyện, không biết nó sẽ nghĩ thế nào?

32.
Ta mời một cựu binh đến dạy võ cho Vệ Kí. Người ấy xuất thân từ đội quân Vệ gia, vả lại cũng chỉ là dạy cho một đứa bé thôi, nên ta cũng không quá lo lắng.

Luyện võ không dễ như ta tưởng. Chỉ riêng đứng tấn đã rất mệt rồi. Biểu cảm trên gương mặt non nớt của Vệ Kí đã đủ nói lên tất cả. Trông vậy ta không khỏi bần thần. Có phải hồi nhỏ Vệ Yến cũng khổ luyện võ công như vậy? Chắc là còn vất vả hơn, dẫu sao chàng cũng là người thừa kế Vệ gia, không giống như Vệ Kí.

Luyện võ được mấy ngày, Vệ Kí gầy đi trông thấy. Ta khuyên con đừng học nữa, nhưng thằng bé không chịu. Mình mẩy đầy vết bầm xanh xanh tím tím, thế mà khi ta xức dầu cho thằng bé, nó cắn răng không khóc.

"Con phải luyện thành tài sau này còn bảo vệ mẫu thân."

Ta xót con, quyết định xin Vương sư phụ cho thằng bé nghỉ ngơi mấy buổi. Hơn nữa, cũng phải nhớ đến học cả Lý phu tử.

33.
Thấm thoắt, Vệ Kí đã lớn rồi, bao lâu nghiêm túc theo đuổi con chữ nay đã nhận được kết quả xứng đáng. Tổ tiên của A Kí đều là người có học, đều theo đường quan văn, ta nghĩ lẽ ra A Kí cũng nên như vậy.

Nhưng ta không ngờ, thằng bé quyết chí làm anh hùng hành hiệp trượng nghĩa: "Mẫu thân, con không muốn làm quan. Con học võ cũng được lắm, không sợ chết đói đâu."

Thôi vậy, đến đâu hay đến đó.

34.
Ta vào cung trò chuyện với hoàng hậu về chuyện hôn sự của Huệ An. Huệ An là nàng công chúa duy nhất của hoàng hậu và hoàng đế, vừa mới cập kê. Con bé hoạt bát đáng yêu lắm.

Hoàng hậu có ý cho Huệ An về bên Lục gia, cũng chính là phía thân mẫu của hoàng hậu: "Năm ấy Sùng Nhi chọn thê tử, bổn cung đã để ý một đứa cháu, là con gái của đại ca ta. Nhưng hoàng đế không đồng ý."

"Vậy bây giờ ý bệ hạ thế nào?"

Nàng lắc đầu: "A Chước, bổn cung chỉ muốn Lục gia có lấy một chỗ dựa."

Ta hiểu lòng nàng. Có ai lại không muốn nâng đỡ nhà mình chứ? Song, có lẽ như vậy lại phật lòng hoàng đế.

"Có trách bổn cung tham lam thì cũng đành vậy. A Chước, càng ngày bổn cung càng thấy thân mình đau nhức, bổn cung thực sự thấy lo."

"Nương nương sẽ mau khỏe thôi."

"Ta khỏe mà Sùng Nhi, Huệ An và Lục gia nữa không được yên ấm thì cũng có ích gì. Lo cho con cái ổn thỏa, ta có chết cũng yên lòng. Hay ngươi thử nói với bệ hạ xem sao, biết đâu ngài lại suy nghĩ lại?"

Ta cười khổ, lắc đầu: "Đã bao nhiêu năm thần không gặp bệ hạ rồi."

"A Chước, ngươi nghĩ tại sao con người lại thay đổi?"

35.
Ta phải khuyên giải mãi hoàng hậu mới tạm nguôi lòng. Nhưng thực ra, chính ta cũng thấy buồn. Bởi lẽ trong lời của nàng có lời là thật tâm.

Vừa rời khỏi cung của nàng, ta bắt gặp mấy tên thái giám đang bắt nạt một đứa bé. Ta mới quát bọn họ dừng tay, rồi bèn hỏi rõ ngọn ngành. Hóa ra đó là bát hoàng tử, con của phế phi Ngô thị.

Ta bảo cung nhân bẩm báo chuyện này cho hoàng hậu biết. Thực ra ta cũng chỉ giúp được thế, cũng chẳng muốn lo chuyện bao đồng.

Hôn sự của Huệ An tựa như một ván cờ của bậc đế hậu, liên tục thay đổi.

Huệ An từng tâm sự riêng với ta rằng con bé không thích biểu ca, cũng không thích phò mà mà hoàng đế chọn. Huệ An hỏi ta: "Tại sao con gái nhất định phải xuất giá?"

"Bởi vì xưa nay vẫn làm như vậy."

Con bé đáp: "Nhưng mà, chuyện hôn nhân đáng sợ lắm."

"Sao lại vậy?"

"Phụ hoàng với mẫu hậu ngày nào cũng cãi vã. Ta không muốn sau này cũng sống cuộc đời như vậy."

Nhưng con bé không biết, ban đầu phụ mẫu nó cũng từng là một đôi phu thê hòa hợp.
______________________________

|🍃 CHƯƠNG 5|

36.
Con trưởng nhà Vệ Thanh thành thân rồi.

Nhìn thằng bé nay bảnh bao lắm, đã là người lớn rồi đấy! Chợt kí ức xưa ùa về, ta nhớ ngày cậu chàng mới sinh, cái mặt nhăn nhó, người bé tẹo teo. Thời gian trôi qua nhanh thật! Chớp mắt, con cái Vệ Thanh đều lớn hết rồi.

Còn hôn sự của Huệ An cứ lần lữa mãi, cuối cùng kéo dài tận hai năm. Đến nay, đế hậu mới quyết cho con bé về với Lục gia, thỏa tâm nguyện của hoàng hậu. Hôn sự gấp gáp, tính từ lúc ban hôn cho đến ngày thành thân tất cả chắc chưa quá nửa năm. Cũng bởi hoàng hậu yếu đi nhiều.

Ta đến thăm nàng, mỗi lần gặp nàng càng tiều tụy hơn. Thái y bắt mạch nói hoàng hậu lao lực quá độ nên mới đổ bệnh. Cũng may hôn sự của Huệ An đúng với ý nàng, coi như một niềm an ủi. Nhờ vậy, thần sắc nàng cũng tươi tỉnh hơn. Dẫu vậy, lòng nàng vẫn mang nặng nỗi lo.

"A Chước, sau này ngươi phải thay ta chăm sóc bọn trẻ đấy."

Nghe nàng nói vậy, ta phát vào tay nàng một cái bảo đừng nói gở. Nhưng không ngờ, ta còn chẳng kịp chăm sóc cho hai đứa con nàng.

Mọi chuyện xảy ra ngoài dự liệu của tất cả mọi người.

37.
Năm Thủy Nguyên thứ 24, cuối tháng 6, đầu tháng 7.

Khoảng 2 tháng trước ngày Huệ An thành thân.

Thái tử ngã ngựa, trọng thương qua đời.

Ta nhìn Sùng Nhi khôn lớn, thành gia lập thất, nay lại... Sao mọi chuyện lại thế này?

Nhưng nếu tin đã truyền đến tận chỗ ta thì hẳn không phải là giả.

Vệ Thanh hỏi ta: "Có bao nhiêu người bảo vệ Sùng ca ca cơ mà, sao lại thế được?"

Đúng vậy, Sùng Nhi là thái tử mà. Nhưng, các huynh đệ của nó cũng lớn hết rồi, nên bỗng chốc Sùng Nhi trở thành tấm bia ai ai cũng rắp tâm ngắm bắn.

Mùa hạ này bao giờ mới qua đây!

Hoàng hậu bệnh nặng. Nàng chìm vào hôn mê, nhưng miệng lúc nào cũng niệm tên Sùng Nhi. Ta lo lắng quá bèn vào cung chăm nom nàng mấy hôm. Hôm ấy, nàng tỉnh được một lát, nàng hỏi ta, tại sao người chết không phải là nàng?

Hầu như lúc nào Huệ An cũng túc trực ở linh đường. Con bé khóc nấc lên, người lịm đi. Thái tử phi cùng với đứa con thơ bơ vơ giữa linh đường.

Đến hoàng đế cũng phát ốm. Nhưng bậc đế vương mà dù có đổ bệnh cũng phải phái người đi điều tra. Thực ra, ai cũng ngầm hiểu chắc chắn có kẻ giở trò.

Qua chuyện này, kẻ nào được lợi nhiều nhất thì kẻ đó trong diện đáng nghi ngờ nhất. Nhị hoàng tử và Hiền phi bị réo tên.

38.
Mặc dù ta chẳng có chức quan gì, nhưng ta gắn bó với hoàng hậu đã nhiều năm, nàng gặp chuyện ta cũng không thể ngồi không. Mấy hôm nay ta bận tối mắt tối mũi, có khi còn không kịp ăn cơm.

Mãi mới có thời gian về nhà, Vệ Thanh bảo mẫu thân gầy quá.

Ta dặn gia nhân bữa tối nấu mấy món thanh đạm thôi. Không biết có phải có tuổi rồi không mà hồi trẻ ta thích trồng hoa còn giờ chỉ thích trồng rau.

Ta cho người xới một mảnh vườn nho nhỏ, trồng ít rau dưa theo mùa. Ta chỉ định trồng cho vui thú tuổi già, giết thời gian thôi chứ cũng không kỳ vọng nhiều. Chuyện năng suất cứ để các bá bá nông dân lo.

Cũng may mấy bữa ta bận, các ma ma vẫn nhớ tưới tắm cho luống rau. Nếu không đợi ta quay về chắc chẳng còn gì cả.

Cứ nghĩ đến chuyện trong cung ta lại thấy phiền lòng. Thằng bé ngoan ngoãn, biết nghĩ lắm, đang yên đang lành bỗng dưng... Ai mà không thương xót cho được! E rằng gió tanh mưa máu vẫn còn chưa dứt, không biết còn bao nhiêu người đầu rơi máu chảy.

39.
Hôn sự của Huệ An bị hoãn lại rồi.

Vốn chẳng phải chuyện gì quá quắt lắm, song bên ngoài người ta lại kháo nhau rằng Huệ An cao số, mệnh khắc người thân.

Bệnh của hoàng hậu còn chưa thuyên giảm, ta không dám nói với nàng. Còn Huệ An, khi biết chuyện con bé có vẻ không quá để tâm. Ta sai ma ma gần gũi với hoàng hậu tra rõ ngọn ngành, cuối cùng lòi ra kẻ chủ mưu lại chính là Lục gia.

Không thể hiểu nổi!

Nhưng khi bình tâm ngẫm nghĩ, có lẽ cũng không hẳn là không thể hiểu nổi. Sở dĩ hoàng hậu muốn kết mối duyên này vì muốn sau khi nàng mất, con trai con gái sẽ thay nàng tiếp tục nâng đỡ Lục gia. Huệ An là thân muội duy nhất của thái tử, tương lai thái tử sẽ đăng cơ, nghĩ đến mẫu thân, nghĩ đến muội muội thái tử ắt sẽ đối đãi tốt với Lục gia.

Nhưng bây giờ thái tử mất rồi. Huệ An là công chúa, công chúa làm sao sánh được với hoàng tử. Còn hoàng hậu có tuổi, không thể sinh thêm con được nữa. Chỉ là ta không ngờ, bọn họ lại tuyệt tình đến độ ấy. Mà đám người này cũng hay thật, đi nương cậy người khác, người khác lại tin họ đấy!

Ngẫm nghĩ hồi lâu, ta quyết định nói cho Huệ An biết. Huệ An nghe xong thì hỏi ta: "Gió chiều nào theo chiều ấy, người đời vẫn thường như vậy sao?"

"Có lẽ vậy."

40.
Thái tử qua đời chưa được 21 ngày [1], hoàng đế đã lôi đầu một đám người ra xử lý. Nhị hoàng tử và Hiền phi bị đẩy lên đầu sóng ngọn gió. Ta nghe nói vẫn chưa có chứng cứ xác thực, nhưng ở chốn thâm cung này, có ai là trong sạch?

Nói chi đến hoàng tử, càng ngày tâm tư càng khó đoán. Mà ngôi vị đã bày ra ngay trước mắt, kẻ nào không muốn tranh? Cho nên, bây giờ dù chưa có chứng cớ xác thực, nhưng chỉ cần vạch trần một số lỗi lầm của Nhị hoàng tử là đã đủ đẩy y vào bước đường cùng. Song, cuối cùng hoàng đế vẫn không nỡ. Ngài không lấy mạng của y, chỉ giáng xuống làm thứ dân, cả đời không được trở lại.

[1] 21 ngày: Cúng 21 ngày là lễ cúng được thực hiện vào ngày cách ngày mất của người thân 21 ngày nhằm mục đích cầu nguyện cho người đã mất vượt qua những cửa ngục dưới Diêm Phủ một cách nhẹ nhàng.

Còn những kẻ khác, chẳng cùng máu mủ, nên ngài chẳng việc gì phải niệm tình. Hiền phi tiến cung cũng đã lâu, nhưng hoàng đế vẫn ban cho nàng một ly rượu độc theo đúng lệ. Nàng chết không nhắm mắt.

Vệ Kí nói với ta, mấy ngày nay máu nhuộm đỏ Thái Thị Khẩu [2]. Ta kéo thằng bé lại chất vấn: "Ai bảo con đi đến đó?"

"Mẫu thân, con lớn rồi, không sao đâu."

[2] Thái Thị Khẩu: ban đầu là chợ bán rau, sau trở thành nơi hành quyết tử tù.

Sao lại không sao cơ chứ? Không phải hồi ấy cũng như thế này sao?

Cái chết của thái tử là một cú đả kích đối với hoàng đế. Ngài không còn kiêng dè gì nữa, dự định sẽ thẳng tay chỉnh đốn lại triều đình. Ta không nắm rõ biến động triều đình, nhưng vẫn phân biệt được tin thật tin giả.

Mong sao hoàng đế sớm trả lại sự trong sạch cho các vị trọng thần.

Nhưng ta cũng rất lo. Nếu như xử lại án rồi, nghĩa là Vệ Kí cũng sẽ rời xa ta. Với Vệ Kí, ta dẫu sao cũng là người trong cuộc, là kẻ đồng lõa.

41.
Huệ An ốm rồi, nghe bảo cảm lạnh. Nhưng ta biết thứ nguội lạnh là trái tim con bé.

Một cô nương đang sống trong sự yêu chiều, lẽ ra sẽ sống tiếp cuộc đời vô lo vô nghĩ, nhưng đời chẳng chịu buông tha ai, biết làm sao đây?

Khi ta gặp Huệ An, hai má con bé hóp lại, người gầy sọp hẳn đi, đáng thương lắm.

Những chuyện ta cố giấu hoàng hậu, cuối cùng vẫn không giấu được. Bây giờ, hoàng hậu chỉ còn mỗi một mống con gái, đương nhiên nàng không để con mình phải chịu uất ức. Nhưng bên Lục gia cứng miệng phủi bỏ, hoàng hậu thì đã yếu lắm rồi.

Sau đó, nàng tìm đến hoàng đế nhờ ngài giải quyết, cuối cùng cũng hủy hôn. Hoàng đế không để cho Lục gia được yên thân, mấy ngày trước ngài đã hạ lệnh giáng chức, không biết vì ngài ghi thù hay là sao nữa.

Giờ đây, ta chỉ mong sao hoàng hậu và Huệ An đều khỏe lại, dẫu sao cũng phải tiếp tục sống chứ? Người mất rồi thì không sống lại được, người còn sống thì phải tiếp tục sống.

Ta đã thấm thía điều ấy từ rất lâu về trước.

Vệ Yến, phụ thân, mẫu thân, từng người một rời xa ta, nhưng thể đang nói với ta, ta sẽ phải sống một cuộc đời cô độc.

Ta chết rồi thì lại bớt đi một người nhớ thương họ. Mà có lẽ, vốn đã chẳng có mấy ai nhớ đến cuộc đời họ. Thiên hạ thái bình, dần dà còn ai nhớ đến một thời đau thương?

Lâu dần, tất cả sẽ rơi vào quên lãng. Đời người có vẻ vang đến mấy cuối cùng cũng chỉ hóa thành mấy vết mực, khô khan, im lìm trên trang sách sử.

42.
Mùa thu đã tới.

Phu tử nói với ta Vệ Kí càng ngày càng tiến bộ vượt bậc. Ta nghe vậy cũng an lòng. Ta hỏi Vệ Kí có muốn thưởng gì không, thằng bé nói nó muốn ta vui vẻ.

Những ngày qua ta phải u uất nhường nào mà đến cả Vệ Kí cũng nhận ra.

Tối ấy, ta quyết định xuống bếp nấu mấy món Vệ Kí thích. Cơ mà chắc chỉ có canh xương là do ta nấu từ đầu đến cuối, còn những món khác ít nhiều đều có hạ nhân giúp. Người thì nhặt rau, người thì đốt lửa.

Mặc dù ta biết hòm hòm cách nấu, nhưng dù gì cũng không nấu quen bằng các gia nhân được. Vệ Kí cũng biết ta nấu nên ăn nhiều hơn hẳn nửa bát cơm.

"Nếu mà ngày nào cũng được mẫu thân nấu cho ăn thì thích quá."

"Để mà mập lên à." Mặc dù nói vậy, nhưng ta vẫn chiều con, xuống bếp thêm mấy bữa nữa.

Có điều càng lúc ta càng thấy lòng mình bất an, cảm giác sắp có chuyện gì xảy ra.

43.
Năm Thủy Nguyên thứ 24, ngày 16 tháng 9, Huệ An bệnh nặng qua đời.

Năm Thủy Nguyên thứ 24, ngày 21 tháng 9, hoàng hậu không qua khỏi.

Trái tim ta trống rỗng vô cùng. Người đang đấy lần lượt rủ nhau đi, đến cuối cùng, chỉ còn lại mình ta.
______________________________

|🍃 CHƯƠNG 6|

44.

Năm Thủy Nguyên thứ 24, 17 tháng Chạp, cung biến.

Ta yên lặng chờ hừng đông lên. Cuối cùng cũng có tin từ trong cung truyền đến. Hoàng đế thành công rồi. Đây rõ ràng là chuyện đáng mừng nhưng không hiểu sao lòng ta cứ trào lên sự bi thương. Phải đánh đổi bao nhiêu máu xương, bao nhiêu mạng người mới đi đến được ngày hôm nay? Trong ấy, có bao nhiêu người không đợi được đến ngày giải oan, phải chết trong tủi nhục?

Tướng tranh bá, công danh đã phải đổi bằng ngàn xương, huống hồ ở đây là bậc đế vương?

Trước kia hoàng đế từng nói, ngài định tiến từng bước một, từ trị quốc đến bình thiên hạ. Ngài muốn để lại cho thái tử giang sơn gấm vóc, thiên hạ thái bình. Nhưng thái tử không còn nữa, công chúa cũng vậy. Đến cả nàng chính thê từng bên ngài những ngày gian khó cũng đã qua đời vì bệnh tật. Có lẽ thế nên ngài không còn do dự hay kiêng dè điều gì nữa.

Dẫu vậy, ta không biết liệu ngài có hối hận hay không.

Cuối cùng, Phương gia đã được giải oan. Nhưng vì năm ấy vụ án Phương gia quá nghiêm trọng, liên lụy đến quá nhiều người nên Phương gia chỉ còn lác đác vài bóng người. Hàm oan và giải oan chung quy chỉ đi đến thất bại. Ta đắn đo mãi, cuối cùng vẫn quyết định nói với Vệ Kí. Thằng bé cũng sắp ra thanh niên đến nơi rồi, nó có quyền được biết sự thật.

Biết chuyện, Vệ Kí thẫn thờ. Vệ Kí vẫn biết nó là con nuôi, được ta nuôi từ thời tấm bé. Nhưng thằng bé chỉ nghĩ mình bị phụ thân mẫu thân bỏ rơi chứ không ngờ đến mọi chuyện lại như thế này.

Thật lâu sau, Vệ Kí mới ngẩng mặt lên hỏi ta: "Vì thế nên mẫu thân mới nuôi con bao năm nay sao?"

Ta biết đáng lẽ ta phải nói là không phải, đáng lẽ ta phải nói là vì ta thương con. Nhưng biết làm sao đây! Phương gia là danh sĩ phái thanh liêm, song ta cũng hiếm khi tiếp xúc với họ. Mặc dù kinh thành quanh quẩn chỉ vậy, biết sẽ biết, nhưng biết cũng chỉ là biết thôi.

Khi hoàng đế vừa mới bảo ta nhận nuôi thằng bé, ta đã từ chối ngay. Nuôi dạy trẻ con có đơn giản như nuôi con chó con mèo đâu. Mặc dù, cũng sẽ không phải tự mình săn sóc hết mọi việc, nhưng dẫu sao vẫn phải lo thêm khối chuyện. Hơn nữa, đó cũng chẳng phải là con ruột của ta.

Nếu như ta thích trẻ con, vậy chi bằng tìm một đứa bé mồ côi, nuôi lớn, cho ăn học, sau này có người dưỡng già, có người ma chay cho. Nhưng mà ta không thích trẻ con. Đúng ra mà nói, ta không thích chia ly. Cho nên, ta đã từ chối ngay từ lúc chưa bắt đầu.

Song hoàng đế cứ thiết tha mãi. Ta biết không phải ngài không tìm được ai khác mà là vì ngài cám cảnh ta một thân một mình. Còn đứa bé này lại đang bơ vơ, không người thân thích. Nên ngài muốn thành toàn cho cả hai. Cuối cùng ta vẫn yếu lòng nói ta muốn xem thử đứa bé ra sao. Hoàng đế đồng ý ngay.

Đó là lần đầu tiên ta gặp Vệ Kí. Khi ấy, con còn nhỏ lắm, lại gầy gầy, còn chưa đầy 100 ngày. Con của Vệ Thanh tầm ấy là mập mạp trắng trẻo lắm rồi. Trông Vệ Kí như một chú mèo con, thấy mà thương.

Có lẽ vì vậy nên ta mới đồng ý. Sau này, mọi chuyện cứ thuận theo tự nhiên thôi.

"Nếu ta nói ta nhận nuôi con là vì con chứ không phải vì thứ gì khác, con có tin không?"

Vệ Kí lắc đầu.

"Về phòng suy nghĩ đi, con cũng lớn rồi, ta không thể giấu con cả đời được." Ta dặn dò.

45.
Cuối cùng Vệ Kí vẫn trở về Phương gia, đổi thành họ Phương, nhưng không đổi tên bởi vì năm ấy không còn ai đặt tên cho A Kí cả.

Tuy vậy, dù gì A Kí vẫn còn nhỏ nên ta vẫn tiếp tục nuôi thằng bé. Không biết có phải vì chuyện thân thế không mà càng ngày A Kí càng nỗ lực học hành, học đến gầy rộc cả người.

Ta âm thầm thở dài, thường xuyên khuyên con không nhất thiết phải làm như thế. Ta cũng chỉ có thể làm vậy. Cơ mà, thằng bé cứ vâng vâng dạ dạ, cuối cùng vẫn thức đêm học bài.

46.
Lại qua vài năm nữa, cuộc sống quanh ta có nhiều sự thay đổi. Thay đổi lớn nhất chính là Phương Kí. Giờ đây, A Kí sắp sửa tham gia kì thi đình, danh hiệu tiến sĩ chắc chắn nằm trong tầm tay.

A Kí có sẵn thiên phú học hành, cộng thêm mấy năm khổ luyện, dù không đến mức luôn luôn đứng thứ nhất nhưng cũng tính là trò giỏi. Vị trí Tam giáp thì khó nói trước được, thằng bé cũng còn trẻ quá, ta không dám mơ mộng. Nhưng danh hiệu tiến sĩ thì có vẻ khá chắc. Dẫu sao A Kí cũng là hậu nhân duy nhất của Phương gia.

Kết quả không quá bất ngờ. Nhưng có một điều ta không ngờ tới, đó là A Kí không muốn làm quan.

"Thế mấy năm nay con nỗ lực vì điều gì?" Ta thấy khó hiểu. Hơn một nghìn ngày miệt mài học tập, song lại không muốn làm quan? Đúng là không hiểu nổi!

"Tất nhiên là để làm một anh hùng hành hiệp trượng nghĩa như phụ thân rồi."

"Kí Nhi, thế gian này không còn cần người như phụ thân con nữa rồi."

Ta dành cả tối tâm sự với con, đại khái ta biết là vì sao rồi. Học văn là vì Phương gia. Nhưng thằng bé lại không muốn đi theo con đường ấy. Có lẽ là vì nó đã không còn niềm tin đối với hoàng quyền.

Chỉ cần không làm chuyện trái với luân thường đạo lý thì lựa chọn sống theo ý mình là một lựa chọn tốt. Giống như ta vậy. Cho dù là đã sang cái dốc bên kia của cuộc đời, cho dù trông tỷ muội giao hảo năm xưa nay đã lên chức tổ mẫu, quây quần bên con cháu, nhưng ta vẫn không hối hận.

Cho nên, ta biết mình không thể khiến Vệ Kí thay đổi quyết định. Mà ta cũng không muốn thằng bé thay đổi.

Chỉ là ta khá lo lắng về một chuyện. Ấy là thằng bé kêu nó định lang bạt giang hồ. Cho đến bây giờ ta vẫn cảm thấy thế giới ngoài kinh thành kia vô cùng nguy hiểm. Vệ Yến rời kinh và không còn quay trở về. Đô thành là nơi ta đã gắn bó nửa cuộc đời, có biến động cỡ nào ta cũng không sợ. Ta chỉ sợ những nơi xa lạ.

Nhưng, ai rồi cũng phải trưởng thành mà, nên ta đồng ý để thằng bé đi.

Ta bảo Phương Kí đi nhớ viết thư cho ta, ta sẽ vẫn ở đây đợi con quay về.

47.
Phương Kí phiêu bạt giang hồ, cuộc sống của ta trầm lặng hơn nhiều, không quen lắm.

Vườn rau nhỏ của ta khá tươi tốt. Năm xưa ta chìm đắm vào thú vui điền viên, từng bảo hoàng hậu đợi ngày thu hoạch. Tiếc là nàng chẳng đợi được đến ngày ấy. Chuyện xưa còn đấy nhưng người nơi nao! Mỗi lần nhớ đến chuyện cũ, cõi lòng ta lại phảng phất bi thương. Bao nhiêu năm, bao nhiêu kỉ niệm! Bỗng chốc chỉ còn lại mình ta.

Đây không phải lần đầu tiên ta trải qua cảm giác này. Và cũng sẽ không phải là lần cuối cùng.

Năm ấy, ta và Lý thị xảy ra mâu thuẫn, nhưng đến nay cả hai đều có tuổi rồi, nên cũng không muốn tính toán chuyện xưa nữa. Nên dạo này cũng hay đến thăm hỏi nhau hơn. Hai con trai của nàng đều đã thành gia lập thất, có con cái cả rồi.

Có điều, vinh quang hiển hách của phủ tướng quân xưa đã sớm biến mất. Văn thần muốn lập nghiệp bao giờ cũng trắc trở hơn. Thêm nữa, Vệ Thanh thân cô thế cô nên khó càng thêm khó. Ngày xưa, có lẽ tướng quân cũng từng cân nhắc đến chuyện này nên muốn thay đổi dần dần. Trong phủ, võ có Vệ Yến, văn có Vệ Thanh, hai huynh đệ đồng tâm hiệp lực xây dựng cơ ngơi.

Chỉ là, không ai đoán trước được tương lai. Bóng người khuất núi, tình nghĩa nhạt phai, có lẽ thực sự không phải câu bông đùa. Không có Vệ Yến tiến cử, Vệ Thanh rất khó quảng giao được với các văn thần khác.

Dạo này ta hay ghé Vệ phủ, nhiều lúc sẽ ở lại chơi mấy ngày. Phương Kí gửi thư khá tùy hứng. Có lúc thì hai tháng, có lúc thì ba tháng mới gửi. Trong thư, thằng bé kể rất nhiều những chuyện mới lạ ở những vùng đất phương xa. Qua những dòng chữ ấy, ta cơ hồ cũng mường tượng ra được phong cảnh ngàn dặm cùng với cuộc sống muôn màu.

48.
Năm Thủy nguyên thứ 31, tam hoàng tử mưu phản.

Ta cứ nghĩ trận huyết tẩy hoàng cung năm Thủy Nguyên thứ 24 đã đủ ghìm các hoàng tử lại. Không ngờ, sức hấp dẫn của quyền thế lại lớn đến thế.

Ta cũng chỉ nghĩ là lần này cũng giống lần trước, ta vẫn là người ngoài cuộc. Không ngờ, Vệ An cũng có can dự. Vệ An là con thứ của Vệ Thanh, là đứa bé năm ấy suýt nữa nhận ta và Vệ Yến làm nghĩa phụ nghĩa mẫu. Vệ Thanh đặt tên cho hai đứa con trai là Vệ Bình và Vệ An. Bình An, đến nay cuộc đời hai đứa cũng được như tên mình vậy. Song, cũng có nghĩa là không có gì nổi bật so với bạn bè đồng trang lứa.

Không chỉ ta mà ngay cả hai phu phụ nhà Vệ Thanh cũng không hề hay Vệ An quen biết tam hoàng tử. Lần này, Vệ gia gặp phải đại họa - tịch thu tài sản, tru di tam tộc.

Song, hoàng đế vẫn niệm tình cũ, mà cũng có thể là vì có nhiều người bị cuốn vào chuyện này quá, nên ngoại trừ Vệ An, những người khác chỉ bị giam trong phủ. Không chỉ Vệ gia mà vài nhà khác cũng như vậy.

Không biết hoàng đế định xử trí thế nào. Nhưng bất kể thế nào thì Vệ gia cũng om sòm cả lên rồi. Trong đó, Trương thị, thê tử của Vệ Bình, khóc lóc kêu gào lớn nhất. Cũng phải, dù gì nàng cũng có thân thiết gì với Vệ An đâu, bây giờ lại phải mất mạng vì Vệ An, sao mà cam tâm cho được.

Nhưng, không cam tâm thì cũng làm gì được?

Chỉ trong mấy ngày mà Vệ Thanh đã bạc trắng đầu. Lý thị cầu xin ta nói giúp cho Vệ gia, nhưng mà, ta biết nói với ai đây? Ta thân thiết với hoàng hậu nhưng bây giờ nàng đã là tiên hoàng hậu rồi.

Ngày thứ ba, Vệ Thanh quỳ xuống trước mặt ta, cầu xin ta cứu hai đứa cháu của đệ ấy, trẻ thơ nào có tội tình chi. Đã nhiều năm, đệ ấy không quỳ trước mặt ta, cũng đã nhiều năm, đệ ấy không gọi ta là A Chước tỷ tỷ. Có lẽ như vậy sẽ dễ khơi gợi lòng đồng cảm hơn chăng. Nhưng mà, ta có thể làm gì được?

Ta chưa kịp trở tay, Vệ gia đã bị tống vào ngục giam. Mặc dù ta là dâu con Vệ gia, nhưng phu quân mất sớm, nên ta được tha.
______________________________

|🍃 CHƯƠNG 7|

49.
Ta cố gắng tìm cách báo với hoàng đế rằng ta muốn gặp ngài.

Ngài đồng ý gặp nhưng từ chối thỉnh cầu của ta.

"Đừng làm khó trẫm."

Nhiều năm rồi không gặp lại hoàng đế, ngài già đi nhiều.

"Đó là đệ đệ của A Yến đấy! Nhiều thế hệ Vệ gia đã hi sinh vì đất nước, ngài nỡ lòng nào nhìn nhà họ rơi vào cảnh đoạn tử tuyệt tôn."

"Đừng nói nữa!"

"Ta phải nói! Bệ hạ, A Yến chết thực sự ngài không áy náy chút nào sao?"

"Hoa thị, ngươi thôi ngay."

"Thần phụ không mong ngài đặc xá cho cả nhà họ, thần phụ chỉ cầu xin ngài tha cho hai đứa bé."

50.
Lời qua tiếng lại phải đến một hồi lâu.

Không ngờ ngày này cuối cùng cũng đến. Không còn Vệ Yến và hoàng hậu làm cầu nối, sớm muộn ta và hoàng đế chẳng còn liên quan gì đến nhau.

Ta biết vậy. Nhưng mấy ngày gần đây hoàng đế liên tục ban chỉ, ta lo lắng không yên. Ta thực sự hi vọng ngài có thể tha cho Vệ gia, dù cho là vì ngài hổ thẹn với Vệ Yến cũng được, giống như hồi đầu khi ngài mới đăng cơ. Chẳng trông mong ngài tha cho toàn Vệ gia, chỉ mong ngài tha cho hai đứa trẻ con. Chúng nó mới có 2 tuổi, 5 tuổi.

Cuối cùng ngài bỏ qua cho Vệ gia. Đến Vệ An cũng chỉ bị lưu đày, còn cả nhà bị giáng xuống làm thường dân. Như thế đã rất rốt rồi, ít nhất là tốt hơn ta nghĩ nhiều.

Vệ Thanh nói đệ ấy chuẩn bị về Thường Tầm, đó là nơi chôn rau cắt rốn nhà họ Vệ. Năm xưa, Thái Tổ hoàng đế khởi binh, Vệ Gia ở Thường Tầm đầu quân dưới trướng ngài. Nhờ đó, Vệ gia mới gầy dựng được sự nghiệp. Bây giờ trở lại đó cũng coi như là lá rụng về cội.

Đệ ấy hỏi ta có muốn đi cùng không. Ta suy nghĩ, sau đó từ chối. Ta đi rồi vậy ai sẽ nhận thư của Phương Kí.

51.
Lại hai năm trôi qua, Phương Kí trở về, dẫn theo một cô nương, bảo là ý trung nhân của nó. Cô nương kia tên Lương Chiêu Chiêu. Đôi mắt con bé trong và sáng, cảm giác trong trẻo như làn nước, hơi giống Huệ An.

Hai đứa ở nhà với ta hơn hai tháng rồi lại định lên đường. Chuyến này có cả ta đi cùng. Đầu tiên ta đến Thường Tầm, sau đó tìm một nơi yên tĩnh dưỡng già.

Trước khi đi, ta bán mấy mảnh đất và cửa tiệm. Ngoài căn nhà này ra, ta chỉ giữ lại một mảnh đất nhỏ ở vùng ngoại ô kinh thành. Nơi ấy đầy những cây hoa hạnh hoa đào. Rất lâu về trước, chính tại nơi ấy, Vệ yến nói đợi chàng quay trở về sẽ cưới ta.

Nơi ấy có hồi ức của hai ta, ta không nỡ bán.

Ta sắp xếp đồ đạc cẩn thận, nhưng cũng chẳng mang theo bao nhiêu. Quan trọng nhất là phải mang theo bài vị của phụ mẫu và A Yến, cùng với đó là hộp đồ nữ trang của ta. Trong ấy, có nhiều món trang sức Vệ Yến tặng ta. Có mấy cây trâm khắc bằng gỗ hoa đào, cây thì thô ráp, cây thì tinh xảo. Có cả những cây trâm bạc chế tác vô cùng tỉ mỉ, cũng có cả trâm ngọc quý giá. Tất cả đều bị mài mòn, nhẵn bóng theo thời gian.

Ta chỉ dẫn theo mấy người hầu. Mấy năm trước ma ma ốm yếu qua đời, còn đại a đầu thiếp thân đã đổi đến mấy lần. Bây giờ, ai muốn ở lại thì ta sẽ trả khế ước bán thân cho ở lại, còn ai muốn đi cùng thì ta sẽ dẫn theo.

52.
Ta gặp lại Vệ Thanh. Đệ ấy sao già nhanh quá, tựa như còn già hơn cả ta. Năm xưa, Vệ Thanh bị cách chức, nhưng tiền bạc vẫn còn đó, bồi bổ vào thì cũng đâu đến nỗi. Có lẽ là do trong lòng canh cánh nỗi hổ thẹn. Nhưng mà, hà cớ phải vậy, đời này đệ ấy đâu làm sai điều gì, còn đời người khác mình lo thế nào được.

Còn về Lý thị, cách đây không lâu nàng ấy bệnh nặng không qua khỏi. Giờ cả nhà sống dựa vào Vệ Bình và Trương thị. Trông hai đứa cháu nhỏ quần áo tươm tất, có lẽ cuộc sống cũng không tệ.

"Tẩu tẩu, những chuyện năm xưa rốt cuộc là lỗi của ai?"

Ta không biết. Nếu như năm xưa Vệ Thanh không theo nghiệp văn, không biết tương lai Vệ gia thế nào. Nhưng đó vốn không phải quyết định của đệ ấy, khi đó, đệ ấy vẫn còn là trẻ con.

"Không ai sai hết, đệ đừng nghĩ nhiều, là phúc là họa thì đều là do trời định đoạt."

"Nếu như huynh trưởng còn sống, mọi chuyện sẽ chẳng đến nỗi này."

"Cũng không nói trước được."

Tuổi trẻ kẻ sĩ sẵn sàng hi sinh vì tri kỷ. Tuổi già, lòng nhiều hoài nghi, không ai biết được lòng ai thế nào. Tuy vậy, nếu Vệ Yến còn, ít nhất ta sẽ sống vui vẻ hơn.

Dù có thế nào thì đời ta, từ ngày thiếu nữ cho đến tuổi xế chiều, không phải vò võ một mình.

53.
Ta lại lên đường nhưng không đi xa. Ta chọn một trấn nhỏ gần đó sống nốt những ngày cuối đời. Cũng ổn. Ta không giữ đôi phu thê Phương Kí lại, cứ để cho đôi trẻ tiếp tục con đường phiêu bạt góc bể chân trời đi! Ta dặn nếu có thời gian nhớ về thăm ta, vậy là được.

Sau này ta sẽ yên nghỉ tại nơi đây, đời này sống như vậy là đủ rồi.

54.
Năm Thủy Nguyên thứ 38, ngày 21 tháng 3, hoàng đế băng hà.

Một thời đại nữa đã kết thúc, Vệ Yến đã xa ta 41 năm.

Đông chí năm ngoái, ta tiễn đưa Vệ Thanh về nơi an nghỉ. Đệ đệ thuở bé gọi ta là A Chước tỷ tỷ, sau này gọi ta là tẩu tẩu, bây giờ đã nằm yên dưới nắm đất.

Thực sự không ngờ ta lại là người sống lâu nhất trong thế hệ mình. Ta tận mắt chứng kiến người thân, bạn bè lần lượt rời đi. Nhưng thương tiếc nhất là những đứa trẻ sinh mệnh quá ngắn ngủi. Lẽ ra các con phải được sống cuộc đời hạnh phúc.

Phụ thân, mẫu thân, Vệ Yến, Vệ Thanh, hoàng hậu, thái tử, Huệ An, hoàng đế... từng người rời bỏ ta. Nhưng chính họ là những mảnh ghép tạo nên cuộc đời ta.

55.
Năm mới vừa sang. Pháo hoa nở rực trên nền trời, ai ai cũng háo hức. Nhưng ta lại thấy hơi mệt, bèn mò lên giường nghỉ sớm.

Ta mơ. Trong mơ, ta vẫn đang là thiếu nữ. Ta khóc lóc không cho Vệ Yến ra trận, lôi chuyện hôn sự ra để ép chàng ở lại, thậm chí còn tuyệt thực. Vì là mơ, nên ta chẳng ngại giở đủ điều vô lý. Ai bảo chàng yêu ta! Cuối cùng chàng cũng chịu thua.

Bởi vậy nên ngày thành hôn vẫn diễn ra đúng như dự định. Hôm ấy, biết bao nhiêu của hồi môn cuối cùng cũng đợi được ngày rước quanh kinh thành, bù đắp cho nỗi tiếc nuối suốt nửa đời người. Hôn lễ của hai ta cực kì náo nhiệt.

Sau khi thành hôn, cuộc sống phu thê hòa hợp, hạnh phúc. Bọn ta có một con trai, một con gái. Con trai giống Vệ Yến, còn con gái giống ta. Tướng quân phu nhân sống thọ hơn. Vệ Thanh được sống những ngày tháng vô lo vô nghĩ vì phủ đã có Vệ Yến chống đỡ. Phụ thân mẫu thân ta chẳng còn âu sầu vì ta nữa. Ta hay dẫn các con về thăm phụ mẫu. Con cháu đều mạnh khỏe nên phụ thân, mẫu thân cũng vui lây, khỏe lây. Mẫu thân còn đợi được đến lúc đón chắt trai chào đời, còn phụ thân sống được đến lúc cháu gái đi lấy chồng.

Chỉ có con đường đạt được ngôi vị của hoàng đế là trắc trở hơn, nhưng vẫn thành công. Vệ Thanh thi đỗ thám hoa vào năm đầu tiên sau khi tân hoàng đế đăng cơ. Đệ ấy thành gia lập thất, phu thê hòa hợp, con cái ngoan ngoãn.

Trong mơ, thái tử không bị mưu hại. Hoàng đế đã sớm dẹp yên dã tâm của các hoàng tử. Lục gia không xứng với Huệ An. Huệ An lấy được tấm chồng như ý. Còn hoàng hậu mặc dù vẫn một thân bệnh tật, nhưng trong thế giới này nàng có con cái ở bên, không phải trải qua cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.

Hoàng đế và Vệ Yến phối hợp ăn ý diệt trừ loạn thần tặc tử ngay những năm đầu. Phương gia được sống an yên, Phương Kí không phải lâm vào cảnh cù bất cù bơ. Mà tên của thằng bé là Ký Viễn.

Cơ mà thằng bé vẫn vậy, khác hẳn mấy người nhà nó. Học hành tấn tới song lại chỉ thích võ nên nó tìm đủ mọi cách bái Vệ Yến làm sư phụ.

Sau này, hai ta già rồi, Vệ Yến từ quan, con cái lớn khôn, ta và chàng sắp sửa lên chức tổ phụ tổ mẫu. Hai ta âm thầm rời khỏi kinh thành du sơn ngoạn thủy, hưởng thụ nốt quãng đời còn lại. Trong mơ, hai ta bên nhau đến khi đầu bạc răng long. Trong mơ, hai ta nắm tay nhau cùng sang thế giới bên kia. Không phải chịu cảnh một người lẻ loi giữa đời.

Tốt biết bao!

(Kiếp này đã tận)
______________________________

|🍃 NGOẠI TRUYỆN_VỆ YẾN|

1.
Ta không ngờ mình sẽ chết như vậy, chết trong chính tay người mình tín nhiệm. Khi quyết định ra trận, ta sẵn sàng đối mặt với cảnh da ngựa bọc thây, xác phơi sa trường. Song, ta thà chết dưới tay quân địch còn hơn chết vì bị quân mình đâm sau lưng.

Chỉ một chút nữa thôi là ta đã có thể quay về cưới cô nương ta thương. Nhưng bây giờ tất cả đều hóa hư vô.

Trước lúc nhắm mắt, trong đầu hiện lên đầy chuyện cũ như hình ảnh chạy trên chiếc đèn kéo quân. Điều hối hận duy nhất là ta đã hẹn ước sẽ cưới A Chước. Từ nhỏ, tính A Chước đã bướng bỉnh, ta sợ khi biết chuyện nàng sẽ làm chuyện dại dột.

2.
Vốn nghĩ chết là hết, thật không ngờ trên đời này thực sự tồn tại thứ gọi là linh hồn. Ta không sợ mặt trời, cứ thế bay thẳng về kinh thành. Ta trông thấy A Chước khóc sưng mắt, trông thấy mẫu thân khóc đến lịm đi mấy lần, trông thấy đệ đệ nước mắt lưng tròng đang thì thào gì đó với chính mình.

Ta ở ngay bên cạnh nhưng lại không thể chạm vào. Ta chứng kiến những người mình thương đau khổ khôn xiết nhưng lại chẳng thể nói với họ thực ra ta đã về rồi.

Bàn tay ta xuyên qua người họ, chỉ ôm được không khí. Ta cũng muốn khóc cho vơi bớt nỗi lòng, không quan tâm đến luận điệu "bậc trượng phu cần chi rơi lệ". Ấy vậy, hồn ma chẳng thể khóc.

Ta tự an ủi mình, còn được ở trong trạng thái linh hồn thế này, ít nhất ta cũng được thấy cảnh A Chước thành hôn, được thấy ngày mẫu thân bạc đầu giai lão, được thấy đệ đệ thành gia lập thất. Theo một nghĩa nào đó, thì đây cũng là một cái kết viên mãn, cho dù, ta không thực sự được ở bên họ.

3.
Ta chẳng ngờ được A Chước khăng khăng gả vào phủ. Ai nấy đều hết lòng khuyên nàng. Phụ mẫu nàng giảng giải hết nước hết cái. mẫu thân ta cũng tự lấy mình làm gương khuyên lơn, những tỷ muội thân thiết với nàng cũng đến. Nhưng nàng vẫn nhất quyết làm theo ý mình.

Nhìn nàng ôm bài vị của ta bước vào phủ, không hề có tiếng vui mừng đáng lẽ phải có trong tiệc thành hôn. Không gian lặng ngắt đến rợn người. Gánh nặng đổ dồn lên đôi vai mảnh khảnh của nàng, ta chẳng nỡ lòng nào, nhưng cũng không làm gì được.

Ta thực sự hi vọng có ai đó đánh thức được nàng. Khi còn sống, tất nhiên ta mong có thể cưới nàng, cùng nàng sống đến đầu bạc răng long. Nhưng ta chết rồi, ta hi vọng tiểu cô nương ta thương sẽ quên ta đi và cưới một người khác.

Nếu đã không thể ở bên nhau, vậy mong nàng hãy tìm một người đối đãi nàng thật lòng và sống ấm yên đến ngày đầu bạc. A Chước rất giỏi giang, có biết bao nhiêu người mến mộ nàng. Cớ gì phải lựa chọn con đường tăm tối này!

Nàng được hạnh phúc, như thế là đủ rồi.

4.
Năm tháng trôi qua, nhưng lòng nàng chẳng đổi. Càng ngày mẫu thân càng yếu, may có nàng tận tình chăm sóc. Và cũng vẫn là nàng săn sóc đệ đệ học hành. Nàng gầy đi nhiều. Thường ngày nàng còn hay chép kinh Phật. Đó không phải là dáng vẻ của một cô nương ở độ tuổi hoa!

Nếu như ta còn sống, nàng sẽ chẳng phải học những thứ này. Mỗi ngày, nàng chỉ cần sống vui vẻ, tô điểm cho bản thân, sống như lúc nàng chưa xuất giá.

Tận đáy lòng, ta mong một ngày kia nàng thấy mệt và từ bỏ. Mặc dù có nàng mẫu thân và đệ đệ sẽ có chỗ dựa. Nhưng mà, đó vốn không phải là trách nhiệm của nàng. Nàng phải được sống cuộc đời của chính mình, chứ không phải là lãng phí thời gian tươi đẹp của mình chỉ vì ta.

Như vậy không công bằng với nàng.

5.
Mẫu thân mất rồi. Màu trắng tang thương lại lần nữa bao trùm phủ tướng quân.

Thực ra mẫu thân đã mang bệnh từ lâu, từ lúc phụ thân qua đời người cũng yếu hẳn đi, chẳng qua vì nghĩ cho con cho cái nên mới cố gắng gượng.

Sau này, khi ta xuất chinh, mẫu thân dặn dò ta nhớ phải trở về bình an. Những lời dặn ấy cũng giống như khi phụ thân đi đánh trận vậy. Không ngờ, cuối cùng lại là người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.

Bởi vậy, mẫu thân mất ta cũng có trách nhiệm.

6.
Từ vương đăng cơ, ngài ban thưởng cho ta rất hậu. Nếu ta còn sống, chắc giờ A Chước phải vui biết mấy. Nhưng, ta không còn, nàng chỉ nhìn những phần thưởng kia với ánh mắt lạnh nhạt, rồi bảo người đổi biển phủ mới.

Từ nay về sau, Vệ gia không còn tướng quân nữa.

7.
Thời gian thấm thoắt trôi, ta vẫn luôn ở bên dõi theo nàng. Ta trông cảnh nàng và Lý thị xảy ra xích mích, chứng kiến phụ mẫu nàng qua đời, thấy nàng nhận lời chăm sóc Vệ Kí, nhìn nàng đối xử với Huệ An như con gái mình, nhìn nàng đưa tiễn hoàng hậu...

Cả chặng đường ấy chỉ nhuốm màu cái chết, không thấy màu sự sống.

A Chước khổ quá! Tất cả đều là tại ta! Tại ta quá kiêu ngạo, cho rằng chỉ cần học võ nghệ, hiểu binh pháp là có thể giành được thắng lợi. Sau đó, ta sẽ rước nàng về phủ trong tiếng hoan hô ngợp trời. Và nàng sẽ trở thành cô nương được ngưỡng mộ nhất chốn kinh thành.

Chưa bao giờ ta nghĩ mình lại bại vì lòng người, bại vì nguyên nhân ta không ngờ nhất. Đến tận bây giờ ta vẫn thấy khó tin. Đó là vệ binh phụ thân đích thân chọn cho ta. Mấy đời nhà hắn đều đi theo Vệ gia. Vậy tại sao hắn lại phản bội ta, phản bội đất nước, làm vậy hắn nhận được lợi ích gì?

Nếu như ta không vội vàng, từ từ lập nghiệp, vậy thì ít nhất ta vẫn còn tương lai, trong tương lai ấy ta ở bên A Chước với con cháu sum vầy. Chứ không phải là để lại mình nàng cô độc giữa cõi đời, đau đáu nhớ về mười mấy năm hai ta bên nhau. Nàng chầm chậm đi qua cuộc đời đằng đẵng với vỏn vẹn nguồn sống là đoạn tình cảm ngắn ngủi thời niên thiếu.

8.
Nàng tìm đến hoàng đế, làm ầm cả lên vì chuyện con cháu Vệ Thanh.

Bây giờ, hoàng đế không còn là vị Từ vương trong kí ức của ta nữa, không còn là người bạn tri kỷ khiến ta sẵn sàng hy sinh. Ngài giống hoàng đế hơn. Ấy là một người sẽ chọn hi sinh những người vốn dĩ có thể không cần hi sinh chỉ vì đại cục. Ta không biết vậy là sai hay đúng, chỉ biết sự cách biệt giữa hai ta đó là thời gian.

Ta chết khi còn trẻ, bao năm nay cũng chỉ là một người quan sát, nên tuổi trẻ vẫn nồng nhiệt, không thể bắt cùng nhịp suy nghĩ với ngài ấy. Giữa những mưu kế, ngài dần trưởng thành, lãnh đạm có lẽ cũng chẳng phải sai hay đúng.

Cuối cùng, ngài vẫn tha cho Vệ gia, có lẽ là vì vẫn nhớ đến tình nghĩa xưa. Nhưng ta biết chắc chắn sẽ không có lần sau. Vệ gia từ đây chính thức lụi tàn, nghĩ lại mới chỉ mấy chục năm.

Năm xưa phụ thân phó thác trách nhiệm cho ta, cuối cùng ta vẫn phụ tấm lòng người. Vệ Thanh cố gắng hết sức nhưng, quan văn tướng võ xưa nay con đường chẳng giống nhau. Đệ ấy không có ai giúp, từng bước đi đến ngày hôm nay thực sự là đã phải bỏ ra rất nhiều sức lực.

Nếu như ta còn sống, ta có thể giúp đệ ấy, để con đường đệ ấy đi sẽ dễ dàng hơn. Nhưng không có nếu như.

9.
A Chước già rồi. Không biết tự bao giờ tóc mai đã nhuốm màu gió sương, song đôi mắt vẫn trong và sáng như năm xưa. Trong trái tim, ta nàng mãi mãi là cô nương xinh đẹp nhất.

Qua một thời gian, hoàng đế băng hà. Nghe tin, trên gương mặt nàng hiện lên một cảm giác mất mát trước dòng chảy thời gian. Cố nhân ai nấy đều ra đi, câu chuyện của chúng ta rồi một ngày cũng đến hồi kết.

Năm mới vừa sang, ta thấy A Chước đi nghỉ sớm. Nhưng ta chẳng ngờ, lần này A Chước chìm vào giấc ngủ ngàn thu.

Tiểu cô nương của ta ơi, sống sao mà khổ quá!
Hết

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #nguoc#sad