Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

KHI TỈNH DẬY, TÔI TƯỞNG TRỜI ĐÃ SÁNG


[Bài dự thi "Họa cốt"]

Hôm nay tôi đã mơ thấy nhà tôi ngày còn bé, mọi sự hết sức chân thực, trong hôm nay, hoặc trong ngày mai.

Độ một buổi cuối đông, lá ngoài vườn rụng nhiều và xẹp kép, nhàu nhĩ trong mấy vũng ổ gà gập gềnh hoặc nhấp nhô sỏi trắng xám trên con đường đất trước nhà, thấy rõ cả đường gân lá ngả nâu ẽo ọt. Tôi vẫn thu mình lại trong tập chăn bông, vá chin chít vài nơi, vải ngày một ít nên cái chăn cũng như co lại nhăn nhúm đôi chỗ. Chị Thu dấu mặt vào một góc chăn nâu, đã sờn và bông đã vón lại, nhưng vai chị lại bần bật, mắt chị lại rưng rức.

"Như ơi, thế là Hoài và Vận lại không đến được với nhau."

Chị Thu vẫn mải miết khóc ướt một mảng chăn, tôi gấp quyển sách của chị lại và xếp nó ngay ngắn trên đầu giường. Và mẹ tôi đi vào, bảo là cơm nguội mẹ dành trên chạn bếp, với lại đã đến giờ cho lợn ăn cám. Thế rồi tôi tỉnh lại, khi mà tôi vẫn chưa kịp đáp lời mẹ tôi.

Tôi đã khóc đấy, thật mệt mỏi, ngay cả trong giấc mơ. Nhưng mà có lẽ tôi đã khóc rất lâu trước khi tỉnh dậy, trước khi tôi mơ thấy chị Thu nức nở hay mẹ tôi bước vào, những đường lăn của giọt đau khổ chồng chéo trên má tôi, khô khốc lại và nhơn nhớt. Qua rãnh hở nhỏ hình tam giác của tầng đá, tôi thấy vài tia sáng chiếu vào, nhỏ thôi nhưng đủ để tôi biết trời đã sáng. Đêm qua ngoài kia tiếng phản lực của máy bay trên tầng trời nhỏ bớt, những trận bom nổ cũng ít dần, đất đá cũng không còn đổ sầm sầm lên người tôi nữa, người ta đã bỏ tôi mà đi, trước cả khi tôi kịp cầu cứu.

"Cậu biết không, hôm nay là ngày những chiến sĩ Việt Nam gửi thư về cho những người thương yêu."

Tôi nhìn tập thư xếp ngay ngắn trong cặp, một vài lá đã nhàu nát khi tôi bị chôn vùi xuống lớp đá này, một vài lá khác không biết rơi mất từ bao giờ, có vài giờ, tôi tự giết thời gian bằng cách bịa ra giả thuyết rằng mấy lá thư kia đã tự đi tìm về với người nhận. Ít nhất thì người ta xứng đáng được biết người mà họ yêu thương có được an lành hay không. Thế nên là khi mấy mảng lồi lõm nơi tường đã cà xước vài chỗ trên cánh tay tôi, đâm thủng vài lỗ trên quần áo tôi trong khi tôi đang nỗ lực thử trèo lên, hoặc tách hai lớp gạch đá kia ra, một vài vết rách rạch qua mấy vết bỏng lỗ chỗ, trông không được đẹp mắt, nên tôi xăn ống tay áo xuống. Tôi bỏ cuộc, và tôi thấy dằn vặt.

Tôi biết, sẽ không một ai phát hiện ra tôi cả.

"Thật tiếc vì lần này tôi đã không thể hoàn thành nhiệm vụ được rồi."

Nhưng tôi không chôn vùi xuống một mình, tôi bị chôn cùng Alate, một cậu bạn có nước da bợt bạt, con ngươi xanh xỉn màu, mái tóc cậu vàng chói mắt và giọng nói khó nghe, một cậu bạn ngoại quốc. Chịu thôi, dù có cố gắng đến mấy tôi vẫn chẳng ưa gì lũ xâm lược, hoặc những người cùng đặc điểm với họ, hơi phiến diện bởi tôi biết không phải kẻ cầm súng nào cũng sẽ kéo cò trước một người đáng thương.

Và rồi, Alate, cậu ta không dám nhìn vào mắt tôi, có thể đối với cậu ta, một người Việt Nam trông rất đáng sợ, hoặc là tôi, người mà bỏng mất gần nửa khuôn mặt trông rất buồn cười. Có là gì đâu, một trận làng tôi bị đốt, chị Thu còn bỏng nặng hơn tôi nhiều, lần đó đám mồng tơi trong vườn của mẹ tôi bị cháy rụi một cách tội nghiệp. Có là gì đâu, vì lần đó, mẹ tôi không qua khỏi mất rồi.

"Để tôi kể cậu nghe, rằng là chiến tranh đáng sợ lắm nhé, nhưng một người khoác lên mình tấm vải lanh đắt tiền được may chăm chút, đeo trên cổ dây chuyền bằng bạc lấp lánh như cậu liệu có hiểu được không nhỉ? Nhưng thôi, dẫu sao, bây giờ cậu đã ở Việt Nam rồi, cậu sẽ hiểu thôi"

Tôi đã lấm lét men theo những tòa chung cư trơ trọi, nghiêng ngả trên nền gạch vụn vỡ và bụi bặm chung quanh, hoặc có tòa đã khuyết mất một nửa, hoặc là đã sụp xuống hòa vào tầng đá phía dưới chỉ trơ lại cái nền móng và vài bức tường bốn phía nham nhở. Đêm qua giặc phá nơi này ác quá, những tòa nhà cháy phừng lên như cây đuốc vậy, tiếng rúng động bom phát nổ làm nền đất rung lên tưởng như nứt toác, vài lớp tro than thỉnh thoảng bị gió cuốn lên, xộc vào mũi tôi mùi ngai ngái. Chín giờ năm sáng, tôi phải nhanh chân cho kịp chuyến tàu đến thành phố bên cạnh, nếu không thì chồng thư này cũng chỉ là mấy dòng chữ bỏ đi. Nhưng lại vô cùng nắn nót, vô cùng yêu thương. Những kẻ xâm lược không quan tâm, có lẽ vì thư của họ cũng bị vùi chôn rồi, có lẽ họ cũng đã khóc một ít.

"Đừng lắc đầu với tôi, dù cho cậu không hiểu tiếng Việt đi nữa, đừng buồn quá vì tôi cũng chẳng hiểu cậu nói gì đâu. Cơ mà trước khi hóa thành cỏ hoa thì tôi muốn được nói chuyện với một con người."

Tôi mở mắt và thấy trời sáng năm lần, trời tối năm lần, sao lên năm lần và Alate không nói gì nữa. Chúng tôi đã kêu gọi khản cổ trong ngày đầu tiên, nhưng thật không may, tiếng bom hay tiếng đạn xé gió, tiếng người ngã xuống và tiếng chân dẫm hằn sâu trong lòng đất đã át đi những tiếng kêu yếu ớt của chúng tôi, bằng cả hai thứ tiếng. Hoa mười giờ còn biết nở lúc mười giờ sáng lẫn hai mươi hai giờ đêm thế nên hai ngày tiếp theo tôi tin chắc rằng chúng tôi vẫn hi vọng một ai đó, người mà có thời gian ngồi xuống nền đất nóng hôi hổi sau trận chiến, vặn một bình nước và tuôn vào cổ họng sẽ nghe thấy chúng tôi.

Tuyệt nhiên, không một ai. Những vệt máu trên đầu ngón tay tôi đã bắt đầu khô lại rồi.

"Từ ngày bé mẹ tôi đã dạy dỗ tôi rằng điều nhân dân nước chúng tôi cần là tự do, độc lập, hạnh phúc, hầu như chúng tôi còn không đủ thời gian để yêu nhau. Ba tôi rất ít khi về nhà, đã rất lâu rồi tôi không còn gặp ông ấy nữa, nên tôi quyết định trở thành người đưa thư từ mặt trận, liệu rằng có cơ hội nào để tôi gặp lại ba không nhỉ?"

Nhưng tôi biết là không.

Alate, cậu ta là người phương Tây, tôi tự hỏi cậu ta sống trong hoàn cảnh nào, ba mẹ cậu ta có kể cho cậu ta nghe về việc đất nước họ đang xâm lược nước tôi hay không? Cậu ta có được nghe kể về những người nông dân trên đất nước mà chính quyền nước cậu ta đã châm ngòi chiến tranh không? Những người lính trên chiến tuyến có viết thư gửi cậu ta hay không? Tôi đoán là không, vì cậu ta thu mình run rẩy vào một góc, lẩm bẩm và đưa tay ôm đầu, cậu ta sợ hãi khi thấy tôi lặp lại một hành động trèo lên trên gần miệng đống đổ nát, cố đào vài mảnh gạch và rồi lại ngã xuống đau điếng, và cậu ta không biết, đau khổ để đổi lấy tự do và quyền được sống là điều xứng đáng.

"Cùng đưa thư với tôi ấy nhé, có một cô bạn tên là Hiền, bạn ấy thậm chí còn ít hơn tôi hai tuổi cơ mà dũng cảm lắm luôn, có lần Hiền bị mảnh đạn ghim trúng chân cơ, tôi thì chưa bị bao giờ. Thường ngày tôi đi đưa thư không có giờ giấc ổn định đâu, vì tôi muốn được gặp mấy chị đào đất mở đường hay mấy anh lính đang vận chuyển lương thực và vũ khí. Đáng lẽ ra thì tôi đã ở đội trinh sát rồi, nhưng tôi sẽ đi tìm ba tôi."

Liệu tôi có đưa cho ba lá thư của tôi được không nhỉ? Ngày thứ tư trong hố chôn, Alate mệt lả đi, chúng tôi khát nước và đói bụng, tất nhiên rồi, thế nên chúng tôi không kêu cứu nữa, một giọt nước mắt tôi cũng không đủ sức để ép tuôn ra. Ngày thứ năm, tôi nghe thấy tiếng tích tắc của bom nổ chậm qua mấy tầng đất, mọi sự im ắng một cách kì dị, nên tôi kể cho Alate nghe về chuyện của tôi. Cũng không có gì nhiều, tôi đã kể về chuyện cạnh nhà tôi ngày bé có một con suối, rất mát lành, tôi đã đặt tên có một con cá là Đỏ, nhưng lần đấy quân địch tràn vào làng tôi, rồi thây người chất thành hàng đủ làm cầu vắt ngang qua dòng suối đó. Tôi không gặp lại Đỏ nữa. Không có gì lạ khi thỉnh thoảng chợp mắt tôi vẫn mơ về nhà của tôi, làng của tôi, từ những ngày xưa yêu dấu.

Có tiếng đồng hồ đếm ngược của bom, có phải mấy chị ở đội trinh sát phá bom sẽ đến đây phải không? Liệu có ai nghe thấy chúng tôi không.

Tôi nghe chính câu hỏi đó vọng lại trong tim mình, mấy tiếng vang dội lại nhưng không có ai để trả lời cả. Đêm ngày thứ tư, khí trời dịu lại, bụng tôi quặn thắt và họng tôi rã rời, cảm giác như thể cuống học tôi sắp sửa rách toác ra, dạ dày tôi sắp co quắp lại, và tôi chết. Tôi có khóc một chút và tôi tự hỏi vì sao cách mạng không đến và cứu tôi, người ta đang chờ thư, người ta đang chết dần khi chờ thư? Sau đó thì tôi thiếp đi một lúc, mấy ảo ảnh chập choạng về thời bé chao đảo trong mắt tôi, về cái lúc mẹ tôi vẫn cặm cụi ở vườn để ngắt vài lá mồng tơi, mấy bông hoa lý của chị hàng xóm cứ rụng mải miết sang bên sân nhà tôi suốt. Tự dưng tôi lại thấy mình trong lớp học vỡ lòng, chúng tôi được học chữ Quốc ngữ, học tiếng mẹ đẻ. Tôi giật mình, mở mắt, đối diện tôi không phải tấm màn trong quân khu, không phải gương mặt lo lắng của cái Hiền hỏi có phải tôi khó ngủ không, mà lần trần đá, trơ trụi, tối tăm, bí bách, khó thở, giây phút đó tôi như bị nhấn chìm xuống, cố vùng vẫy nhưng không tài nào thoát ra được.

Tôi thấy những vết bỏng trên má tôi, trán tôi nóng bừng lên, chán nản và kiệt quệ. Đưa tay cấu mạnh lên bả vai tôi mới đủ sức giữ cho mình tỉnh táo. Lúc đó, nếu có một chiếc gương ở đây, hẳn là tôi sẽ tự hoảng loạn khi nhìn thấy bản thân trong gương.

Alate ngồi đó, nhìn tôi ngỡ ngàng, cậu ta như con chim non bị thiêu rụi cánh, với vẻ ngoài tuy xơ xác nhưng vẫn còn phần xinh đẹp. Có phải đứa trẻ nào ở đất nước bên kia đều được giáo dục rằng cuộc chiến này là một cuộc chiến tự vệ, một cuộc chiến chính nghĩa hay không? Tôi không còn đủ sức để kể về Ngô Quyền nữa, thế nên tôi nhìn cậu ta, con dao trong túi tôi cựa quậy, như nóng lên phừng phừng, như lửa cháy nghi ngút. Hoặc là cậu ta sẽ chết trước tôi, rồi một toán lính của địch sẽ quay lại để tìm Alate, và họ sẽ bắn chết tôi. Hoặc là tôi chết trước, rồi cậu ta sẽ được cứu bởi đội của cậu, và bọn họ cướp hết thư của tôi, những lá thư, dù chỉ là mẩu nhỏ nhưng lúc đó sẽ khiến những bí mật hiểm yếu vỡ nát. Hoặc là chúng tôi cùng chết, hoặc là một trong hai trường hợp trên nhưng đổi lại là quân ta tìm thấy chúng tôi. Những người chúng ta liệu có bắn chết Alate không?

Tôi nắm chắc con dao trong cặp, rút nó ra, Alate hoảng hốt kêu the thé trong cổ họng, mặt cậu ta trắng bệch hơn nữa, nói một vài câu gì đó tôi không cố gắng để hiểu. Thế nên tôi từ tốn, tiến lại gần Alate, với tay kéo chiếc áo màu đỏ bên trong áo sơ mi ngoài của cậu, cắt lấy từ đó một vạt rồi buộc vào một thanh sắt đã gỉ, đen mất vài đoạn và cong vòng. Tôi bẻ lại thanh sắt, đến nỗi lòng bàn tay tôi đỏ hoe, tôi lại leo lên kẽ hở giữa đống đổ nát đã đè lên chúng tôi và cắm ngọn cờ ở đó, cho lá cờ vươn ra ngoài kẽ gạch. Xong sự, tôi quay trở về trong cơn chóng mặt và khát khô đến kinh khủng.

Tôi ngồi xuống cạnh Alate, tôi giằng lấy bàn tay cậu và viết tên tôi lên trên đó, ba lần. Alate rụt tay lại, cậu ta nhìn tôi hoảng sợ và kinh hãi.

"Alate."

"Ra là cậu tên là Alate, so với cái tên đó thì tôi thích tên chị Thu hơn nhiều. Thôi được Alate, chúng mình rồi cũng sẽ chết thôi. Trong chiến tranh, sự ra đi là một điều tất yếu, nhất là khi sự ra đi đó là vì Tổ quốc, nhưng cậu biết không, cái chết của tôi lãng xẹt quá, ít nhất tôi muốn được ôm pháo nhảy vào quân địch, xin lỗi, ở đây tức là người của cậu. Trong lần sống tiếp theo, tôi hi vọng đất nước tôi đã có được độc lập, tự do. Và lúc đó tôi sẽ đi tìm ba tôi."

Tôi nằm vật vã xuống nền đất những bùn, đá và sỏi, bụi và mảnh gạch, trời đã chập choạng sáng. Tôi đã được nghe kể rằng những kẻ xâm lược có nói người Việt Nam nhìn rất giống nhau, từ khuôn mặt đến cái mũi, cái miệng, đến cả màu tóc cũng đều màu đen, trông rất khó phân biệt. Đáng lẽ bọn họ nên hỏi, công nhân, nông dân và những người yêu nước ở Việt Nam rất giống nhau vì ngay cả những nhà hoạt động yêu nước cũng có thể đứng trước mặt họ trồng lúa mà chẳng một tên lính nào phát hiện ra.

Một âm thanh không rõ, lí nhí lắt nhắt, và Alate bắt đầu nói điều gì đó rất dài. Tôi chỉ im lặng và nghe cậu ta nói, cậu ta đã lắng nghe tôi rồi và cậu ta cũng cần một người lắng nghe. Tôi đoán là Alate đang kể về gia đình cậu ta, vì lúc đó mắt cậu ấy rất sáng, cảm giác ấy rất rực rỡ, cảm giác khi ta kể về những điều yêu thương, như bầu trời sao vậy. Tôi đã ngồi như thế nghe cậu ta kể rất nhiều, tôi biết tim cậu ta còn đập.

Ngày thứ năm, tôi không đủ sức để mơ nữa, đầu óc tôi hoa lên như có cả trăm dòng chữ nhảy múa cùng một lúc. Tôi lại mở mắt sau năm lần bảy lượt mê man, nhưng kì lạ thật, trời vẫn tối. Thế nên là lúc đấy tôi biết mình sắp chết, tôi còn muốn được sống lâu hơn nữa, tôi còn muốn được thấy ngày đất nước độc lập, bừng sáng những cờ và hoa, tôi còn muốn được gặp lại ba, chị Thu và bạn Hiền, những người tôi thương yêu, nhưng thôi được, tôi có thể để dành chuyện đó cho lần sống tiếp theo. Tôi, cảm thấy bản thân sắp hít đầy khói bụi chiến tranh mà chết ngạt, tôi nằm yên không còn nhúc nhích được nữa. Đêm vẫn tối, hôm nay trời không có sao.

"Alate? Alate ơi?"

Không một tiếng đáp lại, cậu ta đi ngủ mất rồi. Alate nằm im, nhẹ nhõm. Tôi lấy hết sức lực còn lại, đi đến một bờ tường, mò mẫm trong đêm tối, hái lấy một nhành cỏ mà tôi đoán là hoa xa trục thảo có ba cánh, rồi tôi tiến lại và đặt lên tay của Alate.

"Lần sau, tôi mong chúng ta sẽ làm bạn."-Tôi tự thủ thỉ một mình.

Tôi dựa lưng vào tường, lấy ra chiếc bật lửa con con, xếp những chồng thư ngay ngắn, xé vụn chúng ra, xé qua những chữ "em thương yêu", những "gửi mẹ của con", những "xa nhớ dấu yêu", những "Hà yêu của chị"... tôi cứ xé nhỏ chúng ra, rồi tôi lại khóc, mặc dù tôi không còn nước để duy trì nhịp thở, nhưng tôi khóc, với không một giọt nước mắt nào cả. Liệu đến lúc này, Alate còn nhìn một người Việt Nam như một người Việt Nam trong tâm tưởng cậu ta không? Tôi không biết, ít nhất thì tôi đã không còn nhìn cậu ta nhưng những tên cướp nước xấu xí. Tôi nhóm lửa lên, đợi ngọn lửa lóe sáng bừng cả gương mặt tôi, chiếu lên từng đường nứt nẻ, những nếp nhăn, những quầng thâm và tuổi trẻ. Tất cả cháy rụi thành tro.

Tôi nhìn màu đỏ vạt áo treo trước kẽ hở, nhìn màu đỏ vạt áo treo trước kẽ hở, cứ như vậy mà thiếp đi, lần này tôi mơ về nhà tôi, khi mà mẹ tôi đang gội đầu cho cả hai chị em sau vườn nhà, mẹ kể chuyện về ba, về những ngày còn trẻ.

Viết xong tầm 17:57 ngày 31 tháng 3 năm 2021.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro