khi cong dai toan
Khí công đại toàn
Vài nét đan thanh về
Thiền-công, Khí-công
Giáo-sư Pape Vareilla,
Trưởng khoa Việt-học
Kiêm Viện trưởng viện Pháp-á
Chuyển-ngữ: Tăng Hồng-Minh
Tiến-sĩ văn-chương
Khí công vừa là một bộ môn y-học, vừa là một bộ môn võ-học mà nguồn gốc phát xuất từ các nước Á-châu như Việt-Nam, Trung-quốc, Ấn-độ, và Tây-tạng. Nguyên thủy, khí-công rất đơn sơ, nhưng càng về sau, khoa này càng trở lên tinh diệu vì các khí-công gia đã triết học hóa, khoa học hóa và y học hóa.
Khí-công Trung-quốc phát xuất từ các Đạo-gia, tương truyền tổ-sư là Lão-tử. Không rõ Lão-tử sinh và mất năm nào. Chỉ biết ông sống đồng thời với Khổng-tử (551-479 trước Tây-lịch). Nhưng không có chứng cớ rõ ràng rằng Lão-tử là người sáng tạo ra khoa khí-công Đạo-gia. Ta chỉ có thể kết luận rằng khí-công đã có ít nhất vào thời Lão-tử. Về thư tịch chính thức, mãi sau này, mới thấy chép đôi giòng trong Nội-kinh. Khí-công thực sự có căn bản vững chắc vào thời Ngũ-đại (1). Từ sau thời Lục-triều thì khoa khí-công Trung-quốc lại ảnh hưởng của khoa thiền, do sự du nhập của Phật-giáo. Thiền truyền vào Trung-quốc từ trước, sử không ghi rõ. Ngày nay ta chỉ có thể quyết rằng từ ngài Bồ-đề Đạt-ma.
Khoa khí-công của Việt-Nam thì bắt đầu có từ khoảng hai thế kỷ trước Tây-lịch, mà ông tổ sáng lập ra là Sơn Tinh và Lý Thân. Sơn Tinh, Lý Thân đều là nhân vật huyền sử lẫn tín ngưỡng. Theo sử thì Sơn Tinh là phò mã của vua Hùng thứ mười tám. Còn Lý Thân thì là tướng của vua An-Dương. Khi vua An-Dương đánh đuổi vua Hùng, vua Hùng bại; phò mã Sơn-Tinh đem vợ là công chúa Mỵ-Nương chạy lên vùng núi Ba-vì. Lý Thân đuổi theo, hai người đánh nhau đến hai ngày trên bờ sông Hắc-long-giang. Cuối cùng Lý Thân, Sơn Tinh rút quân, bãi chiến. Sau này dân chúng thờ Sơn Tinh, tôn làm thánh Tản. Còn Lý Thân sau làm tướng cho Tần Thủy-Hoàng Trung-quốc, đánh Hung-nô. Ngài cũng được thờ cúng và tôn là thánh Chèm.
Khoa khí công Việt truyền đến thế đầu thế kỷ thứ nhất, thì lại ảnh hưởng của khoa Thiền, do ngài Tôn-giả Nan-Đà (2) truyền vào, rồi tới thế kỷ thứ sáu ngài Tỳ-ni Đa-lưu-chi (3) lại truyền một lần nữa. Từ đấy khoa khí công Việt coi như một thứ thiền khí-công.
Còn khí-công cổ nhất ở Ấn-độ là môn Yoga, nhưng không thấy thư tịch chép ai là người tìm ra, và tìm ra từ bao giờ. Chỉ biết Yoga có trước khi Phật Thích-ca Mâu-ni sinh ra (563-479 trước Tây-lịch). Có lẽ Phật Thích-ca cũng ảnh hưởng một phần của khoa Yoga, nhưng không có gì làm bằng chứng.
Khoa khí công nổi danh nhất là môn thiền, phát xuất từ Phật-giáo, lịch sử ghi chép rõ ràng, người tìm ra là đức Thích-Ca Mâu-ni. Thiền-sử chép rằng khi ngài ngồi dưới gốc cây Bồ-đề để tìm lẽ giải thoát, thì có không biết bao nhiêu ma-vương, quỷ dữ mà ngài mắc nghiệp với chúng từ muôn vàn kiếp trước. Chúng hiện lên đòi nợ. Ngài đã dùng thiền để chiến thắng, cuối cùng đi đến giác ngộ, đắc pháp. Tất cả tinh yếu về thiền, đều chép trong các bộ kinh Lăng-già, Kim-cương, Tượng-đầu tinh-xá. Cả ba bộ kinh tuy có lối hành văn khác nhau, nhưng yếu chỉ lại giống nhau. Yếu chỉ đó thu tóm trong bài kinh chưa qúa một trang giấy mang tên Bát-nhã ba-la-mật đa tâm kinh. Ngài truyền cho ông Ma-ha Ca-diếp. Từ ông Ma-ha Ca-diếp do thầy truyền trò, đến đời thứ chín là ngài Tăng-giả Nan-đà thì truyền vào đất Việt vào thời Lĩnh-Nam. Thiền của ngài đã hợp với khí-công của tộc Việt, thành một loại Thiền-Việt, hay nói khác đi là khí-công Việt.
Cũng tại Ấn-độ, truyền đến đời thứ hai mươi tám là ngài Bồ-đề Đạt-ma (4). Ngài Bồ-đề Đạt-ma dùng thuyền đến đất Việt rồi sang Trung-quốc. Thiền đã ảnh hưởng sâu sa vào khí công Trung-quốc, đến độ hiện nay không còn một gia, một phái nào còn giữ được khí công nguyên thủy.
Vì Trung-quốc và Việt-Nam là hai quốc gia anh em, văn hóa, tôn giáo tương đồng, nên khí-công Việt truyền sang Hoa; khí công Hoa truyền sang Việt, riết rồi đến đầu thế kỷ thứ mười lăm thì khó mà biện biệt khí-công Việt-Hoa được nữa.
Các bác sĩ thuộc hệ thống ARMA, và viện Pháp-á Paris bắt đầu giảng dạy khoa khí-công vào năm 1977 và người giảng dạy đầu tiên là bác-sĩ Trần-đại-Sỹ. Tại Úc, võ-sư Trần Huy-Quyền bắt đầu dạy cho đệ tử của ông từ năm 1985, và giới hạn trong các võ sinh. Còn trường ARMA, và viện Pháp-á lại chỉ dạy cho các bác sĩ đã tốt nghiệp đại học y khoa, rồi những vị này tùy theo tình trạng bệnh nhân, mà dạy cho họ, để họ luyện tập. Hóa cho nên khí-công không truyền rộng.
Cho đến năm 1988, khoa khí-công được truyền rộng, nhưng truyền hỗn độn, truyền không có một căn bản nào. Thậm chí những người dạy chỉ mới học một vài bài, rồi cho đó là toàn bộ khí công. May mắn thay, từ năm 1994, một trong những đệ tử đắc ý nhất của giáo sư Trần Đại-Sỹ là Bác-sỹ Trần Huỳnh-Huệ, người có tâm đạo, đã chịu đem khoa khí-công giảng dạy cho quần chúng. Song rất tiếc, bà vừa là một bác sĩ, vừa là một chuyên gia nghiên cứu của trường ARMA, nên thời giờ rất giới hạn. Tuy vậy, sự dấn thân của bà cũng làm cho những ông bà thầy khí công thiếu căn bản không dám múa bậy nữa.
Vì vậy viện Pháp-á quyết định cho xuất bản bộ Khí công đại toàn này, để làm tại liệu căn bản cho việc giảng dạy.
Chúng tôi cũng chân thành cảm tạ bác-sĩ chủ-tịch cùng các vị giáo sư ARMA, các vị giáo sư viện Pháp-á, nhất là bác-sĩ Trần-đại-Sỹ, võ-sư Trần-huy-Quyền, đã đồng ý cho chúng tôi xuất bản tất cả những bài giảng dạy thành bộ sách này.
Paris ngày 10 tháng 12 năm 1998
Giáo-sư Pape Vareilla
Viện trưởng viện Pháp-á
Chú giải.
(1) NGŨ ĐẠI, gồm năm triều đại ngắn bên Trung-quốc đó là :
Đông Tấn (317-420),
Tống (420-479),
Tề (479-502),
Lương (502-557),
Trần (557-589).
Vì trong sử Trung-quốc đã có các triều Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần nên mới gọi năm triều này là Ngũ-đại để phân biệt.
(2) TĂNG GIẢ NAN ĐÀ (Samvananda), không rõ sinh, mất năm nào. Chỉ biết rằng ngài thuộc giòng thiền, đến Lĩnh-Nam đúng vào lúc vua Trưng khởi nghĩa. Tương truyền các vị tướng của vua Trưng như Nghiêm-tử-Lăng, Hoàng Thiều-Hoa, Trần-thị Phương-Chi, Lê Chân, Trần Năng, được ngài truyền thiền công. Nhưng trong thiền sử Việt-Nam lại không chép gì về hành trạng của ngài. Xin xem Động-đình hồ ngoại sử và Cẩm-khê di hận của Trần Đại-Sỹ do Nam-á Paris xuất bản.
(3) TỲ-NI ĐA-LƯU-CHI (Vinitaruci), gốc người Bà-la-môn Ấn-độ. Năm 574 đến Trung-quốc truyền bá Phật-giáo. Năm 580 sang Việt-Nam, trụ trì ở chùa Pháp-vân. Ngài là tổ của giòng thiền Nam-phương. Xin xem Anh-hùng Tiêu-sơn của Trần-đại-Sỹ do viện Pháp-á xuất bản,
(4) BỒ-ĐỀ ĐẠT-MA (Bodhidharma), còn được tôn là Đạt-ma tổ sư. Tên thực là Bồ-đề đa-la, con thứ ba của vua Thiên-trước miền Nam Ấn-độ. Ngài là tổ thứ 28 giòng thiền Ấn-Độ. Ngài qua đất Nam-hải thuộc Lĩnh-Nam (nay là Quảng-Đông) vào ngày 21 tháng 9 năm Canh-Tý (520). Ngài có thuyết pháp cho vua Lương Vũ-đế, rồi đến Tung-sơn diện bích 9 năm, truyền tâm ấn cho ngài Huệ-Khả. Ngài là tổ sư thiền Trung-quốc.
A. PHẦN THỨ NHẤT
DẪN NHẬP VỀ KHOA KHÍ CÔNG
Ai cũng có thể luyện khí công. Nhỏ nhất là 6 tuổi, lớn nhất thì không giới hạn. Khí-công có trăm nghìn hình dạng, trình độ. Người ngộ tính cao, thì luyện thành công nhiều. Người ngộ tính thấp thì luyện thành công ít. Ít thì đưa người tập đến đỗ kiện khang, tâm an, thần tĩnh. Còn ngộ tính nhiều thì trị được bệnh, tăng tuổi thọ, và nhất là khỏe mạnh, tâm thần thư thái.
Trong phần thứ nhất này, chia làm hai chương rõ rệt:
Chương thứ nhất
Dẫn nhập vào khoa khí công
biện biệt rõ khí công với các khoa anh em của nó như thiền, yoga, thể dục, võ nghệ, cùng đưa ra định nghiã.
Chương thứ nhì
Học thuyết về khí
ấn định rõ phạm vi khí công, làm cương mục cho bộ sách này.
CHƯƠNG THỨ NHẤT
DẪN NHẬP VÀO KHOA KHÍ CÔNG
Mục lục
1. Hô hấp
2. Nhập thiền
3. Luyện công, nội lực
4. Luyện võ công.
5. Yoga.
6. Kết luận.
CHƯƠNG THỨ NHẤT
DẪN NHẬP VÀO KHOA KHÍ CÔNG
Trước khi đi đến một định nghĩa chân xác rõ ràng cho khoa khí-công, cần phải nói qua về những khoa học anh em với nó, để tránh khỏi sự ngộ nhận. Nguyên thủy, trong tất cả thư tịch cổ điển, không có định nghĩa rõ ràng về khoa này. Ngay đối tượng cũng không đặt hẳn thành đường lối, cùng giới hạn. Dưới đây, chúng tôi thử đưa ra một định nghĩa giản lược, để định rõ phương hướng cho tập sách này.
Đầu tiên hãy tìm hiểu một vài vấn đề liên quan đến khí-công.
1. Hô hấp
Nghĩa là thở hít. Hô là thở ra, hấp là hít vào. Hô hấp là sự thở hít. Nhiều người thường lầm lẫn hô hấp với khí-công. Trong khí-công, trong võ học thì hô hấp để chỉ sự thở hít thông thường. Còn khi tập võ, tập khí-công mà thở hít được gọi là thổ nạp thì có nghĩa thổ cố nạp tân tức thở cái cũ, nạp cái mới. Phàm thở hít không chủ định, cứ để cho tự nhiên làm việc, gọi là hô hấp.
2. Nhập Thiền
Thiền là một pháp môn của nhà Phật, tiếng Phạn là thiền-na, để chỉ sự yên tĩnh, nhập tĩnh. Luyện thiền là một hình thức tu niệm tinh thần bằng các thức rất gần với khí-công. Chính khoa khí-công đã thu thái từ thiền-công rất nhiều. Các khí-công gia Việt-Hoa đã thái dụng phương pháp của thiền-công nhà Phật, hợp với khoa khí-công có sẵn, thành hệ thống mới, rồi biến hoá đi, thành ra khoa khí-công siêu việt mà chúng ta khảo cứu trong sách này. Thiền có nhiều ý nghĩa đạo đức, bản chất khoa thiền cũng mang đầy Phật tính:
"Ngồi tĩnh tọa, minh tâm, giải bỏ hết ngoại vật sắc giới, để đi vào cõi vô thượng bồ đề. Thiền là khoa học rất gần với khí-công, nó chính là bản thể đạo đức của khí-công. Thiền để đuổi dục vọng, sắc giới, xua đuổi ma-nghiệp trong người."
Ghi chú,
Gần đây, một vài Thiền-sư, những vị này là người dạy Thiền, cũng có vợ, có nhiều con, lại ăn mặn, làm chính trị, trang phục như tăng sĩ, đi diễn giảng về Thiền. Thính chúng tưởng các vị ấy là những tu sĩ Phật-giáo, các vị này dạy những phương pháp:
- Thiền sao cho Sex khỏe,
- Thiền sao cho Sex lâu,
- Khi Sex cảm giác tăng cao.
Đó là Khí-công, chứ không phải Thiền.
Thiền có lẽ ra đời trước Phật Thích-Ca, nhưng đến ngài thì mới đặt thành hệ thống. Khoa thiền phổ biến rất rộng khắp thế giới, nhưng chỉ giới hạn trong việc luyện thần, chứ ít đi vào tinh và khí. Khí công thì luyện cả tinh, thần, khí, sao cho thăng bằng.
Bản thể của thiền, lấy yếu chỉ trong kinh Bát-nhã, Kim-cương, Lăng-già, mục đích gạt bỏ ra ngoài "nhân ngã tứ tướng", để đi đến minh trí, giác ngộ, đắc pháp. Trong các khoa tu của nhà Phật thì thiền là lối tu tối cao. Kết quả về phương diện luyện lực, trị bệnh của thiền tuy không được như khí-công, song về đạo đức thì vượt xa khí-công. Có lẽ bậc nhất thế gian.
Nếu cụ thể so sánh về phương diện trị-bệnh, luyện lực, thiền cũng như một chiếc xe ngựa mộc mạc. Còn khí-công cũng như một chiếc xe hơi tối tân. Từ chiếc xe ngựa, đã biến thể bao lần để đi tới chiếc xe tối tân, bởi thiền được y-học, võ học hoá thành khí-công.
3. Luyện công, nội lực
Trong võ học còn nói đến luyện nội-công, bản chất khoa này là gì? Có những tương đồng nào với khí-công. Khoa luyện nội-công trái với ngoại-công. Ngoại-công là các kỹ thuật đánh, đấm, sao cho tinh vi, khắc chế địch. Nhưng ngoại-công xử dụng có mạnh hay không, phải nhờ nội-công. Như cùng một đòn đấm thẳng. Người nào cũng làm được cả. Người có nội-công cao, thì đấm có tiếng gió, có sức mạnh. Người nội-công thấp thì đấm không có lực.
Nội-công còn để chỉ sự mềm dẻo, uyển chuyển của cơ thể. Như bảo một người dùng cước đá thẳng vào mặt đối thủ. Người nội-công thấp, thì chỉ đá cao tới ngực đối thủ. Trong khi người có nội-công cao, thì đá tới đầu đối thủ dễ dàng.
Nội-công hay nội lực cũng gần tương đương với sức khỏe. Luyện nội-công, nếu có khí-công phụ trợ, thì không sợ những sai lạc làm bệnh hoạn, cũng không sợ luyện quá sức đến đau đớn, và làm cho nội-công tăng tiến hơn.
4. Luyện võ công
Võ-công là danh xưng để chỉ sự phối hợp giữa nội-công và ngoại-công. Võ-công không phải là khí-công. Tuy nhiên võ-công có tính tiến, có thể phát triển, khi giao đấu sức có bền vững hay không, đều nhờ khí-công cả.
5. Yoga
Khoa học này cũng gần với khí-công và thiền-công của Phật-gia. Một giả thuyết cho rằng Yoga ra đời trước thiền-công. Thiền-công đã mô phỏng theo Yoga rồi phát triển đi vào triết học vô thường Bồ-đề thành ra thiền-công. Cũng có thuyết nói rằng Yoga mô phỏng từ thiền-công, có sau thiền-công. Do những người tập thiền giản lược hoá đi. Dù thuyết nào chăng nữa thì cũng đi đến kết luận rằng Yoga là một thứ thiền giản dị. Hoặc thiền là một thứ Yoga đi vào vô thượng Bồ-Đề.
CHƯƠNG THỨ NHÌ
HỌC THUYẾT VỀ KHÍ
1. Khí về phương diện y khoa
Khí là danh từ để chỉ hiện tượng cổ đại về một thể tố của vũ trụ. Khí là cơ sở vật chất tối cơ bản cấu thành thế giới, vũ trụ, mọi sự trong vũ trụ do khí vận hoá sản sinh. Trong lĩnh vực y học, võ học, khí là nguyên tố cơ bản cấu thành cơ thể, khí vận động biến hoá mọi hoạt động của sinh mệnh. Bộ y thư tối cổ, Hoàng-Đế Nội-kinh Tố-Vấn nói:
"Nhân dĩ thiên địa chi sinh khí,
Thiên địa hợp khí, mệnh chi viết nhân"
(Tố-Vấn, thiên Bảo-mệnh toàn bình luận).
Nghĩa là: Con người do khí của trời đất mà sống. Khí thiên địa hợp lại gọi là con người.
Tức là chỉ vật chất của nhân-thể, do khí của trời đất nuôi sống.
Lại nói:
"Khí hoá nhi sinh, tân dịch tương thành, thân nãi tự sinh".
(Tố-Vấn, thiên Lục-tiết tạng tượng luận).
Nghĩa là: Khí hoá thì sống, tân dịch được sinh ra, thân cũng từ đó mà sống.
Tức là để chỉ cơ cấu vật chất, hoạt động sinh mệnh do khí mà có. Theo những dẫn chứng trên, thì trong võ học, y học dùng danh xưng khí để chỉ hai loại:
Một là để chỉ: sự cấu thành nhân thể, duy trì tinh vi vật chất của mọi hoạt động sinh mệnh. Như thủy cốc khí, hô hấp khí.
Hai là chỉ công năng sinh lý của tạng phủ. Như khí của tạng phủ, khí của kinh mạch.
Hai loại khí đều hỗ tương quan hệ, loại thứ nhất do loại thứ nhì trợ giúp và loại thứ nhì do loại thứ nhất trợ giúp. Loại thứ nhì là cơ cấu của vật chất. Loại thứ thứ nhất là biểu hiệu công năng. Tóm lại, sự phân loại, sinh thành, công năng của khí như sau.
2. Phân loại, sinh thành khí
Do ở khí của cơ thể phân phối ra những bộ phận không giống nhau, nguyên lai công năng bất đồng, cho nên có nhiều danh xưng khác nhau như: nguyên-khí, tông khí, lao-khí, vệ-khí v.v.
2.1. Nguyên khí
Nguyên-khí còn gọi là chân khí. Đây là một loại tối trọng yếu của nhân thể, tối cơ bản của sinh mệnh. Nguyên-khí do tinh của tiên thiên hoá sinh. Sau khi ra đời, lại được tinh vi thủy cốc tư-dưỡng, bổ xung. Được thông qua tam-tiêu, phân phối toàn thân, trong thì tạng phủ, ngoài thì ở da thịt. Cổ y học đã nói:
"... Chân khí giả, sở thọ vu thiên, vi cốc khí tinh nhi sung thân giả dã".
(Linh-khu-kinh, thiên Chế tiết trấn tà luận)
Nghĩa là: Chân khí được thọ lĩnh ở trời, hợp với khí của thủy cốc nuôi thân.
Tạng phủ của nhân thể nhờ có nguyên khí mà hoạt động, tự phát huy công năng mỗi loại khác nhau. Như vậy nguyên-khí là sự hoạt động của sinh mệnh. Nhân vậy, nguyên-khí sung dưỡng tổ chức công năng tạng phủ kiên vượng, thân thể kiện khang không có bệnh. Ngược lại, nếu như tiên thiên, hậu thiên bất túc hoặc bệnh lâu thương tổn, xuất hiện nguyên-khí suy yếu mà thành bệnh.
Tóm lại định nghĩa về nguyên-khí, chân-khí sau này được phân rõ như sau:
"...Khởi điểm con người là tinh khí của cha, gieo vào mẹ. Được bào cung bà mẹ nuôi dưỡng, thành thai nhi. Những gì mà bào cung nuôi dưỡng được gọi là nguyên- khí. Tinh-khí hợp với nguyên-khí thành tiên-thiên-khí. Sau khi ra đời, thai nhi thở hít khí trời gọi là thiên khí hay đại-khí. Ăn uống vật chất là địa-khí. Khi tiên-khí, địa-khí hợp lại là hậu-thiên-khí. Tiên-thiên-khí, hậu-thiên-khí lại hợp với nhau thành chân-khí."
2.2. Tông khí
Tông-khí tức là thanh-khí do phế hút vào, cùng với khí của thủy cốc do tỳ vị vận hoá mà thành, tụ tập trong ngực. Cổ y học nói:
"...Tông khí tích vu hung trung, xuất vu hầu lung, dĩ quán tâm mạch, nhi hành hô hấp yên".
(Linh-khu-kinh, thiên tà khách).
Nghĩa là: Tông-khí tích tụ ở lồng ngực, xuất ở hầu, để điều khiển tâm mạch, mà điều khiển hô hấp.
Đó là nói về tông-khí thịnh hay suy. Tông-khí không hẳn tác dụng vào hô hấp, mà còn biểu hiện ra ở các loại cơ năng khác. Cho nên tông-khí còn gọi là động khí.
2.3. Lao khí
Tông-khí do tinh vi của thủy cốc được tỳ vị hoá sinh, chính là sự lao dưỡng vật chất thủy cốc. Lao-khí phân phối vào huyết mạch, tố thành huyết dịch, lao vận toàn thân, phát huy sự lao dưỡng. Tố-Vấn nói:
"...Lao giả, thủy cốc chi tinh khí dã,
Hoà điều vu ngũ tạng, sái trấn lục phủ,
Nãi năng nhập vu mạch dã,
Cố tuần mạch thượng hạ, quán ngũ tạng, lạc phủ dã..."
Nghĩa là: Lao-khí là tinh-khí của thủy cốc, hoà điều ngũ tạng, tẩy rửa lục phủ có thể nhập vào mạch, cho nên theo mạch mà lên mà xuống, bao trùm ngũ tạng, chuyển qua lục phủ.
Do ở lao-khí và huyết cùng chạy trong mạch, cho nên lao-khí và huyết cùng quan hệ với nhau, cơ thể phân biệt công năng để gọi, nhưng không thể ly khai hai thứ cho nên thường gọi lao huyết vậy.
2.4. Vệ khí
Vệ-khí là do khí của thủy cốc hoá sinh, là một bộ phận dương khí của cơ thể. Cho nên còn gọi là vệ dương. Tính chất của nó là lật tật hoạt lợi tức là năng lực hoạt động rất mạnh. Cho nên Tố-Vấn, thiên Lý-luận học nói:
"Vệ giả thủy cốc chi hãn khí giã"
Nghĩa là: Vệ-khí không bị ước thúc trong mạch, vận hành phía ngoài kinh mạch, ngoại là bì phu, cơ nhục, nội là ngực, bụng, tạng phủ, khắp thân.
Công năng chính của vệ-khí là:
- Bảo vệ cơ biểu, kháng cự ngoại tà xâm nhập.
- Khống chế sự mở đóng của các lỗ mồ hôi, làm điều hoà sự nóng cơ thể.
- Làm ấm tạng phủ, làm tưới ướt da lông.
Linh-khu kinh nói:
"...Vệ khí giả, sở dĩ ôn thân nhục, sung bì phu.
Ba thấu lý, tư khai hợp giả dã".
(Linh-khu-kinh, thiên bản tạng luận).
Nghĩa là: Vệ-khí, để làm nóng thịt, bồi dưỡng da, bảo vệ thấu lý, coi việc mở đóng.
Đều là nói khai quát công năng vệ-khí.
Trên đây đã nói về những loaị khí chung của cơ thể, nguyên do sinh thành, cũng
như công năng khác nhau. Nhưng sự thực đều không ngoài:
- Tinh khí của thân.
- Khí của thủy cốc.
- Khí của trời hít vào.
Tinh-khí của thân do phụ mẫu, chứa ở trong thận, đó là tiên-thiên-khí. Khí của thủy cốc thì do tỳ vị tiêu hoá, hấp thụ thực vật, đó là khí hậu-thiên. Thanh-khí, tồn tại ở thiên nhiên, do phế nhập cơ thể. Tóm lại sự sinh thành của khí ít nhiều do tiên thiên sung túc, ẩm thực lao dưỡng phong phú, phế tỳ thận có công năng chính thường, mật thiết quan hệ. Trong đó tỳ vị thổ nạp vận hoá trọng yếu. Cho nên Linh-khu kinh, thiên Ngũ vị nói: Khi cốc khí không nhập nửa ngày, thì khí thiếu ngay.
3. Công năng của khí
Khí có rất nhiều tác dụng đối với cơ thể. Như Nạn-kinh nói:
"...Khí giả, nhân chi căn bản dã".
(Nạn kinh, thiên Bát-nạn).
Nghĩa là: Khí là phần căn bản của thân.
Khí phân phối vào nhiều bộ vị của cơ thể, mỗi cơ một công năng riêng, khái quát có năm công năng chính sau:
3.1. Tác dụng thúc đẩy (Suy động)
Các hoạt động của cơ thể như:
- Sinh dục, tăng trưởng.
- Sinh lý hoạt động kinh lạc, tạng phủ.
- Huyết lưu thông.
- Tân dịch phân phối trên cơ thể.
Khi khí hư, thì tác dụng thúc đẩy giảm, phát dục sinh trưởng chậm, công năng kinh lạc, tạng phủ giảm thoái, hoặc huyết đình lưu, thủy dịch đình lưu.
3.2. Tác dụng làm nóng
Cơ thể duy trì được sức nóng bình thường, là do nhiệm vụ làm ẩm của khí. Nạn-kinh, chương 22 nạn nói khí chủ làm nóng cơ thể đều để chỉ công năng khí làm nóng cơ thể bộ, phận trên người. Khi nhiệm vụ làm nóng cơ thể không bình hoà, mất điều tiết, đa số xuất hiện sợ lạnh, chân tay không nóng.
3.3. Tác dụng phòng
Khí có khả năng bao phủ ngoài cơ-biểu để phòng ngự ngoại tà xâm nhập. Tố-Vấn nói:
"...Tà chi sở tấu, kỳ khí tất hư..."
(Tố-Vấn, thiên Bình nhiệt bệnh luận).
Nghĩa là khi tà khí hội lại được, thì khí phải hư.
Đó là chỉ sự phòng ngự của khí. Ngoại tà theo kinh, sau khi phạm vào cơ biểu, khí cùng với tà đấu tranh, đuổi tà xuất ra ngoài, giữ cho cơ thể kiện khang. Linh-khu-kinh nói:
"...Hư tà nhập chi vu thận dã thâm,...hữu sơ kết,
Khí qui chi,...hữu sơ kết,
Thâm trung cốt, khí nhân vu cốt".
Nghĩa là: Khi hư tà nhập sâu vào thận, khí tích tụ, khi nhập sâu vào cốt, khí cũng tụ tập vào.
Đó đều để chỉ khí tích tụ, chống lại tà khí từ ngoài vào.
3.4. Tác dụng giữ chắc cơ thể
Cố nhiếp tức là giữ chắc, điều khiển, và cai quản. Khí cố-nhiếp:
- Huyết dịch không cho chảy ra ngoài mạch, không cho xuất ra bất thường.
- Huyết dịch không cho xuất ra bất thường ngoài cơ thể.
- Nước tiểu, không xuất ra hỗn loạn.
- Tinh khí không xuất ra sớm, hay trễ.
Cố là giữ chắc, nhiếp là làm cho xuất điều hoà, bình thường.
Tác dụng thúc đẩy và cố nhiếp là hai tác dụng tương phản nhau, giữ sao cho điều hoà. Cũng như tác dụng của khí đối với huyết, một bên thì thúc đẩy huyết lưu hành, một bên thì cai quản không cho huyết lưu hành hỗn loạn. Khi khí hư, nhiệm vụ suy động giảm thoái, đưa đến huyết lưu hành bất lợi, sinh ra huyết ô. Khí hư thì nhiệm vụ cố nhiếp giảm đi, đưa đến xuất huyết.
3.5. Nhiệm vụ khí hóa
Khí hoá có hai ý nghĩa: Một là để chỉ tinh, khí, tân, huyết hỗ tương biến hoá sinh ra nhau. Tố-Vấn nói:
"...Tinh hoá vi khí".
(Tố-Vấn, Âm-dương ứng tượng đại luận).
Nghĩa là tinh hóa ra khí.
Đó chỉ là hiện tượng tinh và khí hỗ tương sinh ra nhau. Hai là công năng hoạt động của mỗi loại tạng phủ, như bàng quang "khí hoá" có nghĩa là bài xuất nước tiểu.
Trên đây trình bày 5 nhiệm vụ của khí, hỗ tương mật thiết phối hợp khiến cho cơ thể điều hoà, hoạt động, chống bệnh tật.
4. Sự vận hành của khí
Khí của cơ thể là một động cơ thúc đẩy rất mạnh của tinh vi vật chất, hoạt động không ngừng, lưu hành toàn thân, không chỗ nào mà không tới. Những loại khí có tên khác nhau, là do những tác dụng bất đồng của khí, hình thức cơ bản của khí là "thăng, giáng, xuất, nhập". Sách Tố-Vấn thiên Lục-vị chí đại, luận nói "Lên xuống, ra vào, không chỗ nào mà không có" là để dẫn về các loại khí quản trên cơ thể không chỗ nào mà không có khí ra vào, lên xuống. Sự xuất nhập thăng giáng của khí chính là hoạt động của cơ thể con người. Khi sự thăng giáng xuất nhập của khí đình chỉ, tức là sinh mệnh hoạt động đình chỉ. Cho nên Tố-vấn đã nói:
"...Phi xuất nhập, tắc vô dĩ sinh trưởng tráng lão nhĩ.
Phi thăng giáng, tắc vô dĩ sinh trưởng hoá thu tàng".
(Tố-Vấn, thiên Lục-vị chí đại luận).
Sự thăng giáng xuất nhập, tức là cơ thể hiện ở công năng tạng phủ hoạt động, cho đến sự hiệp điều giữa tạng phủ. Như phế chủ hô hấp, có tuyên, có giáng, thở cũ, hít mới. Phế chủ thổ khí, thận chủ nạp khí. Tâm hỏa giáng xuống, thận khí bốc lên, cho đến tỳ thăng lên, vị giáng xuống.
Như vậy khí vận hành để chỉ chung sự:
- Phối hợp, hiệp điều công năng tạng phủ toàn thân.
- Sự thăng giáng xuất nhập khí, cơ tạng phủ.
- Duy trì công năng sinh hoạt chính thường cơ thể.
Nếu như sự vận hành khí của cơ thể bị ngăn trở, ứ đọng hoặc vận hành nghịch loạn hoặc thăng giáng thất điệu, xuất nhập bất lợi, đều ảnh hưởng đến ngũ tạng lục phủ, nội ngoại thượng hạ hiệp điều thống nhất, phát sinh các loại bệnh tật như: can khí đô kết, can khí hoành nghịch, vị khí thượng nghịch, tỳ khí hạ hãm, phế mất tuyên giáng, thận bất nạp khí, tâm thận bất giao.
5. Thử định nghĩa khí công
Khí công nghĩa là sự xử dụng khí.
5.1. Sự xử dụng vô thức
Khi nằm, lúc ngồi, hoặc khi nhập tĩnh, tư tưởng con người thường tưởng nhớ, suy nghĩ nhiều sự vật trạng huống. Nghĩ gì thì khí tuần lưu theo huyết mạch. Nghĩ đến nguy hiểm, thì tâm đập chậm. Nghĩ đến những điều tức giận thì tim đập mau. Nghĩ đến trời nắng thì cảm thấy ấm, nghĩ đến trời mưa tuyết thì cảm thấy lạnh. Nghĩ đến trượt ngã thì phản ứng tự nhiên nhảy lên cao. Tư tưởng lúc ấy đâu có chủ ý sai bảo chân tay, taị sao giật lên như vậy? Đó chẳng qua là tư tưởng nghĩ tới, khí tuần lưu theo tư tưởng. Tức ý dẫn khí. Chân khí được điều khiển bới tư tưởng.
5.2. Sự xử dụng ý thức
Khi sử dụng ngoại công như quyền, cước. Những chiêu đầu tiên thường thấy nặng nề, chậm chạp, phát ra không có lực. Nhưng tập tới lần thứ 500 trở đi, thì chiêu thức trầm mãnh khác thường, tại sao lại có sự kiện đó? Giải thích theo lẽ thường thì đó là tập nhiều nên quen. Nhưng nếu dùng phương pháp đo nội lực thì vẫn thấy không thay đổi. Sự thực giải thích như thế này: Đó là chân khí đã tuần lưu, kinh mạch thông, thành ra khi phát lực, khí tòng tâm tự phát, tòng tâm xử dụng, tòng tâm phản ứng.
Vì vậy biết xử dụng chân khí, thì lúc nào cũng có thể phát ra tự phản ứng, vệ. Như khi nằm mơ màng thấy ngã, phản ứng chân tay giật lên. Nói theo danh từ khí công là "tự phát, tự chủ". Khi thu phát khí tự chủ, thì chân khí, vệ khí dồn ra hết, sức mạnh tăng lên. Cho nên những Khí-công gia tập lâu, Khí-công cao, có thể dùng khí dẫn ra ngoài cơ thể để chịu đòn, để chống ngoại vật làm hại cơ thể, để chống với những ma-nghiệp làm hại tinh thần, lại có thể trị bệnh cho người khác.
5.3. Ma nghiệp, ma tính
Ma để chỉ những gì ngược với chính-pháp của Phật-giáo. Sau này trở thành từ ngữ để chỉ những gì trái với đạo lý, trái với luật pháp, đi ngược với qui củ tôn giáo. Sau này, ma tính dần dần thành danh từ được dùng để chỉ những gì ngược với luân lý, đạo lý được công nhận. Mà luân lý, đạo lý của mỗi môn phái đều khác nhau. Như phái Đông-a khi xử dụng võ không cần phải xét đến những chiêu thức có đường đường chính chính hay không, miễn là tiêu diệt được kẻ địch, kể cả cắn, bóp vào những bộ phận sinh dục. Quan niệm này cho rằng: võ công khí công dùng để bảo vệ dân tộc. Nếu cần bảo vệ dân tộc trước kẻ ác, thì hy sinh luôn danh dự cũng được. Phái Thiếu-lâm, Tiêu-sơn thì ngược lại cho rằng dù đối với kẻ địch cũng phải tỏ ra khoan hoà, nhân hậu, dẫn dụ kẻ địch theo mình đi vào chính pháp. Phái Mê-linh, Nga-mi, thung dung hơn "tiêu diệt ma vương quỉ dữ là có đạo lý".
Vậy ma-nghiệp, ma-tính để chỉ con người u mê trong vòng ám tối, hành sự trái với chính đạo, hay trái với luân lý được công nhận. Tỷ như thế kỷ thứ mười chín, đạo Thiên-chúa ở Tây-phương được công nhận là chính đạo, nhưng khi truyền sang Đông-phương thì bị các nho gia miệt thị là ma-giáo. Ma-tính thì nhẹ hơn, để chỉ một phần hành động do ma-nghiệp xúi dục. Ma-nghiệp, ma-tính thường làm cho tâm hồn hỗn loạn, đi xa đạo lý. Muốn trừ ma-nghiệp, phải lấy chính đạo giáo dục, hay tu niệm, mượn chính đạo đuổi ma-nghiệp, thì dùng khí-công. Mỗi môn phái có một phương pháp chuyển ma-nghiệp thành chính pháp khác nhau.
5.4. Chính đạo, chính khí
Từ ngữ dùng rất nhiều trong Nho-giáo, Phật-giáo, sau biến thành danh từ chung của tộc Hoa, tộc Việt, tộc Hàn và tộc Thái-dương (Nhật).
Trong Nho-giáo, lưu truyền bài "Chính khí ca" của Văn-thiên-Tường, một vị tể tướng cuối đời Tống, đã định nghĩa chính khí như sau:
Thiên địa hữu chính khí,
Tạp nhiên phú lưu hình.
Hạ tắc vi hà lạc,
Thượng tắc vi nhật tinh.
Ư nhân viết hạo nhiên...
Nghĩa là: trong trời đất vốn có chính khí, tự nhiên ơết thành hình. Dưới đất là sông núi. Trên kết thành trăng sao. Ở trong người là hạo nhiên.
Nguyễn-công-Trứ (1778-1858) trong bài Kẻ-sĩ đã bàn rõ như sau:
Khí hạo nhiên chí đại chí cương,
So chính khí đã đầy trong trời đất.
Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất,
Hiêu hiêu nhiên điếu Vị, canh Sằn.
Xe Bồ-luân dù chưa gặp Thang, Văn,
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị.
Cầm chính đạo, để tịch tà cự bí,
Hồi cuồng lan chi chướng bách xuyên.
Chính khí đây là kết quả tất yếu của người học Nho, lấy cái chủ đạo Nho làm căn bản.
Phật tính để chỉ hành sự, tư duy theo pháp chỉ của nhà Phật. Chính đạo mỗi tông, mỗi phái cũng có sự khác biệt, nhưng đều do môn phái đặt ra. Chính pháp của Thiền-tông lấy "Tứ đại giai không" làm căn bản. Lấy bỏ ngũ uẩn, lục tặc, tứ đại giai không để đắc pháp. Tịnh-độ tông lấy bỏ tham, sân, si, giữ ngũ-giới là chính pháp. Chính-đạo của người Việt, thường gọi là "Chủ đạo". Như chủ đạo đời Trần (1225-1400) thì đặt "Ái quốc trước, trung quân sau", đặt "ngũ thường" làm cương yếu. Chủ đạo thời Nguyễn (1802-1945) lại đặt "trung quân trước, ái quốc sau."
Luyện Khí-công để có thể đi vào đường chính đạo, mỗi phái theo cương yếu mà có cơ thức luyện tập riêng biệt.
5.5. Âm kình, dương kình, kình lực
Khi vận khí ra toàn cơ thể để chống với ngoại tà, chống với sự tác dụng của ngoại giới thì gọi là kình lực. Kình lực cũng để chỉ vận khí ra tấn công đối thủ. Còn như vận kình lực ra các kinh âm để tấn công, đỡ đòn, truyền khí thì gọi là âm kình. Khi cũng vận khí ra các kinh dương tấn công, phòng vệ, truyền khí, thì gọi là dương kình. Trong võ học, y học vận âm kình hay dương kình rất quan hệ, bởi tác dụng mỗi loại kình lực khác nhau rất xa.
5.6. Định nghĩa khí công
Vậy Khí-công là gì?
Khí-công là khoa học đứng giữa ngoại công và y học dể:
- Bổ khuyết cho tiên-thiên và hậu-thiên khí đưa thăng bằng cho cơ thể về tinh, thần, khí.
- Loại bộ hủy diệt những tạp khí, độc khí thành phần cơ thể làm cho tâm, thể bất an.
- Đưa chân khí từ yếu về mạnh, tạo thần lực cho tinh, thần, khí, làm cho tinh thần minh mẫn, phán đoán chính trực theo đạo.
- Phát động, chuyền dẫn chân khí vào các chiêu thức ngoại công, vào các cử động, sao cho những chiêu thức, cử động tạo thần-lực.
- Phát động chân khí để chống đối với những ngoại lực làm cho thể bị đau. Điều giải những chỗ đau trong cơ thể. Dẫn độc chất ra ngoài cơ thể.
6. Kết luận
Trên đây là định nghĩa tạm về khí-công. Định nghĩa có thể không hợp với những khí-công gia khác. Có thể các khí-công gia khác chỉ biết xử dụng khí-công chống bệnh nên sẽ định nghĩa là "dùng để trị bệnh". Nhưng nếu có những khí-công gia khác, áp dụng khí-công rộng rãi hơn, thì họ sẽ định nghĩa rộng hơn. Định nghĩa của chúng tôi sẽ được dùng trong toàn thể các phần nghiên cứu của tập sách mà quý vị đang đọc.
CHƯƠNG THỨ BA
ĐỐI TƯỢNG CỦA KHÍ CÔNG
Mục-lục
1. Phụ trợ trong võ học.
2. Dùng khí-công trị bệnh.
2.1. Giúp thân thể kiện khang.
2.2. Dùng trị bệnh.
3. Dùng khí-công phù chính.
4. Kết luận.
ĐỐI TƯỢNG KHOA KHÍ CÔNG
Qua định nghĩa trên, thì đối tượng của khoa khí-công rất rộng. Nó bao gồm cả võ học y học, lẫn tôn giáo và đạo lý. Nhưng trong mỗi lĩnh vực, nó chỉ làm một số nhiệm vụ mà thôi, chứ không bao trùm toàn bộ các lĩnh vực đó.
Khí-công có hai loại là tĩnh-công và động-công. Chương sau sẽ trình bày chi tiết về hai loại này. Dưới đây là những đối tượng của khoa khí-công.
1. Phụ trợ trong võ học
Nguyên thủy của khí-công là để luyện tập cho cơ thể khang kiện. Sau được dùng trợ giúp điều hoà hơi thở khi tập võ cho khỏi mệt, rồi tiến tới điều hoà hơi thở trong khi xử dụng võ. Từ khi có sự du nhập của Thiền-công, việc phụ trợ cho võ-học tiến thêm một bước nữa: Dẫn khí tập trung tại điểm này để chịu đòn, vào chỗ kia để điều giải những chỗ bị đánh đau, dẫn khí tích tụ lại chỗ đau đi nơi khác để chống đau.
Sau khi có sự tổng hợp y-học vào khí-công, thì khí-công trở thành khoa học để kiểm chứng lại những chỗ sai lạc trong võ học. Hơn nữa biết vận khí tùy theo kinh mạch để điều hoà hơi thở.
Tỷ dụ như khi xử dùng quyền cước. Nếu đánh hư chiêu thì không cần vận khí ra, khi thực chiêu mới cần vận khí cho có sức mạnh. Khi tập võ, thì tạp khí sinh ra , khí-công dùng để tập trung điều giải tạp khí ra ngoài.
Vậy khí-công dùng trong võ-học là:
- Giữ cho tinh thần thăng bằng, không rối loạn, không sợ hãi.
- Điều hoà hơi thở cho cơ thể thăng bằng.
- Tập trung chân khí, phát lực, chuyển chân khí để tấn công cho có thần lực.
- Dùng chân khí để chống đỡ đòn khi bị đánh, cho khỏi đau.
- Dùng để dẫn những chỗ đau, cho khí khỏi tụ lại, "Thông tắc bất thống" nghĩa là thông thì không đau.
- Chuyển, dẫn giải trừ những tạp khí do tập võ sinh ra.
- Luyện cho nội-công mạnh hơn lên.
Khí-công là khoa tối cần thiết cho võ-học. Không có khí-công thì võ-học cũmg giống như một chiếc phi cơ bị tháo hết máy móc, nó trở thành một đống sắt rất tầm thường. Khí-công giúp cho võ-học tiến triển, bởi không có Khí-công thì võ-học chỉ xử dụng được một số đòn đẳng tầm thường, không có những chiêu thức mãnh liệt, thần tốc và nhất là làm cho cơ thể nhẹ nhàng lâu mệt.
Đối với cổ-nhân, khí-công có một tầm mức tối quan trọng trong võ-học. Võ-học là một thứ vũ-khí quốc-phòng. Cho nên người ta bắt đầu dậy võ, kí-công cho trẻ nhỏ từ lúc 6 tuổi, "văn ôn vũ luyện" đến khoảng 20 tuổi thì "tiểu thành", sau 30 tuổi thì "khả thành" sau đến 40 tuổi thì "đại thành". Ngày nay võ-học không quá cần thiết tới trình độ đó, nên ít người ai để cả cuộc đời luyện võ như vậy. Những thức để phụ trợ võ-học tuy thư tịch còn đầy đủ, mà không được dùng tới. Võ-học ngày nay chỉ là môn thể thao, tuy đôi khi cũng có người coi đó là một thứ chuyên nghiệp, nhưng không cần tới trình độ quá cao như ngày xưa.
2. Dùng khí công trị bệnh
Vấn đề thực dụng trước mắt là khí-công phục vụ sức khoẻ con người.
Trong các lãnh vực thực dụng của khí-công thì vấn đề dùng trị bệnh được mỗi thời coi như là cần thiết. Đối với y-học hiện tại, thì khoa khí-công trở thành một nghành trị bệnh quan trọng. Bởi phạm vi trị bệnh của khí-công gần như phụ trợ hẳn cho y-học Tây-phương: Những gì y-học Tây-phương không trị được, thì khoa khí-công trở thành một loại đắc dụng. Như trị bệnh thần kinh, áp huyết cao, có thể suy nhược, tiêu hoá bất lương, tý chứng (phong thấp), và tối quan trọng trong khoa trị liệu thần kinh.
Dùng khí-công trị bệnh, có hai phần được phân ra rõ rệt:
- Một là bệnh nhân tập để tự trị bệnh, trị "vị bệnh" và trị "dĩ bệnh". Phần trị vị bệnh tức tập cho cơ thể khỏe mạnh, phòng bệnh. Điều này y học nước nào cũng nói tới ích lợi của nó. Trị dĩ bệnh là trị bệnh đã xẩy ra rồi, điều này thì y học Tây-phương tỏ vẻ nghi ngờ.
- Hai là dùng khí-công tối cao, truyền sang trị bệnh cho người khác. Khoa này còn quá mới lạ đối với Tây-phương. Hiện trên thế giới, đôi khi có những người không hề tập khí-công, mà tự nhiên có chân khí vào tràn đầy, chỉ cần mó vào người khác là truyền khí sang chữa bệnh cho bệnh nhân. Những người này hoặc do thể tố chân khí mạnh hoặc do có cơ duyên ăn những thức ăn kỳ lạ hoặc ở trong vùng khí hậu đặc biệt cấu thành. Họ trở thành những thầy lang đặc biệt. Do những cơ duyên mà họ không giải thích được, nên bị xếp vào loại huyền hoặc, huyền bí, gần như hoang đường. Nhưng khoa khí-công thì có biện chứng luyện tập rõ rệt, dùng hình nào, khí nào chữa bệnh nào.
Đối với những châm cứu gia, dù chưa luyện khí công, dù cơ thể không có chân khí mạnh, nhưng sau một thời gian hành nghề, chân khí lưu thông trong kinh mạch nhiều lần, khiến kinh mạch đã thông, tự nhiên có chân khí; mỗi khi trị bệnh, chân khí từ cơ thể qua kim, truyền vào cơ thể bệnh nhân. Chính vì vậy, những châm cứu gia luyện khí-công, chân khí mạnh, khi trị bệnh, mau có kết quả hơn.
Dùng khí-công cao truyền trị bệnh cho người khác, có thể trị "dĩ bệnh" mà thôi . Vậy bệnh nhân tự luyện tập thì trị được dĩ bệnh và vị bệnh . Còn khí-công gia dùng khí-công trị dĩ bệnh.
Lịch-đại y-học Á-châu rất chú trọng phương tiện bảo kiện dự phòng bệnh tức trị vị bệnh. Khí-công được dùng để trị cả vị bệnh lẫn dĩ bệnh. Những y thư tối cổ đã từng đề cập tới. Danh y đời nào cũng có người nghiên cứu về khoa khí-công trị bệnh. Đầu tiên trong bộ Hoàng-Đế Nội-kinh Tố-Vấn các chương:
- Thượng cổ thông thiên luận.
- Tứ khí điều thân đại luận.
- Sinh khí thông thiên luận.
- Kim quĩ trấn ngôn luận.
Qua các chương trên, đủ thấy sự chú trọng vào vấn đề dùng khí-công trị bệnh của cổ nhân đến như thế nào.
"...Tâm an mà không sợ hãi.
Hình tươi thì không mệt mỏi.
Khí theo đó mà thuận,
Tất cả đều đạt đến như ý muốn".
Bốn câu trên kết luận rằng Khí-công có tác dụng tốt, làm cho lực của não kiện toàn, gân cốt kiên-cường. Đồng thời cổ nhân lại chú trọng vào luyện công phối hợp với thiên nhiên, thích ứng với hoàn cảnh trong vấn đề ẩm-thực. Đó là nói về tối cổ y gia chú trọng vào Khí-công trị bệnh vậy.
Bên Trung-quốc, Đại-hàn, Nhật-bản thì các Đạo-gia, Phật-gia, và Y-gia đồng thời chú ý vào khí-công trị bệnh. Mỗi nhà đều có những sở trường sở đoản riêng biệt. Nhưng tại Việt-Nam thì khác hẳn: Dù Đạo-gia, Y-gia, Phật-gia hay võ-học-gia đều qui vào những sự tổng hợp giống nhau, thái dụng lẫn của nhau. Trong thời gian 1945-1990 khoa Khí-công dường như tê liệt.. Khi tôi viết những giòng này (1993) dường như đã có sự phục sinh. Nhưng biết bao giờ mới được như xưa?
Vậy bản chất trị bệnh của khí-công là gì?
2.1. Giúp thân thể kiện khang
Giúp thân thể kiện khang, tinh thần minh mẫn, để trị vị bệnh, tức là luyện tập cho thân thể thăng bằng sức khoẻ điều hoà đó là ở trình độ thấp. Còn luyện đến sức lực vượt hẳn thông thường, thì không bệnh tật nào làm hại cơ thể được. Khí-công luyện cao thì vệ khí càng mạnh, lục dâm không tác dụng vào thân. Mà công năng khí huyết tạng phủ mạnh, không có bất thường sinh bệnh.
2.2. Dùng trị bệnh
Tức trị dĩ bệnh. Bệnh có thực có hư! Thực bệnh thì tập để đưa ngoại tà (vi trùng, ý nghĩ đen tối, lo sợ vô lý) ra ngoài và bồi dưỡng chính khí bị tà khí làm hại. Hư bệnh thì phải dùng biện chứng để biết rõ tạng phủ cơ phận nào hư, để tập những loại khí-công nào bồi dưỡng chỗ hư đó.
Đây là đại cương, nhưng trên thực tế, hiện nay khí-công dùng trong lãnh vực y khoa như thế nào? Nếu tổng hợp y học Âu-Á mà trị, thì khoa khí-công ít được xử dụng đến. Bởi những thiếu sót của Âu được Á phù trợ, thiếu sót của Á được Âu phù trợ. Nhưng vấn đề trị vị bệnh thì dù y-học Á hay Âu cũng phải cần dùng đến cả.
3. Dùng khí công phù chính
Đây là một vấn đề có tính cách tôn giáo nhiều hơn. Mỗi gia mỗi phái quan niệm về ma-nghiệp khác nhau, chính đạo khác nhau. Nhưng tựu chung, luyện khí-công để cho:
- Tinh, thần, khí vững mạnh.
- Cơ thể khang kiện, giữ được bản ngã,
- Khắc kỷ mạnh để giữ được những luật lệ qui tắc từng phái từng gia.
- Tức là luyện khí-công để đi đến tinh, thần, khí được sung thịnh.
- Tinh ở đây phải hiểu là cơ thể khang kiện, hoặc tinh-khí.
- Thần tức để chỉ sinh hoạt của linh hồn và khí thì là chân khí vậy.
Nguyên lý căn bản khí-công làm sao cho ba lực lượng tinh, thần, khí thăng bằng. Khi tinh, thần, khí thăng bằng tinh tiến, thì có thể giữ được chính khí, đuổi tà kiến. Như phương pháp của phái Thiếu-lâm, Tiêu-sơn lấy "bỏ vọng tâm" làm căn bản, mà bỏ vọng tâm thì lại đặt cơ sở ở Thiền-công. Thiền-công chủ yếu là kinh Kim-cương, lấy tĩnh công tọa thiền làm khởi đầu để đi đến "nhân ngã tương thông, tứ đại giai không" và đi vào kiến tính để "đắc pháp" tức là đắc đạo vào Vô-thượng Bồ-Đề. Chính pháp của Thiếu-lâm, Tiêu-sơn là dứt bỏ thất tình: Hỷ (vui), nộ (giận), ưu (lo), tư (suy nghĩ), bi (buồn sầu), khủng (sợ hãi), kinh (Hoảng hốt). Khi buồn sầu nhiều quá, không dứt được thì đi vào ma-nghiệp, muốn dứt ma-nghiệp phải nhờ khí-công. Sau thất tình đến tham, sân, si, ba ma-nghiệp đó cũng làm hại chính pháp. Ngoài ra còn nhiều giới khác cần kiêng cữ nữa.
4. Kết luận
Phạm vi và đối tượng của khí-công đại lược có ba. Đó là phụ trợ cho võ-học ngoại-công, được xưa dùng rất nhiều, hiện nay ít dùng. Thứ đến là dùng dể trị bệnh thì đời nào cũng cần thiết cả. Còn kKhí-công dùng để đi vào chính pháp đắc đạo, thì mỗi tôn giáo, mỗi địa phương có một quan niệm khác nhau, nhưng mục đích tối thượng vẫn là làm cho tinh, thần, khí tăng tiến, cơ thể khoẻ mạnh thông sướng, thì dứt bỏ được mọi phiền tạp thất tình, hầu khắc kỷ, giữ bản ngã khỏi đi vào ma-nghiệp.
Khí-công dùng để áp dụng vào ba vấn đề trên các gia các phái đều có những phương pháp đặc biệt, nếu biên tập vào thì không biết bao giờ mới hết. Bởi vậy trong sách này chúng tôi chỉ trình bày những phần lý thuyết tổng cương. Còn phần thực hành thì thu lại một vài điển hình mà thôi.
Như về động-công, tại Việt-Nam không mấy người mà không biết đến Thập-thức bảo kiện pháp, Yên-tử ngọa công bát pháp, Đông-hải thập nhị thủ. Bên Trung-Quốc (1948-1985), trên khắp giải lục địa võ thuật bị nghi ngờ, không được khuyến khích, gần như bị diệt hẳn, nhưng vấn đề tập khí-công đã được đưa vào đại học y khoa, nhất là tập Thái-cực-quyền để bảo kiện và trị bệnh được các y gia coi rất trọng và phổ biến.
Người ta thường quan niệm rằng khí-công xuất từ Phật-gia, Đạo-gia nên các tôn giáo khác thường kỳ thị, đó chẳng qua là không hiểu thực sự bản chất mà thôi. Qua những năm dạy học chúng tôi thấy áp dụng vào Hồi-giáo, Thiên-chúa-giáo còn dễ dàng hơn cả đối với Đạo-giáo, Phật-giáo. Tu-sĩ Thiên-chúa-giáo thường phải ngồi tập trung tinh thần, suy ngẫm về Chúa Cứu-thế, nếu tu sĩ biết khí-công, trấn nhiếp tâm thần thu liễm mọi phiền tạp bỏ ra ngoài, ý thủ vào Chúa, thì thực còn gì tốt đẹp hơn? Như một tu sĩ khoẻ mạnh bị tình dục đòi hỏi, thì dùng "Tiêu-sơn hoá tinh pháp" để đốt tinh khí, dùng ngũ-khí triều nguyên để xóa bỏ sự cám dỗ của ngoại cảnh thực vừa dễ vừa tốt đẹp.
Bởi vậy kết lại khí-công là khoa học vừa có tính chất y-khoa vừa có tính chất của thể thao lại có tính chất luyện tập trấn nhiếp tâm thần rất tốt.
B. PHẦN THỨ NHÌ
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU KHÍ
Điều khí là gì? Điều khí gồm có hai phần:
- Một là sự hướng dẫn khí xuất, nhập cơ thể theo ý muốn.
- Hai là vận nội khí trong cơ thể tuần hành theo những nguyên tắc nhất định.
Trong phần này sẽ bao gồm hai vấn đề chính yếu đó.
CHƯƠNG THỨ NHẤT
NGUYÊN TẮC THỔ NẠP
Mục lục
1. Định nghĩa điều khí
2. Phương pháp thổ nạp
2.1. Thổ
2.2. Nạp
2.3. Đình
2.4. Tốc độ thổ nạp
2.5. Khối lượng thổ nạp
2.6. Phối hợp thổ nạp đình
3. Thổ, nạp, đình đối về phương diện y học.
3.1. Về phương diện y học
3.2. Đối với học thuyết âm-dương.
4. Tổng luận về thổ nạp.
NGUYÊN TẮC THỔ NẠP
1. ĐỊNH NGHĨA ĐIỀU KHÍ
Điều khí là sự tiến hành hô hấp theo ý muốn, trong một nguyên tắc cần thiết. Trong quá khứ điều khí dùng hỗn độn với các danh từ sau đây:
HÔ-HẤP. Là sự thổ nạp vô ý thức của người không biết khí công.
THỔ-NẠP. Thổ là nhả khí ra. Nạp là thu khí vào.
Cổ nhân gọi là "Thổ cố nạp tân" nghĩa là nhả cái cũ, thu cái mới. Thổ nạp là phương pháp hô hấp trong khoa Khí-công, để phân biệt với thông thường thổ nạp là hô hấp vô thức.
Điều khí là sự thổ nạp theo một qui tắc nhất định bằng sự điều khiển. Hoặc khi những người đã tập Khí-công cao, trong lúc vô thức, gặp hoàn cảnh, tòng tâm thổ nạp theo qui tắc, thích hợp với hoàn cảnh.
Tóm lại thổ-nạp có qui định khi hữu thức hoặc khi vô thức nhưng có qui định của người tập Khí-công.
2. PHƯƠNG PHÁP THỔ NẠP
2.1. THỔ
Thổ là nhả khí ra. Thông thường người ta thổ không hết khí lưu trữ trong phế, cho nên sự thổ cố không đi đến tuyệt đối mở rộng, đến khi nạp khối lượng cũng ít, bởi vậy sự khí hóa cơ thể không được nhiều. Chân khí bao gồm 4 loại khí, mà Đại-khí là một yếu tố quan trọng. Nếu thổ không nhiều thì nạp cũng không nhiều, chân khí do vậy không tăng tiến. Nếu thổ hết lượng khí trong phế, khí nạp sẽ được nhiều, khí hóa tăng, do đó chân khí tăng lên.
Trong khoa khí-công, cứ một thổ một nạp gọi là một tức.
2.2. NẠP
Nạp là hấp khí vào. Khí vào phế, được phế tuyên phát khắp các kinh theo vòng Đại-chu-thiên tuần lưu khắp cơ thể. Thông thường người ta nạp khí không hết thể tích của phế, thành ra thiên khí vào phế không nhiều, sự khí hóa không mấy mạnh. Trong khoa Khí-công nhiều thức tập bắt người ta phải nạp khí thực sâu, để thiên khí nhập phế mạnh ứng hợp với hoàn cảnh nào đó. Khi thiên-khí mạnh nhập cơ thể phối với địa-khí và nguyên-khí, tinh-khí làm cho chân-khí tăng lên. Khi thổ nạp có thể ngắt làm nhiều nhịp, hoặc một hơi.
2.3. ĐÌNH
Đình có nghĩa là sự ngưng thở. Thông thường vô thức, ít khi đình thổ nạp. Nhưng trong khí-công và võ học, đình thổ nạp là một hiện tượng thông thường. Có thể nạp rồi đình, thường gọi là nạp-đình hoặc thổ rồi đình gọi là thổ-đình. Có khi, nạp hết hơi hoặc thổ hết hơi rồi đình cũng có khi nạp, thổ nửa hơi, hay một phân nửa hơi rồi đình gọi là bán-nạp-đình hoặc bán-thổ-đình. Đình trong khí-công thường gọi là qui-tức nghĩa là thu hơi trở lại không hoạt động nữa.
2.4. TỐC ĐỘ THỔ NẠP
Tốc độ khi thổ-nạp trong khoa khí-công được ấn định:
TRÌ. Từ 9 giây đến 15 giây.
TRUNG. Từ 4 giây tới 8 giây.
KHẨN. Từ 1/5 giây tới 3 giây.
Đây là tính cho tốc độ của một thổ, một nạp hoặc một đình, chứ không phải tốc-độ một tức. Tốc độ là nhịp điệu khác với khối lượng. Một nhịp thổ như vậy không nhất thiết đầy phổi hay được mấy phần phổi.
2.5. KHỐI LƯỢNG
Khối lượng khi thổ nạp vào phế trong khoa khí-công ấn định:
THÂM. Thổ hay nạp đến đầy ắp hoặc nhả đến hết khí trong phế.
TRUNG. Thổ hay nạp tương đối sâu, không đầy hay hết khối lượng.
THIỂN. Thổ hay nạp thông thường.
Trong khoa khí-công sự ước tính khối-lượng và tốc-độ rất quan trọng, nhất là ứng dụng vào võ học để tấn công hay chịu đòn.
2.6. PHỐI HỢP THỔ NẠP-ĐÌNH
- Khí-công hay võ học bắt đầu từ thổ nạp thông thường trước.
- Bao giờ cũng bắt đầu bằng Thổ hết tất cả khí ra, và rồi hành thổ nạp theo qui định.
- Bao giờ cũng bằng mũi nạp hoặc mũi miệng đồng nạp, chứ tuyệt đối không bao giờ dùng miệng nạp. Bởi bụi, vi trùng theo miệng vào cơ thể qua đường phế.
- Mũi miệng đồng nạp: tiến hành mũi thổ, miệng thổ hoặc mũi miệng đồng thổ.
- Mũi nạp, mũi thổ hoặc mũi miệng đồng thổ hoặc miệng thổ.
- Phối hợp thổ nạp đình thì:
Nạp-đình-thổ.
Nạp-thổ -đình.
3. THỔ NẠP ĐÌNH
Về phương diện y học
3.1. ĐỐI VỚI HỌC THUYẾT ÂM DƯƠNG
Về phương diện học thuyết âm-dương thì:
- Thổ có tính cách phát ra, tiến ra ngoài rộng rãi nên là dương.
- Nạp có tính cách thu vào, tóm vào nên thuộc âm.
- Còn đình thì coi như hiện tượng âm-dương giao nhau.
- Trong khi thổ nạp, bất cứ lúc nào ta cũng ứng dụng đình hơi giữa thổ nạp, nhưng sự đình hơi đó quá ngắn thành ra không chú ý.
Điều hòa thổ nạp tức điều hòa âm dương, khi tống hết hơi thở ra, thì cơ thể mất đi một số thán khí, phế hoàn toàn trống rỗng. Cổ nhân gọi là "Vô trung sinh hữu" nghĩa là trong cái không có khí ở phổi, là lúc thanh khí thoát ra ngoài cơ thể, thì chân khí phát triển khắp người, gọi là không mà hóa có là thế.
3.2. VỀ PHƯƠNG DIỆN Y HỌC
Về phương diện y học, thì:
- Khi thổ ra tức nhả khí ra thì là tả. Bởi vậy khi những người bị nhiệt chứng, can khí đô kết tình chí uất ức thường thích thở dài. Hoặc trong người nóng quá , đầy ứ ở bao tử thích thổ, thích ợ hơi.
- Khi hít khí vào, tức là bổ. Khí vào cơ thể mạnh, nhiều bao nhiêu tốt bấy nhiêu.
Lâm sàn ứng dụng trị bệnh, dùng châm cứu cũng như vận sức chống đối thủ, thông thường hít khí vào để chống trả, vệ khí mạnh lên.
4. TỔNG LUẬN VỀ THỔ NẠP
Thổ nạp đình là nguyên tắc căn bản để đi vào khoa khí-công. Trong khoa khí-công thì nhất thiết chú ý đến :
- Thổ-nạp-đình
- Tốc độ,
- Khối lượng thổ nạp.
Về danh từ chuyên môn thì :
1 Thổ +1 Nạp +1 Đình = 1 Tức
CHƯƠNG THỨ NHÌ
CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU KHÍ
Mục lục
1. Phương pháp thông thường
1.1. Nhu hòa
1.11. Tốc độ
1.12. Nhịp điệu
1.13. Khối lượng
1.14. Công dụng
1.2. Hoãn viên
1.21. Tốc độ
1.22. Nhịp điệu
1.23. Khối lượng
1.24. Công dụng
1.3. Thâm trường
1.31. Tốc độ
1.32. Nhịp điệu
1.33. Khối lượng
1.34. Công dụng
2. Phương pháp ý khí hợp nhất.
2.1. Phương pháp minh tâm
2.11. Tốc độ
2.12. Nhịp điệu
2.13. Khối lượng
2.14. Công dụng
2.2. Phương pháp kiên lực
2.21. Tốc độ
2.22. Nhịp điệu
2.23. Khối lượng
2.24. Công dụng
2.3. Phương pháp kiên thể
2.31. Tốc độ
2.32. Nhịp điệu
2.33. Khối lượng
2.34. Công dụng
3. Phương pháp đạo gia
3.1. Phương pháp thái cực
3.11. Tốc độ
3.12. Nhịp điệu
3.13. Khối lượng
3.14. Công dụng
3.2. Phương pháp lưỡng nghi
3.21. Tốc độ
3.22. Nhịp điệu
3.23. Khối lượng
3.24. Công dụng
3.3. Phương pháp tứ tượng
3.31. Phương pháp tứ tượng dương
3.31.1. Tốc độ
3.31.2. Nhịp điệu
3.31.3. Khối lượng
3.31.4. Công dụng
3.32. Phương pháp tứ tượng âm
3.32.1. Tốc độ
3.32.2. Nhịp điệu
3.32.3. Khối lượng
3.32.4. Công dụng
4. Phương pháp ảo thổ nạp
4.1. Phương pháp ảo thượng thức
4.11. Tốc độ
4.12. Nhịp điệu
4.13. Khối lượng
4.14. Công dụng
4.2. Phương pháp ảo trung thức
4.21. Tốc độ
4.22. Nhịp điệu
4.23. Khối lượng
4.24. Công dụng
4.3. Phương pháp ảo hạ thức
4.31. Tốc độ
4.32. Nhịp điệu
4.33. Khối lượng
4.34. Công dụng
5. Kết luận
CHƯƠNG THỨ NHÌ
CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU KHÍ
1. PHƯƠNG PHÁP THÔNG THƯỜNG (1)
Thông thường nghĩa là Thổ-nap tự nhiên, không cần chú ý. Bốn phương pháp thông thường là:
- Nhu hòa.
- Hoãn viên.
- Quân bình.
- Thâm trường.
Đây là 4 phương pháp điều khí rất thông thường trong khoa khí công học. Khi thổ nạp, thản nhiên không chú ý tới mũi hay miệng thổ nạp, nghĩa là bộ vị thổ nạp tự nhiên.
1.1. NHU HÒA
Thổ nạp nhẹ nhàng như tằm nhả tơ, trong giấc ngủ ngon.
1.11. TỐC ĐỘ : Trung.
1.12. NHỊP ĐIỆU : Liên tục khi nạp cũng như thổ liên miên bất đoạn.
1.13. KHỐI LƯỢNG : Trung.
Đây là phương pháp thổ nạp cho những người mới tập để điều hòa hơi thở, hay lúc mới tập nhập tĩnh, để không bị ước thúc ràng buộc.
1.14. CÔNG DỤNG : Rất rộng:
- Dùng làm căn bản lúc khởi đầu luyện khí công cho người mới tập.
- Có thể dùng cho tất cả mọi tư thức, mọi loại khí công.
- Dùng để điều hòa hơi thở sau khi chạy, nhảy, luyện võ.
1.15. CHỦ TRỊ :
- Hạ huyết áp cao.
- Tim đập quá mau.
- Trấn tĩnh cơn cáu giận, súc động.
1.2. HOÃN VIÊN
Thổ nạp chậm chạp, cắt đứt thành từng nhịp một, nạp nhiều nhịp, thổ cũng nhiều nhịp, nhưng không đình thổ nạp.
1.21. TỐC ĐỘ : Trì.
1.22. NHỊP ĐIỆU : Gián đoạn, thổ cũng như nạp cắt thành nhiều nhịp ngắn.
1.23. KHỐI LƯỢNG : Trung.
1.24. CÔNG DỤNG : Như phương pháp Nhu-hòa.
1.25. CHỦ TRỊ : Như phương pháp Nhu-hòa.
1.3. QUÂN BÌNH
Thổ nạp trung bình, độ dài tốc độ đều trung bình. Chia thành nhiều nhịp trong một thổ hay nạp.
1.31.TỐC ĐỘ : Trung.
1.32. NHỊP ĐIỆU : Gián đoạn. Thổ cũng như nạp cắt đứt thành nhiều nhịp. Số nhịp trong một tức không giới hạn. Ít nhất là hai, nhiều nhất có thể tới cả trăm.
1.33. KHỐI LƯỢNG : Trung.
1.34. CÔNG DỤNG :
- Dùng cho tất cả các thức Khí-công, Thiền-công.
- Dùng để trị bệnh phổi.
- Dùng cho những người mới luyện.
1.35. CHỦ TRỊ : Tùy nghi các thức Khí-công, Thiền-công.
1.4. THÂM TRƯỜNG
Thổ nạp nhẹ nhàng. Khi thổ cũng như khi nạp kéo một hơi dài cho đến khi đầy ắp mới thôi.
1.41. TỐC ĐỘ : Trì.
1.42. NHỊP ĐIỆU : Liên tục.
1.43. KHỐI LƯỢNG : Thâm.
1.44. CÔNG DỤNG : Như phương pháp Quân-bình.
1.45. CHỦ TRỊ : Tùy theo các thức Khí-công, Thiền-công.
1.5. KẾT LUẬN
Phương pháp thông thường là phương pháp xuất xứ từ thiền-công Phật-gia. Phương pháp của thiền-công Phật-gia nguyên thủy là: Thổ nạp chậm chạp, điều hòa, ý khí hợp nhất, không phân biệt mũi hay miệng thổ nạp. Các khí công sư đã từ thiền-công Phật-gia biến đổi đi thành 4 phương pháp khác nhau. Công dụng như sau:
- Dùng làm khởi đầu cho mỗi phương pháp thổ nạp. Hầu như bắt đầu các phương pháp điều khí nào cũng khởi từ phương pháp thông thường cả.
- Dùng trong các loại tĩnh công, tập điều hòa tinh, thần, khí.
- Dùng trong các thức khí công để chữa bệnh bảo kiện.
- Dùng trong các thức khí công để đi vào luyện thần.
- Ít dùng trong võ học.
2. PHƯƠNG PHÁP Ý KHÍ HỢP NHẤT (2)
Phương pháp này rất nhiều, tuy nhiên ở đây chúng tôi chỉ tuyển chọn ba phương pháp hữu ích nhất:
- Phương pháp minh-tâm, để luyện thần.
- Phương pháp kiên-lực, để luyện lực.
- Phương pháp kiên-thể, để luyện tổng hợp thần, lực.
2.1. MINH-TÂM
Xuất phát từ thiền tuệ. Các khí-công sư đã nhân phương pháp Tham- thiền thổ nạp là phương pháp của Phật-gia, rồi biến đổi đi. Nguyên phương pháp Tham-thiền, do các thiền sư dùng để ngồi tập Thiền-công và đọc kinh. Phương pháp lấy tự nhiên, thổ nạp điều hòa, không chú ý đến thổ hay nạp. Nếu chú ý đến thì mất hẳn tự nhiên. Khi thổ nạp, thân thể buông lỏng, tâm thần ninh tĩnh, để mặc cho hơi thở đưa đến nhu-hòa, hoãn-viên, quân-bình hay thâm-trường tức là tiến tới "ý khí hợp nhất".
Kinh nghiệm
Đầu tiên dùng phương pháp thông thường ở trên. Sau khoảng mười tức, hơi đã điều hoà, rồi biến sang minh-tâm, kiên-lực, kiên-thể thì dễ dàng hơn.
2.11. TỐC ĐỘ : Trung.
2.12. NHỊP ĐIỆU : Liên tục.
2.13. KHỐI LƯỢNG : Trung.
2.14. CÔNG DỤNG : Dùng làm căn bản cho các phương pháp điều khí khác. Phàm điều khí cần phải lấy minh-tâm thổ nạp làm khởi đầu.
- Dùng để luyện Khí-công, và tập Thiền của Phật-gia.
- Dùng trong các thức tập Khí-công luyện thần, trị bệnh thần kinh:
- Giải trừ ma nghiệp, ma tính trong người.
- Giải trừ nhiệt khí.
- Bỏ thất tình là hỷ (vui), nộ giận) , ai (đau đớn), cụ sợ hãi), ái yêu), ố (ghét), dục (muốn).
- Xua đuổi lục-tặc (six brigands) tức sáu kẻ cướp. Bao gồm ngoại lục tặc và nội lục tặc. Ngoại lục tặc là sắc, thanh, hương, vị, súc, pháp. Nội lục tặc là nhãn (mắt), nhĩ (tai), tỵ (mũi), thiệt (lưỡi), thân (con người), ý (suy tư). Sẽ nói rất kỳ trong phần giảng về Tĩnh-công.
- Dùng để nhập tĩnh, tập trung tinh thần hầu nghiên cứu, đọc sách, tụng kinh, cho mau hiểu, để thu nạp tư tưởng.
2.15 CHỦ TRỊ :
Dùng để trị tất cả các bệnh thần kinh.
- Đầu óc mệt mỏi làm việc trí thức nhiều, cần thở hít để giải trừ tất cả những ngoại giới làm bận tâm.
- Mất ngủ (insomnies), mất trí nhớ.
- Bệnh ảo tưởng (Schizophrénie).
- Tinh thần thất thường, thần kinh suy nhược (neurasthénies).
- Lo-âu sợ sệt (anxiété).
- Mệt mỏi (asthénies psychiques).
- Hạ huyết áp.
- Tim đập mau (>90 lần một phút).
- Hạ nhiệt độ.
2.2. PHƯƠNG PHÁP KIÊN LỰC
Dùng để luyện lực, hay để phát lực, như khi cần đẩy, kéo, vác nặng.
- Phương pháp khởi đầu bằng minh-tâm thổ-nạp.
- Rồi tiến tới thâm-trường như tầm nhả tơ, liên miên bất tuyệt, nạp từ từ thật dài, thổ từ từ thật dài.
2.21. TỐC ĐỘ : Trì hay Trung.
2.22. NHỊP ĐIỆU : Liên tục như tằm nhả tơ liên miên bất tuyệt.
2.23. KHỐI LƯỢNG : Thâm.
2.24. CÔNG DỤNG :
Dùng để luyện lực, khuân vác nặng, làm việc nặng. Từ đó áp dụng rộng ra khi tập các thức:
- Cần dùng sức để đẩy mạnh, dùng sức kéo mạnh. Khi đẩy thì thổ, khi kéo thì nạp.
- Dùng rất nhiều trong các thức tập động công, luyện lực, ít dùng để luyện thần.
- Dùng để phụ trợ ngoại công và tập võ.
- Ứng dụng võ học, dùng để tấn công: Khi bóp, khi kéo, khi lui thì nạp, khi đẩy, khi đánh, khi tiến thì thổ.
2.25. CHỦ TRỊ :
- Trong khí công trị bệnh dùng để trị các chứng hư và chứng bị hàn.
- Khi vận khí chữa bệnh cho người khác phải dùng phương pháp này. Nạp khí rồi vận khí ra tay hay chân, khi truyền thì thổ.
- Phạm vi áp dụng rất rộng rãi: dùng để chạy đường trường cho khỏi mệt.
- Trẻ con chậm lớn.
- Người bệnh mới khỏi.
- Trong thời kỳ dưỡng bệnh.
- Phụ nữ sau khi sinh đẻ.
- Người lạnh, sợ lạnh.
- Tất cả các chứng suy nhược cơ thể (asthénies physiques).
- Tim đập chậm (
- Huyết áp thấp.
2. 3. PHƯƠNG PHÁP KIÊN THỂ
Các vị khí công gia trước đây thường là những y-gia bởi vậy khi lên núi hái thuốc, hay bị mệt mỏi. Vì vậy mới đề xướng ra một phương pháp leo núi cho khỏi mệt, đặt tên là "Thượng sơn thái dược". Nghĩa là lên núi hái thuốc.
- Phương pháp khởi từ minh-tâm thổ nạp.
- Nạp khí bằng mũi thành nhiều nhịp ngắn buông lỏng không chú ý đến bước chân đi. Nếu nạp bằng mũi miệng, thì miệng sẽ khô, mau mệt, phản lại phương pháp.
- Nhẩm đọc chữ "thổ" khi thổ, không buông lỏng nữa. Phải nhớ là chỉ chú ý chữ "thổ" mà không chú ý chữ "nạp". Khi nạp ý thức buông lỏng. Thổ bằng miệng, mũi.
2.31. TỐC ĐỘ : Trung, hay trì.
2.32. NHỊP ĐIỆU : Chia thành nhiều nhịp, ngắn thì nạp. Lúc thổ có thể thổ một hơi nhưng cũng có thể thổ làm nhiều nhịp.
2.33. KHỐI LƯỢNG : Trung hay thâm.
2.34. CÔNG DỤNG :
Dùng để leo lên cao cho khỏi mệt.
- Phạm vi áp dụng rộng ra: Đi bộ cho khỏi mệt, lội dưới sình, bơi dưới nước khỏi mệt.
- Khi đi bộ, leo cao xách vật nặng thở cho khỏi mệt.
- Dùng trong khi tập động công để lâu mệt.
- Dùng trong võ học để điều hòa khí khi xử dụng võ.
- Dùng trong khi làm việc, giữ được chân khí khỏi mệt.
Phương pháp này vừa để luyện thần, vừa để luyện lực. Nó là tổng hợp của hai phương pháp Minh-tâm, Kiên-lực.
2.35. CHỦ TRỊ : Rất rộng.
- Mệt mỏi thể xác hoặc tinh thần (Asthénies physiques ou Psychiques).
- Sau khi làm việc mệt mỏi.
- Bần huyết (Anémies).
- Thiếu hồng huyết cầu.
- Bị vọp bẻ (Cramps).
- Cơ thể bị kiến bò (Spasmophilies).
3. PHƯƠNG PHÁP ĐẠO GIA
Các phương pháp của đạo gia rất nhiều, song chúng tôi chỉ ghi chép vào đây ba phương pháp chính, giản dị, dễ luyên tập nhất.
- Thái cực thổ nạp.
- Lưỡng nghi thổ nạp.
- Tứ tượng thổ nạp.
(Nhắc lại phần học thuyết Âm-Dương: Theo học thuyết Âm-Dương của Á-châu thì vũ trụ, cũng như con người phân ra làm Âm và Dương gọi là Lưỡng-nghi. Nhưng trong Âm cũng phân ra Âm-Dương. Trong Dương cũng phân ra Âm-Dương. Vì vậy Lưỡng-nghi lại sinh ra Tứ-tượng. Rồi Tứ-tượng cũng phân ra nữa thành Bát-quái. Xin đọc lại phần Học thuyết Âm-Dương ở trên).
Phương pháp thổ nạp của đạo gia xuất hiện vào thế kỷ thứ mười hai, nên thu thái kinh nghiệm của:
- Thiền-công của Phật-gia.
- Thêm yếu quyết về y học để kiểm chứng tác dụng.
- Lấy căn bản biến hóa âm dương vũ trụ dịch lý học: Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh tứ tượng.
3.1. THÁI CỰC THỔ NẠP
Tức là mỗi hành động thuận lý, khi nạp khí, thì bụng ngực nở ra, ý chỉ tròn như vòng Thái-cực. Khi thổ thì ép bụng ngực lại. Phương pháp như sau:
- Dùng mũi nạp hoặc mũi miệng đồng nạp.
- Khi thổ thì dùng miệng thổ.
- Lấy cơ sở là phương pháp thông thường, và minh-tâm thổ nạp ở trên.
- Khi nạp thì miệng răng hơi hé mở, lưỡi tự nhiên. Dùng ý dẫn khí theo hơi thở qua Thượng-tiêu tới Trung-tiêu ngừng lại.
- Bụng từ từ lớn ra để khí nạp vào. Nghĩa là bụng vừa mở ra khí vừa nạp.
- Khi thổ thì bụng từ từ ép lại cho khí ra.
- Không nên cưỡng ép bụng mở ra quá ép vào quá.
Hình dưới:
- Thượng-tiêu bao gồm: Tâm (tim), Phế (phổi)
- Trung tiêu bao gồm: Tỳ (lá lách), Vị (Bao-tử, dạ dày), Can (gan)
- Hạ tiêu bao gồm: Thận, Bàng-quang, Đại-trường, Tiểu-trường
TR23 Tư-trúc-không, TR1 Quan-xung
3.11. TỐC ĐỘ : Trung, Trì.
3.12. NHỊP ĐIỆU : Liên tục.
3.13. KHỐI LƯỢNG : Trung hoặc thiển.
3.14. CÔNG DỤNG :
- Dùng để chuyển khí từ lý ra biểu, từ âm ra dương. Nghĩa là từ trong cơ thể ra ngoài da.
- Từ dưới lên trên. Nghĩa là dẫn khí từ trong nội tạng ra ngoài thân mình.
- Dùng để chuyển chân khí ra ngoài đỡ đòn, chịu đòn.
- Dẫn khí từ lý (trong cơ thệ) ra các đầu ngón chân tay tấn công hoặc truyền khí chữa bệnh.
- Dùng để luyện khí, luyện tinh, luyện thần riêng biệt.
3.15. CHỦ TRỊ : Rất rộng.
- Những người dễ bị cảm cúm.
- Khí bế tắc đưa đến nội nhiệt ngoại hàn (trong nội tạng thì nóng, mà ngoài thân thì lạnh).
- Dùng để trị các chứng bệnh thuộc thực chứng.
- Máu lưu thông không bình thường đưa đến nhức đầu, cáu giận, lo sợ viển vông.
- Tim đập thất thường.
- Bàn chân, bàn tay lạnh.
- Khó khăn về sinh lý.
Lưu ý quý vị Bác-sĩ, Đông y sĩ, các vị Võ-sư, Thiền-sư.
Khi giảng dạy phải tìm hiểu, tránh dạy phương pháp này cho chư vị tu sĩ Phật-giáo, Thiên-chúa giáo. Vì phương pháp dễ đưa đến kích dục, làm cho người tập dễ bị phá giới thể mà chính mình cũng là người mang tội.
3.2. LƯỠNG NGHI THỔ NẠP
Trên là Thái-cực tức thổ nạp thuần nhất. Lưỡng nghi là phương pháp chi tiết hơn Thái-cực, bởi phân ra âm-dương, tức là trái ngược với nhất thể, động tác trái ngược với Thái-cực thổ nạp.
- Dùng mũi nạp hoặc mũi miệng đồng nạp.
- Miệng răng hé mở.
- Dùng ý dẫn khí qua thượng-tiêu tới trung-tiêu vào trung-đơn-điền. Bụng từ từ ép lại trong khi khí vẫn nạp vào.
- Từ từ mở bụng ra, trong khi thổ khí. Thổ bằng mũi miệng hoặc bằng miệng.
3.21. TỐC ĐỘ : Trì, trung.
3.22. NHỊP ĐIỆU : Liên tục.
3.23. KHỐI LƯỢNG : Trung hoặc thâm.
3.24. CÔNG DỤNG :
Dùng nhiều trong động công và võ học, ít dùng trong tĩnh công.
- Xử dụng trong nguyên tắc võ học "vô trung sinh hữu". Nghĩa là rõ ràng thổ khí nhưng bên trong đầy khí. Ngược lại rõ ràng nạp vào mà bụng lại ép. Phàm khi dùng nguyên tắc "dĩ nhu khắc cương" thổ ra, nhưng bụng mở ra, địch dùng cương đánh vào thì đánh vào chỗ nhu, trong ngực không có khí, khoảng trống tam tiêu không bị căng ép, chịu đòn cương tốt.
- Vô-trung sinh hữu là khi ép bụng vào dụ địch đánh đòn nhu hay cương đều không đáng sợ, bởi khối lượng khí đầy ắp, mà ngực bụng ép lại, chịu đòn chắc chắn.
- Dùng trong các thức động công cho thăng bằng cơ thể lâu mệt.
- Dùng chuyển dần chân khí để đánh đòn hoặc trị bệnh.
3.25. CHỦ TRỊ : Rất rộng.
- Dương hư, tim đập chậm.
- Làm nóng cơ thể, dùng để chống lạnh.
- Mệt thể xác, tinh thần.
- Aên khó tiêu.
- Phụ nữ huyết trắng.
- Nam khó khăn sinh lý.
- Huyết áp thấp.
Biểu hình dương hư.
3.3. TỨ TƯỢNG THỔ NẠP
Có hai thứ Tứ-tượng-dương và Tứ-tượng-âm.
3.31. TỨ TƯỢNG DƯƠNG
Áp dụng nạp thổ và ngưng.
- Dùng mũi nạp, mũi thổ hoặc mũi miệng đồng dụng.
- Khi nạp dùng ý dẫn khí từ thượng-tiêu, qua trung-tiêu, xuống hạ-tiêu ở huyệt khí-hải (VC 6). Bụng từ từ nở ra nạp khí vào.
- Thổ khí, bụng từ từ khép lại.
- Đình thổ nạp. Ý niệm hoạt động tập trung vào chữ "tĩnh".
3.31.1. TỐC ĐỘ : Khẩn, trung, trì tùy theo trình độ khí-công cao thấp. Mới thì khẩn, sau dần dần tới trung, trì không nên cưỡng quá, có hại.
3.31.2. NHỊP ĐIỆU : Liên tục.
3.31.3. KHỐI LƯỢNG : Thiển, trung, thâm đều được. Lúc mới tập thì thiển, sau từ từ tiến tới trung và thâm.
3.31.4. CÔNG DỤNG : Dùng cả trong tĩnh-công, động-công, phụ trợ ngoại công và y khoa. Công dụng như Thái-cực thổ nạp. Nhưng khoảng thời gian đình thổ nạp , để có thời giờ chuyển sang thổ nạp khác. Khi truyền khí được mạnh hơn đúng vào lúc đình.
3.31.5. CHỦ TRỊ : Như Lưỡng-nghi. Nhưng dành cho người đã có kinh nghiệm Khí-công. Kết quả mau hơn.
3.32. TỨ TƯỢNG ÂM
Áp dụng nạp, đình, thổ.
- Dùng mũi nạp, mũi thổ, hoặc mũi miệng đồng dụng nhưng hơn hết là mũi nạp miệng thổ ra.
- Khi nạp mặc niệm chữ "tĩnh". Dùng ý dẫn khí qua thượng, trung, hạ tiêu đến huyệt khí-hải (VC6). Bụng theo khí mà nở dần ra.
- Đình thổ nạp, mặc niệm chữ "tĩnh".
- Từ từ cho khí thổ ra, bằng miệng, bụng từ từ ép vào.
3.32.1. TỐC ĐỘ : Khẩn, trung, trì tùy theo trình độ. Mới thì khẩn sau quen rồi có thể tiến sang trung hay trì.
3.32.2. NHỊP ĐIỆU : Liên tục.
3.32.3. KHỐI LƯỢNG : Thiển, trung, thâm đều được. Tùy theo trình độ, lúc mới tập thì thiển, sau dần dần tới trung và thâm.
3.32.4. CÔNG DỤNG :
- Dùng nhiều trong động-công, tĩnh công và cả ngoại công.
- Ngoại-công dùng để tấn công vận dương kình.
- Dùng để vận dương kình chịu đòn.
- Vận dương khí chữa bệnh.
3.32.5. CHỦ TRỊ :
- Làm tăng dương khí.
- Kích thích bộ máy tiêu hóa.
- Aên khó tiêu.
- Ợ chua, nấc cục.
- Tiện bí hư chứng.
- Chân tay lạnh.
- Huyết áp thấp.
- Tim đập chậm.
- Mệt mỏi.
3. PHƯƠNG PHÁP ẢO THỔ NẠP
Phương pháp này xuất hiện vào thể kỷ thứ mười hai, mười ba. Phương pháp rất hữu hiệu, nhưng người mới tập không nên luyện, vì dễ đưa đến loạn khí. Chỉ nên luyện khi đã đả thông vòng Tiểu-chu-thiên. Ảo thổ nạp là thức thổ nạp bằng ý-thức, chứ không có trên thực tế. Tức là không dùng ngoại khí thổ nạp, mà chị dùng nội khí luân lưu trong cơ thể. Phương pháp này người mới tập khí công không nên xử dụng. Chỉ có những khí-công gia đã có thời gian luyện tập lâu mới dùng được.
Có ba thức:
- Ảo thượng thức
- Ảo trung thức
- Ảo hạ thức
4.1. ẢO THƯỢNG THỨC
Nguyên tắc như sau:
- Đi từ căn bản phương pháp thông thường hoặc minh-tâm.
- Dùng ý dẫn khí vào trung-đơn-điền qua thượng-tiêu.
- Ngưng thổ nạp.
- Dùng ý tưởng nạp khí vào trung-đơn-điền, đầy mới thôi.
- Ngưng lại cũng bằng ý thức.
- Thổ khí, dùng ý dẫn khí từ trung-đơn-điền ra, rồi ngưng, thổ nạp như thường.
Như vậy một thổ một nạp, ý tưởng ở trung-đơn-điền, một khai một hợp.
4.11. TỐC ĐỘ : Trung, khẩn.
4.12. NHỊP ĐIỆU : Liên tục hoặc gián đoạn.
4.13. KHỐI LƯỢNG : Trung, thâm.
4.14. CÔNG DỤNG : Dùng nhiều trong tĩnh-công, ít dùng trong động-công.
4.15. CHỦ TRỊ : Dùng trong chữa bệnh hư nhược chứng tại thượng, trung tiêu. Các bệnh tâm, phế.
4.2. ẢO TRUNG THỨC
- Dùng kiên-lực thổ nạp bằng ý thức.
- Khi nạp, thổ dẫn khí bằng ý tưởng tới huyệt dũng-tuyền (R1)
- Khởi đầu bằng phương pháp thông-thường hoặc Minh-tâm hoặc Kiên-thể, Kiên-lực.
- Ngưng thổ nạp.
- Nạp bằng khí, dùng ý dẫn khí tới trung-đơn-điền.
- Ngưng thổ nạp, sau đó dùng ý thổ khí.
- Khi thổ khí, dùng ý dẫn khí từ huyệt Dũng-tuyền (R1) tới âm-bộ (bộ phận sinh dục), theo Đốc-mạch tới Mệnh-môn (VG4) rồi vào thận, từ thận ngược theo hạ, trung, tiêu ngưng lại ở trung-đơn-điền.
4.21. TỐC ĐỘ : Khẩn.
4.22. NHỊP ĐIỆU :. Liên tục.
4.23. KHỐI LƯỢNG : Thiển, trung.
4.24. CÔNG DỤNG :
- Về y học dùng để trị các bệnh về trung hạ tiêu. Các bệnh về bộ phận sinh dục, và các bệnh về chân.
- Về ngoại công ít dùng.
- Về tĩnh công dùng nhiều.
- Về luyện khí và tinh nhiều hơn luyện thần.
4.25. CHỦ TRỊ :
- Trị tất cả các bệnh tâm, phế hư.
- Tỳ vị hư nhược : Aên không tiêu, khó tiêu, ợ hơi, nấc cục.
- Chữa bệnh tiền liệt tuyến hư nhược (Prostatite) : Tiệu vặt, tiểu đêm.
- Khó khăn sinh lý. Nữ lãnh cảm.
- Các vị Tu-sĩ Phật-giáo, Thiên-chúa giáo không nên dùng, vì loại này có tính cách kich dục mạnh.
4.3. ẢO HẠ THỨC
Lấy thượng thức làm cơ sở.
- Khởi đầu bằng phương pháp Thông-thường hoặc Minh-tâm, Kiên-lực, Kiên-thể.
- Nạp bằng ý tưởng, dùng ý dẫn khí vào trung-đơn-điền.
- Ngưng một lát.
- Sau đó thổ khí bằng ý tưởng, dùng ý dẫn khí từ trung-đơn-điền, tỏa ra toàn thân ở các lỗ chân lông.
- Nạp khí bằng ý tưởng từ các lỗ chân lông về trung-đơn-điền.
- Như vậy các lỗ chân lông toàn thân một lần thổ một lần nạp.
4.31. TỐC ĐỘ : Trung, khẩn.
4.32. NHỊP ĐIỆU : Liên tục.
4.33. KHỐI LƯỢNG : Thiển, trung, thâm.
4.34. CÔNG DỤNG : Điều hòa khí nội ngoại. Dùng trị bệnh nhiều hơn. Ít dùng trong động công và võ học mà dùng trong tĩnh công.
4.35. CHỦ TRỊ :
- Dễ bị cảm.
- Người bần thần khó chịu.
- Bắp thịt co dật.
- Khí huyết lưu thông không đều.
5. KẾT LUẬN
Phương pháp thổ nạp còn rất nhiều, nhưng ở đây chúng tôi chỉ đưa ra những phương pháp thông dụng dùng trong khoa khí công mà thôi. Như những phương pháp phụ trợ ngoại công của võ học nhưng ngày nay ít dùng đến, bởi nó chỉ dùng trong khi tấn công đối thủ. Như nạp thì rất chậm, hoặc thông thường, nhưng khi thổ thì bật một tiếng thật mạnh ra như sét nổ, để tấn công đối thủ. Lối nầy thì đấu võ mới xử dụng, và chỉ thổ một tức để sát địch sau đó lại trở lại thổ nạp như thường bằng các phương pháp khác. Thổ nạp trong khoa khí công trị bệnh thì thường dùng nhiều nhất phương pháp Thông-thường và Minh-tâm, Kiên-lực, Kiên-thể. Còn các phương pháp khác thì dùng cho võ học, vận khí tấn công. Khi luyện tập thổ nạp, cần nhất luyện xong từng loại, rồi mới luyện sang loại khác, đừng luyện liên tiếp nhiều loại một lúc. Mau thì kết quả không đạt được.
Chú giải
(1). Phương pháp này do Vô-Ngại thượng nhân sáng tạo. Ngài là một hòa thượng đắc pháp Bồ-Tát thuộc giòng thiền Tỳ-ni Đa-lưu-chi . Không rõ ngài sinh và viên tịch năm nào. Chỉ biết ngài sống đồng thời với Bồ-tát La Quý-An, mà ngài La Quý-An viên tịch năm 936. Ngài là một đại thiền sư, một đại khí công gia. Tương truyền các phương pháp thông thường thổ nạp là do người dùng để dạy đệ tử, cùng luyện thiền. Về tiểu sử, xin đọc Anh-hùng Tiêu-sơn quyển 2, hồi thứ 13, của Trần-Đại-Sỹ,.
(2). Phương pháp này do Vạn-Hạnh thiền sư (929-1025), một vị bồ tát có tài tiên tri. Ngài thuộc giòng thiền Tỳ-ni Đa-lưu-chi của Việt-Nam. Ngài là thầy của vua Lê Đại-Hành và Lý Thái-tổ, chính ngài đã dựng lên triều Tiền Lê và triều Lý. Về hành trạng của ngài, xin đọc Anh-hùng Tiêu-sơn, Thuận-Thiên di sử của Trần-Đại-Sỹ.
PHẦN THỨ TƯ
Ba phần đầu, đã trình bày những lý thuyết tổng quát về khoa Thiền-công, Khí-công. Sang phần thứ 4 này, bắt đầu trình bày các phương pháp luyện tập thực dụng.
Phần thực dụng có hai loại, đó là Tĩnh-công và Động-công. Tĩnh-công thì hoàn toàn Tĩnh, nhưng Động-công thì bao gồm cả Tĩnh lẫn Động-công.
CHƯƠNG THỨ NHẤT
TĨNH CÔNG
1. ĐỊNH NGHĨA TĨNH CÔNG
Gọi là tĩnh công, khi luyện Thiền-công, Khí-công mà ở trong trạng thái như sau:
- Tứ chi bất động.
- Thân thể bất động.
- Ngoại tĩnh, nội động.
Khi ngồi, đứng, nằm, toàn phần cơ thể không hoạt động. Trông bên ngoài như một pho tượng: chân, tay, đầu, mặt, mũi miệng hoàn toàn tĩnh. Nhưng trong nội thể, chân khí, khí tức chu lưu đi các kinh mạch. Thần lực luân chuyển không ngừng. Bởi vậy trong khoa khí công mới nói là "Tĩnh trung hữu động".
Một số thư tịch ngoại quốc thường lầm lẫn Tĩnh-công với Tĩnh-tọa. Tĩnh-công là một khoa luyện khí công ở tư thức thân thể bất động. Còn Tĩnh-tọa là một tư thức ngồi luyện công mà thôi. Tĩnh-công gồm có hàng nghìn, hàng vạn thức. Sau hai hơn ba mươi năm giảng dạy, chúng tôi tuyển lấy mấy tư thức hữu hiệu nhất cho sức khoẻ, cho việc luyện thần mà thôi.
- Hồi dương công.
- Hồi sinh công.
- Thiền môn công.
- Tĩnh tâm công v.v...
2. ĐI VÀO NHẬP TĨNH
Độc giả sẽ hỏi: làm thế nào để nhập tĩnh? Đây là một vấn đề khó khăn. Kinh nghiệm giảng dạy khí công trên ba chục năm, cho tôi những nhận xét như sau:
- Trẻ con dễ nhập tĩnh hơn người lớn.
- Người hiền lành, thâm trầm dễ nhập tĩnh hơn người khôn ngoan lanh lợi.
- Người ít nói dễ nhập tĩnh hơn người nói nhiều.
- Thi sĩ, họa sĩ dễ nhập tĩnh hơn ký giả, văn sĩ.
- Người Á-châu dễ nhập tĩnh hơn người Âu-châu, Mỹ-châu, Úc-châu.
- Đối với nghười Á-châu, thì nữ nhập tĩnh dễ hơn nam. Ngược lại với người Âu Mỹ Úc thì nam nhập tĩnh dễ hơn nữ.
- Giới y dễ nhập tĩnh hơn giới luật.
- Người theo đạo Phật dễ nhập tĩnh hơn người theo các tôn giáo khác.
Trước khi Phật-giáo du nhập vào Trung-quốc, Việt-Nam, thì vấn đề nhập tĩnh là một điều khó khăn. Trong tất cả các khoa khí công, thì Thiền sở trường nhất về phương pháp nhập tĩnh. Làm thế nào để ngồi im không động, tư tưởng tập trung, tai không nghe, mũi không ngửi, mắt không thấy trong một hai giờ?
Tổ sư của khoa nhập tĩnh chính là Phật Thích-Ca Mâu-ni. Phật-giáo sử thuật lại rằng:
"Trong thời gian ngồi dưới gốc cây bồ đề để suy ngẫm, để tìm ra lẽ giải thoát, ngài đã bị không biết bao nhiêu ma vương, quỷ dữ, mà ngài mắc nghiệp với chúng từ muôn vàn kiếp trước hiện lên quấy phá sự tĩnh tu. Ngài đã dùng thiền tức nhập tĩnh để thắng chúng".
Ma vương quỷ dữ ở đây phải hiểu là những dục vọng, những vọng tâm trong chính cơ thể của ngài.
Chúng tôi ghi thêm vài tài liệu, để độc giả muốn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Một thiếu niên muốn thọ giới sa-di với vị hòa thượng. Vị hòa thượng bảo chú chưa bỏ hết dục vọng thì tu sao được? Chú cương quyết rằng mình đã bỏ được dục vọng lâu rồi. Hòa thượng muốn thử chú, cho chú theo sư phụ trên đường đi khất thực. Tới thôn trang kia, hòa thượng bảo đệ tử:
- Con vào xóm xin cho thầy bát nước uống.
Chú tiểu vâng dạ lên đường. Chú gõ cổng tòa nhà lớn, chú nghĩ rằng trang chủ ắt hẳn là người giầu có. Một thiếu nữ tuyệt đẹp mở cổng mỉm cười với chú. Nàng hỏi:
- Trời ơi sao lại có một thiếu niên tuấn tú thế kia? Dường như chàng là một tiểu hòa thượng phải không?
- Không... không, tôi không phải là người đi tu. Tôi là một học sinh mà thôi.
Thế rồi bố mẹ cô gái gả con cho thiếu niên. Chàng sống cực kỳ hạnh phúc với người vợ đẹp trong phú quý, kẻ hầu hàng trăm, tỳ nữ hàng mấy chục. Mấy năm sau, hai người có với nhau ba mặt con. Rồi một ngày nước sông Hằng dâng cao, bão lụt tràn ngập. Dinh thự của chàng bị gió cuốn đi mất. Chàng chỉ còn kịp để con với vợ lên thuyền đi lánh nạn lụt. Trên đường đi, gió thổi mạnh, thuyền lật, vợ và con bị nước trôi mất. Chàng vội dơ tay bám vào mạn thuyền hy vọng thoát nạn. Nhưng chàng bám hụt. Giữa lúc chơi vơi trong giòng nước, chàng chợt nhớ tới sư phụ, bật lên tiếng kêu:
- Thầy ơi, cứu con với.
Có bàn tay vỗ lên đầu, với giọng đầm ấm:
- Thầy vẫn ở cạnh con đây.
Chàng mở mắt ra, thì là một giấc mộng.
Từ đấy chàng bỏ vọng tâm, theo thầy tu đạo.
Chuyện hậu Tây-du ký chép việc Tề-Thiên tiểu thánh đi qua Âm-Dương sơn.
Tề-Thiên tiểu thánh phù sư phụ qua Âm-Dương sơn. Núi Dương thì lửa phun lên, núi Âm thì tuyết đóng băng không thể đi được. Tiểu-Thánh lấy Như-ý bổng khoan một lỗ xuyên qua hai núi Âm, Dương. Lập tức âm dương điều hòa, khí hậu dễ chịu.
Bỗng một cậu bé từ trong núi nhảy ra gọi Tiểu-Thánh mắng là phá thế âm dương của cậu. Hai người đánh nhau. Cậu bé có 72 cái vòng. Mỗi cái tung lên, lại hóa ra một cảnh giới. Khi tung vòng hỏa, thì hóa ra lửa cháy khói mịt mờ. Khi tung vòng sắc, thì hóa ra biết bao gái đẹp. Lúc tung vòng thực ra thì hóa thành những món ăn trân quý. Nhưng Tề-Thiên tiểu thánh không sợ, không thích những thứ đó, nên dùng Như-ý bổng phá tan. Đến ngày thứ 71, Tiểu-Thánh phá vỡ 71 cái vòng, cậu bé có vẻ mệt mỏi lắm rồi. Ngày thứ 72, Tiểu-Thánh đang dương dương tự đắc, thì cậu bé tung cái vòng cuối cùng lên. Cái vòng bó lấy người Tiểu-Thánh. Tiểu-Thánh biến cho người lớn bằng trời đất, cái vòng cũng lớn theo. Tiểu-Thánh biến thành nhỏ như hạt bụi, cái vòng cũng nhỏ theo. Tiểu-Thánh đau đớn, nhảy lên trời, tìm đến cung Đâu-xuất hỏi Thái-Thượng lão quân về cậu bé và nhờ gỡ cho cái vòng quái ác.
Thái-Thượng lão quân nói:
- Con khỉ kia! Mi sinh sau, đẻ muộn nên không biết đó thôi. Vũ trụ này là một khối biến động không ngừng. Nếu vũ trụ không biến đổi thì là vũ trụ chết. Cho nên sau khi Thượng-Đế an bài vũ trụ rồi, mới sai Trẻ-Tạo quấy động cho vũ trụ biến động. Cậu bé đánh nhau với mày đó là Trẻ-Tạo tức ông trời con đó.
Tiểu-Thánh hiểu ra than:
- Ôi, thì ra tôi đánh nhau với ông trời con, hèn gì tôi thua là phải.
Đến đó cái vòng bó người Tiểu-Thánh biến mất. Tiểu-Thánh kinh ngạc:
- Thưa Lão-quân, cái vòng đâu mất rồi?
Lão-quân mắng:
- Làm gì có cái vòng nào đâu? Đó chẳng qua là mi tự buộc mi mà thôi. Này ta giảng cho mi biết, bẩy mươi hai cái vòng đó đều là vô hình, là không không là như như cả. Cái vòng hóa ra sắc đẹp, vì mi không hiếu sắc nên vòng bị phá vỡ. Bẩy mươi mốt cái sắc tướng đều không làm gì được mi. Còn cái thứ bẩy mươi hai tượng trưng cho tính hiếu thắng. Mi đang dương dương tự đắc, thì chính các hiếu thắng trong người mi đang vô hình, vô sắc, bỗng biến thành hình sắc trói buộc mi. Rồi khi nghe ta giảng, mi tự nhận thua ông trời con, như vậy là cái tính hiếu thắng biến mất, nên cái vòng cũng không còn.
3. PHƯƠNG PHÁP NHẬP TĨNH
Có rất nhiều phương pháp nhập tĩnh. Trong những phương pháp nhập tĩnh, thì phương pháp của Thiền, tinh diệu dễ dàng nhất. Tôi xin trình bầy phương pháp nhập tĩnh của Thiền dưới đây. Phương pháp này bản sư Nam-Hải Diệu-Quang đã truyền cho tôi vào thời thơ ấu. Suốt 45 năm qua, tôi đã dùng để dạy Thiền, dạy Khí-công cho tất cả những vị đã theo học với tôi.
Phương pháp nhập tĩnh của Thiền, đặt căn bản trên kinh Kim-cương, Lăng-già và Bát-nhã. Nhiều người thích chẻ sợi tóc làm tư, bảo rằng khó, không thể nào thấu đáo được tinh nghĩa. Thấu đáo để nhập vào cửa Bồ-Đề là điều mà các thiền-sư mong đạt tới để đắc qủa A-la-hán (1) hay Bồ-tát (2). Còn thiền biến thành khí-công chỉ với mục đích trị bệnh, bảo kiện, luyện lực, luyện cho tâm an, thần tĩnh thì dễ dàng vô cùng.
Nếu đem kinh Kim-cương, Lăng-già (3), Bát-nhã (4) ra đọc, hiếm người hiểu được. Nhưng nếu nắm được yếu chỉ, tức cái chìa khóa, thì sau đó đọc các kinh trên sẽ hiểu ngay. Ở đây tôi xin trình bầy cái chìa khóa đó. Trước hết nói sơ về yếu chỉ kinh Bát-nhã áp dụng cho khí công.
3.1. Lục căn, lục trần, lục tặc
Trong phép luyện Thiền thì sao bỏ lục căn mới nhập tĩnh được. Muốn bỏ lục căn thì phải bỏ lục trần. Vậy lục trần là gì? Lục trần tiếng sanscrit là visaya, dịch sang tiếng Pháp là six objets des sens. Nghĩa đen của lục trần là sáu cảnh bụi bặm, đôi khi còn gọi là lục tặc (six brigands). Lục trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Sau khi bỏ được lục tặc thì tiến tới bỏ lục căn.
Lục căn tiếng Phạn (sanscrit) là ayatana, tạm dịch sang tiếng Pháp là six organes, six sens. Lục là sáu, căn là gốc rễ có sức nảy sinh.
- Nhãn căn (yeux) là căn của sự nhìn thấy.
- Nhĩ căn (oreilles) là căn của sự nghe biết.
- Tỵ căn (nez) là căn của sự ngửi, cảm biết.
- Thiệt căn (langue) là căn của sự biệt mùi vị.
- Thân căn (corps) là căn của toàn cơ thể.
- Ý căn (conscienne) là căn của sự suy tư.
Trong thuật ngữ gọi lục tặc là lục ngoại nhập. Còn lục căn là lục nội nhập. Trong lục tặc, chỉ cần bỏ được một tặc là lập tức bọ được cả năm tặc kia. Kinh Thủ-lăng-nghiêm (Suramgama) nói:
Nhất căn ký phản nguyên,
Lục căn thành giải thoát.
Nghĩa là khi một bỏ được một căn, thì cả sáu căn đều biến mất, tức giải thoát.
3.2. Xa lìa lục tặc
Trong phép luyện Thiền, muốn lìa tặc nào trong sáu tặc trước cũng được cả. Kinh Bát-nhã nói: vô nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý. Nghĩa là làm biến đi, không còn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và không suy tư. Nhưng làm sao mà biến đi được?
3.2.1. Vô nhãn
Muốn vô nhãn, thì phải vô sắc. Làm sao vô nhãn? Nhắm mắt lại ư? Nhưng nhắm mắt thì những ảo giác vẫn sinh ra. Tỷ như đang ngồi trong phòng, những đồ vật tại chỗ như tranh ảnh, bàn ghế, dường nệm đầy xung quanh. Nhắm mắt để không thấy gì, nhưng hình ảnh những vật đó vẫn còn trong tư tưởng. Cố gắng quét đi các hình ảnh đó, thì muôn vạn hình ảnh trong cuộc sống đã trải qua lại hiện lên. Nào hình ảnh người thân, nào hình ảnh kẻ thù, nào hình ảnh nơi làm việc, nào hình ảnh vui, buồn
3.2.2. Vô ý
Vậy muốn vô nhãn thì phải vô ý. Ý đây là suy tư, là tưởng tượng. Nhưng làm sao để tập trung tư tưởng, rồi buông lỏng, hầu quét hết ý nghĩ trong tâm. Khó! Thực khó, nhất là đối với người thông minh, linh lợi, giầu tưởng tượng. Về điểm này tôi đã có kinh nghiệm:
- Trẻ con "vô ý" dễ hơn người lớn
- Người chân thực dễ "vô ý" hơn người tháo vát.
- Người chậm chạp dễ "vô ý" hơn người nhanh nhẹn.
Nhưng nếu tập trung tư tưởng, để "vô ý" thì tai vẫn nghe âm thanh, mắt vẫn thấy hình vật, mũi vẫn thấy hương, lưỡi vẫn thấy vị, thân vẫn cảm thấy nóng, lạnh... bằng ấy thứ khiến cho tư tưởng không thể tập trung.
3.2.3. Vô nhĩ
Nhĩ là tai. Vô nhĩ không khó như vô nhãn, vô ý, nhưng cũng không dễ dàng gì. Có nhiều người cho rằng tìm một phòng kín, không tiếng động là đủ. Lý luận thì thực là dễ, nhưng khi nhập tĩnh, thì những ảo thanh trong trí nhớ lập tức hiện ra với muôn nghìn âm giai, trăm vạn độ lớn nhỏ khác nhau, làm sao có thể bỏ ra?
3.2.4. Vô tỵ
Vô tỵ tương đối dễ hơn. Miễn sao khi luyện khí công nên tìm nơi không có hương thơm, hoặc mùi xú uế, thì có theå tập trung tinh thần, để mũi không cảm thấy gì.
3.2.5. Vô thiệt
Vô thiệt cũng không có, chỉ cần trước khi luyện đánh răng cho sạch, uống nước cho vừa đủ, thì tập trung tinh thần lại, sẽ không biết miệng chua, cay, ngọt, đắng, mặn nữa. Cần nhất là tịnh khẩu, không nói nữa.
3.2.6. Vô thân
Thân là toàn cơ thể, gần như toàn vẹn cả nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, ý, còn thêm cảm giác nóng, lạnh, đau, buốt, rát nữa, cho nên lúc mới luyện, không nên bỏ thân trước. Nhưng ngược lại, khi đã quen rồi, thì lúc nhập tĩnh thì vào thẳng vô thân cho mau.
3.3. Yếu chỉ nhập tĩnh
Yếu chỉ nhập tĩnh, đôi khi còn gọi là giải trừ tạp niệm. Tùy theo tình trạng trí tuệ, tình trạng cơ thể, tình trạng bệnh lý, người luyện có thể nhập tĩnh bằng cái ý niệm gợi ý sau đây:
3.3.1. Chuẩn bị
Để chuẩn bị cho việc nhập tĩnh, cần phải:
- Chọn nơi vắng vẻ, thoáng khí, không có tiếng động.
- Ăn vừa đủ no, đừng luyện trong lúc ăn no quá, hoặc đói quá, có thể gây trở ngại cho việc tập trung tinh thần.
- Mặc quần áo rộng, để khí luân lưu dễ dàng.
- Nhiệt độ nơi tập không nên nóng quá, không nên lạnh quá.
- Sau đó nhập tĩnh.
3.3.2. Giải trừ lục tặc
TĨNH TRÍ. (Vô ý). Vô ý rất khó, phần Ý-thủ chương sau sẽ giảng kỹ về pháp này. Tuy nhiên để chuẩn bị phải qua các giai đoạn:
- Khai thủy: chọn tư thức đứng? Nằm? Ngồi?
- Nhập tĩnh: ngừng hoạt động của chân, tay, đầu, thân mình.
- Điều tức: điều hòa hơi thở để đi tới thở bình thường.
- Ninh thần: ngừng suy nghĩ, buông lỏng tâm tư.
- Giáng khí: thổ khí từ từ, rồi hấp khí, khí trầm trung đơn điền.
- Giải trừ tạp niệm: bỏ ra ngoài lục tặc.
THÍNH NHI BẤT VĂN (Vô nhĩ)
Nghe mà không biết.
Khi nhập tĩnh luyện công, tập trung tư tưởng vào nơi ý tưởng, nhẹ nhàng ru hồn vào cõi tĩnh, lánh xa các tiếng động. Tai nghe tiếng động, nhưng không phân biệt đó là tiếng nhạc, tiếng xe hay tiếng ồn ào, không biệt đó là tiếng thanh hay trầm, lớn hay nhỏ.
THỊ NHI BẤT GIÁC (Vô nhãn)
Trông mà không thấy.
Nhập tĩnh luyện công, mắt nhìn bình thường về phía trước. Từ từ nhắm lại đến khi còn một vệt nhỏ, rồi nhắm hẳn, tinh thần nhập tĩnh, thì xóa bỏ tất cả hình ảnh trên võng mô còn lưu lại. Phải tập trung tư tưởng vào nơi ý thủ, để không thấy sự diễn biến sự vật dù là trước mặt hay là tưởng nhớ. Như vậy tư tưởng đi vào chỗ tĩnh được hai giác quan.
SÚC NHI BẤT CẢM (Vô thân)
Cảm giác vẫn còn mà không thấy nóng hay lạnh.
Luyện tĩnh công phải chọn nơi nhiệt khí vừa đủ, đừng nóng quá, đừng lạnh quá. Nhập tĩnh, ý thủ rồi lãng xa dần cảm giác xung quanh, nóng hay lạnh.
KHỨU NHI BẤT HƯƠNG (Vô tỵ)
Ngửi mà không thấy mùi.
Lúc nhập tĩnh đôi khi xung quanh có mùi hương. Ý thủ đưa tư tưởng xa mùi hương . Tư tưởng tập trung, mũi hít thở, mà không còn phân biệt mùi thơm, hắc, khó chịu là gì nữa.
VỊ NHI BẤT THỨC (Vô thiệt)
Nếm mà không biết vị.
Khi nhập tĩnh, ý thủ, tư tưởng tập trung dần dần không biết tình trạng trong miệng ra sao. Nhất là khi tập tĩnh công chữa bệnh, xóa bỏ mọi cảm giác khó chịu miệng đắng đi.
4. KẾT LUẬN
Nhập tĩnh tuy khó, nhưng nếu từ từ luyện, mỗi ngày một giờ thì chậm nhất là trong năm ngày sẽ thành công. Khi nhập tĩnh hoàn thành, không cần luyện gì thêm, cũng đưa đến kết quả:
- Trị bệnh tâm thần, khiến tâm thần thư thái (Détendu).
- Trị cáu giận (Nervositées).
- Trị thần tổn (asthénies pschysiques).
- Hạ huyết áp cao.(Hypertension artérielle).
- Trị chứng mất ngủ. (Insomnies).
Tuy nhiên, muốn hoàn toàn nhập tĩnh phải biết ý thủ. Chương sau sẽ giải về ý thủ.
Chú giải
(1) A-la-hán
Tức người đắc quả thuộc loại thứ tư. La-Hán có ba nghĩa: Sát-tặc, ứng cúng , bất sinh. Tiếng Phạn (sanscrit) là Arhat, tiếng Pali là Arahat.
- A-la là giặc. Hán là giết. Tức tất cả giặc phiền não đều bị giết sạch.
- Bậc A-la-hán dứt sạch các lỗi lầm.
- A là không. La-hán là sinh. Tức không còn sinh ra ở cõi đời nữa.
Chư Bồ-tát nếu giáng sinh ở cõi thế, phải ngồi thiền định, mới đắc quả A-la-hán.
(2) Bồ-tát tiếng Phạn (sanscrit) là Bodhisattva, tiếng Pali là Bodhisatta. Người Nhật phiên âm là Basatsu, dịch theo Pháp-văn là Héros d'Esprit d'Éveil. Theo kinh Phật thì Bồ-tát là những vị đắc quả, nhưng các ngài còn ở lại đời để độ chúng sinh. Từ xưa đến nay, có vô số Bồ-tát. Hiện tại trong đời có biết bao Bồ-tát, mà chúng sinh không biết.
(3) Để giảng giải yếu chỉ kinh Kim-cương, Lăng-già cho mọi người hiểu, tôi đã mượn tiểu thuyết để trình bầy. Độc giả có thể tìm hiểu rộng hơn trong bộ Động-đình hồ ngoại sử, Nam-á Paris xuất bản, và Anh-hùng Tiêu-sơn, Thuận-Thiên di sử, Anh-hùng Bắc-cương, Anh-linh thần võ tộc Việt và Nam-quốc sơn hà.
CHƯƠNG THỨ NHÌ
BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH
Dưới đây chúng tôi xin dịch nguyên bản bài kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa tâm kinh, và "mạn phép" lạm bàn. Nếu có gì sai trái, là do ngộ tính của chúng tôi còn u mê, dốt nát, chứ không phải bản sư của chúng tôi dạy như vậy. Tôi xin tường thuật lại kỷ niệm hồi thơ ấu, khi được giảng bài kinh này.
Bấy giờ tôi vừa đầy sáu tuổi (bẩy tuổi ta), học chữ Nho đã xong bộ "Ấu học ngũ ngôn thi"; vì học sau, mà lại vượt lên trước các anh lớn hơn hàng chục tuổi, nên hơi có kiêu khí. Ông tôi biết thế, cho tôi quy y tam bảo. Sau khi quy y rồi, bản sư hỏi tôi:
- Con có biết tại sao, ngoại tổ là người sùng Nho, lại xin cho con được quy y không?
Tôi đáp không do dự:
- Vì ông muốn con được đức Phật phù hộ cho khỏi bị ma, quỷ hại.
- Con có thấy ma quỷ bao giờ chưa?
- Bạch, chưa ạ.
- Con thấy rồi, thấy nhiều rồi mà con không biết đấy thôi.
Nói rồi người chỉ vào tôi:
- Con xem người đi câu, muốn họ câu được cá, như thế là ác quỷ, sát quỷ nhập vào con. Con mới học được mấy chữ Nho, hơn các anh, đã có kiêu khí là quỷ trong tâm sinh ra...
Cứ thế người cử ra hàng trăm tỷ dụ. Tôi kinh hoàng hỏi:
- Như vậy, con quy y để nhờ sức Phật giúp con đuổi quỷ phải không?
- Không, Phật không giúp con đâu.
- Vậy sư phụ giúp con ư?
- Cũng không nốt.
- Vậy thì???
- Ma, quỷ trong tâm con nảy sinh, thì chỉ mình con mới xua đuổi chúng được. Bà dạy con bài kinh Bát-nhã, rồi chính con sẽ dùng kinh này đuổi quỷ. Phương pháp của Bát-nhã Ba-la-mật-đa tâm kinh là sao cho ma, quỷ không hiện, chứ chẳng phải đuổi ma. Ma, quỷ trong tâm con đấy !
- Dạ thưa sư phụ, kinh này con thuộc rồi.
- Con đọc bà nghe nào?
Tôi ngồi ngay ngắn lại đọc thuộc làu như con vẹt. Sư phụ hỏi:
- Tại sao sắc lại là không? Không lại là sắc?
Tôi ngây người ra. Nhưng tôi được học lễ của Nho gia đã một năm, hơi biết tiến, lùi, vội cung tay:
- Con ngu tối, xin sư phụ thương xót dạy cho.
Thế rồi tôi được giảng bài kinh này.
1.ĐI TIM NGUỒN GỐC
1.1. NGUYÊN VĂN
Bát-nhã tâm-kinh là bản văn ngắn nhất của Bát-nhã Ba-la-mật, bản này ngài Huyền-Trang dịch năm 649, gồm 262 chữ. Nguyên văn như sau:
Quán-Tự-Tại bồ-tát, hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời,
chiếu kiến ngũ-uẩn giai không, độ nhất thiết khổ-ách.
Xá-lợi-tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc;
sắc tức thị không, không tức thị sắc.
Thụ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị.
Xá-lợi-tử! Thị chư pháp không tướng,
bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm.
Thị cố không trung vô sắc; vô thụ, tưởng, hành, thức;
vô nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý;
vô sắc, thanh, hương, vị, súc, pháp.
Vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới,
vô vô minh diệt vô vô minh tận.
Vô khổ, tập, diệt đạo.
Vô trí diệt vô đắc, dĩ vô sở đắc cố,
Bồ-đề tát-đóa y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố,
tâm vô quải ngại,
vô quải ngại cố,
vô hữu khủng bố,
viễn ly điên đảo mộng tưởng,
cứu cánh Niết-bàn, Tam-thế chư Phật,
y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố,
đắc a-lốc-đa-na tam-diểu tam Bồ-đề,
cố tri Bát-nhã Ba-la-mật-đa,
thị đại thần chú, thị đại-minh chú,
thị vô thượng chú, thị vô-đẳng đẳng chú,
năng trừ nhất-thiết khổ, chân thực bất hư.
Cố thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa chú,
tức thuyết chú viết:
Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ-đề tát bà ha.
Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa.
1.2.Tạm dịch
Ngài bồ-tát Quán-tự-tại (Avalokitévara) (1) thực hành Bát-nhã Ba-la-mật (2) sâu sa, soi kính thấy rằng có ngũ-uẩn (3), nhưng năm uẩn đó đều không có tự tính.
Này Xá-lợi-phất (Sàriputra) (4) sắc ở đây là không, không là sắc; sắc không khác không, không không khác sắc; sắc tức thị là không, không tức thị là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức đều thế cả.
Này Xá-lợi-phất, hết thẩy các pháp ở đây đều biểu thị là không: chúng không sinh, không diệt, không cấu nhiễm, không không cấu nhiễm; không tăng, không giảm. Vậy này Xá-lợi-phất, trong không không có sắc; không thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không có nhãn giới, cũng không có ý thức giới. Không có minh, không có vô minh, không có minh diệt, không có vô minh diệt, bởi vậy không có tuổi già và cái chết; không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí, không có đắc, và không có chứng, bởi không có đắc.
Trong tâm của bồ-tát an trụ trên Bát-nhã Ba-la-mật không có những chướng ngại; bởi không có những chướng ngại đó trong tâm, nên không sợ hãi, vượt ra tà kiến điên đảo, đạt tới Niết-bàn. Hết thảy chư Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai, do y trên Bát-nhã ba-la-mật, mà chứng đắc giác ngộ viên mãn tối thượng.
Vì vậy, nên biết rằng Bát-nhã ba-la mật là đại thần chú (mantram), là chú của đại minh huệ, là thần chú cao tuyệt, thần chú vô giá, trừ diệt hết mọi đau khổ; đó là chân lý vì không sai lầm; đây là thần chú được công bố trong kinh Bát-nhã ba-la-mật: Này bồ-tát, tự độ lấy mình, độ cho người, độ đến bờ bên kia, độ khắp chúng sinh đến bờ bên kia, để giác ngộ tận gốc.
1.3. Chú giải
(1) Quán-tự-tại (Avalokitésvara) tức là ngài Quán-thế-âm bồ tát. Bồ-tát thường được người Hoa, Việt tôn thờ theo hình bà. Hình này vẽ theo truyền khẩu nói rằng ngài thị hiện ở đảo Phổ-đà (ngoài khơi Thượng-hải). Tôi đã hành hương đảo Phổ-đà nhiều lần. Trên đảo có rất nhiều miếu, am, đền thờ Phật bà cùng chư linh thần khác. Nhưng người Tây-tạng lại thờ theo hình ông, chính ngài là đức Đạt-lai lạt-ma chuyển thế liên tiếp.
(2) Bát-nhã ba-la-mật đa (Prajnâparamita). Người Pháp dịch là la sagesse, vertu cardinale, gồm có hai chữ Bát-nhã (Prajnâ) và Ba-la-mật-đa (Paramita). Bát-nhã là trí-huệ, hay là sức học cao xa của nhà tu Phật. Ba-la-mật-đa là vượt qua mé bên kia (Niết-bàn) và cùng đưa người tới. Bát-nhã ba-la-mật-đa dịch ra Hán-Việt là trí-huệ đáo bỉ ngạn, huệ độ dữ tha nhân đáo bỉ ngạn. Vì ý nghĩa hàm súc như vậy, nên các dịch giả xưa để nguyên Phạn-tự.
(3) Ngũ-uẩn là năm uẩn, năm thứ hòa hợp cấu tạo ra con người, chúng che khuất chân lý khiến cho con người đi vào luân hồi, khổ não. Ngũ uẩn là:
Sắc (Rũpa, forme): là những vật hữu hình.
Thọ (Védana, sensation): Đối cảnh sinh tình, thấy buồn, khổ v.v.
Tưởng (Sanjnẫ, perception): Đối cảnh phân biệt ra mầu sắc, nhỏ, to, đực, cái v.v.
Hành (Samskâràs, impression): Đối cảnh vật sinh lòng ham muốn, hoặc giận, hờn, yêu, ghét.
Thức (Vijnâna, concience): Đối cảnh mà hiểu biết, phân biệt sự vật.
Ngũ-uẩn hiệp lại tạo thành con người, thú vật. Đôi khi ngũ-uẩn còn gọi là bản ngã.
(4) Xá-lợi-phất (Cariputra). Người Hoa dịch là Thu tử (fils de Carica), con bà Thu. Tên một vị đại đệ tử của Phật Thích-Ca. Mẹ ngài có cặp mắt giống như chim thu, nên được đặt tên là Thu và ngài có tên là con bà Thu. Ngài ngang tuổi với đức Thích-Ca, viên tịch trước đức Phật
2. NGUỒN GỐC TÂM KINH
Bát-nhã Ba-la-mật-đa là một trong những kinh điển đại thừa tối cổ của Phật-giáo gồm 125.000 bài tụng. Có nhiều bản dịch, nhưng tôi chỉ được đọc bản dịch của ngài Huyền-Trang mang tên "Đại bát nhã" gồm 600 quyển. Bài Bát-nhã Ba-la-mật-đa tâm kinh là bản yếu chỉ, thu tóm ý nghĩa của toàn bộ kinh Bát-nhã.
Nếu ta theo dõi kỹ, thì trong bài tâm kinh không có gì, ngoài một tràng phủ định, cái được mệnh danh là tính không lại cũng bị phủ định. Vậy kết lại tâm kinh chỉ là một mớ phủ định. Phủ định ngũ uẩn, phủ định thập bát giới, phủ định thập nhị nhân duyên, cuối cùng không có đắc gì cả. Vì không có đắc nào, nên tâm vượt qua mọi chướng ngại, tức những sai lầm khởi từ trí năng, vượt luôn những chướng ngại bắt rễ trong ý thức truy nhận, cảm quan của con người như sợ hãi, kinh khủng, vui vẻ, buồn phiền, thất vọng... Khi được như thế là tới Niết-bàn.
3. ÁP DỤNG VÀO KHÍ-CÔNG
Mục đích của chúng ta không phải là thành Phật là nhập Niết-bàn. Độc giả muốn nhập Niết-bàn thì tìm đến chùa, nghiên cứu kinh điển, bỏ vọng tâm tu luyện. Bộ sách này chỉ hướng dẫn các vị luyện công cho khỏe mạnh, và trị bệnh. Chúng ta dùng phương pháp phủ định của Bát-nhã tâm kinh hầu nhập tĩnh mà thôi. Chúng ta cần sao đạt tới vô nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý.
PHẦN THỨ TƯ
CHƯƠNG THỨ BA
CÁC THỨC TĨNH-CÔNG
Tĩnh-công có nhiều tư thức, dưới đây chỉ trình bầy mấy tư thức đơn giản nhất, dễ luyện tập nhất, đó là lập thức, tọa thức và ngoạ thức. Danh từ cổ gọi lập thức là Thiên-địa đồng qui, toạ thức là Nam-Bắc đồng ẩm, và ngọa thức là Thiên-nhân tương dữ.
1. LẬP-THỨC
1.1. MÔ TẢ
- Đứng quay mặt về phương Bắc.
- Hai chân gần như song song, mũi bàn chân hướng về Bắc.
- Độ soạc hai chân cách nhau một khoảng bằng vai.
- Hai bàn chân bám đất như cây mọc rễ.
- Người không nghiêng về trước, sau, phải, trái.
- Lưng thẳng.
- Nếu tóc dài, buông xõa sau lưng. Không nên cột tóc.
- Hai bàn tay buông thỏng, lưng bàn tay quay về trước.
- Lòng bàn tay hơi hướng chếch xuống mặt đất.
- Các ngón tay cách nhau một khe nhỏ.
- Miệng răng hơi mở thành tuyến nhỏ.
- Lưỡi tự nhiên không hoạt động.
- Mắt từ, từ nhắm lại.
1.2. Biến hoá thứ nhất
Từ lập thức biến đổi:
- Hai tay vòng thành vòng cầu, cách nhau một khoảng nhỏ.
- Lòng bàn tay hướng vào người.
- Các ngón tay hơi gập vào thành chiêu thức Thái-cực, và cách nhau một khoảng nhỏ.
- Hai tay cao ngang tới huyệt Chương-môn, Thượng-uyển.
1.3. Biến hóa thứ nhì
Lấy lập thức làm căn bản:
- Hai bàn tay ôm như vòng Thái-cực trước bụng.
- Một lòng bàn tay hướng lên trời, một lòng bàn tay hướng xuống đất.
- Hai bàn tay đối diện với nhau, trong thế song song.
- Bàn tay cao ở ngang huyệt thượng-uyển (bụng trên). Bàn tay thấp ở huyệt khí-hải (bụng dưới).
2. TỌA THỨC
Tức ngồi luyện khí công.
2.1. TỌA THỨC 1
- Ngồi trên mặt phẳng, cạnh giường, trên ghế không dựa.
- Mông đùi đặt trên mặt phẳng.
- Hai đầu gối cách nhau một khoảng bằng vai.
- Hai bàn chân dẫm lên mặt đất, các ngón chân hướng về trước.
- Đầu gối và gót chân nằm trên đường phẳng đứng với mặt đất.
- Hai bàn tay úp lòng xuống đùi. Tay phải úp xuống chân phải, tay trái úp xuống chân trái. Các ngón tay cách nhau một khe nhỏ.
- Hai khủy tay dựa vào hông.
- Lưng thẳng, đầu thẳng không lệch.
- Mắt nhắm, miệng ngậm, răng môi sát nhau.
- Lưỡi chạm răng tóc xõa.
2.2. TỌA THỨC 2
Tức thức bán già của Thiền.
- Ngồi trên mặt phẳng, như đá, xi măng, thảm bồ-đoàn, nệm v.v...
- Bàn chân trái gác trên đùi phải, bàn chân phải nằm dưới đùi trái (hoặc ngược lại).
- Bàn tay trái đặt nằm ngửa, nằm ngang với huyệt khí-hải(bụng dưới). Bốn ngón khép lại, ngón cái tách ra. Bàn tay phải úp lên bàn tay trái. Hai ngón tay cái đè lên nhau. Tám ngón tay gập lại thành nhiều khúc.
- Hai khủy tay khép sát vào người.
- Đầu, mình thẳng, tóc xõa.
- Miệng ngậm, môi răng chạm nhau, đầu lưỡi chạm răng.
- Hai mắt nhắm nhè nhẹ.
2.3.TỌA THỨC 3
Tức thức kiết-già của thiền.
Giống như tọa thức 2, nhưng hơi biến đổi:
- Bàn chân trái gác lên đùi phải ( hoặc ngược lại).
- Bàn chân phải gác lên đùi trái.
Thức này đối với người Á-châu, vốn mềm mại, gầy, rất dễ dàng. Song đối với người Âu Mỹ Úc thì hơi khó. Tuy nhiên trẻ em dưới mười lăm tuổi bắt đầu luyện, thì sau lớn lên, chân đã dẻo, thì không có gì khó khăn cả.
3. NGỌA THỨC
Đây là các thức nằm. Luyện công nằm phải lưu ý các điểm:
- Nằm trên mặt phẳng có thể là nệm, ván, đá v.v.
- Đầu gối cao, ít nhất độ dày gối phải bằng 3/4 đầu.
Có ba ngọa thức.
3.1. THỨC THỨ NHẤT
- Người nằm ngửa, đầu gối cao, thân, mình, thẳng.
- Hai chân song song, hai mắt cá chạm nhau.
- Các ngón chân chỉ lên trời.
- Chân, mình đầu đều nằm trên đường thẳng.
- Hai tay buông xuôi, cánh tay nằm sát thân mình.
- Hai lòng bàn tay úp xuống, mặt phẳng đang nằm.
- Các ngón tay khép nhẹ.
- Mắt nhắm, miệng ngậm, môi răng chạm nhau, lưỡi chạm răng.
3.2. THỨC THỨC NHÌ
- Từ thức thứ nhất, bàn tay trái (hoặc phải) úp lên huyệt khí-hải (bụng dưới).
- Bàn tay thứ nhì úp lên bàn tay thứ nhất.
3.3. THỨC THỨ BA
- Người nằm nghiêng về trái, hoặc phải.
- Thái-dương úp xuống gối.
- Đầu và sống lưng nằm trên đường thẳng.
- Đầu gối lên bàn tay (nếu nghiêng về bên nào thì gối lên bàn tay đó).
- Một chân duỗi thẳng (nếu nghiêng về bên nào, thì chân đó duỗi thẳng).
- Chân còn lại gấp đôi, huyệt trung-phong, nhiêm-cốc của chân này đè lên huyệt khúc-tuyền, âm-cốc chân kia (mặt trong của bàn chân này đè lên mặt trong của đầu gối chân kia).
- Tay còn lại nằm dọc trên hông, huyệt đại-lăng (cườm tay), úp lên huyệt phong-thị (giữa mặt ngoài của đùi)
PHẦN THỨ TƯ
CHƯƠNG THỨ TƯ
Ý THỦ (TRỤ TÂM, QUÁN TÂM)
Trong tĩnh-công, ý thủ rất quan trọng. Có môn phái gọi là tụ thần, hay linh điểm. Thiền gọi là trụ tâm. Vậy ý thủ là gì?
1. ĐỊNH NGHĨA
Khó nhất của tĩnh công là ý thủ.
Gọi là ý thủ khi ý niệm hoạt động tập trung vào:
- Một bộ vị thân thể, gọi là ý thủ nội thể.
- Một ngoại vật gọi là ý thủ ngoại vật.
- Một danh ngôn, văn từ gọi là ý thủ thần thức.
Ý thủ phải tự ý, không nên cường chế quá. Vũ-kinh nói:
"Bất khả cưỡng hành ý thủ. Nhược cưỡng thủ tắc tâm loạn, hỏa nhiễu, nhi khí huyết loạn dã".
Nghĩa là: Không nên miễn cưỡng ý thủ. Nếu cưỡng ý thủ, tâm sẽ loạn, thân nhiệt đốt cháy khắp nơi, khí huyết tuần lưu rối loạn hết.
Khi luyện công phải nhớ lời dặn này.
2. CÁC LOẠI Ý THỦ
Như trên đã trình bày có ba loại ý thủ.
2.1. PHƯƠNG PHÁP NỘI THỂ
Nghĩa là làm biến đi cái hình hài của bản thân mình. Mà bắt đầu từ chỗ tập trung tinh thần vào một bộ vị thân thể. Rồi làm biến đi.
Các phương pháp ý thủ nội thể thường dùng là:
- Ý thủ đơn điền, gồm có thượng, hạ, trung đơn điền.
- Ý thủ mệnh môn (giao điểm thắt lưng và xương sống).
- Ý thủ khí hải (bụng dưới).
- Ý thủ dũng tuyền (gan bàn chân).
- Ý thủ túc-đại-chỉ (ngón chân cái).
2.1.1. Ý THỦ ĐƠN ĐIỀN
Có nhiều sách y khoa, võ học các quốc gia khác tranh luận liên miên về vị trí của đơn điền. Có nơi giải thích đơn điền nằm ở giữa hai lông mi, có nơi giải thích đơn điền nằm ở lỗ rốn, có nơi còn giải thích đơn điền nằm ở phần giao tiếp giữa bẹn và bụng dưới.
Sự thực trong tất cả những thư tịch của các khí công gia, cũng như sau nhiều năm dạy võ, dạy khí công, chúng tôi cùng công nhận:
"Đơn điền hữu tam, thượng, trung, hạ"
Như vậy có ba đơn điền: thượng đơn điền, hạ đơn điền, và trung đơn điền.
2.1.1.1. Ý THỦ THƯỢNG ĐƠN ĐIỀN
Thượng đơn điền nằm trên tuyến đốc mạch, ở giữa trán. Đó là khu vực nằm dưới mí tóc. Đốc mạch là nơi tập trung các kinh dương. Đầu đốc mạch là đầu các dương huyệt mạch. Ý-thủ thượng đơn điền mới có thể cho chu lưu các dương khí vào hết dương mạch. Ý-thủ thượng đơn điền rất tốt. Nhưng khi ý thủ thượng đơn điền phạm vào một trong các điều sau:
- Dẫn khí sai.
- Chia trí.
- Không giải trừ hết tạp niệm.
Sẽ sinh ra phản ứng: đau nháy tại hai thái dương huyệt, và bách hội huyệt. Áp-huyết lên cao làm đầu choáng váng.
Vậy người mới luyện, không nên ý thủ thượng đơn điền.
2.1.1.2. Ý THỦ TRUNG ĐƠN ĐIỀN
Trung đơn điền nằm tại bụng trung ương lá lách. Ý thủ tại đây làm cho kinh mạch bên trong điều hòa, làm cho lá lách lành mạnh. Khí từ đây dẫn vào khoảng trống không trong ngực làm tăng khí, cơ năng hoạt động nhất loạt trở thành tốt. Biến hóa công-năng làm cho tiêu hóa tốt.
Ý thủ trung đơn điền rất quan trọng. Vì khi ý thủ tại bộ vị khác, đầu tiên phải ý thủ trung đơn điền, rồi mới chuyển dẫn khí cho ý thủ tại bộ vị đó sau.
Lúc thu công không luyện nữa, phải thu khí tức về trung đơn điền. Phương pháp này gọi là khí tức quy nguyên.
2.1.1.3. Ý THỦ HẠ ĐƠN ĐIỀN hay KHÍ HẢI
Khí hải là một huyệt quan trọng nằm trên nhâm mạch. Y học gọi khí hải là bể để sinh ra khí. Ý thủ tại đây làm tăng thổ nạp bằng bụng. Giúp tiêu hóa dễ dàng. Người mới tập nên ý thủ khí hải pháp.
Khi ý thủ khí hải, nên khởi đầu bằng ý thủ trung đơn điền, làm cơ sở đầu tiên, rồi dùng ý dẫn khí tới. Lúc thu công cũng phải cho khí tức qui nguyên (dẫn khí về trung đơn điền).
2.1.2. Ý THỦ HUYỆT MỆNH MÔN
Mệnh-môn là một huyệt đạo nằm trên tuyến đốc mạch. Trong phép luyện công gọi là hậu đơn điền. Y-Kinh nói:
"Mệnh môn huyệt, thị:
Sinh mệnh môn hộ,
Tinh huyết chi hải,
Đắc tiên thiên chi khí,
Vi hóa sinh chi nguyên".
Nghĩa là: Mệnh môn huyệt là cửa của sự sống, bể của tinh huyết, lĩnh tiên thiên khí, nguồn gốc sự hóa sinh.
Ý-thủ tại đây làm cho tráng kiện dương-khí, khí hóa tác dụng, thân thể khỏe mạnh.
Muốn ý thủ mệnh môn đầu tiên ý thủ trung đơn điền, làm cơ sở dẫn tới. Sau khi luyện công cũng phải cho khí tức qui nguyên (dẫn khí về trung đơn điền).
2.1.3. Ý THỦ HUYỆT DŨNG TUYỀN
Huyệt dũng tuyền thuộc Túc Thiếu-âm thận kinh, nằm giữa gan bàn chân, chỗ hũng sâu nhất. Ý thủ tại đây có tính chất vững chắc, để dẫn khí xuống dưới, mang độc chất ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên những người máu huyết không đều, chẳng nên ý-thủ tại đây.
Y kinh nói:
« Huyệt dũng tuyền nằm ở gan bàn chân, trên Túc Thiếu-âm thận kinh. Dùng kim, châm huyệt dũng tuyền trị nùng huyết, tâm loạn, ý phiền, sưng cơ tim, da vàng bủng. Đàn bà có tử cung sa, không con. Trẻ kinh phong, ho, mất tiếng.Người lớn lưỡi tê ngọng, năm ngón chân đau nhức, thận yếu, khát nước, tiểu nhiều ».
Khi nhập tĩnh, muốn ý thủ dũng tuyền, phải ý thủ trung đơn điền làm căn bản, rồi dùng ý dẫn khí tới sau. Lúc thu công phải cho khí tức qui nguyên.
2.1.4. Ý THỦ TÚC ĐẠI CHỈ
Túc đại chỉ là ngón chân cái. Ngón chân cái nằm trên cửa hai kinh mạch. Phía trong là Túc Thái-âm tỳ kinh, phía ngoài là Túc Khuyết-âm can kinh. Ý thủ túc đại chỉ làm cho kinh mạch chuyển động. Muốn ý thủ tại đây phải ý thủ trung đơn điền trước, rồi dùng ý dẫn khí tới sau. Khi luyện công phải cho khí tức qui nguyên.
3.2. Ý THỦ NGOẠI THỂ
Phương pháp này tập trung tư tưởng vào một không gian sự vật nào đó, để quên hết phiền tạp xung quanh, tức là tâm an, thần tĩnh. Rồi sau đó tiến tới nhập tĩnh, quên hết, chỉ còn một điểm tư tưởng tập trung mà thôi. Ý thủ ngoại thể rất rộng, dưới đây là một vài tỷ dụ:
- Vào một kiến trúc hùng vỹ.
- Vào một vườn hoa.
- Vào một bức họa đẹp.
- Vào một cảnh trí đẹp.
- Vào tượng một danh nhân.
- Vào mặt trăng, mặt trời, hay các ngôi sao.
Sau khi ý thủ rồi bắt đầu:
- Nhập tĩnh (không hoạt động nữa, im lặng).
- Ninh thần (quên hết sự vật, để hồn yên lặng).
- Điều tức (điều hòa hơi thở cho bình thường).
- Giáng khí (khí trầm đơn điền, điều hòa).
- Giải trừ tạp niệm (phương pháp đã học ở trên).
Hai mắt nhắm đều, dẫn nơi ý thủ biến mất, chỉ còn lại hình ảnh trong tâm thức.
- Về khoảng cách, giữa ngoại vật và bản thân, gần nhất 0.50 m. Xa nhất không giới hạn. Không nên gần quá làm chóa mắt, đưa đến nhức đầu.
- Cao độ giữa vật và mắt nên ngang nhau. Nếu cao quá sẽ cảm thấy nhức đỉnh đầu, tinh thần bất thường. Nếu thấp quá làm nhức phần dưới mắt.
- Về độ lớn, không nên lớn quá, nhỏ quá.
- Không nên để khí tức nội thể đầy hay vơi. Nếu ý thủ vật cao thì để khí tức nội thể cao. Nếu ý thủ vào vật thấp, thì có thể để khí tức nội thể thấp.
Khi xử dụng ý thủ này, luôn luôn nhớ định lý căn bản là: Làm biến đi mọi vật.
3.4. Ý THỦ THẦN THỨC
Đây là phương pháp thuần túy thiền môn để tĩnh tâm, an thần.
Khi nhập tĩnh dùng tư tưởng hồi nhớ lại dĩ vãng hoặc văn từ danh ngôn triết học.
- Phải hồi tưởng lại những gì từ ái, hùng tráng.
- Không nên hồi tưởng lại cảnh khoái lạc ăn uống, khí tức làm trấn động bao tử. Gây nguy hại cho tiêu hóa.
- Không nên hồi tưởng lại những cảnh sầu não, nhớ nhung, buồn nản, lo nghĩ, ác
độc, khủng khiếp v.v.... Những cảnh đó dồn khí lên tim, phản ứng không tốt. Nhẹ khí huyết đảo lộn. Nặng thì thổ huyết, đau tim.
- Không nên hồi tưởng lại những cảnh dâm đãng, luyến ái.
Trong cuộc sống con người, trải qua nhiều sự vật, ngũ quan:
Mắt, mũi, tai lưỡi, da v.v... đều tập trung tại óc nhiều ấn tượng khác nhau. Lúc ý thủ cho xuất hiện để quên hết phiền tạp xung quanh. Khi bắt đầu ý thủ:
- Nhập tĩnh.
- Ninh thần.
- Điều tức.
- Giáng khí.
- Giải trừ tạp niệm.
- Ý thủ. Cho cảnh trí, các câu kinh, văn tự xuất hiện.
Dưới đây là những tỷ dụ:
- Tập trung tinh thần vào kinh Kim-cương, Lăng-già, kinh Bát-nhã.
- Bài hịch tướng sĩ của Hưng-Đạo vương.
- Bài thơ đánh Tống của Lý Thường-Kiệt đánh Tống.
- Bài thơ đánh Mông-cổ của Trần Quang-Khải.
- Bài Phóng-cuồng-ca của Tuệ-trung thượng-sĩ.
- Gần đây có vị ý thủ vào bài Chí-thành thông thánh thi của Phan Chu-Trinh, vào Đạo-đức kinh của Lão-tử, vào Luận-ngữ.
4. KẾT LUẬN
Ý thủ là sự tập trung tinh thần, để có thể đi đến nhập tĩnh. Ý thủ chỉ với mục đích không bị chia trí, hoặc dùng ý thủ như một điểm kích thích vào vận công. Khi thấy ý thủ chưa được hoàn toàn, thì cứ luyện từ từ, không nên cưỡng quá. Vả nếu không luyện được tĩnh công, thì luyện động công, đừng nên vì ý thủ không được mà bỏ luyện tập.
CHƯƠNG THỨ NĂM
THU CÔNG
Luyện công chấm dứt phải thu công. Phương pháp thu công rất giản tiện.
1. ĐỊNH NGHĨA
Gọi là thu công khi luyện công kết thúc một giai đoạn, một tư thức, của khí công. Quan hệ là khi luyện công không bao giờ ngừng ngang, phải áp dụng phương pháp thu công, nếu không sẽ có nhiều phản ứng như sau:
- Dùng ý, khí, thổ, nạp luyện công mang lại kết quả, ai cũng muốn. Nhưng lỡ luyện sai, luyện xong không thu công thì kết quả không được làm bao.
- Nguyên do, khi luyện công xong, khí tức, nguyên khí, nội ngoại khí nảy sinh chạy hỗn loạn trong cơ thể. Phải dùng phương pháp thu công để dẫn tất cả về trung đơn điền, rồi từ đây sẽ phân tán ra toàn cơ thể, điều hòa. Kết quả sẽ tốt như ý muốn.
1.2. Phương pháp thu công
Sau khi luyện công một thời gian ngừng lại. Dùng ý dẫn khí về trung đơn điền, danh từ chuyên môn gọi là khí tức qui nguyên.
1.2.1. Phương pháp cho nam
- Đứng thẳng, hoặc ngồi bên giường, trên ghế: (Hình TC1)
Dùng ý, dẫn khí cùng một lúc tại hai bàn tay, hai bàn chân lên cùi chỏ, đầu gối; rồi vai, háng; đưa vào Trung Đơn-điền (tỳ vị).(Hình TC2)
- Dùng phương pháp thổ nạp thông thường.
- Khởi từ trung đơn điền, từ trong ra ngoài theo vòng xoắn trôn ốc, từ vòng nhỏ đến vòng lớn. Theo chiều kim đồng hồ. Đúng 36 vòng.
- Vòng nhỏ nhất là một điểm ở trung đơn điền. Vòng lớn nhất sát tim.
- Sau đó lại dùng ý dẫn khí theo hình trôn ốc từ ngoài vào trong, từ vòng lớn đến vòng nhỏ. 24 vòng, ngược chiều kim đồng hồ.
Vòng lớn sát tim, vòng nhỏ là một điểm..
1.2.2. Phương pháp cho nữ
- Đứng thẳng, hoặc ngồi bên giường, trên ghế (Hình TC1)
- Dùng ý, dẫn khí cùng một lúc tại hai bàn tay, hai bàn chân lên cùi chỏ, đầu gối; rồi vai, háng; đưa vào Trung Đơn-điền (tỳ vị).(Hình TC2).
- Dùng phương pháp thổ nạp thông thường.
- Dùng ý dẫn khí từ trong ra ngoài theo hình trôn ốc, từ vòng nhỏ đến vòng lớn . Vòng nhỏ là một điểm, vòng lớn nhất sát tim. Ngược chiều kim đồng hồ. Đúng 36 vòng.
- Sau đó dùng ý dẫn khí theo hình trôn ốc, từ ngoài vào trong theo chiều kim đồng hồ, từ vòng lớn đến vòng nhỏ, vòng lớn sát tim, vòng nhỏ là một điểm.
Sau khi thu công mở mắt, đứng dậy sinh hoạt bình thường.
2. ỨNG DỤNG ĐẶC BIỆT
Không nhất thiết áp dụng cho thu công mà có thể dùng vào nhiều việc.
- Sau khi tập ngoại công xong, tim đập máu chạy loạn là do công năng hỗn loạn, dùng phương pháp thu công để qui liễm chân khí về trung đơn điền, từ đây sẽ tự động phân phối đi toàn cơ thể.
- Khi chạy mệt, khi xây xẩm mặt mày, khi đầu choáng váng, khi lạnh quá hay nóng quá, cũng có thể áp dụng cho khí tức chuyển nhiệt khắp cơ thể điều hòa.
- Khi mắt máy, ngủ mê mới tỉnh, v.v...
- Những người bị chứng chuột rút, kiến bò (fourmiement), hay bị spasmophilie thì dùng phép thu công để tự trị bệnh.
- Ăn uống tiêu hóa chậm, dùng thu công, khiến công năng ruột tăng tiến, tiêu hóa trở thành tốt.
PHẦN THỨ TƯ
CHƯƠNG THỨ SÁU
TĨNH CÔNG THỰC HÀNH
(Bẩy lộ tĩnh công căn bản)
Tĩnh công có hàng nghìn, hàng vạn lộ, nhưng có thể chia làm bốn loại chính:
- Một là minh tâm, dưỡng thần, tạo cho người tập thoải mái. Trong Thiền-công, gọi là Thiền-tuệ, dùng để xua đuổi ma nghiệp, ma chướng, giữ giới thể.
- Hai là trị bệnh thần kinh như mất ngủ, hay cáu, hay dỗi, hay giận, tinh thần thất thường, thần kinh suy nhược, trí nhớ giảm thoái, chán đời; nhất là sinh viên học sinh học thi. Trong Thiền-công, gọi là Thiền-y, để chống quỷ A-tu-la nhập khẩu, đưa ra những ngôn từ gây khẩu nghiệp.
- Ba là trị các bệnh do âm hư nội nhiệt, hay thực nhiệt sinh ra: chóng mặt, nhức đầu, huyết áp cao, tai kêu như ve, miệng khô. Đặc biệt trị chứng nhức đầu do uống rượu nhiều, ăn thức ăn sinh nhiệt.
- Bốn là giải ưu uất (refoulement), đòi hỏi sinh lý. Trong Thiền-công gọi là Thiền-tuệ.
Dưới đây, chúng tôi trình bầy 7 lộ căn bản đại biểu cho mỗi loại.
I. Lộ thứ nhất: HỒI SINH CÔNG
1.1 XUẤT XỨ
Không rõ. Có thuyết nói rằng của một thiền sư Việt-Nam là Từ Đạo-Hạnh. Có thuyết nói rằng của giòng thiền Lâm-tế, Quy-ngưỡng Trung-quốc. Đích xác là xuất hiện vào khoảng 1010-1075 tại Đại-Việt và Quảng-Đông Trung-quốc. Mục đích để phục hồi sức khoẻ sau thời gian bệnh nặng, hoặc sau khi làm việc bị mệt mỏi (asthénie physique). Trong cửa Thiền, gọi là Thiền-lực. Hồi niên thiếu (7 tuổi) bản sư dạy cho tôi thức này để trị di chứng bệnh ho gà, hằng năm bị viêm phế quản. Bệnh khỏi sau khi luyện 3 tháng.
1.2. TƯ THỨC
Có thể dùng cả ba tư thức.
- Lập thức (đứng).
- Tọa thức (ngồi).
- Ngoạ thức (nằm).
1.3. ĐIỀU KHÍ
Có thể dùng ba phương pháp sau:
- Thông-thường.
- Ý khí hợp nhất.
- Đạo gia.
1.4. Ý THỦ (Trụ tâm)
Nội thể: trung đơn điền, dũng tuyền.
Thần thức: Nhẩm đọc bất cứ kinh văn, thơ phú nào cũng được.
1.5. PHƯƠNG PHÁP LUYỆN
- Khai thủy: chọn tư thức.
- Nhập tĩnh: chân, tay, người ngưng hoạt động.
- Điều-tức: điều hòa hơi thở.
- Ninh thần: đầu óc ngưng làm việc.
- Giáng khí: khí trầm đơn điền.
- Giải trừ tạp niệm: bỏ ra ngoài lục tặc.
- Ý-thủ: tập trung tư tưởng vào nơi ý thủ. Mắt từ từ nhắm lại còn một đường chỉ nhỏ.
- Từ khí trầm đơn điền:
BƯỚC 1 (thổ khí)
Dùng ý dẫn khí từ Bách-hội huyệt (đỉnh đầu) tỏa ra 4 phía : sau cổ, hai tai, trán mũi xuống cổ.
- Từ cổ xuống hai vai và đầu xương sống.
- Chia khí làm 3 ngả: hai tay, xương sống.
- Tiếp tục giáng xuống: hai tay tới cùi chỏ, xương sống xuống huyệt mệnh môn (giao điểm cột sống với giây lưng) rồi vào hai thận, sau đó sang trung đơn điền.
BƯỚC 2 (nạp khí)
Dùng ý dẫn khí ở hai tay, tiết ra ở đầu ngón tay (tức sáu huyệt thiếu-thương, thương-dương, trung-xung, quan-xung và thiếu-trạch).
- Trong khi đó cũng dẫn khí từ trung đơn điền tới hậu môn (huyệt hội âm).
BƯỚC 3 (thổ khí)
Dẫn khí từ hậu môn, rồi qua hai đùi, đầu gối, bắp chân, đến lòng bàn chân (huyệt dũng tuyền), đưa khí ra ngoài như nước chảy.
- Lúc này ý tưởng đưa đến dẫm chân vào thau nước nóng. Toàn thân buông lỏng phóng khí ra ngoài.
BƯỚC 4 (nạp khí)
- Dùng ý dẫn khí từ lòng bàn chân (huyệt dũng tuyền) tưởng tượng như chân ở trong chậu nước nóng, hút nước nóng vào chân, đưa nước ngược theo bàn chân, bắp chân, đầu gối, đùi về hậu môn (hội âm huyệt), trung đơn điền.
- Hết một thức. Trở lại bước 1. Mỗi lần luyện 36 thức.
- Thu công.
1.6. CHỦ TRỊ
- Điều hòa khí huyết, thức lâu không ngủ.(Insomnie)
- Hoạt động cơ thể nhiều, mệt mỏi tứ chi, đau mình.
- Chữa áp huyết cao, xây xẩm mặt mày.(Hypertention arthérielle, Vertige)
- Chữa khí quản nghẹt.
- Nhâm mạch bị đau.
- Nhiệt khí trong cơ thể bị hỗn loạn, mặt nóng, đầu váng (Nhập ma chướng hay tẫu hỏa nhập ma)..
Lưu-ý chư vị Tăng-ni, quý vị Bác-sĩ, Đông-y-sĩ, Võ-sư, Khí-công gia đồng nghiệp.
Thức này không âm, không dương rõ rệt, cho nên dùng để dưỡng thần, bất cứ bệnh nhân nào luyện cũng được. Tuy nhiên tùy theo hoàn cảnh, bệnh nhân thuộc loại nhiệt chứng, hay hàn chứng, có thể biến đổi:
Biến thành hàn (cho bệnh nhân nhiệt): thổ bằng miệng, miệng mở rộng. Bước thứ 3, 4 đưa đến ý tưởng dẫm chân lên tảng băng, hút nước lạnh.
- Biến thành nhiệt (cho bệnh nhân hàn): thổ bằng miệng, nhưng miệng chúm vào, thổ thành hơi nhỏ, má căng thẳng. Bước 3, 4 giữ nguyên.
Đối với những người đã luyện lâu rồi, thì chỉ cần hai bước:
- Bước thứ 1 (thổ): Dẫn khí thẳng tới lòng bàn chân.
- Bước thứ 2 (nạp): Dẫn khí từ lòng bàn chân trở về đỉnh đầu.
II. Lộ thứ nhì: HỒI DƯƠNG CÔNG
Dương đây là dương khí. Hồi dương là phục hồi dương khí đã bị tiêu mòn vì bất cứ lý do gì. Khi dương hư, đưa đến:
Chứng trạng dương hư :
- Người cảm thấy lạnh.
- Sắc mặt ám tối thuộc âm, trắng bệch.
- Âm thanh nhỏ đứt đoạn.
- Mạch thấy trầm, trì, tiêu, sáp, hư.
- Bàn chân, bàn tay lạnh.
- Môi lợt.
- Tính trầm tĩnh.
- Sợ lạnh.
- Tim đập dưới 75 lần một phút.
- Nước tiểu trắng.
- Đại tiện lỏng.
- Tóc rụng.
- Răng lung lay.
- Huyết áp thấp.
- Người mề mệt.
- Nam khó khăn về Sex, nữ rắc rối về kinh nguyệt v.v.
Nói theo y học Á-châu, thì có thể một trong các tạng như tỳ, tâm, thận, phế dương hư, hoặc hai, hoặc ba, hoặc tất cả đều ở trạng thái dương hư. Luyện thức này có thể phục hồi được dương khí.
2.1. XUẤT XỨ
Không rõ tác giả. Thấy xuất hiện đầu tiên trong Thiền-phái Tỳ-ni-da Lưu-chi hay còn gọi là phái Tiêu-sơn. Tương truyền người đem phổ biến cho quần chúng là Trấn-Bắc đại-tướng quân, Hoài-văn hầu Trần Quốc-Toản. Chiến-thuật của Hầu áp dụng trong thời đánh Mông-cổ là : Lúc địch bị bại, thì đuổi đến cùng, giết đến tuyệt. Khi đánh trận Hàm-tử, giết Toa-Đô rồi, Hầu dẫn binh đuổi gặc bất kể ngày đêm. Sau chiến thắng, binh tướng đều kiệt sức, Hầu đem thức này ra dạy họ. Nên chỉ ba giờ sau, họ lại lâm chiến được. Thức này Hầu học của Vô-Huyền bồ-tát (Lý Chiêu Hoàng), là bản sư của Hầu.
2.2. TƯ THỨC
- Lập thức (đứng).
- Tọa (ngồi).
2.3. ĐIỀU KHÍ
Tùy thích, dùng ba phương pháp đã trình bầy ở trên.
- Thông thường.
- Ý khí hợp nhất.
- Đạo gia.
Nhưng quan trọng nhất là phương pháp thổ nạp "hồi dương" như sau: Hít một hơi dài, dùng ý dẫn khí vào trung đơn điền, rồi mím môi, phùng má, thổ thực mạnh để khí bật tung ra ngoài.
2.4. Ý THỦ
Mệnh môn (Nam).
Trung đơn điền (Nữ).
2.5. PHƯƠNG PHÁP LUYỆN
- Khai thủy.
- Nhập tĩnh.
- Điều tức.
- Ninh thần.
- Giáng khí.
- Giải trừ tạp niệm.
- Ý-thủ: dùng ý dẫn khí từ trung đơn điền ra mệnh môn huyệt (nam). Nữ giữ nguyên ở đơn điền.
BƯỚC 1 (nạp khí)
Hấp khí thâm trường, dẫn khí từ đỉnh đầu tới hai vai, vào đơn điền chuyển ra mệnh môn (nam). Nữ giữ nguyên ở trung đơn điền.
BƯỚC 2 (thổ khí)
Môi chụm lại cho khí đầy miệng, căng thẳng hai má, thổ khí thành hơi nhỏ.
- Nam phóng khí thực mạnh, mau, từ mệnh môn xuống nang hoàn ngưng lại đây từ 5 đến 10 tiếng đập tim, rồi dẫn khí tức trở về mệnh môn huyệt, vào trung đơn điền.
- Ngưng tại đây 2 tiếng đập tim, dẫn lên đỉnh đầu, đưa khí tức ra ngoài.
- Nữ từ trung đơn điền dẫn khí tức xuống tử cung, âm đạo, ngưng lại 5 đến 10 tiếng đập tim, rồi dẫn khí về trung đơn điền. Ngưng lại trung đơn điền 2 tiếng đập tim, rồi đưa lên đỉnh đầu, để khí tức ra ngoài. Thổ khí.
- Mỗi ngày luyện 36 thức.
- Nếu chọn ngày Đông-chí (22-12) bấy giờ là lúc mà âm khí đầy không gian, dương khí mới bắt đầu khai thủy, luyện một lần. Ngày 23 luyện 2 lần, cứ thế mỗi ngày tăng một lần, cho tới ngày thứ 36 thì tốt nhất. Sau đó mỗi ngày luyện 36 thức.
- Nếu cứ phải đợi đến ngày khai thủy thì lâu quá, cho nên bất cứ ngày nào cũng có thể bắt đầu, và luyện thẳng mỗi lần 36 thức.
- Thu công.
2.6. CHỦ TRỊ
Hiệu-năng
Phục hồi dương khí, tráng dương, bổ thận dương.
Chủ trị
- Trí nhớ giảm thoái.
- Thần kinh suy nhược.
- Mệt mỏi do làm việc trí óc quá độ.
- Làm cho thận kiện, cường tinh.
- Phục hồi tinh khí, vì dâm dục quá độ, cơ thể bạc nhược.
- Nam bất lực, nữ lãnh cảm.
- Phụ nữ sau khi đẻ.
- Đi tiểu vặt.
- Sau khi Sex (hành dâm.)
- Người lạnh, tứ chi lạnh.
III. Lộ thứ ba: TIÊU SƠN HÓA TINH PHÁP
Đạo-lý Phật-giáo chủ diệt dục: tham, sân, si. Dâm là một giới bị cấm ngặt. Nhưng các tăng-ni tu luyện khí công thì tinh, thần, khí phải đồng thăng tiến. Mà cả ba thăng tiến, thì dục cũng tăng theo, nên đường tu hành gặp khó khăn. Vậy phải làm sao hóa tinh di, mới có thể tiếp tục đường tu.
Khoa Thiền-công giảng:
"Tạo hóa sinh con người, đều có tinh khí do cha me (Tiên thiên khì) và do ăn uống (Hậu thiên khí)ï . Ngoài ra nội thể tự sinh, ngoại cảnh kích động, khiến tham dục. Khi tham dục, tinh-khí chạy hỗn loạn. Hỗn loạn không qui liễm dược thì trở thành cuồng loạn, thần bị ức chế dễ lạc vào tà ma, dâm đãng. Khi luyện ngoại-công, khí-công, chủ yếu là đi đến tinh, thần, khí sung mãn. Nhưng nếu cứ để tinh khí chạy loạn, rồi tìm thú nhục dục, để thoát ra ngoài, hoặc thoát ra trong giấc mộng... Thì trong ba yếu tố chỉ còn thần, khí mà thôi. Như vậy chân khí không mạnh, thần lực không phát đầy đủ, nên chi phải dùng khí-công thu liễm tinh-khí".
Tóm lại : Tinh khí nảy sinh do ba nguyên lý:
- Do cơ thể tự nảy sinh.
- Ngoại cảnh như ăn, uống, ngắm nhìn.
- Nội tâm như đọc sách suy tư.
- Tập luyện. Tập luyện để tăng cường, tinh, thần, khí.
Nếu để tinh xuất, thì chỉ có thần, khí mạnh. Thần lực không phát ra được. Vậy cần thu liễm tinh lại, không để xuất ra ngoài.
Vẫn theo Thiền-Việt thì khi tinh khí sung mãn, dương vật chướng lên là do các nguyên nhân sau:
- Nhìn cảnh dâm bôn, tư tưởng không tự chế, tức thần yếu.
- Đọc sách, liên tưởng, chia trí, không giải trừ tạp niệm, tư tưởng tự do đi vào đường dâm đãng.
- Khi nam gần nữ, nữ gần nam.
- Bị kích thích bởi ngoại lực, nội khí.
- Trong giấc ngủ tư tưởng buông lỏng.
Vì vậy Thiền-khí-công Việt đưa ra 4 phương pháp thu liễm tinh khí, tức luyện công hóa khí, để giúp dễ tu luyện tập võ công, nhất là cho Phật-gia đệ-tử giải thoát được những cơn ám ảnh sinh lý. Các thức đó là hóa tinh pháp.
HÓA TINH ĐỆ NHẤT THỨC
1. NGUỒN GỐC
Từ Thiền-phái Tỳ-ni Đa-lưu-chi, Thảo-đường, Quy-ngưỡng, Lâm-tế.
2. TƯ THỨC
- Lập thức (đứng).
- Tọa thức (ngồi).
3. ĐIỀU KHÍ
- Phương pháp ý khí hợp nhất.
- Phương pháp đạo gia.
4. Ý THỦ
Nội thể: đơn-điền, khí-hải, mệnh-môn, dũng-tuyền v.v...
5. PHƯƠNG PHÁP LUYỆN
- Khai thủy.
- Nhập tĩnh.
- Điều-tức.
- Ninh thần.
- Giáng khí.
- Giải trừ tạp niệm.
- Ý-thủ.
BƯỚC 1 (nạp khí)
- Dùng ý dẫn khí từ qui đầu vào trung-đơn-điền.
- Tiến hành ý-thủ tại đây.
- Nạp khí tiếp, dẫn khí từ trung-điền đến hậu môn (huyệt hội-âm).
- Từ hậu môn (huyệt hội-âm) dẫn ra xương cụt (huyệt trường-cường).
BƯỚC 2 (đình)
- Miệng mím chặt, hai răng nghiến vào nhau, lưỡi ép sát lợi.
- Hai chân tay vận thật cứng. Hậu môn thắt chặt vào và co lên cao.
BƯỚC 3 (nạp khí)
- Tái nạp khí dẫn khí từ xương cụt (huyệt trường-cường) lên qua xương sống, hậu chẩm (huyệt phong-phủ) vào đại não, tới thượng-điền thì ngưng lại.
BƯỚC 4 (Thổ khí)
- Tiến hành ý-thủ tại đây, thổ khí ra ngoài.
BƯỚC 5 (nạp)
- Nước miếng trong miệng sinh ra, nuốt vào, dùng ý dẫn khí từ thượng-điền về trung-điền theo đường cổ, họng, thượng điền.
LUYỆN 3 TỨC LIỀN.
Kinh nghiệm
Sau khi luyện đủ 3 tức, nếu thấy thể xác trở lại bình thường, dục vọng đòi hỏi hết, thì thu công rồi ngừng. Bằng dục vọng, thể xác còn đòi hỏi thì luyện tiếp.
BƯỚC 6 (thổ)
Dùng ý dẫn khí từ trung-điền theo xương sống lên hậu chẩm, não, rồi thượng điền (theo đốc mach lên huyệt Đại-trùy, Phong-phủ, đại não, thượng-điền).
BƯỚC 7 (nạp khí)
Dùng ý dẫn khí từ thượng-điền, vòng qua trái tới nửa đầu bên trái, rồi dẫn khí theo nửa mặt trái, xuống nửa cổ trái, qua nửa lồng ngực trái, bụng trái, rồi đưa vào hạ đơn điền.
Từ hạ-điền sang phải đi ngược lên qua nửa bụng phải, ngực phải, cổ phải, rồi nửa mặt phải, tới thượng điền.
BƯỚC 8 (ngưng thổ nạp)
- Dùng ý dẫn khí đi vòng thứ hai.
BƯỚC 9 (thổ)
- Dùng ý dẫn khí đi vòng thứ ba.
LUYỆN 3 TỨC LIỀN (Tức 9 Vòng).
Kinh nghiệm
Sau khi luyện 3 tức liền, nếu vẫn còn thấy thể xác đòi hỏi, luyện tiếp.
BƯỚC 10 (nạp)
- Dùng ý dẫn khí từ thượng-điền qua cổ, họng, thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu tới hạ-điền. Sau đó dẫn khí vòng sang trái, qua nửa bụng, nửa ngực, nửa cổ nửa mặt lên thượng-điền.
BƯỚC 11 (ngưng thổ nạp)
- Dẫn khí đi vòng thứ hai, cùng chiều, cùng lộ trình như vòng thứ nhất.
BƯỚC 12 (thổ)
- Dẫn khí đi một vòng thứ ba, cùng chiều, cùng lộ trình với vòng thứ nhất.
LUYỆN 2 TỨC LIỀN (Tức 6 Vòng).
HẾT MỘT THỨC.
Mỗi lần luyện 3, 6, hoặc 9 thức. Nam, nữ luyện như nhau.
6. CHỦ TRỊ
- Sinh lý đòi hỏi, dương vật chương lên.
- Điều hòa tinh khí.
- Các nhà tu dùng để diệt dục.
Trong quá trình huấn luyện, chúng tôi nhận ra một số các võ-sinh, văn-gia, ký-giả, kỹ sư điện toán, các nghiên cứu gia v.v. thấy sinh lý đòi hỏi, nếu họ giao hoan, thì đầu óc trống rỗng. Họ muốn giữ tinh khí cho đầu óc minh mẫn, nên luyện tập thức này. Kết quả thực kỳ diệu, tinh thần sảng khoái, trí nhớ tăng. Một số các vị tu mi nam tử vì công tác phải xa nhà, sang các nước Thái-lan, Phi-luật-tân, sinh lý đòi hỏi, nếu tìm các nàng kiều ở đó mà hành lạc, có thể tiêu dao miền Cực-lạc với ác quỷ SIDA (AIDS), nên đã luyện thức này để diệt dục. Các tiết phụ, xa chồng cũng luyện, để giữ chung thủy v.v.
7. CẤM KỊ
- Phụ nữ mang thai.
- Tim đập chậm (dưới 65 lần một phút).
- Dương hư (chân tay lạnh, đại tiện chảy, người lạnh, huyết áp thấp dưới 10).
- Bần huyết (anémie).
- Nam bất lực (dương vật không cử, cử mà không chắc dysfonction érectille). Nữ lãnh cảm).
HÓA TINH ĐỆ NHỊ THỨC
Sau khi luyện đệ nhất thức, không thấy kết quả, thì trường hợp tương đối nặng. Dương vật cứ cử lên (nữ thì âm-thần hơi cứng nóng, ngực căng, môi khô), tinh-dịch (chứ không phải tinh-khí) ri rỉ muốn xuất, nhiệt khí trên người bốc cao, đầu óc hoang mang không minh mẫn nữa. Phải luyện tiếp phương pháp của đệ nhị thức.
Phải nhớ kỹ là: không nên lạm dụng luyện phương pháp đệ nhị thức. Chỉ khi nào đệ nhất thức không kết quả mới luyện đệ nhị thức mà thôi.
Đệ nhị thức có hai tức. Nối tiếp đệ nhất thức.
1. ĐỆ NHẤT TỨC. (Thổ ở đầu tức này không kể vào tức, chỉ để nối tiếp).
BƯỚC 1 (thổ)
- Dùng ý dẫn khí từ qui-đầu (nếu là nữ thì âm-thần) đến trung-điền.
- Đồng thời hậu môn thắt chặt co lên.
BƯỚC 2 (nạp)
- Dùng ngón chỏ tay phải, bịt lỗ mũi phải.
- Lỗ mũi trái hấp khí thành một dây dài liên tục (không nên để đứt đoạn).
BƯỚC 3 (đình)
- Hai đến 5 tiếng đập tim.
BƯỚC 4 (thổ)
- Ngón tay giữa của tay phải bịt lỗ mũi trái, buông lỗ mũi phải ra.
- Lỗ mũi phải thổ khí thành luồng liên tục, nhẹ nhàng.
LUYỆN 3 TỨC LIỀN.
2. ĐỆ NHỊ TỨC
BƯỚC 5 (thổ)
- Nối tiếp tức trên.
- Ngón tay bịt lỗ mũi trái.
- Sau khi lỗ mũi phải thổ xong nạp luôn, nạp một hơi dài, không đứt đoạn.
BƯỚC 6 (đình)
- Nghỉ hai đến 5 tiếng đập tim.
BƯỚC 7 (thổ)
- Ngón trỏ bịt lỗ mũi phải, và buông lỗ mũi trái ra.
- Lỗ mũi trái thổ khí thành một dây liên tục.
LUYỆN 3 TỨC LIỀN.
3. ĐỆ TAM TỨC
BƯỚC 8 (nạp)
- Bỏ tay ra dùng cả hai lỗ mũi nạp khí thành một luồng dài liên tục.
- Dùng ý dẫn khí từ trung-đơn-điền đến thượng-điền ý-thủ tại đây.
BƯỚC 9 (đình)
- Ngưng lại từ 2 đến 5 tiếng đập tim.
BƯỚC 10 (thổ)
Nuốt nước miếng, dùng ý dẫn khí từ thượng-điền tới trung-điền.
LUYỆN 3 TỨC LIỀN
Sau đó luyện lại tức thứ nhất đến tức thứ ba liền 3,6 hay 9 lần. Thu công
4. CHỦ TRỊ
Như đệ nhất thức.
5. CẤM KỊ
Như đệ nhất thức.
HÓA TINH ĐỆ TAM THỨC
Sau khi đã luyện thức thứ nhì, không kết quả, luyện sang thức thứ ba. Phải lưu ý là, thức thứ ba rất dễ tổn hại đến tinh khí, thận khí. Vì vậy nếu thấy luyện hết thức thứ hai không kết quả mới dùng đến. Tuyệt đối không bao giờ nên thử. Thận suy rất hại, có khi tuyệt đường sinh đẻ.
Thức này có ba tức.
1. ĐỆ NHẤT TỨC
BƯỚC 1 (nạp)
- Dùng ý dẫn khí từ qui-đầu (nữ thì âm thần), qua hậu môn rồi xương cụt (huyệt Hội-âm, Trường-cường) chuyển sang mông trái, lưng trái, lên cổ tới mắt trái.
- Ngón tay bịt lỗ mũi phải lại, để lỗ mũi trái tiếp tục nạp khí. Mắt trái, mi trái, kéo ngược trở lên, khí dẫn theo, tới đỉnh đầu.
BƯỚC 2 (đình)
- Dẫn khí từ đỉnh đầu, về thượng-điền, qua mắt phải.
- Mắt phải, mi phải, kéo trở xuống.
- Dẫn khí qua má phải.
BƯỚC 3
- Bịt lỗ mũi trái lại, lỗ mũi phải từ từ thổ khí.
- Dùng ý dẫn khí từ má phải xuống cổ, sườn phải, xương cụt, hậu môn (huyệt Trường-cường, Hội-âm).
LUYỆN 3 TỨC LIỀN.
2. ĐỆ NHỊ TỨC
Cùng phương pháp tức 1. Nhưng lộ trình đi phải:
- Từ qui-đầu, qua huyệt hậu môn, xương cụt (huyệt Hội-âm, Trường-cường) rồi quẹo phải, đi ngược lộ trình trên.
- Lỗ mũi cùng thổ nạp, ngược lại với tức 1, nghĩa là phải đổi qua trái, trái đổi qua phải.
LUYỆN 3 TỨC LIỀN.
3. ĐỆ TAM TỨC
BƯỚC 1 (nạp)
- Dẫn khí từ qui-đầu về hậu môn, xương cụt (huyệt hội-âm, trường-cường), ngược lên ngang sống lưng (huyệt Mệnh-môn), theo xương sống, não, đến đỉnh đầu, vòng sang thượng-đơn-điền.
BƯỚC 2 (đình)
- Ngưng tại thượng-điền từ 2 dến 5 tiếng đập tim.
BƯỚC 3
- Từ thượng-điền ngược trở lại não, xương sống tới ngang lưng (huyệt mệnh-môn) rồi vào trung-điền, sang hậu môn (huyệt hội-âm), rồi tới qui-đầu (hay âm thần).
LUYỆN 3 TỨC LIỀN.
Luyện liền một lúc 3, 6, đến 9 thức.
Khí-tức qui nguyên(dẫn khí về đơn điền).
Thu công.
4. CHỦ TRỊ
Như đệ nhất thức.
5. CẤM KỊ
Như đệ nhị thức.
HÓA TINH ĐỆ TỨ THỨC
Tiêu-sơn đệ tứ thức, khác hẳn với ba thức trên về công dụng. Ba thức đầu dùng để "luyện tinh, hóa khí", tức là xử dụng khi tinh-khí đầy, chuyển thành khí. Tinh-khí đó vẫn còn chỗ sơ dụng của nó, không làm mất đi lợi ích.
Nhưng cũng có những trường hợp mà tinh khí chạy hỗn loạn không nên thu liễm lại. Vì tinh khí đó không còn ích lợi, thu liễm lại có hại cho cơ thể, cần phải đốt đi.
Tỷ-dụ: Trong lúc luyện Thiền-công, Khí-công, Ngoại-công, chân tay, khí huyết chân khí chạy khắp người. Chẳng may có những luồng khí dẫn không đúng, hoặc chiêu thức đánh sai, tinh-khí không qui liễm được, nên đã làm động tình, dương vật chương lên. Những loạn khí đó không cần thu liễm, phải đốt ngay đi.
Ở đây chúng tôi chỉ nói đến các thức Thiền-công, Ngoại-công, Khí-công từ cấp trung-đẳng, cao-đẳng.
1. PHÉP LUYỆN
Lấy cơ sở của ba thức trên làm nguồn gốc.
2 . TƯ THỨC:
Cả ba tư thức.
- Lập thức (đứng).
- Tọa thức (ngồi).
- Ngọa thức (nằm).
3. ĐIỀU KHÍ
Các phương pháp :
- Thông thường.
- Ý khí hợp nhất.
- Đạo gia.
- Cấm dùng phương pháp ảo thổ nạp, khí tức hỗn loạn đốt luôn chân khí, có khi làm hư thận.
4. Ý-THỦ
Nội thể tại trung-đơn-điền.
5. PHƯƠNG PHÁP LUYỆN
- Khai thủy.
- Nhập tĩnh.
- Điều-tức.
- Ninh thần.
- Giáng khí.
- Giải trừ tạp niệm.
- Ý-thủ
BƯỚC 1 (nạp)
- Dùng ý dẫn khí trầm trung-đơn-điền.
- Óc tưởng tượng đơn-điền.
- Mắt nhắm, "nhìn bằng tư tưởng vào đơn-điền".
- Tai nghe tại đơn-điền.
- Miệng mũi thổ nạp vào đơn-điền.
- Dùng ý dẫn khí từ qui-đầu vào đơn-điền.
BƯỚC 2 (đình)
- Ngưng từ 2 tới 5 tiếng đập tim.
- Dùng ý dẫn khí từ trung-điền đến hậu môn (huyệt-âm).
- Từ hậu môn (huyệt hội-âm) phân ra hai đùi, đầu gối, bắp chân, xuống gầm bàn chân (huyệt Dũng-tuyền).
BƯỚC 2 (thổ)
- Dùng ý dẫn khí từ huyệt dũng-tuyền trái, ngược trở lên qua bắp chân đầu gối, đùi.
BƯỚC 3 (nạp)
- Dùng ý dẫn khí đồng một lượt từ đùi trái, qui-đầu (nữ âm thần) vào huyệt hội-âm, trường-cường, qua sườn trái tới cổ, mang tai, đại não cuối cùng ngưng lại ở thượng-điền.
BƯỚC 4 (đình)
- Ngưng lại thượng-điền từ 2 tới 5 tiếng đập tim.
- Từ thượng-điền dẫn khí qua phải, mang tai, cổ, sườn, huyệt trường-cường huyệt hội-âm.
BƯỚC 5 (thổ)
- Dẫn khí từ huyệt hội-âm dẫn tiếp xuống đùi phải, đầu gối phải, bắp chân, cuối cùng là huyệt dũng-tuyền phải.
BƯỚC 6 (nạp)
- Lại dùng ý dẫn khí từ huyệt dũng-tuyền trái, qui-đầu (âm thần) theo lộ trình cũ để sang huyệt dũng-tuyền phải hai lần nữa.
BƯỚC 7 (đình)
- Dùng ý dẫn khí từ huyệt dũng-tuyền phải và qui-đầu (âm thần) theo lộ trình trên. Nghĩa là đi ngược chiều, đúng ba (3) lần.
BƯỚC 8 (thổ)
- Dùng ý dẫn khí từ cả hai huyệt dũng-tuyền lên bắp chân, đầu gối, đùi.
- Dẫn từ hai đùi, qui-đầu lên huyệt hội-âm, trường-cường theo xương sống tới huyệt Phong-phủ, đại não, vào thượng-điền.
BƯỚC 9 (đình)
- Ngưng lại từ 2 tới 5 tiếng đập tim.
BƯỚC 10 (thổ)
- Đi ngược trở lại lộ trình cũ tới xương sống, qua mệnh-môn huyệt vào trung-điền.
BƯỚC 11 (đình)
- Ngưng lại trung-điền 2 đến 5 tiếng đập tim, rồi dẫn khí tiếp xuống huyệt hội-âm, phân làm hai xuống hai đùi, đầu gối, bắp chân, cuối cùng huyệt dũng-tuyền.
Luyện một lúc từ 3, 6 đến 9 thức và chỉ tái luyện khi nào cần thiết. Nếu luyện liên tiếp mỗi ngày một lần thì từ ngày thứ 5 trở đi tinh-khí bị đốt hết, người mệt mỏi yếu đuối. Từ ngày thứ 15 trở đi đến ngày thứ 30 thì có thể hư thận.
6. CHỦ TRỊ
- Dùng để làm tiêu tan đòi hỏi sinh lý.
- Khu trục, tiêu diệt các loạn khí vô ích trong người.
- Kiến bò (fourmiement), spasmophilie.
- Chân tay bải hoải.
- Điều hòa loạn khí.
- Bắp thịt co giật.
- Trấn tĩnh cơn khủng hoảng thần kinh (dépressions).
7. CẤM KỊ
- Bất lực sinh lý (nữ lãnh cảm).
- Thận hư (dù dương, dù âm, hay âm dương hư).
- Mất trí nhớ.
- Phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh (ménopause).
Kết luận
Tiêu-sơn hóa tinh pháp là một thức Thiền-công, dùng lâu năm trong Phật-giáo Việt-Nam, dễ luyện, kết quả tốt. Phàm khi luyện, ngay lập tức cảm thấy tinh thần sảng khoái. Càng luyện lâu, tâm trí càng minh mẫn. Già, trẻ, nam, nữ đều luyện được. Luyện lúc nào trong ngày kết quả cũng bằng nhau.
IV. Lộ thứ tư: DƯỠNG SINH CÔNG
Dưỡng là nuôi. Dưỡng sinh công dùng để điều hòa, kích thích bộ máy tiêu hóa. Nếu khi luyện thức này, thấy không hiệu quả thì dùng "Ngoạ công bát pháp" ở phần động công.
4.1. TƯ THỨC
- Tọa thức (ngồi).
- Ngọa thức (nằm).
4.2. ĐIỀU KHÍ
Dùng phương pháp:
- Ý khí hợp nhất.
- Đạo gia.
4.3. Ý THỦ
Nội thể : Khí hải hay trung đơn điền.
4.4. PHƯƠNG PHÁP LUYỆN
- Khai thủy.
- Nhập tĩnh.
- Điều tức.
- Ninh thần.
- Giáng khí.
- Giải trừ tạp niệm.
- Ý thủ: tinh thần nội thủ, thần bất ngoại thể.
- Môi răng hé mở.
- Mũi nạp miệng thở, hoặc mũi miệng đồng thổ nạp.
BƯỚC 1 (nạp khí)
- Dùng ý dẫn khí từ đỉnh dầu, qua ngực (thượng tiêu), tới trung đơn điền (trung tiêu: tỳ, vị), rồi chuyển qua bụng dưới (huyệt khí hải). Tiến hành ý thủ tại đây.
- Tiếp tục nở bụng ra, nạp khí tiếp.
BƯỚC 2 (đình)
- Ngưng thổ, nạp.
- Dùng ý dẫn khí về trung đơn điền, rồi thổ ra.
-Khi thổ chia thành nhịp, hoặc chụm môi, thổ mạnh.
Hết một thức.
Mỗi lần luyện hết một thức phải cố duy trì ý thủ nội thể. Mỗi ngày luyện 24 hoặc 36 thức.
- Sau khi dứt, dùng ý dẫn khí vào trung đơn điền.
- Thu công.
- Không nên cưỡng hành nín thở lâu quá. Không nên ép khí đầy quá, làm cho khí huyết đảo lộn.
4.5. CHỦ TRỊ
Trị ruột đau, thiếu dịch vị.
Tiêu hóa không tốt, bụng sôi.
Ăn vào đầy ứ, ợ hơi.
Thần kinh suy nhược.
Người bải hoải sau khi ăn.
Điều hòa nhiệt khí.
Lưu ý là sau khi luyện sang thức thứ 3 trở đi thì nhiệt khí trong đơn điền sinh ra mạnh mẽ. Không nên hoảng sợ. Đó là có kết quả rồi.
V. Lộ thứ năm: TRƯỜNG XUÂN CÔNG
Xuân là mùa Xuân mùa mà vạn vật nảy nở, nên dùng để chỉ tuổi trẻ. Chữ trường xuân ở đây dùng để chỉ nét tươi thắm của tuổi trẻ.
5.1. XUẤT XỨ
Tương truyền tác giả là công chúa Thủy-Tiên. Thủy-tiên là tên dưỡng nữ Hưng-Đạo vương Trần Quốc-Tuấn, phu nhân của Phạm Ngũ-Lão đời Trần. Bà là một khí công gia, tuy không nổi tiếng bằng công chúa Ngọc-Hoa, phu nhân của Hoài-văn hầu Trần Quốc-Toản, nhưng bà có nhiều công phát minh ra những chiêu thức luyện công cho phụ nữ: tính tình hòa dịu, điều hòa kinh nguyệt. Nhất là làm cho phụ nữ trẻ đẹp. Ở đây chỉ trình bày một thức dùng cho cả nam, lẫn nữ mà thôi.
5.2. TƯ THỨC
- Lập thức (đứng).
5.3. ĐIỀU KHÍ
- Phương pháp thông thường.
- Ảo thổ nạp.
5.4. Ý THỦ
Dùng hai loại:
- Ý thủ ngoại vật: Tưởng tượng đứng trước một vườn đầy hoa, hoặc một ao sen nở đỏ ối.
- Ý thủ thần thức: Nhẩm đọc một bài thơ, ca thầm một bản nhạc yêu đời êm dịu. Không nên ca thầm những bản nhạc hùng tráng, hoặc những điệu giật gân.
Nếu theo đạo Chúa, nên đọc bài kinh "Kính mừng" trong đầu tưởng tượng ra tượng đức mẹ Maria đang dơ tay ban phép lành cho mình.
Người theo đạo Phật, nên tưởng tượng hình đức Quan-thế-âm cầm cành dương liễu nhỏ lên đầu mình. Chớ có nhẩm đọc kinh Bát-nhã, Lăng-già, Kim-cương trong trường hợp này mà tiêu dao miền Cực-lạc.
5.5. PHƯƠNG PHÁP LUYỆN
- Khai thủy.
- Nhập tĩnh.
- Điều-tức.
- Ninh thần.
- Giáng khí.
- Giải trừ tạp niệm.
- Ý thủ: Như đã trình bầy ở trên. Hai mắt từ từ nhắm.
- Khi thổ, nạp, miệng răng hé mở.
- Mũi nạp miệng hô, hoặc mũi miệng đồng dụng.
BƯỚC 1 (nạp khí)
- Dùng ý dẫn khí từ miệng, qua hầu, ngực (thượng tiêu) tới bụng giữ (trung đơn điền), rồi ngưng lại.
BƯỚC 2 (thổ khí)
- Dùng ý dẫn khí tới hai bàn chân.
- Hai chân hơi cong lên ở giữa, rồi tưởng tượng hai chân như cây già mọc rễ. Ý tưởng như cây thông già, gió không đổ, chém không gẫy.
BƯỚC 3 (nạp khí)
Dùng ý dẫn khí về trung đơn điền,
BƯỚC 4 (thổ khí)
Dùng ý dẫn khí lên ngực, ra ngoài.
Hết một thức.
Tiếp tục luyện thức thứ hai. Mỗi ngày luyện 12 hoặc 24 hoặc 36 thức.
Thu công
5.6. CHỦ TRỊ
Khi dẫn khí xuống chân, ý niệm hai chân như thông già mọc rễ. Gió không đổ, chém không gẫy, một lát trong nội thể phát sinh ra nội khí chạy khắp tạng phủ. Thân thể sảng khoái, hùng khí dâng lên.
Trị các bệnh sau:
- Mệt mỏi (asthénie physique)
- Huyết áp cao.
- Buồn nản (anxiétée)
- Hay cáu (nervositée)
- Lo nghĩ (angoissée)
- Thần kinh suy nhược (dépression nervreuse).
Nếu luyện nhiều khí huyết đều, yêu đời, không lo, không giận, không phiền, khô ng gắt, thì tự nhiên bảo trì được nhan sắc.
VI. Lộ thứ sáu: DƯỠNG THẦN THỨC
6.1. TƯ THỨC
Có thể dùng cả ba tư thức.
- Lập thức (đứng).
- Tọa thức (ngồi).
- Ngọa thức (nằm).
6.2. ĐIỀU KHÍ
Phương pháp thông thường.
6.3. Ý THỦ
Nội thể: trung đơn điền.
6.4. PHƯƠNG PHÁP LUYỆN
- Khai thủy.
- Nhập tĩnh.
- Điều tức.
- Ninh thần.
- Giáng khí.
- Giải trừ tạp niệm.
- Ý thủ.
6.41. GIAI ĐOẠN MỘT
BƯỚC 1 (nạp khí)
- Khi trầm đơn điền, nạp khí, khi đầy ngưng lại một tiếng tim đập rồi thổ.
BƯỚC 2 (thổ khí)
- Dẫn chân khí đồng một lượt ở các bộ vị sau đây:
Đường 1: từ đỉnh đầu (huyệt bách hội tỏa xuống bốn phía, mặt, hai thái dương, gáy, cổ, và đầu xương sống.
Đường 2: từ các huyệt đầu các ngón tay (huyệt thiếu dương, thương dương, trung xung, quan xung, thiếu trạch và thiếu xung) đi ngược lên cườm tay, khủy tay, bả vai, tới đầu xương sống ngưng lại.
Đường 3: từ các đầu ngón chân, qua bàn chân, gót chân, đầu gối đùi, ngưng lại ở hậu môn (huyệt hội-âm).
BƯỚC 3 (nạp khí)
- Dẫn chân khí đồng một lượt:
Đường 1: từ đầu xương sống đến eo lưng (huyệt mệnh môn).
Đường 2: từ hậu môn (huyệt hội âm) đến eo lưng (huyệt mệnh môn).
BƯỚC 4 (thổ khí)
- Dẫn vào trung đơn điền.
Thu công (vẫn thổ khí): quay vòng thứ nhất đến vòng thứ 10, trở ra.
BƯỚC 5 (nạp khí)
- Tiếp tục thu công quay vòng thứ 10 đến vòng thứ 20, trở ra.
BƯỚC 6 (thổ khí)
- Tiếp tục thu công, quay vòng thứ 20 đến vòng thứ 30, trở ra.
BƯỚC 7 (nạp khí)
- Tiếp tục thu công, quay vòng thứ 30 đến vòng thứ 36, trở ra. Rồi quay ngược trở lại từ vòng thứ 24 đến 20.
BƯỚC 8 (thổ khí)
- Tiếp tục thu công.Quay vòng thứ 20 đến vòng thứ 10, trở vào.
BƯỚC 9 (nạp khí)
- Tiếp tục thu công. Quay vòng thứ 10 đến vòng cuối cùng.
6.4.2. GIAI ĐOẠN HAI
BƯỚC 1 (thổ khí)
- Dẫn chân khí từ trung đơn điền ra huyệt em lưng (huyệt mệnh môn). Từ đây dẫn khí theo xương sống xuống hậu môn (huyệt hội âm) và lên đầu xương sống.
BƯỚC 2 (nạp-khí)
- Dẫn chân khí đồng một lúc:
Từ hậu môn (huyệt hội âm) xuống đầu gối, hai bàn chân, đầu ngón chân. Từ cổ tỏa ra hai tay, bắp tay, khủy tay, cổ tay và bàn tay. Các ngón tay, thoát ra ngoài. Từ cổ lên gáy, mặt, hai thái dương lên đỉnh đầu (huyệt Bách hội). Ngừng lại một tiếng đập tim.
BƯỚC 3 (thổ-khí)
- Dùng ý dẫn chân khí tỏa ra ở các đầu ngón chân, ngón tay, và miệng.
HẾT MỘT THỨC
Tiếp tục luyện lại giai đoạn 1. Luyện một lúc 12, 24, hoặc 36 thức rồi đứng dậy. Không cần thu công như các thức khác. Vì đây là phương pháp thu công thượng thừa.
6.5. CHỦ TRỊ
Đây là phương pháp điều hòa chân khí, cũng là phương pháp thu công thượng thừa.
Mục đích dùng để:
- Điều hòa nhiệt khí, khi đầu nóng, tai nóng, mặt nóng, nhiệt khí hỗn loạn. Ph ân tán nhiệt ra cơ thể cho đều.
- Dẫn nhiệt chống lạnh.
- Trị mê ngủ, mộng du, đêm ngủ hay la hoảng.
- Đầu óc u mê.
- Mệt mỏi khi hoạt động nhiều.
- Trị tất cả các loại thần kinh.
- Sau khi luyện ngoại công chân khí chạy hỗn loạn, cần phân tán đi cho điều hòa.
- Tập khí công bị hỗn loạn kinh mạch, sinh phản ứng, dùng điều hòa lại.
- Huyết áp cao.
VII. Lộ thứ bẩy: LIÊN-HOA THỨC
7.1. TƯ THỨC
Có thể dùng cả ba tư thức.
- Lập thức (đứng).
- Tọa thức (ngồi).
- Ngọa thức (nằm).
7.2. ĐIỀU KHÍ
Phương pháp thông thường.
7.3. Ý THỦ
Giai đoạn 1, trung-đơn-điền pháp.
Giai đoạn 2, liên-hoa-nhụy, tức nhũ hoa.
7.4. PHƯƠNG PHÁP LUYỆN
- Khai thủy.
- Nhập tĩnh.
- Điều-tức.
- Ninh thần.
- Giáng khí.
- Giải trừ tạp niệm.
- Ý-thủ.
7.4.1. CHUẨN THỨC
Đầu tiên luyện "Dưỡng thần thức", để chân khí, nhiệt khí điều hòa, huyết mạch lưu thông. Sau 10 hay 15 thức, người đã nóng lên:
BƯỚC 1 (hấp khí)
- Dồn khí tức qui-nguyên.
- Dẫn khí từ trung-đơn-điền lên thượng-đơn-điền.
- Ngừng lại từ 5 đến 9 tiếng đập tim (giai đoạn 1, hết).
7.4.2. CHÍNH THỨC
BƯỚC 2 (thổ khí)
- Dùng ý phóng khí từ thượng-đơn-điền tỏa ra mang tai, cằm (huyệt Dương-bạch, Hạ-quan, Giáp-xa, Nhân-nghinh) theo má, cổ trước đến nhũ hoa (hoặc mạch Âm-kiêu, đến huyệt Khí-hộ, Khổ-phòng, Ung-song, ngừng lại ở huyệt Nhũ-trung).
BƯỚC 3 (nạp khí)
- Dùng ý dẫn khí từ nhũ hoa (huyệt Nhũ-trung), quay theo hình xoắn ốc, thuận chiều kim đồng hồ, từ vòng nhỏ đến vòng lớn, sâu vào trung tâm nhũ hoa, 12 vòng (giai đoạn 2, hết).
TIẾN HÀNH Ý THỦ TẠI ĐÂY
BƯỚC 4 (thổ khí)
- Quay tiếp từ vòng thứ 12 đến vòng thứ 24.
BƯỚC 5 (nạp khí)
- Quay tiếp từ vòng thứ 24 đến vòng thứ 36.
Vòng thứ nhất khởi từ đỉnh nhũ hoa, vòng 12 bắt đầu đi vào khu vực nhân nhũ hoa. Đến vòng thứ 20 là đi vào hết chiều sâu liên-hoa-nhụy. Đến vòng thứ 36 là vòng lớn nhất, chu vi bằng chu vi chân nhũ hoa, và sát ngực.
BƯỚC 6 (thổ khí)
- Quay ngược chiều kim đồng hồ, từ vòng lớn đến vòng nhỏ, từ trong ra ngoài đỉnh nhũ-hoa. Quay từ vòng thứ 1 đến vòng thứ 12.
BƯỚC 7 (nạp khí)
- Quay tiếp từ vòng thứ 12 đến vòng thứ 24 là đỉnh nhũ hoa (huyệt Nhũ-trung).
BƯỚC 8 (thổ khí)
- Dẫn chân-khí từ đỉnh nhũ hoa (huyệt Nhũ-trung), đi ngược ngực, cổ lên cằm, má tới trán (theo mạch Âm-kiêu lên huyệt Ung-song, Khố-phòng, Khí-hộ, Nhân-nghinh, Giáp-xa, Hạ-quang, Dương-bạch tới thượng điền).
BƯỚC 9 (nạp khí)
- Ngừng lại từ 5 đến 9 tiếng đập tim.
HẾT MỘT THỨC
Tiếp tục luyện "chuẩn-thức" khởi từ thổ. Luyện liên tiếp 24 hoặc 36 thức. Mỗi ngày có thể luyện 2 buổi, cách nhau 4 giờ.
7.5. CHỦ TRỊ
- Tuyệt kinh nguyệt.
- Tuyệt sinh nở.
- Giải ưu uất, cáu giận của con gái lúc dậy thì.
- Trị bệnh lúc mãn kinh (ménopause): hỏa nhiệt thăng (bouffées des chaleurs), hay cáu, tự nhiên béo ra hoặc gầy đi.
LƯU Ý QUÝ VỊ Y-SĨ ĐIỀU TRỊ
Thông thường phụ nữ trong thời kỳ sắp mãn kinh, kinh kỳ thường kéo dài, thu ngắn không nhất định. Nếu cho bệnh nhân luyện thức này, thì có hai trường hợp sẽ diễn ra: một là kinh nguyệt tuyệt hẳn, hai là kinh ra bình thường một hai kỳ rồi tuyệt. Luyện trong vòng ba tháng thì những triệu chứng hỏa nhiệt thăng. hay cáu, béo mập bất thường sẽ hết.
Luc binh (TVVN.com)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro