chap 1 : Incubate
Có một loài cây, nhờ hương gió cuốn đi để tìm đến một thân cây vững chãi. Nó sống nương tựa vào thân cây đó, mỗi ngày một đâm chồi nảy lộc. Thời gian âm thầm như con sóng dữ, loại cây nhỏ bé kia hút cạn dần sức sống vật chủ của mình. Như một loài kí sinh ẩn náu.
Cây tầm gửi.
Đã nhiều lần tôi tự hỏi, bi kịch của gia đình mình có phải do chính tay tôi đưa đẩy? Tôi không biết câu chuyện bắt đầu từ đâu và cũng chẳng biết rồi nó sẽ kết thúc thế nào. Ngày qua ngày tôi chỉ biết chơi vơi trong dòng suy nghĩ vu vơ: Vì sao hắn lại xuất hiện trong cuộc đời tôi?
Hắn – Vương Tuấn Khải – là kẻ bần cùng nhất xã hội.
Tôi – Dịch Dương Thiên Tỉ – là một quý công tử cao sang.
Hắn chẳng có một chiếc áo được gọi đúng nghĩa là áo, còn tôi có cả một biệt thư nguy nga tráng lệ đúng nghĩa là biệt thự.
Hắn bơ vơ giữa chợ đời không một người thân thích, còn tôi được sống trong vòng tay ấm áp của một gia tộc quyền uy.
Có thể nói, hắn không có gì cả. Tôi thì có mọi thứ. Tôi là người ngồi trên vạn người, hắn là kẻ cơ hàn lất khất với chiếc nón nhỏ của một đứa ăn xin.
Tôi gặp Tuấn Khải trong một đêm mùa đông giá rét. Khi ánh mắt lạnh lùng lãnh đạm của hắn lặng nhìn chiếc Camry của gia đình họ Dịch rời khỏi nhà hàng. Tôi như bị thôi miên trong cái nhìn khao khát đó. Bản tính ương ngạnh bất giác trỗi lên không cần thiết, tôi dùng đặc quyền của một quí tử độc tôn buộc cha phải thu nhận hắn. Năm đó, tôi vừa bước chân vào tiểu học.
Tuấn Khải từ một thằng nhóc ăn xin bên lề đường trở thành tên làm vườn cho nhà họ Dịch. Hắn cao lêu nghêu, ốm nhom ốm nhách, nhưng chỉ bằng tuổi tôi. Nom Tuấn Khải cũng rất mạnh mẽ, đôi mắt nhỏ dài, mũi cao hoàn hảo, sắc nét lạnh lùng. Nếu gọt dũa đi cái nét bụi trần lam lũ, hắn vẫn được tính là một cậu bé ưa nhìn. Với đầu óc đầu toan tính của một doanh nhân, cha tôi khá thích hắn. Cha bảo, ánh mắt cương nghị của hắn thể hiện một quyết tâm làm nên chuyện lớn.
Sau gian biệt thự nguy nga có căn chòi nhỏ, nằm sâu trong vườn. Tuấn Khải và bác làm vườn sống ở đó, trở thành một trong những người phụ việc cho nhà họ Dịch. Đôi lần lang thang trong vườn, tôi cố bắt chuyện với hắn. Dù sao, cũng nhờ tôi Tuấn Khải mới có nơi nương nhờ, ấy thế mà hắn lạnh lùng lắm, một cái liếc nhìn về phía tôi cũng keo kiệt.
Tôi là công tử giàu sang, đâu việc gì để tâm đến kẻ nghèo mạt như Tuấn Khải? Hắn không nói, tôi cũng chẳng quan tâm. Mà kì thực thì vì cái gì tôi lại muốn chiếu cố hắn, đến bây giờ tôi cũng chẳng hiểu nguyên do. Chỉ biết rằng thời tiểu học ngây thơ ấy tôi rất muốn kết bạn cùng Tuấn Khải.
Có lẽ mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn nếu đừng có ngày hôm đó, tôi cũng chẳng nghĩ tới mà hận Tuấn Khải nhiều đến vậy. Hôm ấy hắn vụng về bước vào ngôi biệt thự với đôi chân thật bẩn để lấy hai chậu tắc đem ra vườn trồng. Bà quản gia vừa cho người lau nhà xong, trong cơn bực tức, bà quát hắn không tiếc lời. Hậm hực cay nghiệt hay lo sợ gì đó, hắn đánh rơi một lúc hai chậu cây. Những trái tắc tròn xoe cứ thế lăn lóc trên nền nhà, thân cây cũng gãy đổ.
Ngay lúc đó, cha vừa đi công tác về. Tôi như hồn siêu phách lạc, cực kì lo sợ cho Tuấn Khải. Gia quy nhà họ Dịch rất nghiêm, bất kể sai sót nào cũng bị trừng phạt nặng nề. Việc hắn bị đuổi ra đường để trở lại làm một đứa trẻ ăn mày là điều chắc chắn.
Trước ánh mắt giận dữ của cha khi nhìn hai chậu tắc quí của cố nhân tặng, Tuấn Khải khép nép cúi đầu đứng ngay góc tường, lãnh đạm như cái bóng.
– Là lỗi của con, xin cha bớt giận. – Câu nói vuột ra khỏi miệng tôi không chút suy nghĩ. Có lẽ tôi đã điên rồi.
Bất ngờ một cái bạt tai trời giáng hạ xuống thẳng vào bên má tròn trẻ con của tôi, toàn thân bị ném thẳng vào cạnh bàn salon. Tất nhiên, vài giọt máu tươi làm hoen đỏ nền gạch lạnh.
Cha đã đánh tôi không chút suy nghĩ, hành động mà ông chưa bao giờ làm với quí tử của mình. Ông cũng bị điên rồi chăng?
Tôi khóc rống lên, tức tưởi như mình bị oan khuất, dù trước đó vài giây chính miệng tôi tự nhận mình làm rơi chậu tắc. Bà quản gia hối hả dỗ dành, chăm sóc vết thương cho tôi. Còn cha chẳng nói lời nào, chỉ ôm lấy tôi vỗ về. Bấy giờ ông mới hối hận vì lỡ tay với đứa con cưng.
Lẽ ra ngay giây phút đó tôi phải nhận ra Tuấn Khải là một con người khốn nạn. Trước sự việc như thế, hắn chỉ lẳng lặng bước ra khỏi nhà, thản nhiên quay về căn chòi rách và tiếp tục công việc chăm sóc vườn cây. Hắn hành động như thể mình chẳng liên quan và tất cả tội lỗi là do một mình tôi chuốc lấy.
Tôi ốm ba bốn ngày liền vì vết thương đau và vì giận cha nặng tay với mình. Ngày nào tôi cũng lết ra ngồi thẫn thờ nơi cửa sổ. Tôi ngồi, để chờ một lời xin lỗi, hay ít ra là lời cảm ơn từ Tuấn Khải. Chẳng hiểu vì sao tôi phải tự đày đoạ mình đến vậy, cứ muốn Tuấn Khải phải để tâm đến mình. Nhưng không, với hắn, cái ngày đáng chết ấy dường như chưa bao giờ tồn tại.
Thật đáng nguyền rủa khi sự phẫn uất trong lòng tôi lại nhanh chóng lành lặn theo vết thương. Dường như bản tính vị tha ấy tôi được học từ mẹ. Tôi cho rằng Tuấn Khải thật sự muốn cám ơn tôi nhưng do chênh lệch thân phận mà hắn không thể mở lời được. Tôi lại đến trường và tung tăng vui vẻ với bạn bè. Tuy nhiên, có một điều tôi dám chắc, kể từ hôm đó Tuấn Khải hay liếc trộm tôi. Những cái liếc trộm rụt rè thì ít, đe doạ thì nhiều. Tôi nghĩ thế.
Một hôm, tôi vừa bước xuống xe khi đi học về, Tuấn Khải cứ ngồi ngoài hành lang nhìn tôi lom lom. Lần đầu tiên hắn nhìn tôi chăm chú đến như muốn dán chặt mắt vào tôi. Thấy tò mò, tôi hất giọng hỏi:
– Nhìn gì dữ vậy?
Tuấn Khải chách miệng, quay liền sang hướng khác.
– Muốn đi học chứ gì? – Ma xui quỷ khiến sao tôi lại hỏi hắn câu đó. Vì tôi nhận ra, thứ hắn nhìn không phải tôi mà là đồng phục của tôi.
Ánh mắt Tuấn Khải lại dán vào tôi lần nữa rồi lơ đễnh gật đầu.
Cái gật đầu đó được tính như lần đầu tiên hắn trò chuyện với tôi. Tôi trề môi, bước thẳng vào nhà. Tự nhiên chẳng muốn nói chuyện với hắn.
Nhưng bữa cơm chiều hôm đó, tôi lại đề nghị cha sắp xếp cho hắn đi học cùng. Đến bây giờ tôi vẫn lập lại vạn lần một câu nói: Tôi thật sự điên rồ.
Tuấn Khải nhanh chóng gây nên một sự bất ngờ lớn cho gia đình tôi. Dù nhập học muộn hắn vẫn đứng đầu lớp đều đều. Nhưng ở trường hay ở nhà, gương mặt kia vẫn lầm lũi hầm hầm. Một nụ cười hoặc dã là cái nhếch môi cũng là thứ quá xa xỉ với hắn. Thậm chí, một lời cảm ơn Tuấn Khải cũng chẳng hé mở với tôi. Cứ như thể tự gia đình họ Dịch ép hắn đi học chứ không phải là tôi chủ ý cho hắn một cơ hội.
Chúng tôi cứ thế cùng đi qua những năm tiểu học. Tôi học không giỏi, ngày nào cha cũng bắt Tuấn Khải ngồi lì trong phòng tôi hai giờ liền để phụ đạo. Hắn cứ trưng ra gương mặt đưa đám đó mà giảng bài, thật phát ghét.
Và tôi phát hiện ra, càng lúc mình càng ghét Tuấn Khải. Ghét nhất cái kiểu làm thứ gì cũng giỏi như hắn. Suốt ngày cha cứ so sánh hắn với tôi. Nói hắn vừa làm vườn, lại không đi học thêm mà vẫn đứng đầu lớp, trong khi tôi chỉ có ăn với học mà lẹt đẹt mãi ở thứ hạng hai mươi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro