Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

1

  Trường Sơn, một ngày giữa tháng Năm, năm 1973

Gửi Hạo Vũ em,

Trường Sơn mùa này nắng như đổ lửa, bom đạn triền miên mịt mù cả cánh rừng trụi. Nhưng em ơi ngọn lửa nào rồi cũng tàn chỉ có ngọn lửa trong tim là còn cháy mãi. Anh và đồng đội vẫn đang chiến đấu mỗi ngày vì ngọn lửa trong tim.

Em yên tâm anh vẫn khoẻ, anh ngày đêm đều có đồng đội sát cánh không lo cô đơn. Anh xin lỗi vì đã bỏ đi mà không nói gì với em, vì anh sợ khi thấy em khóc thì anh không cách nào đi được. Mong em vui cho anh khi anh đã tìm được lí tưởng của chính mình. Và cũng mong em tìm được lí tưởng của riêng em.

Ở nhà giúp anh coi sóc cha, má, anh sợ họ sẽ không chịu nổi mất. Nhưng biết sao được khi xác thân này của anh cũng là của Tổ quốc em ơi.

Chẳng mong gì hơn chỉ mong em và mọi người đều bình an. Hẹn gặp em vào ngày đất nước mình vẹn nguyên.

Anh nhớ em nhiều!
Kha Vũ

.
.
.

Tiết tháng sáu về mang theo cả con nắng chói chang ghé thăm cái xứ miền Tây sông nước. Nắng nhảy nhót trên đài sen xanh mởn. Nắng tì vào bông lúa vàng ruộm làm bông lúa oằn mình trĩu nặng. Nắng bơi lội cùng những con sóng lăn tăn trên dòng sông Hậu, để mặt sông như chứa muôn vàn viên đá quý lấp lánh. Con nắng vươn mình trải dài khắp nơi trên cái đất miền Tây thân thương này.

Có con nắng rơi vào khoảnh sân của nhà ông giáo Doãn, nắng đậu lại trên cành hoa sứ trước sân, rồi nắng rớt xuống cánh hoa trắng muốt nằm trên đất, nắng lại hôn lên bụi bìm bịp hôm trước cậu hai Vũ mới trồng.

Thằng Tý mang nắm thóc rải xuống cái sân trước nhà, tụi bồ câu lại hè nhau xà xuống mổ lấy mổ để. Bồ câu nhà ông giáo con nào con nấy đều béo núc ních chứng tỏ là chủ nhân của nó cũng rất thích tụi nó, cho ăn đều đặn, lại cho người dựng bốn cái cột cao đặt một cái chuồng cho chúng làm tổ. Ông giáo Doãn về già cũng chẳng có thói hư tật xấu gì, ông thích chăm sóc cây cảnh với nuôi mấy con chim cho tụi nó chiêm chíp cả ngày để vui tai ấy mà.

Trong cái sân nhà đầy những chậu cảnh của ông giáo Doãn lại râm rang tiếng trẻ con đọc bài, thầy chúng nó đọc trước một câu, chúng nó lại đọc theo một câu.

"Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay..."

Giọng cậu giáo trẻ vang lên trong ngần trong buổi sớm tinh khôi.

"Hạt gạo làng ta..." Giọng bọn trẻ líu ríu lặp lại câu thơ thầy bọn nó vừa đọc, có đứa đọc nhanh hơn có đứa lại đọc chậm hơn thành ra lại nghe lọt xọt chẳng đâu vào đâu.

"Lựu đọc nhanh hơn đi con. Còn Khôi thì đọc chậm lại đợi các bạn nữa." Cậu giáo trẻ chỉ đích danh từng đứa mà nhắc nhở.

"Hạt gạo làng ta..."

Hạo Vũ chắp tay ra sau nghe bọn nhỏ đọc lại bài thơ mình vừa dạy. Hôm nay cậu giáo nhà ta bận áo bà ba màu trắng nhã nhặn. Khi cậu cười như cơn gió xuân mơn man trên từng chồi xanh mơn mởn, còn khi không cười gương mặt lại mang nét nghiêm nghị giống ông giáo Doãn đến bảy phần.

Thầy giáo của tụi nhỏ là một người nho nhã, ăn nói rất dịu dàng luôn rất được lòng bà con làng trên xóm dưới, ai cũng muốn gởi con mình cho cậu, nhưng cậu đều khuyên những gia đình có điều kiện hãy cho con em đến trường mà học, cậu chỉ nhận mấy đứa trẻ không có đủ điều kiện để đến trường.

Nhưng bọn trẻ lại ít khi thấy thầy chúng nó cười lắm, lúc nào thầy của bọn nó cũng nhìn xa xăm như đang tìm kiếm một điều gì đó. Chỉ khi Hạo Vũ đọc thư thì lũ trẻ mới thấy được nụ cười hiếm hoi của cậu.

Có lần bọn trẻ lại đòi nghe thầy hát, Hạo Vũ từ chối mấy lần nhưng bọn chúng lại muốn nghe thầy của mình hát cho được thế là cậu giáo trẻ nhà ta là ngâm nga khúc "Dạ cổ hoài lang", mà mình đã nghe ông hát từ thời tấm bé, cho bọn trẻ thoả lòng. Giọng thầy bùi nghe rất mát tai, lại mang theo niềm tâm sự khó nói bọn trẻ nghe không hiểu nhưng cũng biết thầy mình buồn.

Qua mấy bận đông đi xuân về, bọn trẻ không thấy thầy mình nhận được thưư nữa. Dạo ấy bọn chúng thấy thầy mình xanh xao thấy rõ. Bọn nhỏ cũng không hay được là cớ sự gì nhưng bọn nó bảo nhau là phải ngoan để thầy không buồn lòng.

Thầy giáo trẻ vẫn đang say mê với việc giảng dạy mà không hay rằng ngoài sân đang có người nhìn cậu. Người kia cao dong dỏng, dáng người to lớn, làn da lộ ra ngoài tay áo có màu lúa mạnh khoẻ mạnh, từng cơ bắp rắn rỏi nhấp nhô dưới cái áo sơ mi màu cỏ úa đã thấm ướt từng mảng mồ hôi.

Người kia bỏ chiếc mũ tai bèo màu xanh xuống, bên dưới chiếc mũ kia là mái tóc ba phân được cắt rất gọn, do đi nắng nhiều nên đã có mấy chỗ bị nắng hun cháy. Người đó đứng yên ở đấy chăm chú nhìn cậu giáo trẻ đang dạy bọn nhỏ. Đôi mắt người kia chằng chịt những vần đỏ do ngủ không ngon nhưng đôi mắt đó lại trao cho cậu cái nhìn dịu dàng nhất.

Thằng Tý thì lại trái ngược hoàn toàn với dáng vẻ tĩnh lặng của người người đứng kế bên. Nó xoắn xuýt nắm chặt gấu áo nhìn người kia với con mắt có muôn vạn sự đề phòng. Người kia đến, nó ra mở cổng người đó chẳng nói lời nào mà đã lách mình đi vào, nó cản mấy lần đều không được, người kia cứ lầm lầm một mực đi thẳng vào trong. Người kia cao lớn, nó thì lại đẹt ngắt, người ta búng ta một cái nó cũng đã bay mấy dặm rồi. Cậu hai mà biết nó để người lạ vô nhà khéo cậu lại cho người đập nó gãy dò rồi tống cổ nó đi mất. Nó mếu máo nhìn người bên cạnh, nó chỉ vừa mới tìm được chỗ để trú mưa tránh gió thôi mà.

Kể cũng tội, thằng nhỏ mới có bao lớn đâu chứ? Ba má nó có tới bảy người con, nó thứ ba sau nó còn năm người em nữa, không còn cách nào hai người đành đứt ruột đứt gan bán con mình đi làm mướn cho mấy nhà giàu trong vùng, may thì tụi nó gặp được người tốt cho tụi nó cái ăn cái mặc, còn không may thì bị đánh đập mắc làm công chuyện nặng trong nhà. May mà nó gặp được cậu hai, cậu hai thấy nó tội quá nên mua về, cậu dạy cho nó biết đọc biết viết rồi sai sử lặt vặt trong nhà, nó cũng chưa làm cái gì nặng nhọc hết cả. Nó mang ơn cậu hai nhiều lắm, nó thề với lòng là phải theo hầu cậu hai tới chừng chết mới thôi. Vậy mà bây giờ chỉ là người lạ vô nhà mà nó cũng không giải quyết được, nó thấy mình vô dụng quá thể.

Hạo Vũ cho bọn nhỏ viết bài, còn bản thân thì lại thẫn thờ nhìn ra cửa sổ. Qua khung cửa sổ bằng sắt đã có mấy chỗ tróc sơn, cậu giáo trẻ thấy được người cao lớn kia. Cậu trợn tròn mắt không tin vào mắt mình. Bọn nhỏ nghe tiếng guốc gỗ nện trên nền gạch lộc cộc mấy tiếng vang dội, cậu đã lao vào vòng tay vững chãi của người kia.

Nước mắt Hạo Vũ chảy dài dù đã dặn lòng không được khóc, không được để anh lo. Vậy mà cậu giáo trẻ vẫn nấc lên từng cơn trong vòngòng tay của người cậu yêu. Kha Vũ nhẹ nhàng xoa lưng cậu, tay anh to nhưng lại vô cùng nhẹ nhàng như thể đang nâng niu món báu vật quý giá nhất của mình vậy.

Thằng Tý đứng kế bên đang lo lắng đã đành lại thấy cậu hai nhà mình khóc miết lại càng thêm lo. Ông Năm đúng lúc đi công chuyện về thấy vậy liền không nói gì mà kéo thằng Tý ra sau luôn, giữa đường còn ghé qua lớp học của Hạo Vũ nói bọn nhỏ về đi thầy phải tiếp khách quý rồi. Bọn nhỏ nghe được nghỉ đã reo lên bắt đầu kéo nhau đi chơi. Lúc đi qua thầy, thầy bọn nhỏ vẫn như không cảm thấy gì xung quanh chỉ đứng đó rấm rức khóc như con nít. Bọn nó thương thầy mình hết biết nhưng không đứa nào dám hỏi chỉ lẳng lặng đi về.

Đợi bọn trẻ đi hết Kha Vũ mới kéo Hạo Vũ ra. Anh đưa hai tay nâng mặt cậu, nhỏ nhẹ dùng môi mình chạm vào môi cậu. Cậu vẫn còn thút thít, nước mắt chảy dài, anh cũng nếm được vị mặn của chúng. Anh ôm cậu, xoa cái lưng gầy sau lớp áo bà ba.

"Anh về rồi nè." Kha Vũ cố đè xuống sự run rẩy trong giọng nói anh.

"Em nhớ anh nhiều lắm."

"Anh cũng nhớ em."

Kha Vũ ôm chặt Hạo Vũ như thể khảm cậu vào người anh.

Ở sau nhà thằng Tý đã được ông Năm kể cho nghe hết mọi chuyện. Ông Năm là người theo cậu hai Vũ từ thuở cậu lọt lòng, ông nhìn cậu lớn mà coi cậu như con như cháu trong nhà mà bảo ban, còn cậu cũng xem ông như bậc cha chú mà kính trọng. Chuyện cậu làm có thể cha má chưa biết nhưng ông Năm chỉ nhìn thôi cũng biết cậu nghĩ gì. Nhưng chỉ có duy nhất một chuyện mà ông không ngờ tới đó là chuyện cậu hai nhà mình thương cậu Kha Vũ con ông Thịnh, chủ xưởng gỗ có tiếng trong vùng. Dù hai người đã có giao tình từ nhỏ với nhau nhưng ông nghĩ chỉ là quý nhau như anh em, đâu có ngờ họ lại thương nhau theo kiểu khác.

Lần đó ông thấy cậu hai nhà mình hôn con ông Thịnh, ông sợ đến mức suýt làm rơi cái chén cháo trong tay. Ông run rẩy một lúc lâu trước cửa phòng cậu rồi cuối cùng vô thanh vô thức mà rời đi. Mấy ngày sau ông đều tìm cớ để trốn cậu hai, ông cũng không dám nhìn mặt ông giáo Doãn.

Ông nghĩ chỉ là cậu hai còn trẻ quá chưa hiểu gì vài ba hôm lại bình thường lại thôi. Nhưng rồi ngày ông thấy cậu mình nghiêm túc quỳ dưới chân cha mà thưa chuyện ông biết là cậu hai nhà mình nghiêm túc thật.

Ông giáo Doãn nghe con mình nói thì đã run lên bần bật vì tức. Ông quăng vỡ cái tách trà trên tay xuống đất, cái tách vỡ tan tành, còn nước trà nóng thì bắn lên tay cậu hai Vũ bỏng rát. Ông Năm đau lòng quỳ xuống bên cạnh cậu nhà mình.

"Cậu hai cậu mau xin lỗi ông đi. Cậu nhất thời hồ đồ thôi đúng không?" Ông Năm run rẩy nắm lấy tay cậu hai Vũ.

Vậy mà cậu hai Vũ không hề bị doạ sợ. Cậu vẫn trấn tĩnh quỳ ở đó, đôi mắt không chút gợn sóng nhìn chằm chập xuống nền gạch đỏ.

"Con không có hồ đồ. Con là nghiêm túc, con nghĩ kĩ rồi mới nói." Cậu Vũ trở tay gỡ tay mình ra khỏi tay ông Năm, cậu vỗ vỗ lên mu bàn tay ông mấy cái để trấn an.

"DOÃN HẠO VŨ!" Ông giáo Doãn tức đỏ mặt, ông với tay lấy cái tách trà trong bộ kỉ ném xuống đất. Một tiếng "choang" vang dội trong đêm khuya vắng lặng, mà cậu hai Vũ vẫn quỳ thẳng tắp như cũ.

"Bây giờ trễ rồi ông đi ngủ đi có chuyện gì hôm sau cha con bình tĩnh mà bảo ban nhau. Đừng để xóm giềng phải ồn ào chuyện nhà ta." Ông Năm thấy mình không khuyên được cậu hai liền quay qua nói lí với ông giáo Doãn. Ông giáo Doãn nể ông là bậc cha chú nên cũng không nói gì mà hầm hầm bỏ vô buồng trong.

Một đêm đó đối với nhà họ lại vô cùng dài, qua hôm sau mọi người không ai bảo ai nhưng cũng tự hiểu mà không nhắc lại chuyện cũ. Ông giáo Doãn thì không nhìn mặt con mình suốt một tháng ròng. Vậy mà cậu hai Vũ vẫn như trước như không có gì mà tiếp tục hiếu thảo với ông. Rồi dần dà ông giáo Doãn nghĩ là cứ kệ thây nó một thời gian sau kiểu gì thì cũng xong. Cái mới lạ qua đi thì con ông cũng sẽ bình thường lại thôi.

Qua mấy đợt con trăng tròn, con trăng khuyết lại nghe tin con ông Thịnh đi lính, lúc này ông giáo lại chắc mẩm xa nhau như vầy này thằng con mình thể nào cũng xuôi. Ấy vậy mà con ông lại ngày càng xanh xao, lúc nào cũng thẫn thờ trông chờ đôi ba cánh thư từ tiền tuyến xa xôi dịu vợi. Cha mẹ nào mà lại thấy con mình đau lòng mà không nóng hết ruột gan lên cơ chứ. Con mình không xuôi ông đành phải xuôi theo nó.

Cha không nói nhưng Hạo Vũ biết ông còn chưa chấp nhận chuyện mình thương anh. Ông không nói vì không nỡ thấy cậu đau lòng lại thêm đau lòng nên mấy năm qua cũng không có nhắc gì đến. Cậu cố gắng làm mọi thứ để cha mình vui lòng. Trừ việc lấy vợ ra thì việc gì cậu cũng có thể làm cho ông vui. Từ lâu cậu đã biết đời này của mình chỉ dành cho một mình anh mà thôi.

Kha Vũ cả đường phong trần mệt mỏi nói với Hạo Vũ là mình muốn ngủ một chút. Cậu dắt anh vào phòng mình. Còn bản thân thì nhờ bà năm nấu mấy món ngon để anh dậy thì có cái mà ăn. Hồi sáng, người làm trong nhà mới mua được hai con cá lóc đồng ngon hết biết nhưng cậu vẫn chưa biết làm món gì. Giờ anh về rồi chắc chắn là phải nấu cho anh một nồi canh chua với kho mấy khứa cá cho anh. Đều là món anh thích ăn cả, đi lâu như vậy chắc chắn là rất nhớ đồ ăn quê nhà, cậu tự hỏi mấy năm anh đi lính ăn uống thế nào.

Căn phòng của Hạo Vũ vẫn nguyên như ngày Kha Vũ đi. Bày trí trong phòng rất đơn giản, chỉ có chiếc giường gỗ bên trên trải chiếu, một cái tủ quần áo có ba ngăn cùng một ngăn treo đồ, vậy mà ba ngăn đó có một ngăn là quần áo của anh rồi. Cạnh cửa sổ là cái bàn gỗ mà anh đóng cho cậu, bên cạnh là giá sách con con của cậu.

Kha Vũ lướt tay trên mặt bàn gỗ mát lạnh, cái bàn này là món đồ gỗ đầu tiên mà anh làm được, nó vẫn chưa hoàn chỉnh, ngăn tủ ở bên dưới mở ra vẫn chưa được trơn chu, mặt bàn lại chưa bóng nhẵn như mặt bàn của thợ thầy lâu năm. Lại còn có lúc đo đạc anh tính sai tỉ lệ nên nếu ngồi lâu cậu sẽ không thoải mái. Món đồ có lắm khuyết điểm như vậy vậy mà anh mang đi tặng cậu, cậu lại vui vẻ nhận lấy, lại còn trân trọng như thể đây là chiếc bàn tinh xảo nhất trần đời do người nghệ nhân tay nghề bậc thầy làm ra.

Lấy ra quyển sổ da màu nâu đã nhuốm màu của tháng năm trên bàn, Kha Vũ lật lật mấy trang. Đây là quyển sổ mà Hạo Vũ dùng để chép thơ, cậu có cái hồn yêu văn chương tha thiết, cậu rất thích đọc thơ, khi đọc được bài nào hay thì lại chép lại. Anh nhớ ngày trước thi thoảng cậu sẽ xé một trang nhét vào túi áo sơ mi của anh. Nhất quyết không cho anh mở ra, nói anh về nhà mới được mở.

Chữ cậu viết thẳng hàng ngay ngắn, lực tay khi đưa nét lên thì nhẹ lúc xuống thì lại mạnh mẽ nên chữ nào chữ nấy đều rất rõ nét. Lại lật qua vài trang sổ thì thấy mấy bông hoa sim tím được ép khô trong sổ. Là mấy bông sim rừng anh hái trên đường hành quân, lúc viết thư thì ép gửi cho cậu. Vì anh đi xa chẳng có gì để cho cậu, chỉ đành gửi chút nhung nhớ da diết qua mấy bông hoa sim rừng.

Hạo Vũ quay lại thì thấy Kha Vũ đang đứng tần ngần trước bàn của mình, cậu cố nhấc chân thật thấp để anh không phát hiện ra mình, vậy mà anh vẫn như đã biết cậu vào từ lâu rồi.

"Em vẫn giữ mấy bông sim rừng này hả?"

Hạo Vũ cười: "Đồ anh tặng em đều giữ lại."

Kha Vũ đi qua bên giường nằm xuống, cả đường dài mệt mỏi anh thấy người mình riệu rã hết rồi. Anh dịch người vào trong chừa ra một khoảng cho Hạo Vũ, cậu cũng nằm xuống cạnh anh, gối đầu lên tay anh để anh ôm mình vào lòng.

"Hồi giải phóng em có gởi cho anh bức thư mà chờ hoài không thấy hồi âm. Lúc đó em lo dữ lắm." Hạo Vũ ngước lên nhìn anh thì bị chỏm râu lúng búng của anh đâm cho ngứa ngáy.

"Lúc đó bọn anh cũng không còn ở đơn vị nữa rồi nên chắc thư không tới được tay anh."

"Hở? Vậy anh đi đâu?"

"Anh đưa tiễn mấy đồng đội của mình đoạn đường cuối, giúp họ về với quê cha đất tổ."

Lần đó Kha Vũ cùng mấy anh em còn sống sót đều quay lại nơi chiến trường xưa tìm hài cốt cho đồng đội mình. Sau cùng anh giúp họ đưa xác thân họ về với quê nhà rồi mới trở về tìm cậu.

"Em nhớ anh Khánh con bác Điền không?"

"Anh Khánh ngày trước mình đi hái ổi trộm mà ảnh còn cho thêm phải không anh?"

Hạo Vũ vẫn luôn nhớ mãi cái hồi hai đứa còn nhỏ, hai đứa cứ đi hết làng trên xóm dưới phá cái này quậy cái kia. Vườn nhà bác Điền trồng ổi, tới mùa ổi chín trĩu nặng trên mấy tán cây, hai đứa lại lén leo rào vào mà hái.

Lần đó con bác Điền, anh Khánh lớn hơn Kha Vũ mấy tuổi, coi vườn, thấy tụi nó vào hái không la không rầy mà còn cho thêm tụi nó. Đợt đó bác Điền hay anh Khánh bị rầy cho tối mặt tối mũi. Còn tụi nó thì ăn uống no say đâu hay biết gì.

"Đúng rồi. Anh gặp ảnh trên chiến trường, tụi anh chiến đấu cùng nhau một thời gian rồi ảnh chuyển đơn vị. Sau đó thì nghe tin ảnh hi sinh để phá vòng vây địch mở đường cho đồng đội. Không biết người ta gửi giấy báo về chưa em?"

"Bác Điền nhận được giấy báo hồi hai tháng trước. Bác ấy chịu không nổi đổ bệnh một thời gian, bây giờ mới đỡ hơn được tí. Tuần sau thất cuối anh đi vói em không?"

"Đi chứ. Không đi coi sao đặng."

Kha Vũ và Hạo Vũ trò chuyện với nhau câu được câu chăng, chẳng mấy chốc hơi thở của anh đã dần đều đặn. Cậu không ngủ được nhưng vẫn nằm yên đấy để anh ôm. Có lẽ đây là giấc ngủ ngon nhất của Kha Vũ suốt mấy ngày qua.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro