Kể từ khi lò gạch cháy - Hàn Băng Vũ
LỜI TÁC GIẢ: Tôi viết câu chuyện này bằng giọng dân quê và tiếng địa phương của quê tôi, làng Ngô Đạo thuộc một huyện ngoại thành của Hà Nội. Tôi không viết cho những người đang đi tìm một áng văn hay, cái thanh cao của nghệ thuật, tôi viết nó cho cả những người chưa từng thích đọc truyện, hay cho dù là chỉ để người không biết chữ nghe đọc mà vẫn có thể hiểu được
tên gốc: Kể từ khi lò gạch cháy
tác giả: Jenerosa Hàn Băng Vũ
Lò gạch của thày tôi bị cháy, khói nghi ngút cả một góc làng nên cả làng tôi ùn ùn kéo ra xem rất đông rồi chỉ chỏ mà chẳng có ai dập giúp. Lửa bốc cao ngùn ngụt, cả cái lò gạch vỡ ra rồi đổ xuống, nắng cháy chang chang như đổ lửa mà chỉ có mình thấy tôi xắn quần lên tận bẹn, đầu trần múc từng thau nước dưới cái ao bèo mong cứu được công sức mấy tháng trời thức khuya dậy sớm quần quật một mình đóng từng viên gạch rồi đắp lò.
Giờ cũng chỉ có mình thầy tôi, cởi trần để lộ ra tấm lưng đen bóng, nhễ nhại mồ hôi, các nếp nhăn trên khóe mắt thầy tôi xô vào nhau, nom đến khổ sở. Hoa bèo nở rộ một màu tím nhức nhối, nắng đến cháy cả lá chuối, làm nứt toác cả mảnh ruộng chỉ còn trơ mấy cây cỏ lơ thơ đã khô lụi đến gốc. Sao cơn mưa dầm mấy tháng trước làm tràn ao cá của thày tôi bây giờ không đổ xuống đây dập giúp đám lửa từ cái lò gạch giùm thầy tôi cái?
Đỏ Ngừng em tôi thì cứ khóc lóc giãy giụa làm tôi oằn mình ngã cả ra bờ đê, tôi thấy mặt thầy tôi lấm tấm đầy mồ hôi, có cả những giọt ép ra từ khóe mắt nên tôi cũng thấy môi mình mặn chát mà sống mũi cay xè. Khi đó tôi đã nghĩ chắc là do trời nóng quá nên làm ướt khóe mắt hai cha con tôi chăng? Thầy tôi mệt mỏi nằm vật ra, tôi cũng chẳng buồn đứng dậy, bỏ đỏ Ngừng bò lê lết dưới đống rơm nhem nhuốc bẩn thỉu.Dù chỉ mới gặp thầy tôi được mấy tháng nhưng tôi cũng thương thầy tôi lắm. Thày tôi đi lính biền biệt 10 năm liền chẳng về.Lúc thày tôi đi, tôi chỉ mới vừa lọt lòng, lúc thầy tôi về, tôi đã cao ngấp nghé bằng cây chuối non, đã biết chăn trâu, quét dọn nhà cửa, đi cấy, bó rơm và làm những việc lặt vặt khác nữa.
U tôi thường chê thầy tôi đần mà vẫn thường than vãn khổ sở vì lấy phải thầy tôi. Tôi nghe đâu ngày ấy u tôi đẹp nhất nhì trong làng. Khi tất cả con gái trong làng vận áo nâu, nhuộm răng đen và vấn khăn lên đầu thì u tôi lại để răng trắng, tóc búi lọn gọn gàng sau gáy. Tóc u tôi dày mà đen lắm. Mỗi chiều là tôi lại lấy bồ kết với lá bưởi đem đun sôi rồi phơi ra nắng để tối về u tôi có nước gội đầu. Tôi nghiện mùi hương tóc ấy chứ chẳng có mùi chua chua khét khét trên mái đầu bù xù vàng hoe như đống rơm của tôi. Có lẽ vì tôi hôi hám bẩn thỉu nên u tôi ghét tôi nhưng tôi thây kệ, tôi vẫn yêu mùi tóc của u tôi lắm. Mỗi bận ra đồng là u tôi lại bịt kín mít, chỉ hở ra có hai đôi mắt nhưng tối về là u tôi lại lấy cái áo hoa của cậu tôi đi Liên Xô gửi về ra bận rồi đi một vòng quanh làng. Tôi chẳng hiểu u tôi đi như thế để làm gì nhưng tôi đoán là u tôi có việc riêng của người lớn mà trẻ con không biết được. Tôi chỉ biết là u tôi có vận cái áo ấy đi vòng quay làng cả chục lần thì cũng chẳng ai nhìn ra cái áo hoa đã ngả màu vì cũ ấy, vì gà vừa lên chuồng là cả làng đã vội vàng lên giường nằm ngủ cho đỡ tốn dầu, trời đất tối om, đâu có ai ngắm nghía cái áo của u tôi khen đâu mà u tôi đi lắm thế. Tôi thích u tôi ở nhà hơn, vì ở nhà một mình buổi tối, tôi sợ ma lắm, thế nhưng u tôi vẫn cứ đi. Tôi khác u mà lại giống đặc thầy tôi, gầy nhom, còi cọc, nước da đen nhẻm đen nhèm lại chấy rận đầy đầu nên có lẽ vì thế mà u tôi ghét tôi, u tôi ghét cả bà nội hay các cô các chú dưới ấy. U tôi cấm tôi không được lấy cái gì của bà nội tôi cho bao giờ. Mấy lần bà nội tôi đi chợ về, hay đứng ngoài bờ rào vẫy vẫy tôi ra rồi thò tay qua bờ rào đưa cho tôi cái kẹo kéo hay cái bánh đa nướng. Lúc ấy có kẹo ăn là tôi sướng tít mắt lên quên hết lời u tôi dặn, u tôi có tét tôi oằn mông thì tôi vẫn bỏ cả cái kẹo vào mồm nhai nhồm nhoàm mà chẳng chịu nhè ra. Càng lớn nom tôi càng giống thày tôi như đúc nên u tôi càng ghét tôi. U tôi chẳng bao giờ nói chuyện với tôi hay bắt chấy bắt rận cho tôi bao giờ nhưng tôi nghĩ là đứa nào mà chẳng thế. U chúng nó bận đi làm rồi đẻ cho chúng nó một lũ em để trông thì còn khổ hơn tôi. U tôi không giằng tóc tôi như u đỏ Xây là tôi vui rồi. Từ nhỏ, u tôi chỉ đánh tôi một lần duy nhất, khi tôi lấy cái áo hoa của u tôi ra ướm thử, u đánh bằng cái đòn gánh sưng mông tôi nên tôi gào khóc vang trời, càng khóc u tôi càng đánh, u tôi còn dọa dìm đầu tôi xuống mương nên từ đó khiếp vía, tôi chẳng dám động vào cái áo hoa của u tôi lần nào, u thậm chí cũng chẳng khiến tôi giặt nó.
Hôm thầy tôi về, u tôi chẳng nói gì. Đến bữa tối, u tôi cũng chỉ luộc 3 củ sắn đủ cho tôi và u tôi ăn như mọi bữa. Tôi không nhận ra thầy tôi vì từ bé chưa được gặp bao giờ nên tôi chỉ biết ngồi im thin thít, cắm mặt xuống ăn mà chẳng nói năng gì, còn u tôi cũng chỉ cúi đầu ăn mà không ngẩng lên nhìn thầy tôi một cái nào. “10 năm cơ mà”. Tôi đoán là u tôi xấu hổ, vì lúc theo lũ con gái ra sông tắm, gặp bọn con trai là tôi xấu hổ đi về ngay đấy còn gì, Ai bảo thầy tôi là đàn ông nên làm u tôi ngại là phải.
Ăn xong, u tôi lại vận cái áo hoa treo ngay ngắn trong buồng rồi đi như mọi bữa mà chẳng nói lời nào. Thày tôi cũng chẳng nói gì, đợi u tôi đi khỏi rồi mới lại gần xoa đầu tôi, giọng âu yếm:
- Con có biết thầy không?
Tôi không quay lại nhìn thầy tôi, cảm giác ngại ngùng đến khó tả vì chưa có người lạ nào xoa đầu tôi như thế bao giờ, tôi vẫn ngậm trong mồm miếng sắn chưa nuốt hết. U đỏ Xây bảo đó là thày tôi thì tôi biết là như thế chứ vẫn chưa tin lắm. Thày tôi đi lính mà sao gầy nhom, chẳng oai như mấy chú bộ đội về làng gì cả, có khi còn chẳng oai bằng cái ông đánh kẻng cho hợp tác xã. Thày tôi kéo tôi vào lòng gần hơn làm cho tôi có cái cảm giác xa lạ xâm chiếm vì dù sao thầy tôi cũng là đàn ông nhưng tôi vẫn không đẩy thầy tôi ra. Tôi hơi ngại, vẫn nắm chặt trong tay miếng sắn, đưa vào miệng mài răng cắn từng miếng nhỏ một ăn dè, vì sợ nếu ăn hết thì lại phải nói chuyện với thày tôi mà tôi chẳng biết phải nói gì hết. Đến lúc chẳng còn gì để ăn thì tôi quay ra cắn tay áo, nhay nhay cho đến khi vị mặn của nước dãi thấm vào trong sợi vải chảy vào miệng. Thày tôi đi lính mười năm mà chẳng viết thư về lần nào, cũng chẳng gửi cái gì về bao giờ. U tôi không biết chữ đã đành nhưng tôi đã học hết lớp vỡ lòng rồi học lên cả lớp 2 rồi, chẳng lẽ thày tôi lại không biết. Hay là thày tôi đi lính nên quên mất là mình còn một đứa con gái ngần ấy tuổi rồi. Nghĩ thế nên tôi giận thầy tôi lắm. Tôi đi học, cô giáo Yêng vẫn khen tôi là có chữ đẹp nhất lớp cơ mà, thế mà tôi chẳng có ai để khoe, nói với u tôi thì u tôi lại gạt đi, chẳng nhìn tôi viết hay khen tôi bao giờ.
Tôi muốn hỏi thày tôi nhiều chuyện về cái máy bay hay thằng tây mắt xanh mũi lõ nhìn ra sao, thầy tôi giết được mấy thằng, có bắn rơi được cái máy bay nào không? Lúc ở trong rừng thì thầy tôi ăn gì? Lúc đi lính thày tôi có phải đội mũ rơm không, nếu cần thì tôi cho thầy tôi hai cái tôi bện mà vẫn chưa dùng tới cho thầy tôi tha hồ mà đi lính. Lúc ấy trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ là thày tôi chỉ về một lúc rồi đi ngay chứ ở lại thì làm gì có chỗ ngủ mà trong buồng có mỗi cái giường cho tôi và u tôi, chẳng cho đàn ông vào bao giờ. Tí nữa tôi sẽ trải cho thày tôi cái tải rứa nằm ngoài nhà ngang hay cho thầy tôi mượn cái gối nằm ở cái chõng ngoài hiên. Mà tôi chắc mẩm chắc thầy tôi đến rồi “về” ngay mà tôi quên béng mất rằng nhà này cũng là nhà của thầy tôi.
Tôi không chịu xa u tôi mà cũng không chịu nằm trong, nằm ngoài thì sợ rơi xuống đất nên tối nào cũng nằm giữa hai thầy u. Thày tôi về được 3 tháng thì bụng u tôi đã to vượt mặt, có khi còn to hơn cả cái rổ vớt bèo. Đến khi thầy tôi về được 5 tháng thì u tôi đẻ ra đỏ Ngừng. U tôi đặt tên nó là Ngừng cho vần với tên tôi là Gừng, cũng có nghĩa là ngừng, không đẻ nữa. Tôi đoán là thầy tôi cũng thích con trai vì tôi thấy nhà nào cũng cố đẻ con trai mà. Như nhà đỏ Xây, u nó đẻ được 8 người con gái, người gầy teo tóp, hai bên vú chảy sệ xuống tận bụng vì chưa kịp cai sữa cho đứa này đã đẻ đứa kia. Thế mà thầy nó còn bắt nó đẻ nữa, u nó tịt thì thầy nó đi với cái bà nào ở tận bên Thắng, rồi dẫn bà ấy về. Sau này bà ấy đẻ ra một thằng con trai. Thằng bé ấy có nước da bủng beo mà xấu lắm, mắt lại bị lác, vừa hư vừa dốt mà thầy nó toàn gọi là cục Vàng. Hễ có đứa nào làm cục Vàng của ông ấy khóc, mà có khi còn chưa kịp khóc là ông ấy đánh cho lằn mông. Khi nhìn cục Vàng của ông ấy khóc, là tôi biết đến sức mạnh của giọt nước mắt thật ghê ghớm. Chẳng như ở nhà, tôi mà khóc là u tôi lại bảo là tôi banh mồm ra gào, lúc ấy u tôi lấy cây dâu qquất cho tôi tím mông mà sợ chẳng dám khóc nữa. Nhà đỏ Xây có hai cái buồng, một buồng dành cho thầy với dì nó và thằng con quý tử, còn một buồng dành cho u và 8 chị em nó, muốn chen chúc nằm chỗ nào thì nằm, lăn lóc cả dưới đất. Nhà tôi chỉ có mỗi một cái buồng, mẹ tôi mà không đẻ con trai thì thầy tôi dẫn bà nào về thì biết ngủ ở đâu. Nghĩ thế mà tôi thương thầy tôi đến lạ, nhà nhỏ quá nên không còn có chỗ cho ai nữa. Nếu như nhà đỏ Xây thì sau này tôi còn có 7 đứa em gái và một thằng em trai cùng một bà dì nữa, chứa đâu cho hết, có khi lúc ấy mấy đứa tôi lại phải ngủ cả ở ngoài chuồng lợn cũng nên. Nhưng u tôi bảo không đẻ nữa, thầy tôi lấy được u tôi là phúc phận của thày tôi rồi, người đần như thầy tôi chỉ xứng đáng đến thế. Không đáng được có con trai.
Từ lúc lửa cháy lò gạch cho đến lúc lửa tắt mà vẫn chẳng thấy u tôi ra. U tôi ít khi can dự vào những việc mà thầy tôi làm. Lúc mới đóng gạch xong, còn chưa nung, nửa đêm mưa tầm tã, một mình thầy tôi đội cái nón ra che gạch chứ u tôi vẫn nằm duỗi chân ngủ trong nhà mà. Luật ở nhà tôi là thế, việc ai nấy làm, không được hỏi mà cũng không được can thiệp vào. Có lẽ là thầy u tôi thỏa thuận lúc nào mà tôi không biết, vì tôi chẳng nghe thầy hay u tôi nói bao giờ nhưng tôi vẫn cứ ngầm hiểu ý. Khi thầy tôi ra ngoài ruộng đóng gạch, u tôi ở nhà nướng mấy con cá giấu tận dưới đáy thúng thóc ra ăn, vẫn cứ dặn tôi không được nói cho thầy tôi biết thì chắc là mọi việc khác cũng chẳng liên quan gì đến nhau.
Đỏ Xây chạy ra, kéo sát tai tôi lại ra điệu thầm thì nhưng lại nói to như hét toáng cả lên cho cả làng nghe làm tôi choáng hết cả tai:
- Đỏ Gừng ơi! Mày về xem u mày bỏ đi kìa
Tôi bế đỏ Ngừng chạy dọc theo bờ mương về đến ngõ thì thấy u tôi xách cái túi cót từ trong sân đi ra. Tôi thả đỏ Ngừng xuống đất, níu lấy tay u tôi:
- U ơi! U đi đâu?
U tôi chẳng nói gì, gỡ tay tôi ra toan bước thẳng ra ngõ thì đỏ Ngừng bò dưới đất, ôm ngay lấy chân u tôi, chắc nó cũng đoán ra được là u tôi đang định đi đâu xa lắm. Tôi mếu máo nước mắt ngắn dài:
- U ơi. Đừng bỏ con. Không có u, con sống với ai? U cho con theo với.
U tôi giằng chân ra làm đỏ Ngừng ngã ngửa, khóc ré lên. U tôi mặt đỏ bừng bừng, trừng mắt lên nhìn nó rồi lại nhìn tôi:
- Đỏ Gừng cãm lấy em mày. Tao đi đường tao, ở với thầy mày thì cám cũng chẳng có mà ăn.
U tôi bước vội rồi chạy nhanh đi, bỏ mặc hai chị em tôi khóc lóc chạy theo sau còn thầy tôi vẫn ở ngoài lò với những viên gạch cong queo, nửa đỏ nửa đen. Hình như cả làng chạy từ cái lò gạch cháy đến xem cảnh u con tôi chia tay nhau, đứng chật cả ngõ, làm đổ cả hàng rào, con mắt tao háo nhìn với vẻ đầy tò mò, lũ trẻ con còn trẻo cả lên cây xoan ngoài đê giương mắt ếch lên xem như thể xem kịch, hết rồi mà vẫn tiếc nuối chưa về. Tôi chẳng để ý đến người làng mà chỉ mải chạy theo u tôi đến lúc vấp ngã sưng đầu gối mới thôi. Tôi bị hòn đá nhọn đâm vào chân chảy ra dòng máu đỏ nhưng lúc đó tôi cũng chẳng quan tâm nữa mà chỉ mải gào khóc như xé cả mảng trời. Tôi nhận ra ánh mắt đỏ Xây nhìn tôi với vẻ tội nghiệp, cái môi bụm vào, đôi mắt hơi hếch lên, tôi còn thấy cái áo nâu sờn rách của nó với mấy miếng vá chằng chịt màu đen nhạt nhòa đi trước mắt.
Đến tối, đỏ Ngừng khóc lóc mà vẫn chẳng thấy u tôi về, tôi lại chạy theo ngoài ngõ đứng nhìn theo hướng u tôi đi mà chẳng thấy u tôi đâu, mấy cây cau cao vút trên nền trời xám đục đã không còn rõ màu xanh mà chỉ thấy một màu đen sì, cả búi tre cũng chỉ có màu đen, cong cong trên nền trời xám. Cả bông hoa dâm bụt ngang tầm mắt tôi cũng có một màu đen nhá nhem không rõ hình hài nữa, đom đóm lập lòe bay đầy trên khắp cả ngả. Bình thường tôi rất thích bắt đom đóm mà hôm nay tôi không cảm thấy mình có hứng thú, có con đậu cả trên vai áo tôi mà tôi chẳng buồn gạt ra. Như bình thường thì tôi cũng đã tóm ngay lấy mà cười ha hả khoái trá tha hồ chửi con đom đóm xấu số ngu. Tôi cứ nhìn theo phía u tôi đi đến khi mỏi mắt, trời tối sầm lại chẳng còn nhìn thấy rõ cây cau hay bụi tre nữa tôi mới sực nhớ ra là thầy tôi cũng vẫn chưa về. Tôi cãm đỏ Ngừng chạy vòng qua bờ mương ra chỗ thầy tôi hồi chiều mà chẳng thấy ai. Tôi gọi to lên mà không có tiếng trả lời nên tôi sợ hãi gào khóc vì sợ thầy tôi cũng bỏ chúng tôi đi mất. Chắc thầy u tôi hẹn nhau ở đầu làng để đi Hà Nội mà bỏ chúng tôi lại rồi. Tôi nghĩ thế nên cứ gào khóc suốt đường về nhà, trượt chân ngã dúi dụi mà chẳng buồn để ý. Lúc tôi về đến nhà, cả xóm đã vắng ngắt, tắt đèn đi ngủ hết chỉ có mỗi nhà tôi là có đốm lửa lập lòe sáng trong bếp. Tôi như reo lên, lao ù vào sân, nghĩ là thầy u tôi đã đi về. Chắc là u tôi mang cái túi cót đi để hái rau hay bán gì đó giờ đã về rồi, tôi lại nghĩ thế nào u tôi cũng quở tôi không chịu gọt khoai mà bỏ vào nồi cơm nên rón rén lại gần bếp nhìn qua khe cửa mà chẳng thấy u tôi đâu, chỉ thấy mình tôi ngồi trước đống lửa, khuôn mặt đỏ phừng phừng, đôi mắt sáng rực lên hình hai đốm lửa sáng. Tôi vội chạy lên nhà mà vẫn chẳng thấy u tôi nhưng tôi đã không khóc nữa, dù sao thì thầy tôi vẫn không bỏ đi là tôi mừng rồi.
Đêm đó, đỏ Ngừng quấy khóc làm tôi không sao ngủ được, đến gần sáng mới thiếp đi. Lúc mặt trời cao bằng con sào thì tôi mới mở mắt dậy, u tôi vẫn chưa về. Tôi chạy ra ngoài ngõ, nhìn về hai phía mà vẫn chẳng thấy u tôi đâu. U tôi đi đâu lâu về thế? Đứng tần ngần một lúc rồi tôi lại hớt hải chạy vào trong nhà, dọn dẹp nhà cửa rồi địu đỏ Ngừng ra bờ ao vớt bèo rồi nấu cám cho lợn. Tôi cắt nửa quả bầu luộc rồi còn giã cả muối lạc, luộc nồi khoai rồi bỏ mấy nắm gạo độn vào rồi tắm sạch sẽ cho đỏ Ngừng rồi chờ thầy u tôi về ăn. Đến trưa mà vẫn chẳng thấy thầy tôi đâu nhưng tôi biết thầy tôi không bỏ đi đâu được vì thầy tôi vẫn để cái điếu bên cạnh cái chõng ngoài hiên, ba lô con cóc vẫn để trong buồng, mấy bộ quần áo bộ đội vẫn để trong hòm thì thầy tôi không thể bỏ đi đâu được. Chốc chốc tôi như quên mất mà lại chạy vào kiếm tra mấy thứ đó để chắc chắn là thầy tôi không bỏ nốt chúng tôi mà đi. Quá bữa trưa mà thầy tôi cũng không về ăn cơm, tôi cố nhặt lấy mấy hạt cơm để nhá cho đỏ Ngừng mà không được nên tôi bỏ hạt muối vào miệng, nhá với khoai lang đút cho nó ăn mà nó cũng nuốt được mấy miếng. Tôi bỏ luôn cả bữa trưa, buổi chiều đi loanh quanh trong vườn nhặt cỏ rau. Lúc chiều ra bờ sông cắt cỏ cho bò tôi cũng chẳng dám đóng cửa, sợ u tôi về vào nhà không được thì lại bỏ đi mất. Tôi đoán là thầy tôi đi đoán u tôi, tối nay thế nào cũng về. Nhưng đêm đó chỉ có thầy tôi, u tôi không về. Đêm sau, và đêm sau đó nữa….
Tôi cứ nghĩ mình ngoan ngoãn chăm chỉ thì u tôi sẽ về nên tôi cố gắng làm việc nhà thật chăm chỉ, làm cả việc cho u tôi, cũng chẳng mắng đỏ Ngừng lúc nó khóc hay tè dầm ướt đầy lưng áo tôi. Hôm nào tôi cũng ngóng u tôi nhưng dần dần thì chính tôi cũng không còn nhớ mặt u tôi nữa, chỉ nhớ cái áo hoa. Nếu u tôi về, tôi nghĩ thế nào u tôi cũng lại vận cái áo đó nên cố gắng nhớ, để nếu u tôi về, tôi đã nhìn thấy mà đến đón từ xa. Quần áo u tôi để lại tôi cũng vẫn gấp ngay ngắn trong hòm nhưng đến lúc tôi có kì kinh nguyệt lần đầu tiên, tôi đã xé áo u tôi để lót. Rồi dần dần thì tôi cũng cắt hết quần áo của u tôi ra khâu lại cho vừa để mặc. Thầy tôi chẳng nói gì.
Đỏ Ngừng thiếu sữa, khóc lóc nhiều nên sau này cũng còi cọc và hay ốm. Có lần tôi tưởng nó chết nhưng nhờ có cô giáo Yêng đưa đi trạm xá nên không nguy hiểm, cô bảo trưởng trạm xá là bạn cô nên không lấy tiền thuốc, tôi yên tâm để cô bế đỏ Ngừng đi. Sau này tôi mới biết là cô không quen ai ở trạm xá cả, chỉ vì hay đưa đỏ Ngừng đi nên cô biết tên mấy cô y tá vậy thôi.
Từ lúc u tôi đi, tôi nhận ra rằng mình đã có hai thứ khác. Một thứ tôi có được là bản năng làm mẹ, tôi làm mẹ của em gái tôi. Tôi thích âu yếm và vuốt ve cho nó. Tôi thích tắm cho nó bằng nước mưa hứng trong chum chứ không mang nó ra ngoài sông vì sợ nó có chấy rận. Tôi thích nấu lá sả, bồ kết, lá bưởi, cỏ mần trầu để gội đầu cho tóc nó óng mượt. Tôi để tóc dài cho nó và thường thích chải chuốt, tết cho nó hai bím tóc nhỏ, buộc bằng hai sợ chỉ đỏ thành chiếc nơ bé xíu, đung đưa trước ngực. Tôi biết đánh chừa cái nền nhà khi đỏ Ngừng vấp ngã để dỗ cho nó nín ngay. Tôi biết dạy nó đếm, dạy nó màu sắc, dạy nó biết vâng dạ nghe lời, dạy nó không được nói dối. Tôi biết chịu đựng tiếng khóc của nó vào mỗi đêm nó không ngủ, tôi biết nấu nước lá nhọ nồi để hạ sốt cho nó. Tôi biết khen chê động viên nó và quan trọng hơn cả là tôi biết nhường nhịn, tha thứ, che chở, bảo bọc cho nó. Còn thứ u tôi làm mất của tôi là nước mắt. Tôi không còn muốn khóc nữa, không phải là vì tôi không còn biết khóc mà là tôi đã không còn tin vào những giọt nước mắt. Từ dạo u tôi bỏ mặc hai chị em tôi gào khóc mà vẫn dứt khoát ra đi, từ dạo tôi không còn tự nhủ ‘ngày mai u sẽ về” là lúc tôi không còn khóc nữa.
Lúc u tôi đi, tôi chỉ cao bằng cái chạn bát, bây giờ tôi đã cao bằng cái cửa bếp, ra vào không cúi đầu khéo là đụng trán, bêu đầu lên ngay. Lúc u tôi đi, cây bưởi trước sân u tôi vừa mới trồng, bây giờ nó đã ra hoa, cao vút, lá mọc dầy và cho ra hai mùa quả rồi. Tôi hay hái lá bưởi gội đầu vì tôi nghiện mùi thơm ấy. Tôi thích các loại mùi thơm từ lá như lá bưởi, lá sả, lá chanh, cỏ mật hơn là mùi hương hoa. Hương hoa thơm đẹp chóng tàn, chỉ có lá là có bốn mùa và thơm mãi. Đến lúc bưởi ra chuẩn bị ra quả mùa thứ ba, tôi đã quên hẳn u tôi, thầy tôi cũng chuẩn bị cưới cô giáo Yêng về làm vợ thì u tôi lại về. U tôi về cùng với một người đàn ông, da trắng, cao to và có hàm râu quai nón nhìn dữ tợn. Hắn đi đôi giày da và đội cái mũ cối nhìn sạch sẽ. U tôi hơi gầy đi nhưng nước da vẫn trắng, nhìn không khác trước nhiều quá, chỉ có thêm mấy cái nếp nhăn ở gần môi và đuôi mắt. Tóc u tôi vẫn búi lọn sau gáy nhưng dường như đã sơ sác và mỏng đi rất nhiều, chắc u tôi không còn gội đầu lá bưởi nữa.
U tôi về làng nhưng không vào nhà tôi mà ở nhà bà cậu. Cô giáo Yêng thường vẫn hay qua lại nhà tôi giờ ngại đến, có đến đón đỏ Ngừng đi học hay đưa đỏ Ngừng về thì đảo qua nhưng cũng không nấn ná ở lại lâu. Cô sợ u tôi về, thầy tôi lại nể cô mà không cho u tôi về nhà. Tôi nghe cô nói dù sao thì cô cũng chẳng đẻ ra chúng tôi. Lúc ấy tôi vốn dĩ đã hận u tôi từ tận đáy lòng, giờ lại càng căm ghét u tôi thêm nữa. U tôi đi rồi mà cái bóng của u tôi vẫn ở lại để làm khổ chúng tôi, để làm cho đỏ Ngừng mất đi cơ hội được ngủ trong vòng tay một người mẹ.
Tôi quý cô giáo Yêng không phải vì cô hay cho đỏ Ngừng kẹo, hồi nhỏ dạy tôi biết chữ, cô cũng chẳng có mùi hương trên tóc hay chiếc áo hoa để đi khoe cả làng. Nhưng tôi vẫn cần cô. Thầy tôi cũng cần cô. Những hôm không thấy cô đến là cả tôi lẫn thầy tôi đều nhấp nhổm không yên, trông ra ngoài ngõ. Mỗi lần có tiếng chó sủa là thày tôi lại ngó ra trông mặc dù thầy tôi cũng biết là chó nhà tôi dù dữ đến đâu, cũng không sủa cô bao giờ. Tôi chỉ biết thế thôi và tôi biết là nếu như u tôi có về đây, chó của cả làng sẽ sủa, và chỉ cần u bén mảng đến mà đặt chân bước vào căn nhà này, thì cả đàn chó sẽ lao ra tung cả xích để cắn cho bắp chân u tôi sưng chảy máu.
U tôi về được mấy ngày rồi u tôi lại đi, chẳng bước chân đến nhà tôi lần nào. Tôi cũng chỉ mong có vậy. Lúc u tôi đi cái nhà này vẫn là ngôi nhà bé lụp xụp lợp rơm, bây giờ đã là nhà ngói năm gian, sân gạch, lại có cả hai buồng, một cho tôi và đỏ Ngừng, một cho riêng thầy tôi. Cái giếng nông ngày xưa, giờ thầy tôi đã thuê người đào sâu tít xuống dưới, mỗi lần thả cái gầu xuống thì một lúc mới nghe thấy tiếng tõm một cái, mãi mới kéo lên được. Cái giếng ấy chẳng cạn nước bao giờ, đủ tưới cho cả vườn sau trước sân và sau nhà. Lúc u tôi đi, u tôi bảo thầy tôi cám không có mà ăn thì bây giờ nhà tôi ăn cơm ăn gạo chứ không phải ăn khoai sắn độn như ngày xưa nữa, tất cả là do một tay thầy tôi làm nên mà chẳng cần một đồng bố thí của kẻ nào. Thầy tôi bảo lúc ở chiến trường, một mình thầy tôi đã bắn rơi đến mấy cái máy bay địch, biết bao nhiêu mưa rừng, muỗi vắt và những cơn sốt rét cũng chẳng làm thầy tôi gục ngã, thì thầy tôi không bao giờ có thể để cho chúng tôi chết đói khi thầy còn có hai bàn tay được. Kể từ khi cái lò gạch bị cháy, u tôi đi, thầy tôi cũng chỉ bị thất bại lần ấy chứ sau này chẳng thất bại bao giờ, có chăng thì cũng chỉ là đôi ba lần lẻ tẻ không đáng kể do không may mắn. Bây giờ thì thầy tôi cũng làm được cái nhà to đẹp nhất làng, cũng là người đầu tiên để cả làng nghĩ đến những lúc khốn khó không có tiền mua giống lúa, cám lợn hay ốm đau phải đi trạm xá. Thầy và chúng tôi vẫn cứ sống tốt mà chẳng cần có u tôi, thậm chí cuộc sống còn tốt hơn rất nhiều lần.
Chần chừ mãi, rồi mấy năm sau, cô giáo Yêng mới lại đi lại với thầy tôi, dù là lúc trước hai người đã chọn ngày báo cáo tổ tiên rồi. Cô Yêng vẫn cứ sợ u tôi về, sợ mang tiếng là vợ lẽ, phải sống chung nhà với cả u tôi thì lúc đó sẽ khó xử nên mãi chẳng dám đến. Đến lần này, đã đi xem ngày chuẩn bị rồi, đến hôm cô may được áo mới về vận thử cho tôi và đỏ Ngừng xem thì u tôi lại về. Lúc đó tôi thấy ức lắm nên bảo thầy tôi làm cơm linh đình mời cả làng để đón cô Yêng về như đón vợ cả cho u tôi tiếc nhưng cô Yêng lại ngại. Phải động viên mãi cô mới chịu để chúng tôi làm dư ra hai mâm cơm để mời những người láng giềng thân thiết mà mang trầu đi mời cả xóm. Chẳng biết u tôi có buồn không nhưng trong lòng tôi thấy hoan hỉ lắm, tôi mang nốt cái khăn mỏ quạ còn sót lại của u tôi ra buộc vào con bù nhìn giữa cánh đồng.
Làng quê ngồi lê đôi mách đủ thứ chuyện nên chẳng hỏi thăm mà cũng biết là u tôi đem về một đứa con gái hơn một tuổi và một thằng con trai mới sinh. Nhưng người đàn ông lần trước không về cùng u tôi nữa mà là một người đàn ông mà cả làng bảo tôi là “dượng mày”. Mấy lần lướt qua nhà bà cậu, tôi nhìn thấy hắn chỉ chừng ngoài 30, hơn tôi độ chục tuổi là cùng. Tôi chẳng thèm chào, lờ cả u tôi như người không quen. Sau lưng tôi gọi hắn là thằng, còn u tôi là bà ấy. Còn sau lưng tôi, u tôi bảo tôi là hổ dữ chứ chẳng phải con, tôi cười ngoác miệng, bảo hổ dữ làm chúa tể còn hơn là chó sói. Tôi gần như chẳng đụng chạm đến u tôi bao giờ, dù chỉ là một câu nói vu vơ, một ánh mắt hay dù chỉ là một thoáng nghĩ đến. Với tôi u tôi là một người không tồn tại kể từ khi cái lò gạch của thầy tôi bị cháy, u tôi đi.
Tôi được cô giáo Yêng giới thiệu (lúc này đã là dì tôi và tôi gọi là dì) nên được ra trông trẻ ở lớp mẫu giáo của làng. Cả con gái của u tôi cũng học ở đó nhưng tôi làm ngơ bởi lẽ nó cũng là một đứa trẻ chưa hiểu chuyện, chỉ mong sao một ngày nào đó, u nó không bỏ nó mà đi. Đối với tôi giờ u nó chỉ có hai đứa con đó, chứ không phải là u tôi hay là u của đỏ Ngừng nữa. Con bé có cái tên đẹp, Mỹ Hoa, là tên của người thành phố. Tôi nghĩ cái tên ấy không hợp để sống ở vùng thôn quê này, ở đây người ta chỉ có thể gọi nó là Hoa, con bé Hoa, đỏ Hoa chứ chẳng gọi nó bằng cái tên Mỹ Hoa bao giờ. Con bé có đôi mắt to tròn đen láy, nhìn tôi ngập ngừng, không biết nó có biết được là một nửa dòng máu đang chảy trong cơ thể nó cũng giống một nửa dòng máu đang chảy trong người tôi không. Nhưng tôi nghĩ là nó biết thì sẽ chẳng tin điều đó đâu vì nó giống u tôi, da trắng, môi hồng, đôi mắt đen láy và mái tóc xanh tốt. Sau này nó sẽ là một cô gái đẹp, đẹp như u tôi hoặc có thể là đẹp hơn nữa nếu như khi lớn lên đôi mắt nó không còn ướt át và quá buồn như thế.
Cả làng bảo tôi ế chồng nhưng không ai dám chê trước mặt. Người ta vẫn nghĩ nhà tôi giàu thế, bắt đâu chẳng được thằng rể nên tôi còn chê bai kén cá chọn canh. Tôi làm ngơ nhưng không có nghĩa là điều đó đúng mặc dù tôi không hề có ý định lấy chồng. Ở làng những đứa bằng tuổi tôi đều đã có hai mặt con, đỏ Xây ngày trước ở cạnh nhà tôi cũng đã đẻ đến 3 đứa con gái suốt ngày than vãn sợ sau này giống như u nó. Tôi không lấy chồng không phải là vì tôi sợ giống như u tôi nhưng cũng là vì u tôi. Dạo trước khi cây bưởi còn chưa ra quả lần đầu, lúc đó mới cao bằng cái mái bếp và ít cành lá hơn. Lúc đó tôi độ 17 hay 18 tuổi gì đó, tôi cũng đã ưng một anh ở làng bên khi anh đó đến tìm hiểu. Anh đó cũng thật thà tốt bụng và chăm chỉ như thầy tôi nên tôi cũng đã nhận lời. Đến lúc chuẩn bị ăn trầu rồi thì tự dưng nhà anh lại tìm cho anh một đám khác. Tôi làm ngơ không hỏi nhưng nghe mọi người xì xào rằng gia đình anh đó không đồng ý là vì u tôi. Họ sợ tôi là con gái giống mẹ nhiễm cái máu của u tôi thì sau này tôi cũng sẽ lại giống như u tôi vậy. Tôi chẳng trách gia đình bên ấy. Tôi chỉ càng thêm hận u tôi nhiều hơn. U tôi lại làm cho tôi đau thêm một lần nữa. Cảm giác trái tim mình như một viên gạch bị phơi quá lâu dưới nắng gắt gỏng làm cho nó nứt toác ra, đau đớn và chảy máu. Tôi như con thú bị thương đến kiệt sức, nằm im co ro trên một góc giường, không có sức để kêu gào hay rên rỉ. Tôi cảm giác như bị ai đó đạp văng ra khỏi chiếc ghế chắc chắn mà mình đang ngồi một cách bất ngờ nhất mà chưa kịp cảm nhận đã ngã lăn ra và chảy máu rồi.
Tôi nằm im bất động cho đến gần sáng, quay ra ngắm khuôn mặt đỏ Ngừng đang say giấc, vuốt mấy sợi tóc mai trước trán rồi ôm nó vào lòng. Tôi sẽ sống chung với em tôi khi nào nó lớn, 18 tuổi, tôi sẽ gả chồng cho nó. Lúc đó thì tôi đã độ tuổi băm rồi, sống cùng thầy và dì tôi đến khi thầy tôi trăm tuổi thì tôi sẽ tiếp tục chăm con cho đỏ Ngừng là đủ. Kể từ khi cái lò gạch bị cháy, đỏ Ngừng đã trở thành con gái của tôi rồi. Trong tất cả những gì u tôi bỏ lại ở phía sau thì vẫn còn có đỏ Ngừng là quý giá nhất. Đỏ Ngừng chẳng phải là con trai mà thầy tôi vẫn cứ quý nó, dù càng lớn lên nhìn nó lại càng giống với ông chủ hợp tác xã như từ một khuôn đúc ra. Nó chẳng giống tôi hay thầy tôi ở điểm nào nhưng tôi chẳng quan tâm. Có gì chứng minh được nó không phải em tôi đâu, máu nào mà chẳng đỏ, tóc nào mà chẳng đen. Nếu như lúc đó có ai nói với tôi về ADN hay là các nhóm máu thì tôi sẽ tưởng giống ngô mới mang ở Liên Xô về hoặc giống lúa mới cấy thí điểm vào vụ chiêm hay vụ đông xuân. Dù đến một nửa cái làng chắc chắn không thừa nhận còn một nửa khác thì hoài nghi, thì đỏ Ngừng vẫn cứ là em tôi, là con của thầy tôi. Chỉ cần tôi và thầy tôi thừa nhận là đủ. Đỏ Hoa cũng là em tôi nhưng là em theo một cách khác, chỉ đơn giản là em chứ không giống với đỏ Ngừng.
Tôi làm ở nhà trẻ 3 ngày thì u tôi biết. U tôi tìm lên tận trường chỉ là mấy cái nhà lợp rơm lụp xụp rồi ra cả hợp tác xã để đòi đuổi tôi. Không được nên u tôi chửi um cả lên, bảo cả làng là lũ ngu, một lũ mù mắt, ăn bùa mê thuốc lú hay thóc gạo nhà tôi mà cứ bênh tôi chằm chặp. Đủ mọi thứ trên đời, u tôi đều lôi ra để chửi. U tôi chửi tôi không được rồi chửi sang cả thầy tôi, bà nội tôi rồi chửi lây sang bất cứ ai xen vào khuyên can. Nghe đâu u tôi sợ tôi trông trẻ ở đó thì thừa cơ bỏ thuốc độc vào cơm, giết chết con gái của u tôi. Tôi ức đến tận ngực, cảm thấy từng dòng máu dưới da như sôi lên làm cho tôi xiết tay thành nắm đấm từ lúc nào không biết.
Ở nhà thầy tôi chưa bao giờ mắng chửi tôi lấy một câu cũng chẳng nhắc gì đến u tôi cả. Ra đường thầy tôi là một đảng viên gương mẫu, luôn dạy cho tôi về lẽ phải và cách cư xử nhưng tôi vẫn là đứa con gái giời đánh thánh vật. Tôi biết dùng nắm đấm và sẵn sàng lao vào bất cứ kẻ nào bắt nạt đỏ Ngừng hay cười nhạo thầy u tôi. Tôi biết chửi người nào cân điêu hay trộm cắp, gian lận hoặc ức hiếp kẻ yếu. Không ai dám nói là ghét tôi nhưng ai cũng sợ tôi một phép, kể cả là những bà già răng đen hay những ông tóc bạc, thanh niên, trẻ con, chẳng ai dại mà dây vào gây sự với tôi làm gì. Tôi coi đó là tốt vì tôi cũng chẳng có mấy thời gian mà buôn chuyện với họ, đỏ Ngừng và đàn lợn gà, thêm đồng ruộng với vườn tược đã chiếm hết thời gian của tôi rồi còn đâu. Cả làng bảo tôi đáo để, sau này lấy chồng về xỏ chân vào lỗ mũi chồng như u tôi làm với thầy tôi. Tôi cũng không hiểu tại sao ngày ấy u tôi lại lấy thầy tôi để rồi bỏ thầy tôi đi? Sau này tôi biết nghĩ, tôi lại hỏi một điều khác, tại sao thầy tôi lại lấy u tôi khi cả làng bảo mắt u tôi có đuôi, là mắt đĩ. Bà nội tôi bảo ngày ấy nhà u tôi khá giả nên chẳng coi ai ra gì. Người nào cũng chê nhưng vẫn lăng nhăng đa tình, hứa hẹn hết với người nọ rồi lại hứa hẹn với người kia nên bà nội tôi ghét lắm. Lúc thầy tôi dẫn u tôi về xin cưới, thì bà tôi nhất quyết không cho nhưng vì lúc ấy u tôi đang có mang nên bà nội tôi nhún nhường mà đành chấp nhận. Lúc đó nhà nghèo nên chẳng có tiền mua cho u tôi lấy một manh áo nên u tôi đã tỏ khó chịu ra mặt. Được mấy ngày đầu u tôi cũng ngọt nhạt với bà nội tôi nhưng chỉ được đến đúng ngày thứ 3, khi bà nội mắng u tôi làm vỡ hũ tương do vụng về thì u tôi bắt đầu giở mặt. Bà nội và u tôi ghét nhau, chẳng nhìn mặt nhau bao giờ. Thầy tôi bảo lúc đó, u tôi đẹp lắm. Năm 15,16 tuổi là đã có trai làng trên làng dưới đến đứng đầy ngoài cổng, nát cả đám cỏ đến nỗi không mọc lên nổi. Chó thì sủa ầm ĩ suốt buổi nên nhà u tôi hay bị hàng xóm chửi lắm. Nhưng chỉ đến năm 18 tuổi là đã không có ai đến dạm hỏi u tôi nữa. Thầy bảo u tôi mất giá vì trai gái lăng nhăng. Lúc đó tự u tôi đến làm quen bắt chuyện với thầy tôi, khi thì mời thầy tôi bát nước chè xanh lúc thầy tôi cày giữa đồng, khi thì bảo thầy tôi cởi áo ra khâu lại cho. Lúc ngồi đối diện cười nói với thầy tôi, u tôi thường hay để hở cả cúc áo ngực mà lại vờ như không hay biết gì. Rồi u tôi bảo u tôi có mang nên bắt cưới. Thầy tôi nhận lời vì thầy tôi thương u tôi thật và là vì thầy tin u tôi. Sau này u tôi sảy thai rồi có mang tôi, vừa sinh ra tôi thì thầy tôi nhập ngủ rồi đi biền biệt 10 năm mới về. Những năm thầy tôi đi vắng, thầy tôi biết u tôi ở nhà sống như thế nào nhưng thầy tôi không giận vì chiến tranh sống nay chết mai chẳng ai biết trước thế nào nên thầy tôi sẽ thông cảm và bỏ qua hết. U tôi chê thầy tôi đần, thầy tôi cũng chịu dù là trong quân ngũ, thầy tôi đã làm tới chức đại đội trưởng, có nhiều người phải cúi đầu chào khi gặp mặt. Nhưng đến lúc thầy tôi đã về thì mọi thứ đều phải đưa về quy củ trật tự, những gì sai trái sau này cái gì bỏ qua được thì bỏ qua, còn những gì là tội lỗi thì không bao giờ có thể tha thứ. Kể từ khi cái lò gạch bị cháy, u tôi đi là u tôi không còn đáng được tha thứ nữa.
Thầy tôi bảo không phải do thầy tôi đần mà là thầy tôi không muốn nói, đập phá hay chửi rủa thì cũng chỉ làm khổ chúng tôi. Lúc u tôi còn ở nhà, thầy tôi lặng im là vì thầy thương u tôi, dù u tôi có như thế nào thì trong 10 năm thầy tôi đi vắng, u tôi cũng đã khổ sở đủ rồi. Những điều này liệu u tôi có biết hay không? Hay là u tôi vẫn chê thầy tôi đần mà quên mất rằng thầy tôi đã làm nên cái “trò trống gì” để cả làng giương mắt lên mà nhìn. Nếu ngày ấy u tôi ở lại thì có phải u tôi được ở trong cái nhà rộng mà cả đời u tôi mơ không được không? U tôi dại thật.
Tôi ở trường mẫu giáo làng được một tháng thì u tôi đến 3 lần còn dượng tôi đến 2 lần gây sự. Tôi chẳng nói gì với u tôi, mặc u tôi chửi bới nhưng tôi cãi nhau tay đôi với dượng tôi, không phải là “ông” với “tôi” mà là “mày” với “tao”. Tôi không động câu nào đên u tôi cả, trong tâm trí tôi, tôi cũng chưa từng nghĩ là tôi sẽ nói về u tôi bằng những câu nặng lời. Không phải là tôi sợ u tôi hay là sợ thầy tôi, càng không phải là tôi sợ trời phạt, tôi chỉ sợ đỏ Ngừng biết nhiều chuyện về u tôi mà oán giận thì tội nghiệp cho nó. Chỉ cãi nhau được 3 câu là tôi thắng, hắn thua, sửng cồ lên định đánh tôi thì bị tôi lấy đòn gánh quật cho túi bụi đến lúc bị mọi người gỡ ra mới thôi. Lũ trẻ thấy cô giáo thắng thì vỗ tay hoan hô, chỉ có mỗi đỏ Hoa là đứng ngây ra mếu máo. Chị nó đánh bố nó vì nó thì nó biết bênh anh? Nhưng nó là trẻ con, chắc chẳng nghĩ nhiều đến thế.
Tôi được cử đi học ở Hà nội mấy năm để về dậy lớp vỡ lòng nên tôi cũng hoan hỉ lắm. Đỡ rác tai với u tôi. Nhưng lúc tôi thưa với thầy tôi, thầy tôi ậm ừ mà nhìn đôi mắt buồn buồn. Dì tôi động viên tôi đi nhưng lúc sắp xếp quần áo, rồi lại nghĩ đến lúc u tôi đi, sợ cái cảm giác bị bỏ rơi lại đến với thầy tôi và đỏ Ngừng một lần nữa nên tôi chẳng nói chẳng rằng, ra xã xin ở lại, viện cớ là đỏ Ngừng không chịu xa chị mặc dù lúc đó đỏ Ngừng cũng đã hơn 10 tuổi rồi. Tôi cũng bỏ luôn đi trông trẻ để đi buôn ra ngoài Hà Nội, đi đi về về. Việc cũng có những lúc không thuận lợi nhưng nhờ có tài ăn nói nên tôi cũng xoay sở được hết, dần dần cũng tích cóp được số vốn kha khá. Vì đỏ Ngừng đã lớn, lại có dì Yêng ở nhà, lúc này dì tôi đã đẻ cho thầy tôi được 3 đứa con trong 5 năm, 2 trai, 1 gái nên tôi không còn phải để ý đến việc gì trong nhà nữa. Chỉ lo kiếm tiền rồi lúc về nhà lại âu yếm, vuốt ve đỏ Ngừng một tí cho nó đỡ tủi thân. Được cái là đỏ Ngừng rất ngoan và nghe lời tôi. Từ dạo u tôi đi, nó cai sữa (vì chẳng còn sữa mà bú) là thôi quấy khóc và đòi mẹ kể cả lúc nó ốm. Nó cũng chẳng bao giờ đòi hỏi tôi cái gì bao giờ. Nó hiền lành, ít nói nhưng học rất giỏi. Nó bảo sau này nó sẽ học thật giỏi rồi thành cán bộ cho tôi vui. Thấy nó lớn cứng cáp và xinh xắn, tôi lại nghĩ chẳng mấy năm nữa là tôi phải gả chồng cho nó thì lại thấy buồn vô hạn. Tôi chẳng muốn xa nó chút nào nhưng chẳng thể giữ nó bên mình mãi được.
Tôi nghe phong thanh thấy người làng nói là dượng tôi bế thằng bé bỏ đi. Còn lại đỏ Hoa giờ đã được 5 tuổi và một đứa em gái khác. Nghe nói là u tôi lại chửa nhưng chẳng phải là của dượng tôi mà là của một ông ở làng bên. Vợ ông ấy sinh toàn con gái nên rao giá nếu u tôi đẻ được cho ông ấy một thằng cu, thì ông ấy sẽ đưa u tôi và cả hai đứa con về nhà. Nhưng không may, u tôi lại đẻ con gái nên ông ta cũng lãng ra ngay rồi kiếm được đứa con trai ở làng khác. U tôi đẹp, ông ta thích nhưng ông ta chê u tôi không biết đẻ, ở nhà ông ta cũng có 5 đứa con gái rồi nên chẳng cớ ý định đưa đứa con gái rơi vãi của u tôi về làm gì.
Lúc tôi đi ngang qua chỗ u tôi bán đậu phụ thì thấy đỏ Hoa đang nằm vật ra co giật, sùi cả bọt mép nên tôi chẳng nghĩ gì, vội vàng bế nó đến trạm xá để u tôi bế đứa nhỏ chạy theo. Tôi chẳng nói gì với u tôi, còn u tôi thì lặng im cho con bé con bú rồi chốc chốc lại nhìn vào bên trong. Đỏ Hoa bị sốt cao nên phải nằm truyền nước, tôi dí vào tay nó mấy đồng tiền thuốc rồi bỏ về ngay nhưng vẫn chẳng nói với u tôi lời nào.
Mấy ngày hôm sau, lúc sáng sớm, tôi đã nghe ở nhà ngoài có tiếng dì tôi nói chuyện với ai đó. Nghe tiếng nửa lạ nửa quen nhưng tôi không nhận ra tiếng ai nên đi ra xem. Bình thường dì tôi chẳng có khách bao giờ, trừ mấy cô giáo trong làng và thỉnh thoảng có người bên ngoại nhà dì tôi đến mời về ăn giỗ. Chẳng hiểu sao nghe tiếng thút thít ngoài ấy lại khiến tôi tò mò. Thì ra là u tôi đến. Tôi chẳng hiểu có chuyện gì, chỉ thấy u tôi lấy vạt áo lau nước mắt còn dì tôi móc túi ra đưa cho u tôi mấy tờ tiền. Tôi chạy ra ngay, nhìn chằm chằm vào dì tôi rồi lại nhìn u tôi. Tôi vẫn chưa kịp nói gì thì dì tôi đã vội phân bua với giọng nhỏ nhẹ:
- Em con bị ốm, phải mua thêm thuốc. Dì cho em con mất đồng phụ thêm. Là tiền của dì. Con không phải lo đâu, đi vào trong đi con. Ở đây để dì lo.
- Em nào? Đỏ Hoa vẫn chưa khỏi hả? – Lúc này tôi mới cất tiếng hỏi, là câu nói đầu tiên với u tôi kể từ khi u tôi đi, giọng trống không, khô khan, bình thản chẳng vương tí toan lo nào.
- Không. Là con bé con cơ. Nó bị đau bụng từ hôm qua mà chưa có tiền đưa đi trạm xá- dì tôi nói với giọng ái ngại.
Tôi chẳng nói chẳng rằng, vào phòng lấy thêm mấy tờ tiền ra. Tôi vốn dĩ là người chi li tính toán, tiết kiệm nhưng gặp chuyện đau ốm là tôi lại sẵn sàng móc sạch túi mình ra cho vay mà không cần trả. Hồi nhỏ thấy đỏ Ngừng đau ốm khổ sở lắm rồi. Nhưng không hiểu tại sao tôi lại thấy thản nhiên đến lạ lùng, chẳng một chút lo lắng hay buồn bã gì. Chỉ biết là phải đưa đứa bé đi viện, thế thôi. Lúc tôi đi ra thì u tôi đã ra đến gần ngoài ngõ. Tôi rảo bước nhanh theo, nhưng tuyệt đối không chạy. Tôi thả vào cái nón u tôi kẹp ở nách hết chỗ tiền trong tay rồi móc thêm trong túi áo đã cài kim cẩn thận nữa. Tôi làm việc đó vội vàng rồi quay lưng ngay vào trong. U tôi túm lấy tay áo tôi gọi khẽ “Gừng ơi”. Tôi quay lại nhìn, ánh mắt u tôi nhìn thảm thương, giọt nước mắt lăn dài trên gò má hốc hác. “Cảm ơn con”. Cái miệng u tôi mếu máo. Lúc này tôi lại phải đứng đây chia tay với u tôi thêm một lần nữa nhưng chẳng giống với ngày xưa. Nó khác đến nỗi tôi tưởng mình đang chia tay với một người khác. U tôi vận cái áo nâu bạc mầu, vá chằng chịt, tóc vẫn búi gọn sau gáy nhưng vẫn lơ thơ những sợi tóc rối vội vã nhìn có vẻ bơ phờ tiều tụy. U tôi chỉ nói thế rồi thất thểu ra về. Cách đây gần 20 năm, u tôi cũng từ đây mà đi. Nhưng lúc đó là u tôi ra đi, còn bây giờ là u tôi ra về, căn nhà này không có chỗ dành cho u tôi nữa. Sao u chẳng đanh mặt lại mà dứt tay tôi ra rồi bỏ đi như lúc chị em tôi gào khóc níu chân mà u tôi lại là người rơi nước mắt? Sao tôi đã quay đi mà u còn níu tay tôi ở lại để nhìn u tôi quay bước? Sao người bỏ đi luôn là u? Tại sao người ở lại lại luôn cứ phải là tôi? Sao u chẳng chạy nhanh đi u ơi mà cứ mãi ở trước mắt con để mắt con nhạt nhòa như thế? Sao trời chẳng tối đen đi mà mỗi lúc lại nắng lên, trời lại càng thêm xanh thế? Tại sao thế hả u ơi?
Độ 1 tuần sau, khi tôi đang lui cui tính toán tiền ở phía sau thì đỏ Ngừng hét lên ở nhà trước. Tôi vội lao ngay ra thì thấy đỏ Hoa mặt mũi mếu máo, nhem nhuốc đứng ngoài cổng. Tôi nhìn quanh nhưng chẳng thấy ai đâu, chỉ thấy bọc vải ném tận vào trong sân, tận chỗ gốc cây bưởi. Cây bưởi giờ đã xum xuê cành lá, quả sai trĩu nhưng vừa chua vừa đắng, chẳng ai thèm ăn. Chỉ để cho 2 thằng em trai tôi đá bóng. Thế là tôi có 7 đứa em tất cả, đỏ Ngừng, 3 đứa em do dì tôi sinh, 3 đứa em do u tôi sinh. Mà tôi thoáng nghĩ lúc u tôi đi, chắc u tôi cũng bằng tuổi tôi bây giờ. U tôi vứt bọc quần áo ở lại có nghĩa là muốn tôi nuôi đỏ Hoa đây mà. Sao u toàn làm khổ con thế u ơi?
‘Đi”. Tôi nắm tay đỏ Hoa nói rất khẽ, dắt ra ngoài ngõ để dẫn nó về thì nó khóc to lên, đứng lì một chỗ, hai tay nắm lấy tay tôi giọng cầu khẩn “cô ơi”. Cô ư? Chẳng lẽ u tôi không dậy nó gọi tôi bằng chị mà để nó vẫn tưởng tôi là cô giáo của nó mà gọi tôi là cô. Tôi nhìn ra xa, phía cây cau và bụi tre thấp thoáng ngày xưa đã giấu u tôi vào trong bóng tối. U ơi! Sao u toàn tự sắp đặt mọi việc thế hả u?
Tôi không có ý định lấy chồng sinh con thì tất nhiên tôi chẳng có ý định nuôi thêm ai nữa. Tôi đã nuôi mình, nuôi đỏ Ngừng là quá đủ rồi. Giờ tôi đã tuổi băm, chẳng lẽ lại bắt tôi nuôi em thêm một lần nữa. U ơi là u ơi! Sao u cứ thích bỏ mọi thứ về phía sau mà đi thế hả u?
Tôi vẫn chăm sóc đỏ Hoa từ tốn và chu đáo. Nhưng dường như cái bản năng làm mẹ trong tôi đã không còn nữa. Tôi không thức cả đêm nhìn nó mà suy nghĩ về những ngày về sau. Không còn thức cả đêm để khâu hay vá cho nó từng chiếc áo. Lúc nó sơ ý bị đứt tay, tôi cũng chỉ băng bó lại mà không thổi phù phù vào tay nó. Tôi cũng chẳng đánh chừa cái bàn cái ghế nào làm nó sưng đầu. Tôi vẫn nấu nước lá bưởi tắm gội cho nó và bện cho nó bím tóc hai bên bằng sợi chỉ đỏ nhưng tôi chỉ buộc xong là đẩy nó ra ngay chứ chẳng âu yếm vuốt ve gì cả. Nếu nghe thấy tiếng nó khóc ở ngoài vườn thì phản xạ đầu tiên của tôi là ngóc đầu lên hỏi to “em làm sao đấy?” chứ chẳng luống cuống lao ra ngay. Nếu nó có ốm thì tôi cũng chỉ biết mua thuốc, đưa đi trạm xá chứ chẳng ôm ấp vỗ về hay rơi giọt nước mắt nào. Tôi bình thản đến mức lạ lùng. Không phải là tôi không thương nó nhưng tôi không biết phải làm gì hơn ngoài việc cho nó ăn học được như những đứa trẻ khác.
Có lẽ là tôi có một nửa dòng máu của u tôi nên tôi giống u, lạnh lùng tàn nhẫn còn một nửa dòng máu tôi giống thầy tôi, mạnh mẽ quyết đoán lại thêm bao nhiêu năm buôn bán xuôi ngược nên tôi trở nên dửng dưng như vậy. Có lẽ tôi đã đánh mất bản năng làm mẹ đi đâu mất, Tôi chăm đỏ Ngừng như con đẻ, chăm đỏ Hoa lại như dì ghẻ chăm con chồng, dù tôi chẳng đánh chửi gì nó nhưng chắc ánh mắt tôi tôi nhìn nó cũng đáng sợ lắm. Đỏ Ngừng có phần khá giống tôi, mạnh mẽ và hơi khô khan, nó không hay gần gũi tôi như đỏ Hoa. Đỏ Hoa thì dù tôi có như thế nào, nó vẫn cười khì khì gần tôi bóp vai hay vuốt ve mái tóc. Nó chưa từng biết sợ tôi là gì.
Bây giờ thì cả đỏ Hoa và đỏ Ngừng đã có chốn yên thân riêng, nên mỗi dạo hai đứa không về là tôi lại ngóng chúng nó như nhau. Hai đứa nó không gần gũi và thân thiết vì đỏ Ngừng đối với đỏ Hoa hơi đanh đá, nó không thích cho đỏ Hoa lại gần tôi hay để tôi quan tâm nên đỏ Hoa cũng sợ, không dám lại gần nó vì đỏ Hoa cũng hiền lành và yếu đuối. Nhưng em tôi, đứa nào cũng ngoan ngoãn, biết vâng lời và thành thật. Dù không đứa nào biết nói ngọt nhưng tôi tin là chúng nó biết nghĩ và sẽ thành đạt. Bây giờ con lớn của đỏ Ngừng đã học đến lớp 5, gia đình nó ở Hà Nội cũng khá giả và yên ấm. Đỏ Hoa có phần kém hơn một chút nhưng cũng có một người chồng tốt, sống ở huyện và đã có hai đứa con trai sinh đôi. Em út nhà dì tôi cũng đã vào đến đại học. U tôi sống ở làng Hân, không quá xa nhưng không về thăm chúng tôi bao giờ, mấy lần về qua làng cũng chỉ lướt qua nhà tôi trông vào mà không dám gõ cửa. Tôi nghe nói đứa út nhà u tôi đi lao động xuất khẩu bên Đài Loan rồi lấy chồng luôn bên đó thỉnh thoảng cũng gửi tiền về, u tôi phải sống một mình.
Bây giờ cuộc sống của tôi không còn gì để phải toan lo nữa, tôi vẫn buôn bán và sống cuộc sống bình thường với thầy, dì và các em tôi. Tôi vẫn thích gội đầu lá bưởi mỗi ngày để mùi hương len vào trong tóc. Cây bưởi giờ đã cao lắm và cỗi dần, mỗi lần hái lá là tôi phải dùng cây gậy cao bẻ kẹp từng chum lá xuống. Nắng vẫn lấp ló sau lùm cây, hương hoa bưởi vẫn ngào ngạt, cuộc đời tôi chầm chậm trôi qua như cây bưởi kia vẫn vươn mình lên hàng ngày giờ đã đến hồi cằn cỗi. Từ dạo cái lò gạch cháy, u tôi đi, cây bưởi kia đã chứng kiến bao nhiêu những thăng trầm của cuộc sống, qua bao mùa bão vẫn hiên ngang đứng vững. thời gian trôi qua đã xóa nhòa đi kí ức của nhiều thứ, tôi đã không còn oán trách u tôi nữa, hình ảnh cái lò gạch bị cháy và thầy tôi đen bóng nhễ nhại mồ hôi múc từng gàu nước dưới ao bèo đầy một màu tím nhức nhối hay hình ảnh đỏ Ngừng giãy giụa làm tôi oằn mình ngã xuống đê giờ này cũng đã nhạt nhòa. Cuộc sống tôi giờ này đã bình yên, ngọn lửa trong lòng tôi đã dập tắt và thôi không còn nghi ngút khói. Gạch trong lòng tôi đã nung rắn chắc rồi. Tất cả là kể từ ngày cái lò gạch bị cháy, u tôi đi…..
Ngày 31-05-2011
Tác giả: Jenerosa Hàn Băng Vũ
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro