1. Bước đi
Tôi cầm máy ảnh đi vòng quanh hồ Tây. Chiếc balo nặng trịch như dính chặt vào lưng, xung quanh là rất nhiều người, rất nhiều âm thanh. Không khí đặc quánh. Tôi đã đi qua nhiều thành phố, nhưng chưa thấy nơi nào như Hà Nội. Rõ ràng có nhiều lúc khiến mình cảm thấy rất khó chịu, nhưng lại không nỡ rời đi.
Tôi đi bộ một mình. Vô định. Không rõ mình sẽ đi đâu. Ở Hà Nội có rất nhiều khách du lịch nước ngoài nhưng tôi chưa từng gặp một người Nhật Bản nào ở nơi này kể từ khi đặt chân xuống đây. Cứ đi như vậy, cuối cùng lại đến nhà thờ. Phố đã lên đèn. Trong khuôn viên nhà thờ có một gia đình người nước ngoài, ông bố ôm cô con gái nhỏ, người mẹ nắm tay ông, cười nói rất vui vẻ. Là một gia đình hạnh phúc. Cô con gái nhìn thấy chiếc máy ảnh trên tay tôi, liền lay vai người bố, ý muốn chụp ảnh. Ông bố và bà mẹ cùng quay lại, người mẹ nhờ tôi chụp cho họ một kiểu. Tôi đồng ý rồi xin họ địa chỉ email để có thể gửi ảnh.
Họ trò chuyện vài câu rồi đi còn tôi đứng tại đó một lúc nữa, chụp thêm vài tấm ảnh rồi đi vào một con đường phía bên trái nhà thờ. Xe cộ rất ít, những âm thanh ồn ào dần bị bỏ lại phía sau, khiến tôi nghĩ rằng nếu cứ đi như vậy, đến một lúc nào đó chắc sẽ chẳng còn nghe thấy gì nữa. Bên đường có một cửa hàng bán máy ảnh chụp lấy ngay, phía trong cửa hiệu là một anh chàng đang lúi húi làm gì đó sau quầy bán hàng. Tôi bước chậm lại để có thể kéo dài tầm nhìn của mình. Cửa hàng nhỏ nhưng có rất nhiều máy ảnh. Không chỉ có loại chụp lấy ngay mà còn có cả những dòng máy khác. Những bức ảnh được treo xung quanh bằng những chiếc kẹp nhỏ đầy màu sắc. Một cửa hàng lưu trữ toàn kỉ niệm của đời người.
Chiếc máy ảnh đầu tiên tôi có là loại chụp lấy ngay màu hồng phấn, rất xinh xắn. Tôi dùng nó để chụp hình một đàn anh khoá trên. Chụp lén lút. Tuy vậy, hình ảnh ghi lại vẫn rõ nét. Hồi ấy, tôi rất thích anh chàng này, tên là Chitose. Chitose chơi bóng rổ, nét cười hào sảng, phóng khoáng. Tôi cho tấm ảnh đó vào chiếc hộp giày chứa đầy những bức ảnh do chính mình chụp, nâng niu chúng như báu vật. Khi Chitose có người yêu, một chị khoá trên nhỏ nhắn với mái tóc dài rất đáng ghen tị, tôi chẳng biết làm gì, cứ lấy tấm ảnh đó ra ngắm nhìn rồi không kìm được mà thở dài.
Sau đó, Chitose và người đó chia tay, nhanh chóng đến mức tôi còn cảm thấy ngạc nhiên. Trước đây, khi giao lưu giữa câu lạc bộ nghệ thuật và bóng rổ, tôi từng hỏi anh, mẫu người anh thích như thế nào. Chitose nói, anh cũng không biết, nhưng anh rất thích con gái tóc dài.
Không chỉ bây giờ, mà ngay từ năm ấy, tóc tôi đã rất ngắn; vì toàn kết bạn với con trai nên cũng chưa từng cảm thấy bất tiện. Kì lạ là khi đó, rõ ràng tôi rất thích Chitose, nhưng lại nhất quyết không muốn nuôi dài. Bình thường một tháng tôi mới cắt một lần, nhưng kể từ đó, cứ hai tuần là lại có mặt ở hiệu cắt tóc, bất kể ngắn dài ra sao. Đôi khi chỉ ra tỉa chút tóc mái. Thực ra, đó là một loại cố chấp. Cố chấp như vậy cũng không biết là vì cái gì, nhưng có thể thỏa mãn tính cách quái lạ của bản thân.
Tôi đột nhiên nhớ đến một số chuyện. Tôi gặp Akira lần đầu tiên trong một hiệu ảnh ở Tokyo. Thực ra tôi thích chụp ảnh, nhưng không rành về các loại máy. Thấy loại nào vừa mắt là thích, vậy thôi.
Akira mặc một bộ vest may cổ điển bằng vải đen, áo sơ mi trong cài nghiêm chỉnh, vạt áo vest thẳng thớm không một nếp nhăn. Con người Nhật Bản rất ưa vẻ ngoài lịch sự sạch sẽ, quan trọng là phải chỉnh chu.
Anh hỏi tôi :
-Cô thấy cái máy này thế nào ?
Tôi nhìn người bên cạnh, thật thà đáp :
-Rất đẹp.
Dù sao cũng không thể nói thẳng, tôi vốn là kẻ không am hiểu về các loại máy. Ấn tượng chỉ là bề ngoài rất đẹp, liền suy nghĩ đơn giản là chụp ảnh hẳn cũng không thể gọi là xấu.
Akira chỉ nghe tôi nói thế, không hỏi gì thêm. Lúc ra khỏi cửa hàng, đột nhiên người phục vụ chạy theo tôi gọi, cô ơi. Tôi liền đứng lại. Anh ta đưa cho tôi một túi giấy, nói, ông chủ có món quà nhỏ tặng cô. Bên trong là cái máy ảnh tôi ngắm vừa nãy. Tôi cố gắng giải thích với anh ta là tôi không thể nhận món quà này. Nhưng anh ta vẫn nài nỉ nói nếu tôi không nhận thì mình sẽ bị phạt.
Đó là một chiếc máy ảnh khá lớn, đựng trong hộp rất lịch sự cùng với ba lens cỡ khác nhau đi kèm. Tôi không nhớ là khi xem máy lại có nhiều lens thế này. Dù sao đây cũng là một thứ đồ không rẻ. Tôi luôn cảm thấy không phải với người đã tặng mình món đồ này, giữ gìn chúng rất cẩn thận. Tôi mua một cái túi đựng, đặt cả bộ máy ảnh vào đó, mang đi khắp nơi, khi đi tàu hay xe cũng luôn ôm trong lòng, giống như là một vật bất li thân. Khi về nhà lại lôi ra lau sạch sẽ tất cả một lần rồi xếp ngay ngắn trong tủ kính đựng rượu. Tôi không uống rượu nhiều nhưng rất thích sưu tầm. Bây giờ bỏ thêm bộ máy ảnh vào đó, quả thực cái tủ kính đã trở thành báu vật của tôi. Có những đêm nằm trên ghế sofa, làm việc xong liền tắt laptop, buồn ngủ thì cũng ngủ luôn tại đó. Khi mở mắt ra, đối diện sofa là tủ kính, có thể nhìn thấy ngay chiếc máy ảnh. Lại đột nhiên nhớ đến anh chàng mặt vest hôm đó, miệng bất giác cong lên một nụ cười.
Tôi gặp lại Akira tại một triển lãm ảnh. Tôi đi một mình, đó là một triển lãm quy mô, nhưng không thu tiền vé vào cửa, rất nhiều nhân vật nổi tiếng tới đó. Tôi xem qua vài tác phẩm, chụp vài tấm, sau đó đứng rất lâu trước một bức tranh kì quặc. Chỉ vẽ độc nhất một con mắt. Bên trong là màn đêm đen thẫm, một con quạ màu trắng đậu trên thành phố. Ánh đèn lác đác qua những ô cửa. Lặng lẽ. Cô đơn.
Sau đó, tôi mới nhớ ra hôm nay siêu thị giảm giá nên đưa máy lên chụp một tấm, sau đó quay đi định về thì bất ngờ gặp lại người kì lạ mặc vest đó. Con người này vẫn chỉnh chu y như lần đầu tiên tôi gặp. Anh ta nhìn chiếc máy ảnh trong tay tôi, bỗng nhiên mỉm cười.
Sau đó, chúng tôi chính thức quen nhau.
Tôi đi qua cửa hàng bán máy ảnh chụp lấy ngay rồi ghé vào một cửa hàng nhỏ. Chiếc biển treo bên ngoài được tạo hình theo dáng của một lát gỗ cắt ngang, tên là "Floral". Bên trong có điều hoà, không khí mát lạnh, thoang thoảng hương hoa nhẹ nhàng. Cửa hàng lát gỗ, cả ở dưới sàn lẫn trên tường và trần nhà. Có những kệ đựng đồ bằng gỗ rất xinh xắn. Người bán hàng là một cô gái trẻ, ngồi bên chiếc laptop đặt trên chiếc bàn gỗ nhỏ. Cô mặc chiếc áo phông màu xám tro tay lỡ, rộng thùng thình. Mắt kẻ màu khói, chiếc mũi cao thanh tú, rất xinh đẹp. Thấy tôi bước vào, cô gật đầu cười chào. Tôi là khách hàng duy nhất. Có một giá xếp đầy những lọ nhỏ, có mảnh giấy đính kèm bên ngoài, nhận ra đó là tiếng Pháp, nhưng không thể hiểu nổi một từ. Tôi hỏi cô gái bán hàng, tôi có thể nói được tiếng Việt, nhưng không nhiều, may mà tiếng Anh của cô ấy khá tốt, chúng tôi trao đổi rất trơn tru. Hoá ra những chiếc lọ đó là hương hoa. Lọ đựng khá bé, có thể nắm gọn trong lòng bàn tay, màu đồng, rất cổ điển. Từ bé đã rất thích những thứ cổ điển như vậy, cảm giác vừa kì bí vừa thú vị. Tôi lấy hai lọ, khi thanh toán, mở ví ra thấy ở ngăn cất tiền toàn là tiền Việt Nam, chỉ có một tấm thẻ ghi chữ Nhật, bỗng dưng trong lòng cảm thấy kì lạ. Cô gái bỏ hai chiếc lọ nhỏ vào chiếc túi giấy nâu, mỉm cười chào tạm biệt. Khi đẩy cửa bước ra ngoài, cái nóng như táp thẳng vào mặt, nhất thời cảm thấy khó thở, người dấp dính khó chịu, liền đi ra đường lớn, bắt một chiếc taxi về khách sạn.
Akira luôn bảo tôi, vì sao luôn phải mang hết đồ đi mà không để lại khách sạn? Tôi nói rằng những thứ tôi mang đi đều là những thứ rất quan trọng và cần thiết, chỉ có mang theo bên mình mới cảm thấy an tâm. Akira liền hỏi, vậy anh có quan trọng không. Tôi cười nói, nhất định rất quan trọng, khi không ở bên anh liền cảm thấy bất an, sợ anh bị người ta cướp mất.
Khi dọn đến ở cùng Akira tại căn hộ cao cấp ở chính giữa trung tâm Tokyo, anh nói tôi thực ra vốn không cần mang gì theo, anh có thể đáp ứng đầy đủ. Nhưng tôi vẫn cố chấp đòi mang theo cái tủ kính cùng toàn bộ số rượu bên trong, anh không ngăn được tôi, chỉ biết lắc đầu cười. Thực ra cái tủ kính này cũng không phải là đắt tiền, ngược lại rất rẻ, bởi vì tôi mua nó ở chợ đồ cũ, chỉ được làm bằng thứ thủy tinh rẻ tiền. Nhưng rất nâng niu, lau chùi thương xuyên nên nom vẫn sạch sẽ và sáng sủa. Đặt nó ở bên những cái tủ đắt tiền trong căn hộ của Akira, quả thực là một trời một vực.
Thực ra tôi cũng từng có một phòng rửa ảnh riêng. Phòng tôi và phòng Akira sát nhau. Tôi căng những tấm bạt tối màu xung quanh để tránh ánh sáng, giường ngủ và giá sách chỉ đơn giản kê hết về một bên, chiếm rất ít diện tích. Một cái bàn lớn ở phía bên kia, có nước rửa, hoá chất, khay đựng, kẹp... Những sợi thừng nhỏ chăng ngang dọc khắp căn phòng, tôi có thể dễ dàng ghim ảnh lên. Bên dưới bàn là một cái hộp lớn, bên trong chứa toàn bộ những bức ảnh tôi đã chụp, lưu giữ đã rất lâu rất lâu. Trong đó có cả bức ảnh tôi chụp Chitose, tôi nhớ thế, nhưng không bao giờ xem lại.
Khi Akira nghe chuyện của Chitose, anh bất chợt hỏi tôi, vậy người con trai thứ hai em chụp ảnh là ai. Tôi đáp, là anh.
Sau đó tôi lấy ví, rút ra một tấm ảnh, chụp Akira khi anh đang ngủ quên bên laptop ở phòng khách. Đến kính cũng không bỏ ra, cứ ngủ như vậy, mà vẫn đẹp chết người. Đằng sau anh là cửa kính lớn không buông rèm, thấy được thấp thoáng những ánh đèn của thành phố này. Đột nhiên lại làm tôi nhớ đến con quạ trắng trong buổi triển lãm tranh hôm đó. Rất đẹp.
Akira nói, sau này chỉ chụp một mình anh như vậy. Tôi không hỏi "như vậy" tức là sao, cũng không thực sự hiểu, nhưng vẫn đáp, được.
Vừa vào phòng khách sạn là đã có thể bắt được wifi. Tôi rửa hết những bụi bẩn trên người sau đó ngâm trong bồn tắm, cảm giác vô cùng thư giãn. Khi mặc quần áo xong và ra ngoài mới biết có cuộc gọi, là thông báo cuộc gọi ở Skype. Akira vừa gọi, nhưng tôi không trả lời, vậy là anh nhắn tin, Việt Nam thế nào ?
Tôi mãi mãi không quên được hình ảnh người con gái bấu chặt lấy bả vai bên phải của tôi, nói đến lạc cả giọng, nhưng tôi là hôn thê của anh ấy, tôi là hôn thê của anh ấy. Tôi không biết nói gì, chỉ cảm thấy trong lòng mơ hồ, không đau đớn, không mủn lòng. Tôi đã sống như vậy từ rất lâu về trước, đối với cái gì cũng nhàn nhạt, nhìn thấy đau khổ của người khác, cũng không cảm thấy đặc biệt. Cô gái đó là một người xinh đẹp, mái tóc xoăn sóng dịu dàng ôm lấy khuôn mặt như búp bê, kiêu kì như một nàng công chúa. Tôi không ngờ nàng công chúa ấy lại vừa khóc vừa cầu xin tôi, tôi biết là anh ấy chỉ yêu cô, nhưng tôi cũng muốn có anh ấy nữa.
Từ "yêu" mà cô ta nói ra, tôi cảm thấy thật lạ lẫm. Như là thứ ngôn ngữ của hành tinh khác. Xa lạ, lạnh lùng.
Tôi vốn chưa hề muốn làm bất cứ thứ gì cô ta yêu cầu, nhưng khi về nhà, thấy Akira, trong đầu tôi lại có suy nghĩ khác. Anh ôm tôi suốt đêm, không hề buông ra. Akira thực ra rất gầy, khi áp sát vào ngực anh có thể cảm thấy điều ấy. Tôi vòng tay ôm anh, đột nhiên nước mắt cứ thế chảy ra. Lúc ấy tôi mới nhận ra, chúng tôi đã ở chung phòng với nhau được hơn một năm rồi. Căn phòng bên kia đã hoàn toàn trở thành phòng rửa ảnh. Hoá ra chúng tôi đã ở bên nhau lâu đến thế.
Tôi nói với Akira, em phải đi thôi.
Anh nhìn tôi, nụ cười trong suốt, tôi không đọc nổi vị.
Tôi mang theo một số đồ dùng cá nhân, cái máy ảnh Akira tặng tôi, cái tủ kính quá to nên không thể mang theo, đành để lại. Chiếc vali xếp trong trên nóc tủ một năm có lẻ lúc ấy mới mang xuống, phủi bụi sạch sẽ, cất đồ thật gọn gàng, sau đó đóng lại. Khát khao được đi xa của tôi lại trở dậy. Dừng lại ở đây những một năm, cũng đến lúc phải đi rồi.
Tất cả những bức ảnh trong phòng rửa tôi cũng để lại hết, chỉ lấy đi bức ảnh đầu tiên chụp Akira. Mà thực ra nó cũng đã ở trong ví của tôi sẵn rồi. Để lại cho anh tất cả những báu vật của tôi, chỉ là không biết anh có thể thay tôi nâng niu chúng hay không.
Tôi còn nhớ một số chuyện. Khi còn học cao trung, tôi cặp với một cậu bạn, đó là một học sinh cá biệt, hay đi gây sự đánh nhau. Tôi không có cái nhìn phân biệt với những người như vậy. Tôi chỉ có cảm giác trong lòng cậu ta có một vết thương, chỉ có thể dùng bạo lực để xoa dịu. Giống như khi tôi cắt tay bằng dao lam lấy trộm trong bộ dao cạo của bố, nhìn máu chảy ra, chợt cảm thấy một phần nào đó trong mình được thoả mãn. Đại loại vậy. Cậu ta biết là tôi hiểu, nên càng yêu tôi hơn. Có điều khi ấy, tôi cũng không rõ tình cảm trong lòng mình là gì. Tôi không biết tại sao mình lại có thể lạnh nhạt như vậy. Thậm chí đến nét mặt của cậu ta cũng không chịu ghi nhớ, cố chấp như vậy không biết là để làm gì.
Lần đầu tiên ôm tôi, cậu ta ôm rất nhẹ, như ôm trong lòng một món đồ dễ vỡ. Cậu hỏi, Nim à, thích tớ không được sao.
Tôi lặng đi trong lòng cậu một lúc lâu. Sau đó nói, nét mặt cậu, ngay cả tên của cậu, đều không muốn ghi nhớ. Nếu sau này cậu đi rồi, sẽ không cảm thấy đau khổ. Cậu chỉ là một hư ảnh. Sẽ không thể khiến tớ đau lòng, cũng không thể khiến tớ khóc. Tớ sợ bị bỏ rơi.
Một buổi tối, khi đi hát cùng đám bạn yakuza của cậu ta, có người ép tôi uống rượu, cậu ta kiên quyết ngăn lại, có khi là uống hộ tôi. Sau đó, tất nhiên là say rồi. Cậu ta ngồi cạnh tôi, cả hai cùng im lặng. Xung quanh rất ồn ào, hỗn tạp đủ loại âm thanh. Đột nhiên cậu ta vươn tay tóm lấy cổ tôi, hôn rất sâu. Tôi nhất thời không phản ứng kịp, khi hôn xong, cậu ta gục đầu vào vai tôi, thì thầm. Aishiteru.
Tôi bình tĩnh đẩy cậu ra, mở cửa bước khỏi phòng. Lúc đầu là đi, sau đó là chạy. Một lúc sau, cậu ta đuổi theo, kéo tôi vào lòng ôm chặt. Tôi tát cậu ta một cái thật mạnh. Tôi nói, tớ đã nói đừng bao giờ nói yêu tớ mà. Cậu ta nói, nhưng tớ rất yêu cậu. Tôi lại hỏi một câu. Nếu có thể quay trở lại thời điểm đó, chắc chắn tôi sẽ tự đấm vào mặt mình một cái.
Tôi hỏi, quên mất, cậu tên là gì thế ?
Tôi không đến trường trong vài ngày. Cậu ta đứng dưới nhà tôi mỗi tối, nhìn từ cửa sổ xuống thấy bóng hình gầy gò cô độc. Tối hôm đó cậu ta nói, sao tim cậu lại có thể sắt đá như thế.
Khi tôi đến trường, thì mới biết là cậu ta đã chuyển đi. Tôi thực sự vẫn chưa nhớ nổi nét mặt của cậu, cũng không biết cậu tên là gì. Trong lòng có mối lo sợ mơ hồ, tự ngăn mình nghe những tin tức về cậu ta, cũng không cố gắng tìm hiểu. Đã có lúc tôi thờ ơ với thế giới như thế.
Bây giờ nghĩ lại, có lẽ đều là do năm ấy tôi làm những điều như vậy, nên hết Chitose đến Akira, đặc biệt là Akira, đều không ở lại bên tôi.
Buổi sáng, nhận được điện của chị gái ở bên Nhật. Chị nói có lẽ bố sắp trải qua đợt trị liệu cuối cùng, sau đó rất có thể sẽ không tỉnh lại nữa. Tôi nói, vâng, em biết rồi. Chị nghe thế liền ngắt máy. Tôi ngồi thừ trên giường một lúc lâu. Sau đó mới đứng dậy làm vệ sinh cá nhân, trong túi vẫn còn một vé tàu đi đến Huế. Tôi không về Nhật ngay, đúng giờ tàu đi thì sử dụng chiếc vé đó, rời khỏi Hà Nội, đến một thành phố khác.
Đó là lần cuối tôi đi tàu ở Việt Nam. Một phòng giường nằm như thế có hai giường tầng, bên kia chỉ có một vị khách nước ngoài, cắm tai nghe trong suốt quá trình tàu chuyển động, nằm trong chăn bất động hàng giờ, thậm chí còn không cựa mình. Ngoan ngoãn như một con mèo nhỏ. Tàu đi suốt từ sáng sớm cho đến tám giờ tối mới đến ga Huế. Trong suốt thời gian trước khi tới đó, đoàn tàu vẫn đi mải miết không ngừng nghỉ. Tôi nghiêng đầu nhìn ra bên ngoài. Chẳng có gì. Màu đen chủ đạo tất cả, thỉnh thoảng chỉ thấy vài hình sắc lướt qua không rõ là thứ gì. Bỗng nhiên trong lòng nảy ra ước muốn con tàu này cứ đi mãi, không bao giờ dừng lại. Có thể nằm đây đến hàng thế kỉ sau, cho tới khi chỉ là một nắm xương đã hoại mục. Khi đó có thể thực sự cảm thấy tự do.
Nhớ thời còn sử dụng Yahoo, các mạng xã hội như Facebook hay Instagram đều chưa phổ biến như bây giờ, trong danh sách chat luôn có một hàng tên rất dài. Các biểu tượng online hiếm khi nào vắng trên mục trò chuyện. Có thể ngồi hàng giờ chỉ để nói chuyện với một người lạ, nói đủ thứ. Tiếp xúc với loại quan hệ này khiến tôi nhận ra từ rất sớm là, liên kết giữa người với người lại rất mong manh như thế. Đóng tab lại, không lưu nick, không lưu tên là có thể lạc nhau bất cứ khi nào. Không thể tìm được nữa.
Nhưng chúng lại giúp ta chống chọi với nỗi cô đơn. Với một người lạ, có thể nói tất cả những chất chứa ở trong lòng. Chia sẻ với nhau. Dù bằng ngôn từ sao rỗng hay ức chế ép buộc cũng được. Sau đó chỉ cần một cú click, sẽ chẳng còn liên quan gì đến nhau nữa.
Nhiều khi tôi nghĩ rằng, mọi thứ được tạo ra. Cả nhiếp ảnh. Lẫn mạng xã hội. Chỉ là để giúp cho con người tránh khỏi sự cô đơn mà thôi. Nhưng đôi khi chính những thứ đó lại khiến cho con người cảm thấy cô đơn hơn rất nhiều. Con người là loài sinh vật kì lạ như thế. Tôi là một trong số họ, nên tôi cũng vậy.
Tôi ở lại Huế hai ngày, trong thời gian ngắn ngủi như vậy vẫn cố gắng đi hết cả cung đình Huế, đi du ngoạn sông Hương, ra biển Lăng Cô... Nhiều khi cảm thấy mình cũng có sở thích tao nhã, giống như tiểu tư bản. Tôi chụp rất nhiều ảnh. Hết cả dung lượng máy đến hai lần. Buổi tối đi dạo dọc theo những con đường đầy cây ở Huế, cảm giác như những ngày còn nhỏ được bố dắt đi chơi. Chỉ có điều bây giờ là tôi đi một mình.
Lần gần đây nhất tôi gặp bố là ba tháng trước, tại bệnh viện trung ương ở Osaka. Lúc đó bố đã rất yếu, nhưng tinh thần còn minh mẫn. Xung quanh có nhiều những loại máy móc dây dợ, không khí luôn có mùi thuốc khử trùng. Từ bé tôi đã không thích mùi thuốc khử trùng ở bệnh viện, giống bố. Trong khoảnh khắc nhìn thấy bố nằm trên giường bệnh với thể trạng yếu ớt như thế, mọi căm ghét trong lòng tôi đều tan biến. Nhìn thấy tôi, bố rất vui. Tôi đẩy xe đưa bố đi hóng gió trong khuôn viên bệnh viện, đi chầm chậm, từ từ. Bầu trời hôm đó rất đẹp, rất xanh, có nắng, chiếu xuống mặt đất thành từng cụm. Bố nói với tôi, bố có lỗi với mẹ con con. Tôi đáp, con biết. Bố thở dài, lại nói, bà ấy cũng... Ngừng một lúc lại nói, bố cũng có lỗi với bà ấy. Tôi vẫn chỉ đáp, con biết. Trong lòng thốt nhiên cảm thấy đau đớn. Không sao cả, bố ạ, dì ấy cũng yêu bố, vậy là được rồi.
Trước khi đi, tôi nắm chặt bàn tay tím tái gầy gò đã nổi rõ những mạch máu xanh của bố, trong lòng không khỏi xót xa. Tôi nói, con sẽ dặn người hộ lí mang nhiều hoa vào một chút, như thế mùi thuốc khử trùng sẽ nhạt đi. Bố tôi cười, bố không còn trẻ, không cần cầu kì như thế nữa. Nhưng khi ra ngoài, tôi vẫn đưa tiền cho người hộ lí, dặn cô ta mỗi ngày mang vào phòng bố một bình hoa hồng.
Đã ba tháng rồi. Cũng sắp đến đợt trị liệu cuối cùng. Thực sự thời gian trôi quá nhanh.
Điện thoại đổ chuông. Tôi nhìn màn hình, nín thở ấn nút chấp nhận, sau đó bỏ điện thoại vào túi áo, cứ đi tiếp. Buổi tối mùa hạ ở Huế, không khí rất mát mẻ, có nhiều gió, thổi tóc tôi bay bay. Chợt nhớ ra cũng lâu rồi chưa cắt tóc, có lẽ nên tranh thủ khi nào đó cắt một lần. Khi về khách sạn, mở điện thoại ra, thấy cuộc gọi kéo dài những ba mươi phút. Ba mươi phút mà không có lấy một sự trao đổi ngôn ngữ nào. Tôi cảm thấy những kẻ cô đơn trên thế giới này xem chừng đều là những kẻ điên, hành xử một cách rất ư quái đản như thế. Rốt cuộc lại chỉ làm tổn thương lẫn nhau.
Trong chuyến bay về Nhật, tôi ngủ hầu như trong suốt quá trình di chuyển. Trước đây có đọc báo, thấy nhiều tin về những vụ tai nạn máy bay tàn khốc rất bi thương, trong lòng cũng hình thành nỗi sợ hãi mơ hồ. Do không có ai ở bên nên luôn phải tự xoay sở như vậy. Kiên cường như thế, kết quả là vẫn sống tốt, chẳng nợ ai bất cứ thứ gì, tôi cảm thấy cách sống này của mình không tồi. Trong đầu tôi vốn có một suy nghĩ ngốc nghếch là, cứ ngủ một giấc thật ngon như vậy, nhỡ máy bay có bị tai nạn thì chắc cũng sẽ không cảm thấy đau đớn, chí ít là có thể chết một cách thoải mái. Khi chỉ còn là một linh hồn bay ra khỏi thể xác, vẫn không biết là mình đã chết. Cái chết nhẹ nhàng nhưng đáng thương.
Cuối cùng tôi vẫn về Nhật.
Không biết là đã qua bao nhiêu năm rồi tôi mới lại trở về đây. Con phố nhỏ rợp bóng những cây hoa anh đào vẫn im lìm, trong không khí có mùi hương của mùa xuân. Nơi này vẫn là một con phố tĩnh lặng đến thế. Khi từ đường lớn rẽ vào con ngõ nhỏ, tất cả những âm thanh náo nhiệt đều đã bị bỏ lại phía sau. Cứ đi thẳng như vậy, cảm giác sẽ có một lúc chẳng còn nghe thấy bất cứ thứ gì nữa. Đa số những người sống ở đây đều là những người đã sống đủ và mãn nguyện với từng ấy thời gian trên đời. Những dáng lưng gầy gò gù hẳn xuống trong bộ yukata truyền thống. Họ tụ tập với nhau bên một bàn cờ vây, cùng nhau bình luận. Những tiếng cười rất đơn thuần. Bàn tay đen sạm xương xẩu cầm lấy cây quạt phe phẩy vài đường hời hợt, như chỉ làm cho có lệ. Có gương mặt mang đường nét thân quen. Nhưng tất cả đều đã già. Những nếp nhăn của thể trạng yếu ớt hiện diện trên khuôn mặt, bàn tay, hõm cổ của họ. Khi tôi còn rất nhỏ, cách đây khoảng mười năm, họ là những người trẻ hơn bây giờ rất nhiều, luôn luôn vui vẻ. Có điều vẫn ưa thầm lặng. Đó là những con người Nhật Bản truyền thống. Họ quan tâm nhau. Nhưng không ồn ào, chẳng vội vã. Tôi bỏ quên họ mười năm. Nhưng vì là kẻ đã bỏ đi nên những gì bị bỏ lại đằng sau tôi đều nhớ rất rõ. Cảm giác tội lỗi, tự dằn vặt bản thân vì đã bỏ đi kết thúc cách đây đã rất lâu rất lâu. Tôi cứ đi thẳng. Chậm rãi như thưởng thức một bức tranh. Đều đều, chầm chậm.
Một người phụ nữ lớn tuổi đi ngược chiều với tôi, tay xách túi lớn túi nhỏ. Tôi điều chỉnh nhịp chân chậm lại. Tôi đi đến, nói một câu đơn giản, để cháu giúp bác. Người phụ nữ cười cảm tạ. Tôi xách những chiếc túi ni lông đựng đầy cam, dây túi thít lại vì khối lượng kéo xuống của chúng, cảm giác nơi tiếp xúc giữa tay và túi hơi khó chịu. Chúng tôi dừng chân trước một ngôi nhà nhỏ, xây theo kiến trúc truyền thống, nhưng vẫn còn khá mới. Tôi tạm biệt người phụ nữ. Bà cảm ơn tôi một lần nữa. Tôi chỉ cười.
Ngôi nhà cũ vẫn nằm ở đó. Đó từng là ngôi nhà đẹp nhất trong khu phố, bây giờ nhìn lại hoá ra cũng đã trở nên bình thường. Tôi nghĩ có lẽ sau này, mười năm nữa khi trở lại đây, tất cả đều đã hoàn toàn đổi khác.
Ở nhà không có ai, chỉ có người giúp việc, mọi người đều đã đến bệnh viện. Tôi dặn dò bà ta một số thứ, sau đó cũng gọi taxi đi đến bệnh viện. Phòng bệnh của bố ở hành lang tầng hai, ngay ngã rẽ đầu tiên từ cầu thang đi lên. Mọi người đều tập trung ở bên ngoài. Chị nhìn thấy tôi, khẽ nói, bố đang đợi em. Tôi gật đầu, em vào đây.
Căn phòng không thay đổi nhiều kể từ lần cuối tôi ghé thăm. Bình hoa hồng lớn đặt trên bàn uống nước cùng đĩa cam gọt sẵn, trong không khí có mùi thuốc khử trùng vẫn luẩn khuẩn mùi hương thanh mát của hoa và trái cây. Dì ngồi bên giường bệnh, nắm tay bố. Bố còn gầy hơn cả lần trước, tay phải cắm đầy những dây dợ của máy móc, những mạch máu nổi rõ, dường như đang phải đấu tranh với cái chết từng chút một. Tôi đứng trầm mặc một lúc, dì ngẩng lên liền nhìn thấy tôi, mắt đã hoe đỏ, tiều tụy hơn nhiều so với trí nhớ của tôi. Tôi bước đến bên giường bệnh, nói nhỏ, dì đi nghỉ đi, để con ở đây với bố. Cánh cửa đóng lại. Bố không còn minh mẫn. Tôi ngồi cạnh bố đến tận chiều, không hề nhúc nhích, như là một bức tượng đá. Khi tỉnh lại, câu đầu tiên bố hỏi tôi là, mẹ con có đến không ? Câu thứ hai là, vẫn không tha thứ cho bố sao ?
Cổ họng tôi nghẹn lại, nhưng vẫn bướng bỉnh không khóc. Tôi vuốt phẳng nếp nhăn trên chiếc chăn màu xanh của bệnh viện đang đắp ngang bụng bố. Tôi hỏi, rốt cuộc là bố có yêu mẹ con không ?
Bố nói rất khó khăn, giọng rất nhỏ, nhưng rõ ràng là đã nghe thấy câu hỏi của tôi. Ông trầm mặc nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Ngoài cửa sổ có một cây hồng, cành lá xum xuê, ánh tịch dương rọi qua những kẽ lá đổ vào trong phòng, đọng xuống thành từng cụm vàng nhàn nhạt. Bố nói, nhưng dì yêu bố hơn.
Còn hai tiếng nữa là đến thời gian phẫu thuật của bố, mẹ vẫn không đến. Bố đã lịm đi, phải cắm ống thở. Tôi đứng ở cuối hành lang, nhìn những người nhà và bệnh nhân khác, có tiếng khóc, có tiếng nói, xoáy vào tai khiến tôi cảm thấy chóng mặt. Tôi gọi cho mẹ, mẹ ơi, là con đây. Bên kia im lặng một lúc, sau đó mẹ nói, Nim à. Tôi đáp, vâng, mẹ mau đến bệnh viện đi. Mẹ lại im lặng, dường như tôi có thể cảm thấy bà đang run rẩy. Con xin mẹ, mẹ hãy mau đến bệnh viện đi.
Không biết là bao nhiêu thời gian đã trôi qua.
Tất cả những âm thanh xung quanh đều biến mất, tôi chỉ nghe thấy tiếng khóc của dì. Chị tôi và những người khác đều rời đi để lo liệu thủ tục. Chị cũng khóc, bàn tay cầm điện thoại khi đi ngang qua tôi vẫn không kìm được run rẩy. Tôi không biết nói gì, cứ để cho chị đi. Xung quanh tôi toàn là một màu trắng. Màu của tường và tấm vải đắp trên người bố. Đầu ngón tay tôi nhuốm hơi lạnh, các khớp dường như không cử động nổi. Tôi đứng như một bức tượng băng, trong lòng rõ ràng là đau đớn nhưng ngay cả sức lực để khóc cũng không có. Một lúc lâu như vậy, hành lang chỉ có dì và tôi, chiếc giường đẩy bố nằm. Dì khóc đến nỗi ngất đi. Tôi gọi điện cho chú nói đưa dì về nhà. Dì và chú đi rồi, tôi bước tới gần, quỳ xuống bên cạnh giường của bố. Tôi nói, bố ơi, mẹ cuối cùng cũng đến rồi.
Mẹ đứng ở góc khuất hành lang, đứng như vậy có lẽ còn lâu hơn cả tôi. Nghe tôi nói, mẹ liền bước đến, quỳ xuống cạnh tôi. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ khóc. Mẹ tôi là một người phụ nữ kiêu hãnh, rất cứng rắn. Ngay cả khi bị phản bội, bà vẫn bình tĩnh soạn hành lí đi khỏi nhà. Không khóc lóc, không tức giận. Tất cả diễn ra bình lặng như một miệng giếng sâu. Khi ấy tôi mười lăm tuổi, bà vẫn bỏ lại tôi mà đi. Được một người cứng rắn như thế sinh ra, vì thế mà con người tôi như vậy.
Một chuỗi yên lặng rất dài. Sau đó tôi nghe thấy mẹ lẩm bẩm, ông à, chúng ta đều có lỗi. Tôi nghe đến đó, nước mắt liền chảy ra. Tôi nhớ rất nhiều chuyện. Từ nhỏ thể chất của tôi đã không tốt bằng những người khác, nên được bố mẹ và chị chăm sóc rất kĩ. Sau này khi mẹ bỏ đi, tôi trở nên lầm lì, cảm thấy chán ghét gia đình, luôn tìm cách tránh gặp bố. Chị gái khi ấy đã đi làm ở Mĩ, thỉnh thoảng vẫn gọi điện về khuyên tôi, nhưng tính tôi vẫn bảo thủ như vậy nên chị chỉ đành thở dài. Năm mười sáu tuổi, bố và dì tổ chức sinh nhật cho tôi. Chị cũng gửi quà về, bố tặng tôi một chiếc kẹp tóc. Tôi nhìn đống quà chất trên bàn, chỉ lấy đúng món quà của chị sau đó chạy lên phòng khoá cửa lại, mặc kệ những thứ khác. Bố không mắng tôi, dì im lặng thu dọn đồ sau bữa tiệc, còn bố lặng lẽ đặt món quà trước cửa phòng tôi. Buổi sáng hôm sau khi nhìn thấy, tôi lập tức đi ra khỏi nhà.
Năm mười sáu tuổi, tôi tự ý cắt tóc. Một buổi chiều trong tuần nghỉ hè cuối cùng, một mình cầm đúng số tiền ít ỏi còn giữ lại. Lục hết cả túi quần và túi áo trong tủ, thậm chí cả quần áo trên móc treo mới gom đủ từng ấy. Rồi tự đi xe một mạch ra khỏi nhà. Cứ đi như vậy, đi qua rất nhiều hiệu cắt tóc, nhưng cũng không ghé vào. Cuối cùng dừng xe trước một cửa hiệu nhỏ nhưng sạch sẽ, chưa từng cắt ở đây bao giờ. Tôi ngồi trong đó ba mươi phút, khi đi ra, tóc đã không thể ngắn hơn được nữa. Về đến nhà bố liền nhìn thấy, nhưng cũng im lặng không nói gì.
Bây giờ nghĩ lại, quả thật là tôi đã quá bướng bỉnh rồi.
Tôi luôn chống đối bố như thế, là do bản tính, chỉ muốn được quan tâm nhiều hơn. Nhưng trong lòng khi ấy rất thương mẹ, nên đã hành xử rất không phải với bố, kết quả là bây giờ muốn nói một câu xin lỗi cũng không thể.
Trước khi li hôn, bố đưa tôi đi rất nhiều nơi. Thậm chí còn đi cả nước ngoài. Tính chất công việc của bố và mẹ rất giống nhau, đều di chuyển nhiều. Nhưng khác với mẹ, bố luôn cố gắng đưa tôi đi cùng. Chị tôi ra ngoài tự lập từ rất sớm, vào đại học đã có thể lo toàn bộ phí sinh hoạt, chuyện tiền bạc ít khi phải nhờ vào bố mẹ. Mẹ và bố đi công tác thường xuyên, để tôi một mình, đương nhiên là không an tâm.
Tôi nhớ có lần trở về nhà cùng bố sau chuyến công tác của ông ở Kyoto, căn nhà im lìm, không có một ai. Bố khi ấy rất dễ bị mệt, nhưng vẫn bảo tôi, chờ một chút để bố nấu bữa tối cho con. Sau đó đi tắm, để bố đun nước. À, phải rồi, còn phải xem lại bài vở nữa nhé, kì nghỉ đông sắp hết rồi đó, Nim.
Từng câu từng chữ tôi đều nhớ rất rõ. Rõ ràng là bố yêu tôi như vậy, nhưng bây giờ nhớ lại tôi lại cảm giác lòng rất đau, hồ như không thở nổi. Từ năm mười sáu tuổi trở đi, những tiếng "con yêu bố" đã không còn được nói ra. Khi người ta đã lớn, có thể làm nhiều việc, nhưng không thể nào nói được những câu tưởng chừng như đơn giản của một đứa trẻ.
Bố rất yêu mẹ, nhưng mẹ lại không hiểu được điều ấy. Trước khi đi, tôi hỏi mẹ, rốt cuộc là vì ai mà con trở nên như thế này ?
Tang bố xong, tôi lại đi. Dường như chỉ có những chuyến đi mới có thể giữ cho tôi thở. Đi rất nhiều nơi xa lạ, vẫn không cảm thấy thôi trống rỗng. Tôi đứng trước tháp Effein của Paris hoa lệ, lấy điện thoại ra chụp một tấm, sau đó trầm ngâm một lát, liền gửi cho Akira. Không dám viết thêm một chữ nào, sợ mình sẽ rơi nước mắt.
Trong hộp tin nhắn của tôi luôn luôn chỉ có vài tin nhắn của tổng đài, của chị gái, Akira và người tổng biên tập. Đi nhiều nơi như vậy, cũng gặp nhiều người như thế, nhưng khi nhìn lại cũng chỉ vẻn vẹn vài mối quan hệ có thể giữ lại. Như một báu vật, không muốn đánh mất. Tôi rời khỏi Paris, đi đến New York. Tôi đi qua rất nhiều thư viện, đọc nhiều sách. Từ khi biết đọc, tôi đã đọc rất nhiều. Có sách dành cho trẻ em, thiếu nữ mới lớn hay là thể loại văn học cổ điển. Khi đọc "Cuốn theo chiều gió" của Margaret Mitchell, tôi đọc rất chậm. Đó là cuốn văn học phương Tây đầu tiên tôi đọc, có hơi mất chút thời gian để làm quen với phong cách viết của tác giả. Đọc từ mùa xuân đến tận cuối mùa hạ năm đó mới xong, cứ đọc ngắt quãng như vậy, hiển nhiên không thể hiểu hết tác phẩm, nhưng thực ra cũng không có hứng thú tìm hiểu. Chỉ là cứ kiên trì như vậy, khi đọc xong con chữ cuối cùng, cảm thấy mình đạt được thành công nào đó, trong lòng cảm thấy vui vẻ.
Tôi làm cho một tạp chí, vừa làm phóng viên ảnh, vừa viết bài. Không bắt buộc phải có mặt ở toà soạn nên tôi cứ đi. Thỉnh thoảng về công ti ở Tokyo mới ghé vào một chút. Tổng biên tập là bạn học của chị gái, chính là anh chàng đã cùng chị góp tiền mua máy ảnh năm xưa. Rất trẻ, cũng rất tốt với tôi, thỉnh thoảng lại hỏi thăm chị. Lần trước tôi nhắn tin lại, chị em vừa chia tay bạn trai. Anh ta có vẻ rất vui, nghe nói tháng đó tiền thưởng của mọi người đều tăng. Tôi chỉ cảm thấy tò mò. Có lần nói chuyện với chị, cuộc gọi xuyên từ California đến tận Carol, tôi có hỏi về người này. Chị cười nói, ngày xưa chị thích anh ta, tiếc là người ấy quá đào hoa nên không có dũng khí ngỏ lời. Tôi luôn có thói quen ghi âm lại những cuộc trò chuyện, nên đã ghi được câu nói ấy của chị. Chỉ là khi ấy chị cũng đang yêu một người, tôi cảm thấy rằng không gửi đoạn ghi âm ấy đi thì tốt hơn.
Hôm nay nhận được mail giục bài của tổng biên tập, tôi liền tự nhốt mình trong căn trọ nhỏ, có cửa sổ hướng ra sông Sein. Viết liền ba tiếng không nghỉ, hoàn thành không nhanh không muộn. Khi làm xong mới cảm thấy mỏi lưng, cốc cacao để bên cạnh đã nguội, nhưng vẫn cầm lên uống hết. Tôi rất thích ăn đồ ngọt, cảm thấy vị ngọt đơn thuần đó mà vị giác cảm nhận được là loại hạnh phúc tinh khiết của riêng mình. Không ai có thể lấy đi, không ai có thể cướp mất. Chỉ với một điều đơn giản như vậy, cảm thấy trên thế giới này vẫn còn có thứ mình có thể sở hữu được, liền cảm thấy vui vẻ.
Tôi gửi mail cho Koji, tổng biên tập, mở điện thoại ra thì lại nhớ tới gia đình tôi chụp ảnh khi vẫn còn ở Hà Nội, liền ngồi thêm một lát để chỉnh ảnh cho họ, sau đó gửi đi luôn. Thực ra tôi là một kiểu người mà không bao giờ làm miễn phí, nhưng khi gặp gia đình đó, trong lòng đột nhiên nảy nở một loại cảm xúc, có thể miễn cưỡng gọi đó là thù lao. Làm xong rồi thì đi tắm. Trong phòng tắm nhỏ hẹp vẫn kê đủ một chiếc bồn tắm cỡ trung, xả nước ấm vào đó, đổ một ít muối khoáng Lavender, vừa bước vào đã cảm thấy rất thoải mái, ngâm mình tới khi nước đã gần nguội hết mới đứng dậy. Sấy khô tóc, xong xuôi đâu đó liền cuộn người trong chiếc chăn mỏng, ngủ một giấc.
Akira từng hỏi tôi, rốt cuộc là trong lòng em có bao nhiêu vết thương ?
Ít thôi mà, Akira.
Một vết thương ở nơi dành cho gia đình, một vết nữa ở nơi dành cho tình yêu, cuối cùng là dành cho thời niên thiếu của em.
Anh biết không, có một loại người như em, rõ ràng là không thuộc về ai, nhưng cảm giác gò bó trong tim lại rất rõ, hồ như từng dây cảm xúc trong lòng đều bị ai đó nắm lấy. Thực ra em cũng cảm thấy, trong lòng có một khối cảm xúc rất không rõ ràng, không biết là vì sao, nhưng khiến em dễ cảm thấy bất an. Giống như một cánh chim nhỏ bay lạc trong đám mây lớn, cố gắng vẫy cánh cũng không thể thoát ra nổi, rất cô đơn, rất vô hướng.
Vì thế nên em mới đi nhiều nơi như vậy, tuý ý sống và làm nhiều việc mình thích như thế. Em còn trẻ, chúng ra đều còn trẻ. Nhưng nếu không làm, em sợ sau này mình sẽ không còn thời gian để làm.
Sau này, em cũng sẽ phải thuộc về một ai đó, lập gia đình, có cuộc sống hôn nhân của những người trưởng thành. Em chỉ muốn kéo dài quãng thời gian tự do này một chút. Nếu có một tình yêu nhỏ thì cũng tốt, em sẽ cùng người ấy đi khắp thế giới. Sau đó chia tay, không sao cả. À, Akira này, em là người như thế đấy. Không ai có thể khiến em dừng chân, ngay cả bản thân em cũng không thể. Tình yêu thì không thể sống cùng những con đường dài, nên chúng cũng lãng quên em.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro