Chương 1: Cành cây mạnh mẽ
Chương 1: Cành cây mạnh mẽ
Dưới tán cây ngô đồng mát mẻ, tôi đứng sững ra trông theo bóng chiếc xe đang dần thu nhỏ trong tầm mắt. Bức tường bám đầy rêu xanh sau lưng dường như đang lên tiếng kêu gọi: Nhìn theo nó làm gì, đây mới là chỗ của cô đấy!
Chẳng phải vali đã ngay dưới chân rồi sao, balo đã khoác trên vai rồi sao? Mi còn ầm ĩ gì chứ, bức tường hẹp hòi! Tôi còn luyến tiếc gì chứ, người đã xa rồi, xe cũng đã đi mất rồi!
Kéo chiếc vali nặng nề theo sau, tôi đứng trước cánh cổng lớn bằng gỗ mục đã mốc meo, sứt mẻ hết cả ra, gõ cộp cộp lên đó mấy tiếng, mãi vẫn không thấy ai ra đón người, bèn đẩy cổng bước vào.
Bên trong là một vườn cây um tùm với những thân cây cao lớn chen chúc nhau, mọc trên khoảng sân có diện tích khá rộng rãi. Tôi men theo lối đi nhỏ hẹp nằm giữa khu vườn, phải gạt đi những cành cây chắn trước mặt mới có thể nhìn thấy ngôi nhà ẩn sau nó. Dưới mái hiên, người phụ nữ trung niên ngồi trên chiếc ghế gỗ cũ kĩ, trên chân phủ một tấm chăn mỏng, đang ngả đầu ngủ thiêm thiếp.
Tôi ngẩn người nhìn bà ấy hồi lâu. Lâu đến mức, phải đợi đến bị khi một người đàn ông cao to đứng sau lưng vỗ bồm bộp lên vai, tôi mới sực tỉnh lại.
Ông ta có gương mặt khá ưa nhìn dù đã bước qua ngưỡng bốn mươi, nhưng làn da ngăm đen sần sùi lại tạo cảm giác không phù hợp với vẻ ngoài thư sinh như thế. Ông bước đến bên cạnh tôi, cười ha hả: "Con đến rồi à? Mau vào cất hành lí rồi đợi ông bà về. Chậc, chắc cơm nước cũng sắp xong rồi đấy."
Tôi đáp lại một tiếng, ngoan ngoãn xách vali đi vào trong. Người đàn ông phía sau như chợt nhớ ra điều gì đó, vội nói với theo: "Phòng của con ở bên tay trái, bên cạnh phòng ông bà ấy!"
Đúng là một người bất cẩn. Tôi nghĩ, vẻ thoải mái, tự nhiên ấy chắc mẩm là chỉ giả vờ thôi? Đã sống với một đứa trẻ mười tám năm trong cái danh "cha ruột", bây giờ từ đâu bỗng nhảy ra thêm một đứa nữa, đứa con được bản thân nuôi nấng từ tấm bé lại trở thành con người ta, ông ta có thể bình thản mà chấp nhận thì mới là chuyện lạ.
Sau khi đã sắp xếp đồ đạc đâu vào đấy, tôi ngồi nghỉ ít phút rồi chạy ra bếp phụ giúp người đàn ông kia dọn cơm. Chiếc bàn gỗ bày một chiếc mâm đồng đã để sẵn chén bát, món canh còn chưa được bê lên thì đã nghe văng vẳng tiếng trò chuyện từ ngoài sân truyền vào.
"Cha tôi" bảo: "Mau ra giúp ông bà đẩy xe vào, để đấy rồi cha bê lên cho."
Tôi gật đầu, lấy chiếc khăn vắt trên thành ghế gỗ lau tay qua quít, sau đó chạy hồng hộc ra sân ngoài.
Từ xa, tiếng tranh cãi nho nhỏ của ông bà đã vang vọng vào tai. Tôi đi đến, trông thấy ông bà cụ đội nón lá, chầm chậm theo sau anh cảnh sát mặc thường phục đang đẩy xe chở hàng nước phía trước.
Tôi mỉm cười lễ phép chào ông bà, ông cụ lúc bấy giờ mới phát hiện ra tôi, lại quay sang bà bên cạnh, khẽ trách: "Tại bà cả đấy, cháu nó đã ra tận đây đón tôi mà bà cứ làu bàu mãi, làm tôi chẳng ngó thấy nó gì cả!"
Bà cụ cũng hơi sửng sốt, vội chạy đến chỗ tôi đứng, xoa xoa mặt tôi: "Ừ ừ, con bé Linh Đan đây mà? Bây giờ mới được dịp nhìn kĩ, con bé lớn lên trắng trẻo đẹp gái thế này cơ... Ôi, cháu ra đây làm gì? Ngày nào ông bà chẳng tự về đến tận cửa, ô kìa, cháu nó ra đón tôi đấy chứ, ông lại hồ đồ rồi."
"Bà thật là..."
Tôi nói: "Cơm nước dọn lên cả rồi, chỉ còn đợi ông bà về ăn." Ngừng một chút, lại nhìn về phía anh chàng cảnh sát cao lớn đằng sau. "Anh cũng vào nhà ăn cơm thôi, thật phiền anh giúp ông bà tôi nhiều quá."
Anh ta cười cười, xua tay: "Có đâu mà phiền, ông bà lớn tuổi, tôi giúp đỡ cũng là phải phép."
Tôi nhìn anh ta, trong mắt là ẩn ý không hề che đậy.
Nghe nói, anh cảnh sát này là người thương thầm trộm nhớ cô chủ cũ của nhà này trước kia. Vì cô gái ấy, anh ta đã qua đây ăn trực bữa trưa không biết bao nhiêu lần, đến cuối tháng lại lọ mọ đem tiền cơm qua trả, mà số tiền đó, con số không ở sau đuôi lớn gấp bội lần khoảng cần trả, âm thầm giúp cho nhà người thương bớt đi phần nào gánh nặng. Chậc, chỉ tiếc rằng cô gái khi xưa bây giờ đã là phượng hoàng nằm trong chiếc lồng son treo ở tầng mây cao vút trên trời, anh ta có muốn với đến sợi lông tơ của nàng, e là còn khó hơn vượt qua núi đao biển lửa.
**
Gió chiều hiu hiu thổi, cơn buồn ngủ từ đâu ập đến, bủa vây tâm trí của con người.
Tôi che miệng ngáp dài một tiếng, giữa chừng mới sực nhớ lại, đây đâu còn là căn biệt thự trước kia, đến đi đứng cũng phải giữ phép sao cho đúng tiêu chuẩn "con cháu nhà quyền quý". Lại ngáp thêm cái nữa, nhưng lần này hai mắt nhắm nghiền, một tay cầm quyển sách nhỏ đặt trước ngực, tay còn lại buông thỏng, đong đưa bên cạnh.
"Ôi chao, còn tưởng con gái lớn lên từ nhà giàu thì phải thuỳ mị hơn chứ nhỉ?"
Chẳng buồn nhìn xem kẻ vừa đến là ai, tôi đáp lại bằng chất giọng khàn khàn ngái ngủ của mình: "Ừ, anh cảnh sát cũng rỗi việc quá. Tôi nhớ cái vị trong lòng anh dù không lớn lên trong nhà giàu sang vẫn giữ được đúng cốt cách tiểu thư dịu dàng nết na đó thôi?"
Quả nhiên tôi vừa dứt lời, đã thấy kẻ kia im bặt. Ha ha, cừu non mà đòi đấu với cáo tinh? Vọng tưởng!
Lát sau, anh ta lại lên tiếng, giọng nói uể oải dở khóc dở cười: "Cô ghê gớm quá, tôi tranh không được... Mà cô nhóc, sao còn chưa đi học? Con gái bỏ học là không nên đâu."
Tôi lười biếng hé mắt, chiếc ghế gỗ có thanh tựa như đã quá cũ kĩ, kêu cọt kẹt mấy tiếng biểu tình, tôi nói: "Vì nhà có khách quý, tôi phải nghỉ học để ở nhà đón tiếp."
Đồng chí cảnh sát sững người ra, sau đó bật cười, anh ta lắc đầu, nói: "Đâu phải tôi cố ý gây chuyện? Thật ra cô không cần tỏ thái độ như vậy..."
Đúng là anh ta không gây chuyện, nhưng biết làm sao, tôi không thích những ai, hay những điều liên quan đến cô gái đó - kẻ đã cướp mất của tôi mười tám năm yên bình, kể cả những người trong căn nhà này.
Họ lấy quyền gì để lạnh nhạt với tôi, trong khi chính bản thân họ đã quên mất rằng tôi cũng là người bị hại? Sống trong nhung lụa là sung sướng? Mỗi đêm giật mình thức giấc vì sợ hãi những mưu toan chốn lầu điện sa hoa là sung sướng? Ngay cả khi đã được thả tự do mà vẫn bị cùm kẹp trong chiếc lồng sắt vô hình chỉ để giữ vững cái mà những con người kia cho là bí mật cũng rất sung sướng?
Ánh chiều tà đỏ rực dường như quá loá mắt. Tôi vặn mình đứng dậy, vỗ vai anh cảnh sát, cười nói: "Anh nghĩ nhiều rồi."
Tôi là không phải là một thứ đồ vật có thể trao trả, vứt bỏ hay là một con thú nuôi cần phải giám sát. Tôi là cành cây mạnh mẽ, nên sẽ không lung lay trước gió bão. Mười tám năm có là quá đủ? Những ngày tháng sau này, tôi muốn sống trong tự do.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro