Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

9. Những tin nhắn

Hẹn hò một thời gian, Thái Sơn thường rất hay gửi tin nhắn cho tôi.

Tôi nghĩ điểm tốt nhất khi kiến trúc sư hẹn hò với bác sĩ là tin nhắn sẽ đến bất ngờ không bao giờ đoán trước được. Thái Sơn và tôi đều không có giờ sinh học cố định vì công việc, một đêm Thái Sơn có thể thức trắng, cũng có thể vài tiếng bị đánh thức một lần. Cậu nhắn tin lúc một hai giờ sáng, sau đó trả lời tin nhắn lúc bốn năm giờ sáng. Vì bệnh thần kinh, hoặc có thể vì mong chờ tin nhắn, cứ hai tiếng tôi lại thức dậy một lần.

Mọi người ở Say Hi thường nói vì bố mẹ không theo sát chúng tôi nữa nên Thái Sơn được bố mẹ gửi tới để thay thế. Mọi thứ qua mắt cậu đều có thể trở thành mầm bệnh, thành nguyên nhân gây chết người, mà cậu nói đến những điều đó với vẻ bình thản tới mức khó tin. Dù là như vậy, Thái Sơn chưa một lần nhắc tôi đi ngủ sớm.

Có lần tôi thắc mắc, Thái Sơn nói rằng cậu chỉ đưa ra lời khuyên về sức khỏe cho những người còn khỏe mạnh. Còn ai đã là người lớn bị bệnh phải đi bác sĩ, đã nhận được lời khuyên riêng nhưng không làm theo thì đó là lựa chọn của người đó, Thái Sơn sẽ không can thiệp vào.

"Có người bạn của em thường hay bị đau dạ dày nhưng cô ấy lại rất thích ăn cay. Mỗi lần gặp cơn đau cấp tính, cô ấy khóc lóc nói rằng mình sẽ không bao giờ ăn cay nữa. Nhưng sau vài ngày thì mọi chuyện đâu vào đấy, mặc kệ em can ngăn. Khi người ta tạm thời khỏe mạnh, người ta lại đi phung phí sức khỏe của mình."

Tôi không hỏi đó có phải là bác sĩ Lê Nam Giang không. Đó rõ ràng chỉ là một lời nhận xét đầy kinh nghiệm của một người làm trong ngành y, dù câu chuyện đau dạ dày của bác sĩ Nam Giang thì tôi đã biết từ lâu lắm.

Nếu có một điều gì đó Thái Sơn thường xuyên cấm cản tôi thì đó là việc ăn nhiều kem. Lí do em đưa ra là ăn kem nhiều sẽ nhanh lão hóa. Nhưng tôi nghĩ rằng việc cấm cản của Thái Sơn không nhằm mục đích gì ngoài gây chú ý, vì mỗi khi em than phiền bên tai lúc tôi tập trung ăn kem, tôi vẫn thường hôn em thay cho lời khẳng định kem - ngon - như - thế - này - không -ăn - thì - phí. Cách thức bịt miệng đó luôn luôn có hiệu quả, có lẽ bởi vì dù tôi không có nhiều tiền thật nhưng lúc nào tôi cũng phải chọn kem ngon để thưởng cho mình.

--

Từ bỏ việc làm những tòa nhà cao, tôi chỉ thường loanh quanh trong thành phố. Nhà mặt tiền cho đến nhà ở tít trong những góc hẹp văn phòng của tôi cũng đều nhận hết. Anh Trường Sinh vừa là đồng nghiệp vừa là thầy giáo của tôi, anh không bao giờ chấp nhận chuyện dùng một bản vẽ đi xây nhà cho hết người này đến người khác. Tôi cũng bị nhiễm bệnh đó, mỗi căn nhà đều cãi nhau tóe lửa với khách hàng để tìm cho được cá tính riêng của họ, dù nhiều khi họ cũng chỉ muốn có một ngôi nhà bình thường.

Anh Trường Sinh gọi tôi là một nỗi buồn trong sự nghiệp giáo dục của anh ấy.

Sau một lần cãi nhau như thế để tìm ra được điều gì đó thú vị cho căn nhà nhỏ bằng móng tay, tôi nhận được một công trình khá lớn. Chủ của ngôi nhà móng tay đó muốn tôi xây một biệt thự lớn gấp mấy mươi lần. Biệt thự nằm ở một thung lũng thuộc khu vực khác, tôi được yêu cầu tới đó vừa nghiên cứu địa thế vừa cùng chủ nhà động não.

Tôi đi rất gấp, còn không kịp kể với Thái Sơn. Không phải vì sợ mất khách hàng, cũng không phải vì muốn Thái Sơn bất ngờ hụt hẫng gì như trong phim, chỉ là vì chủ nhà nói rằng biệt thự nằm giữa một trang trại nho, mà ngay ngày mai bọn họ sẽ thu hoạch đợt cuối. Tôi chưa bao giờ được thấy người ta hái nho ủ rượu, nên ngay lập tức vác vali lên đường.

Máy bay bay hết hai tiếng đồng hồ, xe ô tô địa hình đi thêm hai tiếng nữa mới đến trang trại. Tôi giống như say mùi nho chín nẫu lên men trong nắng, đến khi một mình vừa hái vừa ăn đến chùm nho thứ ba mới nhớ ra rằng tôi còn chưa báo với Thái Sơn. Tôi gửi cho cậu ảnh một chùm nho héo quắt.

"Bạn trai ơi em xem chùm nho này có giống em không?"

Chắc hẳn Thái Sơn đang nghỉ trưa, vì chỉ ba mươi giây sau tôi đã nhận được tin nhắn.

"Em biết em héo nhưng em không nhăn như thế. Anh ở đâu?"

"Anh đi công tác."

"Ừ."

"Một tháng nữa mới về."

"Ơn trời, em được tự do một tháng."

Tôi ném chùm nho nhăn nheo vào miệng rồi cố sức nhai. Lần sau tôi sẽ chọn cho mình một chùm nho chín.

--

Hình như tôi bị say nho thật. Bốn giờ chiều hôm đó, khi đang mơ màng ngủ trong căn biệt thự cũ, Thái Sơn nhắn tin cho tôi.

"Trần Phong Hào, anh làm gì đấy?"

"Anh bị say nho."

Thái Sơn hình như đã cạn lời, tôi lại nhắn:

"Bác sĩ Nguyễn có biết tính chất bắc cầu trong toán học không?"

"Có."

"Anh nói em giống chùm nho suy dinh dưỡng, anh nói anh bị say nho, em thử dùng tính chất bắc cầu tính xem anh say cái gì."

"Anh say nho."

"Chính xác."

Tôi ném điện thoại rồi đi ngủ.

--

Ở được năm ngày mà chỉ ăn chơi và xem người làm vườn ủ nho trong mấy thùng gỗ kín, tôi bắt đầu nghi ngờ về mục đích chuyến đi của mình.

"Nguyễn Thái Sơn, hình như anh bị bắt cóc. Em có nhận được tin nhắn tống tiền nào không?"

"Em có. Hôm qua có một số điện thoại lạ nhắn em đòi ba mươi đô."

"Em có trả lời rằng "giá nào cũng được, hãy giữ cho Trần Phong Hào nguyên vẹn, anh ấy bị rụng một sợi tóc nào thì các người cũng đừng mong nhận được một xu từ tôi" không?"

"Không. Em trả lời rằng em tới Say Hi rồi sẽ trả. Đặng Thành An đòi anh trả lại tiền thừa khi anh ăn cắp đồng phục bác sĩ của em đem bán cho cậu ấy."

Đặng Thành An thích họa tiết hươu cao cổ in trên áo đồng phục màu hồng phấn của Thái Sơn, dù tôi biết chắc rằng nếu mua về thì cậu ấy phải cắt một đoạn ống quần rất dài mới mặc vào được.

--

Một ngày khác, tôi mượn điện thoại của cậu làm vườn nhắn cho Thái Sơn:

"Tôi đang giữ trong tay bạn trai của anh."

Ba tiếng sau, Thái Sơn trả lời:

"Dạo này dân bắt cóc nói năng lịch sự quá, cậu có muốn đổi sang nghề kiến trúc sư không?"

Tôi không bỏ cuộc, lại tiếp tục mượn điện thoại của cậu khách hàng.

"Tao đã bắt bạn trai mày. Nếu mày không trả tiền, nó sẽ phải ở lại vườn nho phục dịch bọn tao suốt đời."

"Muốn đòi bao nhiêu?"

"Hai triệu đô."

"Đưa số tài khoản đây."

Tôi đưa số tài khoản cho Thái Sơn, mười lăm phút sau ngân hàng báo tôi nhận được hai mươi đô tròn trĩnh.

"Nhờ anh mua giúp tôi một hộp kem loại đắt nhất. Quà tạm biệt Trần Phong Hào."

Tôi dùng tiền đó đi mua kem que. Vùng hẻo lánh như thế này nhưng kem que tự làm lại rẻ như cho, hai mươi đô của Thái Sơn mua được năm mươi que kem dẻo như bột nếp. Tôi đưa mỗi người hai que, vẫn còn thừa mười que. Ăn đến que kem thứ năm, Thái Sơn nhắn tin vào số điện thoại của tôi:

"Nấu nước nóng và ra vườn đào gừng trước đi."

Tôi nhờ mọi người thiết kế một khung cảnh có thể thể hiện đầy đủ cuộc sống khổ cực của tôi ở vườn nho cho Thái Sơn thương xót. Kết quả là Thái Sơn nhận được một tấm hình tôi tay trái cầm que kem, tay phải cầm một tảng gừng lớn bằng cỡ tờ giấy A4, đầu đội mũ rơm, mặt mũi dính đất giống như trên củ gừng, sau lưng là vườn nho xơ xác, sau vườn nho xơ xác là núi non trùng trùng. Nhận hình xong, Thái Sơn biệt tích. Nửa đêm cậu lại nhắn:

"Hay là anh ở đó luôn đi, đừng phá vườn nho của người ta là được. Hàng tháng em chu cấp tiền cho anh ăn kem, anh không cần về thành phố nữa đâu."

Mười lăm phút sau:

"Trần Phong Hào, chúng ta thật là một mối quan hệ vượt qua khoảng cách giống loài."

Năm phút sau:

"Hào nhà em giống khỉ thật đấy."

--

Khách hàng lần này rất tốt với tôi. Cậu thanh niên đó nhỏ hơn tôi ba tuổi, muốn xây biệt thự để đón mẹ về trị bệnh. Chúng tôi dần dần cũng thành bạn bè thân thiết có thể hiểu nhau mọi việc, trừ việc cậu ấy không thích chơi game. Tôi chụp ảnh giếng ướp lạnh rượu cho Thái Sơn xem, "vô tình" chụp luôn cậu ấy đang gồng mình kéo gàu giếng. Bắp tay cậu ấy nổi lên săn chắc, áo nửa kín nửa hở hiện ra cơ bụng như mấy cầu thủ bóng đá khi cởi áo ăn mừng. Chọn một tấm hình thật đẹp, tôi còn gửi kèm cho Thái Sơn mấy chữ "anh chảy nước miếng rồi."

Lần này Thái Sơn nhắn tin trước cho tôi:

"Trần Phong Hào, khách hàng của anh bao nhiêu tuổi?"

"Cậu ấy ít hơn anh ba tuổi."

"Vậy được rồi, chỉ có mấy chùm nho nhăn nheo mới bao dung được anh thôi."

Tôi trả lời ngay:

"Em lấy cơ sở nào để nói như vậy?"

"Không ai chấp nhận được một anh trai lớn tuổi hơn họ lại ngồi đọc mật khẩu cho nắp cống."

Tôi bực mình quá, liền quyết định quay một đoạn video để gửi cho Thái Sơn. Gọi cậu khách hàng đến, tôi lén mở máy quay rồi giả vờ hỏi vu vơ:

"Khách hàng, cậu thấy yêu một người lớn hơn ba tuổi thì sao?"

Cậu ta đáp:

"Cũng bình thường."

"Vậy cậu có chấp nhận người lớn hơn ba tuổi ngây thơ đáng yêu không?"

"Cũng bình thường."

"Nếu người lớn hơn ba tuổi lại ngồi đọc mật khẩu để nắp cống mở ra?"

"Là anh thì không."

Tôi ngậm ngùi xóa đoạn video.

--

Lúc này trang trại không còn mùi nho, chỉ còn mùi đất vỡ ra ngai ngái. Nửa đêm tôi đứng hít sương đêm vung vẩy tay để tập thể dục, Thái Sơn gọi điện đến. Lần đầu tiên cậu gọi điện từ khi tôi bị "bắt cóc" đến trang trại này.

"Trần Phong Hào."

"Ừ?"

"Anh làm gì vậy?"

"Anh tập tạ."

Thái Sơn cười khẽ. Một lát sau, cậu nói vô cùng nghiêm túc:

"Em không thể tập thể hình được, sẽ không bao giờ có tay cơ bắp hay sáu múi gì cho anh ngắm đâu."

Tôi ngẩn ngơ hỏi:

"Vì sao?"

"Tập thể hình sẽ có nhiều lúc bị run tay. Em còn phải cầm dao mổ."

Lý do của Thái Sơn nghe rất xúc động, giọng nói của cậu cũng rất dịu dàng. Tôi mở to mắt nhìn da trời xanh đen lấm chấm rất nhiều sao sáng rực không như thành phố, nhớ lại một lượt cách Thái Sơn cười lớn, cách mắt cậu long lanh vui vẻ bất cứ khi nào, cách bọn trẻ con bám lấy cậu khi xuất viện, cả cách cậu ôm đầu ngồi ở cầu thang bộ của bệnh viện khi không kéo dài được sự sống cho mấy đứa trẻ ngây thơ. Chuông đồng hồ cổ dưới nhà điểm một giờ sáng, tôi nghĩ mình muốn nói cho cậu biết rằng thật ra tôi không hề để tâm đến chuyện sáu múi, chỉ cần là cậu thì một múi cũng đủ dùng rồi.

"Thái Sơn,"

"Hmm?"

"Thật ra chuyện sáu múi đó..."

"Ừ?"

"Anh nói "chảy nước miếng" là vì cứ mỗi lần nhìn mấy người cơ bắp cuồn cuộn, anh lại thèm ăn thịt ếch."

Đầu máy bên kia có tiếng ho sặc không dứt. Hai phút sau, Thái Sơn nói với tôi bằng giọng nói đã lạc đi ít nhiều:

"Xin lỗi, tôi nhầm số. Bạn trai tôi bị bắt cóc rồi."

--

Ngày tôi về thành phố, tôi đem theo một thùng rượu nho cho mọi người ở Say Hi, đem cho Anh Tú công thức làm thứ kem dẻo như bột nếp, cho Cún một con búp bê rơm, cho anh Sinh vài cây hoa dại. Tôi còn đem về cho Thượng Long, Bảo Khang, Quang Hùng, Quang Anh, Đức Duy và Thành An, mỗi người một củ gừng lớn bằng bàn tay. Mọi người đều rất vui trong bữa ăn ở Say Hi, chỉ có Thái Sơn là trầm lặng. Cậu không nói cười gì nhiều, cũng chỉ hưởng ứng qua loa với bài hát mà Thành An dạy Cún một tháng mới xong. Đăng Dương cầm cây guitar nhỏ, Cún mới chỉ bốn tuổi cũng cầm một cây ukulele, con bé bập bẹ hát Hào Quang trong ánh mắt tự hào của Quang Anh qua màn hình điện thoại. Tôi luồn tay xuống gầm bàn bóp tay Thái Sơn một cái, cậu hơi nhíu mày rồi đặt tay lên bàn.

Anh Sinh là người đầu tiên để ý đến biểu hiện kì lạ của Thái Sơn. Vừa xem xét củ gừng không có gì để xem xét, anh bâng quơ nói:

"Vậy Phong Hào nhà chúng ta đem tặng cho Thái Sơn cái gì?"

Tôi mặt dày đáp:

"Em về không sứt một cái móng chân nào là món quà lớn nhất rồi, còn quà gì hơn nữa?"

Chúng tôi thường đùa nhau như thế, Cún vẫn nghịch đàn mà không thắc mắc gì. Thái Sơn cười miễn cưỡng:

"Em thà nhận củ gừng còn hơn."

Bữa tối kết thúc, tôi lái xe chở Thái Sơn đến bệnh viện trực qua đêm. Dừng lại ở nhà xe, cậu lẩm bẩm:

"Em đói bụng quá."

Tôi tròn mắt nhìn cậu kì thị:

"Vừa rồi em không ăn với mọi người, bây giờ lại than đói với anh làm gì?"

"Lúc đó em không đói, được chưa? "

Thì ra là Thái Sơn muốn ăn mì.

Tôi lúi húi đổ mì ra bát, chỉ có mì không, không hề có trứng hay phô mai và kim chi ăn kèm như mọi lần. Thái Sơn cúi đầu ăn mì mà không phàn nàn gì về phô mai hay trứng, tôi vừa nhìn cậu ăn vừa nói:

"Em muốn ăn mì thì nói thẳng ra để anh nấu, có gì mà phải vòng vo như thế?"

Thái Sơn ngẩng đầu buông đũa, cậu đưa tay đập bốp vào trán tôi rồi nói:

"Trần Phong Hào, anh thật sự không bằng một củ gừng."

Tôi rửa bát ngay trong phòng nghỉ của Thái Sơn, tôi liếc cậu cậu liếc tôi vài bận bằng mấy cái liếc nhìn tóe lửa. Đến khi lửa sắp tóe ra thật, Thái Sơn thở hắt ra bước tới vòng tay ôm tôi từ sau lưng.

"Ở trên xe về thành phố thì nhắn "anh về với em đây", sau đó thì sao? Về với mọi người trước."

Tôi ngớ người ra, Thái Sơn hết ôm thì đã chuyển qua rửa tiếp bát mì tôi đang rửa khi vẫn bao lấy tôi trong ngực.

"Nhưng... Mọi người nhớ anh mà."

Rửa xong bát, Thái Sơn với lấy hộp xà phòng rửa tay tỉ mẩn chà xát lên tay tôi.

"Mọi người nhớ anh, em cũng nằm trong tập hợp mọi người, anh thử dùng tính chất bắc cầu suy ra cái gì đó đi."

"Thì hợp lý rồi, chính vì thế nên anh mới kết hợp gặp em và mọi người cùng lúc."

Thái Sơn buông lỏng vòng ôm, đá đít đuổi tôi về nhà.

--

Đêm hôm đó, khách hàng sáu múi nhắn tin cho tôi.

"Này kiến trúc sư Trần"

"Cái này là sao?"

Kèm theo tin nhắn đó là một bức ảnh chụp màn hình, tin nhắn của bạn trai tôi gửi cho khách hàng tôi:

"Chào anh, được biết anh là người đã từng bắt cóc kiến trúc sư Trần Phong Hào. Tôi đã nhận Trần Phong Hào về đây rồi, nhưng hình như trong quá trình bắt cóc các anh đã làm rơi não của anh ấy. Phiền anh tìm giúp được không? Não của Phong Hào tuy hơi vô dụng nhưng méo mó còn hơn không có."

Tôi chuyển tiếp tin nhắn đó cho Thái Sơn.

"Em nhắn cái gì thế?"

Ba tiếng sau, Thái Sơn trả lời:

"Anh cần tóm tắt tin nhắn đúng không?"

"Tốt hơn hết là như thế."

"Okay, vậy thì đây là tóm tắt."

Một tiếng sau tôi mới nhận được bản tóm tắt.

"Em nhớ anh."

--

Vì thấy có lỗi với cậu khách hàng nằm không cũng dính đạn, hôm sau tôi hẹn Thái Sơn đi ăn thịt ếch.

Thu hoạch lớn nhất sau một tháng đi công tác của tôi có lẽ là tấm hình tinh tinh xổng chuồng. Tôi phát hiện Thái Sơn dùng tấm hình đó làm hình nền điện thoại cho tới tận ngày chúng tôi chia tay.



------------------ 

vậy là sắp chia tay rồi =((

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro