Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

joe2

Entry for September 22, 2007 - Khăn ơi khăn hỡi!

Không có gì quý hơn một khăn tắm sử dụng được hai tháng.

Mỗi buổi sáng trước khi bước ra khỏi nhà mình phải tắm bằng nước nóng. Phải. Sáng nào cũng thế, sáng nào cũng vậy. Một ngày không bắt đầu với việc tắm nước nóng dưới vòi hoa sen coi như là một ngày không bao giờ bắt đầu - mọi việc cứ diễn ra lờ đờ trong sương mù mờ mờ.

Cảm giác sáng Chủ nhật muộn uể oải bước ra khỏi phòng tắm cầm cái khăn tắm bông xù là cảm giác tuyệt vời. Đương nhiên có nhiều cảm giác tuyệt vời khác : ví dụ, người yêu (lúc có), làm việc gì đây với tai phải của mình cũng là một cảm giác nhanh chóng đưa mình qua ngã tư thích thú, lên cầu sung sướng, rồi rẽ vào con đường to to nối vào quốc lộ điên rồ . Nhưng cảm giác "khăn tắm" ấy có thể nói thuộc đằng cấp khác.

Một khăn tắm sử dụng được hai tháng là perfect rồi. Những người "sành khăn" như mình đều biết rằng một khăn tắm mới mua sẽ không hút được nhiều nước. Tất nhiên khăn mới sẽ mềm lắm, mềm như lông tơ trên chân bướm đêm, nhưng sử dụng nó thì sẽ không hiệu quả cho mấy - dù lau mãi nhưng da của mình vẫn bị ướt ướt - cảm giác như khăn tắm đã "phân phối lại" các giọt nước thôi, chứ không phải hút chúng đâu.

Vấn đề là khăn tắm mới, như con ngựa hoang, phải qua một giai đoạn "thuần phục" mới sử dụng thoải mái được. Với chú ngựa thì phải có phương pháp "vừa đấm vừa xoa" - lúc hư cho gặp ông "doi da", lúc ngoan cho cà-rốt. Còn với chú khăn thì cũng vậy thôi - lúc hư cho gặp bàn tay siết chặt của ông máy giặt (mỗi lần ra thì sẽ ngoan hơn, hiểu ý mình hơn), lúc ngoan cho nghỉ ngơi ngoài sân thượng, tắm nắng một vài tiếng cho khỏe.

Từ 2 đến 4 tháng là tuổi thanh xuân của một khăn tắm vải bông xù. Trong thời gian đó, khăn sẽ mềm dẻo, mượt mà và... hút như máy hút bụi hút bụi vậy. Tuy nhiên, sau nửa năm khăn tắm nào cũng sẽ bắt đầu cứng đi, thô đi, hoặc thậm chí nảy sinh một vài lỗ nhỏ khiến cho mình cảm thấy rất xấu hổ khi khách mời vô tình sử dụng.

Thôi nói nhiều quá rồi, bây giờ mình đi tắm nhé.

Saturday September 22, 2007 - 04:26am (EDT) Permanent Link | 220 Comments

Entry for September 14, 2007 - Không bấm

Người ta thường nói rằng trên thế giới có rất nhiều loại người: Người tốt, người xấu, người giầu, người nghèo, người béo, người gầy, người nọ, người kia... vân vân và vân vân cho đến hết biển rộng. Tuy nhiên cái nhìn da dạng này cũng chưa hợp lý. Sự thật là bây giờ, trên toàn thế giới, chỉ có 2 loại người: người bấm "safely remove hardware" trước khi rút ra cái USB, và người không bấm.

Để những người chưa giỏi máy tính sẽ hiểu, cái USB là một ổ cứng nhỏ dùng để chuyển file, mp3, ảnh, v.v. Theo lời hướng dẫn của Windows XP, mỗi lần trước khi rút cái USB ra thì người sử dụng nên bấm vào biểu tượng "safely remove hardware" (tức "rút ra một cách an toàn" - hehe) nằm ở dưới màn hình để chắc chắn không có lỗi gì xảy ra.

Mình thuộc loại người không bấm.

Đã "rút không" mấy năm nay nhưng chưa lần nào bị mất file hoặc gây lỗi nào cả - thế nên mình rất yên tâm. Chắc cứ 100 lần "rút không" chỉ có 1 lần bị lỗi, và theo mình 99 phần trăm chẳng khác gì 100 phần đâu.

Tiếng Việt có từ "cái tôi". Cái tôi của anh Joe càng ngày càng lớn. Cái tôi của chị Hiền luôn đặt lên trên hết. Mình xin thêm một từ nữa là "cái kệ" Phải thừa nhận, cái kệ của mình đã khá lớn rồi. Phòng ngủ của mình hơi bẩn. Kệ. Áo sơ của mình hơi nhăn. Kệ. Người ta quên không rủ mình đến tham gia sinh nhật rồi nói dối bảo rằng mạng Vinaphone bị quá tải nên không gửi được tin nhắn. Cũng hơi "khó kệ" nhưng thôi, cuối cùng rồi sẽ kệ thôi.

Cách hữu hiệu nhất để đo "cái kệ" của một người nào đó là xem họ có bấm vào "safely remove hardware" hay không. Qua hành động "không đáng kể" này, mình có thể biết nhiều điều đáng kể về người đấy, về môi trường sinh sống của họ, về "tình hình cá nhân", cách ăn và cách ngủ, cách hôn và cách ôm.

Là người "không bấm", mình đã từng có ý tưởng thành lập một câu lạc bộ "unsafely remove hardware". (Tức rút ra một cách phi an toàn), tạo ra một không gian vui chơi để những người không bấm như mình có thể gặp nhau và chia sẻ về những khó khăn do người có bấm gây ra. Vào nếu một thành viên trong nhóm chứng kiến một thành viên khác "đang bấm", cố tình hay vô tình, nhiều lần hay ít lần, thì thành viên có tội đấy sẽ bị đuổi ra khỏi câu lạc bộ, bắt phải sống trong nỗi nhục của một người có bấm.

Đùa thôi. Mình nói vậy không có nghĩa là mình phân biệt đối xử, coi những người có bấm thuộc một đẳng cấp xã hội thấp kém. Trái lại, thế giới rất cần sự cẩn thận của họ. Lấy vợ "có bấm" thì cuộc sống gia đình sẽ ổn định hơn. Sinh con có bấm thì đỡ phải gọi điện kiểm tra. Và chắc câu lạc bộ không bấm của mình sẽ phải thuê một người có bấm làm thư ký - cho nó an toàn.

Thursday September 13, 2007 - 12:07pm (EDT) Permanent Link | 354 Comments

Entry for September 11, 2007 - Rau sạch

Là người đang học tiếng Việt, mình luôn ngạc nhiên về chuyện có rất nhiều từ, thậm chí là những đơn giản nhất, đời sống nhất, cũng có thể trở thành "yếu tố gây mặt đỏ".

Vui nhất là những từ "ẩm thực."

Mình có thể đi ăn phở hoặc mình có thể đi ăn "phở". Mình có thể chán cơm hoặc mình có thể chán "cơm". (Lưu ý: cơm cũng có thể chán mình rồi đi ăn "nem".) Chuyện này khiến người nước ngoài như mình coi tiếng Việt như là một "bãi mìn" không bao giờ quét hết được.

Hay là đoạn này lấy từ một bài đăng lên tạp chí Tri Thức Trẻ: "Có bồ trẻ đẹp được coi là... mốt của một số ít "VIP" hiện nay. Không có gì an toàn hơn, khi họ coi bồ là "rau sạch". Đã là bồ thì thường có cả tình, họ không phải "ăn bánh trả tiền" nữa."

Đọc xong bài này mình chỉ có một cảm giác là...đói!

Không phải chỉ riêng từ liên quan đến ẩm thực gây bối rối vậy đâu. Cách đây mấy tháng mình mở bài "Thầy giáo yêu râu xanh làm hại 5 học trò" post trên Dantri. Đọc đầu đề xong mình tự đặt ra 3 câu hỏi: râu của ai, tại sao là màu xanh, và yêu để làm gì??

Thêm một điều nữa là người Việt Nam nói chung rất thích dạy người nước ngoài từ nhạy cảm, cả từ "ẩm thực" cả từ "phi ẩm thực" nữa. "Joe có biết từ X không?" là một câu hỏi rất quen thuộc đối với mình, cững như là tiếng cười thường xuyên đi theo. Đương nhiên, "từ X" ít khi là từ "đàng hoàng."

"Joe chơi với ai mà học những từ đấy?!", có lẽ một số người đọc bài này muốn hỏi. Người bình thường mà! Không phải chỉ có người hử biết từ hư đâu. Nói chỉ là nói thôi, không có nghĩa là mình đã làm đâu.

"Joe không sợ tiếng Việt của mình sẽ bị 'vô văn hóa...hóa' à?" có lẽ một số người khác muốn hỏi. Không. Mình không sợ đâu. Học ngôn ngữ thì từ nào cũng quan trọng - chỉ cần biết sử dụng đúng lúc đúng chỗ thôi. Với lại, thỉnh thoảng những từ "vô văn hóa" ấy giúp cho mình tìm được tình bạn thực sự.

"Joe ơi, Joe có biết Đồ Sơn không?"

"Dạ có, nhưng theo em thì vẫn chưa bằng đồ nhà anh ạ"

Thế là mọi người cười phá lên, ăn tiếp, uống tiếp, vụ đi chơi xong đã là bạn bè của nhau rồi.

Càng nhiều bạn bè Việt Nam, từ vựng "mặt đỏ" của mình càng phát triển lên. Chắc sẽ có nhiều người không tin rằng một người nước ngoài tóc vàng, mặt ngây thơ như mình có thể học những từ dễ sợ này. Hãy tin đi - Đồ Sơn, đồ nhà, tầu nhanh, tầu chậm, mình biết hết mà!

Thật ra mình chưa biết hết đâu, nhưng chắc đã tốt nghiệp "Trường Đại Học Dê Non" rồi. Vấn đề là mình có muốn học cao học hay không.

Tuesday September 11, 2007 - 04:43pm (EDT) Permanent Link | 254 Comments

Entry for September 09, 2007

À quên một chi tiết! (về bài vừa post hôm qua)

"Ngay số báo Lao Động cuối tuần này, tình cờ đọc thấy bài viết của Joe, về mấy ông Yahoo đang định kiểm soát blog gì gì đấy (không quan tâm và cũng miễn bàn tới). Ôi trời ạ! Toàn là những ngôn ngữ cửa miệng quen thuộc của một số cô cậu tuổi "teen" 8X, 9X Hà thành. Từ lóng, tiếng lóng nhiều đến nỗi phải dùng tiếng lóng nói lại như thế này mới diễn tả đúng: "Hiểu chết liền"! (lấy từ bài phê bình đó)

Link của entry "Hủ tiếu" viết về mấy ông Yahoo đó (kéo lên)

Hehe, không phải là tiếng lóng hoặc ngôn ngữ quen thuộc của ai cả! Các từ đấy toàn bịa mà. Bài đấy là cố tình vô lý. Ý của mình là việc quản lý blog dễ trở thành vô lý, và bài đấy mình viết như là "bài nạn nhân" của một hệ thống quản lý blog thiếu lô-gíc và sự chủ quan. Đó là mình bình luận về sự khó khăn trong việc quản lý blog, bình luận kiểu "ngầm", chứ không phải là nói thật đâu. Chắc anh ấy chưa đọc kỹ, hoặc chưa quen với cách châm biếm của mình. (Yahoo cũng chưa hiểu đâu, gọi điện hỏi tại sao mình viết như thế.)

Cái nhà châm biếm ngại nhất trong đời là việc giải thích mình đã châm biếm cái gì như thế nào. Bình thường thì mình không giải thích gì đâu, ai muốn hiểu thì hiểu. Nhưng riêng bài này có khá là nhiều người "quan trọng" gọi điện (vì hiểu nhầm), tỏ ra "hơi lo lắng", nên mình cảm thấy "hơi sợ", quyết định giải thích một lần cuối cùng cho nó trong sạch!

À, và rất cảm ơn những người đã đọc kỹ và hiểu!! Mời các bạn đi uống bia nhé!

Sunday September 9, 2007 - 11:47am (EDT) Permanent Link | 140 Comments

Entry for September 08, 2007 - Bị tát!

Hôm nay, thay vì viết entry mới mình xin post lại entry cũ của một blogger khác, một người "trong giới" đang làm báo tại TPHCM. Anh ấy viết rất thuyết phục, rất lịch sự -- đọc xong mình cũng có một phần rất đồng ý. Nhưng, chính mình là người bị "phê bình khéo" trong bài này, thế là phải thêm một phần không muốn đồng ý đâu! (Người ta nói rằng người lớn nào cũng chỉ là trẻ con mặc quần áo cải trang thôi, và mình không thể gọi là trường hợp ngoại lệ đâu). Bài viết khá hấp dẫn, đúng style phê bình mình đã hâm mộ từ thời học đại học - có lẽ đối với mình, nó là một "sự hòa hợp" của "vẻ đẹp" và "nỗi đau", cảm giác như mình vừa bị một cô rất xinh... tát cho một cái. Tuy nhiên, mình chỉ là một trong những chủ để trong bài thôi: đằng sau chuyện "Joe ngịch" là một chuyện đáng chú ý khác, liên quan đến sự hội nhập toàn cầu, quan điểm của người Việt Nam về người nước ngoài, chuyện Hà Nội & Sài Gòn, và... vân vân.

Joe, đừng "nghịch" tiếng Việt nữa!!!

Joe, tức Joseph Ruelle, anh bạn người Canada đang học tiếng Việt và sống tại Hà Nội "bỗng dưng" nổi tiếng, trở thành người của công chúng trong vòng hơn 1 năm trở lại đây. Giờ thì rất nhiều người biết Joe. Anh xuất hiện không chỉ trên blog, các diễn đàn trên internet, trên báo (người viết, người được viết, người mẫu... đủ cả) mà còn cả trên truyền hình (làm MC hẳn hoi) và cả phim ảnh!

Joe được biết tới như là một người nước ngoài rất sành sõi tiếng Việt. Đến mức cả tiếng lóng và ngôn ngữ thời @ của một bộ phận giới trẻ VN (nhất là các bạn trẻ Hà thành) mà Joe cũng rành rẽ và sử dụng "rất có nghề", "có chất"! Nhiều bài viết, entry của Joe trên blog, trên báo thu hút rất nhiều người đọc không chỉ vì là của 1 người nước ngoài giỏi tiếng Việt mà còn bởi nó thật sự sinh động, ấn tượng, dễ thương và giàu hình ảnh. Tôi chưa từng vào blog của Joe, chỉ biết đến qua các trang báo Lao Động với chuyên mục "Góc của Joe". Mà cũng thỉnh thoảng mới đọc.

Thích lắm những cảm nhận khá tinh tế và bình luận dí dỏm, không kém phần sắc sảo của Joe về ẩm thực Việt, về con người, lối sống, giao tiếp, ngôn ngữ, văn hóa... Việt Nam. Nhưng đằng sau cái sự thích ấy bất chợt thấy có gì đó chưa được hay lắm. Nói đúng ra là chưa ổn lắm. Không biết có phải vì muốn thể hiện "đẳng cấp" rành tiếng Việt của mình hay chăng mà trong nhiều bài viết của Joe, cái hiện lên mồn một là một thứ tiếng Việt được gọi bằng mỹ từ nghe có vẻ hiện đại là "ngôn ngữ @", thứ tiếng lóng của nhiều bạn trẻ Hà Nội. Như ngụ ý rằng "Đấy, đến cả tiếng lóng tớ còn biết nghĩa là tiếng Việt tớ còn sành đến cỡ nào"! Tưởng chỉ là một hai bài viết cho vui, với chút khám phá ngôn ngữ ngồ ngộ, nhưng ai dè đâu bạn Joe lại đi hơi bị quá trớn. Đến tận bây giờ vẫn thấy ngập trong bài viết của anh chàng những từ lóng, tiếng lóng hết sức bình dân và vô nghĩa.

Ngay số báo Lao Động cuối tuần này, tình cờ đọc thấy bài viết của Joe, về mấy ông Yahoo đang định kiểm soát blog gì gì đấy (không quan tâm và cũng miễn bàn tới). Ôi trời ạ! Toàn là những ngôn ngữ cửa miệng quen thuộc của một số cô cậu tuổi "teen" 8X, 9X Hà thành. Từ lóng, tiếng lóng nhiều đến nỗi phải dùng tiếng lóng nói lại như thế này mới diễn tả đúng: "Hiểu chết liền"!

Joe ạ! Tiếng Việt dễ thương lắm, đẹp lắm. Nó mộc mạc, bình dị nhưng không đến nỗi bình dân, rẻ tiền và tối tăm ý nghĩa như những gì bạn đã biết, đã viết như thế đâu. Hay là với bạn tiếng Việt chỉ có thế? Hay bạn muốn chứng tỏ sự rành rẽ tiếng Việt của mình cao lắm, đến mức "thấm" cả tiếng lóng? Hay bạn cho rằng nói và viết tiếng Việt như thế mới là hiện đại, hợp mốt, hợp thời, đúng kiểu, đúng chất? Hay bạn viết chỉ để cho một số ít bạn trẻ Hà thành đọc và hiểu được, cảm nhận được "chất Việt" trong tâm hồn bạn?

Yêu tiếng Việt thì đừng "nghịch" tiếng Việt như thế. Yêu tiếng Việt thì phải hiểu và trân trọng tiếng Việt một cách đàng hoàng hơn. Joe ơi! Người Việt Nam quý lắm những người bạn nước ngoài đến đây tìm hiểu văn hóa Việt, tiếng Việt, học tiếng Việt. Mình thương lắm chị Lynn, người Úc (vợ ca sỹ Công Thành ở hải ngoại) với giọng hát lơ lớ nhưng vẫn hết mình với những bài hát Việt. Mình nể lắm và ấn tượng thật sự với tiếng hát truyền cảm và ngọt ngào của ca sỹ người Mỹ, Dalena, khi chị hát những bài tình ca hay những ca khúc mang âm hưởng dân ca VN, cứ như người Việt chính cống! Mới đây, 1 doanh nhân người Âu khi tham gia gameshow Kim Tự Tháp trên truyền hình đã cho thấy anh ấy yêu và hiểu tiếng Việt như thế nào.

Yêu, hiểu và trân trọng tiếng Việt không có nghĩa là cứng nhắc với những ngôn ngữ giáo khoa. Bạn vẫn có thể "tung tăng" một chút với những đổi mới ngộ nghĩnh của tiếng Việt trong giới trẻ VN, vẫn có thể có những cảm nhận riêng của bạn về tiếng Việt. Nhưng xin đừng hiểu và sử dụng tiếng Việt "loạn" và "ẩu" như thế!

Có thể không phải do bạn cố ý như thế Joe ạ. Hình như bạn "bị" (hay được???) người ta lợi dụng và "tung" lên thành "sao", thành người của công chúng trên blog, trên báo với những ca ngợi hết lời kiểu như: "Joe, một bạn trẻ Canada giỏi tiếng Việt hơn người Việt", "Một người nước ngoài sành tiếng Việt như người Việt", "Một thanh niên nước ngoài có tâm hồn rất Việt"... Nhưng nếu thật sự có lòng với tiếng Việt, yêu và trân trọng tiếng Việt thì xin bạn đừng "đùa" và "nghịch" tiếng Việt như thế nữa.

Tôi chưa từng vào blog của Joe nên chắc chắn Joe cũng sẽ không biết đến entry này. Nhưng nếu bạn nào đó đã vô tình vào blog của anh bạn Canada, hay đang là bạn, là "fan" của Joe thì hãy giúp tôi rằng:

"Ai về nhắn với Giô văn Sép -

Yêu tiếng nước tôi, hãy thật lòng!"

Nói Joe thôi đừng "nghịch" tiếng Việt nữa đã là nói nhẹ, nói giảm đi. Chứ như cái cảm giác chiều qua khi đọc bài viết trên Lao Động xong thì phải là "Joe à, bớt giỡn đi nhé", "Joe, thôi đừng đối xử, đừng hành hạ và giết chết tiếng Việt như thế nữa"...

Ừ, thật sự thì "bớt giỡn" đi nhé Joe!!!

http://blog.360.yahoo.com/blog-GXmSYbsjerPOxYz9lovwnCpw?p=616&n=28500

* Very đúng thật. Mình vốn là người nghịch, thích làm quen với người nghịch khác, và chắc sẽ lấy một người nghịch thôi. Mình nghĩ sự nghịch ngợm (nghịch đời? nghịch tinh?) là một đặc điểm rất quan trọng, quan trọng hơn cả tính chân thật... (Có ai hiểu mình không?) Nhưng mình không muốn giết chết tiếng Việt đâu! (Thở dài) Sự thật là trong rất nhiều trường hợp mình không biết từ nào là "tiếng lóng", từ nào là "đàng hoàng". Mình chỉ nghe và bắt chước thôi. (Ví dụ, hôm trước mình đi Sài Gòn, ngồi quán cafe, gọi một "nâu đá", thấy rất shock khi cậu nhân viên bảo không biết nâu đá là gì -- cứ tưởng ai cũng dùng từ đấy) Những người đã từng đi du học ở nước ngoài sẽ hiểu. Vì mình toàn tiếp xúc với các bạn trẻ ở Hà Nội nên chuyện mình hay bắt chước họ như một con vẹt là một chuyện rất "khó tránh ". Nhưng mình sẽ cố gắng hơn! (một chút) Tuy nhiên, chắc rằng tiếng Việt không "tạng yếu" đến mức một người Canada 28 tuổi có thể bước vào xứ sở này, học hỏi một tí, rồi giơ bút lên đâm nó chết đâu. Cũng nhiều người Việt Nam đã cố gắng "giết chết" tiếng Anh vậy, nhưng tiếng Anh vẫn mạnh khỏe, nhiệt tình. Thật ra mà nói, mình rất quý những người Việt Nam không tập trung quá nhều vào cái gọi là tiếng Anh chuẩn (hoặc "tiếng Anh đàng hoàng"). Họ là những người kể chuyện hay nhất ở bia hơi.

* (nâu đá là cafe sữa đá)

Entry for August 31, 2007 - Pác Joe

Trong đời có nhiều "lần đầu tiên" quan trọng. Lần đầu tiên biết đi. Lần đầu tiên biết nói. Lần đầu tiên được hôn. Lần đầu tiên...nói chung có rất nhiều lần đầu tiên quan trọng.

Hôm qua, mình có một "lần đầu tiên" quan trọng xảy ra.

Mình về khách sạn, ấn vào cái nút gọi thang máy xuống. Có hai đứa trẻ đứng đợi cùng - chúng xuống trước và đợi bố mẹ. "Máy đang xuống, máy đang xuống!", hai đứa nhiệt tình nhắc mình, chắc chỉ có bốn hoặc năm tuổi thôi. "Biết rồi, biết rồi", mình nhiệt tình nhắc lại - "Tôi chỉ ấn vào nút này cho vui mà!" Nói xong, mình ấn mấy lần liền, cười to lên. "Các cháu thấy chưa? Vui ơi là vui!" Bọn chúng cùng cười. Rồi thang máy xuống hẳn, cửa thang máy mở, bố mẹ hai đứa bước ra, mình bước vào. Thấy cửa đang chuẩn bị khép, một đứa quay đầu lại, nhìn vào mắt mình và nói với giọng rất ngoan ngoãn: "Dạ, mời bác lên ạ."

Đó là lần đầu tiên mình được gọi bằng bác.

Tất nhiên có nhiều lần mình được bạn bè gọi bằng bác (hoặc "pác" thì đúng hơn), nhưng đó chỉ là nói vui thôi, chẳng có ý nghĩa gì đâu. Từ khi sang Việt Nam cho đến ngày hôm qua, mình chưa được gọi bằng "bác thật" lần nào, ít ra là theo mình được nhớ.

"Dạ, mời bác lên ạ."

Mình không biết trả lời như thế nào. Có một phần muốn phản đối lại: "Cháu thấy tôi già như thế hả? Mắt nhiều chân chim như thế hả?" (Hoặc nói bằng tiếng Anh luôn: "Yo little dude, there aint no bac in this here elevator!) Nhưng mình chỉ cười thôi. Đó là một đứa trẻ rất ngoan, và được gọi bằng bác bởi một giọng ngoan ngoãn như thế thì ngoài cảm giác shock ra mình cũng có một cảm giác thích thú.

Vậy ở Việt Nam mình đã được gọi bằng nhiều đại từ chỉ định rồi. Bây giờ mình đã hết level cháu rồi, hết level em, hết level anh, hết level chú, và hôm qua mới hết level bác. Chỉ còn lại level ông và level cụ là sẽ game over luôn.

Friday August 31, 2007 - 03:32am (EDT) Permanent Link | 321 Comments

Entry for August 21, 2007 - Gò Công

Cái entry trước là siêu dài. Bây giờ sẽ là một entry siêu ngắn nhé!

Mình yêu Sài Gòn! Không. Chữ "yêu" ở đây nghe hơi sến, hơi banana tí nhỉ. Tức là mỗi lần vào SG chơi mình thấy sướng lắm. Ù. Đỡ hơn rồi.

Thật ra bây giờ mình đang ở xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, chỗ một người bạn thân của mình đang quay phim. Hôm trước vừa ăn bún riêu cua ở đây. Công nhận là ngon. Ở đây các món ăn có vẻ ngọt hơn miền Bắc. Oh, sugar sugar!

Thôi, trời sắp mưa rồi, phải đi, phải đi!

Tuesday August 21, 2007 - 03:49am (EDT) Permanent Link | 323 Comments

Entry for August 19, 2007 - Giá trị châm biếm

Lúc đầu, mình định mở bài này bằng câu:"Vì văn hóa Phương Tây đã có một 'lịch sử châm biếm' lâu dài và phát triển nên có lẽ mình có một cái nhìn khác về vấn đề này."

Tuy nhiên nói vậy là không hợp lý. Chính Việt Nam đã có một "lịch sử châm biếm" rất lâu dài và rất phát triển không kém gì Châu Âu - từ Hồ Xuân Hương trước kia cho đến Nguyễn Huy Thiệp ngày nay. Và đó là không kể những người ở giữa, nhất là Vũ Trọng Phụng. Thế là mình sẽ mở bài bằng kiểu khác:

Tiếng Anh có nhiều thành ngữ liên quan đến việc đi thuyền buồm, trong đó có câu "đi ngược chiều với gió". Thành ngữ này căn cứ vào một quy luật vật lý mà mình sẽ không nói ở đây, trừ khi phải giải thích một thuyền buồm đi ngược chiều với gió bao giờ cũng đi nhanh hơn một thuyền buồm đi cùng chiều. Nhanh hơn nhiều.

Việc châm biếm là thế. Bút của tác giả đi về một phía trong khi tư duy thì đi về phía khác, rồi kết quả là một tác phẩm "nhanh hơn" những tác phẩm "cùng chiều" khác. Đối với rất nhiều người trong và ngoài giới văn đàn, "nhanh hơn" ở đây có nghĩa là văn minh hơn, tiến triển hơn - một "sự thắng lợi của nhận thức".

Nhưng đối với một số người khác tốc độ đấy là...quá nhanh. Việc châm biếm rất hay bị nhầm lẫn với việc nói xấu, mặc dù hai việc đòi hỏi hai cách phản ứng hoàn toàn khác nhau. Mình bị một người nói xấu thì chuyện mình phản đối lại họ là hoàn toàn hợp lý. Thế còn mình là chủ đề của một tác phẩm châm biếm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao thì....

Mình xin góp ý như sau. Một bài "nói xấu": không cần phải gây cười, không cần phải thông minh, hài hước, hoặc dí dỏm. "Mày điên và trông như con bò," là bài nói xấu rồi. Trái lại, một bài châm biếm bắt buộc phải gây cười, thông minh, hài hước, và dí dỏm. Hơn nữa (và đây là điều quan trọng nhất) một bài châm biếm không thế gây cười thật nếu như không phản ánh một sự thật nào đó.

Có nghĩa là sự hài hước trong một bài châm biếm có chất lượng cao luôn luôn xuất phát từ một sự thật cơ bản. Đó là một "định luật về văn học" không bao giờ thay đổi. Tiếp theo, khi có một người nói ra một sự thật cơ bản nào đó, hoặc là về mình hoặc là về một việc liên quan đến mình, thì chuyện mình phản đối lại họ như là vừa bị chửi ở chợ là hoàn toàn không hợp lý.

"Không nên chấp nhận lối nghĩ đơn giản và sai lầm theo đó thì dường như nhà văn kiểu này lập công bằng cách nói xấu con người, nói xấu cộng đồng mình. Nên nhìn nhận chiều sâu của sự khám phá do nhà văn thực hiện được bằng sáng tác nghệ thuật. Nhìn ra, giúp con người cùng nhận ra chiều sâu, uẩn khúc của những tai ách đã và đang chặn đường đi tới, đó đã là một sự thắng lợi, thắng lợi của nhận thức. Còn hành động để đạt tới thắng lợi cho nhận thức đó trên thực tế đời sống xã hội, đó là việc không phải của một mình nhà văn."

Đó là ý tưởng của mình được trình bày nhờ giọng văn của nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, một đàn ông Việt Nam rất có tài. Còn nếu được trình bày theo giọng văn "thô sơ" của chính mình thì...

" Đừng có tự ái vớ vẩn nhé!"

Dù trình bày rất khác nhau nhưng hai chú cháu có vẻ cùng quan điểm là một tác phẩm châm biếm, nếu được thực hiện một cách thông minh và hợp lý, đòi hỏi một sự phản ứng khoan hòa. Tất nhiên cái gì cũng có giới hạn của nó, và có một số điều thậm chí là những nhà châm biếm giỏi nhất Việt Nam cũng nên tránh. Nhưng việc châm biếm không giống việc nói xấu, cũng như vải nhung không giống vải pôliexte. Đa số người có thể nhận ra sự khác biệt lớn ấy - miễn là họ dành đủ thời gian để sờ vải.

Phải nói, chất lượng của những tác phẩm "châm biếm Việt" mình đã đọc là rất cao, thậm chí là cao hơn các tác phẩm châm biếm nổi tiếng của Châu Âu - ít ra trong một số lĩnh vực liên quan đến cách chơi chữ và hệ thống thanh điệu của tiếng Việt. Văn học Việt Nam ngày càng có tiếng tại các nước phương Tây và nếu Văn học Việt Nam nói chung là đồng hồ dây cót thì các tác phẩm châm biếm nói riêng là Rolex Gold.

Cái hay của việc châm biếm là nó rất tôn trọng độc giả. Nếu Hồ Xuân Hương coi độc giả của mình như là một đàn chim đà điểu thì thay vì "Thân em như quả mít trên cây", bà ấy đã viết rằng: "Dạo này tôi cảm thấy hơi chán vì..."

Có lẽ sự suy nghĩ của những nhà châm biếm giỏi là: "Tôi sẽ không nói A cụ thể là A hoặc B cụ thể là B vì đơn giản tôi thấy bạn có đủ chất xám để hiều rõ ý của tôi đấy, dù ngầm, dù chôn. Với lại, lúc hiểu "ý ngầm" có lẽ bạn sẽ lộ ra một nụ cười nhỏ, và đối với tôi cái nụ cười đó chính là điều tiến hóa nhất của nhân loại."

Có một số người coi việc "chôn thông tin" vậy là ích kỳ. Ích kỷ và tinh vi. Một số người đó đã nhầm. Nhà châm biếm không bao giờ ích kỳ cả. Họ mất rất nhiều công sức để để gói quà cho mình, để khi mình bóc ra mình sẽ cảm thấy ngạc nhiên và thú vị. Đấy phải gọi là hào phóng chứ!

Đọc lại những dòng mình vừa viết ở trên chợt có một cảm giác vấn đề này rất đơn giản. Sự châm biếm, miễn là thực hiện một cách tốt, là...tốt. Có vấn đề gì đâu? Vấn đề là cứ 100 người đọc một bài châm biếm sẽ có 10 người không hiểu. Không hiểu hoặc thậm chí là cực kỳ phản đối. Đó chỉ là một sự thật về con người thôi, cũng như cứ 100 người phụ nữ sẽ có 10 người cao hơn 170 cm. (Tất nhiên có thể có nhiều hoặc ít hơn, tùy tác phẩm và dân tộc). Với lại, trong số 90 người "đã hiểu rồi", có lẽ sẽ có khoảng 20 người hiểu hết tất cả các tầng nghĩa trong bài nhưng vẫn chưa hiểu giá trị của việc châm biếm nói chung là như thế nào. Vì thế, cuộc sống của những người sống bằng châm biếm đôi khi rất thăng trầm

Hôm trước mình đọc một bài báo về Lê Đặt, một nhà thơ nổi tiếng sắp 80 tuổi. Ông ấy chắc rất hiểu sự thăng trầm là như thế nào - một hôm bị Xuân Diệu "tát cho một cái", rồi một ngày đẹp trời sau mấy chục năm được nhà nước trao giải. Một cuộc sống thất thường như thế thì rất ít người chọn cho mình.

Tuy nhiên, bài báo đó khẳng định lại cho mình một điều là Việt Nam đang theo một con đường rất tích cực, đang cởi mở một cách rất đáng khích lệ. Chứng kiến Việt Nam chính thức trở thành hội viên của WTO là mình đã phấn khởi rồi. Nhưng xem tấm ảnh của ông Đặt cười tươi vậy thì mình đã thực sự tự hào được sống ở Việt Nam vào thời điểm này.

Một phần nữa của xu hướng tích cực này là sự xuất hiện của những tác giả trẻ như Nguyễn Ngọc Tư,.... Các tác phẩm văn học của chị ấy, dù không thể gọi là châm biếm thuần túy nhưng vẫn theo một con đường "song song". Tức một con đường mà rất tôn trọng độc giả.

Chắc nhiều người biết Nguyễn Ngọc Tư hay viết chuyện buồn. Thật ra, không phải là buồn hoàn toàn (nỗi buồn chấm thêm vẻ đẹp?) nhưng mình xin gọi vậy cho dễ. Thế chị ấy nghĩ gì khi chọn "tuýp truyện" để cho vào sách của mình? Mình xin đoán là:

"Các bạn thân mến. Trong cuốn này tôi muốn cho các bạn ngửi một gia vị của cuộc sống ở Cà Mau xuất phát từ trí tưởng tượng của tôi. Gia vị này có lẽ hơi buồn. Tuy nhiên các bạn hiểu rằng nơi nào cũng có chuyện buồn và chuyện vui, vậy chắc tôi không cần nhét một số truyện vui vui vào chỉ để khảng định điều đó nhỉ"

Đó là lời "khỏi phải nói" đúng không? Thế mà chị ấy vẫn bị phê bình nhiều. Khá là nhiều. Chị nói xấu quê hương mình? Chị dám nói xấu quê hương mình hả? Bôi nhọ người dân ở đây hả? Đất ở đây đẹp mà. Người ở đây tốt mà. Cuộc sống ở đây vui mà.

Đọc xong Cánh Đồng Bất Tận mình không hề nghĩ Cà Mau là "đất buồn" đâu. Thậm chí mình có cảm giác tỉnh Cà Mau vô cùng đẹp - có lẽ liên quan đến việc "đi ngược chiều với gió" mình nói ở trên. Nhưng điều quan trọng nhất là mình biết nơi nào cũng có chuyện vui, chuyện buồn, và mình cảm ơn chị Tư đã biết mình biết điều đó - đã tôn trọng mình.

Quay lại với chuyện "châm biếm thuần túy": VTV6, nơi mình đang làm, đang phát sóng một chưong trình rất sáng tạo mang tên là "Bản Tin Cua". Chắc nhiều người vào blog này đã xem rồi - nó như là chương trình thời sự, chỉ có điều là các tin đa phần là "bơm bịa". Ở cuối bài mình post cái link để mọi người xem nhé. (Mình hiện không làm chương trình này nên có thể đánh giá một cách "tương đối" khách quan.)

Rất tiếc chương trình đó, như Hồ Xuân Hương và Vũ Trọng Phụng trước kia, đã gặp một số.."khó khăn". Tất nhiên chất lượng của Bản Tin Cua không hề giống chất lượng các tác phẩm của hai nhà văn vĩ đại này - ý của mình là Bản Tin Cua, Vũ Trọng Phụng và Hồ Xuân Hương là cùng một con đường, và con đường đó không phải ai cũng ủng hộ.

Bản Tin Cua cũng bị chê nhiều. Nhạt nhẽo. Lợi dụng lòng tin của khán giả. Nói xấu người A, nơi B, tổ chức C. Cũng một số người trong giới báo chí nói rằng Bản Tin Cua nên đổi tên để ai mà xem sẽ biết đó là chương trình châm biếm - ví dụ, "Bản Tin Hài Hước" chẳng hạn (!), rồi chạy chữ từ đầu đến cuối chương trình giải thích cái gì đang bị châm biếm và bằng cách nào.

Mất cả hay.

Mọi người ơi, tôi sắp nói đùa nhé! Vâng, mọi người ơi, tôi đang nói đùa đây, có hay không? Dạ, mọi người có thấy không, tôi vừa nói đùa xong, vui lắm chứ! Đơn giản, đó là coi thường khán giả (ít ra la theo mình) "Khán giả ngây thơ lắm, họ không sẽ hiểu đâu.", là sự suy nghĩ nằm sau cách thực hiện chương trình đó. (Hoặc khán giả "hiếu chiến" lắm, họ sẽ tự ái vớ vẩn.) Vậy theo mình, đó là việc không nên. Người Việt Nam nói chung khá là nhanh hiểu. Đó chính là một trong những điều mình thấy ấn tượng nhất về người Việt Nam, sự nhanh hiểu và cái giác quan thứ sáu đó.

Phải nói, các bạn trẻ thường quá hiểu Bản Tin Con Cua. Vào những forum như là 8x hoặc Dân trí thì đa số các comment là rất "sành châm biếm". Đó là chương trình vui mà, họ biết ngay. Tự ái làm gì - cười thì sẽ thấy vui hơn nhiều. Và đó là show dành cho giới trẻ, hoặc là những người có trái tim trẻ! (Chắc ông Lê Đặt cũng thích lắm nhỉ!)

Mình sẽ kết thúc với một chuyện cười có thật. Hôm trước mình post một bài thông báo rằng Yahoo! đã thực hiện một phần mềm thay đổi các từ "nhạy cảm" viết trên blog bằng tên của các loại món ăn đặc sắc của Việt Nam ("bỏ mẹ" thành "bánh xèo", chẳng hạn). Đối với mình, bài đó rõ ràng là châm biếm. Rất rõ ràng.

Tuy nhiên, sáng hôm sau mình bị Yahoo! Southeast Asia gọi điện từ Singapore hỏi thông tin đó là ở đâu ra, giọng hơi búc xúc và lo lắng. Rõ ràng ông Yahoo chưa đọc hết bài của mình, hoặc đọc hết nhưng chưa "đọc hết". Hic. Dễ lừa thế thì ông Yahoo sẽ rất khó mà lấy vợ tốt đấy!

Bài về Lê Đặt: http://www.nld.com.vn/tintuc/van-hoa/183094.asp

Bản Tin Con Cua: http://www.vtv.vn/VN/TrangChu/TinTuc/GiaiTri/2007/7/10/110828/

Góp ý cho chương trình:[email protected] (có ai thích xin hãy bớt một chút thời gian ủng hộ cho ekip sản xuất ctr nhé J )

Sunday August 19, 2007 - 02:44am (EDT) Permanent Link | 169 Comments

Entry for August 18, 2007 - Success!

Tin vui đây! Mình đã tìm lại bạn cũ roài! Rất tiếc bạn ấy đang...du học - như rất nhiều người comment đã tiến đoán. (Bạn ấy đang là sinh viên của một trường đại học tại Anh) Nhưng no star where, tìm lại bạn cũ là chính, với lại cuối cùng rồi mùi phở sẽ kéo bạn ấy về Việt Nam thôi. Mình đã có địa chỉ email rồi, biết bạn ấy ở đâu rồi, bây giờ chỉ cần hello lại cái là xong. Rất thanh-kiu mọi người nhé, đặc biệt là Hà Anh candy sweet, với lại Kiều Oanh đã chỉ trỏ blog cũ of Giang. Cũng rất nhiều người khác đã sẵn sàng giúp đỡ, mình rất xúc động. Hóa ra blog cũng có tác dụng lớn đấy- đúng là 360 độ!

Saturday August 18, 2007 - 03:14am (EDT) Permanent Link | 166 Comments

Entry for August 15, 2007 - Giang ơi!

Điều mình thích nhất ở Việt Nam là cách sống tình cảm của bạn bè. Mình cũng có một vài người bạn Việt Nam rất thân, là những người rất hiểu mình, hiểu cách nói đùa của mình, cái trái tim nằm sau giọng điệu châm biếm này.

Không có những người đấy thì mình không biết cuộc sống sẽ là như thế nào.

Lần đầu tiên mình sang Việt Nam là mùa thu năm 2002. Khi đó mình đã đăng ký theo một khóa đào tạo về phương pháp dạy tiếng Anh cho người nước ngoài. Sau mấy ngày học ở trung tâm, mình đã kết bạn với Giang, một cô học sinh rất cool, trong một lần mình phải phỏng vấn Giang cho bài phân tích về cách học tiếng Anh của người Việt Nam. Giang đã cho mình xem mấy cái ảnh chụp khi đi picnic với các bạn. Cũng có lần mình bị viêm mắt và Giang dẫn đi mua một lọ Vi-Rhoto xinh xắn. Nói chung, Giang là một "bà đại sứ" rất tốt của giới trẻ Việt Nam, cách cởi mở và quý khách của các bạn đang đọc bài này.

Khóa đấy hoàn thành xong, 2 người đã mất liên lạc.

Hôm trước một nhà báo đã hỏi bạn Việt Nam đầu tiên của Joe là ai. Chớt nhớ ra...

Vầy sau gần 5 năm không liên lạc, mình muốn tìm lại Giang, xem bạn ấy đang làm gì, học ở đâu, cao bao nhiêu, nói tiếng Anh như thế nào (chắc siêu lắm rồi).... Mình đã hỏi mấy người ở bên trung tâm tổ chức khóa đấy nhưng không ai liên lạc được với Giang. Thế là mình có một ý tưởng là nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng blogger Việt Nam! Có ai biết miss Giang không, người bạn Việt Nam đầu tiên của mình?

Một số chi tiết:

* Tên là Giang (hehe)

* Nếu không nhầm, mùa thu năm 2002 đã học lớp 10 ở trường Hà Nội Amsterdam (60% sure)

* Chắc học chuyên về tiếng Anh vì nói rất tốt

* Tháng 9 năm 2002 đã theo một lớp ngắn hạn tại Language Link, phố Cát Linh, Hà Nội

* Có một thời gian bố (hoạc cả gia đình?) sống ở bên Bulgari

* Sinh năm 1986? (1985? 1987?)

* Thời đó ắn mặc kiểu hơi "skater"

Đầu óc lẩm cẩm này không nhớ ra chi tiết nào nữa. Có đủ không nhỉ? Nếu có ai biết Giang xin hãy post comment hoặc tốt nhất là post link của blog of bạn ấy để mình kiểm tra xem có đúng Giang bạn của mình hay không. Cảm ơn cồng đồng blogger nhiều nhiều nhé!

Entry for August 11, 2007 - Hủ tiếu!

Ai cũng biết thế giới blog Việt có nhiều chuyện không hay.

Nhưng khi nghe thông tin Yahoo! Việt Nam đã bắt tay với Microsoft để quản lý blog bằng cách dùng phần mềm thay thế những từ "nhạy cảm" bằng tên của các món ăn đặc sắc của Việt Nam mình đã hơi thắc mắc.

Hình như phần mềm này đã được thực hiện từ hôm qua, với một danh sách có hơn 1000 từ mà cư dân mạng không được cho lên blog - chủ yếu là những hành động "ấy", hoặc là những tính từ bậy, danh từ vô duyên, động từ tế nhị, v.v.

Nói chung mình thấy cách quản lý blog nay rất điên. Không. Hơn cả điên! Đó là một phương phát thực sự là hủ tiếu!

Ví dụ, mình muốn viết về những gái đậu phụ mà dùng blog để quảng cáo về dịch vụ bán bánh chuối của họ thì sao? Tất nhiên mình sẽ phải dùng nhiều từ nhạy cảm nhưng trong một ngữ cảnh lành mạnh thôi! Một phần mềm "automatic" không thể phân biệt những trường hợp đó đâu, vậy quyết định của Yahoo! thật là mắm tôm!

Hoặc là mình dùng blog để bình luận về chuyện Hiệp Gà bị vấp ngã vì nghiện trứng vịt lộn. Đó không phải là mình buôn bán trứng vịt lộn qua mạng, đó chỉ là mình nói về một người nổi tiếng đã bị bắt vì sử dụng trứng vịt lộn trái phép!

Mình là một trong những người đầu tiên công nhận rằng có rất nhiều blog đen và thế giới blog cũng cần phải có luật lệ. Những blogger nầm dê mà cứ post các ảnh bún cá của những ngôi sao mà đã bị quay trộm thì khá là bún bò. Và chuyện một cô học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt quay các bạn nữ của mình thay đồ sau buổi chào cờ rồi post lên mạng thì thật là thiếu suy nghĩ. May là họ chỉ bắt đầu thay thôi - cho dù một số em chỉ mặc phở cuốn thôi, nhưng không ai bị tôm hấp bia với sốt cà chua đâu.

Blog thì có nhiều cách quản lý. Các sếp Yahoo! Việt Nam có thể làm như Fidel Castro, tổng thống của nước Phở-ba, và quản lý blog một cách rất chặt chẽ. Hay là làm theo kiểu các cán bộ cấp cao của nước Xúc-xích-cổ, quê hương của Thành Cát Tư Hãn và một trong những đất nước có chính sách internet thoải mái nhất Châu Á?

Tuy nhiên cách quản lý blog nào cũng phải phù hợp với cư dân mạng, phải linh hoạt và uyển chuyển - không như cách vịt quay mà Yahoo Việt Nam vừa thực hiện từ sáng hôm qua. Bực mình quá! Yêu cầu các sếp của Yahoo! Việt Nam bỏ phần mềm rau bí xào của họ ngay! Nếu không thì mình sẽ sang cơ quan của họ lấy một bánh chưng rồi cao lầu đi cao lầu lại cho dến khi các ốc nóng thừa nhận sự cơm rang của họ và bánh xèo một cách nước mắm hơn - chán bỏ ghẹ!

Joe

Saturday August 11, 2007 - 08:54am (EDT) Permanent Link | 434 Comments

Entry for August 07, 2007 - Why?

Bạn có bao giờ đi xe thoáng thấy một cô (hoặc một anh) nào đó đi cùng chiều không hiểu vì sao tự dưng lại có một cảm giác người đó là một nửa của mình nhưng hai người sẽ không bao giờ gặp nhau trong đời này không?

Gặp trường hợp đó, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ không làm gì. Không làm gì cả. Bạn không được làm quen. Muốn làm quen nhưng... làm quen như thế nào?

"Xin lỗi em, anh chỉ có một cảm giác em là một nửa của anh. Anh xin số điện thoại của em có được không? Anh sẽ mời em đi cà-phê. Mình sẽ nói chuyện nhiều, thật là nhiều. Nếu sau cùng anh hiểu ra rằng 2 anh em mình không hợp nhau và cảm giác anh đang có lúc này chỉ là một "nấc" bồng bột, bốc đồng thì anh sẽ xin lỗi em bằng cách trả tiền cho đồ uống của em luôn! Em cố gắng chọn cái rẻ rẻ nhé!"

Trong phim thì được. Nhưng trong phim Johnny Dep có thể trở về từ âm phủ và nhiều chuyện không thể khác.

Chán!

Tuesday August 7, 2007 - 02:36am (EDT) Permanent Link | 302 Comments

Entry for July 30, 2007 - Em Phương

"Đôi khi mình nghĩ [người nước ngoài] đọc blog của bạn sẽ nhìn Việt Nam như một đất nước còn quá nhiều sự "hài hước" của xứ sở lạc hậu? Bạn nghĩ sao?"

Câu hỏi này mình được một đọc giả gửi đến cách đây cũng lâu lâu rồi. Mình chỉ trích một đoạn ngắn thôi - ý của bạn ấy là blog của mình mang tính châm biếm hơi nhiều, nếu có một người nước ngoài nào đó (tức người Tây) chỉ biết về văn hóa Việt Nam qua "blog của Joe" (tức chưa một lần sang Việt Nam tự tìm hiểu) thì sẽ không hay chút nào.

Mình đã muốn trả lời "Nếu có một người nước ngoài mà (a) biết tiếng Việt, (b) không mang dòng máu Việt, (c) chưa một lần sang Việt Nam tự tìm hiểu, và (d) biết "chuối hết cả nải" nghĩa là gì thì mình sẽ vỗ tay thật lớn, xoay tròn 20 vòng, và hát "We Are the World" bằng tiếng Campuchia!"

Ý của mình là không có một người nước ngoài nào chưa sang Việt Nam nhưng có đủ trình độ tiếng Việt đọc blog của mình và hiểu các từ tiếng lóng mình học ở đây ("chuối hết cả nải" chỉ là một ví dụ nhỏ thôi). Người nước ngoài hiểu hết blog của Joe chỉ có người đã từng sống ở Việt Nam thôi, và những người đấy đã quá hiểu Việt Nam rồi, không cần mình giải thích gì đâu. "Nếu mục tiêu lớn nhất của mình là giới thiệu Việt Nam với thế giới thì mình đã viết blog bằng tiếng Anh rồi," mình đã trả lời bạn ấy thế. (Giọng hơi chua nhỉ)

Tuy nhiên khái niệm nằm sau các dòng chữ của bạn ấy cũng nên nghe. Mình thấy mình cũng có trách nghiệm giới thiệu những nét tinh hoa về văn hóa của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới một cách "đàng hoàng". Vậy có lẽ sau một thời gian - một năm, hai năm? - mình sẽ viết một quyển sách bằng tiếng "In-gơ-lít" làm chính việc đó. Nhưng viết kiểu thế nào cho "đàng hoàng" nhỉ?

Ôi, Việt Nam đẹp! Ôi, con người thân thiện! Ôi, món ăn ngon! Mình không thích đọc sách kiểu thế đâu. Việt Nam đẹp thì là rất đúng. Con người thân thiện thì là quá chính xác. Món ăn ngon thì là cực chuẩn luôn. Nhưng viết theo hướng này cũng không đâu vào đâu cả. Nhìn chung, nước nào chả đẹp, dân tộc nào chả thân thiện, món ăn đặc sản nào chả ngon (trừ các món ăn đặc sản của Anh :). Mình thực sự không muốn sách này bị "bệnh chung chung", bởi vì "sự chung chung" là hạt đậu "tác giả rẻ tiền" chọn rồi ủ mốc làm "tương nhạt". (Chắc câu này chỉ có mình hiểu thôi.)

Mình yêu Việt Nam thật, nhưng tình yêu đó không hề giống tình yêu của một cô học sinh 15 tuổi dành cho Mr. Đàm đâu. (Hoặc tình yêu của Mr. Đàm dành cho các loại giầy hàng hiệu.) Tình yêu đó phức tạp hơn nhiều, trưởng thành hơn. Trên blog mình hay trêu Việt Nam, bởi vì mình coi Việt Nam như là bạn bè cũ rồi. Và mỗi ngày Việt Nam cũng trêu lại mình không kém, các bạn yên tâm! Thế mới hay chứ!

Vấn đề nằm ở đây. Mình muốn viết quyển tiếng Anh này (In-gơ-lít = English, hehe) chủ yếu là để giới thiệu Việt Nam với thế giới, và khi giới thiệu một người với một nhóm người khác thì không được nói thoải mái quá, có đúng không? Không được trêu bạn bè của mình môt cách "thô" quá. Có phải như thế không? Hoặc là cứ nói thoải mái đi nhỉ - người ta sẽ hiểu tình cảm của mình thôi mà, và biết đâu họ sẽ bị quyến rũ mất...

Em Huyền là người tuyệt vời. Cố ấy rất xinh, học giỏi, biết ăn nói, luôn chung thủy, có tài nấu nướng, không bao giờ nói dối, chưa một lần tỏ ra tức giận...

Em Phương cũng xinh xinh đấy chứ. Bạn ấy chưa phải là hoa hậu đâu nhưng rất có duyên, đôi mắt hơi "Nga ngố" nhưng khi cười có lúm đồng tiền bên phải rất dễ thương. (Bên trái thì không có đâu!) Bạn ấy lại có tật là hay đến muộn nhưng mỗi lần đi chơi với đám đong thì biết cách làm cho mọi người cười "hehe".

Vậy các bạn đang muốn gặp ai? Mình thì mình hơi nghi ngờ về em Huyền này. Cô ấy có vẻ "tuyệt tuyệt đối", và những người có vẻ tuyệt tuyệt đối thường rất có vấn đề (với lại mình không hề muốn yêu một người không biết nói dối.) Và nếu không có vấn đề bây giờ thì chắc tương lai sẽ có thôi - kiểu một người con gái rất hiền, luôn đối xử rất tốt với mọi người, rồi một buổi sáng đẹp trời tự dưng lại đốt cháy nhà mình, đi chân đất sang bến xe-buýt, chạy lên Tây Nguyên, và sống hết cuộc đời mình trong rừng hàng ngày cưỡi voi cùng các bạn dân tộc thiểu số.

Còn em Phương kia có vẻ được đấy! Nghe kể về cô gái có lúm đồng tiền một bên này thì mình muốn gặp ngay (Mặc dù cô ấy đã sinh ra từ trong trí tưởng tượng của mình thôi). Một người con gái không tuyệt vời một cách...tuyệt vời. Như vậy thì mình phải tìm cách để các bạn nước ngoài nhìn Việt Nam như mình vừa nhìn "em Phương". Khó đấy. Hơi khó đấy chứ...

Thôi, chắc uống xong một vài chai bia nữa mình sẽ nghĩ ra cách thôi.

Monday July 30, 2007 - 02:54pm (EDT) Permanent Link | 328 Comments

Entry for July 23, 2007 = Hoa cả mắt

(Bài này mình viết cách đây hơi lâu nhưng chưa post lên blog. Post ở đây cho vui nhé)

Mình đọc báo Việt Nam rất thường xuyên, thấy báo chí Việt Nam đang phát triển rất mạnh, đăng tải nhiều chuyện hay lắm. Tuy nhiên, mình đã phát hiện ra 3 chuyện "hơi hơi" buồn cười về cách viết bài của các bạn đồng nghiệp. Kể ra đây cho vui, mong mọi người đừng giận.

Điều thứ nhất là luôn tìm cách "ngây thơ hóa bản thân" - hay còn gọi là "có tật giật mình" - đặc biệt là khi viết về những chuyện tế nhị, như là tham nhũng hay tệ nạn xã hội... Đoạn này mình lấy từ một bài báo mang tên "Gái gọi sinh viên qua mạng":

"Theo lời chỉ dẫn, tôi dễ dàng trông thấy những quảng cáo đầy hấp dẫn nhan nhản trên các website, với các địa phương riêng biệt...Đó là trang giới thiệu về gái mại dâm ở TP Hồ Chí Minh, còn ngay tại Hà Nội cũng có một loạt địa chỉ ...Kèm với những lời mời chào đó là thỏa thuận "đảm bảo từ A đến Z, giá 150.000đ"... Tôi hoa cả mắt khi đọc "tin quảng cáo" nào cũng na ná như nhau."

Mình nghĩ phóng viên ấy không "hoa cả mắt" đâu. Nhà báo thường là những người rất tỉnh táo, có lẽ thậm chỉ là những người tỉnh táo nhất trong xã hội. Chuyện tiêu cực từ nhỏ đến lớn đa số nhà báo đã quá biết rồi, chỉ cần nghe mấy ông nhà báo Việt Nam ăn hoa quả kể chuyện với nhau ở văn phòng là sẽ choáng dã man. Mình đoán phóng viên ấy chỉ "xoa cả mắt" thôi, vì buồn ngủ nhưng vẫn phải nộp bài trước 12h đêm.

Trong một bài báo khác một cô phóng viên "ngầm" kể về chuyện gặp một nhóm thanh niên hư hỏng ở vũ trường New Century:

"Dù cố nghĩ tôi vẫn không thể lý giải được, tại sao những thanh niên mới lớn này thường xuyên đi qua đêm mà bố mẹ chúng vẫn coi đó là chuyện vặt."

Mình nghĩ cô ấy có thể lý giải được. Mình có thể lý giải được. Chắc cháu hàng xóm của mình cũng có thể lý giải được. Chuyện con nhà giàu đôi khi thiếu sự quản lý của bố mẹ chẳng có gì phải sốc cả. Thật ra cô phóng viên ấy đã "lý giải được" ngay trong câu tiếp theo "Những người lớn ấy - vì vô trách nhiệm hay vì họ đã bất lực trước những đứa con bất trị?".

Điều thứ hai là rất hay cho một vài câu vào để khẳng định rằng mình là người tốt.

"Khi Trúc Ly đang chuẩn bị thoát y thì điện thoại tôi réo vang theo thỏa thuận trước với các đồng nghiệp đang đứng bên dưới. Chụp lấy điện thoại, tôi hét lớn vào máy: "Anh về ngay đây". Nói đoạn, tôi tháo chạy ra ngoài, trong tiếng chửi bới của Ly cùng nhân viên khách sạn này." (Lấy từ bài "Gái gọi" sinh viên qua mạng" trên...)

May quá nhỉ! Và tại sao bạn đồng nghiệp ấy biết chính xác cái lúc em "Trúc Ly" gì đó đang chuẩn bị thoát y nhỉ?! Mình thấy đoạn này hơi thừa. Chủ đề của bài là cuộc sống của các cô gái trẻ bán dâm, chứ không phải là sự khéo léo của anh phóng viên và bạn đồng nghiệp đang đứng bên dưới. Nếu bài không có đoạn này thì liệu người đọc sẽ kết luận rằng anh phóng viên đã nhiệt tình được em Trúc Ly phục vụ từ A đến Z chăng?!

"Có lẽ sự "trống huơ trống hoác" của Tùng cũng giống như cái cảm giác của người tu sau khi tỉnh cơn say. Tôi chưa uống say bao giờ nhưng nghe nói, buồn lắm." (Lấy từ bài New Century nêu trên)

Đoạn này cũng thế thôi. Chuyện cô phóng viên ấy đã từng hoặc chưa một lần uống say không cần thiết phải cho vào đâu - cái từ "có lẽ" ở đầu câu là đủ để người ta biết cô ấy đang đoán cảm giác thôi.

Điều thứ ba là thói nghiện "viết tắt kiểu tinh vi". Chẳng hạn: "Hơn 12 giờ đêm. Dân chơi ào ra từ một sàn trên phố T."

Thôi, ai đã từng đi chơi ở Hà Nội cũng biết sàn đấy là New Century hết, tại sao không viết hẳn ra?!

"Công an đột kích vũ trường New Century, tạm giữ hơn 1.000 người, trong đó có tên C.T - 1 ca sĩ Sao Mai Điểm hẹn."

Thôi, ai có internet ở nhà và 30 giây sẽ biết đó là nữ ca sĩ Cẩm Tú, cần gì mà phải tinh vi thế? (Có một điều nữa là thông tin đó có vẻ không đúng: Cẩm Tú bảo không bị bắt trong vụ đó. Nhưng đó là một chuyện hoàn toàn khác...)

Viết hẳn ra có thể ảnh hưởng đến "sự yên bình" của tờ báo, cái đấy mình đã hiểu rồi, nhưng viết kiểu dễ đoán như thế chẳng khác gì viết hẳn ra chứ! Tinh vi sờ ti con gà ri luôn - muốn giấu thông tin thì phải giấu hoàn toàn chứ!

Có lẽ mình nên dừng lại ở đây. Bạn sẽ hỏi: "Ơ cái anh Joe này, sao đưa ví dụ mà chẳng dẫn nguồn là từ báo nào thế?" Chết, chết, thế là mình cũng viết tắt tinh vi sờ ti con gà ri rồi. Dù sao máy tính ở nhà nghỉ này hơi chậm, một cô mặc rất ít quần áo đang bước vào phòng và bạn đồng nghiệp vừa gọi điện từ bên dưới yêu cầu mình phải xuống ngay.

Monday July 23, 2007 - 09:12am (EDT) Permanent Link | 313 Comments

Entry for July 19, 2007 - Thi vị

Tối hôm trước lúc chat chit trên mạng mình đã vô tình thành một nhà hùng biện.

Co X (6/26/2007 11:18:38 PM): nhưng kiểu gì em cũng phải gặp anh

Co X (6/26/2007 11:18:44 PM): xem anh Joe đẹp trai thế nào

Joe (6/26/2007 11:19:40 PM): vay chieu mai em nhe!

Co X (6/26/2007 11:20:00 PM): vâng, chắc anh bùn ngủ rồi, em không làm phiền nữa

Joe (6/26/2007 11:20:04 PM): du sao noi chuyen truc tiep bao gio cung thi vi hon

Co X (6/26/2007 11:20:15 PM): ôi

Co X (6/26/2007 11:20:22 PM): anh biết cả từ thi vị sao

Co X (6/26/2007 11:20:27 PM): khâm phục quá

"Cô X" này nhầm ở 2 chỗ. Chỗ thứ nhất là mình đẹp trai. Khi 18 tuổi mình đã đẹp trai lắm, đẹp trai như Hàn Quốc luôn, nhưng thời đó đã qua rồi, xa rồi, xa rồi nhỏ dại...Mình thấy 2 chân của mình vẫn đẹp trai nhưng phần còn lại thì đã xấu đi nhiều trong vòng 10 năm vừa qua. Nhưng xấu trai cũng được, với lại nghe một thằng 28 tuổi phàn nàn vậy thì những người lớn tuổi thật chắc sẽ muốn đánh cái cho tỉnh.

Chỗ thứ 2 liên quan đến từ "thi vị" đó. Sự thật là mình đã muốn viết từ "thú vị", một từ rất đơn giản, nhưng vì buồn ngủ nên ngón tay đã trở nên vụng về, lóng ngóng, vô tình gõ vào chữ "I" mà nằm ngay cạnh chữ U ấy.

Tất nhiên mình không thừa nhận sự sai lầm đó. Trái lại, mình nhanh chóng tra từ điền điện tử Lạc Việt xem "thi vị" có nghĩa là gì, rồi cứ giả vở biết từ đấy từ thời Napoloen cởi truồng.

Hôm sau, khi gặp cô X uống nước, mình được khen một lần nữa. "Tiếng Việt của anh tốt nhỉ," bạn cô X nói (Cô ấy rủ bạn đi cùng cho nó Việt Nam). "Ôi, em không biết à?", cô X đáp lại. "Anh Joe này đúng là ma xó thật, lại còn biết từ "thi vị"nữa!"

Thế là vở kịch của mình cứ thế tiếp tục, khán giả thấy hay, diễn viên thấy sướng, ông trời cười đau hết cả bụng. Thật ra bài này cũng không đâu vào đâu, trừ cái muốn nói là cuộc sống thật hay: cứ mỗi lần vô tình làm sai thì sẽ có một lần vô tình làm rất đúng.

Bài này mình viết hơi nhanh! Mình đã sửa lỗi chính tả rồi, cảm ơn mọi người nhé!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #blog#joe