Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥


Lúc mặt trời đi qua khung cửa hừng đỏ, ngó cũng chẳng còn mấy sớm nữa, Mân dừng lại đôi tay đang đóng cái khung thêu sợi, anh gọi ra ngoài kia một tiếng lớn:

"Huyến, cái Huyến!"

Huyến là đứa hầu nhà Mân, nó tai kém, nghe không rõ nên anh phải gọi tận mấy lần mới thưa dạ. Nói là hầu chứ thật ra nó giờ như người thân của anh vậy. Nhà Phác ăn nên làm ra mà bởi ba má anh bệnh nặng, nhiêu tiền cũng không chữa nổi, ông bà mất từ đó đến nay thấm thoắt đã mấy năm trôi đi. Mân có người anh lớn, nhưng ông anh này mắc chứng mê cờ bạc, bòn rút rồi cái nhà tiền tài gì mà chả cạn. Ổng bỏ quê đi biệt xứ cũng một thời gian gì rồi, để lại mỗi Mân với đôi ba đứa hầu sống bợ qua cái nghề đóng khung thêu vải. Cũng may ông anh trai không rước nợ về cho anh, giờ có nếp mừng nếp, có tẻ mừng tẻ, dần dần rồi còn mỗi cái Huyến ở lại chứ chẳng ai nữa.

Lúc vào nhà, mồ hôi trên trán Huyến nhễ nhại, nó hì hục cất thớ vải trắng phơi cả ngày bên ngoài vào, rồi lại trở ra sân vườn mang nốt cái khung thêu đi vô. Vừa hay vào tới cửa là trông thấy một cậu thanh niên, đứng lấp ló ngoài kia bụi gai màu. Huyến quýnh quýu, lật đật chạy vào nhà.

"Cậu, cậu ơi cậu."

Mân nghe cái Huyến gọi thì liếc mắt sang nhìn nó: "Tôi gọi em tôi không gấp mà em gấp cái gì?"

Huyến nuốt nước bọt cái ực, nó nói: "Hổng có, tại em ra lấy khung thêu, thấy ông Quốc ổng lập lò lu lú ngoải nom mờ ám dữ lắm, cậu ra xem."

Mân nghe tới đó thì cũng giật mình, khung thêu trên tay mém chút nữa là rơi xuống sàn. Anh hơi cúi mặt, cố che đi ánh mắt hốt hoảng. "Em xuống bắt cơm đi, chuyện để tôi lo." Nói xong, Mân đem chiếc nón đang móc trên thành cửa đội lên đầu, xỏ đôi dép dẹp dạng cao su lật đật chạy ra.

Đó là một buổi chiều tháng giêng, gió trời bên đường vẫn man mát thổi. Quốc hít vào hơi thật sâu, dặn mình không được làm mấy trò khó hiểu nữa, vậy mà cậu vẫn trốn trong mép gai, nép mình nom vào nhà Mân. Chả là Quốc muốn lén nhìn anh một cái cho về đêm ngon giấc xuân hòe. Cậu cũng sợ bị người đi ngang phát hiện, nhiều khi nghĩ ngợi, bảo mình sao không tỏ ra đàng hoàng đặng vào hỏi thăm người ta. Mà chợt cậu lại khựng người, anh Mân ảnh có chịu vậy đâu. Ảnh sợ người ta nói cậu dòng cái thứ bán quạt mùa đông, mua bông mùa hè.

Người đời nói: Cái áo không làm nên thầy tu. Ấy mà họ cũng đánh giá con người ta bằng vẻ ngoài đó thôi. Bà con ở thôn Hiệu biết tánh Mân, thân không có tình cảm với đờn bà con gái, bởi vậy họ chê anh ẻo lả, nói anh bê đê. Mà Mân có chối đâu! Anh thích đờn ông tự anh hay, nhưng nhìn ánh mắt miệt thị của họ anh cũng biết khó chịu. Hùm chết để da, người ta chết để tiếng, anh để tiếng rồi hổng muốn Quốc phải chịu cùng. Anh với cậu thương nhau chứ có biết mai mốt ra sao đâu, lỡ mà lộ liễu quá, hết thương rồi Quốc làm sao mà cưới vợ? Tại Quốc trước giờ đâu có thích con trai, tự dưng gặp phải anh rồi hai đứa dây dây dưa dưa sao thành cặp kè tới hiện tại.

Mân bước ra ngoài nhà, từ cửa trông dáng người thương thụt thụt thò thò mà anh phụt cười. Cũng thấy tội cậu dữ dằn, đã bảo là nào muốn gặp thì hẹn nhau, thế mà ngày nào Quốc cũng thập thò đầu ngõ dị đó.

"Anh nói em muốn gặp thì mai mốt hẹn nhau cho dễ tìm chỗ, em cứ không nghe lời anh gì hết."

Quốc trưng ra vẻ mặt nhăn nhó, giọng lại ráo hoảnh: "Biết là người ta không thích, mà bỏ thương lại vương tội. Yêu mà giấu giấu giếm giếm như này em thấy cũng mệt lắm!"

Mân giật mình nhìn Quốc, anh bàng hoàng cả người, chớp mắt mấy cái: "Bỏ thương lại vương tội? Quốc, em muốn chúng ta nghỉ thương hả?"

"Đâu có, ý em không phải thế." Quốc biết mình lỡ lời, nói không rõ ý nên làm người ta hiểu lầm rồi. Cậu lúng túng, đưa tay chạm lên hai má của người ta, ép nhẹ một chút là cái mỏ chu ra yêu dữ lắm, ấy mà lời người ta nói thì lại rất hung hăng.

"Chứ còn ý gì? Ý gì hả?"

"Ý bứt rời anh thì nào có nỡ, tại người ta thương anh, mà mang theo cái lòng thương này giấu giấu giếm giếm cũng khó quá đi."

Nghe lời Quốc nói, Mân thở hắt một hơi, anh trầm ngâm. Cái tình này hai đứa như đang cùng nhau đứng chênh vênh trên mỏm đá, lòng cảm giác thật trơ trọi, thiếu vắng đôi vững chãi. "Thì còn cách nào nữa đâu. Ba má em mà biết cũng toi chuyện cả vậy."

Quốc ngó ra ý lo trong Mân. Phải, thời buổi này người ta đâu chấp nhận chuyện hai đứa đờn ông thương nhau, ai mà chả đâm lo, bảo anh với cậu không buồn ngó sao được?

Quốc chẳng biết cậu đã thương Mân từ lúc nào. Phải chăng là cái đêm say trong vị rượu nồng đượm, cậu bắt gặp anh bên vệ đường, dưới gốc cây đổ lá sum suê. Đôi tay Mân lúc đó vòng sau chiếc lưng thẳng tắp, anh đứng chờ thằng Thính chạy ra lấy đồ má nó nhờ thêu chút bông quả. Phải chăng là cái hôm cậu đi trên đường, va phải người ta làm đổ hết đám lụa thêu hoa, người ta đã không giận vì bụi đất làm bẩn thớ vải, lại còn mời cậu chén trà cho đỡ oi bức mùa hạ. Ừ thì nói chung là Quốc thương anh, thương cái bóng lưng Mân bé lắm! Gầy lắm! Mà cường quật, gồng lên với mọi nỗi ai oán, buồn khổ.

Hai người thương nhau, bao lần trốn chạy những chiếc miệng đời. Mà có cái gì là êm đẹp mãi đâu, cũng phải trải qua những lần cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Chuyện người thì sáng mà chuyện mình thì quáng, cứ mỗi lần Mân Quốc giận giận hờn hờn, cái Huyến lại đứng ra làm mai lại cho hai ông, nghĩ cũng mắc cười.

Giấu cái đầu thì lòi cái đuôi, người ta bảo: Gai trên rừng ai vót mà nhọn? Trái trên cây ai vo mà tròn? Chuyện Quốc yêu Mân rồi cũng đến phiên bà Điền biết được, sợ ông nhà đánh chết con trai nên bà nào dám nói.

Chả là khi đó. Bà nghe phong phanh được ở đâu chuyện Quốc có người thương. Kể ra ngồi ngẫm ngợi, dạo này cứ mấy hôm liền Chính Quốc ở nhà, buồn rỉ buồn rê lại vác thân ra ngoài bàn đá trước hiên ngồi đờn ca, bà ở trong nghe hát mấy câu, cái gì mà: "Buồn riêng một nỗi tủi thầm. Thấy trong trời đất thét gào tâm can." Còn hôm nào vui vẻ là lại ca: "Bữa này mát dạ mát lòng. Mát tình, duyên nợ, mặn nồng lứa đôi."

Người ta có thú tiêu dao ngâm vịnh, còn thằng Quốc nhà bà thì có thú ngâm vịnh thành đàn ca. Bà mới đi ra hiên nhà, chống nạnh dòm con trai mà nói: "Bay ưng đứa ruột nào trỏng rồi? Sao không bốc luôn cô nọ về cho má coi mặt? Mấy hôm nghe bay hát hò khéo má lăn ra hoa đầu chóng mặt rồi bay kham cho hết, hát gì mà hát riết!"

Nghe thấy giọng má lù lù sau lưng, Quốc điếng một phen trong lòng. Rồi cậu làm bộ tỉnh bơ: "Khéo má lo cho chị Hai trước thì hơn. Bả đêm nào cũng nằm trong phòng cười tủm tỉm, con dòm bả con ngán mới ra đây hóng mát chớ có ai vô đâu."

Bà Điền ngó vậy thì chép miệng: "Ừ ừ. Bay cứ mà lượn lẹo. Má biết tỏng bay hết."

Hôm đầu tuần bà đi trà chiều với các cô bác gần nhà, đương ngồi tán dóc thì trông thấy Quốc vác thớ vải cùng một cô con gái, dáng người thấp lé đé, mặt mũi nom cũng ưa bụng ưng mắt. Thế là bà dáo dác bảo với những người còn lại, rằng mình tới giờ cần tạt qua chỗ nọ có chút chuyện. Chào hỏi nhau rồi thì vội vội vàng vàng bám theo sau con trai với cô gái nhỏ.

Bà lúc đó, mặt mũi tươi rói, chốc chốc lại chặc lưỡi. "Ba tháng trông cây chẳng bằng một ngày trông quả. Nhà thì một cái móng tay cũng không động việc, ra ngoài gặp con gái người ta thì chao ôi lòi hết cái nết siêng năng đáo để!"

Tới lúc Quốc với cái Huyến vào trong nhà, bà Điền ngơ ra, tại bà nghĩ chắc là nhà cô gái nọ mở tiệm vải vóc, còn nhủ với lòng mình, biết cửa hiệu thì mai mốt bà ghé sang mua, vừa xem mặt con dâu lại vừa chọn vải may một bộ ăn hỏi. Mà bà Điền cũng không nghĩ nhiều, vờ tàng như mình đương đi ngang qua, liếc mắt từ ngoài dòm vô coi xem chúng nó làm gì. Ấy thế mà bà bị thằng con nhà mình dọa cho tím người.

Nghĩ lại bà vẫn còn giận. Thà mà con bà ưng đứa nào xấu xí, mông teo khó đẻ đi bà còn chịu. Có mỗi mụn đứa con trai, nó không cưới vợ sinh con thì thôi, lại còn đòi rinh thêm cái thằng ẻo lả nhà nào về. Ông Điền đi xem chuyện điền địa nên ăn hàng quán, mâm cơm dọn ra mấy nay bữa nào cũng như bữa nào, ăn đã chẳng thấy ngon rồi mà thằng con còn chọc bà nặng mặt sa mày. Ngồi trong bàn ăn nhưng chén cơm bà Điền không động, tại cái miệng bà không thấy ngon.

"Con cái cha mẹ đặt đâu thì ngồi đó, làm gì có chuyện muốn sao cũng vừa ý bay. Huống hồ bay xin má cho rước cái thứ không phải con gái, mà trai cũng không ra trai. Chả biết nó cho bay ăn bùa mê thuốc lú gì mà bay theo nó râm rấp thư mối chẳng đặng lìa tơ thế kia. Rước nó về đây cho tai tiếng nát nhà à? Bay vuốt mặt cũng phải nể mũi má bay chứ? Nghe má, tìm đứa con gái nào cưới rồi sanh mụn con cho nó êm đẹp."

"Má! Sao má lại nói Mân thế? Con thương ảnh con mới thưa má cho cưới, giờ má kêu con cưới cô nào về sao được hả má? Có cưới cũng phải ưng người ta mới được chứ? Má coi, ảnh tính tình hiền lành, lại siêng, có gì không vừa lòng má đâu! Cái duyên nhìn đẹp hơn vẻ ngoài, má cứ tiếp xúc với ảnh đi, má ưng ảnh liền."

Quốc cũng biết người làm mẹ khổ trăm bề, nuôi lớn cậu được như này bà Điền cũng rót từng giọt mồ hôi. Bảo bà chịu ý cho cậu rước Mân về ngay thì không được, nhưng mà cũng đâu đến nỗi phải sỉ nhục người cậu thương như vậy. Mân trong mắt má cậu, anh chỉ đáng cho bà giở con mắt ác cảm, mà má có biết hồi đó là cậu đeo đuổi người ta, đơn phương người ta mấy vận niềm vui của cậu mới chiếm được tâm hồn Mân. Thương cậu anh cũng đâu có dễ sống, dễ thở. Bà không thấy tội cho anh còn trách cớ anh, bà làm cậu thật bực nóng cả mình.

Bà Điền thấy thái độ con như vậy lại càng tức hung: "Khôn cho người ta dái, dại cho người ta thương, dở dở ương ương tổ cho người ghét bay ơi! Má nói rồi đó, ưng ai cũng được, mà rước cái của nợ kia về là má chết cho bay xem. Còn bay không thích thì nghe lời ba bay, đi nước ngoài mà học."

Cái Huyến lúc đó chạy về, nước mắt nước mũi chèm nhem. Vừa vào nhà nó đã đâm đầu tới chỗ Mân khóc lóc, nức nở kể lại chuyện nó vừa hóng được từ nhà Điền. Mân nghe xong, anh buồn, buồn dữ lắm, biết rõ sẽ như vậy mà vẫn không chuẩn bị được tâm lý.

Huyến biết cậu nhà mình đang khổ tâm, nó lại càng nấc nghẹn. Nó nắm lấy tay cậu, thều thào trong buồn bã: "Cậu! Hổng mấy cậu bỏ đi, chứ em thấy cực quá."

Mân chỉ mỉm cười, cố giữ nét mặt tươi tỉnh, ôn tồn đáp: "Bỏ được thì tôi bỏ rồi. Đã không bứt ra được thì thôi, lòng lại càng muốn cố chấp với người ta em à!"

...

Độ ấy, thôn Hiệu một chiều nổi gió, hoàng hôn muộn trồi lên giữa đời hối hả với muôn ngàn những bùi ngùi. Cơn mưa kéo đến, hốt nhiên làm thôn Hiệu rả rích, cuốn đi oi nồng dưới ánh trăng vàng khuya muộn, mang về cái lạnh lẽo dội thẳng đáy lòng ai buồn bã kêu gào.

Mân khi đó, cố nói với Quốc, bằng những giọt nước mắt đau lòng: "Em đừng có đi được không Quốc?"

Quốc nghe tiếng tí tách của luyến thương và tiếc nuối trong đôi mắt người thương, phía ngực trái cậu dội lên từng cơn đau nhói. Cậu đáp: "Em phải đi, em phải học thêm làm lớn. Đợi em, ngày về nhất định chúng ta sẽ hạnh phúc. Mân, em phải chứng minh cho má hiểu cái tình em cho anh là thật, má có ép em học đây học đó, xa xôi mấy năm cũng vậy thôi."

Cuộc đời luôn nở những đóa chia li, Quốc nói thế rồi thì anh sao níu kéo được? Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Chi bằng anh chờ, chờ đến hết vọng hi anh cũng bằng lòng.

***

Nắng chiều xuyên qua lũy tre dày, chiếc xe ô tô bon bon chạy trên đoạn đường gồ ghề xiêu vẹo vào cổng thôn Hiệu. Lúc đó đã tầm giờ Thân, trời gần chiều mà lửa tháng chín hãy còn gắt gỏng, hơi nóng của buổi ngày bốc lên bức người.

Quốc ngồi trong xe, ánh mặt trời làm chói chang mắt cậu, cậu nghiêng người, tay kéo chiếc mũ quai quặp che đi nửa gương mặt. Một đoạn đường đi thật dài, người Quốc cũng đủ nhoài, chớ mà do từ đất khách về nơi quê nhà nên lòng cậu hứng khởi lựng hết lên.

Con xe vỗ còi lanh lảnh, tiếng rồ rồ cũng dần chậm lại đỗ trước cổng nhà ông bà Điền. Ta nói, người người chạy ra đông đúc như trẩy hội, bởi nay cậu nhỏ đi nước ngoài về. Cũng hai năm rồi nhà Điền thiếu bóng cậu, ông bà nhớ cậu nhỏ đã đành, cô Hai lớn còn chuẩn bị cưới chồng nên cậu về ai cũng mừng hết trơn.

Thằng Huýnh, tài xế kiêm luôn người theo hầu cậu nhỏ bước xuống xe, nó chạy ra sau mở cửa cho Quốc đi xuống.

Con Thúy cũng lanh lắm, nó xắng xở lao tới xách hộ cậu nhỏ chiếc vali, mà lanh chứ nó có biết gì đâu, cái vali của cậu nhỏ hổng biết bỏ gì trỏng mà nặng quá chừng, làm nó cúi khom đau hết cả lưng.

Huýnh chếch mắt nhìn Thúy, nó cười cười. Nhỏ này nhìn không trật vô đâu được, nó là cái đứa hồi xưa gặp ai cũng chìa môi dưới, cao chê ngỏng, thấp chê lùn, béo chê béo trục béo tròn, gầy chê xương sống xương sườn phơi ra. Có mỗi cậu Quốc là vừa mắt nó chứ đâu:

"Ai mướn mấy người tài lanh vậy? Xách không nổi còn kham? Đưa đây tui xách vô cho cậu."

"Ê. Ăn có nhai, nói có nghĩ nè nha. Cũng nặng thiệt mà tui kham được chứ ông khinh dể tui đó hả?" Mặt cái Thúy nhăn nhó, nó cũng chẳng vừa ai, cãi lại cho bằng được, ấy mà tay vẫn cầm vali dúi vào người thằng Huýnh.

Quốc bước xuống xe, thấy hai đứa hầu chí chóe lại dửng dưng như bánh chưng ngày Tết, tại cậu cũng quen rồi, nhỏ tới lớn hai đứa nó có khi nào hòa nhã với nhau đâu.

Nghe văng vẳng phía trước có tiếng ai đó gọi, Quốc ngước mắt lên trông tới thì thấy là chị hai nhà. Cô Quyên, cái hai nhà Điền thấy đứa em lâu ngày không gặp, lòng mừng rỡ, cười cười chạy ra kéo tay nó vào trong.

"Bay đi đường xa về chắc mệt dữ lắm. Ba má sang nhà họ nên chưa biết nay bay về đâu, lát nữa về chắc má vui má khóc luôn cho xem."

Quốc quay sang nhìn cô chị, cũng hai năm rồi, chị cậu đã dần trưởng thành, người ra dáng con gái hơn. Cậu cười, như muốn nói lảng rồi lại thôi, trực tiếp bảo với chị: "Em còn chỗ này muốn ghé, về bỏ đồ rồi em đi đây chút đã."

Quyên nhăn mặt, buông thõng cánh tay đang bấu trên tà áo của Quốc. Cô cũng hiểu cậu định ghé đâu, lòng bối rối, không biết nói làm sao.

"Vừa mới về mà đã muốn ghé qua gặp nó liền? Hai năm rồi mà sao bay còn nặng lòng dữ vậy? Thôi đừng có đi, chị khuyên bay thật lòng, đừng có qua đó nữa."

Quốc không đáp. Cậu cũng không nghĩ nhiều về lời chị mình vừa buông, chỉ im lặng. Chừng thấy thằng Huýnh vào cất đồ xong xả rồi đi ra thì cũng xoay người trở lại con xe, nổ máy rời đi.

Thôn Hiệu hai năm rồi cũng thay đổi, chỉ có con đường dài tới nhà ai đó trong mắt cậu thì mãi quen thuộc, bởi ngày đi Quốc cũng ghi lại hết tất thảy mọi thứ vào lòng, ở xứ người ta một mình thương mong khắc khoải, nào có quên được. Bấy nhiêu độ trôi qua, cậu cũng đã nhớ nhung người ta đến lạ lùng rồi.

Lúc con xe chạy ra đường nhà, mặt trời đã muốn khuất sau mái đồi lớn. Gió chiều hây hẩy thổi, lòng Quốc mát rượi. Cảnh lúa trải vàng ối bên thửa ruộng thì đúng là thôn Hiệu năm nào cũng có, lúa ở đây là việc hái ra tiền chính hiệu. Đường đi quanh co, gần đến nơi thì tự dưng Quốc lo lắng, không biết lúc gặp người ta rồi thì nói gì. Bẵng đi hai năm có lẻ, cậu lại về, hôm nay muốn đứng trước anh, giọng thân thiết, mắt cười hiền mà gọi tiếng "Anh!" cho xao xuyến cái lòng. Ấy mà mấy lâu níu giữ cái tình trong lòng, Quốc cũng không biết Mân có còn mặn nồng, hay đã sớm nguội lạnh tâm tư từ lâu. Những cái buồn sâu thẳm kia cậu vẫn nhớ, cậu biết anh ngày đó chỉ đáp mỗi câu "Được" với cái gật đầu khe khẽ là anh giận, giận dữ lắm trong đó, mà anh không nói. Bởi vậy cậu mới càng nôn muốn gặp anh.

Đứng trước nhà Mân tâm trạng Quốc rối bời, cậu tự hỏi mình nhiều lắm, không biết anh có nhà không? Hay đã ghé vào đâu rồi? Không biết anh có còn nhớ, còn thương cậu nhiều không? Mà nom nhà của anh thật tiêu điều, chẳng còn nhìn ra nổi chỗ này đã từng là những ký ức đẹp của cậu, lòng Quốc lại hoang mang.

Cái Huyến từ trong nhà nom ra bóng người vận tây phục đoan chính, dáng vẻ chững chạc đi vào, nó đờ đẫn, tay buông bình trà Nhài rớt xuống sàn. Chiếc bình vỡ tan, vụn như giọt nước nơi khóe mắt Huyến rơi lả tả.

"Cậu Quốc? Phải cậu Quốc đó không?"

Quốc trông Huyến khóc mà thấy lòng bất an vô độ: "Cũng còn nhớ tôi hả? Anh Mân đâu? Tôi muốn gặp ảnh."

Huyến khựng lại, nó sượng người nhìn Quốc, mặt đượm buồn, chẳng biết thốt lời như nào để nghe cho thật nhẹ nhõm: "Cậu Mân, cậu Mân đi rồi ạ."

"Đi đâu? Chừng nào về?"

Hai vai Huyến chùng xuống, lòng nó quặn lại: "Không phải, không phải đi cái đó."

"Chứ ý em là sao? Mân ảnh đi đâu?" Quốc bắt đầu cảm thấy nóng ruột, nỗi bất an trong lòng dấy lên như đốm lửa, bập bùng dễ làm con người ta nổi nóng.

Cái Huyến lúc này mới thở ra một hơi dài, xót xa kể lại: "Dạo trước cậu hai Minh nhà em thình lình về, đòi tranh chấp ruộng cửa với cậu Mân. Cậu Mân không chịu đưa ra giấy tờ đất đai nên hai người có cãi vã, xích mích, rồi.."

"Rồi làm sao?" Quốc nhăn mày, sốt ruột hỏi.

"Cậu Minh tức tối lao tới đánh cậu Mân, lúc giằng co cậu Mân bị đẩy đầu va vào cạnh ghế, phun ra máu đen, sau gáy còn sưng lên rướm cả máu nữa. Em với cậu Minh hoảng hồn đưa cậu đi viện mà không kịp, cậu mất từ đó tới nay đã gần nửa năm rồi."

Quốc đứng lặng thinh như tờ. Chết lặng, câu chết lặng thật rồi. Lòng đau như chính mình trong thống khổ, như đất mẹ dân quê đắm mình trong bão tố.

Huyến bưng lấy mặt, rung động hai vai, mãi đến lúc sau nó mới sực nhớ, chạy vào trong lấy ra một thứ đồ.

"Cái này cậu nhà em làm lúc còn sống, chắc là làm cho cậu, em gửi lại cậu, nhà cửa này em cũng gửi cậu luôn. Lúc biết cậu Mân mất, cậu hai Minh bỏ trốn mất tiêu, họ hàng gần xa cậu nhà em không có nên đó giờ em đều chăm nhà cửa, nay cậu Quốc về em cũng yên tâm."

Nói tới đó Huyến lại sụt sùi, nó không nén nổi cái xót xa, day dứt. Nghĩ lại mà ngậm ngùi cho cậu Mân, nó thương cậu, cái số cậu sao mà khổ quá chừng. Qua loa quệt đi nước mắt, Huyến nhìn Quốc, chìa ra vật của cậu Mân nhà mình mà nó đã giữ nửa năm đổ lại.

Quốc cúi gằm, ánh nhìn dại ra. Hỡi ôi cậu chẳng biết gì nữa. Cậu nhớ, nhớ người ta quá. Nhớ vóc người mảnh khảnh, đôi mi dày, cái trán cao. Nhớ tháng giêng nọ có tiếng người thương đứt đoạn, vào một buổi chiều gió cuốn lưa thưa. Hỡi ôi thiên thu là thứ vĩnh hằng, nỗi nhớ hãy còn dù đêm có tối muộn, dù nhà ai đã tắt đèn về khuya. Có chăng việc cậu làm là ngu ngốc? Để anh chờ, anh đợi, lại cuốn trôi lòng anh theo mòn mỏi cả đời.

Quốc chợt bừng tỉnh, cậu nói với Huyến: "Nhà cửa giờ em lo đi, tôi chỉ lấy cái khung thêu này thôi, tôi còn chẳng xứng đứng tại chỗ này."

Thấy cái Huyến nghẹn ngào, bẽn lẽn gật đầu, Quốc bước ra khỏi nhà. Cậu dòm khung thêu trên tay có kèm tấm vải trắng, dẫu trời có mịt mùng, không gian tối đen như đèn mực, cậu cũng trông ra vải anh thêu hai đóa hoa Nhài. Mân thuở ấy rất thích uống trà, trà vừa thơm vừa thanh mịn tấm lòng. Hoa Nhài trắng lắm, nổi bật trong tách trà nửa đời này có nếm đi nếm lại, Quốc vẫn khát một chia phôi.

Cái gì mà hữu chí cánh thành? Chí nên rồi mà người có còn nữa đâu. Ai ở nơi đó có khóc trong những đổ nát hoang tàn, rồi chợt thốt lên cái lòng đôi câu vội vã:

"Người chờ tôi vẹn mòn hòn đông, mòn vệt ấm hoàng hôn hằng vĩnh.
Tôi chờ người phai nhạt bóng xuân, phai đến hết vọng hãy còn vương nỗi buồn."

---Hết---

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro