Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Thầy...


"Dạ?"

Huệ tròn mắt nhìn cậu, nhìn cả tờ giấy cùng đống bạc vụn cậu đặt trên bàn, trên tay nó vẫn là ấm trà mới hãm còn nghi ngút khói. Nó hỏi lại, để chắc rằng nó không có lãng tai, chứ chẳng đời nào cậu lại lẫn được.

"Mày cũng tới cái tuổi này rồi, không cần ở lại đây nữa!" Cậu vừa mới rời tay khỏi cái tờ giấy bán thân đã lòe nhòe nét mực từ chục năm trước, cái hồi nhóc con này mới chỉ đáng có hai mươi đồng, cái hồi mà nó mới tí tuổi đã bị dắt đến cái chốn xa lạ này.

"Giấy bán thân trả mày, còn cái này là thưởng cho mày mấy năm qua!"

Huệ đứng ngây ra như phỗng, bàn tay nó hơi run lên nhưng vẫn đỡ lấy ấm trà bằng sứ, hơi nóng áp vào da thịt mà chẳng khiến nó mảy may để ý tẹo nào. Tai nó hơi ù đi, nó không hiểu chuyện gì, cậu vừa mới về, gọi nó pha trà, rồi cậu cầm ra tờ giấy bán thân do dì nó viết với bà Ba, để lên bàn rồi bảo với nó rằng nó không cần ở lại đây nữa.

Nó chết lặng, nó không hiểu bất cứ cái gì đang diễn ra hết, nó nhìn cậu mà không giấu nổi sự hoảng loạn.

"Cậu...cho em biết tại làm sao được không?"

Túc Na chống cằm, uống chén trà nó mới rót, cậu nhìn ly trà rồi nhìn nó, vẻ mặt cậu thản nhiên tới không thể tả, như thể cậu đang nói chuyện với đứa quái nào chứ chẳng phải Phục Hắc Huệ, bởi mọi ngày cậu chẳng bao giờ nhìn nó thế này, ánh mắt cậu chưa bao giờ lạnh lẽo thế. Cái nó không hiểu hơn là, mới mấy hôm trước cậu vẫn nói với nó mấy lời nhẹ nhàng dỗ nó ngủ, rồi qua dăm hôm lên triều, cậu trở về như thể chẳng quen biết gì nó.

"Còn làm sao nữa? Con ở tới tuổi thì còn giữ lại nhà làm gì. Mày thì cũng tốt đấy, nhưng cũng phải để mấy đứa khác làm nữa chứ!"

Cậu nói thế, giống như nó cũng chẳng khác gì mấy đứa người ở khác, tới tuổi thì cũng biến khỏi nhà thôi, chứ chẳng trông nhờ được gì nữa. Huệ thì cứ ngây ra như phỗng, tay nó hơi run lên, nhưng vẫn cứ ôm lấy cái bình trà, chẳng dưng cậu lại lạnh nhạt với nó thế này. Cậu có giận nó cũng có bao giờ làm thế, nó thấy cậu bình tĩnh thật, hệt như khi cậu nói chuyện với mấy lão quan tới nhà nịnh bợ mình, cũng giống khi cậu nói chuyện với bất kỳ ai khác cậu chẳng thân quen.

"Vậy trước đây..." Nó hơi nghẹn lại, nó tính hỏi cậu tất cả mọi thứ cậu nói với nó, cậu làm với nó thì thế nào, nhưng câu chữ nó không thoát ra được. Thật may, hoặc chẳng thế, cậu hiểu nó muốn nói cái gì, cậu đáp.

"À mấy cái đó thì mày nghĩ thế nào cũng được, nếu mà thấy không vừa lòng thì cứ nói tao!"

Huệ im hẳn, nó nhìn chằm chằm vào tờ giấy bán thân cùng số bạc trên bàn, à hay ý cậu vốn là thế, mà trước đây nó cứ hiểu nhầm. Chẳng tưởng nổi cái đứa như nó cũng có ngày mơ tưởng được tới cái mức ấy, rồi giờ nó chẳng biết mình đang cảm thấy thế nào nữa, cổ họng nó nghẹn lại, bất cứ khi nào nó cố gắng hít thở, vai nó lại hơi run lên một cách yếu ớt.

"Vậy là không còn gì nữa đúng không?"

Nó cố hít thêm một hơi vào lồng ngực đang quặn lên vì khó thở, nó đặt ấm trà vào giỏ trúc, lòng bàn tay giờ đã tấy lên vì bỏng. Nó cúi mặt, lắc đầu.

"Không thưa cậu!"

"Cảm ơn cậu đã chiếu cố em thời gian qua!" Huệ cúi đầu.

Rồi nó cầm lấy tờ giấy bán thân, đẩy cửa bước ra ngoài, nó bước tới căn phòng nó ở ngay bên cạnh, mặc vào bộ đồ cũ từ thuở nào, rồi gói ghém đồ đạc vào cái tay nải, đeo vào vai. Từ lúc nó bước ra khỏi phòng cậu cho tới khi bước ra khỏi sân viện còn chưa tới một nén hương. Bà ba đi chùa tới sáng hôm sau mới về, nó chẳng có cơ hội gặp bà mà chào hỏi

Tận lúc nó ngoái lại đã chẳng còn thấy rõ cái mái nhà lợp ngói xuân nó từng ở chục năm qua, nó cũng chẳng thấy, chẳng nghe tiếng cậu, có lẽ cậu cũng chẳng rảnh mà quan tâm nó thật. Tới đây rồi, nó mới dám khóc, nước mắt nó cứ trào ra không ngừng, mọi chuyện diễn ra với nó nhanh quá, cậu cũng thản nhiên quá, làm nó cứ nghĩ nó mới chỉ chớp mắt một cái. Mười năm qua với nó cũng như cái chớp mắt mà qua, nhưng rõ rành tình cảm của nó thì đâu có thế, lúc cậu bảo nó đi, nó chẳng nghĩ được gì mà cứ thế đi thẳng, có lẽ dù thế nào thì nó vẫn sẽ luôn nghe lời cậu, vốn nó luôn tâm niệm rằng có chết cũng chẳng đền nổi ơn cậu trao nó.

Huệ không hiểu, sao cậu lại có thể làm thế, sao mà cậu có thể ôm nó vào lòng dỗ dành nó, ngồi nghe nó nói cả buổi về những chuyện đâu đâu một cách thích thú như thể nó là tất cả những gì cậu hứng thú với. Rồi cậu lại lạnh nhạt với nó như thể cậu chưa bao giờ làm thế, chưa bao giờ nói với nó mấy điều viển vông vậy.

Nó nắm chặt góc áo, chắc ở đấy lâu quá, nó cũng quên rằng mình nào có phúc phần hưởng mấy cái đấy. Cái thói đời trớ trêu dẫu biết còn lâu mới với tới mà cứ mơ, mơ chán rồi lúc tỉnh lại tiếc hùi hụi, tiếc cái thứ còn chẳng phải của mình. Chắc trước giờ nó vẫn cứ mơ cao quá, nên nó quên mất mình nào phải giống phượng giống công, có mà cái giống gà trụi lông ấy.

Nó lang thang, đi tới đâu nó cũng chẳng biết, nó đi tới lúc trời sẩm tối, khi từng cơn gió rít gào bên tai không chỉ mang theo cát bụi nữa, mà còn cả cái lạnh giá tới thấu xương. Nó tá túc lại cái nhà bỏ hoang, cái chốn này còn mỗi cái mái che mưa, chứ trong nhà chẳng còn gì ngoài manh chiếu rách, nhưng nó nghĩ thế vẫn còn đỡ, còn hơn là ngủ ngoài nghĩa địa.

Thật ra nó chẳng biết mình đang đi đâu, cũng không nghĩ tới được mình sẽ đi đâu. Nơi đầu tiên nó biết mình không nên tới nhà là mụ dì nó, mụ sẽ đuổi nó như đuổi tà, sẽ coi nó như cái thứ xúi quẩy mụ tốn công lắm mới tống đi được mà bằng ấy năm rồi còn về ám quẻ mụ. Nó là cái đứa không cha không mẹ, không ai biết nó đến từ đâu, mụ dì từ mặt nó thì cũng coi như nó như cái thứ ất ơ ở xó nào xuất hiện, chẳng ai thèm để ý.

Huệ ngồi trước đống lửa, bên ngoài gió vẫn rít từng cơn thấu tận xương, còn nó thì như trở về những cái năm mình vẫn còn ở nhà dì, tối nào nó cũng tranh thủ chui xuống nhà dưới, nằm cạnh cái bếp củi đã tắt lửa từ đời nào, nhưng muội than hẵng còn ấm, và thế thôi là đủ cho nó khỏi chết rét. Dì nó nằm trong buồng chăn ấm đệm êm, mụ quấn tận hai lớp chăn, gối cao đầu mà ngủ dẫu trong nhà vẫn còn có đứa nhỏ mụ từng đon đả cười nói rồi đón về nhà. Tới con chó trong nhà, cái chuồng của nó cũng được lót thêm mấy lớp quần áo cũ, mụ thà để lót chuồng chó chứ chẳng cho nó mặc.

Nó không biết mai nó phải đi đâu, ở trong làng chẳng ai chứa chấp nó, khốn thế, chẳng ai biết nó từ đâu tới, nên cũng chẳng ai dám cho nó cái chân làm công chứ đừng nói là chứa chấp nó. Huệ phải đi thật xa khỏi cái làng này, may ra mới có chỗ cho nó dung thân.

Nó nghĩ về những chuyện trước đây, nó cắn chặt môi để không bật ra những tiếng nức nở. Nó ngỡ mình mới tỉnh mộng, rằng những thứ nó trải qua trước đây đều chỉ là mơ, chẳng có lấy một tí gì là của nó cả. Nó bó gối cả đêm, đôi lúc nó sẽ thiếp đi vì mệt, nhưng rồi lại giật mình tỉnh giấc, mắt nó ướt đẫm, chẳng biết là vì sao, nhưng nó cứ rấm rứt tới tận sáng.

Nó đi một mạch về hướng Đông, nó đi nguyên ngày kiểu gì cũng sẽ gặp được một cái chợ be bé, hoặc một xóm làng, dẫu đìu hiu nhưng ít ra còn có chỗ lưu lại.

Huệ chấp nhận mọi thứ rất nhanh, nó dường như còn chẳng cố gắng nghĩ cách trở về cái nơi mình đã gắn bó gần chục năm ấy, giống như nó luôn sẵn sàng cho chuyện này. Hơn cả nữa, chẳng ai cần nó, trước đây cũng thế, giờ cũng chẳng khác gì, nó chẳng lấy gì làm tủi nhục, nó cứ lặng lẽ rời khỏi cái chốn ấy, giống như vốn nó đã chẳng thuộc về bất cứ nơi nào.

Cái duy nhất nó luyến tiếc là Túc Na, nó từng sống lay lắt như một cọng rơm ngọn cỏ ở xó vườn nào đấy cho tới khi cậu nhặt nó lên, rồi đem về cắm vào bình hoa trong phòng. Lúc ấy, cậu là tất cả những gì nó có thể nghĩ về, kể cả mục đích sống của nó. Nhưng hình như cũng như dì nó, thoạt đầu người vẫn còn chăm bẵm nó vì còn nghĩ cha nó sẽ trở lại đón nó cùng với món hời mang cho mụ, nhưng bẵng đi cả mấy tháng chẳng thấy tăm hơi gì, mụ chán hẳn, rồi mụ mặc thây cha nó sống chết ra sao. Ngọn cỏ thì lấy đâu ra hương hoa, rồi người ta sẽ nhận ra nó chẳng nên ở trong cái bình sứ tinh xảo, điều ấy thật kệch cỡm làm sao. Ngọn cỏ theo gió bay qua khung cửa sổ, lăn lóc trên nền đất bụi bặm, trở về nơi nó thuộc về.

Nó đi ngót cũng hai ngày trời mới thấy một xóm nhỏ, nằm ngay dưới chân núi, xóm tuy nhỏ nhưng thôn dân đông, trẻ con lăng xăng chạy khắp nơi. Chốn này không tấp nập như làng nó từng ở, nó để ý thấy phương ngữ của người ở đây không đồng điệu, có lẽ là từ khắp nơi tới đây, hoặc lưu lạc như nó. Người ở đây không sợ người lạ, thậm chí có thể nói là đã quen với cảnh này, thế nên khi nó xuất hiện, người ta cũng chỉ nhìn qua một cái rồi đi làm việc như thường.

Sẽ có mấy đứa trẻ cứ chăm chú nhìn nó, vài cô thôn nữ ngóng theo bóng hình nó. Mọi người ở đây ra đồng từ sớm, tối đến thì cài then cửa ở yên trong nhà, nó nghĩ cũng phải, nơi đây đồng không mông quạnh, có mỗi nơi đây có người, đêm xuống có bao nhiêu cái rủi mà chẳng ai dám thử cả.

Nó mở một lớp học nhỏ ở cuối thôn sau khi nó cất công lợp lại ngôi nhà cũ nát nằm đấy. Dân chỗ này nghèo, nó chẳng nghĩ được tới cảnh làm thuê mướn cho ai, dạy học là cách duy nhất để nó ở lại chốn này.

Mặc dù nó đoán trước được, nhưng vẫn chẳng khỏi thất vọng. Trẻ con ở đây nội việc đi làm phụ cha mẹ thì cũng chẳng có thời gian đi học, hơn nữa, chúng thích rong chơi hơn là ngồi nghe mấy thứ nó nói. Người lớn thì cũng chẳng có ý muốn cho con mình học chữ nghĩa gì, dẫu sao sau cũng làm nông cả.

Bẵng đi cả chục ngày, lớp vẫn vắng tanh, nó vừa viết vừa ngóng ra ngoài, mặt trời đã quá đỉnh đầu từ lúc nào, nó nghĩ đâu chưa tới hai canh giờ nữa thôi là trời tối, hôm nay cũng chẳng có bóng đứa trẻ nào dạo qua đây.

"Cho hỏi, chỗ này dạy học đúng không?"

Huệ giật mình, nó nhìn về phía cửa, một người đàn ông cao lớn đứng ngay đấy, người ông ta như cây cột đình đóng ngay trước cửa, che lấp toàn bộ ánh sáng vốn nãy còn làm rạng căn phòng lên. Nó vội đứng dậy, mời người ta vào. Người đàn ông cẩn thận ngồi lên chiếc ghế tre mỏng manh, như sợ rằng chỉ cần mình vô ý cũng làm gãy đôi cái thứ dưới chân.

"Dạ, bác tới đây..." Nó ngập ngừng, ngó thấy đằng sau người đàn ông chẳng có lấy dứa nhóc nào, nó chẳng dám đoán già đoán non người này tới làm gì. Người đàn ông đứng tuổi, tóc tai lòa xòa trước mặt, nét mặt già dặn, chính trực, khóe miệng có một vết sẹo dài, khiến vẻ ngoài của ông trở nên dữ tợn.

Bất chấp dáng vẻ như thế, người đàn ông lại từ tốn, giọng nói dẫu khàn khàn hơi khó nghe nhưng điệu bộ lại ôn tồn.

"Tôi tới học chữ thầy ạ!"

Huệ chợt khựng lại, rồi khóe mắt nó hơi ấm lên, nó vội gạt hết giấy tờ trên bàn qua một bên rồi cầm viên vôi lên vạch lên bức tường đen nhám phía sau mình.

Nó viết từng dòng trên bức tường đen, rồi giảng giải cho người đàn ông nghe từng chút một. Nó giảng kỹ, nói lại mấy chỗ nghe có vẻ lắt léo, vẻ mặt của người đàn ông chăm chú, không hẳn là nhập tâm vào bài giảng của nó, mà hình như còn là quan sát nó, một cách tự hào đến lạ kỳ.

Từ hôm ấy, người đàn ông cứ chiều chiều lại ghé qua chỗ nó học, dần dà có thêm mấy người cũng tầm cái tuổi ấy, có lẽ là bạn, mặc dù nó nhìn cái cách mấy người ấy đối đáp với người đàn ông không được tự nhiên lắm, nhưng lớp học của nó càng lúc càng đông, dần dà cũng có người dắt cả con nít theo nghe nó dạy.

Người đàn ông thường xuyên ở lại giúp nó dọn dẹp, dẫu cho bề ngoài bặm trợn nhưng hành động cùng lời nói của ông đều rất mực quan tâm tới nó. Huệ luôn e dè trước sự quan tâm của người khác, nó luôn nghĩ rằng không dưng mà người ta lại tốt với mình. Nhưng chẳng hiểu sao nó lại buông bỏ mọi phòng bị mình chuẩn bị sẵn. Người đàn ông dường như biết nó, biết rất rõ là đằng khác.

"Hồi còn ở chiến trường ấy..."

Nó chăm chú ngồi nghe người đàn ông kể chuyện, ông ta vừa kể, đôi lúc còn xen lẫn vào những tiếng cười hoài niệm. Những câu chuyện nó chưa từng nghe bao giờ, vốn chuyện ngoài sa trường chỉ có giết chóc lẫn máu me, ấy thế mà qua lời kể của người đàn ông này lại biến thành những giai thoại mà nó tưởng như chỉ có trong tiểu thuyết. Rõ ràng ông từng là một người lính, hoặc thậm chí là một vị tướng nào đấy, gần như dành cả nửa cuộc đời bán mạng ngoài chiến trường. Điều đấy cũng lý giải cho những vết sẹo ẩn hiện sau lớp áo của người đàn ông.

Nếu Túc Na ở đây, nó sẽ đem hết những chuyện này kể cho cậu, cậu luôn chăm chú lắng nghe nó kể về mọi thứ, đôi lúc còn ồ lên tán thưởng những câu chuyện này. Rồi nó chợt khựng lại, nỗi nhung nhớ nó chôn sâu dưới đáy lòng đang nhộn nhạo muốn bò lên khỏi cái giếng cạn nó đã lấp xuống bao nhiêu là đất đá.

"Huệ? Con làm sao thế?" Người đàn ông đặt tay lên đầu nó, bỗng nó ngây ra như phỗng thế làm ông không yên tâm. Huệ nó giật mình lắc đầu bảo không sao, người đàn ông gọi tên nó mà chẳng có tí gượng gạo, nó còn chẳng nhớ mình đã nói tên cho người này lúc nào, nhưng giờ thì gần như cả làng đã gọi nó là thằng Huệ rồi.

"Cháu không sao ạ!"

Nó nhớ mang máng mấy người đi cùng người đàn ông này gọi ông ta là Phục gì đó, nhưng nó chẳng nghe rõ, nó cũng chẳng bao giờ gọi tên người ta, chỉ một tiếng "bác" người đàn ông đã đáp lại nó rồi.

Người đàn ông gọi là Phục ấy hay mời nó qua nhà ăn cơm cùng mình, nhà ông ấy cách nó mấy mái nhà, cũng nằm tút lút ở cuối thôn. Mỗi lần tới, ông ấy đều chuẩn bị sẵn thịt cá, nó đoán là người này đi săn về, cất công tiếp đãi nó như thế làm nó thấy cũng ngượng ngùng. Ông ấy biết ý, bảo nó rằng ở đây chẳng lấy đâu ra cắc bạc nào mà đóng tiền dạy học cho nó, thôi thì cứ để mình đãi cơm nó cho hai bên đỡ khó xử.

Huệ dần quen với người đàn ông này, tới mức có thể gọi là thân thiết hơn cả mức bình thường. Người ngoài nhìn vào đều nói quan hệ của họ giống người thân, còn chưa kể nhìn cả hai cũng vô cùng giống nhau. Nhất là đôi mắt, làm sao mà có chuyện bốc đại hai người từ đâu đẩu mà giống nhau như lột thế này, nó lại nghĩ là trùng hợp, bởi nó thì làm gì còn người thân nào, trừ cái người cha nó còn chưa một lần thấy mặt.

Hôm ấy, nó vừa rửa chén xong, vừa mới định bước vào nhà thì nghe tiếng nói chuyện.

"Phục Hắc tướng quân, ngài định giấu cậu ấy đến khi nào?"

Nó chợt thấy người đàn ông trừng mắt một cách dữ tợn khiến người đối diện im bặt, anh ta trông khoảng chừng ba mấy tuổi, cũng giống như toán người quen biết với người anh ta vừa gọi là "Phục Hắc tướng quân" kia, họ mang theo cái không khí khắc nghiệt của chiến trường qua những vết tích trên cơ thể.

Nó vội lủi ra vườn để tránh bị phát hiện, nó ngẫm nghĩ, cái tên này rất quen. Hình như Túc Na từng nhắc tới cái tên này, vô tình nó nghe được khi cậu đang viết sớ, lúc ấy nó cũng biết sơ qua về việc cậu đi tìm thần tử tiên triều, cùng kế chiêu điều binh tướng, dẫu cho cậu không kể rõ ràng, nhưng dường như là cố ý để nó biết không đầu không đuôi.

Nhưng nó vẫn còn canh cánh trong lòng, cái tên "Phục Hắc" này rất quen tai, dường như nó quen biết rất rõ người này, đến mức chỉ nhắc qua thôi cũng khiến nó phải lưu tâm. Nhưng nó còn chưa kịp nghĩ tiếp, người đàn ông từ trong nhà gọi nó vào.

"Ta đi có chút việc, mấy ngày nữa nhờ con trông nhà rồi!"

Ông xoa vội đầu nó rồi đeo lên tay nải lớn trên lưng, tay cầm theo thứ gì trông như thanh trường đao được quấn lại bằng vải cũ đã xỉn màu. Nó đứng đấy, ngơ ra cả ra, chẳng hiểu sao nó thấy cảnh này quen quá, nó bỗng muốn đưa tay ra níu vạt áo người đàn ông lại, nhưng nó lại siết chặt nắm tay giấu ra sau lưng, gật đầu.

"Vâng!"

Huệ nó nghĩ mình chỉ tới đó thôi, giờ nó đã chẳng còn làm được trò trống gì nữa, nó mặc định là mình chỉ nên sống thế này là đã quá tốt đẹp rồi.

Mấy ngày sau, đột nhiên nó nghe có tiếng người gọi nó từ ngoài cửa.

"Huệ! Cậu có đó không?"

Nó nhận ra cái giọng này, rồi nó chạy ra ngoài, ngó thấy cái đầu màu hồng nó vẫn hằng mong nhớ khôn nguôi, nhưng chẳng phải cậu, thằng Nhân tới tìm nó, cu cậu thở hổn hển chống tay lên thành cửa. Vừa thấy nó, cu cậu reo lên, rồi chạy tới ôm nó.

Huệ sửng sốt, rồi cũng vỗ vai người bạn từ xa tới này. Du Nhân lúc chạy tới nhà cụ Lưỡng tìm nó đi nói chuyện thì chẳng thấy đâu, gia nhân trong nhà ai nấy mặt tiu nghỉu bẩm rằng nó đi khỏi nhà được nửa tháng rồi. Cu cậu chạy thẳng tới sân viện của Túc Na, chưa thấy mặt người đâu đã đánh tiếng chửi, cu cậu học được bao nhiêu chữ nghĩa là đem ra chửi tất, ầm ĩ ỉ ôi tới tận trưa, ấy thế mà cái người bác bình thường chỉ cần nghe tiếng bước chân cu cậu đã cầm sẵn roi mây trên tay giờ lại chẳng thấy đâu.

Du Nhân mạnh dạn đẩy cửa bước vào, thấy cái người kia ngồi chống cằm đọc sách, vẻ tiều tụy tới mức không thể tin nổi. Túc Na trông chẳng khác gì cái xác không hồn, hốc mắt sâu hoắm, quầng thâm đậm tới mức Nhân phải nheo mắt nhìn coi ông bác trẻ này đang âm mưu cái gì. Nhưng mặc cho cậu có đứng đấy nói cả nửa ngày, Túc Na vẫn chẳng mảy may để tâm.

Thế này, thế này là bộ dạng nên trưng ra của cái người vừa đuổi cổ con ở trong nhà đi như không có gì à?

Du Nhân không phải người không biết điều, cu cậu mấy hôm sau mới chạy đi tìm Huệ, phần vì thấy có ẩn tình, phần vì có chuyện lớn mới phải gấp rút chạy đi.

Cu cậu vừa đi vừa hỏi dò, vỏn vẹn ba ngày đã tìm được cái làng Huệ nó ở. Nhân được nó kéo vào nhà uống trà, hai đứa chuyện trò một lúc, bỗng Du Nhân nhớ ra chuyện gấp, cu cậu nghiêm mặt, bộ dạng nghiêm túc tới mức căng thẳng. Nó hiếm khi thấy cái biểu cảm này từ bạn mình, bỗng chốc sống lưng nó lạnh toát.

"Túc Na bị bắt rồi! Cách đây ba hôm có thánh chỉ tới hạ lệnh bắt giữ bác ấy để điều tra tội gì đấy tớ không rõ, nhưng tình hình đang rất nguy cấp!"

Huệ còn chưa kịp hiểu bất cứ cái gì, đầu óc nó dường như ong lên, nhưng nó bấu chặt lấy đùi, cố gắng lắng nghe Du Nhân kể tiếp.

"Phủ viện nhà Lưỡng cũng bị niêm phong rồi, không ai được ra vào, tớ lẻn ra trước khi binh lính vây kín cổng chạy tới đây!"

Du Nhân nắm lấy vai nó, đôi tay hơi run lên.

"Tớ không nghĩ được phải làm gì hết, chỉ biết đi tìm cậu thôi!"

Với Nhân, Huệ nó là sự tồn tại đặc biệt với Túc Na, và đúng là sự tồn tại Nhân chưa từng thấy. Chẳng hiểu sao, cu cậu lại nghĩ ngay tới Huệ, tựa như nó là người duy nhất có thể cứu Túc Na, cứu cả nhà họ Lưỡng lúc bấy giờ.

"Chuyện này...rốt cuộc là thế nào..."

Huệ không hiểu, nó cố tiếp thu từng chút một, nó biết Túc Na chẳng ưa gì Hoàng đế đương triều, nhưng nó không nghĩ tới mức cậu sẽ làm phản, nó nghĩ mãi không ra, cậu lại còn khoanh tay chịu trói như thế, nó không tưởng tượng ra nổi.

Nhưng dẫu vậy, nó vẫn phải ưu tiên việc cứu cậu. Hi vọng đầu tiên hiện ra trong đầu nó là vị tướng quân "Phục Hắc" kia.

"Tớ...có biết một người gọi là Phục Hắc tướng quân, Cậu Na trước giờ vẫn luôn tìm người này!"

Nhưng, nó còn chẳng có căn cứ nào mà bắt người ta nhận mình là tướng quân, rồi chưa kể có rồi thì người ta chắc gì đã giúp mình, chuyện này liên quan đến mạng sống, nghĩ thế nào cũng không ra nên làm sao. Nhân nó thấy vẻ căng thẳng của Huệ, chẳng hiểu sao nó lại để ý chuyện khác.

"Này, tớ nhớ cậu cũng là Phục Hắc mà nhỉ? Hai người có họ hàng à?"

Cái này làm Huệ nó như tỉnh ra, rồi nó chợt xâu chuỗi lại nghi ngờ bấy lâu nay của mình, việc người đàn ông vô duyên vô cớ tốt với nó, rồi việc hai người giống nhau y như lột, và giờ là việc cả hai đều trùng họ. Nó bỗng hiểu ra nhiều thứ, rồi nó chợt bần thần, có quá nhiều thứ nó hiểu ra, cũng có thêm hàng đống thứ nó trăn trở, dường như tạo hóa đang xoay nó như một con rối vô tri vô giác trên tay, mặc nó có vùng vẫy thế nào cũng chẳng thể thoát khỏi đưa đẩy.

"Nhân, mấy hôm nay cậu cứ ở tạm lại nhà tớ, chuyện còn lại để tớ suy nghĩ!"

Nó nói, rồi đi dọn dẹp chỗ ở cho bạn mình, cái chỗ nó ở được ngăn với cái lớp học bằng đúng một lớp vách nứa, vốn chỗ ấy đã bé, giờ nó kê thêm một cái chõng nữa khiến lối đi chỉ còn vừa cho một người qua lại.

Đêm ấy Nhân vì đi đường xa vất vả, lại còn cả ngày mới ăn được một bữa tối ra hồn, cu cậu lăn ra chõng tre ngủ liền một mạch. Nó ngồi trước ánh đèn dầu nhập nhòe. Nó bỗng ngẫm lại phải chăng nếu không vì nó thì đã chẳng có những chuyện này, dường như mọi thứ đang hướng hết về nó. Nếu không phải nó, cha nó đã chẳng phải bỏ đi biệt xứ, nếu không phải nó, cậu đã không để mình bị bắt, nếu không phải nó...

Nó suy diễn, rồi bỗng thấy mọi sự đều quá hợp lý, nếu nó chẳng có trên đời, đã chẳng ai phải chịu cái cảnh bãi bể nương dâu ấy. Giờ nó chẳng biết làm gì để giúp cậu, nó càng chẳng dám đối diện với người cha đã bỏ rơi mình từ thuở lọt lòng. Sao mà nó không hiểu, mấy cái người Túc Na tìm không phải lủi khỏi chốn quan trường từ sớm thì cũng trốn chui trốn lủi dưới đao kiếm ráo riết truy lùng, nếu chẳng phải vì nó, có lẽ cha nó đã cao chạy xa bay từ thuở nào, chứ chẳng phải vẫn còn e sợ đứa con non dại của mình mà lần lẫn cách nó chỉ mấy ngày đường.

Nếu Túc Na ở đây, cậu sẽ ôm nó, rồi mắng nó toàn nghĩ quẩn, cậu sẽ vừa cằn nhằn vừa dỗ dành nó như thể mấy lời cậu nói chỉ là mắng yêu, bởi dẫu sao nó cậu cũng chỉ quan tâm tới mình nó, Nhưng đến đời nào rồi mà nó vẫn chẳng nghĩ được đến thế, nó chỉ nghĩ rằng tất cả mọi chuyện là do nó, rồi nó chẳng biết làm gì mà trơ mắt ra nhìn đấy, nhìn tất cả những người nó yêu thương hết mực lâm vào khốn khổ. Nó bần thần nhìn vào ánh đèn dầu, hốc mắt nó cay xè lên, cổ họng đắng ngắt, từ tận đáy lòng trào lên một nỗi đau khôn nguôi, một nỗi bất lực đè nặng lên người nó.

Tâm trạng của Huệ giống như Túc Na khi đuổi nó ra khỏi nhà.

Tới tận lúc trời sẩm tối, nó đã đi khuất từ thuở nào, cậu mới thở hắt ra một hơi, bả vai cậu căng lên như đang cố gắng chịu đựng điều gì. Dẫu cậu biết nó sẽ khốn khổ tới mức nào, nhưng cậu chẳng làm khác đi được. Tất cả hành động của cậu đang bị để mắt tới, cậu đánh tiếng trước khi mấy kẻ trên biết tới nó, rằng nó cũng chẳng khác gì con ở bình thường, tới tuổi là đi. Rồi cứ thế để nó rời khỏi nhà, chỉ có đi về hướng Đông mới có chỗ mà nương thân, cậu liệu trước rằng nó sẽ gặp cha mình, nhưng còn bao lâu, rồi liệu nó có hiểu không, nhưng Túc Na vẫn chọn đặt hết vào Huệ, dẫu sao nó mới là quân cờ cậu giấu sau vạt áo, Còn rủi mà liệu việc không thành, thì nó cũng sống vô lo vô nghĩ ngoài kia. Nói là phải kéo nó đi cùng, nhưng nếu phải thấy nó chết, thì sao mà cậu chịu cho nổi, nội việc kéo nó vào ván cờ này là cậu đã chẳng dám đảm bảo cho ai toàn mạng rồi.

Nhưng cậu nhớ nó, nhớ chết đi được. Túc Na cứ vô thức gọi Huệ theo thói quen, rồi cậu phát cáu lên khi chẳng nghe tiếng nó đáp lời, xong cậu ngồi thừ ra tại đấy, nó đã đi mất rồi còn đâu, còn chẳng biết bao giờ, hay liệu nó có về với cậu chăng nữa.

Cậu chẳng buồn ăn uống gì, tới bữa cũng qua loa cho có lệ, Túc Na nghĩ có khi nay mai thánh chỉ tới bắt cậu cũng nên, mà đúng thật. Mới nửa tháng đã có lệnh bắt cậu rồi, hẳn là từ cái vụ nhà vợ Hoàng đế quay lưng ấy, đã chẳng còn lý do gì để nương tay với mấy bên chống lại tên vua ấy nữa. Túc Na nghĩ Hoàng đế nóng ruột như thế, bắt giam được một tháng cũng đem ra xử tử, thậm chí là chém cả họ. Nhưng cậu vẫn thản nhiên, nét mặt chẳng mảy may tí hãi hùng nào của một kẻ có lẽ đang gần đất xa trời, thằng cháu mình hẳn là chạy đi rồi. Cái thằng ấy bình thường láo toét, nhưng cũng có lúc được việc, riêng phần này cậu đoán nó cũng sẽ chạy đi tìm Huệ, rồi vô tình giúp cho thế cờ đang bấp bênh bỗng nghiêng về phía cậu.

"Giờ, nhờ cả vào mày đấy Huệ à!"

Về phần Huệ, đêm nay nó chẳng ngủ được, cứ trằn trọc rồi mở mắt thao láo nhìn lên trần nhà, nó ngồi dậy lục tìm trong tay nải, muốn tìm coi mình có còn cuốn sách nào nữa không, nó hi vọng mình đọc sách thì có thể ngủ được.

Nó không tìm thấy sách, mà tìm thấy một cái túi quen mắt. Cái túi phúc đỏ Túc Na cho nó hồi tết năm đầu nó ở đấy. Nó khựng lại, nó nhớ cái túi ấy nó đâu có bỏ vào tay nải, với cả, nó trông đầy như thể mới được cậu ném cho năm nào.

Huệ mở ra, rồi nó suýt thì đánh rơi túi đồ, bên trong toàn là những nén vàng, cái túi bằng nắm tay đầy ắp thứ quý báu dường như đang tỏa sáng giữa đêm tối. nhưng đấy không phải trọng điểm, nó thấy có một miếng ngọc bích, cái miếng ngọc bích, có khắc tên cậu, rồi ngay giữa khoảng trống ở tâm miếng ngọc là một mẩu giấu. Nó vội vàng lấy ra đọc.

"... Nhìn vật như thấy người..."

Thứ nó để ý hơn cả là những cái tên vừa quen vừa lạ, lạ vì nó chẳng biết mấy người này nhưng lại quen bởi cậu đã từng nhắc qua cho nó nghe. Rồi bỗng nó dường như hiểu hết cậu đang làm gì, và nó phải làm gì. Nó chẳng đợi nữa, vội đứng dậy ôm đồ chạy ra ngoài, Nhân nghe thấy ầm ỹ, rồi thấy bóng Huệ khuất sau cửa, cũng vội vàng chạy theo.

"Này, chờ tớ với!"

Người đàn ông tên Phục Hắc kia có vẻ như mới trở về từ hồi tối, nghe tiếng bước chân của nó liền lập tức thắp đèn dầu chạy ra xem. Nó bước vào, theo sau là Du Nhân, người đàn ông vừa thấy đứa trẻ đằng sau nó, ông giật mình đánh vỡ ấm trà xuống đất rồi lập tức trừng mắt khiến cu cậu sợ điếng người.

"Lại là mày?"

Du Nhân ngơ ngác cả ra, rồi luống cuống gãi đầu, trông cái bộ dạng này khác xa cái người ông từng gặp, nhưng điều ấy vẫn không làm giảm đi cảnh giác trong lòng ông.

"Đêm hôm, hai đứa tới đây làm gì!"

Huệ nhìn người đàn ông, nhìn một cách chăm chú khiến ông ta dường như chột dạ. Nó trông như đang cố cất giấu những phẫn uất sâu trong đáy mắt, bình tĩnh để mà tiếp tục cuộc nói chuyện.

"Phục Hắc Thậm Nhĩ... phải không?"

Người đàn ông cố bày ra vẻ khó hiểu, ông muốn phủ nhận, muốn ép nó vào thế bị động.

"Cháu đang nói cái gì? Ai cơ?"

"Phục Hắc Huệ... Phục Hắc Thậm Nhĩ... Sao tôi lại không nhận ra nhỉ?" Huệ bỗng chốc trở nên bần thần, nó lảo đảo ngồi sụp xuống đất. Phục Hắc Thậm Nhĩ không kịp suy nghĩ, ông chỉ biết vội vàng quay người đi, dường như lại muốn một lần nữa trốn xa khỏi nó. Người làm cha này đã mềm lòng, ông nhớ con mình khôn xiết, rồi lúc nhìn thấy nó trưởng thành thế này, ông lại càng khẳng định rằng thời gian ấy mình rời bỏ nó là đúng đắn.

"Ta có việc phải đi trước!"

Rồi ông định cứ thế đi thẳng, nhưng nó ở phía sau bỗng lên tiếng, tiếng kêu xen lẫn tiếng nấc xé lòng, có lẽ nó chẳng thể kìm nén nổi sự tủi hờn vẫn cứ bập bùng bằng ấy năm.

"Ông lại đi đâu? Tới nước này rồi ông vẫn muốn đi đâu nữa?"

"Ta không hiểu cháu đang nói gì cả!" Thậm Nhĩ chẳng ngừng tay nhặt lên mấy thứ đồ đạc ít ỏi, lẽ ra ông chẳng nên luyến tiếc chút hạnh phúc này mà ở lại với nó, nếu chẳng có ông, lẽ ra nó vẫn sẽ sống yên ổn ở cái làng này thôi.

"Tại vì tôi đúng không? Nếu không phải có đứa con này thì ông đã chẳng phải trốn chui lủi thế. Nếu không có tôi, đã chẳng có ai phải khổ cả!"

Nó biết, nếu không phải vì nó, cha nó sẽ tiêu dao tự tại ở tận chân trời nào. Nếu không có nó, mụ dì nó cũng chẳng sống lén lút. Chắc chắn cũng vì cứu nó, Túc Na mới đẩy mình vào cửa tử như thế.

"Ân Huệ cái gì... Tôi chỉ thấy mình mang tới bất hạnh cho người khác thôi..." Nó lẩm bẩm, rồi nhặt lấy mảnh vỡ trên nền nhà. Du Nhân thấy thế thì hoảng hốt từ ngoài chạy vào, nhưng không kịp.

"Huệ! Đừng có dại dột!"

Máu túa ra nhuộm một mảng vải trên quần áo nó, tí tách nhỏ xuống nền gạch bụi bặm. Kinh hãi, mảnh sành găm quá nửa vào tay người đàn ông, gần như chỉ thiếu một tí may mắn nữa là đã xuyên qua bàn tay to lớn ấy. Dẫu cho bàn tay ấy đã chinh chiến qua bao chiến trường, vết chai dày cộm nhưng vẫn chỉ là da thịt người thường, vì để chặn nó đâm vào cổ họng mình, ông đã bóp lấy tay nó lẫn mảnh sành trước con mắt hoảng loạn của Huệ.

"Ngu ngốc, nếu con dùng cách này để bắt ta ở lại thì hết sức ngu ngốc! Ta mất bao nhiêu công sức mới giữ được an toàn cho con mà sao con cứ đâm đầu vào chỗ chết hả?"

Thậm Nhĩ tức giận nhìn Du Nhân đứng đằng sau, rồi nhìn nó, ông giận lên trông nét mặt vô cùng dữ tợn, vết nhăn trên khuôn mặt đứng tuổi xô lại với nhau, mạch máu trên trán nổi lên, đỏ au.

"Con quen biết thằng ranh con kia đúng không? Nó đang kéo con vào chỗ chết đấy!"

Huệ dường như nhận ra cái người mà ông nhắc đến là ai, bỗng nhiên nó giận, vừa giận lại vừa tủi thân, nó chưa từng cãi lại ai bao giờ. Nó đang run vì sợ, cũng run lên vì tức giận, nó gào lên.

"Nếu không có cậu ấy thì tôi đã chết lâu rồi! Bất cứ cái gì ở chỗ ông bỏ tôi lại cũng có thể giết tôi, đến cả cái người đàn bà nuôi tôi cũng chỉ mong sao tôi nhanh biến đi, chết quách ở xó nào cũng được!"

Rồi nó rơi nước mắt, nghĩ lại tháng ngày sống với dì nó phải tranh từng miếng cơm, nó tìm mọi cách để sống, vì lúc ấy nó còn nghĩ mình phải đi tìm cha, để mắng chửi ông sao lại vô tâm với nó thế. Nhưng sau đấy nó nhận ra là chẳng ai cần nó, nó nghĩ mình chỉ cần sống ở cái chốn ấy thêm nửa năm dăm tháng nữa thôi, một cơn cảm lạnh cũng đủ để bóp chết lá phổi yếu ớt của nó.

Nó không cần biết Túc Na toan tính cái gì, hay kể cả muốn nó vào chỗ chết cũng được, nhưng mười mấy năm qua nó cũng được sống cho đúng nghĩa là con người, nó được sống vô lo vô nghĩ, nó hạnh phúc tới mức gần như quên hẳn mình đã từng khốn khổ ra sao.

Từ cái lúc nó biết lết tới vũng nước đọng ngoài hiên, cho tới lúc bị bán đi, nó chẳng thể nào quên nổi. Dẫu cho sau này có bao nhiêu thứ khỏa lấp đi, nhưng những cơn ác mộng thời thơ ấu vẫn cứ bủa vây nó. Đôi lúc Huệ sẽ bất chợt bật dậy rồi run rẩy, Túc Na biết từ lúc ở chung, những lúc ấy cậu sẽ chẳng nói câu gì rồi ôm nó, dỗ nó hệt như dỗ một đứa con nít đi ngủ.

Thậm Nhĩ không phải một người cha tốt, đám con nít thấy thì trốn như trốn ông kẹ, tay chân thô thì thô kệch, lúc nó mới chào đời, ông còn chẳng dám bế nó, sợ lỡ tay làm bị thương nó. Nhưng ông cứ ở đấy nhìn đứa trẻ còn chưa bằng bắp tay mình cứ thi thoảng lại ngọ nguậy, ông cẩn thận lót mấy ngón tay mình bên dưới nắm tay bé xíu của nó, rồi chẳng hiểu sao ông lại cười.

Vợ mất, ông ôm con bỏ đi trốn, đứa trẻ nằm trong lòng ông thoi thóp như sắp chết, nó vừa đói, vừa lạnh, lại còn đi đường xóc nảy khiến nó càng thêm yếu ớt. Lúc ấy Thậm Nhĩ nghĩ rằng, nếu cứ để đứa trẻ này ở cạnh thì nó sẽ chết mất, thế rồi ông đành bỏ nó lại, dẫu cho cái khốn khổ sẽ đeo bám nó, nhưng vẫn tốt hơn là đi với mình.

Con mình và thằng ranh con ấy sêm sêm tuổi nhau, làm gì có cái chuyện nó bị người ta nhắm đến ngay từ bé được. Có lẽ Túc Na đã cưu mang nó thật, vì nếu ở với bà vợ hờ cay nghiệt kia, nó lớn còn chẳng lớn nổi chứ đừng nói được học hành tử tế thế này.

Nhân đi lấy nước, nó gắp mảnh sành khỏi tay ông, rửa sạch rồi mới băng bó lại. Thậm Nhĩ trầm ngâm một lúc, trước ánh mắt của nó vẫn kiên quyết lắc đầu.

"Có những chuyện ta không thể nhúng tay vào được!"

Khó khăn lắm nó mới toàn mệnh mà lớn lên, không đời nào ông lại lao đầu vào biển lửa lần nữa. Cuộc đời ông đã mắc vô số sai lầm, việc bảo vệ nó là lý do để ông kiên trì tiếp tục cuộc sống như đày ải này.

Huệ vén vạt áo, quỳ xuống dập đầu với ông.

"Thầy ơi, con xin thầy! Từ khi thầy đi, chưa từng có ai cho con nhiều tới thế! Con có bỏ cái mạng này cũng chẳng đủ trả ơn. Con xin thầy, thầy cứu cậu ấy, không khác gì cứu con cả!"

Thậm Nhĩ còn đang bàng hoàng, ông không ngờ đứa con này lại nặng tình tới thế, nó sẵn sàng chết vì người khác, nhưng cũng sẽ tìm mọi cách để sống vì người khác. Rồi chưa đợi ông nói gì, nó lại tiếp. Tiếng dập đầu cứ liền sau từng câu nói khiến lòng ông nhói lên từng đợt.

"Trời đánh đứa con bất hiếu này. Nhưng thầy ơi, con van thầy, thầy có thương thì thương cho trót, con van thầy cứu Túc Na với!"

Thậm Nhĩ trước đây giao du với khắp văn võ bá quan trên triều đình, cũng có lão già họ Lưỡng kia, cái lão ấy như con cáo già, nhưng lão chẳng ưa cái thằng nhóc sắp sửa ngồi lên ngai vị, thế nên lão xin kiếu sớm, họ hàng của lão cũng chẳng dính dáng đến quan trường nữa. Nhưng thằng con lão lại làm quan, còn làm quan to, ấy thế mà lão vẫn ngồi yên cho được, Thậm Nhĩ nghĩ hẳn lão lẫn rồi, hoặc lão tin thằng con này quá thể, dẫu có cơ bị chém cả họ cũng chẳng cản nó lại.

Huệ cứ cúi gằm mặt mãi, tới khi nghe thấy cha nó trút ra một tiếng thở dài thườn thượt. Ông chỉ tay vào thằng nhóc đứng phía sau khiến cu cậu đứng thẳng lưng mà nhìn lại.

"Thằng nhóc kia, tướng tá cũng được đấy, mày biết đánh nhau không?"

Du Nhân hít một hơi, dõng dạc đáp:

"Dạ biết, ngài cứ việc dùng cháu!"

Thậm Nhĩ nghe thế cũng lấy làm vui vẻ, lúc này nó mới ngước mặt lên, nhìn ông đầy cảm kích. Khóe mắt nó ươn ướt, xong dứt khoát dụi đi hẳn, nó đứng lên, lôi cái túi phúc ra đặt vào tay ông.

"Cái này cậu Túc Na cho con, chắc hẳn là để cha nuôi binh!"

Ông liếc nhìn túi vàng đầy ắp, lòng tự nhủ đúng là chạy trời không khỏi nắng, cái thằng nhóc ấy cũng như lão già nhà nó. Trước đây lão nói ông sẽ gặp họa mà ông chẳng nghe, giờ tới tuổi này rồi còn để một thằng nhóc vẽ đường.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro