Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 11

***
Socrates và Alcibiades - khi vị triết gia uyên bác nọ 
đem lòng yêu chính học trò của mình,
người cũng dành cho ông toàn bộ tình yêu và lòng tôn kính.

Achilles và Patroclus - đâu chỉ là bạn bè tri kỷ,
mà còn là người tình của nhau
thiên sử thi bi tráng muôn thuở còn lưu dấu vết

Monte Cristo và Haydée - những tưởng đối với nàng,
vị ân nhân đã giải thoát nàng khỏi kiếp nô lệ
chỉ như một người cha,
vậy mà nàng lại dành cho ông 
hai tiếng “phải lòng”

***

“Vẫn chưa dứt được Triển lãm Khoa học kỹ thuật Paris ra khỏi đầu à?”

“Ngài biết rồi mà còn hỏi.”

“Thế mà tôi cứ tưởng em vẫn chưa hết hoảng hồn vì…”

“Trật tự ngay!” Megumi bịt miệng Satoru lại. “Người ta nghe thấy bây giờ!”

“Megumi sợ tàu hỏa, lêu lêu Megumi sợ tàu hỏa…”

“Em không có sợ tàu hỏa!” Mặt em đen sì lại, lông mày đan lại như diều hâu. “Em… em chỉ không thích cái âm thanh lúc nó chuyển động, kêu ‘tu tu’ và nhả khói…”

“Thôi nào, lúc cái mô hình đầu máy tàu hỏa mới nhất của Anh gầm lên, em chả dựng người lên như phải gió còn gì! Nghe này, tôi có quen với hội đồng tổ chức Triển lãm Thế giới, nhờ thế mà biết được Triển lãm Thế giới tiếp theo dự tính sẽ được tổ chức từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1873 tại Áo. Lúc đó nhất định chúng ta sẽ đi Áo. Lâu lắm rồi tôi không gặp ông bạn Dolfy.”

Đầu Megumi tự động nhảy số, Rudolf, Thái tử nước Áo.

“Nếu em không nhầm, Triển lãm Thế giới lần trước tổ chức ở Paris đúng không? Ban đầu em tưởng Paris chỉ là thành phố của nghệ thuật, ai ngờ đây cũng là một kinh đô công nghiệp với nền khoa học tiến bộ và phát minh đột phá.”

“Và em có biết điều gì đã làm nên sức mạnh công nghiệp của Pháp không?”

Em lặng thinh suy nghĩ một lúc rồi thận trọng trả lời. “Đường sắt?”

“Giỏi lắm, Megumi. Đường sắt đảm bảo việc lưu thông hàng hóa trên khắp đất nước. Đế quốc Anh có mạng lưới giao thông đường sắt dày đặc nhất thế giới, nên nó nghiễm nhiên trở thành công xưởng toàn cầu. Ngoài ra, em còn thấy Anh và Nhật còn điểm chung gì không?”

“Đều là đảo quốc?”

“Chính xác. Phần lớn thông thương trên toàn cầu là qua đường biển. Nhật Bản có lợi thế địa lý là bốn bề biển khơi, sẽ cực kì lãng phí nếu không tận dụng nó.”

Đôi mắt em lóe lên một tia sáng, và Satoru biết tối nay gã sẽ lại không ngủ được rồi; em của gã sẽ ngồi viết lách đến khuya.

“Vậy là cần phải xây dựng và phát triển đường sắt.” Em đứng lên, đi đi lại lại rồi lại ngồi xuống. “Nối liền các điểm trọng yếu Tokyo, Yokohama, Kyoto,...”

Satoru nén cười. “Megumi, em có biết em đang ngồi lên đâu không?”

“Hửm?” Em tròn mắt nhìn gã.

“Chỗ em đang ngồi, chính xác là nơi Louis XVI bị chặt đầu gần một thế kỉ trước.”

Toàn thân Megumi nổi gai ốc; em đứng bật dậy như lò xo và phủi mông kịch liệt. Ừ nhỉ, hai người họ đang ở quảng trường Concorde. Nhìn không gian phóng khoáng, hai đài phun nước kiểu Ý xinh đẹp và những tượng thần oai phong, khó ai có thể tưởng tượng được nơi đây đã từng đẫm máu như thế nào.

Gương mặt Megumi tái lại, em cả giận trách Satoru. “Ngài đã không ngăn em lại. Ngài không cảm thấy gì khi ai đó ngồi lên nơi đức vua của ngài đã băng hà sao?”

“Louis-Auguste là vua của tổ tiên tôi, không phải của tôi.” Thậm chí gã còn chẳng thèm gọi tước hiệu của nhà vua. “Tôi là người Mĩ, tôi không công nhận ai là vua của mình cả.”

Quả nhiên, Megumi thầm nghĩ, dù bao nhiêu dòng máu cao quý châu Âu đang chảy trong người ngài ấy, chất châu Âu đã trôi sạch khỏi ngài ấy rồi. Em bèn chuyển chủ đề. “Còn cái cọc nhọn cao cao kia là gì, không phải là nơi cắm thủ cấp đó chứ?”

“Đó là cột Obelisk, quà tặng của phó vương Ai Cập, đất nước mà khá mỉa mai thay, Bonaparte đã cướp đi khá nhiều cổ vật làm chiến lợi phẩm trong cuộc chinh phạt Ai Cập, trong đó có phiến đá Rosetta, thứ sau này bị nẫng tay trên bởi người Anh.”

Vừa mới đọc được tia phản đối ánh lên trong mắt Megumi, gã nhún vai. “Thừa nhận đi, Megumi, lịch sử loài người là những cuộc trao đổi và cướp bóc văn hóa.” Khi gã nói điều đó, ngữ điệu của gã chẳng có gì ngoài sự dửng dưng. “Nhật Bản của em phải đủ mạnh để bảo vệ nền văn hóa của chính mình. Nếu không, vào một ngày nào đó em sẽ thấy núi Phú Sĩ được trưng bày trong bảo tàng Anh, với những chiếc mũi khoằm da trắng ịn lên tấm kính bảo vệ. Người Nhật Bản sẽ phải đi ra nước ngoài để học về di sản của chính họ.”

Megumi thấy lồng ngực buốt nhói. Những lời này nghe thật tàn nhẫn, nhưng gã nói đúng.

Rời quảng trường Concorde, xe ngựa chở họ đến vườn hoa Luxembourg. Họ dừng chân ở cổng trên đại lộ Saint-Michel; ở đó có một toán người đang chơi nhạc.

“Violin, viola, cello, contrabass.” Megumi lẩm nhẩm điểm tên các loại nhạc cụ họ đang chơi. “Bộ tứ vĩ cầm.”

Các nghệ sĩ đường phố vừa mới chơi xong String Quartet no. 19 của Mozart. Đám đông chung quanh vỗ tay tán thưởng.

“Hôm nay chúng tôi rất cao hứng nên sẽ sẽ chơi thêm một bản nữa. Quý vị muốn nghe gì tiếp theo?” Người chơi violin hỏi mọi người. Môi anh ta giãn thành một nụ cười. “Hay là… ai muốn được chơi nhạc không?”

Satoru tháo mũ của gã, đội lên đầu Megumi. “Hãy xem tôi nhé.” Gã khum tay thành hình cây súng, chạm nhẹ đầu ngón trỏ vào sống mũi em. “Không chỉ mỗi em biết chơi đàn đâu, nghe chưa?”

“Chúng ta có người xung phong chơi nhạc! Thưa ngài, ngài muốn chơi nhạc cụ gì đây?”

“Nếu được, tôi muốn chơi quý cô xinh đẹp đang ngả mình trên tay anh.” Satoru trỏ vào cây violin. Vài người bật cười.

“Vậy xin ngài hãy nhẹ tay với cô ấy nhé.” Người chơi violin trao cho Satoru cây đàn của mình, chép miệng tiếc rẻ. “Tôi yêu cô ấy lắm.”

Satoru đỡ lấy cây vĩ cầm, nhẹ nhàng đặt nó lên vai. 

“Khoan đã, đó chẳng phải là đại tá Gojo sao?” Megumi nghe thấy vài người thì thầm ngạc nhiên.

“Đôi mắt xanh pha lê kia thì còn lẫn vào đâu được nữa!” - “Nghe nói ông ta từng chơi vĩ cầm ở cung điện Áo…”

“Chúng ta cùng hoài niệm một chút về thời kì Baroque nhé.” Satoru mỉm cười, và tiếng thì thầm lắng xuống. Tay phải gã phác một cử chỉ với cây vĩ; tiếng đàn vang lên. 

Thật kì lạ biết mấy; vườn Luxembourg vốn đông người qua lại, vậy mà khi tiếng vĩ cầm cất lên giai điệu của mình, mọi âm thanh khác dường như chìm hẳn xuống. Chỉ còn lại những nốt âm mềm mại, sống động bay bổng trên bầu trời Paris. 

“Đây là bản nhạc gì thế?” Megumi hạ giọng hỏi một người đàn ông đứng cạnh.

“Bản Partita số 2 của Bach, ‘Chaconne’.” Người đó đáp.

Dòng thời gian như lắng đọng trong một bầu không khí gần như thiêng liêng. Kĩ thuật của Satoru tái dựng được cấu tứ tinh vi, phức tạp của bản nhạc, đồng thời tiếng đàn của gã ngân nga một nỗi u buồn lung linh tuyệt đẹp, một cảm xúc không hề bi lụy hay nuối tiếc, mà chỉ đơn thuần là “nỗi u buồn” trong hình hài thuần túy, vẹn nguyên. Cánh tay chuyển động của Satoru như phát ra một thứ quyền lực vô song, một sức mạnh tinh thần lớn. Khoảnh khắc đó, đám đông không còn nhìn gã như là đại tá Gojo Satoru nữa, mà là một loài quỷ đầm lầy xinh đẹp chơi vĩ cầm trong thần thoại Scandinavia.

Mọi người mải chìm đắm trong Satoru và bản nhạc đến nỗi, khi gã đã ngừng chơi được một lúc rồi, họ mới vỗ tay. Tiếng vỗ tay ban đầu lác đác, sau đó càng ngày càng rầm rộ.

“Ngài đàn hay lắm!” 

“Chơi nữa, chơi nữa đi!” Đám đông yêu cầu anh chơi tiếp. Ngay cả những nghệ sĩ đường phố cũng cổ vũ.

“Một bản nữa thôi đấy.” Gã nhoẻn miệng cười tươi. Đám đông trở nên phấn chấn. “Lần này cho mọi người đề xuất, tôi sẽ chơi theo yêu cầu.”

“Ngài biết chơi Introduction et Rondo Capriccioso chứ?”

Megumi ngạc nhiên ngoái đầu lại. Người vừa mới cất tiếng là người đàn ông đứng cạnh em.

“À, có phải bản nhạc sáng tác cách đây vài năm không?” Satoru lại đặt cây vĩ cầm lên vai, cằm tì lên miếng tựa đàn. “Tôi chơi được. Riêng bản này, phiền các anh đệm cho tôi nhé.” Gã nói với các tay nghệ sĩ đường phố.

Đến bản nhạc này là bước sang một thời kì hoàn toàn mới: thời kì Âm nhạc Lãng mạn, chính là thời họ đang sống. Nốt đầu tiên vang lên đã mang một thanh âm rực rỡ. Hẳn Satoru sở hữu các giác quan nhạy bén, bởi gã có thể chơi với một tiết tấu cực kì vững chãi, chuẩn xác mà hầu như không hỏng một nốt nào, dù nhanh hay chậm, nốt cao hay thấp. Không chỉ vậy, tiếng đàn của gã rất dày, như thể có hai, ba người đang chơi violin cùng một lúc chứ không chỉ một, trùng trùng điệp điệp những con sóng xô lên nhau, sóng sánh như rượu vang, mềm mượt như tơ lụa. Hai mắt Satoru nhắm nghiền, hàng lông mày nhíu chặt trong sự tập trung  - rồi bỗng điểm xuyết một âm sắc chói lọi.

Đến đoạn staccato, những tay đệm đàn bắt đầu đệm một đoạn điệp khúc. Ban đầu Satoru chơi những nốt cao, rồi hạ dần, hạ dần xuống, âm thanh sắc sảo, rõ nét. Đám đông bắt đầu vỗ tay theo nhịp nhạc 2/4, ban đầu tiếng vỗ tay vang lên yếu ớt, sau đó được nhiều người hưởng ứng vỗ theo, nghe như một khúc diễu hành. Gã thấy đám đông hòa vào bản nhạc, thấy cả Megumi cũng đang vỗ tay theo nhịp, bèn ngả đầu lên cây đàn, nhoẻn cười. Cử chỉ đó đẹp đến nỗi khiến ai ở đó cũng như bị đánh mạnh vào tim.

Không như lần trước, bản nhạc vừa kết thúc mọi người đã rào rào tán thưởng. Người đàn ông đứng cạn Megumi mỉm cười rời đi. Satoru trả lại cây đàn cho tay chơi violin lúc ấy đang nhìn gã với vẻ bị ấn tượng. “Nàng Thơ của anh đây. Tôi đã đối xử với cô ấy hết mực dịu dàng rồi đó.”

“Satoru!” Megumi chạy ngay đến bên gã. “Ngài có biết người vừa yêu cầu ngài chơi bản Introduction et Rondo Capriccioso là ai không?”

“Là ai thế, mon chéri?”

Megumi thấy mặt mình nóng ran khi gã gọi em là mon chéri. “Đó là nhà soạn nhạc Camille Saint-Saens, tác giả của Introduction et Rondo Capriccioso.”

Satoru sững sờ một lúc rồi phá ra cười. “Hóa ra tôi vừa chơi đàn ngay trước mặt Saint-Saens! Em thấy không, Megumi, ở Jardin du Luxembourg, à Paris, em có thể bắt gặp đủ các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà soạn nhạc!”

Gã cùng em sánh bước cạnh nhau, tiến sâu vào vườn Luxembourg. 

Tới đài phun nước Marie de Medicis, Satoru tháo giày ngồi nghỉ dưới một gốc cây, giãn mình trên bãi cỏ xanh mềm như thảm Ba Tư. Gã thơ thẩn ngồi ngắm Megumi lúc ấy đang tựa mình vào đài phun nước, Megumi trong bộ Nhật phục với chiếc áo khoác tây choàng hờ… Bóng cây trên em soi mình dưới nước, cũng giống như em đang ngả đầu xuống mặt hồ. Đó là một cảnh tượng thơ mộng, gã nghĩ, với vạt nắng vàng và cánh hoa bị gió thổi rơi lên vai áo em. Satoru tự nhủ, sao Megumi lại đẹp đến thế nhỉ. Dáng người trông nghiêng của em hệt như cây hoa mai, vừa khiêm nhường vừa cao quý. Mái tóc của em được chính màn đêm dệt nên, dù nắng chiếu vào cũng không làm nhạt đi sắc đen của nó. Còn mắt em - một người Hy Lạp ở Olympus bảo rằng em có đôi mắt của nữ thần Hera, nữ thần có “đôi mắt bò cái và cánh tay trắng muốt” - bởi mắt em đen láy với hàng mi dày. Mỗi lần hàng mi ấy chớp, thân nhiệt gã lại nóng bừng. Satoru biết gã đã yêu em mất rồi, và cảm xúc ấy khiến gã chực muốn khóc. 

Nhưng mà từ khi nào? Và tại sao? Bản thân gã là kẻ thích thao túng, làm mọi cách để gã được ở bên em.Gã cứ ngỡ tình cảm của gã dành cho em đầy bao bọc và trìu mến, như một người bạn dành cho bạn, một người thầy dành cho học trò của mình, thậm chí như một người cha dành cho con. Nhưng gã không thể ngờ, bao trùm lên mọi tình cảm ấy lại là xúc cảm yêu đương. Gã không ngờ cũng phải; trước giờ gã chưa từng yêu đàn ông. Và gã bắt đầu nghĩ đến Socrates và Alcibiades, đến Patroclus và Achilles. 

Tại sao hả, Megumi? Tại sao trong mọi miền quê, thành phố, nơi tôi nhận ra tôi yêu em lại là Paris? Chẳng lẽ đây là lời nguyền của thành Paris sao?

Satoru nhớ về đêm cách đây 1 năm ở Berlin - cái đêm mà có lẽ Megumi đã quên mất rồi. Vào đêm ấy, em đã hôn gã, và yêu cầu được cho gã mọi thứ của em. Nhưng gã từ chối. Satoru không ngu; gã biết thừa khi ấy em chẳng yêu gã tí nào, đó đơn giản chỉ là thứ cảm xúc bốc đồng bùng lên trong giây lát. Gã từ chối vì gã nghĩ cho sự trong sạch của em, và cũng nghĩ cho trái tim khốn khổ của gã nữa. Than ôi (gã bắt đầu rên rỉ như giọng văn của mấy lão nhà văn gã ghét), nếu bây giờ gã rơi vào tình cảnh lúc ấy, gã không chắc gã có thể từ chối được; gã sẽ đè nghiến em xuống và gặm nhấm lấy em từ trong ra ngoài…

“Chào, Gojo Satoru.”

Gã bực mình ngẩng đầu lên, kẻ khả ố nào đã chen vào không gian riêng của gã, dù có là vua nước Bỉ đi chăng nữa? “Ơ kìa… là ông hả, Guillaume?”

Satoru đứng lên nhấc mũ chào một người ông già gần 60 tuổi, dáng vẻ hơi ốm yếu. 

“Cha mẹ cậu vẫn khỏe cả chứ?”

“Không thể khỏe hơn.” Satoru chán chường đáp. Ông già bật cười ha hả.

“Có cần phải tỏ ra lãnh đạm thế không, cậu làm ông già này hơi tự ái rồi đấy! Thôi, dù sao tôi cũng không làm phiền cậu lâu đâu. Kia có phải là bạn cậu không?” Ông trỏ vào Megumi lúc ấy đang tiến về phía họ.

“Không, cậu ấy là người yêu tôi.” Gã bướng bỉnh đáp, gần như thách thức.

Guillaume sững người một lát rồi gật gù. “Quả nhiên, quả nhiên,...”

“Sao ông biết về Megumi?”

“Làm sao không biết được! Cả châu Âu biết ấy chứ.” Guillaume hừ lạnh. “Cậu vốn đã rất nổi tiếng rồi, cậu Gojo, thế nên càng nổi tiếng hơn khi cậu về châu Âu nhưng không có ý định yêu đương này nọ nữa, mà kè kè sát bên là một thiếu niên người Nhật kì lạ. Hai cậu đang là một trong những bộ đôi được quan tâm nhất đấy.” 

“Hà hà, ngại quá, tôi biết là… A, Megumi! Đây là Guillaume Ambrosio, một họa sĩ gốc Tây Ban Nha, bạn lâu năm của tôi. Guillaume, đây là Zen’in Megumi, một quý tộc Nhật.”

“Chào ông Ambrosio.” Megumi lễ phép cúi mình chào. Ông già nhìn em với vẻ thích thú, sau đó cũng cúi chào lại theo kiểu Nhật. 

“Ông Guillaume đây là một họa sĩ thuộc trường phái Ấn tượng, rất ư nổi tiếng, nhưng dạo này ông ấy rửa tay gác kiếm hay sao mà không thấy hoạt động nghệ thuật nữa…”

“Thằng nhóc này, là do sức khỏe sa sút!” Guillaume làu bàu. “Không có sức khỏe thì có giời cũng chẳng cầm cọ nổi.”

“Vậy ra ông đến từ Tây Ban Nha!” Hai mắt Megumi bỗng sáng bừng. “Tây Ban Nha mà có Don Quixote, nàng Carmen nhảy múa, võ sĩ đấu bò… Ngài Satoru chưa từng đưa tôi đến Tây Ban Nha.”

“Chắc chắn tôi sẽ đưa em đi…”

Guillaume trợn mắt rồi phá ra cười. “Tôi hiểu vì sao Gojo lại thích cậu rồi! Tây Ban Nha cũng thú vị ra trò đấy, chàng trai trẻ ạ, nhưng tôi hứng thú với Nhật Bản hơn.”

“Ông thích tổ quốc của tôi ư? Tôi rất mừng được nghe điều đó.”

“Tôi biết đến Nhật Bản nhờ truyện cổ tích Andersen, một mẩu truyện về con chim họa mi diệu kì, quà tặng của hoàng đế Nhật Bản dành cho hoàng đế Trung Hoa.” Ông chớp mắt liên hồi. “Rồi khi đọc Nghìn lẻ một đêm, hình ảnh những đồ gốm sứ, gấm lụa Nhật Bản làm tôi thích thú không thôi. Tôi từng ao ước được đặt chân đến Nhật Bản một lần, nhưng lúc đó tôi quá nghèo để biến ước mong thành sự thực. Còn khi tôi đã nổi tiếng và trở nên giàu có, thì sức khỏe lại không cho phép.” Ông nhún vai, đảo tròn con mắt. 

“Sao lúc đó ông không bảo tôi hả Guillaume, tôi sẵn sàng đưa ông đi Nhật…”

“Yên nào Gojo Satoru, để người lớn nói chuyện!” Ông nạt gã, quay sang Megumi. “Vì thế nên được gặp một người Nhật Bản bằng xương bằng thịt, tôi rất vui. Nếu cậu không phiền, tôi mời cậu về nhà tôi uống trà nhé, tôi rất mong được nghe cậu kể về nước Nhật.”

“Rất sẵn lòng, thưa ông.”

Tư thất của Guillaume Ambrosio là một salon, trước kia từng rất thu hút giới nghệ sĩ đến chơi. Megumi và Ambrosio cùng trò chuyện hàng giờ liền; ông cực kì chăm chú nghe em nói, môi bập bập tẩu thuốc. Trong lúc đó, Satoru thăm thú xưởng vẽ của ông. 

Khi gã quay lại, Ambrosio đang đưa cho Megumi một lời đề nghị.

“Cậu Zen’in, cậu nghĩ sao nếu tôi nói tôi muốn vẽ cậu?”

Megumi tròn mắt, trỏ vào mình. “Tôi ư?”

“Phải, cậu.” Guillaume gỡ tẩu thuốc xuống. “Mặc xác mấy tay bác sĩ đó nói gì, tôi biết mình chẳng còn sống được bao lâu. Trước khi tôi chết, tôi muốn vẽ gì đó, và tôi đã quyết định là muốn vẽ cậu.”

“Chà, Megumi, em không thể từ chối được danh họa Guillaume Ambrosio đâu.” Satoru đút tay túi áo, bước đến gần họ. “Ông ấy rất xuất chúng. Một trong số ít họa sĩ mà tôi kính trọng.”

“Tất nhiên là tôi không từ chối, ông Ambrosio, nhưng tôi không nghĩ mình lại đẹp…”

Guillaume cười khẩy. “Đẹp? Vớ vẩn. Thế nào mới là đẹp? Ta xuống xưởng vẽ thôi. Cả hai người. Tôi cần hai người mô tả cho tôi về hoa anh đào; tôi muốn vẽ chúng.”

***

Bức chân dung sáng tác bởi danh họa Guillaume Ambrosio, được đặt tên là “Mộng Anh Đào”, vừa mới ra mắt đã gây được tiếng vang lớn. Phần vì nó đánh dấu sự trở lại của danh họa đã lâu ngày vắng bóng, còn vì nó vẽ một thiếu niên người Nhật có đôi mắt đen hẹp dài đứng dưới tán ô hoa anh đào. Tuy danh tính của mẫu tranh được bảo mật, người ta ngầm biết thừa đó chính là chàng trai trẻ bên cạnh Gojo Satoru. 

“Mộng Anh Đào” làm dậy sóng cộng đồng hội họa Paris, không chỉ vì vẻ bí ẩn đậm chất phương Đông, một sự hiên ngang, một sức mạnh, chiều sâu tinh thần lớn được thể hiện tinh tế qua người thiếu niên trong bức chân dung, mà còn vì nó cộng hưởng vào làn sóng Japonisme (Chủ nghĩa Nhật Bản) đang lan rộng khắp nền nghệ thuật châu Âu bấy giờ, một làn sóng ảnh hưởng mạnh mẽ tới những danh họa kiệt xuất như Claude Monet, Paul Ranson, James McNeill Whistler, Van Gogh. Bức chân dung sử dụng những gam màu đậm, sự cách điệu, mặt phẳng “phẳng” giống các bức mộc bản ukiyo-e, thể hiện tính chất tối giản, nhị nguyên: hoa anh đào và người thiếu niên, trong đó sức mạnh tinh thần toát ra từ người thiếu niên đối lập với vẻ đẹp mong manh của hoa anh đào. 

Satoru giật mình, nhận ra gã mải nghĩ đến bức tranh mà quên mất bản thân đang đi xem kịch. Gã đã bị bức chân dung mê hoặc bằng cả tâm hồn, thậm chí cả trong mơ cũng thấy nó - đúng như cái tên “Mộng Anh Đào”. Ngẩn ngơ hồi lâu, giờ thì vở kịch “Sự báo thù của Edmond Dantès” đã sắp hạ màn. Lúc này, bá tước Monte Cristo đang nói với công chúa Haydée:

“Con gái ta ạ! Ngày mai em sẽ được tự do. Ta sẽ trao trả cho em của cải và chức tước của cha em.”

“Vậy… vậy là Đức ông sẽ quên em ư?”

“Haydée, Haydée… Em hãy còn trẻ, còn đẹp lắm! Hãy quên ta đi và chúc em hạnh phúc.”

Đôi mắt của công chúa nhòa lệ.

“Ôi, Đức ông làm sao hiểu được! Đức ông là chủ nhân, còn ta chỉ là nô lệ của Người…”

“Trời ơi, trời!” Monte Cristo sững sờ thốt lên. “Điều ta nghi ngờ bấy lâu nay là sự thật sao? Rằng ta, một kẻ quá già để em có thể yêu… Em yêu ta lắm sao?”

“Vâng! Em yêu Đức ông! Em yêu Người như yêu cuộc sống, như người ta yêu Đức Chúa trời, vì đối với em Người là đẹp nhất, cao cả và vĩ đại nhất.”

“Haydée, nàng tiên yêu quý! Thượng đế đã tha thứ cho tội lỗi của ta. Ta chỉ có em trên đời này; vì em mà ta tha thiết với cuộc sống, vì em mà ta có thể đau khổ, có thể hạnh phúc.”

“Mọi người có nghe thấy không!” Haydée reo lên. “Đức ông vừa nói rằng Người yêu ta, vì ta mà Người có thể đau khổ, vì ta mà Người đã dâng cả cuộc sống!”

“Lạy Chúa! Ta đã thấy chân lý của ta đây rồi!”

Dứt lời, bá tước Monte Cristo ôm ngang lưng Haydée và hôn nàng. Tấm màn sân khấu hạ xuống trong tiếng vỗ tay của khán giả. 

“Vở kịch cũng hay mà nhỉ.”

“Ôi trời, gì chứ cái vở ‘Sự báo thù của Edmond Dantès’ đã được diễn cả trăm lần…”

Dù khán giả bình phẩm là thế, nhưng Satoru lại mang tâm trạng khác với họ. Vở kịch quá quen thuộc của một tác phẩm văn học cũng quá quen thuộc, nhưng lần này gã xem và bị tác động mạnh, đặc biệt là cảnh cuối. Có thể có kết thúc như vậy dành cho gã và Megumi không? Satoru tưởng tượng em cũng nói với gã “Em yêu ngài, yêu ngài như yêu cuộc sống”, và gã lập tức cảm thấy thần hồn chao đảo.

Ảo mộng tan biến khi gã bước vào salon nghệ thuật, nơi Megumi đang ngồi gảy koto. Cây đàn không phải của em; chắc là của một nhà sưu tập đồ phương Đông giàu có nào đó đã nhờ em chơi đàn rồi. Xung quanh em có rất nhiều người chăm chú nghe em gảy đàn. Căn cứ vào vẻ mặt họ, chắc chắn họ đã bị cả tiếng đàn lẫn người chơi đàn làm cho say mê - một phần cũng vì bị ảnh hưởng bởi bức chân dung “Mộng Anh Đào” nữa. 

Gã và em đang lưu lại Paris lâu hơn thường lệ, vì hiện giờ hai người cũng đang hoạt động nghệ thuật ở Paris. Khi biết đến phong trào Japonisme, em đã vô cùng sôi nổi trong việc quảng bá nghệ thuật Nhật Bản, đầu tiên là mĩ thuật ukiyo-e, rồi đến đồ thủ công mĩ nghệ và trang phục (trong đám đông nghe em chơi đàn có vài người phụ nữ phe phẩy chiếc quạt kiểu Nhật và vấn tóc kiểu geisha). Lòng yêu nước của em quá lớn, và Satoru biết rằng dù gã có dạy em bao nhiêu điều về phương Tây, em có ở phương Tây bao lâu và ngưỡng mộ phương Tây đến mức nào, sâu thẳm trong em vẫn là một người Nhật Bản; điều này là bất khả lay chuyển.

Hàng thế kỉ im hơi lặng tiếng, giờ lại phát cuồng cả đám về Chủ nghĩa Nhật Bản, Satoru bực mình nghĩ. Khi tiếng đàn vừa dứt, gã nhẹ nhàng lên tiếng, chìa tay về phía em:

“Đi nào, Megumi. Tối nay chúng ta có buổi học tiếng Pháp.” 

Đôi mắt pha lê trong suốt, lạnh lùng của gã quét dọc khắp gian salon với ánh nhìn độc đoán.

Oui, Satoru.” Em đặt cây đàn xuống, từ biệt mọi người và bước theo Satoru, nhưng lại không hề nắm lấy bàn tay chìa ra của gã.

Tối hôm đó, Megumi chẳng hiểu sao gã lại dạy em tiếng Pháp nghiêm khắc hơn thường lệ. 

Em là của tôi, và chỉ của mình tôi thôi, Megumi à. Ánh mắt này là của tôi, nụ cười này là của tôi, em không được nhìn ai như vậy, không được cười với ai như vậy nữa, biết chưa, Megumi?



(*) Mình xin gửi tới các bạn bức tranh "Lady with a fan" của danh họa Gustav Klimt, bị ảnh hưởng bởi phong cách Japonisme

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro