Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Thập Nhị (十二)

Note: Này bản draft hoi, có gì viết hết truyện tớ sẽ sửa lại nội dung kha khá á, nên đọc tham khảo thôi nhen <3

Một người nhìn mưa, một người nghe tiếng nước chảy.

Đêm Sài Gòn lạnh lẽo hơn Trí Mẫn tưởng. Không phải cái lạnh buốt giá, mà là thứ lạnh ngấm dần, như thể gió đang len lỏi qua từng sợi tóc, từng thớ vải mỏng manh, rồi chạm đến lòng cô, để lại một khoảng trống vô hình.

Trong căn phòng nhỏ trên lầu ba, Trí Mẫn ngồi một mình trước bàn trang điểm. Ánh đèn bàn hắt xuống gương mặt đã tẩy gần hết son phấn. Không còn váy áo sân khấu, không còn tiếng vỗ tay. Chỉ còn tiếng mưa rơi rả rích trên mái tôn và một người đàn bà với đôi mắt chưa chịu khép lại.

Chi Lợi đã về từ lâu. Còn Trác cũng được mấy anh chị trong đoàn đãi một bữa linh đình ở đâu đó 

Bên ngoài, phố đã vắng. Vài chiếc xích lô chạy muộn, tiếng chuông leng keng vang lên như vọng về từ cõi nào xa xăm.

Ánh đèn từ ban công hắt qua song cửa khiến căn phòng mờ mịt, như một giấc mơ chưa tan hết. Mưa vẫn rơi đều ngoài kia, từng hạt vỡ trên tán cây, âm thanh nhỏ xíu nhưng vang trong lòng không dứt.

Căn nhà nhỏ nằm trên một con hẻm cũ, cách rạp hát không xa, thoang thoảng mùi phấn cũ, mùi nhang trầm từ đêm trước còn vương lại trong không khí. Tường đã phai màu, ố vàng nơi góc tường gần cửa sổ, vết nước mưa lâu ngày hằn lên như những vết nhăn thời gian. Trong phòng khách, chiếc radio cũ màu gỗ nâu đặt cạnh giá sách nghiêng nghiêng, nơi những quyển sách nhạc nằm lẫn với vài tập thơ và một tấm ảnh đen trắng đã bạc màu — ảnh cô chụp với đoàn hát thời còn ở tỉnh.

Trên tường, tấm khăn voan từng dùng làm phông nền trong một vở diễn được cô treo lên như một bức màn kỷ niệm. Cạnh đó là cây đàn nguyệt cũ, dây đã rỉ sét một nửa, nhưng cô chưa từng có ý định vứt bỏ. Như thể, mỗi món đồ trong nhà đều là một phần ký ức — không hoàn hảo, nhưng không thể rời xa.

Phòng ngủ chỉ thắp một ngọn đèn bàn, ánh sáng dịu hắt lên những vệt bụi bay nhẹ trong không khí. Trên bàn trang điểm, phấn son để ngổn ngang sau buổi diễn, giữa những lá thư cũ, vài trang nhạc viết dở, và một chiếc khăn tay đã sờn chỉ.

Không gian ấy không sang trọng, cũng chẳng gọn gàng. Nhưng từng chi tiết đều là chính cô — một Trí Mẫn rất thật, không sân khấu, không ánh đèn, chỉ còn lại đời thường và cô đơn.

Trí Mẫn thở dài, ngả lưng ra ghế, đôi mắt khép lại. Từ trong tĩnh lặng ấy, những suy nghĩ lần lượt trỗi dậy, như thể đã chờ rất lâu để được gọi thành lời.

Mùi trà sen nguội quẩn quanh trong không khí, lẫn vào làn khói thuốc vừa tắt — một điếu thuốc đen tuyền còn cháy dở, gác nghiêng trên thành gạt tàn sứ trắng. Khói mỏng manh, quẩn quanh như tơ nhện, rồi tan vào bóng tối.

Cô không phải người nghiện thuốc. Chẳng bao giờ hút nhiều. Nhưng lại luôn giữ vài điếu trong hộp, như một thói quen đã cũ — không phải để đốt cháy, mà để tự nhắc mình: mình vẫn còn biết mỏi mệt.

Thứ khói ấy không đậm, không cay như thuốc lá đàn ông. Nhưng đủ nồng để khiến mắt cay, và tâm trí chao đảo. Có lúc, cô chỉ cần một hơi — không để giải tỏa, mà để giam mình lại. Như thể mỗi lần đưa thuốc lên môi là một lần tự hỏi: "Đây là lần cuối, hay chỉ là một lần trong vô số lần?"

Trí Mẫn không thích những thứ lửa rực. Cô chọn Sobranie đen — thứ thuốc lạnh lùng, sang trọng và xa cách. Vỏ giấy đen tuyền như những đêm không ngủ, đầu lọc màu vàng kim như ánh đèn sân khấu soi lên đôi mắt không còn trẻ. Cô từng nói đùa với Chi Lợi: "Cái này hợp với mấy đứa không tin ai, kể cả chính mình."

Điếu thuốc cháy chậm, từng vòng khói cuộn lấy nhau rồi tan loãng trong không khí — như chính cô, từng lớp vỏ bọc chồng lên nhau, rồi cũng mong có ngày biến mất. Hút thuốc, với cô, không phải để quên, mà để nhớ — nhớ rằng mình từng tổn thương đến mức phải dùng khói để khỏa lấp một khoảng trống nào đó mà không ai hay.

Cô rít một hơi thật nhẹ, rồi thở ra từ từ. Làn khói mỏng tan vào khoảng tối trước mặt. Trong làn khói ấy, có ký ức. Có giấc mơ. Có những lần ngã quỵ không ai hay. Có cả ánh mắt của cô bé ngồi ở hàng ghế cuối — thứ ánh nhìn không mang dục vọng, không mưu cầu, chỉ có... sự dịu dàng.

Khói không đủ nồng để khiến cô say. Nhưng đủ để nhắc cô rằng mình vẫn đang sống. Vẫn đang thấy. Vẫn đang đau.

Và vẫn đang chờ được ai đó thật lòng gọi tên.

Cô đã quen với những buổi tối như thế. Một mình. Một căn phòng. Một khoảng lặng. Nhưng không hiểu sao, hôm nay, nó lại thấy trống đến lạ.

Có điều gì đó... thiếu.

Cô nhắm mắt. Lại là hình ảnh con bé ấy — đứng ở hàng ghế cuối, ánh mắt như muốn nói điều gì, rồi cuối cùng chỉ là một cái nhìn chênh vênh rồi quay đi.

Trí Mẫn rướn người với lấy xấp giấy trên bàn — bản nhạc còn dang dở từ mấy hôm trước. Dòng nhạc lửng lơ. Lời ca chưa tìm được đường đến.

Một giai điệu cứ quanh quẩn trong đầu cô, từ lúc diễn xong đến giờ. Không phải khúc vọng cổ đã hát cùng Trác. Không phải tiếng vỗ tay sau tấm màn nhung. Mà là... tiếng thở dài ai đó lọt qua gió, trong một khoảnh khắc thoáng qua giữa bao nhiêu người.

Có lẽ, giây phút con bé bước đi, nó đã không còn nghe thấy tiếng hát nữa. Hoặc, tệ hơn — tiếng hát ấy đã không còn là của riêng nó.

Trí Mẫn quay vào trong, ngồi xuống chiếc ghế trước gương trang điểm. Không còn phấn son, chỉ còn đôi mắt trống rỗng phản chiếu trong lớp thủy tinh mờ bụi.

Chiếc khăn lau mặt vẫn còn ẩm, thấm mồ hôi hay nước mắt, cô cũng chẳng rõ. Ánh mắt cô chạm ánh mắt mình trong gương — mà như đang nhìn một ai đó rất xa.

Có những đêm như thế, khi mọi tiếng vỗ tay đã lặng, khi mọi ánh đèn tắt, cô mới thật sự đối diện với chính mình — không hào quang, không váy áo, không vai diễn nào cả.

Từng đường nét được xóa đi chậm rãi như thể cô đang chùi bỏ chính những vai diễn mình khoác lên bao năm. Bàn tay lướt nhẹ trên má, lau đi lớp kem nền, một ít mascara nhòe ra như vệt nước mắt bị kìm nén. Chiếc khăn trắng dần nhuộm màu phấn hồng. Mỗi vệt lau là một hơi thở dài cô chưa dám thở hết.

Gương mặt trong gương giờ đây không còn là cô đào lừng danh mà người ta vẫn trầm trồ. Không ánh đèn. Không hào quang. Không nhan sắc để bảo vệ mình. Chỉ còn lại một người đàn bà mệt mỏi, lớp da mỏng manh, và đôi mắt trống rỗng.

Bàn tay cô khựng lại khi lau đến môi. Vệt son đỏ vẫn còn vương — màu đỏ mà ai cũng bảo hợp với cô nhất. Đỏ như lửa. Như máu. Như dối trá. Như những lần phải cười khi trong lòng chỉ muốn khóc. Cô nhìn chính mình trong gương rồi bật cười, rất khẽ. Một tiếng cười vừa buồn, vừa lặng. Nó vang lên như một hơi thở hụt giữa căn phòng yên ắng, chạm vào tường rồi rơi xuống sàn gỗ cũ kỹ, không ai nhặt lại.

"Lâu rồi mình mới nhìn kỹ mình như vầy," 

"Lâu đến mức quên mất... khi không còn phải đẹp, mình trông ra sao."

Trên sân khấu buổi tối hôm nay, Trí Mẫn đứng giữa ánh đèn. Vở diễn đang vào cao trào. Mọi ánh mắt đều hướng về cô. Nhưng mắt cô lại tìm một người — nơi hàng ghế giữa mà cô đã để dành.

Cô đã đưa vé cho em. Một tấm vé hàng giữa — vị trí đẹp, ngay đối diện sân khấu. Dù khi đưa vé, cô giả vờ thản nhiên — như thể đó chỉ là phép lịch sự của một người từng trò chuyện, từng ngồi chung vài buổi, từng mỉm cười cùng nhau qua ánh mắt. Nhưng trong lòng, cô đã cẩn thận dặn người giữ ghế giữa. Cô đã nhiều lần dõi mắt xuống hàng thứ tư. Đã chờ một dấu hiệu, một mái đầu nghiêng, một bóng áo quen, một thoáng thở dài khẽ khàng.

Nhưng không thấy.

Tiếng nhạc nổi lên, ánh đèn quét ngang gương mặt cô, tạo nên những mảng sáng tối như một bức tranh sơn dầu lẫn lộn. Trí Mẫn mím môi. Sân khấu hôm nay đầy khách. Người cười nói rôm rả, máy ảnh nhấp nháy, không khí hào hứng như lễ hội. Nhưng trong cô chỉ còn một khoảng trống rất nhỏ, rất lạnh, rất sâu — đúng vị trí của hàng ghế giữa.

Cô hát, vẫn như mọi đêm. Vẫn là những câu ca ngọt như rót mật, vẫn là ánh mắt mơ màng gửi về phía khán giả. Nhưng chỉ cô biết: ánh mắt đó đang đi tìm một gương mặt cụ thể, một đôi mắt từng nhìn cô không vì sân khấu, không vì nhan sắc, mà vì tiếng hát.

Ngay cả khi ánh đèn chiếu thẳng vào mắt, khi cô cất tiếng hát đoạn đầu tiên trong vở, lòng cô vẫn dội lên một thoáng hụt hẫng. Đoạn hát vốn đã thuộc nằm lòng, thế mà tối nay lại sai nhịp một chỗ.

Một nhịp thôi, đủ để chệch mất lời đầu tiên. May mà Trác nắm tay cô kịp, kéo cô trở lại với nhịp đàn. Nhưng cái nhịp lạc ban đầu ấy... chẳng ai ngoài cô biết. Một cú hụt lặng lẽ. Một quãng ngập ngừng mà chỉ trái tim cô nghe ra.

Phía sau cánh gà, người nhắc tuồng chau mày, tưởng cô sơ suất. Nhưng không ai hiểu, rằng trong tích tắc ấy, cô không còn đứng ở giữa một vở tuồng, mà đứng chơ vơ giữa một khoảng lặng không ai chạm tới. Trái tim cô, như một nhạc cụ bị lên dây sai nốt.

Cô biết, mình đã quá hy vọng. Biết đâu con bé không đến. Biết đâu nó chỉ nói vậy cho có. Biết đâu... cô chỉ là một thoáng qua trong lòng ai đó.

Tới màn thứ hai, cô diễn với Trác. Trác đưa đẩy, như thường lệ. Đôi mắt Trác long lanh ánh sân khấu, nụ cười tươi rói, tay khẽ chạm vào tay cô khi hát đoạn đối đáp. Trí Mẫn vẫn diễn, nhưng tim cô như vừa bị ai bóp nghẹt.

Bất giác, cô thấy một cái bóng nhỏ vùng chạy ra khỏi cửa rạp.

Không rõ mặt. Không chắc chắn. Nhưng lòng thì nhói lên một nhịp rất rõ.

Nếu đó là em, thì em đã thấy gì? Một người đang say mê trình diễn? Hay một cô đào đang để người khác nắm tay, cười đùa, nói lời yêu trong một kịch bản không có em?

Mãi đến khi màn kết hạ xuống, tiếng vỗ tay rộ lên, cô mới như bừng tỉnh. Đèn vụt tắt. Mọi người chúc mừng, rộn ràng. Nhưng cô rẽ khỏi dòng người, bước vội vào hậu trường. Tim đập như trống trận.

Cô nuốt một nhịp thở. Hát tiếp, như chưa từng nhìn xuống.

Sau buổi diễn, Chi Lợi bước vào phòng thay đồ, tay cầm điếu Gauloises chưa đốt. Mắt cô đỏ hoe, không rõ vì khói hay vì điều gì.

"Con bé đến rồi," Lợi nói khẽ.

Trí Mẫn sững người.

"Đứng một lúc rồi đi. Chắc nó thấy cảnh em với Trác..."

Trí Mẫn cúi đầu. Tay chống lên trán. Mái tóc dày rũ xuống, che khuất gương mặt.

Chiếc lược trong tay Trí Mẫn trượt khỏi ngón tay, rơi xuống nền sàn.

Cô cúi xuống, nhặt lại, tay run nhẹ. Trong ánh đèn vàng của hậu trường, gương mặt cô phản chiếu trong gương trang điểm không còn là "Trí Mẫn" của khán giả nữa — mà là một người đàn bà đang rối bời, đứng giữa ranh giới của vai diễn và con tim thật sự.

Cô không hỏi tại sao em lại đi, cũng không hỏi đã đứng đó bao lâu. Vì cô biết, điều quan trọng không phải là thời gian em đứng lại... mà là khoảnh khắc em quyết định rời đi.

Và khoảnh khắc ấy — là khoảnh khắc cô đã để mất em.

"Đừng trách con bé," Chi Lợi nói, khẽ đặt điếu thuốc lên bàn. "Nó chỉ đến để nghe em hát. Nhưng nó lại thấy em là người của khán giả. Không phải của riêng ai cả."

Trí Mẫn không trả lời. Một khoảng lặng tràn ra giữa họ, đặc sệt, nặng nề. Rồi, rất khẽ, như nói với chính mình, cô lặp lại cái tên đã vang lên hàng nghìn lần trong lòng suốt buổi tối.

Chiếc ghế giữa khán phòng — không phải vì Mẫn Đình không đến. Mà vì con bé đã thấy, và không muốn ngồi nữa.

Câu nói ấy — vang lên trong cô như một bản án dịu dàng mà nghiệt ngã. Cô không giận em. Không trách. Không buồn em. Chỉ buồn cho chính mình, đã quá quen với việc sống trong hai lớp da — một của Trí Mẫn, cô đào được ngợi ca, và một của chính cô, kẻ đã quên mất cách để yêu một người mà không cần diễn.

...

Trí Mẫn ngồi yên trong bóng tối, không bật đèn. Đôi khi, cô nghĩ, ánh sáng chỉ làm người ta lộ rõ những vết thương mà ban ngày vẫn cố giấu sau lớp son phấn.

Cô vẫn nhớ ánh mắt em đêm hôm đó — đêm đầu tiên gặp nhau. Một cô bé quê mùa, ngồi lọt thỏm trong cái ghế quá khổ thường dành cho mấy ông tây bà đầm, đôi mắt mở to, sáng như sao trời. Ánh nhìn không trốn tránh, không lấp lửng như bao kẻ khác. Em nhìn cô như nhìn một điều gì đó xa lạ, vừa thiêng liêng, vừa bất khả xâm phạm.

Người ta đến với cô vì cô là Trí Mẫn.

Nhưng con bé ấy... không giống họ.

Ánh nhìn của em khiến cô không còn là một "cô đào họ Liễu", mà là một người phụ nữ đang hát. Và được lắng nghe.

Không phải vì nhan sắc. Không phải vì tên tuổi. Mà vì tiếng hát.

Tiếng hát — thứ cô đã đánh đổi nửa đời để gìn giữ.

Con bé ấy không đến vì những tấm áp phích dán đầy ngoài rạp. Không vì lời tán tụng rỗng tuếch. Nó đến như thể bị kéo lại bởi một tiếng gọi mơ hồ nào đó. Như thể... yêu một ảo mộng.

Và cũng chính vì thế, cô sợ.

Cô không dám lại gần em — vì cô biết mình không phải là ảo mộng. Cô là người, bằng xương bằng thịt, với những vết nứt, những lần ngã gục, những cuộc tình gãy gánh và lòng kiêu hãnh cũ kỹ dùng để che đậy nỗi cô đơn.

Em đã đến.

Rồi em rời đi.

Có thể chỉ vì một cảnh diễn. Một cái nắm tay diễn xuất với Nghệ Trác — cô bé đồng nghiệp mà cô vẫn xem như em út, chẳng hơn.

Nhưng em đâu biết... Trí Mẫn đã không nhìn vào Trác. Cô chỉ mong, chỉ chờ được thấy em giữa khán phòng.

Làm sao để em biết rằng... cô hát cho em?

Cô hát cho người con gái không biết rằng, chính mình vừa khiến một Trí Mẫn run rẩy.

Đã rất lâu rồi, cô không còn quen với cảm giác đó.

Cha mẹ từng ngăn cấm cô theo nghề hát. Nói đó là nghề xướng ca vô loài. Làm xấu mặt gia đình. Cô đã bỏ nhà ra đi. Đã hát bằng cả trái tim. Đã sống như mình muốn.

Nhưng sống hai mặt quá lâu, đôi khi cô tự hỏi: đâu mới là mình?

Một Trí Mẫn lộng lẫy trên sân khấu? Hay người đàn bà trong đêm, lau từng vệt phấn như lau đi nỗi buồn cũ?

Gặp Mẫn Đình, cô bối rối. Vì lần đầu tiên, có người nhìn cô mà không cần cô phải "làm gì cả". Chỉ cần là chính mình.

Một cô bé có đôi mắt buồn — nhưng chưa mất hết niềm tin. Một tâm hồn nhiều tổn thương — nhưng vẫn đủ dịu dàng để thương lấy người khác.

Trí Mẫn đưa tay chạm vào xương quai hàm, rồi dừng lại nơi ngực trái – nơi trái tim vẫn còn đang nhói.

Cô không rõ cảm giác đó là gì. Không hẳn là tình yêu. Cũng không phải nhớ nhung.

Chỉ là... từ lần đầu gặp, cô đã thấy con bé đó khác.

Không phải vì cái cách em nhìn cô — đã có hàng trăm ánh mắt từng nhìn cô như thế. Say mê. Khát khao. Thậm chí là ảo vọng.

Nhưng ánh mắt của Đình lại khác. Tĩnh lặng. Dịu dàng. Như thể đang nghe một câu chuyện buồn, chứ không phải xem một vở hát.

Cái buồn ấy – không nói ra được. Nhưng lại khiến cô thấy... được nhìn thấy.

Thật sự được nhìn thấy.

Không phải Trí Mẫn trên sân khấu. Mà là một người đàn bà đã từng khóc trong hậu trường vì hát lệch nhịp. Từng bị cha đánh vì không chịu học hành, chỉ mải mê chạy theo nghề hát. Một Trí Mẫn với những vết nứt âm thầm giấu trong lòng — con bé ấy như thể đã nhìn ra.

Và không bỏ chạy.

Cô không biết Đình đã nhìn thấy điều gì ở cô, nhưng cô thì biết rất rõ một điều:

Khi đứng trước con bé ấy, cô không cần phải rực rỡ.

Không cần phải hát hay. Không cần phải diễn giỏi. Không cần phải làm hài lòng ai.

Chỉ cần là chính mình — cũng đủ để khiến người kia ngồi lại.

Có thể chỉ là vài câu chuyện ngắn. Một ánh mắt không tránh né. Một bàn tay từng nhặt giúp chiếc khăn rơi xuống. Một người lặng lẽ lắng nghe cô tập hát — không phán xét, không tò mò, cũng chẳng cần so sánh với ai khác.

Đôi khi, cảm tình không sinh ra từ những điều lớn lao.

Nó bắt đầu từ những khoảng lặng – nơi cả thế giới bỏ đi, mà vẫn có người ở lại.

Và thế là... trái tim tưởng chừng đã cũ của cô, lại khẽ rung một lần nữa.

Không phải vì yêu.

Mà vì thấy mình được nhìn — rõ ràng, và dịu dàng.

Có thể, đó chưa phải là tình yêu. Nhưng là một cái gì rất mảnh, rất nhỏ, mà chỉ cần động khẽ thôi là vỡ tan.

Cô chạm tay lên ngực. Nơi đó vừa rung lên.

Không vì đau.

Mà vì... đã rất lâu rồi, cô mới thấy mình còn biết rung động.

Còn sống.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro