(1.1) Dương Minh Nguyên
Trước tiên thì theo góp ý của một bạn độc giả ở bộ trước với cả vì cái chuyện này nó khá là quê quê nên mình đổi như thế: Park Jongseong=>Phạm Trung Thành
Yang Jungwon=> Dương Minh Nguyên
"Lost among the stars, the voyager is unlikely to come across an intelligent life
Intelligent life will have to find the voyager."
Trung Thành không phải người dân trên huyện đảo này. Cái đảo gì mà xa xôi hẻo lánh, tuốt tận mấy chục hải lí về phía nam, mất hàng giờ đồng hồ để đi tàu từ đất liền mới đến được mũi đảo. Ở đây cũng có điện, nhưng không được mạnh lắm. Ở đây không có sóng, internet thì càng không. Dù mấy năm nay, nhà nước đang cố gắng kéo đường dây ra các đảo, nhưng đến cái đảo ở vùng sâu vùng xa này thì cũng còn lâu lắm. Đi thực tập ở đây mới được hai ngày trời, Thành chợt nhận ra, không phải cứ có tiền là mua được tất thảy.
Sinh viên năm ba đến từ đại học sư phạm, Thành vẫn luôn đau đáu trong lòng về cái nghĩa vụ nối nghiệp ông cha của mình. Năm cuối cấp ba, trong khi đám bạn cùng tuổi đêm này qua đêm khác thức trắng suy nghĩ về chuyện tương lai, về chọn trường học, về việc làm, Thành chẳng cần nghĩ, cũng chẳng cần chọn vì chắc chắn anh sẽ đi học làm giáo viên như bố từng nói rồi. Thành cũng không phải lo nghĩ gì về chuyện sau này sẽ phải xin việc làm ở đâu, xin thế nào vì họ hàng trong nhà ai cũng bảo "Thành học sư phạm sau này ra chỉ có làm hiệu trưởng thôi con ạ." Đôi khi anh không biết, bản thân thật sự đang làm gì, Thành không biết mình thích gì, không biết mình muốn trở thành người như thế nào trong tương lai.
À, trở thành người tốt.
Thế thôi.
Đôi khi anh thấy mình là một kẻ thảm hại, vì đến một ước mơ cũng chẳng có nổi. Nhưng đã đến cái tầm tuổi này rồi, mới có hai mươi mấy xuân xanh, Thành nghĩ dù ước mơ thì cũng chỉ để đấy thôi chứ chả làm gì được.
Nguyên do đưa Thành đến cái huyện đảo xa xôi hẻo lánh này thật ra chẳng có gì đặc biệt, chỉ là trong một bận cãi nhau qua lại với bố, Thành giận quá rồi xin đi thực tập ở rõ xa để không phải gặp bố mình. Đành lòng là chẳng thể tránh mãi, nhưng tránh được ngày nào hay ngày đấy, Thành cứ tạm thời như thế đã.
Trường cấp ba ở trên đảo này chẳng có mấy học sinh.
"Ở đây nghèo, mấy đứa trẻ con có đứa nào đi học hết nổi cấp ba đâu, đứa thì bỏ học giữa chừng, đứa nào học hết cũng về đi kéo lưới thôi. Còn mấy đứa ở trên thị trấn kia, bố mẹ chúng nó có tiền, lo được cho tụi nó vào đại học, cũng chẳng đứa nào muốn về đây."
Ở một góc độ nào đấy, Thành tự thấy mình là một đứa may mắn vô cùng.
Lần đầu tiên lên lớp, xách chiếc cặp da màu nâu cánh gián, gió biển lồng lộng thổi mơn man qua khung cửa sổ, len lỏi cả vào trong mái tóc đen óng chải vội của anh, Thành nhìn đám trẻ kém mình vài tuổi đời đứng trước mắt, toàn là những gương mặt sáng sủa cả, hi vọng tương lai của chúng nó cũng sáng như thế.
Thành nhớ mãi một đứa nhóc với gương mặt trắng trẻo, cái làn da trắng sứ không gì đẹp hơn. Đôi mắt nó tròn xinh, trông như mắt mèo, mà bình thường thằng bé ấy cũng lủi thủi như một con mèo con lạc mất mẹ. Nó ngồi ở bàn thứ bốn, dãy giữa, nhưng trông nó lúc nào cũng là cái vẻ bình lặng, dửng dưng với tất cả mọi thứ xung quanh. Ai bảo gì nó cũng làm, có hôm trời mưa, sấm sét giật đùng đùng, nhà vệ sinh ở cách lớp một cái dãy hành lang dài dằng dặc, đứa nào cũng đùn đẩy nhau đi giặt giẻ lau bảng, cuối cùng, chẳng biết do đâu, chiếc giẻ được truyền đến bàn nó, nó chẳng nói chẳng rằng, chỉ lặng lẽ cầm lấy chiếc giẻ, đứng lên rồi đi ra ngoài. Có lẽ thẳng bé quen lắm với mấy chuyện như vậy rồi.
Có hôm, giáo viên chủ nhiệm đi ngang qua lớp, thấy bảng vẫn bẩn, liền tạt vào: "Hôm nay bạn nào trực nhật nhỉ?"
Đám trẻ nhao nhao "Bạn Nguyên ạ!"
Khẽ liếc xuống dưới, Thành thấy thằng bé chẳng có phản ứng gì đặc biệt, mà hình như không phản ứng. Như lần trước, nó lại đứng dậy, đi giặt lại giẻ, lau bảng bóng loáng rồi mới trở về chỗ ngồi.
Thằng bé này hình như chẳng nói chuyện với ai bao giờ, có lần gọi nó lên bảng làm bài, Thành đã yêu cầu giải thích về bài làm của nó, thằng bé cũng đứng dậy, trình bày gọn ghẽ rồi mới ngồi xuống. Nó học không tệ, mấy thầy cô dạy qua lớp ấy đều nói thằng bé học hành rất được. Cũng qua các thầy cô, Thành biết gia đình thằng bé cũng hoàn cảnh lắm.
"Minh Nguyên lớp chị ấy hả? Thằng bé này ngoan ra phết, có cái nhà không có tiền, học hành không ai bảo ban định hướng, chứ nó mà được quan tâm đến nơi đến chốn thì còn giỏi nữa. Mấy lần họp phụ huynh chẳng thấy ai đi họp cho. Chị nghe bảo mẹ xuất ngoại, còn bố ở nhà làm chài lưới thôi. Trong cái mắt nó cũng khắc khổ lắm, đi học về lại thấy chạy ngang chạy dọc làm lụng, đi đâu cũng gặp nó được." Chị Mai thở dài lấy một hơi.
Đúng như chị Mai nói, mới lúc trưa tan trường, tạt vào quán tạp hoá mua chút đồ đã gặp ngay thằng bé ở đấy. Có lẽ cái sự im lặng đã ăn sâu vào trong máu của nó rồi, có khách vào quán, nó chào nhẹ, ai hỏi gì nó trả lời ấy, không thừa không thiếu lấy một câu nào. Sau khi lựa hết những thứ cần thiết, Thành đem ra cho nó tính tiền, lúc bấy giờ, anh mới thử bắt chuyện với nó.
"Bạn Minh Nguyên ở lớp cô Mai đấy hở?"
Thằng bé đang lụi hụi tính toán, nghe tiếng anh liền ngẩng lên nhìn, rồi sau đó cúi chào tới tấp.
"Em chào thầy, em không nhận ra thầy."
Thành thấy thằng bé phản ứng nghiêm trọng quá, liền phẩy phẩy tay "Không sao không sao, mà đừng gọi thầy, gọi anh cũng được, cách nhau có mấy tuổi ấy mà."
"Ơ vâng." Nguyên trả lời một tiếng nhẹ tênh.
"Mà đây là nhà Nguyên, hay Nguyên trông hộ thôi?" Thành vừa hỏi, chân vừa rảo bước vào bên trong, nhặt lên một túi bánh quy và hộp sữa một lít có khi uống hai ngày mới hết.
"Em làm thêm ở đây ạ." Nó vẫn đang tính dở, nhận được thêm hai món đồ Thành đưa, nó lại tính tiếp.
Tính toán xong xuôi, nó lại lấy cái túi nilon, mau chóng bỏ hết đồ vào. Thành chủ động gom đồ giúp nó, còn lại túi bánh quy và hộp sữa, anh đẩy lại.
"Anh cho Nguyên đấy. Trưa rồi, ăn đi, làm nhanh rồi về nghỉ ngơi, chiều mà đi học nhớ! Anh về trước đây."
Thằng bé ngơ ngác nhìn mất vài giây, mãi tận khi anh ra đến cửa, nhét hết túi đồ vào giỏ xe thì mới nghe thấy tiếng nói thoang thoảng của nó từ trong vọng ra.
"Em cảm ơn, anh về ạ."
Có buổi chiều, Thành không có tiết dạy, mới đạp xe đi quanh quanh ngắm nghía, thấy thằng Nguyên ngồi hì hục đan lưới ở dưới lán nhà ông Hanh, anh tạt xe vào chào hỏi vài câu.
Thành từ thành phố đến đảo, trông cũng sáng sủa, tinh anh hơn người, đã vậy lại là thầy giáo trẻ trung tươi mới, thân thiện hoà đồng, mọi người cũng quý lắm. Vừa tạt xe vào, các bác đã chào hỏi nhiệt tình lắm.
"Thầy giáo đến chơi đấy hở?"
"Vâng vâng con chào các cô." Liếc thấy thằng Nguyên vẫn cặm cụi đan lưới, anh đánh liều ngồi xuống "Cho con thử cái này với."
Ấy thế là mọi người đều tận tình chỉ bảo. Cuối cùng, các cô đưa cho cuộn dây và mấy thứ nữa rồi chỉ ra phía Nguyên "Kia kìa, ra chỗ thằng Nguyên, chỗ ấy còn nhiều lắm kìa, có gì thì bảo nó chỉ cho, nó rành cái này lắm."
"Mà thằng Nguyên thấy thầy cứ như không ấy nhể, chẳng chào gì sất."
Lúc bấy giờ, Nguyên mới ngẩng đầu lên. Nó ngồi trên cái ghế gỗ con con, trông người bé tẹo, bé hơn thằng Lực ở cạnh nhà anh. "Dạ?" Nó ngơ ngác nhìn "Ơ con không để ý. Em chào thầy ạ."
Thành cười "Nguyên cũng làm ở đây luôn hả?"
Thằng Nguyên không thèm nhìn anh, vẫn chăm chăm vào việc "Vâng ạ."
Sau một hồi rôm rả nói chuyện trên trời dưới đất với các cô các dì, câu chuyện mới vơi vơi đi chút, mọi người lại tập trung vào công việc, Thành mới ghé sang tai Nguyên hỏi:
"Chiều nay em không đến trường à? Anh tưởng chiều nay em vẫn phải học."
"Dạ em không ạ."
Cái nắng chiều trên đảo hoà cùng gió biển lồng lộng ngập tràn hương muối mặn, mái tóc thằng Nguyên ánh lên rực rỡ, rọi cả vào gương mặt gầy gò, lầm lũi của nó. Trông cái tướng nó ngồi đúng là khắc khổ thật. Thi thoảng, nó lại đưa cả bàn tay lấm lem lên để quẹt ngang quẹt dọc chiếc mũi cứ chốc chốc lại sụt sịt của nó, thành ra mặt nó cũng lấm luôn.
Bỗng dưng Thành nhìn nó rồi cười ngây ngốc, ngày xưa anh cũng được thế này nhỉ.
Lại một buổi tối khác, nhà hết dầu gội, Thành lóc cóc đạp xe ra quán mua, tiếp tục gặp thằng Nguyên ở đấy. Nó cũng đang bán hàng.
"Tối vậy rồi, em không về nhà sao?" Đặt lọ dầu gội xuống, Thành hỏi.
"Vâng tí nữa em về sau."
Thành lại vòng lại, nhặt thêm chút đồ ăn vặt và hai hộp sữa, nhưng lần này là sữa bình thường thôi. "Tầm này chắc cũng đỡ người đến mua hàng rồi, ra đây ngồi chơi chút đi."
Thằng Nguyên cũng không phản đối gì, chỉ lẳng lặng đi theo anh ra ngoài, bắc chiếc ghế gỗ cũ kĩ rồi ngồi xuống.
Thành đưa cho nó cả hai hộp sữa, lấy ra bên trong một bịch bánh cá rồi cũng đưa đống còn lại cho nó luôn.
"Lúc nào gặp cũng thấy em đang làm việc nhỉ."
"Vâng ạ." Nguyên trầm ngâm "Em ở nhà buồn thì chạy ra đây làm việc cho đỡ chán."
"Sao không đi chơi với bạn? Em đang cái tuổi ăn chơi học hành cơ mà, sau này lớn thì đi làm sau."
Thằng Nguyên ngồi ôm bịch bánh, đôi mắt nó nhìn xa xăm về phía mấy con sóng vỗ vào bờ đá, gió biển ban đêm thổi xào xạc, trăng trên đầu sáng rực, rọi xuống đôi mắt buồn rượi của nó. "Em không thích đi cùng bạn."
Thành biết nó đang nói dối, ở trên lớp, thấy nó chẳng nói chuyện với ai bao giờ cả. Anh với lấy túi đồ trong tay Nguyên, lấy ra một bịch bánh khác, bóc ra rồi dúi vào tay nó. "Sao thế? Em không thích các bạn hay các bạn như thế nào với em?"
Nó không nói gì, nhai miếng bánh cá trong miệng, móm mém như một con mèo con.
"À mà thôi, anh hỏi hơi nhiều rồi."
Thành chỉ thắc mắc, một đứa mặt mũi sáng sủa lại dễ bảo như nó, làm gì có ai mà không quý cho được.
"Sao anh hay mua đồ ăn cho em thế ạ?"
"Hở? Anh có mua bao giờ đâu mà bảo hay mua?" Thành cười.
"Lần trước..."
"À, hôm đấy anh tiện tay thì mua thêm thôi. Còn bữa nay rủ em ra đây ngồi chơi thì mua đồ ăn ngồi ăn cho vui chứ ngồi không buồn lắm."
"Vâng." Nguyên chẳng thắc mắc gì thêm.
Nhưng Thành thừa nhận, Thành thích cái đôi mắt mèo to tròn của thằng bé cực kì. Chẳng hiểu sao lúc nhìn vào mắt nó, anh cứ cảm thấy như thể anh cần phải bảo vệ nó mới được.
Thằng Nguyên bỗng dưng cúi gằm mặt xuống, chẳng biết có phải nó đang nhìn vào đống đồ ăn trong tay nó hay không, rồi sau đó, nó ngẩng lên "Lần sau anh đừng mua đồ ăn cho em nữa ạ." Rồi dúi trả lại tay anh túi đồ. "Em cảm ơn anh nhiều lắm, em phải làm việc tiếp đây." Nó đứng phắt dậy, đi thẳng vào trong nhà.
Thành ngẩn ngơ nhìn theo, cái dáng người dong dỏng mà gầy guộc, vẫn nguyên cái áo trắng đồng phục và chiếc quần vải màu xanh than đôi chỗ dính bùn đất vàng lên cả một mảng, cái lưng gầy của nó, và cả cầu vai vuông vắn nhô lên. Thế rồi anh thở dài, nhớ lại lời của một bà cụ hôm gặp ở dưới cái lán đan lưới nhà ông Hanh "Thằng bé này, cái tướng thế kia là gánh vác nhiều thứ lắm đây."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro