Chương 1
Tiệm cà phê "Mèo biển"
Tiệm cà phê ấy được mở ngay con đường đi ra bờ biển, đứng từ bên trong tiệm nhìn ra ngoài cũng thấy được biển xanh lấp ló. Đây là quán cà phê duy nhất của thị trấn, à nói như vậy cũng không đúng lắm vì ở phía bên kia thị trấn, nơi bãi biển dùng để tiếp đón khách du lịch cũng có hai hay ba cửa hàng cà phê. Những quán cà phê bên ấy trẻ trung hơn với tông màu trắng nâu sành điệu, nhạc trong quán cũng là của các nhóm nhạc thời thượng bây giờ. Nhưng người dân của thị trấn, từ già đến trẻ hầu như chỉ yêu thích cái quán cà phê mang tên "Mèo biển" này.
Chắc vì đồ uống quán này dân dã, chẳng có một thực đơn cố định. Mỗi ngày là một thực đơn khác nhau được anh chủ quán viết ngay ngắn trên tấm bảng đen đặt trước quán. Ngày thì hết cà phê nên khách hàng chỉ được uống trà, ngày thì quán có nguyên liệu nấu ăn nên có thể gọi thêm cà ri hay cơm rang trứng. Nếu có một khách hàng đem cho hải sản, anh chủ quán cũng có thể chế biến ra mấy món như mực chiên vòng, tôm chiên trứng muối. Đồ ăn thức uống ngon vừa phải nhưng quán có thêm một sức hút. Nhân viên quán này toàn trai đẹp!
Bên cạnh chủ quán sáng sủa có một cậu chạy bàn đáng yêu, một anh pha chế không rành tiếng lắm vì nghe nói là người Nhật. Giờ lại có thêm một người đẹp trai đến, mà chỉ tính riêng ngoại hình đã là cách mạng với cả thị trấn. Người mới có má lúm, tóc nâu sậm và sáng nào cũng đi lướt sóng. Nhờ cậu ta mà quán bắt đầu thu hút cả khách du lịch từ bên kia thị trấn sang. Mọi người trêu ông chủ Kim là phát tài rồi nhưng anh chỉ cười cười nói đúng vậy mà không thêm câu nào. Bời vì ông chủ biết, chỉ cần người dân xung quanhd dây trổ tài gọi đồ uống thì trong vòng một tuần, con mèo bông kia sẽ chạy mất dép.
Vị khách cứng đầu
Một ngày của Trịnh Tại Hiền – người pha chế thử việc của tiệm Mèo biển bắt đầu bằng chạy bộ. Từ năm giờ sáng, cậu sẽ tỉnh dậy, làm vệ sinh cá nhân rồi bắt đầu chuyến hành trình của mình. Không chỉ là bên bờ biển mà còn qua các ngóc ngách trong thị trấn nơi nhiều bậc thang lên xuống. Thị trấn ven biển này tựa lưng vào một quả núi nhỏ nên càng tiện lợi cho việc tập thể dục. Và thường thì kết thúc mỗi chuyến chạy bộ, Trịnh Tại Hiền sẽ thu được rất nhiều đồ ăn. Trên đường về quán, các cô các bác sẽ túm lấy cậu, cho một ít rau củ nhà trồng, khi thì cho bánh kẹo các thứ. Ai cũng bảo rằng khổ thân thằng bé, không có đủ tiền thuê nhà, phải sống ở tầng trên của quán cà phê, nên cho nó một chút đồ ăn để thằng bé đỡ phải tiêu tiền. Mỗi lần nghe thấy những câu chuyện sau lưng nh vậy, Tại Hiền cười khổ. Danh hiệu pha chế đẳng cấp thế giới trở thành hư vô, cậu trở thành một cậu nhóc đáng thương không tiền không nhà, phải đến thị trấn này để làm việc. Nhưng mà vui! Rau củ mọi người tự canh tác nên vị ăn khác hẳn mua trong siêu thị, chất lượng có thể không bằng nhưng vị lại mềm mại, ngọt ngào hơn. Hôm nay Tại Hiền được cho cải thảo, hành tây và cả mấy quả cà tím, bác cho cà tím còn dúi cho cậu một chai tương nhỏ để ăn cùng cà tím.
Khi Tại Hiền về đến quán cà phê, Đạo Anh đã đang viết bảng thực đơn ngày hôm nay. Trong ánh nắng hanh vàng, một vài sợi tóc đen lơ thơ bay trong gió. Viên phấn dưới sự chỉ huy của anh nhảy múa tạo nên những con chữ uốn lượn rồi thêm mấy bông hoa hướng dương hay mặt trời gì đó. Có vẻ đã hoàn thành xong xuôi, anh chủ quán từ tốn đứng dậy, vỗ hai tay mình cho bay hết những vụn phấn, cũng vui vẻ hát mấy điệu ngẫu hứng. Bốn năm không gặp, Kim Đạo Anh dường như trở thành một người khác. Anh chẳng còn dáng điệu vội vã, hấp tấp, thay vào đó là phong thái nhẹ nhàng, điềm đạm như thể có trong tay toàn bộ thời gian của thế giới này.
– Nay em lại có chiến lợi phẩm à. – giọng nói ấm áp với đuôi mắt cong, cả người Kim Đạo Anh như tỏa sáng trong ánh nắng mặt trời buổi sớm.
– Cà tím, cải thảo, hành tây. Mai khách ăn cơm chiên có thêm hành tây xắt lựu rồi. – Tại Hiền cũng giơ túi đang cầm trên tay lắc lắc khiến đối phương bật cười.
– Vậy sao không làm hành tây muối xổi! – giọng nam khàn khàn vang lên thu hút sự chú ý của cả hai. Ông cụ chống gậy, đầu đội mũ phớt màu xám nhăn mặt nhìn hai người trẻ đang cười đùa – Mà cái quán này mở chưa đây. Bảy giờ rồi mà còn chưa mở thì làm ăn cái gì. Cứ như này sang mấy quán phía bên kia cho nhanh.
Miệng cằn nhằn không ngớt nhưng ông cụ lại đẩy cánh cửa quán đi vào, bên nách còn kẹp tờ báo. Kim Đạo Anh trộm cười, giơ tay ám chỉ cố lên với Tại Hiền. Người nhỏ tuổi hơn cũng làm dấu hiệu tương tự nhưng là để khích lệ chính mình. Người thách thức danh hiệu barista của cậu đến rồi.
Ông cụ vừa vào quán là khách quen của tiệm Mèo biển ngay khi tiệm mở cửa, tức là từ người chủ trước Kim Đạo Anh. Thói quen của ông là mỗi ngày làm một ly cà phê trước khi đi làm, nghỉ hưu rồi thì sáng sẽ ra tiệm vừa đọc báo vừa uống cà phê cả buổi. Chuyện chẳng có gì đáng nói trừ việc chẳng ai trong tiệm pha cà phê đúng ý ông, kể cả barista họ Trịnh. Lần đầu tiên cậu tự tin đưa cà phê đá ra, ông nhăn mặt không vừa lòng. Lần thứ hai, ông vẫn uống hết nhưng nếp nhăn giữa hai lông mày chẳng buông ra. Lần thứ ba, Trịnh Tại Hiền đập đầu mình vào quầy pha chế, cậu vẫn chưa thành công.
– Cái vị cà phê ấy mà. Ngon nhất vẫn là ông chủ quán xưa làm, các cậu bây giờ pha đắng ngắt, không êm.
Hôm nay, Tại Hiền lại thất bại. Ở phía bên kia, anh Thái ôm mặt xong móc tiền ra khỏi túi quần đưa cho Kim gian thương. Ngày hôm nay họ lại đánh cược xem cụ ông này có thích cà phê do Tại Hiền pha hay không. Thế nhưng cậu không được chia phần dù hai người họ cá cược trên thành quả của cậu nhưng cả hai đều gọi Tại Hiền là con nít và bài bạc là chuyện của người lớn.
– Ngày kia ta sẽ lại đến nữa. Cậu liệu mà học cách pha cà phê cho đàng hoàng đi! – qua mắt kính có phần ngả ố, cụ ông "cảnh cáo" người pha chế mới. Đúng là người trẻ thời nay chẳng thể nào làm cái gì đàng hoàng, lúc nào cũng chỉ rao giảng về máy móc và công nghệ.
– Vậy mai ông đi sang mấy quán bên kia uống ạ. Ông này, ông là khách quen của chúng cháu đấy. – Kim Đạo Anh đặt một đĩa cà tím non cùng tương chấm lên mặt bàn cho ông cụ rồi ngồi xuống đối diện – Thiếu ông là doanh thu của bọn cháu đi tong rồi. – Hai tay anh ôm mặt, giả bộ khóc trong tổn thương. Anh Thái thì ôm bụng cười ngặt nghẽo còn Trịnh Tại Hiền vẫn chẳng thể hết ngạc nhiên. Ngày trước, họ Kim không nói chuyện bằng giọng nhẽo nhoét như này bao giờ, anh còn căm ghét nó vậy mà lại lại thành thục làm trò. Ông cụ khó tính cũng bị anh chọc cười khanh khách.
– Thằng nhóc này! Làm như thiếu tiền lắm vậy.
– Thiếu chứ, cháu mà không thiếu thì mở quán cà phê làm gì.
– Làm màu! Nhưng mai con gái và cháu ta về thăm, ta ở nhà nấu cơm cho chúng nó. Bọn trẻ thành phố ấy mà, có biết gì mùi vị tươi ngon của hải sản đâu. Giờ cái gì cũng đóng hộp rồi đông lạnh.
– Vậy mai cháu sang túp ông nhé. – cái đầu đỏ rực rỡ của anh Thái xuất hiện phía sau ông lão, ra sức bóp vai lấy lòng. – Cháu biết nàm shasimi, cơm luộn nữa.
– Học lại phát âm đi rồi sang. – anh Thái bị tờ báo cuộn lại đánh vào đầu một cái – Mà nhuộm lại cái tóc đi, nhìn như quỷ.
– Ông có Tại Hiền rồi nên không thương cháu nữa!
– Pha cà phê như hạch còn đòi ai thương.
2. Lý Minh Hưởng
Một buổi sáng bình thường ở tiệm Mèo biển bắt đầu với ông cụ khó tính, còn buổi trưa sẽ đến cùng Lý Minh Hưởng mới tan học về.
Trong tiệm này cậu ấy nhỏ tuổi nhất, nhưng cũng là nhân viên lâu năm nhất. Theo lời Kim Đạo Anh, thằng nhóc ăn chực khi tiệm mới mở lại lâu quá nên anh đành thu nhận nó làm nhân viên chạy bàn. Ở nhà thằng nhóc còn ba em trai nữa nên chẳng có chỗ nào yên tĩnh mà học hành, ra tiệm thì còn có nên ba mẹ cũng đồng ý để nó đi làm. Dù sao năm nay mới lớp mười một, tranh thủ tận hưởng nốt cái người ta gọi là mưa rào thanh xuân.
Tuy là nhân viên lâu năm nhất nhưng việc Minh Hưởng giỏi nhất lại là bưng bê, quét dọn, cứ cho nó vào bếp là hỏng. Ngày đầu tiên Trịnh Tại Hiền chẳng biết chuyện này còn chuyên tâm dạy thằng bé pha latte và rồi nhận được phiếu gạch trừ lương đến từ ông chủ Kim. Lý Minh Hưởng hậu đậu pha hỏng hết nửa hộp sữa cũng ăn một gạch tương tự.
– Hai cậu là đang phá hoại tôi về kinh tế. – Kim Đạo Anh vừa lắc đầu vừa thêm gạch vào sau tên hai kẻ phá hoại nhưng vẫn nhấm nháy cấu chí nhau. – Còn lần sau nữa thì mời hai cậu ra đê.
Nói thì nói vậy chứ nào ai dám mời Lý Minh Hưởng ra đê. Bố Lý là một trong những ngư dân lành nghề nhất thị trấn, lại trượng nghĩa, hào hiệp. Chính ông ấy cùng mọi người đã giúp Đạo Anh sơn sửa lại tiệm cà phê sau một cơn bão lớn mà chỉ lấy tiền nguyên vật liệu. Minh Hưởng cũng giống cha mình, tận lực giúp đỡ mọi người nên đồ ăn của quán nhiều lúc cũng do thằng bé đem đến. Nó đi qua nhà này thì được cho mấy cái bánh rán, qua nhà khác lại cho ít bánh kẹo.
– Anh nghĩ thằng nhóc không cao lên được là vì ăn quá nhiều đồ ngọt. – chiếu thứ hai Tại Hiền đến làm việc, quán vắng khách nên Đạo Anh tạ người vào quầy pha chế, miệng mút kem thì thầm bảo với cậu. Kem này cũng là Minh Hưởng được cho trên đường đến quán. Họ Trịnh cũng lặng lẽ gật đầu với anh, cậu cũng nhìn qua hai em trai của Minh Hưởng rồi. Hai đứa vừa cao vừa gầy, tương lai cho anh cả của chúng nó ra đê mà đứng thật.
Dạo này Minh Hưởng đang có một nỗi đau đầu mang tên là học IELTS nên thần sắc thằng bé cũng u ám hơn mọi lần.
– Sao phải học IELTS? – anh Thái cũng gia nhập hội bàn tròn khi tiễn xong vị khách cuối cùng.
– Mẹ em bảo học lấy cái chứng chỉ, thi đại học được ưu tiên xét tuyển. Chứ giờ thi đại học khó qúa. – người nhỏ tuổi nhất ôm đầu – Ba em thì bảo giờ ai cũng có, mình mà không có thì thiệt thòi nên mạnh dạn đầu tư. Phía bên kia thị trấn mới có một trung tâm rất có tiếng trên thủ đô về mở chi nhánh. Nên em xin phép nghỉ ba buổi tối trong tuần để đi học.
Ông chủ Kim gật đầu ngay tức khắc, việc học phải ưu tiên hàng đầu. Tối hôm ấy Minh Hưởng thất thểu đạp xe về nhà mang theo trên lưng bao sự kỳ vọng của bố mẹ lẫn mờ mịt về tương lai của bản thân.
– Trẻ con bây giờ khổ thật! Ngày xưa mình chỉ học thi đại học thôi, giờ chúng nó cần một đống chứng chỉ. – ông chủ Kim lặng lẽ thở dài còn họ Trịnh đứng cạnh khẽ vỗ vai anh an ủi. Thời thế thay đổi là chuyện tất yếu không ai cản được, chỉ hi vọng Minh Hưởng đủ sức học hành.
– Mà Tuấn Tú gọi điện cho anh đấy. Hỏi về em!
Không khí yên bình bị chặt đứt. Tiếng sóng biển dữ dội thay cho tiếng lòng của cả hai người. Dự báo ngày mai có mưa lớn.
–TBC–
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro