Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 1: Sự sống mới

"Trong đời người, có hai con đường bằng phẳng không trở ngại, một là đi tới lý tưởng, một là đi tới cái chết"

-Lev Tolstoy-

Có những ngày tuyệt vọng khổ hạnh cùng cực, kẻ chiến thắng hay kẻ chiến bại, nỗi căm hờn vinh nhục mang tôi ra khỏi thanh xuân xanh chát chưa kịp chạy trốn, lòng trắc ẩn chiêm bái hiếu thắng và chiến tranh, trong những ngày dấu chân không ngừng chạy, đem chúng tôi đến khốc liệt, đấu trường mù mịt của tương lai vô hạn xa tận chân trời.

"Tâm địa thầm kín của giống người, từng người từng người một, đều là quái vật!"

🌕

Mùa chớm thu đứng tại toạ độ của Seoul luôn có một sức hấp dẫn kì lạ, không sôi động như nắng hè, cũng không ảm đạm tiêu điều như mùa đông, cảnh thu chiếu đậm mọi ngóc ngách của cái làng cổ Bukchon nơi tôi ở.

Những con đường vàng ươm như rơm phơi, bầu trời trông như loài phượng hoàng trong các tác phẩm sơn mài, một vẻ đẹp kiêu kì để người danh hoạ Levitan đem lòng vẽ cả trăm bức hoạ toả lòng nhớ thương, tôi cũng đã đem lòng yêu một mùa thu đơn sơ như thế.

Tôi là Lee Yongbok, một học sinh vừa lên năm hai trường trung học Bonhwa Multi School cách làng tôi cả một khu phố.

Là một du học sinh lai Hàn Úc, từ nhỏ đã sống và định cư tại một chung cư nhỏ Seven Hills vùng ngoại ô Sydney cùng với mẹ mình, bố tôi mất sớm khi tôi vừa mới chào đời trong vòng tay mẹ, nghe họ hàng thân thích kể lại, bố tôi mất do một trận đại hồng thuỷ ập tới khi đang đi gánh hàng xa cùng một tốp đoàn ngư dân vào một ngày sóng đánh mưa trút trời.

Bố tôi là người khai quật thuỷ sản từ ngoài khơi đánh về chợ để lo chạy cơm áo gạo tiền, do nhà tôi thời ấy điều kiện cũng chẳng khấm khá là bao, nghĩ ủ trong lòng làm người lớn bận lo nghĩ sự đời, cuối cùng vẫn là nhắm mắt xuôi tay, thật vất vả.

Sau này lớn hơn một chút, cuộc sống của mẹ con tôi đi lên khá giả đều nhờ vào mồ hôi nước mắt của mẹ tôi đánh đổi, khi ấy tôi mới có quần áo đẹp để mặc, có balo cắp sách tới trường thay vì gói vào túi nilon, không phải xỏ vào chân những đôi dép mòn vẹt sút quai, tôi may mắn khi mẹ tôi là một người phụ nữ Úc không ngừng nỗ lực giỏi giang, thoáng qua hai ba năm chúng tôi bỗng phất lên như diều gặp gió.

Thời gian của mẹ vì thế cũng trở nên dày đặc, vất vả bôn ba tới thái dương mẹ đều đã nặng trĩu mới là khi đôi chân mỏi nhừ mẹ trở về nhà, đủ lông đủ cánh rồi, ý thức được thương mẹ tôi đành chuyển về Hàn Quốc sống với ông bà nội vào dịp nghỉ hè năm 17 tuổi, tốt nghiệp đại học xong cũng có nhiều cơ hội thăm thú, làm việc hơn.

Ngôi nhà hanok mà ông bà tôi sinh sống là mảnh đất mà ông cố để lại trước khi viên tịch, lịch sử của nó cũng đã tồn tại được 600 năm quay trở về thời Joseon của ông cha, bà tôi lại có truyền thống làm hành nghề thủ công nhuộm vải thêu túi lâu đời, ông nội tôi có sở thích mộc mạc trà đạo ngắm cây ngân hạnh, bởi thế mảnh đất này ông tôi vô cùng gìn giữ, không tham cuộc sống tất bật giữa lòng thị thành xô bồ ngoài kia.

Ngày còn bé, mỗi lần được ghé về quê nội chơi tôi vô cùng thích thú bởi không gian cổ kính, yên bình như nước lặng, cảm giác như đang du hành ngược thời đại, không phải dua hùa những món đồ chơi đắt tiền như trẻ con trên phố, ông bà nội tôi cũng vô cùng cưng, hễ cứ gặp là lại cái quà cái bánh, giờ đây tôi ở hẳn ông bà cũng đỡ phải tốn kém tiền tiêu vặt cho cháu rồi.

Sau 4 tháng hè ròng rã được rong ruổi đây đó với một đống DVD phim hành động, trinh thám, chuỗi phim 'Mouse kẻ săn người' mà tôi vừa cày xong trong một tuần lễ, ôn tập lại bài vở cho bằng bạn bằng bè, thoắt cái mùa hạ náo nhiệt cũng trôi qua thật mau, cũng đã đến cái ngày tựu trường mà tôi phải trở về với lớp học.

"Hôm nay bà chưa đi chợ, chỉ có cơm, cari với ít kimchi muối còn sót, con cầm lấy ăn lót dạ nghỉ trưa mới có sức mà học hành thành tài"

Bà nội tôi bao giờ cũng thức dậy rất sớm để chuẩn bị chu đáo từ bữa ăn giấc ngủ cho ông cháu tôi, đôi mắt bà trìu mến như còn vương chút không nỡ khi đứa cháu tíu tít quấn quýt í ới mỗi ngày đã lại cắp balo tới trường, bà dúi vào tay tôi cái hộp cơm được bọc bên ngoài túi vải màu chàm đơn sơ mà bà tỉ mỉ đến từng đường thêu chỉ vá.

"Cháu đi học đây bà nhé"

Nhìn đồng hồ treo tường, cũng còn 10 phút nữa, vì tôi đi học và di chuyển bằng phương tiện tàu điện ngầm, khi thì xe buýt, vì thế phải nhanh lên nếu không tôi sẽ bỏ lỡ tuyến cuối cùng để tới kịp giờ vào lớp.

"Đây, bà cho tiền.."

"Cháu không cần đâu bà, có cơm bà nấu nên cháu không ăn vặt nữa, thôi sắp trễ rồi cháu xin phép đi đây ạ!"

Khăn gói xong xuôi, ngấm ngầm thấy bà lôi tờ tiền lớn lẫn trong vài đồng lẻ nhét ở cái cạp quần ra, tôi đã tót chạy đi trước.

Sở dĩ vậy là vì ông nội tôi tính tình nghiêm ngặt trái ngược với nét đôn hậu, chiều con cưng cháu của bà, ông tôi lại là một người sống trong mẫu mực rất khuôn khổ, ít khi chiều cháu vô điều kiện nên bà tôi thường xuyên lén ông cho tôi tiền ăn quà, biết bà cũng chẳng có nên tôi cũng không ham.

"Cái thằng này, càng lớn càng nhanh nhảu, học cái tính y như thằng cha nó"

Vuốc bộ ra tới khu phố cổ Samcheong-dong tôi hít thở hương cốm dẻo ở đây, lá vàng đơm trổ giữa bức phù điêu xanh, đúng với cái ý nghĩa của nó.

Một nguồn nước sạch, tĩnh lặng và trong trẻo, thanh sơ, có chút thời cổ nơi đây bao quanh những con người tốt bụng, bình dị, từ nhỏ cho tới lớn vẫn không tài nào làm mất đi sự xao xuyến trong lòng tôi, dù đã qua bao nhiêu năm.

Tôi tự nhận thấy rằng, mùa thu năm nay tôi cũng như đã lớn hơn, tự mình đi học trong ngày khai trường mà không cần đến mẹ dắt như mùa thu năm 7 tuổi.

Đi bộ thêm 480m trên vỉa hè, tôi lên tuyến số 4 tại ga Anguk, có mấy cô cậu cũng bận mình đồng phục của trường Bonhwa còn mới cóng ngồi hàng ghế sau lưng tôi.

Trường của tôi đang theo học sau khi chuyển về đây là một ngôi trường trung học nghệ thuật có dạy thêm chính khoá, nghe đâu vì là tư thục không được cơ sở chính phủ công nhận, nên không có quá nhiều tiếng tăm và lừng lẫy như cái tên 'vinh quang' của nó.

Trước đây, khi còn ở New South Wales, tôi đã từng theo học trường tư thục công giáo St Patrick's Marist College.

Bonhwa không giống như các trường Hanlim hay Sopa, Anyang để có thể tốt nghiệp chúng tôi buộc phải thông qua GED, nền tảng giáo dục hời hợt không minh bạch, an ninh không mấy chặt chẽ, ngôi trường vẫn còn tồn tại đầy rẫy tệ nạn hay những vụ án xấu số không được nhà trường ra mặt giải quyết.

Giống như một xã hội thu nhỏ, có chăng chỉ là những buổi báo cáo, giảng dạy nhỏ lẻ, cục bộ, hay nếu có cũng chỉ là những lí thuyết giáo điều, họ sẽ chẳng bao giờ để ý đến.

Tuy vậy, vì hoàn cảnh ở mức trung bình và vì ước mơ tương lai xa vời, tôi buộc phải bon chen vào trong chiếc địa cầu vô hình, điều gì cũng có thể xảy ra ấy, họ rỉ tai nhau như vậy, nhưng ấn tượng của tôi về học sinh Bonhwa lại chẳng quá tệ đến mức ấy.

Giống như anh bạn có mái tóc nâu sồi cũng mặc đồng phục trường tôi ngồi đằng kia, cậu bạn ấy đã khăng khăng chờ cửa, nhất quyết đợi bé gái trông có vẻ như mới học cấp 1 ấy lên xe rồi mới đồng ý cho bác tài chạy tiếp.

Hay cô bạn gái toả mùi hương ngọt lịm như cây đào non ngồi bên cạnh tôi cũng đã dành ra ít phút để đỡ một ông cụ già băng qua đường quốc lộ.

Đời sống của cư dân nơi đây đối đãi với nhau, dù là hành động nhỏ cũng cho tôi cảm giác ấm lòng, chỉ nhìn cách đối nhân xử thế tôi cũng đã có cảm giác như có cả gia đình thân yêu bên cạnh, thật sự ấm áp vô cùng, khởi đầu của tôi xem ra là ổn áp.

Qua bậu cửa tàu, mỗi một dãy phố rơi vào tầm mắt lại làm bật lên sự êm đềm của sắc trời màu cam cháy, tôi đã vô tình không để tâm đến những cuộc tranh luận to nhỏ của các cô cậu học sinh về một tin tức nào đó trên truyền thông.

Cứ như vậy mà thả hồn, đem cái đắm đuối chôn vào thanh sắc tựa chân trời của kho báu đất mẹ chộn rộn trong từng kẽ lá, mùi phôi pha bịn rịn của đoàn lá khô rời cành cây khẳng khiu, nhìn những quá vãng xa xăm man mác, tôi dần thích cuộc sống cùng với thụ hưởng trọn vẹn hương thu ở đây, vẻ đẹp của một thế giới nội cảm.

Tàu điện ngầm đến trạm dừng, lúc tàu chuẩn bị cập bến tôi và cậu bạn tóc nâu gom vé giúp cô soát cửa, tàu dừng hẳn khiến trọng lực chao đảo, tóc nâu mất thăng bằng va vào tôi, vì thế lúc liệng người xuống còn làm đổ một vệt cacao đá lên cổ áo, ban sáng bà tôi mới ủi.

"Rất xin lỗi, cậu ổn cả chứ?"

Rất may cả hai vẫn bấu chặt tay vịn nên không xảy ra xô xát gì quá lớn, tóc nâu ái ngại xin lỗi rồi bước xuống xe trước, cậu ta nói trong người không đem quá nhiều tiền đủ khả năng đền rồi bỏ lại cho tôi một tấm thẻ học sinh coi như phép khẳng định, còn nói sẽ tới tìm tôi để đền cái áo sau.

Trên tấm thẻ học sinh tên gọi Han Jisung cùng tuổi với tôi, điển hình là sinh viên chuyên ngành điện ảnh, tôi lại có loại cảm giác đã từng quen biết nhen nhóm lên, chỉ là mơ hồ thôi nhưng thực quen mắt, tôi có chút giận nhưng cũng đành thôi vẫn là cho qua đi.

Tôi khoác cặp, cất kỹ tấm thẻ học sinh tuỳ thân quan trọng, có lẽ trong ngày hôm nay tôi sẽ tìm và trả lại cho tóc nâu, tôi có chút buồn do vết ố kia để lại, cô soát vé cười rồi chìa ra cho tôi mấy tờ giấy ướt hương hoa mimosa nén trong cái túi của cô.

Lúc rời xe để chờ hành khách của chuyến tiếp, vệt cacao được lau sạch vẫn để lại tàn dư mờ nhẻm, không hết nhẵn, tôi quay lại cảm ơn cô soát vé lần cuối trước khi hoà mình vào dòng thời gian của thanh xuân huyên náo.

Rồi, tôi lại nhớ tới Flora Rdwards: "Giúp người khác cũng là giúp chính mình, bởi điều tốt ta cho đi rồi sẽ quay trở lại với ta."

Tôi hân hoan hít thở tràn đầy buồng ngực những hương hoa hồng sharon, có mùi hương nào của tuổi trẻ trên lòng phố thị những ngày hội trở về!

Trường tôi có đường nét kiến trúc với những dãy lớp hình cung, bật lên ngọn tháp chuông trên cao và hàng gạch nâu xí muội so le san sát, đứng tại cột đèn giao thông, một toán học sinh Bonhwa cũng xếp đầy hai hàng vỉa hè đang bắt đầu một cuộc chạy đua lúp xúp.

Bắt gặp bác bảo vệ mặc áo màu xanh nhung thẫm, quan niệm học tập và nỗi lo sợ đã tập hợp vô số những tiếng chuông báo thức chồng chật lên nhau, bản thân điều đó cũng đã tạo nên mối quan hệ chặt chẽ giữa người và thì giờ hơn chứ nhỉ?

Trông họ cứ như những ứng cử viên sáng giá của cuộc đua siêu Marathon vun vút tới thành Athena, tôi như cây viết Ben Snider-mcgrath khi có ấn tượng khá vui nhộn với điều này.

"Nhanh lên nào! nhanh chân lên nào, chỉ còn lại 20s cuối cùng, các cô cậu sẽ bị đứng ngoài nếu chậm trễ"

Nghe bác bảo vệ hô lên, tôi cũng bận rộn xách quai balo cồng kềnh rồi chạy theo hướng cổng trường đang từ từ đóng, một trải nghiệm làm nóng nhịp tim cho một buổi sáng.

"Này con bé kia, đừng có mà chen"

"Cháu vào đây, yêu bác nhiều lắm"

Cô tân sinh viên có tóc mái đen nhánh nhí nhảnh quăng balo vào trước rồi lách người mỏng như hạc qua đám song cửa, nhanh như chuột túi đạp lên cỏ xanh đi mất.

"Chết tiệt, cái thằng điên này"

"Đuổi kịp thì nói chuyện nhé"

Anh chàng tóc xoăn lọn mì cố ý giật balo nữ sinh có đôi mắt tròn và cặp kính dày còn đang thở dốc vì mỏi rồi phóng đi, đôi chân dài miên man như sinh viên năm ba làm anh ta có tốc độ kinh người.

Cổng sau của trường tôi nối dọc qua khu vườn tược mà bác bảo vệ chăm bẵm lắm mới chồi ra mấy đoá hoa mơn mởn như chiếc mũ màu xanh đậm pha lệ trắng trên ngọn hoa, hiển nhiên còn nhiều hơn ba cậu nam sinh thơm ngon đu trên song cửa làm hấp dẫn con chó săn sau vườn, tất cả đều chui tọt vào trong trước khi bác bảo vệ kịp lùa.

Có cậu bạn béo trục béo tròn đang nuốt cố mấy sợi sasin ngoài cổng trường đã phải dựng dò chạy thục mạng tới tông đầu vào cột cờ có treo ruy băng 'Hành trang vào tương lai', nước mũi đều thay thế bằng sợi mì tỏng teo, mấy nhóm bạn phía sau bất quá bế nhau lên tay vác lên lưng mà chạy vượt mặt tôi, còn có tiền bối học trên dãy ba đu dây qua hành lang để kéo mấy mạng học sinh lên trên, hai cô bạn đèo nhau trên tuyến xe đạp địa hình té đụi vào chuồng chó nhỏ bằng thùng thư, dưới tàng cây vì quá đà, chiếc skateboard còn nguyên mã vạch của anh trai tóc đỏ kia thì bung bánh.

Khung cảnh loạn như đàn gà bới thóc, nhưng cũng là một điều khó quên đối với tôi, trong phấn khởi còn xen lẫn chút thúc giục khi cổng trường sắp được đóng chặt mà tôi vẫn chạy le te phía sau bỏ xa đám đông đã lần lượt lọt vào sân trường.

"Này Bokkie, còn không mau lên"

Giọng nói phía sau lưng tôi nhanh như tia chớp nắm lấy balo tôi kéo về, rồi nhoài người lên trước tóm lấy tay áo tôi dắt đi, mái tóc ngắn đậm mùi cafe đen đá trong cái nắng ran vàng úa của sắc thu, cái nốt ruồi đặc trưng mỗi ngày hạ thong dong đi câu cá.

Tôi nhận ra ngay đó là Hwang Hyunjin, cậu bạn thân từ thuở còn nhảy chân sáo cởi chuồng tắm mưa xa lắc xa lơ mỗi khi tôi trở về quê nội trong dịp nghỉ hè.

"Đồ dân quân cà tím hả? làm sao mà cậu nhận ra tớ"

"Đã nói nhiều lần rồi, tớ là Hyunjin, chuyện đó nói sau, leo lên đi"

Trước khi bác bảo vệ cầm cây côn dữ tợn dí sát, Hyunjin xách balo cả hai, cõng tôi lên rồi nhảy phỗng vào trong với lợi thế chiều cao của cậu ấy, mây bay đi như dòng đời trôi qua, phải nói rằng mấy mùa hạ không gặp, lung linh sợi nắng thuở nào cũng phai, tôi dường như quên mất dáng vẻ lùn tịt hơn tôi nửa cái trán, mặc quần thủng mông áo sờn vai mỗi lần bị ong chích của cậu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro