VI - Hoài Xanh
Writer: Một Miền Nhớ
"Hãy gọi tên nhau như sông trôi ra biển: để tôi biết chúng ta không đi lạc đường"
______
Naib mơ rằng mình đang ngắm nhìn dòng sông, nhìn rừng lớn ngời xanh và nhìn lại những chiến hữu lấp đầy bản thân bằng nhiệt huyết mà anh đem lòng, theo một nghĩa nào đấy, mến mộ. Trên người họ có một thứ mùi quen thuộc, nó ập vào Naib, chảy tràn vào não bộ căng cứng của người cựu binh, gợi về cho anh một thuở khi nắng tràn qua vai, anh cùng bạn mình tận hưởng bữa cơm nguội mà lầm tưởng đó là sơn hào hải vị tứ phương.
Anh gọi nó là tuổi trẻ.
Với Nepal, hay đối với những phe anh đã từng gồng mình lên chiến đấu; thì những chiến tích mà anh đạt được cũng sẽ mờ nhạt biết bao trong giữa muôn vàn những chiến tích khác nếu đó được ghi lại. “Dũng cảm người lính từ Nepal phá tan quân thù” nếu, may chăng, bài báo ghi lại điều này thật sự coi anh như người hùng thay cho những quân đoàn nổi loạn chống lại đức tin của loài người. Nhưng ai nào quan tâm, đó là chuyện năm năm, mười năm hay cả thế kỉ sau. Bây giờ, anh đang tận hưởng những gì anh có, với tự nhiên bạt ngàn cùng gió thổi ngang đầu.
Sau trang viên có một vườn nhỏ, khuất sau bụi hồng gai lêu khêu chắn cả tầm nhìn ra thế giới. Hoặc lại là một trang viên khác, Subedar chẳng rõ, hoặc là một chiến trường khắc nghiệt hơn, anh không hay. Chỉ là dường như cả cuộc đời anh là những cuộc đổ máu, tới độ nó loan thành một dòng sông xiết, cuộn lấy anh khi anh vừa đặt chân xuống hoàng tuyền. Chí ít ra anh còn dám mường tượng ra như thế, Naib đã sống trong niềm đau của cái chết, nhiều lần đến nỗi anh nghĩ nếu Tử Thần có mảy may để ý tới anh thật, có lẽ anh cũng sẽ không nhận ra để khước từ. Naib thật tâm mong mình được ban cho giấc ngủ ngàn thu trong lặng lẽ, êm đềm - anh cảm thấy mình chẳng nên nhận được một tang lễ ồn ào bởi thứ chôn cùng anh đáng lẽ ra là tương lai và hiện tại, còn quá khứ đã được tiễn đưa tự bao giờ.
Naib Subedar chưa một lần dời mình ra khỏi những thẳm xanh mà lạ lùng thay, chúng không mang màu đen như các văn hào đặc tả và tự ném mình vào chốn mịch mù khuất lối đến đặng rặng trăng dẫu vằng vặc sáng trong cũng u tù mất bóng. Huỵch toẹt thẳng, chưa một lần anh khao khát được thoát khỏi những cơn đau; hoạ chăng do anh không thể làm thế. Bởi lẽ con người anh không thuộc dạng chớp làn mi vì bơ vơ trong xứ quầy cổ tích, cũng chẳng nốt thuộc hàng chiêm nghiệm thi ca cổ hàng nghìn giờ đồng hồ. Chỉ là có một trong nhiều đêm như thế khi cả trang viên chọn cách sống thật từ từ, Naib sẽ trằn trọc trên khuông khổ canva hai mét– rằng với anh đã quen với bụi gió, thì thật khó để lấm bẩn khung tranh chẳng thuộc về mình.
Gió nói với anh nhiều điều mới lạ, phần lớn là những câu chuyện cổ tích từ phương xa. Nó kể anh nghe về cánh cây hôn lên mặt đất, kể về gọt nắng nhảy múa cùng cơn mưa; kể cả cho anh rằng ngoài kia một thiên hạ thái bình - kể về luôn giấc mơ đêm kia anh mộng thấy bờ lưng ai hao hao gầy.
Làm gì mà có, Naib lắc đầu, tôi làm gì có mơ. Những gì thuộc về anh là sự thật tàn khốc, là những ngày còng lưng trong cơn mưa phùn đầu mùa. Giả tưởng anh đang đệm bước đi nhanh trong trời London ngày mây che khuất lối, từng hơi thở thoát ra sẽ biến thành chất dinh dưỡng cho nền đất; mà đất Mẹ tham lam, nên người lính Nepal đánh rút bòn sức lực ra cho Người được no đủ. Nhưng chẳng bao giờ sẽ lấy thoả dạ dày của những gì háu ăn, thành ra đây là đánh đổi một chiều. Anh chưa bao giờ thốt lên một lời từ não bộ, anh ghìm các thanh âm than vãn, nuốt chúng xuống vờ như làm động lực để bước tiếp lên. Khó ăn hơn cả lương khô, mà vì Naib đã sống giữa khổ đau và đau khổ, vậy là không có gì khiến anh phiền lòng hơn.
Thực ra là có, gió vuốt lại lọn tóc phất trước vầng trán cao, có mà. Không, Naib rũ mi, khước từ lời của tự nhiên, rồi chúng nó rù rì một hồi nữa. Ánh trăng trôi theo guồng mặt người khắc khổ, nhỏ xuống nền đất lạnh rồi loang thành một hồ. Anh không giỏi văn chương, nên anh từ bỏ việc nhận định vẻ đẹp - mà cũng hợp lý, khi hơn nửa cuộc đời anh đã chìm trong cơn khát vô cùng?
Naib biết mình đang luyên thuyên vô định, những ý nghĩ trôi dạt trong tiềm thức như một mặt hồ yên ả; có lẽ do chính anh đã khiến chúng nó nổi cơn thịnh nộ, lộ ra bản chất ích kỷ mà chen chân nhau, ý này chập ý nọ, đè nén võng mạc anh lại khiến tương lai vốn là một đường thẳng cũng vô tình uốn cong? Anh chợt nhớ một câu chuyện mình anh biết, nó nằm lại ở đất Ấn nhiều năm về trước, có lẽ giờ đã bị chuột gặm tới nát bươm. Rằng anh đã gặp một cô gái mù đi một mình trong rừng cây khi ánh sáng thu mình lại để sưởi ấm bản thân. Nàng đi qua rừng như sông chảy, nhẹ nhàng mà vòng vèo lung tung. Rồi anh sợ, rằng nàng sẽ lạc giữa muôn trùng sỏi cát. Mà trước khi anh kịp thu đủ quyết tâm để với gọi theo nàng, thì chính nàng đã tự mình thoát khỏi mê cung mịt mù. Thế là anh có lại can đảm, rằng dù anh đang chẳng nhìn rõ được chính mình, anh vẫn sẽ ổn theo nếu có cố gắng.
Mà cố gắng là điểm mạnh duy nhất Naib cho phép bản thân mình tự hào về.
Những luồng khí quanh anh lại vội, chúng cuốn quýt cắp bản thân mình chạy đi một miền đất mới. Nên anh coi chúng là những đứa trẻ thơ, chân trần với quần áo xộc xệch, ưa loanh quanh để người lớn hơn lo lắng. Chúng có quyền làm thế, đó là lợi ích của trẻ thơ - là đi lạc sẽ có người đăm đăm tìm kiếm. Bẫng Naib hỏi vu vơ khi chúng đã chạy hết, rằng giờ nếu anh đi mất, có người sẽ tìm anh chăng?
Có.
Anh chẳng quay lưng, cho phép bản thân lặng im để ánh sáng bình minh chảy tràn vào mắt.
Ngày mới lại lên, và đáy mắt người lính chợt in hằn một nét hư vô như kẻ tỉnh đi giữa mơ màng.
Hôm nay trang viên lại tấp nập, tốp này tốp lại ùa ra rồi ùa vào như đàn Choắt. Nepal là tổ ấm của những loài di cư thuộc về nền trời xanh thẳm, nên qua lăng kính của mình, Naib cảm thấy mọi thứ ở đây vẫn vội vã hệt như nơi anh từng ở. Đặng đằng xa là cậu Eli loắt choắt đi cùng một thanh niên mang màu tro lên cơ thể, từng nhịp của hai người lại vừa khéo một bài ca. Bên phía Tây là Fiona cùng bàn luận với quý cô mùi hương bên tách trà nguội ngắt. Bên góc tăm tối hơn là địa bàn của những loài quỷ dữ - anh chắc mẩm bọn chúng đang chén bữa trưa trước khi vung đao tàn sát. Anh không dị nghị chuyện đó, bởi đôi tay này không phải là chưa từng nhuốm vẻ tang điền đau thương. Naib biết, mình là tội nhân của rất nhiều cái miệng ở chiến tranh. Của người mẹ già, của người vợ thảo, của người em hiền. Bọn họ đều có liên quan tới mỗi hồn người anh cướp mất - để lại cho họ một cơ thể mềm oạt trong vòng tay. Anh đã liên hệ mình tới những xác chết, để băn khoăn rằng liệu họ còn mang trong mình một cái tên? Anh không biết, chiến trường là nơi dìm chết mọi suy tưởng, nên cơ bắp Naib bảo là không.
Cứ tiếp tục đi.
Lại nữa, Naib thì thầm, khi đôi chân vẫn thoăn thoát bước vào vị trí định mệnh. Dường như anh đã mắc kẹt lại ở đâu đó chẳng phải bây giờ, bởi đôi mắt anh thấy nhiều hơn là hiện tại. Người lính đánh thuê không hề hay biết việc đó là tốt hay ngược lại, vì anh sống theo thói quen, theo giờ giấc, theo những quy luật hà khắc của bản thân. Cho nên anh không tài nào biết được mình đang mắc phải lỗi lầm gì; bởi rằng người mất đi vị giác nào tưởng lưỡi mình hư bao giờ?
Và rồi cơ thể anh bị nhốt lại trong một ánh mắt. Xanh tựa hải dương, rộng tựa trời. Dõi theo anh như con hiều hâu ngắm một vật thể sinh động mà nó lấy làm quan tâm.
Laurence.
Đối phương gật đầu, sự dè chừng vẫn còn lưu hương trong hành động ban nãy. Nó không khiến Naib khó chịu, nhưng nó đủ làm anh quan tâm. Thực ra nhiều người sẽ bảo rằng kẻ nọ quá coi thường người khác, Naib chỉ đơn giản là khác biệt. Anh thấu hiểu cho những ánh mắt còn quan tâm, bởi lẽ chính Subedar cũng là người trao đi rất nhiều điều lắng lo.
Thông thường, thợ sửa đồng hồ sẽ nheo nheo lại đôi mắt đẹp, khẽ khàng dịch người đi khỏi anh. Hôm nay phải là một ngày thoải mái lắm, để gã không đẩy anh ra nữa mà lặng người quan sát nhất chỉ cửa động của anh.
Ấy vậy là đủ rồi.
Nếu mối quan hệ của hai người là một câu hát, nó sẽ là một lời hát không tròn vành rõ chữ. Nó sẽ kẹt trong cuống họng, ư hử vài tiếng không hiểu được. Nhưng nó vẫn ở đó, giai điệu ngâm nga vẫn tồn tại, dịu dàng vắt lên những khung cửa sổ rỉ sét xoa dịu nỗi niềm cọc cằn của chúng - khiến nó mở ra êm đềm, xua tan tiếng kẽo kẹt khó nghe. Anh nào là thi ca, người nọ cũng không phải thi sĩ, thì họ cần gì một bài hát để đời.
Vào trong thôi.
Anh tự cấp cho mình cái quyền được đợi gã lề mề đứng lên, bước lại gần. Thoảng mùi hoa xuân phất bên mũi Laurence, khi đôi môi kia nhếch lên nhẹ nhàng. Gã tự tuyệt mọi niềm nở trong lòng, chỉ nhắm lại đôi mắt khỏi tháng Giêng chợt về. Đằng kia, tiếng chân vẫn chưa cất, rõ ràng, anh vẫn đợi gã cùng bước đi. Rồi gã thấy lạ, rằng hai bờ vai cùng nhau sánh bước, giữa họ vẫn có một vực thẳm hoắm xuống sâu. Lại kỳ hơn, rằng gã có cảm tưởng cả hai đều ưng dạ sự thật đó.
Sau cùng loài người vẫn là sinh vật độc tôn trong cơ chế vận hành, không ai nói rõ nhưng vẫn cho rằng mình hiểu hết chuyện trên thế gian.
Trong phòng chờ là cô gái mạnh mẽ từ nền văn hoá Trung Hoa cùng chàng cao bồi điển trai, cả hai dường như vẫn thong thả trước sự thật bản thân sắp bước vào một vòng chơi sinh tử. Họ đều đã cảm nhận mùi vị cái chết, thậm chí còn chai lì trước bóng đêm vĩnh hằng. Chàng cao bồi nhấc nhẹ nón, còn cô gái kia chắp tay lại cúi chào trông rất trang nghiêm.
Naib nhanh chóng yên vị vào chỗ, dành tặng cho gã một ánh nhìn nhẹ bẫng - như có, như không, như xuyên qua mọi vật tiễn, như hạ vào một mặt hồ lặng im. Laurence đã dành cả đời mình để phân tích được một đôi mắt như thế, rằng giữa chiến trường khốc liệt, sẽ là lúc con người ôm khổ đau vứt lại sau đầu để mộng mơ? Gã không hiểu, cũng không muốn hiểu, có điều gì đó bảo người tóc đen rằng anh giống anh nhất khi gã chẳng hiểu gì về họ Subedar. Họ ở nơi muôn nghìn cây cỏ, nơi hai bóng hình dong dỏng chìm vào vạn vật ly kỳ.
Tiếng nhạc dần nổi lên, dồn dập, đẩy mọi giác quan lên nấc thang cao nhất, cả bốn người vì những kí ức kinh hoàng mà đâm lắng lo và kinh hãi. Trao nhau những cánh tay run run rồi để bóng đêm ập vào thần kinh. Họ nằm im như ngủ, hiền và ngoan như những đứa trẻ mới lớn cuối cùng cũng tìm được một giấc mơ bình thường mà an yên. Cái sắc đen nhuộm dần tất cả, trườn vào ống tay áo, ngấm vào da thịt, nhúng tâm hồn họ vào địa ngục trần gian.
Tấm kính ngăn cách với sự thật vỡ toang, đánh thức những đứa trẻ khỏi giấc ngủ ngon của mình.
Naib không mất quá lâu để nhận ra vị trí mình đang đứng, rủi thay, lại là nơi Kẻ Săn hay lảng vảng. Trách nhiệm của anh là giải cứu cũng như chiếm được nhiều thời gian nhất cho đồng đội, nên người lính thuê không lằng nhằng và phóng người chạy đi định vị kẻ nắm quyền chủ động bây giờ là ai. Công Viên Ánh Trăng là địa điểm ưa thích của Quý Bà Đỏ hoặc nàng Geisha xinh đẹp - nhưng Naib đã sẵn sàng cho tất cả những yếu tố bất ngờ.
Bịch. Bịch.
Naib cúi người, đè nén cơn đau trong lồng ngực và lời đe doạ của các cơ bắp về việc chúng muốn anh chạy ngay, chạy nhanh rời khỏi vị trí nguy hiểm. Tôi là một người lính, Naib lại thì thầm vào hư vô vô tận, mà nơi an toàn là nơi đâu?
Ở nơi đất tanh mùi máu, không một nơi nào anh sẽ được thả lỏng bờ vai.
Tiếng tim đập ngày trở nên mạnh mẽ, dồn dập như một khúc ca tới hồi phấn khích. Anh ngẩng đầu khỏi thùng trống, gắng có một thông tin về kẻ mình sắp đối mặt. Nhưng kẻ đó dường như là một làn sương, mập mờ vô định, khiến Naib đau đầu không rõ mình nên chờ đợi điều gì. Anh đâm ra suy tư, nếu bây giờ anh không đánh lạc hướng kẻ thù, thì liệu những đồng đội họ có gặp khó khăn khi đang giải máy không?
Những cơn gió từ đâu lại thầm thì. Naib từ chối lắng nghe bọn chúng.
Một cái tên cũng không khiến anh từ bỏ quyết định của mình.
Anh lao ra, đánh động xung quanh cho Kẻ Săn phát hiện mà theo đuổi, một số chúng sẽ tính toán mà rời bỏ anh để đi săn những người có khả năng thay đổi thế cục của bọn chúng - nên Naib sẽ không cho hành động đó được xảy ra. Anh thấy dưới chân mình nhơn nhớt và ánh vàng kim loé: Người Cá, Grace.
Naib được trang bị cho tốc độ, và loài sinh vật dưới nước này ngoài tốc độ còn có khả năng chém gục anh.
Người lính Nepal thông báo cho đồng đội, đầy chuyên nghiệp mà lách mình khỏi vùng nước đọng rồi trêu ngươi Người Cá. Anh mong ả sẽ không để ý mục đích thật của mình mà đuổi theo, khu vực này là điểm mạnh của Người Sống Sót, anh cũng thuộc hàng kỳ cựu ở khoảng chạy đuổi - kéo dài thời gian ở nơi này đáng ra sẽ không quá khó khăn.
Mắt đối mắt, rồi một tiếng rít dài giữa Công Viên; cuộc rượt đuổi bắt đầu.
Naib nhanh nhẹn quay đầu, dùng hết tốc lực mà chạy về tấm ván cũ kĩ cách mình hai mươi bước chân. Đằng sau, ả đã xé rách không gian, tẻ không khí như cám, chừa một lối lơ lối không còn vật cảnh giúp ả nhanh chóng đuổi kịp con người bạo gan dám trêu ngươi Tử Thần. Naib thắng lại, trượt ra đằng sau ván, nắm chặt điểm giữa mà anh cho rằng Người Cá sẽ trượt qua.
Là một Kẻ Săn kì cựu, Grace nhanh chóng nắm bắt được vấn đề và đi vòng về phía còn lại. Thương hồi về tay chứng tỏ ả sẵn sàng xiên đầu đinh ba vào lòng ngực anh, Naib cũng không kém cạnh gì mà bật lên, vòng ra đằng sau tấm gỗ sàng đôi co với ả. Lằng nhằng quá sẽ không có lợi cho Naib Subedar vì khi Người Cá quyết định bơi một lần nữa, anh sẽ bị cướp nửa hồn người bởi lượng nước dày đặc bám lấy thân. Anh suy nghĩ phút chốc, số găng của anh còn nguyên vẹn, anh có thể liều.
Ngay khi anh chạy lại khúc ngoặt, ả giơ cao tay, đâm thẳng về phía trước. Ngay lúc này, anh đột ngột chuyển hướng, chạy ngược về tấm ván lúc đầu. Grace không chần chừ gì đuổi theo, vảy da trên tay ả rung rinh trước tốc độ kinh người mà kẻ đi săn sít sao theo dõi con mồi. Chỉ đợi có thế, người lính thực hiện động tác giả như chạy đi. Chính lúc đó, ngay cả cỏ cũng không chuyển động, ngay cả hơi thở cũng hoá thinh không - Người Cá đã không kịp thoát khỏi chiếc bẫy tinh vi mà bàn tay anh sắp đặt. Chiếc ván lật xuống, chặn lại con đường truy đuổi của ả ta. Anh không quay lại nhìn biểu cảm của ả, nhưng anh có thể đoán được rằng sắp tới, anh cần nhiều hơn là một mánh khoé để có thể dụ ả thêm.
Tiếng máy nổ ba lần liên tục, mồ hôi chảy dài theo bờ lưng đong đầy khắc khổ của anh. Naib vẫn còn đủ ba găng, anh sẽ gắng gượng tới máy cuối cùng. Cuộc truy bắt nào cũng sẽ có kẻ thắng, người thua, vì lẽ rằng cuộc vui nào cũng sẽ có hồi kết. Giữa những sinh vật được sự ưu ái của những vị thần nổi loạn sẽ luôn chiếm ưu thế hơn kẻ được ban cho trí óc loạn thần. Bản thân người lính đánh thuê biết điều đấy, nên không phải là anh không thể thắng, nhưng một mình anh với năng lực di dời có hạn mà muốn thắng, thì có chăng con giáo được phi tới sẽ chệch đường. Trong lúc nghĩ ngợi và tranh thủ quan sát xung quanh, Naib cũng đã dần thấm mệt, nếu ả đã thành công cướp đi của mình một nửa mạng người - để dành một chút hơi tàn thoi thóp thôi, thì anh vẫn sẽ thành công trong chuyện mang về một chiến thắng cho đồng đội mình.
Thợ Săn đã tới gần, trái tim lấp đầy bông trắng nhuộm đỏ au, đập dữ dội hòng cướp đi hơi thở dứt dạc của người lính. Ả giơ thương lên, Naib liền đạp một chân lên tường, xoay một vòng đẹp mắt rồi dựa vào sức đẩy của găng mà phóng vọt tới hơn hai mét, song, cũng không có thời gian để chần chừ, vì thời gian là vàng là bạc, vì mỗi một giờ sống là một giờ nhớ nhung. Anh lại tiếp tục gồng mình chạy, Người Cá lại điên cuồng truy sát.
Nepal có màu nâu ấm, rằng nếu anh ra đi trên Đất Mẹ vĩnh hằng thì cũng chính là qua đời tại quê hương. Tiếc thay cho Naib, trang viên chỉ cho phép con người ta bay về nơi tận cùng của bầu trời - để sắc xanh ngợp lấy giác mạc, tràn vào phổi rồi ngấu nghiến tim. Chết trong một màu trời cao vời vợi cùng mây bật ngàn và tiếng kêu vang.
Ngỡ rằng anh cầm cự như vậy sẽ đủ, cho tới khi chạy qua đoạn cầu thì tiếng tim đập chợt im ru - tức, Thợ Săn đã đi tìm Kẻ Sống Sót khác. Thần kinh căng thẳng của Naib tạm lắng xuống, tình thế nguy hiểm của anh đã vơi, còn của người khác đã chợt thăng.
Có vẻ người bị truy sát là nàng thơ đến từ Trung Hoa, khi tin nhắn “Thợ Săn đang ở gần tôi!” cứ liên tục nhấp nháy. Anh từ bỏ ý định chạy tới giúp đỡ, vì chiếc máy thứ tư vừa nổ. Nếu ba người còn cùng giải, mọi sự sẽ không quá khó khăn; đủ để hướng tới chiến thắng ba người mà người lính đã tính trước. Nhưng kẻ ác luôn đủ cách để trêu ngươi người vô tội, bởi khi bóng dáng nàng đã gục ngã, máy chỉ mới đầy một nửa. Bởi bản thân không giỏi giải máy, anh đành để lại phận sự nổ máy và mở cổng cho Kevin cùng Laurence rồi hướng mình chạy về phía ghế.
Lồng ngực lại phập phồng lên xuống, anh nhìn quanh tìm bóng dáng của Thợ Săn hòng xem có ả hay không. Đáng tiếc, có, nhưng máu nàng sắp đầy, anh không thể lưỡng lự thêm được nữa.
Ngay cái khoảnh khắc ả đánh lấy anh cũng là khi anh chộp vào thành ghế. Naib cảm nhận được bờ vai anh toét ra, xối mưa rào như máu đổ. Nhưng Thập Nhất đã được cứu sống trước thềm cái chết, Naib không có gì hối tiếc lắm. Anh phóng thêm một đợt găng chở che cho nàng trước khi tiếng còi réo âm ỏi, còn anh thì khuỵu xuống, mắt lóa mờ những ánh đèn xa xa.
Anh cảm thấy mình được nhấc lên rồi hạ xuống, cảm thấy mình gục xuống rồi đứng lên. Tất thảy như một thước phim về một cuộc đời anh đã nếm thử. Naib khó khăn hít thở qua vết thương cạ sát vào lưng ghế - liên tục nhắc nhở đồng đội rằng: Hãy đi đi, vì một chiến thắng.
Rằng, phận con lính không được phép quy hàng trước cơn đau.
Chàng trai từ Bắc Mỹ đã cõng Thập Nhất chạy ra ngoài, nhưng ả vẫn không mảy may duy chuyển. Đôi mắt đen lặng lẽ dõi theo biểu cảm đau đớn của Subedar, đem nó làm niềm vui duy nhất. Naib rất ghét khi kẻ thù mình như thế, khi chúng biết chúng có toàn năng, và chúng biết người thua không phải là mình. Ấy là khi bọn Thợ Săn đâm ra kênh kiệu, nhìn anh từ góc nhìn của Thượng Đế. Chúng nó cả gan báng bổ những vị thánh tự trên cao, rồi tự cho mình cái quyền đày nghiến dân đen như một trò chơi trong giới chính trị những năm 1800.
Nhưng Naib không đem lòng ghét những đôi mắt như thế, vì anh biết đằng xa, cũng có đôi ngọc biếc xanh dõi theo mình. Anh gắng tìm ra được một lý do người nọ vẫn bám trụ lại với nguy hiểm, anh tưởng khi một kẻ đã quen với tang điền chết chóc, họ sẽ cho mọi vật là hư vô.
Vậy sao đáy mắt gã như muốn nói lên vạn điều.
Khi báo hiệu dần đầy, thể hiện Naib chuẩn bị ghim mình vào cơn đau của lưỡi hái; Laurence vẫn không cất bước cởi dây trói cho anh. Gã sợ chết, và gã cũng không sẵn lòng đặt bản thân vào tình huống nguy hiểm để cứu một người ra ngoài. Họ vẫn sẽ thắng ba, kẻ chết đuối kia vẫn sẽ nhận sự thua cuộc không cần bàn cãi. Vậy thì việc gì khiến gã liều mình biến thế trận thành hoà làm chi?
Những cánh quạ đen bủa vây lấy gã làm gã tưởng tới việc các ý kiến của bản thân đã hoá hình lên không trung, tiếng rền vang của lồng ngực cho gã biết mình đã bị Tử Thần phát hiện. Chạy đi, kẻ hèn nhát, gã chợt nghe thoang thoảng tiếng cành cây chết kẽo kẹt vang, hệt đang nghiến răng để bật thốt từng từ. Như mày đã từng, chạy đi.
Đã có những đêm, Laurence vắt mình lên vầng trăng u tối, để bóng gã trườn vào lớp áo bạc màu rồi nhỏ giọt lên mây, loang đều thứ sắc đen đủi để nhân gian không còn nhìn được thứ ánh sáng diệu kỳ. Gã thấy bóng mình khom xuống, vốc một ngụm trăng đầy: gã thèm khát được uống trọn lấy vầng sáng cao. Nhưng sau bao nhiên lần thử, trăng bỗng cứ mềm oặt, trôi khỏi ngưỡng cửa của tâm hồn mà rỏ qua kẽ tay gã, thấm nhuần cả vào đất. Cớ sao những gì trong trắng lại chưa bao giờ một lần thuộc về họ Faye? Người thợ đồng hồ đâu khát cầu điều gì khác khi hì hà hì hục nhốt trăng trong mình - cốt cũng chỉ để che dậy đi vết nhơ đã khắc vào linh hồn nhớp nhúa. Gã đã dành mọi thời gian trên chiếc đồng hồ để lảnh tránh nó, nhưng thời gian không thuộc về đồng hồ lại tàn nhẫn móc chân gã và kéo về phía sau.
Vậy là, gã nên chạy ra khỏi chiếc cổng nặng nề, để lại ánh mắt cam chịu dõi nhìn trời. Hay trót quay lại, để ánh mắt ấy thẫn thờ nhìn vào đại dương xanh?
Như mày đã từng, chạy đi.
Laurence! Cậu ra cổng ngay!
Naib trợn mắt, nhìn thời gian sắp cạn của anh và hành động chạy ngược về của gã mà lòng chất bừa những lời khó nghe. Không một lời nào trong ấy mang hàm ý công kích, nhưng với anh, nó lại đau đớn tới nhường nào. Rằng, để cứu người khác, người ta phải hy sinh bản thân mình. Rằng, chưa bao giờ trong đời đi làm lính, anh để người nào ở lại phía sau. Rằng, những người lính đánh thuê.
Những người lính đánh thuê sẽ không được ưu tiên cứu ra nếu kế hoạch tác chiến có tanh bành.
Laurence Faye!
Hình như gã đã thành người câm điếc, với phương thức liên lạc duy nhất là qua chuyển động của cơ thể cao gầy. Gã mặc lời anh, mắt đối chọi mắt với ả người cá, gã thấy mình lọt thỏm vào đôi mắt đen đặc ấy, thấy luôn nụ cười ả đang như thì thầm tên anh. Loài cây chết phía sau gã điên cuồng vẫy đạp, trái tim đỏ trong người gã điên cuồng thất thanh, nhưng Laurence không quay đầu.
Mục đích ban đầu của gã khi đến đây là để chạy tới, không phải để nhìn lại đằng sau.
Khi đôi môi ả mở ra lần hai, Naib đã thành công cứu được khỏi ghế.
Còn bờ tóc đen đã lịm vào vải đỏ, tạc bóng mình xuống địa ngục trần gian.
Vì sao cậu lại làm thế?
Naib hỏi, nheo nheo đôi mắt đối mặt với người chôn mình vào ánh mặt trời. Laurence ừ hử, nửa có nửa không trả lời cho câu hỏi tưởng như rớt vội từ trận mưa đêm qua.
Vì sao anh lại làm thế?
Lần này, Laurence hỏi. Nhưng không còn có ai trả lời.
Vị gió xuân rải đều khắp trang viên, từ ngọn cỏ ngay góc nhà hay loài chim chưa bao giờ hót. Bagmati mùa này thường mang màu trắng, với bụi giấy màu dập dờn theo đợt sóng dịu dàng chảy ra đại dương. Ở quê anh, lễ Holi là lúc người ta chia sẻ tình yêu thương, cũng chính là những ngày khi Naib ra ngoài, tay anh sẽ luôn chất đầy những chiếc kẹo bé con - thường lũ trẻ quá sợ hãi để thật sự lại gần người lính, nhưng nếu có, thì anh luôn đảm bảo mình không thiếu thốn bất kỳ thứ gì để trao đi niềm vui. Những nụ cười trong vắt hằn trên mi mắt là những điều dễ tìm được nhất ở quê nhà, khi mùa chiến tranh qua sau đợt nắng gắt.
Naib.
Gió lay người chưa tỉnh, tiếng sáo dài vang vọng trời không.
Subedar có một bộ luật bất dịch, rằng mọi việc liên quan tới đôi mắt cỏ xanh sẽ không bao giờ kết thúc bằng dấu chấm hỏi. Những gì anh đã được nhận là những lời cầu khiến, và những gì anh sẽ được nhận không phải là câu hỏi vấn vương. Rằng nếu người hỏi anh, anh sẽ đâm ra thơ thẩn. Anh bảo, mỗi dấu chấm chỉ sẽ là một dấu chấm. Còn mỗi câu hỏi sẽ là một dấu chấm và một móc ngoằn ngoèo, tức không đâu vào đâu - vừa khát cầu vừa vô phương hướng. Naib không ưa những gì không chắc chắn, như kết cấu món cà ri, như lời hoặc định “chắc là”, như tấm bản đồ mà Đội trưởng từng đưa trong cuộc mở đầu khai phá thành luỹ, hay như chính bản thân anh mỗi khi đêm về thao thức.
Bởi lẽ thế nên anh đã thì thầm với Laurence vào một ngày nắng không tỏ, “Hãy gọi tên nhau như sông trôi ra biển: để tôi biết chúng ta không đi lạc đường.”
Gã chưa từng thử gọi anh theo kiểu khác.
Naib.
Ơi.
Giọng anh nhẹ bẫng trôi vào bạt ngàn, tưởng như sợ gã không bắt được, anh điềm đạm lặp lại từ giản đơn.
Emily vừa thông báo về việc đón Giao Thừa ở trang viên.
Anh gật đầu biểu trưng cho việc đã tỏ, còn gã khoan thai khoanh tay lại, lưng tựa vào tường nghe tiếp buổi họp mặt. Vậy là Naib vẽ lại trí tưởng tượng của mình vào ánh đèn hắt dưới chân: mái đầu đen khẽ nghiêng để vài sợi tóc loà xoà buông xuống trán, đôi mắt như sóng, dập dờn theo nhịp mi rung, đôi chân thon dài gấp thoảng, cốt để nó được thong thả khi bờ lưng vững chải đang làm điểm tựa cho trọng lực cả cơ thể. Naib có thể thấy được đôi môi mỏng hững hờ mấp máy những lời vô định, hoặc có, hoặc không; bản thân anh được tạo từ tâm tưởng, và anh sẽ chẳng là gì hết nếu thiếu vắng những lần giả định của hư vô.
Naib không ban phát ánh nhìn của mình về phía họ Faye, nhưng có những khi nhắm mắt, anh vẫn thấy được gió vờn quanh cần cổ cao. Bởi không khí biết kể, qua những lời vụn vặt hay các lời thơ - chúng sẽ ghé qua, đáp lên vai anh khi mưa nào xối xả, rồi nhanh nhẹn chạy biến lúc trưa hè nắng oi. Chúng bảo anh mặt trời vô cùng đáng ghét, nên nếu người lính này dám đem lòng mê mẩn những tia sáng rớt vội từ thiên đàng, chúng nó sẽ không thèm ghé ngang chốn anh và kể chuyện mây ngàn.
Vậy là gió chưa từng nghe câu chuyện về nhân gian mất nắng.
Ấy là khi biển gầm lên bãi đá, đem thân mình giã lên đất cát mộc mà để tự mình thị uy. Là lòng nước loạn, hay thần trời ban chiếu nghiêm, chẳng biết. Nhưng anh nhớ mình đã ước làm sao thấy được một ngày biển nắng, nước lấp lánh như chứa vạn ánh sao đêm qua rơi. Chúng có lẽ đang bơi, rồi tới khi rèm trời kéo sẽ vắt mình lên phơi. Anh đã vẽ ra như thế, anh cược hồn mình vào chiến tranh và thân xác này cho tổ quốc, vì thế với Naib, trí tưởng tượng là tài sản lớn nhất anh còn mang bên mình.
Vậy chốt thế nhé mọi người! Chúng ta cứ làm như những gì đã phân nha.
Những cánh én ùa ra, tán loạn bay về tổ. Duy đôi cánh của bầu trời bị bắt nhốt vẫn tư lự chưa rời.
Naib.
Anh không nói, nhưng gã biết anh đang lắng nghe mình.
Mọi người chia làm ba phần: phần dọn dẹp, phần nấu nướng và phần quà.
Một cái gật đầu là đủ cho một dấu chấm câu. Gã nán lại, lưỡng lự nhìn anh thêm một lần dài tưởng như vĩnh viễn. Trời xanh, cỏ xanh giao thoa nơi một đường đáy mắt. Sau cùng, gã quay lưng đi, tiếng giày da nện lên sàn gỗ vang vào tâm trí anh.
Sao anh không hỏi gã chuyện đã qua?
Không, Naib không thể.
Vì lúc đó, anh không chắc ấy là Laurence.
Họ đã hứa với nhau rồi.
Các cơn gió chạy đi, giọt nắng hồng dần tắt sau lưng anh.
Mưa rơi bên hiên nhà, rớt những giọt vào hốc mắt Naib. Anh không thích đóng cửa sổ lúc thiên nhiên thét gào. Và chợt anh hoài niệm về ánh đèn London nhạt nhoà mà anh từng một thời cùng nó đối mặt tới khi sương sớm tan.
Khi sương sớm tan ấy, anh bảo khi ngồi mâm mê đốt tay Laurence, chúng sẽ hoá thành chim. Xoã đôi cánh. Bay. Chứ chúng chẳng rớt vào đất bao giờ. Bởi nên khi người ta bảo bị bệnh bởi sương mắc vào người, thì vì họ đứng cao quá. Nằm xuống đất ấy, Naib cười, thì chẳng bao giờ chúng nó giở trò đâu.
Gã không hiểu những điều đó có ý gì, nhưng gã lắng nghe.
Có nhiều lúc ngồi cạnh nhau vào những đêm không ngủ, gã vẫn nghe anh rì rầm, lao xao cùng cây liễu trong sân, nhưng môi anh không mấp máy. Gã nghe anh nói về cát chảy qua chân khi anh mặc đôi giày chỏng chơ trên phố cũ. Rồi gã hỏi anh: Phố cũ là nơi nào? Anh lơ đãng ngắm nhìn hoạ tiết trên trần nhà, thoáng hiện khi sét ghé ngang, và bảo là nơi sông đổ ra biển. Mọi con biển hướng đại dương. Ngày nào đó hai ta ra biển nhỉ? Lạ lùng, gã nghe người lính thì thào một câu. Giờ thì chưa. Rồi anh lại luyên thuyên các câu chuyện với gió rít gào. Laurence không còn nghe được nữa - gió đã cướp giọng anh khỏi đầu.
Vì sao không phải bây giờ? Đôi mắt xanh nhìn anh lim dim vào cõi mê, đôi mi bập bềnh như giấy trên nước, như câu chuyện cũ thuở viễn chinh. Rồi hệt như cơn mơ, gã nghe Naib bảo anh muốn đi nhà thờ. Không phải để cầu nguyện, gã biết, mà để nghe tiếng chuông ngân.
Ở những nơi như đây, tiếng chuông không ban phát điều tốt lành, nó là sấm. Oanh tạc, dữ dội. Những gì anh kiếm tìm là thứ tiếng hiền như bài thánh ca, nhưng không phải bây giờ. Bởi một lúc nào đó, anh sẽ ngả mình vào lòng tay của mảnh đất Varanasi.
Ngoài trời, mưa dần ngớt. Đã quá nửa đêm.
Bóng dáng gã mờ đi, còn gió hôn tóc anh dịu dàng, hát bài ca vĩnh cửu dành riêng cho người lính Nepal.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro