Hà Nội 1980 (1)
Oneshot nhưng vì dài quá nên Nắng tách ra nhiều phần đăng dần.
Truyện lấy bối cảnh một vùng quê nhỏ thời kì sau thống nhất đất nước. Kể về chuyện tình giữa thầy giáo Lê Văn Hoà và anh bộ đội đã xuất ngũ Hoàng Văn Tuấn.
Hà Nội 1980 - Phần 1
Tôi còn nhớ những năm tháng ấy tiếng đánh vần đồng thanh vang lên bên trong trường học nhỏ, tiếng gõ bảng đều đều giữa cái nắng hè oi ả. Và cả tiếng người tôi thương văng vẳng bên tai, từ tốn mà ấm áp.
"Đồng chí Tuấn. Vừa mới xuất ngũ về à?"
Anh mặc áo sơ mi thẳng thớm nhưng chân lại đi giày vải cũ kĩ sờn màu, nhà giáo của ngày xưa là thế đấy, trông rất trang nhã lịch sự nhưng vẫn không thiếu đi cái nét giản dị mộc mạc thôn quê.
Tôi theo thói quen đưa tay lên trán chào, nhập ngũ năm năm đã sớm thấm vào máu, không bỏ được, cũng là một niềm tự hào của riêng tôi rằng tôi đã từng là một anh lính.
"Thầy giáo Hoà, anh đi đâu về đấy? Tôi về từ năm ngoái mà chẳng thấy anh đâu, cứ tưởng anh lấy vợ trên phố, bỏ lại cái xóm nghèo này rồi."
Anh nhìn tôi cười một tiếng giòn tan.
"Đồng chí Tuấn cứ đùa, trên tỉnh mở thêm lớp học, cán bộ điều tôi qua đấy làm công tác giảng dạy tạm thời vì chưa tìm được người thích hợp. Bây giờ người ta đưa ông giáo Nhạc lên, cho nên tôi lại về với làng tôi thôi."
"Ấy chết, tôi quên mất. Mời thầy giáo vào nhà nghỉ ngơi, mải nói chuyện nên tôi quên béng mất. Mong thầy giáo bỏ qua cho."
Tôi cầm cây chổi quét quét lối đi, một tay đưa ra ngỏ ý mời anh vào nhà uống chén nước.
"Lỗi lầm gì. Đều là cùng một nơi lớn lên, anh lại còn khách sáo với tôi sao?"
Thầy giáo Hoà xách chiếc cặp kaki màu nâu đựng đầy sách vở bước vào trong nhà, tôi rảo bước theo sau, đóng lại cánh cửa gỗ sơn màu xanh rêu cũ kĩ phủ đầy bụi sau lưng.
Anh đưa tay nhấc ấm chè lên toan rót. Tôi vội vàng đỡ lấy, nhất quyết không để cho anh làm.
"Thầy giáo Hoà này. Tôi là chủ nhà, ai đời chủ nhà lại để cho khách mời nước bao giờ. Để tôi làm, thầy giáo cứ nghỉ ngơi đi, trời nắng nôi từ xóm bảy về đây cũng không nhẹ nhàng gì."
"Tôi đi xe, cũng không mệt mỏi lắm. Đại khái là do tiết trời Hà Nội nóng nên đổ chút mồ hôi thôi, đồng chí Tuấn không cần lo lắng quá."
Anh nhận lấy chén nước tôi đưa, nhấp một ngụm. Hương vị chè thanh mát nhanh chóng lan toả khắp khoang miệng, nét mặt anh giãn ra, xung quanh cũng mát mẻ hơn nhiều.
"Chè ngon, chè ngon. Đồng chí Tuấn mua ở đâu đấy?"
Tôi đang lơ đãng nghe thấy anh hỏi, lập tức quay đầu lại dõng dạc trả lời. Giọng tôi tuy không ồm ồm nhưng cũng trầm đi nhiều, có lẽ là do chiến trường khốc liệt đã rèn tôi thành sắt thép, so với thầy giáo Hoà, một thân tôi trông vẫn là thô ráp hơn nhiều.
"Chè này là do anh cán bộ bên quân khu tôi cho. Mỗi lần đi công tác qua đây đều cho tôi vài gói, quê ở Thái Nguyên nên rành chè lắm."
Tuy tôi trông dạn dày sương gió hơn nhưng thầy giáo Hoà lại cao hơn tôi hẳn một cái đầu, tuy nhìn thư sinh mà lại không phải vậy.
Ngày xưa xóm tôi có trò chọi "trâu", gọi là chọi trâu nhưng thực chất là đấu vật của mấy đứa con nít. Chúng nó quây thành vòng tròn, ở giữa là hai đứa con trai, cũng có khi là hai đứa con gái, dùng cách đơn giản nhất để đẩy đối phương ra khỏi vạch thi đấu được vẽ nguệch ngoạc bằng gạch đỏ, chẳng có luật lệ gì cả, chỉ cần không đánh nhau tới gãy tay gãy chân thì đều được coi là hợp lệ, tuy vẫn có những lúc tai nạn ngoài ý muốn xảy ra, nhưng chung quy vẫn là vui vẻ. Mỗi lần có chọi "trâu" diễn ra là con nít cả xóm rộn ràng chẳng khác gì ngày hội trên phố. Còn nhớ lúc ấy, tôi và thầy giáo Hoà mới bảy tám tuổi, đầu cắt húi cua, gầy nhom, đen nhẻm, cởi trần thân trên, mặc độc một chiếc quần đùi nho nhỏ lao vào nhau như hai con nghé non háu chiến. Tôi thua thầy giáo Hoà rất nhiều lần, ngày xưa thầy giáo Hoà khoẻ hơn tôi nhiều lắm, chỉ cần dùng một tay túm lấy hông quần tôi rồi ghì mạnh là đã quật tôi ngã dúi dụi được rồi. Nhưng tôi bản tính hiếu thắng, nào có chịu thua được, lần ấy tôi quyết chiến với thầy giáo Hoà, chẳng có chiến thuật gì cả, tôi bước chân phải lên trước, chân trái chống ở sau sao cho vững chắc để làm chỗ dựa cho toàn bộ thân trên, hai tay duỗi thẳng, nghiến răng nghiến lợi đẩy anh ra khỏi vạch thi đấu. Nhưng thầy giáo Hoà vẫn đứng ở đó, vững như cột đình khiến tôi tức đến nổ bùng bùng trong đầu. Và rồi do dùng quá sức mà tôi trượt chân ngã sõng soài trên nền đất, tay tôi kêu rắc một tiếng giòn rụm như miếng tóp mỡ mẹ tôi chiên. Tôi đau đến mức nước mắt cứ vô thức chảy ra, chẳng nhớ gì cả ngoại trừ ánh mắt lo lắng của thằng nhóc Lê Văn Hoà năm ấy, đôi con ngươi đen láy mở to ngập tràn sợ hãi, vầng trán nhăn lại, gương mặt trẻ con non nớt dính đầy bụi bẩn nhìn chằm chằm tôi, liên tục gọi tên tôi.
"Tuấn ơi, tao xin lỗi, Tuấn ơi..."
Lê Văn Hoà năm ấy và thầy giáo Hoà bây giờ thực chất chẳng khác gì nhau, vẫn là dáng vẻ bình đạm, ổn định đó, chỉ là không còn một đầu tóc húi cua nghịch ngợm như xưa.
"Ngày ấy đồng chí Tuấn chỉ biết dụng võ không biết lập mưu nên thất bại ắt không tránh khỏi. Điều này trên chiến trường có lẽ đồng chí Tuấn hiểu rõ hơn tôi nhiều."
Tôi cười sảng khoái đáp lại
"Đúng đấy thầy giáo, lúc mới nhập ngũ tôi cũng thường xuyên bị mắng là hữu dũng vô mưu. Người thì cứ như con trâu mộng, khoẻ vô địch mà lần nào luyện tập đấu tay đôi cũng thua. Dần dà rồi cũng thay đổi, không rõ là do lớn lên hay do tình thế ép buộc mà thay đổi. Trên chiến trường, chỉ cần địch khoẻ hay thông minh hơn tôi thì người nằm xuống có lẽ đã là tôi rồi. Năm ấy đáng lẽ phải học thầy giáo Hoà mà lớn lên."
"Chẳng cần học tôi. Đồng chí Tuấn vẫn cứ là đồng chí Tuấn, độc nhất vô nhị, là anh bộ đội dũng cảm nhất mà tôi từng gặp."
"Thầy giáo Hoà cứ đùa tôi. Tôi còn non kém lắm. Mà thầy giáo Hoà về đây rồi có định mở lớp học không?"
Anh chống cằm, đôi lông mày nheo lại trầm tư suy nghĩ.
"Tôi cũng đang tính. Phải xin quyết định của trên tỉnh, rồi còn kinh phí chưa có, xóm cũng ít trẻ con, sợ rằng mở rồi cũng không ai học."
"Thầy đừng nói thế. Người già trong xóm vẫn có người chưa biết đọc chữ, trẻ con đến tuổi đi học cũng nhiều mà đường đến trường học gần đây nhất cũng xa xôi hiểm trở. Với lại còn tôi nữa, nhập ngũ mấy năm chỉ được nghe mấy anh lính nhà thơ làm thơ gửi tổ quốc, gửi người yêu chứ có đặt bút bao giờ đâu nên chữ nghĩa đem trả lại cho thầy cô hết rồi, chỉ nhớ mấy cái cơ bản, còn mấy cái nâng cao học ở trường cấp ba trên tỉnh đều đem theo bom đạn mà chôn vùi rồi. Cũng là do tôi lười, rảnh rỗi chỉ lo lau súng mà không lo trau dồi kiến thức, nên giờ tôi chỉ mong thầy giáo Hoà nghiêm khắc trị cái lười của tôi, cho tôi có cơ hội học đại học như những bạn đồng trang lứa."
"Vậy thì tôi thử tính xem sao. Chỉ sợ đồng chí Tuấn chê tôi chuyên môn không tốt bằng các ông giáo xóm bên, chữ cũng không đẹp như các cô giáo trên tỉnh. Tôi chỉ có trái tim này, một trái tim khao khát muốn xoá bỏ mù chữ cho tổ quốc thân yêu của tôi."
"Thầy đừng nói thế, tôi cầu còn không được lại dám chê sao?"
Tôi đưa tay gãi cái đầu húi cua lởm chởm, tôi không ngại học, chỉ ngại anh chê tôi khó dạy. Tôi muốn học lắm, nhìn đám thanh niên xóm bảy đi ôn thi ở nhà cô giáo Trúc mà lòng tôi cứ bồn chồn, nôn nao rồi lại tiếc nuối, tôi cũng muốn bước chân vào cánh cổng đại học như năm 18 tuổi tôi từng mơ ước, lần này thầy giáo Hoà cho tôi cơ hội, tôi nhất định phải nắm lấy.
"Tôi có chút tiền dành dụm, thầy cần để mở lớp cứ nói tôi, tôi góp được bao nhiêu sẽ góp. Chỉ cần thầy cho tôi đi học, cho tôi có chữ có nghĩa mà thi thố với người đời."
"Ấy, sao lại nhận tiền của đồng chí Tuấn được. Bộ đội vì dân mà chiến đấu, cho chúng tôi độc lập tự do mà tôi lại còn lấy tiền của đồng chí Tuấn thì sao tôi dám nhìn dân, nhìn cán bộ, nhìn đồng chí Tuấn. Đồng chí cứ yên tâm, tôi lên tỉnh xin trợ cấp, người ta sẽ sớm kí giấy cho về xây lớp thôi."
Ánh mắt tôi loé lên niềm vui khôn tả, cứ như đứa trẻ ba tuổi được cho kẹo mà háo hức nhìn anh, thầy giáo Hoà của tôi, sao lại dễ mến đến vậy cơ chứ.
Ba tháng sau
"Này! Bà nghe tin gì chưa. Thầy giáo Hoà lên tỉnh xin trợ cấp về mở lớp học đấy. Nghe nói mấy tháng trước huy động nhân lực đến giúp đỡ xây dựng, giờ sắp xong đến nơi rồi. Thế là thằng cu Bí nhà tôi chẳng phải đi lên tít xóm Bảy để học vỡ lòng nữa."
Xóm Mười có một cây đa lớn ở ngay lối vào, thân to sừng sững hai người ôm không xuể, nó tuy già cỗi, lại còn từng bị bom đạn đánh ngay sát, nhưng vẫn quật cường đứng trấn giữ ngay đầu xóm. Ở đấy người ta vẫn hay họp chợ mỗi sáng sớm, tuy chợ nhỏ nhưng gì cũng bán, nào là gạo nếp, gạo tẻ, cốm non, thịt heo, trứng gà, các loại rau và hoa quả nhà trồng... ai làm ra được gì thì bán nấy, ắt có người mua. Xôm lắm, vì đi ba xóm mới thấy một cái chợ cóc, người ta hay đùa rằng nếu muốn tìm vợ thì cứ ra đấy nhờ các bà các cô mai mối cho, gia cảnh nhà ai thế nào, tính nết ra sao các bà các cô biết hết.
Tôi vác mấy tấm ván gỗ trên vai, mồ hôi nhễ nhại chảy từ trán xuống, mặn chát, thầy giáo Hoà cũng xách hai bao xi măng quăng vào trong góc, thở hổn hển nhưng nụ cười lại tươi rói, mắt anh long lanh nhìn ngôi trường có duy nhất hai lớp học sắp được hoàn thành. Một lớp thì anh nhờ thầy giáo Chung và cô giáo Hồng dạy vỡ lòng cho các em nhỏ, ai chưa biết chữ cũng có thể vào học, còn anh cùng cô giáo Nhàn và thầy giáo Hùng thì đứng lớp nâng cao, chỉ dạy vào buổi chiều để ôn thi đại học cho học sinh cuối cấp.
Tuy đơn sơ, cũng không đầy đủ các khối lớp vì thiếu nhân lực cũng như cơ sở vật chất, nhưng đây cũng là một bước tiến mới của xóm Mười nghèo khó suốt mấy chục năm ròng rã. Học sinh từ các xóm khác đến ôn thi cũng rất đông, tinh thần học tập của mọi người đều rất hăng hái khiến anh thật sự phấn khởi. Còn tôi thì lo lắng, có lẽ là do thói quen trên chiến trường, tôi sợ người ta nắm được nhược điểm của tôi nên chẳng bao giờ giơ tay hỏi bài.
"Đồng chí Tuấn đừng có biện hộ, cái kiêng kị nhất trong học tập là giấu dốt. Đồng chí Tuấn không hiểu thì phải hỏi tôi, tôi giảng cho tới khi nào đồng chí nắm rõ kiến thức thì thôi. Tôi nhận lời giúp đồng chí ôn thi mà không làm tới nơi tới chốn thì sau này có kết quả tôi ăn nói với đồng chí thế nào đây?"
Anh nghiêm mặt nhìn tôi. Ngoại trừ sáng đi học trên tỉnh, chiều đi ôn ở trường làng thì buổi tối tôi còn được thầy giáo Hoà kèm riêng nữa. Cái dáng vẻ thư sinh mảnh khảnh của anh trông như chỉ hai quyền là ngã, nhưng từ góc nhìn của tôi lại có cảm giác áp bức đến lạ, giống như tôi trở về ngày xưa hồi còn học chữ với ông đồ, lười biếng hay viết xấu là sẽ bị phạt gõ vào tay. Tôi len lén nhìn lên, không dám chạm mắt với anh, như đứa nhỏ làm sai sợ bị mắng. Nhưng anh chẳng mắng tôi, anh chỉ ngồi xuống bên cạnh, ôm lấy vai tôi rồi ôn tồn hỏi.
"Đồng chí Tuấn không hiểu chỗ nào. Nói tôi nghe, tôi giúp đồng chí."
Tôi lúc này mới dám mạnh dạn nói.
"Thầy giáo Hoà, tôi nói anh đừng giận tôi. Phần hình học hôm nay anh giảng tôi chẳng hiểu gì cả."
Tôi tiu nghỉu nhìn anh, hai tay đan vào nhau khẽ bấu bấu, người khom lại còn đúng một mẩu trông chẳng giống bộ đội mới xuất ngũ tí nào.
"Không sao, tôi giảng lại cho đồng chí. Lần sau tôi sẽ chú ý tới đồng chí hơn."
"Vâng, tôi sẽ cố gắng thưa thầy giáo."
Anh xoa xoa cái đầu trọc tròn vo của tôi hết sức dịu dàng rồi bất ngờ gõ cốc một cái khiến tôi không kịp trở tay.
"Tôi nghe cô Nhàn nói đồng chí Tuấn học văn rất tốt, thường xuyên phát biểu bài, còn khiến cho bao nhiêu học sinh nữ ngưỡng mộ vì tài làm thơ. Thế mà đồng chí chưa đọc cho tôi nghe bài nào cả."
Tội ngại đỏ cả tai, tôi chỉ làm thơ cho vui thôi, ai dè lại đồn xa đến thế.
"Tôi làm thơ còn non tay, không được xuất sắc như các bạn khác, tôi mà đưa cho thầy giáo Hoà xem nhất định thầy giáo sẽ cười tôi."
"Tôi đợi ngày đồng chí Tuấn đọc thơ đồng chí sáng tác cho tôi nghe."
Vẫn là phong thái đĩnh đạc, nghiêm khắc mà dịu dàng ấy, chẳng bao giờ đổi thay. Lời nói như gió thoảng mây bay vào những năm tháng non trẻ thế mà lại thành một kí ức sâu đậm khó phai trong lòng tôi.
Bài thơ năm ấy đồng chí Tuấn viết, có đôi dòng tỏ tình của thầy giáo Hoà ở mặt sau.
Hết phần 1
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro