Tiện nữ vẫn là tiện nữ
Tôi trở về nhà. Chẳng ai ở nhà cả, tôi đẩy cửa bước vào dễ như không. Căn nhà này làm gì còn có thứ để chôm chỉa, họa hoằn nó được khóa là khi mẹ tôi ở nhà và bà sợ chủ nợ đến tìm thôi.Nhìn vào tấm gương cũ ố lỗ chỗ, tôi thấy lại chính mình. 12 giờ của Lọ Lem đã qua từ lâu, tôi đâu dám mơ mộng thêm nữa. Tiếc là tôi chẳng có chiếc giày thủy tinh nào để làm tin, tôi đứng đó nhìn một hư ảnh trong gương, mặt mũi tầm thường, áo thun nhàu, quần bò và đôi tông không thể coi là đàng hoàng để đi ra đường. Hư ảnh đó giơ tay sờ sờ lồng ngực. Còn thở. Tức là tôi vẫn sống. Rồi hư ảnh lại nhoẻn miệng cười chua chát. Tôi nghĩ sao mà đêm đó không chết đi cho sướng. Nhưng nhanh thật nhanh, hình ảnh anh Hy Vọng xẹt qua đầu làm tôi thôi nghĩ đến cái chết.
Sống được tới tầm này, tôi biết được điểm mạnh của mình ở đâu. Ông trời quả không bất công với ai, và với tôi thì ban cho tôi tính lạc quan không tưởng tượng được. Nếu không lạc quan, chắc tôi ái ngại là tôi đã đầu thai nghìn lần rồi cũng nên. Tôi vui niềm vui của người nội tâm hướng thiện, không mong được báo đáp, chỉ mong mình bình an. Tôi ra sức phấn đấu cho tương lai, lập sổ tiết kiệm, xem nhẹ chuyện bị hạ thấp danh phẩm vì lí lịch gia đình, chỉ cốt gồng mình chờ một ngày bình yên đến bù đắp cho tôi, hoặc tôi cứng rắn hơn và không còn sợ điều gì nữa. Đá chỉ mọc rong rêu nếu nó nằm một chỗ, bạn biết đó.
Ôi thôi thôi tôi là một đứa nghĩ nhiều phải không? Mẹ tôi đẩy cửa bước vào, vừa đi tay vừa che miệng vừa ngáp rất uể oải. Tôi thường thấy cảnh này khi bà đi múa quạt ở hội phụ nữ về. Nói cho vui chứ thật ra là bà đánh tứ sắc (một loại bài chữ Hoa có 4 màu: xanh lá, trắng, vàng và đỏ) ở đó thâu đêm. Bà cũng chả ăn mặc như quý phu nhân mẹ anh Hy Vọng, mà là cái áo sơ mi rộng thùng thình, tóc búi sắp xòa xuống vai. Và tôi còn nghe mùi cồn trong hơi thở của bà.
- Mày đi đâu mà giờ mới về? Sao không đi luôn đi hả? Đồ con hoang!
Tôi sững người nhìn trân trân vào mẹ tôi. Tôi vừa nghe điều gì đó không đúng thì phải. Người mẹ này, dù chưa bao giờ ấu yếm tôi thuở bé, dù hay nghiêm khắc với tôi trong nếp sống hằng ngày, nhưng tôi trong tiềm thức luôn cho rằng nhà này chỉ có việc trọng nam khinh nữ, coi trọng em trai tôi hơn, hay chỉ vì gương mặt tôi quá giống ba nên bà mới hà khắc cay nghiệt với tôi như vậy.Bà thì chả đả động gì, lập tức đi xiêu xiêu vẹo vẹo vào buồng trong ngủ một giấc. Tôi nghĩ là mình nên làm gì tiếp theo đây, bỏ nhà đi bụi nữa hay sao? Tôi còn chưa chắc mẹ tôi nói thật, nhưng người ta cũng hay nói là người say và người đang yêu không thể nói dối. Vậy tôi là con của ai? Ba có thật là ba tôi không? Chắc là thật mà vì mặt tôi giống ba lắm.
Lần này cửa lại động đậy và em trai tôi bước vào trong nhà. Thằng bé nhỏ hơn tôi tầm 5 tuổi, nhưng sớm cao vượt cái đầu tôi cả gang tay. Thằng bé không hư hỏng, như nó không dễ dàng vâng lời tôi hay bất cứ ai. Con bé hàng xóm "thả chó" thì đang đi sau, tay trong tay với em tôi, đôi mắt nó tinh nghịch và trong hơn trời mùa thu, em trai tôi chắc mẫn bị dụ dỗ bởi đôi mắt động lòng người đó.- Chị Mi về đến nhà rồi này anh, em nói mà, chị ấy ổn.- Con bé nói như thể nó biết hết mọi thứ trên đời. Reo vui giả tạo.
Tôi về sừng sững đây rồi, không thấy sao còn nói, thật dư thừa. Mà tôi chả buồn nói làm gì, chẳng buồn liếc ngang tay hai đứa đang nắm có hình xăm đôi mực đen, chắc mới đi xăm rồi thề thốt cái khỉ gì đó. Bằng tuổi chúng nó, tôi đã phải thức canh sòng bạc của mẹ để báo trước khi cảnh sát tới, đổi lại thì mẹ tôi sẽ cho tôi ngủ yên giấc hôm sau tại lớp và mặc kệ lời phàn nàn của giáo viên.
Vậy rồi em tôi cũng chẳng buồn chào tôi nữa, hai đứa nó lẳng lặng đi vào phòng. Tôi ngồi thừ ra trên ghế, nghĩ ngợi lung lắm. Tài sản cá nhân của tôi không có, bằng cấp cũng không, người quen cũng không, ngoại hình cũng không nốt, tôi có cái gì có thể bấu víu vào tương lai cơ chứ? Anh Hy Vọng thì bị bệnh gì được nhỉ? Anh rất tốt, sống trong nhung lụa nhưng bản thân rất hiền hòa, vậy mà lại mắc bệnh, nghe như khó chữa lành. Tôi cũng sống rất tốt, phải tự khen mình là hơi lương thiện, tin người, rồi thì tôi lại sinh ra trong gia cảnh như thế này đây (giờ còn chưa chắc tôi là con nhà này nữa, ôi số mệnh!).
Vậy mà chưa nghĩ thông thì cửa nhà tôi lại rụt rịt mở thêm lần nữa. Ba bảo đảm không về, vậy thì không còn ai ngoài mấy tay giang hồ đòi nợ. Nhưng kì lạ thay, hai người mặc áo đen mở của cho một người lạ tôi chưa từng gặp mặt, người đấy đường đường chính chính bước vào nhà tôi như chốn không người, khí phách phi phàm đến độ mắt tôi trông đến sắp bị chói mắt bởi ánh dương quang của anh ta. Mấy tay giang hồ chợ búa chẳng bằng được như gã ta, cái cằm nhẵn nhụi, sơ mi màu be được ủi thẳng tưng, giày đánh si bóng loáng đến ruồi bám vào cũng phải trượt chân, tổng thể trông như doanh nhân thành đạt làm việc ở cao ốc Kim thị hay Mẫn thị nào đó mà tôi nghe bạn tôi đọc tiểu thuyết ngôn tình kể lại. Riêng đôi mắt thì tôi chẳng trông thấy được, vì gã ta đeo một cặp kính đen to che hầu như nửa khuôn mặt. Vì sao tôi biết gã ta là chủ nợ à? Nhìn cung cách mấy tên đi sau khép nép lễ phép như muốn đội gã ta lên đầu mà tôn thờ thì đủ biết. Tất nhiên những tên lính lác ấy tôi gặp đến nhẵn cả mặt, còn chưa kể tới là đã ẩu đả (bằng võ mồm) đôi ba lần.
Gã ta đến gần chỗ tôi, lúc này tôi đã thôi ngồi mà đứng dậy nhìn về phía gã từ lâu, sau đó gã lại tự tiện mạnh tay bóp cằm tôi nâng lên rồi đẩy qua lại, tay kia kéo mắt kính đen xuống nhìn tôi như dò xét một món hàng. Đôi mắt gã ta đẹp nhưng kiểu như ai nhìn vào cũng muốn quỳ xuống phục tùng mệnh lệnh.
- Cũng không tệ. - Gã ta nói với cái nhếch mép bên trái, rõ xấu tính rồi nói như cho tụi đàn em nghe. Cả hai bên má đều có lúm đồng tiền sâu hoắm hơn bất kì ai mà tôi từng trông thấy.- Tiện nữ, cô đi theo tôi trả nợ thay mẹ cô! - Lần này gã ta nói với chính tôi, lời nói mang sức mạnh ra lệnh, rồi lại không hề nhẹ tay mà bỏ cằm tôi ra.
Tôi còn chưa kịp hét lên mấy tiếng "Mẹ ơi, cứu..." thì đã bị đám người đó chụp cho một khăn thuốc mê, ngất đi ngay lúc đó.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro