Chương 11 - Món quà
Ông ấy rời đi sau gần một tháng sống thực vật, trong một giấc ngủ nhẹ nhàng, không đau đớn.
Đám tang của vị kiến trúc sư có tên tuổi gắn liền với những công trình kiến trúc lớn nhất cả nước diễn ra lặng lẽ hơn Hwang Minhyun tưởng.
Anh đến từ sớm, không nằm trong ban tang lễ, nhưng ngồi lì ở bàn khách liền hai ngày. Người ngoài đến chỉ biết kiến trúc sư Hwang có một người con trai điều hành tang lễ, là em trai Minhyun. Thằng bé gầy rộc, bình tĩnh lo lắng hết mọi chuyện. Chưa bao giờ Minhyun thấy khoảng cách bốn tuổi giữa hai anh em lại vô nghĩa đến vậy.
Hwang Minhyun ngồi một góc, đăm đăm hướng về tấm ảnh chân dung được hoa bao bọc, nụ cười của người trong ảnh đáng ra phải in lên một cuốn sách vĩ đại nào đó nói về cuộc đời của ông. Không biết đã uống bao nhiêu rượu, Minhyun sớm không còn tỉnh táo nữa.
Kí ức cũ ào đến như vị khách không mời. Anh nhớ buổi gặp mặt cách đây gần một tháng, nhớ cuộc trò chuyện cuối cùng gần như chỉ có mình anh độc thoại. Đêm ấy trở về, Minhyun nằm gục xuống ngay khi vừa đóng được cửa nhà. Cả đêm mộng mị, cơn nhức đầu ập đến sau quá nhiều rượu dung nạp vào cơ thể, Minhyun đã khóc như một đứa trẻ. Anh tự ôm chặt lấy mình để ngăn vai khỏi run lên. Nước mắt chảy xuống nền gỗ, bắt được ánh sáng từ đèn trần nhà mà phản xạ lại, lấp lánh như một vì sao rơi trên sàn nhà.
Đêm tĩnh mịch ôm lấy đứa trẻ trong Minhyun, đứa trẻ chưa khi nào cảm nhận được trọn vẹn tình yêu thương từ bố, đứa trẻ vẫn luôn giữ trong mình thật nhiều ấm ức về những ngày đã qua, về người đã sớm không còn ở đây nữa.
Buổi sáng hôm tiễn đưa ông ấy, Minhyun không đến. Anh lái xe về vùng ngoại ô phía Tây Yongho, nằm cạnh mộ mẹ mình, nhìn lên bầu trời quang đãng một ngày cận hè.
Khi mặt trời chỉ còn là một đốm sáng phía chân trời, Minhyun mang theo một gốc cây nguyên rễ, trở về nhà. Thật lâu rồi Minhyun mới lại thấy một cây tú cầu đứng rung rinh trong nắng, trên hiên nhà mình.
.
Sau buổi tối nhận được lời chúc ngày mới tốt lành giữa đêm, từ Hwang Minhyun, Seonho đã dồn hết can đảm để nói với mẹ rằng cậu là người đã làm mất chiếc băng cassette, và rằng chiếc băng đó sẽ không trở lại với mẹ nữa đâu, cậu làm mất từ tận ba năm trước rồi.
Vì, Seonho chỉ muốn giữ chiếc băng cassette có giọng nói của Minhyun lại cạnh mình, không mang đi đâu nữa. Seonho dám chắc Minhyun cũng mong muốn vậy, với một bản tình ca quá đỗi dịu dàng còn lưu lại trong cuộn băng. Một bản tình ca dành cho cậu.
"Tặng anh, như một lời cảm ơn."
Seonho quay lại ngôi nhà không lâu sau khi nhận được chiếc băng cassette Minhyun tìm hộ cậu. Cậu để lại cùng bức thư ngắn nhất từ trước đến giờ, là một chiếc headphone cỡ vừa, có màu xanh nhạt.
Minhyun mất một đêm để hoàn thành bức chân dung Seonho, bức chân dung chỉ có góc nghiêng bên phải khuôn mặt, nhưng không hề bỏ sót chi tiết nào. Kĩ càng và tỉ mỉ, như cái cách anh đã cẩn thận ngắm nhìn cậu ấy, ngồi đầu bên kia của băng ghế. Gần như với tay ra là chạm vào nhau. Xa như thể ba năm là mốc thời gian không thể nào rút ngắn được, của anh bây giờ, và của cậu ấy trong tương lai.
Anh lựa lấy một khóm tú cầu, cẩn thận tết lại thành một chiếc vòng, rồi đắn đo mãi xem có nên cho cậu ấy xem bức chân dung mình đã vẽ không. Kết quả, chỉ gửi đi một vòng tú cầu mà giữ lại bức chân dung cho mình.
"Món quà này hi vọng cậu sớm nhận được, để héo mất thì phí lắm. Tôi thấy màu mắt cậu rất hợp với màu xanh này."
Có những bức thư ngắn chỉ bằng mấy câu nói chuyện thường ngày. Đó là vào những hôm cả hai cùng được nghỉ, họ dành cả buổi đứng trước hòm thư của ngôi nhà ven hồ, và nói chuyện với nhau qua những bức thư.
Khi đã nói đủ với nhau về chuyện ngoài công trường, về việc Hwang Minhyun khá nhớ những ngày còn đứng trên giảng đường đại học, thì sẽ đến việc Yoo Seonho chật vật ra sao với những ca cấy ghép độ khó cao và cả chuyện cậu gặp nhiều khó khăn nhất khi phải thông báo với người nhà, về những ca không thành công, hoặc còn rất ít hy vọng.
"... Lần đầu tiên tôi phải tự mình thông báo, là khi còn làm bác sĩ nội trú. Khi ấy tôi chưa suy nghĩ gì sâu xa, nhưng nhìn một chàng trai trẻ, chắc tầm tuổi tôi, sụp đổ khi nghe tin anh trai mình qua đời, tôi bỗng ghét bản thân mình kinh khủng. Khoảnh khắc thấy cậu ấy nhận lại đồ đạc của anh trai mình, ôm chặt chúng vào lòng khiến lần đầu tiên tôi tự hỏi, trở thành bác sĩ có phải là lựa chọn sai lầm.
Anh biết bệnh u sợi thần kinh chứ? Nó có thể làm cho người ta mất khả năng điều khiển cơ theo ý muốn. Có lần tôi tiếp xúc với một bệnh nhi mắc u sợi thần kinh bẩm sinh, cậu bé không thể điều khiển cơ mặt theo ý mình, nên nụ cười của cậu bé có thể là nụ cười vặn vẹo nhất mà anh từng gặp. Nhưng cũng là nụ cười xinh đẹp nhất trong mắt tôi. Có lẽ vì thế mà, sau cái ngày lần đầu tự tay trao trả đồ cho người nhà bệnh nhân kia, tôi vẫn còn đi tiếp được. Vì tôi vẫn tìm thấy mục đích cho mình. Sinh mạng có thể mất đi trên tay tôi, thì tôi càng phải cứu thêm thật nhiều người nữa để bù đắp lại. Cho họ, mà cũng cho cả tôi nữa..."
Minhyun là người lắng nghe rất giỏi. Anh không phải người sẽ mắc những nguyên tắc khi nghe kiểu như "Còn tôi thì..." hoặc "Tôi lại khác cơ...". Mỗi lần lắng nghe, anh đều đắm chìm hoàn toàn vào câu chuyện của Seonho, giống như đang nhìn nhận qua lăng kính của cậu ấy vậy. Dù vụng về, nhưng cách Minhyun hỏi về cảm giác của Seonho khiến cậu ít nhiều khựng lại khi đọc được câu: "Còn cậu, cậu có vui không?"
"Tôi có đứa em trai, ở nhà tôi từ khi còn bé xíu. Chưa bao giờ tôi coi nó là người ngoài. Buồn cười là, dù không phải con ruột của bố, thằng nhóc này lại hợp với lối sống công nghiệp của bố tôi kinh khủng. Từ ngày ông ấy thao túng văn phòng kiến trúc, tôi thì bỏ đi giám sát công trường, thằng nhóc đó vẫn chịu được nhiệt, ngày ngày đối phó với bố tôi, kể cũng giỏi...
Cậu biết đấy, nhìn ngường mà mình vô cùng ngưỡng mộ trở thành mẫu người mình căm ghét nhất, chính là loại cảm giác đã đeo đẳng tôi thật nhiều năm rồi..."
Có những thứ đến như một món quà, mang lại cảm giác phấn khích khi mở ra. Cũng có thứ giống như củ hành vậy, càng cởi bỏ lại càng thấy cay nơi sống mũi. Có những ngày bão tố, và có những ngày có Yoo Seonho, như một khoảng trời dịu dàng nằm trong chiếc hộp thư trước cửa nhà.
Có một ngày nghỉ, Seonho đã đến hiệu sách, dễ dàng tìm được cuốn sách về bố Minhyun. Đúng vậy, kiến trúc sư họ Hwang, tên tuổi gắn với năm công trình nổi tiếng nhất Hàn Quốc, sau khi qua đời còn có sách tiểu sử về cuộc đời, chẳng khó để tìm và càng không khó để nổi tiếng. Cuốn sách dày đặc những bản thiết kế và những kí hiệu Seonho chẳng hiểu nổi.
Cậu tò mò muốn biết ông ấy là người thế nào. Thực sự quá giỏi, với tư cách một kiến trúc sư. Nhưng điều khiến Seonho lưu tâm, chính là chương cuối cùng của quyển sách tiểu sử, với hai tấm hình và vài dòng nhắn bên dưới, được chính tay ông ấy viết, những dòng chữ có lẽ lưu lại từ lâu lắm. Chỉ là, người cần đọc đã đọc được chưa?
Một buổi sáng giữa hè, Hwang Minhyun nhận được thư từ Seonho, kèm theo một cuốn sách dày. Cuốn sách phía trong in tấm hình cách đây không lâu anh thấy trong đám tang, được hoa trắng bao bọc.
"Hwang Minhyun,
Tình cờ tôi thấy cuốn sách này. Tôi nghĩ chương cuối là dành cho anh.
Anh biết căn nhà ven hồ là bố anh thiết kế chứ? Cuốn sách này phải đến sang năm chỗ anh mới có. Nhưng tôi mong rằng anh đọc được sớm hơn những lời ghi trong này..."
Bên trong chương cuối, có tấm hình của ngôi nhà ven hồ, một trong những tác phẩm được coi là cuối cùng kiến trúc sư Hwang. Dưới đó kèm theo một tấm hình cũ, rất nhỏ, chụp người đàn ông với một đứa trẻ 2-3 tuổi ngồi trên vai, cả hai đứng cạnh một hòm thư, phía sau có lẽ là những khóm tú cầu nở rộ. Hòm thư giống y hệt cái được đặt trước căn nhà ven hồ.
"Căn nhà này là lời xin lỗi cho tất cả những năm tháng ta đã bỏ lỡ. Dành tặng con. Yêu con."
Là lời đề cho tấm hình lớn. Dưới tấm hai cha con còn ghi một dòng rất nhỏ nữa: "Giá mà buổi sáng ngày rời đi, ta hôn tạm biệt con, thì có lẽ ta sẽ còn trở về như những ngày trước đó."
"Căn nhà trông như một nơi cô độc, nhưng khi ở đây tôi luôn cảm nhận được hơi ấm gửi gắm bên trong. Tình yêu đến với chúng ta theo nhiều cách khác nhau. Nhưng dưới những cách thức ấy, tôi tin chỉ có đơn thuần là yêu thương. Mong rằng cuốn sách giúp anh hiểu bố mình hơn.
Minhyun ạ, anh lúc nào cũng được yêu thương.
Chúc anh ngày lành."
Khi người Mông Cổ yêu nhau họ nói: "Hãy cùng nhau lên núi đi". Còn người Eskimo thì lại nói: "Cùng nhau cười suốt đời này nhé". Khi còn trẻ sẽ nói cạnh nhau mãi mãi, về già chỉ cần ở đến hết ngày mai, ngày mai và ngày mai nữa. Mỗi người đều có cách diễn đạt của mình, mỗi người lại có cách yêu thương khác nhau. Dù là khác về cách thức biểu đạt, dù chẳng thể hiện ra bên ngoài.
Seonho từng nói với anh rằng, có ba thứ người ta không thể giấu. Đó là hắt xì, sự nghèo khó và tình yêu. Vì người ta càng giấu diếm, nó sẽ lại càng thể hiện ra bên ngoài.
Có lẽ vì thế mà tình yêu nhiều khi sẽ là chịu đựng đau đớn để cất giấu tất cả vào trong.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro