Từ đó về sau
Tác giả : xiaoheliang
Đôi khi, sự xuất hiện của một người xa lạ sẽ làm xáo trộn cuộc sống của bạn. Nhưng biết đâu, những nét vẽ của người đó sẽ làm cuộc đời bình dị của bạn càng thêm màu sắc.
"Tiếp theo thì sao ?"
Người mà tôi đang trò chuyện cùng ngắt câu một cách không hề thích hợp, giọng nói có chút khàn khàn ấy đột ngột dừng lại ở phần thú vị nhất của câu chuyện.
Tôi tưởng ông ấy khát nước nên vội đặt cuốn sổ trên tay xuống, lấy ly nước trên bàn đưa cho ông.
Ông ấy nhẹ nhàng đẩy tay tôi ra.
"Được rồi, đến đó thôi, lần sau kể tiếp."
Tôi có chút bất đắc dĩ, hụt hẫng nhìn ông ấy.
"Ông à, ông muốn cháu tò mò chết sao ? Ông kể thêm đi, một chút thôi cũng được, ít nhất cũng phải nói cho cháu biết viên cảnh sát ngã từ trên lầu xuống đó rốt cuộc có chết hay chưa vậy ?"
Ông ấy nhắm mắt, khẽ lắc đầu.
Trông ông có vẻ vô cùng mệt mỏi. Thấy vậy, tôi không còn cách nào khác, đành nhét vở và bút vào cặp, đứng dậy chào tạm biệt ông.
"Vậy con đi trước nhé. Ông nhớ nghỉ ngơi thật tốt, hai ngày nữa con lại tới thăm ông."
Ông vẫy tay tạm biệt tôi một cách yếu ớt.
Đây là năm đầu tiên sau khi tôi thi đỗ nghiên cứu sinh tại Đại học Kinh Hải.
Đối với chương trình thạc sĩ ba năm, đáng lẽ hai năm đầu nên tập trung vào chương trình giảng dạy và việc nghiên cứu, không nên vội đi làm.
Nhưng áp lực việc làm do môi trường xung quanh mang lại quá lớn, các sinh viên xung quanh tôi đều đã bắt đầu đi thực tập một cách điên cuồng. Ngay cả nghỉ hè cũng không được yên thân, họ hàng gần nhà thỉnh thoảng vẫn sẽ đến hỏi tôi chuyện lên kế hoạch tìm việc.
Tôi không thoải mái với sức ép dữ dội như vậy nên đã nói với gia đình rằng tôi muốn thực tập và làm việc tại Kinh Hải. Nhưng thực ra tôi đã tham gia một tổ chức tình nguyện của trường đại học, cũng chính tại thành phố này. Tôi làm tình nguyện ở một viện dưỡng lão cách nhà khá xa, cũng xem như để giải tỏa căng thẳng.
Địa điểm làm việc là một viện dưỡng lão tư nhân ở Kinh Hải, hoàn cảnh ở đó phải gọi là tốt miễn bàn. Thiết bị thông minh có ở khắp mọi nơi, trên đường đi cũng bắt gặp không ít y tá, trông không giống một nơi cần tình nguyện viên giúp đỡ tí nào.
Nhưng chắc đây cũng là lý do chúng tôi được nhận, có lẽ họ chỉ muốn tuyên truyền hay quảng bá hình ảnh gì đó thôi.
Tôi cũng không bận tâm lắm, dù sao hầu hết những người lớn tuổi ở đây đều rất hoan nghênh sự xuất hiện của chúng tôi.
Viện dưỡng lão có quy chế quản lý rất nghiêm ngặt, hoạt động của những cụ quá già hoặc bị khuyết tật sẽ bị hạn chế đáng kể. Mặc dù đó là vì mục đích an toàn, nhưng điều đó cũng có nghĩa là họ sẽ ít có cơ hội được tiếp xúc với mọi người hơn. Nhưng bây giờ có nhiều gương mặt mới đến thăm, họ dĩ nhiên rất vui.
Người quản lý vô cùng niềm nở chào đón chúng tôi.
"Mọi người hãy tỏ ra bình thường nhất có thể nhé. Đừng biến việc thăm hỏi người già thành một công việc cứng nhắc, như vậy không chỉ khiến tâm lí mọi người bị gò bó, mà còn khiến họ cảm thấy khó chịu nữa."
Thấy chúng tôi đều gật gù hiểu ý, người quản lý vui vẻ nói tiếp.
"Bây giờ các bạn có thể tự do chia nhau ra đi xem một vòng, gặp ai cần giúp đỡ thì hãy nhớ giúp họ. Thời gian còn lại các bạn có thể cùng họ chơi trò chơi, tập thể dục hoặc trò chuyện gì đó đều được. Mọi việc khác đã có các y tá lo, các bạn chỉ cần làm người lớn tuổi vui vẻ là được."
Vừa cảm thán về dịch vụ chăm sóc ở đây, tôi vừa thơ thẩn dạo quanh viện dưỡng lão. Điện thoại đột nhiên reo lên, người gọi là biên tập viên của tạp chí, cô ấy gọi đến để trao đổi về việc xuất bản tạp chí.
"Cậu là nhà văn phải không ?"
Tôi vừa cúp điện thoại thì một giọng nói đột nhiên vang lên sau lưng, dọa tôi suýt nữa thì hét toáng lên.
Tôi quay đầu lại, trông thấy một ông lão tóc bạc trắng đang ngồi trên xe lăn, theo sau là một cô y tá trẻ.
"Xin lỗi, đã làm cậu sợ rồi. Tôi không cố ý nghe cậu nói chuyện điện thoại đâu, chỉ là tình cờ đi qua đây."
Ông ấy vừa nói vừa chỉ xuống con đường dưới chân chúng tôi.
Lúc này tôi mới nhận ra con đường này hơi hẹp, tôi lại đứng giữa đường nói chuyện điện thoại, vô tình chắn mất lối đi của họ.
"Cũng không tính là nhà văn ạ."
Tôi ngượng ngùng nói.
"Chỉ là cháu vừa mới ký hợp đồng với một tạp chí, định kỳ sẽ gửi bài lên cho bọn họ thôi ạ."
"Ồ, ra là vậy."
Ông ấy gật gật đầu.
Cô y tá lịch sự ra hiệu cho tôi tránh sang một bên.
Tôi vội nép sang một bên để họ đi qua.
Nhìn theo bóng lưng của họ, không biết tự tin ở đâu đến, tôi lên tiếng gọi họ.
"Cái đó.... làm ơn đợi một chút."
Y tá dừng bước, ông lão tóc trắng cũng nghiêng người quay đầu lại.
Tôi vội vàng chạy đến chỗ ông ấy, trong lòng thấp thỏm lo lắng.
"Chào ông, cháu là sinh viên của Đại học Kinh Hải. Cháu đến đây để làm công việc tình nguyện, không biết ông có cần giúp gì không ?"
Vừa nói ra tôi đã hối hận ngay lập tức, mở đầu thẳng thừng như vậy chứng tỏ tôi đã hoàn toàn quên mất lời dặn dò trước đó của lãnh đạo.
"Tôi không có gì cần giúp đỡ cả."
Ông ấy lắc đầu.
Tôi hơi thất vọng, nhưng lại nghe ông ấy nói.
"Nhưng nếu cậu đồng ý, có thể trò chuyện cùng tôi không ? Bình thường chỉ có mình Tiểu Châu nghe tôi lảm nhảm, chắc cô ấy cũng đã phiền lắm rồi."
"Lại nói như vậy nữa, tôi chê phiền lúc nào ?"
Cô y tá không hài lòng nói, dường như cô ấy rất thân với ông lão tóc trắng đó.
Tôi nhìn ông, chậm rãi gật đầu.
Ông ấy nói mình hay lảm nhảm, nhưng phần lớn thời gian là tôi nói chuyện, ông ấy chỉ yên lặng lắng nghe, thỉnh thoảng xen vào vài câu.
Ví dụ, khi tôi đề cập đến chuyện Phố Xưởng Cũ đã chính thức được đổi tên thành Ngõ Quang Minh vài ngày trước, ông ấy có vẻ rất ngạc nhiên.
"Ngõ Quang Minh ?"
"Đúng vậy, bảng tên đã được thay mới, toàn bộ đường phố cũng có sự thay đổi rất lớn, ông không đi ra ngoài xem..."
Tôi giật mình nhớ ra ông ấy là một người đang ngồi trên xe lăn.
Ông ấy không chấp nhất lời nói thất lễ vừa rồi của tôi, mỉm cười ôn hòa.
"Tôi không thể đi lại nhiều, tỉnh thoảng Tiểu Châu sẽ đẩy tôi đi dạo xung quanh, nhưng tôi không đến khu vực đó nhiều. Ngõ Quang Minh... một cái tên khá hay."
"Hay sao ạ ?"
Tôi cười.
"Bạn học của cháu nói rằng bố mẹ cô ấy rất không thích cái tên này. Họ nói nơi đó sao có thể được gọi là Quang Minh, gọi là Hắc Ám thì còn tạm chấp nhận được."
Cô y tá bị chọc cười bởi những tên gọi khó tả đó, nhưng ông ấy chỉ khẽ thở dài.
Tôi lại tiếp tục nói.
"Hình như có liên quan đến vụ án lớn nào đó hơn mười năm trước thì phải. Ông là người Kinh Hải mà đúng không, ông có nghe nói gì về chuyện này không ạ ?"
Ông ấy im lặng không nói.
"Tôi có thể xem thử bài viết của cậu được không ?"
Ông ấy chuyển sang đề tài khác.
"Dĩ nhiên là được."
Tôi mở điện thoại đưa cho ông.
"Màn hình hơi nhỏ, ông xem sơ qua là được rồi, đừng để hại đến mắt. Lần sau cháu sẽ mang máy tính hoặc sách giấy đến."
"Cậu vẫn sẽ đến sao ?"
"Vâng, cháu đến cùng với nhóm tình nguyện, họ đã sắp xếp ba bốn lần hoạt động gì đó."
"Chỉ có ba bốn lần sao..."
Ông ấy đột nhiên có chút tiếc nuối.
"Cũng không hẳn. Nếu như ông thấy không phiền... Mấy ngày nghỉ cháu cũng không có gì để làm, có thể thường xuyên đến thăm ông."
Nghe vậy, ông ấy liền trở nên vui vẻ.
"Được, nếu cậu không đi cùng với nhóm tình nguyện thì có thể liên hệ với Tiểu Châu, cô ấy sẽ nhờ người đưa cậu vào."
Trước khi ra về, cô y tá đưa tôi một tấm danh thiếp có ghi thông tin liên lạc của cô ấy trên đó.
Mấy ngày sau, tôi lại đến viện dưỡng lão.
"Tiêu Xán ?"
Người bảo vệ hỏi tôi.
"Dạ vâng, chú biết cháu ạ ?"
"Tiểu Châu đã đặc biệt tới dặn trước, mau vào trong đi."
Người bảo vệ mỉm cười với tôi.
"Ban đầu tôi còn nghĩ sinh viên đại học mấy cậu đến đây chỉ vì muốn lấy giấy chứng nhận tình nguyện, ai ngờ còn có người như cậu, thật sự chỉ muốn đến đây để bầu bạn với người già."
Tôi cảm ơn chú ấy rồi đi tìm ông lão tóc trắng theo số phòng mà y tá Châu đã đưa cho tôi.
Y tá Châu đến mở cửa cho tôi, chỉ vào phòng ngủ, ra hiệu cho tôi đi vào theo cô ấy.
"Tiêu Xán tới rồi đây."
Ông ấy đang ngồi bên cửa sổ, một tay cầm khung ảnh, tay kia lau tới lau lui vết bẩn vốn không tồn tại. Thấy tôi vào, ông đặt khung ảnh lại bàn, nở một nụ cười hiền hòa với tôi.
"Tôi còn tưởng rằng rất lâu nữa cậu mới trở lại."
"Lần này cháu đến một mình, còn mang cho ông cái này nữa."
Tôi mở cặp sách, lấy ra vài quyển tạp chí và một quyển sách đã xuất bản.
"Trong tạp chí có mấy bài báo do cháu viết, tác giả của quyển sách này cũng là cháu, chỉ là doanh số bán hàng hơi thê thảm... Tạp chí thì hết hàng nhanh nên không mua được bản mới nữa, cháu đã lấy mấy bản mới nhất ở nhà cháu, nếu ông không chê, cháu muốn mang chúng và quyển sách này tặng ông."
Trong khi nói chuyện, tôi tò mò lén nhìn sang chiếc bàn có khung ảnh vừa nãy. Trong ảnh là một thiếu niên với dáng vẻ chính trực, tươi sáng, không biết có quan hệ gì với ông ấy.
Ông ấy nhận lấy quyển sách tôi mang tới bằng cả hai tay.
"Thật là một món quà tuyệt vời."
Ông gọi y tá Châu đến.
"Cất kĩ vào giá sách giúp tôi."
"Ông không xem sao ?"
Tôi thắc mắc.
"Tôi đã tìm kiếm bài viết của cậu trên Internet, cũng đọc hết rồi. Không phải bản lậu đâu, tôi đã nạp VIP cho phần mềm của tạp chí đó đàng hoàng."
Thực tình trong lòng cũng rất vui, nhưng tôi lại thấy hơi ngại.
"Ông lãng phí số tiền đó làm gì vậy ?"
"Sao có thể là lãng phí tiền ? Mấy bài văn của cậu viết rất tốt, sớm muộn gì cũng nổi tiếng thôi."
Ông ấy khen ngợi một cách chân thành.
Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều người lớn tuổi, nhưng người trước mặt tôi lúc này đây là đặc biệt nhất, ông luôn mang đến cho người khác một cảm giác thuần khiết đến lạ.
Ông ấy tựa như một hồ nước trong vắt, khiến người ta vừa nhìn đã có thể thấy rõ từng viên đá bên dưới nhưng lại không tài nào ước lượng được độ sâu nơi đáy hồ.
Ông ra hiệu cho tôi ngồi xuống.
"Thật ra tôi có một chuyện muốn nhờ cậu giúp."
"Chuyện gì vậy ạ ?"
"Tôi muốn kể cho cậu nghe một câu chuyện, cậu có thể giúp tôi viết nó ra được không ? Tất nhiên, đây là một yêu cầu đường đột, nếu cậu muôn từ chối..."
"Cháu có thể giúp ông, thật đấy ạ."
Ông ấy không biết rằng đối với một tác giả, một câu chuyện được dâng đến tận tay là món quà quý giá đến thế nào. Tôi cảm ơn ông ấy còn không kịp, làm sao cảm thấy đường đột mà từ chối được chứ.
Ông ấy hơi ngạc nhiên trước phản ứng của tôi.
"Ông có thể kể với cháu bất cứ lúc nào."
Tôi lấy cây bút và cuốn sổ luôn mang theo bên mình ra, nghiêm túc lắng nghe.
"Bắt đầu từ đâu đây...."
Ông ấy cúi đầu lẩm bẩm.
"À, bắt đầu từ đầu đi, khi hai người lần đầu tiên gặp nhau. À đúng rồi, tôi quên nói cho cậu biết tên của các nhân vật chính trước, bọn họ một người tên là An Hân, một người tên là Lý Hưởng."
Cuối năm 1999, lần đầu tiên tôi nhìn thấy viên cảnh sát mà sư phụ đã khen ngợi không biết bao nhiêu lần. Trùng hợp làm sao, cậu ấy được điều đến chỗ sư phụ tôi, đồng thời cũng trở thành cộng sự của tôi.
"Tôi là Lý Hưởng."
Cậu ấy chìa tay về phía tôi, có vẻ hơi ngại ngùng.
Tôi đoán chắc rằng có người nào đó trong đội đã tỏ thái độ với cậu ấy. Họ dĩ nhiên không nhắm vào cậu ấy, mà là nhắm vào cái danh phận "đối tác của An Hân" kia.
Hai vị lãnh đạo cấp cao trong đơn vị có mối quan hệ mật thiết với tôi, lúc tôi mới từ quân đội đến đồn cảnh sát, tất cả bọn họ đều muốn trở thành cộng sự của "Thái tử" tôi đây.
Họ nghĩ rằng chỉ cần trở thành cộng sự của tôi là có thể tránh được nhiều nhiệm vụ nguy hiểm, còn dễ dàng lập được công. Bây giờ vị trí này bị một người mới cướp lấy, họ không tỏ thái độ mới là lạ.
Vì đã vô tình làm Lý Hưởng phải chịu đựng ánh mắt không tốt từ mọi người, tôi cố gắng tỏ ra thân thiện và thân thiết với cậu ấy nhất có thể.
"Tôi là An Hân. Cậu thấy tên của chúng ta hợp nhau không ? Lý tưởng của một cảnh sát tốt chính là làm cho người dân cảm thấy an tâm, nghe hay nhỉ ?"
Nghe đến đây, cậu ấy bật cười.
Đó là nụ cười thuần khiết nhất mà tôi từng thấy.
"Góc nhìn thứ nhất sao ?"
Tôi đem những gì nghe được lần trước đánh máy ra và đưa cho ông ấy xem. Chỉ mới nhìn sơ qua, ông ấy đã hỏi tôi như vậy.
Trong tình huống này, tôi đột nhiên cảm nhận được cảm giác xấu hổ khi bị giáo viên kiểm tra bài như lúc còn học cấp 3.
"Đúng vậy ạ, hầu hết những câu chuyện ông kể cho cháu đều là từ góc nhìn của An Hân. Cháu nghĩ viết như vậy sẽ dễ hơn một chút, ông thấy không được sao ạ ?
"Được... Chỉ là tôi đã không nghĩ về nó."
"Vậy hôm nay ông sẽ kể tiếp chứ ạ ?"
"Tôi đã kể tới đâu rồi ?"
"Lần trước kể đến đây ạ."
Tôi lấy bản thảo khổ A4 của mình từ tay ông ấy và lật đến trang cuối cùng, chỉ vào hai đoạn cuối.
"Ăn chút gì trước đi."
Lý Hưởng lại nhét miếng bánh mì khô quắt vào miệng tôi, và tôi lại gạt tay cậu ấy ra lần nữa.
Lý Hưởng nhìn tôi chằm chằm như thể nếu tôi không ăn thì người bị mất một miếng thịt sẽ là cậu ấy vậy.
"Ồ đúng rồi, tiếp tục từ chỗ này."
Tôi nhận thấy rằng khi ông ấy kể chuyện, nói chưa được mấy câu thì lại thở dài vài tiếng, không biết là do ông ấy mệt hay vì nguyên nhân gì khác.
Kỳ nghỉ vốn nhàn rỗi của tôi bỗng nhiên được lấp đầy. Sau mỗi lần đến viện dưỡng lão, tôi lại nhốt mình trong phòng ngủ để viết lách, vừa viết xong lại chạy đến viện dưỡng lão ngay.
Tôi cảm giác như câu chuyện này đang dần chiếm lấy linh hồn mình.
Tấm thẻ gỗ buộc cùng dải lụa đỏ trên cây ước nguyện ở thôn Mãng tung bay trong gió như từng dòng máu đỏ tươi hòa cùng những giọt mưa rả rích dày xéo trái tim tôi.
Tôi muộn màng cảm nhận được cái lạnh thấu xương, bàn tay cũng vì vậy mà ngày càng run rẩy hơn.
Cầm khẩu súng của Lý Hưởng trong tay, thứ lọt vào tầm bắn của tôi lúc này chỉ là tấm lưng rộng của cậu ấy.
Nỗi bất an trong lòng càng lúc càng đậm, lúc này cậu ấy đột nhiên quay người lại, khẽ gật đầu với tôi.
Đây là có ý gì ?
Trực giác cho tôi biết nội dung của hành động này chắc chắn không phải là đã nắm chắc phần thắng.
Tôi đã cố gắng hết sức để gạt bốn từ kia ra khỏi đầu mình, nhưng bọn người đang la hét kia lại càng ra sức gặm nhấm chút lý trí còn sót lại trong tôi.
Đồng quy vu tận.
Tay cầm xấp giấy của ông ấy khẽ run lên.
Tôi định lên tiếng thì y tá Châu đã chạm nhẹ vào cánh tay tôi, ra hiệu cho tôi đừng làm phiền ông ấy.
Vì vậy, tôi tiếp tục im lặng quan sát ông lão luôn mang trên mình vô vàn bí mật này.
Cậu ấy tựa hồ như đã say, nghiêng đầu vẫy tay về phía cửa sổ xe tôi, từng bước đi loạng choạng về phía tôi. Tôi tức đến phát cáu, nhưng lại sợ cậu ấy đi đứng không vững sẽ ngã nên vội vội vàng vàng xuống xe đỡ lấy cánh tay cậu ấy.
"Sao cậu lại tới đây ?"
Dường như cậu ấy nghĩ rằng tôi đến là để đón cậu ấy về, còn mỉm cười ấm áp với tôi. Bởi vì chút men rượu ấy, trông cậu ấy ngốc nghếch đến lạ.
"Tôi mới là người nên hỏi câu đó."
Mùi rượu nồng nặc khiến tôi muốn nôn, dù đã cố hết sức kìm nén nhưng cơn tức giận bật ra khỏi miệng tôi vẫn khiến gương mặt cậu ấy đanh lại.
"Ăn tối với lãnh đạo."
Một lúc sau cậu ấy mới trả lời.
Tôi rõ ràng đã nắm được cổ tay cậu ấy nhưng khoảng cách giữa chúng tôi lúc này lại xa xôi vời vợi.
"Cậu thực sự hiểu tôi sao ?"
Tôi không biết đáp án cho câu hỏi này, chỉ nhớ được ánh mắt đau thương tột cùng của cậu ấy khi nói ra những lời này.
"Xa cách một đời."
Ông ấy lẩm bẩm mấy từ mở đầu của đoạn văn, cười nhạt.
"Đúng là xa cách một đời."
"Ông vừa nói gì ạ ?"
Tôi không chắc ông ấy có ý gì.
Ông ấy chỉ lắc đầu, không trả lời.
"Hôm nay ông có kể tiếp nữa không ạ ?"
Tôi đang rất mong chờ diễn biến tiếp theo của câu chuyện, nhưng trạng thái tinh thần của ông ấy hôm nay có vẻ rất tệ.
"Có."
Ông ấy khẽ gật đầu.
Mới kể chuyện một lúc thì trời đã tối. Câu chuyện dừng lại ngay lúc Lý Hưởng bị kéo ngã xuống lầu.
Còn về việc anh ấy sẽ chết hay sống tiếp, tôi không hỏi ra được.
"Ông hãy nói cho cháu biết đi, Lý Hưởng có sống sót sau cú ngã đó không ?"
Một ngày mới, không đợi được lâu, tôi chào hỏi xong đã vội vã hỏi ngay.
Nhưng lần này ông ấy vẫn không cho tôi câu trả lời như tôi mong muốn.
"Cậu nghĩ sao ?"
Ông ấy hỏi ngược lại tôi.
Tôi hơi sững người, không ngờ còn có tiết mục để người xem đoán tiếp hướng đi của câu chuyện.
"Cái này... Ông đừng úp mở nữa, cháu tò mò sắp chết rồi."
Ông ấy im lặng hồi lâu.
"Còn sống."
Cuối cùng ông ấy cũng đưa ra đáp án cho câu hỏi đã dày vò tôi suốt cả đêm qua.
Mắt tôi sáng lên khi nghe thấy câu trả lời mà mình ngày đêm mong đợi.
"Tiêu Xán."
Ông ấy rất hiếm khi gọi tên tôi, còn gọi một cách rất trịnh trọng.
"Tôi đã kể xong câu chuyện của mình, nội dung phía sau, mời cậu hãy viết tiếp vào. Nhất định phải viết thật tốt."
Trong lòng tôi kinh ngạc không tả nổi.
Đầu tiên là vì ông ấy đột nhiên đưa toàn bộ nội dung phía sau của câu chuyện cho tôi, thứ hai là...
Giọng điệu của ông ấy nghe như một lời từ biệt.
Lúc đó tôi mới nhận ra một điều, chỉ mới ba mươi ngày trôi qua, ông ấy dường như đã gầy hơn trước rất nhiều, sắc mặt cũng rất tệ.
"Không được."
Tôi lắc đầu.
"Cháu muốn nghe ông kể hết câu chuyện."
Nỗi buồn lan nhanh trong từng tế bào, dù rằng ông ấy đang ở ngay trước mắt, nhưng tôi như thấy bóng lưng ông đi xa dần.
Tôi tuyệt vọng níu ông ấy ở lại.
"Những gì tôi muốn kể cũng đã kể hết rồi."
Ẩn sâu dưới lời nói nhẹ nhàng ấy là một sự kiên định vô tận.
"Đi thôi."
Y tá Châu đi tới kéo tôi, ghé vào tai tôi thì thầm.
"Cậu chỉ cần hứa với ông ấy là được."
Tôi đứng đó hồi lâu mới trả lời.
"Được."
Dường như tôi vừa gánh lấy một tâm nguyện nặng trĩu đã ấp ủ từ lâu của ông ấy.
Sự biết ơn lóe lên nơi đáy mắt ông.
"Ông còn gì căn dặn nữa không ạ ?"
"Nửa đời trước quá khó khăn rồi, phía sau... hãy làm cho cuộc sống của Lý Hưởng dễ dàng nhất có thể."
"Vậy An Hân thì sao ?"
Trong mắt ông mơ hồ hiện lên một tầng sương mù.
"Hãy để cậu ấy sống lâu như Lý Hưởng, không có gì khác."
Sau khi về, tôi ngày đêm ngồi trước máy tính gõ bàn phím như điên, đến nỗi tình tiết xuất hiện trong giấc mơ đều là về câu chuyện của An Hân và Lý Hưởng.
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một người mà tôi tình cờ gặp vào một ngày nào đó lại có tác động lớn đến tôi như vậy, điều đó thực sự khiến tôi bị ám ảnh.
Cuối cùng, vào ngày trước ngày nhập học của trường ba ngày, câu chuyện đã được kết thúc.
Tôi không dám dừng lại, vội vàng chạy đến viện dưỡng lão với hai quầng thâm lớn dưới mắt.
"Ông ấy đã đi rồi."
Y tá Châu nói với tôi.
Bản thảo trượt khỏi tay tôi, vương vãi khắp sàn nhà.
Y tá Châu thở dài, quỳ xuống nhặt chúng lên cho tôi.
"Đừng tự trách mình, khi mới đến đây ông ấy đã là một người bệnh rồi. Vốn dĩ không nghiêm trọng đến thế, nhưng ông ấy kiên quyết không muốn điều trị, những người khác cũng không thể làm gì được.... Ông ấy thậm chí không thể sống đến sáu mươi tuổi."
Y tá Châu thở dài.
"Không đến sáu mươi tuổi ?"
Tôi sửng sốt.
"Đúng vậy, nhìn không ra đúng không ? Tóc ông ấy bạc trắng hơn cả những người ở độ tuổi 70, 80, người đầy bệnh tật, không ai có thể tin nổi khi biết tuổi thật của ông ấy."
Tôi hít sâu một hơi, cố gắng chế ngự cơn run rẩy trong hơi thở.
"Ông ấy đi khi nào vậy ?"
"Ngày thứ ba sau khi cậu rời đi."
Cô ấy đưa bản thảo đã được sắp xếp lại cho tôi.
"Tôi có thể đi gặp ông ấy không ?"
An Hân.
Cái tên trên bia mộ làm tôi cay xè hai mắt.
Từ lâu tôi đã đoán rằng ông ấy chính là người trong câu chuyện, nhưng không ngờ sự ra đi của ông lại làm tôi đau buồn đến thế.
Sau khi đứng im lặng hồi lâu, tôi trịnh trọng giơ bản thảo lên trước bia mộ ông.
Những người trong tổ chỉ đạo cũng đã rời đi.
Tôi đứng dưới cái đình trên núi nhìn lên bầu trời. Tình trạng nguy hiểm kéo dài ở Kinh Hải trong hơn 20 năm hoặc thậm chí lâu hơn đã tan biến, ở đâu cũng là ánh nắng.
Có một tiếng thở dài đâu đó trong trái tim tôi, nhưng tôi biết, nó đã không còn tượng trưng cho sự u ám và đau buồn, mà đó là một tiếng thở hắt sau trận chiến khó khăn và nguy hiểm này.
Lý Hưởng, chúng ta thắng rồi.
"An Hân !"
Một giây sau, giọng nói của cậu ấy truyền đến từ phía sau.
May mắn thay, Thượng đế đã ưu ái tôi, ngài đã để tôi không còn cô đơn nữa.
"Cậu không biết uống thuốc tôi để trên bàn sao, tâm trí để ở đâu đấy ? Còn nữa, tôi đã nói với cậu gần đây nhất định phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, cứ không chịu nghe, còn lén lút leo núi, cậu..."
Cậu ấy huyên thuyên nói mãi chẳng hết.
"Lý Hưởng."
Tôi khẽ gọi tên cậu ấy.
"Chuyện gì ?"
Cậu ấy vẫn đang phàn nàn về việc tôi không nghe lời, không vui vẻ gì nhìn tôi.
"Tin tức nói đêm nay sẽ có sao băng, cậu ở lại đây chờ với tôi đi."
Cậu ấy ngừng lại một giây, sau đó vừa cười vừa mắng.
"Cậu tưởng mình là mấy cô thiếu nữ mới lớn à."
Dù rằng nói vậy, cậu ấy vẫn ngoan ngoãn đứng bên cạnh tôi.
Chúng tôi đã không đợi được ngôi sao băng đêm đó, ngay cả mặt trăng cũng không tròn.
Nhưng điều đó cũng không sao.
Tôi từ từ nắm lấy tay người bên cạnh.
Nguyện vọng lớn nhất đời đã thành hiện thực, ngày tháng bên nhau còn dài, còn vô số lần trăng tròn để chúng tôi ngắm cùng nhau.
Đọc đến cuối, gương mặt tôi đã đẫm nước mắt.
Tôi ném xấp giấy dày vào lò than đang rực cháy.
An Hân, kính nguyện cho người thanh niên xán lạn năm nào, từ nay về sau, mãi không khổ đau.
_________
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro