Family
Đó là một gia đình. Một gia đình đúng nghĩa nhất với từ gia đình, một gia đình với đầy đủ bố mẹ và con cái. Và cả bà nữa.
Cả gia đình họ sống trong một căn nhà nhỏ - cả ba thế hệ dưới một mái nhà. Họ đều có công việc tử tế, chắc thế, và họ đều là những người tốt. Giống như mọi gia đình Á Đông khác, họ khá kín tiếng với hàng xóm về vấn đề của gia đình mình. Họ sợ bàn tán hơn hết thảy.
Ông Văn, người bố, là một nhân viên đường sắt. Căn nhà mà gia đình ba thế hệ nhà ông đang ở được thừa kế từ người bố ruột - người đã đóng góp rất nhiều trong thời chiến. Căn nhà là một phần thưởng đáng giá cho những cố gắng đó, và cả cái chết nữa.
Bà Phương, người mẹ, một nội trợ điển hình. Người cả đời chẳng làm được gì ngoài việc lụi cụi trong bếp lo cho quý tử, một ông chồng và bà mẹ chồng lẩm cẩm khó tính.
Bà Dung, người bà, người vừa được nhắc đến ở trên, một người của thế hệ cũ điển hình. Một người có lẽ sẽ chẳng bao giờ hài lòng về bất cứ ai, trừ người chồng quá cố.
Và ôi, đừng ai nhắc về người con. Sắp vào đại học mà xem chừng mẹ nó đau khổ lắm, học chỉ như nước đổ lá khoai.
Cả một gia đình như một tấn hài kịch. Họ chắc hẳn đang dần phát điên với nhau. Ai mà biết được chứ? Rồi sẽ có ai đó nhìn được cuộc đời họ qua tấm rèm thưa người mẹ giăng trước cửa sổ bé tí, như thể cái thứ đó có thể ngăn được sự soi mói của hàng xóm.
"Mẹ ăn cơm ạ. Anh, con, ra ăn sáng nào."
Mỗi buổi sáng bà Phương sẽ nói như thế, với một khuôn mặt ủ rũ vô hồn như một con robot.
"Ái chà, cái thứ gì đây? Cô cho tôi ăn như này để tôi chết sớm đấy phỏng? Để cô thoải mái tự tung tự tác trong căn nhà này đấy phỏng?"
Người chủ gia đình thực thụ, tức bà mẹ chồng ít nhất cũng đã 90, sẽ lại tru tréo như thế. Dọa con cháu chết là thói quen buổi sớm của bà, nhưng hỡi ôi, bà Dung hãy còn khỏe lắm, chẳng thấy có tí dấu hiệu xuống mồ nào cả.
"Mẹ biết là đợt này chồng và con con chẳng đưa được về mấy đồng mà."
Bà mẹ hai con sẽ thở dài và phân bua. Những hai người đàn ông trong nhà, không một ai dành lấy một tí thời gian để bênh bà lấy một câu.
Bà mẹ đành quay sang cậu út, dỗ ngọt cậu quý tử:
"Ăn đi con. Ăn đi mà có sức học hành."
Cậu út sẽ lắc đầu nguầy nguậy và tiếp tục nghịch cái điện thoại iPhone mới coóng cậu mới đòi bố mẹ mua để "học tập thuận tiện hơn".
Lực bất tòng tâm, người mẹ quay sang ông Văn, lúc này đang nhai trệu trạo những hạt cơm nấu vội buổi sáng, cố gắng nói chuyện:
"Dạo này ở công ty có gì không mình nhỉ?"
"Có mẹ gì. Chúng nó lại nợ lương. Đang đau hết cả đầu đây."
Thế là hết cả trò chuyện. Buổi sáng nhà bốn người diễn ra trong sự yên bình, đúng với những gì bà Phương mong đợi hàng xóm nhìn nhà mình.
~*~
Nhưng mà bà cụ cũng có cái khổ lắm. Chồng chết sớm, mà hàng xóm thì cứ rì rầm "con hư tại mẹ", ông chồng huy hoàng thế mà ông con chả được cái tích sự gì.
Sau bữa sáng thì đàn ông trong nhà đi học đi làm hết, còn lại mỗi bà với cô con dâu trong nhà. Mà cái con Phương đấy làm sao đấy nhỉ? Suốt ngày lủi thủi trong nhà chẳng nói năng gì, như cái bóng ấy.
"Phương. Ra đây mẹ bảo."
"Dạ, con nghe ạ."
Mà bảo cái gì? Mẹ chồng con dâu không hoà hợp, cháu trai thì tránh nói chuyện với bà, con trai thì cứ một cục đấy, chịu, chẳng ai nói với nhau câu nào. Ở cái tuổi gần đất xa trời, bạn bè cùng lứa cũng đi mất, còn lại một mình bà. Rồi cái cuộc sống hiện tại xô bồ quá, hiện đại quá, người sống trong thời chiến như bà cảm thấy lạc lõng. Đâu rồi cái thời xóm làng thân thiết và cuộc sống cứ trôi đi như cuốn băng cassette cũ?
"Ờ hôm này ăn gì đấy nhỉ?"
"Ăn thịt kho tàu với trứng mẹ ạ."
Mẹ của thằng út nói xong thì lủi đi mất.
Khốn khổ cái tuổi già, cô đơn tồn tại giữa đời.
~*~
Khốn khổ thay cho người đàn ông "chả được cái nước mẹ gì", sáng cắp cặp đi, tối cắp cặp về.
Khốn khổ cho người làm công già, thời buổi khó khăn mà chỉ có mình mình là lao động chính nuôi bốn miệng ăn. Ừ, sao cái con vợ chẳng đi làm đi chứ? Sao cái bà mẹ già chẳng cứ thế mà thăng thiên đi, ở lại làm chi rồi đày đoạ con cháu. Rồi mắng chửi con trai duy nhất là đồ vô dụng.
Lại còn thằng con. Vợ chồng ông chữa mãi mới được mụn con. Lại còn con trai. Bà nội quý lắm, cứ như bắt được vàng. Nhưng mà ai lại ngờ được cục vàng đấy hoá ra là vàng...mã, "chả được nước mẹ gì."
Mà khốn khổ cho cái đầu óc này. 50 tuổi đầu mà cứ mãi là nhân viên nhà ga quèn. Chẳng hiểu sao ông cứ chậm chạp thế. Rồi lại nghĩ một đằng nhưng chân tay lại thành một kiểu, chẳng hơn gì một người bị liệt.
Mụ vợ bảo ông còn may mắn chán, ít nhất còn có căn nhà giữa Hà Nội xô bồ bạc bẽo. Lại còn nhà phố! Nhưng có được nước mẹ gì đâu, nhà phố mà sâu hun hút vào ngõ, có hơn 20m vuông mà cả bốn người cùng chui vào. Nghĩ cũng lạ; ngày xưa khi cụ ông còn sống, ông vẫn thấy hãy còn rộng rãi chán. Thế mà khi cưới vợ rồi sinh con, tính ra cũng chỉ thêm có một người mà nhà chật hẳn. Vợ chồng ông ngủ trong căn phòng bé tí ngăn ra từ bếp. Mẹ ruột ông thì ngủ trên gác xép, rộng rãi nhưng trần ngay trước mặt, mỗi lần muốn rời khỏi gác là phải bò từng bước. Con trai thì trải chiếu ngủ ngay trong phòng khách. Ba cái miệng ăn đấy, không ngày nào không kêu gào ông đổi cái nhà cũ của ông già. Thế mà chẳng ai được cái nước mẹ gì.
Còn thằng con. Sao nó vô dụng thế! Giống ai không giống lại giống ngay cái tính lầm lì của vợ ông và sự chậm chạp của ông. Cả ngày chỉ dán mắt vào điện thoại như tự kỉ. Ông Văn mới đầu tư iPhone mới cho nó năm ngoái đây chứ đâu, mà nó học từ ai lại vòi vĩnh đời mới nhất cả chục triệu. Học hành thì dốt, điểm cứ lẹt đẹt toàn ba với bốn. Chả biết thi đại học kiểu gì.
Bao nhiêu gánh nặng tuổi trung niên đổ lên đầu ông, nặng như đống nợ hàng tháng.
"Chú Văn! Phải cẩn thận chứ, tàu suýt nữa là chạy lệch đường ray kìa!"
Sếp của ông, một thằng nhóc dễ phải trẻ hơn ông hai chục tuổi, chống nạnh hạch sách ông trước mắt bao nhiêu hành khách và đồng nghiệp. Mà ông chỉ có thể lắp bắp trả lời:
"Chú...chú xin lỗi."
"Lần sau còn như vậy nữa là chú "bái bai" lương đi nhé."
Lương? Chúng mày còn chả đưa tao đồng nào từ tháng trước.
Cái tàu hoả vụt qua mắt ông kêu đinh tai nhức óc.
Lúc ấy ông ước nó chuyển bánh mà đâm thẳng vào ông cho rồi.
~*~
Đường phố thì vẫn đông đúc và căn nhà trong ngõ thì vẫn im lìm kì lạ, như thể nó đột ngột trồi lên từ khu đất ấy, vô chủ, cằn cỗi. Không ai nghĩ nó lại là nơi ở của một gia đình bốn người, càng không ai nghĩ giờ này là giờ cơm, khi mọi người trở về và kể cho nhau nghe về ngày của mình. Bà Phương vẫn cố mở đầu câu chuyện, nhưng xem chừng đó chỉ là cố gắng vô ích. Hoặc quá khả năng của bà. Hoặc bà đã không còn là người chèo lái được gia đình này nữa.
"Hôm nay đi học thế nào con?"
"3 điểm."
"Sao lại thế, phải chăm học hơn để đỗ đại học chứ con. Không cần phải đỗ trường top đầu cũng được, kiếm cái trường tư rồi sau này kiếm việc..."
"Sao cô cứ lải nhải thế nhỉ. Cháu tôi còn chưa đủ mệt sao? Cứ hở ra là học, học, rồi hộc máu mà chết à?"
Thằng con đang chơi điện thoại được bà nội bênh thì khoái lắm. Bà Phương rầu rĩ quay sang chồng, lại như mọi ngày, nhai cơm như bò nhai cỏ để mong đợi bố nói với con một lời. Rồi cũng như mọi ngày, ông chả đề cập đến một câu.
"Mẹ ạ, ngõ này sắp giải phóng mặt bằng, con đang nghĩ...có khi nào bán quách cái nhà này đi rồi mua chung cư..."
"Không được."
Ông Văn trố mắt nhìn mẹ ruột, sốt ruột hỏi lại:
"Không phải mẹ muốn rời khỏi chỗ này càng sớm càng tốt sao? Sao tự dưng mẹ lại đổi ý?"
"Ở chung cư làm gì, có khác gì lồng chim không? Nhà riêng không thích lại thích chung chạ với người lạ à? Mà nhà của bố anh, bố anh vất vả mãi mới được Nhà nước trao, đổi thì đổi cái nhà nào cũng ở trên phố chứ?"
Phận làm con khiến cho người bố không thể cãi lại lấy một câu. Ông lầm lũi cúi xuống mâm cơm, cảm thấy nhục nhã như con chuột cống chui dưới cống. Tiền không có, vợ lầm lì, bà mẹ Bà la sát chực chờ phản đối. Và đứa con duy nhất chẳng có vẻ gì là giúp ông thay đổi được tình hình. Rồi ra sao, rồi sẽ đi về đâu đây, hỡi một gia đình?
Nhưng người bùng nổ đầu tiên lại là người mẹ, người vợ. Bà Phương đập mạnh bát cơm xuống mâm, khiến nó vỡ tan.
"Cô làm cái gì đấy?"
Bà Phương vuốt tóc mai che mặt, xấc xược nhìn mẹ chồng:
"Tôi đập đấy. Tôi chán cái gia đình này lắm rồi. Nhà chung cư thì sao? Bà không thích à? Tốt. Vậy ở đây đi, chết rục đi. Tôi sẵn sàng đi bất cứ đâu mà không có mặt bà."
Bà quay sang cậu quý tử, vòng tay quanh cái cổ gầy mà quát:
"Còn mày có học không? Mày có học không, hở, tao còn biết để tống mày ra khỏi đường? Tao đang đợi mãi đến ngày tất cả biến mất, để tao một mình ở đây, để tao không còn chịu sự khinh thường của bố con mày nữa..."
Ông Văn đứng dậy, chẳng nói chẳng rằng tung một cước vào mặt vợ.
"Ai cho mày nói mẹ tao với con tao như thế?"
"Tao thích thì tao nói đấy. Mày nghĩ mày giỏi lắm hả, chưa đến 10 triệu một tháng, chết đói cả lũ à?"
"Ối giời ơi! Đạo tam tòng tứ đức đi đâu cả rồi! Loạn cả rồi!"
Người bà tru tréo, đập hai tay xuống mặt sàn. Bình thường bà hay giả vờ đau tim lắm, nhưng lúc này bà lại là người sung sức hét to nhất.
Người con, đứa trẻ bị loạn thần kinh, chỉ đứng nhìn gia đình tan vỡ rồi bật cười sung sướng.
"Ối giồi ôi! Còn đâu là gia đình gia giáo! Còn đâu là gia đình mẫu mực!"
"Thôi mẹ im đi, cái nhìn hàng xóm có đổi thành tiền được đâu mà để ý thế?"
"Chết hết đi! Chết đi rồi tao sẽ lấy hết tiền, hết nhà của chúng mày!"
Tiếng cười, tiếng hét vang khắp xóm. Ai chả nghe thấy, nhưng chuyện nhà người ta, chẳng ai thèm bàn tới, chẳng ai thèm can ngăn cả.
~*~
Đó là một gia đình. Cố nhiên đó là một gia đình, bởi ngoại trừ quan hệ ruột thịt, chẳng có cái gì giữ được cả bốn người ở chung trong một mái nhà. Mà vì là gia đình, nên người bố, trụ cột gia đình phải đi kiếm tiền nuôi bốn miệng ăn còn lại. Mà ông nào giỏi giang gì cho cam.
Vợ của ông, người mẹ, gặp vấn đề giao tiếp với cả nhà. Ước muốn lớn nhất của bà là được sống một mình. Nhưng còn tiền? Ai cũng biết người nội trợ thế hệ cũ không biết làm gì ngoài việc nhà, thứ việc bà nhận chỉ trích mỗi ngày từ chính ruột thịt.
Rồi còn người bà, người sống mãi với quan niệm cũ, người không bao giờ chấp nhận con trai ngu dốt, con dâu nhu nhược và người cháu vô dụng.
Đó là một gia đình.
Ai cũng biết đó là một gia đình, nhưng đó là một gia đình chẳng tồn tại tình yêu thương. Vỏ bọc gia đình mẫu mực bị chính gia đình đó lột sạch sau trận cãi vã.
Mà kể cả như thế, thì họ vẫn là gia đình.
___________________________________
Từ một ý tưởng gốc truyện dài của chính tớ, Hà Nội gốc.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro