
HUE
I. ĐÀN NAM GIAO
Xin chào các bạn! Vừa rồi đoàn ta đã hiểu thêm được một số thông tin nổi bật về cố đô Huế thân yêu của chúng ta phải không ạ? Và chỉ ít phút nữa thôi là đoàn ta sẽ có dịp đi qua Đàn Nam Giao tại phường Trường An, thành phố Huế tỉnh Thừa Thiên Huế. Đàn Nam Giao được xây dựng vào năm 1806 dưới thời vua Gia Long, cách kinh thành Huế khoảng 4 km về phía Nam, đây là nơi mà vua làm lễ tế trời. Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao là một đại lễ, được tổ chức mỗi năm một lần kéo dài tới 3 ngày. Từ sau đời vua Thành Thái đến năm 1945, lễ tế trời 3 năm mới được tiến hành một lần. Đến thời vua Bảo Đại lễ tế trời được rút ngắn lại chỉ còn tiến hành trong vòng 1 ngày.
Lễ tế Nam Giao là một nghi lễ quan trọng bậc nhất dưới chế độ quân chủ, vì chỉ nhà vua mới có quyền làm lễ tế giao, tức là lễ tế trời đất nhằm khẳng định tính chính thống của triều đại, uy quyền của nhà vua tuân theo mệnh trời mà cai trị dân chúng. Do vậy, hầu như các triều đại phong kiến Việt Nam đều tổ chức lễ tế Giao và cho xây dựng Đàn Nam Giao. Cũng với mục đích đó mà Đàn Nam Giao đã được nhà Nguyễn cho khởi công xây dựng vào 25/03/1806. Sau khi hoàn thành, vua Gia Long lần đầu tiên tổ chức lễ tế Giao tại đây vào ngày 27/03/1807.
Theo quan niêm địa lý phương Đông, phía Nam là hướng của ánh sáng, nơi có ông trời ngự trị, ngược với hướng Bắc là hướng của tối tăm. Giao có nghĩa là giao hòa, gặp gỡ >>> Nam Giao: là nơi vua chúa và thần dân hướng về phía Nam (nơi có trời ngự) để gặp gỡ, giao hòa với Trời thông qua việc dâng lễ vật, tỏ lòng hiếu kính, dâng sớ để trình tấu việc đất nước, cầu trời ban phước lành.
Đàn Nam Giao gồm 3 tầng, quay mặt về hướng Nam. Tầng thứ nhất hình vuông, màu đỏ tượng trưng cho con người. Tầng thứ 2 cũng hình vuông, gọi là phương đàn màu vàng, tượng trưng cho đất. Tầng thứ 3 hình tròn, gọi là viên đàn, màu xanh, tượng trưng cho trời. Kiểu kiến trúc này phản ánh quan niệm về vũ trụ trong văn hóa phương Đông: thuyết Tam Tài ( thiên, địa, nhân) thiên thanh, địa hoàng, trời tròn, đất vuông.
Trong khuôn viên Đàn Nam Giao ngày xưa được trồng rất nhiều thông. Ngoài 3 tầng của Đàn Nam Giao, còn có 1 số nhà phụ được xây dựng cố định lợp ngói: Trai cung (nơi vua tạm trú vài ngày để chay tịnh trước khi tế), Thần trù (nhà bếp), Thần khố (nhà kho) và một số nhà tạm thời bằng gỗ, lợp tranh chỉ được xây dựng lên trong những ngày tế lễ.
Những đàn tế trời của các triều đại trước nay đều không còn nữa. Đàn Nam Giao triều Nguyễn ở Huế là di tích duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn.
Ngay bây giờ các bạn có thể nhìn sang phía bên trái của xe để có thể tận mắt thấy được Đàn Nam Giao – nơi diễn ra lễ tế trời, lễ tế quan trọng nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam.
II. ỐC NAM GIAO
Nói đến Nam Giao thì sau đây tôi cũng xin giới thiệu với các bạn một món ăn nổi tiếng của cố đô Huế thân yêu và nên thơ - Ốc Nam Giao. Sẽ là một điều khó khăn cho các bạn nếu chỉ có một ngày du lịch Huế, suy nghĩ nên ăn gì khi ở đây là điều hoàn toàn không phải dễ. Nói như thế không phải vì Huế có ít món ăn mà là điều ngược lại, quá nhiều thứ cho một các bạn chọn lựa. Ra khỏi khách sạn, ghé vào vỉa hè, thong dong tại các con hẻm nhỏ,… đâu đâu chúng ta cũng bắt gặp các quán ăn lớn nhỏ.
Đến Huế, tất nhiên không phải chỉ để ăn nhưng điều mà những món ăn nơi đây mang lại thực sự là một phần trong Huế. Ai chưa nếm thử ốc Huế (ốc Nam Giao) với đủ đầy những vị chua, ngọt, cay, mặn, nồng … thì cứ xem như là chưa hề đến Huế. Điều đó cúng đáng tiếc hệt như đặt chân đến thủ đô mà chưa ăn được tô phở Hà Nội vậy.
Ốc Nam Giao không chỉ là món ngon trong ẩm thực xứ Huế, mà còn là được xem là một trong những món ăn đặc sản bình dân, mang tính chất lẫn hương vị đặc trưng của miền đất cố đô. Ốc Nam Giao nổi tiếng ngon bao nhiêu thì cũng nổi tiếng cay bấy nhiêu. Chắc chắn một điều là ốc Nam Giao không hề giống ốc ở những nơi khác. Mà nó có đầy đủ các vị chua, ngọt, cay, mặn, nồng… Một chút chát lưỡi vì cay của tiêu, ớt; một chút nồng và thơm lừng cả mũi của gừng và sả; một chút thấm thía mặn mà của nước mắm và một chút ngọt lịm tiết ra từ thịt ốc… Tất cả làm nên một món ăn vừa ngon vừa thơm mà chỉ cần người phục vụ vừa mới bưng ra là thực khách bị quyến rũ ngay.
Nguyên liệu ốc ở đây được bắt từ những nơi có mực nước vừa phải, không cạn cũng không sâu, thường là ở lưng chừng sông hoặc các đồng ruộng mùa xả đập. Sông nước ở Huế có “vị” rất riêng nên dường như ốc ở đây cũng định hình được một hương vị đặc trưng mà “không nơi nào có được”.Ốc Nam Giao được phân thành 2 món: ốc hút và ốc bươu (mà người Huế thường gọi là ốc nhỏ và ốc to). Người Huế chế biến món ăn thật khéo léo ngay cả món ốc lúc nào cũng luộc vừa chín tới nên thịt ốc rất giòn và ngọt được dùng kèm với nước mắm gừng, tỏi, ớt cay, đĩa rau sống tươi ngon có thêm vài lát vả, dưa leo và chuối chát. Thêm vào đó là món bánh tráng giòn tan hoặc bánh phồng tôm chiên giòn. Tất cả được hòa quện với nhau tạo lên một vị riêng biệt rất Huế khiến cho thực khách tận hưởng cái cảm giác thật khó diễn tả được.
Tuy ốc thuộc vào loại thức ăn mát (tính hàn), dễ gây đau bụng, nhưng món ốc Nam Giao lại được chế biến một cách cẩn thận để loại trừ yếu tố đó. Ốc được ngâm 3 lần qua nước muối, nước gạo, nước sạch để loại đi chất bẩn. Thêm vào đó là các gia vị ớt, gừng… thuộc loại nóng (tính nhiệt) để cân bằng “vị” cho người dùng tránh bị đau bụng. Đặc biệt, ốc được nấu chín kỹ nên rất an toàn. Chính vì vậy trong buổi tối tự do tham quan ngày hôm nay, tôi rất mong các bạn ở đoàn ta có cơ hội thưởng thức món ốc của cố đô thân yêu này.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro