Phần 1 (A): Chén cháo hạt tiêu nhỏ tại cô nhi viện mùa đông
PETRICHOR – Phần 1 – Chén cháo hạt tiêu nhỏ tại cô nhi viện mùa đông (A)
:>>> Em đã trở lại rồi đây, mọi người ơi~
PETRICHOR
Petrichor: Mùi hương của đất, khi cơn mưa đầu tiên rơi xuống nền đất khô. Trong tiếng Hy Lạp từ này có nghĩa là "petra", nghĩa là đá, được thêm vào từ "ichor" với nghĩa máu của các vị thần. (Nguồn: Reddit)
Tác giả: Hoa Nắng
Thể loại: Thầy trò, huấn văn
—
Câu chuyện nhỏ này về nhân vật Nhan Đình An trong An Ca Ký Vi Từ (Chị Tú edit).
Hình thành ý tưởng từ khi đọc xong chương 13 của truyện, khi mà những chi tiết nhỏ đầu tiên tiết lộ về cuộc đời của Nhan Đình An được tác giả nhắc tới.
Nhan Đình An được Trần Tích nhận nuôi từ cô nhi viện, dưới sự dạy dỗ của ông để trở thành một bác sĩ nối nghiệp.
Trần Tích là bác sĩ đi theo con đường nghiên cứu y học.
Quý Hàng, tên thật là An Ký Hàng, con của em gái Trần Tích.
Mẹ Quý Hàng mất khi sinh An Ký Viễn (em trai Quý Hàng) để lại một vết thương lòng lớn đối với Quý Hàng. Bên cạnh đó còn có nhiều nguyên nhân khiến Quý Hàng không thích ba mình là An Sinh.
Trần Tích cướp Quý Hàng về nuôi, nhằm đào tạo cậu bé này theo Tây y, đối lập với ba cậu là Đông y, hòng làm cho An Sinh đau khổ mà sống.
(Chi tiết trong An Ca Ký Vi Từ)
Câu chuyện dưới đây chỉ nói về Nhan Đình An là phần lớn, nên những chỗ đặc biệt liên quan đến nội dung trong chính truyện sẽ được chú thích thêm cho các bạn chưa đọc dễ hiểu.
Chúc mọi người đọc truyện vui~
Trong truyện khó tránh khỏi có những cảm xúc và tình cảm riêng dành cho nhân vật, có thể không theo được hình tượng quá mức vĩ đại trong nguyên tác, mong mọi người có thể bỏ qua cho sự u mê, lầm đường lạc lối này :*)))))
PETRICHOR – Phần 1 – Chén cháo hạt tiêu nhỏ tại cô nhi viện mùa đông (A)
Bóng áo blouse thấp thoáng bên ngoài hành lang dài. Vài ánh sáng mờ mịt của những bóng đèn huỳnh quang kiểu cũ lơ lửng trên cao. Nền gạch ố màu nhìn không ra hoa văn mờ nhạt. Nơi giao nhau của các khu cũ – mới trong khoa có thể rõ rệt nhận ra được "nhờ" những chỗ dốc giữa các độ cao nền khác nhau.
Đã thật lâu không trải qua bất kỳ đợt nâng cấp nào. Bệnh viện phụ trợ này cứ thế rơi vào một sắc thái u buồn trong quên lãng.
Đêm trải dài khắp khuôn viên rộng. Tiếng lá cây xào xạc và mặt hồ lạnh tạo thành một khung cảnh rờn rợn, ghê người.
Anh bước trên dãy hành lang dài thăm thẳm, tiến tới khu vực phát thuốc của bệnh viện. Gần đó có một gian nhỏ, gần như căn – tin, buổi tối bán vài món ăn nhẹ, tạm gọi là dùng được.
Anh mua một phần cháo thịt bằm, thêm một ly cà phê đá đậm, sau đó trở về khu vực khuôn viên tìm chỗ ngồi cho mình.
Ánh trăng đêm nay không quá sáng, hầu hết mặt trăng khuyết đều bị mây che phủ.
Sương rơi lành lạnh trên vai gầy. Tay ngược lại cảm nhận được từng đợt hơi ấm bốc lên từ khay cháo nóng. Tiêu đắng hòa cùng với chất sánh ngập tràn vị giác.
Từng mảng ký ức nóng lạnh mong manh xếp chồng lên nhau thành một tòa thành thời gian vững chãi.
Ở nơi đó, có ước nguyện của niên thiếu, có tình yêu của tri thức, cũng có cả những đớn đau của tuổi thơ đầy thương tổn.
Vết thương trong lòng giống như vết cắt của thời gian, tạo thành một mảng sâu hoắm, kết mài, đóng vảy, cuối cùng để lại một chỗ lõm xấu xí phủ lên từng tầng bụi mờ của năm tháng, lặng yên trong sự nhạt nhòa của đêm dài.
Ánh sáng ấm áp xuyên qua lạnh lẽo của ngày tuyết đổ năm xưa lấp lánh trong tâm trí, mở lối cho những đoạn hồi ức nát vụn tựa như từng mảnh ghép trong bức tranh lớn về cuộc đời anh.
Anh vẫn nhớ rất rõ, ngày đó trong cô nhi viện nấu cháo. Chút thịt ít ỏi mua từ chợ sớm về được băm ra nhuyễn nhừ không còn rõ hình dạng như những hạt bột xay chưa được đánh tan ra hết.
Trong bếp không đông người, những đứa trẻ vừa chập chững lớn, cao còn chưa tới mặt bếp đều phải đến phụ làm cơm.
Anh đứng trên một cái ghế nhựa cũ, màu đỏ trên đó đã bị phai thành màu quả cà chua chưa kịp chín, cam cam nhạt nhạt, đôi chỗ bạc trắng. Bàn tay anh đảo trên chiếc chảo nhôm nhỏ đựng đầy hạt tiêu đen. Phía dưới chảo là ánh lửa bếp bập bùng theo từng đợt gió lạnh. Đôi chân bé nhỏ không đủ ấm bước xuống ghế, tay đo đỏ vì lạnh bỏ thêm củi vào bếp lò.
Đảo đến mỏi tay, ánh mắt nhỏ bé còn mơ màng buồn ngủ lại bị cái lạnh tê cóng làm tỉnh cuối cùng cũng trông được mùi vị hăng hăng đắng đắng của tiêu sọ xộc lên.
Cậu bé nhỏ nhấc chảo qua một bên, vội vàng bỏ vào tô sành, sợ trễ một chút thôi sẽ làm cho khét mất chỗ tiêu này. Hạt tiêu đen thui nhảy nhảy trong chảo, lốp bốp văng ra ngoài. Cậu nhóc còn chưa sợ bị la rầy, tiếng bàn tán xôn xao ở đầu bếp rực hơi nóng bên kia đã lan tràn qua đây.
"... Là bác sĩ sao?"
Một cô "đầu bếp" số một tại bếp ăn tập thể của cô nhi viện bất ngờ lên tiếng.
"Đúng, rất quái dị. Lại còn kén cá chọn canh."
Những đoạn nói chuyện sau đó lọt vào tai cậu bé đều là chuyện bát quái xung quanh người gần đây đi mấy cái cô nhi viện nhận con nuôi. Vì sao lại là "mấy cái", bởi vì nhận con nuôi, tiêu chuẩn "quốc tế". Mấy đứa nhỏ được nhận về, lâu thì ba ngày, nhanh thì chưa tới mười hai tiếng đồng hồ đã bị trả về. Ở cô nhi viện này, cũng có vài đứa trẻ được mang đi mang về rồi.
Cậu bé xoa xoa tay vừa vô tình bị bỏng nhẹ, lại tiếp tục mang tiêu trong cối đi giã nhỏ ra. Cậu đã quá tuổi hay được nhận. Các gia đình gần đây đến tìm con đều tìm những đứa bé nhỏ, khuôn mặt hoặc là sáng láng hoặc là đáng yêu như vậy mới hay được chọn. Có lẽ họ nghĩ, đứa bé còn nhỏ mang về nuôi mới dễ thành "con mình" hơn.
Bữa trưa với cháo lỏng, mỗi đứa chỉ được một tô nhỏ. Muỗng dùng lâu đã bị bay hết lớp mạ bóng, còn lại một màu đen đen. Ấy vậy mà từng chiếc muỗng nhỏ đó lại ngập đầy cháo mặn mặn chất muối, cay cay vị tiêu, được những bàn tay nhỏ múc liên hồi.
Anh nhớ lúc đó, cậu bé trong ký ức đó từng rất muốn được ăn thêm một tô rồi một tô nữa nhưng chỉ có thể chậm rãi ăn từng muỗng cháo một. Múc một muỗng thật ít, nhai cũng thật nhiều, cố gắng duy trì độ ấm trong khoang miệng mình, tạo một cảm giác ăn thật no. Bởi chưa từng có tô cháo thứ hai nào xuất hiện, chưa từng có ngoại lệ.
Ngày hôm đó trôi qua như một ngày bình thường trong cô nhi viện. Ngày lễ bên ngoài ầm ĩ náo nhiệt, mọi người được nghỉ đều sẽ đổ ra đường đi chơi. Vị... cái vị kỳ lạ kia lại tới. Cái vị tìm "con nuôi" hoài vẫn không được lại tới trả người.
Viện trưởng xoa mũi, cười ngượng ngùng.
"Vẫn không được sao?"
Vị nọ cau mày, đã muốn rời đi sau khi mang giỏ đồ nhỏ của đứa trẻ vừa được trả về bỏ lên bàn gần đó.
"Tôi tìm học trò về nối nghiệp bác sĩ. Không phải tìm một đứa trẻ bình thường về nuôi."
Anh lúc đó đứng sau cột tường cũ, tay áo vì bám vào mặt tường sơn nước vôi pha mà dính một mảng xanh xanh. Bên tai anh vang lên giọng nói khó chịu như bị ai chọc trúng của người nọ, cùng tiếng đóng cửa xe gay gắt.
Viện trưởng thở dài, vỗ vỗ vai đứa trẻ nhỏ bên cạnh, để cho một cô bảo mẫu dắt cậu bé về phòng.
Lúc anh bước tới bàn của viện trưởng lau dọn, ánh mắt hiền hòa của vị viện trưởng có tuổi dường như lại hướng về phía anh.
"Đi học vẫn tốt chứ?"
Viện trưởng gọi tên anh, rồi hỏi một câu như vậy.
Không ai nhớ được tên mọi đứa trẻ ở đây, bảng tên thêu tay trước túi áo là thứ duy nhất khiến mọi người phân biệt được những đứa trẻ với nhau. Nhưng có lẽ anh hay đến lau dọn nên viện trưởng vẫn có chút ấn tượng hơn.
Bàn tay nho nhỏ của anh ép trên khăn vải lau xuống mặt bàn gỗ. Viện trưởng nói đôi ba câu với anh rồi coi sổ sách bên ghế sofa trong lúc anh lau sàn nhà.
Đến khi mọi công việc đã được hoàn tất, mọi đồ vật được dáng hình nhỏ bé của anh thu dọn, vị viện trưởng kia mới đẩy gọng kính của mình thấp xuống, hơi nhìn qua, rồi lại cúi đầu xem báo, lẳng lặng nói.
"Điều kiện rất tốt, học thức uyên bác, yêu cầu cực kỳ cao. Nếu con muốn được nhận thì mùng sáu tháng sau hãy cố gắng thể hiện."
Anh còn nhớ lúc đó, bộ dạng lúng túng của anh lúc đó, giống hệt như một đứa trẻ làm sai bị bắt gặp.
Có đứa trẻ nào trong cô nhi viện không từng khát khao có một mái nhà "mới". Có đứa trẻ nào mỗi khi có người tới tìm nhận con nuôi lại không mong ngóng đó là mình.
Đã hơn nửa năm nay rồi, cơ hội này chưa từng xuất hiện. Nếu cứ tiếp tục như vậy, anh – đứa trẻ này – sẽ phải chuyển sang một nơi khác bởi đã quá tuổi ở đây. Tương lai giống như một đốm lửa nhỏ trong bếp lò không biết sẽ chạm vào đáy đen đóng đầy lọ của nồi rang tiêu hay là thoát ra được mà lơ lửng trong trời lạnh.
Anh cũng chỉ muốn thử suy nghĩ về người "hung hăng" nhưng tri thức nọ một chút mà thôi.
Có lẽ viện trưởng từng cân nhắc tới đứa bé "có công" chăm sóc phòng ốc cho ông nên đặc biệt nói vậy.
Cũng không hẳn là trao cho anh một cơ hội, chỉ là cho anh một đầu dây để bám vào mà suy nghĩ. Ở tuổi của anh... ít nhiều đã không còn mấy những gia đình muốn nhận nuôi rồi.
—
01/09/2020
Sửa chữa, bổ sung: 08/10/2020
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro