Điển Ngục Ti
Trong ngục tù tăm tối, bóng dáng một nam nhân mặc trường bào ngồi xoay mặt vào tường. Áo tù thô ráp tuyệt nhiên vẫn không giấu nổi khí chất thanh cao của người, giữ vững sơ tâm bất biến, hắn ngồi lặng im ở đó đếm từng ngày từng giờ trôi qua. Được đưa vào nơi này có lẽ được một ngàn không trăm linh bảy ngày rồi, cũng đã hơn ba tháng người kia chưa ghé qua xem hắn có chết hay chưa. Nghe loáng thoáng giám ngục nói chuyện với nhau, tình hình chiến sự trở nên căng thẳng, người kia cũng đã một tháng hơn không thấy báo bình an.
Lồng ngực chợt quặn thắt, cả người mình đầy thương tích nhưng hắn chưa bao giờ cảm thấy đau đớn như lúc này.
Ngọn đèn dầu cũ thắp sáng khắp ngục tối, như có như không tái hiện khung cảnh mờ mờ ảo ảo Phật Gia đỡ lấy Nhị Gia dưới ngôi mộ ẩm thấp. Tiếng lạch cạch của than hồng lửa đỏ tựa như tiếng trống cổ vang theo hí khúc ở Lê viên, tái hiện cảnh tượng hai người lần đầu gặp nhau ở nhà hát. Chỉ là vạn vật vô thường, mọi thứ vẫn ở yên đó, chỉ có lòng người đã đổi thay. Cười lạnh một tiếng, quan hệ của hai người, sớm đã không thể cứu vãn được nữa rồi.
Cơn nghiện thuốc kéo hắn về từ tầng tầng lớp lớp suy nghĩ của mình, quằn quại khổ sở chống lại đau đớn nhưng tuyệt nhiên không phát ra tiếng rên nào. Giám ngục mấy năm qua đã quá quen thuộc với cảnh tượng này cũng chẳng thèm quản, dù sao cơn nghiện qua đi hắn lại là một Nhị Nguyệt Hồng trầm trầm ổn ổn như ngày vừa được đưa vào. Chỉ là Nhị Nguyệt Hồng cảm thấy lần này quả thật phi thường khó chịu, đau đớn lan truyền khắp kinh mạch xông thẳng đến đại não, thống khổ đến mức cầu chết chết không được, cầu sống sống không xong.
Bức tường đá gồ ghề bị ngón tay thon dài cào đến hằn lên năm vệt máu dài. Cả bàn tay bị tra tấn đến mức biến dạng, đôi bàn tay đã từng rất đẹp ấy nay lại ngọc nát hương tàn.
Tiếng bước chân lộp cộp vang lên thu hút sự chú ý của hắn. Mười năm trước tiếng lộp cộp này là ánh sáng trong đêm tối của Nhị Nguyệt Hồng, mười năm sau lại ngọn gió đông thổi tắt ngọn lửa nhiệt huyết trong lòng nam tử kia. Ánh mắt vô hồn lạnh lùng nhìn lấy người trước mặt. Một suy nghĩ thoáng qua nhưng nhanh chóng bị ném qua một bên, người đó ... ốm đi rồi.
"Thả người." Hai chữ nhẹ nhàng thoát ra từ người cao lớn trước mặt, một thân quân phục vạn phần uy nghiêm.
Thả? Một tiếng cười lạnh lại vang lên, Nhị Nguyệt Hồng lướt qua người Phật Gia, đem người kia xem như không khí. Từ lúc Nhị Nguyệt Hồng vứt bỏ thân phận cùng tự tôn của nam nhân quỳ xuống cầu xin, đổi lại cái quay đầu thờ ơ của Phật Gia. Từ lúc chìm đắm trong đau buồn cùng tuyệt vọng khi Nha Đầu ly khai nhân thế, thứ hắn nhận được lại là lời thỉnh cầu xuống mộ của Phật Gia. Nhị Nguyệt Hồng sớm đã muốn cùng người đoạn tuyệt quan hệ, trời lại nhẫn tâm không chiều lòng người.
Cửa sắt được mở ra, Nhị Nguyệt Hồng một thân đơn bào lững thững bước đôi chân trần đầy thương tích trên nền đá giữa mùa đông lạnh giá. Cơn gió lạnh mùa đông liệu có lạnh bằng lòng người?
Đôi mắt trong suốt một thời nay lại chìm trong mệt mỏi, ngước nhìn về phía ánh dương ấm áp, thật lâu rồi hắn mới lại thấy được ánh mặt trời. Vẫn là bầu trời đó, vẫn là vầng thái dương kia, nhưng cảm giác cũ đã không cách nào tìm lại được rồi. Người kia bước đến khoác lên người hắn một chiếc áo lông đỏ, là chiếc áo hắn từng yêu thích nhất, nhưng giờ đây mọi thứ đều không quan trọng nữa rồi.
Chầm chậm đặt một chân xuống nền tuyết, cảm nhận cái lạnh thấu xương truyền đến đại não, Nhị Nguyệt Hồng cuối cùng cũng chầm chậm nhận thức được, hắn tự do rồi! Một bước rồi hai bước, hồng y nam nhân cứ như thế là bước đi, để lại dấu chân lấm tấm vết máu trên nền tuyết trắng xóa tạo nên bức họa đồ mai đỏ tuyết trắng, bộ bộ sinh hoa.
Nhị Nguyệt Hồng mở miệng hát vang hí khúc Bá Vương Biệt Cơ. Hí khúc kinh điển quen thuộc đến mức nhàm chán nhưng lại chứa đầy kỉ niệm lần đầu gặp mặt của hai người.Lần đầu tiên Trương Khải Sơn đến Lê viên tìm Nhị Nguyệt Hồng. Lần đầu tiên nhìn người hóa trang hát vang trên sân khấu. Rất nhiều lần đầu tiên đều là bắt đầu từ bản Biệt Cơ này.
Chỉ là từ khi bị tống giam, Nhị Nguyệt Hồng chưa một lần mở miệng hát lần nữa, nay lại cất giọng trong suốt hát lên khiến người ngất ngây. Tà áo đỏ phấp phới trên tuyết trắng theo mỗi bước chân của Nhị Nguyệt Hồng nhẹ như lông hồng, lại nặng tựa Thái Sơn. Không hổ danh Lê viên Nhị Nguyệt Hồng xuất thân từ danh môn hí gia danh bất hư truyền, dùng thanh âm điểm thêm ấm áp cho mùa đông lạnh buốt.
Tiếng hát này từng khiến Trương Khải Sơn say đắm một thời, một lần lại khiến y không thế dứt ra được. Nhìn bóng lưng nam nhân uyển chuyển xoay mình trong vô thanh kết thúc đoạn hí khúc, nền tuyết xuất hiện vết chân khắc họa hai đóa mai hoa được ánh đỏ tô diễm rung động lòng người.
Hắn trút hết sức lực cuối cùng để hát lên hí khúc này, hy vọng người kia sẽ nhớ mình là một ca viên Nhị Nguyệt Hồng chứ không phải là một Nhị Nguyệt Hồng thân bại danh liệt lâm vào hiểm cảnh của ngày hôm nay.
Ngày hai mươi mốt tháng hai âm lịch, Cửu Môn Đề Đốc Nhị Nguyệt Hồng qua đời.
Ba ngày sau đó, mùa đông lạnh giá cũng đi theo Nhị Nguyệt Hồng, trả lại một mùa xuân trăm hoa đua nở cho người dân ở Trường Sa. Khi hắn đi, mang theo không chỉ mùa đông tuyết trắng, mà còn cả trái tim rỉ máu của Trương Khải Sơn.
Đến lúc chết, bao nhiêu căm thù cũng oán hận của hắn đối với Trương Khải Sơn đều không qua được con tim mình. Nhất sinh nhất thế, hát qua bao vở hí kịch, làm rung động biết bao nhiêu người, đến cuối cùng lại vô lực ngã vào lòng người kia, dùng chút hơi tàn nói nên bốn chữ "Hồng nhi yêu ngài".
Trương Đại Phật Gia là người đứng đầu Cửu Môn, người chưa từng lộ ra một tia cảm xúc nào trước phong ba bão tố. Nay lại vì người trong lòng ra đi mà mất đi kiềm chế, điên cuồng gào thét giữa trời quang. Hoa tuyết lất phất bay trong gió, đáp lên mái tóc rối bù của Nhị Nguyệt Hồng. Nhìn người rời đi trước mắt mình, cả bầu trời xanh như sụp đổ, Trương Khải Sơn từng nguyện vì người gánh vác cả bầu trời nhưng thế giới của y tan biến rồi, còn vì ai gánh bầu trời này chứ?
Ôm chặt thân xác lạnh lẽo rống lên như một con mãnh thú lạc hướng, "Hồng nhi, ta đến trễ rồi."
Tang lễ của Nhị Nguyệt Hồng không diễn ra long trọng, cũng chẳng nhiều người đến thăm viếng. Ngoại trừ Cửu Môn đương gia và môn đệ Nhị Gia ra, hầu như không còn ai nữa. Lễ hạ táng được diễn ra một cách nhanh chóng nhưng không sơ sài, quan tài đỏ thẫm tôn nên khí chất kiêu sa của Nhị Nguyệt hồng được chôn xuống đất, nhưng không ai biết được trong quan tài vốn dĩ không có người. Tro cốt Nhị Nguyệt Hồng được bảo quản trong hộp thủy tinh tinh xảo, trở thành bảo vật bất ly thân của Trương Đại Phật Gia Trương Khải Sơn.
Đèn lồng đỏ được thắp sáng khắp phố lớn đường nhỏ, Trường Sa bỗng chốc chìm ngập trong sắc đỏ tang thương. Trương Khải Sơn nhớ rõ, khi Nha Đầu ra đi, Nhị Nguyệt Hồng một thân hồng bào đưa tiễn. Hắn nói sợ khi nha đầu trở về, trong biển người mênh mông lại không tìm ra Nhị Nguyệt Hồng. Đã vậy thì Trương Khải Sơn nguyện dùng hồng đăng điểm sáng đường về cho ái nhân, biến cả thành Trường Sa này thành nhà của họ, để Nhị Nguyệt Hồng vĩnh viễn tìm được đường về nhà.
Lão công quốc dân của cả thành Trường Sa cứ như thế mà ra đi, để lại bao nỗi tiếc nuối cho một Nhị Nguyệt Hồng ngọc thụ lâm phong, một Nhị Gia nho nhã ôn hòa.
Hai năm sau đó, Trương Đại Phật Gia tử trận sa trường. Từ đó đóng lại thời kì thịnh thế của Cửu Môn Trường Sa. Một cuốn bút ký được trao lại cho Giải Ngữ Hoa, đệ tử của Nhị Nguyệt Hồng. Cậu lật từng trang một, từng trang lịch sử trộm mộ oanh oanh liệt liệt của Cửu Môn, lịch sử kháng chiến người Nhật khiến họ trở thành anh hùng trong mắt bá tánh. Trang cuối cùng của quyển bút ký lại là một trang giấy trống. Gấp lại bút ký, Tiểu Hoa đặt nó sau bài vị của sư phụ, không hề phát hiện hai bức ảnh bị rơi ra, một bức chụp lại Cửu Môn chín đại đương gia, bức còn lại là Trương Khải Sơn chụp cùng Nhị Nguyệt Hồng. Hai thiếu niên vai bá vai, trên miệng còn phảng phất nụ cười tươi sáng với má lúm đồng tiền.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro