Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

5

Nhận được điện thoại từ phòng cảnh sát giao thông thành phố, thầy Tuấn vội vã cất xấp bài kiểm tra đang chấm dở vào tủ khóa  rồi lập tức lấy xe đi ngay. Đường từ trường đến phòng CSGT chỉ cách có 3 cái ngã tư, và chẳng hiểu trùng hợp thế nào, ngay khi bạn đang vội nhất, rối nhất thì cả 3 cái ngã tư ấy lại là 3 cái đèn đỏ. Mặt trời lúc 3h chiều rọi xuống mặt đường gay gắt, hơi nóng phả ngược lên, cả thân người thầy lúc này mồ hôi chảy ròng ròng. Nhưng có nóng bao nhiêu cũng không bằng tâm trạng như lửa đốt của thầy: Hoài An bị tai nạn.

Gửi xe xong còn chưa kịp cởi mũ bảo hiểm, thầy Tuấn chỉ kịp hỏi cô cảnh sát lễ tân xem khu vực giải quyết tai nạn của trẻ vị thành niên ở đâu rồi lại lập tức băng qua khoảng sân nắng rực lửa để đến tòa B. Giữa khung cảnh đông đúc ồn ào của những lời la mắng từ các bậc phụ huynh "con dại cái mang" xen lẫn tiếng cự cãi của những đứa thanh niên loắt choắt, Hoài An ngồi đó, trong tà áo dài trắng, môi mấp máy đọc bảng quy tắc an toàn giao thông trên tường, hoàn toàn không có vẻ gì bị quấy nhiễu bởi tiếng ồn xung quanh. Thầy Tuấn vừa thở phào nhẹ nhõm khi cô học trò lớp chuyên Anh mình vừa nhận chủ nhiệm được hơn một tháng vẫn bình an thì cơn giận bỗng bùng lên dữ dội:"Đặng Trần Hoài An!"

Bị gọi cả họ lẫn tên, Hoài An giật mình. Nhìn người đàn ông cao lớn đang bước đến, mồ hôi đẫm lưng áo, mặt cháy nắng đỏ phừng, cô muốn bật cười thành tiếng nhưng nhìn thấy cái đầu đang bốc hỏa kia, cô chỉ đơ người đáp:"Thầy...".

Cái hành lang chỉ hơn 5m nhưng sao thầy Tuấn lại thấy dài vô tận. Vội vàng bước đến bên cạnh Hoài An, xoay một vòng thấy cô ngoại trừ tà áo dài bị rách, còn lại vẫn lành lặn y nguyên, thầy Tuấn đưa tay lên toan nhéo tai hỏi tội thì Hoài An đã kịp "xuất chiêu" trước:"Thầy, em bị đau", vừa nói vừa đưa lòng bàn tay trái trầy da vẫn đang rỉ máu ra. Thầy Tuấn chỉ còn nước thở dài nhượng bộ, dắt cô đi gặp đồng chí CSGT làm thủ tục bảo lãnh.

Tiếp hai thầy trò là một cô CSGT trẻ tuổi, cô rót nước mời cả hai rồi nhẹ nhàng hỏi chuyện. Hoài An cũng đã kịp hoàn hồn sau tai nạn, lại có thầy ở bên nên bình tĩnh kể lại sự việc cho thầy Tuấn và cô CSGT nghe. Thì ra hôm nay được về sớm, Hoài An trên đường qua nhà bạn chơi thì gặp chốt CSGT. Khổ nỗi Hoài An đi xe máy, trên người còn mặc nguyên áo dài như thế này thì làm gì có chú cảnh sát nào bỏ qua. Từ đằng xa nhìn thấy bóng mấy chú áo vàng đang đứng bên đường, Hoài An vội vã định rẽ vào con dốc gần đó. Lại tiếp tục khổ nỗi một đứa con gái 16 tuổi lén đi xe máy thì làm gì có kinh nghiệm xử lí, vừa phanh gấp lại còn lao dốc, tay lái non nớt không biết khống chế, cả người cả xe trượt dài. May mà người dân quanh đó nghe động tĩnh liền ra giúp đỡ. Có hỏi như thế nào Hoài An cũng không chịu gọi bố mẹ, họ chỉ còn cách báo công an. Trẻ vị thành niên dĩ nhiên cần người giám hộ đến giải quyết, và đó là lí do vì sao thầy Tuấn ở đây.

Thầy ngồi trên ghế hai tay khoanh vòng trước ngực, hiện rõ nỗ lực khống chế cơn giận lúc này. Nếu đây là em gái hay con cháu trong nhà, thầy sẽ chẳng chần chừ gì mà lôi đầu về giáo huấn một trận nhớ đời, nhưng đây là học sinh lớp mình vừa nhận chủ nhiệm được một tháng, lại là lần đầu bất đắc dĩ làm chủ nhiệm, thầy thực sự không biết một giáo viên chủ nhiệm nên làm gì trong tình huống này. 

- Một nữ sinh 16 tuổi đã dám đi xe máy? Em nghĩ hạnh kiểm học kì này có thể xếp loại trên trung bình được không?

- ... - Hoài An liếc mắt lên nhìn thầy Tuấn một giây rồi vội vàng cúi xuống ngay, cô thực sự nghĩ nếu mình nhìn thêm một giây nữa chắc bị dọa sợ ngất ra mất.

- Hoài An em có ý thức được rằng kì thi học sinh giỏi quốc gia đang đến gần rồi không? Em có hiểu được rằng hành vi ngày hôm nay có thể sẽ cướp đi cơ hội của em không? - bốc hỏa vì cô học trò nhỏ chỉ biết cúi mặt vặn vẹo tay mà không đáp, thầy Tuấn gằn giọng nhả từng câu từng chữ.

Cảm nhận thấy không khí căng thẳng dần lên, cô CSGT mở lời:"Mong thầy bình tĩnh, mọi việc đều có cách giải quyết."

Lần thứ bao nhiêu trong vòng nửa tiếng qua, thầy Tuấn lại thở dài. Xoay người ngồi đối diện với cô CSGT, với tất cả nỗ lực của một người thầy bảo vệ cho học sinh của mình, thầy Tuấn nói:

- Đồng chí cảnh sát, tôi có vài lời này, rất mong đồng chí có thể thông cảm và giúp đỡ cho. Tôi biết học sinh đi xe máy là vi phạm, theo lẽ thường sẽ bị lập biên bản gửi về nhà trường. Tuy nhiên... - ngập ngừng một chút, thầy nói tiếp - đồng chí cũng thấy đấy, Hoài An là lần đầu vi phạm, may mắn chưa gây hậu quả gì nghiêm trọng, lại đang trong giai đoạn nước rút lên đội tuyển. Biên bản công an gửi về nhà trường đồng nghĩa với việc hạnh kiểm trung bình, không đủ tư cách dự thi. Là một thầy giáo, tôi không thể bao biện cho hành vi sai trái của học trò, nhưng tôi càng không hy vọng học trò mình vì một sai lầm ở độ tuổi chưa đầy đủ nhận thức mà lỡ mất cơ hội phát triển. Hoài An là một học sinh ngoan, tôi mong đồng chí có thể cho em ấy một cơ hội sửa chữa. Tôi đảm bảo rằng sẽ làm việc với phụ huynh và ban giám hiệu nhà trường để đưa ra một hình phạt phù hợp.

Đứng trước một người thầy tận tâm với học sinh như vậy, khóe miệng cô CSGT không khỏi mỉm cười:

- Vâng, những điều thầy vừa nói tôi đều hiểu. Thật ra vi phạm lần đầu và không gây hậu quả nghiêm trọng thì không đến mức phải lập biên bản. Như thế này đi, bây giờ thầy có thể kí giấy bảo lãnh cho em ấy về, nhưng xe thì sẽ bị giữ lại đây, trong vòng 15 ngày có thể cùng người giám hộ hợp pháp đến làm thủ tục lấy lại xe. Quá 15 ngày xe sẽ bị gửi lên tổng cục, lúc đó thì quy trình sẽ phức tạp hơn nhiều. Thầy thấy thế nào?

Cặp lông mày của thầy Tuấn cuối cùng cũng có thể giãn ra:"Thật sự cảm ơn đồng chí, tôi hiểu rồi. Tôi đảm bảo sẽ bàn giao rõ ràng với phụ huynh của em ấy - nhìn sang Hoài An, thầy gật đầu - Hoài An, em cảm ơn cô đi". Hoài An vòng tay lại lẽ phép cúi đầu nói lời cảm ơn. Cô CSGT nghiêm nghị nhìn thẳng vào Hoài An, nói:

- Cô mong cháu nhớ lấy rằng cháu có một người thầy vì tương lai của học trò mà không ngại mở lời, càng mong cháu rút kinh nghiệm sâu sắc. Cháu nên biết rằng cô đưa ra phương án giải quyết nhẹ nhàng nhất không phải vì cô tiếc cho tài năng của cháu, mà là vì cô mong cháu có thể sửa chữa sai lầm. "Tiên học lễ, hậu học văn", muốn làm người tốt thì phải rèn đạo đức trước khi giỏi văn hóa.

Lời dạy của cô CSGT năm ấy mãi mãi in sâu vào tâm trí của Hoài An. Đến sau này, khi đã đi theo sự nghiệp giáo dục, khi đã trở thành một người mẹ đủ nếp đủ tẻ, cô vẫn không ngừng nhắc nhở bản thân mình, cũng không quên lấy đó làm điều răn dạy các con. Thật sự là một bài học đắt giá.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro