4
Thầy Tuấn yên lặng lắng nghe hai mẹ con thủ thỉ, cơn giận ban nãy bỗng hóa hư không, lúc này trong lòng chỉ còn sự tự trách bản thân đã quá nóng vội làm con sợ. Thầy biết rằng trẻ em thời này khác với thời của thầy ngày trước, không thể giống như thầy ngày bé mỗi lần làm sai không đợi ai bảo đều răm rắp nằm sấp xuống phản đưa mông đợi ngọn roi bố mẹ đánh xuống, không thể giống như thầy ngày bé mỗi tối trước khi đi ngủ đều bị bố hỏi bài, cứ sai một câu thì ăn ngay một thước...Trong ngôi làng nơi thầy sinh ra và lớn lên, cảnh bố mẹ xách tai con giữa chợ, cảnh ông bà cầm roi chạy đi tìm mấy đứa cháu ham chơi quên giờ cơm rồi vụt chúng ngay tại trận là chuyện bình thường. Trẻ em ngày nay thông minh hơn, phát triển sớm hơn và dĩ nhiên cũng nhanh nhạy về cảm xúc hơn. Chúng sẽ mở lòng với những người giành thời gian lắng nghe chúng. Chúng sẽ vui vẻ làm theo nếu được khích lệ động viên. Chúng có thể bị khuất phục trước cái chổi lông gà lăm lăm trong tay bố mẹ nhưng lại gieo mầm sự oán giận trong lòng. Giáo dục trẻ em ngày nay cần nhiều hơn là sự đe nẹt ra lệnh như mấy chục năm về trước.
Thầy cũng muốn nói chuyện với con như những người bạn - giống như cách cô An đối xử với anh em Bách - Thư. Cô An nhỏ hơn thầy Tuấn tới 10 tuổi, năm nay mới chỉ ngoài 40, tính tình vui vẻ hòa nhã lại còn biết cách chăm sóc bản thân nên nhìn trẻ hơn tuổi thật nhiều lắm, nhiều lúc thầy còn cảm thấy vợ mình chả khác với cô học trò lớp chuyên Anh năm ấy thầy làm chủ nhiệm là bao. Một thầy giáo khối tự nhiên, lại là con nhà binh như thầy thì chỉ biết đem theo sự khô khan và nghiêm nghị của mình già đi theo năm tháng. Đón con trai đầu lòng khi đã 32 tuổi và đến tuổi 40 vui mừng ẵm con gái út trong vòng tay, thầy Tuấn đã cố gắng rất nhiều để điều chỉnh tâm lí, tính tình để có thể gần hơn với hai đứa nhỏ. Mọi người xung quanh, nhất là những đứa học trò của thầy, đều có thể nhận ra con cái đã làm thay đổi người đàn ông này như thế nào. Thế nhưng có lẽ khoảng cách thế hệ chỉ có thể làm mờ chứ không thể hoàn toàn xóa bỏ, đôi lúc chỉ một chút thiếu kiềm chế lớn giọng nạt An Thư một câu, nặng tay đánh Tùng Bách một roi cũng khiến thầy Tuấn tự trách nhiều ngày.
- Bố ơi...
Tiếng gọi bé nhỏ thút thít cắt ngang dòng suy nghĩ của thầy Tuấn. Thầy xoay ghế lại, hiền hòa nhìn con gái mắt mũi đỏ hoe đang vòng tay nghiêm chỉnh.
- Bố ơi con xin lỗi, con biết sai rồi. Con không nên ham chơi hại sức khỏe, không nên chưa làm xong bài đã đi chơi. Bố mẹ luôn dặn con phải thật thà nhưng con lại nói dối. Con không biết nhận lỗi làm bố tức giận. Giờ con biết sai thật rồi bố đừng giận nữa có được không ạ.
An Thư như dùng hết tất cả dũng khí để nhận lỗi. Em nói nhanh như thể sợ nếu chậm lại một chút bản thân sẽ lại khóc to không thể nói nên lời. Thầy Tuấn dĩ nhiên nhận ra sự run rẩy trong giọng nói của con, thầy lại tự trách bản thân thêm lần nữa. Thầy trao cho con ánh nhìn hiền hòa, đợi con nhận lỗi xong thầy nhẹ nhàng gỡ tay con xuống, kéo con lại gần mình một chút, trầm ấm lên tiếng:
- An Thư biết mình sai lại còn dũng cảm nhận lỗi, bố vui lắm, bố không giận An Thư nữa đâu - một tay nắm nay con, một tay đưa lên vén lọn tóc mai bị nước mắt quện lại trên gò má con, thầy nói tiếp - Bố cũng cần phải xin lỗi vì đã thiếu kiên nhẫn lớn tiếng quát nạt con. Bố hứa sẽ cố gắng sửa đổi. An Thư cũng đừng buồn bố nữa nhé?
An Thư lắc đầu ra hiệu rằng em không có giận bố, một chút cũng không. Em thỏ thẻ:"Con hứa với bố mẹ lần sau không như thế nữa"
- Còn có lần sau?" - thầy Tuấn nghiêm giọng giả vờ trêu con.
- Không phải ạ - An Thư vội nói - con không dám nữa đâu ạ.
- Nếu vẫn có lần sau thì sao? - nhìn dáng vẻ "thanh niên nghiêm túc" của con, thầy Tuấn tiếp tục trêu - Nếu nhỡ mà quên mất, tái phạm thì bố cho 5 roi để nhớ cho kĩ nhé?
An Thư nghe đến roi chỉ còn biết mếu máo nhìn mẹ cầu cứu. Cô An nãy giờ ngồi yên trên giường xem hai bố con diễn vở "tình cha" thì sớm đã muốn phì cười rồi:"Thôi bố kì quá, trêu em suốt. Kệ bố, em cứ nhớ lời bố mẹ dạy thì không có roi nào tìm đến em được đâu. Giờ em đi ra rửa mặt rồi vào hoàn thành nốt bài tập còn đi ngủ sớm. Mẹ thương"
An Thư gật đầu nghe lời mẹ, trước khi ra khỏi phòng em cũng không quên lấy cốc nước trên tủ sách xuống, lễ phép hai tay đưa cho mẹ. Nước đã nguội mất rồi nhưng đối với cô An lại rất ấm, em Thư của mẹ thật sự là một đứa trẻ sống tình cảm, mẹ thương em Thư lắm!
Thầy Tuấn thương vợ đi làm cả ngày dài, bảo cô An về phòng nghỉ ngơi trước đi, để thầy kèm con học là được rồi nhưng cô An không muốn:"Bao nhiêu học sinh còn phải quản lý được mà chẳng nhẽ làm mẹ lại tiếc chút thời gian với con". Thầy Tuấn nghe vậy cũng chiều theo ý vợ, đứng dậy nhường ghế cho cô An ngồi cạnh An Thư còn mình đứng tựa lưng vào kệ sách ngắm nhìn hai mẹ con. Cuộc sống nhiều áp lực và lắm bộn bề nhưng chỉ cần bên gia đình ấm êm thì khó khăn chả là gì cả. Thầy Tuấn rót cho vợ con ly nước ấm rồi cầm túi xách của cô An về phòng, trước đó cũng không quên bật sẵn bình nước nóng rồi pha thảo dược cho vợ tắm rửa ngâm chân. Một người đàn ông ấm áp trách nhiệm như vậy thực sự tồn tại trên đời!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro