Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

28

An Thư nói với bố rằng em đã làm bài xong thì đúng rằng em đã làm bài xong thật. Chỉ có điều em không thật sự nghiêm túc làm trọn vẹn, vì 3 câu cuối đề khó quá. Vì An Thư theo học trường quốc tế nên chương trình học ở đây kết hợp cải cách của bộ giáo dục ban hành cho các trường công lập với hệ thống thi SAT nhằm phục vụ nhu cầu du học từ sớm của các học sinh. Môn Toán lớp 6 rất cơ bản, nhưng mỗi đề 20 câu trắc nghiệm thường sẽ có 5 câu cuối rất khó để phân loại học sinh. Hôm nay cô giáo ra đề bằng tiếng Anh nên độ khó càng tăng lên. An Thư ngon lành giải hết tất cả các câu phía trên, duy chỉ có 3 câu cuối cùng làm em nản. Mỗi lần đến trường bố dạy thì em chỉ mong được đi chơi với mấy chú mèo bác bảo vệ nuôi trên sân thượng mà thôi. Em nghĩ bụng rằng có 3 câu thôi mà, để đó không sao, tối về nhờ mẹ An giảng giải một tí là xong nên tung tẩy đi chơi. Bây giờ bố Tuấn muốn kiểm tra thì chỉ có nước khoanh lụi, có sai thì cũng chả sao, bởi lẽ đề rất khó mà.

 An Thư đứng bên cạnh mỉm cười vui sướng khi thấy bố dùng bút chì tích chữ  V trước mỗi câu mình làm đúng. 17 câu đầu em làm sai 4 câu, có vẻ là ít nhưng thầy Tuấn đương nhiên chỉ cần liếc mắt cũng biết do lỗi ráp ẩu công thức mà ra. Tuy muốn chỉnh đốn con nhưng đây vẫn đang là giờ học của đội tuyển, thầy không tiện nói nhiều, chỉ khoanh tròn trước câu sai và ghi vắn tắt lỗi sai theo thói quen sửa bài cho học trò. Khi chấm đến 3 câu cuối bài thầy bỗng khựng lại. Dộ khó của 3 câu này đúng thật rất khác so với 17 câu phía trên, để tìm ra đáp án cần thêm một bước giải đệm và đặt giả thiết, phải nói là rất gian nan với trình độ lớp 6. Ấy vậy mà bé con của thầy lại giải đúng cả 3 câu trong khi lại sai những lỗi không đáng có ở các câu trên? Chuyên môn nhà giáo 30 năm nay dẫn dắt biết bao thế hệ học trò, dĩ nhiên thầy Tuấn hiểu đề nào là vừa sức. Bản thân lại là một người bố, chẳng lý nào thầy không nắm rõ năng lực của con mình. An Thư giải đúng được 1/3 đã là rất đáng khen, đáng để người làm bố này tự hào "con nhà tông không giống lông cũng giống cánh" rồi, đằng này giải đúng tuyệt đối thì chỉ có thể là viển vông. 

"An Thư nói bố nghe câu này con giải như thế nào?"

"Dạ? Con...con làm đúng hở bố?" - An Thư chột dạ không tin vào mắt mình.

"Ừ con làm đúng rồi. Bố chỉ đang muốn biết con cách giải của con thôi"

An Thư cắn nhẹ môi bối rối. Em biết bố đang nhìn mình chờ đợi nhưng em chỉ đành nhìn chằm chằm vào tờ đề để lảng tránh ánh mắt của bố. 

"Một trong ba câu này, con chỉ cần nêu ra được cách giải thì bố cho phép con đi chơi. Câu nào cũng được, nào, nhanh, bố còn dạy các anh chị nữa" - thầy Tuấn thừa biết bé con có vấn đề nhưng vẫn cho con chút cơ hội.

An Thư chỉ biết đứng đó vặn vẹo tay, trong đầu em nhảy số bao nhiêu lí do, cuối cùng em buột miệng:"Bố ơi, con...quên rồi ạ"

An Thư ơi là An Thư, em có thể nào nghĩ ra câu gì hợp lý hơn một tí được không, hay là em đang cố ý chọc bùng lên cơn giận của bố. Thầy Tuấn không tin vào tai mình, không tin rằng con gái mình lại có thể buông ra một câu lấp liếm như vậy. Thôi thì cứ nghĩ thoáng rằng con mình ngây ngô không biết nói dối thì vẫn còn uốn nắn được. Vừa nghĩ thầy vừa với tay lấy cây thước gỗ trên bàn. Không chỉ An Thư mà cả mấy cô cậu học trò cũng một phen xám mặt, cứ ngỡ là thầy muốn đánh phạt con. Thấy Tuấn lúc này có chút không vừa lòng thật đấy, nhưng thầy vẫn là một ông bố thương con một cách văn minh và đúng mực. Ở nhà thầy Tuấn và cô An luôn nhắn nhủ nhau rằng muốn mắng muốn phạt thì cũng có mức độ, nhất thiết phải đảm bảo sự riêng tư để giữ thể diện cho con. Trước mặt người khác thầy có thể nghiêm giọng nhắc nhở con cái, nhưng tuyệt đối không mắng mỏ nhiếc móc chứ đừng nói đến ra tay đánh phạt. Suốt sự nghiệp nhà giáo của mình, dù nghiêm khắc nhưng thầy rất rất rất hiếm khi đánh phạt học trò, nhất là chục năm gần đây cải cách giáo dục, việc sử dụng hình phạt thân thể với học sinh bị nghiêm cấm hoàn toàn. Thật ra thầy Tuấn chỉ lấy cây thước để vẽ lên bảng minh họa bài toán hình trong btvn của An Thư lên góc ngoài cùng bên phải bảng. Thầy muốn cho con cơ hội sửa sai, biết đâu khi nãy ham chơi không suy nghĩ thì bây giờ có thể làm lại.

Vẽ hình viết đề xong xuôi, thầy quay lại đưa bút lông cho con:"Đây, An Thư giải được bài này thì coi như xong. 10p nhé? Con giải đi, bố cũng phải giải đề cho anh chị nữa, muộn rồi"

An Thư chưa thuộc công thức mới thì có cho em 30p cũng chẳng làm được gì chứ đừng nói 10p ngắn ngủi kia. Thầy Tuấn cùng đội tuyển sửa bài cho một em học sinh xong thì khé liếc mắt xem con gái. Thấy An Thư đứng vặn vẹo cây bút muốn gãy làm đôi, thầy Tuấn cũng không còn kiên nhẫn nữa, cất tiếng gọi con lại gần. 

An Thư chậm rãi bước đến bên cạnh bố. Thầy Tuấn xoay người ngồi đối diện con. An Thư lớp 6 bé con, khi đứng vẫn chỉ ngang tầm bố ngồi trên ghế. Thầy Tuần tay chỉ vào tờ đề, mắt nhìn thằng con, hỏi:"Như thế này là sao hả An Thư?" - biết con không dám nói gì, cũng chẳng có gì để nói, thầy tiếp - "Bố hỏi con lần nữa, 3 câu này con làm sao ra đáp án hả An Thư? Con nói thật bố nghe"

"Con...con khoanh lụi ạ" - đến nước này thì em đương nhiên cũng không còn gì giấu giếm nữa.

Thầy Tuấn dĩ nhiên đã đoán được, nhưng nghe chính miệng con nói ra thì trong lòng vẫn không tránh khỏi thất vọng. Thầy không thất vọng vì con không làm được bài, bởi thầy và vợ chưa bao giờ mong mỏi hay ép buộc An Thư thông minh xuất chúng, thầy thất vọng vì thái độ học tập của con mình.

Thầy Tuấn cố lắm nhưng vẫn không nén được tiếng thở dài. Tháo kính đặt lên bài, hơi ngửa người ra sau, một tay khoanh trước ngực còn một tay chống lên cằm đăm chiêu:

"Ba câu này rất khó, bố biết, nhưng An Thư, tại sao con lại lấp liếm đi thiếu sót của mình thay vì nói với bố?"

An Thư đã chuẩn bị tinh thần nghe bố mắng, em biết là em sai, em xứng đáng bị mắng, lỡ bố nặng tay phạt đòn thì cũng là vì em đáng bị như vậy. Nhưng sao bố chỉ trầm giọng đầy thất vọng như thế.

"An Thư, nếu hôm nay bố bỏ qua không kiểm tra bài tập của con, nếu con ham chơi không xem lại mà đem bài nộp cho cô giáo, con có được điểm cao hay được cô khen ngợi...tất cả đều là giả, đó đều không phải là giá trị do con tạo ra.

Mục đích của đi học là gì hả An Thư? Là lấp đầy quyển vở hay là quyển học bạ toàn điểm giỏi? Con đến trường chỉ để qua quýt đối phó với các bài kiểm tra hay sao?

Con có ít nhất 3 lần để nói thật với bố rằng có những câu khó quá con làm không được. Con có ít nhất 3 lần để tìm kiếm sự trợ giúp. Nhưng vì con chọn cách giấu giếm thiếu sót nghĩa là con bỏ qua ít nhất 3 cơ hội học hỏi tiến bộ. Bố thật sự rất giận, An Thư"

Càng nói cơn giận trong lòng thầy Tuấn càng lớn hơn. Ban đầu thầy vẫn trầm giọng đầy từ tốn, dần dần âm sắc có chút tăng lên, uy nghiêm khiến mấy cô cậu học sinh bên dưới cũng thấy sợ, huống chi An Thư đứng ngay cạnh bên. Một ngày quá mệt mỏi vừa phải chỉnh đốn ý thức học tập của học sinh lại đến con mình, thầy Tuấn lúc này đang không chỉ nói cho riêng An Thư mà còn có ý răn đe học trò.

"An Thư, con người chúng ta có thể thiếu sót về nhiều mặt, nhưng ý thức là thứ phải rèn giũa điều chỉnh đúng đắn. Ý thức quyết định thái độ, thái độ quyết định hành động, hành động quyết định thành công" - mỗi lần ngắt nhịp là một lần thầy dùng khớp ngón tay gõ xuống mặt bàn nhằm nhấn mạnh, sự nghiêm khắc này đúng là khiến ai chứng kiến một lần cũng khó mà quên được - "Hôm nay bố phát hiện để điều chỉnh cho con, nhưng đâu phải lúc nào cũng kịp thời như thế. Con người mà không có ý thức thì làm được gì đây..."

Thầy Tuấn đang nói thì chợt khựng lại vì tiếng sụt sịt như cố nín khóc, hóa ra An Thư đã nước mắt lăn dài từ khi nào. Thầy vội vàng đưa tay khẽ kéo con đứng lại gần mình, dịu dàng:"Làm sao đấy An Thư? Làm sao mà khóc?"

"Con không phải là người không có ý thức..." - An Thư đột nhiên không kìm được nữa òa lên khóc.

Thầy Tuấn vội vàng đứng dậy giang tay ôm con vào lồng ngực vỗ về:"Nào...nào...sao lại khóc. Bố đâu có nói là con vô ý thức. Nào, nín đi, từ từ nói bố nghe. Khóc nhè như này anh chị cười đấy. Nín đi nói bố nghe xem". An Thư cũng nguôi ngoai không khóc thành tiếng nữa, chỉ có nước mắt vẫn lăn dài, thầy gỡ con ra khỏi người, bàn tay đưa lên nhẹ nhàng lau nước mắt cho con gái rượu.

"Con biết lỗi rồi bố...nhưng mà bố nói con là vô ý thức, không nên người..." - An Thư nói trong tiếng nấc.

"Bố không bao giờ nói con như vậy, An Thư. Bố đang giảng giải cho con nghe những hậu quả nếu không kịp thời sửa sai. Thế con biết lỗi rồi đúng không? Làm sai thì phải chịu phạt, có oan ức gì không?"

An Thư sụt sịt lắc đầu.

"Nào, bố mẹ hỏi thì miệng đâu trả lời rõ ràng bố nghe nào" - thầy vẫn luôn kiên nhẫn chỉnh tật xấu này của An Thư.

"Con biết sai rồi ạ... Con không có oan...nhưng mà...bố phạt..." - càng về cuối câu giọng An Thư nghe như chuẩn bị òa khóc thêm lần nữa.

"Được rồi,đây là lần đầu, An Thư biết sai biết nhận nên bố không mắng nữa. Bố không phạt nhưng cũng không bỏ qua, nhé? Tối nay về bố giảng cho 3 câu đấy rồi cuối tuần ở nhà làm thêm bài tập rèn luyện, được chưa? Nào, không khóc nữa, khóc nữa tí mẹ mắng bố đấy, nhé?" - thầy Tuấn mỉm cười.

Tuyển A môn Hóa hôm nay xem như cũng được nhìn rõ "bộ mặt thật" sau 2 năm dưới sự dẫn dắt của thầy Tuấn. Không ngờ người thầy nổi tiếng nghiêm khắc lại cũng có những giây phút kiên nhẫn với con cái, biết cương biết nhu, biết nặng lời mắng thì cũng biết nhẹ giọng dỗ đến như vậy. An Thư, em có biết là em may mắn đến như thế nào không? :)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro