21
Dưới sự dịu dàng khuyên nhủ của mẹ, An Thư cũng coi như là miễn cưỡng ăn hết một tô cháo đầy hành :((
Và dưới ánh mắt nghiêm nghị đầy cương quyết của bố, An Thư đành miễn cưỡng bịt mũi uống thuốc giải cảm.
Mai vẫn còn là ngày nghỉ lễ nhưng tối nay gia đình nhỏ đã phải vội vã quay lại thành phố. Sau kì nghỉ lễ guồng quay công việc lại tiếp tục, cô An còn rất nhiều hạng mục và chương trình trao đổi du học sinh cần được duyệt, đó là chưa kể những hợp đồng thỉnh giảng ở các trường đại học, An Thư cũng phải ôn luyện để kiểm tra cuối kì, Tùng Bách lịch học bận rộn, cô lo rằng con trai không ăn ngủ điều độ... chính vì thế kì nghỉ vốn ngắn nay còn gấp gáp hơn. Chuyến bay đêm nay chỉ có 2 mẹ con. Thầy Tuấn cũng sẽ ra sân bay nhưng là để bay vào trong Nam để tập hợp cùng đội tuyển trong kì tập huấn với giáo sư nước ngoài kéo dài 1 tuần.
Hành lý cũng không có gì nhiều, cô An lại nhanh nhẹn soạn sửa từ đêm qua nên cơ bản cũng không tốn thời gian lắm. Chỉ là đã thành thông lệ, mỗi lần trước khi rời quê về lại thành phố, thầy Tuấn và cô An đều sẽ đến nhà thờ họ dâng lễ thắp hương rồi đi chào hỏi một vòng các bậc trưởng bối. An Thư nhờ uống thuốc nên tình trạng đã khá hơn nhưng bố mẹ vẫn quyết định để em ở nhà dưỡng sức cho đoạn đường di chuyển dài sắp tới. Em không được đi cùng bố mẹ đương nhiên trong lòng có chút không vui. Chợt nhớ lại tối qua các bạn có rủ buổi trưa đi ra con suối sau đồi chè câu cá liền tươi tỉnh hỏi mẹ. Không cần nói cũng biết chắc chắn rằng cô An không cho phép rồi. Đang bận rộn sắp xếp quà lễ mà con gái lại cứ lẽo nhẽo ở bên năn nỉ, cô An dù cố gắng nhẹ nhàng nhưng vẫn lộ ra vài phần tức giận:
"Em Thư, mẹ đã nói rằng không là không. Em còn đang bệnh, không được đi đâu hết. Sách vở đồ chơi của em đã sắp xếp xong chưa? Bố mẹ đi công chuyện về mà em vẫn còn bày bừa như thế, lỡ không kịp giờ bay thì chỉ đành để lại nhà bà nội thôi đấy nhé. Mẹ đang bận lắm mà em cứ mè nheo như thế là em không thương mẹ tí nào đâu."
An Thư nhìn cặp lông mày đang nhíu lại của mẹ tự dưng thấy giống bố đến vài phần, dĩ nhiên em cũng hiểu ra rằng cứ tiếp tục như thế sẽ bị mắng. Đúng lúc này bố từ nhà trên đi xuống, nghe thấy mẹ đang giáo huấn em liền lập tức hỏi:"Hai mẹ con có chuyện gì đấy?". An Thư đáp lại gọn lỏn 4 chữ không có gì ạ rồi lập tức lẻn vào phòng trước khi bố kịp hỏi thêm để tránh đón nhận sự giáo huấn nghiêm khắc hơn từ bố.
Bố mẹ đã rời đi được một lúc, An Thư ngồi trong phòng cất gọn sách vở bút mực vào ba lô thì chẳng còn gì làm. Đã 10 giờ hơn, từ ngoài cổng vọng vào tiếng gọi của lũ trẻ trong xóm. An Thư hớn hở chạy ra tay bắt mặt mừng cùng các bạn nhưng rồi nhanh chóng ỉu xìu:
"Tớ không đi được. Bố mẹ tớ không cho"
"Tiếc thế. Tại sao vậy? Cậu xin phép bà chưa?"
Ừ nhỉ, còn có bà nội. Bà nội mà cho phép thì bố mẹ cũng chẳng ý kiến gì đâu. Nghĩ là làm, An Thư cùng các bạn kéo xuống nhà sau xin phép bà nội. An Thư ơi là An Thư, em ngây thơ quá đỗi! Làm gì có chuyện bà nội để em - một đứa nhỏ vừa hạ sốt đi chơi lội suối trèo đồi trong cái nắng tháng 5 này cơ chứ. Bà hiền từ nhưng rất kiên định lắc đầu, lại còn bảo các bạn đứa nào muốn đi thì đi, nhưng không được kéo theo An Thư kẻo bà mắng vốn bố mẹ tụi nó thì có mà no đòn. Lũ nhóc vì thế cũng đành ỉu xìu tạm biệt nhau.
"Thư ngoan, cháu của bà ngoan, một lát nữa bố mẹ về ngay, nhé. Bác Lan đi chợ cũng sắp về rồi, bà có dặn mua chè bưởi cho cháu đấy. Thôi ngoan nhé, không phụng phịu nữa nhé. Hay cháu có muốn vào nằm với bà không, bà hơi mỏi lưng nên vào nằm một lát đã" - bà nội ôn tồn hiền hòa.
"Dạ thôi ạ, bà vào nghỉ ngơi đi ạ, cháu không mệt"
Bà mỉm cười xoa đầu cháu nhỏ rồi chậm rãi vào nhà trong, gian nhà sau lộng gió chỉ còn mình An Thư ỉu xìu ngồi đó, tự mình mơ tưởng đến cảnh sắc thiên nhiên đẹp đẽ, đến những tiếng cười vui đùa cùng các bạn. Một đứa trẻ dĩ nhiên rất khó đứng vững trước những "cám dỗ" ngọt ngào như vậy thì không thiếu. Nhưng một đứa trẻ dám trái lời bố mẹ và bà nội để lẻn đi chơi như An Thư thì không nhiều. Bé con 9 tuổi như em thì nào biết thế nào là xem xét hậu quả trước sau, ngay lúc này đây, lựa chọn của em là chạy theo các bạn trước khi chúng nó kịp đi xa.
* * *
Trong nhà bà Xuân bây giờ là một mớ tơ vò lộn xộn, người thì ngồi thẫn thờ, người thì đi đi lại lại, người thì tự trách, người thì lo lắng tức giận: An Thư rời nhà đi từ khi nào không ai biết, nhưng đã gần 2 giờ chiều rồi mà em vẫn chưa về...
Cô An dù lòng như lửa đốt nhưng vẫn phải cố gắng bình tĩnh để ở bên an ủi mẹ chồng đang buồn rầu tự trách vì không trông cháu vẹn tròn. Thầy Tuấn thì đi khắp các nhà trong thôn có con trạc tuổi An Thư để hỏi xem tụi nhỏ đi đâu. Các bác các chú cũng chia nhau đi tìm nhưng suốt 1 tiếng đồng hồ rồi vẫn chẳng có kết quả. Sấp nhỏ chơi cùng An Thư không nhiều, nhưng đứa nào cũng ở nhà lo phụ bố mẹ đi làm nương về có cơm, trẻ con nông thôn chả mấy đứa an nhàn rong chơi cả. Tụi nó bảo bà nội không cho An Thư đi thì tụi nó cũng chỉ ra đình chơi banh đũa lo cò một lát rồi về mà thôi. Vậy rốt cuộc An Thư đi đâu, làm gì, với ai mà mãi vẫn chả thấy tăm hơi gì?
Mâm cơm đồng quê ấm cúng và thịnh soạn đã nguội từ lâu. Người lớn trong nhà sau một hồi chạy đôn chạy đáo dưới cái nắng đầu hè cũng đã mệt lử người, huống gì là một bé gái ngây dại. Cô An dù bản lĩnh đến mấy, tỏ vẻ bình tĩnh đến mấy thì thời gian đằng đẵng chờ con cũng dần lột trần cái vỏ bọc mãnh mẽ ấy từng lớp từng lớp một. Còn gì đau đớn hơn một người mẹ trong viễn cảnh phải rời xa giọt máu của mình mãi mãi. Cô An giờ đây không còn nén nổi tiếng thở dài, gương mặt nhỏ bé vùi vào lòng bàn tay cố gắng không bật khóc.
"Đúng là nhà bà nội em rồi ạ. Em cảm ơn anh"
Âm sắc quen thuộc vang lên, cô An không tin vào tai vào mắt mình nữa: An Thư đầu trần áo cộc tay bước vào sân nhà dưới cái nắng đổ lửa, theo sau đó là một cậu con trai da rám nắng, thân hình chắc khỏe. Cô An chẳng nghĩ được gì nhiều, trực tiếp từ phòng khách chạy ào ra ôm lấy con, chân trần trên nền gạch cũng không cảm thấy một chút bỏng rát nào. An Thư được mẹ siết chặt trong vòng tay, khuôn mặt từ ngơ ngác đến hối hận, ánh mắt nhìn thấy bố đang đứng chắp hai tay sau lưng trước hiên nhà liền chuyển sang lo sợ. Tuy nhiên lúc này đây em vẫn không lường trước được những chuyện sắp xảy ra với mình...
Cậu con trai đưa An Thư về nhà thì ra là cháu của cựu chủ tịch xã. Bố mẹ cậu đi xuất khẩu lao động từ khi cậu còn ẵm ngửa đến khi cậu đã 15 tuổi rồi mà mới chỉ về thăm được 2 lần, cậu lớn lên cùng ông bà nội ngoại. Hôm nay trên đường đi thăm nương chè về chợt thấy một cô nhóc nước mắt ngắn dài bên bờ suối, hóa ra là do lạc đường, chân bẩn muốn rửa nhưng vô tình trôi dép mất, chỉ còn cách đứng khóc. Cậu gặng hỏi thế nào cũng không nói, vì bố mẹ dặn An Thư phải cẩn thận với người lạ =)) An Thư khóc chán chê, bụng đói, người mệt rồi mới mở lời xin giúp, vậy nên bây giờ mới về được đến nhà. Mọi người cảm ơn cậu rối rít, mời cậu ở lại dùng cơm nhưng cậu từ chối, bảo là ông bà ở nhà chắc đang mong, không ai còn tiện giữ cậu lâu thêm nữa.
Cô An nắm tay An Thư đi ra tới cỗng tiễn "ân nhân" về. An Thư vui vẻ cúi đầu cảm ơn, lại còn vẫy tay tạm biệt. An Thư cùng mẹ vừa quay bước đi vào thì gặp ngay cái nhíu mày (quen thuộc) của bố. Thầy Tuấn đứng dưới bóng mát của cây xoài đang vào độ đơm hoa, một tay vòng sau lưng nghiêm nghị, tay còn lại vẫy An Thư đến gần. An Thư lo lắng khẽ siết tay mẹ. Mẹ biết em sợ bố mắng, nhưng đây là lỗi của em, em cần phải được giáo huấn để tránh lặp lại, vì thế mẹ gật đầu trấn an rồi nhẹ nhàng tháo tay em ra, hai tay đặt lên vai em đưa em về phía bố.
An Thư từ từ tiến về phía bố, mỗi bước chậm rãi như đang dò xét cơn thịnh nộ của thầy Tuấn. Dù em có cố kéo dài thời gian thế nào thì khoảng cách vài ô gạch ấy cũng chỉ trong chớp mắt. Khi còn cách bố một ô gạch, An Thư dừng lại, hai tay lúng túng không biết để đâu, đầu cúi khẽ nhưng mắt hướng lên nhìn bố, lí nhí trong cổ họng:"Con chào bố ạ..."
"Vút...chát...."
Thầy Tuấn tay phải chạm lên vai con xoay đứng vuông góc với mình, tay trái vừa vung lên thì cây roi tre đã đáp xuống hai bắp chân nhỏ, ngay sau đó là tiếng An Thư khóc òa - tất cả diễn ra rất nhanh, nhanh như cắt, nhanh đến mức mọi người chưa kịp phản ứng gì thì An Thư đã vừa gào khóc vừa ngồi thụp xuống ôm chân.
Cô An đứng như trời trồng, chứng kiến thầy Tuấn lần đầu ra tay đánh phạt con gái rượu làm cô một lần nữa nghi ngờ thị lực của mình. Sau vài giây đờ đẫn, cô An liền lấy lại phản xạ, vội vàng chạy đến ôm đứa con bé bỏng vào lòng.
"An Thư, con đứng dậy" - thầy Tuấn trong lòng dĩ nhiên xót xa, nhưng mọi chuyện đâu thể dễ dàng dừng ở đó. Đôi lông mày vẫn nhíu lại kết hợp cùng âm sắc lạnh lẽo, thầy Tuấn nghiêm nghị nhìn cả hai mẹ con.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro