20
"Sớm ngày ra đã lọ mọ làm gì vậy con?"
Thầy Tuấn đang rửa mớ hành tăm trắng trắng con con, nghe thấy giọng của mẹ liền quay lại đáp: "Con chào mẹ. Mẹ dậy sớm vậy phải nhớ mặc thêm áo kẻo nhiễm lạnh. Vẫn chưa vào hè đâu nên sáng sớm vẫn nhiều hơi sương lắm ạ" - vừa nói thầy vừa lau khô tay, dìu mẹ ngồi xuống rồi lập tức rót một ly nước ấm mời mẹ.
"Ừ, mẹ không sao. Người già có ngủ được mấy đâu. Con đang làm gì vậy?"
"Con rửa ít hành tăm để nấu cháo ạ".
"Làm sao đấy? Con bị cảm à? Biết làm không hay đưa đây mẹ làm cho nào" - bà nội sốt sắng.
Thầy Tuấn bật cười. Mẹ thầy đã ngoài 80, thầy cũng đã 50 tuổi rồi, thành gia lập thất 20 năm rồi, trở về nhà vẫn mãi là đứa con bé bỏng của mẹ:"Mẹ, con đã 50 rồi chứ có phải 5 tuổi nữa đâu. Con cũng không bệnh gì hết mà là An Thư. Hôm qua chắc giang nắng nô đùa cả ngày nên từ nửa đêm bắt đầu thấy hơi sốt mẹ ạ."
"Vậy à... Thế có cần thuốc thang gì không? Ở cuối xóm chợ có thầy lang bốc thuốc giỏi lắm đấy, toàn thảo dược tự nhiên thôi, không độc hại như mấy viên xanh xanh đỏ đỏ thuốc tây thuốc tàu gì đâu. Để mẹ nói vợ chồng thằng cả đi giúp cho"
"Ơ kìa, mẹ" - thầy Tuấn tặc lưỡi - "Mẹ không cần quá lo lắng vậy đâu ạ. Cháu nó chỉ là cảm nhẹ thôi, không đáng ngại. Nhà con kĩ tính lắm, đi đâu cũng mang đầy đủ thuốc dự phòng hết. Với cả uống thuốc bắc nguyên liệu nguồn gốc không rõ ràng, chúng con tuyệt đối không tán thành đâu mẹ."
Dùng muôi khuấy nhẹ nồi cháo đồng thời vặn nhỏ lửa để tránh cháo khê, xong xuôi thầy Tuấn ân cần đưa tay dìu mẹ vào gian nhà trong:"Mẹ vào nhà ngồi kẻo sương sớm lại làm đau khớp. Một lát nữa cháo được rồi cả nhà mình cùng ăn sáng ạ".
Lúc này trong phòng ngủ, cô An đang đắp khăn lạnh hạ sốt cho An Thư. An Thư nằm trên giường, mắt nhắm hờ, vẻ mặt mệt mỏi, làn da trắng sữa cũng trở nên sậm màu hơn, phần do một ngày dài giang nắng, phần là do cơn sốt. Em nằm đó ôm gối ôm, tận hưởng bàn tay mềm mại dịu dàng của mẹ mơn man trên từng lọn tóc.
"Con sao rồi em?" - Thầy Tuấn nhẹ nhàng bước vào phòng, khẽ ngồi xuống bên giường, đưa tay lên vầng trán nhỏ của con kiểm tra nhiệt độ.
"Em vừa đo thân nhiệt cho con rồi. Là 37,5 - vẫn ổn, không gì đáng ngại. Để con ngủ thêm rồi lát nữa ăn cháo xong uống viên hạ sốt nữa là được."
"Ừm, vậy thì tốt... Em mệt thì cứ nằm xuống ngủ với con thêm đi. Anh ra xem cháo nhừ chưa"
"Không, em không buồn ngủ. Anh ngồi đây với con đi, để em ra nêm nếm cháo chứ anh làm dễ bị mặn lắm hì hì" - cô An trêu chồng.
Thầy Tuấn ánh mắt đầy chiều chuộng:"Được rồi, tôi biết tôi ăn mặn quen rồi. Mời vợ tôi cứ nếm theo khẩu vị thanh đạm tốt cho sức khỏe nhé"
Cô An khẽ cười rồi xoay người bước ra khỏi phòng. Thầy Tuấn khẽ chuyển mình ngồi vào vị trí của vợ, đưa tay vuốt nhẹ lên gò má căng tròn của con gái rồi lấy ipad ra xem tạp chí khoa học - thói quen buổi sáng suốt mấy chục năm nay của thầy. Quả đúng như người xưa nói, việc học là việc cả đời, học là không ngơi nghỉ. Giữa đại dương tri thức của nhân loại, cho dù những gì mình tiếp xúc được chỉ là một phân tử muối nhỏ nhoi thì cũng là một điều đáng tự hào. Theo đuổi sự nghiệp trồng người gần 30 năm, dù là thành tựu cá nhân, chỗ đứng trong giới học thuật hay thành tích dẫn dắt đội tuyển,...thầy Tuấn đều không thua ở mảng nào - tất cả âu cũng là nhờ ý chí cầu tiến không ngừng học hỏi được bồi đắp cùng năm tháng.
Thầy Tuấn vừa đọc vừa dùng bút gạch chân những ý chính nổi bật của bài tiểu luận thì email nộp btvn của đội tuyển đến, thầy liền mở ra tranh thủ chấm bài luôn. Đúng lúc này An Thư cựa mình tỉnh giấc: "Bố ơi..."
"Ơi, bố đây" - thầy Tuấn ngay lập tức đặt ipad xuống, dồn mọi sự chú ý vào cô con gái (như thường lệ) đang mè nheo sáng sớm này - "An Thư dậy rồi hả? Có mệt lắm không con? Bố lấy nước uống nhé?"
"Khum" - An Thư chu mỏ lắc đầu, thầy Tuấn cũng không rõ rốt cuộc là "khum mệt" hay là "khum uống nước" nữa - "Mẹ đâu rồ ạ? Bố đang làm gì vậy ạ?"
"Mẹ đang ngoài bếp nấu cháo cho An Thư đấy. Còn bố đang tranh thủ chấm bài thôi. Con có..."
"Bố đang chấm bài ạ? Ư cho con chấm với, bố phải gọi con chấm bài cùng chứ ạ" - An Thư nghe đến hai chữ "chấm bài" mắt liền sáng rỡ, dường như tỉnh cả ngủ và quên luôn cả cơn sốt hâm hấp trong người, ngồi bật dậy bên cạnh bố, tay chộp lấy ipad đòi bố mở. Có lẽ là do từ thời còn ẵm ngửa đã được bố 1 tay ôm vào lòng 1 tay sửa bài cho học sinh, An Thư lớn lên với niềm vui thích được cùng bố chấm bài. Thời mẫu giáo khi vừa sành sõi viết số, An Thư đã đòi bố cho phép ghi tổng điểm cuối cùng cho bằng được. Từ đó trở đi học sinh của thầy Tuấn không còn lạ gì nét chữ số to tròn nắn nót ở góc phải trên cùng tờ btvn nữa.
Thầy Tuấn cười hiền chiều theo ý con. An Thư chui vào ngồi lọt thỏm trong lòng bố, ngoan ngoãn và tinh tế nép sang bên trái để bố làm việc thuận tiện hơn. Thầy Tuấn trầm ổn chấm bài, đây là bài nộp của một em thực lực trung bình so với mặt bằng chung của đội tuyển lớp 10, có lúc thầy gật đầu nhẹ hài lòng, cũng có lúc khẽ nhíu mày vì trò sai lỗi cơ bản không đáng có. Mỗi chỗ làm tốt thầy sẽ đặt một ngôi sao nhỏ để biểu dương, những chỗ làm sai sẽ được đánh dấu bằng dấu chấm than to và đậm để tạo sự chú ý, đồng thời sẽ kèm theo vắn tắt nhắc nhở của thầy. Bồi dưỡng học sinh thi chọn hsg cấp quốc gia, đồng thời cũng là bồi dưỡng hạt giống cho đội tuyển đại diện đi thi quốc tế luôn đòi hỏi giáo viên phải theo sát, nắm chắc ưu khuyết điểm của từng cá nhân để đưa ra phương pháp rèn luyện phù hợp, chính vì thế việc chấm bài cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ và chỉnh chu. Đừng nghĩ rằng thầy Tuấn không nghiêm túc làm việc vì có An Thư ngồi cùng, bởi lẽ thực ra hai bố con đã có giao kèo phải nghiêm túc và yên tĩnh cho bố làm việc. An Thư là một em gái ngoan, em hiểu và tôn trọng công việc của bố, em cũng rất hứng thú với cách bố uốn nắn học sinh, vì vậy em luôn chăm chú yên lặng dõi theo nét bút bố chấm bài.
Thầy Tuấn chấm xong câu cuối cùng, trước khi cho điểm luôn có thói quen rà soát lại toàn bộ bài không dưới 2 lần để tránh sai sót. Từ khi bé con này đòi làm "giám khảo phụ" của bố, mỗi lần nhẩm điểm xong thầy sẽ luôn hỏi con xem con chấm bài này được bao nhiêu điểm. An Thư phản ứng nhanh nhạy với con số, được học tính nhẩm với các số thập phân đơn giản từ khi còn bé cũng chính là nhờ chấm bài cùng bố. Lúc đầu tiến độ chấm bài của thầy Tuấn sẽ bị chậm đi rất nhiều vì phải vừa giảng giải vừa đợi con thực hành phép tính, chính vì thế nhiều hôm thầy phải thức thâu đêm để kịp trả bài cho học sinh. Thế nhưng thầy chưa bao giờ buồn lòng hay mệt mỏi vì điều đó, bởi thầy coi đó làm niềm vui: niềm vui không phải ông bố nào cũng có được, và cũng là niềm vui của một nhà giáo chân chính. Bây giờ thì khác rồi, An Thư đã lớp 3, năng lực tính toán có phần nổi trội hơn bạn đồng trang lứa là kết quả của sự kiên trì và bền bỉ của cả hai bố con. Thầy Tuấn vừa hỏi xong em lập tức đáp lại:
"Là 6,25 ạ"
Thầy Tuấn xoa đầu con thay cho lời khen, đưa bút cho con viết điểm. An Thư nét chữ dĩ nhiên cứng cáp và đẹp đẽ hơn trước, tự tin viết lên góc phải trên cùng con số 6,25. Em còn đặc biệt vẽ thêm một emoji (biểu tượng) bàn tay nắm chặt giơ lên cao, có vẻ như đại ý là cố lên. Thầy Tuấn ngạc nhiên hỏi:"Hình vẽ này là ý gì vậy con?"
An Thư nghiên người ngước lên nhìn bố, ánh mắt thoáng buồn:"6,25 nghĩa là thiếu 0,25 nữa mới đạt chuẩn đúng không ạ? Cũng có nghĩa là anh ấy phải xuống tuyển B, lại còn bị phạt thêm bài tập nữa. Nếu là con thì con sẽ rất buồn, vậy nên con muốn cổ vũ anh ấy thôi ạ. Như thế có được không bố?"
Thầy Tuấn đang sắp xếp câu từ để giải thích với con thì giọng cô An nhẹ nhàng vang lên: "Anh ấy dĩ nhiên cũng sẽ rất buồn. Em Thư biết thấu hiểu và đồng cảm với mọi người, bố mẹ rất vui vì điều ấy" - ngồi xuống đối diện hai bố con, cô An tiếp tục - "Mẹ nghĩ bố không phản đối con vẽ thêm kí hiệu cổ vũ anh học sinh đâu. Nhưng bố và mẹ muốn em Thư chú ý điều này: anh ấy có thể phải xuống tuyển B, có thể sẽ rất thất vọng, nhưng tuyệt đối không bao giờ xem việc nhận thêm bài tập là hình phạt. Nếu em coi đó là hình phạt, em sẽ cảm thấy tức giận và nảy sinh tư tưởng chống đối. Nhưng nếu em coi đó là sự luyện tập để đạt được mục tiêu, mọi chuyện trở nên đơn giản hơn rất nhiều, có đúng không nào? "
An Thư như ngỡ ra được điều gì đó, mắt sáng long lanh, miệng cười vui vẻ gật đầu lia lịa, tin rằng em đã vừa học thêm một bài học bổ ích mới. Vậy đó, trẻ con khó dạy hay dễ bảo phụ thuộc phần nhiều vào cách cư xử của người lớn.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro