Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

11

Người lớn trong nhà ăn tối vội vàng rồi tiếp tục cuộc trò chuyện rời rạc đến tận tối muộn. Mặc cho những lời khuyên can và giải thích từ bố mẹ lẫn chồng, cô An vẫn kiên quyết sẽ sinh hạ đứa bé này. Tình mẫu tử vốn thiêng liêng là thế, dù cho có muôn vàn cách trở và trùng trùng khó khăn, một khi người mẹ đã hạ quyết tâm thì chẳng gì có thể ngăn cản họ. Mọi người cũng không còn cách nào khác, chỉ đành đồng ý sẽ cùng cô An đi qua chặng đường gian nan phía trước với điều kiện cô phải chia sẻ với mọi người và tuyệt đối tuân theo các chỉ định y khoa. Thấy đêm đã muộn, ông bà ngoại gọi điện nhờ người đặt lịch khám ở bệnh viện phụ sản, dặn dò đứa con gái 30 tuổi đầu vẫn bướng bỉnh này rồi ra về. Thầy Tuấn đi theo đến tận cổng khu chung cư để tiễn gia đình nhà vợ. Ông bà vẫn lo lắng không nguôi, dặn đi dặn lại cậu con rể phải hết sức để ý đến sản phụ cứng đầu kia, thầy Tuấn cũng vâng vâng dạ dạ liên hồi.

Thầy Tuấn trở về căn hộ nhỏ, trong một phút bỗng hốt hoảng vì phòng khách chẳng thấy vợ đâu. Cố gắng trấn tĩnh lại liền nghe được thanh âm của cô An từ trong phòng của Tùng Bách, thầy không ngại thở hắt ra một hơi thật dài rồi nhẹ nhàng đi về phía phòng cậu con trai. Cánh cửa phòng chỉ khép hờ, từ bên ngoài nhìn vào có thể thấy được dáng lưng thanh mảnh và suối tóc đen được cắt uốn kĩ càng của cô An. Bên ánh sáng vàng ấm áp tỏa ra từ đèn học của Tùng Bách, hai mẹ con ngồi bên nhau, cô An thủ thỉ nói chuyện với con, còn Tùng Bách dường như làm sai điều gì nên sắc mặt không được tốt. Thầy Tuấn tiến gần thêm một bước, im lặng lắng nghe:

"Bách không được như vậy nữa con nhé. Bố mẹ bận việc một tí nên cho phép con được ăn riêng, lại cho con dùng ipad tự do, nhưng cái gì cũng có khuôn khổ con ạ. Bách hôm nay mải chơi đến quên ăn thì lần sau sao bố mẹ tin tưởng cho con được tự do như vậy nữa. Mẹ nói như vậy con có hiểu không?" - cô An miệng vừa dịu dàng khuyên nhủ tay vừa xé thịt gà cho con. Tùng Bách mải mê dán mắt vào màn hình nên cả chiếc đùi gà góc tư cậu chỉ cắn một miếng, phần cơm rang cũng thìa xúc thìa không. 

"Mẹ ơi... con lỡ sai lần này, mẹ đừng..."

"Ừ mẹ biết" - nhận thấy sự rưng rưng trong giọng nói của cậu con trai 8 tuổi, cô An lập tức vỗ về trấn an - "Mẹ biết con chỉ lỡ sai thôi. Không sao hết, con nít phạm sai lầm không phải là hư, chỉ có con nít không biết nhận sai mới đáng bị trách phạt. Đây, mẹ xé thịt gà ra rồi này, Bách ăn đi kẻo đói. Nếu mà nguội quá thì mẹ quay lò vi sóng cho nhé?"

Thầy Tuấn ở bên ngoài lắng nghe, trái tim như tan chảy trước sự dịu dàng và ôn nhu vợ, trong lòng dâng lên cảm giác tội lỗi vì chiều nay không hề nghĩ đến cảm giác của một người làm mẹ mà chỉ lo lắng sức khỏe của vợ sẽ bị cái thai làm ảnh hưởng liền nôn nóng muốn vợ phá bỏ. Chuyện này một lát nữa sẽ phải đàng hoàng xin lỗi vợ sau, còn bây giờ thầy cần phải nghiêm dạy đứa nhỏ nhà mình đã. Mẹ dịu dàng tất nhiên có cái tốt của mẹ, nhưng sự phát triển toàn diện của trẻ em cũng rất cần sự khắt khe răn đe từ bố.

"Không có quay lò vi sóng gì hết. Bốn năm tiếng đồng hồ rồi không ăn cơm xong thì nghĩa là muốn ăn roi rồi" - thầy Tuấn đầy cửa bước vào, âm vực nhỏ nhưng đanh thép làm cả hai mẹ con khẽ giật mình. Thầy bước đến cạnh bàn học,  đặt hai tay lên vai vợ, đưa mắt nhìn khuôn mặt méo xệch của cậu con trai rồi nhìn đĩa cơm nguội ngắt trên bàn rồi lại nhìn cu cậu mặt đã xám thêm một tông. Cái nhíu mày đầy uy nghiêm của bố làm Tùng Bách ứa nước mắt, hai bàn tay xoắn vào nhau vặn vẹo đầy bất an. 

"Tùng Bách đứng dậy, bước ra đây bố bảo" - thầy Tuấn giữ nguyên cái nhíu mày kinh điển của mình, thu vào tầm mắt dáng vẻ nhìn mẹ cầu cứu của cậu con trai, ngay lập tức với tay lấy cây thước kẻ bảng ở bên cạnh gõ hai cái xuống mặt bàn - "Nào, không có nhìn mẹ gì hết, ngay lập tức bước ra đây khoanh tay lại, nếu không đừng trách bố".

Tùng Bách từ bé đã biểu hiện là một người con trai dũng cảm, có trách nhiệm. Ngày trước đi học mẫu giáo bị bạn giành đồ chơi giằng co đến xước một đường dài dưới bụng cũng chỉ đi báo với cô giáo là bị giành mất đồ chơi chứ tuyệt nhiên không ăn vạ, mãi đến chiều về được bố tắm cho mới chịu kể ra, lại còn luôn miệng bảo con không sao, bạn chỉ lỡ thôi, cô giáo khuyên nhủ xong bạn cũng trả lại cho con rồi. Lại có một lần qua nhà ông bà ngoại ăn giỗ, cậu lăng xăng theo chân người lớn soạn dọn nhưng chẳng may bất cẩn làm ngã lư đèn cầy trên bàn thờ, kết quả là đèn cầy bị vỡ, dầu hỏa đổ ra làm hỏng lớp sơn mài của kệ gỗ. Cậu Nghĩa thương cháu nên đứng ra nhận trách nhiệm nhưng Tùng Bách không chịu, vừa khóc vừa tự kể tội bản thân làm người lớn trong nhà không những không giận mà con khen thưởng cho sự thật thà đầy trách nhiệm của đứa nhỏ. Đứng trước sự trách phạt của người lớn, Tùng Bách đương nhiên phản ứng đầu tiên sẽ là sợ sệt muốn trốn tội như bao đứa bé đồng trang lứa nhưng ngay lập tức có thể tự điều chỉnh tâm thái, dám làm sai thì phải dám chịu phạt, đúng là một đấng nam nhi "mini".

Tùng Bách hít một hơi dài, đưa tay lau nước mắt rồi ngoan ngoãn vòng hay tay đứng trước mặt bố. Điệu bộ của cu cậu khiến cô An không khỏi bật cười khẽ còn thầy Tuấn phải cố lắm mới tiếp tục giữ nét lạnh lùng chuẩn bị giáo huấn con. Chắp hai tay ra sau lưng như một ông giáo trên bục giảng, thầy cất tiếng hỏi:

"Tùng Bách, trước khi ăn tố bố dặn con như thế nào, nói lại cho bố mẹ nghe"

"Dạ bố bảo hôm nay cho phép con vừa ăn vừa xem ipad, nhưng trong vòng 1 tiếng phải ăn xong rồi tự xem lại bài vở ạ" - Tùng Bách dù rất sợ nhưng cố gắng nói rõ ràng rành mạch từng chữ, cậu nhỏ này đúng là có khí chất mà.

"Đúng rồi. Bố dặn những gì con đều nhớ hết. Vậy con nói xem con có vâng lời không?"

"Thưa bố...con không ạ...Con...sai rồi ạ..." - càng về sau giọng Tùng Bách càng đặc lại. Đứng trước dáng vẻ nghiêm khắc giáo huấn của thầy Tuấn thì đến các cậu nam sinh cấp 3 đã nhổ giò trổ mã còn phải kiêng sợ chứ nói gì cu cậu 8 tuổi này.

"Nói rõ ra con đã làm gì, sai chỗ nào. Bố không bao giờ muốn nghe lời nhận lỗi sáo rỗng vậy" - thầy Tuấn đưa thước nhịp nhịp vào hai cành tay nhỏ đang khoanh vòng ngoan ngoãn trước ngực của cậu con. Tùng Bách bé nhỏ của chúng ta dĩ nhiên là sợ đòn, nước mắt lập tức rơi lã chã không kiểm soát. Cô An xót con từ nãy giờ liền không nhịn được nước, đưa tay gạt cây thước của thầy Tuấn, không quên lườm dỗi chồng một cái rồi kéo con trai đứng đối diện với mình. Từng ngón tay thon dài thanh mảnh của cô nhẹ nhàng lau đi giọt nước mắt nóng hổi đang không ngừng lăn dài trên gò má cậu nhóc:"Không sao...không sao... Con cứ thật thà nhận lỗi. Không sao..mẹ ngay đây mà."

Sự điềm tĩnh và ôn nhu của mẹ dường như tiếp thêm cho chàng trai 8 tuổi rất nhiều dũng khí. Tùng Bách nén tiếng nấc, rành mạch nói với bố mẹ rằng hôm nay là cậu ham xem chương trình đến quên luôn cả ăn cơm, quên luôn cả lời dặn của bố, cậu biết sai rồi, cậu không dám nữa. Thái độ thành khẩn của đứa nhỏ khiến thầy Tuấn rất hài lòng nhưng thầy vẫn quyết định răn đe cho đến cùng để tránh lặp lại lần sau. Ông cha ta bảo cây non dễ uốn, con nhỏ dễ răn là vậy, đã giáo huấn thì nhất định cần đến nơi đến chốn, tuyệt đối không vì mềm lòng mà nương tay khiến con trẻ nghĩ rằng nước mắt là "kim bài miễn tử". Thầy Tuấn xoay người Tùng Bách đứng vuông góc với mình, tay cầm thước nhịp nhịp lên cặp mông nhỏ. Đi học cả ngày về, đứa trẻ này vừa mải chơi, người lớn lại vừa bận rộn không quản là lập tức quên hết phép tắc, đến cả đồng phục còn chưa thay ra. Thầy Tuấn giơ cao thước định nhắm vào mông cậu con mà vụt xuống một roi nhưng cô An kịp thời lên tiếng ngăn cản:"Thôi được rồi anh. Hôm nay ai cũng mệt, đừng làm tội con nữa". Nếu là bình thường thì chắc chắn cô An chẳng thể nào ngăn nổi thầy dạy con nhưng hôm nay thì khác, thầy không muốn làm vợ phiền lòng thêm. Thầy không muốn phạt đòn xong thằng bé khóc thì cô An lại phải ở bên dỗ dành giảng giải, điều thầy muốn lúc này là vợ mình dược nghỉ ngơi.

"Bách ơi, con nghe mẹ nói này: những điều bố mẹ dạy con luôn luôn là muốn con hình thành thói quen tốt. Trẻ em được rèn thói quen tốt thì sau này lớn lên mới có thể xây dựng xã hội tốt đẹp. Con phải luôn nhớ và nghe theo, đừng vì bố mẹ bận rộn vô tình quên để ý mà làm sai làm trái. Mẹ nói vậy Bách có hiểu được không?"

"Vâng ạ..." - Tùng Bách biết mình thoát khỏi một trận đòn nhưng vẫn còn mếu máo khóc.

"Nào mẹ thương, bố tha rồi, không khóc nữa... Không phải vì mẹ xin bố, mà là vì Bách phạm lỗi lần đầu lại còn biết nhận lỗi nên bố tha đấy nhé, không được tái phạm, Bách có nhớ chưa?"

"Bố đã nói là bố tha đâu" - thầy Tuấn vừa trêu vừa răn con - "Hôm nay bố cho con nợ 3 roi, tái phạm là bị đòn gấp đôi, được chưa? 3 roi gấp đôi là mấy roi hả Tùng Bách?"

"3 roi gấp đôi là 6 roi ạ...huhu...con thuộc bảng cửu chương lâu rồi...bố đừng khảo bài con nữa...Con không có lần sau mà...huhu..."

Vẻ mếu máo nhưng vẫn "học bá" của cậu con trai làm cả thầy Tuấn và cô An bật cười - một nụ cười đầu tiên sau cả ngày dài căng thẳng...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro