Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

3. MỘT SỐ TÁC PHẨM KHÁC CỦA NAM CAO

Ở phần 2 này, tôi xin dẫn một số câu văn hay trong chính những tác phẩm mà nhà văn Nam Cao đã viết.

1. "Lòng tôi buồn như một con chim lạc vào lúc chiều thẫm cho đất trời thành mênh mông." (CÁI MẶT KHÔNG CHƠI ĐƯỢC)

2. "Nhưng thực ra thì cái cảnh vô tri làm gì nó biết, mà những người lồng trong cảnh thì ai biết được đâu lòng họ đấy?" (NHÌN NGƯỜI TA SUNG SƯỚNG)

3. "Sống khổ đến đâu, cũng còn hơn chết; cái tâm lý chung của người đời như vậy." (ĐIẾU VĂN)

4. "Chúng biết đời anh là đời chúng. Anh chết đi, chúng chỉ còn một cách, là đi ăn mày." (ĐIẾU VĂN)

5. "Khi người ta phải rỏ từng giọt máu ra để kiếm đồng tiền thì lẽ tự nhiên là người ta phải quý tiền ngang với máu." (ĐIẾU VĂN)

6. "Chỉ có những con ruồi là còn có vẻ sống, có vẻ hoạt động và khỏe mạnh giữa cái thế giới ốm yếu ấy, đã chìm một nửa vào cõi chết." (ĐIẾU VĂN)

7. "Ôi chao! Đời vui quá! Muôn loài sống mạnh mẽ và sung sướng. Không gian là một đám hội xôn xao và rực rỡ. Anh nằm trong đây, như một cái xác chết trong mả lạnh, chua chát nghĩ rằng: Mình không ăn nhập gì đến cảnh đùa vui của người... Đôi mắt anh chìm dần, chìm dần để mờ đi. Đôi mi tím nhạt đã căng lên. Chúng che cảnh hiện tại đi để một cảnh khác tỏa ra." (ĐIẾU VĂN)

8. "Anh lắc đầu... Không phải là cái lắc đầu giận dỗi đâu. Đó là cái lắc đầu thất vọng. Anh biết anh không còn sống được nữa. Anh tiếc vợ. Anh tiếc đời." (ĐIẾU VĂN)

9. "Cái chết bị kìm lại trong một phút, lại bắt đầu chuyển động. Nó tiến dần, tiến dần, từ chân lần tới đùi, rồi tới bụng, rồi tới ngực... Anh hoảng hốt. Đôi mắt anh cố đưa về phía cửa sổ, cố nhìn mãi. Nhưng anh chẳng còn nhìn rõ nữa. Ánh sáng lung linh, lung linh. Không gian bập bềnh như một cái thuyền. Mắt anh loá ra. Chúng mờ đi. Mọi vật xoá nhoà. Có lẽ nào như thế được? Có lẽ nào như thế được? Anh uất ức. Anh ứ nghen. Anh cố kêu lên một tiếng, nhưng không được. Anh u ú, ằng ặc. Đờm đã bịt chặt ống khí quản rồ. Anh ngại thở. Anh cuống cuồng, anh sợ hãi, anh bứt rứt, anh choáng váng... Ôi thôi! Anh chết rồi! (ĐIẾU VĂN) - Cái chết trong truyện Nam Cao lúc nào cũng quằn quại, đớn đau...nhưng có lẽ...cũng là cái chết duy nhất mà con người ta mới thực sự làm người.

10. "Bây giờ thì sự im lặng bất tuyệt đã bịt chặt đôi tai anh, chán nghe những lời mỉa mai của đời rồi. Bóng tối đời đã phủ kín đôi mắt anh, mở thao láo nhiều đêm để nhìn trong bóng tối những cảnh nó làm anh nhục nhã. Anh đã có thể dửng dưng đối với những chuyện của loài người... Vậy thì anh Phúc ơi! Anh hãy nghỉ cho yên! Những chuyện đời này bây giờ chỉ còn là của chúng tôi. Chúng tôi, những kẻ đã đau khổ, đã uất ức, đã ao ước, đã khát thèm, đã thất vọng và vẫn còn hy vọng mãi và phải hy vọng mãi. Sự đời không thể cứ mù mịt mãi thế này đâu. Tương lai phải sáng sủa hơn. Một rạng đông đã báo rồi. Một mặt trời mới sẽ mọc lên bên trên nấm mồ anh và bên trên đầu hai đứa con côi anh để lại. Một bàn tay bè bạn sẽ nắm lấy bàn tay chúng và dắt chúng cùng đi tới một cuộc đời đẹp hơn." (ĐIẾU VĂN)

11. "Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... Toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương..." (LÃO HẠC) - Nam Cao cứ như đi guốc trong bụng người ta vậy.

12. "Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn..." (LÃO HẠC)

13. "Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lai đáng buồn theo một nghĩa khác." (LÃO HẠC)

14. "Hắn phải cho in nhiều cuốn văn viết vội vàng. Hắn phải viết những bài báo để người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc. Rồi mỗi lần đọc lại mỗi cuốn sách hay một đoạn văn ký tên mình, hắn lại đỏ mặt lên, cau mày, nghiến răng, vò nát sách mà mắng mình như một thằng khốn nạn... Khốn nạn! Khốn nạn thay cho hắn! Bởi vì hắn chính là một thằng khốn nạn! Hắn chính là một kẻ bất lương! Sự cẩu thả trong bất cứu nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật đê tiện. Chao ôi! Hắn đã viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt phèo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi. Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến văn chương. Thế nghĩa là hắn là một kẻ vô ích, một người thừa. Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có... Hắn nghĩ thế và buồn lắm, buồn lắm! Còn gì buồn hơn chính mình lại chán mình? Còn gì đau đớn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì mà nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt?" (ĐỜI THỪA)

15. "Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn." (ĐỜI THỪA)

16. "Ai làm cho khói lên giời,
Cho mưa xuống đất, cho người biệt ly.
Ai làm Nam, Bắc phân kỳ,
Cho hai hàng lệ đầm đìa tấm thân..."
(ĐỜI THỪA)

17. "Tạng người y không cho y cầm súng, cầm gươm. Y sẽ cầm bút mà chiến đấu..." (SỐNG MÒN)

18. "Và trong một phút, những mộng xưa lại sôi nổi ở trong lòng y. Nhưng chừng chỉ sôi nổi lên trong một phút rồi lại chìm ngay. Tiếp theo là một sự bình lặng, buồn như một cảnh quạnh hiu. Thứ tê người. Hỡi ôi! Còn gì lại của thời xa, của cái thời xa mới cách đây độ bốn, năm năm. Y đã sợ đi. Y đã sợ sự khó khăn. Y sẽ chẳng bao giờ tự ý rời nổi cái trường này. Cuộc đời ở đây cố nhiên là chẳng đẹp gì, nhưng chắc chắn là y có ăn, có mỗi tháng ít nhiều để giúp gia đình. Đi là đến những cái chưa thấy đâu, sự bấp bênh, một cuộc đời chưa biết thế nào mà chắc chắn." (SỐNG MÒN)

19. "Tiếng nói run run và như thiếu sức. Giọng tuy gắt gỏng mà tiếng vẫn không vang lên được: nó cứ âm âm trong lồng ngực; dường như cái ngực hơi yếu ớt... Cái thứ tiếng già nua ấy, trong đêm khuya vắng lặng, có một vẻ gì buồn lắm. Thứ đã lặng người đi như thấy cả một nỗi cô đơn đang rót vào lòng. Tiếng guốc của bà già vang lên và nhỏ đi dần. Thứ hình dung ra bóng một người con gái bước chân nặng trĩu, vừa đi vừa lau nước mắt, lủi thủi theo sau. Sao mà buồn thế!..." (SỐNG MÒN)

20. "Nhờ sự học thức, y đã nhích lên được một chút bên trên giai cấp của y. Nhưng hơn ngàn kiếp nô lệ vẫn còn đè trên trái tim y. Y không thể cất đầu lên được." (SỐNG MÒN)

21. "Chất độc ở ngay trong sự sống. Người nọ, người kia không đáng cho ta ghét. Đáng ghét, đáng nguyền rủa, ấy là cái sự sống lầm than nó đã bắt buộc người ích kỷ, nó đã tạo ra những con người tàn nhẫn và tham lam..." (SỐNG MÒN)

22. "Không bao giờ chúng ta có thừa nỗi bất bình! Hãy dành sự uất hận cho những cơ hội lớn, những công việc lớn..." (SỐNG MÒN)

23. "Trước mắt y, chỉ còn lại một cái nhân loại mênh mông, rất bao la, rộng rãi, cái nhân loại hỗn độn đang bị khổ cực, đau đớn, điên cuồng vì những lỗi lầm của mọi người, một cái nhân loại đang sống một lối sống tối ư vô lý." (SỐNG MÒN)

24. "Y ngừng một chút để thở hồng hộc như bò, rồi rít lên, hai hàm răng khô nghiến chặt:
- Đời!... Ôi chao đời!..." (SỐNG MÒN)

25. "Thứ đứng tựa mạn tàu... Người ta không thể ước ao một buổi sáng đẹp hơn. Trời xanh lơ, màu xanh như vừa mới quét sơn. Một vài túm mây trắng, lửng lơ. Không gian như rộng quang ra. Ánh nắng chan hoà và rực rỡ. Nhưng Thứ buồn..." (SỐNG MÒN)

26. "Đời y sẽ mốc lên, sẽ gỉ đi, sẽ mòn, sẽ mục ra, ở một xó nhà quê. Người ta sẽ khinh y, vợ y sẽ khinh y, chính y sẽ khinh y. Rồi y sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống!..." (SỐNG MÒN)

27. "Chết là thường. Chết ngay trong lúc sống mới thật là nhục nhã." (SỐNG MÒN)

28. "Ấy là thói quen, lòng sợ hãi sự đổi thay, sợ hãi những cái gì chưa tới. Ấy thế mà trên đời này lại chẳng có cái gì tới hai lần. Sống tức là thay đổi..." (SỐNG MÒN)

29. "Thứ nhớ đến cuộc chiến tránh ghê gớm hiện thời. Bao nhiêu người chết! Bao nhiêu thành phố nát tan! Cái thảm sông máu, núi thây thật là rùng rợn. Nhân loại lên cơn sốt rét, đang quằn quại, nhăn nhó, rên la, tự mình lại cắn mình, tự mình lại xé mình, để đổi thay. Cái gì sẽ trồi ra? Lòng Thứ đột nhiên lại hé ra một tai ánh sáng mong manh. Thứ lại thấy hy vọng một cách vu vơ. Sau cuộc chiến tranh này, có lẽ cuộc sống sẽ dễ dàng hơn, công bằng hơn... đẹp đẽ hơn... Nhưng y lại đỏ mặt ngay. Người ra chỉ hưởng được cái gì mình đang hưởng thôi. Y đã làm gì chưa?..." (SỐNG MÒN)

30. "Người ta thường trách tôi vô tình cảm. Nhầm. Tôi chỉ ghét sự giả trá mà thôi. Mà bởi ghét giả trá quá, tôi lại thành ra giả trá. Có điều tôi giả trá theo cách khác: Tôi cố ý đóng cũi sắt tình cảm tôi. Thấy người ta thương xót quá dễ dàng, tôi hóa sợ lòng thương; thấy nhiều người khóc quá tài tình, tôi bỗng xấu hổ mỗi khi chực khóc." (ĐIẾU VĂN)

-----------

"Thái độ khách quan và ngôn từ lạnh lùng có lúc làm người đọc băn khoăn về ranh giới giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên khi con người được miêu tả như con vật cả ngoại hình, hành động, tính cách. Nam Cao có bản lĩnh của một nhà văn chân chính, là cái gốc nhân đạo sâu vững đến mức dù ngòi bút sắc sảo cố ý tỏ ra khách quan, dù đối tượng được quan sát từ góc nhìn tưởng lạnh lùng đến tàn nhẫn thì người đọc vẫn nhận ra tài năng lớn, trái tim lớn." (Khảo cứu LÊ HẢI ANH)

"Thật táo bạo khi Nam Cao mong muốn lọc máu cho cả dân tộc: Thế kỷ sau sẽ lọc cho máu chúng ta trong trẻo lại, và đầy trách nhiệm khi tự hỏi Nhưng sao ta lại không thể nghĩ đến chuyện lọc máu ta ngay từ giờ Sống mòn." (Khảo cứu TRẦN ĐĂNG SUYỀN)

"Một đời văn có thể xem là lặng lẽ, chưa lúc nào tự thỏa mãn và yên tâm, hoặc tự tin về mình - một tâm thế viết rất khác với nhiều bạn văn cùng thời, không kể Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng mà ngay cả với Tô Hoài - người kém ông 5 tuổi, nhưng vào nghề lại may mắn hơn ông." (Nam Cao: Đời viết và nghiệp văn - PHONG LÊ)

"Một tác gia thực sự có gương mặt riêng, để không những không bị khuất trong bóng rợp của những người đi trước, mà còn tự mình xác lập một vị thế mới; vị thế, theo tôi - đó là sự tiếp tục đưa lên đỉnh cao và kết thúc vẻ vang trào lưu văn học hiện thực 1930-1945." (Nam Cao: Đời viết và nghiệp văn - PHONG LÊ)

"Và, như vậy là, với mở đầu bằng tập truyện Chí Phèo, và kết thúc bằng tiểu thuyết Sống mòn; chỉ trên dưới 5 năm - Nam Cao đã tạo ra được một thế giới riêng, in đậm một cảm quan mới về hiện thực, khác với tất cả các bậc tiền bối trên cả hai giòng lãng mạn và hiện thực." (Nam Cao: Đời viết và nghiệp văn - PHONG LÊ)

"Có lẽ rõ hơn một số người viết khác, ở Nam Cao - đời sống và đời văn là gắn bó với nhau như hai mặt một tờ giấy mỏng, soi bên này mà thấy cả bên kia. Soi vào văn ông để thấy đời; và soi vào đời để nhận thêm các giá trị từ những trang văn im lặng...
Thuộc trong số người viết văn sớm hy sinh cho Tổ quốc, và nếu chỉ tính thế hệ thành danh trước 1945 thì Nam Cao là người duy nhất, hy sinh ở tuổi đời 36, và tuổi nghề chỉ trên 10 năm. Mười năm - một sự nghiệp gắn nối hai giai đoạn trước và sau 1945; cả hai kết thành một phù điêu bất hủ trong lịch sử văn chương Việt hiện đại." (Nam Cao: Đời viết và nghiệp văn - PHONG LÊ)

-----------

Đọc Nam Cao, tôi thấy thấu hơn về chữ "ĐỜI"...

Và...đọc Nam Cao, tôi thấy được sự nghiêm túc trong "đời viết và nghiệp văn".

_HẾT_

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro