Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 1

Hôm nay anh ấy lại về trễ.

Chẳng có ngày nào anh ấy về sớm, ít nhất là trước chín giờ. Tôi không biết anh ấy đi đâu, ở đâu, làm gì, tôi cũng chưa từng gọi hỏi anh ấy trừ những việc quan trọng liên quan đến gia đình hai bên. Tôi biết anh ấy không thích.

Anh ấy không thích tôi, không thích cuộc hôn nhân này.

Anh ấy lấy tôi khi đã lớn tuổi, nhưng tôi lấy anh ấy khi vẫn còn trẻ. Khoảng cách chín tuổi không quá lớn, ít nhất là đối với bố mẹ tôi, nhưng đối với tôi nó lại rất xa xôi. Đó chính là khoảng cách của một người đàn ông đã 35 tuổi đi qua hơn một phần ba cuộc đời, và một cô gái 26 tuổi còn đó bao nhiêu hoài bão cho tương lai.

Chúng tôi lấy nhau đã gần 3 năm. Tôi lấy chồng sau khi tốt nghiệp đại học tầm 6 tháng, khi đó bà nội tôi muốn tôi lấy chồng đến nỗi đòi sống đòi chết, bố tôi phận con trai trưởng nên chẳng còn cách nào khác ngoài việc thúc ép răn dạy tôi, nhìn mẹ tôi khổ sở nước mắt lưng tròng, tôi cắn răng gả cho anh.

Gia đình bên nội tôi được bà nội tự hào răn dạy là có gốc gác từ hậu duệ triều đình nhà Nguyễn. Nói thế nào ấy nhỉ, từ khi tôi có nhận thức về thế giới này đã được bà dạy rằng chúng tôi có nguồn gốc từ Phú Phong công chúa- con gái thứ của Cửu giai tài nhân một trong những hậu cung của Vua Minh Mạng. Có rất nhiều tranh cãi về triều đình nhà Nguyễn, nhưng không thể phủ nhận dưới sự trị vì của vua Minh Mạng đã làm nên những năm tháng thịnh vượng cuối cùng của nền phong kiến Việt Nam. Hơn nữa Ngài còn là tổ tiên của chúng tôi, có thể là của mọi con dân họ Nguyễn đất Việt, nên bà tôi rất sùng bái Ngài và luôn tự hào kể cho chúng tôi nghe những chính sách Ngài đã đề ra để trị vì đất nước. Và chính vì như thế, dưới cái mác là hậu duệ của Công chúa thời Vua Minh Mạng, tôi đã được tiếp nhận nền giáo dục mang đậm văn hóa kinh thành Huế ngày xưa, bà tôi thậm chí còn muốn dạy tôi những thứ về Nho giáo, Tứ thư ngũ kinh của Trung Quốc, nhưng vì sự can ngăn nhất quyết của bố tôi nên tôi mới thoát khỏi đại họa bị tụt lùi khỏi nền văn minh xã hội chủ nghĩa.

Huế là quê hương của tôi, tôi là người con gái nơi có dòng sông Hương đã được Hoàng Phủ Ngọc Tường xưng tụng "Người gái đẹp nằm ngủ mơ giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại" chính gốc, nhưng tôi không hề mê màu tím hay thích ăn cơm hến. Từ nhỏ đến lớn, ngoài việc học trên trường và tiếp nhận nền giáo dục hiện đại, tôi còn được bà nội dạy dỗ về những nét văn học độc đáo của kinh thành Huế xưa, được học sơ qua chữ Nôm và học một khúc Nhã nhạc cung đình. Không những thế, tôi còn được dạy rất khắt khe về dáng đi, dáng ngồi, tướng ăn uống, phong cách ăn uống và bao nhiêu cách xử sự khác trong sinh hoạt hằng ngày sao cho phù hợp với mấy chữ "hậu duệ nhà Nguyễn". Sau này khi lớn lên bố tôi có việc công tác vào Đà Nẵng, bà đã bỏ thời gian cùng bố mẹ tôi nghiên cứu trường cấp 3 ở đây, và khi tôi trượt Lê Quý Đôn để học ở Phan Châu Trinh, tôi đã phải chịu bao nhiêu sự chỉ trích. Tôi đã từng khóc lóc đau khổ đến nỗi định rạch tay tự tử, nhưng rồi tôi nhớ đến mẹ tôi. Mẹ tôi thật bất hạnh khi bị gả vào gia đình này, bà ấy như tấm gương phản chiếu cuộc đời tôi vậy. Tôi không thể chết rồi bỏ lại bà như vậy.

Đến lúc thi đại học, vì đã được bà nội đặt ra mục tiêu từ trước là đậu Đại học Bách Khoa Hà Nội, tôi đã học nhiều đến nỗi mờ cả mắt, một ngày chỉ ngủ nhiều nhất 3 tiếng. Khoảng thời gian ấy đến bây giờ nhớ lại tôi còn rùng mình, sau khi thi xong tôi gầy hơn 10kg, suy nhược đến nỗi nằm viện gần 5 tháng, thật may mắn làm sao là tôi đậu suýt soát. Bằng không, có lẽ tôi chết mới vừa lòng bà nội.

Tôi học ở Hà Nội bốn năm. Bốn năm ở đất khách quê người chỉ một thân một mình. lắm khi tôi nghĩ mình sống trên đời có phải thất bại quá không, khi bao nhiêu bạn gái khác đồng trang lứa đều được thoải mái vào trường mình thích, thậm chí là học ở trường tư cũng không sao, mà tôi đến cả việc kết giao bạn bè khác giới cũng không được. Dù cho tôi không có người thân nào ở đây, nhưng cứ mỗi 7 giờ tối nhà tôi sẽ lại video call, nếu tôi không kịp bắt máy thì sẽ bị mắng và bị truy hỏi đủ đường. Tôi vừa học vừa làm, nhà tôi chỉ cấp tiền học phí, còn bao sinh hoạt phí khác tôi đều phải tự chi trả. Hà thành tấc đất tấc vàng, có tháng không đủ tiền đóng tiền nhà tôi phải gặm mì gói qua bữa. Cũng có khi tôi bị ốm, cũng có khi tôi bị cướp, nhưng thế nào đi nữa tôi cũng chỉ có một mình.

Tôi cũng có bạn. Một người bạn ở Đà Nẵng. Cô ấy học cùng trường cấp 3 với tôi, nhưng sau khi thi trượt đại học cô ấy đã lấy chồng rồi chuyển ra Hà Nội. Nhà cô ấy ở quận Hoàng Mai, mỗi khi buồn buồn tôi đều đi xe ra đó rồi tìm cô ấy nói chuyện. Người nhà chồng cô ấy ai cũng khinh cô ấy ít học nên đối xử với cô ấy tệ bạc, tôi nhiều khi tức lắm nhưng chả thể làm gì, đó là cuộc sống của cô ấy, và có khi đó cũng chính là tương lai của tôi.

Thậm chí tôi còn sẽ lấy một người chồng mà mình chẳng biết mặt.

Và quả là thế thật.

Sau khi tốt nghiệp loại Giỏi Bách Khoa Hà Nội, tôi trở về làm việc ở Huế. Thế nhưng vừa mới đi làm chưa bao lâu, tôi đã bị bà nội bảo đi xem mắt, một anh chàng hơi lớn tuổi một tí nhưng được cái chững chạc và gia thế cũng này nọ lắm. Tôi làm theo để chiều lòng bà, nhưng tôi không ngờ đây chỉ là thủ tục để tôi lấy chồng thôi. Không lâu sau đó tôi nghỉ việc và gả cho anh, chóng vánh và nhạt nhẽo như vậy.

Có lẽ anh không thích mẫu con gái như tôi. Một cô gái có thể nói là hiền thục quá mức cho phép, và nhàm chán đến độ hàng ngày chỉ làm những việc giống nhau: đợi anh về nhà, giúp anh cởi áo vest, đặt dép lê cho anh xỏ vào, nấu bữa tối cho anh, đêm làm nghĩa vụ của một người vợ. Càng ngày anh càng tỏ rõ thái độ với tôi, tôi biết chứ, nhưng vẫn ngoài mặt chịu đựng. Lâu dần anh đã chán ghét tôi đến độ không muốn thấy mặt tôi nữa và bảo tôi đi kiếm việc, tôi chỉ chờ có thế, liền xin vào làm việc ở một công ty thiết kế đồ họa máy tính, đem cái bằng loại giỏi khoa Công nghệ thông tin Đại học Bách khoa Hà Nội nướng vào công việc làm thuê một tháng mười mấy triệu.

Tôi hài lòng về cuộc sống hiện tại. Ngoài kia có bao người đã lấy chồng theo ý muốn của mình và sống một cuộc đời khổ sở, tôi dù không thể lấy người mình yêu lẫn yêu mình nhưng được sống một đời tự do, như vậy chẳng phải quá hạnh phúc rồi sao? Không phải cứ yêu nhau thì lấy nhau sẽ vui vẻ, xã hội bây giờ có mấy ai còn ước mơ một túp lều tranh hai quả tim vàng? Tiếp nhận nền giáo dục cổ hữu là đầu óc tôi chứ không phải con tim tôi, tôi vẫn là một cô gái hiện đại, và dù cho 1 phần cuộc đời tôi đã bị buộc bởi định kiến gia tộc, tôi vẫn phải phần nào đó sống cho mình, cho mẹ.

Tôi chưa đi du lịch nhiều nơi, nhưng tôi đã biết ba tỉnh thành. Sinh ra ở Huế, ba năm sống ở Đà Nẵng, bốn năm học ở Hà Nội, và giờ sống cùng chồng ở Đà Nẵng. Anh cũng là người Hà Nội, nhưng vì công việc nên phải về Đà Nẵng nhưng tôi nghĩ cũng sẽ có ngày ra lại Hà Nội mà thôi. Tôi đã làm việc ở một công ty liên thông từ Nam ra Bắc nên cũng không lo lắng quá nhiều. Nhưng tôi thích Đà Nẵng, thích thành phố của những cây cầu này, không im ắng cổ kính như "người tình mong đợi"* Huế cũng không tấp nập lung linh như "Hà Nội dáng kiều thơm"**. Cuộc sống ở đây diễn ra chậm rãi bình yên, và người dân thì thân thiện đến lạ, hơn nữa mẹ tôi cũng là người Đà Nẵng.

Nhưng càng thích nơi này, càng kết thân với nhiều người, tôi càng nghĩ nhiều hơn về cuộc đời mình. Giá như tôi không sinh ra trong một gia đình có gia phả liên quan đến Hoàng tộc, thì có lẽ tôi sẽ là một cô gái hiện đại sống thật với bản thân mình. Càng nghĩ bao nhiêu, tôi càng buồn bấy nhiêu. Nhưng càng buồn, tôi lại chỉ càng cố tỏ ra không có gì. Thật giả tạo và buồn nôn biết mấy.

Đó là cuộc sống của tôi. Và chắc là đến khi chết đi, nó cũng chỉ thế mãi mà thôi.

*: Trích từ tác phẩm Ai Đã Đặt Tên Cho Dòng Sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
**: Trích từ bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng:
" ...Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành...".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro