Chương 3
Xe dừng lúc nào không hay. Mẹ kéo tay tôi xuống đường. Chân đạp lên sỏi vụn nghe rào rạo, tôi mới biết mình đang đứng trước một trạm xe tồi tàn. Nắng xuyên mái hiên bủng beo thủng lỗ chỗ chiếu xuống hai cái ghế đá phủ đầy bụi bặm.
Tôi nhìn quanh. Cỏ cây rậm rì như một khu rừng. Không có lấy một căn nhà. Hơn trăm mét tít tắp phía xa mới có một xóm chài nhỏ xíu. Đường nhà tôi vẫn quạnh quẽ lạnh ngắt như ngày nào, hơn năm năm nay vẫn không có ai khác đến đây định cư.
Tôi theo mẹ rẽ vào con đường đất nhỏ hẹp ngay sau lưng trạm xe. Con đường rợp bóng cây và lá vụn dẫn tới một căn nhà cũ. Nhà tôi. Đó là gian nhà gỗ mục nát, đóng đầy bụi bặm thời gian. Lá khô phủ kín mái ngói và rêu phong bám đen đặc trên các bậc thềm. Cánh cửa sổ gãy nát còn trơ lại tấm ván, hàng song sắt rỉ sét. Hai cây mai chết khô, thân hình đen sẫm quái dị đứng hai bên cánh cửa gỗ lớn xỉn màu. Căn nhà đã xập xệ vì thời gian. Khoảng sân sạch quang ngày ấy, khoảng sân cỏ dại khô héo bây giờ. Đằng góc sân, mấy lu nước nứt toác, một đống củi khô xếp ngay ngắn chất lên cao, bìm bìm leo đầy. Ngôi mộ em tôi ở sau nhà, hẳn đã bị cỏ cây che lấp.
Căn nhà mang vẻ chết chóc và tiều tuỵ của một cỗ quan tài nằm trong đất. Và quanh đây cũng không có một bóng người. Bất giác, tôi rùng mình: sống một mình giữa nơi hoang vắng này đã quá khủng khiếp rồi, mà lỡ khi tôi xảy ra chuyện gì bất trắc, thì có ai đến cứu tôi không...?
Mẹ thoáng nhìn tôi trấn an rồi đi tiếp.
Đi qua khoảng sân héo úa, tôi đã thấy bà đứng trước cửa, lấy trong túi chiếc chìa khoá cũ rích, mở cái ổ khoá đen kịt.
Thứ mùi hư cũ lâu ngày sực lên khó thở. Qua làn bụi mờ, tôi nhận ra đây là phòng khách. Nó trống hươ hoắc, chỉ có bộ ghế gỗ cũ mèm và cái tủ thờ kê sát vách, cùng một chiếc lư hương nằm chỏng chơ trên đó. Đúng ra còn nhiều đồ đạc hơn thế nữa, nhưng ngày xưa mẹ đã bán đi hầu hết những gì có giá vì túng quẫn. Qua khỏi cửa ra vào ngoài phòng khách là một phòng ngủ lớn - thông ra nhà bếp - có hai chiếc phản kê hai bên. Mẹ tới góc phòng lấy ra cây chổi nhỏ, bắt đầu quét phòng khách. Tôi quét sơ qua tủ đồ trong phòng ngủ, xếp quần áo vào, rồi dọn cả phòng, tiếp tục cùng mẹ dọn nhà bếp; mãi đến bảy giờ tối mới xong.
Tối nay mẹ ở lại, bà chật vật vào nhà bếp nhóm lại củi lửa nấu vài món. Đêm ấy tôi ngủ chung với mẹ. Mẹ choàng vai tôi, khe khẽ hát ru khúc ca êm dịu khi xưa tôi vẫn thường nghe. Tôi mơ hồ chìm vào giấc ngủ trong vòng tay mẹ.
Sáng hôm sau, khi tôi thức dậy mẹ đã đi từ lâu. Trong bếp, cơm ngon canh ngọt đã sẵn sàng.
Giữa trưa ấy mẹ về đây. Từ đằng xa, mẹ bước từng bước khập khiễng vào ngõ, tôi hoảng hốt chạy đến dìu. Trên mặt mẹ ấn đầy dấu bàn tay to bè, môi rách bươm, áo quần xộc xệch. Mẹ nhọc tưởng ngất đi được vì đã bị thương mà còn phải xách thêm vali quần áo và giỏ đồ ăn nặng nề.
Mẹ kể, buổi sáng về, thấy dượng còn ngủ, mẹ lén vào phòng ông trộm tiền mua đồ. Không ngờ dượng phát hiện, ông ta đánh mẹ một trận thừa sống thiếu chết, nhưng mẹ liều mạng cự lại - nhân lúc ông sơ ý, mẹ vơ lấy cuốn sách thật dày đập mạnh vào gáy ông, ông bất tỉnh. Mẹ vơ vội ít tiền, rồi vì biết rằng mình không thể sống với ông ta thêm giây phút nào nữa, nên liền thu dọn quần áo, ra chợ mua đồ ăn và bắt xe buýt đến đây.
Tôi khóc nấc lên và ôm mẹ thật chặt.
Người sinh ra tôi và nuôi tôi lớn khôn từng ngày, người hy sinh cả hạnh phúc bản thân, và quên cả chính mình để bảo vệ tôi, là Mẹ.
Mẹ thương tôi hơn tất cả những gì lớn lao mà tôi có thể mường tượng - thế nhưng tôi lại là đứa con khốn nạn, tệ bạc biết nhường nào!
Tôi đền đáp ơn mẹ bằng những tiếng khóc khiến mẹ buồn lòng. Tôi đền đáp tình cảm mẹ bằng những lần để bà chịu đòn thay mình. Tôi đền đáp tất cả bằng những lần gây ra lỗi lầm khiến bà liên luỵ!
Tôi đáng là một đứa con sao?
Tôi khóc nức nở trong lòng mẹ. Tiềm thức tôi lúc bấy giờ đã vỡ vụn, vì mọi điều đau khổ dằn vặt bỗng dưng tràn về choáng ngợp trong tâm trí...
Hai mẹ con ôm nhau khóc bên thềm nhà, khóc trong tủi nhục, khóc trong khổ đau, khóc trong hối hận, khóc trong nỗi sợ về tương lai...
* * *
Kể từ hôm đó, mẹ bắt đầu ở chung với tôi, may mắn mẹ đã tìm được việc làm, tuy ngày nào cũng phải bắt xe buýt đi khá xa.
Có mẹ ở bên săn sóc chu đáo, tôi dần vui vẻ lạc quan hơn. Ngày nào cũng vậy, sáng sớm mẹ đi làm, tôi ở nhà làm việc lặt vặt, nấu cơm trưa, dọn dẹp đồ đạc,... mặc dù sau này có vất vả hơn vì bụng bầu lớn tháng. Chiều chiều, tôi hay đi dạo ở một bãi biển gần xóm chài. Đến tối, mẹ đi làm về, chúng tôi sẽ cùng nhau ăn cơm, rảnh rỗi nói đủ chuyện trên đời, rồi ngủ sớm. Bao giờ tôi cũng thiếp đi trong tiếng ru hời của mẹ.
Cuộc sống với mẹ thật ấm áp, êm đềm. Thời gian trôi như một tia chớp, thấm thoắt chỉ còn một tháng nữa là đến ngày sinh. Tôi bắt đầu chuẩn bị mọi thứ thật tươm tất, chào đón con ra đời.
Ngày nối ngày, tôi tận hưởng niềm hạnh phúc của người phụ nữ sắp được làm mẹ. Mẹ tôi sắp có cháu, nên cũng vui vẻ phấn khởi hơn, nói cười không ngớt. Tôi thấy mình chưa bao giờ hạnh phúc hơn thế!
* * *
Chiều hôm ấy vẫn như mọi ngày, tôi lại ra đầu đường đón mẹ về. Vừa dợm bước ra khỏi cổng, tôi bất ngờ gặp một hình bóng đáng sợ, đang ngồi lặng lẽ trên hàng ghế trạm xe buýt. Tôi hoảng đến khựng lại, thừ người ra.
Dượng!
Sao bỗng dưng dượng lại ở đây, ngay hôm nay, lúc này? Ông ta đang toan tính gì? Ông ta đã biết chỗ chúng tôi đây ư? Hay là chỉ tình cờ đi ngang qua? ...
Chưa kịp nghĩ nhiều, tôi lại đờ đẫn nhìn chiếc xe buýt trờ tới, dừng đúng ở trạm. Mẹ cúi đầu đi xuống, hầu như không để ý xung quanh.
Dượng đứng dậy, mẹ đã bước xuống lề đường. Tôi muốn hét lên cảnh báo mẹ, nhưng lưỡi líu lại.
Và chậm rồi. Xe buýt tiếp tục lăn bánh chạy đi. Mẹ vừa ngẩng đầu lên nhìn tôi cười dịu dàng, đảo mắt qua đã liền thấy dượng.
Ngay lập tức, ông ta sải một bước tới giơ tay vặn cổ mẹ, rồi thoi thêm một đấm vào mặt. Mẹ không kịp thốt lên tiếng nào. Mẹ lả đi, dượng buông tay để bà ngã dúi xuống đất, rồi ngồi thụp xuống nắm nghiến đầu bà, thô bạo giật ngửa lên bắt bà nhìn thẳng mặt ông. Ông giơ ngón tay chỉ vào tận trán bà mà gắt: "Mày còn dám trốn tao đi nuôi con đ* dại đó! Mẹ con mày đúng cùng thứ ăn cám như nhau! Giờ còn dám trốn đi đâu nữa không?! Theo tao về! Tao không muốn nghe cái giống gì nữa hết!"
"Mẹ!"
Đến tận lúc này, tôi mới sực tỉnh mà gom hết can đảm chạy đến. Nhưng bất ngờ vấp một phiến đá, tôi mất đà, chiếc bụng nặng nề kéo tôi đổ ập xuống đất. Thấy tôi ngã khuỵu, mẹ mặc kệ máu tươi nhơm nhớp trong miệng, cố van lơn: "Anh ơi, cho em ở với con thêm tháng nữa, một tháng nữa thôi! Bây giờ nó sắp..."
Dượng nhấn đầu mẹ xuống đường, một tiếng cốp tàn nhẫn.
"Mẹ...! Mẹ...". Tôi kêu những tiếng đứt quãng đau đớn. Tôi gồng người cố đứng lên nhưng cơn đau ghì tôi xuống. Tôi hoảng loạn: bên lề đường, dượng gườm gườm nhìn mẹ, tay dượng nắm tóc mẹ; khuôn mặt mẹ đẫm máu, mái tóc mẹ đẫm máu, một khoảng đất đẫm máu - dòng máu loang ra như một con rắn chậm rãi trườn. Mắt tôi nhoè mờ những nước, tưởng chừng dòng máu ấy đã loang vào trong mắt.
Ông ta đứng dậy, xốc hông nhấc bổng mẹ lên, thình thịch lê tới chiếc xe tải xập xệ đang chờ sẵn. Mẹ ngẩng đầu nhìn tôi, gom hết tàn lực: "Giang! Đừng lo... mẹ..."
Ông ta cắt lời bằng một tiếng quát rợn người, "Im!", nhét mẹ vào ghế phụ, quăng cho cái khăn mặt và bắt đầu nhấn ga. Khi chiếc xe xình xịch lăn bánh, ông ta bỗng quay đầu liếc tôi.
Đó là ánh mắt sắc lạnh, vằn lên những tia máu hận thù.
* * *
Ba tuần... ba tuần đầy ân hận và âu lo.
Mẹ bị dượng bắt đi, chỉ còn tôi một mình trong căn nhà đáng sợ ấy. Cực chẳng đã, tôi dốc tiền dành dụm đi sinh của mình, mua thức ăn hằng ngày, lòng vô vọng chờ mẹ về.
Thật ra, chuyện tiền nong tôi cũng không lấy làm lo gì mấy, bởi ít ra tôi còn có thể mon men vào xóm chài mượn tiền - mẹ tôi có vài người quen ở đó. Rồi sinh con xong, tôi sẽ đi làm trở lại, dần kiếm tiền trả cũng chưa muộn.
Nhưng điều đã dằn vặt ám ảnh tôi suốt ba tuần vừa rồi là việc tôi đã không thể cứu mẹ thoát khỏi dượng. Nếu như tôi có đủ dũng khí để lên tiếng kêu mẹ từ khi xe buýt chưa dừng hẳn, mẹ đã có thể thoát thân. Dượng tuy vũ phu, nhưng chắc không tàn nhẫn đến mức giết tôi và con tôi. Thế đấy, tôi hoàn toàn có thể cứu nhưng đã không dám. Tôi lâm vào chuỗi ngày tột cùng đau khổ, mỗi giây mỗi phút trôi qua tưởng chừng một thế kỉ dài; mọi thứ cảm giác sợ hãi, buồn khổ, bức bách, tuyệt vọng, căm thù, ... cứ bủa vây lấy cái hồn đang dần vụn vỡ. Tôi đã nguyền rủa bản thân mình ngu ngốc đến hàng nghìn lần, tự hỏi mẹ đang ra sao đến hàng nghìn lần, và tưởng tượng ra đến hàng nghìn viễn cảnh... Mẹ có khoẻ không? Vết thương có làm sao không? Dượng thấy mẹ như thế thì có tha thứ cho chuyện cũ không? Hay chẳng lẽ lại tiếp tục trận đoạ đày...?
Tôi nghĩ là đoạ đày... Bởi tôi không tin ông dượng khốn kiếp ấy có lòng nhân từ... không tin một chút nào...
Thế nên, nếu mẹ có xảy ra chuyện gì, thì tất cả đều là lỗi do tôi - lỗi đã khiến mẹ rơi trở lại vào địa ngục của dượng.
Một cơn gió lạnh chợt lùa vào mặt khiến tôi rùng mình, vội đóng cửa sổ trên xe.
Xe buýt. Vẫn là chuyến xe đã đưa tôi ra khỏi căn nhà kinh hoàng, giờ nó lại đưa tôi trở về.
Ngày hôm nay, tôi đã quyết định gạt bỏ tất cả: gạt sạch mọi nỗi sợ trong lòng, gạt đi chuyện mình có thể trở dạ bất cứ lúc nào, gạt nỗi lo ông dượng khốn kiếp ấy sẽ thái độ gì với mình; tôi quyết định về nhà cũ hỏi thăm mẹ vì tinh thần tôi đã hoàn toàn suy sụp, không thể chịu đựng gì thêm nữa. Dẫu biết rằng tìm về đó không khác gì chuột con tìm đến hang rắn hổ - nhưng mẹ tôi đang ở đó, tôi cần phải biết hiện tại bà thế nào, thì lòng mới chấm dứt mọi sự nặng nề. Dượng có đánh đập, có rủa xả thì tôi sẽ chịu, chịu hết.
Chỉ cần được gặp mẹ...
* * *
Dọc đường đi trong xóm cũ, tôi có gặp vài người quen, định chào hỏi nhưng thấy họ nhìn mình vẻ ghê tởm thì đành thôi. Xấu hổ, tôi kéo chiếc nón rộng vành xuống thấp hơn, cúi đầu đi tiếp.
Ngôi nhà cũ của dượng vẫn không thay đổi gì nhiều, có điều nó càng âm u đáng sợ hơn...
Đứng trước cửa nhà, tay chân tôi run lẩy bẩy đến phát bực. Sự chần chừ cứ níu tôi lại; nhưng càng chần chừ lại càng thêm sợ. Mà, dù có thế nào đi nữa, tôi cũng phải gặp mẹ cho bằng được - không thể đứng như trời trồng ở đây mãi. Tôi đánh liều kêu cửa.
Cửa mở ra. Vừa thấy tôi, ông dượng liền bày ra vẻ mặt muốn ăn tươi nuốt sống người. Chưa kịp nói câu nào, tôi đã bị ông ta quát vào mặt:
"Mày? Con khốn! Còn dám về đây? Muốn tới ăn vạ với tao hả gì? Hay đòi tiền đi sanh? Thứ chó không bằng!"
Nhục... nhục nhã đến chết... Nỗi nhục như muốn nghiến nát tôi ra. Tôi bật khóc, không nói gì bởi cũng không biết gì để nói.
"Khóc... khóc!" - Dượng tởm lợm ra mặt - "Rồi mày tới đây làm gì?"
Vẫn chỉ tiếng sụt sịt của tôi đáp lời, dượng cáu lên, nói luôn:
"Mẹ mày phải không? Muốn gặp nó phải không?"
"Dạ..." - Tôi chỉ nói được bấy nhiêu đó.
"Mẹ mày chết rồi. Nó chết rồi! Nó cũng vì cái thứ con khốn nạn như mày mới chết không nhắm mắt! Đám ma nó mới năm bữa, mày ra nghĩa địa đi mà gặp!"
Trời ơi!
"Nghe chưa? Cút ra đó giùm tao! Gì? Muốn ăn thua đủ với tao hả gì? Thì tới đây này...! Tao không có chừa ai đâu. Mày với cái thứ súc vật trong bụng mày cũng chung mồ với con khốn đó luôn."
Tôi bước giật lùi, tay bịt miệng chặn tiếng thét suýt bật ra.
"Giờ thì cút đi!"
Tôi giật mình vội đi ngay lập tức, đi như chạy. Sau lưng, cánh cửa gỗ thô lỗ đóng sầm lại, dội lên một tiếng chói tai.
Tôi lang thang trên đường. Nắng trưa nóng bỏng rẫy da thịt...
Mẹ mất rồi. Mẹ tôi mất thật rồi?
Tôi khuỵu xuống một gốc cây ven đường, thở ra từng hơi nặng nhọc, vùi mặt vào lòng bàn tay. Và tôi khóc, nước mắt ứa ra đầm đìa, rỉ qua kẽ tay, rơi xuống bụng.
Có một tốp đàn bà trên đường giương mắt nhìn tôi đăm đăm, họ chỉ trỏ tôi lộ liễu và thì thầm vào tai nhau những lời gièm pha. Hẳn trong óc họ đã chứa đầy những lời dượng nhiếc móc về đứa con gái hư thân mất nết và bà vợ ngu xuẩn. Bởi vậy, lúc này họ nhìn tôi không khác gì nhìn một bãi rác gớm ghiếc, một cái xác chết ruồi bọ nhầy nhụa. Tôi ngồi đây mãi chỉ chuốc thêm nhục nhã vào mình.
Tôi run rẩy đứng dậy, lê từng bước nặng nhọc tới nghĩa địa làng.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro