Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 1

Gần xóm chài, có một bãi biển vắng đầy nắng và gió mát rượi. Mỗi ngày vào tầm năm giờ chiều, người ta vẫn gặp một người đàn bà trạc ngoài bốn mươi đi dạo loanh quanh đó, mãi đến sẩm tối vẫn chưa về nhà. Bà ấy ăn mặc giản dị, da thịt sạm chai, mái tóc nhuốm bạc non nửa và vóc hình hao gầy đến tội nghiệp - trông bà già hơn cái tuổi mình nhiều. Đôi mắt hằn đậm nét ưu tư trên khuôn mặt khắc khổ của bà ẩn chứa nhiều điều phức tạp. Đôi khi nó phảng phất hạnh phúc, có lúc lại đong đầy nỗi đau. Khi lòng bà trống rỗng, đôi mắt là tấm gương trong vắt phản chiếu cảnh biển chiều tàn.

Đấy là tôi.

Tôi là Giang, người ta vẫn thường gọi tôi bằng cái tên thân thiết là dì Hải, vì tôi rất yêu biển. Đứng trước biển cả mênh mông, tôi không thể giấu giếm được điều gì nữa nên chỉ có thể nói hết ra để sóng biển cuốn trôi đi mọi khổ đau trong lòng.

Đời người vô thường, sáu mươi năm ngắn ngủ mà thôi. Cho đến chừng qua gần nửa kiếp trầm luân, tôi mới hoài tiếc ngộ ra, rằng số phận con người không do ông trời nào xếp đặt, mà do tự thân người ấy quyết định. Nếu ngày xưa, tôi không phải thứ yếu hèn, vô dụng, thì đã không làm vuột mất tất cả hạnh phúc trong đời. Giờ đây muộn màng rồi, mọi thứ chìm vào dĩ vãng cả rồi, tôi còn than trách với ai nữa? Từ bấy lâu nay, tôi vẫn coi hạnh phúc là điều tột cùng xa xỉ. Mỗi chiều ra biển, tôi lại ôm hy vọng hão huyền rằng sóng biển sẽ mang muộn phiền trong tôi đi thật xa... không quay về hành hạ tôi nữa...

Cuộc đời tôi đã trải dài qua bao chuyện ngả nghiêng. Chuyện từ vui vẻ hạnh phúc nhất đến bế tắc khổ đau tận cùng, tôi đều đã thấu, nước mắt cũng đã rơi quá nhiều. Giờ đây đứng ngang ngưỡng cửa xế chiều, tôi muốn được một lần kể ra hết câu chuyện cuộc đời tôi. Một câu chuyện mà tôi đã chôn giấu nhiều năm ròng rã...

Quay ngược thời gian về những ngày tôi chỉ là con bé chín tuổi. Tuy cuộc sống thôn quê ngày xưa đầy khó khăn, đó vẫn là quãng thời gian yên bình nhất trong đời tôi. Tôi may mắn có một gia đình vô cùng hạnh phúc, với ba mẹ và đứa em trai sáu tuổi ưa nghịch. Ba tôi đi đánh cá. Ông kiếm được kha khá tiền nhờ những chuyến ra khơi, vậy nên gia đình tôi cũng tạm đủ đầy. Mẹ ở nhà loay hoay bếp núc. Hôm nào ba về, bà ra xóm chài tiếp ông khiêng cá, dọn thuyền. Phần tôi, tôi thương em tôi nhiều lắm. Thời gian rảnh rỗi tôi dành hết cho em. Cuộc sống nhẹ nhàng trôi như thế. Dù nhà tôi nằm trơ trọi một mình bên đường vắng, tách xa xóm chài, nhưng tiếng cười trong nhà chưa bao giờ thôi rộn ràng, tình yêu thương chưa bao giờ cạn. Tôi còn trông mong điều gì hạnh phúc hơn thế nữa?

Ấy vậy mà, mọi thứ bỗng bất ngờ tan vỡ. Năm tôi mười tuổi, ba lâm bệnh viêm phổi, chỉ chống chọi được vài tháng rồi bỏ cuộc. Ông mất vào một chiều mưa lạnh lẽo cuối tháng mười, khi tiếng sóng ngoài xa gầm gừ át hết tiếng khóc ba người còn lại.

Thương con, mẹ không nỡ tái giá, đành tự gánh vác cả gia đình. Mà giữa vùng hẻo lánh không kiếm đâu ra chỗ làm có tiền, bản thân lại không học vấn, không ruộng vườn; mẹ không còn lựa chọn nào khác ngoài luẩn quẩn trong xóm chài, làm cá, làm lưới, ra chợ quét rác,... Những việc bấp bênh, người ta mướn mới có làm, tiền bạc bữa chênh bữa xiêu. Để đủ tiền mua gạo và thức ăn, mẹ đành bán lần mòn những thứ có giá trong nhà. Đến đôi bông tai ba tặng, mẹ quý hơn mạng sống, cũng bán đi mất.

Một nhà nghèo khổ. Ba kiếp bần cùng. Một mẹ gánh hai con thơ, làm lụng luôn canh như thế, qua ngày.

Trong khi nỗi buồn mất ba vẫn còn dai dẳng trong trí óc, thì qua năm sau, nỗi đau khác lại đến mà dồn chúng tôi vào đường tuyệt vọng. Đứa em bảy tuổi của tôi nhắm mắt đi xuôi theo cha - chết trong đau đớn vì trận bệnh uốn ván hành hạ dữ dội. Tôi không tin được thằng nhóc của mình hằng ngày vẫn giở trò bịp mấy cậu khờ trong xóm, mà nay liệt giường, khổ sở nói không ra lời. Em thật nhỏ bé. Tấm chăn ố đắp trên mình em. Một đêm kia trở bệnh, em khó thở, tức nghẹn, người quơ quắp, cứng đờ... Mẹ tính đưa vào trạm xá, nhưng tiền đâu? Cả ngày hôm ấy chúng tôi đã nhịn ăn vì không còn đồng bạc nào. Mẹ đành thức suốt đêm, dỗ em uống thuốc, quạt em, ôm hôn em, khóc... Rồi mẹ thiếp đi lúc rạng sáng. Mặt trời lên, mẹ sực tỉnh, dậy lay em, thì, người đã cứng lạnh từ lâu...

Mẹ không nói gì nữa. Mẹ không khóc gì nữa. Mẹ nằm cạnh xác em, nhắm mắt. Tận chiều ấy, mẹ vẫn thế. Tôi lay gọi làm sao, vẫn thế. Tôi sợ mẹ lại lặng lẽ như em. Tôi không biết mẹ còn sống hay đã là cái xác. Tôi lập cập chạy vô xóm, nức nở khóc mà kêu cứu, níu chân từng người mình biết.

Mẹ phải nằm viện hai ngày, không còn được lo cho em lần cuối. Người ta chôn em trong sân sau. Mẹ về, đứng trước mộ thật lâu.

Dẫu đau buồn mấy, đời vẫn trôi. Vì còn tôi, vì mưu sinh, vì chính mình, mẹ lại phải gượng dậy đi làm. Tôi toan nghỉ học mà theo mẹ, nhưng mẹ quả quyết không cho. Bà rằng, học vấn là con đường duy nhất của tôi sau này. Nhưng bây giờ tiền trường, tiền ăn, tiền sách,... lấy đâu ra? Và tiền càng lúc ít ỏi, tưởng chừng không bao giờ được cầm một đồng bạc nào trong tay nữa, bởi từ dạo ấy, sức khoẻ mẹ yếu đi thấy rõ, không thể làm nhiều như hồi trước. Thành thử, đến bước đường cùng, mẹ đành chấp nhận đi thêm bước nữa vào năm tôi mười một tuổi.

Chồng mới của mẹ, 'ba mới' của tôi, là một người giàu có. Nhưng dưới đáy mắt ông ta bao giờ cũng cồn lên những ý nghĩ khó đọc được. Ở với ông, cuộc sống tiện nghi đầy đủ hơn. Ban đầu chúng tôi đinh ninh đây là một chốn dựa vững chắc. Thế nhưng trớ trêu một nỗi, dượng lại không hề thương tôi, thậm chí xem tôi như cái gai trong mắt phải nhổ phứt đi. Ông bắt tôi nghỉ học, ở nhà sai vặt đủ chuyện. Và mặc tôi làm gì hay có hiếu thuận đến thế nào, ông cũng không vừa lòng và luôn vin cớ tôi ngu ngốc để chửi bới đánh đập suốt. Mẹ vì bảo vệ tôi nên nhiều lần bị nhiếc móc thậm tệ, có lúc phải chịu đòn lây. Nhiều đêm mẹ khóc thầm vì đã quyết định sai lầm, nên rốt cuộc chẳng cho tôi được sống tốt hơn mà ngược lại, cả hai còn bị hà hiếp đày đoạ như nô lệ trong nhà. Mấy lần mẹ đòi li hôn nhưng ông ta gạt phắt, muốn giữ chúng tôi lại làm người hầu không công. Ông ta khốn nạn hơn tôi tưởng.

Những lúc mệt nhọc, tôi và mẹ vẫn thường an ủi nhau, rằng ít ra mình không còn phải chịu cảnh đói khổ như ngày xưa nữa; rằng chịu đòn, làm việc nhà vẫn nhàn hạ hơn nhiều so với ngụp lặn giữa đống cá tanh hôi. Tôi và mẹ vẫn thường tưởng tượng ra những cảnh tươi sáng. Khi đã trưởng thành, tôi sẽ cùng mẹ bỏ đi nơi khác, tìm một công việc nào đó đủ nuôi sống cả hai. Và chúng tôi sẽ có một cuộc sống tự do, an nhàn, như bao người khác.

Khoảng năm tôi mười bốn tuổi, không biết mẹ đã xin dượng thế nào mà đột nhiên tôi được cho phép đi học. Trở lại học lớp sáu, mặc dù có chút bất tiện về tuổi tác, tôi vẫn học rất vui vẻ, hoà đồng với bạn bè. Tôi gắng học thật giỏi cho mẹ vui lòng, cũng là để củng cố kiến thức bản thân, sau này có thành tích tốt sẽ tìm được việc làm ổn định. Bức tranh tươi sáng mà tôi vẽ ra ngày càng rõ nét, và hy vọng về một tương lai tốt đẹp ngày càng lớn dần trong tôi.

Rồi bỗng, một thảm kịch xảy ra vào một đêm năm tôi mười bảy tuổi, đã tàn nhẫn phá vỡ tất cả hy vọng.

Đêm ấy, tôi đi học về muộn vì bận chuyện trên lớp. Đêm đông. Mới tầm sáu giờ chiều mà đường về nhà đã chìm khuất trong bóng tối. Con đường trải dọc bờ sông, cây cối um tùm, không một mái nhà, lặng ngắt. Một mình tôi đi, đi bộ. Và tôi vẫn cứ đi như thường ngày mà không hề biết thảm hoạ khủng khiếp của đời mình đang ở ngay phía trước.

Gã khốn đó không phải con người, mà là súc vật! Tôi nguyền rủa, nguyền rủa gã rất nhiều. Đến ngày chết đi và khi đã luân hồi qua muôn ngàn kiếp sau, tôi vẫn không bao giờ quên được mối thù này! Gã cưỡng bức tôi, gã huỷ hoại bản thân và cả phần đời còn lại của tôi. Mặc dù tôi đã cố chống cự, hét to kêu cứu, nhưng không một ai ở đó. Bấy giờ, gã như một con thú dữ đang cơn khát máu mãnh liệt thèm xé nát một con mồi. Gã điên dại dằn tôi lại, ngấu nghiến cái xác thịt tuyệt vọng dưới thân. Những nỗi đau đớn dồn dập khiến tôi tưởng mình đang rơi xuống mười tám tầng địa ngục tận cùng khủng khiếp!

Trong một khắc liều mạng, tôi chụp mảnh sành vỡ đâm thẳng vào mắt gã! Gã vật xuống, máu tươi ầng ậng trong hốc mắt, oằn oại, chửi rủa, rền rĩ. Tôi cố sức trở dậy tìm lại quần áo, lội xuống sông rửa sạch những máu me, nhớt dãi gớm ghiếc trên mình, vắt tàn lực bỏ chạy một quãng không xa lắm, trước khi bất tỉnh vì kiệt sức.

Tờ mờ sáng hôm sau, mẹ đi chợ sớm thì thấy tôi nằm gục trên vỉa hè, lạnh cóng và rũ rượi như cái xác. Tôi sốt đến nửa tuần. Ai có hỏi, tôi cố nói dối mình bị chặn đường đánh. May không nhiều người biết chuyện này, dượng cũng ghét dây thêm rắc rối nên cố tình bỏ qua. Chỉ có mẹ nghi ngờ, tôi đành kể hết mọi chuyện lại cho bà...

Đó là kí ức kinh hoàng nhất đời tôi. Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in thứ mùi rượu, mùi mồ hôi nồng nặc kinh tởm trên người gã. Và, cả ánh mắt mẹ hoảng loạn khi nghe tôi kể lại chuyện này...

Đời tôi giờ chẳng còn gì nữa...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro