1: làng ngải bạch hổ
Làng Ngải Bạch Hổ nằm tĩnh lặng ở ngay bên sườn núi Cấm, tách biệt với xứ sở, hầu như chẳng người ngoài nào biết đến. Khách du lịch vòng vèo qua hồ Thủy Liêm, đu lượn lên đỉnh Bồ Hong, cày nát cả Thất Sơn cũng đừng mơ rớ được cái rễ cỏ mọc trong làng. Xét về địa điểm thì làng cũng chẳng nằm trong thâm sơn hiểm cốc gì cho cam. Cái chùa làng - mang tên Bạch Hổ vì người dân nơi đây không được sáng tạo cho lắm - to cồ cộ quay mặt nhìn xuống vách núi như thách thức thiên hạ, đứng từ trên đó ngó xuống lồ lộ cả một miền đồng bằng hùng vĩ, vậy mà chẳng hiểu sao từ dưới ngó lên chỉ thấy cây là cây. Làng cũng cách đường lên núi có dăm cây số, nếu biết chỗ dừng ngay bến xe của ông Hai Thích, rồi chịu khó băng qua vạt rừng dày là sẽ thấy được cây xà cừ ở bên cạnh giếng nước đầy rêu và một cái đền ông Tà nho nhỏ thay thế cho cổng làng. Thế nhưng theo lời của người đi rừng, họ có thể cuốc bộ cả hai ngày trời mà vẫn không tìm được cái đền, cái giếng nào như thế.
Đơn giản một điều: làng Ngải Bạch Hổ không muốn ai nhìn thấy nó, và người thường cũng chẳng ai muốn nhìn thấy làng Ngải Bạch Hổ.
Ngôi làng này nghe đồn là chỉ chứa những ai khai phá nên nó và tổ tiên cháu chắt của họ. Khoảng hai trăm năm trước, trong số những người nông dân khai hoang đầu tiên mở làng trong vùng núi lúc bấy giờ còn u uất, có vài vị là phù thủy. Điều này ghi rõ trong bia đá để ở chùa đàng hoàng. Các vị phù thủy thuộc nhiều dòng khác nhau, người Kinh có mà người Khmer cũng có, hùn lại lập nên một cái đình lớn ở đầu làng, nơi bây giờ chỉ còn trơ một giếng nước, thâu đêm suốt sáng cúng bái, gõ mõ ê a. Người làng sợ họ một phép, bởi vì chốn núi Cấm ngày xưa rừng thiêng nước độc, lắm ma quỷ, phải nhờ đến các thầy mới giải được hạn. Có kỳ một vài thanh niên không chịu được việc cả làng đều phải nhờ cậy vào bốn, năm ông già cốc đế, hơn nữa lại chán ghét bầu không khí ảm đạm vây quanh ngôi đình bèn sấn tới làm ầm ĩ, đòi họ bỏ nghề đi. Mấy thầy nghe theo, không thèm làm phép nữa. Năm đó dịch bệnh kéo qua, giết gần hết gà lợn, lây sang đến người, ai nấy sợ run. Thế là mấy chục năm sau không ai dám động tới ngôi đình.
Các thầy này lại ghét kẻ ngoại lai. Nghe nói họ chôn, dán, vẩy, khắc đầy bùa ngải và nước phép quanh cây xà cừ giữ làng chỉ để tránh người ngoài xâm nhập vào. Họ nói chỉ có mình họ là đủ quyền phép trấn yêu ngôi làng này, sau nếu rủi họ chết đi không ai khác bảo vệ, làng Ngải Bạch Hổ mà đón người lạ vào thì phải hứng chịu khả năng kẻ đó mang theo vong ác, nguyền rủa cả làng bị diệt tuyệt không siêu thoát nổi. Họ còn nói thêm, nếu cúng họ đều đặn tiền tài, của cải, họ sẽ luyện thuốc trường sinh để sau này mãi mãi phục vụ dân làng.
Cái đình từ năm đó càng ngày càng to ra. Dân làng chẳng thờ phụng ai cả ngoài mấy ông phù thủy này, nhưng ai ai cũng thầm công nhận là mấy ổng khiển ngôi làng như khiển một con rối. Có dạo một phường săn vào trú ở trong làng, nhìn thấy một con nai bạc chạy về phía gốc cây xà cừ bèn giơ súng bắn. Thốt nhiên khi con nai ngã xuống, người thợ săn cũng quỵ theo, mũi miệng tuôn máu. Ai bước ngang cây xà cừ cũng lần lượt nằm xuống, đau đớn khôn cùng, nhìn về phía xác con nai chỉ thấy trơ bộ xương trắng...
Lại thêm một đợt nữa, khi người Pháp khai phá núi có lạc đến ngôi làng này, nhưng bước vào thì thấy nhà cửa trống không, khung cảnh hoang tàn. Đến đêm xuống, tự nhiên nghe thấy tiếng cười nói râm ran như thể bị vây quanh bởi người vô hình. Họ nêu giả thuyết rằng dân làng Ngải Bạch Hổ đều là hồn ma bóng quế, chớ nên xâm phạm. Còn người bên ta chỉ nói đơn giản: làng có lối thông qua thế giới bên kia, thỉnh thoảng có kẻ lạc vào thì thấy quang cảnh nơi cõi âm mà thôi.
Đến tận bây giờ cũng có kẻ dọa nhau rằng ai lỡ đặt chân đến làng, lúc ra về hoặc sẽ trượt chân xuống núi, hoặc bị đá lở, đất lở đè. Muốn cho ngôi làng chào đón mình, hoặc phải cưới một người trong làng, làm lễ sao cho long trọng, hai là nhờ người làng nhận nuôi, ba là đến đình cúng miệt mài ba mươi ngày đêm, các vong linh mới tha mạng cho.
Nhưng tại sao đến bây giờ không còn dấu tích của ngôi đình đó nữa?
Theo lời thầy Bạch nói, sau khi ngôi làng đã tồn tại khoảng năm mươi năm, ngay lúc gia trang của những thầy pháp, thầy cúng trở nên đồ sộ nhất, tai họa giáng xuống đầu họ. Trong một đêm sấm chớp bão bùng, gió quật ào ạt rất khiếp, ông thầy Hai Tổ (chẳng ai ghi rõ tên mấy ông này, người ta chỉ gọi dựa theo thứ của mấy ổng rồi gắn chữ Tổ đằng sau, ý nói các ông là những phù thủy đầu tiên trong làng) ra cây xà cừ yểm bùa thì bị sét đánh chết. Một ngày sau đó, tới ông thầy Ba Tổ té lộn cổ xuống giếng. Ông thầy Tư Tổ thì lúc thắp nhang ngày giỗ hai ông kia, bỗng làm rơi mồi lửa vào đống rơm, cháy rụi cả góc đình. Mấy đứa con ổng vốn cũng làm nghề phù thủy đều chết cháy theo cha, và chỉ có họ là những người duy nhất vong mạng. Gia đình ông thầy Năm Tổ cũng tan tác sau dịch bệnh mùa tiếp...
Bi kịch tới tấp diễn ra làm ai nấy kinh hãi. Ngờ đâu mấy ông già tuổi ngót nghét một trăm mà vẫn khỏe mạnh như vâm nối đuôi nhau lăn đùng ra chết, lấy ai để phù phép bảo vệ cho dân làng bây giờ?
Liền sau đó, xuất hiện một toán sư sãi đến thăm làng. Ai nấy cũng nghĩ họ sẽ chết sạch trong vòng một đêm, nhưng không. Mấy ông sư sau khi ngủ dậy sáng hôm sau vẫn hồng hào khỏe mạnh, ai nấy trông thấy đều há hốc miệng. Và họ kết luận: Phép thuật đã không còn linh nữa.
Họ nói tiếp: Cánh phù thủy hóa ra không phải là bảo vệ dân làng, mà chỉ để trục lợi. Làng không hề bị vong linh của ngoại nhân đe dọa, mọi tai họa đều do các ông ấy gây ra.
Họ quyết định: đốt sạch ngôi đình, quy sang Phật giáo chính thống, xây chùa, mọi gốc tích của đạo phù thủy đều phải bị gột rửa.
Thầy Bạch nêu ý kiến của thầy: quy tắc của người làm phù thủy nói rõ: không được sử dụng phép phù thủy để kiếm thật nhiều tiền tài lợi lộc. Nhận thù lao, bố thí từ người khác thì được, nhưng tâm niệm trước nhất vẫn phải là cứu nhân độ thế. Các ông nọ chết là do vi phạm điều này.
Nhưng đáng nói nhất chính là việc cho tới bây giờ, đạo phù thủy lẫn những tín ngưỡng dân gian vẫn chưa hoàn toàn bị xóa bỏ, bùa chú của các ông thầy nguyên thủy kia vẫn còn, và Ngải Bạch Hổ tiếp tục chìm trong bức màn huyền bí.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro