Tôi viết tập “hồi ký” này từ cuối những năm 1970. Viết xong, tôi nhờ anh em ở Long An ̶ tỉnh nhà ̶ đánh máy; ý muốn viết hồi ký để con cháu xem chớ không phải để in ra thành sách, vì trong hồi ký có lắm chuyện“không lấy gì làm hay”, buồn nữa là khác. Nhưng vài ba anh em Long An, không xin phép tôi, tự ý đánh máy thêm mấy bản, chỉ giao lại cho tôi hai bản, họ giữ mấy bản tôi không biết, nhưng tôi được biết họ đã chuyền tay đọc khá rộng. Nhiều bạn bảo tôi cứ phát hành tập hồi ký này đi. Tôi không ưng. Có lý do.
Tôi thấy rằng không ít hồi ký đã được in ấn kể sự việc rất hay mà cũng chen vào một ít điều hoặc tác giả bịa hoặc lúc nghe kể đã thất thiệt. Viết hồi ký trước hết là viết những điều mình mắt thấy tai nghe và tự làm là chính, mà viết về mình thì dễ “chủ quan”: bớt cái dở thêm cái hay là điều khó tránh khỏi; tôi ngập ngừng khi định viết hồi ký là vì vậy. Nhưng có một số việc, nếu mình không kể lại thì không ai biết, không ai nhớ, không ai viết, không ai làm sáng tỏ cho mình bằng mình. Thành ra viết hồi ký vừa là đóng góp sử liệu vừa là yên ủi mình. Trong lịch sử dù là lịch sử của một khoảng đời ngắn ngủi, mình chỉ là một tiếng của ngàn trùng ngọn sóng trên biển sôi động: ghi lại một tiếng, thật ra có nghĩa lý gì lớn lắm đâu, có thêm bớt gì lắm đâu? Nhiều lắm thì làm cho một số người mất thì giờ đọc, hay mất tiền mua. “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”; tục ngữ thì như vậy. Song, da, dầu là da cọp, nhiều năm rồi sâu mọt đục cũng hết. Tiếng, trừ ra tiếng của một số ít vĩ nhân, làm sao mà còn mãi với thời gian? Năm trăm năm sau cách mạng tháng Tám, dân ta sẽ còn nhớ chỉ tên của một mình cụ Hồ, mình ông Giáp. Cho nên, viết hồi ký này, tôi chỉ mong cho cháu một đời sau mình biết được rằng ông nó đã gắng sức làm tròn trách nhiệm ở đời, đã sống có nhân cách. Thế là đủ.
Tôi chỉ viết hồi ký khoảng thời gian 1940-1945 vì đó là thời gian tôi sống có chất lượng hơn hết trong cuộc đời dài quá 80 năm, xấp xỉ 90 năm. Tôi viết “Lời nói đầu” này ngày 27 tháng 10 năm 1995, sau khi tôi đọc lại bản hồi ký lần thứ ba.
Trần Văn Giàu
Câu chuyện mười năm đã kết thúc
Việc gì rồi cũng phải có kết thúc, duy kết thúc hay dở, đúng sai là vấn đề khác. Một ngày, tôi nhớ đâu là đầu năm 1988, tốt trời, tôi được Lê Đức Thọ[1] mời dự buổi chiêu đãi ở T.78[2] với một số đồng chí. Tôi lấy làm lạ: là bởi vì, ở Hà Nội từ 1954 đến 1976, anh Thọ chưa hề đến nhà riêng tôi, chưa hề gọi tôi lên văn phòng hay nhà riêng của anh. Còn tôi thì tôi quen cái tánh “ mọi rợ ” là chưa bao giờ tự mình đến thăm bất cứ ai có chức, có quyền lớn hơn tôi – trừ trường hợp duy nhất là cụ Tôn Đức Thắng mà tôi thỉnh thoảng lên thăm, trước hết là vì anh Hai Thắng cứ vài ba tháng thì xuống thăm hai vợ chồng tôi một lần.
Bữa chiêu đãi hôm đó của anh Thọ, có mặt bốn người được mời: chị Năm Bi[3], Tào Tỵ[4], Tô Ký[5], và tôi – Trần Văn Giàu.
Ăn uống, trò chuyện thân mật. Không có riêng bàn về vấn đề gì cả.
Lúc buổi tiệc tàn, anh em sắp chia tay, thì tôi xin nói một tâm sự, nói với Thọ, giữa Bi, Tỵ, Ký:
“Tôi cảm ơn anh Sáu mời cơm với các bạn đều là quen thân từ lâu. Tôi có việc tâm sự cần nói với anh Sáu, có các anh chị nghe, nghe tôi và nghe anh Sáu sẽ nói sau. Các đồng chí cho phép tôi nói lối nói ở trong tù, tôi và Thọ cùng ở banh 1[6], khám 8; Côn Lôn những năm 1935/1936. Đồng ý chứ?
– Tao là Giàu, mày, ở khám 8, banh 1, là Khải, Phan Đình Khải[7]; hôm nay chúng ta nói chuyện thân mật như cách đây mấy mươi năm, khi còn ở ngoài Côn Lôn. (Tới đây, thì Thọ liền nói với các đồng chí khách kia: hồi ở khám, ở banh tụi mình gọi nhau bằng mày tao như vậy đó, không khi nào có thưa anh, thưa chú; hồi ở Côn Lôn chính Giàu dạy tôi học chủ nghĩa Mác-Lênin, chớ trước đó mình có học gì bao nhiêu đâu!).
Tôi nói với Thọ: “Chúng ta là những người quá 70 tuổi, xấp xỉ 80 rồi, sắp đi theo cụ Hồ rồi. Mấy mươi năm nay, tao chịu những cái hàm oan mà mày, Khải, mày biết hết, biết rõ trắng đen. Chúng ta đều muốn đi theo cụ Hồ một cách thanh thản. Vậy lần này, Thọ về Hà Nội hãy có quyết định rõ, bằng văn bản của Ban Tổ chức Trung ương về tất cả những điều người ta vu cáo cho Giàu, được không? ”
Thọ hứa, hứa trước mặt chị Năm Bi, anh Tào Tỵ, chú Ba Tô Ký.
Chủ khách chia tay nhau trong vui vẻ, thân ái nữa.
Một tháng sau, ủy viên thường vụ Thành ủy là Bảy Dự[8] đến nhà tôi, đem cho tôi một bức thơ, mở ra, thấy cái quyết nghị của Ban Tổ chức Trung ương mà tôi chờ đợi mấy chục năm nay. Người ký tên không phải là Lê Đức Thọ mà là Nguyễn Đức Tâm, đương chức bí thư phụ trách tổ chức như Thọ trước đây. Tôi đọc lên cho Dự nghe. Vả lại bức thư không niêm, chỉ chuyển tải quyết nghị. Chắc ở Trung ương có bản lưu: bốn việc tố cáo, vu cáo, quyết nghị này cho là không căn cứ ; còn một vụ là Deschamps 1935 thì quyết nghị nói rằng tôi, Giàu, có chịu trách nhiệm.
Tôi tuyên bố ngay với Bảy Dự rằng tôi không bằng lòng và tôi sẽ cãi. Dự bảo với tôi rằng, như thế này thì tốt lắm rồi, cãi làm gì nữa. Tôi nói lại rằng tôi sẽ nhờ Thành ủy gởi cho Ban Tổ chức một bức thơ để tỏ rõ lại mọi việc. Tôi đã viết và gởi bức thơ đó, trong ấy không có gì lạ hơn là hai bức thơ trả lời cho tôi của đồng chí Nguyễn Văn Trân (Prigorny)[9] và đồng chí trưởng ban Lịch sử Đảng thành phố – đã chép lại bên trên và đã photocopy. (Xin xem Phụ lục dưới đây).
Một tháng sau nữa, tôi được giấy của Ban Tổ chức Trung ương cho đi Liên Xô nghỉ hè ở Sotchi (Hắc Hải).
Tôi gởi lại cho Ban Tổ chức cái giấy mời ấy với lời cảm ơn thành thật và lời cắt nghĩa vì sao tôi không đi nghỉ mát ở Hắc Hải, dù ý thì rất muốn (mấy chục năm nay tôi chưa được cho đi nghỉ mát ở Liên Xô lần nào). Tôi trình bày lý do là: Từ năm 1930, tôi để vợ trẻ[10] của tôi ở nhà một mình, đi mãi, đi miệt, đi làm “cách mạng chuyên nghiệp”. Từ 1930 đó cho đến sau Genève, tôi chỉ được về nhà hai lần, một lần hơn tháng, một lần 9 ngày; hoạt động bí mật, ở tù, có vợ mà bỏ vợ ở nhà mãi; tôi kháng chiến ở Bắc, vợ kháng chiến ở Nam, hai đứa không ở gần nhau như vậy là gần một phần tư thế kỷ, hết tuổi trẻ. Nay, hoà bình lập lại, tôi không đi nghỉ hè đâu xa mà không có vợ tôi cùng đi. Vậy xin gởi lại giấy mời với lời cảm ơn thành thật chớ không phải là chút hờn mát nào, xin các đồng chí ở tổ chức biết cho.
Không tới một tuần sau, Ban Tổ chức Trung ương gởi vào giấy cho vợ tôi cùng đi nghỉ mát hơn một tháng ở Hắc Hải, viếng Moscou, Lêningrad. Đó là vào năm 1988 thì phải, tôi nhớ không rõ. Kiểm lại, tôi thấy trong hơn ba, bốn mươi năm bị hàm oan, tôi không hề rời công tác, việc gì giao cho dầu nhỏ tôi cũng làm tròn, không giao việc gì thì tôi viết sách, viết báo, dạy học và tôi đã đạt những thành tựu tôi mong muốn, giữ vững tư cách đảng viên, giữa vững nhân cách Việt Nam.
Phụ Lục:
Thư của Trần Văn Giàu
gởi Ban Tổ chức Thành ủy
và Ban Tổ chức Trung ương
Kính gửi: Ban Tổ chức Thành ủy
Đồng kính gửi: Ban Tổ chức Trung ương
Ngày 13 tháng 5 năm 1988, đồng chí Bảy Dự trao cho tôi, tại 70 Phạm Ngọc Thạch, bản “Kết luận một số vấn đề tồn tại về lịch sử đồng chí Trần Văn Giàu” (số 182 – CV/TW) do đồng chí Nguyễn Đức Tâm ký.
Thế là “chung thẩm” rồi! Song tôi thấy cần nói vài lời:
1) Rất buồn là việc đã xảy ra từ 1945 đến 1988 mới có kết luận. Kết luận mà không có tranh biện giữa bên tiên cáo và bên bị cáo. Dù sao, vẫn có kết luận và tôi xin thành thật cảm ơn các đồng chí đã quan tâm đến việc của tôi trong lúc trăm công ngàn việc bối rối, đã kết luận căn cứ vào một phần lớn sự thật khách quan, và đã giải quyết phần lớn các vấn đề làm cho tôi đỡ tủi phận.
2) Về vụ vượt ngục Tà Lài. Bản kết luận viết: “Chưa có chứng cớ gì là Pháp tổ chức cho đồng chí Giàu vượt ngục”. Đáng lẽ phải nói: “Không có chứng cớ gì… ” ; việc đã xảy ra từ 1941, đợi tới bao giờ mới có bằng cớ mà nay hãy còn nói là chưa? Không phải một mình tôi vượt ngục, có cả Tô Ký, Năm Đông[11] v.v.… họ còn sống, có Tào Tỵ biết rõ mọi việc. Đáng lẽ phải hỏi tội vu cáo của kẻ nào cố ý bày chuyện hại người ngay trong lúc làm khởi nghĩa tháng Tám, có hậu quả ghê gớm hơn 40 năm trường. Hỏi tội cho biết vậy thôi, chớ cũng sống chết cả rồi, còn hơn thua làm chi.
3) Về vụ Deschamps[12]: “Việc khai nhận (của đồng chí Giàu) gây tổn thất cho phong trào cách mạng Nam Bộ và gây tổn thất cho đường giao liên quốc tế”. Đúng là tôi không được anh hùng như Trần Phú: Trần Phú không hở môi. Tôi có hở môi, nhận một số việc đã rồi, nghĩa là có trách nhiệm trong sự tổn thất. Song, Nguyễn Văn Trân (Prigorny) còn sống, làm chứng rằng người khai ra Deschamps không phải là tôi, không một ai bị bắt vì tôi khai, cả chỗ ở tôi, ở Phú Lạc (xóm của Trân – tôi ở hai kỳ, rất lâu) không ai thấy Giàu dắt Tây về bắt người tra khảo. Nay tôi về đó, bà con vẫn còn quý mến như xưa. Mà người khai Deschamps cũng không phải là người phát giác. Kẻ phát giác là thợ Sáu, chồng giả của chị Mười Tốt, chánh hiệu mật thám, mà một đồng chí trong Xứ ủy đưa vào Thành ủy phụ trách liên lạc quốc tế! Tay này không bị bắt trong cuộc lại còn đi thăm anh em, rồi sau đó đã có lần toan đánh lừa chị Bảy Huệ[13] nữa, may chị Huệ sanh nghi nên thoát khỏi. Ta bị địch vào cấp ủy. Mà ta cứ đổ cho nhau, đáng tiếc thay! (chánh thằng thợ Sáu đó đón tôi ở Hồng Kông về, gởi ở nhà một sốp-phơ, hai ngày sau, tôi bị bắt, cả sốp-phơ kia và Sáu an toàn). Tôi làm việc liên lạc quốc tế từ 1933 đến cuối 1934, với Ba Nhâm (thành ủy viên thời Minh Khai). Nhâm[14] nay còn sống, gần 80 tuổi. An toàn tuyệt đối. Tôi đã giao việc cho anh khác từ tháng 12/1934.
4) Điểm 5 của Kết luận nói tôi làm sai đường lối Trung ương. Sai với đường lối, thì sai thật. Nhưng mà tôi có biết đường lối của Trung ương là thế nào đâu? Trung ương có gửi ai vào trực tiếp với tôi đâu?
Chú thích (của biên tập viên)
[1] Lúc này, hơn một năm sau Đại hội VI của Đảng cộng sản Việt Nam, ông Lê Đức Thọ không còn ở trong Bộ chính trị Trung ương nữa. Trong những ngày trước Đại hội, ông đã lèo lái mọi cách để ông Trường Chinh không ở lại tiếp tục làm tổng bí thư, tạo thêm đà cho cuộc đổi mới (ông Phạm Văn Đồng bị lung lạc, đã dùng nước mắt để thuyết phục ông Trường Chinh, nhân danh sự “đoàn kết nội bộ”). Ba người rút ra làm cố vấn Ban chấp hành Trung ương khóa VI. Với thế lực của bộ máy tổ chức, an ninh, đối ngoại, quân đội, Lê Đức Thọ tiếp tục nắm giữ nhiều quyền hạn, cho đến ngày ông mất (tháng 10.1990).
[2] Khu trụ sở các ban trung ương của ĐCSVN ở thành phố Hồ Chí Minh (phường 7, quận 3) tiếp giáp các đường Trần Quốc Thảo và Lý Chính Thắng. T.78 là tên gọi của Cục quản trị, phụ trách các cơ ngơi của ĐCSVN. Nhà ở “phía nam” của các ủy viên Bộ chính trị nằm ở đây.
[3] Tức là bà Hồ Thị Bi (Hồ Thị Hoa). Thành lập và chỉ huy “Chi đội 12” (tiền thân của Trung đoàn 312) đã lập nên những chiến công hiển hách từ cuối năm 1945 ở vùng Hóc Môn. Lúc này bà mới tập đọc, tập viết, ký tên BI trông như ba con số 131, nên quân đội Pháp ở vùng này gọi bà là “Madame 131”. Có thể đọc thêm Nguyên Hùng: Nam Bộ - Những nhân vật một thời vang bóng.
[4] Nhà cách mạng lão thành, hoạt động cách mạng từ những năm 1930 ở Bạc Liêu. Làm nghề họa đồ, nên còn có tên là “Họa đồ Lý”. Có thể đọc tiểu truyện của ông trong Tuyển Tập Nguyên Hùng: Tà Lài tụ nghĩa (Hồi thứ nhất: Vì Việc Nghĩa Tào Tỵ Thọ Nạn Tới Gia Định Gặp Bạn Công Trung).
[5] Thiếu tướng Tô Ký sinh năm 1922 (Wikipédia viết 1919), tại làng Bình Lý, Hóc Môn (nay là xã anh hùng Bình Mỹ, huyện Củ Chi). Ông tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi, năm 17 tuổi bị bắt giải đi căng Tà Lài (1940). Đầu năm 1942, ông cùng 7 đồng chí vượt ngục và bị bắt giải lên Bà Rá cho tới ngày Nhật đảo chính Pháp tháng 3,1945. Ông là một trong những người lập Giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa, sau là Chi đội 12. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, được thăng thiếu tướng, Chính ủy quân khu. Ông mất mùng 2 Tết năm Kỷ Mão (1999). Theo Nguyên Hùng:Nam Bộ - Những nhân vật một thời vang bóng (“TIỂU TƯỚNG” TÔ KÝ CHINH PHỤC “NGƯU MA VƯƠNG”)
[6] Banh (từ tiếng Pháp bagne): trại giam. Ở Côn Đảo, có nhiều banh, mỗi banh gồm nhiều khám. Thời Pháp, có 4 banh: banh 1 (trại Phú Hải), banh 2 (trại Phú Sơn), banh 3 (trại Phú Thọ), banh 3 phụ (trại Phú Tường), Chuồng Cọp, Chuồng Bò. Thời Mỹ, thêm trại 5 (Phú Phong), trại 6 (Phú An), trại 7 (Phú Bình, còn gọi là Chuồng Cọp Mĩ, phân biệt với Chuồng Cọp Pháp), trại 8 (Phú Hưng). Tổng cộng 127 phòng giam, 42 xà lim, 504 phòng biệt lập Chuồng Cọp. Các tên “Phú…” được đặt ra dưới thời Nguyễn Văn Thiệu sau Hiệp định Paris, khi quần đảo Côn Sơn được gọi tên là Phú Hải.
[7] Phan Đình Khải là tên thật của ông Lê Đức Thọ. Cả hai đều sinh năm 1911: Trần Văn Giàu ngày 6 tháng 9, Lê Đức Thọ ngày 14 tháng 10.
[8] Bảy Dự: bí danh của Nguyễn Võ Danh, từng giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP HCM, Phó bí thư Thành ủy Đảng bộ TP HCM của ĐCSVN.
[9] Tức Bảy Trân (đừng nhầm với Nguyễn Văn Trấn “ông già Chợ Đệm”), sinh năm 1908, sang Pháp (Marseille) năm 15 tuổi. 19 tuổi, sang Liên Xô học trường Stalin (1927-1930), cùng khóa Nguyễn Thế Rục, Ngô Đức Trì, Bùi Công Trừng, Trần Phú, Bùi Lâm, Nguyễn Khánh Toàn, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Trần Ngọc Danh, Dương Bạch Mai, Trần Đình Long, Bùi Ái. Bí mật về nước năm 1930. Một trong những đảng viên cộng sản hiếm hoi đã tranh thủ được cảm tình và sự ủng hộ của đạo Cao Đài và hàng ngũ Bình Xuyên. Cũng đã từng làm liên lạc giữa Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu với những trí thức yêu nước như Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Tấn Phát, Phạm Thiều... Xem thêm: Nguyễn Văn Trân, người cảm hóa giang hồ Bình Xuyên trong Nguyên Hùng (sách đã dẫn).
[10] Bà Đỗ Thị Đạo. Khi Trần Văn Giàu bị trục xuất từ Pháp về (19 tuổi, năm 1930), cha mẹ ông buộc phải cưới vợ “cho tròn chữ hiếu”. Cuốn hổi ký này, ông đề “tặng vợ tôi, bà Đỗ Thị Đạo, người vợ trung thành, người đàn bà theo đúng truyền thống Việt Nam và truyền thống gia đình”.
[11] Năm Đông: tức Dương Quang Đông, tức Dương Văn Phúc (1902-2003). Ông Năm Đông là nhà cách mạng lão thành đã tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí hội của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sớm hoạt động trong Công hội Đỏ của cụ Tôn Đức Thắng. Ủy viên thường vụ Xứ ủy Nam Kì. Trong thời kháng Pháp, ông là Phó phòng Hàng hải Nam Bộ, phụ trách văn phòng thường trực của ta ở thủ đô Xiêm quốc, Bangkok. Ông đóng vai doanh thương có cửa hàng xuất nhập cảng lớn tại thủ đô Bangkok, mua sắm tàu biển chở súng đạn, hóa chất, máy móc về nước đánh Tây. Trong cuộc sống đầy gian nguy giữa hàng ngũ mật vụ Pháp bố trí dày đặc ở Xiêm, dưới cái tên Xiêm là Nai Chran ông vẫn bình tĩnh làm tròn sứ mạng của mình cho tới ngày bị phe đảo chính bắt. Xem tiểu sử đầy đủ trong cuốn Dương Quang Đông xuyên Tây của Nguyên Hùng (sách đã dẫn). Những năm cuối đời, tuy tuổi cao, ông vẫn lên tiếng chống tiêu cực và sự lưu manh hóa hàng ngũ đảng (như tố cáo sự gian trá của tướng Lê Đức Anh).
[12] Deschamps là đảng viên Đảng cộng sản Pháp, làm thuyền trưởng. Trong cương vị này, ông làm giao liên giữa hai đảng, và cung cấp sách báo tài liệu cho ĐCSVN. Deschamps bị bắt năm 1935 cùng với Trần Văn Giàu. Các nhân chứng ông Giàu kể trong thư này, và nhiều người khác đều cho biết ai là người tố giác và khai báo về Deschamps và Trần Văn Giàu (xem Nguyên Hùng, sách đã dẫn).
[13] Bảy Huệ tức Ngô Thị Huệ hoạt động cách mạng từ những năm 1930, hai lần tù. Bà kết hôn với ông (Mười Cúc) Nguyễn Văn Linh (tổng bí thư tương lai) năm 1948. Hai người gặp nhau lần đầu trước đó ba năm, khi Bảy Huệ thay mặt Tỉnh ủy Sóc Trăng ra đón đoàn tù trở về từ Côn Đảo.
[14] Ba Nhâm tức Trương Văn Nhâm hay Trương Quang Nhâm. Từng làm Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh. Một trong tám người vượt ngục Tà Lài (đợt 2) năm 1942, cùng với Trần Văn Giàu, Dương Văn Phúc (tức Dương Quang Đông), Châu Văn Giác, Trần Văn Kiết (Kiệt), Nguyễn Công Trung, Nguyễn Hoàng Sính (Đức), Tô Ký.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro