01
Hôm nay ngoài trời mưa rồi, từng giọt, từng giọt rớt xuống lộp độp. Mặt đường khô ráo giờ cũng đã lốm đốm những chấm nhỏ, sau đó ướt đẫm dần khi cơn mưa cứ âm ỉ, dai dẳng không dứt. Nước mưa từ tóc mái chảy qua hàng lông mày thưa thớt, lăn xuống hàng mi...
Đã bao lâu rồi ta không đi trong mưa? Nghe tiếng mưa rơi bên tai, cảm giác từng hạt đập xuống mái tóc, thấm vào từng lớp tóc, man mát, không mang cảm giác khó chịu như ta tưởng. Tuy kết quả cuối cùng không mấy tốt đẹp, nhưng ít nhất ta đã rất hưởng thụ cảm giác vui sướng trong quá trình đó.
Mỗi khi trời mưa, tôi luôn ao ước mình được tắm mưa, được gột rửa bởi nước mưa như thời còn bé. Lớn lên rồi thì khác, tôi muốn đi dưới mưa để không ai biết bản thân mình khóc.
Như những đứa trẻ khác, tôi lớn lên ở vùng nông thôn Việt Nam điển hình, nơi những con đường nhựa là một thứ gì đó thật xa xỉ. Tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ những con đường đất dài ngoằn ngoèo, hai bên đường bị bụi rậm che kín, mỗi khi đi ngang đó tôi luôn có cảm giác có thứ gì đang rình rập bên trong bụi cây, chỉ trực chờ nhảy bổ ra cắn một miếng vào chân tôi. Những lúc như thế, chúng tôi thường chạy thật nhanh khi đi qua con đường tối, chạy về phía ánh sáng rồi dừng lại thở hổn hển như chưa bao giờ được thở. Ngoài sợ côn trùng, rắn rết thì có một thứ tôi (và cả anh tôi) sợ hơn hết - sợ ma, mặc dù tôi không biết trên đời này có ma hay không nhưng tôi vẫn rất sợ nó.
Ở chúng tôi thường xuyên ngắt điện vào buổi tối, lúc này, mấy đưa trẻ trong làng sẽ túm tụm lại ngồi với nhau rồi kể những câu chuyện.
Anh hàng xóm của tôi tên Nghĩa, kém chị gái tôi một tuổi, kẻ khởi nguồn cho những nỗi sợ. Những lúc mất điện, anh ấy sẽ qua nhà tôi chơi. Chúng tôi ngồi trên chiếc chiếu được trải ra ở ngoài sân, trên đầu là giàn chanh dây đang trổ bông, bố mẹ tôi thì ngồi ghế ở trước hiên. Trong không khí không có bất cứ ánh sáng nào từ đèn điện, anh ấy kể chuyện ma cho chúng tôi nghe. Tôi vẫn giật mình khi anh ấy dừng lại ngập ngừng một lúc, xong lại hét toáng lên: "Đứa nào đang ngồi giữa chiếu ma kéo đi!" Nghe thế, chúng tôi cuống cuồng đứng dậy, tôi chạy vào hiên ngồi nép vào lòng ba tôi trong tiếng cười ngặt nghẽo của anh Nghĩa. Lúc đó tôi năm tuổi. Tuy nhiều lần bị trêu nhưng chúng tôi vẫn hồ hởi khi anh ấy qua chơi, chờ đợi những câu chuyện mà anh ấy kể.
Từ nhỏ đến lớn, tôi không phải là một đứa nói nhiều, tôi không giỏi biểu đạt cảm xúc của mình - gia đình tôi cũng vậy. Trong cái cảnh túng thiếu, có những ký ức mà khi nhớ lại tôi vẫn cảm thấy co thắt ở lồng ngực. Ba mẹ tôi không phải là những người đã dạy cho tôi cách sống nhưng họ vẫn là những người tuyệt vời nhất, gia đình là nơi tôi cảm thấy yên bình và thoải mái nhất. Nhưng gia đình cũng có lúc ngột ngạt.
Đôi khi tôi vẫn mơ về ngày hôm đó, tiếng mẹ tôi khóc sau bếp, tiếng ba tôi đang chửi ở trong nhà. Tôi còn nhớ rõ vết cây mác chặt vào cột nhà hôm đó, đến tận khi chúng tôi xây nhà mới. Đó có lẽ là ký ức đáng sợ nhất mà tôi còn nhớ về ba. Tôi lớn lên cùng ba nhiều thời gian hơn cùng mẹ, tôi không thân thiết với mẹ lắm. Từ lúc sinh ra cho đến năm cấp hai thì tôi ngủ cùng ba và anh trai, tôi giống như cái đuôi nhỏ đi theo ba tôi khắp xóm. Không lạ gì với phong tục chén chú chén anh của người Việt, mỗi khi uống rượu về thì ba mẹ tôi lại cãi vã. Ba tôi không phải là người hung dữ, ông chỉ hơi lớn tiếng, thích lèm bèm phàn nàn về cái này cái nọ. Tôi hay các anh chị tôi không mấy khi bị ba đánh, nhưng bị mẹ vụt roi thì đó là chuyện thường xảy ra, không có gì lạ cả. Nhưng chúng tôi hiểu, không phải không có lý do, chỉ là ba mẹ quá mệt mỏi thôi.
Quê tôi ở miền Trung, nơi nhiều nắng và gió, nhiều cát. Đồi cát vàng trồng đầy phi lao, mỗi khi gió lớn có thể nghe thấy tiếng vun vút. Tôi và ba tôi thường vượt qua những đồi cát khô cằn để đi về phía đồi tràm, đi chặt củi về thổi lửa. Dưới nắng nóng, cát vàng chạm vào da đến bỏng rát nhưng không thể nào đi dép, bởi vì dép sẽ lún vào trong cát. Ba tôi sẽ bó củi thành hai bó lớn rồi dùng gánh (chúng tôi gọi là đòn triêng) để mang củi về. Tôi bắt đầu đi theo ba lên đồi cát từ lúc lớp một, ba tôi sẽ chuẩn bị cho tôi một cái bao nhỏ nhỏ dạng bao cám lợn con để tôi có thể mang lá dương (cây phi lao) về. Đôi khi, tôi sẽ không mang theo bao mà kéo một nhánh củi lớn về, ngọn cành củi sẽ xóa mờ đi vết chân của tôi để lại vệt dài cho tới nhà. Thực ra, cũng vì những hôm đi giữa trời nắng nên khoảng thời gian đó tôi thường xuyên bị chảy máu mũi về đêm, hoặc gặp ảo giác nhưng tôi lúc nhớ lại, tôi vẫn thích nhất ngày tháng đó.
Sau mùa mưa, khi lên đồi cát, tôi sẽ mang theo bao, nhưng không phải để đựng lá dương nữa mà là để bắt cá. Ở trên đồi cát khi vào mùa mưa, nước mưa sẽ đọng lại thành từng vùng lớn, chúng tôi gọi là 'Bàu'. Nước trong Bàu trong vắt không chút vẩn đục, cát ở đáy cũng có độ lún hơn so với bình thường nên chúng tôi không thể ước lượng được độ sâu của Bàu. Trẻ con thường ra Bàu chơi và tắm ở đó, cũng có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. Tôi ở quê nhà mười tám năm nhưng chưa vào giờ xuống Bàu, bởi vì tôi không biết bơi mặc dù chỗ tôi rất gần sông và biển. Bàu mỗi khi rút nước gần hết sẽ có rất nhiều cá, tôi không biết cá gì nhưng chúng tôi sẽ bắt nó về để ăn. Mỗi lần như thế tôi có thể bắt được một bao lớn!
Ba tôi rất chiều tôi. Mỗi khi chúng tôi đi chặt củi xong, trên đường về ba tôi sẽ hái cho tôi những trái mọc ở trên rừng (rừng phi lao là một loại rừng chắn cát, dạng rừng phòng hộ, nhưng chỗ tôi thường gọi là đồi cát). Mất khá nhiều thời gian để có thể hái hết mấy cây ở trên đường, nếu gặp may thì tôi có thể mang về một mũ lớn quả mao (gọi "óc mao"). Nếu không mang mũ, ba tôi sẽ bỏ vào túi áo hoặc ống quần để tôi vừa đi vừa ăn. Ngoài ra còn có me, óc trang, óc mốc,... nhưng tôi không thích mấy loại này, ăn xong cái mồm vừa đắng mà vừa tím lè. Mẹ tôi không thích ba tôi bỏ thời gian đi hái cho tôi mấy thứ linh tinh này, lúc nào mẹ tôi cũng phàn nàn về điều đó: "Túi rồi không lo về mà toàn đi hái mấy cấy nớ!"
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro