Phụ lụcKinh hoàng trên đảo Kokra
(Trích báo Đất Mới – Tin tỵ nạn)
Những thảm cảnh trên biển Thái lan vẫn tiếp tục xảy ra hãi hùng cho đồng bào tị nan. Một trong những thảm cảnh này vừa được phanh phui do những nhân chứng đã được cứu thoát qua những cơn kinh hoàng trong 21 ngày tại đảo Kokra do bọn hải tặc Thái lan gây ra. Trong số nhân chứng có nhà văn Nhật Tiến và hai vơ chồng nhà báo, ông bà Dương Phục, đã được đưa ra ánh sáng cho dư luận thế giới được biết vì những thảm cảnh hải tặc thường được các nhà chức trách Thái lan làm ngơ vì bất lực và bọn cảnh sát Thái lan thì đồng lõa để ăn có với bọn cướp nên chúng tự do hoành hành.
Đảo Kokra, một đảo hoang trong vịnh Thái lan đã trở nên sào huyệt không che giấu của bọn hung thần ác quỷ.
Có 157 đồng bào bị bọn hải tặc giam giữ trên đảo là do nhiều toán khác nhau mà chúng đưa đến để bóc lột. hãm hiếp, hành hạ... cực kì dã man không bút nào tả xiết, và ngoài sức tưởng tượng của con người. Sau đây là một vài thảm cảnh hãi hùng.
Bà Nguyễn Thị Thương 36 tuổi, đã tốt nghiệp tại Hoa kì, cựu giáo sư trường Bách khoa Thủ đức cho biết: chiếc thuyền của bà chở 107 người khởi hành ở Rạch giá ngày 1-12-1979. Gia đình bà gồm chồng bà là giáo sư đại học Trần Quang Huy, bà cụ thân sinh, hai em trai, hai em dâu và 7 đứa cháu. Sau ba ngày, sau khi thuyền tới hải phận Thái lan thì bọn cướp xuất hiện. Chúng ra lệnh cho 27 người bước qua tàu của chúng rồi lục soát và cướp bóc, chúng rất hung hãn với đàn ông và hãm hiếp đàn bà. Hành động xong, chúng buộc thuyền của chúng ta vào tàu của chúng và kéo đi. Chúng mở tốc lực thật nhanh và quẹo thật gắt để cố tình làm cho thuyền đắm... và thuyền đã chìm mang theo 80 sinh mạng xuống đáy biển. Số 27 người mình trên tàu của chúng bị chúng mang đến sào huyệt là đảo Kokra, nhưng trước khi tàu tới, chúng đã ép 7 người đàn ông phải nhảy xuống biển bơi vào bờ. Cả 7 ông này đều không ai đủ sức bơi nên đã chết đuối trong đó có ông Trần Quang Huy, chồng bà Thương. Mục đích của chúng là giết hết các người đàn ông có mặt. Còn lại 20 người đàn bà chúng đưa lên đảo để làm mồi cho thú tính dã man của chúng.
Ông Dương Phục và bà vợ là Vũ Thanh Thủy thuộc toán khác cho biết: ông bà đã mục kích bọn cướp bắt ông Ngô Văn Liên 54 tuổi há mồm để bẻ gãy 3 chiếc răng vàng. Chúng đè ông xuống lấy búa đập, nhưng không được, chúng lấy tournevis nạy cũng không ra, sau chúng kiếm được một cây kìm rỉ sét để vặn chéo 3 chiếc răng. ông Liên ôm mồm rên la, máu chảy xối xả suốt một ngày; chúng bỏ 3 chiếc răng vàng vào túi và bắt đứa con gái ông 16 tuổi mang đi mất.
Các nạn nhân khi lên tới đảo, nhất là phụ nữ thì tản mát đi tìm các khe núi, hốc đá để trốn tránh bọn chúng. Chúng hành hạ các đàn ông và bắt đi tìm thân nhân phụ nữ; nhiều người không chịu, bị chúng hành hạ tàn nhẫn: ông Trần Minh Đức không nghe lời chúng, bị chúng dùng dây xiết cổ họng đến chết. Ông Nguyễn Minh Hoàng bị chúng treo lên cành cây, ông giãy giụa làm gẫy cành, chúng liền đá ông lăn xuống dốc núi, người em trai ông lại đỡ anh liền bị chúng dùng búa chém vào đầu, máu ra có vòi. Hai tên cướp cắp nách ông này dí đầu vào đống lửa, máu chảy xuống xèo xèo cho đến khi ông ta bất tỉnh.
Một cô bé 15 tuổi đã phải trốn tránh, chui rúc một mình trong một hốc đá với bao nỗi sợ hãi. Sợ từng tiếng lá xào xạc, từng tiếng động nhẹ, sợ từng đàn chuột chạy qua chân, từng con ốc xên bò trên người và sợ luôn cả ma... Nỗi sợ mỗi ngày một gia tăng, sau nhiều ngày chịu dựng không nổi, em đã phải bò ra và bị 4 tên hải tặc thay phiên hãm hiếp.
Một thiếu nữ 20 tuổi sau đêm đầu tiên bị hãm hiếp quá nhiều đă trốn trong các bụi rậm. Bọn cướp biết vậy nên đã nổi lửa đốt các bụi cây, cô bị cháy nát cả sau lưng nhưng cũng không chịu bò ra. Với tấm lưng nát bấy, thịt da nứt nẻ. cô còn tiếp tục trốn chui rúc cho đến lúc quá đau đớn vì sự cọ sát của các cánh cây, cô mới phải bò ra ngoài, nhưng luôn luôn nằm úp mặt xuống đất đưa tấm lưng nứt nẻ hôi thối vào mặt bọn hải tặc để được chúng buông tha, bọn cướp còn lấy gậy đánh vào vết thương của cô để đùa giỡn.
Một cô bạn khác đã phải lấy phân bôi đầy người, đầy mặt để hi vọng bảo vệ tấm thân, mùi hôi thối đã làm chính cô nôn oẹ nhưng bọn cướp vẫn không tha, thay nhau hãm hiếp và còn đánh đập cô tàn nhẫn vì tội trát nhơ bẩn lên người.
Cô C. 23 tuổi, kĩ sư hóa học, sau khi bị hải tặc hãm hiếp, đã trần truồng nhảy từ mỏm đá cao xuống biển với tiếng rú thê thảm. Ai cũng tưởng cô sẽ nát thây vì bờ đá nhọn hoắt, nào ngờ một ngọn sóng to đã đỡ cô lên và hất cô vào một hang đá ngầm trong núi và tại đó cô đã sống sót trong nhiều ngày cho đến lúc nhân viên Cao ủy Liên hiệp quốc đón ra.
Bà Vũ Thanh Thủy còn cho biết: Khi bọn chúng đốt tất cả các bụi rậm, bà và một người bạn gái đã phải lui sâu vào trong rừng, leo lên sườn núi chênh vênh, bên bờ vực thẳm. Các bà ngồi ép bên sườn núi, dầm nắng dãi mưa, qua những đêm lạnh lẽo rét run lẩy bẩy, phải ôm chặt lấy nhau để có chút hơi ấm. Mỗi khi có cơn gió mạnh thổi qua các bà phải bíu chặt lấy nhau để khỏi bị thổi bay xuống vực. Các bà đã chọn những nơi nguy hiểm như thế và có ý định nếu gặp khi có tên cướp nào đi tới một mình thì các bà sẽ hất nó xuống biển.
Các nạn nhân đã sống trong kinh hoàng đói khát cho đến ngày thứ 21, khi có một chiếc trực thăng bay ngang qua. May thay trên đó có ông Schweitzer, một nhân viên của Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc, ông đã trông thấy các nạn nhân và ông đã trở lại đảo Kokra trên một chiếc tàu cảnh sát Thái lan để cứu nạn nhân đưa vào trại Songkla. Tại sở cảnh sát, chính ông đã đảm bảo an ninh cho các nhân chứng để khuyên họ khai hết sự thật ra ánh sáng. Có tin vài tên hải tặc đã bị nhận diện và bị bắt để điều tra, nhưng lạ thay, sau ít ngày chúng đã được thả ra và còn đi dọa nạt các nạn nhân khác nữa.
Người ta rất ngạc nhiên về thái độ của các nhà đương cuộc Thái lan trong những vụ này, nhất là bọn cảnh sát Thái lan đã vào hùa với chúng một cách rõ rệt. Điều này rất dễ hiểu vì các nhà đương cuộc Thái lan rất nổi tiếng về tham nhũng, rất dễ bị bọn cướp mua chuộc để lộng hành.
Số 157 đồng bào được cứu thoát khỏi địa ngục trần gian Kokra đang được định cư tại trại Songkla để đợi ngày đi nước khác. Sào huyệt Kokra đã được ông Schweitzer ghi vào hồ sơ để chuyển về Liên hiệp quốc.
Tôi tự xét mình hồi 60 tuổi
Sàigòn 8.1.1972
Các con
Tục lệ của mình không coi trọng sinh nhật bằng tử nhật. Chỉ một số gia đình sang trọng mới làm lễ chúc thọ cha mẹ, ông bà (hoặc thầy học) khi những vị đó 60 tuổi trở lên: vừa 60 tuổi được coi là lão rồi, có thể dưỡng lão, mọi việc trong nhà giao cho con cháu, mà việc nước cũng để cho "đàn sau gánh vác".
Vì tục lệ đó cho nên ba không bao giờ nghĩ tới – mặc dù có thể nhớ tới sinh nhật của vợ con, ngay của chính ba nữa - cho nó là không quan trọng. Nhưng năm nay thì ba nghĩ tới, vì hôm nay ba đúng 60 tuổi Tây (tuổi ta 61 mà tháng rưỡi nữa qua năm Nhâm Tí đã là 62), nghĩa là đã sống được một hoa giáp (60 măm).
Hồi trẻ có người đoán số ba, bảo chỉ hưởng lộc tới năm nay thôi. Ba cho là sai; ba có thể sống được mươi năm nữa, nhưng từ năm nay thấy mình già rồi; mấy tháng trước té cầu thang, trật gân, mất ba tuần mới khỏi, và gần đây bác sĩ Mazaud chuyên về tim bảo động mạch của ba bắt đầu cứng (artériosclérose), và nghe tim có double souffle (phì phì), ngày nào cũng phải uống hai thứ thuốc sédocaréna và cordarone (hoặc amplivie), có lẽ cho tới suốt đời. Viết lách bình thường (dĩ nhiên trí nhớ đã giảm), nhưng đi nhanh và xách nặng không được. Tóm lại không có gì quan trọng: 60 tuổi mà như vậy cũng là "normal". Má con kém ba 3 tuổi còn mạnh hơn ba, chỉ có một con mắt bị cataracte[302], bệnh đó dễ trị, khi nào nó "chín" thì mổ.
Vậy hôm nay là sinh nhật của ba, cũng chẳng ăn mừng gì cả. Các cụ ngày xưa thường nhân dịp đó làm một bài thơ "tự trào", nghĩa là tự giễu mình. Ba không làm thơ thì ôn lại cuộc đời đã qua.
Tuổi thơ và thiếu niên của ba cực khổ. Mồ côi cha từ hồi 10 tuổi ta, nhờ mẹ và bà ngoại mới được học hành, và cũng nhờ truyền thống gia đình, nhờ số tốt nên mới nổi tiếng là học giỏi trong họ nội họ ngoại và xuất thân được ở trường Cao đẳng Công chánh. Nếu sinh vào một gia đình khác thì đậu tiểu học rồi tất phải phá ngang mà đi làm. Có thể nói nhà chỉ đủ cơm ăn với rau, đậu; đau ốm thì uống thuốc Nam rẻ tiền rồi để cho cơ thể tự chống với bệnh tật chứ không mời ông lang, nhất là bác sĩ (một lần coi mạch của bác sĩ thời đó là 5đ bằng 5.000đ bây giờ). Thời đó những gia đình như gia đình mình sống nhờ thiên nhiên, gọi là nhờ số cũng được: bản chất mạnh thì sống, yếu thì chết.
Đầu năm 1935 ba ra làm việc, năm 1937 lập gia đình, 1938 có con, thì năm 1939 đã bắt đầu thế chiến thứ nhì. Trong mười năm 1935-1945, vì hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế và của chiến tranh, cần kiệm lắm, gia đình mới đủ sống, để dành được một chút, năm 1945 tản cư, của cải mất hết. Từ 1945 đến 1950 vì không chịu trở lại Sở Công chánh nên sống thật vất vả.
Từ 1950 mới vào dạy trường Trung học Long Xuyên[303], vừa viết sách; ba năm sau, cần kiệm lắm, mới gây được một số vốn là non 200.000đ (bằng hai triệu ngày nay) và 1953 bỏ dạy học, lên Sài Gòn sống bằng cây bút. Nhưng mới lên Sài Gòn thì bị hai bệnh nặng: lao phổi và loét bao tử (ulcère bulbaire), trị 4-5 tháng mới hết. Hết rồi, tận lực làm việc, năm 1960 mua được căn nhà ở Kì Đồng này, lúc đó ba đã là 50.
Tóm lại trong non 50 năm vất vả, lúc lên lúc xuống, từ hai bàn tay trắng mới xây dựng được thì vì chiến tranh bị tiêu huỷ hết, rồi lại từ hai bàn tay trắng xây dựng lại nữa. Nét chính trong đời ba là trải qua những đau khổ trong cảnh nghèo hồi nhỏ, nên lớn lên lúc nào cũng tận lực chiến đấu với nó; tính tình có lẽ do đó mà nghiêm khắc, gay gắt, đó là "mặt trái của huy chương"; nếu sinh vào hoàn cảnh như các con các cháu ngày nay, không phải chiến đấu thì tính tình chắc ôn hoà hơn, nhưng nghị lực chắc cũng kém.
Có thêm điểm này nữa cũng đặc biệt: tuy chống với cảnh nghèo mà không bao giờ ba ham làm giàu: năm 1953 lên Sài Gòn, có tiếng tăm một chút rồi, một số bạn rủ ba xuất bản sách giáo khoa hoặc mở trường tư (trung học), hai nghề đó ba làm thì tất thành công và mau giàu, ba từ chối hết, chỉ viết rồi xuất bản sách của mình thôi, mà má con cũng chỉ dạy riêng một lớp tại nhà thôi, không muốn khuếch trương kinh doanh, hễ dư ăn, phong lưu rồi thì thôi. Ngay bây giờ, chỉ xuất bản sách của ba thôi, lợi tức cũng có thể tăng lên gấp đôi, gấp ba nhưng ba không muốn: ba bán tác quyền khoảng 50 cuốn cho mươi nhà xuất bản khác, chỉ giữ lại mươi cuốn xuất bản lấy thôi. Nghĩa là ba để thì giờ mà viết chứ không muốn kinh doanh làm giàu, và biết "tri túc", hạn chế nhu cầu cùng thị dục của mình. Tri túc là một nét của triết lí phương Đông của nhà Nho (tri túc nghĩa là biết thế nào là đủ rồi thì thôi, không cần thêm nữa). Ba nhận thấy rằng con, Hằng và Hải đều không ham làm giàu, tính tình liêm khiết, điều đó đáng khen, giữ được nếp nhà đấy.
Nhờ tri túc như vậy, nhờ để thì giờ mà viết lách, nên tuy non hai chục năm nay – từ 1953 – sự nghiệp văn chương của ba tiến nhiều. Tới nay có trên trăm cuốn (tome), non 90 nhan đề (titre), khoảng một nửa là dịch, một nửa soạn. Về số lượng (quantité) đó, từ trước tới nay chưa ai hơn được. Về phẩm (qualité), ba được coi là cây bút biên khảo và dịch thuật có giá trị nhất; và ba nghĩ rằng trong trên 100 cuốn đó, sau này khi ba chết, còn được mươi cuốn lưu lại đời sau (trong dăm ba chục năm); văn xuôi của ba có được vài chục bài ngắn, dài vào hạng mẫu mực (classique), hay. Nhưng điều đáng mừng hơn là ba được mọi giới trọng là nhà văn độc lập, có tinh thần nhân bản và tinh thần quốc gia cao, có tính tình liêm khiết: đã trên mười lần, ba từ chối những cái mà người ta cho là vinh dự của người cầm bút, như giải thưởng văn chương, làm giám khảo chấm giải thưởng văn chương, làm giáo sư đại học, vô uỷ ban điển chế văn tự, dịch thuật, và hội đồng Văn hoá Giáo dục v.v... Ba cho những cái đó là hư danh mà cũng không ưa những cơ quan đó, người cầm bút nên quí nhất sự độc lập và sự liêm khiết.
Còn sống được mươi năm nữa, cuộc sống được bảo đảm về vật chất rồi ba mong giữ được hai điều đó: độc lập, thanh khiết cho tới cùng và viết hoặc dịch thêm độ mươi cuốn nữa để cho có công việc mà đời bớt buồn, thế thôi.
Cái vui nhất là ít năm nữa được thấy hoà bình, các con cháu, cả Hằng và Hải, về đây tụ họp ít tháng, cúng giỗ ông bà – gia đình mình học hành được như ngày nay là nhờ tổ tiên mấy đời sống liêm khiết và rất trọng sự học – rồi đi thăm ít nơi thắng cảnh của non sông, thăm quê hương mồ mả ở Hà Nội, Sơn Tây. Sau đó các con có tản mác mỗi người một nơi thì cũng là lẽ tự nhiên; nếu không xây dựng được gì cho quốc gia dân tộc thì sống một đời chính trực, giữ được tư cách, dạy dỗ con cái cho đàng hoàng, cũng là tạm được rồi. Ước nguyện đo, bao lâu nữa mới toại?
*
* *
Dư luận về Giải Tuyên dương sự nghiệp Văn học, Nghệ thuật năm 1973
1. Báo ĐẠI DÂN TỘC – số 13.12.72 – Mục Hí trường:
Phủ Quốc Vụ Khanh Văn Hoá loan báo sẽ có thêm ba giải Tuyên dương sự nghiệp Văn chương và Mỹ thuật cho giới văn nghệ sĩ. Mỗi giải một triệu đồng, sẽ phát vào dịp Tết Quí Sửu.
Xin đề nghị một danh sách học giả, văn nghệ sĩ để đồng bào văn nghệ giới tuyển chọn:
Học giả Nguyễn Hiến Lê, thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải, thi sĩ Vũ Hoàng Chương, kịch sĩ Năm Châu, hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí, nhạc sĩ Lê Thương.
Trong sáu vị chỉ chọn ba, vậy xin chọn quí vị nào lớn tuổi nhất, vì sợ không tuyên dương sự nghiệp của quí ví đó trong năm nay, sang năm các ngài sẽ vắng mặt khi trao giải!
Đó là cụ Nguyễn Hiến Lê, Trần Tuấn Khải, Nguyễn Gia Trí[304].
(...)
VƯƠNG HỮU BỘT
2. Cũng báo trên, số 29.12.72, cũng mục trên, và cũng kí giả Vương Hữu Bột.
Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn hoá đã gởi cho nhà báo bảng thể lệ về Giải Tuyên dương sự nghiệp Văn chương – Học thuật – Mỹ thuật.
Theo thể lệ ai cũng có thể đứng ra giới thiệu người được Tuyên dương rồi Hội đồng tuyển trạch sẽ chọn lựa.
Một đặc điểm là trong phiếu giới thiệu phải có chữ kí của người được giới thiệu để tỏ ý chấp nhận sự giới thiệu dự tranh giải thưởng.
Đây là một điều phòng xa tốt.
Lỡ có những người được giới thiệu, để tuyển trạch để trao giải, lại không chịu nhận giải thì sao? Như trước đây mấy năm, Ban tổ chức đã trao giải thưởng biên khảo[305] cho cụ Nguyễn Hiến Lê, nhưng cụ Nguyễn Hiến Lê lại không tới nhận giải.
Không lẽ chúng ta phải ban hành một sắc luật buộc các nhà văn hóa khi được trao giải thưởng phải tới lãnh.
(...)
3. Cũng là báo trên, số 18.1.73, cũng mục trên, cũng kí giả trên.
(...) Cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần lãnh giải về Học thuật cũng xứng đáng, dù rằng các tác phẩm của cụ có tính cách phổ thông hơn là thâm cứu. Gần đây có người kí trùng tên với cụ Nguyễn Duy Cần, viết trên báo Khoa học huyền bí, một tờ báo quá bình dân, không phải có đúng là cụ không? Không lẽ một học giả lão thành được tuyên dương sự nghiệp mà lại tham dự vào cả các tờ báo rất phổ thông như vậy?
(...)
4. Báo Tiền tuyến (của chính quyền) ngày 20.1.1973 – Mục Tạp ghi
Về giải Tuyên dương Văn học, Nghệ thuật năm nay (...). Về ngành Biên khảo ở Việt Nam hiện tại, người mà tôi cho là có công nhất phải kể đến Nguyễn Hiến Lê. Nhưng vì một lẽ nào đó, ông không muốn nhận giải. Thật là một sự đáng tiếc. Nếu không có ông Nguyễn Hiến Lê, ông Thu Giang (Nguyễn Duy Cần) nhận vinh dự kể trên kể cũng là một điều ổn thoả (...).
Kí giả LÔ RĂNG
*
Đúng như ông Lô Răng viết, tôi không muốn nhận giải.
Năm đó ông Mai Thọ Truyền làm Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn hoá, ông Nguyễn Duy Cần là cánh tay mặt ông Truyền, ông Giải Chi ở trong ban tuyển trạch.
Ông Đông Xuyên, bạn chung của ông Giản Chi và tôi, bàn với ông Giản Chi giới thiệu tôi để dự giải Tuyên dương, ông Giản Chi gạt đi, bảo: "Bác ấy không nhận đâu, đừng giới thiệu".
Cũng vào khoảng đó, ông Lê Ngộ Châu và ông Võ Phiến ở tạp chí Bách Khoa lại chơi vào một buổi chiều (trong khi tôi đương tiếp ông Từ Mẫn, Giám đốc nhà xuất bản Lá Bối) và cùng ngỏ ý muốn giới thiệu tôi. Trước mặt ông Từ Mẫn, tôi đáp:
- Cảm ơn hai anh, nhưng thể lệ là tôi phải kí vào phiếu giới thiệu của hai anh. Tôi không muốn tranh với ai cả, không chịu kí đâu. Tôi không muốn nhận một số tiền nào của chính phủ này hết.
Giải thưởng đó là một triệu đồng mà giá vàng hồi đó khoảng 40.000 đồng một lượng.
*
* *
Trích thư ngày 9.9.1977 của Trần Quí Nhu bên Mĩ
(...) Đa số người Việt Nam chỉ đọc tiếng Việt và cần đọc để giải trí nên ở các tiệm thực phẩm Việt Nam và Trung Hoa có bày nhiều tạp chí, bán có vẻ chạy. Báo mua năm cũng nhiều. Có nhà mua hai ba tạp chí. Tiệm dược phẩm cũng bán nhiều sách Tự Lực Văn đoàn, kiếm hiệp tái bản. Có tạp chí in lại Bài học Israël, Bán đảo Ả Rập.
Khi Sài Gòn in sách đánh dấu cuốn thứ 100 của anh, một tạp chí ở đây in lại bài Góp ý về việc thống nhất tiếng Việt của tờ Giải phóng. Bài của anh dài hai trang, bài giới thiệu dài một trang nữa. Nguyên Sa gọi anh là "lão trượng họ Nguyễn" và nhắc tới vụ anh từ chối là giám khảo cho giải Văn chương khoảng trước Tết Nguyên đán hai năm trước[306] (...).
*
Từ ngày Giải phóng tới nay (1980) tôi viết bốn bài gởi đăng báo, một bài về tác phong cán bộ ở Bắc vô và bưng về, tờ Đại Đoàn Kết không đăng; hai bài trên tạp chí Tổ quốc về văn học và về thực dân da trắng ở Nam Phi (2 bài này bị cắt nhiều) và một bài đăng trên tờ Giải Phóng số chủ nhật ngày 12.9.1976 về việc thống nhất tiếng Việt. Chỉ có bài cuối này là tôi đắc ý mà cũng được nhiều độc giả cả Nam lẫn Bắc khen.
- HẾT-
[1] Đổi ra bát tự, bốn can bốn chi để lấy số Tử bình hay Hà Lạc thì tôi sinh năm Tân Hợi, tháng Tân Sửu, ngày Quí Mùi, giờ Tân Dậu.
[2] Trong phần này tôi tính theo tuổi ta, vì tôi sinh gần cuối năm âm âm lịch.
[3] Có tài liệu ghi là phố Quai de Commerce : Kè Thương mại. (Goldfish).
[4] Trong bài Tâm tình học giả Nguyễn Hiến Lê, Lê Phương Chi ghi lại lời của cụ Nguyễn Hiến Lê giải thích về chữ Đình (trong tên hiệu Lộc Đình) như sau: "Bên ngoài, trên đường bờ Bờ Sông, gần ngõ Phất Lộc còn có một cái đình không biết thờ vị thần nào mà kiến trúc rất đơn sơ". Vậy đình này ở trong ngõ hay ở ngoài ngõ Phất Lộc? (Goldfish).
[5] Trong sách không thấy in bản đồ. (Goldfish).
[6] Nay là xã Phú Phương, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. (Goldfish)
[7] Trỏ dãy núi phía nam thành Nam Kinh.
[8] Tên một bải nay trong thành Nam Kinh.
[9] Hai câu thơ dịch này là của Vô Danh, tức của cụ Phương Sơn (theo Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học sử Trung Quốc, Nxb Trẻ, năm1997 - về sau gọi tắt là ĐCVHSTQ, trang 337). (Goldfish).
[10] Nghĩa đen là "Địa lí ăn mía". Ăn mía thì hít hết nước rồi bỏ bã. Nghĩa bóng là sách đó rút hết tinh tuý môn địa lí rồi. Người Trung Hoa dùng nhiều hình ảnh ngộ nghĩnh mà đúng.
[11] Tức "bác Ba": cụ Phương Sơn. (Goldfish).
[12] Grandes écoles: trường Đại học số sinh viên hạn chế, thi vô rất khó.
[13] Thời đó giá vàng khoảng 25 đồng một lượng.
[14] Sau câu này, trong ĐVVCT còn có đoạn sau (tr.15-16): "Người mua cho tôi mấy cái thẻ bằng gỗ rộng chừng năm phân, dài chừng ba tấc, trên mặt khắc chìm những chữ Hán dễ, lớn như chữ: thiên, trung, lập, môn... Tôi dùng một cây bút lông chấm vào nước lã rồi tô những chữ đó. Như vậy ít lâu cho quen tay rồi mới tập viết phóng. Những thẻ bằng gỗ đó hình như không thông dụng, tôi không thấy ở các nhà khác. Ngày nào tôi cũng phải trả bài, hễ còn ngắc ngứ thì phải học lại cho thuộc kĩ rồi mới được đi chơi". (Goldfish).
[15] Nay là phố Tràng Tiền. (Goldfish).
[16] Chắc cụ Nguyễn Hiến Lê muốn nói đến ông Châu Hải Kỳ, tác giả cuốn Nguyễn Hiến Lê, cuộc đời và tác phẩm. (Goldfish).
[17] Hệ thống giáo dục công cộng dưới thời Pháp thuộc trước 1945, bắt đầu từ khi trẻ em bước vào ngưỡng cửa của cấp Sơ Đẳng (Élémentaire), gồm có 3 năm: lớp Năm tức lớp Đồng Ấu (Cours Enfantin), lớp Tư tức lớp Dự Bị (Cours Préparatoire) và lớp Ba tức lớp Sơ Đẳng (Cours Élémentaire). Sau lớp Ba nếu thi đậu bằng Sơ Học Yếu Lược thì được thi "Concours lên lớp Nhì", nếu đậu thì được học tiếp 3 năm cấp Tiểu học (Primaire Supérieur) gồm lớp Nhì Nhất Niên (Cours Moyen Première Année), lớp Nhì Nhị Niên (Cours Moyen Deuxième Année) rồi đến lớp Nhất (Cours Supérieur) và cuối năm này thì thi bằng Tiểu Học Cụ Thể (Certificat d'Études Primaire Supérieure). (Bs Bùi Minh Đức, Thế hệ giáo khoa thư, tạp chí Sông Hương số 230, tháng 04-2008, http://tapchisonghuong.com.vn/modules/printview.php?ID=102). (Goldfish).
[18] Bến đó cũng tựa như cầu Ông Lãnh ở Sài Gòn, nhưng nhỏ hơn nhiều.
[19] Cả câu Khổng tử nói với Tử Lộ: "Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi", nghĩa là: "(Ta mong muốn) các người già được an vui, các bạn bè tin lẫn nhau, các trẻ em được săn sóc vỗ về". (Theo Nguyễn Hiến Lê, Khổng tử, Nxb Văn hóa, 1991, trang 100). (Goldfish).
[20] Ngày 18-2-1979. (Goldfish).
[21] Có tự điển dịch là chủ nghĩa chiết trung, tôi nghĩ có thể dịch là Trạch thiện chủ nghĩa, thì đúng hơn. Trạch thiện, chữ trong Luận ngữ (Thuật nhi 21) có nghĩa là lựa cái hay mà theo.
[22] Tôi xin kể bạn nghe, hàng năm tôi bâng khuâng nhớ những gì khi mà trời thu mây vần, bữa ăn chiều đã bắt đầu phải thắp đèn, và lá đã ngã vàng trên các cành run rảy.
[23] Tên người thầy này, trong sách có chỗ in là "Chữ", có chỗ in là "Chử". Tôi tạm ghi tất cả là "Chử". (Goldfish).
[24] Thời đó gọi là Cách trí, do bốn chữ Cách vật trí tri trong sách Đại học.
[25] Prix d'Exellence là giải thưởng hạng ưu. Chắc sách in sai thành "giải thưởng nhất". (Goldfish).
[26] Bải cỏ đó, theo Nguyễn Triệu Luật trong Ngược dòng sông Nhị thì thời xưa là Bến Cỏ (Thảo Tân).
[27] Tiểu thuyết đầu tiên tôi đọc khi học lớp Moyen première année là cuốn Voyage à Madagascar, loại Livres roses cho thiếu niên.
[28] Có lẽ cụ Nguyễn Hiến Lê muốn nói, trong một năm đậu một bằng Tú tài bản xứ và hai bằng Tú tài Pháp: một ban Toán (Mathématiques élémentaires) và một ban Triết (Philosophie). Trần Bích San, trong bài Giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc, cho biết:
"Bậc Cao Đẳng Tiểu Học (Primaire) 4 năm: Học xong 4 năm được thi lấy bằng Cao Đẳng Tiểu Học (Diplôme d'Étude Primaire Supérieurs Franco-Indigène) còn gọi là bằng Thành Chung. Phải có bằng Thành Chung mới được dự thi lên bậc Trung Học tức bậc Tú Tài. Các trường dạy bậc Cao Đẳng Tiểu Học được gọi là Collège.
Bậc Trung Học (Enseignement Secondaire) 3 năm: còn được gọi là bậc Tú Tài Pháp-Việt, bậc Trung Học gồm 3 năm [ngày nay là các lớp 10, 11, 12]. Học xong 2 năm đầu được thi lấy bằng Tú Tài phần thứ nhất (Baccalauréat, 1ère partie). Đậu bằng này được học tiếp năm thứ ba không phải thi tuyển. Năm thứ 3 được chia làm 2 ban: ban Triết và ban Toán. (...) Từ niên học 1937-1938 trên toàn cõi Việt Nam đều áp dụng chương trình Pháp-Việt đủ 3 ban: Toán, Khoa Học, Triết. Ngoài ban mình học, học sinh được phép thi tốt nghiệp các ban khác nhưng phải tự học thêm những môn mà ở ban mình theo học không có. Học sinh cũng được phép thi bằng Tú Tài Pháp. Học xong năm này thi lấy bằng Tú Tài Toàn Phần (Certificat de Fin d'Études Secondaire Franco-Indigènes). Học sinh tốt nghiệp 2 hoặc 3 ban hoặc thêm bằng Tú Tài Pháp được ưu tiên khi thi vào các trường Đại Học có thi tuyển như các trường Grandes Écoles ở Pháp hoặc các trường Cao Đẳng Chuyên Nghiệp ở Hà Nội lúc đó.
Từ niên học 1926-1927 Pháp thiết lập thêm chế độ Tú Tài Bản Xứ (Baccalauréat Local) học thêm các môn về văn chương Việt Nam, lịch sử, triết học Đông Phương và Cận Đông (Ấn Độ, Trung Hoa, Do Thái). Chương trình rất nặng, bị chỉ trích và ta thán rất nhiều nên đã bị hủy bỏ từ niên học 1937-1938". (http://profiles.yahoo.com/blog/XBGZHQBJUW2X4NUF3FWEGNH3XE?eid=9XO7OqY7kX5otk0tIuqoBqVyQ_FtjPU_SKj7vrgpCSNnO2379w). (Goldfish)
[29] Đúng ra là Tam thiên tự. (Goldfish).
[30] Tục gọi là làng Mọc. (Goldfish)
[31] Nay là đường Hoàng Hoa Thám. Goldfish).
[32] Mãi năm năm sau, đi làm có tiền, tôi mới mua được bộ đó trong một tiệm tạp hoá ở Bạc Liêu.
[33] Giấy Tây: loại giấy manh, không có gạch hàng. Mực Tây: mực ngâm nước, không phải mài như mực Tàu (theo Nam Sơn Trần Văn Chi, Một thời để nhớ, DatViet.com). (Goldfish).
[34] Có sách bảo cách phân biệt như vậy chỉ có từ đời Đường. Thời cổ danh từ và độnh từ đọc như nhau hết.
[35] Trích trong bài Quá Hoa thanh cung của Đỗ Mục. Tương Như dịch là: "Bụi hồng ngựa ruổi, Phi cười nụ/ Vải tiến mang về, ai biết đâu". (Goldfish).
[36] Tâm trạng tủi nhục đó do tổ chức hương thôn của mình. Mỗi làng là một địa phương tự trị, có tục lệ riêng, tài sản riêng (công điền), gần như một triều đình riêng. Người nơi khác tới có cảm tưởng như vô một xứ lạ, bị dân làng nghi kị, không muốn cho nhập tịch – vì không muốn chia công điền cho họ - và chỉ cho ngụ cư (ngày nay gọi là tạm trú). Dân ngụ cư không có chút quyền lợi gì cả (không được dự việc làng không được chia ruộng) nên bị khinh. Đã bị nghi kị lại bị khinh, tất khó làm ăn, nên không ai muốn bỏ quê hương mà đi ngụ cư nơi khác cả, cho việc li hương phải ngụ cư là một tủi nhục. Ngày nay chế độ xã hội chủ nghĩa lại áp dụng chính sách thời phong kiến, chính sách địa phương tự trị đó cũng phân biệt tạm trú và thường (có hộ khẩu) gây rất nhiều rắc rối và tham nhũng. Bao giờ nước mình mới văn minh được?
[37] Khoảng 1936. Gần đây một số tờ báo đặt vấn đề bỏ chế độ hộ khẩu, nhưng thực tế cho thấy sự cách biệt giữa thôn quê và thành thị còn quá xa, điều đó ảnh hưởng đến nhiều vấn đề chưa thể giải quyết được (NXB)
[38] Có lẽ tác giả muốn nói: 2 hécta = 2 x 10.000m2 = 20.000m2 bằng khoảng 6 mẫu ngoài Bắc = 6 x 3.600m2 = 21.600m2. (Goldfish).
[39] Đoạn này nằm trong văn mạch, trong sự suy tư của một học giả có nhiều uy tín với bạn đọc, chúng tôi giữ lại để những ai nghiên cứu về Nguyễn Hiến Lê có tài liệu làm việc. (Nxb Văn Hoá).
[40] Dân làng gọi chúng tôi là "cậu". Nhiều gia đình hạng sang gọi cha là cậu, mẹ là mợ cũng để tỏ ý đó.
[41] Ông Kiên là cháu nội cụ nghè Lê Đình Duyên, thầy học của ông nội tôi mà tôi đã nói ở trên.
[42] Trong Đông Kinh nghĩa thục, cụ bị an trí ở Sa Đéc, làm Đông y sĩ.
[43] Trong cuốn Nguyễn Quang Diêu của Nguyễn Văn Hầu (Xây dựng – 1961)
[44] Gia đình cụ Võ Hoành về sau cũng vậy, phiêu tán hết, chỉ còn một người con trai làm thợ nề ở Sài Gòn, nghèo mạt.
[45] Người ta chấm bài luận văn của thí sinh mà biết được có dốt chánh tả quá không, dốt quá thì có thể bị rút đi ít điểm.
[46] Sách in là: "Việt Nam Triệu Tổ". (Goldfish)
[47] Nxb Long An, 1990 (BT).
[48] Cao nhất là hạng ưu (mention très bien), kế đến là hạng bình (mention bien), rồi bình thứ (mention assez bien), thấp nhất là thứ (mention satisfaisante). (Goldfish)
[49] Có lẽ toạ lạc tại số 19 đường Bobillot (sau đổi tên thành đường Lê Thánh Tôn). (Goldfish)
[50] Sách in là: "Tháng 9 năm 1934". Tôi sửa lại theo ĐVVCT: "(...) tháng 6-1934, tôi thi ra trường Công chánh..." (trang 23), vì theo bài thơ của cụ Phương Sơn thì cụ nhận được dây thép (điện tín) báo tin thi đậu vào ngày "Hăm sáu tháng năm" tức 26 tháng 5 năm Giáp Tuất, nhằm ngày 7-6-1934. (Goldfish).
[51] Lộc Đình là tên hiệu của tôi, vì sinh ở ngõ Phất Lộc. Trong nhà, bác tôi chỉ gọi tôi bằng tên đó. [Ở đây cụ Nguyễn Hiến Lê chỉ nói gọn về tên hiệu thôi. Lộc là ngõ Phất Lộc, còn Đình là cái đình không biết thờ ai ở trong (hay ngoài ?) ngõ Phất Lộc. (Goldfish)].
[52] Ngày tháng âm lịch.
[53] Tôi đánh điện mỗi chữ đó, nghĩa là thi đậu, kết quả.
[54] Lúc đó bác tôi cũng đợi tin người con trai lớn – anh Tân Phương – thi Tú tài I ở Sài Gòn. Tiệp báo là báo tin thi đậu. [Tân Phương: sách in là Tâm Phương, chắc là sai nên tôi đã sửa lại vì trong các chương sau đều in là Tân Phương. (Goldfish)]
[55] Ám chỉ ngôi ngôi mộ Gò Mẹo cụ tổ sáu đời và ngôi mộ Gò Dù cụ tổ năm đời của tôi ở Phương Khê – Coi chương III. Bất đệ là không đậu.
[56] Ám chỉ ngôi ngôi mộ Gò Mẹo cụ tổ sáu đời và ngôi mộ Gò Dù cụ tổ năm đời của tôi ở Phương Khê – Coi chương III. Bất đệ là không đậu.
[57] Quẻ Khiêm trong Kinh Dịch có câu: "Khiêm khiêm quân tử, ti dĩ tự mục", nghĩa là người quân tử nên rất khiêm tốn để nuôi cái đức của mình.
[58] Trong Tự học, một nhu cầu của thời đại.
[59] Số tiền thời đó lớn lắm, bằng 40 lượng vàng, vì tôi nhớ mỗi tháng mẹ tôi chỉ cho bốn anh em chúng tôi tám đồng để đi chợ và tiêu vặt trong nhà. Học sinh nghèo ở trọ trả 2 đồng một tháng, và công nhựt một người thợ tầm thường từ một đến hai hào.
[60] Đoạn từ "Nhưng người con thứ... ", trong ĐVVCT in như sau: "Nhưng người con cả của cụ, anh Nhiếp hơn tôi 15-16 tuổi, chữ Hán khá, làm thợ bạc, thấy vậy khen tôi và để khuyến khích tôi, đi mượn cho tôi một bộ Tam Quốc Chí in thạch bản có lời bình của Thánh Thán, bảo tôi đọc. Vì đã biết truyện rồi, nên tôi đọc được, mới đầu chậm, sau quen, càng ngày càng thích, thích nhất là lời bình của Thánh Thán. Lối phê bình đó mới mẻ với tôi quá". (trang 25). (Goldfish).
[61] Ý nói áo bà ba. Trong Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, cụ Nguyễn Hiến Lê bảo: "...cách ăn mặc của phụ nữ ở đây (tức Sài Gòn) cũng không được nhã: áo dài thì ngắn quá, mầu thì lòe loẹt quá, ra đường thì nhiều cô chỉ mặc áo bà ba, không quen mắt như tôi, thấy trơ trẽn lắm". (Goldfish).
[62] Cách tạo từ này đặc biệt của miền Nam, nơi có nhiều sông rạch: đò đã mấy ý sơ nghĩa là thuyền, chỉ còn nghĩa là đưa khách.
[63] Ẩn sĩ tôi tả trong cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười – Chương IX – chính là bác Ba tôi.
[64] Tức cụ Tú Trần Hữu Thường. (Goldfish).
[65] Tức Đốc Binh Vàng, người có công dẹp giặc Xiêm và Miên với Chưởng binh Lễ năm 1937, có đề thờ ở làng Tân Thạnh. Coi Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười (Theo một số liệu mới phát hiện gần đây thì niên đại này chưa chính xác lắm (BT).
[66] Tức Nguyễn Xuân Tăng hiệu là Tân Phương và Nguyễn Xuân Thiếp hiệu là Việt Châu. (Goldfish).
[67] Miền này ở Rạch Giá, đào nhiều kinh song song nhau để khai phá, mỗi kinh gọi bằng một con số: kinh thứ 7, kinh thứ 8... do đó có tên là miệt thứ.
[68] Theo Wikipedia thì: "món 油炸鬼 (Phiên âm Hán Việt: Du tạc quỷ, tiếng Việt đọc theo giọng Quảng Châu thành giò cháo quẩy hoặc dầu cháo quẩy) có nghĩa là quỷ sứ bị rán bằng dầu. Theo truyền thuyết Trung Quốc thì cái tên này bắt nguồn từ câu chuyện Nhạc Phi bị vợ chồng Tần Cối và Vương thị hãm hại. Để nguyền rủa hai vợ chồng Tần Cối, người Trung Quốc làm một món ăn gồm hai viên bột dài giống hình người được rán kỹ trong dầu, tượng trưng cho hình tượng vợ chồng Tần Cối là hai quỷ sứ bị rán trong vạc dầu ở địa ngục". (http://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BA%A9y). (Goldfish).
[69] Nxb Long An, 1990 (BT).
[70] Nay là đường Đồng Khởi và Châu Văn Liêm (BT).
[71] Sáu bảy chục năm trước thiếu nữ nào ở Nam cũng có tục đó.
[72] Nay thuộc huyện Phú Tân tỉnh An Giang, làng Hoà Hảo thuộc quận mới này.
[73] Văn là văn chương, tâm là lòng, điêu là chạm, long là rồng. Sở dĩ gọi là văn tâm vì có câu: "Ta hồ! Văn chương chi sự, thốn tâm thiên cổ". Nghĩa là: Than ôi! Cái việc văn chương, một tấc lòng mà để ngàn năm. (Theo bài Tựa bộ Đại cương Văn học sử Trung Quốc của NHL). (Goldfish).
[74] Quan chỉ có nghĩa là coi (quan) bộ đó rồi thì có thể ngừng (chỉ), không coi cổ văn nào khác nữa vì bao nhiêu tinh tuý của cổ văn ở cả trong đó rồi (theo ĐVVCT, trang 31). (Goldfish).
[75] Về sau "cô" làm hiệu trưởng, nên nhiều người gọi là cô (hoặc bà) Đốc. (Goldfish).
[76] Tức Giồng Riềng. (Goldfish)
[77] Tết Mậu Dần, mẹ tôi ở Vĩnh Yên mua một chục huệ cúng, giò nào cũng nở hết tới ngọn.
[78] Tức ngày 12-3-1938. (Goldfish).
[79] Số trang.
[80] Trong bài Tựa cuốn Thế hệ ngày mai.
[81] Tôi chỉ ghi lại vài nét chính, chế độ đời Chu phiền phức hơn nhiều. Coi cuốn coi cuốn Wang dao ou la Voie royale (Tome I) của Léon Vandermeersch (EFEO, Paris 1977).
[82] Nửa thế kỉ trước trong Nam còn một số gia đình theo tục này: cùng mang tên họ, Ngô hay Trần chẳng hạn thì dù một người ở Bắc, một người ở Nam, gặp nhau cũng có thể nhận là cùng họ, tuỳ tuổi tác mà gọi nhau như bà con, và không được gã con cho nhau. Tục đó từ đời Chu truyền lại.
[83] Tức tiền chơi hụi. (Goldfish).
[84] Chắc sách in thiếu vì người em gái út, cô Mùi, cũng chưa có chồng. (Goldfish).
[85] Tức Đà Nẳng (BT).
[86] Đường xe hơi (theo ĐVVCT). (Goldfish).
[87] Cuối chương XV và trong chương XVI, cụ Nguyễn Hiến Lê cho biết: ngày 10.10.1945 (tức ngày mùng 5 tháng 9 năm Ất Dậu), cụ NHL rời căn nhà số 50 đường Morceau Sài Gòn tản cư về Tân Thạnh. Cụ ở Tân Thạnh khoảng một năm rưỡi, trải qua hai cái Tết: Tết Bính Tuất (1946) và Tết Đinh Hợi (1947). Cụ bảo: "Tết trước, mới về Tân Thạnh, tôi còn vui vui, làm đôi câu đối này: Trị ái thư...". Ta có thể suy ra rằng: "Tết trước, mới về Tân Thạnh" là Tết năm Bính Tuất, và nếu cụ làm đối câu đối đó vào ngày mồng một Tết thì ngày dương lịch là 2.2.1946. (Goldfish).
[88] Nay là đường Lý Tự Trọng. (Goldfish).
[89] Trong ĐVVCT, trang 38, cụ Nguyễn Hiến Lê viết: Tôi vào hạng đọc sách chứ không chơi sách như ông Vương Hồng Sển: không mua những sách đẹp, quí, hiếm...". (Goldfish).
[90] Trong ĐVVCT, trang 40, ghi là: "ngàn đồng". (Goldfish).
[91] Bút hiệu là Xuân Phúc (theo ĐVVCT, tr.43). (Goldfish).
[92] Trong ĐVVCT, tr.44, in là: Dương Triệu Tố. (Goldfish)
[93] Trong ĐVVCT, tr.44, in là: Hồ Văn Dực. Trong Đại cương văn học sử Trung Quốc (Nxb Trẻ - 1997) chỗ thì in Hồ Văn Dực, chỗ thì in Hồ Vân Dực. Theo bác Vvn thì tác giả cuốn Tân trước Trung Quốc văn học sử 新著中国文学史 (Bắc Tân thư cục ấn hành tháng 8-1936) là Hồ Vân Dực 胡云翼. (Goldfish).
[94] Bản dịch có nhan đề là Luyện tình cảm (Nxb Nguyễn Hiến Lê, năm 1951). Cụ NHL cho biết: "Cuốn này là cuốn tôi dịch trước hết, từ năm 1941, mười năm sau mới in" (Theo NHL, Mười câu chuyện văn chương). (Goldfish).
[95] Trong Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, cụ NHL cho biết người "Huê kiều" đó là người Triều Châu. (Goldfish).
[96] Tức Đồng cỏ lác. Theo cụ NHL thì, ở Đồng Tháp, "Đất chỗ nào có nhiều phèn thì chỉ thấy mọc nhiều năng, bàng, lác và đưng, tức những loại cỏ mà người Pháp gọi là Joncs, cho nên cánh đồng này mới có tên là Plaine des Joncs" (trích Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười). (Goldfish).
[97] Trong cuốn Đế Thiên Đế Thích, cụ NHL cho biết hai người bạn này là "anh Th." và "anh T.". Lúc ở Siemreap cụ "vào hỏi mua cuốn Guide Groslier mà không có, đành mượn của anh T.". Tôi không hiểu tại sao cụ NHL đã "mang theo cuốn Guide Groslier rồi lên xe đò đi Nam Vang" mà còn tìm mua cuốn đó, và khi mua không được thì đành mượn của anh T.? Phải chăng khi cụ viết bộ Hồi Kí này cụ đã nhớ lầm? (Goldfish).
[98] Trong cuốn Đế Thiên Đế Thích, cụ NHL cho biết rời Sài Gòn ngày 21.1.1943. Tính ra ngày âm lịch là ngày 16 tháng chạp năm Nhâm Ngọ. (Goldfish).
[99] Theo Wikipedia thì ở Bayon có đến 54 tháp lớn nhỏ. (Goldfish).
[100] Trong ĐVVCT, tr.51, in là: Nghệ An - Ninh Bình. (Goldfish).
[101] Tết năm Bính Dần nhằm ngày 13-2-1926. (Goldfish)
[102] Trong một chương trên tôi đã nói năm 1930, chỉ một lớp ở trường Bưởi đã có hai bạn tôi là đảng viên.
[103] Trong bài "Sự ra đời của Đại học Đông Dương qua tài liệu lưu trữ", Đ.T.D cho rằng trường Đại học Đông Dương được thành lập ngày 16/5/1906, tổ chức lễ khai giảng đầu tiên cuối tháng 11/1907; nhưng sau năm học đầu tiên kết thúc, trường đột ngột đóng cửa... (http://news.vnu.edu.vn:8080/BTDHQGHN/Vietnamese/C1787/2006/03/N7403/). (Goldfish).
[104] Có người bảo từ thời Sĩ Nhiếp (187-226).
[105] Nhưng khi Nhật đầu hàng (1945) rồi, Pháp đòi lại hết.
[106] Có sách nói tổng thống Roosevelt biết trước vụ đó nhưng chịu hi sinh trọn hạm đội ở Pearl Habour để cho dân chúng phẩn uất, chịu cho ông đem quân qua châu Âu giúp Anh, Pháp (De Gaulle) chống với Đức, Ý.
[107] Câu này có người ghi là: Tiền môn cự hổ, hậu hộ tiến (hoặc nghinh) lang. (Goldfish).
[108] Sau đổi tên thành đường Pasteur. (Goldfish).
[109] Tức khổ 20 x 25cm. (Goldfish).
[110] Nay là đường Yersin. (Goldfish).
[111] Có lẽ tất cả các bài đó hoặc một vài bài trong số đó, cụ NHL dùng bút hiệu Lộc Đình. Năm 1980, khi ông Lê Phương Chi hỏi về bút hiệu này, cụ NHL cho biết: "(...) Bây giờ thì anh đã thấy bút danh Lộc Đình tôi dùng ký dưới một vài bài văn ngắn từ hồi trẻ..." (trích trong bài Tâm tình học giả Nguyễn Hiến Lê của Lê Phương Chi). (Goldfish).
[112] Bây giờ là đường Phùng Khắc Khoan, quận I.
[113] Tôi không biết trước hay sau khi tản cư về làng Tân Thạnh, gia đình cô Liệp còn tản cư vô làng Vĩnh Trạch, quận Núi Sập (nay là huyện Thoại Sơn), ở nhà một ông họ Cao, cách chợ Long Xuyên khoảng 12 cây số. (Goldfish).
[114] Chính là tôi và ba em tôi (chú thích năm 1980)
[115] Nghĩ vậy cho nên theo Tử vi thì vận năm 1953-1963 của tôi rất xấu, vậy mà năm 1953 tôi vẫn đổi nghề, không dạy học nữa mà chuyên viết văn, xuất bản (coi ở sau) và từ đó tôi phát đạt.
[116] Thơ của Đới Thúc Luân đời Đường. Chữ thứ tư trong câu trên, sách in là: tân. (Goldfish).
[117] Nguyên văn chữ Hán trong cuốn Cổ văn Trung Quốc của tôi (Tao đàn -1966).
[118] Hãn (hàn) mặc: bút mực.
[119] Khối (ổi) lỗi: người bằng gỗ, ý nói loài người là đồ chơi, búp bê của hoá công.
[120] Hạo nhiên: mênh mông, tôi đoán là vũ trụ.
[121] Cầm tôn: đàn và chén rượu.
[122] Bát hoang lục vũ: cả trong vũ trụ.
[123] Ý muốn nói: dù lớn nhỏ cũng do khí thiêng của trời đất un đúc, nuôi nấng.
[124] Cũng đọc là lô. Cừ lư: lò cừ.
[125] Chương là bàn tay, bả là nắm.
[126] Trong ĐVVCT ghi là: "(khoảng 8.000 đồng? Vàng lúc đó 3.400 đồng 1 lượng)". Goldfish.
[127] Tiếng Anh là computer: máy điện toán, máy vi tính. (Goldfish)
[128] Gần đây (1985, 1992) hai, ba nhà xuất bản cùng in, mỗi lần có hơn vài chục ngàn bản (BT).
[129] Lời của Khổng Tử; có người dịch là: Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. (Goldfish)
[130] Trong ĐVVCT in là: biển khổ. (Goldfish).
[131] Tức năm 1968, Tuổi Hoa xuất bản. (Goldfish).
[132] Trong danh mục sách trong cuốn Mười câu chuyện văn chương thì bộ ĐCVHTQ do nhà Nguyễn Hiến Lê xuất bản năm 1955. Do đó ta có thể suy ra rằng năm 1955 đã in xong cuốn đầu hoặc cuốn đầu và cuốn thứ hai, năm 1956 thì in xong cuốn thứ ba hoặc cuốn thứ hai và cuốn thứ ba. (Goldfish).
[133] Có tài liệu cho rằng trong 5 khoá đầu từ 1951-1954, sinh viên tốt nghiệp quân trường Thủ Đức được mang cấp bực thiếu uý; từ khoá thứ 6 trở đi thì sinh viên tốt nghiệp chỉ mang cấp bực chuẩn ý. (Goldfish).
[134] Có lẽ vào thời đó, bằng Cao đẳng Tiểu học đã đổi tên thành bằng Trung học đệ nhất cấp, và lớp Đệ tứ niên đã đổi tên thành lớp Đệ Tứ (nay là lớp 9). (Goldfish).
[135] Chắc là ở riêng miền Bắc. Vì ở Nam cuối năm 1945 Leclerc đã có 35.000 quân rồi.
[136] Tức Nặm Rốm. (Goldfish)
[137] Nhà này, sau khi cụ NHL tản cư về Long Xuyên, thì bị tên lính thuỷ chiếm, rồi tên lính thuỷ này "sang" lại cho cô chủ trường Aurore. (Goldfish).
[138] Chắc tác giả muốn nói đến nhà văn Hư Chu. (Goldfish).
[139] Trong danh mục các bài báo ghi trong phần Phụ lục cuốn ĐVVCT, cụ NHL viết: "Việt Thanh (nhật báo), tôi góp ít bài về văn học trên phu trương văn chương năm 1953 (?)". (Goldfish).
[140] Trong ĐVVCT in là: "1947-62" (chắc in sai). (Goldfish).
[141] Quách Tấn bảo ông tính vốn bình dân, vì đọc nhiều sách cổ, thích nếp sống cổ nhân nên hoá ra trịnh trọng, cầu kì. Lời đó có phần đúng.
[142] Theo BS Đỗ Hồng Ngọc trong bài Làm rõ vài chi tiết về Nguiễn Ngu Í (http://www.dohongngoc.com/web/mot-chut-toi/vai-doan-hoi-ky/lam-ro-vai-chi-tiet-ve-nguien-ngu-i/ ) thì Lưu Hữu Phước là bạn học cùng lớp, cùng trường Pétus Ký với Nguiễn Ngu Í. BS Ngọc còn cho biết vợ của Nguyễn Ngu Í là Nguyễn Thị Thoại Dung. (Goldfish).
[143] Bài viết về tôi trong tập đó là bài thứ nhì ông phỏng vấn tôi, đăng trên Bách Khoa số 215-216, ngày 15.12.1965 và ngày 1.1.1966.
[144] Theo Wikipedia thì Nguyễn Ngu Í mất ngày 18-2-1979. (Goldfish).
[145] Ông muốn cải cách chữ Quốc ngữ, viết chữ "Quê" như vậy.
[146] Tên trường tư thục, trong ĐVVCT in là: Cửu Long. (Goldfish).
[147] Tiền: 錢, kim: 金, qua: 戈 (Goldfish).
[148] Trong ĐVVCT, tr.116, in sai thành: Michel Léguy. (Goldfish).
[149] Bản của nhà Văn hoá Thông tin, năm 2002 không có mục Sách báo để tham khảo. (Goldfish)
[150] Gò hoặc một khu đất rộng nổi lên cao, thường nhiều cát.
[151] Tức thân mẫu của cụ bà Nguyễn Thị Liệp. (Goldfish).
[152] Có lẽ cụ NHL cũng đã viết thêm đoạn đầu bài Tựa cho nên, trong bản in của Nxb Văn hoá Thông tin - 2002, bài Tựa không còn "mở một cách đột ngột" bằng câu: "Người xưa nói: Phải có duyên...". (Goldfish).
[153] Cuốn Muốn giỏi toán đại số do cụ NHL soạn, chứ không phải dịch của J. Chauvel. (Goldfish).
[154] Trong ĐVVCT, tr.126, in là: Nha Tư thục và Bình dân giáo dục. (Goldfish).
[155] Sách in là: "năm1958", không hợp lí, nên tôi sửa lại thành "năm 1953" theo ĐVVCT, tr.127. (Goldfish).
[156] Thuốc khá công hiệu: 1 năm nay tôi không bị cơn đau nào (cước chú 9-1980).
[157] Bản đăng trên Thi Viện chép là: "đồng cỏ". (Goldfish).
[158] Bản đăng trên Thi Viện chép là: "châu thành". (Goldfish).
[159] Trong ĐVVCT còn có đoạn này: "Năm Mậu Thân, tôi dịch Chiến tranh và Hoà bình của L. Tolstoi, nhờ vậy mà khỏi nghĩ đến những trận đánh đẫm máu ở khắp nước, những trận pháo kích ác liệt vào Sài Gòn". (Goldfish).
[160] Nghĩa là: Điều không may cũng có cái hay (theo từ điển Baamboo). (Goldfish).
[161] Nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê mở năm 1954. (Goldfish).
[162] Coi loạt bài Cải tổ nền giáo dục Việt Nam trong 5 số Bách Khoa 128-132.
[163] Nguyễn Hữu Ngư bút hiệu là Ngu Í muốn cải cách chữ quốc ngữ: Ngày viết là Ngèi.
[164] Tôi không vơ đủa cả nắm mà khinh hết thảy các "ông lớn" trong chính quyền, và có vài ông là bạn thân của tôi. Nhưng ông nào tự cho chức bộ trưởng của mình là lớn lắm, sai nhân viên tới mời tôi lại bộ hoặc lại "tư dinh" nói chuyện riêng thì tôi hỏi sứ giả: "Ông ấy lấy tư cách gì mà mời tôi như vậy? Tôi không thuộc quyền của ông ấy. Nếu ông ấy mến tôi là nhà văn thì sao lại mời tôi lại thăm ông ấy?". Có lần tôi không thèm trả lời thư riêng của một Bộ trưởng vì ông ta không kí tên mà để viên bí thư kí thay!
[165] Trong ĐVVCT còn có đoạn sau: "Viết mấy hàng này tôi bùi ngùi điểm lại những bạn văn đó thì già nửa đã không còn ở trên đất Việt mà những bạn còn lại cũng không ai được vui. Thật là "vạn sự tan như mây khói".". (Goldfish).
[166] Nhan đề trong lần xuất bản năm 1964; nhan đề trong lần xuất bản trước là La civilisation de 1960. (http://openlibrary.org/b/OL20006528M/civilisation-de-1975). (Goldfish).
[167] Theo ông Lê Ngô Châu thì "thường thường sách nào ai tặng, ông Lê đều đọc qua và có ghi bút chì nhận xét của ông ở trang đầu hay trang cuối. Chỉ có cuốn Phật học tinh hoa của Nguyễn Duy Cần là không thấy có bút tích của ông, có thể là ông không đọc". (theo Châu Hải Kỳ, Nguyễn Hiến Lê Cuộc Đời & Tác Phẩm, Nxb Văn học, năm 2007, tr. 427-428). (Goldfish).
[168] Trong ĐVVCT còn có đoạn này: "Năm đó nhà tôi qua Pháp, tôi phải dạy thay mấy tháng, nên tôi làm việc quá sức". (Goldfish).
[169] Trong ĐVVCT còn có câu: "Tôi gọi như vậy là bút pháp thự nhiên". (Goldfish).
[170] Tập du kí Đế Thiên Đế Thích, tôi viết từ 1943; năm 1968. hai mươi lăm năm sau mới xuất bản, nhà văn Võ Phiến đọc rồi, bảo văn tôi trong hai mươi lăm năm đó không có gì thay đổi.
[171] Bản Việt dịch của cụ NHL có nhan đề là Một quan niệm về Sống đẹp, thường được gọi tắt là Sống đẹp. (Goldfish).
[172] Tiểu sử danh nhân này được in trong cuốn Gương kiên nhẫn. (Goldfish).
[173] Đoạn trích dẫn này có đôi chỗ khác biệt với bài của Đỗ Hồng Ngọc in lại trong cuốn Nguyễn Hiến Lê – Con người & Tác phẩm (Nxb Trẻ, 2003, tr. 61). (Goldfish).
[174] Trong ĐVVCT còn có câu này: "Dịch xong mỗi chương cũng nên tóm tắt truyện trong chương để sau tra lại cho dễ". (Goldfish).
[175] Nhan đề bài báo là Dịch văn ngoại quốc. (Goldfish).
[176] Tức bài Tiếng gọi thanh niên, còn có tên là Thanh niên hành khúc của Lưu Hữu Phước sáng tác từ hồi còn là sinh viên Y Khoa với tên ban đầu là La Marche des Étudiants (Sinh viên hành khúc). (Goldfish)
[177] Có lẽ còn vì cách lên dây nữa.
[178] Trong bài Lại thêm một tư liệu về người dịch "Tỳ bà hành" của Bạch Cư Dị đăng trên báo Văn nghệ Trẻ số ra ngày 18.3.2007, tác giả Thế Anh chỉ ra rằng người dịch là Phan Huy Thực chứ không phải là Phan Huy Vịnh. (Goldfish).
[179] Tức bộ Chiến tranh và Hoà bình. (Goldfish).
[180] Ta nên hiểu gồm cả những sách viết hoặc dịch chung với một người khác. (Goldfish).
[181] Đoạn: "hàng ngày bái vĩ nhân như Emerson còn là một thứ thuốc nó tẩy sạch cái bệnh tự tôn ở mắt ta đi...", trong Để tôi đọc lại in là: "Lòng sùng bài vĩ nhân (như Emerson nói) còn là "một thứ thuốc nó tẩy sạch các bệnh tự tôn trong mắt ta đi..."
[182] Tiểu sử ông bà La Fayette in trong cuốn Ý chí sắt đá (Thanh Tân - 1971); tiểu sử ông bà Curie in trong cuốn Gương hi sinh (NHL – 1962).
[183] Năm 1990 in chung với Nguyễn Q. Thắng có tựa là Chúng tôi tập viết tiếng Việt (Nxb Long An – 1990. BT).
[184] Khổng Tử: Nxb Văn hoá in năm 1991. Kinh Dịch: Nxb in năm 1992. (B.T).
[185] Coi mục lục 100 cuốn của tôi đã xuất bản ở cuối cuốn Mười câu chuyện văn chương, Trí Đăng 1975.
[186] Đây tôi chỉ kể những cuốn viết tới ngày giải phóng. Từ 1975 đến 1980 tôi còn viết thêm được nhiều cuốn nữa.
[187] Nay là đường Nguyễn Đình Chiểu (BT).
[188] Về tiểu sử Phạm Ngọc Thảo, xem tiểu sử trong Từ điển danh nhân lịch sử Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội, 1992. (BT).
[189] Trong ĐVVCT in là : "và hiện nay các số báo Bách Khoa cũ càng ngày càng có giá: một bộ cũ, rách, từ đầu đến cuối, thiếu độ mười số, bán được 800đ (400.000đ cũ)". (Goldfish)
[190] Trong ĐVVCT chép: "...ông sẽ lấy dao "viết lên đá" như Trần Dần đã nói". (Goldfish).
[191] ĐVVCT ghi: "...ba tháng sau chưa ra được số nhì; rồi Sài Gòn giải phóng, và báo đình bản luôn". (Goldfish).
[192] Tôi sẽ giới thiệu riêng trong cuối phần sau.
[193] Coi thêm những trang sau.
[194] Khổng Tử: Nxb Văn hoá in năm 1991 (BT).
[195] Kinh Dịch đạo của người quân tử: Nxb Văn học in năm 1992 (BT).
[196] Tức cuốn Nguyễn Hiến Lê – Cuộc đời và tác phẩm của Châu Hải Kỳ (Goldfish).
[197] Trái lại, đa số độc giả cho rằng tôi chuyên về loại sách Học làm người. Năm 1979, vào một tiệm hớt tóc ở đường Trương Tấn Bửu cũ, thì cả bốn người trong tiệm (hai người thợ và hai người khách mà một là cán bộ ở Bắc mới vô) đều hỏi tôi còn viết loại sách Học làm người nữa không. Ngay bây giờ - 1982 – cũng vậy, vào cơ quan nào hễ có người biết tôi thì cũng hỏi câu đó.
[198] Đại cương triết học Trung Quốc, 1500 trang khổ 14.5 x 20.5 cm, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh tái bản năm 1992 (BT).
[199] Muốn giỏi toán hình học, đại số tức ba cuốn: Muốn giỏi toán hình học phẳng, Muốn giỏi toán hình học không gian, Muốn giỏi toán đại số. (Goldfish).
[200] Đoạn trích này có vài khác biệt nhỏ, so với bài viết của BS Đỗ Hồng Ngọc đăng lại trong cuốn Nguyễn Hiến Lê – Con người và tác phẩm, Nxb Trẻ, năm 2003. (Goldfish).
[201] Nay là lớp Một. (Goldfish).
[202] Ở đây, ông Nguyễn Hiến Lê goi tắt cho gọn, thực ra các nhan đề do chính André Maurois đặt lại dài hơn. Tiểu sử về George Sand là Lélia ou la vie de George Sand, về Victor Hugo là Olympio ou la vie de Victor Hugo, về Balzac là Prométhée ou la vie de Balzac. Riêng về Marcel Proust thì Maurois lấy luôn nhan đề tác phẩm chính của Proust. Tiểu sử về Marcel Proust có nhan đề là À la recherche de Marcel Proust. (BT). [Nhan đề tác phẩm chính của Proust là: À la recherche du temps perdu. (Goldfish)].
[203] Nhạc Dương lâu kí của Phạm Trọng Yêm, Thương Lang đình kí 滄浪亭記 của Qui Hữu Quang. (Goldfish).
[204] Năm 1989 Nxb An Giang tái bản (BT).
[205] Nxb Văn học tái bản 1993 (BT).
[206] Vẹn toàn: sách in là vạn toàn. Trong ĐVVCT in là lưỡng toàn. (Goldfish).
[207] Trong ĐVVCT còn có thêm đoạn sau đây:
"Trong Phụ lục, tôi thêm ba chương chê cuộc Cách mạng Văn hoá 1965-66 của Mao. Năm 1976 trong một cuộc toạ đàm ở Sài Gòn giữa ông Hà Huy Giáp, Thứ trưởng bộ Văn Hoá, ông Hà Xuân Trường, thứ trưởng Giáo dục ở Hà Nội vào, với khoảng mười nhà văn "nằm vùng", hoặc "tiến bộ" ở Sài Gòn, tôi hỏi ông Giáp:
Trong cuốn Văn học Trung Quốc hiện đại tôi có chỉ trích cuộc Cách mạng Văn hoá năm 1966 của Trung Hoa, như vậy có hợp với đường lối của chính phủ không?
Ông do dự một chút rồi đáp:
- Tôi không biết cuộc cách mạng đó ra sao, nhưng mỗi nước có một đường lối văn hóa riêng.
Lúc đó tôi mừng lắm. Chính phủ Việt Nam sáng suốt hơn Trung Hoa, mặc dù trước đã phạm lỗi "Trăm hoa đua nở" như họ. Nhưng chỉ hai năm sau, có lệnh ở Hà Nội bắt miền Nam phải huỷ hết những sách báo xuất bản trước ngày 30-4-75, chỉ được giữ lại những sách về ngôn ngữ, nghề nghiệp, khoa học tự nhiên, tôi thấy Hà Nội cũng không hơn gì Bắc Kinh. Tin đó làm cho dư luận Sài Gòn rất xôn xao, chính quyền phải tuyên bố tạn hoãn để xét lại rồi êm luôn". (Sđd, tr. 224-225). (Goldfish).
[208] Viết thêm năm 1984: giữa năm 1982, ông Chình qua Pháp với con, mang theo bản tiếng Pháp của bộ đó. Đầu năm 1983 ông mất, nghe nói bộ đó sẽ được in ở Pháp.
[209] Maurice Durant: Nhân viên trường Viễn Đông Bác cổ Hà Nội trước năm 1954, ông, cha Pháp, mẹ Việt. Sau về Pháp dạy tại Collège de France. M.Piat: Thạc sĩ văn phạm, những năm 1963-1973 giáo sư tại Đại học Văn khoa Huế và Sài Gòn. (BT).
[210] Năm 1990 Nxb Long An in với nhan đề Chúng tôi tập viết tiếng Việt. (BT). [Do ông Nguyễn Q. Thắng "góp thêm" vài bài mà "Tôi" trở thành "Chúng tôi" (!). (Goldfish).
[211] Trong ĐVVCT có thêm câu này: Ông Đông Hồ tặng chúng tôi bài thơ chữ Hán: Bách luyện thiên kim một tháng trước khi mất. (Goldfish).
[212] Trong ĐVVCT in là: 180 trang. (Goldfish).
[213] Trong câu tôi cắt bỏ này đại ý tác giả bảo sự ví von đó không có ý gì bất kính với hai đấng vĩ nhân cả.
[214] Lúc đó cụ Phương Sơn ở Cái Sơn (Long Xuyên) hành nghề Đông y. (Goldfish).
[215] Trong ĐVVCT in là: "Đầu tháng giêng 1960 (12 tháng chạp năm Kỷ Hợi) người quy tiên...". (Goldfish).
[216] Trong ĐVVCT có đoạn này: "Sự nghiệp viết văn của tôi phần lớn nhờ người khuyến khích và giúp sức trong những buổi ban đầu; và tôi mừng rằng xuất bản được ba cuốn kể trên: Đông Kinh nghĩa thục, Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Đại cương văn học sử Trung Quốc; trước khi người mất, tôi đã làm người hài lòng. Tình bác cháu chúng tôi cũng ít thấy trong các gia đình". (Goldfish).
[217] Lịch sử Văn minh Trung Hoa, Trường ĐHSP TP.HCM xuất bản năm 1989, 1992 (BT).
[218] Năm 1963, trong bản in cuối cùng ông sửa lại: Sơ đẳng 3%, nhị đẳng 17%.
[219] Trong ĐVVCT còn có câu sau: "Chính vì đọc bài ấy mà các bạn Đông Hồ, Ngu Í mua hai loại cây ấy cho tôi khi tôi có nhà mới ở Kỳ Đồng". (Goldfish).
[220] Ông Châu Hải Kì đề nghị cụ Nguyễn Hiến Lê tuyển các bài tựa viết cho mình và viết cho bạn văn, nhưng cụ chỉ lựa trong số các bài tựa viết cho bạn văn mà thôi. (Goldfish).
[221] Trong ĐVVCT, cụ Nguyễn Hiến Lê còn kể thêm bài tựa cuốn Đông Kinh nghĩa thục. (Goldfish)
[222] Trong ĐVVCT chép là: của Trình Xuyên với tên sách Lạc thú ở đời. (Goldfish).
[223] Trong ĐVVCT in là: "...thì quân đội Giải phóng vào khám xét trường, tịch thu hết. Thầy Từ Mẫn bị bắt giam để điều tra, hơn một tháng sau mới được thả". (Goldfish).
[224] Đã tái bản năm 1993, tại Nxb Văn học và 1998, Nxb Bình Nghĩa, Cà Mau (BT).
[225] Đã tái bản năm 1993, tại Nxb Văn học (BT)
[226] Đoạn cuối, trong ĐVVCT chép:
"Hôm nay trời u ám, nhìn chung quanh mười bạn chỉ còn vài ba, những người khác hoặc đã thất lộc, hoặc ở chân trời góc bể cả. Tôi bùi ngùi nhớ lại câu thơ của Tú Xương:
Ta nhớ người xa cách núi sông,
Người xa xa có nhớ ta không?"
(Goldfish).
[227] Tức bài thơ Trưng nữ vương của nữ sĩ Ngân Giang. (Goldfish)
[228] Coi trong Văn thi sĩ hiện đại của Bàng Bá Lân – Nxb Xây Dựng.
[229] Giống mai này gọi là Nam mai, thuộc loại mù u, đồn Cây Mai ở Chợ Lớn có mấy gốc, nay không biết còn không. Bà Đông Hồ 8 năm trước cho tôi một gốc nhỏ, trồng ở Long Xuyên nay đã cao non hai thước mà vẫn chưa có hoa).
[230] Trong ĐVVCT chép: Một cành Xuân gởi nghìn trân trọng/ Sử dịch trao tay mở nẻo đường. (Goldfish).
[231] Nay là Thư viện Tổng hợp TP.HCM.
[232] Vì câu nói đừa đó mà sau này cụ Giản Chi khi nhắc lại học giả Nguyễn Hiến Lê, ông thường đùa, bảo: "Bác ấy gọi tôi là tướng cướp! Bố láo thật!". (BT).
[233] Trong ĐVVCT in là: "...bớt ngờ tương lai". (Goldfish).
[234] Coi trong phụ lục dư luận trên các báo ở Sài Gòn về giải thưởng này.
[235] Trong ĐVVCT in là: "Mây sớm...". (Goldfish).
[236] Ông dạy ở Huế, trở Sài Gòn bằng máy bay Boing bay cao 9.000 thước.
[237] Tức cuốn Vương Ma Cật hoạ sư thi Phật, sắp xuất bản. (BT).
[238] Ông có nhớ lầm không? Bài đó làm năm 1939, Nhật chưa qua Việt Nam, đâu có người đi lính cho họ (BT)
[239] Hồi ấy bà ở 36 Trịnh Phong – Nha Trang.
[240] Chính tự bà chú thích: Đông phương, Đông Nam Á.
[241] Tức nữ thi sĩ Chức Thành, một người bạn của cụ Quách Tấn (theo Hồi ký Quách Tấn). (Goldfish).
[242] Nxb TP.HCM xuất bản, 1993. (BT). [Tên tác phẩm là Tầm nguyên tự điển Việt Nam. (Goldfish)].
[243] Trong ĐVVCT, cụ NHL sửa lại là: "...trước sau chỉ được 2 cuốn: Chữ và vần Việt khoa học, xuất bản năm 1950 nghiên cứu về cách phát âm và nguồn gốc tiếng Việt, và Ngôn ngữ học Việt Nam, xuất bản năm 1959 tại Sài Gòn; và ít bài báo...". (Goldfish).
[244] Hiện nay ông ở Pháp (BT).
[245] Sẽ xuất bản trong năm 1993.
[246] Tức Huỳnh Phú Sổ. (Goldfish).
[247] Đã từ trần vào đầu năm 1995, thọ 73 tuổi. (Goldfish).
[248] Có lẽ là "cách" bị in lầm thành "sách". (Goldfish).
[249] Năm 1983 sang Canada đoàn tụ với gia đình và mất ngày 8.8.2005, thọ 90 tuổi. (Goldfish).
[250] Tức bộ Danh từ pháp luật lược giải (2 tập, Nxb Khai Trí, 1964). (Goldfish).
[251] Ông mất ngày 18.7.1993 tại Nha Trang. Cũng trong năm 1993, cả hai tác phẩm đều được xuất bản: Nguiễn Ngu Í - Cuộc đời và văn nghiệp (Nxb Văn hóa Thông tin), Nguyễn Hiến Lê - Cuộc đời và tác phẩm (Nxb Văn học). (Goldfish).
[252] Nay đã nghỉ việc và Phú Khánh tách ra như cũ là tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà (BT).
[253] Bài "Nhân đọc bản thảo cuốn Nguyễn Hiến Lê" của Võ Phiến được dùng là bài "Thay lời tựa" cuốn Nguyễn Hiến Lê – Cuộc đời và tác phẩm của Châu Hải Kỳ (tên tác giả bài viết được ghi là Văn Phố).
[254] Nxb KHXH in năm 1992 (BT).
[255] Hiện sống ở Sài Gòn. [Đã mất ngày 14.5.2009 tại TP.HCM, thọ 96 tuổi. (Goldfish)].
[256] Đã mất ở Mĩ.
[257] Đã mất ở Mĩ.
[258] Hiện sống ở Đà Nẳng. [Đã mất ngày 4.7.2007 tại Đà Nẳng, thọ 86 tuổi. (Goldfish)].
[259] Tức tập Hương máu in năm 1969.
[260] Đã mất ở Đà Nẳng.
[261] Hiện sống ở Nha Trang.
[262] Nay đã đoàn tụ với gia đình ở Mĩ. [Năm 2003, sau khi vợ ông mất, ông về nước và mất ngày 24.8.2004 tại TP.HCM. (Goldfish)].
[263] Hiện sống ở Blao (gần Đà Lạt).
[264] Nay là đường Lê Văn Sĩ. (BT).
[265] Tức thủ đô Bangkok của Thái Lan. (Goldfish).
[266] Cô em ruột của cụ NHL là cô Mùi, cô Mộng Đơn là em gái của cụ bà Trịnh Thị Tuệ. (Goldfish).
[267] Trong ĐVVCT ghi: "...hai thứ trưởng Hà Huy Giáp (văn hoá), Hà Xuân Trường (giáo dục). (Goldfish).
[268] Nằm vùng là bí mật tại thành.
[269] Tức đảng Xã hội Pháp. (Goldfish).
[270] Thực ra khoảng năm 1971 ông bị chính quyền Sài Gòn bắt đày Côn Đảo, sau Hiệp định Paris (1973) ông được "trao trả tù binh" rồi mới ra Bắc (BT).
[271] Năm 1989 Nhà xuất bản Trẻ TPHCM xuất bản (BT).
[272] Tức cuốn Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII. (Goldfish).
[273] Ở đường Cá Hấp, sau đổi Bùi Quang Chiêu (BT).
[274] Nxb Văn học sắp xuất bản (BT).
[275] Nxb Long An – 1990 (BT).
[276] Trong ĐVVCT in là 1956. (Goldfish).
[277] Nxb Hội Nhà văn – 1993 (BT).
[278] Trong ĐVVCT in là: "chương XIII". (Goldfish).
[279] Trường ĐHSP TP.HCM xuất bản, 1989 (BT).
[280] ĐHSP TPHCM xuất bản, 1999 (BT). [Bản của Nxb Văn hoá - Thông tin, năm 2006, có nhan đề là Lịch sử văn minh Trung Hoa. (Goldfish)]
[281] Trong bộ Trang tử - Nam Hoa kinh, cụ Nguyễn Duy Cần chỉ dịch 6 chương trong Nội thiên (bỏ thiên Nhân gian thế), còn Ngoại thiên và Tạp thiên cụ chỉ trích dịch mà thôi. Ngoài bộ đó, cụ còn có cuốn Trang tử tinh hoa. [Goldfish].
[282] Nxb Văn học sắp xuất bản (BT).
[283] Sắp xuất bản (BT). [Nxb Văn hoá-Thông tin đã xuất bản năm 1993 (Goldfish)]
[284] Sắp xuất bản (BT). [Nxb Văn hoá-Thông tin đã xuất bản năm 1993 (Goldfish)]
[285] Sắp xuất bản (BT). [Nxb Văn hoá-Thông tin đã xuất bản năm 1994. (Goldfish)]
[286] Trong ĐVVCT in là: 550 trang (Goldfish).
[287] Bộ Kinh Dịch, đạo của người quân tử, Nxb Văn học xuất bản (1992) in tất cả được hai lần (BT).
[288] Trong ĐVVCT, cụ NHL còn cho biết thêm: "...bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, giảng viên Đại học Y khoa Sài Gòn xin phép tôi đánh máy sáu bản, tặng tôi một bản, còn thì tặng các bạn thân đã giúp công giúp của trong việc đánh máy. Cậu xin mười năm nữa khi nào có dịp xuất bản thì cậu sẽ lo cho". Bs Hùng, trong bài Kinh Dịch và tinh thần của giếng cho biết: "Tôi xin ông được giữ một bản, tự tay ông đã viết phần chữ Hán trong sách cho tôi". (Goldfish).
[289] Thực ra Mặc tử với chính sách thượng đồng (người dưới phải triệt để theo người trên), tiết dục, phi nhạc, can thiệp khá nhiều vào đời sống của dân, nhưng đạo của ông vẫn gần Khổng hơn gần phái Pháp gia, nên tôi sắp ông vào phái hữu vi.
[290] Cũng gọi là nhân trị, coi trọng tư cách nhà cầm quyền nhất.
[291] Coi thêm Phụ lục.
[292] Trong ĐVVCT in là: "...đứng về phía nhân dân mà đối lập với chính quyền, vì chính quyền nào cũng đàn áp dân chúng. Tất cả các chính thể dân chủ hiện nay đều giả dối hết". (Goldfish).
[293] Trong ĐVVCT in là: "Thay đổi bản tính loài như Mặc tử, như Karl Max muốn còn là chuyện xa vời hơn nữa. Thế giới đại đồng còn là mô tip không tưởng". (Goldfish)
[294] Có lẽ cụ NHL muốn nói đến Quách Tấn, người gởi bản thảo tập Nhà Tây Sơn nhờ cụ NHL góp ý. (Goldfish).
[295] Tức cuốn Hơn nữa đời hư, Nxb TP.HCM, 1992 (BT).
[296] Năm 1982 đổi là đường Tôn Đức Thắng.
[297] Tức Toà Hành chánh. (Goldfish).
[298] Một giống địa lan dễ trồng. (Goldfish).
[299] Chắc cụ NHL nhớ lầm. Nguyên văn: 宮館苑囿,極一時之盛 cung quán uyển hựu, cực nhất thời chi thịnh, nghĩa là: cung quán, vườn tược cực thịnh một thời (theo NHL, Đại cương văn học sử Trung Quốc, Nxb Trẻ, 1992, tr.589-560). Còn địa danh 沧浪 (trong nhan đề bài kí), theo bác Vvn thì nên đọc là Thương Lang thay vì Thương Lương (Goldfish).
[300] Phụ nữ bới tóc ở sau đầu rồi, lấy vài lọn tóc quấn thành 3-5 vòng nhỏ ở bên búi tóc. Kiểu tóc này đã mất cũng như kiểu để đuôi gà ở Bắc. Hàng Tân Châu tức lụa Tân Châu, vì Tân Châu chuyên sản xuất hàng hoá đó, nhờ trồng dâu, có trại nuôi tầm và có nhiều cây mặc nưa mà trái dùng để nhuộm rất tốt.
[301] Trong ĐVVCT in là: tám gốc. (Goldfish).
[302] Tức bệnh đục thuỷ tinh thể. (Goldfish).
[303] Tức trường Trung học Thoại Ngọc Hầu. (Goldfish).
[304] Vì ông Nguyễn Hiến Lê từ chối, sau Phủ Quốc vụ khanh chọn ông Nguyễn Duy Cần, thi sĩ Vũ Hoàng Chương và nhạc sĩ Lê Thương nhận giải (BT).
[305] Về cuốn thượng bộ Đại cương triết học Trung Quốc chúng tôi soạn chung với Giản Chi, xuất bản năm 1965 (cước chú của N.H.L)
[306] Ở đây chắc có sự nhầm lẫn. Chỉ tính từ Tết Quí Sửu (tức ngày 3.2.1973) đến ngày bài Góp ý... của cụ NHL đăng trên tờ Giải phóng Chú nhật (12.9.1976) cũng đã trên "ba năm" rồi. (Goldfish).
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro