CHƯƠNG IVNHỮNG NĂM Ở TIỂU HỌCCẢNH NHÀ SAU KHI CHA TÔI MẤT
Cha tôi mất là bắt đầu thời suy của gia đình tôi. Mẹ tôi buồn khổ nhưng không than thở, không thất vọng, âm thầm chống với nghịch cảnh. Người lại đi bán hàng, tôi lại đi học, không có gì thay đổi, chỉ khác có thêm bàn thờ của cha tôi và dải khăn sô trên đầu mẹ tôi.
Trước kia mọi việc trong nhà như cúng giỗ, giao thiệp với họ hàng bên nội bên ngoại, thu tiền nhà, cha tôi lo hết; nay mẹ tôi phải đảm đương lấy, bà ngoại tôi đi chợ nấu cơm, giặt giũ, săn sóc bốn anh em tôi, mà em út tôi lúc đó chắc mới thôi bú.
Người ra đi từ mờ đất, mùa đông cũng như mùa hè, ngày mưa cũng như ngày nắng, ra bến sông ở gần Cầu Đất[18] cách nhà tôi độ một cây số, đón ghe để mua trái cây: dưa hấu, dứa, bưởi, mía... tùy mùa, rồi thuê xe kéo chở về chợ Đồng Xuân, chia lại cho bạn hàng để lấy chút huê hồng, còn thì bán buôn cho những người ở những chợ nhỏ, cũng bán lẻ nữa.
Bốn giờ chiều tan chợ, người nghỉ bán, đi đòi tiền bạn hàng thiếu, tối mới về tới nhà, lâu lâu đội về một thúng gạo. Có hồi đội về một thúng lạc để bóc vỏ thuê cho người ta: cả nhà ăn cơm xong, xúm lại bóc độ một giờ là xong, tiền công không biết được bao nhiêu, lợi là vỏ lạc về mình để đun bếp, đỡ mua củi. Mùa hè, anh em chúng tôi đi lượm những quả bàng chín, rụng về phơi khô, bửa hột ra, lấy nhân ăn bùi, béo hơn lạc, còn cùi cũng để đun bếp; cuối thu, lá bàng rụng, chúng tôi lượm về từng thúng. Khi bà cháu, anh em làm chung thì chỉ thấy vui và thương yêu nhau chứ không thấy khổ.
Nhà tôi ở Long Xuyên hiện nay, trước cửa có một cây nính cao 15, 16 thước, thân lớn hai ôm, cứ tới đầu xuân là thay lá: ban đêm tôi nằm nghe thấy lá rụng ào ào, sáng dậy sân và đường đã đầy những lá đen, và một cô giáo với hai đứa con bảy tám tuổi, đã tới từ hồi nào để quết và hốt thồn vào những cái bao ni lông lớn. Cô giáo cột vào xe đạp chở về. Có khi mẹ bận, hai đứa nhỏ phải đội những bao đó đi bộ về nhà. Chúng thật dễ thương, có trái cây hay một miếng bánh tráng chúng cũng chia nhau: con chị cắn trước rồi chìa cho thằng em, em cắn một miếng rồi đưa lại cho chị. Nhìn họ tôi vui được sống lại tuổi thơ. Thì ra thời này củi quế gạo châu như 60 năm trước. Lượm lá cây như vậy mỗi ngày đỡ được hai đồng bạc củi, mà lương giáo viên được 60 đồng mỗi tháng. Nhưng chỉ được nửa tháng, trút hết lá, cây nính lại mơn mởn dưới ánh nắng ban mai, lại phải đợi đầu xuân năm sau mới được cái vui quét lá.
Chúng tôi phải tiết kiệm, rút mọi chi tiêu xuống mức tối thiểu. Anh em tôi không được ăn kẹo tây nữa, không được dắt đi chơi, đi xem hát, không có áo mới; bà tôi nhịn ăn trầu. Nhưng còn may là không phải ăn độn, và mỗi sáng đi học tôi còn được một xu hay một trinh (nửa xu) để mua một củ khoai lang tròn, lớn bằng nắm tay, hoặc một khúc sắn (khoai mì) dài non một gang tay, nhiều bột, bở, trắng tinh, ngon hơn khoai và sắn ngày nay nhiều.
Mẹ tôi cũng lo việc học cho chúng tôi, có ai đâu để nhờ cậy? Tôi còn nhớ buổi trưa hôm đó, không rõ là ngày thất tuần hay trăm ngày của cha tôi, mẹ tôi bưng một cái quả (thứ tráp lớn, tròn) đựng xôi và thịt quay, cùng với tôi ngồi xe lại nhà thầy giáo tôi ở trên một gác nhỏ, khu hàng Bún (?) để biếu thầy, và kể tình cảnh mẹ goá con côi của chúng tôi, nhờ thầy săn sóc sự học của tôi.
Người lại tìm thầy dạy vần Quốc ngữ và vần Tây cho em trai tôi để sau xin cho nó vào học lớp Năm cũng trường Yên Phụ.
Hơn nữa, người còn cho tôi, con trưởng, thỉnh thoảng có dịp nào tiện thì về thăm quê nội ở Phương Khê. Lần đầu tôi theo một người anh họ, đi tàu thủy từ Hà Nội lên Sơn Tây, rồi từ Sơn Tây đi xe kéo về làng; lần thứ nhì chúng tôi đi xe kéo suốt từ Hà Nội về phủ Quảng Oai, rồi đi bộ về làng. Sau khi đoạn tang chồng, mẹ tôi nhân dịp Tết, người lại đưa tôi và em út tôi về Phương Khê nữa. Như vậy là phải nghỉ bán hàng sáu ngày vì đi đường mất hai ngày, về mất hai ngày rồi.
Tết nào không về được thì người gởi thì người gởi biếu bác Hai tôi trái cây, đồ nấu, hương thơm, trà mứt để cúng tổ tiên, y như hồi cha tôi còn sống, không thay đổi gì cả. Trên bàn thờ cha tôi thì tết nào cũng có hai giò thủy tiên đặt trong hai cái cốc quí bằng thủy tinh như trước chỉ khác thủy tiên không đẹp bằng vì mua ở chợ chiều 30 tết cho rẻ.
Ngày nay nhớ lại đời sống và ngôn hành của người, tôi thấy người không kém bà Tú Xương. Bà Tú:
Quanh năm buôn bán ở ven sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
thì mẹ tôi cũng quanh năm mua ở ven sông, bán ở chợ, và cũng nuôi đủ bốn con - có khi thêm một đứa cháu ở bên chồng nữa - với một mẹ già.
Việc gì người tính toán cũng kín đáo và chu tất, xử sự ngay thẳng và đàng hoàng. Tôi nghiệm thấy phụ nữ người nào từ dung mạo tới tính tình, có nhiều nam tính hơn nữ tính thì hầu hết đảm đang, gây dựng nổi cơ đồ, nhưng đời thường vất vả. Mẹ tôi thuộc hạng người đó. Thật là một phúc lớn cho chúng tôi và cả cho gia đình bên nội tôi nữa. Nếu người tái giá thì chắc anh em chúng tôi phải li tán, kẻ về Sơn Tây ở với ông bác, kẻ đi ở nhờ một bà dì, nếu không thì cũng phải sống tủi nhục với người chồng sau của mẹ; cả trong hai trường hợp đó, chúng tôi đều không học hành được gì, may lắm là biết đọc, biết viết rồi kiếm nghề để mưu sinh. Nhưng dù người không tái giá mà không có bà ngoại tôi thì chúng tôi cũng không nên người được. Công của bà rất lớn.
CHẾ ĐỘ ĐẠI GIA ĐÌNH
Nhóm Tự Lực văn đoàn trong những năm 1932-1945, xuất bản một số tiểu thuyết (Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Thoát li, Thừa tự...) để chỉ trích chế độ đại gia đình, bênh vực phụ nữ, nhất là những người làm dâu, những người vợ trẻ ở góa, đề cao hạnh phúc cá nhân, chủ trương sự thoát li gia đình. Họ có lí: chế độ gia đình có nhiều cái bất công, cổ hủ nữa, phụ nữ đáng thương; dễ tạo ra những con người ỷ lại, thiếu tinh thần phấn đấu, không hợp với một xã hội bắt đầu bước qua thời đại tư bản công nghiệp; nhưng chúng ta phải nhận rằng nó rất thích hợp với một xã hội nông nghiệp và có nhiều nét đẹp cao quí: tình gia tộc đằm thắm hơn, đoàn kết hơn, người ta tương trợ nhau hơn, biết tôn kính cha mẹ, ông bà, ít ích kỉ, có tình cảm, có tinh thần trách nhiệm; và thân phận đàn bà có khi đáng thương thật, nhưng địa vị của họ cũng được xã hội tôn trọng, những cụ nào như mẹ tôi, chịu hi sinh cho chồng con, gây được sự nghiệp cho gia đình bên chồng thì chẳng những con cháu, họ hàng, mà đến hàng xóm, xã hội cũng đều kính nể.
Còn chế độ tiểu gia đình ở phương Tây bây giờ thì thôi, tôi ngán quá! Chẳng phải chỉ riêng tôi, các bạn già của tôi cũng vậy, mà ngay trong số nhà văn, nhà báo Âu, Mĩ cũng ngán nữa. Cuối cuốn Tương lai ở trong tay ta (Cảo Thơm - 1962) tôi đã chép hai cảnh thương tâm do bà Pearl S. Buck kể lại: cảnh một bà già muốn được ngủ một đêm với một đứa cháu nội nhỏ mà phải xin phép con trai của mình, cha đứa nhỏ, ông con cho phép sau khi dặn kĩ: "Chỉ lần này thôi nhé!"; và cảnh một ông già khi bước chân vào một viện dưỡng lão, quay lại nhìn con trai, nghe nó dặn nhỏ: "Ba đừng nói hớ tên gia đình mình ra nhé".
Người ta có thể bảo bà P.S. Buck hồi nhỏ sống ở Trung Hoa, chịu ảnh hưởng đậm của Trung Hoa, nên lạc hậu. Nhưng một kí giả Pháp trong tạp chí Lectures pour tous cũng phàn nàn rằng mỗi vụ hè ở Paris có cả ngàn gia đình dắt cha mẹ già lại gởi trong một dưỡng đường để họ được rảnh rang đi tắm biển, leo núi hoặc du lịch ngoại quốc với vợ con; rồi hết hè họ "quên" không lại đón cha mẹ về! Một vài bộ lạc bán khai ở châu Phi, khi cha mẹ già thì khiêng cha mẹ bỏ vào giữa rừng với một giỏ cơm, một bình nước; ngày nay người ta bỏ cha mẹ vào dưỡng đường, vào viện dưỡng lão, kể cũng tiến bộ lắm.
Còn cảnh ông bà chết mà không đi đưa ma, cảnh nàng dâu gọi bố chồng là con "khỉ đột" là chuyện thường quá rồi!
Già đã cô độc mà trẻ cũng cô độc. Ở Mĩ, ở Pháp - ở Paris - kinh đô ánh sáng, có những khu trẻ dưới mười tuổi, đi học thì đeo tòng teng một cái chìa khoá ở cổ, để chiều đi học về nhà, tự mở cửa lấy, rồi mở tủ lạnh, lấy bánh mì và đồ hộp ra ăn, trong khi ngó tivi, vì cha mẹ chúng tám chín giờ tối mới về. Người ta gọi chúng là "Key children" (trẻ đeo chìa khoá). Việt Nam mình chưa có tình trạng đó, nhưng tôi đã thấy nhiều gia đình cha mẹ đi làm việc cả, nhốt con từ 3 đến 6 tuổi ở trong nhà, khoá cửa lại, trưa về cho chúng ăn rồi lại đi tới chiều tối.
Nhưng người ta bắt trẻ lớp Một học thuộc lòng bài này:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Bác Hồ hơn mẹ hơn cha...
và giảng cho chúng rằng công Bác Hồ nuôi chúng, dạy dỗ chúng... Ông Hồ Chí Minh biết việc này hẳn ông không vui?
Như vậy là người ta nhồi vào óc trẻ điều này: đoàn thể, đảng quan trọng hơn gia đình, để tập cho chúng sớm thoát li gia đình, và hễ cha mẹ già thì đưa vào dưỡng lão viện.
Người ta không hiểu rằng không thể chỉ có đoàn thể mà không có gia đình, rằng đoàn thể dù tổ chức hoàn hảo tới đâu, có những tiện nghi tối tân tới đâu cũng không thể thay thế được tình yêu của cha mẹ, ông bà. Thiếu tình yêu đó thì trẻ không sung sướng, khoẻ mạnh, thông minh được, lớn lên sẽ không giúp gì được nhiều cho đoàn thể, quốc gia. (Coi cuốn Đời mới dạy con theo lối mới của tôi -1958). Nghe nói gần đây người ta đã bỏ câu: "Bác Bác Hồ hơn mẹ hơn cha" rồi. Tiến bộ!
Tôi mừng rằng ở thời đại này được sinh ở phương Đông, hồi nhỏ được cha mẹ và bà ngoại săn sóc (ông nội, bà nội tôi đều mất trước khi tôi sanh), lớn lên được học đạo Khổng; biết chủ trương xã hội của Khổng là "lão giả an chi, thiếu giả hoài chi"[19] (Luận Ngữ, Công Dã Tràng). Và bây giờ còn thấy nhiều gia đình tôn trọng, săn sóc cha mẹ già, hoa quả trong vườn có thứ gì ngon nhất thì để dành cho cha mẹ, cha mẹ đi xóm mà chậm về thì đi tìm, nếu cha mẹ gặp mưa không về được thì đem áo mưa, dù đi đón; phòng của cha mẹ thì giữ cho tĩnh mịch, sạch sẽ. Tôi lại được thấy một số học trò cũ của tôi, nay đã gần 50 tuổi, coi vợ chồng tôi như cha mẹ.
Nhà văn Nguyễn Hữu Ngư - mất năm kia[20] - có lần hỏi tôi: "Anh là người cũ hay người mới?". Tôi không biết đáp ra sao, chỉ bảo: "Cái đó tùy mỗi người nhận định". Tôi không nhất định cho rằng tục lệ, luân lí của xã hội nông nghiệp hoàn toàn tốt đẹp; tôi cũng không bảo rằng xã hội kĩ nghệ phương Tây sa đọa quá rồi, con người cực kì ích kỉ, phóng đãng, tàn nhẫn. Tôi thấy xã hội nào có cái gì đẹp thì tôi theo, cái gì xấu thì tôi bỏ. Hai mươi lăm năm trước, một anh bạn theo đệ tứ hay đệ tam, nghe tôi nói vậy, bĩu môi, chê: "Vậy là anh theo éclectisme à?" Tôi đáp: "Nếu như vậy là éclectisme thì tôi theo éclectisme"[21].
Tôi thực tình mừng rằng từ niên khóa 1979-1980 này, ở cấp một các trường phổ thông lại có giờ luân lí hay đạo đức gì đó, và các trẻ lại được cô giảng cho tình thương và công của cha mẹ.
MỘT THỜI LÊU LỔNG
Mẹ tôi, ngày nào cũng đi từ sáng sớm, tối mịt mới về nhà, người lại không biết chữ, nên không thể kiểm soát sự học của chúng tôi được. Đầu năm học, chúng tôi cần tiền mua bút mực sách vở thì người lấy trong ruột tượng ra đưa; cuối năm người hỏi có được lên lớp không, thế thôi. Ruột tượng của người là một cái túi hẹp mà dài khoảng thước rưỡi bằng sồi (tơ gốc, mặt sù sì, rất bền) vừa để thắt lưng vừa để đựng tiền. Tối nào người đi thu tiền về thì ruột tượng đầy xu đồng và trinh, phồng ở trước bụng.
Khi cha tôi mất, tôi đã biết lo về thân phận của mình, nhưng tuổi đó chỉ ngủ một đêm, sáng dậy đã quên hết. Lo thì lo vậy, chứ không biết siêng học. Không còn cha nhắc nhở, kiềm chế nữa, tôi bỏ bê việc học trọn một niên khóa. Tôi vẫn đi học đều đều, không trốn buổi nào, nhưng thường đi sớm mà về rất trễ vì cùng với bạn thơ thẩn trên bờ đê tìm cỏ gà, bắt dế. Tối tối, tôi và em trai tôi rủ nhau ra chơi ở cột đồng hồ - một cột sắt cao khoảng 3 thước, trên có một đồng hồ, lớn như đồng hồ chợ Bến Thành; cột dựng ở giữa ngã năm, bên bờ sông, đầu ngõ Phất Lộc trông ra, cột đó nay vẫn còn. Thời đó đường Bờ Sông chỉ trải đá, chưa tráng nhựa, chiều hè gió ngoài sông thổi vào, bụi mù, thành phố phải dùng những xe bò kéo chở nước đi tưới. Tối, có ba bốn ngọn đèn điện sáng trưng, các loài sâu có cánh bu lại, trẻ con mấy phố và ngõ chung quanh cũng bu lại chạy nhảy trên một cái nền tròn rộng, bắt cào cào, bươm bướm, dế, cả cà cuống nữa.
Chơi chán, chúng tôi ra bờ sông, ở phía ngoài đê, lại bến tàu, leo lên những đống hàng - nhiều nhất là thùng rượu - hóng gió, nhìn tàu và thuyền đậu san sát trên mặt nước loang loáng chỗ sáng, chỗ tối. Ba bốn đứa nói chuyện láo với nhau, hoặc chơi hú tìm, đuổi bắt nhau giữa những đống hàng mới bốc ở dưới tàu lên, chưa kịp chở vô kho. Đêm nào cũng tới lúc nghe tiếng rao: "Bánh giò, bánh dày" của những người bán hàng đầu đội thúng, tay xách một cái đèn dầu, đi dọc bờ sông chuyên bán cho các phu khuân vác làm khuya, chúng tôi mới về nhà. Lúc đó vào khoảng chín mười giờ tối.
Trọn các ngày nghỉ, chúng tôi chỉ có mặt ở trong nhà trong bữa cơm, còn thì ra ngõ, hoặc đường Bờ Sông chơi với trẻ trong xóm. Chúng là con gia đình lao động: bố làm thợ mộc, thợ cưa, mẹ bán cháo, bán xôi, có khi cả bố lẫn mẹ đều làm phu khuân vác ở bến tàu. Cũng có đứa biết đọc chữ Quốc ngữ, lâu lâu chán chơi, lấy chuyện Thạch Sanh, Phạm Công Cúc Hoa của bố, ngồi đọc cho cả bọn nghe. Chúng coi anh em tôi là cùng bọn, khi nào gây gổ với tụi con nhà giàu theo đạo "Giê du ma" (đạo Ki Tô), có xe nhà gọng đồng bóng lộn ở dãy nhà lầu trước ngõ thì chúng rủ anh em tôi cho thêm đông. Thôi thì đủ các trò nghịch, mất dạy "ma cà bông" (vagabond) như người nói thời đó.
Bà chúng tôi hiền từ không mắng chúng tôi, cứ đến bữa cơm thì đi gọi chúng tôi về ăn; còn mẹ chúng tôi thì nghiêm khắc hơn, hôm nào về nhà sớm, gặp chúng tôi lê la ở ngoài ngõ với trẻ hàng xóm thì quát tháo, bắt phải về liền, có khi quất nữa.
Mùa đông, tôi không ra đường chơi được thì ở nhà đọc truyện Tàu cho cả nhà trong (tức gia đình chúng tôi), nhà ngoài (tức gia đình bà Cả Chiêm, ăn thừa tự) nghe; hết một cuốn thì cầm hai xu chạy vù lại hiệu Cát Thành đầu phố hàng Gai đổi cuốn khác.
Suốt một năm như vậy, bài nhà trường, tôi có học, có làm không, tôi không nhớ nữa; tôi có học thêm được chút nào không? Có lẽ cũng được ít chữ, nhưng không đủ để lên lớp trên, và đầu niên khóa sau tôi học lại với thầy Chử. Cha tôi còn thì chắc chắn tôi khỏi phải "đúp".
Ngày nay nghĩ lại, một năm đó, xét về việc học, tôi đã bỏ phí rất nhiều, đáng tiếc thật; nhưng về mặt khác - về thể chất, về tính tình chẳng hạn - biết đâu tôi chẳng được lợi một chút: chạy nhảy nhanh nhẹn hơn, sống giản dị, tự nhiên hơn, hiểu biết trẻ bình dân hơn?
TU TỈNH
Niên khóa sau, sau ngày nhập học độ một hai tháng, một hôm thầy Chử chấm bài cho tôi rồi ngững lên nói với cả lớp: "Lê marche à reculons" (Trò Lê đi giật lùi). Bị bạn bè chế giễu, tôi xấu hổ, nhớ hoài câu đó, quyết tâm sửa tính.
Ít bữa sau, tôi xin tiền mẹ mua ở hiệu Thuỵ Ký phố hàng Giấy một "manh" giấy (main de paper) tức một xấp 25 tờ hạng tốt, dày, trắng mịn, một cái bìa, một cây viết chì mềm Gilbert và một cây thước kẻ thật thẳng.
Thời đó chưa có những tập vở 48 hay 100 trang, chúng tôi phải mua giấy đóng vở lấy. Giấy khổ lớn, gấp thành 21 x 31 phân, lại chưa kẻ hàng, chúng tôi phải kẻ lấy, vì vậy cần có bút chì và thước tốt.
Một sáng mùa đông - chắc là đầu tháng mười vì trời chưa rét lắm - tôi dậy từ lúc từ còn tối trời, đốt đèn dầu ôn lại bài học, ăn một chén cơm rang rồi sắp tập vở mới vào cặp để tới trường. Từ hôm đó tôi giữ gìn tập vở sạch hơn, học bài kĩ hơn; cuối niên tôi vượt lên hạng nhất hay hạng nhì. Chỉ có ba chữ của thầy mà thay đổi được đời học sinh của tôi, điều đó, thầy tôi có ngờ được không? Còn trong gia đình thì không ai biết cả vì tôi không hề nói với ai. Lên lớp nhất (cours Supérieur), khi học câu đầu bài Rentreé des classes của Anatole France: "Je vais vous dire ce que me rappellent tous les ans, le ciel agité de l'automne, les premiers dîners à la lampe et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonnent...[22] thì hình ảnh bữa điểm tâm dưới ánh đèn của tôi năm đó lại hiện lên.
Tôi nhớ hoài công của thầy tôi. Trên 30 năm sau, hồi tôi ở đường Huỳnh Tịnh Của, tự xuất bản sách của tôi, một hôm một độc giả lại thăm. Thấy ông ta là người Bắc di cư năm 1954, sau hiệp định Genève mà lại họ Hà, tôi hỏi ngay: "Ông có cùng họ với cụ Hà Ngọc Chử[23], khoảng 1920 dạy ở trường Yên Phụ, Hà Nội và quê ở Hà Giang không?". Ông ta đáp không. Tôi lại hỏi có nghe nói về cụ ấy không? - cũng không nữa. Tôi hơi buồn. Hồi đó nếu được tin thầy, thì thế nào tôi cũng tìm thăm hoặc viết thư ôn lại chuyện cũ với thầy.
Năm sau lên lớp 3 tôi vẫn vào hạng giỏi trong lớp. Những môn Sử, Địa, Thường thức (Leçons de choses)[24] dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ. Mỗi bài dài độ 7, 8 hàng. Nhà trường không bắt học sinh mua sách. Thầy giáo chép bài lên bảng đen để học sinh nhìn mà chép vào vở. Tôi và một anh bạn lớn hơn tôi đến 4-5 tuổi - thời đó học sinh đều khai rút tuổi - ngồi sát nhau, vừa chép bài vừa nhẩm từng câu, khi hết bài, đọc lại trọn bài 1, 2 lần, như vậy là thuộc. Giờ ra chơi chúng tôi trả bài với nhau ở dưới gốc nhãn. Vì vậy mà về nhà còn dư thì giờ nhiều lắm; không có ai dạy thêm, cũng không có sách để đọc, hình để coi như trẻ ngày nay.
Đã sẵn đà rồi, mấy năm sau tôi học dễ dàng. Chỉ có niên khóa lớp nhì năm thứ nhất (Moyen première année), tôi gặp một thầy bất công, giả dối, tôi không ưa, suốt đời tôi ghét nhất bọn giả dối và bọn bán nước, lại thêm mùa đông bị bệnh sưng đầu gối và mắt cá chân, đau nhức vô cùng, phát sốt lên mê man cả tuần lễ, phải nằm liệt giường, uống thuốc Bắc và thuốc Nam gần một tháng mới hết, phải bỏ mất mấy kì thi hằng tuần; nên số điểm của tôi kém, cuối năm tôi phải "đúp", mặc dầu tôi còn sức lên lớp hơn nhiều bạn khác. Thời đó Pháp muốn hạn chế sự học của mình, không cho cuối hè được thi lại những môn thiếu điểm. Trong năm đó tôi đã đọc loại sách Livres roses của Pháp, muốn tra những chữ khó, tôi đã nhịn ăn sáng 6 tháng để mua cuốn tự điển Larousse élémentaire illustré. Ngày nay học sinh ở cấp 3 vẫn không có tự điển Việt ngữ để tra.
Hai năm cuối cùng bậc tiểu học Pháp Việt: Lớp nhì năm thứ nhì (Moyen deuxième année) và lớp nhất (Supérieur) tôi đều nhất lớp. Lớp nhất tôi chơi thân với hai anh Vũ Đình Hoè và Lê Huy Vân: ba chúng tôi đều vào hạng nhỏ tuổi nhất mà học khá nhất. Hai anh Hoè và Vân sau đều học cử nhân Luật, viết báo Thanh Nghị (anh Hoè làm chủ bút), hiện nay đều còn sống ở Hà Nội, thỉnh thoảng cũng viết báo Dân Chủ (Hoè) và Tổ Quốc (Văn). Không ngờ ba anh em tôi đều thành nhà văn, nhà báo cả.
LÃNH PHẦN THƯỞNG Ở NHÀ HÁT TÂY, GẦN BẾN THẢO TÂN
Thời đó, những học trò được giải thưởng nhất (Prix d'Exellence)[25] ở lớp nhất của các trường tiểu học Hà Nội thì được lại nhà hát Tây lãnh thưởng, còn những trò khác lãnh tại trường mình. Đi học chúng tôi toàn đi chân không; riêng tôi có năm bận một chiếc áo dài vải đen vá một miếng hình chữ L trước ngực, bị Hòe và Vân chế là mang tên trước ngực. Nhưng vào rạp hát lớn lãnh thưởng mà đi chân đất hoặc đi guốc thì không được; tôi thưa như vậy với mẹ tôi và người mua cho tôi một đôi giày cũ của một người thợ sửa giày nào đó ở gần chợ. Đã không quen đi giày mà giày lại lớn, xỏ chân vào bước được hai bước thì nó đã văng ra đằng trước; vì vậy hôm đi lãnh thưởng, tôi xách giày mà đi đất, tới gần nhà hát Tây, xuống bãi cỏ ở chân bờ đê sông Nhị rửa chân[26], xỏ vào giày rồi rón rén từng bước đi lại nhà hát cách bờ sông độ trăm thước. Ngồi trong rạp thấy chung quanh toàn những học sinh lớn nhỏ, nam nữ sang trọng, tôi lo ngại đi không khéo để giày văng ra thì ê quá.
Lượt về tôi cũng rón rén từng bước vì một tay ôm chồng sách lớn, một tay xách giày thì kì quá. Lần đó là lần đầu tiên tôi thấy bực mình vì sự bó buộc của cách ăn mặc. Sau tôi còn bị một lần nữa: ngày cưới vợ, tôi phải bận bộ smoking với chemise à plastron chỉ để chụp một tấm hình, dự một bữa tiệc rồi bỏ, thật uổng tiền! Tôi quí bà Marie Curie ngày cưới chỉ may mỗi một chiếc áo vừa để làm lễ ở giáo đường vừa để đi dậy học được. Suốt đời tôi chỉ thích bận bộ bà ba, ra ngoài thì khoác thêm chiếc áo dài, xỏ đôi dép, không mất một phút. Bận đồ Tây phải cài khuy manchette, thắt cà vạt, cột giày, tôi cho là mất thì giờ quá. Về y phục, tôi giản dị như mẹ tôi, khác hẳn cha tôi và vợ con tôi.
Tối hôm đó, nhìn chồng sách thưởng của tôi, mẹ tôi rất vui và chắc hãnh diện ít nhiều, nhưng người không bao giờ khoe sự học của tôi với ai cả.
HỌC GIỎI MÀ THI RỚT - HỌC TƯ
Có những sự rủi kì cục mà lại ảnh hưởng tốt tới đời mình, khiến chúng ta không thể không tin rằng có số phận, một sự an bài nào đó.
Học nhất lớp mà thi tuyển vô trường Bưởi, hồi đó còn gọi là Collège du Protectorat (trường Bảo hộ) tôi rớt, còn Hoè và Văn đều đậu. Rớt về môn ám tả Pháp, môn này không đủ điểm thì bị loại ngay, không chấm các môn sau, dù bài làm có hay tới mấy cũng vô ích. Cho nên rớt chánh tả, chúng tôi gọi là "bay kinh nghĩa". (Thi Hương thời xưa, bài đầu tiên là bài kinh nghĩa, không đủ điểm thì không được vào kì nhì, rớt luôn).
Tôi ngồi gần cuối phòng mà giám khảo hôm đó là một nữ giáo sư Pháp, già, quạu quọ, đọc rất khó nghe. Đầu bài chính tả là Notre chat Casimir. Bài đó tôi bị nhiều lỗi quá. Tiếc nhất là một tháng trước, khi học tư trường Trí Đức, trường đã đọc bài đó cho học sinh viết, nhưng đêm đó mưa, tôi nghỉ học; nếu đi học thì nhất định khi thi tôi không mắc một lỗi nào và đã đỗ trên hạng trung bình, vì những bài khác tôi làm khá hết. Chương IX tôi sẽ giảng vì sự rủi lần đó mà sau tôi mới vô trường Công chánh rồi làm việc ở Nam, điều này quyết định cả đời tôi.
Buồn cho mẹ tôi lắm, nhưng người không hề nói gì cả, mà tôi có tính thất bại thì chịu chứ không viện lẽ này lẽ khác để biện bạch dù là những lẽ rất chính đáng, rất đúng. Về điểm đó tôi lầm lì, có người cho tôi là tự cao.
Một người bà con ở phố hàng Đường (tức bên mẹ tôi) vợ một ông ấm, khuyên mẹ tôi cho tôi phá ngang, nghĩa là thôi học, kiếm một việc gì đó mà làm. Bà ta còn hợm hỉnh bảo với nhiều người "con cái nhà tôi không học như con cái các người", ý muốn nói học để thành ông cử, ra làm quan huyện kia, chứ không làm thầy kí, thầy thông. Mẹ tôi nghe chỉ làm thinh và cứ cho tôi tiếp tục học, mỗi tháng bỏ ra hai ba đồng, trả học phí trường tư.
Sau khi học thử hai trường, tôi trở lại trường Trí Đức, chuyên luyện Pháp văn và Toán, mỗi tối hai giờ. Trong năm này tôi đọc được một số tiểu thuyết Pháp, loại "Meilleurs livres" rẻ tiền của nhà Hachette, mỗi tập khổ 11 x 17 phân, 90 trang, bán hai xu[27]. Tôi say mê đọc Les Misérables của Victor Hugo mà lúc đó Nguyễn Văn Vĩnh mới dịch ra tiếng Việt, rồi Les travailleurs de la mer, Notre Dame de Paris cũng của Hugo. Tôi nhận thấy Hugo hay dùng antithèse (như phép đối ngẫu của mình), mạnh mà kêu, và tôi hơi lây bút pháp đó.
Ở trường Trí Đức, tôi xuất sắc cả về hai môn Pháp văn và Toán. Ông hiệu trưởng mến tôi, giao một công việc sổ sách cho tôi làm trong ngày chủ nhật, và số tiền ông cho tôi để mua sách, tôi đem về đưa hết cho bà ngoại tôi (tôi đã chép việc đó trong Cháu bà nội tội bà ngoại).
Năm sau (1927), tôi thi lại và trường Bưởi, đậu thứ 12 trên 160 học sinh trúng tuyển (thí sinh là 650). Em trai tôi đương học trường Yên Phụ. Lúc này mẹ tôi yên tâm rồi. Người phải tiêu pha nhiều cho chúng tôi (vì không ai chỉ bảo cho chúng tôi để xin học bổng) mà học phí của tôi là 3 đồng mỗi tháng, nhưng việc buôn bán của người hồi này cũng khá. Cảnh gia đình tôi, nhờ người lại vượng lên.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro