CHƯƠNG IITỔ TIÊNTRUYỀN THỐNG VÀ MÔN PHONG THUỶ
Trong xã hội ta ngày xưa, gia đình nào cũng gốc gác nhà nông và tuy có bốn giới: sĩ, nông, công, thương, nhưng có thể gom làm hai: sĩ và bình dân (nông nhiều nhất, công, thương rất ít) ít học. Sĩ và bình dân trà trộn với nhau, chứ không cách biệt: trong một gia đình, có thể một người con là sĩ còn ba bốn người khác là bình dân; hơn nữa một người là bình dân, ít năm sau có thể trở thành kẻ sĩ. Một gia đình bình dân, nếu làm ăn phát đạt do cần kiệm, có dư một chút mà biết trọng sự học, quyết tâm nuôi con ăn học thì tới đời con hay đời cháu thế nào cũng có được một vài kẻ sĩ; đã có một thế hệ là sĩ rồi thì các thế hệ sau rất dễ nối được nghiệp sĩ; nói cách khác là cha đã đỗ ông cử, ông tú thì con cháu cũng dễ thi đỗ, một phần nhỏ do di truyền, phần lớn do không khí học hỏi trong nhà, do kinh nghiệm và sự dạy dỗ của ông cha.
Ở thời đại dân chủ, bình đẳng ngày nay, khắp thế giới đâu đâu cũng vậy: thanh niên trong các gia đình trí thức (giáo sư, luật sư, kĩ sư...) hay cán bộ cao cấp vô đại học vẫn đông hơn thanh niên trong các gia đình nông dân hay thợ thuyền ít học, chính là do ảnh hưởng kể trên trong gia đình. Không phải là các gia đình trí thức có nhiều con thông minh hơn đâu, lấy số đông thì tỉ số trẻ thông minh trong giới nào cũng ngang ngang nhau: từ 10 đến 20 phần trăm (tùy cách định nghĩa thế nào là thông minh). Chỉ nhờ được hoàn cảnh tốt hơn, có nhiều phương tiện tốt hơn để học nên họ thành công hơn, vô đại học dễ dàng hơn thế thôi.
Cổ nhân rất tin môn phong thủy - xưa gọi là địa lí - có kinh nghiệm hằng ngàn năm, lưu lại nhiều sách; chúng ta ai cũng được nghe nhiều truyện để đất rất linh nghiệm. Tôi hồi niên thiếu cũng đã được một ông bác dắt đi coi vài kiểu đất phát ở quê hương, như kiểu đất mộ tổ cụ Lê Anh Tuấn đã kể trên; rồi lớn lên, trong một hồi thất nghiệp, đã bỏ ra vài tháng đọc hết bộ Địa lí hám giá[10] nhưng tôi phải thú thực rằng ra ngoài đồng thì không sao nhận ra được "long mạch" mà bác tôi chỉ cho cả. Tuy nhiên tôi cũng không dám ngờ rằng cổ nhân hoàn toàn bịa đặt, vì không ai bịa ra cả một môn học đầy đủ lí thuyết, chứng cứ, khiến cho biết bao người trong cả ngàn năm tin tưởng, nếu nó hoàn toàn sai. Hơn nữa có nhiều chuyện ứng nghiệm, cổ nhân kể lại mà tôi không thể ngờ rằng các cụ đặt ra để biện minh một cách hậu nghiệm (a postériori) một thuyết trong sách, chẳng hạn chuyện ngôi mộ thủy tổ họ Nguyễn Triệu Luật trong cuốn Ngược đường Trường Thi.
Theo các bác tôi kể lại thì gia đình chúng tôi khá nhất trong họ, trong làng, phát về văn học là nhờ hai ngôi mộ kết: ngôi cụ tổ sáu đời của tôi ở Gò Mèo được kiểu "bút gối sau đầu, học giỏi mà không đậu"; và ngôi cụ tổ năm đời của tôi ở Gò Dù phát phú quí, nhưng con cháu phải li hương và càng xa càng tốt. Một điều lạ lùng tôi không sao hiểu nổi là có lần các bác tôi lấy một cục đất ở ngôi mộ Gò Dù đem lên Trung Hà, trên bờ sông Đà, cách làng tôi 15 cây số, nhờ một thầy bói mù nổi tiếng gieo cho một quẻ xem ngôi mộ đó có "động" không, thì thầy bói đó không hề quen biết gia đình tôi, bảo ngôi đó không động mà kết, nhưng con cháu phải đi xa mới khá (y như lời thầy địa lí đã nói) vì hào tử tôn (con cháu) không hiện trong quẻ, mà trong nhật tuần nguyệt kiến, tức trong ngày tháng coi quẻ.
Hai cái gò đó, chỉ một cái năm 1945 còn nhận ra được vì cao hơn mặt ruộng độ hai tấc, còn một cái thành ruộng rồi, không cao hơn các ruộng chung quanh. Nếu là đất kết thì chỉ kết nhỏ thôi: vài cụ nổi tiếng học giỏi trong tổng nhưng thi rớt, một cụ đậu tú tài và tới đòi tôi thì hai ông anh con bác tôi[11] hơi nổi tiếng về văn thơ, nhưng không đỗ đạt. Tôi xuất thân đại học ở Hà nội, con tôi xuất thân một "trường lớn"[12] ở Paris (trường Hautes Etudes Commerciales). Bảo là nhờ kiểu đất thì cũng được. Nhưng tôi thì tôi cho là nhờ công các cụ chúng tôi rẩt săn sóc sự học của con cháu, mà gia đình nào có được truyền thống trọng học đó thì kết quả cũng đạt được như vậy, không sớm thì muộn. Tôi tin ở sức người hơn.
CÁC BÁC TÔI
Ông bà tôi sinh được bốn người con trai.
Con cả tên là Nhuận, hiệu là Tùng Hương, thông minh, văn thơ hay nhưng ghét khoa cử, không chịu cưới vợ, gia nhập Đông Kinh nghĩa thục rồi sau lẻn qua Trung Hoa, theo cụ Phan Bội Châu, chết ở đâu, năm nào, không rõ.
Người thứ nhì tên là Cổn, tự Đạo Quýnh, hiệu là Kế Phương học cũng khá, không thi cử, giữ tổ nghiệp ở Phương Khê, suốt đời dạy học, mới đầu làm tổng sư, sau làm thầy đồ dạy tại nhà, cuối cùng là hương sư, mất năm 1933.
Người thứ ba tên là Cổn, hiệu là Phương Sơn, thông minh, có văn tài nhất, thi Hương một khoa, rớt, rồi bỏ luôn, gia nhập Đông Kinh nghĩa thục, làm rể cụ Lương Văn Can, thục trưởng, sau lẻn vào Nam Kì, đổi tên là Khôn, định tiếp tục hoạt động mà không được, mất năm 1960 ở Chợ Thủ (Long xuyên).
Trong cuốn Đông Kinh nghĩa thục tôi đã chép hoạt động của ông Cả và ông Ba; ngôn hành ông Hai tôi cũng ghi rải rác trong cuốn Tổ chức gia đình, Tựa cuốn Cổ văn Trung Quốc, cuối cuốn Nhà giáo họ Khổng.
Người con thứ tư tên là Bí, hiệu là Đặc Như, tức cha tôi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro