Hỏi đáp về WTO (MUTRAP II)
1- KHÁI NIỆM VỀ WTO
1. Hệ thống thương mại đa phương là gì?
Đa phương có nghĩa là nhiều bên. Hệ thống thương mại đa phương trước hết được
hiểu là hệ thống thương mại có nhiều nước cùng tham gia, cùng áp dụng những luật lệ,
quy ước chung. Điều này đối lập với các mối quan hệ thương mại song phương, trong
đó chỉ có hai nước tự thoả thuận những quy tắc điều chỉnh thương mại giữa hai nước
đó với nhau.
Trong WTO, từ "đa phương" có ý nghĩa phân định rõ rệt hơn. Hệ thống thương mại đa
phương dùng để chỉ hệ thống thương mại do WTO điều chỉnh. Do không phải toàn bộ
các nước trên thế giới đều là thành viên WTO nên "đa phương" sẽ chỉ phạm vi hẹp
hơn "toàn cầu". Mặt khác, "đa phương" cũng không đồng nghĩa với những thoả thuận
của từng nhóm nước tại một khu vực nhất định trên thế giới, ví dụ như EU, ASEAN,
NAFTA, v.v... Như vậy, "đa phương" là khái niệm đứng giữa "toàn cầu" và "khu vực".
Cần lưu ý rằng trong quan hệ quốc tế nói chung, "đa phương" có thể chỉ bất kỳ mối
quan hệ nào có hơn hai nước trở lên tham gia.
2. Tại sao ngày nay người ta lại nói nhiều đến đa phương?
Đa phương không phải là quá mới. Hội Quốc liên (hoạt động từ năm 1919) và tổ chức
kế thừa là Liên hợp quốc là một minh chứng của hệ thống đa phương.
Với việc GATT có hiệu lực từ năm 1948, hệ thống thương mại đa phương chính thức
ra đời và đến nay đã tồn tại hơn nửa thế kỷ. Mặc dù có thời gian tồn tại dài như vậy,
nhưng trong nhiều năm, GATT vẫn chỉ là một nhóm nước hạn chế với một chủ đề duy
nhất là cắt giảm thuế quan. Với những kết quả tích cực của Vòng Uruguay, GATT đã
mở rộng phạm vi của mình hơn rất nhiều và trở thành một tổ chức chính thức - WTO.
Sự có mặt của hầu hết các nền kinh tế lớn cũng như sự gia tăng số lượng thành viên
làm cho GATT/WTO có một vị trí nổi bật trong thương mại toàn cầu.
Do hệ thống đa phương áp dụng đồng loạt với nhiều nước nên thông qua hệ thống này,
việc xây dựng các quy tắc chung về thương mại sẽ nhanh chóng hơn. Với nguyên tắc
tối huệ quốc, việc đạt được những ưu đãi tại hệ thống này cũng có nghĩa là đạt được
ưu đãi từ hơn một trăm nước thành viên khác. Một số nước cũng muốn sử dụng hệ
thống này để giải quyết những vấn đề quan hệ thương mại song phương. Nếu như
những nước nghèo thường bị những nước giàu chèn ép khi đàm phán thương mại song
phương thì tại một diễn đàn đa phương, họ có thể góp chung tiếng nói để tạo nên một
ảnh hưởng nhất định đối với những nước giàu.
3. Thế nào là tự do hoá thương mại, những tác động của quá trình đó là gì?
Tự do hoá thương mại là việc dỡ bỏ những hàng rào do các nước lập nên nhằm làm
cho luồng hàng hoá di chuyển từ nước này sang nước khác được thuận lợi hơn trên cơ
sở cạnh tranh bình đẳng. Những hàng rào nói trên có thể là thuế quan, giấy phép xuất
nhập khẩu, quy định về tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, yêu cầu kiểm dịch, phương
pháp đánh thuế, v.v... Các hàng rào nói trên đều là những đối tượng của các hiệp định
mà WTO đang giám sát thực thi.
Trên cơ sở lý thuyết lợi thế so sánh, lợi ích lớn nhất của tự do hóa thương mại là thúc
đẩy ngày càng nhiều nước tham gia buôn bán, trao đổi hàng hoá, từ đó thúc đẩy tăng
trưởng kinh tế. Với người tiêu dùng, hàng hoá lưu thông dễ dàng hơn đem lại cho họ
cơ hội lựa chọn hàng hoá tốt hơn với giá rẻ hơn (người tiêu dùng ở đây có thể hiểu là
cả những nhà sản xuất nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất ra những hàng hoá
khác).
Nhưng, cũng không phải ngẫu nhiên mà các nước lại dựng lên những hàng rào làm ảnh
hưởng đến sự lưu thông hàng hoá. Lý do để các nước làm việc này là nhằm bảo hộ sản
xuất trong nước trước sự cạnh tranh của hàng hoá bên ngoài (điều này có ý nghĩa lớn
vì sản xuất trong nước suy giảm sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm và qua đó đến ổn
định xã hội), tăng nguồn thu cho ngân sách (thông qua thu thuế quan), tiết giảm ngoại
tệ (chi cho mua sắm hàng hoá nước ngoài), bảo vệ sức khoẻ con người, động-thực vật
khỏi những hàng hoá kém chất lượng hay có nguy cơ gây bệnh, v.v... Tự do hoá
thương mại, ở những mức độ khác nhau, sẽ làm yếu đi hoặc mất dần các hàng rào nói
trên và như thế sẽ ảnh hưởng đến mục đích đặt ra khi thiết lập hàng rào.
4. Xin hãy cho biết lịch sử hình thành của GATT.
GATT tồn tại suốt 46 năm (1948-1994), nhưng sự ra đời của nó lại là một điều không
định trước.
Ngay từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai chưa kết thúc, các nước đã nghĩ đến việc
thiết lập các định chế chung về kinh tế để hỗ trợ công cuộc tái thiết sau chiến tranh.
Hội nghị Bretton Woods triệu tập ở bang New Hampshire (Hoa Kỳ) năm 1944 nhằm
mục đích này. Kết quả của Hội nghị Bretton Woods là sự ra đời của 2 tổ chức tài
chính: Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (nay gọi là Ngân hàng Thế giới -
WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Một tổ chức chung về thương mại cũng được đề
xuất thành lập với tên gọi Tổ chức Thương mại Quốc tế (ITO).
Phạm vi đề ra cho ITO là khá lớn, bao trùm lên cả các vấn đề việc làm, đầu tư, cạnh
tranh, dịch vụ, vì thế việc đàm phán Hiến chương (hiểu cách khác là Điều lệ) của ITO
diễn ra khá lâu. Trong khi đó, vì mong muốn sớm cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh
công cuộc tái thiết sau chiến tranh, năm 1946, một nhóm 23 nước đã đàm phán riêng
rẽ và đạt được một số ưu đãi thuế quan nhất định. Để ràng buộc những ưu đãi đã đạt
được, nhóm 23 nước này quyết định lấy một phần về chính sách thương mại trong dự
thảo Hiến chương ITO, biến nó thành Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại
(GATT). GATT có hiệu lực từ 1/1/1948 như một thoả thuận tạm thời trong khi chờ
ITO được thành lập. Nhưng ITO không ra đời: mặc dù Hiến chương ITO đã được
thông qua tại Havana (Cuba) tháng 3/1948, nhưng việc Quốc hội Hoa Kỳ trì hoãn
không phê chuẩn Hiến chương làm cho các nước khác cũng không phê chuẩn, dẫn đến
ITO không trở thành hiện thực. Do vậy, GATT trở thành cơ cấu đa phương duy nhất
điều chỉnh thương mại quốc tế cho đến khi WTO ra đời.
5. GATT là một tổ chức, có đúng không?
GATT chưa bao giờ là một tổ chức. Đó chỉ từng là một hiệp định có vai trò bao trùm
trong đời sống thương mại quốc tế trong đó đề ra những nguyên tắc cơ bản của thương
mại quốc tế và những nguyên tắc đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, sự điều hành GATT làm người ta có cảm giác đây như là một tổ chức.
GATT điều hành các vòng đàm phán kéo dài nhiều năm với sự tham gia của hàng chục
quốc gia từ khắp các châu lục. Do tầm vóc lớn lao của nó cũng như giá trị những khối
lượng thương mại mà nó điều tiết, GATT có riêng một Ban Thư ký để theo dõi, giám
sát việc thực hiện Hiệp định. Để diễn tả hình thức tồn tại này của GATT, có người đã
gọi GATT là một "định chế".
Minh chứng rõ ràng chính là sự ra đời của WTO. Một trong những mục đích của việc
xuất hiện WTO chính là nhằm thể chế hoá GATT, biến GATT thành một tổ chức thực
sự.
Một điều dễ thấy về tính chất của GATT là các nước tham gia GATT chỉ được gọi là
các bên ký kết. Trong khi đó, với một tổ chức chính thức như WTO sau này, các nước
tham gia được gọi là thành viên.
6. Sau khi WTO ra đời thì GATT có còn tồn tại hay không?
GATT vẫn tồn tại, với tư cách là một trong các văn bản pháp lý của WTO. Nhưng
GATT không phải là văn bản pháp lý duy nhất, bên cạnh đó còn xuất hiện nhiều văn
bản khác như Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ, Hiệp định Nông nghiệp, Hiệp
định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại, v.v.....
GATT của thời kỳ WTO cũng có khác với GATT thuở ban đầu. Để phân biệt, người ta
gọi GATT ban đầu là GATT 1947, còn GATT của thời kỳ WTO là GATT 1994 (theo
thời gian thông qua văn bản này).
7. Tại sao lại gọi là Vòng Uruguay và lý do gì làm cho Vòng đàm phán này nổi tiếng
đến vậy?
Vòng đàm phán thứ 8 của GATT khai mạc tháng 9/1986 tại Punta del Este, Uruguay,
vì thế vòng đàm phán này được đặt tên là Vòng Uruguay.
Vòng Uruguay nổi tiếng vì nhiều lý do. Trước hết, đây là vòng đàm phán dài nhất và
có số nước tham gia đông nhất trong lịch sử của GATT. Đây có lẽ cũng là một trong
những vòng đàm phán lớn nhất từ trước đến nay. Thứ hai, Vòng Uruguay đã đạt được
những kết quả vượt bậc so với các vòng đàm phán trước, đặc biệt là với việc đưa được
cả thương mại dịch vụ và sở hữu trí tuệ vào phạm vi điều chỉnh của GATT. Thứ ba,
vòng đàm phán này đã dẫn đến sự ra đời của WTO - một tổ chức chính thức để giám
sát các hoạt động thương mại đa phương. Những kết quả của Vòng Uruguay trở thành
văn kiện chính thức của WTO.
8. Ngoài Vòng Uruguay, GATT còn có những vòng đàm phán nào nữa?
GATT có tổng cộng 8 vòng đàm phán. Vòng đàm phán đầu tiên chính là vòng đàm
phán dẫn đến sự hình thành của GATT. Hầu hết các vòng đàm phán đều diễn ra tại
Geneva (Thuỵ Sỹ), nơi đóng trụ sở Ban Thư ký của GATT. Bảng dưới đây cho biết
một số thông tin về các vòng đàm phán này.
T/t_Tên vòng đàm phán_Năm_Chủ đề đàm phán_Số nước tham gia
1_Geneva_1947_thuế quan_23
2_Annecy_1949_thuế quan_13
3_Torquay_1951_thuế quan_38
4_Geneva_1956_thuế quan_26
5_Dillon_1960 - 1961_thuế quan_26
6_Kennedy_1964 - 1967_thuế quan và các biện pháp chống phá giá_62
7_Tokyo_1973 - 1979_thuế quan, các biện pháp phi thuế quan, các
hiệp định khung_102
8_Uruguay_1986 - 1994_thuế quan, các biện pháp phi thuế quan, dịch
vụ, sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp, nông
nghiệp, hàng dệt may, v.v..._123
9. WTO là gì?
WTO là tên viết tắt tiếng Anh của Tổ chức Thương mại Thế giới. WTO được chính
thức thành lập từ ngày 1/1/1995 theo Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế
giới ký tại Marrakesh (Ma-rốc) ngày 15/4/1994.
10. Chức năng của WTO?
WTO có 4 chức năng chính:
Hỗ trợ và giám sát việc thực hiện các Hiệp định WTO;
Thúc đẩy tự do hoá thương mại và là diễn đàn cho các cuộc đàm phán thương
mại;
Giải quyết tranh chấp thương mại giữa các nước thành viên;
Rà soát chính sách thương mại của các nước thành viên.
11. Cơ cấu tổ chức của WTO?
WTO là một tổ chức liên chính phủ. Cơ quan cao nhất của WTO là Hội nghị Bộ
trưởng bao gồm đại diện của tất cả các nước thành viên, họp ít nhất một lần trong 2
năm. Các cơ quan thường trực điều hành công việc chung của WTO. Các cơ quan này
là:
Đại Hội đồng: Cơ quan thường trực cao nhất của WTO, bao gồm đại diện của tất
cả các nước thành viên. Đại Hội đồng thực hiện chức năng của Hội nghị Bộ
trưởng giữa các kỳ Hội nghị và thực hiện một số nhiệm vụ khác được đề cập trong
các Hiệp định.
Cơ quan Giải quyết Tranh chấp: Là Đại Hội đồng họp khi cần thiết để giải quyết
các vụ tranh chấp thương mại. Cơ quan này có thể có chủ tịch và các thủ tục làm
việc riêng.
Cơ quan Rà soát Chính sách Thương mại: Là Đại Hội đồng họp khi cần thiết để rà
soát chương trình thương mại của các nước thành viên. Cơ quan này có thể có chủ
tịch và các thủ tục làm việc riêng.
Hội đồng Thương mại Hàng hoá
Hội đồng Thương mại Dịch vụ
Hội đồng về các vấn đề Sở hữu Trí tuệ liên quan đến Thương mại
Dưới các Hội đồng nói trên là một loạt các uỷ ban và cơ quan giúp việc khác giám sát
các vấn đề chuyên môn và là nơi thảo luận về các vấn đề nảy sinh khi thực hiện các
Hiệp định WTO.
12. Cơ chế ra quyết định của WTO như thế nào?
Hầu hết mọi quyết định của WTO đều được thông qua theo nguyên tắc đồng thuận.
Tuy nhiên, có một số trường hợp WTO ra quyết định theo phương thức biểu quyết.
Trong trường hợp này, mỗi nước có một phiếu, trừ Liên minh châu Âu có số phiếu
bằng số thành viên của Liên minh.
Việc diễn giải một hiệp định cần được đa số 3/4 nước thành viên WTO thông qua;
Việc miễn trừ một nghĩa vụ cho một nước thành viên cần có được đa số 3/4 tại
Hội nghị Bộ trưởng;
Quyết định sửa đổi nội dung các điều khoản hiệp định cần phải được tất cả hoặc
2/3 số nước thành viên chấp nhận, tuỳ theo tính chất của các điều khoản ấy
(những sửa đổi chỉ được áp dụng cho các nước thành viên đã chấp nhận);
Quyết định kết nạp thành viên mới cần được Hội nghị Bộ trưởng hoặc Đại Hội
đồng thông qua với đa số 2/3.
13. Thế nào là đồng thuận?
Ðồng thuận là một phương thức ra quyết định mà tại thời điểm thông qua quyết định
đó không có một ý kiến phản đối nào được nêu ra.
Ðồng thuận khác với phương thức biểu quyết. Trong phương thức biểu quyết, các đại
biểu phải thể hiện rõ lập trường của mình (bằng cách giơ tay, bỏ phiếu, ấn nút), trong
đó số phiếu thuận đạt một tỷ lệ nhất định thì quyết định mới được thông qua. Trường
hợp đạt được 100% số phiếu thuận gọi là nhất trí.
14. Ban Thư ký WTO là một cơ quan như thế nào?
Ban Thư ký WTO (nguyên là Ban Thư ký GATT trước đây) đóng tại Geneva, Thuỵ
Sỹ. Địa chỉ chính thức là:
World Trade Organization
Centre William Rappard
Rue de Lausanne 154, CH-1211 Geneva, Switzerland
Đứng đầu Ban Thư ký WTO là một Tổng Giám đốc. Tổng Giám đốc hiện nay là ông
Mike Moore (quốc tịch New Zealand). Giúp việc cho Tổng Giám đốc có 4 Phó Tổng
Giám đốc. Ban Thư ký WTO có khoảng 550 nhân viên mang nhiều quốc tịch khác
nhau.
Ngân sách của WTO năm 2002 vào khoảng 143 triệu franc Thuỵ Sỹ (tương đương
87,7 triệu USD), do các nước thành viên đóng góp theo tỷ lệ thương mại của từng
nước so với thương mại thế giới.
15. Các hoạt động chính của Ban Thư ký WTO là gì?
Các hoạt động chính của Ban Thư ký WTO là:
Hỗ trợ các cơ quan của WTO (các Hội đồng, Uỷ ban, nhóm công tác, nhóm đàm
phán) trong việc đàm phán và thực hiện các hiệp định. Một số phòng của Ban Thư
ký WTO chuyên theo dõi về những hiệp định cụ thể.
Hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển và kém phát triển.
Thống kê và đưa ra phân tích về tình hình, chính sách và triển vọng thương mại
thế giới.
Hỗ trợ các quá trình giải quyết tranh chấp và rà soát chính sách thương mại.
Tiếp xúc và hỗ trợ các nước thành viên mới trong quá trình đàm phán gia nhập.
Thông tin, tuyên truyền về WTO.
16. WTO là một tổ chức quốc tế. Vậy ngôn ngữ làm việc của WTO như thế nào?
WTO sử dụng ba ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha.
Mọi văn kiện quan trọng của tổ chức này đều được dịch ra 3 thứ tiếng này. Ngoài ra,
các tài liệu khác hoặc nội dung trang web của WTO đều có thể có bằng những thứ
tiếng nói trên.
17. Có phải toàn bộ nội dung của WTO đều nằm trong GATT?
Không phải. Nội dung của WTO không chỉ có GATT mà còn rất nhiều hiệp định, văn
bản khác. Ta hãy hình dung thứ bậc của các văn kiện này như sau:
Hiệp định thành lập WTO
o Phụ lục 1A: bao gồm GATT 1994 và các hiệp định liên quan về thương mại
hàng hoá
o Phụ lục 1B: GATS
o Phụ lục 1C: TRIPS
o Phụ lục 2: DSU
o Phụ lục 3: TPRM
o Phụ lục 4: các hiệp định nhiều bên
Các tuyên bố và quyết định cấp Bộ trưởng
18. Các hiệp định liên quan đến thương mại hàng hoá có mối liên hệ với nhau như
thế nào?
Xét về mặt số lượng, các hiệp định này tạo thành phần lớn nội dung của WTO và đều
thuộc Phụ lục 1A của Hiệp định thành lập WTO. Có thể phân loại các hiệp định này
thành một số nhóm như sau:
GATT 1994
Hàng rào kỹ thuật: TBT, SPS
Quản lý nhập khẩu: ILP, ROO
Hải quan: PSI, ACV
Các biện pháp tự vệ: ADP, SCM, ASG
Chuyên ngành: AOA, ATC
Đầu tư: TRIMS
Cách phân loại như trên cũng là cơ sở để cấu trúc nên một số chương của quyển sách
này.
19. Thế nào là hiệp định nhiều bên của WTO?
Khi WTO thành lập, mọi kết quả của Vòng đàm phán Uruguay trở thành những văn
kiện chính thức của WTO mà bất kỳ một nước thành viên WTO nào cũng phải tham
gia. Như vậy, tất cả các thành viên WTO đều tham gia vào các hiệp định của WTO.
Quy định này được gọi là chấp thuận cả gói.
Bên cạnh đó, WTO vẫn duy trì 4 hiệp định nhiều bên được đàm phán từ Vòng Tokyo.
Với các hiệp định này, các nước thành viên WTO có thể tham gia hay không tuỳ ý.
Các hiệp định này là:
Hiệp định về buôn bán máy bay dân dụng;
Hiệp định về mua sắm của chính phủ;
Hiệp định quốc tế về các sản phẩm sữa;
Hiệp định quốc tế về thịt bò.
Cuối năm 1997, WTO đã nhất trí chấm dứt hai hiệp định về sản phẩm sữa và thịt bò và
đưa những nội dung của chúng vào phạm vi điều chỉnh của các Hiệp định Nông
nghiệp và Hiệp định về các biện pháp vệ sinh dịch tễ.
Ngoài ra, Hiệp định về Công nghệ Thông tin (ITA) cũng để ngỏ cho các nước thành
viên WTO tuỳ ý tham gia. Vì thế, cũng có thể coi đây là một hiệp định nhiều bên của
WTO.
20. WTO phân loại thành viên của mình như thế nào?
Các thành viên WTO được phân thành 4 nhóm chính:
Kém phát triển: Căn cứ theo tiêu chuẩn phân loại của Liên hợp quốc, hiện WTO
có khoảng 50 thành viên thuộc nhóm này
Có nền kinh tế chuyển đổi: Các nước Trung và Đông Âu trước đây có nền kinh tế
kế hoạch hoá tập trung, nay chuyển sang cơ chế thị trường.
Đang phát triển: Đây là nhóm nước đông đảo nhất trong số thành viên của WTO,
tuy nhiên không có một định nghĩa thống nhất về việc nước nào được coi là đang
phát triển mà chủ yếu là do mỗi nước tự nhận. Vì vậy, ngay cả Singapore cũng tự
nhận là thuộc nhóm này.
Phát triển: Các thành viên còn lại ngoài 3 nhóm trên, hầu hết là các nước thành
viên OECD.
21. Ngoại lệ và miễn trừ giống và khác nhau như thế nào?
Ngoại lệ và miễn trừ đều là việc cho phép một thành viên WTO được không hoặc chưa
thực hiện những nghĩa vụ nhất định. Khác nhau ở chỗ ngoại lệ đã được quy định sẵn
trong các hiệp định, nếu thoả mãn các điều kiện thì mọi thành viên WTO đều có thể
được miễn nghĩa vụ ấy, ví dụ các Điều 14, 20, 21 của GATT, Điều 73 của Hiệp định
TRIPS.
Trong khi đó, muốn được hưởng miễn trừ đối với một nghĩa vụ cụ thể, một thành viên
WTO phải đề đạt yêu cầu lên WTO và phải được các thành viên WTO khác, thông qua
Hội nghị Bộ trưởng hoặc Đại Hội đồng, chấp thuận.
hệ thống thương mại đa phương : multilateral trade system
Vòng Uruguay : Uruguay Round
bên ký kết : contracting party
thành viên : member
Hiệp định chung về Thuế quan và Thương
mại: General Agreement on Tariffs and Trade
(GATT)
Tổ chức Thương mại Quốc tế : International Trade Organization (ITO)
Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế : International Bank of Reconstruction and
Development (IBRD)
Ngân hàng Thế giới : World Bank (WB)
Quỹ Tiền tệ Quốc tế : International Monetary Fund (IMF)
tự do hoá thương mại : trade liberalization
Tổ chức Thương mại Thế giới : World Trade Organization (WTO)
hiệp định nhiều bên : plurilateral agreement
Đại Hội đồng : General Council
Hội nghị Bộ trưởng WTO : WTO Ministerial Conference
đồng thuận : consensus
Ban Thư ký WTO : WTO Secretariat
Tổng Giám đốc WTO : WTO Director-General
chấp thuận cả gói : single undertaking
nhất trí : unaminity
2- CÁC NGUYÊN TẮC CHUNG CỦA GATT
22. Nội dung Hiệp định GATT nói lên những gì?
GATT là một hiệp định tổng hợp gồm 38 điều chứa đựng những quy định chung về
thương mại hàng hoá, trong đó có những nội dung quan trọng như sau:
Đề ra các nguyên tắc không phân biệt đối xử: tối huệ quốc và đãi ngộ quốc gia
(Điều 1, 3, 14);
Đàm phán, sửa đổi, rút bỏ các ưu đãi (Điều 2, 27, 28);
Các ngoại lệ (Điều 20, 21);
Quy định về thuế chống phá giá và thuế đối kháng (Điều 6), xác định trị giá hải
quan (Điều 7), xuất xứ (Điều 9), hạn chế định lượng (Điều 11, 13), tự vệ (Điều 12,
19), trợ cấp (Điều 16), doanh nghiệp thương mại nhà nước (Điều 17);
Ưu đãi dành cho các nước kém phát triển (Điều 36-38), được đưa vào nội dung
của GATT từ năm 1964.
23. Xin cho biết những nguyên tắc cơ bản của GATT?
GATT có 4 nguyên tắc cơ bản:
Chỉ được phép bảo hộ sản xuất trong nước bằng thuế quan, không cho phép sử
dụng các hạn chế định lượng, trừ những trường hợp đặc biệt;
Thuế quan phải giảm dần và bị ràng buộc không tăng trở lại;
Áp dụng đãi ngộ tối huệ quốc;
Áp dụng đãi ngộ quốc gia.
24. Nhiều nội dung của GATT lại được chi tiết hoá trong các hiệp định khác. Vậy
nếu có mâu thuẫn giữa các điều khoản của GATT và một hiệp định khác thì xử lý
thế nào?
Trong trường hợp này, các điều khoản của hiệp định khác sẽ được áp dụng.
25. Tại sao GATT chủ trương tự do hóa mà vẫn cho phép bảo hộ?
Đúng vậy, GATT chủ trương về một nền thương mại tự do toàn cầu, nhưng GATT
cũng công nhận rằng do trình độ phát triển của các nước còn khác nhau và mỗi nước
cũng có những mục tiêu riêng cần theo đuổi nên GATT cho phép các nước duy trì bảo
hộ chống lại sự cạnh tranh của nước ngoài. Sự bảo hộ này được phép duy trì với hai
điều kiện: ở mức độ hợp lý và phải thể hiện thông qua thuế quan.
26. Vì sao lại chỉ bảo hộ thông qua thuế quan?
Câu trả lời là để đảm bảo tính minh bạch và dễ dự đoán. Thuế quan thể hiện bằng đại
lượng rõ ràng là những con số, do đó người ta có thể dễ dàng nhận thấy mức độ bảo hộ
dành cho một mặt hàng, ngành hàng: thuế quan cao tức là mức độ bảo hộ cao vì như
vậy hàng hóa tương tự của nước ngoài khó xâm nhập thị trường; ngược lại, thuế quan
thấp tức là mức độ bảo hộ thấp.
Thông qua đàm phán và lịch trình giảm thuế quan của một nước, người ta cũng sẽ dễ
dàng hơn trong việc dự đoán tốc độ cắt giảm thuế quan, đồng nghĩa với những thay đổi
trong mức độ bảo hộ và mức độ mở cửa thị trường.
27. Vậy có nghĩa là thuế quan tỷ lệ thuận với mức độ bảo hộ hàng hóa trong nước và
tỷ lệ nghịch với mức độ mở cửa thị trường cho hàng hóa nước ngoài?
Đúng vậy, có thể coi đây như là một định lý trong thương mại quốc tế.
28. Tối huệ quốc là gì?
Tối huệ quốc có nghĩa là việc dành cho một nước những ưu đãi thương mại không kém
hơn những ưu đãi dành cho một nước thứ ba.
Tên gọi của quy chế này làm người ta liên tưởng nước được dành ưu đãi tối huệ quốc
là "nước được ưu đãi nhất". Thực tế không phải như vậy. Vẫn có những nước được
hưởng ưu đãi còn cao hơn ưu đãi tối huệ quốc. Chúng ta chỉ nên hiểu tối huệ quốc là
sự đãi ngộ thông thường dành cho hầu hết các nước không có quan hệ thù nghịch hay
đặc biệt quan trọng đối với nước chủ nhà.
Tối huệ quốc là một nguyên tắc cơ bản của GATT, thể hiện tính không phân biệt đối
xử trong thương mại. Quy định về tối huệ quốc được nêu ngay tại Điều I của GATT.
29. Đãi ngộ quốc gia là gì?
Đãi ngộ quốc gia là việc dành cho hàng hoá nước ngoài, sau khi đã trả xong thuế hải
quan, những ưu đãi không kém thuận lợi hơn hàng hoá sản xuất trong nước cùng loại.
Quy chế này thể hiện sự đối xử công bằng giữa hàng hoá nhập khẩu và hàng hoá nội
địa, tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh giữa các nguồn hàng hoá này.
Quy định về đãi ngộ quốc gia được nêu ở Điều III của GATT.
30. Tối huệ quốc khác đãi ngộ quốc gia thế nào?
Cả hai quy chế trên đều giống nhau ở chỗ là mang tính không phân biệt đối xử. Tuy
nhiên, chúng khác nhau ở đối tượng hướng tới.
Tối huệ quốc hướng đến các nhà kinh doanh, hàng hoá ở ngoài nước, thể hiện sự công
bằng dành cho những đối tượng ở ngoài biên giới. Ví dụ nước A nhập máy bơm từ
nước B và nước C. Nếu cả hai nước B và C đều được hưởng đãi ngộ tối huệ quốc thì
thuế nhập khẩu đánh lên mặt hàng máy bơm từ cả hai nước này đều phải như nhau,
không có nước nào lại bị cao hơn hay được thấp hơn.
Đãi ngộ quốc gia là sự không phân biệt đối xử khi hàng hoá nhập khẩu đã qua biên
giới, ở trong nước nhập khẩu. Đó là sự công bằng giữa nhà kinh doanh, hàng hoá nhập
khẩu với nhà kinh doanh, hàng hoá trong nước. Như vậy, khi mặt hàng máy bơm đã
được nhập vào nước A hợp lệ, nộp xong các khoản thuế tại hải quan thì sẽ không phải
chịu bất kỳ khoản thuế, phí hay những ràng buộc nào khác mà mặt hàng máy bơm sản
xuất tại nước A không phải chịu.
Hai quy chế trên lúc đầu chỉ áp dụng cho hàng hoá và thương nhân, về sau này mở
rộng ra áp dụng cho cả dịch vụ, người cung cấp dịch vụ, vốn đầu tư, nhà đầu tư, v.v...
31. Nguyên tắc tối huệ quốc yêu cầu một nước đối xử bình đẳng với mọi nước khác.
Vậy khi các nước ASEAN dành cho nhau thuế suất thấp hơn với thuế suất đánh
vào hàng hóa của các nước ngoài ASEAN thì sao? Có phải là một sự vi phạm
nguyên tắc tối huệ quốc không?
Đây không phải là một sự vi phạm, mà là một trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc tối
huệ quốc.
Điều XXIV của GATT công nhận các nước thuộc một thỏa thuận khu vực có thể dành
cho nhau những ưu đãi lớn hơn so với ưu đãi dành cho nước thành viên WTO nằm
ngoài thỏa thuận khu vực đó. Như vậy, các nước ASEAN có thể dành cho nhau không
chỉ thuế suất thấp hơn mà còn có thể là tiêu chuẩn kỹ thuật ít ngặt nghèo hơn.
ASEAN không phải là thỏa thuận khu vực duy nhất. Đến năm 2000, WTO đã ghi nhận
có 184 thoả thuận khu vực tương tự như ASEAN, trong đó có 109 thoả thuận khu vực
còn hiệu lực, ví dụ như APEC, EU, MERCOSUR, NAFTA, SADC, SAFTA.
Cần lưu ý là ngay trong các thỏa thuận khu vực thì nguyên tắc tối huệ quốc vẫn phát
huy tác dụng. Thuế suất ưu đãi dành cho một nước trong thỏa thuận khu vực cần phải
được áp dụng đồng đều cho tất cả các nước thành viên khác trong thỏa thuận khu vực
đó.
32. Còn GSP có phải là một ngoại lệ của nguyên tắc tối huệ quốc không?
Đây cũng là một trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc tối huệ quốc. Nhưng không giống
với các thỏa thuận khu vực vốn mang tính có đi có lại, đây là những thỏa thuận ưu đãi
chỉ mang tính một chiều. Trong chương trình GSP, các nước phát triển dành cho một
số nước đang phát triển và chậm phát triển mức thuế quan ưu đãi (thậm chí bằng 0%)
mà không đòi hỏi các nước đang phát triển và chậm phát triển phải dành ưu đãi tương
tự.
Ngoài GSP còn có những chương trình khác có cùng tính chất như Công ước Lomé,
Sáng kiến Lòng chảo Ca-ri-bê.
33. Nên hiểu "có đi có lại" nghĩa là như thế nào?
Có đi có lại, hay có lúc còn gọi là tương hỗ, có nghĩa là khi nước X nhận được một ưu
đãi từ nước Y thì nước X cũng phải dành cho nước Y một ưu đãi tương đương. Điều
này thể hiện tính bình đẳng trong quan hệ thương mại giữa hai nước.
Tuy vậy, sự cân bằng giữa được và mất, cho và nhận không phải lúc nào cũng có tác
động như nhau với mỗi nước. Cùng dành cho nhau ưu đãi về một mặt hàng, nhưng
nước nào có thế mạnh nhiều hơn về mặt hàng đó tức là đã thu được lợi ích lớn hơn.
34. Thế nào là lãnh thổ hải quan, liên minh hải quan?
Đây là những khái niệm cơ bản nói lên phạm vi áp dụng của GATT về mặt địa lý.
Lãnh thổ hải quan là một lãnh thổ được quyền duy trì biểu thuế quan và những quy
định thương mại một cách độc lập. Như vậy, mỗi nước là một lãnh thổ hải quan.
Nhưng cũng có những lãnh thổ hải quan không phải là một nước, ví dụ như Hong
Kong, Macau. Nếu như thành viên của Liên hợp quốc là các nước thì thành viên của
WTO lại là các lãnh thổ hải quan.
Liên minh hải quan bao gồm hai hay nhiều lãnh thổ hải quan, mọi hàng rào thương
mại giữa các lãnh thổ hải quan này đều được xoá bỏ và các lãnh thổ hải quan này đều
áp dụng chung thuế quan và các biện pháp quản lý khác đối với các lãnh thổ hải quan
không thuộc liên minh. EU là một liên minh hải quan.
35. Hàng hoá xuất nhập khẩu tiểu ngạch có phải chịu các quy định của GATT
không?
Hàng hoá xuất nhập khẩu tiểu ngạch (hay còn gọi là phương thức buôn bán biên mậu)
không phải chịu các quy định của GATT. Điều này có nghĩa là hai nước có chung
đường biên có thể áp dụng những ưu đãi đặc biệt như bỏ thuế quan, giảm bớt thủ tục
hải quan cho các hàng hoá buôn bán theo phương thức này mà không sợ vi phạm
nguyên tắc đãi ngộ tối huệ quốc.
Tuy nhiên, hàng hoá xuất nhập khẩu tiểu ngạch vẫn có thể bị điều chỉnh bởi các hiệp
định khác của WTO, ví dụ như trong các vấn đề kiểm dịch động thực vật, chống phá
giá, tự vệ, v.v...
36. Nghị trình thường trực là gì?
Nghị trình thường trực là từ để chỉ các điều khoản trong một số hiệp định, các điều
khoản này quy định về việc tiếp tục đàm phán trong tương lai để tự do hoá hơn nữa
các lĩnh vực thuộc phạm vi hiệp định, hoặc để rà soát, nâng cấp một phần hoặc toàn bộ
các hiệp định đó.
Điều 20 Hiệp định Nông nghiệp, Điều 12 Hiệp định SPS, Điều 9 Hiệp định TRIMS là
ví dụ của những điều khoản như vậy.
37. Khi nói đến tự do hoá thương mại người ta thường hay nhắc đến bảo hộ. Vậy bảo
hộ ở đây có nghĩa là gì?
Bảo hộ ở đây có nghĩa là bảo vệ, hỗ trợ cho sản xuất trong nước thông qua thuế quan
và các biện pháp phi thuế quan. Bảo hộ hợp lý sẽ giúp cho nền sản xuất trong nước có
điều kiện vươn lên, thích nghi dần với môi trường cạnh tranh quốc tế. Nhưng nếu bảo
hộ tràn lan, không có điều kiện, không có thời hạn thì sẽ đem lại hiệu quả xấu cho nền
kinh tế vì làm suy yếu môi trường cạnh tranh, dẫn đến doanh nghiệp ỷ lại vào bảo hộ
của Nhà nước mà không chịu vận động trên thị trường bằng chính năng lực của mình.
38. Thuế quan khác với thuế như thế nào?
Thuế quan cũng là một loại thuế, thu trên hàng hoá qua lại cửa khẩu. Đó chính là thuế
xuất/nhập khẩu.
Tại Việt Nam, hầu hết các loại thuế đều do Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) thu, nhưng
thuế quan thì do Tổng cục Hải quan thu. Như vậy, để dễ nhớ hơn, hãy hiểu thuế quan
là thuế hải quan.
39. Tại sao thuế quan lại chiếm vị trí quan trọng trong đàm phán thương mại?
Sở dĩ như thế là vì mục tiêu của đàm phán thương mại là nhằm dỡ bỏ rào cản đối với
sự lưu thông hàng hoá giữa các nước, mà thuế quan chính là một rào cản quan trọng
nhất.
Những vòng đàm phán đầu tiên của GATT chỉ tập trung duy nhất vào chủ đề cắt giảm
thuế quan. Hiện nay, mặc dù phạm vi đàm phán trong WTO đã mở rộng ra rất nhiều,
nhưng thuế quan vẫn là một chủ đề trọng tâm trên bàn đàm phán.
40. Vai trò của thuế quan là gì?
Thuế quan là một công cụ đắc lực và cần thiết của mỗi Nhà nước để thực hiện các mục
tiêu sau:
Đem lại nguồn thu cho ngân sách: với nhiều nước đang phát triển, thuế thu từ
hàng hoá xuất nhập khẩu (đặc biệt là nhập khẩu) đóng góp một tỷ lệ lớn vào số
thu thuế nói riêng và ngân sách nói chung;
Phục vụ các mục tiêu kinh tế (bảo hộ sản xuất);
Phục vụ các mục tiêu phi kinh tế: giảm bớt việc nhập khẩu các hàng hoá mà Nhà
nước không khuyến khích vì có ảnh hưởng tới đời sống, môi trường, đạo đức xã
hội, ví như các mặt hàng rượu bia, thuốc lá, ô-tô, v.v...
Làm cơ sở cho đàm phán thương mại.
41. "Thuế hóa" là gì?
Thuế hóa, gọi chính xác là thuế quan hóa, chính là sự lượng hóa tác dụng bảo hộ của
các biện pháp phi thuế quan. Từ này dùng để chỉ việc các nước thành viên WTO được
phép nâng thuế suất thuế quan lên để bù lại việc từ bỏ bảo hộ bằng các biện pháp phi
thuế quan.
42. Thế nào là ràng buộc thuế quan?
Sau mỗi vòng đàm phán, thuế suất mà các nước thỏa thuận với nhau được ghi vào bản
danh mục ưu đãi, hay còn gọi là danh mục thuế quan. Mỗi nước có một bản danh mục
riêng. Thuế suất ghi trong bản danh mục này được gọi là thuế suất ràng buộc, tức là
sau này nước đó sẽ không được phép tăng thuế suất cao hơn mức đã ghi trong danh
mục.
Như vậy, nếu đã đưa vào danh mục thuế quan là mặt hàng đó đã bị ràng buộc, những
mặt hàng không đưa vào danh mục thuế quan thì được tự do tăng thuế suất.
43. Thuế suất trần là gì?
Thuế suất trần một sự nới rộng của thuế suất ràng buộc. Thông thường, sau khi đàm
phán, các nước phải áp dụng thuế suất đã đạt được tại đàm phán và không được tăng
lên quá mức này. Nhưng đối với một mặt hàng nào đó, nước đàm phán có thể đưa ra
một mức thuế cao hơn mức thuế đang áp dụng gọi là thuế suất trần. Sau này, nước đó
có thể tăng thuế quan lên đến mức thấp hơn hoặc bằng thuế suất trần mà không bị coi
là vi phạm GATT. Trong trường hợp này, thuế quan bị ràng buộc không phải ở thuế
suất đang áp dụng mà là ở thuế suất trần.
Ví dụ, sau khi đàm phán, một nước đồng ý giảm thuế quan của hai mặt hàng A và B từ
20% cùng xuống đến mức 10%, nhưng riêng với mặt hàng B, thuế suất ràng buộc là
15%. Điều này có 3 ý nghĩa:
Từ nay trở đi, thuế suất đánh vào các mặt hàng A và B nhập khẩu sẽ là 10%, giảm
một nửa so với trước.
Mặt hàng A chỉ có thể giữ nguyên hoặc tiếp tục giảm thuế suất mà không được
tăng trở lại quá 10%.
Với mặt hàng B, thuế suất có thể giữ nguyên, tiếp tục giảm hoặc tăng trở lại quá
10%, nhưng không quá 15%.
Như vậy, thuế suất trần có tác dụng như một sợi dây bảo hiểm cho quá trình giảm thuế
quan.
44. Vậy là sau khi ràng buộc thuế quan, không còn cách nào để tăng thuế suất quá
mức ràng buộc nữa?
Vẫn có cách. Nếu một nước thực sự muốn tăng mức độ bảo hộ đối với một mặt hàng
nào đó đã "trót" cam kết ràng buộc ở mức thuế suất thấp, nước đó cần phải đàm phán
với các nước cung cấp chủ yếu mặt hàng đó để được phép tăng thuế suất cao hơn thuế
suất ràng buộc (hoặc cao hơn thuế suất trần nếu mặt hàng đó có chỉ định thuế suất
trần). Thông thường, nước đó phải đánh đổi bằng cách chịu nhượng bộ ở một mặt
hàng khác.
Còn trong trường hợp khẩn cấp, khi lượng hàng nhập khẩu tăng đột biến đe doạ đến
sản xuất trong nước thì một nước có thể tăng thuế quan quá mức ràng buộc, nhưng chỉ
sau một quá trình điều tra khách quan và đủ căn cứ.
45. Ngay sau khi kết thúc đàm phán, các nước phải giảm thuế quan xuống ngay mức
như đã thoả thuận trong vòng đàm phán?
Thực tế không phải như vậy, mà việc giảm thuế quan thường diễn ra từ từ qua một số
năm để các ngành sản xuất trong nước có thể thích nghi dần với việc giảm bảo hộ qua
thuế quan.
Các mặt hàng công nghiệp thường được giảm thuế quan trong thời gian 5 năm với
mức giảm bằng nhau cho mỗi năm. Như vậy, nếu trước khi đàm phán một mặt hàng có
thuế suất 40%, sau đàm phán thuế suất hạ xuống 15%, còn 25% thì mỗi năm thuế suất
sẽ giảm đi 3%.
Các mặt hàng nông sản thường được giảm thuế quan trong 6 năm.
46. Danh mục thuế quan là gì?
Đó là tập hợp tất cả các cam kết thuế quan và những ưu đãi khác của một nước thành
viên WTO sau các vòng đàm phán thương mại. Theo Điều II của GATT, danh mục
thuế quan là những cam kết ràng buộc có tính pháp lý.
Trước Vòng Uruguay, danh mục thuế quan bao gồm mã số, mô tả hàng hoá, thuế suất
ràng buộc, ngày đạt được thoả thuận ưu đãi và quyền đàm phán ban đầu.
Các danh mục thuế quan của Vòng Uruguay chia làm hai phần: nông nghiệp và phi
nông nghiệp. Cả hai phần đều nêu thuế suất cơ sở và thuế suất ràng buộc, quyền đàm
phán ban đầu, các loại thuế và phí khác. Ngoài ra, trong phần nông nghiệp còn nêu
thời gian thực hiện và biện pháp tự vệ đặc biệt.
47. Ngoài thuế quan, hàng hoá nhập khẩu có phải chịu các loại thuế trong nước
không?
Có, hàng hoá nhập khẩu vẫn có thể phải chịu các loại thuế trong nước khác như thuế
giá trị gia tăng, thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, tuỳ theo chính sách của từng
nước. Nhưng trị giá các loại thuế trong nước hoặc các loại phí đánh vào hàng hoá nhập
khẩu không được vượt quá trị giá của cùng loại thuế, phí đó đánh vào hàng hoá trong
nước. Đây chính là một nội dung của đãi ngộ quốc gia.
Ngoài các loại thuế trong nước thông thường như trên, nếu có dấu hiệu phá giá hay trợ
cấp thì hàng hoá nhập khẩu có thể phải chịu cả thuế chống phá giá hoặc thuế đối
kháng.
48. Thuế quan leo thang là gì, và có ý nghĩa thế nào trong thương mại?
Thuế quan leo thang là việc đánh thuế quan tăng dần trong một dãy sản phẩm có liên
quan với nhau, ví dụ nguyên liệu thô đánh thuế 0%, sản phẩm sơ chế đánh thuế 3%,
bán thành phẩm phải chịu thuế 7% và hàng hoá đã chế biến, đóng gói thương phẩm
chịu thuế 10%.
Việc đánh thuế quan như trên được nhiều nước áp dụng để hạn chế hàng hoá đã chế
biến sẵn, bảo vệ ngành sản xuất trong nước và khuyến khích phát triển các ngành lắp
ráp, gia công.
49. GATT có quy định phải cắt giảm thuế xuất khẩu hay không?
Không, GATT không yêu cầu các thành viên phải cắt giảm thuế xuất khẩu mà chỉ yêu
cầu các thành viên phải áp dụng thuế xuất khẩu như nhau đối với các thành viên khác
(đãi ngộ tối huệ quốc).
Trên thực tế, nhiều nước đã tự nguyện giảm dần hoặc xoá bỏ thuế xuất khẩu để khuyến
khích xuất khẩu, trừ trường hợp đối với nguyên liệu thô, khoáng sản quý hiếm.
50. Thế nào là "biện pháp phi thuế quan", "hàng rào phi thuế quan"? Có sự phân
biệt hay không giữa hai khái niệm này?
Biện pháp phi thuế quan là những biện pháp ngoài thuế quan, có liên quan hoặc ảnh
hưởng trực tiếp đến sự luân chuyển hàng hoá giữa các nước.
Hàng rào phi thuế quan là những biện pháp phi thuế quan mang tính cản trở đối với
thương mại mà không dựa trên cơ sở pháp lý, khoa học hoặc bình đẳng. Ví dụ như với
một số lượng ấn định sẵn, hạn ngạch sẽ không cho hàng hoá nhập khẩu/xuất khẩu
vào/ra khỏi một nước vượt quá số lượng đó, mặc dù hàng hoá có sẵn để bán, người
mua đã sẵn sàng mua.
Đôi khi, có học giả cũng dùng biện pháp phi thuế quan để chỉ chung một ý nghĩa
"hàng rào phi thuế quan".
51. Xin kể tên một số biện pháp phi thuế quan.
Có nhiều biện pháp phi thuế quan với những biến thái khác nhau. Dưới đây là một số
trong số đó:
Hạn ngạch (ở Việt Nam còn thể hiện dưới những tên gọi khác như chỉ tiêu, hạn
mức, kế hoạch, v.v...)
Cấm xuất nhập khẩu (ở Việt Nam còn thể hiện như "tạm cấm", "tạm ngừng",
"trước mắt chưa ...", v.v...)
Giấy phép xuất nhập khẩu
Quyền kinh doanh xuất nhập khẩu
Đầu mối
Yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hoá
Yêu cầu về đóng gói, bao bì, nhãn mác
Kiểm dịch
Phương pháp xác định trị giá tính thuế hải quan
Quy định về xuất xứ hàng hoá
52. Tại sao WTO lại yêu cầu xóa bỏ hạn chế định lượng?
Hạn chế định lượng, thể hiện dưới các hình thức cụ thể như hạn ngạch, cấm, giấy
phép, chỉ tiêu, là những biện pháp phi thuế quan điển hình gây cản trở luồng di chuyển
tự do của hàng hóa giữa các nước. Đây thường là những biện pháp mang tính võ đoán,
ít dựa trên căn cứ khoa học mà chủ yếu nhằm bảo hộ sản xuất trong nước. WTO coi
những biện pháp này làm hạn chế rõ rệt tác dụng của tự do thương mại, đồng thời lại
không thể tính toán, dự đoán được trước nên yêu cầu xóa bỏ chúng. Thay vào đó, nhu
cầu bảo hộ, nếu có, sẽ phải thể hiện thành thuế quan.
53. Có trường hợp nào hạn chế định lượng vẫn được áp dụng không?
Có. Đó là trong các ngành nông nghiệp và dệt may, hạn ngạch hoặc một số hình thức
khác vẫn được áp dụng. Nhưng xu hướng chung là các ngành này cũng sẽ tuân thủ
hoàn toàn các nguyên tắc của GATT.
54. Các biện pháp tương tự thuế quan là gì?
Đấy là từ chỉ các loại phí hoặc phụ thu áp dụng đối với hàng nhập khẩu cao quá mức
cần thiết, do đó làm tăng chi phí nhập khẩu. Ví dụ gọi là lệ phí mua tờ khai hải quan,
nhưng mức thu lại quá cao so với giá trị của việc in ấn một tờ khai.
Các biện pháp này đòi hỏi người nhập khẩu phải nộp một khoản tiền nhất định, nhưng
đây lại không phải là tiền trả cho thuế nhập khẩu (thuế quan), vì thế chúng được gọi là
tương tự thuế quan. Các biện pháp này cũng có tác dụng bảo hộ nhất định nên đôi khi
cũng được coi là một hàng rào phi thuế quan và bị yêu cầu loại bỏ.
thuế quan : tariff
tối huệ quốc :most-favoured-nation (MFN)
đãi ngộ quốc gia : national treatment (NT)
nghị trình thường trực : built-in agenda
minh bạch : transparency
dễ dự đoán : predictability
danh mục thuế quan : tariff schedule
lãnh thổ hải quan : customs territory
liên minh hải quan : customs union
không phân biệt đối xử : non-discrimination
danh mục thuế quan : tariff schedule
biện pháp phi thuế quan : non-tariff measures
hàng rào phi thuế quan : non-tariff barriers (NTB)
hạn chế định lượng : quantitative restrictions (QR)
hạn ngạch : quota
thuế suất ràng buộc : binding rate
thuế suất trần : ceiling rate
thuế quan leo thang : tariff escalation
miễn trừ : waiver
thoả thuận thương mại khu vực : regional trade arrangement (RTA)
thuế quan hoá : tariffication
tương tự thuế quan : para-tariffs
có đi có lại : reciprocal
3 CÁC HÀNG RÀO KỸ THUẬT ĐỐI VỚI THƯƠNG MẠI
55. Tiêu chuẩn có vai trò như thế nào trong đời sống nói chung và thương mại nói
riêng?
Tiêu chuẩn có ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống hiện đại. Tiêu chuẩn giúp cho người
tiêu dùng có thể lựa chọn và sử dụng những sản phẩm thích hợp, có chất lượng và các
thông số kỹ thuật phù hợp với nhu cầu của mình.
Về phía người sản xuất, tiêu chuẩn giúp họ sản xuất với quy mô lớn vì các sản phẩm
đều tuân theo một thước đo nhất định và có thể sử dụng nguyên liệu, bán thành phẩm
được cung cấp từ những nguồn hoàn toàn cách xa nhau về mặt địa lý. Ví dụ một chiếc
máy tính sản xuất tại Nhật có thể bao gồm chíp vi xử lý sản xuất tại Mỹ, màn hình từ
Đài Loan, bộ nguồn từ Mexico, đĩa cứng từ Trung Quốc, v.v...
Trong thương mại, tiêu chuẩn làm cho người mua và người bán có thể dễ dàng hiểu
nhau khi đàm phán về một mặt hàng. Tuy nhiên, tiêu chuẩn cũng tạo ra những cản
ngại nhất định. Do tồn tại nhiều loại tiêu chuẩn giữa các quốc gia, khu vực nên hàng
hóa khi nhập khẩu vào một nước có thể bị bắt buộc phải theo những tiêu chuẩn của
nước ấy. Vì vậy, hàng hóa có thể không bán được vào thị trường nước có tiêu chuẩn
khắt khe (mặc dù đã được hưởng ưu đãi về thuế quan), hoặc phải tốn thêm chi phí để
đáp ứng các tiêu chuẩn đó và mất thêm thời gian khi giao hàng để kiểm tra xem hàng
hóa có phù hợp với tiêu chuẩn của nước nhập khẩu hay không.
56. Tại sao lại phải hài hòa các tiêu chuẩn?
Tiêu chuẩn giúp ích nhiều trong đời sống, nhưng sự tồn tại của quá nhiều tiêu chuẩn
cho cùng một sản phẩm cũng gây ra phiền phức cho người sử dụng và ảnh hưởng đến
việc buôn bán sản phẩm đó. Ví dụ, cùng là chiếc phích cắm điện, nhưng ở Việt Nam
khác với ở Trung Quốc, ở Australia khác với ở Mỹ, do vậy đồ điện bán từ thị trường
này sang thị trường kia sẽ gặp khó khăn khi sử dụng.
Hài hòa các tiêu chuẩn là quá trình thống nhất, chọn ra một tiêu chuẩn chung tối ưu để
giảm bớt những khó khăn, bất tiện như trên và góp phần tạo thuận lợi cho lưu thông
hàng hóa. Đây cũng chính là tôn chỉ của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO).
57. Các thỏa thuận công nhận lẫn nhau có ý nghĩa như thế nào?
Hài hòa là phương cách tốt nhất để giảm bớt những khó khăn do tiêu chuẩn gây ra cho
thương mại. Nhưng trên thực tế, hài hòa tiêu chuẩn rất khó thực hiện do mỗi nước đều
muốn giữ quan điểm về tiêu chuẩn của mình. Chính vì thế, vẫn có những nước sản
xuất ô-tô có tay lái ở bên trái, và có những nước sản xuất ô-tô có tay lái ở bên phải.
Với việc ký các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA), nước nhập khẩu sẽ chấp nhận
các chứng chỉ về tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp, cho dù
cách thức, phương pháp thử nghiệm để cấp chứng chỉ có thể khác nhau. Nhờ vậy,
người xuất khẩu có thể giảm bớt phí tổn liên quan đến việc thử nghiệm ở nước nhập
khẩu (gửi mẫu, mời chuyên gia thử nghiệm) cũng như giảm bớt thời gian chờ đợi liên
quan đến quá trình này.
Các MRA có thể được ký giữa hai hay nhiều nước khác nhau.
58. Các thỏa thuận công nhận lẫn nhau có nhược điểm gì không?
Có. Nếu như các thoả thuận này không hướng tới việc hài hoà, đơn giản bớt các tiêu
chuẩn mà lại tạo ra các tiêu chuẩn mới thì sẽ gây trở ngại cho buôn bán giữa các nước
tham gia thoả thuận và các nước không tham gia thoả thuận.
59. Các thuật ngữ "tiêu chuẩn" và "quy định kỹ thuật" sử dụng trong Hiệp định
TBT khác nhau ở chỗ nào?
Theo cách gọi của Hiệp định TBT, "tiêu chuẩn" chỉ những tiêu chuẩn áp dụng trên cơ
sở tự nguyện, còn "quy định kỹ thuật" là những tiêu chuẩn mà Nhà nước bắt buộc phải
tuân thủ.
60. Các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật chỉ áp dụng đối với sản phẩm hay còn áp
dụng với đối tượng nào khác?
Các điều khoản của Hiệp định TBT trước hết áp dụng với sản phẩm là hàng hóa trao
đổi trong thương mại quốc tế, ví dụ các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật về chất lượng,
hàm lượng, kích thước, điện trở, từ trường, độ bức xạ, độ đàn hồi, độ chịu nén, v.v...
Bên cạnh đó, Hiệp định TBT cũng áp dụng đối với phương pháp chế biến và sản xuất
ra sản phẩm, nhưng chỉ trong trường hợp phương pháp đó có ảnh hưởng đến các đặc
tính của sản phẩm.
Ngoài ra, các thuật ngữ và biểu tượng, các yêu cầu về đóng gói và nhãn mác cũng nằm
trong diện điều chỉnh của Hiệp định TBT.
61. Xin cho ví dụ về trường hợp phương pháp chế biến và sản xuất có ảnh hưởng đến
đặc tính, chất lượng của sản phẩm.
Nước A có thể không cho phép nhập khẩu dứa đóng hộp từ nước B nếu họ có căn cứ
cho thấy quy trình, công nghệ sản xuất dứa hộp ở nước B quá lạc hậu, do đó để lẫn
nhiều tạp chất vào sản phẩm hoặc sản phẩm chóng bị lên men, không thể bảo quản
được lâu. Đây là trường hợp phương pháp chế biến và sản xuất có ảnh hưởng đến đặc
tính, chất lượng của sản phẩm.
Nếu nước A cấm nhập khẩu giấy in từ nước B với lý luận rằng mức độ ô nhiễm ở nhà
máy giấy của nước B vượt quá mức quy định của nước A thì trường hợp này lại không
được phép. Vì mức độ ô nhiễm ở nước B không ảnh hưởng đến chất lượng giấy, và
cũng không gây tác hại đến môi trường tại nước A.
62. Thế nào là đánh giá sự phù hợp?
Đánh giá sự phù hợp là việc sử dụng một bên trung lập thứ ba (không phải người bán,
và cũng không phải người mua) để xác định các tiêu chuẩn hoặc quy định kỹ thuật có
được đáp ứng hay không. Bên trung lập thứ ba thường là một tổ chức có chuyên môn
và uy tín, ví dụ như một doanh nghiệp, một phòng thí nghiệm hay một trung tâm giám
định.
Đánh giá sự phù hợp được thực hiện dưới 4 hình thức:
Thử nghiệm
Chứng nhận
Đánh giá hệ thống quản lý chất lượng
Công nhận.
Đôi khi, các nhà sản xuất cũng được phép tự công bố phù hợp tiêu chuẩn. Đây thường
là những nhà sản xuất lớn, có uy tín về chất lượng ổn định và có thể phải được phép
của cơ quan quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn để có thể tự công bố.
63. Sự tương đồng và khác biệt giữa thử nghiệm và chứng nhận là ở điểm nào?
Cả hai quá trình đều phải vận dụng các thao tác kỹ thuật để đo đạc, xác định các thông
số cần thiết liên quan đến một sản phẩm, dịch vụ hoặc quy trình.
Tuy nhiên, trong khi thử nghiệm chỉ cho ra kết quả thể hiện ở những đơn vị đo lường
nhất định mà không có bình luận gì thêm thì việc chứng nhận lại luôn gắn với một tiêu
chuẩn (hoặc quy định kỹ thuật) đã có và kết quả là một văn bản cho thấy sản phẩm
(hoặc dịch vụ, quy trình) đáp ứng được yêu cầu của tiêu chuẩn đó.
Ví dụ, việc thử nghiệm một chiếc mũ bảo hiểm xe máy có thể cho thấy chiếc mũ có
bán kính là bao nhiêu cm, nặng bao nhiêu kg, có góc nhìn bao nhiêu độ, chịu được lực
va đập bao nhiêu kg/cm2, còn để được cấp giấy chứng nhận thì cần phải xem những
kết quả trên có phù hợp với tiêu chuẩn về lĩnh vực này hay không.
Doanh nghiệp thường quan tâm đến chứng nhận hơn là việc thử nghiệm đơn thuần vì
giấy chứng nhận được hiểu như là một sự đảm bảo về chất lượng nên hàng hóa dễ
chiếm được sự tin cậy của người mua. Thậm chí có doanh nghiệp còn đưa luôn chứng
nhận lên bao bì sản phẩm để tạo thêm uy tín.
Các đơn vị thử nghiệm thường cũng chính là những đơn vị cấp giấy chứng nhận. Sau
khi thử nghiệm, họ làm thêm một bước là so sánh kết quả thử nghiệm với một tiêu
chuẩn đã định để xem có thể cấp chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn cho sản phẩm hay
không.
64. Có phải nội dung Hiệp định TBT của WTO đề ra những tiêu chuẩn chung thay
thế cho tiêu chuẩn của tất cả các nước thành viên, từ đó giúp thuận lợi hóa
thương mại?
Không. Hiệp định về Hàng rào Kỹ thuật đối với Thương mại (TBT) không nhằm áp
đặt một bộ tiêu chuẩn chung thay thế cho tiêu chuẩn của các nước thành viên WTO,
mà Hiệp định này yêu cầu các nước thành viên:
Không soạn thảo, thông qua hoặc áp dụng các quy định kỹ thuật gây ra trở ngại
không cần thiết đối với thương mại;
Tham gia quá trình hài hòa và công nhận lẫn nhau các quy định kỹ thuật;
Dành đãi ngộ tối huệ quốc và đãi ngộ quốc gia cho sản phẩm, thủ tục đánh giá sự
phù hợp.
Đảm bảo thông tin đầy đủ cho tất cả các nước thành viên khác về các chỉ tiêu, quy
định kỹ thuật, thủ tục đánh giá sự phù hợp.
65. Một tiêu chuẩn thế nào thì được coi là gây ra trở ngại không cần thiết cho thương
mại?
Nếu tiêu chuẩn đó không dựa trên những tiêu chuẩn đã được quốc tế thừa nhận và
không có một lý do hợp lý nào khác (ví dụ do đặc điểm khí hậu, địa lý hoặc kỹ thuật).
66. Nếu một nước cần ban hành quy định kỹ thuật và có lý do để không đi theo
chuẩn quốc tế thì nước đó có được ban hành không?
Có. Nhưng họ phải công bố dự thảo quy định đó và dành thời gian thích hợp để các
nước thành viên WTO khác nhận xét, góp ý. Và họ phải xem xét, tiếp thu các ý kiến
đó khi hoàn thiện dự thảo quy định của mình.
67. Trường hợp một quy định kỹ thuật dựa trên chuẩn quốc tế, nhưng lại đòi hỏi ở
mức cao hơn, và do đó làm hàng hoá nhập khẩu khó đáp ứng đủ điều kiện hơn,
thì có được phép không?
Trường hợp này vẫn có thể được phép, nếu như việc nâng cao yêu cầu của quy định kỹ
thuật là vì lý do chính đáng: bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ sức khoẻ và sự an toàn
của con người, bảo vệ các loài động - thực vật và môi trường.
68. Tiêu chuẩn nói chung và các quy định kỹ thuật nói riêng luôn phải dựa trên cơ sở
khoa học, có đúng không?
Không. Phần lớn tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật cần phải dựa trên cơ sở khoa học.
Nhưng điều này không bắt buộc đối với các quy định kỹ thuật liên quan đến tập quán
xã hội, truyền thống văn hoá, bảo vệ an ninh, v.v...
69. Tại sao lại phải có việc công nhận các cơ quan chứng nhận nữa?
Các cơ quan chứng nhận có một vai trò rất quan trọng trong việc cấp giấy chứng nhận
hợp chuẩn, và từ đó gián tiếp tác động đến khả năng tiêu thụ của hàng hoá được cấp
giấy chứng nhận. Tại nhiều nước, các cơ quan này lại là các doanh nghiệp hoặc phòng
thí nghiệm tư nhân. Do đó, cần phải có một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (thường
là cơ quan quản lý về tiêu chuẩn) đứng ra kiểm tra và công nhận các cơ quan chứng
nhận này để doanh nghiệp có thể tin tưởng khi đem sản phẩm đến các cơ quan đó xin
chứng nhận hợp chuẩn.
Việc kiểm tra và công nhận các cơ quan chứng nhận có thể liên quan đến nhiều việc:
đánh giá trình độ của đội ngũ kỹ thuật viên, đánh giá về quy trình và thiết bị thử
nghiệm, độ chính xác của kết quả thử nghiệm, hiệu chuẩn, v.v...
70. Các tổ chức quốc tế, khu vực và phi chính phủ trong lĩnh vực tiêu chuẩn được
hiểu như thế nào?
Tổ chức quốc tế là tổ chức mà tất cả các nước đều có thể tham gia làm thành viên, ví
dụ Tổ chức Tiêu chuẩn hoá Quốc tế (ISO).
Tổ chức khu vực là tổ chức mà quy chế thành viên chỉ dành cho một số nước có phạm
vi gần cận về mặt địa lý, ví dụ Uỷ ban Tư vấn ASEAN về Tiêu chuẩn và Chất lượng
(ACCSQ).
Tổ chức phi chính phủ là tổ chức không mang tính đại diện cho chính phủ mà chỉ là sự
tập hợp tự nguyện của một số tập thể, cá nhân. Tuy nhiên, tổ chức phi chính phủ cũng
có thể được chính phủ trao quyền thiết lập những quy định kỹ thuật nhất định.
***
VỆ SINH DỊCH TỄ
71. Những mặt hàng nào là đối tượng của các biện pháp vệ sinh dịch tễ?
Đối tượng của các biện pháp vệ sinh dịch tễ là các mặt hàng nông sản. Các mặt hàng
công nghiệp không phải là đối tượng của các biện pháp này.
72. Các biện pháp vệ sinh dịch tễ là gì?
Vệ sinh dịch tễ là khái niệm chung để chỉ các biện pháp nhằm đảm bảo vệ sinh, an
toàn thực phẩm. Cụ thể, đó là các biện pháp nhằm:
Bảo vệ sức khoẻ con người khỏi các nguy cơ phát sinh từ các phụ gia, chất độc,
chất gây ô nhiễm, sinh vật gây bệnh trong đồ ăn, thức uống; các bệnh lan truyền
từ động, thực vật và tác hại từ các loài này.
Bảo vệ các loài động vật và thực vật khỏi nguy cơ từ việc xâm nhập, phát sinh
hoặc lan truyền các loài sâu, bệnh, sinh vật mang bệnh và gây bệnh.
Khoanh vùng, ngăn chặn việc xâm nhập, phát sinh hoặc lan truyền các loài sâu
bệnh.
Lưu ý là trong tiếng Anh, vệ sinh dịch tễ được thể hiện bằng hai từ: sanitary để chỉ các
biện pháp liên quan đến các loài động vật, và phytosanitary để chỉ các biện pháp liên
quan đến các loài thực vật.
73. Mối quan hệ giữa vệ sinh dịch tễ và thương mại là như thế nào?
Khi nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc nông sản, từ rau, quả, thịt, cá cho đến các
thực phẩm chế biến sẵn, nước giải khát, đồ hộp, nước nào cũng đều phải quan tâm đến
việc kiểm dịch các sản phẩm ấy nhằm:
Bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng: tránh cho người tiêu dùng khỏi bị ngộ độc hoặc
ăn, uống phải các chất gây bệnh.
Bảo vệ kinh tế nông nghiệp: tránh cho nền nông nghiệp khỏi bị thiệt hại do các
loài sâu, bệnh xâm nhập.
Chính vì vậy, một số nước coi công tác vệ sinh dịch tễ có tầm quan trọng rất lớn và đặt
ra quy định khắt khe trong lĩnh vực này, điển hình là Australia và New Zealand.
Mặt khác, từ góc độ của người xuất khẩu, biện pháp vệ sinh dịch tễ của nước nhập
khẩu có thể làm chậm tốc độ giao hàng, thậm chí làm cho sản phẩm của họ không thể
thâm nhập thị trường nước đó vì không đáp ứng đủ quy định cần thiết. Vấn đề là ở
chỗ, quy định đến mức nào là "cần thiết" lại được hiểu khác nhau giữa các nước. Khi
xảy ra dịch bò điên ở Anh, nhiều nước cấm nhập khẩu thịt bò từ Anh, nhưng có nước
lại cấm nhập luôn cả thịt bò từ EU. Như vậy, cần phải hài hoà các quy định về vệ sinh
dịch tễ giữa các nước để các quy định này không trở thành rào cản đối với thương mại.
Đó cũng chính là mục đích của Hiệp định về Các biện pháp Vệ sinh Dịch tễ (Hiệp định
SPS) của WTO.
74. Nội dung chính của Hiệp định SPS là gì?
Hiệp định SPS quy định những nội dung chính như sau:
• Các nước đều có quyền áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ, nhưng phải dựa trên
căn cứ khoa học.
• Không được dùng các biện pháp vệ sinh dịch tễ như một công cụ trá hình để hạn
chế thương mại quốc tế.
• Các nước cần tích cực hài hoà các biện pháp vệ sinh dịch tễ bằng cách tham gia
hoạt động của các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực này và xây dựng các biện pháp
của nước mình trên cơ sở những tiêu chuẩn, hướng dẫn hoặc khuyến nghị của các
tổ chức này.
• Công nhận tính tương đương của các biện pháp vệ sinh dịch tễ của các nước khác.
• Đảm bảo việc thông tin đầy đủ, kịp thời về những thay đổi trong chính sách vệ
sinh dịch tễ, trong đó có việc mỗi nước phải thiết lập một điểm đầu mối để cung
cấp thông tin cho doanh nghiệp và các nước khác.
75. Cùng một sản phẩm nhập khẩu, có thể áp dụng cả quy định kỹ thuật (theo Hiệp
định TBT) lẫn biện pháp vệ sinh dịch tễ (theo Hiệp định SPS) được không? Và
khi nào thì áp dụng theo Hiệp định nào?
Có thể áp dụng cả quy định kỹ thuật lẫn biện pháp vệ sinh dịch tễ cho cùng một sản
phẩm nhập khẩu.
Việc áp dụng biện pháp của Hiệp định nào cần căn cứ vào mục đích và tính chất của
biện pháp. Mục đích của các biện pháp vệ sinh dịch tễ tương đối hẹp, đó là nhằm bảo
đảm an toàn thực phẩm và ngăn ngừa sự lan truyền dịch bệnh (các biện pháp ngăn
ngừa dịch bệnh thường chỉ áp dụng tạm thời một thời gian ngắn). Trong khi đó, các
quy định kỹ thuật là những tiêu chuẩn áp dụng lâu dài vì nhiều mục đích khác nhau: an
toàn sản xuất, an toàn giao thông, an ninh xã hội, thuận lợi cho người tiêu dùng, thích
ứng với điều kiện tự nhiên, văn hoá của nước sở tại, v.v...
Ví dụ đối với thịt hộp nhập khẩu, một nước Hồi giáo có thể quy định trong hộp không
được chứa chế phẩm từ thịt lợn - đây là một quy định kỹ thuật để phù hợp với tập quán
tôn giáo. Nhưng nếu nước đó quy định về hàm lượng hoá chất khi xử lý thịt được phép
còn lại trong hộp thì đó là biện pháp vệ sinh dịch tễ nhằm bảo vệ sức khoẻ người tiêu
dùng.
76. Nếu xuất hiện nguy cơ lan truyền dịch bệnh mà chưa thể xác định được ngay căn
cứ khoa học thì có thể áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ để phòng bị hay
không?
Được.
77. Việc áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ có phải tuân thủ nguyên tắc tối huệ
quốc không?
Có và không.
Có trong trường hợp đó là các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, ví dụ quy định
về dư lượng thuốc trừ sâu cho phép đọng lại trên rau quả, hàm lượng phụ gia thêm vào
thực phẩm, loại vi khuẩn được phép có mặt trong quá trình lên men bia, v.v...
Không trong trường hợp đó là các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lan truyền dịch bệnh
vì dịch bệnh có thể chỉ xuất phát từ một khu vực nào đó trên thế giới nên các biện
pháp vệ sịnh dịch tễ có thể chỉ hạn chế nhập khẩu động, thực vật từ khu vực có dịch
bệnh mà không hạn chế đối với khu vực khác.
78. Làm sao để xác định được mức độ áp dụng của các biện pháp vệ sinh dịch tễ là
thích hợp hoặc cao quá mức cần thiết?
Việc xác định mức độ thích hợp của các biện pháp vệ sinh dịch tễ cần được tiến hành
trên cơ sở đánh giá nguy cơ của các chất có hại và sâu bệnh đối với sức khoẻ con
người và động, thực vật. Đây là một khâu rất quan trọng vì nếu đánh giá nguy cơ thấp
quá thì sẽ không có đủ biện pháp cần thiết để ngăn chặn tác hại của dịch bệnh, mà nếu
đánh giá nguy cơ cao quá thì sẽ tạo ra trở ngại quá mức cho hàng nhập khẩu, đi ngược
lại mục tiêu tạo thuận lợi cho thương mại.
Khi đánh giá nguy cơ cần phải xem xét những vấn đề sau:
Bằng chứng khoa học của việc xuất hiện nguy cơ.
Phương pháp sản xuất, chế biến tại nước sản xuất ra hàng hoá.
Lịch sử sâu, bệnh tại nước sản xuất/nước xuất khẩu.
Điều kiện môi trường và sinh thái.
Cơ sở vật chất để thực hiện việc kiểm dịch, cách ly, xử lý sâu bệnh.
Dự tính thiệt hại về sản xuất nếu để xảy ra dịch bệnh.
Chi phí xử lý, loại bỏ dịch bệnh nếu như chúng xảy ra vì không áp dụng biện pháp
vệ sinh dịch tễ thích hợp.
Hiệu quả kinh tế của các phương án khác nhằm giảm thiểu hoặc loại trừ nguy cơ
so với việc áp dụng biện pháp vệ sinh dịch tễ.
tiêu chuẩn : standards
quy định kỹ thuật : technical regulations
thử nghiệm, đo kiểm : testing
đánh giá sự phù hợp : conformity assessment
chứng nhận hợp chuẩn : certification
công nhận (cơ quan chứng nhận) : accreditation
thỏa thuận công nhận lẫn nhau : mutual recognition arrangement (MRA)
hài hoà : harmonization
phương pháp chế biến và sản xuất : production and process method (PPM)
Hiệp định về Hàng rào Kỹ thuật đối với
Thương mại: Agreement on Technical Barriers to Trade
các biện pháp vệ sinh dịch tễ : sanitary and phytosanitary measures (SPS)
Hiệp định về các Biện pháp Vệ sinh Dịch tễ : Agreement on Sanitary and Phytosanitary
Measures
4 THỦ TỤC CẤP PHÉP NHẬP KHẨU
79. Thủ tục cấp phép nhập khẩu là gì?
Thủ tục cấp phép nhập khẩu là những thủ tục hành chính đòi hỏi doanh nghiệp phải
nộp đơn hoặc các tài liệu khác (ngoài các tài liệu do hải quan yêu cầu) cho một cơ
quan hành chính để được phép nhập khẩu hàng hoá.
80. Hiệp định về thủ tục cấp phép nhập khẩu có nội dung gì?
Giấy phép nhập khẩu là một biện pháp thường được sử dụng ở những nước gặp khó
khăn trong điều hòa cán cân xuất - nhập khẩu. Giấy phép này cũng được sử dụng phổ
biến để khống chế số lượng nhập khẩu một mặt hàng nhất định hoặc thu thập dữ liệu
thống kê về mặt hàng đó.
Hiệp định về Thủ tục Cấp phép nhập khẩu (Hiệp định ILP) quy định những thủ tục mà
chính phủ các nước thành viên WTO phải tuân thủ nhằm giảm tối đa những công đoạn
hành chính phiền phức gây cản trở đến thương mại.
81. Giấy phép tự động là gì?
Đó là giấy phép được cấp ngay khi nhận đơn hoặc chậm nhất là trong vòng 10 ngày
làm việc sau khi nhận đơn. Giấy phép này được cấp không kèm theo điều kiện nào đối
với doanh nghiệp và thường là giấy phép phục vụ mục đích thống kê. Về bản chất, đây
có thể coi như việc doanh nghiệp chỉ có nghĩa vụ thông báo với cơ quan quản lý Nhà
nước về hợp đồng nhập khẩu của mình.
82. Giấy phép không tự động là gì?
Đó là giấy phép được cấp với một số điều kiện, tiêu chí nhất định mà nếu không hội đủ
những yếu tố này thì cơ quan quản lý Nhà nước có thể từ chối cấp giấy phép cho
doanh nghiệp.
Hiệp định ILP quy định giấy phép không tự động phải được cấp trong vòng 30 ngày
theo nguyên tắc "đến trước - cấp trước". Nếu các đơn xin cấp phép được xử lý đồng
thời (trường hợp công bố một thời hạn nhất định để ngừng tiếp nhận đơn) thì giấy
phép phải được cấp trong vòng 60 ngày.
83. Điều kiện, tiêu chí mà cơ quan quản lý Nhà nước có thể dựa vào đó để từ chối cấp
giấy phép là gì?
Về phía Nhà nước, đó có thể là hạn ngạch, chỉ tiêu đã ấn định cho từng khoảng thời
gian. Nếu là cấp hết số lượng hạn ngạch, chỉ tiêu đó thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ
không cấp giấy phép nữa.
Về phía doanh nghiệp, đó có thể là yêu cầu về quy mô (doanh nghiệp lớn hay doanh
nghiệp vừa và nhỏ), lĩnh vực kinh doanh, loại hình (quốc doanh, dân doanh, liên
doanh).
84. Yêu cầu công khai thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu là như thế nào?
Đó là yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước phải công bố mọi thông tin về thủ tục cấp
phép nhập khẩu sao cho tất cả những ai quan tâm đều có thể tìm hiểu. Ví dụ thông tin
về:
Số lượng hạn ngạch, chỉ tiêu.
Điều kiện để doanh nghiệp có thể nộp đơn xin cấp phép.
Cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm cấp giấy phép
Sản phẩm có giấy phép mới được nhập khẩu.
85. Nghĩa vụ thông báo về thủ tục cấp phép nhập khẩu bao gồm những thông tin gì?
Thủ tục cấp phép nhập khẩu là một vấn đề rất được các nhà xuất khẩu quan tâm vì nó
có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả bán hàng. Do vậy, mỗi khi một nước có thay
đổi về thủ tục này thì nước đó phải thông báo cho WTO (cụ thể là Uỷ ban Cấp phép
Nhập khẩu) về những thay đổi đó, bao gồm những thông tin sau:
Danh sách các mặt hàng phải xin phép nhập khẩu.
Cơ quan nhận đơn xin phép của doanh nghiệp và cơ quan đầu mối để doanh
nghiệp tìm hiểu thông tin về thủ tục cấp phép nhập khẩu.
Ngày và tên ấn phẩm công bố về sự thay đổi thủ tục.
Chỉ rõ giấy phép nhập khẩu sẽ mang tính tự động hay không tự động.
Nêu rõ mục đích của công việc cấp phép nhập khẩu.
Thời gian dự kiến áp dụng cấp phép nhập khẩu.
86. Các yêu cầu khác của Hiệp định ILP là gì?
Hiệp định ILP cũng quy định một số điều nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và bảo
vệ quyền lợi của doanh nghiệp: biểu mẫu và thủ tục càng đơn giản càng tốt, không
được từ chối cấp giấy phép chỉ vì những lỗi nhỏ không làm thay đổi cơ bản nội dung
chứng từ.
87. Ở Việt Nam đã có giấy phép tự động chưa?
Theo xu hướng cải cách hành chính và tạo thuận lợi cho kinh doanh, số lượng mặt
hàng mà Nhà nước quản lý xuất - nhập khẩu bằng giấy phép đã giảm đi nhiều, nhưng
vẫn còn tồn tại. Và hầu hết số mặt hàng này đều được cấp giấy phép không tự động, ví
dụ xi-măng, kính xây dựng, một vài chủng loại sắt thép.
Từ cuối năm 2001, Việt Nam cũng đã bắt đầu áp dụng chế độ giấy phép tự động đối
với hàng dệt may xuất khẩu sang những thị trường đòi hỏi có hạn ngạch (Liên minh
Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada).
***
QUY CHẾ XUẤT XỨ
88. Tại sao lại phải xác định xuất xứ của hàng hoá trong thương mại quốc tế?
Nếu thương mại quốc tế diễn ra trong một hoàn cảnh lý tưởng (không có phân biệt đối
xử, không có hạn chế định lượng, không có trợ cấp, phá giá, ...) thì vấn đề xác định
xuất xứ hàng hoá sẽ không phải đặt ra.
Sở dĩ phải xác định xuất xứ, tức là xác định nước được coi là nơi sản xuất ra hàng hoá,
là vì:
Để xem hàng hoá đó có được hưởng các ưu đãi thương mại hay không. Một số
nhóm nước hoặc tổ chức khu vực ký với nhau các thoả thuận về ưu đãi thuế quan
chẳng hạn. Để tránh việc các nước ngoài nhóm hay tổ chức lợi dụng ưu đãi này thì
cần phải xác định để chắc chắn là hàng hoá xuất xứ từ nước được hưởng ưu đãi.
Để hạn chế định lượng nhập khẩu từ một số nước nhất định. Ví dụ hiện nay các
nước vẫn được áp dụng hạn ngạch với hàng dệt may, và để biết được một nước đã
xuất khẩu vào thị trường nước khác hết lượng hạn ngạch đã cho hay chưa thì phải
xác định xuất xứ.
Để chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Để có thể áp dụng thuế
chống phá giá, thuế đối kháng (chống trợ cấp) thì phải xác định được đâu là hàng
hoá xuất xứ từ nước có hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Để phục vụ mục đích thống kê số liệu.
89. Quy chế xuất xứ là gì?
Quy chế xuất xứ là tập hợp các quy tắc được một nước áp dụng để xác định xuất xứ
của hàng hoá xuất nhập khẩu.
90. Tại sao lại gọi nước xuất xứ của hàng hoá là nước "được coi là nơi" sản xuất ra
hàng hoá?
Nếu toàn bộ quá trình sản xuất ra một loại hàng hoá (từ khâu khai thác nguyên liệu,
gia công, chế biến thành phẩm) đều diễn ra tại một nước thì nước xuất xứ chính là
nước sản xuất ra hàng hoá. Trường hợp này thật dễ hiểu và được gọi là xuất xứ thuần
tuý.
Nhưng nền kinh tế hiện đại với các đặc trưng là phân công lao động rõ rệt và dịch
chuyển đầu tư từ nước này sang nước khác đã làm cho hàng hoá ngày nay mang tính
quốc tế hoá. Một mặt hàng có thể trải qua nhiều công đoạn chế biến hoặc bao gồm cấu
kiện sản xuất tại nhiều nước khác nhau. Nhưng việc xác định xuất xứ chỉ cho phép ta
chọn một nước để coi là nơi xuất xứ. Do vậy, nước được chọn (theo các quy tắc xác
định xuất xứ) không hoàn toàn là nước sản xuất ra toàn bộ mặt hàng đó, nên chỉ được
coi là nơi sản xuất ra mặt hàng đó mà thôi.
91. Có những phương pháp nào để xác định xuất xứ?
Tựu trung có hai phương pháp chính:
Theo tỷ lệ phần trăm. Nếu giá trị gia công, chế biến tại một trong các nước tham
gia sản xuất nên mặt hàng đạt một tỷ lệ nhất định thì hàng hoá được coi là xuất xứ
từ nước đó. ASEAN lấy 40% làm tỷ lệ xác định xuất xứ để được hưởng ưu đãi
CEPT.
Theo sự chuyển dịch dòng thuế. Nếu sau khi gia công, chế biến tại một nước mà
tính chất hàng hoá thay đổi đến mức có thể phân loại thành một dòng thuế khác
với trước khi gia công, chế biến thì hàng hoá có thể coi là xuất xứ tại nước đó.
92. WTO quy định về vấn đề xuất xứ như thế nào?
Với Hiệp định về Quy chế Xuất xứ (Hiệp định ROO), WTO chính thức đưa vấn đề
xuất xứ hàng hoá vào phạm vi điều chỉnh của mình. Hiệp định ROO yêu cầu các nước
hài hoà các quy tắc xác định xuất xứ hàng hoá dựa trên những quy tắc mẫu do một Uỷ
ban kỹ thuật đưa ra.
Do việc soạn thảo các quy tắc mẫu đòi hỏi phải có thời gian (dự kiến là 3 năm) nên
Hiệp định ROO cũng đề ra những nguyên tắc các nước phải tuân thủ trong thời gian
quá độ (tức là thời gian từ khi Hiệp định có hiệu lực cho đến khi soạn thảo xong các
quy tắc mẫu) và sau khi kết thúc thời kỳ quá độ.
93. Hiệp định ROO có áp dụng để xác định xuất xứ hàng hoá được hưởng ưu đãi
thương mại hay không?
Không. Hiệp định này chỉ áp dụng để xác định xuất xứ của hàng hoá nhập khẩu trên cơ
sở không phân biệt đối xử: hàng hoá nhập chịu thuế suất tối huệ quốc, hàng hoá bị
đánh thuế chống phá giá hoặc thuế đối kháng, hàng hoá bị áp dụng các biện pháp tự
vệ.
Như vậy, hàng hoá thuộc diện được hưởng ưu đãi trong các khuôn khổ như AFTA,
GSP không bắt buộc phải tuân thủ Hiệp định ROO.
94. Những yêu cầu trong thời kỳ quá độ là như thế nào?
Trong thời gian trước khi các quy tắc mẫu được soạn thảo xong, các nước phải đảm
bảo:
Các quy tắc để xác định xuất xứ phải rõ ràng, rành mạch.
Quy chế xuất xứ không được dùng làm công cụ để theo đuổi các mục đích thương
mại, không được làm ảnh hưởng tới thương mại quốc tế.
Tuân thủ nguyên tắc đãi ngộ tối huệ quốc và đãi ngộ quốc gia khi xác định xuất
xứ.
Giấy chứng nhận xuất xứ phải được cấp càng sớm càng tốt, muộn nhất là 150
ngày sau khi nhận được yêu cầu của doanh nghiệp. Giấy chứng nhận xuất xứ sẽ có
hiệu lực trong 3 năm.
Nếu quy chế xuất xứ có thay đổi thì sẽ không áp dụng những thay đổi này cho
những hàng hoá đã được xác định xuất xứ theo quy chế cũ.
Các quyết định hành chính liên quan đến việc xác định xuất xứ đều có thể bị toà
án sửa đổi hoặc bãi bỏ.
Giữ kín các thông tin mật.
95. Cơ quan nào chịu trách nhiệm hài hoà các quy tắc xuất xứ?
Đó là một Uỷ ban Kỹ thuật về Quy chế Xuất xứ thuộc Tổ chức Hải quan Thế giới
(WCO). Uỷ ban này có quan hệ mật thiết và chịu sự chỉ đạo của Uỷ ban về Quy chế
Xuất xứ của WTO do Hiệp định ROO thành lập.
96. Sau khi Uỷ ban Kỹ thuật làm xong việc hài hoà các quy tắc xuất xứ thì tất cả các
nước thành viên WTO sẽ áp dụng ngay?
Sau khi Uỷ ban Kỹ thuật làm xong việc hài hoà, các quy tắc này sẽ được Uỷ ban về
Quy chế Xuất xứ của WTO thông qua và trình lên Hội nghị Bộ trưởng WTO chuẩn y.
Hội nghị Bộ trưởng sẽ quyết định đưa các quy tắc này thành một phụ lục của Hiệp
định ROO và ấn định thời điểm phụ lục có hiệu lực để các nước thành viên WTO áp
dụng.
97. Các yêu cầu đặt ra cho quy chế xuất xứ sau khi hài hoà?
Sau khi hài hoà, quy chế xuất xứ của mỗi nước phải đảm bảo:
Được áp dụng trong tất cả các trường hợp cần thiết phải xác định xuất xứ trên cơ
sở không phân biệt đối xử.
Tuân thủ nguyên tắc đãi ngộ tối huệ quốc và đãi ngộ quốc gia khi xác định xuất
xứ.
Mang tính khách quan, dễ hiểu và dễ dự đoán.
Được thực hiện một cách nhất quán, thống nhất.
Dựa trên các tiêu chuẩn thuận.
Chỉ công nhận xuất xứ thuần tuý hoặc xuất xứ tại nước cuối cùng có sự thay đổi
cơ bản tính chất hàng hoá.
98. Làm sao để xác định hàng hoá đã có sự thay đổi cơ bản tính chất sau quá trình
gia công, chế biến?
Đây chính là một công tác rất phức tạp đặt ra cho Uỷ ban Kỹ thuật và là nội dung
chính của việc hài hoà quy chế xuất xứ. Uỷ ban Kỹ thuật phải làm việc đối với từng
sản phẩm hoặc từng nhóm sản phẩm để xác định trong quá trình gia công, chế biến đến
giai đoạn nào thì hàng hoá đã có thể xếp vào một dòng thuế khác trong biểu thuế HS -
đó là khi hàng hoá được coi là đã có sự thay đổi cơ bản về tính chất.
99. Phương pháp xác định xuất xứ theo tỷ lệ phần trăm sẽ không còn áp dụng nữa?
Phương pháp xác định xuất xứ theo tỷ lệ phần trăm vẫn có thể được áp dụng như một
phương pháp bổ sung khi không thể xác định được khi nào hàng hoá có sự thay đổi cơ
bản về tính chất.
thủ tục cấp phép nhập khẩu : import licensing procedures (ILP)
Hiệp định về Thủ tục Cấp phép Nhập khẩu : Agreement on Import Licensing Procedures
giấy phép tự động : automatic licence
giấy phép không tự động : non-automatic licence
quy chế xuất xứ : rules of origin (ROO)
xuất xứ thuần tuý :
Hiệp định về Quy chế Xuất xứ : Agreement on Rules of Origin
5 XÁC ĐỊNH TRỊ GIÁ HẢI QUAN
100. Tại sao lại có vấn đề xác định trị giá hải quan?
Xác định trị giá để tính thuế hải quan là một vấn đề dễ gây mâu thuẫn giữa Nhà nước
và doanh nghiệp. Cơ quan hải quan (thay mặt Nhà nước) luôn muốn thu được nhiều
tiền thuế cho ngân sách. Trong khi đó, doanh nghiệp lại luôn muốn phải trả tiền thuế ở
mức thấp nhất để khỏi phải tăng chi phí cho sản phẩm xuất/nhập khẩu.
Chính sự mâu thuẫn này đã trở thành một chướng ngại cho lưu thông hàng hoá quốc
tế. Vì vậy, WTO cũng như WCO (Tổ chức Hải quan Thế giới) đều coi đây là một vấn
đề ưu tiên giải quyết.
101. Mâu thuẫn giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp thường phát sinh ở công đoạn
nào?
Mâu thuẫn thường phát sinh khi xác định tên gọi của hàng hoá nhập khẩu (hoặc xuất
khẩu) mà chuyên môn gọi là "áp mã". Nếu coi hàng hoá nhập khẩu có tên gọi tương
ứng với dòng thuế x trong biểu thuế, thuế suất có thể cao hơn hoặc thấp hơn nhiều so
với khi coi hàng hoá đó tương ứng với dòng thuế y trong biểu thuế. Dĩ nhiên, hải quan
thường muốn chọn dòng thuế có thuế suất cao, trong khi doanh nghiệp luôn chọn dòng
thuế có thuế suất thấp.
Việc xác định hàng hoá có tên gọi tương ứng với dòng thuế nào đôi khi là một công
việc vô cùng phức tạp, phải căn cứ vào thành phần, cấu tạo, hàm lượng, chất lượng,
công dụng, ... của hàng hoá. Trường hợp khó khăn, phải nhờ đến cơ quan giám định
mới có thể xác định chính xác tên gọi của hàng hoá.
102. Có mấy phương pháp đánh thuế đối với hàng nhập khẩu?
Tựu trung có 2 phương pháp chính.
Đánh thuế theo phần trăm trị giá hàng hóa, gọi là thuế phần trăm hay thuế theo trị
giá. Ví dụ mặt hàng trị giá 100$, thuế suất là 5% thì thuế quan phải thu sẽ bằng
100$ x 5% = 5$.
Đánh thuế theo đơn vị đo lường (khối lượng, thể tích, dung tích), gọi là thuế tuyệt
đối. Ví dụ, thuế suất 1$/lít rượu thì khi nhập khẩu 100 lít rượu (bất kể trị giá), nhà
nhập khẩu sẽ phải trả 1$ x 100 lít = 100$.
Phương pháp thứ ba chính là sự kết hợp của hai phương pháp trên, gọi là thuế gộp. Ví
dụ với thuế suất 5% + 1$/lít, giả sử mỗi lít rượu giá 20$ thì số thuế quan phải thu sẽ là
(20$ x 100 lít x 5%) + (1$ x 100 lít) = 100$ + 100$ = 200$.
103. Hình như trên thực tế chỉ thấy người ta sử dụng phương pháp đánh thuế phần
trăm?
Đúng như vậy. Ngày nay hầu hết các nước đều sử dụng phương pháp này, vì những lý
do sau:
Đảm bảo công bằng. Trị giá hàng nhập càng nhiều thì số thuế phải trả càng lớn.
Dễ tính toán. Tổng số hàng hóa nhập khẩu có thể đo bằng nhiều đơn vị khác nhau:
tấn (đối với lương thực, phân bón), mét khối (khí đốt), bao (cà phê), lít (bia), chiếc
(ô-tô, xe máy), mét (vải), mét vuông (kính, gạch men), nhưng đều có thể quy về
một đơn vị chung là trị giá, do đó có thể dễ dàng so sánh thuế suất, số tiền thuế
thu được.
Dễ thương lượng cắt giảm trong đàm phán thương mại.
104. Vậy Hiệp định Trị giá Hải quan WTO có phải là yêu cầu các nước thành viên áp
dụng phương pháp đánh thuế theo phần trăm trị giá hay không?
Không phải như vậy, mà Hiệp định này đề ra phương pháp để xác định trị giá hàng
hóa bị đánh thuế.
105. Tại sao lại nảy sinh vấn đề này?
Ta đã biết số thuế quan phải trả bằng thuế suất nhân với trị giá hàng hóa, hay nói cách
khác, số thuế quan phải trả phụ thuộc vào sự biến thiên của cả hai yếu tố kia. Trong
khi thuế suất đã công bố rõ ràng và ít thay đổi thì trị giá hàng hóa lại có thể khác nhau
do biến động giá trên thị trường và đặc biệt là do căn cứ vào đâu để xác định trị giá.
Nếu trị giá hàng bị tính cao hơn giá trị thực thì số thuế quan phải nộp tăng lên, tức là
hàng hóa khó xâm nhập thị trường hơn. Như vậy thì ý nghĩa của việc đàm phán cắt
giảm thuế quan sẽ không còn nữa. Vì vậy cần phải có quy định về phương pháp xác
định trị giá hàng hóa để tính thuế quan. Đó chính là mục đích của Hiệp định Trị giá
Hải quan (viết tắt là ACV) mà tên gọi đầy đủ là Hiệp định Thực hiện Điều VII của
GATT 1994.
106. Hiệp định ACV yêu cầu xác định trị giá hàng hóa để tính thuế theo phương pháp
nào?
Nội dung cơ bản của ACV là yêu cầu cơ quan hải quan xác định trị giá hàng hóa bị
đánh thuế trên cơ sở giá ghi tại hợp đồng, hóa đơn (gọi là trị giá giao dịch).
107. Các chi phí khác như đóng gói, bốc xếp, lệ phí, ... có bị coi là cơ sở để tính thuế
không?
Trị giá giao dịch không phải chỉ bao gồm giá ghi trên hợp đồng mà còn có thể bao
gồm một số chi phí khác: tiền hoa hồng, môi giới, tiền đóng gói, lệ phí giấy phép, cước
phí vận chuyển và bảo hiểm (nếu căn cứ theo giá CIF).
ACV không cho phép tính các loại chi phí sau vào trị giá giao dịch: cước vận tải nội
địa sau khi nhập khẩu, chi phí lắp ráp, duy tu, bảo hành sau khi nhập khẩu, các loại
thuế trả sau khi nhập khẩu.
108. Nếu thương nhân cố tình khai giá hàng hóa thấp xuống để giảm số thuế phải nộp
thì sao?
Đây chính là khó khăn lớn nhất khi áp dụng ACV: vấn đề gian lận thương mại. ACV
cho phép cơ quan hải quan từ chối chấp nhận giá hàng hóa do thương nhân khai khi có
lý do để nghi ngờ tính trung thực và đúng đắn của các chi tiết hoặc chứng từ do thương
nhân xuất trình trong một số trường hợp sau đây:
Khi việc mua bán không thực sự diễn ra
Khi giá hàng hoá bị hạ thấp do mối quan hệ giữa người mua và người bán
Khi hợp đồng mua bán đặt ra một số điều kiện hạn chế việc sử dụng hàng hoá
109. Nếu thương nhân không đồng ý với những lý do mà cơ quan hải quan đưa ra để
bác bỏ trị giá giao dịch của họ thì sao?
Thì thương nhân có quyền giải thích, chứng minh về tính trung thực, chính xác của trị
giá giao dịch do mình khai báo.
Nếu cơ quan hải quan vẫn chưa bằng lòng với việc giải thích, chứng minh thì thương
nhân có quyền yêu cầu cơ quan hải quan cho biết lý do bằng văn bản để thương nhân
có thể khiếu nại lên cấp cao hơn hoặc đến trọng tài, thanh tra.
110. Điều gì xảy ra nếu hải quan bác bỏ trị giá giao dịch do thương nhân khai và
thương nhân không muốn giải thích, chứng minh? Liệu hải quan có sử dụng bảng
giá tối thiểu để tính thuế hay không?
Trong trường hợp như trên, ACV đưa ra 5 phương pháp mang tính trung lập, khách
quan để xác định trị giá giao dịch. Các phương pháp này xếp theo thứ tự ưu tiên và chỉ
khi nào không thể áp dụng phương pháp ưu tiên cao hơn thì mới sử dụng đến phương
pháp tiếp theo.
Bảng giá tối thiểu để tính thuế sẽ không được áp dụng nữa.
111. Xin cho biết cụ thể hơn về 5 phương pháp nói trên.
Năm phương pháp đó, xếp theo thứ tự ưu tiên, là:
1. Xác định theo trị giá giao dịch của hàng hoá giống hệt.
2. Xác định theo trị giá giao dịch của hàng hoá tương tự
3. Khấu trừ: Trị giá giao dịch xác định bằng cách lấy giá bán của hàng hoá giống hệt
hoặc tương tự trên thị trường nước nhập khẩu trừ đi các yếu tố như thuế, chi phí
vận chuyển, bảo hiểm, lãi.
4. Cộng dồn: Trị giá giao dịch xác định bằng cách cộng chi phí sản xuất hàng hoá
với một khoản chi phí và lãi ở mức phổ biến đối với loại hàng hoá đó.
5. Suy luận: Là sự áp dụng của bốn phương pháp trên một cách linh hoạt, tức là chỉ
ước lượng ở mức tương đối.
***
KIỂM ĐỊNH TRƯỚC KHI XẾP HÀNG
112. Kiểm định trước khi xếp hàng là gì?
Kiểm định là việc kiểm tra nhằm xác định sự phù hợp về mặt số lượng, chất lượng, giá
cả giữa hàng hóa trên thực tế với các điều khoản nêu trong hợp đồng. Hoạt động này
do một đơn vị độc lập với người bán (người xuất khẩu) và người mua (người nhập
khẩu) tiến hành.
Tại Việt Nam, chúng ta đã làm quen với lĩnh vực này qua hoạt động của Vinacontrol,
Quacert hay SGS (một công ty Thuỵ Sĩ).
Kiểm định trước khi xếp hàng (gọi tắt là PSI) là việc kiểm định diễn ra trước khi giao
hàng xuống tàu, tức là thực hiện tại nước xuất khẩu.
113. Mục đích của kiểm định trước khi xếp hàng là gì?
Đây thường là yêu cầu của người mua nhằm đảm bảo hàng hóa mình định mua là đúng
quy cách, phẩm chất, đủ số lượng. Dịch vụ này thường được sử dụng bởi doanh nghiệp
ở các nước đang phát triển, những người thường không có đủ điều kiện để tìm hiểu
tường tận về nguồn hàng và đối tác.
Nhưng không chỉ có doanh nghiệp, mà chính phủ một số nước đang phát triển cũng sử
dụng dịch vụ kiểm định trước khi xếp hàng nhằm chống thất thoát vốn ra nước ngoài,
chống thất thu thuế quan hoặc ngăn ngừa nhập khẩu vào nước mình những sản phẩm
độc hại.
114. Tại sao lại có thể dùng dịch vụ PSI để chống thất thoát vốn hoặc thất thu thuế
quan?
Tại những nước có chế độ hạn chế nhập khẩu hoặc kiểm soát ngoại hối chặt chẽ,
thương nhân thường có xu hướng khai giá trên hóa đơn cao hơn giá thật. Họ lợi dụng
danh nghĩa nhập khẩu hàng hóa, nhưng kỳ thực là chuyển tiền (đặc biệt là ngoại tệ
mạnh) ra nước ngoài để dùng cho mục đích khác. Với doanh nghiệp liên doanh hoặc
chi nhánh công ty nước ngoài thì đó cũng là một cách để chuyển tiền lãi về nước. Do
đó, chính phủ nước nhập khẩu sử dụng dịch vụ PSI để kiểm tra giá tại nước xuất khẩu
nhằm loại trừ việc thông đồng khai giá hàng hóa trên hóa đơn cao hơn giá thật.
Trong một trường hợp khác, người mua có thể yêu cầu người bán ghi giá trên hợp
đồng, hóa đơn thấp hơn giá thật để căn cứ vào đó hải quan sẽ thu thuế nhập khẩu của
họ ít hơn. Hoặc người mua yêu cầu người bán mô tả sai tên hàng hóa để chuyển sang
một dòng thuế có thuế suất thấp hơn. Những điều này làm ảnh hưởng tới thu ngân sách
của nước nhập khẩu, do đó chính phủ nước nhập khẩu sử dụng dịch vụ PSI để đảm bảo
giá không bị khai thấp xuống và hàng hóa không bị áp sai mã thuế.
115. Cơ sở nào để WTO đưa vấn đề kiểm định trước khi xếp hàng vào phạm vi điều
chỉnh của mình?
Có thể quan sát thấy rằng các nước sử dụng dịch vụ PSI đều là các nước đang phát
triển và hầu hết trong số này đều gắn việc cho phép nhập khẩu với điều kiện phải kiểm
định hàng hóa trước khi giao xuống tàu. Trong khi đó, những người xuất khẩu lại
không tỏ ra thích thú với dịch vụ này. Thật dễ hiểu vì nếu kết quả kiểm định bình
thường, phù hợp với hợp đồng thì không sao, nhưng nếu đơn vị kiểm định cho rằng có
sự khác biệt giữa hợp đồng và hàng hóa thực tế, thường gặp nhất là khác biệt về giá cả,
khiến họ phải tranh luận, chứng minh, làm hàng hóa giao chậm lại thì thiệt hại sẽ rơi
vào người xuất khẩu.
Vì vậy, Hiệp định về Kiểm định trước khi xếp hàng (Hiệp định PSI) của WTO ra đời
nhằm điều hòa lợi ích của người xuất khẩu và yêu cầu của nước nhập khẩu.
116. Phạm vi áp dụng của Hiệp định PSI như thế nào?
Hiệp định PSI chỉ áp dụng cho hoạt động kiểm định trước khi xếp hàng do chính phủ
nước nhập khẩu thuê hoặc bắt buộc phải thực hiện.
Như vậy, Hiệp định này không áp dụng trong trường hợp kiểm định trước khi xếp
hàng do doanh nghiệp nhập khẩu yêu cầu.
117. Nội dung Hiệp định PSI đề cập đến vấn đề gì?
Hiệp định PSI đề ra các quy tắc cho nước xuất khẩu và nước nhập khẩu có sử dụng
dịch vụ PSI để đảm bảo hoạt động này không gây trở ngại đến thương mại.
118. Có thể kiểm định ở ngay nước sản xuất ra hàng hóa thay vì kiểm định ở nước
xuất khẩu không?
Có thể, chỉ khi nào việc kiểm định không thể tiến hành ở nước xuất khẩu vì lý do xác
đáng.
119. Tiêu chuẩn để kiểm định về mặt chất lượng là tiêu chuẩn nào?
Chính là tiêu chuẩn do người bán và người mua đã thỏa thuận áp dụng. Nếu không có
điều khoản về tiêu chuẩn này thì sẽ áp dụng tiêu chuẩn quốc tế.
120. Có lẽ kiểm định giá là vấn đề phức tạp nhất. Hiệp định PSI quy định về vấn đề
này như thế nào?
Hiệp định PSI cho phép đơn vị kiểm định so sánh giá trên hợp đồng với giá của hàng
hóa giống hệt hoặc tương tự được chào bán từ nước xuất khẩu sang nước nhập khẩu
hoặc sang một nước khác.
Nếu việc so sánh cho thấy có sự khác biệt về giá, Hiệp định cho phép tính đến những
yếu tố ngoài giá một cách hợp lý. Ví dụ giá bán của cùng một hàng vào nhiều thị
trường là khác nhau, tuỳ theo nhu cầu và mức sống tại mỗi thị trường: giá bán của một
đôi giày thể thao Nike sang châu Âu có thể chênh lệch khá nhiều với giá bán cùng loại
giày đó sang châu Á.
Nếu so sánh với giá tại một nước thứ ba thì đơn vị kiểm định cũng phải tính đến những
yếu tố tác động đến giá mua của người nhập khẩu ở những nước khác nhau.
Ngoài ra, còn có những yếu tố khác làm cho giá có thể biến động cũng cần được tính
đến: quy mô đặt hàng (nhiều hay ít), thời gian giao hàng (nhanh hay chậm); điều kiện
thanh toán (trả ngay hay trả chậm); tốc độ trượt giá tại thời điểm giao dịch; đặc điểm
khí hậu thời tiết tại thời điểm giao hàng; yêu cầu đặc biệt về thiết kế, trình bày, đóng
gói; chi phí môi giới (ít hay nhiều); quan hệ bạn hàng giữa người bán và người mua
(giảm giá cho khách hàng thân tín, lâu năm) hoặc các điều kiện khác không thể hiện
thành tiền (thời gian bảo hành dài hay ngắn), v.v...
121. Có thể so sánh với giá của cùng loại hàng hóa đó nhưng được sản xuất ở nước
nhập khẩu hay không?
Không.
122. Các quy định khác của Hiệp định PSI là gì?
Hiệp định PSI cũng quy định áp dụng đãi ngộ tối huệ quốc và đãi ngộ quốc gia trong
hoạt động kiểm định trước khi xếp hàng. Các luật lệ của nước yêu cầu kiểm định cũng
như thủ tục, tiêu chí kiểm định phải được công bố rõ ràng. Đồng thời, thông tin liên
quan đến quá trình kiểm định cũng phải được giữ kín để đảm bảo quyền lợi của người
xuất khẩu và người nhập khẩu.
Quá trình kiểm định cần phải tránh mọi sự chậm trễ, trì hoãn không cần thiết.
123. Hải quan có thể sử dụng giá do đơn vị kiểm định đưa ra để làm căn cứ xác định
trị giá tính thuế không?
Trong khi Hiệp định PSI cho phép đơn vị kiểm định sử dụng giá xuất khẩu sang các
nước thứ ba để so sánh thì Hiệp định ACV lại không cho phép hải quan tham khảo giá
xuất khẩu sang thị trường khác để xác định giá trị tính thuế. Do vậy, hải quan khó có
thể sử dụng kết quả của đơn vị kiểm định vì không thể rõ kết quả này có liên quan đến
giá xuất khẩu sang các nước thứ ba hay không.
Nhưng vì một trong những lý do chính phủ nước nhập khẩu sử dụng hoặc yêu cầu sử
dụng dịch vụ PSI là để hỗ trợ hải quan phát hiện gian lận thương mại thông qua việc
khai giá quá cao hoặc quá thấp nên hải quan được phép dùng kết quả kiểm định để
tham khảo hoặc tính toán thử. Hải quan không được xác định trị giá tính thuế chỉ dựa
trên kết quả kiểm định.
124. Đối với những hợp đồng có trị giá nhỏ thì có bắt buộc phải kiểm định trước khi
xếp hàng không?
Thông thường là không. Nhưng trị giá đến mức nào được coi là nhỏ thì do từng nước
quy định.
125. Tại sao hầu hết các hiệp định của WTO đều có một uỷ ban giám sát thi hành mà
Hiệp định PSI lại chỉ có một nhóm công tác?
Việc chính phủ các nước nhập khẩu phải dựa vào dịch vụ PSI để giúp hải quan đấu
tranh chống gian lận thương mại qua giá cho thấy sự hạn chế năng lực của hải quan
các nước này. Về lâu dài, WTO khuyến khích các nước đang sử dụng dịch vụ PSI
nâng cao năng lực hải quan của mình để có thể tự kiểm tra tính xác thực của giá hàng
hóa nhập khẩu do thương nhân khai báo mà không cần dựa vào dịch vụ PSI (tất nhiên
khi đó doanh nghiệp nhập khẩu vẫn được phép sử dụng dịch vụ PSI nếu tự họ thấy cần
thiết phải làm như vậy).
Mặt khác, số lượng nước bắt buộc sử dụng dịch vụ PSI cũng không nhiều, chỉ có 37
nước, do đó đây không phải là vấn đề thường trực trong thương mại quốc tế. Nhóm
công tác về PSI được lập ra chỉ để giúp Đại Hội đồng WTO định kỳ rà soát Hiệp định.
Sau này, vấn đề PSI sẽ được đưa vào phạm vi quản lý của Uỷ ban về Trị giá Hải quan.
hàng hoá giống hệt : identical goods
hàng hoá tương tự : similar goods
Hiệp định Trị giá Hải quan : Agreement on Customs Valuation
kiểm định trước khi xếp hàng : pre-shipment inspection (PSI)
thuế gộp : compound duty
thuế theo trị giá : ad valorem duty
thuế tuyệt đối : specific duty
Tổ chức Hải quan Thế giới : World Customs Organization (WCO)
trị giá giao dịch : transaction value
xác định trị giá hải quan : customs valuation
***
10. TRỢ CẤP VÀ PHÁ GIÁ
126. Có phải Hiệp định về trợ cấp và các Biện pháp Đối kháng là hiệp định duy nhất
trong WTO đề cập đến trợ cấp?
Không phải. Hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp Đối kháng (Hiệp định SCM) chỉ
áp dụng đối với trợ cấp công nghiệp. Còn trợ cấp nông nghiệp thuộc phạm vi điều
chỉnh của Hiệp định Nông nghiệp.
Quy định khái quát về trợ cấp được nêu tại Điều XVI của Hiệp định GATT 1994.
127. Thế nào được coi là trợ cấp?
Trợ cấp là việc chính phủ dành cho doanh nghiệp những lợi ích mà trong điều kiện
thông thường doanh nghiệp không thể có. Những lợi ích đó có thể phát sinh từ việc
chính phủ trực tiếp cung cấp tiền (cho không, cho vay với điều kiện ưu đãi, cấp thêm
vốn), chính phủ bảo lãnh trả các khoản vay, chính phủ hoãn các khoản thuế phải thu,
chính phủ cung cấp hoặc mua hàng hóa, dịch vụ với giá cả thuận lợi cho doanh nghiệp,
v.v...
128. Phá giá và trợ cấp khác nhau như thế nào?
Phá giá là hành động của bản thân doanh nghiệp. Việc bán sản phẩm hàng hoá dưới
giá thành chỉ có thể thực hiện dựa trên tiềm lực tài chính của chính doanh nghiệp đó.
Nếu không, họ sẽ bị phá sản.
Trợ cấp là hành động của chính phủ. Hành động này cũng có thể dẫn đến một kết quả
giống với phá giá - đó là việc doanh nghiệp bán sản phẩm ra với giá thấp. Nhưng
doanh nghiệp chỉ có thể làm việc này khi có trợ cấp từ chính phủ.
Cả hai biện pháp này đều là những hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
129. Với việc thi hành Hiệp định SCM, các nước thành viên WTO sẽ không còn trợ
cấp nữa?
Không phải thế. Hiệp định SCM không bắt buộc các nước phải bỏ tất cả các khoản trợ
cấp mà chỉ cấm hoặc hạn chế những loại trợ cấp gây tác động tiêu cực đến thương mại
của nước khác.
130. WTO phân loại trợ cấp như thế nào?
Theo Hiệp định SCM, trợ cấp được phân làm 3 loại:
Trợ cấp bị cấm sử dụng (trợ cấp đỏ)
Trợ cấp được phép sử dụng, nhưng có thể bị kiện (trợ cấp vàng)
Trợ cấp được phép tự do sử dụng (trợ cấp xanh)
131. Tại sao lại gọi là trợ cấp đỏ, vàng, xanh?
Đây là một cách hình tượng hóa cho dễ nhớ. Nếu liên hệ với các màu của đèn tín hiệu
giao thông (đèn đỏ - cấm đi, đèn vàng - chuẩn bị đi hoặc chuẩn bị dừng, đèn xanh -
được đi) thì bạn sẽ dễ nhớ loại trợ cấp nào là loại bị cấm và loại trợ cấp nào được phép
sử dụng)
132. Trợ cấp loại nào bị coi là trợ cấp đỏ?
Các hình thức trợ cấp xuất khẩu, trợ cấp để sử dụng hàng trong nước thay cho hàng
nhập khẩu đều bị xếp vào trợ cấp đỏ, tức là bị cấm sử dụng.
Ngoài việc chính phủ trực tiếp cấp tiền cho doanh nghiệp để giúp xuất khẩu, những
hoạt động sau cũng thuộc phạm vi trợ cấp xuất khẩu:
Cung cấp nguyên liệu đã được hưởng trợ cấp để sản xuất hàng xuất khẩu;
Miễn thuế trực thu (ví dụ thuế lợi tức có được do xuất khẩu);
Hoàn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu sản xuất ra hàng xuất khẩu quá mức đã
sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu;
Hoàn thuế quá mức đáng được khấu trừ đối với hàng xuất khẩu;
Cho vay tín dụng xuất khẩu với lãi suất thấp hơn chi phí.
133. Việc miễn thuế gián thu đối với hàng xuất khẩu có bị coi là hành động trợ cấp
cho xuất khẩu hay không?
Việc miễn hoặc hoàn trả các loại thuế gián thu (thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt,
thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên, thuế môn bài, ...) đối với hàng xuất khẩu không
bị coi là trợ cấp. Đối với trường hợp hoàn thuế, giá trị thuế được hoàn không được
vượt quá giá trị thuế gián thu mà hàng hoá đó phải chịu khi tiêu thụ ở trong nước.
134. Việc cấm sử dụng trợ cấp đỏ có hiệu lực với tất cả các nước?
Trước đây, chỉ có các nước phát triển bị cấm sử dụng trợ cấp xuất khẩu. Từ khi WTO
đi vào hoạt động (tháng 1/1995), quy định này cũng áp dụng cho cả các nước đang
phát triển, trừ các nước có tổng sản phẩm quốc dân theo đầu người dưới 1000US$).
Tuy nhiên, các nước đang phát triển cũng có một thời gian quá độ 8 năm (tức là đến
tháng 1/2003) trước khi phải tuân thủ hoàn toàn nghĩa vụ này. Trong thời gian quá độ,
mức trợ cấp xuất khẩu không được tăng thêm.
135. Trợ cấp vàng bao gồm những loại trợ cấp như thế nào?
Trợ cấp vàng là những trợ cấp mang tính đặc trưng, không phổ biến. Đối tượng nhận
những trợ cấp này chỉ giới hạn trong một hoặc một số doanh nghiệp, một hoặc một số
ngành sản xuất hoặc một khu vực địa lý nhất định.
136. Tại sao trợ cấp vàng đã được phép sử dụng mà lại có thể bị kiện?
Trợ cấp vàng được phép sử dụng, nếu như chúng chỉ dừng ở mức không gây tác động
tiêu cực đến quyền lợi của các nước khác.
Nếu gây tác động tiêu cực đến quyền lợi của các nước khác thì nước sử dụng trợ cấp
vàng có thể bị các nước liên quan áp dụng các biện pháp khắc phục như đánh thuế bổ
sung đối với số hàng nhập khẩu được trợ cấp (gọi là thuế đối kháng) hoặc kiện ra Cơ
quan Giải quyết Tranh chấp của WTO.
137. Nên hiểu như thế nào là "tác động tiêu cực"?
Tác động tiêu cực được coi là xuất hiện khi:
Hàng nhập khẩu được trợ cấp gây tổn hại cho sản xuất trong nước của nước nhập
khẩu: sản lượng hàng sản xuất trong nước bị giảm đáng kể, số người thất nghiệp
trong ngành này tăng.
Làm mất giá trị các ưu đãi thuế quan đã đạt được. Trong đàm phán thương mại,
nước xuất khẩu và nước nhập khẩu đã đạt sự cân bằng nhất định về thuế quan, nay
do hàng hóa được trợ cấp tràn vào nên sự cân bằng không còn nữa.
Có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của các nước khác: khi tổng
trị giá trợ cấp vượt quá 5% giá hàng; bù lỗ; xóa nợ, v.v...
138. Còn trợ cấp loại nào được xếp vào trợ cấp xanh?
Đó là những trợ cấp mang tính phổ cập, không phân biệt giữa các ngành hay các
doanh nghiệp, và dựa trên những tiêu chí kinh tế khách quan.
Những dạng trợ cấp sau dù không mang tính phổ cập, nhưng cũng được coi là trợ cấp
xanh: trợ cấp cho công tác nghiên cứu của doanh nghiệp, trợ cấp để hỗ trợ đáp ứng các
tiêu chuẩn môi trường, trợ cấp để phát triển sản xuất ở những vùng lạc hậu. Những
dạng trợ cấp này có một số điều kiện kèm theo.
Theo truyền thống, trợ cấp cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được xếp vào
trợ cấp xanh.
139. Thuế đối kháng và thuế chống phá giá có được áp dụng vô thời hạn hay không?
Không. Thời gian tối đa áp dụng thuế đối kháng và thuế chống phá giá là 5 năm, trừ
trường hợp có cơ sở xác đáng cho thấy nếu chấm dứt đánh thuế thì trợ cấp hoặc phá
giá vẫn tiếp tục gây thiệt hại cho sản xuất trong nước hoặc có khả năng xuất hiện trở
lại. Quy định 5 năm này được gọi là điều khoản hoàng hôn.
Nếu xét thấy thích hợp thì một nước có thể chấm dứt đánh thuế đối kháng, thuế chống
phá giá sau khi đã tự mình rà soát hoặc rà soát theo ý kiến của các bên liên quan.
140. Nước nhập khẩu có được tự do áp dụng thuế đối kháng khi có dấu hiệu hàng
nhập khẩu được trợ cấp hay không?
Không. Mà khi thấy có dấu hiệu trợ cấp, nước nhập khẩu phải tiến hành điều tra theo
quy trình nêu trong Hiệp định SCM, và khi cơ quan điều tra đưa ra kết luận khoa học,
khách quan về sự tồn tại của trợ cấp thì nước nhập khẩu mới được áp dụng thuế đối
kháng.
141. Cơ quan điều tra có phải là một tổ chức quốc tế?
Không. Đó là một cơ quan của nước nhập khẩu do chính phủ nước này lập ra hoặc chỉ
định.
142. Thuế suất thuế đối kháng là bao nhiêu?
Không có thuế suất cố định cho thuế đối kháng mà thuế suất này tuỳ thuộc vào mức độ
tổn hại đối với sản xuất trong nước của nước nhập khẩu.
143. Thế nào là điều khoản tối thiểu?
Điều khoản tối thiểu quy định nếu giá trị trợ cấp nhỏ hơn 1% giá trị hàng hóa được trợ
cấp hoặc lượng hàng hóa được trợ cấp không đáng kể thì chấm dứt điều tra hoặc bác
đơn khiếu nại.
144. Trong trường hợp đánh thuế chống phá giá thì có cần tiến hành điều tra hay
không?
Có. Cũng tương tự như khi áp dụng thuế đối kháng, để có thể áp dụng thuế chống phá
giá thì trước hết phải có đơn khiếu nại về tình trạng hàng nhập khẩu phá giá, trên cơ sở
đó chính phủ nước nhập khẩu mới được tiến hành điều tra.
Kết quả điều tra phải cho thấy rõ:
Số lượng nhập khẩu mặt hàng bị coi là phá giá (hoặc có trợ cấp) tăng lên đáng kể,
xét về trị tuyệt đối hoặc tương đối.
Giá của mặt hàng nhập khẩu thấp hơn mặt hàng tương tự sản xuất trong nước, kéo
giá xuống hoặc làm cho giá mặt hàng tương tự không thể tăng lên.
Và do đó gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến ngành sản xuất tương ứng của
nước nhập khẩu.
145. Thế nào là tăng tuyệt đối và tăng tương đối?
Tăng tuyệt đối là khi so sánh thấy số lượng hàng nhập khẩu hiện nay nhiều hơn so với
lượng nhập khẩu của chính mặt hàng đó tại một thời điểm trong quá khứ. Ví dụ, lượng
xi-măng nhập khẩu năm trước là 250.000 tấn, năm nay là 320.000 tấn thì lượng tăng
tuyệt đối là 70.000 tấn
Tăng tương đối là lượng tăng của hàng nhập khẩu có so sánh tương quan với một yếu
tố khác như sản lượng trong nước nhập khẩu, sức mua, v.v... Giả sử năm trước trong
nước sản xuất được 2000.000 tấn xi-măng, nhập khẩu 250.000 tấn. Năm nay, trong
nước sản xuất được 220.000 tấn, tức là tăng 10% so với năm trước, nhưng nhập khẩu
320.000 tấn, tăng 28% so với lượng nhập khẩu năm trước. Như vậy mức tăng tương
đối là 28% - 10% = 18%.
Cũng có trường hợp lượng tuyệt đối giảm mà lượng tương đối vẫn tăng. Tiếp ví dụ
trên, giả sử năm nay nhập khẩu 240.000 tấn, giảm 10.000 tấn hay 4%, trong khi sản
xuất trong nước chỉ đạt 170.000 tấn, tức là giảm 30.000 tấn hay 15%. Như vậy nhập
khẩu vẫn tăng tương đối 15% - 4% = 11%.
146. Ai có thể đứng ra khiếu nại về tình trạng hàng nhập khẩu phá giá hoặc có trợ
cấp?
Bộ quản lý ngành hàng, hiệp hội ngành hàng hoặc đại diện một nhóm các nhà sản xuất
có sản lượng đáng kể của mặt hàng đó.
Khi doanh nghiệp đứng ra khiếu nại thì phải tập hợp được hơn 50% số đơn vị sản xuất
trong ngành ủng hộ và sản lượng của các đơn vị này phải chiếm ít nhất 25% sản lượng
toàn ngành.
147. Trước và trong khi tiến hành điều tra thì chính phủ nước nhập khẩu có công bố
rộng rãi về việc điều tra hay không?
Trước khi nhận đủ số đơn khiếu nại để có thể quyết định tiến hành điều tra thì chính
phủ nước nhập khẩu không được công bố về việc sẽ tiến hành điều tra để tránh xáo
trộn trên thị trường. Nhưng nước nhập khẩu cần thông báo cho nước xuất khẩu về việc
nhận được khiếu nại.
Sau khi đã quyết định tiến hành điều tra, chính phủ nước nhập khẩu phải công bố về
việc điều tra và cho nước xuất khẩu biết chi tiết về các đơn khiếu nại.
148. Thế nào là chống phá giá nhân danh nước thứ ba?
Đó là trường hợp nước nhập khẩu không có dấu hiệu về bán phá giá từ nước xuất
khẩu, nhưng nhận được yêu cầu từ một nước thứ ba đề nghị có hành động chống phá
giá đối với hàng hoá của nước xuất khẩu. Nói đơn giản, đó là việc nước thứ ba nhờ trả
đũa hộ.
Trong trường hợp này, nước thứ ba phải cung cấp đầy đủ thông tin, chứng cứ liên quan
cho thấy nước xuất khẩu bán phá giá vào thị trường nước thứ ba và gây thiệt hại cho
sản xuất của nước này.
Việc quyết định có hành động chống phá giá nhân danh nước thứ ba hay không là tuỳ
thuộc vào nước nhập khẩu, nhưng trước khi tiến hành, nước nhập khẩu phải xin phép
Hội đồng Thương mại Hàng hoá của WTO.
***
7 CÁC BIỆN PHÁP TỰ VỆ
149. Tự vệ trong thương mại nghĩa là gì?
Trong thương mại, tự vệ có nghĩa là một nước có thể hạn chế nhập khẩu trong những
trường hợp khẩn cấp, khi lượng hàng nhập khẩu tăng đột biến do việc giảm thuế quan
và đe doạ hoặc gây ra tổn hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước.
Vấn đề tự vệ được nêu tại Điều XIX của GATT 1994 và chi tiết hoá trong Hiệp định
Tự vệ.
150. Có thể áp dụng biện pháp tự vệ ngay khi nhận thấy lượng hàng nhập khẩu tăng
lên được không?
Không. Biện pháp tự vệ chỉ có thể áp dụng sau khi đã tiến hành các bước sau:
Có khiếu nại về việc tăng nhập khẩu gây ra tổn hại nghiêm trọng cho sản xuất
trong nước.
Trên cơ sở khiếu nại, một cơ quan do Chính phủ chỉ định sẽ tiến hành điều tra.
Kết quả điều tra phải cho thấy mối liên hệ nhân - quả giữa tăng nhập khẩu với sự
tổn hại nghiêm trọng gây ra cho ngành sản xuất tương ứng trong nước.
151. Nếu ngành sản xuất trong nước bị tổn hại không gắn với việc tăng nhập khẩu (ví
dụ do sức mua giảm); hoặc nếu việc tăng nhập khẩu không phải vì lý do giảm
thuế quan (mà do hàng nhập khẩu áp dụng công nghệ sản xuất mới nên giá thành
giảm đi) thì có được áp dụng các biện pháp tự vệ hay không?
Không. Vì những trường hợp trên không gắn với việc thực hiện những nghĩa vụ của
GATT nên không được áp dụng những điều khoản của Hiệp định Tự vệ.
152. Các biện pháp tự vệ là những biện pháp nào?
Có 2 loại biện pháp tự vệ:
Tăng thuế quan
Các biện pháp hạn chế định lượng (hạn ngạch, giấy phép)
153. Biện pháp tự vệ tạm thời khác với biện pháp tự vệ chính thức ở điểm nào?
Sự khác nhau giữa hai biện pháp trên thể hiện ở một số điểm:
Thời điểm áp dụng: Biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng trước khi tiến hành
điều tra; trong khi biện pháp tự vệ chính thức được áp dụng sau khi đã hoàn tất
tiến trình điều tra.
Khả năng áp dụng: Biện pháp tự vệ tạm thời chỉ được áp dụng dưới hình thức tăng
thuế quan; trong khi biện pháp tự vệ chính thức có thể là tăng thuế quan, hạn chế
định lượng hoặc kết hợp cả hai hình thức này.
Thời hạn hiệu lực: Biện pháp tự vệ tạm thời chỉ được áp dụng không quá 200
ngày; trong khi biện pháp tự vệ chính thức có thể áp dụng đến mức tối đa là 4
năm.
154. Biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng trước khi điều tra, ví dụ nếu sau này kết
quả điều tra cho thấy tình hình chưa thực sự nghiêm trọng đến mức phải áp dụng
biện pháp tự vệ tạm thời thì khoản chênh lệch phát sinh do tăng thuế quan sẽ
được xử lý thế nào?
Nếu kết quả điều tra cho thấy việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời là không cần thiết,
hoặc mức tăng thuế quan cao quá mức cần thiết thì khoản thuế quan chênh lệch đã thu
sẽ được hoàn trả cho doanh nghiệp.
155. Nếu biện pháp tự vệ chính thức được áp dụng và trước đó có áp dụng biện pháp
tự vệ tạm thời thì thời hạn của biện pháp tự vệ chính thức được tính từ khi nào?
Trong trường hợp này, thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ chính thức sẽ được tính từ
ngày áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời.
156. Khi hết thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ chính thức thì có thể gia hạn được
không?
Được. Nhưng kèm theo một số điều kiện:
Phải có yêu cầu của ngành sản xuất trong nước.
Ngành sản xuất trong nước phải chứng minh đã thực hiện việc điều chỉnh để tăng
cường năng lực cạnh tranh, nhưng vẫn bị tổn hại do nhập khẩu gia tăng.
Không áp dụng mức độ tự vệ cao hơn mức độ của biện pháp tự vệ chính thức.
Thời gian gia hạn tối đa không quá 4 năm (đối với các nước đang phát triển thì
thời gian gia hạn tối đa không quá 6 năm).
157. Sau khi hết thời gian gia hạn thì lại có thể tiến hành điều tra để áp dụng tiếp biện
pháp tự vệ hay không?
Việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với cùng một loại hàng hoá có thể ảnh hưởng
nghiêm trọng đến quyền lợi của người xuất khẩu, vì vậy Hiệp định Tự vệ quy định chỉ
có thể tái áp dụng biện pháp tự vệ sau một khoảng thời gian bằng với thời gian biện
pháp tự vệ đã được áp dụng trước kia, và thời gian sau khi chấm dứt biện pháp tự vệ
lần trước phải được ít nhất 2 năm.
Đối với các nước đang phát triển, chỉ cần sau một khoảng thời gian bằng nửa thời gian
đã áp dụng biện pháp tự vệ trước đó là có thể áp dụng lại.
Ví dụ, nước A đã áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng vải sợi trong thời gian 3
năm và gia hạn thêm 2 năm nữa, tổng cộng là 5 năm. Nếu nước A là nước phát triển
thì phải sau ít nhất 5 năm nữa nước này mới có thể áp dụng lại biện pháp tự vệ đối với
mặt hàng vải sợi. Còn nếu nước A là nước đang phát triển thì chỉ cần sau 2 năm rưỡi
nữa là nước này có thể áp dụng lại biện pháp tự vệ đối với mặt hàng này.
158. Khi áp dụng biện pháp tự vệ bằng cách tăng thuế quan thì có được tăng quá mức
thuế suất đã ràng buộc hay không?
Được.
159. Liệu các nước có thể lợi dụng biện pháp tự vệ để hạn chế quá mức hàng nhập
khẩu, ảnh hưởng tới tự do hoá thương mại hay không?
Hiệp định Tự vệ chỉ cho phép sử dụng biện pháp tự vệ ở mức độ vừa đủ để khắc phục
thiệt hại, chuyển đổi cơ cấu nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho sản xuất trong nước.
Do vậy, nếu sử dụng biện pháp hạn chế định lượng thì biện pháp này không được làm
giảm mức nhập khẩu xuống dưới mức trung bình của 3 năm gần nhất trước khi áp
dụng biện pháp tự vệ.
160. Các nước đang phát triển còn được hưởng ưu đãi gì trong vấn đề tự vệ?
Các biện pháp tự vệ không áp dụng đối với hàng hoá có xuất xứ từ một nước đang
phát triển nếu tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng đó chiếm không quá 3%, và tổng lượng
nhập khẩu mặt hàng đó có xuất xứ từ tất cả các nước đang phát triển không quá 9%.
161. Hạn chế xuất khẩu tự nguyện là gì?
Đó là thoả thuận giữa nước xuất khẩu và nước nhập khẩu trong đó nước xuất khẩu
(thường là nước đang phát triển) cam kết sẽ hạn chế mức xuất khẩu sang nước nhập
khẩu (thường là nước phát triển). Mặc dù gọi là "tự nguyện", nhưng thực tế không
nước nào lại chịu hạn chế xuất khẩu của mình nếu không vì những lý do khác, ví dụ
như để đổi lấy một khoản viện trợ phát triển.
162. Tại sao WTO lại yêu cầu loại bỏ các thoả thuận hạn chế xuất khẩu tự nguyện?
Các thoả thuận này là một hình thức đi chệch khỏi mục tiêu thương mại tự do của
GATT. Việc hạn chế nhập khẩu vào một nước cần phải thực hiện theo nguyên tắc
không phân biệt đối xử, tức là đã hạn chế thì phải hạn chế từ tất cả các nước. Các thoả
thuận hạn chế xuất khẩu tự nguyện chỉ hạn chế nhập khẩu từ một số nước, do đó
không phù hợp với nguyên tắc không phân biệt đối xử và cần phải loại bỏ.
Hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp Đối
kháng: Agreement on Subsidies and Countervailing
Measures
trợ cấp : subsidies
phá giá : dumping
trợ cấp bị cấm sử dụng : prohibited subsidies
trợ cấp được phép sử dụng, nhưng có thể bị
kiện: actionable subsidies
trợ cấp được phép tự do sử dụng : non-actionable subsidies
hạn chế xuất khẩu tự nguyện : voluntary export restraint (VER)
thuế đối kháng : countervailing duty
điều khoản hoàng hôn : sunset clause
điều khoản tối thiểu : de minimis clause
tự vệ : safeguard
tổn hại nghiêm trọng : serious injury
Hiệp định Tự vệ : Agreement on Safeguards
liên hệ nhân - quả : causal link
biện pháp tự vệ tạm thời : provisional safeguard measure
***
7 HÀNG DỆT MAY VÀ HÀNG NÔNG SẢN
163. Tại sao hàng nông sản lại chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong thương mại
quốc tế?
Nông nghiệp là một lĩnh vực nhạy cảm trong cơ cấu kinh tế của mỗi nước. Vì một số
lý do:
Ðây là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Ðây là lực lượng đáng kể tác động đến sự ổn định chính trị - xã hội của từng quốc
gia.
Lĩnh vực sản xuất này chịu nhiều tác động từ thiên nhiên, ảnh hưởng đến năng
suất, sản lượng.
Các nước đều cố gắng đảm bảo tự túc lương thực để không phải phụ thuộc vào
các nước khác về an ninh lương thực.
Các nước muốn thông qua nông nghiệp để bảo vệ "những giá trị không đếm
được", ví dụ như bảo vệ môi trường, bảo tồn cộng đồng và cảnh quan nông thôn,
v.v...
Do vậy, hầu hết các nước đều có khuynh hướng bảo hộ nền sản xuất nông nghiệp của
nước mình bằng cách dựng hàng rào thuế quan thật cao, đề ra những tiêu chuẩn khắt
khe, đồng thời tăng cường trợ cấp cho nông dân trong nước. Vì lẽ đó, nông sản thường
là loại hàng hóa gặp nhiều trở ngại nhất trong thương mại quốc tế và là chủ đề của
những cuộc tranh cãi quyết liệt tại các diễn đàn thương mại.
164. Các mặt hàng nào được coi là hàng nông sản?
Các mặt hàng từ Chương 1 đến Chương 24 của Biểu thuế HS và một vài mặt hàng
khác được coi là nông sản và chịu tác động bởi các quy định của Hiệp định Nông
nghiệp.
Các mặt hàng nông sản cũng tạm thời được chia thành hai nhóm: nông sản nhiệt đới
(chủ yếu từ các nước đang phát triển, ví dụ: chè, cà phê, ca cao, bông, chuối, xoài) và
nông sản ôn đới (chủ yếu từ các nước phát triển, ví dụ: bột mỳ, ngô, thịt, sữa). Các
nước phát triển đã xoá bỏ dần các hạn chế thuế quan và phi thuế quan đối với nông sản
nhiệt đới, nhưng vẫn duy trì bảo hộ cao đối với nông sản ôn đới.
165. WTO tác động đến thương mại hàng nông sản như thế nào?
Một tiến bộ của Vòng đàm phán Uruguay là đề cập trực tiếp đến thương mại hàng
nông sản. Kết quả là khi WTO ra đời, nó đã có một hiệp định riêng về vấn đề này -
Hiệp định Nông nghiệp.
166. Hiệp định Nông nghiệp yêu cầu về vấn đề gì?
Mặc dù có cách hành văn khá phức tạp, nhưng nhìn chung Hiệp định Nông nghiệp đề
cập đến hai vấn đề chính:
Mở cửa thị trường nông nghiệp: thuế quan hoá các biện pháp phi thuế quan, cắt
giảm và ràng buộc thuế quan đối với các mặt hàng nông sản;
Quy định về các khoản trợ cấp xuất khẩu và trợ cấp trong nước đối với nông sản.
167. Mở cửa thị trường trong nông nghiệp thể hiện như thế nào?
Mở cửa thị trường trong nông nghiệp thể hiện ở các điểm:
Bãi bỏ các biện pháp phi thuế quan đang áp dụng đối với sản phẩm nông nghiệp
nhập khẩu.
Các nước được phép thuế hóa khi bãi bỏ các biện pháp phi thuế quan, nhưng phải
ràng buộc mức thuế sau khi đã thuế hóa.
Tiếp đó, các nước cũng phải cắt giảm dần mức thuế quan sau khi thuế hóa. Yêu
cầu đặt ra là các nước phát triển phải cắt giảm ít nhất 36% mức thuế trong vòng 6
năm, các nước đang phát triển phải cắt giảm ít nhất 24% mức thuế trong vòng 10
năm.
Giảm trợ cấp xuất khẩu và hỗ trợ trong nước.
168. Mức cam kết hiện tại về mở cửa thị trường là gì?
Một số nước trước đây đã dành ưu đãi cho việc nhập khẩu một số lượng nhất định
nông sản nhiệt đới bằng cách cho hưởng thuế quan thấp hoặc thậm chí bằng 0%. Sau
khi thuế quan hoá, thuế suất của các mặt hàng này tăng lên đáng kể. Để đảm bảo
quyền lợi của những nước xuất khẩu các mặt hàng nông sản đã được hưởng ưu đãi
trước đây, nước nhập khẩu với mức thuế suất trong hạn ngạch rất thấp, còn thuế suất
ngoài hạn ngạch bằng thuế suất sau khi đã thuế quan hoá. Mức hạn ngạch thuế quan
này căn cứ trên số lượng hàng nông sản nhập khẩu được hưởng ưu đãi và gọi là mức
cam kết hiện tại về mở cửa thị trường.
169. Còn mức cam kết tối thiểu về mở cửa thị trường là thế nào?
Một số sản phẩm như sữa, thịt, rau quả trước đây đã từng được bảo hộ bằng những
biện pháp ngặt nghèo đến mức sản phẩm của nước ngoài gần như không thể nhập khẩu
vào những nước có sự bảo hộ cao như vậy. Hiệp định Nông nghiệp yêu cầu những
nước này phải mở cửa thị trường cho nông sản nhập khẩu bằng cách dành hạn ngạch
thuế quan ở mức ít nhất bằng 3% lượng tiêu thụ trong nước thời kỳ 1986-1988. Con số
3% này chính là mức cam kết tối thiểu về mở cửa thị trường nông sản. Các nước phát
triển phải nâng con số này lên 5% vào cuối năm 2000, còn với các nước đang phát
triển thì thời hạn là năm 2004. Trong trường hợp này để đảm bảo giá trị của cam kết
tối thiểu thuế suất trong hạn ngạch thường không được quá 1/3 thuế suất ngoài hạn
ngạch.
170. Cắt giảm thuế quan đối với hàng nông sản diễn ra như thế nào?
Các nước phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi phải cắt giảm thuế quan trung
bình 36% trong thời gian 6 năm (tức là đến 1/1/2001). Thuế suất đối với mỗi sản phẩm
phải giảm ít nhất 15%.
Các nước đang phát triển phải cắt giảm thuế quan trung bình 24% trong thời gian 10
năm (tức là đến 1/1/2005). Thuế suất đối với mỗi sản phẩm phải giảm ít nhất 10%.
Các nước kém phát triển không có nghĩa vụ phải giảm thuế quan đối với hàng nông
sản.
171. Việc ràng buộc thuế quan đối với hàng nông sản có gì khác với hàng công
nghiệp?
Nhìn chung, việc ràng buộc thuế quan đối với hàng nông sản cũng giống như với hàng
công nghiệp. Có một điều là thuế quan của tất cả các mặt hàng nông sản đều phải ràng
buộc, trong khi không phải mọi mặt hàng công nghiệp đều phải làm như vậy.
Trong bối cảnh nông sản vốn là loại mặt hàng nhạy cảm và luôn được bảo hộ cao thì
việc ràng buộc thuế quan tất cả các mặt hàng nông sản có một ý nghĩa lớn đối với tự
do hóa thương mại trong ngành nông nghiệp.
172. Trợ cấp xuất khẩu đối với hàng công nghiệp đã bị cấm theo quy định của Hiệp
định Trợ cấp và các Biện pháp Đối kháng. Vậy còn trợ cấp xuất khẩu cho hàng
nông sản thì sao?
Tại một số nước, do chi phí sản xuất cho các mặt hàng nông sản cao mà nhu cầu tiêu
dùng trong nước lại đã đáp ứng đủ nên các mặt hàng này phải tìm cách tiêu thụ ở thị
trường bên ngoài, và chúng chỉ có thể xuất khẩu được khi có trợ cấp của chính phủ.
EU, Hoa Kỳ, Australia, Ba Lan, Mexico, Phần Lan, Thuỵ Điển, Canada từng là những
nước đã sử dụng trợ cấp xuất khẩu cho hàng nông sản.
Hiệp định Nông nghiệp không yêu cầu các nước xóa bỏ ngay trợ cấp xuất khẩu cho
hàng nông sản, nhưng buộc các nước phải giảm mức độ trợ cấp cả về mặt trị giá cũng
như số lượng mặt hàng được trợ cấp. Các nước phát triển phải cam kết giảm ít nhất là
36% (riêng New Zealand bỏ hoàn toàn trợ cấp xuất khẩu), các nước đang phát triển
phải cam kết giảm ít nhất là 24%.
173. Trợ cấp trong nước liên quan đến hàng nông sản có phải cam kết giảm như trợ
cấp xuất khẩu hay không?
Về hình thức, trợ cấp trong nước có nhiều loại hình đa dạng hơn trợ cấp xuất khẩu.
Quy định chung của Hiệp định Nông nghiệp là những loại trợ cấp tác động tới thương
mại đều phải cam kết cắt giảm.
Tương tự như trợ cấp hàng công nghiệp, trợ cấp trong nước đối với hàng nông sản chia
làm ba loại:
Trợ cấp hộp xanh lục: Đây là các loại trợ cấp không mang tính thương mại mà chỉ
thuần tuý nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, ví dụ
như trợ cấp cho công tác nghiên cứu lai tạo giống mới, diệt trừ sâu bệnh, bù đắp
thiệt hại do thiên tai, cải thiện môi trường, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu và phương
thức canh tác, v.v...
Trợ cấp hộp xanh (lam): Đây là loại trợ cấp nhằm khuyến khích sản xuất như trợ
cấp đầu vào cho nông dân có thu nhập thấp, ở vùng có nhiều thiên tai, trợ cấp
chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Trợ cấp hộp vàng: Đây là các loại trợ cấp trong nước có ảnh hưởng tới thương mại
và phải cam kết cắt giảm, ví dụ áp dụng giấy phép, hạn ngạch để hỗ trợ giá trong
nước làm cho giá trong nước không phản ánh đúng giá thị trường quốc tế, trợ giá
để thu mua theo giá can thiệp của Chính phủ.
Trợ cấp hộp xanh lục và hộp xanh được phép duy trì và không phải cam kết cắt giảm.
174. AMS là gì?
AMS là từ viết tắt tiếng Anh, hàm nghĩa "tổng lượng hỗ trợ trong nước", tức là tổng
trị giá các trợ cấp hộp vàng. Đây là con số căn cứ để các nước đưa ra cam kết cắt giảm
trợ cấp trong nước. Các nước phát triển phải giảm trợ cấp trong nước (hộp vàng) trị
giá ít nhất bằng 20% AMS trong thời gian 1995-2000, các nước đang phát triển phải
giảm ít nhất 13% AMS trong thời gian 1995-2000.
175. Muốn cắt giảm thì phải tính được AMS. Vậy AMS được xác định như thế nào?
AMS được tính toán bằng tổng của trợ cấp trong nước thuộc diện cắt giảm dành cho
từng mặt hàng nông sản cộng với số trợ cấp chung không dành riêng cho một mặt
hàng nào.
AMS = trợ cấp mặt hàng A + trợ cấp mặt hàng B + ... + trợ cấp chung
Chi tiết về cách xác định AMS được nêu trong Phụ lục 3 của Hiệp định Nông nghiệp.
176. Hạn ngạch thuế quan khác gì với hạn ngạch thông thường?
Như tên gọi của nó, hạn ngạch thuế quan là mức hạn ngạch mà ở đó thuế quan có sự
thay đổi. Hạn ngạch chỉ ra một số lượng mặt hàng nhất định, nhập khẩu dưới mức đó
được hưởng thuế quan ưu đãi, còn nhập khẩu trên mức đó phải chịu thuế suất thông
thường hoặc thuế suất mang tính phân biệt đối xử.
Ví dụ: Hạn ngạch thuế quan cho mặt hàng đường là 10.000 tấn, thuế suất trong hạn
ngạch là 10%, thuế suất ngoài hạn ngạch là 45%. Như vậy, 10.000 tấn đường đầu tiên
nhập khẩu về sẽ được hưởng thuế suất 10%. Từ tấn đường nhập khẩu thứ 10.001 sẽ
phải chịu thuế suất 45%.
177. Tại sao có rất nhiều mặt hàng trong thương mại quốc tế mà WTO lại có riêng
một hiệp định về hàng dệt may?
Dệt và các sản phẩm từ dệt là một trong những ngành xuất hiện sớm nhất trong lịch sử
công nghiệp. Trải qua quá trình phát triển, ngày nay hầu hết những nước có trình độ
công nghiệp cao đều không mở rộng ngành này và trở thành những nước nhập khẩu
sản phẩm dệt may. Trong khi đó, tại các nước đang phát triển, đang trong quá trình
công nghiệp hóa thì đây là một ngành được quan tâm đầu tư vì không đòi hỏi công
nghệ phức tạp và giải quyết được việc làm cho nhiều nhân công. Hầu hết các nước
đang phát triển đều có giai đoạn coi dệt may là một ngành công nghiệp chủ chốt của
mình.
Nhưng có một điều bất công là trong khi các nước phát triển kêu gọi tự do hóa thương
mại bằng cách dỡ bỏ rào cản đối với hầu hết các sản phẩm thì chính họ lại dựng lên
hàng rào khắt khe để hạn chế nhập khẩu hàng dệt may. Với cái gọi là Hiệp định Đa sợi
(MFA), họ buộc các nước đang phát triển muốn xuất khẩu hàng dệt may vào nước họ
phải chấp nhận hạn chế xuất khẩu đối với một số loại hàng dệt may nhất định (thường
được gọi tắt là "cat") mà thực chất chính là việc họ ấn định hạn ngạch cho nước xuất
khẩu.
Trước sự đấu tranh ngày càng mạnh mẽ của các nước đang phát triển, Vòng đàm phán
Uruguay đã mở ra một hiệp định riêng để xử lý vấn đề này, nhằm đưa hàng dệt may
vào khuôn khổ điều chỉnh trong những nguyên tắc chung của GATT. Đó chính là Hiệp
định Dệt may (Hiệp định ATC). Hiệp định này chính thức có hiệu lực cùng với sự
thành lập của WTO (1/1/1995). Vì thế, có thể coi đây là một thắng lợi của các nước
đang phát triển tại Vòng Uruguay.
178. Nội dung chính của Hiệp định ATC là gì?
Việc buôn bán hàng dệt may trước Vòng Uruguay không nằm trong khuôn khổ điều
chỉnh của GATT do phải chịu nhiều hạn chế khi nhập khẩu vào nước tiêu thụ. Hiệp
định ATC xoá bỏ những hạn chế này, đưa hàng dệt may trở lại phạm vi điều chỉnh của
GATT giống như các mặt hàng thông thường khác.
179. Ngay sau khi Hiệp định ATC có hiệu lực, sẽ không còn hạn ngạch đối với hàng
dệt may nữa?
Chưa phải như vậy. Hiệp định ATC không xoá bỏ những hạn chế đối với hàng dệt may
ngay lập tức, mà trong một thời gian chuyển tiếp là 10 năm tính từ ngày WTO bắt đầu
hoạt động (1/1/1995). Như vậy, phải đến ngày 1/1/2005, các hạn chế đối với hàng dệt
may (chủ yếu dưới dạng hạn ngạch) mới được xoá bỏ hoàn toàn.
180. Các điều khoản hiện thời về tự vệ của WTO có áp dụng đối với hàng dệt may hay
không? Vì sao?
Không. Vì chế độ hạn ngạch đang tồn tại cũng đã rất khắt khe, ít có khả năng làm tăng
đột biến lượng nhập khẩu vào nước tiêu thụ.
Đến năm 2005, khi hàng dệt may cũng đã được tự do hoá giống như các loại hàng hoá
khác thì điều khoản về tự vệ của WTO sẽ có tác dụng đối với hàng dệt may. Có nghĩa
là khi đó một nước chỉ có thể hạn chế nhập khẩu hàng dệt may nếu đã tiến hành điều
tra và có đủ căn cứ cho thấy lượng hàng dệt may nhập khẩu tăng đột biến gây tổn hại
nghiêm trọng cho ngành công nghiệp dệt may trong nước.
181. Nếu đến năm 2005, Việt Nam vẫn chưa trở thành thành viên WTO thì có được bỏ
chế độ hạn ngạch không?
Hiện nay, Việt Nam vẫn đang phải chịu chế độ hạn ngạch đối với hàng dệt may xuất
khẩu sang một số thị trường, điển hình là Liên minh Châu Âu (EU). Trong chế độ này,
một doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng dệt may sang EU, ngoài việc tìm
được người mua và ký kết hợp đồng thì trước hết phải được phân hạn ngạch xuất khẩu
"cat" hàng đó và chỉ được xuất khẩu số lượng tương ứng với hạn ngạch đã giao.
Đến năm 2005, nếu Việt Nam vẫn chưa là thành viên WTO thì đương nhiên các nước
thành viên WTO không phải thực hiện các nghĩa vụ của Hiệp định ATC đối với Việt
Nam. Tức là xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang một số thị trường lớn vẫn
phải chịu chế độ hạn ngạch như hiện nay.
182. Việc xoá bỏ các hạn chế đối với hàng dệt may trong 10 năm chuyển tiếp được
thực hiện như thế nào?
Thời gian 10 năm chuyển tiếp được chia làm 4 giai đoạn. Trong mỗi giai đoạn, lượng
hàng dệt may của một nước được giải phóng khỏi các hạn chế nhập khẩu phải đạt
được một trị số phần trăm tối thiểu so với lượng nhập khẩu hàng dệt may của nước đó
năm 1990.
Trị số phần trăm trong từng giai đoạn đó như sau:
16% tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực (1/1/1995)
17% nữa sau ba năm tiếp theo (1/1/1998)
18% nữa sau bốn năm tiếp theo (1/1/2002)
49% còn lại vào thời điểm Hiệp định hết hiệu lực (1/1/2005)
Ngoài trị số phần trăm nói trên, Hiệp định còn quy định trong mỗi giai đoạn trên phải
có đủ sản phẩm của 4 loại mặt hàng: sợi, vải, thành phẩm dệt và quần áo.
183. Nếu chỉ quy định về phần trăm số mặt hàng mà không quy định theo tỷ trọng hạn
ngạch thì rất có thể trong những giai đoạn đầu, các nước nhập khẩu chỉ dỡ bỏ
hạn chế đối với những mặt hàng có số lượng hạn ngạch đã tương đối cao?
Đúng vậy. Đó là thực tế mà các nước nhập khẩu nhiều hàng dệt may như Hoa Kỳ, EU,
Canada đang vận dụng.
184. Vậy những mặt hàng đưa vào tự do hoá ở giai đoạn sau vẫn phải chịu số lượng
hạn ngạch thấp cho đến khi kết thúc thời kỳ chuyển tiếp?
Đối với những mặt hàng chưa được loại bỏ ngay hạn ngạch (tức là những mặt hàng
được tự do hoá trong 3 giai đoạn sau), Hiệp định quy định lượng hạn ngạch phải tăng
dần.
Mức tăng hạn ngạch cụ thể như sau:
16% mỗi năm trong ba năm đầu tiên (1985 đến 1997)
25% mỗi năm trong bốn năm tiếp theo (1998 đến 2001)
27% mỗi năm trong bốn năm cuối cùng (2002 đến 2004)
Ví dụ mức hạn ngạch xuất khẩu từ nước A sang nước B tại thời điểm đầu năm 1995 là
1000 tấn và mức tăng hạn ngạch hàng năm là 5% (những chi tiết này thường được quy
định trong hiệp định song phương ký giữa hai nước). Mức gia tăng hạn ngạch kể từ
khi Hiệp định ATC có hiệu lực như sau:
Ba năm đầu tiên: (5% x 1,16) x 3 = 5,8% x 3 = 17,4%
Bốn năm tiếp theo: (5,8% x 1,25) x 4 = 7,25% x 4 = 29%
Bốn năm cuối cùng: (7,25% x 1,27) x 3 = 9,2% x3 = 27,6%
Vậy đến năm 2004 mức tăng hạn ngạch so với năm 1995 đã là 74%, tương ứng với
1740 tấn hàng dệt may.
185. Việc xác định xuất xứ của hàng dệt may như thế nào?
Do áp dụng chế độ hạn ngạch nên việc xác nhận định xuất xứ của hàng dệt may là cần
thiết để xem sản phẩm xuất khẩu có thích hợp nhận hạn ngạch hay không. Xuất xứ của
hàng dệt may thường được xác định căn cứ vào sự chuyển đổi đáng kể bản chất của
hàng hoá, ví dụ như sợi được dệt thành vải, hoặc khi vải được cắt may thành quần áo.
Nếu nước A nhập khẩu vải của nước B về để may thành quần áo thì quần áo đó được
coi là xuất xứ từ nước A.
Một số sản phẩm nguyên liệu được xác định xuất xứ theo nước sản xuất chứ không
phải nước chế biến.
186. Trong thời gian vẫn còn áp dụng hạn ngạch, nước nhập khẩu hàng dệt may vẫn
có thể sử dụng những biện pháp làm tăng hạn chế như thuế đối kháng, thuế
chống phá giá hay không?
Không có quy định nào ngăn cản nước nhập khẩu sử dụng thuế đối kháng, thuế chống
phá giá ngoài biện pháp hạn ngạch. Thực tế đã có hàng chục nước sử dụng các biện
pháp này. Tuy nhiên do chế độ hạn ngạch đối với hàng dệt may đã mang tính hạn chế
thâm nhập thị trường rất lớn nên nếu định áp dụng những biện pháp làm tăng thuế thì
cơ quan điều tra của các nước nhập khẩu cần phải xem xét thận trọng hơn trước khi
quyết định áp dụng các loại thuế bổ sung.
Hiệp định Dệt may : Agreement on Textile and Clothing (ATC)
Hiệp định Đa sợi : Multi-Fiber Arrangement (MFA)
Hiệp định Nông nghiệp : Agreement on Agriculture
tổng lượng hỗ trợ trong nước : aggregate measure support (AMS)
hạn ngạch thuế quan : tariff quota
mức cam kết hiện tại : current access commitment
mức cam kết tối thiểu : minimum access commitment
thời gian chuyển tiếp : transitional period
trợ cấp trong nước : domestic support
trợ cấp xuất khẩu : export subsidies
***
8 THƯƠNG MẠI LIÊN QUAN ĐẾN CHÍNH PHỦ
187. Mua sắm chính phủ là gì?
Mua sắm chính phủ hay còn gọi là mua sắm công, là những khoản chi tiêu của các cơ
quan chính phủ để mua hàng hoá, dịch vụ cho việc sử dụng của chính mình.
Ví dụ một cơ quan chính phủ mua ô-tô, lắp đặt hệ thống điều hoà nhiệt độ, xây dựng
trụ sở mới, thuê dịch vụ tổ chức hội nghị ... đó chính là những hoạt động cụ thể của
mua sắm chính phủ.
188. Tại sao mua sắm chính phủ lại được quan tâm đến vậy trong thương mại quốc
tế?
Tại nước nào cũng vậy, chính phủ luôn là một nhà đầu tư lớn, đồng thời cũng là một
người tiêu dùng lớn. Mua sắm chính phủ luôn là một khoản chi tiêu lớn của ngân sách
quốc gia. Những hợp đồng mua sắm của cơ quan chính phủ cũng thường có giá trị lớn
hơn của những người tiêu dùng thông thường. Vì vậy, đây là một nguồn doanh thu rất
lớn cho các doanh nghiệp được chọn lựa cung ứng hàng hoá, dịch vụ cho các cơ quan
chính phủ.
Trong khi đó, khi mua sắm, các cơ quan chính phủ lại thường dành ưu ái mua hàng
hoá, dịch vụ của các doanh nghiệp trong nước. Hoặc nếu phải mua của doanh nghiệp
nước ngoài thì cũng thiên về doanh nghiệp của những nước có quan hệ chính trị - kinh
tế gần gũi. Điều này tạo nên một môi trường thương mại không công bằng, không
minh bạch, trái với những nguyên tắc hiện đại của thương mại quốc tế. Do đó, vấn đề
mua sắm chính phủ đã được đề cập trong đàm phán thương mại tại nhiều diễn đàn
khác nhau, điển hình là WTO.
189. WTO quy định về mua sắm chính phủ như thế nào?
Khởi đầu, Hiệp định GATT 1947 công nhận các nước có quyền không áp dụng các
nguyên tắc đãi ngộ tối huệ quốc và đãi ngộ quốc gia trong mua sắm chính phủ, hay nói
cách khác là không đưa vấn đề này vào phạm vi điều chỉnh của GATT.
Đến Vòng đàm phán Tokyo, nhiều nước đã lên tiếng đòi đưa mua sắm chính phủ tuân
theo các nguyên tắc của GATT. Hiệp định về Mua sắm chính phủ vì thế đã ra đời
nhưng mới chỉ áp dụng cho mua sắm hàng hoá.
Tại Vòng đàm phán Uruguay, Hiệp định về Mua sắm chính phủ đã được mở rộng để
áp dụng cho cả việc mua sắm dịch vụ. Tuy nhiên, nó không được đưa vào hệ thống
hiệp định đa phương mà vẫn chỉ tồn tại như một hiệp định nhiều bên.
190. Thế có nghĩa là việc tham gia Hiệp định này không bắt buộc và không phải tất cả
các nước thành viên WTO phải tuân thủ nghĩa vụ của Hiệp định này?
Đúng vậy. Cho đến nay trong số các thành viên WTO mới chỉ có các nước phát triển
và 3 nước đang phát triển tham gia Hiệp định này.
Từ năm 1996, WTO cũng đã thành lập một Nhóm công tác về Minh bạch trong Mua
sắm chính phủ nhằm xem xét khả năng đàm phán một hiệp định tạm thời khác về mua
sắm chính phủ và áp dụng cho tất cả các nước thành viên WTO. Nhưng Hiệp định này
sẽ chỉ đặt ra những thủ tục giúp tăng tính minh bạch, công khai của quá trình mua sắm,
mà không buộc các nước thành viên phải thi hành nguyên tắc đãi ngộ tối huệ quốc và
đãi ngộ quốc gia.
191. Những cơ quan nào được coi là cơ quan chính phủ và phải tuân theo quy định
của Hiệp định về Mua sắm chính phủ?
Các cơ quan chính phủ được hiểu là:
Bộ, Ban, Tổng cục và các đơn vị thuộc chính phủ Trung ương và chính phủ bang
(ở nước liên bang)
Các cơ quan thuộc chính quyền địa phương
Các cơ quan công ích như cơ quan cung cấp điện, nước, dịch vụ vệ sinh, xây dựng
đô thị, giao thông công chính.
Việc xác định những cơ quan nào trong số các cơ quan trên phải tuân thủ Hiệp định về
Mua sắm chính phủ là tuỳ thuộc từng nước thành viên WTO tham gia Hiệp định. Các
nước này cũng tự nguyện đưa ra danh sách các mặt hàng và dịch vụ mà khi mua sắm
phải theo quy định của Hiệp định.
192. Nghĩa vụ mà Hiệp định về Mua sắm chính phủ đặt ra cho các nước tham gia Hiệp
định là như thế nào?
Hiệp định về Mua sắm chính phủ yêu cầu các nước tuân theo nguyên tắc không phân
biệt đối xử và công khai, minh bạch trong hoạt động mua sắm chính phủ.
Nguyên tắc không phân biệt đối xử bao gồm không phân biệt giữa doanh nghiệp cung
cấp hàng hoá, dịch vụ trong nước với doanh nghiệp nước ngoài (đãi ngộ quốc gia) và
giữa các doanh nghiệp nước ngoài với nhau (đãi ngộ tối huệ quốc).
Nguyên tắc công khai, minh bạch thể hiện ở việc yêu cầu cơ quan chính phủ khi mua
sắm hàng hoá, dịch vụ có trị giá từ một mức nhất định trở lên thì phải mời thầu, cho
phép doanh nghiệp nước ngoài tham gia đấu thầu với những điều kiện bình đẳng và
đảm bảo doanh nghiệp trúng thầu phải là doanh nghiệp chào giá thấp nhất hoặc đáp
ứng tốt nhất những điều kiện nêu ra trong văn bản gọi thầu.
193. Đấu thầu có những hình thức nào?
Có ba hình thức đấu thầu có thể sử dụng trong mua sắm chính phủ:
Đấu thầu mở: Tất cả các nhà cung cấp trong và ngfoài nước đều có thể dự thầu.
Đấu thầu chọn lọc: Chỉ một số nhà cung cấp có đủ điều kiện cần thiết mới được
dự thầu. Các điều kiện này chỉ nhằm đảm bảo nhà thầu có đủ năng lực kỹ thuật,
tài chính để thực hiện hợp đồng chứ không được nhằm dành ưu đãi cho một số
nhà cung cấp nào đó.
Đấu thầu hạn chế: Thương lượng trực tiếp với một số nhà cung cấp được chỉ định.
Hình thức này chỉ áp dụng trong những trường hợp đặc biệt, khi không có đơn bỏ
thầu trong đấu thầu mở và đấu thầu chọn lọc, hoặc các đơn đều không đáp ứng đủ
điều kiện, hoặc khi mua sắm các phụ kiện bổ sung, thay thế từ một nhà thầu đã
được chọn.
194. Hiệp định quy định thế nào về giai đoạn sau khi chọn thầu?
Để đảm bảo tính minh bạch, sau khi xét thầu xong, cơ quan chính phủ thực hiện việc
mua sắm phải thông báo công khai tên, địa chỉ của người trúng thầu, trị giá bỏ thầu
của người trúng thầu, các yếu tố khác đã được tính đến khi quyết định chọn thầu.
Nếu những người dự thầu khác có yêu cầu thì cơ quan chính phủ cũng phải giải thích
rõ lý do chọn hoặc không chọn thầu.
195. Tại sao nhiều nước đang phát triển vẫn chưa tham gia Hiệp định về Mua sắm
chính phủ?
Mặc dù việc tham gia Hiệp định ở mức độ nào là tuỳ thuộc nước tham gia, không bắt
buộc phải tuân thủ mọi nghĩa vụ của Hiệp định mà có thể bảo lưu từng phần, nhưng đa
số các nước đang phát triển vẫn không mặn mà tham gia Hiệp định vì ngân sách các
nước này đều không lớn nên họ muốn dành lại tối đa chi tiêu của mình cho các nhà
cung cấp hàng hoá, dịch vụ trong nước, những người sau đó sẽ lại đóng thuế cho ngân
sách. Việc ưu tiên mua sắm từ các doanh nghiệp trong nước cũng góp phần kích thích
sự phát triển của doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm, đặc biệt là với các doanh
nghiệp vừa và nhỏ.
Mặt khác, nếu có tham gia Hiệp định thì khi tham gia đấu thầu tại các nước phát triển,
doanh nghiệp của các nước đang phát triển cũng vẫn ít có cơ hội thắng thầu do hạn chế
về năng lực tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm. Đó là còn chưa kể việc không có mạng
lưới chi nhánh, văn phòng đại diện rộng rãi như các công ty lớn khiến doanh nghiệp
của nước đang phát triển còn bị hạn chế về thông tin đấu thầu tại các nước khác.
196. Doanh nghiệp thương mại nhà nước trong WTO được hiểu như thế nào?
Trong WTO, doanh nghiệp thương mại nhà nước là doanh nghiệp được Nhà nước
dành cho những ưu đãi, quyền lợi đặc biệt so với các doanh nghiệp khác trong hoạt
động thương mại, xuất nhập khẩu.
197. Doanh nghiệp thương mại nhà nước và doanh nghiệp quốc doanh có phải là một
không?
Không nên nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Doanh nghiệp quốc doanh chỉ liên quan
đến vấn đề sở hữu vốn, trong doanh nghiệp quốc doanh thì toàn bộ vốn thuộc về Nhà
nước, hay nói cách khác, Nhà nước là chủ sở hữu doanh nghiệp.
Trong khi đó, doanh nghiệp thương mại nhà nước không hoàn toàn gắn với vấn đề sở
hữu doanh nghiệp. Bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào (quốc doanh, cổ phần, liên
doanh, tư nhân, v.v...) đều có thể được hưởng đặc quyền của Nhà nước và do vậy đều
có thể gọi là doanh nghiệp thương mại nhà nước.
198. Mua sắm chính phủ và doanh nghiệp thương mại nhà nước khác nhau như thế
nào?
Trong mua sắm chính phủ, các cơ quan Chính phủ là người tiêu dùng cuối. Hàng hoá,
dịch vụ được mua là để phục vụ mục đích tiêu dùng, không phải để kinh doanh. Và chỉ
có hoạt động mua chứ không có bán.
Doanh nghiệp thương mại nhà nước là một nhà kinh doanh thực sự. Họ mua và bán
hàng hoá với những điều kiện ưu đãi do Nhà nước ban cho, và kết quả các hoạt động
đó là nhằm tạo ra lợi nhuận.
199. Quy định về thương mại nhà nước có áp dụng với những đơn vị như viễn thông,
hàng không?
Không. Thương mại nhà nước là một phần của Hiệp định GATT, được quy định tại
Điều XVII. Do đó, những quy định về vấn đề này chỉ được áp dụng với các doanh
nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá mà không áp dụng với các doanh nghiệp kinh doanh
dịch vụ.
200. Quy định về thương mại nhà nước gồm những điểm gì?
Quy định về thương mại nhà nước thể hiện ở hai điểm:
Hoạt động của doanh nghiệp thương mại nhà nước phải phù hợp với nguyên tắc
chung về không phân biệt đối xử, tức là hoạt động mua hoặc bán phải căn cứ vào
các yếu tố mang tính thương mại và phải dành cơ hội thích đáng cho doanh nghiệp
nước ngoài được tham gia các hoạt động mua hoặc bán đó.
Hoạt động của doanh nghiệp thương mại nhà nước phải minh bạch, tức là phải
thông báo cho các nước thành viên WTO khác thông qua Hội đồng Thương mại
Hàng hoá của WTO.
201. Thế nào là "phải căn cứ vào các yếu tố mang tính thương mại"?
Các yếu tố mang tính thương mại được hiểu như là giá cả, chất lượng của hàng hoá,
tình hình cung - cầu trên thị trường, chi phí vận tải, chi phí xúc tiến, v.v... Doanh
nghiệp thương mại nhà nước khi mua hoặc bán phải thực sự dựa trên những yếu tố này
để tính toán ra quyết định kinh doanh chứ không phải chỉ đơn thuần dựa trên đặc
quyền, biệt đãi mà Nhà nước dành cho.
Ví dụ một doanh nghiệp được Nhà nước dành cho quyền là đầu mối duy nhất nhập
khẩu phân bón. Doanh nghiệp này không được tuỳ tiện nhập phân bón với bất kỳ giá
nào hay vào bất kỳ thời điểm nào mà vẫn phải căn cứ vào tình hình sản xuất nông
nghiệp, nhu cầu phân bón trong nước, chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ để
có thể quyết định nhập khẩu phân bón hay không. Nói cách khác, mặc dù dành cho
doanh nghiệp đặc quyền, nhưng Nhà nước cũng không thể tuỳ ý can thiệp vào hoạt
động kinh doanh của doanh nghiệp bằng mệnh lệnh hành chính mà phải thông qua các
công cụ điều tiết vĩ mô chung.
202. Nội dung thông báo cho WTO về doanh nghiệp thương mại nhà nước gồm những
gì?
Mỗi nước phải thông báo cho WTO tên các doanh nghiệp thương mại nhà nước hoạt
động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, các loại hàng hoá mà các doanh nghiệp này kinh
doanh và các thông tin khác (ở dạng điền vào mẫu cho sẵn).
Các nước cũng phải thường xuyên rà soát để cung cấp thông tin cập nhật về hoạt động
của các doanh nghiệp thương mại nhà nước.
doanh nghiệp thương mại nhà nước : state trading enterprise (STE)
đấu thầu : tendering
Hiệp định về Mua sắm chính phủ : Agreement on Government Procurement
mua sắm chính phủ : government procurement
***
9 ĐẦU TƯ
203. Đầu tư là gì? Đầu tư trực tiếp khác đầu tư gián tiếp như thế nào?
Đầu tư là từ để chỉ việc đem công sức, trí tuệ, tiền bạc làm một việc gì nhằm đem lại
kết quả, lợi ích nhất định. Trong những bối cảnh hẹp như phạm vi quyển sách này, đầu
tư được nói đến chính là đầu tư nước ngoài, có nghĩa là việc đem tiền từ một nước
sang một nước khác để sinh lãi.
Đầu tư trực tiếp là sự đầu tư thông qua sản xuất, cung cấp dịch vụ, buôn bán tại nước
nhận đầu tư. Hình thức đầu tư này thường dẫn đến sự thành lập một pháp nhân riêng
như công ty liên doanh, công ty 100% vốn nước ngoài, chi nhánh công ty nước ngoài.
Đầu tư trực tiếp góp phần làm tăng tổng sản phẩm quốc nội, thúc đẩy quá trình chuyển
giao công nghệ và phương thức quản lý, kinh doanh tiên tiến, đồng thời góp phần giải
quyết vấn đề việc làm tại nước nhận đầu tư.
Đầu tư gián tiếp là sự đầu tư thông qua việc buôn bán cổ phiếu và các giấy tờ có giá
trị, gọi chung là chứng khoán. Hình thức đầu tư này không dẫn đến việc thành lập
pháp nhân riêng. Hình thức này mang tính đầu cơ nên có thể thu lãi rất lớn thông qua
sự biến động giá chứng khoán (điều này lại liên quan đến nhiều yếu tố khác như tình
hình chính trị, phát triển kinh tế, chính sách điều hành vĩ mô, v.v...), nhưng cũng chính
vì thế mà có thể phải chịu những rủi ro khó lường trước. Đối với nước nhận đầu tư,
hình thức đầu tư góp phần giải quyết sự khan hiếm vốn, nhưng khi các nhà đầu tư
đồng loạt rút đi (bằng cách bán lại chứng khoán) sẽ dễ dẫn đến những biến động trên
thị trường tiền tệ, ảnh hưởng tới nền kinh tế.
204. Tại sao lại có vấn đề đầu tư trong WTO?
Thương mại và đầu tư có mối quan hệ với nhau. Chính sách thu hút hoặc hạn chế đầu
tư có thể là khởi nguồn cho những biện pháp gây tác động đến thương mại quốc tế.
Vì vậy, WTO đã đưa đầu tư vào phạm vi điều chỉnh của mình, nhưng chỉ với một mức
độ nhất định ở những khía cạnh liên quan đến thương mại. Nội dung điều chỉnh này
thể hiện trong Hiệp định về Các biện pháp Đầu tư liên quan đến Thương mại (TRIM).
205. Hiệp định TRIM đặt ra yêu cầu gì?
Hiệp định TRIM đặt ra yêu cầu các nước phải xóa bỏ các biện pháp đầu tư gây cản trở
thương mại. Hiệp định này chỉ áp dụng đối với thương mại hàng hóa của doanh nghiệp
đầu tư trực tiếp nước ngoài.
206. Những biện pháp đầu tư nào được coi là TRIM?
Dưới đây là một số biện pháp đầu tư điển hình được coi là TRIM:
Yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải mua hoặc
sử dụng một tỷ lệ nhất định các sản phẩm sản xuất trong nước hoặc do các doanh
nghiệp trong nước cung cấp. Ví dụ trong các lĩnh vực lắp ráp ô-tô, xe máy, máy
thu hình, tủ lạnh...
Yêu cầu cân đối xuất/nhập khẩu. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ
được nhập khẩu một số lượng hoặc giá trị hàng hóa tương ứng với số lượng, giá
trị mà doanh nghiệp đó xuất khẩu. Như vậy, nếu doanh nghiệp này xuất khẩu ít thì
cũng chỉ được nhập khẩu ít. Nếu doanh nghiệp chỉ sản xuất hàng hóa để tiêu thụ
trong nước thì có thể bị gây khó khăn khi nhập khẩu.
Yêu cầu phát triển nguồn nguyên liệu trong nước. Khi đầu tư, doanh nghiệp phải
đảm bảo phát triển nguồn nguyên liệu tại chỗ thay vì nhập khẩu. Ví dụ xây nhà
máy sữa phải đảm bảo phát triển đàn bò ở địa phương đặt nhà máy, xây nhà máy
đường phải đảm bảo giúp địa phương trồng mía.
Yêu cầu tự cân đối ngoại tệ. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị khống chế
giá trị ngoại tệ sử dụng cho việc nhập khẩu.
207. Có nguyên tắc nào để xác định một biện pháp đầu tư có phải là TRIM hay
không?
Nhìn chung, biện pháp đầu tư được coi là TRIM nếu biện pháp đó trái với nguyên tắc
đãi ngộ quốc gia (Ðiều III của GATT) hoặc hạn chế số lượng (Ðiều XI của GATT).
208. Thời gian dành cho việc xóa bỏ các TRIM là như thế nào?
Các nước phát triển phải xóa bỏ các TRIM trong vòng 2 năm sau khi WTO được thành
lập (tức là vào năm 1997), các nước đang phát triển phải xóa bỏ TRIM trong vòng 5
năm (năm 2000). Thời gian dành cho các nước chậm phát triển để xóa bỏ TRIM là 7
năm (năm 2002).
Nếu gặp khó khăn khi xóa bỏ TRIM thì các nước có thể được WTO xem xét dành cho
một thời kỳ quá độ dài hơn.
209. Các biện pháp như tỷ lệ nội địa hóa, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước đều
góp phần phát triển công nghiệp, nông nghiệp của nước nhận đầu tư, tại sao các
nước này lại chấp nhận bãi bỏ?
Tựu trung, các biện pháp về đầu tư được đề ra với hai mục đích chính:
Bảo hộ sản xuất trong nước.
Tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng xã hội, tạo công ăn việc làm.
Cũng giống như các biện pháp bảo hộ thương mại khác, bảo hộ thông qua đầu tư có
thể đem lại một số tác dụng trước mắt, nhưng xét về dài dạn, các biện pháp bảo hộ đều
làm biến dạng môi trường kinh doanh, triệt tiêu cạnh tranh, ngành kinh tế được bảo hộ
được phát triển không dựa trên cạnh tranh bình đẳng nên không đem lại sản phẩm tốt,
giá rẻ. Và cuối cùng, người tiêu dùng phải chấp nhận mua sản phẩm kém chất lượng
hoặc với giá cao hơn.
Các biện pháp bảo hộ cũng là những trở ngại đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài vì
chúng làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, nhiều nước cũng đang xem xét
loại bỏ các biện pháp này để cải thiện môi trường đầu tư.
Mặt khác, nhận thấy những lợi ích nhất định của các biện pháp này nên các nước đang
phát triển cũng không bãi bỏ ngay mà thường đưa ra một lộ trình chuyển tiếp để dần
dần xóa bỏ.
Ngoài ra, các biện pháp đầu tư không ảnh hưởng đến việc xuất nhập khẩu của doanh
nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì cũng không có nghĩa vụ phải loại bỏ.
210. Gần đây, tôi nghe nói nhiều đến các vụ sáp nhập và mua lại và được biết đây là
một loại hình đầu tư. Vậy đây là đầu tư trực tiếp hay gián tiếp, và tại sao?
Sáp nhập và mua lại (M&A) là một hiện tượng đã có từ lâu trong nền kinh tế thị
trường. Gần đây, với sự liên quan của nhiều công ty, tập đoàn lớn, báo chí mới bắt đầu
đưa tin rầm rộ về những sự kiện này.
M&A được coi là loại hình đầu tư trực tiếp, mặc dù thoạt nhìn chúng có vẻ giống với
đầu tư gián tiếp hơn. Ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước đang phát triển khác, nói đến
đầu tư trực tiếp (nước ngoài) là người ta nghĩ đến việc nhà đầu tư đem tiền của đến để
xây nên một cơ sở kinh doanh mới như nhà máy, khách sạn, ... Đây mới chỉ là một
trong các loại hình của đầu tư trực tiếp và được gọi là đầu tư mới hoặc đầu tư từ đầu.
M&A chính là loại hình còn lại của đầu tư trực tiếp, khi nhà đầu tư đem tiền đến mua
lại, hoặc sáp nhập với, cơ sở kinh doanh đã có sẵn. Nhiều vụ M&A còn có giá trị lớn
hơn đầu tư mới gấp nhiều lần. Từ hai loại hình trên, ta rút ra đặc điểm chung của đầu
tư trực tiếp là nhà đầu tư muốn chủ động tham gia trực tiếp vào quá trình kinh doanh,
sinh lợi của doanh nghiệp mà họ đầu tư. Trong khi đó, ở đầu tư gián tiếp (mua bán
chứng khoán), nhà đầu tư chỉ mang tính thụ động, trông chờ chia lãi cổ tức hoặc ăn lãi
từ những biến động trên thị trường mà không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của
doanh nghiệp.
Do có thể dẫn đến triệt tiêu cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nên M&A cũng là đối
tượng điều chỉnh của những quy định về cạnh tranh và chống độc quyền.
các biện pháp đầu tư liên quan đến thương
mại: trade-related investment measures (TRIM)
đầu tư : investment
đầu tư gián tiếp : porfolio investment
đầu tư trực tiếp : direct investment
đầu tư từ đầu : greenfield investment
Hiệp định về Các biện pháp đầu tư liên quan
đến thương mại: Agreement on Trade-Related Investment
Measures
sáp nhập và mua lại : merger and acquisition (M&A)
***
10 DỊCH VỤ
211. Dịch vụ là gì?
Cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa chính thống về dịch vụ. Đây là một loại hình
hoạt động kinh tế, không đem lại một sản phẩm cụ thể như hàng hoá. Vì là một loại
hình hoạt động kinh tế nên cũng có người bán (người cung cấp dịch vụ) và người mua
(khách hàng sử dụng dịch vụ). Những dịch vụ dễ gặp trong đời thường là cắt tóc, điện
thoại, taxi, karaoke.
Bản thân GATS cũng không đưa ra định nghĩa rõ ràng về dịch vụ mà chỉ đề cập gián
tiếp thông qua 4 phương thức cung cấp dịch vụ.
212. Thế nào là thương mại dịch vụ?
Đó chính là sự cung cấp dịch vụ thông qua các phương thức khác nhau để đổi lấy tiền
công trả cho sự cung cấp dịch vụ đó. Điều này tương tự như mua bán hàng hoá, nhưng
đối tượng mua bán ở đây thường là vô hình, không lưu giữ được.
Năm 1997, Singapore xuất khẩu lượng dịch vụ trị giá 30,1 tỷ USD và cũng trong năm
đó nhập khẩu lượng dịch vụ trị giá 18,9 tỷ USD.
213. Thương mại dịch vụ giống và khác thương mại hàng hoá ở điểm nào?
Sự giống nhau thì khá rõ. Nói đến thương mại tức là có sự mua bán, trao đổi giữa hai
chủ thể đối với một đối tượng nào đó. Sự khác nhau giữa hai hình thức thương mại này
nằm ở đối tượng mua bán, cụ thể một đằng là hàng hoá, một đằng là dịch vụ.
Nói theo nghĩa rộng, dịch vụ cũng là một loại hàng hoá. Vì thế, khái niệm "hàng hoá"
ở đây có một nghĩa hẹp hơn, đó chỉ là những hàng hoá vật chất, ví như sắt thép, gạo,
phân bón, hàng điện tử, quần áo, máy móc, v.v... Đó cũng là những hàng hoá truyền
thống trong quan hệ buôn bán giữa các nước từ trước đến nay.
Còn dịch vụ, đối tượng của thương mại dịch vụ, là những loại hàng hoá vô hình.
Không ai có thể nhìn thấy những lời nói được truyền qua đường dây điện thoại như thế
nào, nhưng kết quả cuối cùng là hai người ở xa hàng ngàn cây số vẫn nói chuyện được
với nhau, và người ta sẵn sàng trả tiền cho việc này. Như vậy là một dịch vụ đã được
mua bán.
214. Dịch vụ được cung cấp cho khách hàng như thế nào?
Theo định nghĩa chung về thương mại dịch vụ, dịch vụ được cung cấp thông qua 4
hình thức sau:
a) cung cấp qua biên giới: người cung cấp dịch vụ và khách hàng vẫn ở tại nước
mình, chỉ có dịch vụ được cung cấp từ lãnh thổ nước này sang lãnh thổ nước kia.
Ví dụ như dịch vụ phát chuyển nhanh, dịch vụ vận tải đường ống.
b) tiêu thụ ngoài biên giới: khách hàng đến tận nước của người cung cấp để mua
dịch vụ. Ví dụ dịch vụ sửa chữa tàu biển, dịch vụ du học.
c) hiện diện thương mại: người cung cấp dịch vụ thiết lập sự có mặt của mình tại
nước khách hàng thông qua các pháp nhân như chi nhánh, văn phòng đại diện,
công ty con. Ví dụ dịch vụ tư vấn luật, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bán lẻ - phân
phối.
d) hiện diện thể nhân: người cung cấp dịch vụ cử đại diện tới tận nước khách hàng
để cung cấp dịch vụ. Ví dụ dịch vụ chuyên gia, dịch vụ nghiên cứu thị trường.
215. GATS quy định về những vấn đề gì?
GATS là một hiệp định khá dài, bao gồm 29 điều, 8 phụ lục kèm theo danh mục cam
kết của các nước thành viên được coi là một phần của hiệp định.
GATS quy định những nghĩa vụ và nguyên tắc chính trong thương mại dịch vụ như đãi
ngộ tối huệ quốc, đãi ngộ quốc gia, minh bạch chính sách, ngoại lệ, v.v... và yêu cầu
các nước thành viên đưa ra cam kết mở cửa thị trường và dành đãi ngộ quốc gia trong
từng ngành dịch vụ cụ thể.
216. Cơ quan nào giám sát việc thi hành GATS?
Hội đồng Thương mại Dịch vụ được thành lập theo Điều 24 của GATS là cơ quan
giám sát việc thi hành GATS.
217. Tại sao trong thương mại dịch vụ, đãi ngộ quốc gia lại có vẻ được nhấn mạnh hơn
đãi ngộ tối huệ quốc?
Đúng như vậy. Và lý do là ở tính đặc thù của việc cung cấp dịch vụ.
Trong thương mại hàng hoá, hàng hoá được vận chuyển từ người bán đến người mua
luôn phải đi qua biên giới, do vậy nếu muốn hạn chế hàng hoá từ nước ngoài, người ta
có thể áp dụng các biện pháp tại cửa khẩu như thu thuế quan hoặc chỉ cho nhập khẩu
theo giấy phép.
Còn trong thương mại dịch vụ, như chúng ta đã biết, không phải lúc nào cũng có sự di
chuyển của dịch vụ qua biên giới, hay đúng hơn là bên cạnh sự di chuyển của dịch vụ
còn có sự di chuyển của nhà cung cấp dịch vụ qua biên giới. Do đó các nước thường
tìm cách hạn chế sự cạnh tranh của dịch vụ nước ngoài bằng cách phân biệt đối xử
giữa nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài với nhà cung cấp dịch vụ trong nước. Sự phân
biệt này thể hiện dưới nhiều chính sách khác nhau, ví dụ không cho người nước ngoài
đầu tư mở nhà hàng, hạn chế số lượng chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cấm luật gia
nước ngoài tư vấn về luật trong nước, v.v...
Chính vì vậy, để tăng cường trao đổi dịch vụ, người ta thường quan tâm đến việc xoá
bỏ hoặc thu hẹp khoảng cách phân biệt đối xử nói trên - đó chính là đòi hỏi áp dụng
đãi ngộ quốc gia.
218. Các ngoại lệ MFN trong lĩnh vực dịch vụ phải chịu những quy định gì?
GATS cho phép các thành viên được duy trì những ngoại lệ về đãi ngộ tối huệ quốc,
tức là được dành cho một số thành viên khác những ưu đãi về dịch vụ lớn hơn ưu đãi
dành cho các thành viên còn lại.
Những ngoại lệ này phải đưa ra trước khi WTO có hiệu lực và chỉ được kéo dài không
quá 10 năm. Những ngoại lệ đưa ra sau khi WTO có hiệu lực thì phải được 3/4 số
thành viên đồng ý. Những ngoại lệ kéo dài hơn 5 năm sẽ được Hội đồng Thương mại
Dịch vụ rà soát.
Danh mục ngoại lệ MFN do các thành viên đệ trình phải chỉ rõ ngoại lệ dành cho
thành viên nào, trong thời gian bao lâu và áp dụng đối với những biện pháp gì.
219. Các dịch vụ do các cơ quan chính phủ cung cấp có thuộc phạm vi điều chỉnh của
GATS hay không?
Không. Các dịch vụ do các cơ quan chính phủ cung cấp và nói chung là những dịch vụ
không mang tính thương mại, không có sự cạnh tranh đều không thuộc phạm vi điều
chỉnh của GATS.
220. WTO phân loại các ngành dịch vụ như thế nào?
WTO phân loại dịch vụ thành 12 ngành, trong mỗi ngành lại chia thành một số phân
ngành:
1. Dịch vụ kinh doanh
Các dịch vụ nghề nghiệp: các dịch vụ pháp lý, kế toán, kiểm toán, kiến trúc, bất
động sản, thiết kế, y tế, nha khoa, thú y và các dịch nghề nghiệp khác.
Dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan.
Dịch vụ nghiên cứu và phát triển.
Dịch vụ bất động sản, cho thuê.
Các dịch vụ kinh doanh khác: tư vấn quản lý, quảng cáo, thử nghiệm kỹ thuật, bảo
dưỡng sửa chữa, đóng gói in ấn, tổ chức hội nghị, vệ sinh.
2. Dịch vụ liên lạc:
Dịch vụ bưu chính và chuyển phát.
Tất cả các dạng dịch vụ viễn thông cơ bản và gia tăng giá trị kể cả thông tin trực
tuyến và xử lý dữ liệu.
Dịch vụ nghe nhìn: dịch vụ phát thanh, phát hình, dịch vụ sản xuất và phân phối
băng hình, liên lạc vệ tinh.
3. Dịch vụ xây dựng và thi công.
4. Dịch vụ phân phối: đại lý hoa hồng, bán lẻ, bán buôn và đại lý mượn danh.
5. Dịch vụ giáo dục.
6. Dịch vụ môi trường: dịch vụ thoát nước, vệ sinh và xử lý chất thải.
7. Dịch vụ tài chính:
Bảo hiểm trực tiếp, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm và các dịch vụ bảo hiểm hỗ
trợ khác,
Dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác, kể cả các dịch vụ liên quan đến
chứng khoán, cung cấp thông tin tài chính và quản lý tài sản.
8. Dịch vụ liên quan đến sức khoẻ và dịch vụ xã hội.
9. Dịch vụ du lịch và dịch vụ liên quan đến lữ hành.
10. Dịch vụ giải trí, văn hoá và thể thao.
11. Dịch vụ vận tải: dịch vụ vận tải đường biển, đường sông, đường bộ, vận tải đường
ống, vận tải đa phương thức, các dịch vụ hỗ trợ cho tất cả các phương thức vận tải.
12. Các dịch vụ khác: gồm bất kỳ các loại hình dịch vụ nào chưa được nêu ở trên.
221. Trong Hiệp định GATS có áp dụng những ngoại lệ nào?
GATS có ngoại lệ đối với một số trường hợp sau đây:
Các tổ chức kinh tế khu vực: các thành viên của các tổ chức này được phép tự do
hoá dịch vụ ở mức cao hơn mức cam kết trong WTO
Hạn chế cán cân thanh toán: các nước được phép hạn chế chuyển tiền cho các dịch
vụ đã cam kết trong trường hợp gặp khó khăn về cán cân thanh toán
Tham gia thị trường lao động: cho phép các nước dỡ bỏ mạnh mẽ hơn nữa các rào
cản đối với việc di chuyển của người lao động
Ngoại lệ chung: cho phép các nước áp dụng các biện pháp để đảm bảo đạo đức xã
hội, sức khoẻ con người và động - thực vật
Ngoại lệ vì lý do an ninh.
222. Bản cam kết dịch vụ có cấu trúc như thế nào?
Bản cam kết về dịch vụ của mỗi nước dành cho các nước thành viên WTO khác
thường có dạng như sau:
Ngành dịch vụ_Phương thức cung cấp_Hạn chế về mở cửa thị trường_Hạn chế về đãi ngộ quốc gia
CÁC CAM KẾT CHUNG
1. Cung cấp qua biên giới
2. Tiêu thụ ở nước ngoài
3. Hiện diện thương mại_Được phép thành lập văn phòng đại
diện, liên doanh,
không được phép
lập chi nhánh. Việc
lập hợp đồng hợp
tác kinh doanh tuỳ
theo cam kết ở từng
ngành dịch vụ cụ
thể
4. Hiện diện thể nhân
CÁC CAM KẾT CỤ THỂ (theo từng ngành dịch vụ)
Dịch vụ kế_1. Cung cấp qua biên giới_Không hạn chế_Không hạn chế
toán, kiểm
toán 2. Tiêu thụ ở nước ngoài_Không hạn chế_Không hạn chế
3. Hiện diện thương mại_Chỉ được phép_Không hạn chế
cung cấp dịch vụ
cho doanh nghiệp
có vốn đầu tư nước
ngoài
4. Hiện diện thể nhân_Chưa cam kết_Chưa cam kết
Như ta thấy, bảng cam kết có 4 cột chính là ngành dịch vụ, phương thức cung cấp, hạn
chế về mở cửa thị trường và hạn chế về đãi ngộ quốc gia. Đôi khi, cột thứ hai được bỏ
đi và mỗi phương thức cung cấp dịch vụ được thể hiện bằng các con số (1), (2), (3),
(4) đặt ngay trong hai cột về các hạn chế.
223. Các cam kết chung là các cam kết như thế nào?
Các cam kết chung (hay còn gọi là cam kết sàn, cam kết nền) là những cam kết được
áp dụng cho tất cả hoặc hầu hết các ngành dịch vụ sẽ được liệt kê ở phần các cam kết
cụ thể. Đây cũng có thể hiểu là các cam kết tối thiểu, nghĩa là nếu ở phần các cam kết
cụ thể không nêu yêu cầu gì thêm thì ít nhất nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cũng sẽ
được hưởng đãi ngộ như đã nêu ở phần cam kết chung.
Ví dụ ở bảng trên, phần cam kết chung đối với phương thức hiện diện thương mại ghi
là: "Được phép thành lập văn phòng đại diện, liên doanh, không được phép lập chi
nhánh. Việc lập hợp đồng hợp tác kinh doanh tuỳ theo cam kết ở từng ngành dịch vụ
cụ thể". Điều này có nghĩa là:
Ở bất kỳ ngành dịch vụ nào (trong số các ngành dịch vụ được liệt kê ở phần cam
kết cụ thể), nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cũng có thể được đặt văn phòng đại
diện hoặc lập liên doanh với một nhà cung cấp dịch vụ của nước sở tại. Tuy nhiên,
những điều kiện khác như tỷ lệ vốn trong liên doanh, vốn pháp định tối thiểu, ...
không thấy được nêu ở đây, nhưng có thể sẽ được nêu ở phần cam kết cụ thể.
Không một nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài nào được phép lập chi nhánh tại
nước sở tại.
Về cơ bản, hạn chế việc lập hợp đồng hợp tác kinh doanh. Muốn biết ngành dịch
vụ nào được phép lập hợp đồng hợp tác kinh doanh thì phải xem ở phần các cam
kết cụ thể.
224. Các cam kết cụ thể khác các cam kết chung như thế nào?
Các cam kết cụ thể là những cam kết chỉ áp dụng riêng cho từng ngành dịch vụ. Tại
mỗi ngành dịch vụ, các cam kết này cũng thể hiện qua 4 phương thức cung cấp dịch
vụ. Do đặc thù của từng ngành dịch vụ nên nội dung cam kết ở mỗi ngành có thể rất
khác nhau.
So với phần cam kết chung, các cam kết cụ thể có thể là sự chi tiết hoá của cam kết
chung, nêu lên những hạn chế hoặc điều kiện cụ thể hơn đối với từng ngành dịch vụ.
Ví dụ, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài muốn thành lập liên doanh trong ngành dịch
vụ khách sạn phải có tỷ lệ góp vốn của bên nước ngoài không quá 70%, nhưng nếu lập
liên doanh trong ngành dịch vụ đại lý lữ hành thì tỷ lệ vốn nước ngoài không được quá
40%. Một ví dụ khác, trong ngành dịch vụ quảng cáo, bên nước ngoài chỉ được lập
liên doanh với đối tác thuộc danh sách do nước chủ nhà đưa ra.
225. Phần các cam kết cụ thể có phải nêu lên cam kết đối với tất cả các ngành dịch vụ
của nền kinh tế?
Không nhất thiết. Như ta đã biết, WTO chia tất cả các ngành dịch vụ của nền kinh tế
thành 12 ngành hay 155 phân ngành. Việc bao nhiêu phân ngành trong số này có cam
kết là tuỳ vào khả năng của nước sở tại và kết quả đàm phán giữa nước đó với các
nước thành viên khác của WTO.
226. Khi đọc một bản cam kết dịch vụ (tiếng Anh), tôi thường hay gặp những từ như
"None" và "Unbound". Ý nghĩa của các từ này là như thế nào?
"None" ở đây thể hiện "không có một hạn chế nào", nghĩa là nhà cung cấp dịch vụ
nước ngoài không bị áp đặt giới hạn hay điều kiện gì khi muốn cung cấp dịch vụ theo
phương thức đã định. Nói cách khác, đây là mức độ mở cửa thị trường thoáng nhất.
"Unbound" mang ý nghĩa là "chưa cam kết", nghĩa là nước chủ nhà chưa dành ưu đãi
gì cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài thuộc ngành dịch vụ này và cũng không
hứa hẹn một lịch trình cụ thể cho việc dành ưu đãi sau này. Nói cách khác, đây là một
cách từ chối lịch sự để bảo hộ thị trường dịch vụ trong nước.
Đôi khi, sau những từ trên, người ta còn có thêm một đoạn văn thể hiện sự ngoại lệ
hoặc bảo lưu đối với cam kết. Ví dụ: "không hạn chế, trừ việc đánh thuế chuyển lợi
nhuận về nước", hoặc "chưa cam kết, trừ phi cử nhân viên kỹ thuật vào để khắc phục
sự cố".
227. Tại sao bản cam kết dịch vụ lại chỉ nêu ra hạn chế về mở cửa thị trường và đãi
ngộ quốc gia mà không phải là hạn chế về lĩnh vực gì khác?
Để trả lời câu hỏi này, một lần nữa ta cần phân biệt được sự khác nhau giữa thương
mại hàng hoá và thương mại dịch vụ, từ đó thấy được sự khác nhau trong việc bảo hộ
thị trường dịch vụ.
Do không có thuế quan đánh trực tiếp vào việc xuất, nhập khẩu dịch vụ nên muốn hạn
chế hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, bảo hộ các nhà cung cấp dịch
vụ trong nước, nước chủ nhà có thể đề ra những biện pháp, điều kiện để khống chế các
nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài tại hai thời điểm:
Khi nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài muốn được phép cung cấp dịch vụ và được
có mặt tại nước chủ nhà để cung cấp dịch vụ.
Sau khi họ đã được phép cung cấp dịch vụ và đã có mặt tại nước chủ nhà.
Những điều kiện nêu ra ở thời điểm thứ nhất chính là những hạn chế về mở cửa thị
trường. Nếu không đáp ứng được những điều kiện này thì nhà cung cấp dịch vụ nước
ngoài không được phép cung cấp dịch vụ tại nước chủ nhà.
Những điều kiện nêu ra ở thời điểm thứ hai chính là những hạn chế về đãi ngộ quốc
gia. Những điều kiện này tạo ra sự phân biệt về đối xử giữa nhà cung cấp dịch vụ nước
ngoài với nhà cung cấp dịch vụ trong nước, gây khó khăn hơn cho các nhà cung cấp
dịch vụ nước ngoài.
Một nước có thể nêu ra điều kiện ở thời điểm thứ nhất mà không nêu ra điều kiện ở
thời điểm thứ hai, hoặc ngược lại, hoặc cả trước và sau khi doanh nghiệp nước ngoài
được phép cung cấp dịch vụ trong nước.
228. Trong các phương thức cung cấp dịch vụ nói trên thì phương thức nào là quan
trọng nhất?
Nếu nhìn vào bản cam kết dịch vụ, ta có thể thấy những hạn chế, bảo lưu về mở cửa
thị trường và đãi ngộ quốc gia thường tập trung ở phương thức hiện diện thương mại.
Điều này cũng có lý do vì hiện diện thương mại có nghĩa là cho phép thiết lập những
cơ sở kinh doanh của nước ngoài ngay trên nước mình (hoặc của nước mình tại nước
ngoài, nếu xét từ quan điểm của nước xuất khẩu dịch vụ), từ đó tạo ra sự cạnh tranh
trực tiếp đối với các ngành dịch vụ trong nước, và nếu các ngành dịch vụ trong nước
chưa chuẩn bị tốt cho cạnh tranh thì rất dễ bị thua thiệt.
Đối với nước xuất khẩu dịch vụ, thiết lập cơ sở kinh doanh tại nước nhập khẩu cũng là
cách tốt nhất để đảm bảo thâm nhập thị trường một cách hiệu quả và vững chắc.
229. Tôi thấy nhiều nội dung cam kết về dịch vụ tương tự như quy định về đầu tư
nước ngoài, có phải vậy không?
Đúng vậy. Nhiều nội dung cam kết về dịch vụ được chứa đựng trong luật pháp về đầu
tư nước ngoài của nước sở tại, đặc biệt là đối với các phương thức hiện diện thương
mại, cung cấp qua biên giới.
cam kết sàn : horizontal commitments
cam kết cụ thể : specific commitments
cung cấp qua biên giới : cross-border supply
dịch vụ : services
hiện diện thể nhân : natural presence
hiện diện thương mại : commercial presence
thương mại dịch vụ : trade in services
tiêu thụ ngoài biên giới : abroad consumption
11 QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
230. Sở hữu trí tuệ là gì? Quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Sở hữu trí tuệ, hay có khi còn gọi là tài sản trí tuệ, là những sản phẩm sáng tạo của bộ
óc con người. Ðó có thể là tác phẩm văn học, âm nhạc, phần mềm máy tính, phát
minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, v.v...
Quyền sở hữu trí tuệ là các quyền đối với những sản phẩm sáng tạo nói trên. Trong số
các quyền này có 2 quyền thường được nhắc đến là quyền tài sản và quyền nhân thân.
231. Ðã có tổ chức chuyên trách về quyền sở hữu trí tuệ là Tổ chức Sở hữu Trí tuệ
Thế giới (WIPO), tại sao WTO còn điều chỉnh vấn đề này?
WTO chỉ điều chỉnh những khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương
mại. Tên gọi của Hiệp định TRIPS đã nói lên điều này.
Tuy nhiên, vì Hiệp định TRIPS có dẫn chiếu đến các điều ước quốc tế khác trong lĩnh
vực sở hữu trí tuệ (Công ước Berne, Công ước Paris, ...) và Hiệp định TRIPS thường
được nhắc đến trong các cuộc đàm phán thương mại nên người ta có cảm tưởng đây là
hiệp định bao trùm trong lĩnh vực này.
232. Tại sao ngày nay vấn đề quyền sở hữu trí tuệ lại được quan tâm mạnh mẽ đến
vậy?
Đó là do sự thay đổi trong cơ cấu các yếu tố tạo nên giá trị hàng hoá. Ở thời kỳ sản
xuất nông nghiệp, phần lớn giá trị của nông sản là do lao động cơ bắp của người nông
dân bỏ ra. Đến thời đại công nghiệp, máy móc đã dần dần thay thế lao động cơ bắp
trong tỷ lệ giá trị hàng hoá. Ngày nay, khi mà nhiều nước đã chuyển sang nền kinh tế
tri thức thì hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm và dịch vụ ngày càng lớn lên, trở thành
một yếu tố quyết định tính cạnh tranh. Một container máy điện thoại di động có giá trị
lớn hơn một container xe máy, và càng lớn hơn giá trị của một container sắn lát. Do
vậy, quyền sở hữu trí tuệ càng được người ta chú trọng bảo vệ.
233. Xin cho biết nội dung cơ bản của Hiệp định TRIPS.
Nói thật vắn tắt, Hiệp định TRIPS quy định những tiêu chuẩn bảo hộ tối thiểu đối với
các quyền sở hữu trí tuệ và đưa ra các biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện các quyền
đó.
234. Các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ là các loại hình sáng tạo khác nhau mà con
người nghĩ ra. Các đối tượng này cùng với chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ là mục tiêu
bảo hộ của Hiệp định TRIPS và các điều ước quốc tế khác.
235. Xin cho biết rõ hơn về các loại đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ.
Người ta đã nhóm các loại hình sáng tạo của con người thành một số loại đối tượng
của quyền sở hữu trí tuệ sau đây:
Bản quyền
Bằng sáng chế
Thương hiệu
Kiểu dáng công nghiệp
Sơ đồ bố trí mạch tích hợp
Chỉ dẫn địa lý
Ngoài bản quyền, các quyền còn lại được gọi chung là quyền sở hữu công nghiệp. Tại
Việt Nam, các vấn đề về bản quyền do Cục Bản quyền Tác giả (Bộ Văn hóa - Thông
tin) xem xét giải quyết. Các quyền còn lại thuộc phạm vi quản lý của Cục Sở hữu Trí
tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
236. Sự phân biệt giữa bản quyền và các quyền sở hữu công nghiệp là gì?
Bản quyền còn được gọi là quyền tác giả. Ðây là quyền đối với các tác phẩm văn học,
nghệ thuật, khoa học. Ngoài việc có thể đem lại giá trị kinh tế cho tác giả giống như ở
các quyền sở hữu công nghiệp, bản quyền còn đảm bảo quyền nhân thân của tác giả
hay nói cách khác là đảm bảo uy tín, danh dự của tác giả gắn với tác phẩm của mình.
Như vậy, có thể tạm hiểu những gì được gọi là "tác phẩm" tức là có bản quyền.
237. Xin cho một số ví dụ về việc vi phạm bản quyền.
Trong thực tế, bản quyền có sự thể hiện khá phong phú nên các dạng vi phạm bản
quyền cũng khá đa dạng. Một số ví dụ:
Một bài báo sao chép lại bài báo khác.
Nhà xuất bản in, tái bản sách mà chưa có sự đồng ý của tác giả.
Ca sĩ biểu diễn, ghi âm, thu hình bài hát mà không có sự thỏa thuận của nhạc sĩ
sáng tác.
Bộ phim bị thu trộm và nhân bản trên băng video hoặc đĩa VCD để bán.
Chương trình máy tính bị bẻ khóa.
238. Bản chất của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Từ góc độ vật chất, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là nhằm đảm bảo cho người sáng tạo
có thể khai thác giá trị kinh tế từ các sản phẩm sáng tạo của mình để bù đắp lại công
lao sáng tạo.
Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ luôn gắn với thời hạn bảo hộ. Ví dụ tác phẩm điện
ảnh được bảo hộ 50 năm, thiết kế bố trí mạch tích hợp có thời hạn bảo hộ là 10 năm.
Hết thời hạn này, các sáng tạo trở thành tài sản chung của nhân loại và tất cả mọi
người có thể khai thác, sử dụng mà không phải xin phép hoặc trả thù lao cho người
sáng tạo.
239. Tại sao Hiệp định TRIPS đã công nhận sự bảo hộ đối với các quyền sở hữu trí tuệ
mà lại còn buộc người có bằng sáng chế phải cung cấp thông tin về sáng chế đó
cho công chúng?
Trong khi bảo hộ bằng sáng chế để tạo điều kiện cho người sáng chế có thể bù đắp chi
phí nghiên cứu, Hiệp định TRIPS cũng chú trọng đến lợi ích của toàn xã hội bằng việc
yêu cầu người sáng chế phải cung cấp thông tin về sáng chế để những người khác có
thể nghiên cứu, phát triển sâu hơn nữa và tránh lãng phí nguồn lực, thời gian, kinh phí
vào những vấn đề đã được sáng chế. Trong thời gian bảo hộ sáng chế, những người
khác chỉ được sử dụng thông tin về sáng chế để nghiên cứu chứ không phải để kinh
doanh, trừ phi đã được người sở hữu bằng sáng chế cho phép.
240. Việc tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đem lại lợi ích gì cho các nước đang
phát triển?
Có hai lợi ích chính:
Ngăn chặn được sự sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. Hàng giả, hàng nhái
đều là những sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và gây thiệt hại cho nhà sản
xuất chân chính cả về doanh thu và uy tín. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp
loại bỏ các sản phẩm này ra khỏi thị trường, đảm bảo quyền lợi của cả nhà sản
xuất chân chính và người tiêu dùng.
Khuyến khích sáng tạo tại chỗ và chuyển giao công nghệ. Nhiều nhà phát minh
trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài thường nản lòng khi không có chế độ
bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đủ mạnh ở nước sở tại, họ không có động lực để sáng
tạo và cũng không muốn đem công nghệ mới hoặc nghiên cứu phát triển công
nghệ ở nước sở tại vì sợ bị mất bí mật công nghệ.
241. Vậy còn mặt trái là gì?
Phần lớn số lượng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ hiện nay do các nước phát
triển nắm giữ. Ðiều này tạo nên lợi thế rất lớn cho sản phẩm của các nước này so với
các nước đang phát triển. Trong một số lĩnh vực, ví dụ dược phẩm, sự độc quyền khai
thác bằng sáng chế đã đẩy giá sản phẩm lên rất cao, đem lại lợi nhuận khổng lồ cho
hãng sản xuất. Các nước đang phát triển, vốn đã không có công nghệ, lại phải chịu
mua các sản phẩm với giá cao này nên thiệt thòi càng lớn.
Một ví dụ khác là phần mềm máy tính. Giá một chương trình phần mềm thường từ vài
trăm đến hàng ngàn đô-la Mỹ, vượt gấp nhiều lần giá của chiếc máy tính. Nếu tuân thủ
nghiêm ngặt chế độ bản quyền phần mềm thì rất có thể nhiều nước đang phát triển
không có được trình độ công nghệ thông tin hiện nay.
Nói vậy không có nghĩa là chúng ta khuyến khích việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
mà điều chính yếu là chúng ta cần phối hợp với các nước đang phát triển khác đấu
tranh cho một hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ công bằng và hợp lý hơn.
242. Thời hạn bảo hộ các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định TRIPS là
bao nhiêu lâu?
Hiệp định TRIPS chỉ quy định thời hạn bảo hộ tối thiểu, nghĩa là các nước có thể đặt
ra thời hạn bảo hộ bằng hoặc dài hơn thời hạn nêu trong Hiệp định TRIPS.
Thời hạn bảo hộ tối thiểu theo Hiệp định TRIPS là :
Bằng sáng chế: 20 năm
Bản quyền (đối với các tác phẩm không phải là tranh, điện ảnh): 50 năm hoặc suốt
đời tác giả cộng thêm 50 năm
Bản quyền điện ảnh: 50 năm
Bản quyền tranh: 25 năm
Thương hiệu: 7 năm
Kiểu dáng công nghệ : 10 năm
Sơ đồ bố trí mạch tích hợp: 10 năm
243. Chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ là gì?
Chỉ dẫn địa lý là tên gọi những sản phẩm gắn liền với nguồn gốc địa lý của sản phẩm
đó, và chính nguồn gốc địa lý này là yếu tố cơ bản nói lên uy tín, chất lượng của sản
phẩm đó. Tên gọi xuất xứ là một dạng của chỉ dẫn địa lý dành để chỉ các sản phẩm mà
chất lượng gắn liền với môi trường xuất xứ của sản phẩm.
Tại Việt Nam, "nước mắm Phú Quốc" đã được công nhận là một chỉ dẫn địa lý. Như
vậy, một loại nước mắm khác sản xuất tại Thái Lan hay Trung Quốc dù có thành phần,
độ mặn, độ ngon tương tự cũng không được phép đưa tên gọi "nước mắm Phú Quốc"
lên nhãn hiệu của mình. Ở đây, "Phú Quốc" đã không còn giới hạn ở một thương hiệu
cụ thể mà trở thành tên gọi đại diện cho loại nước mắm của tất cả các hộ sản xuất trên
hòn đảo này.
Chỉ dẫn địa lý thường liên quan đến các sản phẩm chế biến từ thiên nhiên như nông
sản, hải sản, nhưng cũng có thể liên quan đến các sản phẩm do con người tạo ra.
"Đồng hồ Thuỵ Sỹ" là một ví dụ.
244. Phát minh và sáng chế khác nhau như thế nào?
Phát minh là từ để chỉ việc tìm ra những sự vật, hiện tượng, quy luật có sẵn trong tự
nhiên nhưng trước đó con người chưa biết tới. Còn sáng chế là sản phẩm sáng tạo của
bộ óc con người, trước đây và sau này không hề có trong tự nhiên. Ví dụ M. Faraday
là người đã phát minh ra hiện tượng cảm ứng điện từ, còn T. Edisson lại là người sáng
chế ra bóng đèn, máy ghi âm; I. Newton đã phát minh ra định luật vạn vật hấp dẫn, còn
E. Rubik đã sáng chế ra khối vuông 6 mặt kỳ ảo mang tên ông.
Phát minh và sáng chế đều thể hiện những bước tiến của trí tuệ con người. Phát minh
thường là những môn khoa học cơ bản, mang tính lý thuyết, được ghi nhận công lao
của người tìm ra, nhưng không phải là đối tượng được bảo hộ như sáng chế.
Nếu bạn vẫn còn chút lúng túng trong việc phân biệt hai khái niệm này, xin hãy nhớ:
cái gì được con người "tìm ra" thì là phát minh, còn cái gì được con người "nghĩ ra"
hoặc "làm ra" thì là sáng chế.
245. Sản phẩm sáng tạo như thế nào thì được coi là sáng chế?
Một sáng chế phải đảm bảo đủ các tính chất chính sau đây:
Mới về nội dung
Có tính sáng tạo so với các giải pháp đã có
Có khả năng áp dụng đại trà trên quy mô công nghiệp.
246. Pa-tăng và li-xăng có phải là một hay không?
Không. Pa-tăng là bằng sáng chế. Còn li-xăng là giấy phép sử dụng sáng chế.
Khi đăng ký một sáng chế mới, nhà sáng chế được cấp bằng sáng chế để chứng tỏ
quyền sở hữu của mình. Sau đó, nhà sáng chế có thể tự mình khai thác sáng chế bằng
cách tổ chức sản xuất ở quy mô công nghiệp. Nhưng nếu nhà sáng chế không có khả
năng làm việc này, họ có thể cấp giấy phép cho phép các nhà sản xuất khác sử dụng
sáng chế của mình. Tất nhiên, để đổi lại, nhà sản xuất phải trả cho nhà sáng chế một
khoản chi phí nhất định.
Tuỳ theo thỏa thuận giữa nhà sáng chế và nhà sản xuất, giấy phép sử dụng sáng chế có
thể được cấp cho nhiều người hoặc duy nhất một người, trong toàn bộ thời gian sáng
chế được bảo hộ hoặc chỉ trong một khoảng thời gian ngắn hơn.
247. Nếu nhà sáng chế không tự sản xuất mà cũng không chịu cấp giấy phép sử dụng
sáng chế thì sao?
Trong trường hợp này, nếu thấy cần được đem ra áp dụng vì lợi ích chung của cộng
đồng thì cơ quan quản lý Nhà nước có thể can thiệp bằng cách tự đứng ra cấp giấy
phép sử dụng sáng chế và yêu cầu nhà sản xuất được cấp giấy phép phải trả cho nhà
sáng chế một khoản thù lao hợp lý. Ðây được gọi là giấy phép bắt buộc.
Hiệp định TRIPS có quy định về những điều kiện để có thể cấp giấy phép bắt buộc.
248. Trách nhiệm chứng minh khi xảy ra tranh chấp bằng sáng chế thuộc về bên nào?
Nếu bằng sáng chế được cấp cho quy trình sản xuất và có tranh chấp về quy trình đó
thì trách nhiệm chứng minh thuộc về bị đơn. Nghĩa là người bị cáo buộc là vi phạm
bằng sáng chế sẽ phải chứng minh là quy trình sản xuất của mình khác với quy trình
đã được cấp bằng sáng chế.
249. Thương hiệu là gì?
Thương hiệu là những dấu hiệu để phân biệt hàng hóa cùng loại của một đơn vị này
với một đơn vị khác. Các dấu hiệu này rất đa dạng. Chúng có thể là chữ cái, chữ số,
hình họa, màu sắc hoặc kết hợp của các yếu tố này.
Các dấu hiệu này giúp người tiêu dùng dễ nhớ, dễ chọn sản phẩm mà mình tín nhiệm,
đồng thời, chúng giúp nhà sản xuất duy trì và nâng cao uy tín của sản phẩm gắn với
thương hiệu đó.
250. Ðiều kiện để thương hiệu được bảo hộ là gì?
Ðiều kiện đó là thương hiệu phải mang tính đặc trưng, tức là phải khác biệt với các
thương hiệu khác ở mức độ dễ dàng nhận thấy.
251. Thương hiệu khác gì với chỉ dẫn địa lý?
Thương hiệu là tài sản của một doanh nghiệp, do doanh nghiệp đó tự xác định và chỉ
đại diện cho doanh nghiệp đó mà thôi. Trong khi đó, chỉ dẫn địa lý đại diện cho tất cả
các sản phẩm cùng loại của một vùng, một khu vực địa lý mà bất kỳ doanh nghiệp nào
trong khu vực đó sản xuất sản phẩm đó đều có thể đưa tên chỉ dẫn địa lý lên nhãn mác
của mình. Những doanh nghiệp như vậy có thể vừa sử dụng thương hiệu, vừa sử dụng
cả chỉ dẫn địa lý để khuếch trương sản phẩm.
252. Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Kiểu dáng công nghiệp là những yếu tố bề mặt mang tính đặc trưng của một sản phẩm,
như hình dáng, đường nét, màu sắc, hoa văn.
Mặc dù không liên quan trực tiếp đến đặc tính, tác dụng của sản phẩm, nhưng kiểu
dáng công nghiệp lại đóng góp vào giá trị cấu thành nên sản phẩm vì nó có thể hấp
dẫn, thu hút khách hàng và là một yếu tố để khách hàng dễ dàng nhận biết, phân biệt
với sản phẩm khác, do đó có thể làm tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm.
quyền sở hữu trí tuệ : intellectual property rights
những khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ
liên quan đến thương mại: trade-related intellectual property rights
(TRIPS)
sở hữu công nghiệp : industrial property
giấy phép bắt buộc : compulsary license
tên gọi xuất xứ : appellation of origin
phát minh : discovery
bản quyền : copyright
sáng chế : invention
bằng sáng chế : patent
thương hiệu : trademark
kiểu dáng công nghiệp : industrial design
sơ đồ bố trí mạch tích hợp : integrated circuit lay-out
chỉ dẫn địa lý : geographical indication
***
12 CƠ CHẾ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VÀ
CƠ CHẾ RÀ SOÁT CHÍNH SÁCH THƯƠNG MẠI
253. WTO giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các nước thành viên ra sao?
WTO giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các nước thành viên theo những quy tắc
và thủ tục nêu tại Bản ghi nhớ về Giải quyết Tranh chấp (DSU).
Trên thực tế, WTO là một tổ chức lớn, bao gồm nhiều thành viên và có nhiều hiệp
định liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế nên tranh chấp là điều khó tránh khỏi.
Vì vậy, Bản ghi nhớ nói trên có một vị trí rất quan trọng trong các văn kiện của WTO
và được coi là một kết quả tích cực của Vòng đàm phán Uruguay.
254. Doanh nghiệp một nước thành viên này có được kiện chính phủ một nước thành
viên khác hay không?
Không. WTO là một tổ chức liên chính phủ, chỉ xử lý mối quan hệ giữa các chính phủ
với nhau. Các tranh chấp mà WTO giải quyết là tranh chấp giữa các chính phủ chứ
không phải là tranh chấp giữa doanh nghiệp nước này với chính phủ nước kia hoặc
doanh nghiệp nước này với doanh nghiệp nước kia.
255. Vậy khi doanh nghiệp phát hiện thấy chính phủ một nước thành viên khác có
hành động vi phạm quy định của WTO (nâng thuế suất quá mức đã ràng buộc,
áp đặt hạn ngạch, trợ cấp xuất khẩu, ...) thì phải làm sao?
Khi đó, doanh nghiệp phải phản ánh với cơ quan đầu mối về WTO tại nước mình và
yêu cầu cơ quan này có biện pháp thích hợp. Với tư cách là một đại diện của chính
phủ, cơ quan này mới có quyền đưa vấn đề ra WTO, tất nhiên là sau khi đã thẩm tra
tính chính xác của thông tin do doanh nghiệp cung cấp và xem xét thấy không còn
cách giải quyết nào thích hợp hơn.
Còn nếu chỉ là trường hợp tranh chấp thuần tuý giữa doanh nghiệp nước này với doanh
nghiệp nước kia (ví dụ về việc giao hàng chậm, thanh toán không đầy đủ, hàng hoá
không đúng quy cách phẩm chất) thì cơ quan chính phủ cũng như WTO không đứng ra
giải quyết. Trường hợp này sẽ phải dựa vào trọng tài thương mại, toà án hoặc theo quy
định khi hai doanh nghiệp giao kết hợp đồng.
256. WTO có cơ quan tài phán độc lập hay không?
Không. Cơ quan có quyền phân xử của WTO chính là Đại Hội đồng, mà khi họp để
giải quyết tranh chấp thì được gọi là Cơ quan Giải quyết Tranh chấp (DSB).
257. Phạm vi áp dụng của DSU thế nào?
DSU áp dụng để giải quyết tất cả tranh chấp liên quan đến Hiệp định thành lập WTO,
các hiệp định về thương mại hàng hoá (GATT và các hiệp định liên quan), Hiệp định
GATS, Hiệp định TRIPS, các hiệp định thương mại nhiều bên và ngay cả chính DSU.
DSU không áp dụng cho Cơ chế Rà soát Chính sách Thương mại và các quyết định,
bản ghi nhớ khác đã thông qua tại Vòng Uruguay.
258. Tôi thấy ngay trong một số hiệp định của WTO như Hiệp định TBT, Hiệp định
về Chống phá giá cũng có điều khoản riêng về giải quyết tranh chấp. Vậy DSU có
áp dụng với những hiệp định này không?
DSU vẫn áp dụng với các hiệp định này. Nhưng trong trường hợp quy định của DSU
mâu thuẫn với quy định tại điều khoản về giải quyết tranh chấp của riêng các hiệp định
thì sẽ áp dụng điều khoản về giải quyết tranh chấp của hiệp định ấy.
259. Quy trình giải quyết tranh chấp của WTO diễn ra như thế nào?
Khi có tranh chấp nảy sinh, nước khiếu nại cần nêu vấn đề với nước bị khiếu nại và đề
nghị hai bên cùng tham vấn để tìm ra cách giải quyết thoả đáng. Yêu cầu về tham vấn
cần phải được thông báo cho DSB và các Hội đồng và Uỷ ban liên quan của WTO.
Nếu có nước thứ ba nào quan tâm thì cũng có thể yêu cầu tham gia tham vấn.
Bất kỳ lúc nào, các bên tranh chấp cũng có thể vận dụng trung gian, hoà giải để giải
quyết tranh chấp.
Nếu quá trình tham vấn thất bại, và trung gian, hoà giải (nếu có) cũng không thành
công thì nước khiếu nại có thể yêu cầu Cơ quan Giải quyết Tranh chấp (DSB) cho lập
ban hội thẩm.
Ban hội thẩm có trách nhiệm đánh giá, thẩm định một cách khách quan vấn đề mà
nước khiếu nại đưa ra và tập hợp kết quả nghiên cứu của mình trình lên DSB.
Sau khi dành đủ thời gian cho các nước thành viên xem xét báo cáo của ban hội thẩm,
DSB sẽ họp để thông qua báo cáo này, trừ phi có một nước thành viên kháng nghị.
Nếu có nước thành viên kháng nghị thì DSB sẽ giao cho Cơ quan Phúc thẩm xem lại
báo cáo của ban hội thẩm. Cơ quan Phúc thẩm có quyền giữ nguyên, sửa đổi hoặc bảo
lưu những kết quả và kết luận nêu trong báo cáo của ban hội thẩm.
Nếu DSB quyết định thông qua báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm thì các bên tranh chấp
sẽ phải chấp nhận báo cáo này. Trên cơ sở báo cáo của ban hội thẩm hoặc Cơ quan
Phúc thẩm, DSB sẽ đưa ra khuyến nghị hoặc phán xử cho các bên tranh chấp.
Sau đó, các bên tranh chấp sẽ phải thực hiện khuyến nghị hoặc phán xử của DSB. Nếu
điều này không thực hiện được thì nước bị khiếu nại có thể đề nghị bồi thường bằng
một biện pháp khác.
Nếu không đạt được thoả thuận về việc bồi thường thì bên khiếu nại có thể yêu cầu
DSB cho phép có hành động trả đũa bằng cách ngưng các ưu đãi hoặc nghĩa vụ tương
ứng đối với nước vi phạm.
260. Ban hội thẩm gồm bao nhiêu người, và những ai có thể tham dự ban hội thẩm?
Ban hội thẩm thông thường có 3 người, trừ phi các bên tranh chấp đồng ý mở rộng lên
đến 5 người.
Những người tham gia ban hội thẩm thường là những cá nhân có uy tín, trình độ, kinh
nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đang tranh chấp. Những người này có thể đang làm
việc cho một cơ quan chính phủ hoặc tổ chức phi chính phủ, nhưng khi làm việc trong
ban hội thẩm thì hoàn toàn với tư cách cá nhân và không chịu ảnh hưởng của bất kỳ
nước thành viên nào.
Công dân của nước liên quan đến tranh chấp sẽ không được tham gia ban hội thẩm.
Các hội thẩm viên được lựa chọn từ một danh sách do Ban Thư ký WTO lập và duy
trì. Các nước thành viên đều có thể đề cử công dân của nước mình để đưa vào danh
sách này.
Khi tranh chấp xảy ra giữa một nước phát triển và một nước đang phát triển, nếu nước
đang phát triển có yêu cầu thì ban hội thẩm phải có ít nhất một người là công dân một
nước đang phát triển.
261. Một ban hội thẩm có thể tham gia giải quyết nhiều vụ tranh chấp?
Có. Một ban hội thẩm chỉ được thành lập khi có tranh chấp xảy ra và kết thúc hoạt
động khi tranh chấp giải quyết xong. Nhưng nếu tại một thời điểm mà có nhiều vụ
tranh chấp trong cùng một lĩnh vực thì một ban hội thẩm có thể tham gia giải quyết
nhiều vụ tranh chấp.
Một cá nhân sau khi kết thúc hoạt động tại một ban hội thẩm này lại có thể tham gia
làm việc tại một ban hội thẩm khác.
262. Cơ quan Phúc thẩm có phải hoạt động mang tính lâm thời như ban hội thẩm?
Khác với ban hội thẩm, Cơ quan Phúc thẩm là một cơ quan thường trực do DSB lập ra.
Cơ quan này bao gồm 7 người có uy tín, trình độ, am hiểu về luật, thương mại quốc tế
và không liên quan đến bất kỳ chính phủ nào. Nhiệm kỳ làm việc của họ là 4 năm và
có thể được bầu lại thêm một nhiệm kỳ nữa.
Tại mỗi vụ tranh chấp có kháng nghị sẽ có 3 người trong Cơ quan Phúc thẩm đứng ra
xem xét báo cáo của ban hội thẩm. Việc xác định 3 người này dựa trên cơ sở luân
phiên.
263. Các bên thứ ba có được kháng nghị lại báo cáo của ban hội thẩm?
Không. Chỉ có bên khiếu nại và bên bị khiếu nại mới được kháng nghị. Tuy nhiên, các
bên thứ ba có quyền lợi thiết yếu có thể yêu cầu được trình bày quan điểm của mình
trước Cơ quan Phúc thẩm.
264. Thông tin do các bên tranh chấp cung cấp cho ban hội thẩm và Cơ quan Phúc
thẩm có được công bố cho các nước thành viên WTO hay không?
Các thông tin này sẽ được giữ kín và chỉ thông báo cho các bên tranh chấp. Ngoài ra,
các bên tranh chấp có thể tuỳ ý công bố quan điểm của mình.
Nếu một nước thành viên WTO có yêu cầu thì các bên tranh chấp phải cung cấp tóm
tắt thông tin trong bản giải trình của mình và những thông tin này có thể công bố được.
265. Việc bồi thường được thực hiện như thế nào?
Bồi thường được thực hiện bằng cách nước bị khiếu nại sẽ dành cho nước khiếu nại ưu
đãi đối với những mặt hàng và lĩnh vực khác ở mức độ tương đương với mức độ tương
đương với thiệt hại gây ra do nước bị khiếu nại vi phạm một hiệp định của WTO. Mặt
hàng nào, lĩnh vực nào hoặc mức độ bao nhiêu sẽ do hai nước tự thoả thuận.
Ví dụ nước A đã áp dụng những biện pháp hạn chế số lượng đối với mặt hàng X làm
cho nước B bị thiệt hại. Nước A có thể đề nghị bồi thường bằng cách nới lỏng hạn chế
số lượng đối với mặt hàng Y, hoặc giảm thuế quan với mặt hàng Z, hoặc mở cửa sớm
hơn đối với một lĩnh vực dịch vụ nào đó
266. Sau khi DSB ra phán xử thì nước bị khiếu nại sẽ phải bồi thường thiệt hại cho
nước khiếu nại?
Có hai trường hợp xảy ra khi DSB thông qua báo cáo của ban hội thẩm hoặc Cơ quan
Phúc thẩm.
Nếu kết quả của báo cáo cho thấy nước khiếu nại đã khiếu nại sai, không đúng căn cứ
thì nước này sẽ phải rút lại khiếu nại và chấm dứt tranh chấp.
Nếu kết quả của báo cáo cho thấy nước khiếu nại đã khiếu nại đúng, tức là nước bị
khiếu nại đã vi phạm một hiệp định của WTO thì ưu tiên trước hết trong phán xử của
DSB sẽ là yêu cầu nước bị khiếu nại phải có biện pháp khắc phục, sửa chữa vi phạm
để trở lại đúng với tinh thần hiệp định.
Như vậy, bồi thường không phải là biện pháp đầu tiên được áp dụng ngay sau khi DSB
ra phán xử. Bồi thường chỉ là biện pháp đem ra áp dụng nếu như nước bị khiếu nại
không thể khắc phục ngay được việc vi phạm các hiệp định của WTO.
267. Nếu không thể thương lượng được mức bồi thường thoả đáng thì nước khiếu nại
có quyền mặc nhiên áp dụng biện pháp trả đũa không?
Không. Khi đó nước khiếu nại vẫn phải đề nghị để được DSB cho phép trả đũa. Thông
thường DSB cho phép hành động này, nhưng nếu hiệp định có liên quan không cho
phép rút bỏ ưu đãi hoặc nghĩa vụ đối với hiệp định thì DSB sẽ không cho phép trả đũa.
Nếu mức độ trả đũa quá với mức thiệt hại, nước bị khiếu nại có thể yêu cầu ban hội
thẩm hoặc một trọng tài do Tổng Giám đốc WTO chỉ định đứng ra xem xét. Quyết
định của trọng tài trong trường hợp này là tối hậu và buộc các nước phải tuân theo.
268. Khi xảy ra tranh chấp, ngoài cơ chế giải quyết của WTO thì các nước thành viên
có được dựa vào những cơ chế khác hay không?
Có. Nếu cùng nhất trí thì các bên tranh chấp có thể đưa vụ việc ra trọng tài giải quyết.
Phán quyết của trọng tài sẽ được thông báo cho DSB và các Hội đồng hoặc Uỷ ban
liên quan.
269. Từ quan điểm của các nước đang phát triển, cơ chế giải quyết tranh chấp của
WTO đem lại lợi ích gì?
Có thể ví các hiệp định của WTO như một bộ luật điều chỉnh các mối quan hệ thương
mại quốc tế, và cơ chế giải quyết tranh chấp là một công cụ đảm bảo cho việc thực
hiện bộ luật ấy.
Trước kia, nếu chỉ dựa vào các thoả thuận thương mại song phương, từng nước đang
phát triển ít dám đối đầu hoặc làm căng với các nước phát triển vì không tìm được
tiếng nói ủng hộ. Với một hệ thống thủ tục, quy tắc tương đối chặt chẽ như cơ chế giải
quyết tranh chấp của WTO, trước hết các nước đang phát triển có thể đoàn kết, cùng
nhau khởi kiện một nước phát triển. Ngay cả khi nước đang phát triển một mình đứng
ra khởi kiện thì do vấn đề đã được đưa ra WTO, được tất cả các nước thành viên khác
biết đến và được xem xét bởi một cơ cấu khách quan nên nước phát triển bị kiện cũng
không thể tuỳ tiện chèn ép nước đang phát triển.
Thực tế cho thấy, từ khi WTO ra đời, số nước đang phát triển là bên khởi kiện và
thắng kiện trong các vụ giải quyết tranh chấp đã tăng lên rất nhiều.
270. Thế còn điểm hạn chế của cơ chế này là như thế nào?
Điểm hạn chế lớn nhất của cơ chế này nằm ở khâu thực thi, đó là việc bồi thường chỉ
được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, không bắt buộc. Một nước phát triển vi phạm quy
định của WTO có thể cố tình không chịu đưa ra biện pháp khắc phục để chấm dứt vi
phạm, và cũng không chịu bồi thường. Mặc dù nước đang phát triển có thể đưa ra biện
pháp trả đũa, nhưng do thực lực kinh tế yếu kém nên việc trả đũa cũng không có tác
dụng bù đắp được thiệt hại.
271. Liệu một nước có thể cố tình trì hoãn, kéo dài quá trình giải quyết tranh chấp
hay không?
Không. DSU đã quy định khung thời gian rõ ràng cho từng giai đoạn trong quá trình
giải quyết tranh chấp, cụ thể như sau:
Từ khi nước khiếu nại đề nghị tham vấn đến khi nước bị khiếu nại phải
trả lời
10 ngày
Từ khi trả lời đến khi bắt đầu tham vấn 20 ngày
Quá trình tham vấn 30 ngày
Lập quy chế làm việc của ban hội thẩm 20 ngày
Từ khi ban hội thẩm trình báo cáo đến khi DSB thông qua báo cáo 60 ngày
Kháng nghị (nếu có) 60 ngày
Chuẩn bị cho việc thực hiện phán xử của DSB 30 ngày
Thương lượng bồi thường 20 ngày
Xin phép trả đũa 30 ngày
272. Mục đích của Cơ chế Rà soát Chính sách Thương mại (TPRM) là gì?
Rà soát định kỳ chính sách thương mại của các nước thành viên là một chức năng quan
trọng của WTO. Mục đích của cơ chế này là nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch
của hệ thống thương mại đa phương.
273. Lợi ích mà TPRM đem lại là gì?
TPRM đem lại lợi ích cho tất cả các nước thành viên. Về phía nước được rà soát chính
sách, đây là dịp để hệ thống hoá lại các văn bản pháp luật liên quan đến thương mại
quốc tế để điều chỉnh, bổ sung. Về phía các nước thành viên còn lại, đây là một công
cụ để giám sát việc thực thi các hiệp định WTO của nước được rà soát, và cũng là cơ
hội để cập nhật về hệ thống thương mại của nước này.
Việc rà soát chính sách thương mại thường xuyên và hiệu quả sẽ giúp giảm bớt khả
năng phát sinh tranh chấp giữa các nước thành viên WTO.
274. Cơ quan Rà soát Chính sách Thương mại (TPRB) và Cơ quan Giải quyết Tranh
chấp có phải là một không?
Về thành phần thì hai cơ quan này đúng là một vì cả hai đều bao gồm các thành viên
của Đại Hội đồng WTO, tức là đều bao gồm đại diện của tất cả các nước thành viên.
Nhưng về chức năng thì hai cơ quan này độc lập với nhau cũng như độc lập với Đại
Hội đồng. Mỗi cơ quan đều có thể có Chủ tịch riêng (không phải là Chủ tịch Đại Hội
đồng) và thủ tục làm việc riêng.
275. Chu kỳ rà soát chính sách là bao nhiêu năm?
Chu kỳ rà soát chính sách là khoảng thời gian giữa hai lần rà soát. Chu kỳ này khác
nhau giữa các nhóm nước tuỳ theo tỷ trọng thương mại của các nước đó so với thương
mại thế giới.
Cụ thể, nhóm 4 nước Hoa Kỳ, Canada, Liên minh Châu Âu (EU) và Nhật rà soát 2
năm một lần. Nhóm 16 nước phát triển tiếp theo rà soát 4 năm một lần. Với các nước
còn lại, chu kỳ rà soát là 6 năm, thậm chí có thể dài hơn đối với các nước kém phát
triển.
Trong trường hợp có thay đổi lớn trong chính sách thương mại của một nước thành
viên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các nước thành viên khác thì
TPRB có thể yêu cầu đưa lần rà soát tiếp theo của nước thành viên đó lên sớm hơn.
276. Đối với trường hợp EU, chính sách của từng nước thành viên trong Liên minh có
được rà soát hay không?
Có. Mặc dù EU là một liên kết kinh tế khá chặt chẽ, có các chính sách kinh tế đối
ngoại chung đại diện cho tất cả các thành viên, nhưng nếu một nước thành viên EU vi
phạm quy định của WTO thì chính sách của nước đó vẫn bị rà soát.
277. Đối tượng của việc rà soát chỉ dừng ở mức chính sách thôi sao?
Thực tế, việc rà soát bao gồm cả chính sách (các văn bản quy phạm pháp luật do Nhà
nước ban hành) lẫn hành vi thương mại cụ thể (các hoạt động không được quy định
trong văn bản quy phạm pháp luật, nhưng vẫn diễn ra trong thực tế). Ví dụ, một nước
có thể không có văn bản nào chính thức tuyên bố trợ cấp xuất khẩu, nhưng vẫn có trợ
cấp trên thực tế thì hành vi này có thể bị đưa ra xem xét khi rà soát chính sách thương
mại.
278. Quy trình rà soát diễn ra như thế nào?
Hàng năm, Chủ tịch TPRB sẽ lên lịch các nước sẽ tiến hành rà soát trong năm.
Nước được rà soát sẽ phải chuẩn bị một bản báo cáo tương đối chi tiết và toàn diện về
chính sách thương mại của nước mình, đặc biệt là những thay đổi đã diễn ra trong
khoảng thời gian giữa hai lần rà soát.
Bên cạnh đó, Ban Thư ký WTO cũng chuẩn bị một báo cáo độc lập về chính sách
thương mại của nước được rà soát. Ban Thư ký WTO có thể yêu cầu nước liên quan
cung cấp thông tin hoặc tự cử phái đoàn đến nước đó tìm hiểu thông tin.
Dựa trên các báo cáo này, TPRB sẽ họp trong vòng 1-2 ngày để rà soát chính sách
thương mại của nước liên quan.
Sau phiên họp rà soát, các báo cáo và biên bản phiên họp sẽ được xuất bản để mọi đối
tượng có quan tâm đều có thể tìm hiểu.
279. Với những nước có chu kỳ rà soát dài thì có cách nào để cập nhật thông tin về
chính sách của nước đó không?
Giữa các kỳ rà soát, các nước thành viên vẫn có việc phải làm. Rất nhiều hiệp định của
WTO yêu cầu các nước phải thông báo khi có thay đổi chính sách. Hàng năm, các
nước cũng phải cung cấp số liệu thống kê về tình hình thương mại của nước mình.
280. Trên quan điểm của một chính phủ, làm thế nào để việc rà soát thực sự có hiệu
quả?
Ở đây, một lần nữa ta lại thấy vai trò của doanh nghiệp. Doanh nghiệp là nguồn thông
tin quan trọng phản hồi về những tác động của chính sách trong nước, đồng thời phản
ánh về những điểm vướng mắc trong chính sách của các nước khác mà họ gặp phải
trong thực tế hoạt động kinh doanh của mình. Qua đó, doanh nghiệp giúp chính phủ tự
rà soát và có yêu cầu thích đáng khi rà soát chính sách của các nước khác.
Doanh nghiệp có thể tự mình phản ánh thông tin tới các cơ quan chính phủ hoặc thông
qua các phòng thương mại và công nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức phi
chính phủ.
281. Có phải bất kỳ một sự thay đổi chính sách nào của mỗi nước thành viên đều phải
thông báo cho WTO?
Không phải tất cả mà chỉ có các chính sách có tác động đến thương mại, có thể ảnh
hưởng đến những nguyên tắc và nghĩa vụ của các hiệp định WTO thì mới phải thông
báo. Cụ thể, trong số các thay đổi chính sách cần phải thông báo, có việc thay đổi về
thuế quan, phụ phí, hạn ngạch thuế quan, hạn chế định lượng, yêu cầu cấp giấy phép,
phương pháp xác định trị giá hải quan, quy chế xuất xứ, mua sắm của chính phủ, các
hàng rào kỹ thuật, các biện pháp tự vệ, chống phá giá, chống trợ cấp, trợ cấp xuất
khẩu, tham gia vào các khu thương mại tự do, vai trò của các doanh nghiệp thương
mại nhà nước, các biện pháp kiểm soát ngoại hối liên quan đến xuất nhập khẩu, mua
bán đổi hàng theo lệnh của chính phủ, v.v...
ban hội thẩm : panel
Bản ghi nhớ về Giải quyết Tranh chấp : Understanding on Dispute Settlement (DSU)
bồi thường : compensation
Cơ chế Rà soát Chính sách Thương mại : Trade Policy Review Mechanism (TPRM)
Cơ quan Giải quyết Tranh chấp : Dispute Settlement Body (DSB)
Cơ quan Phúc thẩm : Appellate Body
Cơ quan Rà soát Chính sách Thương mại : Trade Policy Review Body (TPRB)
tham vấn : consultation
trả đũa : retaliation
trung gian, hoà giải : mediation
***
13 CÁC VẤN ĐỀ MỚI TRONG WTO
282. Các vấn đề mới trong WTO là những vấn đề gì?
Khi nói đến các vấn đề mới trong WTO, người ta thường đề cập đến những vấn đề
sau:
Môi trường
Lao động
Chính sách cạnh tranh
Đầu tư
Mua sắm chính phủ
Thương mại điện tử
Nhiều vấn đề trong số này không mới. Chúng đã được thảo luận ngay từ trước hoặc
trong Vòng đàm phán Uruguay. Nhưng một số nước phát triển không thoả mãn với kết
quả đạt được nên họ tiếp tục đưa ra nhiều đề xuất mới về những vấn đề này. Họ muốn
đưa các vấn đề mới này vào chương trình của vòng đàm phán thương mại tiếp theo
Vòng Uruguay để có thể thể chế hoá thành những hiệp định của WTO và buộc tất cả
các nước thành viên khác phải cùng thực hiện.
283. Tại sao lại có vấn đề gắn thương mại với môi trường? Mối liên hệ giữa hai lĩnh
vực này là gì?
Trong vài thập kỷ trở lại đây, môi trường đã trở thành một mối quan tâm hàng đầu của
nhân loại. Sự bùng nổ dân số, tăng trưởng kinh tế mãnh liệt đã làm cho các tài nguyên
môi trường bị khai thác và tàn phá với một tốc độ chưa từng thấy. Môi trường suy
thoái làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hiện nay cũng như các thế hệ mai sau: đất
đai trở nên cằn cỗi, lũ lụt nhiều hơn, hạn hán gay gắt hơn, nhiều loài sinh vật bị tuyệt
chủng, nước biển dâng cao, tầng ozone bị thủng, v.v...
Nhìn chung, chính phủ các nước đều thấy sự cần thiết của việc bảo vệ môi trường. Tuy
nhiên, khi áp dụng các biện pháp để bảo vệ môi trường thì lại phát sinh việc các biện
pháp này có thể ảnh hưởng tới thương mại. Dưới đây là một số trường hợp chính sách
môi trường tác động tới thương mại.
Các nhà sản xuất ở những nước có tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt cho rằng việc
tuân thủ các tiêu chuẩn này đẩy giá thành hàng hoá của họ lên cao, trong khi hàng hoá
tương tự sản xuất ở các nước có tiêu chuẩn môi trường thấp hơn nên giá thành cũng
thấp hơn. Do đó, họ đòi chính phủ nước mình yêu cầu hàng nhập khẩu cũng phải đáp
ứng đủ các điều kiện về môi trường như đối với các doanh nghiệp trong nước.
Từ một bình diện khác, các nước đang phát triển cho rằng các nước phát triển đã lạm
dụng tiêu chuẩn môi trường để dựng lên hàng rào thương mại trá hình đối với hàng
hoá từ các nước đang phát triển vốn có tiêu chuẩn môi trường thấp hơn. Khi mà các
biện pháp bảo hộ rõ ràng như thuế quan, hạn ngạch phải dần rút bỏ thì đây là một biện
pháp bảo hộ tinh vi của các nước phát triển.
284. WTO có quy định gì về vấn đề môi trường?
Mặc dù trong Lời nói đầu của Hiệp định thành lập WTO có đề cập đến việc "sử dụng
tối ưu các nguồn lực của thế giới phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững nhằm bảo
vệ và bảo tồn môi trường ...", nhưng trong các hiệp định của WTO không có điều
khoản cụ thể nào nói lên mối quan hệ giữa thương mại và môi trường.
Vấn đề môi trường chỉ được đề cập một cách gián tiếp tại một số điều khoản sau:
Điều 20 của GATT và Điều 14 của GATS: những chính sách nhằm bảo vệ sức
khoẻ con người, động - thực vật thì được miễn không phải tuân theo các quy định
của các hiệp định này.
Hiệp định TBT, Hiệp định SPS: công nhận các nước được đề ra các tiêu chuẩn
nhằm bảo vệ môi trường.
Hiệp định Nông nghiệp: các chương trình môi trường không phải cắt giảm trợ cấp
Hiệp định SCM: cho phép trợ cấp đến 20% để các xí nghiệp có thể đáp ứng tiêu
chuẩn môi trường mới.
Hiệp định TRIPS: có thể từ chối cấp bằng sáng chế đe doạ đến đời sống, sức khoẻ
con người, động - thực vật hoặc phá hoại môi trường.
285. Uỷ ban về Thương mại và Môi trường (CTE) có nhiệm vụ gì?
Đây là một uỷ ban được thành lập từ năm 1994 và đi vào hoạt động cùng với WTO.
Uỷ ban này không có chức năng giám sát điều hành các hiệp định WTO như các uỷ
ban khác mà chỉ nhằm nghiên cứu sâu hơn về các khía cạnh tác động qua lại và liên hệ
giữa thương mại với môi trường.
286. Phương pháp chế biến và sản xuất có liên quan đến môi trường ở điểm nào?
Khác với tiêu chuẩn của bản thân hàng hoá, tiêu chuẩn về phương pháp chế biến và
sản xuất (PPM) được thể hiện ở giai đoạn sản xuất, trước khi sản phẩm hàng hoá hình
thành.
Phương pháp chế biến và sản xuất có mối liên hệ đối với tình trạng môi trường, đặc
biệt là trong việc sản xuất những hàng hoá sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên.
Một số ví dụ:
Dùng chất nổ để đánh bắt cá sẽ làm huỷ diệt hàng loạt cá con và nhiều loài sinh
vật biển khác;
Sản xuất giấy phải sử dụng một lượng lớn hoá chất để xử lý gỗ, và nếu không xử
lý tốt thì chất thải từ nhà máy giấy có thể gây ô nhiễm xung quanh.
Tuy nhiên, WTO, mà cụ thể là các Hiệp định TBT và Hiệp định SPS, không cho phép
các nước coi PPM là một cơ sở để hạn chế thương mại. Lý do là trình độ phát triển của
các nước khác nhau nên mức độ đánh giá tác động đối với môi trường cũng có thể
khác nhau. Điều đó có nghĩa là quá trình sản xuất một loại hàng hoá có thể gây ô
nhiễm tại nước sản xuất, nhưng nước nhập khẩu không được coi đó là một lý do để
cấm nhập khẩu.
Trên thực tế, một số tổ chức môi trường và tổ chức phi chính phủ vẫn thúc ép các nước
coi hạn chế thương mại như một biện pháp để đạt được mục đích bảo vệ môi trường.
Một số nước phát triển lợi dụng điều này để thiết lập những tiêu chuẩn khắt khe đối
với hàng hoá từ các nước đang phát triển, mà thực chất đó chính là một hàng rào bảo
hộ trá hình.
287. Yêu cầu về bao bì có phải là một vấn đề liên quan đến môi trường không?
Bao bì được hiểu như là những vật liệu đi kèm với hàng hoá nhằm chứa đựng, bảo
quản hàng hoá ở bên trong.
Yêu cầu về bao bì là một vấn đề liên quan đến môi trường vì cùng với sự gia tăng hàng
hoá về số lượng và chủng loại thì nhu cầu bao bì cũng tăng lên đáng kể, mà sau khi
hàng hoá đến tay người tiêu dùng thì bao bì đều bị xé bỏ, vứt đi, tạo thành một lượng
lớn rác thải. Người ta đã tính rằng trung bình 25-30% rác thải của một gia đình châu
Âu là các loại bao bì. Nếu bao bì làm bằng loại vật liệu khó phân huỷ thì sẽ làm môi
trường bị ô nhiễm, chưa kể đến sự lãng phí khi bao bì chỉ dùng được một lần.
Do đó, một số nước yêu cầu các nhà sản xuất phải dùng loại bao bì có thể tái sử dụng
nhiều lần, hoặc có thể tái chế được, hoặc có thể phân huỷ dễ dàng thành những chất
không độc hại. Yêu cầu này sẽ làm tăng chi phí bao bì và qua đó, tất nhiên, sẽ làm tăng
giá thành của hàng hoá.
288. Nhãn sinh thái là gì? Nhãn sinh thái và nhãn môi trường có phải là một không?
Nhãn sinh thái là một loại nhãn được cấp cho những sản phẩm thoả mãn một số tiêu
chí nhất định do một cơ quan chính phủ hoặc một tổ chức được chính phủ uỷ nhiệm đề
ra. Các tiêu chí này tương đối toàn diện nhằm đánh giá tác động đối với môi trường
trong những giai đoạn khác nhau của chu kỳ sản phẩm: từ giai đoạn sơ chế, chế biến,
gia công, đóng gói, phân phối, sử dụng cho đến khi bị vứt bỏ. Cũng có trường hợp
người ta chỉ quan tâm đến một tiêu chí nhất định đặc trưng cho sản phẩm, ví dụ mức
độ khí thải phát sinh, khả năng tái chế, v.v...
Về mặt hình thức, nhãn sinh thái có thể mang tên gọi khác nhau ở từng nước. Ví dụ
các nước Bắc Âu có nhãn Thiên nga trắng, Đức có nhãn Thiên thần xanh, trong khi ở
Singapore lại gọi là Nhãn xanh.
Ngoài nhãn sinh thái do một cơ quan đứng ra cấp, còn có một loại nhãn khác do nhà
sản xuất tự gắn lên sản phẩm của mình như một hình thức quảng cáo với người dùng.
Ta thấy có tủ lạnh dán nhãn "Không có CFC" (CFC là một loại hợp chất gây phá huỷ
tầng ozone) hoặc có loại pin ghi "Không có thuỷ ngân".
Cả hai loại nhãn trên, nhãn sinh thái và nhãn do nhà sản xuất tự dán, đều gọi chung là
nhãn môi trường. Thông thường, nhãn môi trường được khuyến khích để các nhà sản
xuất tự nguyện áp dụng nhằm tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng
thời nhắc nhở người tiêu dùng về ý thức bảo vệ môi trường bằng cách chọn mua
những sản phẩm đã được dán nhãn. Nhưng gần đây có xu hướng thể chế hoá việc dán
nhãn này như một yêu cầu bắt buộc đối với một số chủng loại hàng hoá. Trong trường
hợp như vậy, để được dán nhãn, tức là để thoả mãn những tiêu chí nhất định thì nhiều
nhà sản xuất, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, sẽ phải đầu tư thêm chi phí để
nâng cấp, cải tạo hoặc thay thế toàn bộ dây chuyền sản xuất cũ và đương nhiên giá
thành hàng hoá sẽ bị ảnh hưởng. Còn nếu không thì hàng hoá của họ sẽ không thể
thâm nhập được vào thị trường nước yêu cầu dán nhãn.
289. Các hiệp định môi trường đa phương là gì, và chúng có tác động thế nào đến
thương mại?
Tương tự như trong lĩnh vực thương mại, trong lĩnh vực môi trường cũng có nhiều văn
kiện pháp lý ký kết giữa các quốc gia, được gọi chung là các hiệp định môi trường đa
phương (MEA). Để đảm bảo hiệu lực thực thi, một số MEA đưa ra chế tài bằng cách
cho một nước thành viên hạn chế nhập khẩu từ một nước thành viên khác vi phạm quy
định của hiệp định ấy.
Nhìn chung, các MEA có thể chia thành 3 nhóm:
Bảo vệ các tài nguyên toàn cầu: thuộc nhóm này có Công ước Vienna về Bảo vệ
tầng Ozone, Hiệp định về Thay đổi Khí hậu;
Kiểm soát các chất độc hại: Công ước Basel về Kiểm soát việc Vận chuyển Chất
độc hại qua Biên giới;
Bảo vệ các loài động - thực vật quý hiếm: Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài
Động Thực vật Hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, Công ước Quốc tế về Quản lý
Cá voi.
Từ quan điểm bảo vệ môi trường, các chế tài bằng cách hạn chế thương mại là một
điều bình thường đối với các nước tham gia MEA. Nhưng vấn đề đặt ra là có những
nước thành viên WTO không tham gia các MEA. Như vậy, nếu nước đó có vi phạm
những nội dung quy định của MEA thì cũng không thể dùng chế tài của MEA để trừng
phạt nước đó được. Để buộc những nước chưa tham gia phải tham gia MEA, một số
MEA yêu cầu những nước thành viên MEA phải chấm dứt buôn bán loại chất gây độc
hại với nước chưa phải là thành viên MEA. Việc này có thể phù hợp với Điều XX của
GATT về ngoại lệ chung (cho phép hạn chế thương mại đối với những sản phẩm gây
nguy hại tới an ninh, đạo đức xã hội, môi trường, ...) nhưng lại không tuân theo
nguyên tắc không phân biệt đối xử.
Chính vì vậy, MEA vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi.
290. Thế nào là chính sách cạnh tranh?
Cạnh tranh được coi là một động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, làm tăng
hiệu quả xã hội của quá trình sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, cạnh tranh chỉ thực sự
có tác dụng tích cực nếu đó là sự cạnh tranh lành mạnh, trong khuôn khổ điều tiết nhất
định. Nếu không, cạnh tranh vô tổ chức sẽ làm biến dạng quan hệ cung - cầu trên thị
trường, gây rối loạn sản xuất và cuối cùng đem lại thiệt hại cho người tiêu dùng.
Chính sách cạnh tranh là những chính sách, luật lệ của Nhà nước nhằm đảm bảo cạnh
tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, chống lại các hành động phản cạnh tranh.
Hình thức thể hiện của chính sách này có thể là luật cạnh tranh, luật chống độc quyền
hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác có chứa nội dung liên quan đến cạnh tranh.
291. Những hình thức cạnh tranh thế nào được coi là không lành mạnh?
Tựu trung, người ta phân loại các hành động cạnh tranh không lành mạnh thành 4
nhóm như sau:
Cartel: Các doanh nghiệp sản xuất một loại sản phẩm giống nhau cùng thoả thuận
những biện pháp chung nhằm giành và phân chia thị trường, ví dụ như cùng tẩy
chay sản phẩm của doanh nghiệp khác, ghìm giá, hạn chế sản lượng. Cartel có thể
hình thành giữa các doanh nghiệp trong một nước với nhau hoặc giữa doanh
nghiệp nhiều nước.
Cartel ngành dọc: Các doanh nghiệp trong nước liên quan đến các công đoạn sản
xuất một sản phẩm cùng thoả thuận liên kết nhằm ngăn cản doanh nghiệp nước
ngoài thâm nhập quá trình sản xuất đó.
Lạm dụng vị thế độc quyền để nâng giá, hạ thấp chất lượng, bắt chẹt người mua
hoặc người bán.
Sáp nhập nhằm tiến tới độc quyền, thủ tiêu cạnh tranh.
292. Tại sao WTO lại đưa chính sách cạnh tranh vào phạm vi xem xét của mình?
Thật ra, từ rất lâu trước khi WTO ra đời, vấn đề cạnh tranh đã được đề cập đến trong
dự thảo Hiến chương Havana năm 1947 nhằm thành lập Tổ chức Thương mại Quốc tế
(ITO). Nhưng ITO không ra đời, và GATT hình thành chỉ kế thừa phần chính sách
thương mại của Hiến chương Havana mà thôi. Vì thế, vấn đề chính sách cạnh tranh
vẫn được tiếp tục thảo luận từ đó đến nay.
Để hiểu thêm tại sao WTO lại quan tâm đến chính sách cạnh tranh, cũng cần tìm hiểu
thêm về mối quan hệ qua lại giữa chính sách thương mại và chính sách cạnh tranh.
293. Thuận lợi hoá thương mại là gì, và khác xúc tiến thương mại ở điểm nào?
Thuận lợi hoá thương mại là việc cải tiến các thủ tục, điều kiện, giấy tờ liên quan đến
quá trình xuất khẩu, quá cảnh hàng hoá nhằm giúp hàng hoá lưu thông nhanh chóng
hơn với ít chi phí hơn. Trong khi đó, xúc tiến thương mại lại là hoạt động nhằm tăng
doanh số bán ra cho doanh nghiệp (ở cấp độ quốc gia, đôi khi xúc tiến thương mại chỉ
được hiểu là tăng doanh số xuất khẩu).
Thuận lợi hoá thương mại thể hiện rõ nhất ở những khâu như cải cách thủ tục hải
quan, hài hoà tiêu chuẩn, đơn giản hoá các hình thức giấy tờ, áp dụng các hình thức
giao dịch phi giấy tờ, v.v... Xúc tiến thương mại thể hiện ở những hoạt động như hội
chợ, triển lãm, quảng cáo.
294. Một số điều khoản của các hiệp định WTO đã chứa đựng nội dung về thuận lợi
hoá thương mại, vậy vị trí của vấn đề này trong WTO giờ đây thế nào?
Đúng là một số hiệp định của WTO như Hiệp định ACV, Hiệp định PSI, Hiệp định
ROO, Hiệp định ILP, Hiệp định TBT, Hiệp định SPS đã có những điều khoản mang
tính thuận lợi hoá thương mại, nhưng người ta cho rằng những nội dung này còn chưa
đủ, mà chỉ dừng ở mức độ giảm bớt tác động của các hàng rào phi thuế quan. Vì thế,
để thể hiện ý chí chính trị cũng như tăng cường hiệu lực của các biện pháp thuận lợi
hoá thương mại, người ta muốn WTO thể chế hoá vấn đề này bằng một văn kiện có
tính ràng buộc đối với tất cả các nước thành viên. Mặt khác, sự xuất hiện của những
vấn đề như thương mại điện tử - một phương thức giúp thuận lợi hoá thương mại rất
nhiều - cũng đòi hỏi WTO phải có sự quan tâm điều chỉnh.
295. Thương mại điện tử là gì?
Thương mại điện tử là một phương thức giao dịch thương mại thông qua các phương
tiện điện tử. Tuỳ theo tính chất của hàng hoá, dịch vụ được buôn bán mà một phần
hoặc tất cả các công đoạn trong quá trình giao dịch thương mại đều có thể thực hiện
bằng các phương tiện điện tử: quảng cáo, chào hàng, mặc cả, đặt hàng, hợp đồng,
thanh toán, giao hàng.
Những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin và viễn thông, đặc biệt là sự lan
truyền mạnh mẽ của Internet, là yếu tố thúc đẩy thương mại điện tử tăng trưởng không
ngừng.
296. WTO dự kiến xử lý thế nào với vấn đề thương mại điện tử?
Thương mại điện tử đem lại những lợi ích rõ rệt trong thuận lợi hoá thương mại, cắt
giảm chi phí, tiết kiệm thời gian giao dịch giữa người bán và người mua. Tuy nhiên,
thương mại điện tử cũng đặt ra hàng loạt vấn đề ở tầm cấp quốc gia và quốc tế: thu
thuế các sản phẩm, dịch vụ chuyển tải qua mạng như thế nào, bảo vệ quyền sở hữu trí
tuệ và quyền lợi người tiêu dùng ra sao, có công nhận hình thức hợp pháp của một hợp
đồng không phải ở dạng văn bản (giấy) hay không, v.v...
Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ II (5/1998) đã ra một Tuyên bố về Thương mại Điện
tử Toàn cầu, trong đó yêu cầu Đại Hội đồng có một chương trình công tác nhằm
nghiên cứu toàn diện về thương mại điện tử và những vấn đề liên quan.
chính sách cạnh tranh : competition policy
hiệp định môi trường đa phương : multilateral environmental agreement (MEA)
nhãn môi trường : environmental label
nhãn sinh thái : eco-label
thuận lợi hoá thương mại : trade facilitation
thương mại điện tử : electronic commerce; e-commerce
thương mại và môi trường : trade and environment
xúc tiến thương mại : trade promotion
yêu cầu về bao bì : packaging requirements
***
14 GIA NHẬP WTO
297. Quá trình gia nhập WTO diễn ra như thế nào?
Khi có một nước nộp đơn xin gia nhập, WTO sẽ thành lập ra một ban công tác về việc
gia nhập của nước đó. Tất cả các nước thành viên WTO đều có thể cử đại diện tham
gia ban công tác này.
Chính phủ nước gia nhập sẽ phải trình bày toàn bộ hệ thống chính sách kinh tế và
thương mại của mình liên quan đến việc thực hiện các hiệp định của WTO sau này.
Tập hợp các thông tin đó được nêu trong một văn bản gọi là bị vong lục.
Sau khi nhận được bị vong lục của nước gia nhập, ban công tác sẽ gửi bị vong lục đó
đến tất cả các nước thành viên WTO để các nước này có thể đặt ra những câu hỏi yêu
cầu làm rõ thêm về những vấn đề mình quan tâm. Nước gia nhập có nghĩa vụ trả lời
toàn bộ các câu hỏi đó. Việc trả lời câu hỏi cũng có ý nghĩa cập nhật lại những thông
tin nêu trong bị vong lục đã bị lạc hậu.
Sau khi hoàn thành việc trả lời câu hỏi, nước gia nhập sẽ bước vào đàm phán chính
thức với các nước thành viên WTO thông qua các cuộc họp của ban công tác. Số
lượng các cuộc họp này không ấn định trước nên quá trình gia nhập nhanh hay chậm là
tuỳ thuộc vào giai đoạn này. Có những nước chỉ mất một vài năm để trở thành thành
viên WTO, trong khi có những nước phải mất nhiều thời gian hơn mà vẫn chưa vượt
qua giai đoạn này. Điển hình là trường hợp của Trung Quốc, bắt đầu đàm phán từ năm
1987, đến cuối năm 2001 mới trở thành thành viên chính thức của WTO.
Ngoài các cuộc họp của ban công tác, nước gia nhập còn phải tiến hành các cuộc đàm
phán song phương với các đối tác thương mại chính. Cần phải có các cuộc đàm phán
song phương này vì mỗi nước lại có những mối quan tâm khác nhau đối với nước gia
nhập. Tuy nhiên, những kết quả đàm phán song phương này một khi đã trở thành cam
kết thì lại được áp dụng cho tất cả các nước thành viên WTO.
298. Bản chào ban đầu là gì?
Bản chào ban đầu là danh mục những cam kết, nghĩa vụ mà nước gia nhập dự kiến sẽ
chấp hành khi trở thành thành viên của WTO. Bản chào này thường bao quát hầu hết
các lĩnh vực (thuế quan, phi thuế quan, dịch vụ, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, trợ cấp,
v.v...), có tính đến yêu cầu của các nước thành viên Ban Công tác gia nhập.
Bản chào ban đầu được nước gia nhập đưa ra trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán về
mở cửa thị trường và là cơ sở để tiến hành các cuộc đàm phán về mở cửa thị trường.
Trải qua quá trình đàm phán, những cam kết, nghĩa vụ trong bản chào này sẽ được sửa
đổi dần để trở thành cam kết chính thức khi kết thúc đàm phán và nước gia nhập trở
thành thành viên của WTO.
299. Việc các nước thành viên Ban Công tác gia nhập nêu yêu cầu khác gì với việc các
nước này đặt câu hỏi trước đó?
Các câu hỏi được nêu ra trong quá trình minh bạch hoá chính sách nhằm làm rõ hiện
trạng thương mại của nước gia nhập. Các câu hỏi có thể được nêu ra theo thứ tự bất
kỳ, không cần mang tính hệ thống nào cả.
Còn yêu cầu được các nước thành viên Ban Công tác gia nhập đưa ra vào cuối giai
đoạn minh bạch hoá chính sách. Đây không phải là nhằm làm rõ chính sách nữa mà là
những đòi hỏi về mở cửa thị trường mà nước gia nhập cần đáp ứng. Những đòi hỏi này
nhiều hay ít, mức độ như thế nào tuỳ thuộc vào sự quan tâm của nước thành viên Ban
Công tác đối với thị trường tại nước gia nhập.
300. Thế nào là điều khoản "bảo lưu"?
Nghị định thư áp dụng tạm thời GATT 1947 cho phép các nước duy trì các văn bản
pháp luật trái với quy định của GATT vốn đã tồn tại từ trước khi các nước đó tham gia
GATT. Đến Vòng Uruguay, điều khoản này đã được bãi bỏ. Mọi luật lệ, biện pháp
vốn được bảo lưu trước đây sẽ phải tuân theo các quy định của WTO. Với các nước
mới gia nhập, họ có thể được phép có một khoảng thời gian quá độ để loại bỏ dần các
luật lệ, biện pháp không phù hợp.
301. Thế nào là điều khoản "không áp dụng"?
Điều XXXV của GATT 1947 quy định điều khoản "không áp dụng". Theo đó, khi một
nước xin gia nhập, các thành viên của GATT có thể từ chối không cho nước đó hưởng
những ưu đãi mà mình dành cho các nước thành viên GATT khác. Điều khoản này nảy
sinh từ việc Ấn Độ từ chối dành ưu đãi trong GATT cho Nam Phi do chế độ phân biệt
chủng tộc ở nước này.
Với WTO, điều khoản không áp dụng được nêu ở Điều XIII của Hiệp định thành lập
WTO. Tuy nhiên, có điểm khác nhau trong điều khoản không áp dụng ở WTO so với
GATT. Trong GATT, điều khoản này chỉ được sử dụng trước khi nước gia nhập bước
vào giai đoạn đàm phán thuế quan. Trong WTO, điều khoản này có thể được nêu ra
ngay cả khi nước gia nhập đã bắt đầu đàm phán thuế quan hoặc đã có những ưu đãi cụ
thể. Như vậy, nước gia nhập ở vào thế bất lợi hơn vì bị đe doạ rút mất ưu đãi bất cứ
lúc nào. Trong trường hợp của Mông Cổ, mặc dù Hoa Kỳ đã đàm phán và đạt được
một số ưu đãi thuế quan của Mông Cổ, nhưng cuối cùng Hoa Kỳ vẫn thi hành điều
khoản "không áp dụng" đối với nước này.
302. Lợi ích của việc tham gia WTO là gì?
Tham gia hệ thống thương mại đa phương, cụ thể là WTO, đem lại những lợi ích sau:
mở rộng cơ hội thương mại với các nước thành viên WTO trên cơ sở được hưởng
những ưu đãi do kết quả 50 năm đàm phán từ khi thành lập GATT đến nay;
tạo ra môi trường kinh doanh ổn định hơn thông qua quan hệ thương mại ràng
buộc chặt chẽ, các quy định rõ ràng và có nhiều khả năng dự báo trước;
thông qua một cơ chế giải quyết tranh chấp để bảo vệ các quyền và quyền lợi của
mình;
thoát khỏi thế cô lập, hội nhập với nền kinh tế thế giới, qua đó nâng cao lợi ích
kinh tế và lợi ích các mặt khác;
thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước thông qua việc đặt các doanh nghiệp vào
môi trường cạnh tranh, tiếp cận với công nghệ, trình độ, chất lượng quốc tế, đổi
mới hệ thống luật pháp, tăng cường thu hút vốn đầu tư dưới các hình thức khác
nhau.
303. WTO có những ưu tiên gì dành cho các nước đang phát triển và các nước có nền
kinh tế chuyển đổi?
Hơn 3/4 số thành viên WTO là các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế
chuyển đổi. Do đó, nhu cầu và lợi ích của các nước này luôn được tính đến trong mọi
hoạt động của WTO.
GATT cũng như hầu hết các hiệp định khác của WTO luôn dành những điều khoản
riêng cho các nước đang phát triển, được gọi là đối xử đặc biệt và khác biệt.
Về hỗ trợ kỹ thuật, Ban Thư ký WTO thường xuyên tổ chức những chương trình đào
tạo và tập huấn cho cán bộ các nước này để làm quen với hệ thống thương mại đa
phương, nâng cao kỹ năng đàm phán. Một số khoá học được tổ chức ngay tại Geneva
và thực tập ngay tại Ban Thư ký, một số khác được tổ chức tại các nước liên quan. Ban
Thư ký WTO cũng phối hợp với chính phủ các nước và các tổ chức khác như UNDP,
UNCTAD trong việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các nước này.
Ngoài ra, WTO cùng với UNCTAD còn cùng điều hành hoạt động của Trung tâm
Thương mại Quốc tế (ITC) cũng đóng tại Geneva. Trung tâm này được thành lập năm
1964 để hỗ trợ các nước đang phát triển xúc tiến xuất khẩu thông qua các chương trình
xúc tiến xuất khẩu, cung cấp thông tin về thị trường, huấn luyện chiến lược và kỹ thuật
tiếp thị, hỗ trợ thành lập các trung tâm xúc tiến xuất khẩu và đào tạo nhân lực cho các
hoạt động nói trên.
304. Đối xử đặc biệt và khác biệt thể hiện như thế nào?
Đối xử đặc biệt và khác biệt là đối xử dành cho các nước đang phát triển và kém phát
triển, thường mang tính giảm nhẹ so với những nghĩa vụ, cam kết chung mà WTO đề
ra. Ví dụ:
Được miễn không phải thực hiện nghĩa vụ;
Mức độ cam kết thấp hơn;
Thời gian thực hiện dài hơn;
Được hưởng ưu đãi bổ sung về mở cửa thị trường của các nước phát triển.
305. Việt Nam đã làm những gì để có thể trở thành thành viên của WTO?
Đầu năm 1995, Việt Nam đã đệ đơn xin gia nhập WTO và trở thành quan sát viên của
tổ chức này. Ngay sau đó, các Bộ, Ngành, với Bộ Thương mại làm đầu mối, đã xúc
tiến việc chuẩn bị bản bị vong lục về chế độ kinh tế và ngoại thương của Việt Nam.
Tháng 8/1996, bản bị vong lục của Việt Nam đã được chính thức gửi đến Ban Thư ký
WTO. Sau một thời gian nghiên cứu bản bị vong lục này, các nước thành viên WTO
đã gửi các câu hỏi đến cho Việt Nam nhằm làm rõ thêm những điểm đã nêu và chưa
nêu trong bị vong lục. Các nước gửi nhiều câu hỏi nhất là Hoa Kỳ, Liên minh Châu
Âu, Thuỵ Sỹ, Australia.
Tháng 7/1998, bắt đầu phiên họp đầu tiên của ban công tác về việc Việt Nam gia nhập
WTO. Ban công tác hiện nay do ông Eirik Glenne, quốc tịch Na Uy, làm chủ tịch. Đến
tháng 12/2005, đã có 10 phiên họp của Ban Công tác được tổ chức.
Trong suốt quá trình trên, với sự giúp đỡ của các tổ chức và chuyên gia quốc tế, chúng
ta đã tiến hành một số cuộc hội thảo để phổ biến về việc gia nhập WTO, tập huấn cho
cán bộ các Bộ, Ngành tham gia công tác này và gửi một số cán bộ đi đào tạo, thực tập
tại nước ngoài.
Tính đến tháng 1/2006, Việt Nam đã kết thúc đàm phán song phương với hầu hết các
đối tác, bao gồm Argentina, Brazil, Bulgaria, Canada, Chile, Trung Quốc, Đài Loan,
Colombia, Cuba, EU, El Salvador, Iceland, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc, Na Uy, Paraguay,
Singapore, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Uruguay. Chỉ còn lại 6 đối tác là Hoa Kỳ,
Mexico, Australia, New Zealand, Dominicana, Honduras.
306. Những khó khăn mà Việt Nam gặp phải trong quá trình đàm phán gia nhập
WTO là gì?
Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, chúng ta gặp phải một số khó khăn sau:
Không giống đàm phán hiệp định thương mại đa phương, đàm phán gia nhập
WTO chỉ là đàm phán một chiều, chúng ta phải mở cửa thị trường cho các nước
thành viên hiện nay của WTO, vì vậy các nước này có thể đưa ra những yêu cầu
rất cao, nhiều khi phi hiện thực (đương nhiên, khi trở thành thành viên WTO thì
chúng ta cũng sẽ được hưởng những ưu đãi mà các nước đó đã cam kết trong
WTO, nhưng những ưu đãi đó có thể ở mức độ không bằng yêu cầu của họ đối với
chúng ta).
Thiếu thông tin cập nhật về diễn biến của WTO. Các cuộc đàm phán của WTO
diễn ra quanh năm, ngoài ra còn nhiều sự kiện, vận động khác tại các nơi trên thế
giới ảnh hưởng tới chính sách của WTO mà do thiếu người, thiếu kinh phí chúng
ta chưa thể nắm bắt hết được.
Sự hưởng ứng của doanh nghiệp chưa nhiệt tình. Bản thân doanh nghiệp cũng
thiếu thông tin về WTO và tiến trình đàm phán gia nhập tổ chức này nên chưa
nắm rõ những tác động thuận lợi và khó khăn mà tiến trình này có thể đem lại. Do
đó, doanh nghiệp không tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho các cơ quan Nhà
nước về chính sách chuẩn bị cho việc gia nhập WTO, mặt khác, vẫn còn tâm lý
trông chờ vào bảo hộ của Nhà nước mà không quan tâm đến nâng cao năng lực
cạnh tranh của chính mình.
307. Tại sao lại nói Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ là một bước quan trọng
để tiến tới gia nhập WTO?
Hoa Kỳ là một nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hoa Kỳ cũng là nước có ảnh hưởng tại
WTO và nhiều diễn đàn kinh tế. Mặt khác, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ
cũng được soạn thảo dựa trên những quy tắc và điều khoản của WTO. Vì vậy, việc ký
một hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ cho thấy Việt Nam có thể từng
bước chấp nhận các quy định của WTO và tham gia thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, khi đàm phán gia nhập WTO, chúng ta vẫn sẽ phải gặp lại Hoa Kỳ trên bàn
đàm phán. Và ngoài Hoa Kỳ, còn có nhiều đối tác quan trọng khác như EU, Nhật,
Thuỵ Sỹ, Hàn Quốc, Australia, ... mà chúng ta còn phải đàm phán.
Qua nhiều lần đàm phán ở các cuộc họp song phương và đa phương, đến tháng 1/2006,
Việt Nam và Hoa Kỳ đã thu hẹp đáng kể khoảng cách trong nhiều vấn đề khác nhau.
Tiến trình đàm phán với Hoa Kỳ có thể kết thúc trong năm 2006, tạo thuận lợi cho
việc gia nhập WTO.
ban công tác : working party
bị vong lục : memorandum
bản chào ban đầu : initial offer
yêu cầu : request
điều khoản bảo lưu : grand-father clause
điều khoản không áp dụng : non-application clause
đối xử đặc biệt và khác biệt : special and differential treatment
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro