hoc cach an noi (học cách ăn nói)
Học cách ăn nói
________________________________________
"Lời nói là bạc, im lặng là vàng" là lời khuyên chúng ta nên im lặng hơn nói vì nói chỉ là bạc mà im lặng mới là vàng, và vàng thì bao giờ cũng quí hơn bạc.
Nhưng nhiều khi nếu không nói thì chúng ta cảm thấy khó chịu trong lòng mà nói ra thì dễ mất sự bình tĩnh gây mất hòa khí, thậm chí có khi đem đến sự hận thù. Nghĩ như vậy nên bản thân tôi từ nay khi cần thông đạt một cái gì có thể gây ra sự hiểu lầm, ngộ nhận, hay mất hòa khí nói chung, tôi đã nghĩ tôi nên sử dụng ngòi bút thay vì lời nói vì khi viết tôi có suy nghĩ và có cân nhắc hơn, nhất là tôi hiểu bút sa thì gà chết như cổ nhân thường nói. Vã lại, người Pháp có câu "Nên uốn lưỡi bảy lần trước khi nói" (Il faut touner la langue sept fois avant de parler) là vì lời nói không cân nhắc, thiếu khéo léo có thể sinh ra nhiều hậu quả khó lường. Họ cũng nói "Đa ngôn đa quá" (Trop parler nuit). Nói càng nhiều sinh ra nói quá đáng có hại. Trong gia đình cha mẹ dạy con cái, anh chị em bảo nhau, người lớn tuổi lấy kinh nghiệm chỉ bảo cho người nhỏ tuổi, thiếu kinh nghiệm, lắm khi cũng làm buồn lòng nhau.
Cho nên, tục ngữ có câu "Giáo đa thành oán" (Dạy nhiều sinh ra oán trách) là vậy. Nhưng lại có câu "Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không hết là bất nghĩa." Khi biết mà không chỉ vẽ, khuyên lơn, thì lại mang tiếng là ác, không có lòng nhân ái. Còn nói mà không nói cho hết, nói nửa chừng nửa đoạn, nói không tường tận, thì sẽ bị người ta kết tội là bất nghĩa, tức là không tốt, không biết ơn hay bội bạc.
Mỗi buổi học, chúng tôi đều được tham gia "buôn dưa chuột" ít nhất 4 lần. Tức là mỗi người phải làm quen với một người bạn mới bằng bất cứ cách nào. Mọi hoạt động đều được ghi hình để xem lại và rút kinh nghiệm nên tôi có thể biết mình và mọi người xung quanh giao tiếp ra sao. Một chàng trai người Pháp rất cao, khi làm quen với một cô gái Việt thấp hơn lại đứng quá gần để xảy ra tình cảnh kẻ cúi, người ngước thật nực cười (vấn đề về khoảng cách). Có người khi nói chuyện làm quen lại cứ khoanh tay trước ngực hoặc ôm khư khư cái túi...
Nhờ đi học, tôi mới biết muốn trình bày thành công vấn đề chỉ có 7% là yếu tố ngôn từ, còn lại 93% thuộc về yếu tố phi ngôn từ (trong đó 38% là giọng nói và 55% là hình ảnh).
"Yếu tố phi ngôn từ ư! Nó là những yếu tố nào? Chắc gì tôi có..." - Một bác tầm tuổi trung niên thốt lên, cả lớp cười ồ. Đến khi được giảng về 10 loại phi ngôn từ, thì tất cả mới gật gù, thật đơn giản mà không dễ gì nhận ra:
- Trang phục: Trang phục của người nói ảnh hưởng nhiều đến cảm nhận ban đầu của người nghe. Muốn người ta "say nghe" mình nói thì diễn giả nên ăn mặc lịch sự hơn thính giả một bậc.
- Giọng nói: Chuẩn, truyền cảm, liền mạch, có điểm nhấn, điểm dừng, cần chú ý cao độ, trường độ khi nhấn mạnh.
- Dáng điệu: Diễn giả cần đứng thẳng và dồn trọng tâm ở thắt lưng.
- Mặt: Nói gì thì nói nhưng mặt người nói phải tươi! Nhưng thế nào là mặt tươi, đố ai định nghĩa được? Câu hỏi của thầy làm cả lớp phì cười.
- Mắt: Khi nói, mắt diễn giả phải thật truyền cảm, cố gắng nhìn khắp hội trường (đảo theo hình chữ M -> W), dừng mắt mỗi khi dừng ý và "nhìn vào trán cho đỡ chán". Với người chưa quen thuyết trình, nếu nhìn vào mắt mọi người nghe dễ có cảm giác mình bị ảnh hưởng dây truyền và mất tự tin. Ví dụ: Nếu nhìn vào mắt người đang khó chịu -> sẽ cảm thấy mất bình tĩnh vì có lẽ mình nói dở quá. Nếu nhìn vào mắt người đang rất chăm chú -> ta sẽ chỉ thích tâm sự riêng với người đó mà quên mất hội trường...
- Tay: Khi nói đôi tay diễn giả nên thả lỏng, hai bàn tay luôn luôn chỉ nằm trong khoảng từ thắt lưng đến cằm. Hai bàn tay nên úp vào nhau hay nắm hơi hờ lấy nhau. Khi vung tay nên nắm khít ngón, vung từ "trong ra, dưới lên". Tuyệt đối không khoanh tay, để tay sau lưng, nắm tay vào nhau để dưới thắt lưng, đừng chỉ ngón tay vào thính giả.
- Khoảng cách: Diễn giả đứng gần hay xa thì tùy nhưng đứng sao cho phù hợp để cả hai phía đều có thể quan sát nhau được rõ nhất.
- Mùi: Tốt hơn hết là diễn giả không nên tạo ra cảm giác mùi "hơi đặc biệt" với thính giả.
- Va chạm: Nếu có điều kiện bắt tay thính giả thì diễn giả nên nắm vừa phải, tạo ra cảm giác gần gũi, ấm áp nhưng không quá vồ vập.
- Di chuyển: Nói gắn liền với đi, nhưng cần di chuyển hợp lý, hãy dừng ý mỗi lần dừng chân. Chú ý "7 bước kỳ diệu", nghĩa là thông thường 7 bước trước khi lên đến nơi trình bày và sau khi rời vị trí là thời gian khán giả vẫn còn quan sát di chuyển của diễn giả. Là người tự tin và kinh nghiệm, bạn hãy bước đi tự tin đàng hoàng, thoải mái ít nhất là khi người ta vẫn còn nhìn bạn. Thật tiếc cho những người vừa nói xong là cúi đầu chạy thẳng một mạch về chỗ.
* Buổi thứ hai:
Cả lớp được tiếp cận với "Thủ thuật khích lệ hội trường" với những kỹ năng thật đơn giản nhưng cũng không dễ thực hiện:
Xin một tràng vỗ tay của khán giả (dĩ nhiên diễn giả cũng vỗ tay cùng) để tự trấn an, kêu gọi sự ủng hộ, tập trung chú ý của khán giả (họ sẽ không bị buồn ngủ).
Thỉnh thoảng diễn giả đặt vài câu hỏi dễ trả lời nhưng phải hay để không khí vui vẻ và sôi nổi. Đừng đưa câu hỏi khó quá để tránh bị thính giả cho là: "Đặt câu hỏi để chứng tỏ thính giả ngu". Khi mời trả lời, diễn giả nên mời người chú ý lắng nghe và đang "mắt chớp chớp, mồm đớp đớp" muốn trả lời, mà nếu chỉ đúng chân gỗ là tuyệt nhất.
Diễn giả nên đến sớm, ở lại trong giờ giải lao để tranh thủ làm quen trước với thính giả, biết được họ tên, nghề nghiệp của một số người để khi diễn thuyết sẽ đưa vào cho sinh động.
Phần thực hành đánh giá khả năng của mỗi người sau khi diễn thuyết thử mới thực thú vị. Khen thật khó mà chê thì lại dễ vô cùng. Nếu bạn có 5 cách khen thì chắc tôi cũng có tới 50 cách để chê. Mặc dù chuyện chê nhau là điều cấm kị trong lớp (chê bừa là bị phạt 5000 đồng như chơi), nhưng tôi và một số thành viên thỉnh thoảng vẫn tình nguyện vi phạm trong một số trường hợp "không cười không được", chẳng hạn: Có anh lên trình bày nhất định không chịu nhìn khán giả lại cứ hướng ngược gọng kính lên "kính thưa ông trần nhà", cúi gằm mặt xuống "kính gửi bà sàn lớp". Lại có cô mặc dù đã được hướng dẫn cách viết bảng (luôn nghiêng 90 độ để nhìn thính giả) vậy mà vẫn nhất định đẩy mọi người vào tình huống xem lưng speaker...
* Buổi thứ tiếp theo...: Lớp học bắt đầu với bài tập đóng đinh thể hiện cấu trúc bài thuyết trình với: Mở bài (mũi đinh), thân bài (thân đinh), kết luận (mũ đinh). Cũng giống như bài văn, muốn thành công để gắn kết được diễn giả và thính giả thì bài trình bày cần đầy đủ cả 3 phần. Phần "thân đinh" nên được chia thành nhiều ý nhỏ và rõ ràng. Bài tập đó cho thấy, nếu không có mũi đinh sẽ không thể đóng được còn nếu không có mũ đinh, thì sau bài nói sẽ không còn đọng gì trong đầu thính giả. Phần mở bài và kết luận nên có những tình tiết hấp dẫn, gây chú ý vì đó là yếu tố dễ đóng đinh vào trí nhớ người ta nhất. Và cuối cùng là chữ Tâm, dù trình bày về vấn đề gì thì diễn giả cũng phải hướng đến người nghe bằng chữ Tâm, cả khi thuyết trình hay khi nói chuyện đều như vậy.
Những buổi học thú vị ở Trung tâmTâm Việt trôi qua thật nhanh. Chúng tôi thấy mình tự tin hơn thật nhiều.Những bài học bổ ích, những tràng cười thoải mái và cả những thầy giáo điển trai, những cô giáo xinh đẹp, trẻ trung; chính họ đã khơi dậy ở chúng tôi những khả năng tiềm tàng mà "nếu không đi học nói thì làm sao khám phá để phát huy được" (lời một học viên người Pháp). Cảm ơn Tâm Việt, cảm ơn khóa học đã cho chúng tôi những giờ phút được thể hiện mình khó quên.
Trương Huyền
Nói tóm lại, khi cần im lặng thì nên im lặng vì nói như "đàn gảy tai trâu", nói như "châm dầu vào lửa", nói "châm chích", nói "xỉa xói", nói chỉ có hại chứ không có lợi. Và khi cần nói thì cũng nên nói nhưng trước khi nói cần suy nghĩ chín chắn, lựa lời, cân nhắc lợi hại rồi mới nói vì tục ngữ cũng có câu "Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau." Phương tiện diễn đạt tư tưởng có nhiều hình thức: bằng lời nói, bằng chữ viết, bằng hình ảnh, bằng cử chỉ, bằng tín hiệu ..., nhưng cứu cánh mới là quan trọng vì nó đem lợi lộc hay tai hại đến cho mình và cho người.
Còn "Khẩu xà tâm Phật, khẩu Phật tâm xà" là thế nào?
Có nhiều người tuy nói năng vụng về, không khôn khéo nhưng ý của họ rất tốt. Ví dụ: Cha mẹ la rầy con cái vì muốn con cái trở nên tốt hơn, ngoan hơn nhưng vì nóng giận mà có lời mắng ác, hoặc nói hung dữ chứ thật tâm của cha mẹ là thương con muốn dạy bảo con. Trường hợp này ta gọi là "Khẩu xà tâm Phật" (Miệng rắn lòng Phật).
Ngược lại, có người nói năng rất ngọt ngào, dịu dàng, hấp dẫn khiến người nghe lầm tưởng là thật lòng, là thương yêu, là tử tế mà nói, nhưng kỳ thật họ rắp tâm lừa đảo, có ác ý, muốn hại người và họ nguy hiểm như con rắn độc. Trường hợp này ta gọi là "Khẩu Phật tâm xà" (Miệng Phật lòng rắn).
Hai trường hợp trên người ta gọi là hiện tượng không phù hợp bản chất. Lời nói là hiện tượng và tâm ý là bản chất. Trường hợp thứ nhất hiện tương xấu nhưng bản chất tốt. Trường hợp thứ hai hiện tượng tốt nhưng bản chất xấu. Trong cả hai trường hợp này người nghe nên thận trọng nếu không sẽ lầm lẫn giữa tốt và xấu, giữa thiện và ác.
Nói chung nghe trong nhiều trường hợp tốt hơn là nói. Bởi lẽ nghe không mất sinh lực (khí lực) mà nói thì mất nhiều sinh lực. Ngoài ra, khi bạn nói bạn phải vận dụng lý luận, suy nghĩ, cân nhắc, đắn đo ..., tức là phải động não, một hình thức mất sinh lực trí tuệ. Điều này không có nghĩa là nói luôn luôn không có lợi vì mất sinh lực, mà vấn đề là nếu phải mất sinh lực thì nên sử dụng nó một cách hữu ích cho tha nhân, cho hòa bình chứ không phải cho cái vị kỷ hay cho chiến tranh, thù hận. Nhưng thử hỏi bao nhiêu lần bạn nói đã đem lại lợi ích cho mình và cho người so với lợi ích của việc bạn lắng tai nghe người khác nói hay bạn im lặng?
Tóm lại, cái khó vẫn là biết lúc nào nên nói và biết lúc nào nên nghe. Để giúp chúng ta có thể giải quyết khó khăn này một phần nào, tôi xin ghi lại dưới đây một số trong rất nhiều lời khuyên khác có liên quan đến lời nói và sự im lặng hay lắng nghe.
1. Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe.
2. Người hiểu biết thì nói, nhưng người khôn ngoan thì lắng nghe.
3. Làm tốt hơn nói.
4. Hay ăn thì đói, hay nói thì vấp.
5. Tránh nói những lời châm chích.
6. Đừng nói không khi chưa nghe hết câu chuyện.
7. Nói đúng lúc, nói đúng sự thật, nói có lợi, nói dịu dàng. (Lời Phật dạy)
8. Đừng sử dụng thời gian hay lời nói thiếu thận trọng vì cả hai không thể lấy lại được.
9. Trăm năm bia đá dẫu mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.
10. Lời nói khôn ngoan ít được người khác nghe bằng lời nói tử tế.
11. Nói những gì nên nói và chỉ nói đến thế thôi.
12. Con người nói giết thì giờ nhưng thì giờ thầm lặng giết con người.
13. Bốn cách trả lời của đức Phật: 1. Trả lời trực tiếp; 2. Trả lời bằng cách phân tách; 3. Trả lời bằng cách hỏi ngược lại; 4. Không cần trả lời mà im lặng.
14. Nếu bạn muốn người khác lắng nghe bạn nói, bạn nên để thì giờ lắng nghe họ nói.
15. Mỗi ngày nên nghe chút ít âm nhạc, đọc chút ít thơ, và xem một bức tranh đẹp để những việc làm bạn bận tâm trong cuộc sống không lấy mất những cảm giác về những nét đẹp mà trời phú cho con người.
16. Không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lời chia rẽ, không nói lời mắng ác. (Bốn điều thiện trong Thập Thiện)
17. Đừng ngắt lời người khác.
18. Trước khi phán xét hãy lắng nghe cả hai bên.
Tôn Thất Bàng
(Vietnet.com.au)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro