Quyển II - Chương 8
Hành trình Tương Tây liên tiếp xảy ra biến cố, Mạnh Kình Tùng không thể không từ bỏ ý định "khiêm tốn làm việc" ban đầu, liên lạc với trạm non quê.
Lệ thói quỷ non, "phường, trạm, đình, sào".
Tổng bộ gọi là phường, là nơi cư ngụ của người ngồi trên ngai vàng quỷ non, "Phường Quế Non" tuy nói khiêm tốn là đọc trại từ "quỷ non" ra nhưng thực chất cũng chỉ thiếu điều khua chiêng gõ trống thông báo với toàn thiên hạ mình là "phường quỷ non".
Mỗi núi một trạm, núi ở đây chỉ dãy núi, không phải là ngọn núi, "non quê" là lấy âm trại đảo vần của quỷ non, tỏ vẻ thấp hơn phường một bậc.
Ngọn núi lập "đình", đa số là xây phòng trà, mở khách sạn, làm nơi liên lạc trao đổi của hộ núi, "Vân Mộng Sơn" của Liễu Quan Quốc chính là nhà núi của núi Ngọ Lăng, gọi là "đình" nhưng tên không nhất thiết phải có chữ "đình", nhưng yêu cầu tên gọi phải xuất hiện chữ thể hiện là núi, bởi vậy nên tên nhà thường xuất hiện những chữ như phong (ngọn), nham (mỏm núi đá), tụ (hang núi), loan (đèo).
Nhà của quỷ non thì gọi là "sào", bởi thời thượng cổ, yêu ma non hoang ở sâu trong núi đều dựng sào xây sào để ở, dùng chữ "sào" là để thể hiện không quên xuất thân.
Nếu so sánh với cơ thể người thì phường là trái tim, đình là máu thịt, sào là làn da, trạm nằm dưới phường mới là khung xương chống đỡ cơ thể, có thể gánh hết sinh lão bệnh tử của hộ núi: quỷ non tài lực hùng hậu nhưng không phải để nuôi kẻ rỗi việc, thời xưa, trong mỗi trạm non quê đều treo "Bách Nghiệp Đồ", dùng cách phân chia xã hội thành trăm nghề, ba trăm sáu mươi nghiệp của thời Đường làm chuẩn, trên bức vẽ khổng lồ chằng chịt nét mực đen trắng họa đủ kiểu người, như đồ tể mổ thịt, thợ nghề thuộc da, thợ nghề rèn sắt, nghề ngỗ tác (*) các loại, ngày nào có người vào nghề thì lại dùng mực vẽ lên, lấy "trăm nghề đều làm, muôn hình vạn trạng, không phân chia cao thấp sang hèn, bao quát tất thảy" làm tiêu chuẩn xem xét – hộ núi từ khi chào đời đều được nhận một khoản "lương núi" khá khẩm theo tháng, có điều khoản lương núi này đều được coi là khoản vay mượn, chỉ đến khi chọn nghề vào nghiệp thì mới "xóa sạch nợ cũ, lương núi nhân đôi".
(*) Ngỗ tác là tên gọi của nghề khám nghiệm tử thi thời xưa.
Bách Nghiệp Đồ có thiếu sót, đối với người quản lý trạm non quê, tương đương với "bộ mặt xám xịt", có thể suy ra họ hết lòng hết dạ mực nào, "Tôi van ông đó, khu vực chúng ta còn thiếu nghề mổ lợn, ông chọn nghề này đi".
Vì không phải là để mưu sinh nên các hộ núi vào nghề lại thường có tâm tư đi nghiên cứu tỉ mỉ, đã tốt rồi lại muốn càng tốt hơn, ví dụ như người mổ trâu dần trở thành đầu bếp, mà đầu bếp thì dần thành nhà thẩm định món ăn, nói chung là nghề nào cũng xuất hiện lớp lớp tinh anh – có thể tạo điều kiện cung ứng, điều phối sai phái cả một bầy người đông đúc như thế, nói trạm non quê gánh được sinh lão bệnh tử của hộ núi cũng chẳng phải nói ngoa, tuy rằng đến giờ, xã hội phát triển lớn, nghề nghiệp cũng chia nhỏ ra thành rất nhiều, có vài lĩnh vực yêu cầu nhân tài quá mức phức tạp tinh vi, quỷ non khó mà chu toàn hết được, nhưng miễn cưỡng bù đắp chắp vá thì cũng ứng phó được hòm hòm.
Nhóm tiếp viện đầu tiên tới trại Bát Kháng chính là do trạm non quê dãy Vũ Lăng gần đây nhất điều động, khoảng chừng hơn ba mươi người, sau khi khám nghiệm hiện trường tìm kiếm manh mối, có vài người đưa thi thể Lưu Thịnh về trạm, chỉnh trang dung nghi cho thi thể để nhập liệm, những người khác thì theo Mạnh Thiên Tư về Vân Mộng Sơn.
***
Đêm đó Vân Mộng Sơn đèn đuốc sáng trưng, cả phòng lại lặng ngắt như tờ.
Hộ núi vào ở đều biết lão đại ở tầng ba, bỗng nhiên có thể ở chung một đình với sếp tổng, khó tránh khỏi câu nệ gò bó, cẩn thận từng li từng tí: đi nhẹ, thậm chí còn dùng cả đệm hổ; nói khẽ, có thể ra dấu thì nhất định không phát ra tiếng; bưng bát đặt đũa đều khẽ tay khẽ chân, làm như Vân Mộng Sơn xây bằng lá bài tú-lơ-khơ, tiếng động hơi lớn một chút cũng có thể rung đổ không bằng.
Bầu không khí này thậm chí còn ảnh hưởng cả tới Mạnh Kình Tùng, lúc y bố trí người canh gác xung quanh, toàn bộ quá trình đều hạ giọng thật thấp, tự cảm thấy mình chẳng khác gì đi làm trộm, nhìn từ trên xuống, người đến người đi trước nhà sau nhà đều im lặng không một tiếng động, thật đúng là kỳ dị.
Sau khi Mạnh Thiên Tư về phòng, việc đầu tiên cô làm là ngâm bồn.
Theo Tân Từ, ngâm bồn ở nhiệt độ nước 38° là một phương pháp tuyệt vời để giảm stress, đáng tiếc là hình như Mạnh Thiên Tư ngâm nước lâu bị nhũn xương, mệt mỏi rã rời, sau khi ra ngoài, vừa ngả người xuống giường la hán là hệt như bị lấy keo dính chặt xuống giường, hồi lâu không nhúc nhích, quanh người tỏa ra hơi thở người lạ chớ gần.
Tân Từ không để ý, bận rộn sấy tóc, thoa dầu dưỡng tóc cho cô.
Sấy tóc tới khô nửa, Tân Từ tắt máy sấy đi, an ủi cô: "Yên tâm đi, thế nào chuyện cũng sẽ tra ra được manh mối, giết người đền mạng, Lưu Thịnh sẽ không phải chết thiếu minh bạch đâu."
Mạnh Thiên Tư không đáp, dù có tra ra nguyên nhân cái chết, Lưu Thịnh cũng chẳng về được, một chàng trai còn trẻ như vậy, cuộc đời lại đột ngột kết thúc trên một lưỡi dao nhỏ, càng đáng thổn thức hơn là, mãi đến khi gã chết cô mới biết người này trông ra làm sao, trước đó, đối với cô, gã chỉ là một hộ núi núi Ngọ Lăng, một chân chạy việc bận trước bận sau.
Cô lẩm bẩm: "Đến giờ tôi vẫn chưa nghĩ ra là ai gây sự với chúng ta."
Tân Từ nói: "Chân tướng đang ở một nơi nào đó, chỉ là cô chưa lần ra đầu mối mà thôi."
Nói cũng như không, nhảm nhí, Mạnh Thiên Tư bực mình, chẳng buồn liếc hắn lấy một cái.
Tân Từ cười hì hì, tiếp tục tìm lời khuyên cô.
"Dựa vào mình Giang Luyện thôi có thể tìm được chuông vàng sao?"
Mạnh Thiên Tư cười khẩy: "Ai dựa vào mình hắn chứ? Chúng ta cũng không phải là không tìm, là tôi thấy hắn có chút bản lĩnh, cũng có chút đầu óc... Không dùng thì phí quá, hắn là người đứng xem, góc nhìn khác với chúng ta, cũng có thể phát hiện ra cái chúng ta không phát hiện ra được."
"Ngộ nhỡ hắn bằng mặt không bằng lòng, dùng thủ đoạn lừa gạt chúng ta thì sao?"
Mạnh Thiên Tư khẽ cười một tiếng, thân mình dựa nửa trên kỷ trà, lấy tay chống má, liếc nhìn Tân Từ: "Nhóc con, cậu còn non và xanh lắm."
Tân Từ nổi đóa: "Chúng ta bằng tuổi nhau đấy!"
Mạnh Thiên Tư nói: "Cậu có nhận ra là Giang Luyện một mực muốn phân rõ phải trái với chúng ta không?"
Có, hơn nữa nói năng còn rất có trật tự, Tân Từ cảm thấy Giang Luyện vẫn còn rất bình tĩnh: Tình hình hôm nay nếu đổi lại là một người tính khí nóng nảy, ăn nói vụng về, suy nghĩ rối loạn thì hậu quả hai bên đối đầu nhau quả thực là không dám nghĩ đến.
"Hắn gặp chuyện muốn phân rõ phải trái, có thể nói năng rõ ràng có lý, điều này chứng tỏ hắn là người phân rõ phải trái, mà người phân rõ phải trái thì luôn có một ranh giới mà họ không vượt qua được."
Tân Từ thắc mắc: "Là cái gì?"
"Phân rõ phải trái."
Tân Từ ngơ ngác: Cụm từ "phân rõ phải trái" trong miệng cô nghe còn lòng vòng xoắn lưỡi hơn cả "nồi đồng nấu ếch nồi đất nấu ốc".
Mạnh Thiên Tư giải thích: "Bởi vì hắn không rõ phải trái nên dù hắn có giỏi ăn nói giỏi biện luận thế nào đi chăng nữa thì nhắc tới dây chuyền của tôi, hắn đều sẽ đuối lý. Đúng là hắn vô tình giật mất, cũng vô tình làm mất, nhưng là hắn lấy đi, mất ở chỗ hắn, bởi vậy nên hắn chỉ có thể đi tìm, trừ phi hắn xỏ lá, nhưng người phân rõ phải trái thì lại không xỏ lá được."
Hình như cũng có lý, Tân Từ nghĩ ngợi: "Vậy nếu hắn bất tài, cuối cùng chẳng giúp được cái gì thì sao? Hai người bạn của hắn chúng ta vẫn giam giữ à?"
Mạnh Thiên Tư lườm hắn: "Không giúp được thì tôi còn nuôi họ cho họ ăn chùa không à?"
Cô vén lọn tóc dài rủ xuống ra sau tai: Dẫu Giang Luyện không tìm được chuông vàng về thì hình như mình cũng chẳng thể xuống tay thật, đe dọa thì đe dọa thế chứ có thể thực sự chém hắn được sao?
Nhưng cứ "bỏ đi" như vậy thì khó mà hả dạ: "Lúc đó tính sau, có bảo hắn lột da cũng quá lợi cho hắn rồi. Vô ý gây ra cũng là gây ra, dù sao cũng phải trả giá chút đỉnh."
Nói đoạn quay đầu nhìn bức tranh quỷ non trên tường: "Đúng không bà cố?"
Trên bức tranh thủy mặc có thể lờ mờ thấy xa xa có núi xanh thác đổ, phần rìa là một cây tùng xanh rắn rỏi, một con hổ lớn rực rỡ trên trán có chữ vương (王) đang nằm nhoài trên chạc cây to lớn như đang nằm chợp mắt, dựa trên lưng nó là một thiếu nữ đang độ xuân thì, vai trần chân trần, tay áo phất phơ trong gió, một tay biếng nhác chống má, sóng mắt lúng liếng, nhoẻn cười quyến rũ.
Mạnh Thiên Tư bảo Tân Từ: "Thấy không, bà cố nhà tôi cũng cảm thấy vậy đó."
Tân Từ chỉ cảm thấy hoang đường hết nói nổi, đang hậm hực thì Mạnh Kình Tùng đẩy cửa đi vào, trong tay cầm iPad và giá đỡ: "Thiên Tư, bác cả muốn nói chuyện với cô."
Me lớn... Cao Kinh Hồng?
Mạnh Thiên Tư ngồi bật dậy, nhìn Mạnh Kình Tùng, dùng khẩu hình hỏi hắn: "Anh nói hết rồi?"
Mạnh Kình Tùng hắng giọng: "Tôi nói chuyện của Lưu Thịnh, những cái khác cô tự cân nhắc đi?"
Từ xưa đến nay, chuyện sống chết vẫn luôn là lớn nhất, trước đây các hộ núi gặp nạn chết, tin tức xa tám trăm dặm cũng đều phải khẩn cấp gửi về Phường Quế Non, quy định này đến giờ vẫn không thay đổi, muộn nhất cũng không được để qua đêm.
***
Những cuộc trò chuyện thế này, dù là Mạnh Kình Tùng cũng không có tư cách nghe, y bèn dẫn Tân Từ cùng ra ngoài.
Mạnh Thiên Tư vội vàng ngồi thẳng dậy, hết vuốt thẳng tóc lại chỉnh trang vạt áo, cuối cùng mới quay mặt về phía chiếc iPad được dựng thẳng trong giá đặt trên kỷ trà.
Trong màn hình, me lớn Cao Kinh Hồng đang bỏ tách cà phê xuống.
Bà đã qua tuổi bảy lăm nhưng vì chịu khó giữ gìn nên trông mới chỉ hơn sáu mươi, sắc mặt hồng hào, mái tóc ngắn xám bạc uốn xoăn để xõa tự nhiên, phong cách rất giống kiểu tóc gợn sóng thời dân quốc, mặc âu phục màu trắng cổ tròn khuy vàng được may rất vừa người, trên tai đeo khuyên ngọc trai nạm vàng, môi tô một lớp son đỏ san hô nhạt.
Đã định là không thể bày hình tượng phụ nữ tinh tế trước mặt me lớn, Mạnh Thiên Tư bèn vò mẻ chẳng sợ sứt, chớp mắt thả lỏng rồi nịnh nọt: "Me lớn, trông me thời thượng ghê."
Cao Kinh Hồng cười khẽ, đến nếp nhăn nơi khóe mắt cũng khiến người xem cảm thấy thoải mái: "Bé Tư, ngồi ngay ngắn lại đi, con gái con đứa đừng bệ rạc như thế."
Mạnh Thiên Tư dứt khoát càng thêm tùy tiện hơn, cô nhìn bài trí sau lưng Cao Kinh Hồng: "Me lớn, me đang ở Phường Quế Non à?"
"Ở Thượng Hải, mấy ngày nay đang có buổi trình diễn nhạc kịch kinh điển của Broadway, bỏ qua đáng tiếc lắm."
Nói đến đây lại nhuốm màu cảm thán: "Mới đó mà đã nhiều năm vậy rồi, những năm ba mươi thời Dân quốc, me Đoàn của me đã xem chiếu bóng phim Mĩ ở đây, sau đó khi dẫn me tới, nơi này đã đổi tên thành Rạp Chiếu phim Bắc Kinh rồi, con nói xem, rõ ràng là ở Thượng Hải, để tên Bắc Kinh làm gì chứ. Bây giờ lại đổi lại rồi, có cả biển hiệu đèn led nữa, tên là Majestic, tiếc là me Đoàn đã ra đi từ lâu."
Mạnh Thiên Tư không tiếp lời.
Me Đoàn chính là Đoàn Văn Hi, Mạnh Thiên Tư không biết nhiều về bà lắm, chỉ nghe nói bà độc thân một đời, nhận Cao Kinh Hồng về làm con nuôi, kỳ thực Cao Kinh Hồng lớn lên sau giải phóng, song vì có người mẹ nuôi từng đi Tây này nên vẫn luôn ăn mặc kiểu Tây Âu.
Lúc này Cao Kinh Hồng mới cẩn thận quan sát cô: "Bé Tư, mắt con sao thế?"
"Lúc vào núi không biết bị con côn trùng lợi hại gì đốt nữa, không có chuyện gì lớn, chỉ là bị sưng lên nhìn xấu thôi me."
Cao Kinh Hồng cười: "Con thật là, chắc chắn là lại ngại phiền phức không chịu mang theo chuông vàng rồi đúng không, núi nguy hiểm hơn con nghĩ nhiều, bao nhiêu năm như vậy mà bọn me cũng chẳng thể hiểu rõ nó được – con phải mang nó theo đó, đó là bùa hộ mệnh của con."
Mạnh Thiên Tư không yên lòng, đang do dự không biết có nên nói thẳng chuyện chuông vàng ra hay không thì Cao Kinh Hồng lại cất tiếng: "Me đã nghe chuyện hộ núi Ngọ Lăng chết thảm rồi, chuyện này con phải tra đi, nhà quỷ non chúng ta không thể để người ta ngồi lên đầu thế được."
Mạnh Thiên Tư gật đầu: "Đương nhiên rồi ạ."
Nói xong câu này, cả hai bên đều yên lặng một lúc lâu, Cao Kinh Hồng không lên tiếng nhưng cũng không ngắt máy, lúc này Mạnh Thiên Tư mới cảm thấy bầu không khí có phần vi diệu.
Một lúc lâu sau, Cao Kinh Hồng mới bảo cô: "Bé Tư."
Giọng điệu nhiều thêm phần nghiêm túc, Mạnh Thiên Tư hơi thấp thỏm.
"Thực ra chuyến này me đến Thượng Hải cũng là để tiện đường kiểm tra sức khỏe, trưa nay ngủ còn mơ thấy me Đoàn."
Nói câu này nghe rất bình tĩnh nhưng câu nào câu đấy đều có ý khác, Mạnh Thiên Tư cũng không hỏi nhiều: Hiểu vậy là được rồi, có một số việc không cần phải làm quá rõ.
Cao Kinh Hồng cười nhẹ: "Me và các cô con vẫn thường nói, cuộc sống bây giờ tốt lành, bình an vô sự, con ngồi trên ngai vàng quỷ non, là người hưởng phúc nhiều nhất, muốn gì có đó, nghĩ gì làm nấy, thỉnh thoảng xảy ra chút chuyện cũng có Kình Tùng giải quyết cho rồi, không cần con phải nhọc lòng, con chỉ cần xinh đẹp tràn đầy sức sống ngồi đó là được. Giống y như là...hoàng đế trông giữ giang sơn vậy, lên triều một hồi, dạo vườn hoa một vòng, gió thổi không lạnh mưa rơi không ướt, chưa từng phải chịu khổ gì..."
Nghe đến câu cuối, bàn tay Mạnh Thiên Tư đặt bên người cuộn lại thành nắm đấm, môi hơi mấp máy như muốn nói gì đó xong lại thôi, sau cùng mỉm cười: "Số con tốt vậy đó."
Cao Kinh Hồng nói: "Phải, me cũng hiểu thế, cứ như vậy rất tốt, có thể cả đời như vậy là tốt nhất, nhưng lần này kiểm tra sức khỏe xong, me lại nghĩ, các cô bác con rồi sẽ đến lúc phải ra đi, lời cáo biệt này nói bắt đầu là bắt đầu ngay được."
"Bé Tư, me cảm thấy, thời điểm các cô bác con đều nhắm mắt xuôi tay chính là lúc bản thân con phải giải quyết mọi chuyện. Trẻ con ra ngoài bị ức hiếp sẽ chạy về tìm người lớn giải quyết cho, nhưng không ai có thể giải quyết hộ được cả đời, người già mà làm tay vịn thì thể nào cũng sẽ sụp."
"Trước đây lúc nào cũng sợ con phạm sai lầm, giờ nghĩ thông suốt rồi, sai cũng không quan trọng, nhân lúc các cô bác còn sống, sai rồi còn có thể sửa chữa chỉ điểm cho con. Chuyện đúng sai, không phải là đi đường này thì chính là đi đường kia, chỉ cần không phải đường cùng thì thế nào cũng sẽ đi tiếp được."
Mạnh Thiên Tư tranh luận: "Lỡ như là đường cùng thì sao?"
Cao Kinh Hồng nói: "Bây giờ con đang ở Tương Tây đúng không, Tương Tây có một đại văn hào, tên là Thẩm Tòng Văn, khi về già me Đoàn rất thích đọc sách của ông ấy."
"Ông ấy có câu thế này, 'Một chiến sĩ không phải chết trận nơi sa trường thì chính là trở về cố hương', me và các cô con cũng đã bảo nhau, bọn me nên thấy mệt, chuyện cần làm đều đã làm rồi, cũng nên uống ngụm trà, xem vở kịch, sống một cuộc sống nhàn hạ, chuyện trên đời có mượn thêm trăm năm thọ nữa cũng chẳng nhọc lòng hết được. Giờ giao lại gậy, đã đến lúc con nên ra sân."
"Con đường phía trước ra sao, kết thúc thế nào, con tự có vận mệnh của con. Cũng không thể sợ con chết sợ con thua, cứ bảo vệ mãi giữ gìn mãi như thế thì không nhắm mắt được – ngồi trên ngai vàng quỷ non không thể là một người khiếp nhược như thế."
Nói tới đây, Cao Kinh Hồng cầm vé xem kịch giơ lên vẫy vẫy trước camera: "Me ngủ đây, dưỡng đủ sức mới có tinh thần đi xem ca kịch."
***
Cuộc gọi kết thúc, Mạnh Thiên Tư ngồi thẫn thờ một lúc lâu.
Hơi rầu rĩ vì lời trong lời ngoài Cao Kinh Hồng đều có ý đại nạn lâm đầu, nhưng nhà có người già, ít nhiều đều phải chuẩn bị tâm lí này: cũng hơi vô lý, ở đây có người chết, me lớn lại chỉ vẫy vẫy vé xem kích, nhẹ nhàng tỏ vẻ mình không liên quan – có điều nghĩ lại, người không còn nhiều thời gian có tư cách tùy hứng mà.
Một chiến sĩ không phải chết trận nơi sa trường thì chính là trở về cố hương, câu này dùng để ẩn dụ cuộc sống của một người dường như cũng đúng: thời niên thiếu chuẩn bị chiến tranh, lớn lên rồi là trên sa trường, khi về già chính là cố hương, biết bao người chết trên sa trường, không thể trở về cố hương.
Trong vận mệnh của cô cũng chẳng biết có ngày trở về cố hương hay chăng.
Thẫn thờ một lúc, Mạnh Thiên Tư lấy điện thoại nhắn tin cho Mạnh Kình Tùng.
Mang bản đồ núi Tương Tây lên cho tôi.
***
Bên này, Cao Kinh Hồng buông vé xem kịch xuống nhưng lại không đi ngủ ngay, tay bà hơi run run, nói nhiều như vậy, thở có hơi khó thông.
Liễu thư nhi bên cạnh vội tới vuốt lưng cho bà.
Liễu thư nhi phụ trách chăm sóc sinh hoạt hằng ngày cho Cao Kinh Hồng, lúc mới nhận chức thì đúng là một thư nhi, giờ đã là gái có chồng rồi. Thím không thích trang điểm, cũng không mặc quần áo sặc sỡ, trước giờ vẫn luôn chỉnh trang cho mình thật gọn gàng nhanh nhẹn.
Cao Kinh Hồng khoát tay, ra hiệu mình không sao, lại hỏi chị: "Có tin tức gì của ông Cát chưa?"
Liễu thư nhi thuận tiện thu giá đỡ lại: "Ý bà là ông Cát Đui Lớn ạ? Không có, chỉ biết ông ấy chắc chắn đang ở phía bắc Trường Giang, du hành khắp nơi. Ôi, cũng thật đáng tiếc, có tài đoán quẻ xem số tốt như vậy mà lại tự chà đạp mình thành ra y như một kẻ lang thang, haiz..."
Thím hạ giọng, nghe có vẻ thần bí: "Em nghe người ta nói, làm nghề như họ, nhìn thấu vận mệnh trần thế, để lộ quá nhiều thiên cơ, thường đều không tránh khỏi 'nghèo khó, chết yểu, cô quả'. Không phải ông ấy có một cậu em à, Cát Đui Bé, nghe nói sống cũng không tốt, đã sớm đui mù rồi."
Dòng nhà họ Cát có hai anh em, Cát Lớn Cát Bé, là hảo thủ đoán quẻ xem số độc nhất vô nhị, nhầm, độc nhị vô tam trên đời.
Dòng đoán quẻ này chỉ bát quái trong Chu Dịch, tuy nói phức tạp huyền diệu nhưng trên đời cũng không thiếu người tinh thông, có một số đại học lớn còn mở lớp giảng dạy, chuyện nghiên cứu Kinh Dịch, bởi vậy nên hai anh em họ Cát biết đoán quẻ cũng chẳng phải việc gì hiếm lạ, hiếm là ở chỗ cặp đôi bảng hiệu này có thể xem được số mệnh người.
Có điều, vẫn câu cũ, thiên cơ bất khả lộ, mắt xem nhiều những cái không nên thấy tất sẽ bị tổn thương, người nhà họ Cát cứ có tuổi là về cơ bản đều sẽ mù.
Cao Kinh Hồng thở dài: "Cát Đui Bé thì thôi khỏi nói, nghe bảo lão đó lòng dạ bất chính, vì tiền chuyện bẩn gì cũng làm được, nhưng ông Cát Lớn thì sao có thể so cùng lão ta được chứ? Ông ấy không vừa mắt thủ đoạn của em mình, lấy Trường Giang làm ranh giới phân chia với Cát Bé, một người không xuống Giang Nam, một người không qua Giang Bắc, tức là cả đời không gặp. Hơn nữa, ông Cát Lớn rất có thể vì xem số cho bé Tư nên mới mù! Cô sao vẫn cứ không biết kính trọng thế chứ, mở miệng ra là gọi xằng gọi bậy 'đui mù' lung tung."
Liễu thư nhi nín bặt, thím có biết chuyện năm đó.
Đó là năm Mạnh Thiên Tư bắt vòng núi.
Bắt đồ vật đoán tương lai là tập tục truyền thống của người Trung Quốc, vào năm đứa trẻ tròn một tuổi, bày đủ loại đồ vật trước mặt nó, xem xem nó bắt lấy cái gì, sau đó dự đoán hướng đi nghề nghiệp tương lai của nó, ví dụ như bắt con chuột máy tính thì là sẽ làm lập trình viên, bắt gậy selfie thì rất có thể sẽ khí thế ngất trời làm livestreamer.
Bắt vòng núi thì khác, bắt vào năm ba tuổi, cái bày trước mặt là trăm ngàn núi non – dùng đá lấy từ trăm ngàn ngọn núi tới tạc thành hình những quả trứng lớn, bày kín khắp phòng, quỷ non phải thân núi, bắt cái nào thì đó chính là núi bản mạng.
Còn bởi "ba tuổi xem tám mươi (*)" mà mời ông Cát Lớn tới xem số cho Mạnh Thiên Tư, vậy nhưng hoàn toàn không ngờ rằng ngã rẽ nằm chuyện "xem số" này.
(*) Ý nói có thể dự đoán được tích cách của một người từ năm người đó ba tuổi cho đến năm tám mươi tuổi, tức bản tính.
Cát Lớn xem không ra.
Nói chính xác thì ban đầu rất ổn, thời niên thiếu thông thuận, nhưng sau khi trưởng thành thì ông ta càng xem càng khó khăn, cuối cùng triệt để không xem ra được, theo lời ông thì dường như có một thế lực thần bí nào đó ngăn cản ông, hoặc giả, rãnh vực nằm ngang trước mặt quá lớn, ông không bước qua được.
Điều này rõ ràng chẳng phải dấu hiệu tốt lành gì, Cao Kinh Hồng nổi lên tâm lý giấu bệnh sợ thầy, cảm thấy không tra không hỏi không tìm hiểu kĩ thì sẽ không sao, nghĩ coi như không có gì, nhưng Cát Lớn khi đó đang độ tráng niên, kiêu ngạo vô cùng, nhất định phải xác thực bản thân cho bằng được. Ông tự nhốt mình trong phòng, trên bàn bày đầy vật riêng của Mạnh Thiên Tư, ví dụ như ảnh chụp, dấu chân in xuống sau khi sinh ra không lâu, giấy ghi bát tự, tóc máu...
Nhốt mình một ngày một đêm, cũng xem một ngày một đêm.
Hôm sau, tiệc tàn, tiễn khách, Liễu thư nhi đi xem Cát Lớn, không gõ cửa, gõ cửa không thấy ra, gọi cũng không trả lời, thím sợ xảy ra chuyện không may, lấy chìa khóa dự bị ra mở cửa, vừa vào phòng lập tức ngây người.
Cát Lớn ngồi trơ trước bàn, cũng không biết đã hao tổn bao nhiêu sức lực mà hai má hóp lại, đôi mắt mở trừng, con ngươi không một tia sáng nhìn thím chằm chằm, nhìn lại lần nữa, trong tròng mắt mọc đầy vụn màng trắng như mù lòa.
Liễu thư nhi sợ hết hồn, lảo đảo chạy đi tìm Cao Kinh Hồng, đợi đến lúc hai người quay lại, Cát Lớn đã không thấy đâu nữa.
Trong phòng ngổn ngang lộn xộn, đồ đạc ném lung tung khắp sàn, còn có vài mảnh giấy viết chữ bay xuống.
Cao Kinh Hồng nhặt tờ giấy nhiều chữ nhất lên, Liễu thư nhi tò mò, cũng sáp lại xem.
Là một bài kệ.
"Trước là vinh hoa sau mênh mang, đoạn tục rời cành tiến đại hoang.
Núi không thành tiên nhận vải mục, nụ cười người đá trơ tháng năm."
...
Cao Kinh Hồng ho khan, Liễu thư nhi hoàn hồn, vội đấm lưng cho bà, lại bưng nước qua: "Chị Hồng, chị đừng lo lắng quá, không phải ông Cát Lớn đã nói thực sự xem không ra sao, kinh kệ, chính ông ấy cũng không tham khảo ra được là nói gì – chuyện không xem ra chắc gì đã là chuyện xấu, lỡ là chuyện tốt thì sao?"
Cao Kinh Hồng nhấp một ngụm nước, cơn ho hơi hoãn lại, mặt ửng đỏ vẻ ốm đau, lẩm bẩm: "Nói thì nói vậy nhưng tôi cứ thấy bất an, chỉ sợ bé Tư nhà mình...mệnh không tốt."
Share this:
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro