6
"Em quá hồ đồ rồi! Sao có thể nghĩ đến chuyện tự tử thế Cẩm Diệp?"
"Ngay cả chết cũng không được quyền sao?" Cẩm Diệp hỏi lại.
"Nhưng không phải là trước mắt anh, không phải là trước xe ngựa của Thành hay dưới mũi kiếm của anh ta."
"Ra là em có thể chết, miễn là âm thầm!"
Văn Thuỷ cứng họng khi bị Cẩm Diệp vặn vẹo. Tại sao một người tinh thần bất ổn như nàng vẫn có thể nói ra những lời sâu cay đến thế?
Văn Thuỷ tức giận nhưng không biết phải dùng lời lẽ nào với em gái đáng quý của mình. Anh bỏ lên phía trước, chiếc quạt nan phất liên hồi khiến tóc anh tung bay. Sau vụ ngày hôm nay, Văn Thuỷ đã hiểu tại sao cậu Thành không bao giờ muốn tính chuyện cưới xin với Cẩm Diệp.
Làm cho anh trai tức lại khiến Cẩm Diệp có đôi phần nhẹ nhõm, như thể vớ được một bao cát và đấm liền hồi vào đó vậy. Nàng ung dung đưa mắt ngắm cảnh. Họ đang đi qua một cái hồ rất rộng trong thành. Từ trên cao nhìn xuống, mặt hồ xanh biếc như một hòn ngọc được khảm vào một cái đĩa lớn. Nối hai bên hồ là một chiếc cầu lớn bằng đá. Ở phía chân cầu bên kia có một cây liễu già. Những rặng liễu rủ xuống như mi mắt thiếu nữ, chấm nhẹ vào lòng nước lặng im. Cẩm Diệp cảm thấy khung cảnh này rất thơ mộng, nhưng sao lại buồn quá? Có lẽ nỗi buồn trong nàng đã nhuộm lây sang tất cả. Khiến những con người, những mái nhà, cây cối, hoa cỏ, dòng nước đều có dáng vẻ của ưu phiền.
Đến bây giờ Cẩm Diệp vẫn không rõ đêm hôm ấy Ren có đợi mình hay không, nhưng ít nhất thì chàng không bị Thành bắt lại. Cẩm Diệp thật sự mong Ren sẽ được an toàn, dù cho giấc mộng được ở bên chàng vẫn làm nàng đau đớn, xót xa như vết bỏng mới vỡ nang nước.
Thấy em gái gây chuyện lớn mà vẫn như người trên mây trên gió, Văn Thuỷ lập tức dừng bước. Anh quay phắt lại nhìn nàng, nheo mắt đầy suy tư. Phải làm gì đó khác biệt thì mới mong cứu được Cẩm Diệp. Nó là người đã quen với cảnh an nhàn, quen được người khác chiều chuộng nên ân cần với nó cũng vô ích. Nhưng anh không thể một mạch vứt bỏ, hay đối xử tệ với nàng được. Chính anh cũng không muốn điều đó. Trừ khi có một sự vụ khiến nàng phải kinh hãi. Sự vụ ấy phải lớn hơn, tàn khốc hơn chuyện mà nàng đang trải qua.
Như nghĩ ra được gì đó, thần thái của Văn Thuỷ bừng lên như nắng. Anh thu quạt lại theo cái cung cách vẫn thường làm, chạy đến kéo tay Cẩm Diệp.
"Đi thôi!"
"Đi đâu ạ?
Cẩm Diệp không hiểu Văn Thuỷ định làm gì. Anh vốn là người có nhiều ý tưởng lạ, tâm hồn phóng khoáng. Dễ là lần này anh lại đưa nàng vào một chuyến phiêu lưu nào đó.
Hồi còn bé, chính Văn Thuỷ là người khiến nàng bị ngã gãy chân vì trèo lên mái nhà ngắm sao. Anh nói ngắm sao trên cao thì sẽ thấy được sao băng. Nàng tin anh lắm nên chẳng lo nghĩ gì, cùng anh trèo lên mái nhà rồi trượt chân rơi xuống. Sao băng thì không thấy, nhưng cái quấn đầy băng bó thì thấy rõ lắm rồi!
Văn Thuỷ úp mở: "Cứ đi theo anh."
"Gượm đã, anh đi nhanh quá!"
Văn Thuỷ giảm tốc độ, anh quay lại cười với Cẩm Diệp: "Không thể lấy độc trị độc với em được. Anh phải để em thoát ra khỏi cái kén của mình."
Cẩm Diệp vẫn không hiểu được ý của Văn Thuỷ, nhưng vẻ hào hứng của anh cũng làm nàng tò mò quá chừng.
Văn Thuỷ dẫn Cẩm Diệp đi qua dãy chợ, vòng ra sau những ngôi nhà lớn, rồi quặt vào một con ngõ hẹp. Con ngõ sâu hun hút chẳng biết sẽ dẫn tới đâu. Cẩm Diệp chắc chắn rằng nếu nàng muốn đi dạo ngắm cảnh chắc chắn sẽ không tìm tới nó.
Đi càng sâu vào mới càng thấy đây không chỉ là con ngõ bình thường. Trên bức tường đã phủ rêu, có rất nhiều những câu thơ tục tĩu mà khó hiểu. Lẩn quất trong không khí còn là một mùi rất nồng của tinh dầu hoa hồng. Gần tới cuối ngõ thì Cẩm Diệp nghe thấy tiếng đàn và tiếng người lẫn lộn, dọc hai bên lối treo rất nhiều đèn hoa.
"Đây là đâu thế Văn Thuỷ?" Cẩm Diệp nhìn xung quanh, lạ lẫm hỏi.
Văn Thuỷ im lặng, dần dừng bước. Cho đến khi cả hai đứng trước một cánh cổng bằng gỗ đơn sơ, như thể chỉ dựng lên tạm bợ chứ chẳng có mục đích che chắn gì thì anh mới đáp: "Ngõ Hoa."
"Ngõ Hoa ư?"
"Ừ, chắc hẳn em chưa bao giờ tới nơi đây." Văn Thuỷ đi qua đi lại, giọng giảng giải. "Đây là nơi mà mọi đàn ông trong thành đều biết."
Cẩm Diệp nhíu mày, hồ nghi trước lời anh trai nói.
"Đại để là nơi buôn hoa bán phấn của các cô gái."
Cẩm Diệp giật mình. Hoá ra cái cổng tồi tàn này là để che mắt mọi người. Tuy vậy, nàng không hiểu sao Văn Thuỷ lại đưa mình tới đây? Nó có liên quan gì đến việc vực dậy tinh thần của nàng?
Văn Thuỷ đặt một tay lên cánh cổng gỗ, nói: "Em sống sung sướng quá rồi nên với em, tình yêu là lý tưởng sống. Thế là không tốt đâu!"
"Tại sao lại không tốt?"
"Vì cuộc đời này còn nhiều thứ đáng để ta phải đau buồn hơn thế nữa."
"Và anh đưa em đến đây để xem những kẻ dâm ô tằng tịu với nhau?"
Văn Thuỷ lắc đầu: "Ngược lại, anh muốn em phải nhìn ra đằng sau cái sự dâm ô ấy. Hãy xem những người phụ nữ này hằng ngày phải sống thế nào trước đám đàn ông dung tục. Với họ tình yêu là gì? Cuộc sống là gì?"
Cẩm Diệp không hài lòng, nhưng tò mò nên vẫn theo chân Văn Thuỷ bước vào.
Là người dễ động lòng trước cái đẹp, Cẩm Diệp chẳng hy vọng bản thân sẽ được giải khuây ở cái chốn buôn hoa bán phấn này. Những điều anh trai muốn là xa vời, hoặc có thể không hợp với nàng. Nếu để nói về lý do tại sao nàng đồng ý vào Ngõ Hoa cùng Văn Thuỷ thì chỉ có thể là: Muốn xem những người trong này dung tục đến đâu.
Khác với vẻ tồi tàn của cánh cổng, bên trong Ngõ Hoa là một không gian diễm lệ. Một bức bình phong lớn theo lối tranh thuỷ mặc chắn giữa khu vực tiếp đón và khu vực nhận khách. Có một cô gái mặc áo lụa hồng ngồi bên bàn gỗ, một bên mặt cô dựa lên cổ tay mảnh dẻ, vai để trần, tay còn lại cầm quạt phe phẩy, lả lơi.
Vì là buổi sáng nên Ngõ Hoa không có nhiều khách. Nếu có cũng chỉ là mấy dân buôn địa phương, khách lãng du. Vừa thấy Văn Thuỷ bước vào, khuôn mặt mệt mỏi của cô gái áo lụa đã được thay bằng vẻ đon đả, nhưng nhìn qua Cẩm Diệp, đôi mắt cô lập tức tối sầm.
"Ôi hân hạnh, hân hạnh cho tệ quán này." Cô gái áo lụa ngúng nguẩy bước đến, rất tự nhiên mà khoác tay Văn Thuỷ kéo anh vào. Rõ ràng cô không có ý muốn mời Cẩm Diệp đi theo.
Tuy bị kéo thẳng vào trong, nhưng Văn Thuỷ vẫn kịp vẫy tay với Cẩm Diệp. "Vào đây Diệp."
Cẩm Diệp nâng váy áo, nhón nhẹ chân như sợ sẽ làm nền nhà bên dưới kinh động vì sự xuất hiện của nàng. Rõ ràng nàng không hợp với nơi này, nhìn sự dửng dưng của cô gái vừa rồi là biết. Nhưng nàng vẫn ở nơi đây đó thôi!
Đằng sau bức bình phòng là một thế giới còn diễm lệ hơn cả. Đó là một gian phòng rất rộng, trần cao đến cả trăm thước. Ở giữa sàn nhà lát đá cẩm thạch với hình một đoá sen trắng bung nở. Cẩm Diệp cười thầm. Ý họ là sao? Tự nhận mình "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn?"
Dừng lại với những suy nghĩ khinh thường không được bao lâu, Cẩm Diệp đã thực sự được mở mang tầm mắt khi đột nhiên có một nàng ca vũ từ trên cao hạ xuống. Hai ống tay áo dài chục thước, trang sức lấp lánh, ánh mắt đa tình nhưng rất biết điểm để rơi. Nàng ăn vận kín đáo, chẳng loã lồ mà vẫn ám mùi nhục dục. Rồi nàng đá một chân, một dải lụa từ bên dưới tà váy dài bung ra, đá một bước nữa, lại một dải lụa khác trải rộng. Nàng múa như thể nàng là gió, cơn gió cuộn mình thành một khối làm đảo điên tất cả đứng gần bên.
Tiếng trống thùng thùng vang lên, Cẩm Diệp mở to mắt như không tin được là ca vũ đó chẳng cần múa trong tiếng nhạc. Vậy mà nàng cứ nghĩ rằng có tiếng nhạc réo rắt bên tai. Thật kỳ lạ làm sao!
Với Cẩm Diệp, đây chính là cái đẹp. Một cái đẹp có sức hút hơn bất cứ cái đẹp nào trên đời. Không khoa trương mà vẫn làm người ta trầm trồ. Như sen tự biết mình thanh khiết, không cần cất lời thanh minh.
Hoá ra ở thành Minh Sơn này còn quá nhiều cái đẹp bị cất giấu. Hoặc là những cái đẹp ấy bị cho là không sạch sẽ nên bắt buộc phải ém đi?
Thấy Văn Thuỷ và Cẩm Diệp mải mê trước màn múa của nàng ca vũ, cô gái áo lụa liền tiến đến giới thiệu: "Đó là Mai, người duy nhất còn trinh chốn này đấy."
Văn Thuỷ đằng hắng giọng, hai má ứng hồng: "Tôi có thể biết lý do không?"
"Không ai đủ tiền để mua."
"Cô ấy bán nó với giá ra sao?"
"Cậu lớn đây muốn mua?"
"Ta..." Văn Thuỷ lại đỏ mặt. Anh nhận ra mình đang hỏi giá cái ngàn vàng của một cô gái bán dâm ngay trước mặt em gái. Điều đó khiến anh càng ngại ngùng hơn.
Cẩm Diệp bụm miệng cười, nàng véo tay anh trai: "Không sao đâu anh cứ tự nhiên, em hiểu mà."
"Đừng có nghe chuyện người lớn."
"Ô kìa, chuyện người lớn cơ đấy. Em cũng đến tuổi kết hôn rồi đấy nhé."
Không ai nhận ra, khuôn mặt buồn rầu của Cẩm Diệp đã có chút vui tươi. Thậm chí còn hiện lên những nét nhí nhảnh và tinh nghịch hiếm thấy.
"Tôi có thể biết danh tính hai vị không? Chúng tôi không tiếp quan lại, quân triều đình đâu đấy." Cô gái áo lụa nói luật đã thành văn ở đây. Tất nhiên, đây là luật sinh ra để lách. Họ đặt như vậy chỉ muốn nói rằng đây là cơ sở không được cấp phép hành nghề. Những nơi được cấp phép sẽ không có chuyện trao đổi thân xác, những cô gái trong các cơ sở ấy chỉ mãi nghệ mà thôi.
"Yên tâm đi. Chúng tôi là con của ông Phúc. Thương gia buôn vải." Văn Thuỷ vỗ ngực tự xưng. Anh chỉ sang Cẩm Diệp. "Còn đây là em gái tôi."
Đi mua hoa lại kéo cả em gái theo? Nhà này thật quái gở. Cô gái nghĩ trong lòng, nhưng vẻ mặt vẫn niềm nở lắm. Tuy nhiên, cô vẫn có một chút dè chừng với Cẩm Diệp.
"Chị tên Nguyệt, chị nghe danh em trong thành Minh Sơn này đã lâu mà bây giờ mới có dịp gặp mặt. Thật là sắc nước hương trời!"
Cẩm Diệp cúi đầu xấu hổ. Nếu là trước kia chắc cô sẽ chẳng mảy may để tâm những lời khen, lời xu nịnh của người khác. Nhưng sau khi chiêm ngưỡng tài nghệ của Mai, nàng có nhận ra chút ẩn ý trong lời của Nguyệt. Cứ như thể cô ta đang giễu nhại nàng vậy.
Văn Thuỷ lấy từ trong ngực áo ra một ít tiền, dúi vào tay của Nguyệt, nói: "Em gái tôi muốn tìm hiểu chốn này để..." Văn Thuỷ chưa tìm được lý do hợp lý nên hơi bối rối.
Cẩm Diệp lập tức đỡ lời: "Viết. Tôi chuẩn bị dựng một vở tuồng về nơi như thế này."
"Đúng rồi đúng rồi, em gái tôi muốn thế đấy."
Nguyệt hồ nghi, song nhìn xuống đống tiền lại nói cười giả lả: "Thế thì hời cho tệ quán rồi. Nhưng hai người phải ký cam kết."
"Ký cam kết?"
"Hầy, chỉ là chút thủ tục thôi. Nhỡ có mấy người không vừa ý với cách phục vụ lại tố cáo chúng tôi."
"Thế cam kết cái gì?"
"Đây là nơi mãi nghệ. Khách đến nghe hát và xem múa. Nếu có cáo buộc mua dâm, thì đó hoàn toàn là vu khống, khách phải dùng tính mạng để đảm bảo và chứng minh."
Văn Thuỷ và Cẩm Diệp nhìn nhau. Sau đó họ đồng thanh đáp: "Ký thì ký."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro