5
5.
Bảng công báo thành Minh Sơn mấy hôm nay trở thành tụ điểm để người dân đến bàn chuyện. Cũng bởi trên tấm bảng ấy là ba bản truy nã. Trong đó có một bản truy nã dành cho Ren – gã nghệ sĩ từng được săn đón nhất thành.
Trước khi chìm vào cuộc sống ẩn dật, Ren không chỉ là thần tượng của các cô gái mà còn được coi là bảo vật của trường Cao đẳng Mỹ Thuật. Chàng là một nghệ sĩ chính chuyên. Tức là có học hành chuyên ngành bài bản, ra trường thì chỉ hành nghề hoạ sĩ. Các bức tranh của Ren hầu hết theo trường phái Tượng Trưng, chúng được vẽ bằng màu bột trên giấy do chàng tự nhuộm bằng hoa, cỏ, vỏ cây... Đối tượng mà Ren thể hiện hầu hết là phụ nữ - phái đẹp và là cái đẹp duy nhất trong lòng chàng. Cũng bởi tư tưởng nghệ thuật đó, Ren có cơ hội được tiếp xúc với nhiều thiếu phụ, khuê nữ trong thành. Cẩm Diệp cũng từng là một người được Ren chọn để sáng tác.
Có thể thấy, Ren không phải một kẻ mạt hạng, ngược lại, chàng được giới quý tộc và đám nhà giàu săn đón. Họ muốn có tác phẩm của chàng, muốn được chàng vẽ và muốn kết bạn với chàng. Khoảng một năm trở lại đây, Ren tuyên bố ngừng vẽ chân dung thiếu nữ - đề tài làm nên tên tuổi của chàng. Không một câu giải thích, không có sự phân vân. Lời tuyên bố của Ren làm bao người tiếc nuối nhưng vẫn mong chờ một ngày nào đó chàng sẽ quay trở lại.
Bẵng đi một thời gian, khi người ta dần quên đi Ren để đến với những nhà nghệ thuật mới thì đùng một cái, chàng đã bị đề tên trong bản truy nã mang tầm quốc gia.
"Phí quá, đang yên đang lành lại đi làm chính trị."
"Chính trị cái của khỉ gì? Đây là phản quốc."
"Nó là người Hoàng Thống, đâu thể coi là phản quốc."
"Ừ nhỉ, thế là tận trung với quốc gia."
"Ha ha, nhưng cũng thật phí quá! Đang sống quang minh chính đại, ăn sung mặc sướng, giờ thì phải sống chui sống lủi."
"Đảo An Đảng cũng biết chọn người đấy. Nghe đâu tên Ren này nhiều tiền lắm."
"Phải tôi thì tôi cũng chọn thế."
Đám dân đen không ngừng bàn tán, ai ai cũng lắc đầu tiếc nuối cho Ren. Thật ra trong mắt họ, hạnh phúc là được sống trong nhung lụa, có kẻ hầu người hạ. Cho nên họ không hiểu tại sao một người mang giấc mơ của rất nhiều người lại chọn lựa con đường ngu ngốc đến thế.
Khác với vẻ nhốn nháo bên ngoài đường, trong nhà ông Phúc lại im ắng đến mức căng thẳng. Tại gian chính, ông Phúc chắp hai tay ra sau, đi đi lại lại. Thi thoảng như nhớ ra gì đó, ông lại tới chân cầu thang và ngó lên trên phòng của Trúc Diệp.
Văn Thuỷ tóc dài đến lưng, một nửa tóc cài trên một cây trâm giống hệt với cây trâm của Cẩm Diệp. Khuôn mặt anh khá giống ông Phúc, nhưng tướng không phốt phát như vậy. Ngược lại, Văn Thuỷ có chút gầy nhỏ, lại ăn mặc tuỳ hứng, lẫn lộn tây ta trong những bộ quần áo rộng nên trông anh như một cây bù nhìn trong tấm vải luộm thuộm.
Mấy ngày trước bận đi tỉnh Giao Niên – quê hương của một người bạn có chút việc nên Văn Thuỷ không hay được những diễn biến ở nhà. Anh chỉ nghe cha báo tin em gái đã được định hôn cho con trai trưởng của cựu án sát Phạm Hùng.
Văn Thuỷ từ bên ngoài đi vào, dáng vẻ vô cùng sốt sắng. Theo sau anh là một thằng hầu chừng mười bảy tuổi. Khác với những thằng hầu khác, trông nó vô cùng sạch sẽ và mang những nét thư sinh hiếm thấy. Văn Thuỷ thu lại chiếc quạt nan. Thằng hầu đưa ta ra đón lấy. Anh bước về phía cha hỏi: "Sao rồi cha? Cẩm Diệp đã tỉnh lại chưa?"
Ông Phúc lắc đầu: "Thầy lang vẫn đang khám."
"Sao lại ra cơ sự này? Con tưởng Ren bị trục xuất rồi?"
Ông Phúc thở dài: "Lỗi do cha đã làm không kĩ. Thật may là cậu Thành không truy cứu, nhưng nghe chừng cuộc hôn nhân có vẻ khó khăn."
"Giờ này còn hôn với nhân gì nữa! Cậu Thành không xét tội đã là phước báu lắm rồi cha ạ."
Từ phòng của Cẩm Diệp có tiếng động, hai người ngừng câu chuyện và trông lên. Thầy lang già gần tám mươi tuổi cận trọng bước xuống từng bậc thang. Tuyệt nhiên không có ai dám giục giã.
"Bên ngoài thì không có vấn đề gì, nhưng tinh thần đáng lo đấy. Tiểu thư hoảng loạn lắm. Tạm thời tôi chỉ kê được vài thang thuốc định thần thôi." Thầy lang già râu tóc bạc phơ như một vị tiên, đã hành nghề y qua hai đời vua. Già trẻ lớn bé ở thành Minh Sơn này đều hay tiếng của ông và được ông bắt bệnh nên kính nể ông lắm. Ngay cả những vị quan lớn quyền lực là thế, gặp ông cũng phải cúi đầu khiêm nhường.
Khi nghe thầy lang già phán bệnh, ông Phúc ngập ngừng chắp tay thưa: "Xin thầy cho biết thêm là...cái sự trinh trắng của con gái nhà con vẫn còn chứ?"
Văn Thuỷ có vẻ không hài lòng với câu hỏi của cha, anh chép miệng: "Ấy chết, sao cha lại hỏi thế? Thầy làm sao mà bắt ra được cái đó."
"Sao lại không?" Ông Phúc quặc lại. "Thầy giỏi như thế kiểu gì mà chẳng biết! Tao hỏi vậy cũng là lo cho em gái mày thôi."
"Cha sợ nó không có ai rước à?"
"Không có ai rước chính là khổ đấy con."
Trong lúc cha con họ tranh cãi, thì thầy lang chỉ từ tốn liếm nhẹ đầu bút lông, chấm lên nghiên mực rồi bắt đầu viết tên các loại thuốc. Sau khi kê xong toa, thầy lang già mới giảng giải: "Thần dương chưa bị tổn thương, cứ yên tâm đi."
Cha con ông Phúc nhìn nhau, khuôn mặt giãn ra nhẹ nhõm.
Lúc tiễn thầy lang ra cổng, ông Phúc còn đưa thêm rất nhiều vàng bạc, nhờ thầy loan tin con gái ông vẫn còn trinh trắng cho các bệnh nhân khác. Là người thức thời, ông Phúc hiểu rõ chuyện cưới xin với nhà cựu án sát Phạm Hùng đã đổ sông đổ bể thật rồi. Tuy cậu Thành không làm lớn chuyện, nhưng cũng có vài tin đồn về việc con gái ông qua lại với Ren - kẻ đang bị truy nã. Điều ấy là một bất lợi trên con đường tìm thông gia tương xứng của ông.
Khoảng ba ngày sau, Cẩm Diệp đã bình phục nhưng tâm trạng vẫn u uất lắm. Nỗi buồn khi mất Ren được nhân lên gấp bội, cuồn cuộn trong nàng như sóng ngầm. Cả ngày nàng không thiết gì cả, cơm canh không buồn động, môi không hé nửa lời mà chỉ tựa cửa nhìn xa xăm. Mặc cho anh trai hay cha có ngọt nhạt gặng hỏi thì nàng vẫn không hé môi tiết lộ về sự việc ngày hôm đó. Cẩm Diệp không biết Thành đã đưa nàng về bằng cách nào, càng không rõ anh ta đã trình báo sự việc với cha nàng ra sao. Nhưng nàng không quan tâm. Tất cả những gì nàng nghĩ lúc này chỉ là những hình ảnh mông lung về Ren, nhưng lát cắt vụn vỡ lúc nằm dưới tay lính tráng khốn kiếp ấy. Chúng như lưỡi cày sắt xới tung nàng lên. Chính sự đối nghịch trong từng hình ảnh đã khiến Cẩm Diệp không còn sức lực để sống. Nàng cứ như một cái cây không được tưới nước, chết dần chết mòn dưới sức nóng của mặt trời.
Tuy không nói gì, nhưng Cẩm Diệp rất biết nghe lời. Ai nói nàng uống thuốc thì nàng uống, nhắc nàng đi nghỉ thì nàng lên phòng. Chỉ cần không bắt nàng phải kể chuyện là được.
Ông Phúc và Văn Thuỷ như ngồi trên đống lửa, bất lực không biết phải làm gì trước tình cảm của con gái, em gái mình.
"Cha xem thế nào chứ cứ để thế này không ổn đâu. Em con trời sinh yếu đuối tận tâm, chỉ chút chuyện cũng làm nó khổ sở trăm bề. Hay là giờ con đưa em ra khỏi thành du ngoạn cho khuây khoả? Biết đâu non sông An quốc sẽ làm bớt buồn."
Ông Phúc thở dài, gật gù suy tính: "Cũng được, nhưng cha sợ giờ nó đang nằm trong tầm mắt của cậu Thành. Nghĩa là mọi động thái đều bị cậu ta chú ý."
"Thế thì có khác gì tù nhân đâu?"
"Tư tình với một tên có ý đồ bất chính với quốc gia không phải chuyện đáng bị bỏ tù ư? Cậu Thành ém chuyện này là muốn cứu cả nhà ta, song không phải vì thế mà lơi lỏng với Cẩm Diệp."
Văn Thuỷ thở hắt, nhập môi vào lòng chung trà vừa được tay hầu cận rót ra. Nghĩ được gì đó, Văn Thuỷ liền đứng dậy. Anh bảo: "Thôi nếu không đi xa thì đi gần vậy, để con đưa em đi dạo chứ ở nhà thế này tù túng chết."
Ông Phúc không còn cách nào khác, đành phải đồng ý.
...
Thành nhìn bức tranh vẽ một thiếu nữ ngồi tựa cửa với vẻ đăm chiêu. Trên tóc của thiếu nữ có cài một cây trâm bạc khảm ngọc xanh, ánh mắt ngập đầy ý cười. Sau chuyện vây bắt tội đồ của Đảo An Đảng không thành, tâm tình Thành như ngọn lửa ám hơi dầu, nóng nảy vô lối.
Sau khi lục soát nơi ở của Ren, Thành tìm thấy vô số tranh vẽ của tên hoạ sĩ này. Nhưng hầu hết đều chỉ vẽ một người con gái có cài trâm bạc. Nhìn qua cũng biết đó là Cẩm Diệp.
Thành gõ những ngón tay dài lên mặt bàn, đứng dậy, tự mình cuộn lại bức tranh rồi dựng nó vào lục bình bên cạnh. Chẳng có gì hay ho, tranh của tên này dung tục quá! Vẽ thiếu nữ mà mắt ngập đầy tình yêu, dáng hình ẻo lả. Với lại Cẩm Diệp trong mắt anh không phải người hạnh phúc thế. Thành nhớ mỗi lần thấy cô, khuôn mặt cô chỉ ngập đầy sự đề phòng và chống đối. Cứng rắn hơn nhiều.
"Thưa cậu, bên Viện Hàn Lâm cho vời cậu vào gấp." Giọng của người hầu bên ngoài cửa kéo Thành về với thực tại.
"Chuẩn bị xe ngựa đi."
"Vâng ạ!"
Thành vào trong buồng thay quần áo, mũ mão cho cẩn thận. Lúc mặc quần áo của quan, thần thái trông có phần uy nghi hơn mặc thường phục. Không quên cầm theo bảo kiếm, Thành nhanh chóng lên ngựa vào cung.
Lúc đi qua chợ, âm thanh huyên náo khiến Thành không kìm được sự trở mình của ký ức, anh liền vén rèm nhìn ra nơi Cẩm Diệp giết tay lính tráng. Hôm ấy nàng vô cùng hoảng loạn. Khi dẫn được anh tới nơi ấy, cũng là lúc nàng quỳ phục xuống ôm lấy chân anh mà xin tha tội.
Thành hừ nhẹ, hạ rèm xuống và tự nhắc mình không nên nghĩ về Cẩm Diệp nữa. Anh đã quyết tha cho nàng thì sẽ tha cho nàng, nhưng chắc chắn sẽ không có chuyện cưới xin gì cả. Anh không phải kẻ điên khi cưới một người không yêu mình, còn chưa kể người ấy thà chết cũng không yêu mình.
Bỗng cỗ xe ngựa lồng lên khiến Thành chao đảo phải bám vào hai bên rèm. theo sau đó là những âm thanh nhốn nháo không thể xác định. Không đợi phu xe bẩm báo sự việc Thành đã mở cửa xe nhảy xuống. Bất ngờ khi ở ngay dưới móng ngựa là Cẩm Diệp với thần sắc yếu ớt, hai mắt đờ đẫn sưng húp như thể đã khóc rất nhiều. Nàng nửa nằm nửa ngồi, vô hồn chờ đợi một cái chết. Bên cạnh Cẩm Diệp còn có một người đàng ông cao và gầy, khuôn mặt có nét hao hao giống nàng.
Thành cau mày, lớn tiếng hỏi: "Có chuyện gì?"
"Bẩm cậu, tiểu thư đây đột nhiên chạy ra trước đầu xe. Thật may là tôi ghìm cương kịp lúc chứ không thì..."
Tự tử. Hai từ đó lướt qua tâm trí của Thành.
"Đứng dậy ngay đi." Thành quát. Nàng ta muốn chết thì chết, sao lại chọn xe ngựa của anh và tại sao lại đúng lúc anh có chuyện gấp phải đi?
Nghe thấy giọng của Thành, Cẩm Diệp mở bừng mắt, hốt hoảng đứng dậy. Dường như nàng không ngờ được người ngồi trong chiếc xe ngựa này là Thành.
"Ôi em ơi, sao em lại dại dột thế hả?" Văn Thuỷ sợ hãi, cố tìm cách giải nguuy. "Em mà chết thì anh với cha biết sống sao?"
"Uổng công tôi cứu mạng cô." Thành nhếch môi khinh bỉ. Sau đó anh vẩy vạt áo như muốn rũ bỏ những việc trước kia đã làm cho nàng mà quay lưng bỏ lên xe.
"Phải rồi, sao anh lại cứu mạng tôi? Tôi có cần thế đâu."
Văn Thuỷ không hiểu sao em gái mình lại nói vậy, nhưng anh vẫn bịt miệng nàng lại. Tuy chưa chào hỏi nhưng anh hoàn toàn biết người đàn ông mặc áo quan tứ phẩm đó là ai.
Thành dừng bước chân, bóng lưng thẳng thớm dưới cái nắng đầu tiên của mùa xuân. Trước lời của Cẩm Diệp, Thành chỉ bật cười. Điều ấy chẳng phải rất đáng để cười sao? Nàng ta vừa biến lòng tốt của anh thành một rào cản ngăn nàng đến cái chết.
"Để tôi toại thành cho cô." Nói rồi Thành rút kiếm kề ngang cổ Cẩm Diệp, mắt đằng đằng sát khí.
Văn Thuỳ quỳ mọp xuống, đầu dập xuống đất: "Kính mong quan trên bỏ qua cho em gái con còn trẻ người non dạ, thần trí không ổn định mà nói càn."
Đám dân vây kín đường xem cảnh tượng hay, những tiếng bàn tán nhỏ góp chung lại với nhau tạo thành một thứ tạp âm lớn. Thành hướng mắt xuống nhìn Cẩm Diệp, chờ mong sự phản kháng của nàng.
"Hôm ấy cô đã xin ta tha cho cô chứ đâu phải ta muốn thế. Giờ nghĩ thống rồi đúng không?"
Cẩm Diệp lừ mắt đáp lại. Nàng chỉ hằn học nói ra ba từ: "Giết tôi đi."
Thành nghiến răng, nắm chặt chuôi kiếm. Tất cả mọi người đều chờ đợi hành động tiếp theo của Thành, cứ như thể họ đang xem một vở tuồng đến hồi gay cấn.
Cuối cùng, Thành tra kiếm vào vỏ. Anh dửng dưng nói trước khi thật sự rời đi: "Cô không đáng."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro