Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

31

Họ bị mắc vào thế gọng kìm. Đằng sau là đoàn quân của Đức Vua đang đuổi tới, trước mặt là cơn mê sảng của Văn Thuỷ. Cơn mê sảng báo hiệu một tình hình xấu, có thể anh sẽ không qua được đêm nay. Ông Phúc vật vã bên đứa con trai, liên tục gọi tên nó với hy vọng sẽ níu giữ được hồn phách nó ở lại. Những điều mà Văn Thuỷ khẩn cầu trước kia ông đều đem ra nhắc lại, và đồng ý tất cả. Chỉ tiếc là anh không còn nghe thấy nữa, cũng không cần thiết nữa.

Cẩm Diệp cũng quỳ phục bên anh, nhẹ nhàng lau mồ hôi. Mắt nàng sưng đỏ lên vì nàng cố gắng không để mình khóc. Nàng không muốn cha thêm đau lòng. Anh trai đang trọng thương, giờ nàng là chỗ dựa duy nhất của cha, nàng phải mạnh mẽ hơn.

Đoàn quân ngồi la liệt bên ngoài cổng doanh trại, đám lính gác trên cao nhìn họ như diều hâu. Quân của Thành đã ra trận, tất cả những người ở lại đều đang chờ đợi. Nghe đâu một cửa ở bờ Nam đang lỏng lẻo, vậy nên trận chiến được gấp rút đẩy nhanh để đem quân chi viện sang bên đó.

"Anh ấy sẽ chết mất!" Mai chạy đến giục giã. Vẻ bồn chồn của nàng hiện rõ trên khuôn mặt khô nứt và lấm lem đất bụi.

"Ta không có nơi nào để đi." Cẩm Diệp giải thích.

"Có làng chài gần đây, ta tạm đưa Văn Thuỷ tới đó đã." Mai chỉ tay về những ngôi nhà lợp lá dừa đằng xa.

Cẩm Diệp nheo mắt nhìn, nàng suy nghĩ rồi gật đầu. Sau đó, nàng thuyết phục cha đưa anh vào trú nhờ một người dân. Một cuộc chiến không thể đánh mãi, nhưng họ cũng không thể chờ đợi được. Mạng sống của Văn Thuỷ là trên hết.

Vậy là đoàn quân lại dắt díu nhau đi về phía làng chài. Đám đàn ông trai tráng trong làng hầu hết đều đã theo đoàn quân của Thành ra trận, ở nhà chỉ toàn đám đàn bà con gái. Nhìn thấy đám lính đánh thuê hung hãn, họ liền đóng chặt tất cả cửa nẻo. Trong thâm tâm những người phụ nữ yếu ớt đều cho rằng mái nhà tạm bợ này có thể bảo vệ được họ.

Cẩm Diệp và Mai đi gõ cửa từng nhà, các nàng quỳ lạy và van xin đến khản giọng. Đến khi gần như chắc rằng họ sẽ không nhận được một sự giúp đỡ nào thì một cánh cửa mở ra, một đứa bé thò đầu ra ngoài và vẫy tay với họ.

Ngôi nhà không chắc chắn, nhưng có một sự che chở nhất định. Bên trong thơm mùi xào nấu, kín gió và ngăn nắp. Chỉ tiếc diện tích của nó không đủ để chứa cả một đoàn người, nên toán lính đánh thuê phải đứng chờ ở bên ngoài.

Chủ nhà là một người phụ nữ, không có ai dám hỏi tên bà. Đỉnh đầu bà hói trắng, những sợi tóc lưa thưa buộc lại bằng một dải dây gai. Người phụ nữ bẽn lẽn đem một chiếc chăn đến cho ông Phúc. Ông Phúc cúi lạy cảm ơn rồi luồn tay tặng bà một số tiền. Bà ta chỉ lẳng lặng quay khiến ông Phúc hổ thẹn.

Đứa cháu trai của bà khoảng bảy tuổi, nhanh nhạy và có đôi mắt lương thiện. Nó lấy nước cho từng người trong đoàn, luôn miệng vâng dạ lễ phép.

Sự giúp đỡ của người phụ nữ làm ông Phúc vô cùng cảm động, nhưng ông lại không biết phải đền đáp họ thế nào. Là một người có tài thương thuyết, song chỉ quen làm việc với những người cùng tầng lớp và đôi bên cùng tìm cái lợi nào đó ở nhau, nên ông sợ nếu mình cũng bày tỏ lòng cảm kích bằng vật chất với người phụ nữ này như bao người khác, thì sẽ xúc phạm đến lòng tốt thuần khiết của bà.

"Cẩm Diệp." Ông Phúc gọi.

Cẩm Diệp đi đến chờ sự sai bảo của cha.

"Chúng ta mang theo bao nhiêu tấm vải, con hãy để lại hết cho họ."

Đôi mắt Cẩm Diệp mở lớn, nhưng rồi nàng hiểu ý cha ngay và gật đầu: "Vâng ạ."

Nhìn những bộ quần áo đã sờn rách của hai bà cháu, trong lòng ông Phúc biết họ không phải người giàu có gì. Chiến sự leo thang, cướp bóc diễn ra khắp nơi lại chỉ có hai bà cháu ở nhà. Họ đã thật dũng cảm khi mở cửa đón tiếp ông nồng hậu. Những tấm vải lụa cao cấp này có thể giúp họ kiếm ra một khoản tiền. Những tấm vải bình dân thì sẽ giúp họ vượt qua được mùa đông lạnh giá.

Trời đã về chiều, những cột khói uyển chuyển bốc lên từ các mái nhà. Biển cả hoang hoải trong một màu vàng cam, đàn chim bay theo hình mũi giáo về tổ. Để lại Mai ở lại cùng cha, Cẩm Diệp bước ra ngoài đi dạo. Chìm trong ráng chiều đỏ rực, nước biển ánh lên một màu tím ma mị. Cẩm Diệp đứng nhìn về phía chân trời bằng phẳng, một nửa mặt trời dần chìm xuống biển. Lúc này nàng lại thấy nhớ kinh thành Minh Sơn thơ mộng. Trong ký ức của nàng nó thật yên bình. Thế rồi mọi chuyện bắt đầu diễn ra, nhanh đến mức còn hơn cả một cái chớp mắt. Chưa ai kịp hiểu gì thì tất cả đã bị kéo ra xa khỏi nhau.

Hồi còn nhỏ, Văn Thuỷ lúc nào cũng bảo vệ nàng. Có nhiều lúc nàng sai, nhưng anh luôn nhận lỗi trước. Anh không bao giờ hơn thua với nàng cả, luôn ủng hộ mọi quyết định và ước mơ của nàng. Ngược lại, Cẩm Diệp cũng vậy. Thầy tử vi cũng nói với cha nàng rằng: "Ông có phúc khi hai đứa con hợp mệnh nhau lại hợp cả mệnh ông." Gia đình hoà thuận là một điều may mắn. Song ngẫu nhiên là một rủi ro của số phận. Chẳng ai biết chuyện gì sẽ xảy đến.

Cứ đi dạo như vậy, chẳng mấy chốc trời đã chuyển tối. Từ mấy ngôi nhà, ánh đèn hắt ra như mấy thanh gươm ánh sáng. Cẩm Diệp bước lên chúng, rồi dừng lại trước cửa một ngôi nhà có tiếng khóc trẻ em. Nó làm nàng xao lãng, ngẫm nghĩ về cái vĩ đại của cuộc sống. Làm sao mà một con người từng chỉ biết khóc lại có thể biết nói, biết cất lời ca, biết làm tất cả những điều lớn lao? Văn Thuỷ đã từng nói, anh thích ra ngoài ngao du để khám phá. Nàng không hiểu có gì hay ho ở những nơi xa, nhưng giờ thì nàng đã biết. Nó không dừng lại ở hai từ "hay ho". Nó là một bài học vô biên, vô thường.

Chính ra, Văn Thuỷ hợp làm một nghệ sĩ hơn nàng. Tâm hồn anh rộng mở và không nặng nề. Những bước chân của anh không bao giờ dừng lại, mắt luôn đói cảnh đẹp và trái tim lúc nào cũng nồng nhiệt kết nhận cái mới.

Cẩm Diệp không phát hiện ra mình đã khóc, nàng vô thức lên lau nước mắt rồi lại bước đi. Sau đó nàng ngồi xuống một bãi cát, cụp mi mắt, lắng nghe biển hát bằng những con sóng.

Trong lúc ấy, nàng chợt nảy ra một ý định!

"Cẩm Diệp!" Tiếng của Mai vang lên ngay sau lưng.

Cẩm Diệp quay lại nhìn người con gái từng xinh đẹp trong bộ váy đỏ, chơi đàn dưới trời đêm hoa gió ngày nào.

"Về thôi, Văn Thuỷ muốn gặp cô." Giọng của Mai phát ra nhẹ bẫng, cứ như thể cô đã giữ lại hết những nặng nề trong lòng.

Cẩm Diệp hít một hơi thật sâu, nàng hỏi: "Đến lúc rồi sao?"

"Có lẽ vậy."

Hai người sánh bước trở lại ngôi nhà, nơi Văn Thuỷ đang nằm. Anh giờ như một đám lá cây mục bị người ta gom lại một chỗ, da thịt xơ xác và bủng beo. Hai hốc mắt anh như hai cái hố, hun hút đầy chết chóc. Đôi môi anh khô toác, ở kẽ mỗi vết nứt là máu đã khô lại.

Cẩm Diệp quỳ bên giường, cầm lấy tay rồi ghé sát tai anh trai thầm thì: "Anh ơi, em đây."

Văn Thuỷ cố quay đầu, nhưng dù anh cảm thấy mình đã dịch chuyển tựa cả một càn khôn thì sự thật, chỉ là một cái nhích nhẹ cằm. Anh khục khặc những tiếng không ai nghe thấy được.

Cẩm Diệp đưa tai mình vào sát môi Văn Thuỷ để lắng nghe lời trăng trối của anh.

"Chăm sóc cho cha." Văn Thuỷ hổn hển.

"Vâng, anh còn tâm nguyện nào muốn em làm nữa không?"

"Thành... là người tốt."

Cẩm Diệp im lặng, nuốt vào những lời định nói.

Văn Thuỷ lại nhích cằm như thể muốn nói với một người khác.

Ông Phúc đẩy nhẹ Mai: "Cô đến đi."

Dùng tay che miệng, Mai sợ mình sẽ khóc. Trái tim nàng giờ mỏng manh như thuỷ tinh, mới đây thôi mà giờ đã đến lúc biệt ly. Nàng choáng váng chưa thể chấp nhận được sự thật tàn nhẫn này. Mai gục xuống hõm vai Văn Thuỷ, nói nhỏ: "Văn Thuỷ, tôi là Mai."

Văn Thuỷ nở một nụ cười: "Tôi không muốn..."

"Anh không muốn gì?"

"...lấy em nữa."

Một sự im lặng kéo dài, tưởng như mãi mãi. Nước mắt Mai rơi xuống, cuối cùng thì nàng đã khóc thành tiếng. Tận cuối cùng, anh vẫn muốn giải thoát cho cuộc đời của nàng.

Văn Thuỷ nói tiếp: "Cha tôi đã hứa sẽ không đuổi em. Đừng lo."

Mai nhìn xuống bàn tay Văn Thuỷ đang chạm đến tay mình, không còn ngần ngại gì nữa, nàng nắm chặt lấy bàn tay ấy. Trong lúc ấy, Mai hy vọng sẽ có kiếp sau. Vì chỉ có kiếp sau thì nàng mới có cơ hội báo đáp lại tấm chân tình trong kiếp này của anh.

Văn Thuỷ há miệng đớp một hơi cuối, nhưng anh không thở ra mà chỉ chảy một giọt nước mắt. Sự sống theo đó mà trôi ra, thấm vào giường chiếu xa lạ. Anh sinh ra là một công tử quyền quý, nhưng mang cung Thiên Di. Anh sẽ không bao giờ yên ổn ở một chỗ mà sống đời lang bạt, tứ hải giai huynh đệ, bốn bể là nhà... Đến tận lúc chết đi.

Ông Phúc cúi đầu, thở dài bất lực. Trước sự sống vô thường, cái chết dứt khoát, dù là ai cũng phải xuôi thuận. Ông không nói được gì cả, chỉ loạng choạng đứng dậy rồi rời đi.

Cẩm Diệp chỉ nhìn mà không đuổi theo cha. Nàng biết ông đang đau khổ vì sự mất mát lớn lao này. Nàng sẽ để ông có một khoảng riêng tư với đau buồn. Về phần mất mát của mình thì Cẩm Diệp phải nén lại. Nàng phải mạnh mẽ! Nàng đã hứa với anh sẽ thay anh chăm sóc cha.

Cẩm Diệp chạy ra ngoài và nhờ một người đàn ông trong đội lính đánh thuê giúp kéo căng đôi chân cứng dại của anh trai, chỉnh lại dáng nằm để anh có được vẻ đạo mạo như hồi còn sống. Nàng dùng đồ trang điểm của mình dặm phấn cho anh. Sau đó nàng xin người đàn bà một ít gạo, muối để nhét vào miệng anh cùng đống nữ trang quý giá của mình. Tìm một tấm vải quý giá nhất để bao bọc cơ thể cho Văn Thuỷ... Tất cả thủ tục đều được Cẩm Diệp làm việc đâu ra đó, nhưng không ai biết lòng nàng đang nứt toác ra. Nếu nàng ngừng lại một việc nào thì nàng sẽ ngã xuống những kẽ nứt ấy.

Người dân làng chài quan niệm khi chết đi, nếu được thả xuống biển thì sẽ có được cuộc sống vĩnh hằng. Thuỷ Thần sẽ giang tay đón những ai đến với ngài. Không kể giàu sang, hèn khó, tốt, xấu.

Sau một đêm tiễn đưa, xác của Văn Thuỷ được thả xuống biển. Anh sẽ về với Thuỷ Thần.

Xác của anh được đặt trong một cái hòm gỗ sơ sài, nhét đầy đá bên trong. Những người lính đánh thuê dùng một con thuyền độc mộc mang theo cái quan tài nặng nề đó ra thật xa bờ, rồi đẩy nhẹ xuống. Mai, Cẩm Diệp, ông Phúc đứng lại trên bờ do không có thuyền. Mắt họ dõi theo mãi, đến mức bóng nắng chói chang in trên mặt nước làm vào mắt họ đau nhói.

Đó là tâm nguyện mà Văn Thuỷ đã cầu xin cha khi Mai và Cẩm Diệp không ở đó. Anh nói rằng anh không muốn mắc kẹt dưới lòng đất tăm tối, hãy để da thịt anh tan ra trong lòng đại dương, theo dòng hải lưu đi khắp nơi. Hãy để anh hoá thành những cơn sóng vỗ bờ rồi lại rút đi. Hãy để anh được sống lại theo cách của riêng anh.

Trong lúc mắt vẫn dõi đăm đăm về phía chiếc thuyền đang lênh đênh xa dần, thì những ký ức về Văn Thuỷ lại như lội ngược dòng ùa về trong tâm trí ông Phúc. Tiếng khóc chào đời của nó, những bước đi chập chững trước hiên nhà, nụ cười khanh khách trong xưởng vải, câu hỏi mang đầy tính tò mò: "Cha ơi đây là đâu?" của nó. Ông Phúc nhớ đó là lần đầu tiên Văn Thuỷ nhìn thấy tấm bản đồ trong phòng làm việc của ông. Cậu con trai trắng trẻo với đôi mắt luôn đòi hỏi câu trả lời liên tục chỉ tay vào một vùng đất trên tấm bản đồ da thuộc. Còn ông lúc ấy chắc chỉ hơn tuổi con ông bây giờ một chút, chưa từng đi đâu quá xa và quá lâu. Vậy nên vùng đất mà con trai ông chỉ, chính ông cũng muốn biết tên.

"Hãy đến những nơi mà con muốn đi." Ông Phúc nói khẽ, hai bàn tay nắm chặt lại.

Cẩm Diệp nhìn cha, nàng vòng tay ôm vai cha, cố gắng truyền cho ông hơi ấm. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro